Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:09:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14461 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2020, 08:44:19 pm »


        Các nhà giải mã chuyên nghiệp cũng tham gia vào cuộc truy tìm kho báu của Beale. Herbert o. Yardley, người sáng lập ra Văn phòng Mật mã U.s (ngày nay là Phòng Đen của Mỹ) vào cuối Thế chiến Thứ nhất, cũng bị bản mật mã Beale cuốn hút giống như đại tá William Friedman, một nhân vật quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực giải mã của Mỹ trong suốt nửa đầu thế kỷ 20. Khi còn phụ trách Lực lượng Tình báo Tín hiệu, Friedman đã sử dụng bản mật mã của Beale như là một phần trong chương trình huấn luyện, chủ yếu là vì, như vợ ông kể, ông tin rằng mật mã này có “sự sáng tạo ma quỷ, được thiết kế đặc biệt để mê hoặc những người đọc thiếu cảnh giác”. Kho lưu trữ Friedman, được lập ra sau cái chết của ông vào năm 1969 tại Trung tâm Nghiên cứu George c. Marshall, thường được các nhà sử học quân sự tới tham khảo, song phần lớn các vị khách lại là những người hâm mộ Beale, với hy vọng học hỏi được một vài chỉ dẫn của người đàn ông vĩ đại này. Gần đây hơn, một trong những nhân vật quan trọng trong cuộc săn tìm kho báu của Beale là Carl Hammer, giám đốc tin học của Sperry Univac đã nghỉ hưu và một trong những người đi tiên phong trong việc giải mã bằng máy tính. Theo Hammer, “bản mật mã của Beale đã lôi cuốn ít nhất là 10% những bộ óc phân tích mật mã giỏi nhất trên cả nước. Nhưng không một chút nào trong những nỗ lực đó phải hối tiếc. Việc làm này - dù là những phương hướng dẫn tới ngõ cụt - đã được đền đáp một cách xứng đáng bằng cách làm cho khoa học máy tính phát triển và ngày càng tinh diệu”. Hammer là thành viên sáng lập của Hiệp hội Kho báu và Mật mã Beale, được thành lập trong những năm 1960 để khuyến khích sự quan tâm đến câu chuyện đầy bí ẩn này. Ban đầu, Hiệp hội yêu cầu bất kỳ thành viên nào khám phá ra kho báu đều phải chia sẻ nó với các thành viên khác, nhưng nghĩa vụ này xem ra đã hạn chế rất nhiều người đi tìm kho báu Beale tham gia và vì vậy mà Hiệp hội đã bỏ đi điều kiện này.

        Mặc cho những nỗ lực kết hợp của Hiệp hội, của những người săn tìm kho báu nghiệp dư lẫn những nhà giải mã chuyên nghiệp, bản mật mã thứ nhất và thứ ba của Beale vẫn còn là một bí ẩn trong suốt một thế kỷ, và vàng, bạc, đá quý vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Rất nhiều cố gắng giải mã xoay quanh bản Tuyên ngôn Độc lập, là chìa khóa để giải mã thành công bản mật mã thứ hai. Tuy việc đánh số một cách đơn giản các từ trong bản Tuyên ngôn không mang lại điều gì hữu ích cho bản mật mã thứ nhất và thứ ba, song các nhà giải mã vẫn thử các phương cách khác nhau, chẳng hạn như đánh số từ dưới lên hoặc đánh số xen kẽ, song đến nay vẫn không có kết quả. Một vấn đề là bản mật mã thứ nhất có một con số rất lớn là số 2906, trong khi đó bản Tuyên ngôn chỉ có 1.322 từ. Các cuốn sách và văn bản khác cũng được xem như là những chìa khóa mã tiềm năng, và rất nhiều nhà giải mã cũng đã nghĩ đến khả năng về một hệ thống mã hóa hoàn toàn khác.

        Bạn có thể ngạc nhiên trước sức mạnh không thể phá nổi của mật mã Beale, đặc biệt là khi nhớ rằng trước lúc chúng ta tạm rời cuộc chiến triền miên giữa các nhà tạo mã và giải mã thì các nhà giải mã đang ở thế thượng phong. Babbage và Kasiski đã tìm ra cách hóa giải mật mã Vigenère, và các nhà tạo mã đang phải vật lộn để tìm kiếm một loại mật mã khác thay thế cho nó. Vậy bằng cách nào mà Beale lại có thể gây ra được chuyện động trời đến như vậy? Câu trả lời là các bản mật mã của Beale đã được tạo ra trong hoàn cảnh đã đem lại một lợi thế rất to lớn cho các nhà tạo mã. Việc này chỉ liên quan đến ba bức thư và vì chúng gắn với một kho báu có giá trị đến như vậy nên Beale có thể đã chuẩn bị một văn bản chìa khóa đặc biệt cho bản mật mã thứ nhất và thứ ba. Thực tế, nếu văn bản chìa khóa được chính Beale sáng tác ra, thì điều này có thể giải thích vì sao việc nghiên cứu những tác phẩm đã xuất bản không thể phát hiện ra nó. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Beale đã tự viết một bài tiểu luận gồm 2.000 từ về chủ đề săn bò rừng mà chỉ có một bản duy nhất. Chỉ người nào có trong tay bài tiểu luận đó, tức bản chìa khóa duy nhất, mới có thể giải được bản mật mã thứ nhất và thứ ba của Beale. Chính Beale đã nói rằng ông ta đã đưa chìa khóa mã “tận tay một người bạn” ở St. Louis, song nếu người bạn đó đã đánh mất hoặc hủy chìa khóa mã đó thì các nhà giải mã có thể sẽ không bao giờ hóa giải được các bản mật mã của Beale.

        Tạo ra một văn bản chìa khóa mã cho một bức thư thì an toàn hơn nhiều so với việc sử dụng chìa khóa là một cuốn sách đã xuất bản, song điều đó có ý nghĩa thực tế chỉ nếu người gửi có thời gian để tạo ra văn bản chìa khóa và chuyển nó cho người nhận đã định. Đó là những yêu cầu không khả thi đối với những liên lạc có tính thường nhật. Trong trường hợp của Beale, ông ta có thể đã sáng tác ra văn bản chìa khóa vào những lúc rỗi rãi, rồi chuyển nó cho người bạn ông ở St. Louis bất cứ khi nào ông tình cờ đi ngang qua và sau đó nó được gửi qua bưu điện vào một thời điểm thích hợp trong tương lai, khi kho báu cần được thu hồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 07:07:27 am »


        Một thuyết khác giải thích về sức mạnh không thể phá nổi của Beale đó là tác giả cuốn sách đã thay đổi chúng một cách có cân nhắc trước khi cho xuất bản. Có lẽ tác giả chỉ muốn buộc chìa khóa mã, mà rõ ràng là nó đang ở trong tay người bạn của Beale ở St. Louis, phải lộ diện. Nếu ông xuất bản chính xác bản mật mã thì người bạn đó có thể giải được mã, rồi đi chiếm đoạt kho vàng, và những nỗ lực của tác giả sẽ chẳng được đền đáp gì. Tuy nhiên, nếu bản mật mã bị thay đổi đi thì người bạn đó cuối cùng cũng sẽ nhận ra rằng ông ta phải cần đến sự giúp đỡ của tác giả và sẽ liên lạc với nhà xuất bản Ward và người này sẽ thông báo cho tác giả. Tác giả sau đó có thể trao bản mật mã chính xác để đổi lấy một phần của kho báu.

        Cũng có thể kho báu đã được tìm thấy từ rất nhiều năm trước, và người khám phá ra nó đã lấy mang đi mà không bị người dân địa phương bắt gặp. Những người mê Beale theo trường phái âm mưu thì cho rằng Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã tìm thấy kho báu. Các cơ quan mật mã của Chính phủ trung ương của Mỹ có thể sử dụng những máy tính mạnh nhất cùng với một số bộ não xuất sắc nhất thế giới, họ có thể đã khám phá ra điều gì đó về những bản mật mã mà tất cả những người khác không thể vượt qua. Việc không công bố có lẽ là để giữ gìn danh tiếng tối mật của NSA - có người cho rằng NSA không phải là chữ viết tắt của Cơ quan An ninh Quốc gia mà là của Never Say Anything (Không bao giờ nói gì) hoặc No Such Agency (Không có cơ quan nào như vậy).

        Cuối cùng, chúng ta không thể loại trừ khả năng các bản mật mã của Beale chỉ là một trò lừa đảo tinh vi, và rằng Beale chưa bao giờ tồn tại. Những người hoài nghi thì cho rằng tác giả ẩn danh này, lấy cảm hứng từ cuốn Con bọ bằng vàng của Poe, đã hư cấu nên toàn bộ câu chuyện và xuất bản cuốn sách để kiếm lợi từ lòng tham của những người khác. Những người ủng hộ cho thuyết này đã tìm thấy những sơ hở và sự không thống nhất trong câu chuyện về Beale. Chẳng hạn, theo cuốn sách thì bức thư của Beale được để trong hộp sắt và được cho là viết vào năm 1822, có chứa từ “stampede” (sự chạy tán loạn), song từ này mãi đến năm 1834 mới được thấy xuất hiện trên các bản in. Tuy nhiên, cũng hoàn toàn có thể là từ này đã rất thông dụng ở miền Viễn Tây hoang dã trước đó rất nhiều và Beale có thể đã học được từ này trong những chuyến chu du của mình.

        Một trong số những người không tin đầu tiên đó là nhà tạo mã Louis Kruh, người tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng chứng tỏ tác giả cuốn sách cũng chính là người đã viết các bức thư của Beale, bức thư được cho là gửi từ St. Louis và bức trong chiếc hộp sắt. Ồng đã tiến hành phân tích từ ngữ trong nguyên bản do tác giả viết và từ ngữ do Beale viết để tìm sự tương đồng giữa chúng. Kruh đã so sánh các tiêu chí như tỷ lệ các câu bắt đầu bằng từ “The”, “Of ’ và “And”, và số dấu phảy và dấu chấm phẩy trung bình trong mỗi câu, và cách viết - như việc sử dụng câu phủ định, bị động phủ định, động từ nguyên thể, mệnh đề quan hệ, v.v... Ngoài từ ngữ của tác giả và các bức thư của Beale, ông cũng phân tích bài viết của ba người Virginia khác ở thế kỷ 19.

        Trong số năm bài viết đó thì bài viết của tác giả và của Beale gần như tương tự nhau, cho thấy chúng có thể được viết bởi cùng một người. Nói cách khác, điều đó cho thấy tác giả đã làm giả các bức thư của Beale và bịa ra toàn bộ câu chuyện.

        Trong khi đó, nhiều nguồn khác lại chứng tỏ bản mật mã của Beale là có thực. Thứ nhất, nếu các bản mật mã không thể phá được này là trò lừa bịp thì có thể suy ra rằng kẻ lừa bịp đó lựa chọn các con số ít hoặc không có gì đáng lưu ý. Tuy nhiên, các con số ở đây lại tạo ra các hình mẫu phức tạp khác nhau. Một trong các hình mẫu này có thể tìm thấy bằng cách sử dụng chìa khóa mã là bản Tuyên ngôn Độc lập để giải bản mật mã thứ nhất. Nó không mang lại một từ nào có nghĩa mà chỉ là một dãy các chữ cái như abfdefghiijklmmnohpp. Mặc dù đây không phải là một danh sách các chữ cái hoàn chỉnh, song chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. James Gillogly thuộc Hiệp hội Mật mã Mỹ không tin rằng bản mật mã của Beale là xác thực. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông thì xác suất để dãy này xuất hiện một cách tình cờ chỉ nhỏ hơn một phần trăm triệu triệu, điều này cho thấy trong bản mật mã thứ nhất có tồn tại một nguyên tắc mã hóa nhất định. Có một thuyết cho rằng bản Tuyên ngôn thực sự là chìa khóa mã, song bản mã hóa đó lại được mã hóa một lần nữa; nói cách khác, bản mật mã thứ nhất của Beale được mã hóa bằng một quá trình hai bước, hay còn gọi là siêu mã hóa. Nếu đúng như vậy thì dãy chữ cái này có thể đã được sắp đặt như là một dấu hiệu khích lệ, một sự gợi ý rằng bước mã hóa đầu tiên đã được hoàn tất thành công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 07:09:23 am »


        Một bằng chứng nữa ủng hộ cho tính chân thực của những bản mật mã Beale đến từ việc nghiên cứu lịch sử. Có thể sử dụng những nghiên cứu này để kiểm chứng câu chuyện về Thomas Beale. Peter Viemeister, một nhà sử học địa phương, đã thu thập và cho in rất nhiều nghiên cứu trong cuốn Kho báu của Beale - Lịch sử một bí ẩn. Viemeister bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi liệu có bằng chứng nào chứng tỏ Thomas Beale thực sự tồn tại hay không. Sử dụng tài liệu về điều tra dân số năm 1790 và các tài liệu khác, Viemeister đã xác định được có vài Thomas Beale sinh tại Virginia và có nhân thân thích hợp với những chi tiết đã biết. Viemeister cũng đã thử kiểm tra những chi tiết khác trong cuốn Các giấy tờ của Beale..., chẳng hạn như hành trình của Beale đến Santa Fe và việc ông khám phá ra vàng. Chẳng hạn, một truyền thuyết của người Cheyenne (một bộ lạc da đỏ) vào khoảng năm 1820 có kể về vàng và bạc được lấy từ miền Viễn Tây và được giấu trong rặng Núi phía Đông. Hơn nữa, trong danh sách lưu của bưu cục vào năm 1820 ở St. Louis có cái tên “Thomas Beall”, điều này cũng phù hợp với tuyên bố trong cuốn sách nói rằng Beale đã từng đi qua thành phố này vào năm 1820 trong chuyến trở lại miền Viễn Tây sau khi rời Lynchburg. Cuốn sách cũng nói rằng Beale đã gửi một lá thư từ St. Louis vào năm 1822.

        Như vậy, câu chuyện về các bản mật mã của Beale dường như là có cơ sở, và vì vậy nó vẫn tiếp tục lôi cuốn các nhà giải mã và những kẻ săn tìm kho báu, như Joseph Jancik, Marilyn Parsons và con chó Muffin của họ. Vào tháng Hai năm 1983, họ đã bị phạt vì tội “xâm phạm một lăng mộ”, sau khi bị bắt gặp đang đào bới bên trong nghĩa trang của Nhà thờ Mountain View vào lúc nửa đêm. Chẳng phát hiện được gì ngoài một chiếc quan tài, họ đã phải sống nốt phần còn lại của kỳ nghỉ cuối tuần trong nhà tù của hạt và cuối cùng là bị phạt 500 đôla. Những kẻ đào mộ nghiệp dư này còn có thể tự an ủi mình khi biết rằng Mel Fisher, một người săn tìm kho báu chuyên nghiệp, đã từng kiếm được 40 triệu đôla vàng từ chiếc thuyền chiến Nuestra Seíora de Atocha bị đắm của Tây Ban Nha mà ông đã tìm ra ở Key West, Florida vào năm 1985, cũng chẳng khá hơn họ là mấy. Tháng Mười một năm 1989, Fisher nhận được thông tin từ một chuyên gia về Beale ở Florida, nói rằng kho báu của Beale được giấu ở Nhà máy xay Graham thuộc hạt Budford, Virginia. Được ủng hộ bởi một nhóm các nhà đầu tư giàu có, Fisher đã mua một mảnh đất dưới cái tên Mr. Voda để tránh gây sự chú ý. Sau một thời gian dài đào bới, ông đã không tìm được gì.

        Một số kẻ săn kho báu đã từ bỏ hy vọng hóa giải được hai bản mật mã còn lại và thay vào đó, họ tập trung tìm đầu mối từ bản mật mã đã được giải mã. Chẳng hạn, cùng với việc mô tả giá trị của kho báu, bức mật mã còn chỉ ra rằng nó được cất giấu ở nơi “cách Buford chừng 4 dặm”, địa danh này có lẽ muốn nói là thị trấn Buford, hoặc cụ thể hơn, là Quán trọ Buford, nằm ở trung tâm của tấm bản đồ trên Hình 25. Bức mật mã cũng nói rằng “hầm được lát thô bằng đá”, nên rất nhiều người đã tìm kiếm dọc theo Nhánh sông

        Goose, một nguồn cung cấp đá tảng rất dồi dào. Mùa hè nào khu vực này cũng thu hút những người tràn trề hy vọng, một số được trang bị các máy dò kim loại, số khác đi cùng với những nhà chiêm tinh hay những nhà ngoại cảm. Gần thị trấn Budford có rất nhiều cửa hàng cho thuê dụng cụ, kể cả các máy đào công nghiệp. Nông dân địa phương thì lại không mấy niềm nở với những vị khách không mời này, vì họ thường xâm phạm đất đai, phá hoại hàng rào và đào những cái hố lớn.

        Sau khi đọc xong câu chuyện về các bản mật mã của Beale, biết đâu có thể chính bạn cũng nảy ra ham muốn theo đuổi thách thức này cũng nên. Sự cám dỗ của một loại mật mã chưa thể phá nổi của thế kỷ 19 cộng với một kho báu trị giá 20 triệu đôla thật khó mà cưỡng lại được. Tuy nhiên, trước khi bạn khởi hành truy tìm kho báu, hãy lưu ý đến lời khuyên của tác giả cuốn sách nhỏ:

        Trước khi công bố câu chuyện này, tôi xin có một vài lời nói với những ai có thể sẽ quan tâm tới nó, và đưa ra một lời khuyên nhỏ đúc rút từ những kinh nghiệm cay đắng của bản thân. Đó là, chỉ nên cống hiến khoảng thời gian có thể dành ra từ công việc chính đáng của mình cho công việc này, còn nếu không thể dành được chút thời gian nào thì đừng dính dáng gì đến nó... Một lần nữa, đừng bao giờ, như tôi đã làm, hy sinh cả bản thân mình và sự quan tâm đến gia đình mình cho một thứ mà có thể chỉ là ảo ảnh; nhưng, như tôi đã nói, khi công việc một ngày của bạn đã xong và bạn ngồi thoải mái bên lò sưởi ấm áp, thì dành một chút thời gian để suy nghĩ đến nó cũng chẳng hại gì và biết đâu có thể bạn sẽ được đền đáp.

        Hình 25 Một phần bản đồ Khảo sát Địa chất Mỹ năm 1891. Vòng tròn bán kính 4 dặm với tâm là Quán trọ Buford, vị trí mà bức mật mã thứ hai đã nói tới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 07:10:06 am »

       
3. CƠ GIỚI HÓA VIỆC GIỮ BÍ MẬT

        Vào cuối thế kỷ 19, khoa học mật mã thực sự ở trong tình trạng rối loạn. Kể từ khi Babbage và Kasiski phá vỡ sự an toàn của mật mã Vigenère, các nhà tạo mã vẫn đang tìm kiếm một loại mật mã mới, có thể thiết lập lại thông tin liên lạc bí mật, nhờ đó các doanh nhân và quân đội có thể tận dụng được tính tức thời của máy điện báo mà không sợ thông tin của mình bị đánh cắp và giải mã. Hơn nữa, vào lúc chuyển giao giữa hai thế kỷ, nhà vật lý người Italia Guglielmo Marconi đã phát minh ra một hình thái viễn thông còn mạnh hơn, khiến cho nhu cầu về mã hóa an toàn ngày càng trở nên cấp bách.

        Năm 1894, Marconi bắt đầu thí nghiệm với một tính chất rất lạ của các mạch điện. Dưới những điều kiện nhất định, nếu một mạch điện có dòng điện đi qua, nó có thể tạo ra dòng điện cảm ứng ở một mạch điện cô lập khác ở cách xa nó. Bằng việc cải tiến thiết kế hai mạch điện, làm tăng thêm công suất và bổ sung thêm ăngten, Marconi đã mau chóng truyền và nhận tín hiệu qua khoảng cách tới 2,5 km. Vậy là ông đã phát minh ra sóng vô tuyến (sóng radio). Máy điện báo đã được thiết lập trong nửa thế kỷ, song vẫn đòi hỏi phải có dây dẫn để truyền tín hiệu giữa người gửi và người nhận. Hệ thống của Marconi có một lợi thế cực lớn đó là không dây - tín hiệu truyền đi trong không khí như có phép lạ.

        Năm 1896, để tìm kiếm hỗ trợ tài chính cho ý tưởng của mình, Marconi đã đến nước Anh, nơi ông đã nộp đơn xin bằng phát minh đầu tiên của mình. Để tiếp tục thí nghiệm, ông đã tăng phạm vi liên lạc vô tuyến, đầu tiên là truyền thông tin đi 15 km qua vịnh Bristol, và sau đó là 53 km qua eo biển English Channel giữa Anh và Pháp. Đồng thời, ông cũng bắt đầu tìm kiếm những ứng dụng có tính chất thương mại cho phát minh của mình, ông đã chỉ cho những nhà tài trợ tiềm năng thấy hai lợi thế chủ yếu của sóng vô tuyến: không đòi hỏi phải xây dựng những đường dây điện báo đắt tiền và có khả năng gửi thông tin giữa hai vị trí hoàn toàn cô lập với nhau. Ông đã tận dụng cơ hội quảng cáo tuyệt vời vào năm 1899, khi trang bị máy vô tuyến cho hai chiếc tàu giúp cho các nhà báo tham dự America Cúp, một giải đua thuyền buồm lớn nhất thế giới, có thể gửi bài về New York cho bản tin ngày hôm sau.

        Sự quan tâm lại càng tăng thêm khi Marconi đã bác bỏ những ý kiến cho rằng liên lạc vô tuyến bị giới hạn bởi đường chân trời. Phe chỉ trích thì cho rằng sóng vô tuyến không bị uốn cong và lượn theo mặt cong của Trái đất nên liên lạc vô tuyến sẽ có giới hạn chỉ trong khoảng vài trăm km mà thôi. Marconi đã dự định chứng minh ý kiến phê phán của họ là sai bằng cách gửi một thông báo từ Poldhu ở Cornwall (tây nam nước Anh) tới Newfoundland (đông Canada) ở St. John, với khoảng cách là 3.500 km. Tháng Mười hai năm 1901, trong vòng 3 giờ mỗi ngày, người ta liên tục truyền đi chữ s (chấm-chấm-chấm) từ Poldhu, trong khi Marconi đứng trên vách đá lộng gió ở Newfoundland để dò bắt sóng vô tuyến. Ngày lại ngày, ông cố thả một cái diều khổng lồ lên cao hơn cốt cũng để nâng ăngten lên cao hơn. Chỉ ngay sau giữa trưa ngày 12 tháng Mười hai, Marconi đã dò bắt được ba dấu chấm yếu ớt, bức thư đầu tiên vượt qua Đại Tây dương. Thành công của Marconi là một điều bí ẩn và chỉ được giải thích vào năm 1924, khi các nhà vật lý khám phá ra tầng điện ly, một lớp khí quyển với ranh giới thấp nhất của nó cách mặt đất khoảng 60 km. Tầng điện ly đóng vai trò như một tấm gương phản xạ các sóng vô tuyến. Sóng vô tuyến cũng phản xạ từ bề mặt Trái đất nên các tín hiệu vô tuyến có thể đến bất cứ đâu trên thế giới sau một chuỗi các phản xạ giữa tầng điện ly và bề mặt Trái đất.

        Phát minh của Marconi như trêu ngươi quân đội, những người nhìn nó với một cảm giác lẫn lộn vừa thèm muốn vừa lo lắng. Lợi thế chiến thuật của sóng vô tuyến đã quá rõ ràng: nó cho phép liên lạc trực tiếp giữa hai điểm bất kỳ mà không cần dây nối giữa chúng. Việc đặt đường dây như vậy thường là phi thực tế, đôi khi không thể thực hiện được. Trước kia, một viên chỉ huy hải quân trên cảng không thể liên lạc với tàu của mình, nó có thể bặt vô âm tín hàng tháng liên tục, nhưng sóng vô tuyến sẽ giúp anh ta điều phối cả một hạm đội bất kể các tàu đang ở đâu. Tương tự, sóng vô tuyến cũng giúp cho các tướng lĩnh chỉ huy các chiến dịch, giữ liên lạc liên tục với các tiểu đoàn mà không phụ thuộc vào sự di chuyển của họ. Sở dĩ tất cả các điều này đều có thể thực hiện được là nhờ bản chất của sóng vô tuyến, nó phát ra theo mọi hướng và đến được người nhận dù ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, tính chất lan truyền rộng khắp này của sóng vô tuyến cũng lại là điểm yếu nhất của nó trong quân sự, bởi vì thông tin cũng sẽ đến tay kẻ thù như đến tay người nhận định trước. Do vậy, một sự mã hóa đáng tin cậy là rất cần thiết. Nếu kẻ thù có thể dò bắt được mọi tín hiệu vô tuyến thì các nhà tạo mã phải tìm ra một phương cách ngăn chặn việc giải mã các tín hiệu này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 07:10:39 am »


        Cảm giác pha trộn về sóng vô tuyến - vừa dễ liên lạc vừa dễ bị dò bắt - càng nổi lên rõ ràng hơn khi Thế chiến Thứ nhất bùng nổ. Tất cả các bên đều muốn tận dụng sức mạnh của sóng vô tuyến, nhưng lại không biết làm thế nào để bảo đảm an toàn. Cả phát minh về sóng vô tuyến lẫn cuộc Đại chiến đều làm tăng nhu cầu phải có một thứ mật mã hiệu quả. Người ta hy vọng sẽ có một đột phá, một loại mật mã mới, có thể thiết lập lại bí mật cho các sĩ quan quân đội. Tuy nhiên, từ năm 1914 đến 1918, không có một khám phá lớn nào, đơn giản chỉ là một chuỗi những thất bại trong việc tạo mã. Thực ra, các nhà tạo mã cũng có tạo ra được một số mật mã mới song chúng đều lần lượt bị phá vỡ.

        Một trong những mật mã nổi tiếng nhất trong thời kỳ chiến tranh đó là mật mã ADFGVX của người Đức, được trình làng vào ngày 5 tháng Ba năm 1918, ngay trước một cuộc tấn công chủ yếu của quân Đức bắt đầu vào ngày 21 tháng Ba. Giống như mọi cuộc tấn công khác, cuộc công kích của quân Đức cũng dựa vào yếu tố bất ngờ để giành chiến thắng, và trong nhiều loại mật mã khác nhau, một hội đồng các nhà tạo mã đã lựa chọn mật mã ADFGYX, vì tin rằng nó có độ an toàn cao nhất. Thực tế, họ đã rất tự tin cho rằng mật mã này không thể hóa giải được. Sức mạnh của mật mã này nằm ở chính bản chất phức tạp của nó, ở đây có sự pha trộn giữa mã thay thế và mã chuyển vị (xem Phụ Lục F).

        Đến đầu tháng Sáu năm 1918, pháo binh của quân Đức chỉ còn cách Paris 100 km và đang chuẩn bị cho đòn quyết định cuối cùng. Chỉ còn hy vọng duy nhất cho quân Đồng minh là phải giải được mật mã ADFGVX để phát hiện chính xác nơi mà quân Đức dự định sẽ chọc thủng tuyến phòng ngự của họ. Thật may mắn là họ đã có một vũ khí bí mật, đó là một nhà giải mã có tên là Georges Painvin. Người đàn ông Pháp mảnh dẻ, da sẫm màu với trí tuệ sắc sảo này đã nhận ra khả năng của mình trước những vấn đề mật mã hóc búa chỉ sau cuộc gặp tình cờ với một thành viên của Phòng mật mã khi chiến tranh vừa nổ ra. Sau đó, tài năng vô giá của ông đã được tận dụng để xác định những điểm yếu trong mật mã của người Đức. Ồng đã xoay xở ngày đêm với mật mã ADFGVX, mà vì nó ông đã bị sụt mất 15 kg.

        Cuối cùng, đêm ngày mồng 2 tháng Sáu, ông đã giải được một bức thư mã hóa bằng ADFGYX. Sau thành công của Painvin, hàng loạt các bức thư khác đã được giải mã, trong đó có bức thư mang mệnh lệnh “Vận chuyển ngay đạn dược đến. Kể cả ban ngày nếu không bị phát hiện”. Dòng bên trên bức thư cho biết nó được gửi từ một nơi nào đó nằm giữa Montdidier và Compiègne, cách Paris khoảng 80 km về phía bắc. Nhu cầu đạn dược khẩn cấp như vậy cho thấy nơi đó có thể là vị trí mà cuộc tấn công của quân Đức sắp xảy ra. Trinh sát trên không cũng xác nhận điều này là đúng. Lính Đồng minh đã được chuyển tới để tăng cường cho mặt trận này và một tuần sau, cuộc tấn công của quân Đức bắt đầu. Vì đã bị mất đi yếu tố bất ngờ, quân đội Đức đã bị đánh lui trong một trận chiến cực kỳ ác liệt kéo dài 5 ngày.

        Việc phá được mật mã ADFGVX có thể coi là hiện tượng tiêu biểu của khoa mật mã trong suốt Thế chiến Thứ nhất. Mặc dù đây là một loại mật mã mới khá mạnh, song chúng cũng chỉ là một dạng biến thể hoặc tổ hợp của các loại mật mã đã bị hóa giải ở thế kỷ 19. Tuy một số loại mật mã đó ban đầu đã mang lại sự an toàn, song cũng chẳng được lâu vì các nhà giải mã đều lần lượt phá được hết. vấn đề lớn nhất của các nhà giải mã đó là phải xử lý một dung lượng thông tin liên lạc khổng lồ. Trước khi phát minh ra sóng vô tuyến, các bức thư chặn bắt được là những của quý hiếm và các nhà giải mã chỉ phải xử lý từng cái một. Tuy nhiên, trong Thế chiến Thứ nhất, số lượng thông tin liên lạc bằng sóng vô tuyến là cực kỳ lớn, và cứ mỗi một bức thư chặn bắt được lại tạo ra một luồng các văn bản mật mã ổn định mà các nhà giải mã phải xử lý. Người ta ước tính rằng quân Pháp đã chặn bắt được hàng trăm triệu từ qua thông tin liên lạc của quân Đức trong suốt cuộc Đại chiến.

        Trong số những nhà giải mã thuộc thời kỳ chiến tranh thì người Pháp là có hiệu quả nhất. Khi bước vào cuộc chiến, họ đã là một đội ngũ giải mã mạnh nhất châu Âu, hậu quả của sự thất bại nhục nhã của quân Pháp trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Phổ. Napoleon III, với mong muốn phục hồi lại uy tín đang tàn tạ, đã xâm lược nước Phổ vào năm 1870, song ông đã không lường trước được sự liên minh giữa quân Phổ ở phía Bắc và các bang của Đức ở phía Nam. Dưới sự chỉ huy của Otto von Bismarck, quân Phổ đã nghiền nát quân Pháp, thôn tính các tỉnh Alsace và Loraine và chấm dứt sự thống trị của Pháp ở châu Âu. Sau đó, sự đe dọa triền miên của nước Đức liên bang dường nhu đã thúc đẩy các nhà giải mã Pháp phải làm chủ những kỹ năng cần thiết để cung cấp cho nước Pháp những thông tin tình báo chi tiết về các kế hoạch của kẻ thù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 07:14:14 am »


        Cũng trong khoảng thời gian đó, Auguste Kerckhoffs đã viết chuyên luận La Cryptographie miỉitaire (Mật mã quân sự). Mặc dù Kerckhoffs là người Đức song ông sống hầu hết cuộc đời mình ở Pháp, và chuyên luận của ông đã cung cấp cho người Pháp một chỉ dẫn tuyệt vời về các nguyên tắc giải mã. Ba thập kỷ sau, vào lúc Thế chiến Thứ nhất bắt đầu, quân đội Pháp đã thực hiện các ý tưởng của Kerckhoffs ở quy mô công nghiệp. Trong khi các thiên tài đơn thương độc mã như Painvin cặm cụi để hóa giải các loại mật mã mới thì các nhóm chuyên gia, mỗi nhóm chuyên phát triển những kỹ năng để giải quyết một loại mật mã cụ thể, tập trung vào việc giải mã hằng ngày. Thời gian là cực kỳ quan trọng, và việc giải mã theo kiểu dây chuyền có thể cung cấp thông tin tình báo một cách nhanh chóng và hiệu quả.


Hình 26 Trung úy Georges Painvin.

        Tôn Tử, tác giả của cuốn Binh pháp, một cuốn sách viết về chiến lược quân sự ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, đã nói: “Trong ba quân, xét chung những người thân thiết với tướng súy thì không ai thân thiết cho bằng gián điệp, xét chung những kẻ được thưởng thì không ai được thưởng nhiều cho bằng gián điệp, xét chung các việc bí mật thì không việc nào bí mật cho bằng gián điệp”. Người Pháp là những người tin tưởng nồng nhiệt vào những lời dạy của Tôn Tử, và ngoài việc mài giũa các kỹ năng giải mã của mình, họ còn phát minh ra một số kỹ thuật trợ giúp cho việc thu thập thông tin tình báo vô tuyến, những phương pháp không có liên quan gì đến việc giải mã. Chẳng hạn, người Pháp nghe tin để học cách nhận ra tay máy (fist) của các điện báo viên. Một khi đã được mã hóa, bức thư được gửi đi bằng mã Morse, gồm một chuỗi các dấu chấm và gạch, và mỗi điện báo viên đều có thể được nhận biết nhờ những khoảng ngắt, tốc độ truyền, và độ dài tương đối của dấu chấm và dấu gạch. Tay máy cũng tương tự như chữ viết tay đều có thể nhận biết được. Cùng với việc nghe tin, người Pháp còn thiết lập sáu trạm dò hướng để tìm ra thông tin được truyền đến từ đâu. Mỗi trạm xoay ăngten cho đến khi tín hiệu nhận được là mạnh nhất, từ đó xác định được một hướng của nguồn thông tin. Bằng cách tổng hợp các thông tin về hướng của hai hoặc một số trạm người ta sẽ định vị được vị trí truyền tin chính xác của đối phương. Việc kết hợp giữa thông tin về tay máy và thông tin về hướng, có thể xác định được cả nhận dạng con người lẫn vị trí của một tiểu đoàn. Tình báo của Pháp sau đó có thể lần ngược lại trong vòng vài ngày và có khả năng tìm ra đích cũng như mục tiêu của nó. Dạng thu thập thông tin tình báo này, được gọi là phân tích đường truyền tin, rất có giá trị, đặc biệt là khi xuất hiện một loại mật mã mới. Mỗi dạng mật mã mới có thể nhất thời khiến các nhà giải mã bất lực, song ngay cả khi một bức thư không giải mã được cũng có thể mang lại thông tin nào đó qua việc phân tích đường truyền.

        Sự thận trọng của người Pháp tương phản rõ nét với thái độ của người Đức, họ tham gia vào chiến tranh mà không có văn phòng giải mã của quân đội. Mãi cho đến năm 1916, họ mới thành lập Abhorchdienst, một cơ quan phục vụ cho việc chặn bắt thư từ của quân Đồng minh. Một phần lý do của việc chậm thành lập Abhorchdienst đó là quân đội Đức ngay từ đầu cuộc chiến đã tiến trước vào lãnh thổ của Pháp. Để đối phó lại, người Pháp đã phá hủy các phương tiện viễn thông trên bộ, buộc toán quân Đức đi trước phải liên lạc qua vô tuyến. Trong khi điều này giúp cho người Pháp liên tục chặn bắt được thông tin của quân Đức, thì phía đối phương lại không làm được như vậy. Khi Pháp lui quân vào sâu lãnh thổ của mình, họ vẫn có thể sử dụng phương tiện viễn thông của họ và không phải liên lạc qua vô tuyến. Vì quân Pháp không sử dụng vô tuyến trong liên lạc nên quân Đức không bắt được thông tin nào và vì vậy họ đã không chú ý đến việc thiết lập một bộ phận giải mã cho mãi đến hai năm sau trong cuộc chiến.



Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2020, 08:57:02 am »


        Người Anh và người Mỹ cũng có những đóng góp quan trọng cho công việc giải mã của quân Đồng minh. Tầm quan trọng bậc nhất của các nhà giải mã của quân Đồng minh và ảnh hưởng của họ đến cuộc chiến tranh được minh họa rõ nhất trong việc giải mã một bức điện tín của quân Đức bị quân Anh bắt được ngày 17 tháng Một năm 1917. Sự việc này đã cho thấy khoa giải mã có thể ảnh hưởng ở mức độ cao nhất đến tiến trình của cuộc chiến tranh như thế nào, và minh họa cho hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra nếu sử dụng loại mật mã không thích hợp. Trong vòng vài tuần, bức điện tín được giải mã đã khiến người Mỹ phải suy nghĩ lại chính sách trung lập của mình, nhờ đó đã mang lại thế cân bằng cho cuộc chiến.

        Mặc cho sự kêu gọi từ các chính trị gia Anh và Mỹ, trong hai năm đầu của cuộc chiến tranh, Tổng thống Woodrow Wilson vẫn kiên quyết từ chối không gửi binh lính Mỹ tăng cường cho quân Đồng minh. Ngoài chuyện không muốn hy sinh thế hệ trẻ của quốc gia vào chiến trường đẫm máu ở châu Âu, ông ta còn cho rằng cuộc chiến tranh chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán và tin rằng ông ta có thể cống hiến tốt nhất cho thế giới khi vẫn đứng trung lập như một người trung gian hòa giải. Tháng Mười một năm 1916, Wilson đã nhận thấy có hy vọng về một cuộc thu xếp bằng đàm phán khi Đức bổ nhiệm Ngoại trưởng mới, Arthur Zimmermann, một người đàn ông cao lớn vui tính, dường như báo hiệu một thời đại mới của chính sách ngoại giao tiến bộ ở Đức. Báo chí Mỹ chạy những hàng tít lớn như Zimmermann người bạn của chúng ta và Sự Tự do hóa nước Đức, và một bài báo đã coi ông ta là “một trong những điềm lành thuận lợi nhất cho tương lai của quan hệ Đức - Mỹ”. Tuy nhiên, người Mỹ không biết rằng, Zimmermann không hề có ý định theo đuổi hòa bình. Thay vào đó, ông ta âm mưu mở rộng sự xâm lược của quân đội Đức.

        Trở lại năm 1915, một chiếc tàu ngầm Đức đã làm đắm tàu chở khách Lusitania, khiến cho 1.198 hành khách, trong đó có 128 công dân Mỹ bị thiệt mạng. Vụ việc này lẽ ra đã khiến Mỹ phải nhảy vào cuộc chiến nếu như không có lời cam kết từ phía Đức rằng sau này tàu ngầm của Đức sẽ nổi lên trên mặt biển trước khi tấn công, một sự hạn chế nhằm tránh tấn công nhầm vào các tàu dân sự. Tuy nhiên, ngày 9 tháng Một năm 1917, Zimmermann đã tham dự một cuộc họp quan trọng tại Lâu đài Pless ở Đức, tại đây Bộ Chỉ huy Tối cao đã cố gắng thuyết phục Kaiser rằng đã đến lúc từ bỏ lời cam kết và bắt đầu một thời kỳ chiến tranh tàu ngầm không hạn chế. Các sĩ quan chỉ huy của Đức biết rằng tàu ngầm của họ hầu như không thể bị tổn hại nếu họ phóng ngư lôi khi còn đang chìm dưới nước, và họ tin rằng điều này sẽ chứng minh đó là yếu tố tích cực quyết định đến kết cục của cuộc chiến. Đức đã thành lập một hạm đội gồm hai trăm tàu ngầm và Bộ Chỉ huy Tối cao cho rằng cuộc xâm lược bằng tàu ngầm không hạn chế sẽ cắt đứt các đường tiếp viện cho Arthur Zimmermann Anh và buộc họ phải khuất phục trong vòng 6 tháng.

        Một chiến thắng chớp nhoáng là cực kỳ quan trọng. Cuộc chiến tàu ngầm không hạn chế và những vụ làm đắm tàu dân sự Mỹ không thể tránh khỏi gần như chắc chắn sẽ khiến Mỹ tuyên bố chiến tranh với Đức. Chính vì vậy, Đức cần phải buộc quân Đồng minh đầu hàng trước khi Mỹ có thể tập hợp quân và gây ảnh hưởng lớn đến vũ đài châu Âu. Kết thúc cuộc họp tại Pless, Kaiser đã bị thuyết phục rằng một chiến thắng chớp nhoáng là có thể đạt được, và ông ta đã ký lệnh cho phép mở cuộc chiến tàu ngầm không hạn chế, có hiệu lực từ ngày 1 tháng Hai.

        Trong ba tuần còn lại, Zimmermann đã lập ra một chính sách bảo hiểm. Nếu cuộc chiến tàu ngầm không hạn chế khiến Mỹ chắc chắn sẽ tham gia vào chiến tranh, thì Zimmermann đã có một kế hoạch gây trì hoãn và làm yếu đi sự can thiệp của Mỹ vào châu Âu, và thậm chí có thể còn ngăn cản hoàn toàn ý định đó. Ý tưởng của Zimmermann là đề xuất liên minh với Mexico, và thuyết phục Tổng thống Mexico tấn công Mỹ và chiếm lại các vùng như Texas, New Mexico và Arizona. Đức cũng sẽ hỗ trợ Mexico trong cuộc chiến với kẻ thù chung, cả về tài chính lẫn quân sự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2020, 09:01:17 am »


        Thêm nữa, Zimmermann muốn tổng thống Mexico làm trung gian thuyết phục Nhật Bản cùng tấn công nước Mỹ. Bằng cách này, Đức sẽ đặt mối đe dọa đối với bờ phía đông của nước Mỹ, Nhật tấn công từ phía tây và Mexico xâm lược ở phía nam. Động cơ chính của Zimmermann là buộc Mỹ phải đối phó với những khó khăn của chính mình để không còn đủ khả năng đem quân tới châu Âu nữa. Nhờ đó Đức có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến trên biển và cuộc chiến ở châu Âu, rồi sau đó sẽ rút ra khỏi chiến dịch ở Mỹ. Ngày 16 tháng Một, Zimmermann đã tóm tắt kế hoạch của mình trong một bức điện gửi cho Đại sứ Đức tại Washington, người này có nhiệm vụ chuyển kế hoạch đó cho Đại sứ Đức ở Mexico để gửi Tổng thống Mexico. Hình 28 trình bày bức điện tín đã được mã hóa; nội dung của bức điện đó như sau:

        Chúng ta dự định bắt đầu cuộc chiến tàu ngầm không hạn chế vào đầu tháng Hai. Mặc dù vậy, bằng mọi cách chúng ta phải cố gắng giữ vị trí trung lập của Mỹ. Trong trường hợp không thành công, chúng ta sẽ đề nghị Mexico hợp tác trên nguyên tắc cơ bản: cùng thực hiện chiến tranh, cùng thực hiện hòa bình, hỗ trợ tài chính rộng rãi, và một sự cảm thông của phía chúng ta đối với mong muốn được tái chiếm những vùng lãnh thổ đã mất của Mexico nhu Texas, New Mexico và Arizona. Việc thu xếp chi tiết sẽ do ông quyết định.

        Ông hãy thông báo cho Tổng thống (của Mexico) về những điều trên đây một cách tối mật, ngay khi chiến tranh với Mỹ là chắc chắn nổ ra, và bổ sung thêm khuyến nghị rằng, ông ta hãy mời Nhật Bản, theo sáng kiến của ông ta, liên minh ngay lập tức và đồng thời làm trung gian giữa Nhật Bản và chúng ta.

        Ồng hãy lưu ý Tổng thống rằng thực tế việc chúng ta bắt đầu cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế lúc này sẽ mang lại triển vọng buộc Anh phải tiến tới hòa bình trong vòng vài tháng. Hãy báo cho tôi biết ông đã nhận được bức điện này.


Zimmermann       


Zimmermann

        Zimmermann đã mã hóa bức điện của mình vì Đức biết quân Đồng minh chặn bắt được tất cả các thông tin qua Đại Tây dương, một hệ quả của hành động tấn công đầu tiên của Anh trong cuộc chiến. Trước bình minh ngày đầu tiên của Thế chiến Thứ nhất, tàu Telconia của Anh đã xâm nhập vào bờ biển nước Đức nhờ có bóng tối che phủ, nó thả neo và kéo lên các dây cáp ở dưới biển. Đó là các dây cáp của Đức đi xuyên qua Đại Tây dương - mối liên kết thông tin giữa Đức với phần còn lại của thế giới. Vào lúc mặt trời mọc thì tất cả các đường cáp đều đã bị cắt đứt. Hành động phá hoại ngầm này là nhằm phá hủy phương tiện liên lạc an toàn nhất của Đức, buộc Đức phải gửi thư từ qua các đường liên lạc bằng sóng vô tuyến không mấy an toàn hoặc qua các đường cáp của nước khác. Zimmermann buộc phải gửi bức điện của mình qua đường cáp của Thụy điển và để phòng xa, ông ta còn gửi trực tiếp qua đường cáp của Mỹ. Cả hai con đường đều qua Anh, và cũng có nghĩa là bức điện tín Zimmermann, như ngày nay vẫn gọi, nhanh chóng rơi vào tay quân Anh.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2020, 06:39:12 pm »


        Bức điện ngay lập tức được chuyển đến Phòng 40, phòng mật mã Bộ Hải quân Anh. Phòng 40 là một hỗn hợp người kỳ lạ, nó gồm các nhà ngôn ngữ, các học giả cổ văn và những người mê giải câu đố, có khả năng lập những chiến công tài tình nhất trong việc giải mã. Chẳng hạn, Reverend Montgomery, một dịch giả tài năng các tác phẩm thần học của Đức, đã giải mã được bức thư bí mật giấu trong một tấm bưu thiếp gửi Ngài Henry Jones, 184 đường King’s Road, Tighnabruaich, Scotland.

        Tấm bưu thiếp được gửi từ Thổ Nhĩ Kỳ, nên Ngài Henry đoán rằng nó là của người con trai ông, bị giam ở nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ gửi về. Tuy nhiên, ông thấy bối rối vì tấm bưu thiếp để trắng và địa chỉ cũng kỳ lạ - làng Tighnabruaich quá nhỏ nên không có nhà nào được đánh số và cũng không có đường King’s Road nào hết. Cuối cùng thì Reverend Montgomery nhận ra đó chính là bức thư mã hóa trên tấm bưu thiếp. Dòng địa chỉ ở đây là muốn nói tới một đoạn trong cuốn Kinh thánh, Sách thứ nhất về các Vua, Chương 18, Câu 4: “Obadiah có đem một trăm đấng tiên tri đi giấu trong hai hang đá, mỗi hang năm mươi người, dùng bánh mì và nước mà nuôi họ”. Con trai của Ngài Henry chỉ đơn giản là muốn gia đình yên tâm rằng anh ta vẫn được những kẻ giam giữ chăm sóc tốt.

        Khi bức điện Zimmermann đến Phòng 40, chính Montgomery là người chịu trách nhiệm giải mã nó cùng với Nigel de Grey, một chủ nhà xuất bản được hãng William Heinemann phái tới. Họ ngay lập tức nhận ra rằng mình đang phải đương đầu với một dạng mật mã chỉ được sử dụng trong những liên lạc ngoại giao cao cấp, và họ rất khẩn trương bắt tay giải mã. Việc giải mã hoàn toàn không dễ dàng song họ lợi dụng được những kết quả phân tích các bức điện được mã hóa trước đây. Trong vòng vài giờ, hai nhà giải mã đã phục hồi được một số đoạn trong văn bản, đủ để hiểu rằng họ đang giải mã một bức thư cực kỳ quan trọng. Montgomery và de Grey đã kiên trì thực hiện nhiệm vụ của mình và hết ngày hôm đó, họ đã hiểu được sơ lược những kế hoạch khủng khiếp của Zimmermann. Họ nhận thấy những hậu quả đầy chết chóc của cái gọi là chiến tranh tàu ngầm không hạn chế, nhưng đồng thời họ cũng hiểu rằng vị ngoại trưởng Đức này đang khuyến khích một kế hoạch tấn công nước Mỹ, mà điều này có nhiều khả năng sẽ khiến Tổng thống Wilson từ bỏ vai trò trung lập của mình. Bức điện còn chứa đựng các mối đe dọa khủng khiếp nhất song cũng tính đến khả năng Mỹ gia nhập Đồng minh.

        Montgomery và de Grey đã gửi một phần bức điện được giải mã cho Đô đốc, Ngài William Hall, Giám đốc Cục tình báo hải quân, với mong muốn ông sẽ chuyển thông tin này cho phía Mỹ, nhờ đó có thể lôi kéo họ tham gia cuộc chiến. Tuy nhiên, Đô đốc Hall chỉ đơn giản cất nó vào két sắt và yêu cầu các nhà giải mã tiếp tục hoàn thiện nốt những phần còn bỏ trống. Ông do dự không muốn chuyển cho phía Mỹ bức điện chưa được giải mã hoàn chỉnh, vì e rằng còn có những thông tin quan trọng vẫn chưa được giải mã. Thực ra, ông cũng có một mối lo ngại khác lẩn quất trong đầu. Nếu nước Anh đưa bức điện Zimmermann đã được giải mã cho phía Mỹ thì những người Mỹ sẽ phản ứng lại bằng cách công khai chỉ trích kế hoạch xâm lược của Đức, và người Đức sẽ rút ra ngay kết luận rằng phương pháp mã hóa của họ đã bị hóa giải. Điều này sẽ khiến họ phải phát triển một hệ thống mật mã mới mạnh hơn, do đó sẽ làm mất đi một kênh tình báo quan trọng. Vả lại, Hall cũng hiểu rằng cuộc tấn công tổng lực bằng tàu ngầm sẽ diễn ra chỉ trong vòng hai tuần nữa, mà chỉ nội điều đó thôi cũng đủ để khiến Tổng thống Wilson tuyên bố chiến tranh với Đức. Do đó không việc gì mà phải làm phương hại đến một nguồn tin tình báo giá trị, khi mà kết cục mong muốn dù thế nào cũng sẽ xảy ra.

        Hình 28 Bức điện của Zimmermann, được von Bernstorff, Đại sứ Đức tại Washington gửi cho Eckhardt, Đại sứ Đức tại Mexico City.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2020, 06:42:14 pm »


        Ngày 1 tháng Hai, theo lệnh của Kaiser, quân Đức khởi động cuộc chiến tranh hải quân không hạn chế. Ngày 2 tháng Hai, Woodrow Wilson chủ trì một cuộc họp nội các để quyết định phản ứng của Mỹ. Ngày 3 tháng Hai, ông ta tuyên bố với Quốc hội và thông báo rằng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục giữ vị trí trung lập với tư cách là người thiết lập hòa bình, không tham chiến. Điều này đi ngược lại với mong đợi của quân Đồng minh và Đức. Việc Mỹ do dự gia nhập Đồng minh đã buộc Đô đốc Hall không còn lựa chọn nào khác là phải dùng đến bức điện Zimmermann.

        Trong vòng hai tuần kể từ khi Montgomery và de Grey lần đầu tiên báo cáo với Hall, họ đã hoàn thành việc giải mã. Thêm vào đó, Hall đã tìm ra cách khiến quân Đức không nghi ngờ gì về việc bí mật của họ đã bị phát lộ. Ồng biết rằng von Bernstorff, Đại sứ Đức tại Washington, sẽ chuyển bức điện cho von Eckhardt, Đại sứ Đức tại Mexico, sau khi đã có một vài thay đổi nhỏ. Chẳng hạn, von Bernstorff sẽ bỏ đi những chỉ thị riêng cho ông ta và thay đổi địa chỉ. Von Eckhardt sau đó sẽ chuyển bức điện đã sửa đổi và đã được giải mã này cho Tổng thống Mexico. Nếu Hall bằng cách nào đó có được bức điện gửi đến Mexico thì nó có thể được công bố và người Đức sẽ cho rằng nó đã bị đánh cắp từ chỗ Chính phủ Mexico, chứ không phải bị người Anh chặn bắt được trên đường gửi tới Mỹ và giải mã nó. Hall liên lạc với điệp viên của mình ở Mexico, với biệt danh là Mr. H, và người này sẽ có nhiệm vụ đột nhập Cục Điện báo Mexico, để lấy chính xác thứ mà Hall cần - đó là bức điện Zimmermann gửi chính phủ Mexico.

        Đây cũng chính là bức điện mà Hall đã chuyển tới Arthur Balfour, Ngoại trưởng Anh. Ngày 23 tháng Hai, Balfour đã mời Đại sứ Mỹ, Walter Page tới và đưa cho ông ta xem bức điện Zimmermann, mà sau này ông đã gọi đó là "giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”. Bốn ngày sau, Tổng thống Wilson đã tận mắt nhìn thấy cái mà ông gọi là “bằng chứng hùng hồn”, chứng tỏ Đức đang rắp tâm mở rộng xâm lược trực tiếp vào Mỹ.

        Bức điện cũng đã được công bố cho giới báo chí, và cuối cùng thì Mỹ cũng phải đối diện với thực tế trước những mưu đồ của Đức. Mặc dù vậy, những người dân Mỹ vẫn nghi ngại việc cần phải trả đũa và bên trong chính quyền Mỹ vẫn còn lo ngại rằng bức điện này có thể là một trò lừa đảo, được người Anh bày ra để buộc Mỹ phải tham chiến. Tuy nhiên, sự nghi ngờ về tính xác thực mau chóng biến mất khi Zimmermann công khai thừa nhận trách nhiệm của mình. Tại một cuộc họp báo ở Berlin, không hề bị sức ép nào, ông ta chỉ đơn giản tuyên bố: “Tôi không thể chối bỏ điều này. Đó là sự thật”.


Hình 29 “Nổ tung trong tay ông ta”, tranh biếm họa của Rollin Kirby in trên tạp chí Thế giới ngày 3 tháng Ba năm 1917.

        Ở Đức, Bộ ngoại giao đã tiến hành một cuộc điều tra xem bằng cách nào Mỹ đã có được bức điện Zimmermann. Họ đã bị rơi vào bẫy của Hall và đi đến kết luận rằng “những bằng chứng khác nhau đều cho thấy sự rò rỉ là từ phía Mexico”. Trong khi đó, Hall vẫn tiếp tục làm giảm bớt sự chú ý tới công việc của các nhà giải mã Anh. Ông dựng nên một câu chuyện cho giới báo chí Anh nhằm chỉ trích tổ chức của chính ông đã không chặn bắt được bức điện của Zimmermann, dẫn tới việc hàng loạt bài báo tấn công vào lực lượng tình báo của Anh và tán dương Mỹ.

        Vào đầu năm, Wilson đã từng nói rằng sẽ là một “tội ác đối với dân tộc” nếu để đất nước của ông ta tham chiến, nhưng đến ngày 2 tháng Tư năm 1917, ông ta đã thay đổi quyết định: “Tôi xin khuyến nghị Quốc hội nên tuyên bố rằng đường lối mới đây của Chính phủ Đế quốc (tức Chính phủ Đức - ND) thực tế không gì khác là đang thực hiện cuộc chiến tranh chống lại chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, và nên chính thức chấp nhận tình trạng tham chiến để đẩy lùi cuộc chiến tranh đó”. Một thành công duy nhất mà các nhà giải mã Phòng 40 đã đạt được chính ở chỗ mà ba năm ngoại giao tích cực đều thất bại. Barbara Tuchman, nhà sử học Mỹ và là tác giả cuốn Bức điện Zimmermann, đã phân tích như sau:

        Nếu bức điện này không bị chặn bắt hoặc không được công bố thì người Đức tất đã làm được điều gì đó trước khi buộc chúng ta cuối cùng phải tham chiến. Nhưng nếu như vậy thì đã quá muộn. Nếu chúng ta trì hoãn lâu hơn nữa thì quân Đồng minh có thể đã bị buộc phải thương lượng. Trên phương diện đó, thì bức điện Zimmermann đã làm thay đổi cả tiến trình lịch sử... Bản thân bức điện Zimmermann cũng chỉ là một viên sỏi trên con đường dài của lịch sử. Nhưng một viên sỏi có thể giết chết gã khổng lồ Goliath, và chính viên sỏi này đã giết chết những ảo tưởng của người Mỹ khi nghĩ rằng chúng ta có thể vui vẻ đi con đường của riêng mình tách biệt với các quốc gia khác. Trong các sự kiện của thế giới thì đây chỉ là một âm mưu nhỏ của một Ngoại trưởng Đức. Còn trong cuộc sống của người dân Mỹ thì đó là kết thúc của sự ngây thơ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM