Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:31:29 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14477 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2020, 10:19:13 am »


        Hình 35 là một mô hình máy mã với hai đĩa mã hóa. Vì rất khó vẽ đĩa mã hóa ba chiều với các đường nối dây ba chiều bên trong nên Hình 35 chỉ trình bày biểu diễn ở không gian hai chiều. Mỗi lần một chữ cái được mã hóa, đĩa mã hóa thứ nhất quay đi một vị trí hay trong sơ đồ không gian hai chiều, mỗi dây dẫn dịch xuống một vị trí. Ngược lại, đĩa mã hóa thứ hai vẫn đứng yên hầu hết thời gian. Nó chỉ quay sau khi đĩa thứ nhất đã hoàn tất một vòng. Đĩa thứ nhất được gắn một cái răng và chỉ khi cái răng này chạm tới một điểm nhất định, nó sẽ đẩy đĩa mã hóa thứ hai tiến một vị trí.

        Trong Hình 35(a), đĩa mã hóa thứ nhất đang ở vị trí chuẩn bị đẩy đĩa mã hóa thứ hai dịch chuyển. Việc đánh vào và mã hóa một chữ cái sẽ làm dịch chuyển các đĩa mã hóa đến cấu hình như trên Hình 35(b), trong đó đĩa mã hóa thứ nhất đã dịch đi một vị trí và đĩa mã hóa thứ hai cũng bị đẩy đi một vị trí. Việc đánh vào và mã hóa một chữ cái khác làm dịch đĩa mã hóa thứ nhất đi một vị trí, Hình 35(c), nhưng lần này thì đĩa mã hóa thứ hai vẫn đứng yên. Đĩa mã hóa thứ hai sẽ không dịch chuyển cho đến khi đĩa mã hóa thứ nhất hoàn tất một vòng quay, tức là sau năm lần mã hóa nữa. Sự vận hành như thế này cũng tương tự như đồng hồ đo quãng đường ở xe hơi - rôto hiển thị số dặm hàng đơn vị thì quay rất nhanh và khi nó quay một vòng đạt đến số “9”, nó sẽ đẩy rôto hiển thị số dặm hàng chục quay đi một vị trí.

        Lợi thế của việc bổ sung thêm một đĩa mã hóa là cách mã hóa sẽ không lặp lại cho đến khi đĩa mã hóa thứ hai trở lại vị trí ban đầu của nó, tức là sau sáu vòng quay của đĩa thứ nhất, hay sau khi 6*6 = 36 chữ cái được mã hóa. Nói cách khác, có 36 cách kết hợp khác nhau của hai đĩa mã hóa, tương đương với việc chuyển đổi giữa 36 bảng chữ cái mật mã. Với bảng chữ cái đầy đủ gồm 26 chữ cái thì máy mã hóa sẽ chuyển đổi giữa 26 * 26 = 676 bảng chữ cái mật mã. Như vậy bằng cách kết hợp các đĩa mã hóa (đôi khi còn gọi là rôto), có thể tạo ra một máy mã hóa chuyển đổi liên tục giữa các bảng chữ cái khác nhau.

        Người mã hóa đánh vào một chữ cái nào đó và tùy thuộc vào sự sắp đặt của hai đĩa mã hóa, nó có thể được mã hóa theo một trong hàng trăm bảng chữ cái mật mã. Sau đó, sự sắp đặt này lại thay đổi, vì vậy khi chữ cái thứ hai được đánh vào máy thì nó lại được mã hóa theo một bảng chữ cái mật mã khác. Hơn nữa, tất cả những điều đó được thực hiện với hiệu quả cao và rất chính xác, nhờ sự chuyển động tự động của đĩa mã hóa và tốc độ của dòng điện.

        Hình 35 Nhờ có thêm đĩa mã hóa thứ hai, hình mẫu mã hóa không lặp lại cho đến khi 36 chữ cái được mã hóa, tại đó cả hai đĩa mã hóa đều trở về vị trí ban đầu. Để đơn giản hóa sơ đồ, hai đĩa mã hóa được biểu diễn ở không gian hai chiều; thay vì quay đi một vị trí, các đường nối dây sẽ dịch xuống một vị trí. Nếu một dây dẫn xuất phát từ đỉnh hay đáy của một đĩa mã hóa thì đường đi của nó sẽ được nối tiếp vào dây dẫn tương ứng ở đáy hay đỉnh của chính đĩa mã hóa đó. Ở (a), b được mã hóa thành D. Sau khi mã hóa, đĩa mã hóa thứ nhất quay đi một vị trí, đồng thời đẩy đĩa mã hóa thứ hai quay đi một vị trí - điều này chỉ xảy ra duy nhất một lần trong suốt một vòng quay của đĩa thứ nhất. Vị trí mới này được biểu thị ở (b), trong đó b được mã hóa thành F. Sau khi mã hóa, đĩa thứ nhất quay một vị trí nhưng lần này đĩa thứ hai vẫn đứng yên. Vị trí mới này được thể hiện ở (c), trong đó b được mã hóa thành B.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2020, 02:02:46 pm »

 
        Trước khi giải thích chi tiết Scherbius dự định sử dụng máy mã hóa của mình như thế nào, cần phải mô tả thêm hai yếu tố nữa trong máy Enigma, được trình bày ở Hình 36. Trước hết, máy mã hóa chuẩn của Scherbius còn sử dụng thêm một đĩa mã hóa thứ ba để tăng thêm độ phức tạp - đối với một bảng chữ cái đầy đủ thì ba đĩa mã hóa này sẽ cho 26*26*26 = 17.576 cách sắp đặt khác nhau giữa ba đĩa mã hóa. Thứ hai là, Scherbius bổ sung thêm một bộ phận gọi là đĩa phản xạ (reflector). Đĩa phản xạ phần nào cũng giống như đĩa mã hóa, ở chỗ nó cũng là một đĩa cao su với rất nhiều đường nối dây bên trong, song khác ở chỗ là nó không quay và các dây dẫn đi vào và sau đó đi ra từ cùng một phía. Với việc lắp đặt thêm đĩa phản xạ, khi nhân viên mã hóa đánh vào một chữ cái, nó sẽ gửi đi một tín hiệu điện qua ba đĩa mã hóa. Khi đĩa phản xạ nhận được tín hiệu tới, nó sẽ gửi trở lại qua ba đĩa mã hóa ban đầu nhưng bằng con đường khác. Chẳng hạn, với cách sắp đặt như Hình 36, khi đánh chữ cái b sẽ gửi một tín hiệu qua ba đĩa mã hóa và đi vào đĩa phản xạ, tại đây tín hiệu sẽ truyền trở lại qua các dây dẫn đến chữ cái D. Thực tế thì tín hiệu không đi qua bàn phím như chúng ta có cảm tưởng như thế khi nhìn Hình 36, mà nó dẫn thẳng tới bảng đèn. Thoạt trông thì đĩa phản xạ dường như thêm vào máy cũng chẳng có ích lợi gì, vì bản chất cố định của nó đồng nghĩa với việc nó không bổ sung thêm số bảng chữ cái mật mã nào. Tuy nhiên, lợi ích của nó sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta xem máy thực sự được sử dụng để mã hóa và giải mã thông tin như thế nào.

Hình 36 Thiết kế của Ener Schiusbius với Enigma bao gồm một đĩa mã hóa thứ ba và một gương phản xạ gửi dòng điện trở lại thông qua các đĩa mã hóa. Trong cài đặt cụ thể này, gõ b cuối cùng sẽ chiếu sáng D trên bảng đèn, được hiển thị ở đây liền kề với bàn phím.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2020, 02:04:07 pm »


        Một người muốn gửi đi một bức thư bí mật. Trước khi việc mã hóa bắt đầu, người này phải quay các đĩa mã hóa đến một vị trí khởi động nhất định. Có 17.576 cách sắp đặt có thể và vì vậy có 17.576 vị trí xuất phát khả dĩ. Sự thiết đặt ban đầu các đĩa mã hóa sẽ quyết định bức thư sẽ được mã hóa như thế nào. Chúng ta có thể hình dung máy Enigma qua hệ thống mã hóa tổng quát, và cách sắp đặt ban đầu sẽ quyết định các chi tiết chính xác của việc mã hóa. Nói cách khác, cách sắp đặt đầu tiên sẽ cung cấp cho ta khóa mã. Cách sắp đặt đầu tiên thường được quy định từ sổ mã, trong đó liệt kê khóa mã cho mỗi ngày và luôn có sẵn cho tất cả những ai tham gia vào hệ thống thông tin liên lạc. Việc phân phối sổ mã đòi hỏi phải có thời gian và sức lực, song vì chỉ có một khóa mã dùng cho một ngày nên có thể chỉ cần gửi đi một sổ mã có chứa 28 khóa mã, bốn tuần một lần. Đem so sánh, nếu quân đội sử dụng mật mã sổ tay dùng một lần thì cứ mỗi bức thư lại cần một khóa mã mới, vì vậy việc phân phối khóa mã sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Một khi các đĩa mã hóa được thiết đặt theo yêu cầu hằng ngày trong sổ mã, người gửi có thể bắt đầu tiến hành mã hóa. Người này đánh vào chữ cái đầu tiên của bức thư, xem chữ cái nào xuất hiện trên bảng đèn và ghi lại nó, đó chính là chữ cái đầu tiên trong văn bản mật mã. Sau đó, đĩa mã hóa thứ nhất tự động quay đi một vị trí, người gửi đánh vào chữ cái thứ hai và tiếp tục như vậy. Khi anh ta đã hoàn thành xong văn bản mật mã, chuyển nó cho điện báo viên và người này sẽ truyền bức thư đến người nhận định trước.

        Để giải mã bức thư, người nhận cần phải có máy Enigma và một bản sổ mã có chứa cách sắp đặt đầu tiên cho ngày hôm đó. Anh ta đặt máy theo sổ mã, đánh vào từng chữ cái mật mã và bảng đèn sẽ hiển thị chữ cái thường. Nói cách khác, người gửi đánh vào chữ cái thường để tạo ra chữ cái mật mã, còn người nhận đánh vào chữ cái mật mã để ra chữ cái thường - văn bản mật mã và văn bản giải mã như là một quá trình phản chiếu qua gương. Sự đơn giản trong việc giải mã chính là nhờ ở đĩa phản xạ. Từ Hình 36, ta có thể thấy nếu chúng ta đánh vào chữ b và theo đường dẫn, chúng ta trở lại chữ D. Tương tự, nếu ta đánh vào chữ d và theo đường dẫn, thì chúng ta trở lại chữ B. Máy mã hóa chữ cái thường thành chữ cái mật mã và chừng nào máy vẫn thiết đặt ở chế độ như nhau thì nó sẽ chuyển chữ cái mật mã đó trở lại thành chữ cái thường tương ứng.

        Hiển nhiên là khóa mã, và sổ mã có chứa khóa đó, không bao giờ được để lọt vào tay kẻ thù. Hoàn toàn có khả năng là kẻ thù bắt được một chiếc máy Enigma song khi không biết cách sắp đặt đầu tiên được sử dụng để mã hóa thì họ không thể giải mã bức thư bắt được một cách dễ dàng. Không có sổ mã, những nhà giải mã của đối phương phải sử dụng biện pháp là thử tất cả các khóa mã có thể, tức là thử tất cả 17.576 cách sắp đặt đầu tiên khả dĩ. Nhà giải mã tuyệt vọng này sẽ thử đặt máy Enigma họ bắt được ở một vị trí nào đó, đánh vào một đoạn ngắn của văn bản mật mã và xem thử các chữ cái hiện ra có mang ý nghĩa nào đó không. Nếu không, anh ta sẽ thay đổi cách sắp đặt khác và thử lại lần nữa. Nếu để thử một cách sắp đặt mất một phút và làm việc cả ngày lẫn đêm thì sẽ phải mất khoảng hai tuần mới thử hết tất cả các cách sắp đặt. Đây mới chỉ là mức độ an toàn trung bình, song nếu đối phương cử mười hai người làm nhiệm vụ này thì tất cả các cách sắp đặt có thể thử trong vòng một ngày. Vì vậy, Scherbius quyết định cải thiện mức độ an toàn cho phát minh của mình bằng cách tăng thêm số cách sắp đặt ban đầu và nhờ đó làm tăng số khóa mã tiềm năng.

        Ông đã làm tăng độ an toàn bằng cách bổ sung thêm đĩa mã hóa (mỗi đĩa mã hóa sẽ làm tăng số khóa mã lên 26 lần), nhưng như thế thì sẽ làm cho máy Enigma trở nên quá cồng kềnh. Thay vì làm vậy, ông bổ sung thêm hai đặc điểm khác nữa. Một là chỉ đơn giản làm cho các đĩa mã hóa có thể di chuyển được và có thể đổi chỗ cho nhau. Như vậy thì, chẳng hạn, đĩa thứ nhất có thể di chuyển tới vị trí thứ ba và đĩa thứ ba chuyển đến vị trí thứ nhất. Sự sắp xếp của các đĩa mã hóa có ảnh hưởng tới việc mã hóa nên vị trí chính xác là rất quan trọng đối với việc mã hóa và giải mã. Có sáu cách sắp xếp khác nhau giữa ba đĩa mã hóa và đặc điểm này làm tăng số khóa mã, hay số các cách sắp đặt ban đầu lên sáu lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2020, 02:05:15 pm »


        Đặc điểm mới thứ hai được thêm vào là một bảng ổ nối nằm giữa bàn phím và đĩa mã hóa thứ nhất. Bảng ổ nối cho phép người gửi nối thêm vào các dây cáp có tác dụng hoán đổi một số chữ cái trước khi đi qua đĩa mã hóa. Ví dụ, một dây cáp có thể được sử dụng để nối ổ a với b trên bảng ổ nối, nhờ vậy khi người mã hóa muốn mã hóa chữ cái b, tín hiệu điện sẽ đi theo con đường đến các đĩa mã hóa mà lẽ ra là đường đi của chữ cái a và ngược lại. Người sử dụng Enigma có sáu dây cáp, tức là có sáu cặp chữ cái có thể được hoán đổi, còn lại mười bốn chữ cái không được nối và không hoán đổi được cho nhau. Các chữ cái được hoán đổi bằng bảng ổ nối là một phần của sự sắp đặt ban đầu của máy và vì vậy phải được ghi trong sổ mã. Hình 37 cho thấy sự bố trí của máy có cả bảng ổ nối. Vì sơ đồ chỉ xử lý bảng chữ cái gồm sáu chữ cái nên chỉ có một cặp chữ cái là a và b đã được hoán đổi.

        Còn có một đặc điểm nữa trong thiết kế của Scherbius, được gọi là vòng (ring) mà ta còn chưa đề cập đến. Mặc dù vòng cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc mã hóa, song nó là một bộ phận ít quan trọng nhất trong cả cỗ máy Enigma, nên tôi quyết định bỏ qua vì mục đích của phần này. (Bạn đọc nào muốn biết về vai trò chính xác của vòng có thể tham khảo một số cuốn sách trong danh mục sách cần đọc thêm, chẳng hạn như cuốn Tìm hiểu Enigma của David Kahn. Danh mục này cũng giới thiệu hai trang Web có chứa những mô hình Enigma rất tuyệt để bạn có thể thử vận hành một máy Enigma thực thụ).

        Giờ thì chúng ta đã biết tất cả những bộ phận chính của máy Enigma của Scherbius. Có thể tính ra số khóa mã bằng cách tổ hợp số các dây cáp trên bảng ổ nối với số cách sắp đặt và định hướng của các đĩa mã hóa. Danh sách dưới đây cho thấy mỗi biến số của máy và số các khả năng tương ứng với mỗi biến số đó:

Hình 37 Bảng ổ nối nằm giữa bàn phím và đĩa mã hóa thứ nhất. Bằng cách nối các dây cáp, nó có thể hoán đổi một cặp chữ cái, nhờ vậy, ở ví dụ này, b được hoán đổi với a. Giờ, b được mã hóa theo con đường mà trước đó dùng để mã hóa a. Trong máy Enigma thực sự với 26 chữ cái, người ta sử dụng sáu dây cáp để hoán đổi sáu cặp chữ cái.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2020, 02:06:58 pm »

   
        Định hướng của đĩa mã hóa. Mỗi đĩa trong ba đĩa mã hóa có thể được đặt ở một trong 26 định hướng. Như vậy sẽ có 26 X 26 X 26 cách sắp đặt: 17,576

        Định hướng của đĩa mã hóa. Ba đĩa mã hóa (1, 2 và 3) có thể sắp đặt theo một trong sáu trật tự sau: 123, 132, 213, 231, 312, 321.

        Bảng ổ nối. Số cách kết nối để hoán đổi 6 cặp chữ cái trong số 26 chữ cái là cực kỳ lớn: 100,391,791,500

        Tổng cộng. Số khóa mã là tích của ba số trên: 17,576 * 6 * 100,391,791,500 ≈ 10,000,000,000,000,000

        Chừng nào người gửi và người nhận đã thỏa thuận với nhau về cách nối cáp trong bảng ổ nối, về trật tự các đĩa mã hóa và sự định hướng tương ứng của chúng, tức là tất cả các thông số xác định khóa mã, thì họ có thể mã hóa và giải mã một cách dễ dàng. Tuy nhiên, với đối phương không biết khóa mã, họ sẽ phải thử từng khóa mã khả dĩ trong số 10.000.000.000.000.000 để giải mã. Để dễ hình dung, một nhà giải mã kiên trì nhất, có thể thử mỗi một khả năng trong một phút, sẽ phải mất khoảng thời gian dài hơn cả tuổi của vũ trụ để thử tất cả các khả năng. (Vì tôi đã bỏ qua tác dụng của các vòng trong những tính toán ở trên, chứ thực ra số khóa mã có thể thậm chí còn lớn hơn và thời gian hóa giải Enigma cũng sẽ lâu hơn).

        Vì cho đến lúc này, đóng góp vào số khóa mã lớn nhất là từ bảng ổ nối, nên bạn có thể ngạc nhiên tự hỏi tại sao Scherbius lại vẫn cứ băn khoăn trăn trở với các đĩa mã hóa. Đứng riêng một mình, bảng ổ nối chỉ cung cấp một mật mã tầm thường, không hơn gì mật mã thay thế dùng một bảng chữ cái, hoán đổi chỉ trong vòng 12 chữ cái. vấn đề đặt ra với bảng ổ nối, đó là sự hoán đổi sẽ không thay đổi một khi việc mã hóa được bắt đầu, vì đứng riêng ra, nó chỉ tạo ra một văn bản mật mã dễ dàng giải mã được bằng phương pháp phân tích tần suất. Các đĩa mã hóa đóng góp số lượng khóa mã ít hơn, song sự sắp đặt của nó thay đổi liên tục, đồng nghĩa với việc văn bản mật mã thu được không thể hóa giải bằng kỹ thuật phân tích tần suất. Bằng cách kết hợp các đĩa mã hóa với bảng ổ nối, Scherbius đã làm cho máy của mình chống lại được phép phân tích tần suất, và đồng thời cũng mang lại cho nó một số lượng khóa mã khổng lồ.

        Scherbius đã nhận được bằng phát minh sáng chế vào năm 1918. Máy mã hóa của ông được đựng trong hộp nhỏ với kích thước chỉ cỡ 34 X 28 X 15 cm, song lại nặng tới 12 kg. Hình 39 là một chiếc máy Enigma với nắp ngoài mở, sẵn sàng để sử dụng. Ta có thể nhìn thấy bàn phím dùng để đánh vào các chữ cái của văn bản thường và bên trên nó là bảng đèn nơi hiện lên các chữ cái mật mã. Phía dưới bàn phím là bảng ổ nối; có hơn sáu cặp chữ cái được hoán đổi nhờ bảng ổ nối này, vì máy Enigma này là thế hệ sau, đã được cải tiến đôi chút so với thiết kế ban đầu mà tôi vừa mô tả ở trên. Hình 40 là một máy Enigma với nắp bên trong mở, để lộ thêm các chi tiết mà đặc biệt là ba đĩa mã hóa.

        Scherbius tin rằng máy Enigma là không thể bị đánh bại và sức mạnh mã hóa của nó sẽ tạo ra sức tiêu thụ rất lớn. Ông đã thử tiếp thị Enigma đến cả cộng đồng doanh nghiệp lẫn quân đội, với thiết kế thích hợp cho mỗi đối tượng. Chẳng hạn, ông đã giới thiệu hệ máy Enigma cơ bản cho giới doanh nghiệp, còn phiên bản ngoại giao sang trọng cho Bộ Ngoại giao còn kèm thêm cả một máy in chứ không phải là bảng đèn. Giá cả của mỗi máy tương đương với khoảng 30.000 đôla theo mức giá hiện nay.

        Thật không may là giá quá cao của máy đã làm e ngại nhiều khách hàng tiềm năng. Giới kinh doanh thì cho rằng họ không đủ tiền bạc để trang trải cho sự an toàn của Enigma, còn Scherbius thì cho rằng họ không có đủ tiền bạc là do không có nó. Ông đưa ra lý lẽ rằng một bức thư quan trọng sống còn bị bắt được bởi đối thủ cạnh tranh có khi còn làm cho công ty mất cả cơ nghiệp, nhưng chẳng mấy doanh nhân đếm xỉa tới lời ông nói. Quân đội Đức cũng không mấy mặn mà, vì họ đã lãng quên những thiệt hại do mật mã không an toàn của mình gây ra trong Thế chiến Thứ nhất. Chẳng hạn, họ đã bị lừa để tin rằng bức điện tín Zimmermann đã bị điệp viên Mỹ đánh cắp ở Mexico và vì vậy họ cho rằng sai lầm là ở chỗ an ninh của Mexico. Họ vẫn không hề ý thức được rằng bức điện trong thực tế đã bị Anh chặn bắt được và giải mã, và rằng sự thất bại của Zimmermann chính là sự thất bại của mật mã Đức.

Hình 38 Arthur Scherbius.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2020, 02:09:37 pm »

       
        Tuy nhiên, không chỉ một mình Scherbius phải chịu sự vỡ mộng một cách đơn độc. Ba nhà phát minh độc lập ở ba nước khác cũng gần như đồng thời nảy ra ý tưởng về một máy mật mã dựa trên các đĩa mã hóa quay. Tại Hà Lan năm 1919, Alexander Koch đã được cấp bằng phát minh số 10.700, song ông cũng thất bại trong việc thương mại hóa phát minh của mình và cuối cùng đã bán bản quyền vào năm 1927. Tại Thụy Điển, Arvid Damm cũng nhận bằng phát minh tương tự, nhưng cho đến tận khi qua đời vào năm 1927 ông vẫn không sao tìm được thị trường. Tại Mỹ, nhà phát minh Edward Hebern cũng đã rất tin tưởng vào phát minh của mình, được gọi là Nhân sư Vô tuyến, nhưng thất bại của ông lại là nặng nề nhất.

        Vào giữa những năm 1920, Hebern bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá 380.000 đôla, song không may cho ông, lúc đó là thời kỳ Mỹ đang chuyển đổi từ trạng thái đa nghi sang cởi mở. Thập kỷ trước, do hậu quả của Thế chiến Thứ nhất, Chính phủ Hoa Kỳ đã lập ra Phòng Đen, một cơ quan mật mã rất hiệu quả với đội ngũ nhân viên gồm hai mươi nhà giải mã, dưới sự lãnh đạo của một người đàn ông xuất sắc nhưng hơi phô trương tên là Herbert Yardley. Sau này, Yardley đã từng viết “Phòng Đen, được khóa chặt, kín đáo, được bảo vệ chặt chẽ, nhưng nhìn và nghe thấy hết. Mặc dù những tấm màn được kéo kín và các cửa sổ được che rèm rất dày song tai mắt tầm xa của nó có thể xâm nhập vào những căn phòng họp bí mật ở Washington, Tokyo, London, Paris, Geneva, Rôma. Những đôi tai nhạy cảm của nó có thể bắt được những tiếng thì thầm yếu ớt nhất ở thủ đô các nước trên thế giới.” Phòng Đen của Mỹ đã xử lý 45.000 bức điện mã hóa trong một thập kỷ, song cho đến khi Hebem xây dựng nhà máy của mình thì Herbert Hoover trúng cử Tổng thống và mong muốn mở ra một thời đại mới của lòng tin trong các vấn đề quốc tế. Ồng đã xóa bỏ Phòng Đen và Ngoại trưởng của ông, Henry Stimson, tuyên bố “Người lịch sự không đọc thư từ của người khác”. Nếu một quốc gia cho rằng đọc thư của người khác là sai thì nó cũng bắt đầu tin ràng người khác không đọc thư từ của chính nó, và vì vậy không thấy cần thiết phải quan tâm đến các máy mật mã. Hebem chỉ bán được có 12 máy với tổng số tiền khoảng 1.200 đôla và năm 1926, ông đã bị đưa ra tòa vì không thanh toán sòng phẳng cho các cổ đông và bị tuyên phạt   theo Luật Chứng khoán Công ty của bang California.

Hình 39 Máy Enigma quân sự sẵn sàng hoạt động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2020, 11:46:01 am »


        Tuy nhiên, may mắn thay cho Scherbius, giới quân sự Đức cuối cùng đã bị buộc phải đánh giá lại giá trị của máy Enigma, nhờ các tài liệu của hai nguời Anh. Một là cuốn Khủng hoảng Thế giới của Winston Churchill xuất bản năm 1923, trong đó có đề cập đến việc người Anh đã tiếp cận được với tài liệu mã hóa của người Đức như thế nào:

        Vào đầu tháng Chín năm 1914, một chiến hạm hạng nhẹ của Đức tên là Magdeburg, bị đắm ở vùng biển Baltic. Xác của một hạ sĩ quan Đức bị chết đuối đã được người Nga vớt lên sau đó vài giờ và trong ngực ông ta được giữ chặt bởi cánh tay đã chết cứng là cuốn sách tín hiệu và mật mã của hải quân Đức và các tấm bản đồ Biển Bắc và Vịnh Heligoland được kẻ ô vuông rất chi tiết. Ngày 6 tháng Chín, Tùy viên Hải quân Nga đã đến gặp tôi. Ồng ta đã nhận được một bức thư từ Petrograd kể về những gì đã xảy ra và Bộ Hải quân Nga với sự hỗ trợ của các cuốn sách tín hiệu và mật mã thu được có thể giải mã được ít nhất là các thư từ của Hải quân Đức. Người Nga thấy rằng với vai trò dẫn đầu về sức mạnh hải quân, Bộ Hải quân Anh cần có các cuốn sách và bản đồ đó. Nếu chúng tôi gửi công hàm tới cho Alexandrov thì các sĩ quan Nga chịu trách nhiệm về những cuốn sách này sẽ gửi chúng đến Anh.

        Tài liệu này đã giúp các nhà giải mã của Phòng 40 hóa giải được các bức thư mã hóa một cách thông thường của quân Đức. Cuối cùng, gần một thập kỷ sau, người Đức mới ý thức được sự thất bại đó trong an ninh thông tin liên lạc của mình. Cũng vào năm 1923, Hải quân Hoàng gia Anh đã công bố lịch sử chính thức của họ trong Thế chiến Thứ nhất, trong đó có nhắc lại sự thật về việc chặn bắt và giải mã thông tin của quân Đức đã mang lại một lợi thế rõ ràng cho quân Đồng minh. Thành tựu đáng tự hào này của Tình báo Anh là một sự phán xét không thể chối cãi đối với những người chịu trách nhiệm về an ninh Đức, những người sau đó đã phải thừa nhận trong báo cáo của mình rằng “Chỉ huy hạm đội Đức, mà thư từ qua sóng vô tuyến của họ đã bị quân Anh bắt được và giải mã, đã chơi một ván bài ngửa với chỉ huy hải quân Anh.” Giới quân sự Đức buộc phải đòi hỏi làm thế nào đó để tránh không lặp lại thất bại thảm hại trong lĩnh vực mật mã như trong Thế chiến Thứ nhất và đã đưa ra kết luận rằng máy Enigma là lựa chọn tốt nhất. Vào năm 1925, Scherbius bắt đầu cho sản xuất hàng loạt máy Enigma để đưa ra phục vụ cho quân đội vào năm sau và tiếp đó nó được chính phủ và một số tổ chức nhà nước, như các công ty hỏa xa sử dụng. Những máy Enigma này khác với một số máy mà Scherbius trước đây đã bán cho các doanh nghiệp, vì các đĩa mã hóa có những đường nối dây khác ở bên trong. Vì vậy mà những người có máy Enigma thương mại không biết được đầy đủ về những máy dùng cho quân đội và cho chính phủ.

        Trong hai thập kỷ sau đó, quân đội Đức đã mua 30.000 máy Enigma. Phát minh của Scherbius đã cung cấp cho quân đội Đức một hệ thống mã hóa an toàn nhất thế giới và khi nổ ra Thế chiến Thứ hai, thông tin liên lạc của họ được bảo vệ bởi một trình độ mã hóa vô song. Đôi lúc tưởng như máy Enigma đã có một vai trò sống còn trong việc bảo đảm chiến thắng cho Đức quốc xã, song thay vì thế, cuối cùng nó lại góp phần vào sự sụp đổ của Hitler. Scherbius đã không sống đủ lâu để chứng kiến sự thành công và thất bại của hệ thống mật mã của ông. Năm 1929, trong khi lái xe ngựa, ông đã bị mất điều khiển, đâm vào tường, và đã qua đời ngày 13 tháng Năm do bị nội thương.

Hình 40 Máy Enigma với nắp bên trong mở, để lộ ba đĩa mã hóa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2020, 11:47:02 am »

          
4. CÔNG PHÁ ENIGMA

        Trong những năm tiếp sau Thế chiến Thứ nhất, các nhà giải mã Anh của Phòng 40 vẫn tiếp tục kiểm soát hệ thống thông tin liên lạc của Đức. Vào năm 1926, họ bắt đầu chặn bắt được những bức thư mà họ hoàn toàn không thể giải mã nổi. Vậy là Enigma đã xuất hiện và khi số lượng máy Enigma ngày càng tăng, thì khả năng thu thập thông tin tình báo của Phòng 40 càng giảm đi nhanh chóng. Người Mỹ và Pháp cũng thử phá mật mã Enigma, song những cố gắng của họ cũng thảm bại không kém, và họ nhanh chóng từ bỏ việc hóa giải nó. Người Đức giờ đây đã có một hệ thống thông tin liên lạc an toàn nhất trên thế giới.

        Tốc độ từ bỏ hy vọng hóa giải Enigma của các nhà giải mã Đồng minh rõ ràng là ngược hẳn lại với sự kiên nhẫn của họ ngay thập kỷ trước của Thế chiến Thứ nhất. Đứng trước nguy cơ thất bại, các nhà giải mã Đồng minh đã làm việc ngày đêm để xâm nhập mật mã của Đức. Có vẻ như nỗi sợ hãi đã là động lực chính và hiểm họa là một trong những cơ sở cho việc giải mã thành công. Tương tự, cũng chính là nỗi sợ hãi và hiểm họa đã kích thích các nhà tạo mã Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng của người Đức. Tuy nhiên, sau Thế chiến Thứ nhất, quân Đồng minh không còn sợ ai nữa. Người Đức đã bị tê liệt bởi thất bại và quân Đồng minh đang ở vị thế trội hơn, và do vậy họ dường như đánh mất hết nhiệt huyết của mình đối với mật mã. Các nhà giải mã của quân Đồng minh đã thu hẹp dần về số lượng và giảm dần về chất lượng.

        Tuy nhiên, có một quốc gia không chịu nghỉ ngơi. Sau Thế chiến Thứ nhất, Ba Lan đã tự thiết lập lại một nhà nước độc lập, song quốc gia này vẫn còn lo ngại sự đe dọa từ những đế quốc mới xuất hiện. Phía đông là nước Nga, một quốc gia có tham vọng mở rộng chủ nghĩa cộng sản và phía tây là nước Đức, đang khát khao muốn lấy lại phần lãnh thổ đã phải nhường lại cho Ba Lan sau chiến tranh. Bị kẹp giữa hai đối thủ này, Ba Lan rất khát thông tin tình báo và họ đã lập ra một văn phòng mật mã mới, có tên là Biuro Szyfrow. Nếu sự cần thiết là mẹ đẻ của phát minh thì có lẽ hiểm họa chính là mẹ đẻ của khoa giải mã. Sự thành công của Biuro Szyfrow được minh họa bởi thắng lợi của họ trong suốt cuộc chiến tranh Nga - Ba Lan trong những năm 1919-20. Chỉ trong tháng Tám năm 1920, khi quân đội Xôviết ở cửa ngõ Vácsava, Biuro đã giải mã được 400 bức thư của đối phương. Sự kiểm soát thông tin liên lạc Đức của họ cũng có hiệu quả tương tự cho đến năm 1926, khi họ cũng chạm trán với những bức thư mã hóa bằng máy Enigma.

        Nhiệm vụ giải mã các bức thư của Đức thuộc về Đại úy Maksymilian Ciezki, một người yêu nước nhiệt thành, lớn lên ở thị trấn Szamotuty, trung tâm của chủ nghĩa dân tộc Ba Lan. Ciezki đã được tiếp cận với một máy Enigma thương mại và biết được tất cả các nguyên lý trong phát minh của Scherbius. Nhưng không may là loại máy thương mại này hoàn toàn khác biệt với máy dùng cho quân đội ở cách nối dây bên trong các đĩa mã hóa. Vì không biết gì về cách nối dây bên trong máy mã hóa dùng trong quân đội, nên Ciezki đã không thể giải mã các bức thư được gửi đi từ quân đội Đức. Ông nản lòng đến mức thậm chí đã thuê một nhà ngoại cảm có khả năng thấu thị thử thâu tóm ý nghĩa nào đó từ những bức thư mã hóa bắt được. Tất nhiên, là người này đã thất bại khi không thu được kết quả như Biuro Szyfrow mong muốn. Thay vào đó, công lao lại thuộc về một người Đức bất mãn, Hans-Thilo Schmidt, người đã đi bước đầu tiên trong quá trình công phá mật mã Enigma.

        Hans-Thilo Schmidt sinh năm 1888 tại Berlin, là con trai thứ hai của một giáo sư nổi tiếng và người vợ có dòng dõi quý tộc. Schmidt khởi nghiệp trong Quân đội Đức và đã tham gia chiến đấu trong Thế chiến Thứ nhất, song ông đã không được đánh giá một cách xứng đáng và đã bị phục viên trong chương trình cắt giảm quân số mạnh mẽ được thực hiện như là một phần của Hiệp ước Versailles. Sau đó ông đã thử kinh doanh nhưng nhà máy xà phòng của ông đã bị buộc phải đóng cửa vì khủng hoảng và siêu lạm phát thời kỳ hậu chiến, khiến ông và cả gia đình trở nên túng quẫn.

        Sự tủi hổ trước thất bại của Schimidt lại càng tăng thêm bởi sự thành đạt của anh trai ông, Rudolph, người cũng đã chiến đấu trong chiến tranh, nhưng sau đó vẫn tiếp tục được tại ngũ. Trong suốt những năm 1920, Rudolph liên tục được thăng chức và cuối cùng đã được đề bạt làm Tham mưu trưởng binh chủng Thông tin. Ông là người chịu trách nhiệm đảm bảo thông tin liên lạc an toàn và trong thực tế Rudolph cũng chính là người cấp phép sử dụng mật mã Enigma.

        Sau khi việc kinh doanh lụn bại, Hans-Thilo đã buộc phải nhờ người anh giúp đỡ và Rudolph đã sắp xếp một công việc cho ông Hans-Thilo Schmidt ở Chiffrierstelle, một văn phòng chịu trách nhiệm quản lý thông tin liên lạc mã hóa, ở Berlin. Đây là trung tâm chỉ huy của Enigma, một tổ chức tối mật và chỉ xử lý những thông tin có độ nhạy cảm cao. Khi Elans-Thilo chuyển công việc mới, ông để gia đình ở lại Bavaria, nơi có giá cả sinh hoạt dễ chịu hơn. Ông sống một mình ở thành phố Berlin đắt đỏ, kiệt quệ và đơn độc, ghen tỵ với người anh thành đạt của mình và bực tức với đất nước đã chối bỏ ổng. Kết quả là không thể tránh khỏi. Bằng cách bán các thông tin mật về Enigma cho các thế lực nước ngoài, Hans-Thilo Schmidt đã kiếm được tiền và trả được mối thù hận, phá hoại an ninh của đất nước và làm hại thanh danh tổ chức của chính anh trai mình.

        Ngày 8 tháng Mười một năm 1931, Schmidt đến khách sạn Grand ở Verviers, Bỉ để liên lạc với một điệp viên mật của Pháp với bí danh là Rex. Với cái giá 10.000 mác (tương đương với 30.000 đôla ngày nay), Schmidt đã để cho Rex sao chụp hai tài liệu: Gebraiichsamveisiing fur die Chiffriermaschine Enigma và Schlủsseỉanleitung fur die Chiffriermaschine Enigma. Các tài liệu này hướng dẫn cách sử dụng máy Enigma và mặc dù không có sự mô tả chi tiết cách nối dây bên trong mỗi đĩa mã hóa song chúng cũng chứa những thông tin cần thiết để suy luận ra cách nối dây đó.

Hình 41 Hans-Thilo Schmidt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2020, 11:52:01 am »


        Nhờ có sự phản bội của Schmidt, giờ đây quân Đồng minh đã có thể tạo ra một bản sao chính xác của máy Enigma dùng trong quân đội Đức. Tuy nhiên, điều này cũng vẫn chua đủ để họ có thể giải được các bức thư mã hóa bằng Enigma. Sức mạnh của mật mã không phụ thuộc vào việc giữ bí mật về máy mà là giữ bí mật về sự cài đặt ban đầu (khóa mã) của máy. Nếu nhà giải mã muốn giải mã một bức thu chặn bắt được thì ngoài việc có một bản sao máy Enigma, anh ta vẫn phải tìm trong số hàng triệu tỉ khóa mã tiềm năng một khóa mã đã được sử dụng để mã hóa nó. Một bản ghi nhớ của người Đức có viết nhu thế này: “Trong việc đánh giá độ an toàn của hệ thống mã hóa phải giả định là kẻ thù đã có trong tay chiếc máy đó.”

        Cơ quan Mật vụ của Pháp rõ ràng đã sẵn sàng vào cuộc, khi họ tìm được người đưa tin cho Schmidt và có được tài liệu nói về cách nối dây bên trong máy Enigma dùng trong quân đội. Trong khi đó, các nhà giải mã Pháp lại không mấy mặn mà, và dường nhu chưa sẵn sàng và do đó không thể khai thác các thông tin mới thu được này. Trong bối cảnh Thế chiến Thứ nhất kết thúc, họ đã tỏ ra quá tự tin và thiếu năng động. Văn phòng Mật mã thậm chí không buồn cố gắng chế tạo một bản sao máy Enigma dùng trong quân đội, vì họ cho rằng việc đạt được bước tiếp theo, tức là tìm ra khóa mã cần dùng để mã hóa cho một bức thư cụ thể nào đó trên máy Enigma, là không thể thực hiện được.

        Khi điều này xảy ra thì Pháp đã ký một hiệp định về hợp tác quân sự với Ba Lan được mười năm. Ba Lan đã biểu lộ sự quan tâm đến bất kỳ thứ gì liên quan đến Enigma, vì vậy, căn cứ vào hiệp định có từ mười năm trước, người Pháp đã đơn giản chuyển tài liệu sao chụp được của Schmidt cho Đồng minh của mình và chuyển nhiệm vụ vô vọng là hóa giải Enigma cho Biuro Szyfrow. Biuro nhận thấy rằng các tài liệu này mới chỉ là điểm khởi đầu, song không giống người Pháp, họ bị nỗi sợ bị xâm lược thúc đẩy. Người Ba Lan tự thuyết phục mình rằng phải có một con đường tắt để tìm ra khóa mã của một bức thư mã hóa bằng Enigma, và nếu họ tập trung được đầy đủ nỗ lực, sự sáng tạo và trí tuệ thì họ có thể tìm ra con đường ngắn nhất đó.

        Cùng với việc tiết lộ các thông tin về cách nối dây bên trong các đĩa mã hóa, các tài liệu của Schmidt còn giải thích chi tiết cách bố trí của sổ mã được người Đức sử dụng. Mỗi tháng, những người điều khiển Enigma lại nhận được một sổ mã mới trong đó ghi rõ khóa mã sử dụng hằng ngày. Chẳng hạn, trong ngày đầu tiên của tháng, sổ mã có thể cung cấp khóa mã ngày như sau:

        (1)Cài đặt của bảng ổ nốt A/L - P/R - T/D - BAV - K/F - O/Y

        (2)Sắp xếp của các đĩa mã hóa: 2-3-1

        (3)Định hướng của các đĩa mã hóa: Q-C-W

        Sắp xếp và định hướng của đĩa mã hóa được gọi là cài đặt đĩa mã hóa. Để thực hiện khóa mã cụ thể này, người điều khiển máy Enigma sẽ cài đặt máy của mình như sau:

        (1) Cài đặt bảng ổ nối. hoán đổi chữ cái AL bằng cách nối chúng với nhau bằng một dây dẫn trên bảng, tương tự như thế với PR, TD, B W, KF và cuối cùng là OY.

        (2) Sắp xếp đĩa mã hóa: Đặt đĩa mã hóa thứ hai ở khe thứ nhất của máy, đĩa mã hóa thứ ba ở khe thứ hai và đĩa thứ nhất ở khe thứ ba.

        (3) Định hướng đĩa mã hỏa: Mỗi đĩa mã hóa đều có bảng chữ cái khắc trên vành ngoài của nó, điều này cho phép người điều khiển đặt nó ở một định hướng nhất định. Trong trường hợp này, người điều khiển sẽ quay đĩa ở khe số một sao cho chữ cái Q hướng lên trên, quay đĩa ở khe số hai để sao cho chữ cái C hướng lên trên và quay đĩa ở khe số ba sao cho chữ cái W hướng lên trên.

        Một cách mã hóa thông tin đó là người gửi mã hóa tất cả thư từ một ngày theo khóa mã ngày. Điều này có nghĩa là trong cả một ngày, từ bức thư đầu tiên, tất cả những người điều khiển Enigma đều phải cài đặt máy của họ theo cùng một khóa mã ngày. Sau đó, mỗi khi một bức thư cần phải gửi đi, trước tiên nó sẽ được đánh vào máy; bản mã hóa sẽ được ghi lại và chuyển cho điện báo viên vô tuyến để truyền đi. Ở đầu kia, người nhận sẽ ghi lại thư đến, chuyển nó cho người điều khiển Enigma, người này cũng đánh vào máy đã được cài đặt theo cùng khóa mã ngày. Kết quả là sẽ nhận được bức thư gốc.

        Quá trình này tương đối an toàn song nó lại có điểm yếu là sử dụng mỗi một khóa mã cho hàng trăm bức thư gửi đi trong ngày. Nói chung, sẽ rất đúng nếu nói rằng việc chỉ sử dụng một khóa mã để mã hóa một khối lượng thông tin khổng lồ sẽ tạo điều kiện cho người giải mã dễ suy luận hơn. Một lượng lớn thông tin được mã hóa như nhau sẽ cho nhà giải mã cơ hội còn lớn hơn nữa đối với việc xác định khóa mã. Chẳng hạn, quay trở lại những mật mã đơn giản hơn, giải một mật mã dùng một bảng chữ cái bằng phương pháp phân tích tần suất sẽ đơn giản hơn nhiều nếu có một vài trang thông tin được mã hóa so với khi chỉ có một vài câu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2020, 11:54:00 am »


        Vì vậy, để cẩn trọng hơn, người Đức đã đi một bước thông minh hơn trong việc sử dụng khóa mã ngày để chuyển khóa mã thư mới cho mỗi bức thư. Khóa mã thư cũng có cùng cách cài đặt bảng ổ nối và sắp xếp đĩa mã hóa như khóa mã ngày, nhưng sự định hướng của các đĩa mã hóa thì khác. Vì sự định hướng mới của các đĩa mã hóa không có trong sổ mã nên người gửi phải chuyển nó một cách an toàn cho người nhận theo qui trình như sau. Đầu tiên, người gửi cài đặt máy của mình theo khóa mã ngày đã thống nhất, kể cả định hướng của các đĩa mã hóa, ở ví dụ trên là QCW. Sau đó, anh ta sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một định hướng mới cho các đĩa mã hóa để làm khóa mã thư, chẳng hạn PGH. Sau đó, mã hóa PGH theo khóa mã ngày. Khóa mã thư được đánh vào máy Enigma hai lần, cốt là để người nhận kiểm tra lại. Chẳng hạn, người gửi có thể mã hóa khóa mã thư là PGHPGH thành KTVBJE. Hãy lưu ý là hai nhóm chữ cái PGH được mã hóa khác nhau (đầu tiên là KIV và sau là BJE) vì các đĩa mã hóa Enigma quay sau mỗi một chữ cái và thay đổi toàn bộ cách mã hóa. Người gửi sau đó thay đổi máy của mình theo định hướng PGH và mã hóa bức thư chính theo khóa mã thư này. Ở chỗ người nhận, cài đặt ban đầu của máy theo khóa mã ngày, tức là QCW. Sáu chữ cái đầu tiên của bức thư đến, đó là KTVBJE, được đánh vào và cho PGHPGH. Người nhận sau đó sẽ cài đặt máy của mình theo định hướng PGH, khóa mã thư, và sau đó có thể giải mã phần chính của bức thư.

        Điều này đồng nghĩa với việc người gửi và người nhận thống nhất với nhau một khóa mã chính. Sau đó, thay vì sử dụng khóa mã chính này để mã hóa tất cả các bức thư thì họ chỉ sử dụng để mã hóa một khóa mã mới cho mỗi bức thư và mã hóa phần nội dung chính theo khóa mã mới. Nếu người Đức không sử dụng khóa mã thư thì tất cả - có lẽ là phải đến hàng ngàn thông tin với hàng triệu chữ cái - được gửi đi với cùng khóa mã ngày. Tuy nhiên, nếu khóa mã ngày chỉ được sử dụng để truyền khóa mã thư thì nó chỉ mã hóa một lượng nhỏ chữ cái. Nếu có 1.000 khóa mã thư được gửi đi trong một ngày thì khóa mã ngày chỉ mã hóa 6.000 chữ cái. Và vì mỗi khóa mã thư được lựa chọn ra một cách ngẫu nhiên và chỉ được sử dụng để mã hóa một bức thư thì nó mã hóa một lượng rất ít chữ cái, có lẽ chỉ vào khoảng vài trăm ký tự.

        Thoạt trông thì hệ thống này dường như không thể hóa giải, song các nhà giải mã Ba Lan đã không chịu khuất phục. Họ đã được chuẩn bị để khám phá tất cả các con đường nhằm tìm ra điểm yếu của máy Enigma và cách sử dụng khóa mã ngày và khóa mã thư của nó. Điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại Enigma, đó là một thế hệ các nhà giải mã mới. Trong nhiều thế kỷ, gần như mặc định rằng các nhà giải mã giỏi nhất phải là các chuyên gia về cấu trúc ngôn ngữ, song sự xuất hiện của Enigma đã khiến người Ba Lan phải thay đổi chính sách tuyển dụng của mình. Enigma là một dạng mật mã máy và Biuro Szyfrow hiểu rằng phải những bộ não khoa học hơn mới có được cơ hội tốt hơn trong việc hóa giải nó. Biuro đã tổ chức một khóa đào tạo về mật mã và mời hai mươi nhà toán học, mỗi người đều phải tuyên thệ giữ bí mật. Tất cả các nhà toán học này đều tới từ trường đại học Poznan. Mặc dù đây không phải là một trung tâm khoa học danh tiếng ở Ba Lan, song nó có lợi thế là được đặt ở miền tây, trong vùng lãnh thổ mà trước năm 1918 là thuộc Đức. Vì vậy các nhà toán học này đều thông thạo tiếng Đức.

        Ba trong số hai mươi người này đã chứng minh được khả năng xử lý mật mã và được tuyển dụng vào Biuro. Tài năng nhất trong số họ là Marian Rejewski, một thanh niên cận thị, 23 tuổi, tính tình nhút nhát, trước đây đã từng học ngành thống kê vì muốn theo nghề bảo hiểm. Mặc dù là một sinh viên ưu tú trong trường đại học song chỉ đến khi vào Biuro Szyfrow, Marian mới nhận ra thiên hướng thực sự của mình. Anh đã hóa giải được một loạt các mật mã truyền thống trong thời gian tập sự trước khi tiến tới một thử thách khó khăn hơn, là Enigma. Làm việc hoàn toàn độc lập, anh tập trung tất cả sức lực vào sự phức tạp của cỗ máy của Scherbius. Là một nhà toán học, anh sẽ phải cố gắng phân tích mọi khía cạnh trong sự vận hành của máy, xem xét tác dụng của các đĩa mã hóa và của các cách nối dây trong bảng ổ nối. Tuy nhiên, cũng giống như với toàn bộ toán học, công việc của anh đòi hỏi cả sự cảm hứng lẫn logic. Như một nhà giải mã toán học khác trong thời chiến đã nói, nhà giải mã sáng tạo là phải "chung đụng hằng ngày với những bóng ma đen tối để đạt được những chiến công của môn võ thuật tinh thần này”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM