Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:52:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14466 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2020, 05:47:03 am »


        Giả sử từ khóa mã thực sự gồm có năm chữ cái, bước tiếp theo là tìm ra các chữ cái thực của từ khóa. Lúc này, chúng ta ký hiệu từ khóa mã là Ll- L2-L3-L4-L5, trong đó L1 biểu thị chữ cái thứ nhất và cứ tiếp tục như vậy. Quá trình mã hóa sẽ bắt đầu với việc mã hóa chữ cái thứ nhất trong văn bản thường theo chữ cái thứ nhất trong từ khóa là Lị xác định một dòng trong hình vuông Vigenère, nghĩa là cung cấp một bảng chữ cái mã dùng để thay thế cho chữ cái đầu tiên trong văn bản thường. Tuy nhiên, đến khi mã hóa chữ cái thứ hai, người mã hóa sẽ phải sử dụng L2 để xác định một dòng khác trong hình vuông Vigenère, tức là cung cấp một bảng chữ cái mã khác. Chữ cái thứ ba sẽ được mã hóa theo L3, chữ cái thứ tư theo L4 và thứ năm theo L5. Mỗi chữ cái trong từ khóa sẽ cung cấp một bảng chữ cái mật mã khác nhau cho việc mã hóa. Tuy nhiên, đến chữ cái thứ sáu trong văn bản thường sẽ quay trở lại mã hóa theo L1, chữ cái thứ bảy theo L2 và cứ tiếp tục vòng lặp như vậy. Nói cách khác, mật mã dùng nhiều bảng chữ cái ở đây gồm năm bảng chữ cái mật mã, mỗi bảng chịu trách nhiệm mã hóa 1/5 văn bản gốc và điều quan trọng nhất là chúng ta đã biết làm thế nào để giải mã đối với bảng mật mã dùng một bảng chữ cái.

        Chúng ta tiếp tục các bước tiếp sau. Chúng ta biết rằng một trong số các dòng trong hình vuông Vigenère, được xác định bởi Lị cung cấp bảng chữ cái mật mã để mã hóa các chữ cái thứ 1, thứ 6, thứ 11, thứ 16,... trong văn bản gốc. Chính vì vậy, nếu nhìn vào các chữ cái thứ 1, thứ 6, thứ 11, thứ 16,... trong văn bản mật mã, chúng ta có thể sử dụng một phương pháp cũ là phân tích tần suất để tìm ra bảng chữ cái mật mã đang còn là ẩn số. Hình 14 cho thấy tần suất của từng chữ cái ở các vị trí thứ 1, thứ 6, thứ 11, thứ 16,... của văn bản mật mã, đó là các chữ cái W, I, R, E,... Đến đây, chúng ta hãy nhớ rằng mỗi bảng chữ cái mật mã trong hình vuông Vigenère chỉ đơn giản là một bảng chữ cái chuẩn bị dịch đi một giá trị nằm trong khoảng từ 1 đến 26. Vì vậy, tần suất từng chữ cái trong Hình 14 cũng phải có đặc điểm tương đồng với tần suất của từng chữ cái trong bảng chữ cái chuẩn, ngoại trừ việc nó đã bị dịch chuyển đi một đoạn nào đó. Bằng cách so sánh phân bố (các chữ cái) theo L1 và phân bố chuẩn, có thể tìm ra khoảng dịch chuyển. Hình 15 cho thấy phân bố tần suất chuẩn cho một đoạn văn bản thường bằng tiếng Anh.

        Phân bố chuẩn có các đỉnh, những đoạn bằng phẳng và các thung lũng và để làm khớp với phân bố mật mã theo L1, chúng ta hãy tìm tập hợp những đặc điểm nổi bật nhất. Chẳng hạn, trong phân bố chuẩn có ba cột tại R-S-T (Hình 15) và sau đó tụt xuống một đoạn dài về phía bên phải kéo dài qua 6 chữ cái từ U đến Z cùng nhau tạo nên một cặp đặc điểm rất khác biệt. Đặc điểm tương tự trong phân bố theo L1 (Hình 14) chỉ có thể là ba cột tại V-W-X và sau đó tụt xuống một đoạn dài từ Y đến D. Điều này cho thấy tất cả các chữ cái mã hóa theo L1 đã dịch chuyển đi bốn vị trí, hay L1 xác định bảng mật mã bắt đầu từ E, F, G, H,... Điều này có nghĩa là chữ cái đầu tiên trong từ khóa, tức L1 có thể là chữ E. Giả thuyết này có thể kiểm chứng lại bằng cách dịch phân bố theo L1 lùi lại bốn chữ cái và so sánh nó với phân bố chuẩn. Hình 16 biểu diễn cả hai sự phân bố để tiện so sánh. Sự tương ứng giữa các đỉnh chính là rất rõ, điều này cho thấy sẽ là an toàn nếu cho rằng từ khóa thực sự bắt đầu bằng chữ E.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2020, 10:20:31 am »

       
        Tóm lại, việc tìm kiếm những chỗ lặp lại trong văn bản mật mã cho phép chúng ta xác định được độ dài của từ khóa, đó là 5, tức là gồm năm chữ cái. Điều này cho phép ta chia bản mật mã thành 5 phần, mỗi phần được mã hóa theo một bảng chữ cái xác định bởi mỗi chữ cái trong từ khóa. Bằng cách phân tích phân đoạn của văn bản mật mã được mã hóa theo chữ cái thứ nhất của từ khóa, chúng ta đã có thể biết được chữ cái này, tức L1, rất có thể là chữ E. Quá trình này được lặp lại để xác định chữ cái tiếp theo trong từ khóa. Phân bố tần suất được thiết lập cho các chữ cái thứ 2, thứ 7, thứ 12, thứ 17,... trong văn bản mật mã. Một lần nữa, phân bố này, trình bày ở Hình 17, lại được so sánh với phân bố chuẩn để xác định được khoảng dịch chuyển.

        Phân bố lần này khó phân tích hơn một chút. Không có ba đỉnh liền nhau nào rõ ràng tương ứng với R-S-T. Tuy nhiên, sự tụt xuống kéo dài từ G đến L cũng rất khác biệt, và có thể nó tương ứng với sự tụt xuống mà ta có thể thấy từ U đến Z trong phân bố chuẩn. Nếu đúng như vậy thì chúng ta có thể hy vọng rằng ba đỉnh R-S-T xuất hiện tại D-E-F nhưng tại E lại không có đỉnh nào. Đến đây, chúng ta tạm bỏ qua cái đỉnh bị mất, coi như là một sự không đều về mặt thống kê, và trở lại cảm nhận ban đầu của chúng ta, đó là sự giảm dần từ G đến L là một đặc điểm bị dịch chuyển đáng chú ý. Điều này cho thấy tất cả các chữ cái được mã hóa theo L2 đã được dịch chuyển 12 vị trí, hay L2 xác định một bảng mật mã bắt đầu bằng M, N, O, P,... và chữ cái thứ hai của từ khóa, tức L2, là M. Một lần nữa, giả thuyết này có thể kiểm chứng lại bằng việc dịch lùi phân bố theo L2 đi 12 vị trí và so sánh nó với phân bố chuẩn. Hình 18 trình bày cả hai phân bố và sự tương ứng giữa các đỉnh chính là rất rõ. Điều này cho thấy đã an toàn để giả định rằng chữ cái thứ hai của từ khóa mã thực sự là M.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2020, 10:25:50 am »


        Tôi sẽ không tiếp tục phân tích nữa, chỉ cần nói rằng việc phân tích các chữ cái thứ 3, thứ 8, thứ 13,... sẽ giúp ta nhận được chữ cái thứ ba của từ khóa là I, phân tích chữ cái thứ 4, thứ 9, thứ 14,... sẽ cho chữ cái thứ tư là L và phân tích chữ cái thứ 5, thứ 10, thứ 15 sẽ cho chữ cái thứ năm của từ khóa là Y. Vậy từ khóa là EMILY. Giờ thì ta có thể đảo ngược mật mã Vigenère và hoàn tất việc giải mã. Chữ cái đầu tiên của văn bản mật mã là w, và nó được mã hóa theo chữ cái đầu tiên của từ khóa là E. Làm ngược lại, chúng ta hãy nhìn vào hình vuông Vigenère, và tìm chữ cái w ở dòng bắt đầu bằng chữ E và chúng ta tìm ra chữ cái ở đầu cột. Chữ cái này là s, đó chính là chữ cái đầu tiên của văn bản thường. Lặp lại quá trình này, chúng ta thấy văn bản thường bắt đầu bằng sittheedownandhavenoshamecheekbyjowl... Bằng việc thêm vào những dấu cách giữa các từ và dấu câu, cuối cùng chúng ta nhận được:

        Sit thee down, and have no shame,
        Cheek by jowl, and knee by knee:
        What care I for any name?
        What for order or degree?

        Let me screw thee up a peg:
        Let me loose thy tongue with wine:
        Callest thou that thing a leg?
        Which is thinnest? thine or mine?

        Thou shah not be saved by works:
        Thou hast been a sinner too:
        Ruined trunks on withered forks,
        Empty scarecrows, I and you!

        Fill the cup, and fill the can:
        Have a rouse before the morn:
        Every moment dies a man,
        Every moment one is born.


        Đây là một đoạn trong bài thơ The Vision of Sin của Alfred Tennyson. Từ khóa hóa ra lại là tên của vợ Tennyson, Emily Sell wood. Sở dĩ tôi chọn một đoạn trong bài thơ này để làm ví dụ minh họa cho việc giải mã là bởi vì nó gợi đến sự trao đổi thư từ khá kỳ lạ giữa Babbage và nhà thơ vĩ đại này. Là một nhà thống kê sắc sảo và cũng là người đã lập các bảng về tỷ lệ tử vong, nên Babbage cảm thấy bực bội với hai câu “Every moment dies a man, Every moment one is born ” (Mỗi lúc có một người chết đi, Mỗi lúc lại có một người ra đời), đó chính là hai dòng cuối trong văn bản thường ở trên. Vì vậy, ông đã đề nghị sửa lại bài thơ "đẹp khác lạ” này của Tennyson:

        Thật rõ ràng là nếu điều này là đúng, thì dân số thế giới sẽ không thay đổi... Tôi xin đề nghị khi tái bản bài thơ này, ông nên viết lại là “Mỗi lúc một người chết đi, Mỗi lúc lại có 17/16 người ra đời”... Con số chính xác dài quá không thể ghi trong một dòng được, nhưng tôi tin là con số 17/16 là đủ chính xác cho thi ca rồi.

Trân trọng chào Ngài,         
Charles Babbage.         

        Sự giải thành công mật mã Vigenère của Babbage có lẽ đạt được vào năm 1854, ngay sau xích mích của ông với Thwaites, song phát minh của ông hoàn toàn không được biết đến vì ông không bao giờ công bố nó. Phát minh này chỉ được biết đến vào thế kỷ 20, khi các học giả nghiên cứu một số lượng lớn những ghi chép của ông. Trong khi đó, kỹ thuật của ông cũng đã được khám phá một cách độc lập bởi Friedrich Wilheim Kasiski, một sĩ quan quân đội Phổ đã nghỉ hưu. Ngay từ năm 1863, khi ông này đã công bố đột phá giải mã của mình trong cuốn Die Geheimschriften und die Dechiffrir- kunst (Chữ viết bí mật và Nghệ thuật giải mã), kỹ thuật này đã được biết đến dưới cái tên Phép thử Kasiski, và đóng góp của Babbage hầu như không được biết đến.

        Vậy tại sao Babbage lại không công bố việc hóa giải thành công một loại mật mã có tính chất sống còn như vậy? Chắc có lẽ ông vốn có thói quen không bao giờ kết thúc các dự án và không công bố những khám phá của mình, và đây cũng chỉ là một ví dụ nữa về thái độ không mấy dấn thân của ông. Tuy nhiên, cũng có một cách giải thích khác. Khám phá của ông xuất hiện ngay sau khi nổ ra Cuộc chiến tranh Crime và có một thuyết cho rằng mật mã Vigenère là một lợi thế rõ ràng của người Anh trước kẻ thù người Nga của họ. Cũng có thể là Tình báo Anh đã yêu cầu Babbage giữ bí mật kết quả của ông, nhờ đó đã giúp họ đi trước phần còn lại của thế giới chín năm trời. Nếu đúng là như vậy thì nó cũng phù hợp với truyền thống bưng bít những thành quả giải mã vì an ninh quốc gia đã tồn tại từ lâu, một tập quán vẫn còn tiếp tục trong thế kỷ 20.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2020, 10:26:43 am »


        TỪ CỘT NHẮN TIN ĐẾN KHO BÁU BÍ MẬT

        Nhờ những tiến bộ của Charles Babbage và Friedrich Kasiski, mật mã Vigenère không còn an toàn nữa. Các nhà tạo mã không thể đảm bảo được sự an toàn nữa, và giờ thì các nhà giải mã đã thành công đoạt lại thế kiểm soát trong cuộc chiến thông tin liên lạc. Mặc dù các nhà tạo mã đã cố gắng thiết kế những dạng mật mã mới nhưng không có kết quả nào đáng kể trong suốt nửa sau của thế kỷ 19, và lĩnh vực mật mã chuyên nghiệp đã rơi vào tình trạng khá lộn xộn. Tuy nhiên, thời kỳ này cũng đã chứng kiến sự gia tăng cực lớn sự quan tâm của công chúng đối với mật mã.

        Sự phát triển của máy điện báo đã từng gây ra sự quan tâm về mặt thương mại đối với khoa mật mã, giờ lại dấy lên sự quan tâm của công chúng đối với nó. Mọi người đã nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ thư từ cá nhân vốn có bản chất nhạy cảm cao, và nếu cần thiết, họ sẵn sàng sử dụng mã hóa ngay cả khi phải mất thêm thời gian để gửi thư, và vì vậy điện phí cũng tăng. Nhân viên điện báo có thể gửi thư thường bằng tiếng Anh với tốc độ 35 từ một phút vì họ có thể nhớ toàn bộ các cụm từ và truyền chúng đi chỉ trong nháy mắt, trong khi với mớ lộn xộn các chữ cái tạo nên một văn bản mật mã thì việc truyền đi chậm hơn rất nhiều, vì nhân viên điện báo phải kiểm tra từng dãy chữ cái một. Tất nhiên, mật mã mà công chúng sử dụng không thể chống được sự tấn công của các nhà giải mã chuyên nghiệp, song cũng đủ để bảo vệ trước con mắt của những kẻ rình mò.

        Vì con người trở nên thoải mái hơn với mật mã, họ bắt đầu bộc lộ những kỹ năng về mật mã của mình theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, những đôi bạn trẻ yêu nhau ở nước Anh thời nữ hoàng Victoria thường bị cấm không được công khai bày tỏ tình yêu và không thể liên lạc bằng thư từ vì bố mẹ họ có thể bắt gặp và đọc được nội dung của nó. Điều này khiến họ phải gửi thư đã mã hóa cho nhau qua các cột nhắn tin trên báo. Những cột nhắn tin này đã gợi sự tò mò của những nhà giải mã, họ tìm những bức thư ngắn này và tìm cách giải mã những nội dung ướt át trong đó. Người ta đồn rằng Charles Babbage cũng say mê trò chơi này cùng với những người bạn của mình là Charles Wheatstone và Nam tước Lyon Playfair, họ đã cùng nhau phát triển mật mã Playfair khá tinh xảo (xem Phụ Lục E). Có lần, Wheatstone giải mã một tin nhắn trên tờ Times của một sinh viên Oxford, định rủ người yêu trốn nhà để cùng nhau đi xây tổ ấm. Vài ngày sau, Wheatstone gửi đăng một bức thư, được mã hóa bằng cùng loại mật mã như của chàng sinh viên, khuyên đôi trẻ không nên nổi loạn và hành động nông nổi như vậy. Ngay sau đó, trên cột báo xuất hiện bức thứ thứ ba, lần này thì không mã hóa gì hết và là của cô gái: “Charlie, đừng viết nữa. Mật mã của mình đã bị lộ rồi”.

        Trong suốt thời kỳ này, có rất nhiều những đoạn tin mã hóa xuất hiện trên các báo. Các nhà tạo mã bắt đầu đưa những đoạn văn bản mật mã lên báo đơn giản chỉ là để thách đố các đồng nghiệp của mình. Trong một số trường hợp khác, thì những đoạn tin mã hóa lại được sử dụng để đả kích các tổ chức hoặc nhân vật của công chúng. Tờ Times có lần đã bất cẩn cho đăng một tin được mã hóa: “Times là Jeffreys của giới báo chí”. Tờ báo được ví như quan tòa Jeffreys, một nhân vật đầy tai tiếng ở thế kỷ 17, ý nói nó là một tờ báo nhẫn tâm và xấu xa, hành xử như một cái loa phát thanh của chính phủ.

        Một ví dụ khác về sự quen thuộc của công chúng với mật mã đó là sự sử dụng rộng rãi việc mã hóa bằng lỗ châm kim. Nhà viết sử người cổ Hy Lạp là Aeneas đã khuyến nghị chuyển thư tín bí mật bằng cách dùng kim châm những lỗ nhỏ dưới các chữ cái nhất định trong một trang văn bản, mà bề ngoài tưởng như là vô hại, nó nhìn giống như có một số chấm nhỏ dưới một số chữ cái trong đoạn văn mà bạn đang đọc. Nhưng xem kỹ ra, đây lại là lá thư bí mật mà người nhận định trước có thể đọc được dễ dàng. Tuy nhiên, nếu người ngoài nhìn thoáng qua, họ có thể không nhận thấy những lỗ châm kim và do đó không biết đó là một bức thư bí mật. Hai ngàn năm sau, những người Anh viết thư cũng đã sử dụng chính phương pháp này, không phải để bảo vệ bí mật mà là để tránh phải trả cước phí. Trước khi sử dụng hệ thống bưu phí vào giữa những năm 1800, gửi một bức thư đi cứ 100 dặm tốn một siling, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người dân. Tuy nhiên, báo chí thì lại được gửi miễn cước phí và điều này đã tạo khe hở cho những thần dân tằn tiện của nữ hoàng Victoria. Thay vì viết và gửi thư, người ta sử dụng lỗ châm kim để viết thư trên trang nhất của tờ báo. Sau đó họ gửi báo qua bưu điện mà không phải trả một xu nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2020, 10:41:55 am »

   
        Sự say mê ngày càng tăng của công chúng với kỹ thuật mã hóa cũng có nghĩa là chẳng bao lâu sau, mật mã đã tìm ra con đường đi vào văn học thế kỷ 19. Trong tiểu thuyết Hành trình tới tâm Trải đất của Jules Verne, văn bản mật mã là một cuộn da ghi chi chít những mẫu tự rune (chữ Đức cổ) chỉ dẫn bước đầu tiên đi vào cuộc hành trình vĩ đại. Các ký tự này là bộ phận của một mã thay thế làm phát sinh ra một văn bản bằng tiếng Latin, nó chỉ có nghĩa khi các chữ cái đảo ngược lại: “Hỡi vị lữ khách táo bạo, hãy đi xuống miệng của núi lửa Sneffels khi bóng của ngọn núi Scartaris chạm tới nó trước ngày đầu tiên của tháng Bảy, từ đó bạn sẽ đi đến tâm của Trái đất”. Vào năm 1885, Verne cũng đã sử dụng mật mã như là một yếu tố then chốt trong cuốn tiểu thuyết Mathias Sandorff của ông. Ở Anh, một trong những nhà văn giỏi nhất trong việc hư cấu về mật mã, đó là Ngài Arthur Conan Doyle. Và việc Sherlock Holmes là một chuyên gia trong lĩnh vực mật mã là điều không có gì phải ngạc nhiên và theo như ông ta giải thích với bác sĩ Watson thì (Holmes) là “tác giả của một cái chuyên khảo vặt vãnh về một chủ đề, mà trong đó, tôi đã phân tích một trăm sáu mươi loại mật mã khác nhau”. Vụ giải mã nổi tiếng nhất của Holmes được kể trong truyện Cuộc phiêu lưu của những hình nhân nhảy múa, trong đó mật mã là những người hình que, mỗi tư thế biểu thị cho một chữ cái.

        Ở phía bên kia bờ Đại Tây dương, Edgar Allan Poe cũng rất quan tâm đến phân tích mật mã. Là cây bút của tờ Người đưa thư hàng tuần Alexander ở Philadelphia, ông đã đưa ra một thách đố cho độc giả khi tuyên bố rằng ông có thể giải bất kỳ loại mật mã thay thế dùng một bảng chữ cái nào. Hàng trăm độc giả đã gửi đến những bản mật mã của họ và ông đã giải mã thành công tất cả số đó. Mặc dù điều này chẳng đòi hỏi gì nhiều ngoài việc phân tích tần suất, song độc giả của Poe cũng rất ấn tượng trước những thành quả của ông. Một fan hâm mộ đã coi ông “là một nhà giải mã tài năng và uyên thâm bậc nhất từ trước tới nay”.

        Năm 1843, hăng hái khai thác sự ham thích mà ông đã tạo nên, Poe đã viết một truyện ngắn về mật mã, được các nhà giải mã chuyên nghiệp khắp nơi công nhận là một tác phẩm văn học hư cấu hay nhất về đề tài này. Con bọ bằng vàng là một câu chuyện kể về William Legrand, người đã tìm thấy một con bọ lạ thường, một con bọ bằng vàng, và dùng một mẩu giấy nằmgần ngay cạnh để nhặt nó lên. Tối đó, anh phác thảo hình con bọ lên chính mẩu giấy đó rồi đưa lại gần ánh sáng ngọn lửa lò sưởi để xem mình vẽ có chính xác không. Tuy nhiên, hình phác thảo của anh bị mờ đi bởi một loại mực vô hình chợt hiện lên do hơi nóng của ngọn lửa. Legrand nghiên cứu những ký tự nổi trên mẩu giấy và hiểu rằng mình đã có trong tay một bản mật mã chỉ dẫn cách tìm kho báu của Thuyền trưởng Kidd. Phần còn lại của câu chuyện là một minh họa cổ điển cho phương pháp phân tích tần suất, kết quả giải mã là Legrand đã tìm được những manh mối do Thuyền trưởng Kidd để lại và tìm ra kho báu bí mật của ông ta.


Hình 19 Một đoạn văn bản mật mã trong cuốn Cuộc phiêu lưu của những hình nhân nhảy múa của Ngài Arthur Conan Doyle

        Mặc dù Con bọ bằng vàng hoàn toàn là hư cấu, song một câu chuyện có thật ở thế kỷ 19 cũng có những yếu tố tương tự. Đó là bản mật mã của Beale có liên quan đến những việc làm ăn đầy mạo hiểm ở miền Viễn Tây hoang dã của nước Mỹ. Một chàng cao bồi đã cóp nhặt được một kho của cải khổng lồ, một kho báu bí mật trị giá 20 triệu đôla và một tập giấy tờ đã được mã hóa đầy bí ẩn mô tả vị trí cất giấu kho báu đó. Những gì chúng ta biết về câu chuyện này, kể cả những giấy tờ đã được mã hóa, có trong một cuốn sách nhỏ được xuất bản vào năm 1885. Mặc dù chỉ có 23 trang, song cuốn sách đã thách thức bao nhiêu thế hệ các nhà giải mã và cuốn hút hàng trăm người săn tìm kho báu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2020, 10:45:38 am »


        Câu chuyện bắt đầu ở khách sạn Washington ở Lynchburg, bang Virginia, sáu mươi lăm năm trước khi xuất bản cuốn sách nhỏ nói trên. Theo cuốn sách này thì khách sạn và người chủ của nó, Robert Morriss, đã được đánh giá rất cao: “tính tình tử tế, chân thật, nghiêm túc của ông, tài quản lý và cắt đặt công việc giỏi đã mau chóng khiến ông trở nên một ông chủ nổi tiếng và danh tiếng của ông lan truyền sang cả các bang khác. Khách sạn của ông là một ngôi nhà đặc biệt nhất trong thị trấn và chẳng có cuộc hội họp sang trọng nào lại không được tổ chức ở đó”. Tháng Một năm 1820, một người lạ mặt có tên là Thomas J. Beale cưỡi ngựa đến Lynchburg và nghỉ tại khách sạn Washington. “Ông ta cao khoảng l,8m”, Morriss nhớ lại, “cặp mắt đen và mái tóc cùng màu, ăn mặc kiểu cổ hơn so với thời đó. Vóc dáng cân đối cho thấy ông ta là một người có sức mạnh và khả năng hoạt động phi thường; song có một đặc điểm hơi khác biệt là da mặt ông ta đen sạm, như thể bị phơi nắng quá nhiều và thời tiết đã làm cho da sạm lại và bạc màu, tuy nhiên điều đó cũng không hề làm giảm phong độ của ông, và tôi nghĩ ông ấy là người đàn ông đẹp nhất mà tôi đã từng gặp”. Mặc dù Beale đã sống toàn bộ phần còn lại của mùa đông ở khách sạn của Morriss và “cực kỳ thân thiện với tất cả mọi người, đặc biệt là các quý bà”, song ông ta không bao giờ nói gì về thân thế của mình, gia đình hay mục đích chuyến đi của ông. Sau đó, đến cuối tháng Ba, ông ta rời khách sạn một cách đột ngột hệt như lúc đến.


Hình 20 Trang bìa của cuốn Những giấy tờ của Beale, cuốn sách nhỏ chứa trong nó tất cả những gì chúng ta biết về kho báu bí ẩn của Beale.

        Hai năm sau, tháng Một năm 1822, Beale trở lại khách sạn Washington, “da dẻ trông còn đen sạm hơn bao giờ hết”. Một lần nữa, ông lại dành cả phần còn lại của mùa đông ở Lynchburg và lại biến mất vào mùa xuân, nhưng trước đó, ông đã tin cậy giao lại cho Morriss một chiếc hộp bằng sắt được khóa kín và nói trong đó có chứa “những giấy tờ có giá trị và rất quan trọng”. Morriss cất chiếc hộp ở một nơi an toàn và không nghĩ gì đến nó nữa cho đến khi nhận được một lá thư của Beale, đề ngày 9 tháng Năm năm 1822, được gửi từ St. Louis. Sau vài lời đùa cợt và một đoạn nói về dự định đi đến vùng đồng cỏ “để săn bò rừng và đọ sức với gấu xám”, lá thư của Beale đã tiết lộ tầm quan trọng của chiếc hộp:

        Nó đựng những giấy tờ rất quan trọng đối với tài sản của bản thân tôi cũng như rất nhiều người khác cùng làm ăn với tôi, và trong trường hợp tôi chết, thì sự biến mất của nó là không thể nào cứu vãn nổi. Vì vậy, chắc ông hiểu sự cần thiết phải bảo vệ nó thật thận trọng và cảnh giác ngăn chặn không cho thảm họa khủng khiếp đó xảy ra. Có thể không ai trong chúng tôi trở lại, nên ông làm ơn bảo vệ cẩn thận chiếc hộp này trong khoảng thời gian là 10 năm kể từ ngày ghi trên lá thư này, và nếu sau thời gian đó, tôi hoặc không ai được tôi ủy quyền đến đòi lại, thì ông hãy mở nó ra bằng cách phá khóa. Ồng sẽ thấy ngoài các giấy tờ đề gửi ông, còn có một số giấy tờ khác mà ông không thể đọc được nếu không có chìa khóa. Chìa khóa đó tôi đã trao tận tay cho một người bạn ở đây, đã niêm phong và đề gửi ông, đồng thời được đảm bảo ông sẽ chưa thể nhận được nó cho tới tháng Sáu năm 1832. Bằng chìa khóa này, ông sẽ hiểu tất cả những gì ông được yêu cầu phải làm.

        Moriss đã bảo vệ chiếc hộp một cách đầy trách nhiệm, chờ Beale quay trở lại lấy, song người đàn ông da sạm đen đầy bí ẩn ấy đã không bao giờ quay trở lại Lynchburg. Ông đã biến mất mà không một lời giải thích, và không bao giờ có ai còn trông thấy ông nữa. Mười năm sau, Moriss lẽ ra đã có thể theo chỉ dẫn của lá thư và mở hộp nhưng ông dường như vẫn lưỡng lự không muốn phá khóa. Lá thư của Beale có nhắc tới một bức thư khác sẽ được gửi tới cho Moriss vào tháng Sáu năm 1832 để giải thích cách giải mã những giấy tờ bên trong chiếc hộp. Tuy nhiên, bức thư đã không bao giờ đến và có lẽ vì vậy mà Moriss cảm thấy là sẽ chẳng ích lợi gì khi mở chiếc hộp nếu như ông không thể giải mã được những gì có bên trong nó. Cuối cùng, vào năm 1845, sự tò mò của Moriss đã chiến thắng và ông đã phá khóa. Trong chiếc hộp là ba tờ giấy với các ký tự đã được mã hóa và một bức thư Beale viết bằng tiếng Anh thông thường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2020, 03:40:31 pm »


        Bức thư tiết lộ sự thật về Beale, về chiếc hộp và bản mật mã. Nó giải thích rằng vào tháng Tư năm 1817, gần ba năm trước khi Beale lần đầu tiên gặp Moriss, Beale và hai mươi chín người khác đã tham gia một cuộc hành trình xuyên nước Mỹ. Sau khi đi qua những vùng đất săn bắn giàu có của vùng đồng cỏ Viễn Tây, họ đã đến Santa Fe, và sống cả mùa đông trong một “thị trấn Mehicô nhỏ”. Tháng Ba, họ tiến lên phía bắc và bắt đầu lần theo dấu vết của một đàn bò rừng lớn, hạ gục được nhiều con suốt dọc đường. Sau đó, theo lời Beale, họ đã gặp may:

        Một ngày, trong khi theo dấu vết lũ bò, cả bọn hạ trại trong một khe núi nhỏ, chừng 250 đến 350 dặm về phía bắc của Santa Fe. Họ cột ngựa lại và khi đang chuẩn bị bữa tối, một người trong bọn đã phát hiện ra bên trong khe nứt của các tảng đá có dấu hiệu của vàng. Sau khi đưa nó cho những người khác xem, được xác nhận đúng là vàng, và kết quả tự nhiên là tất cả đều cực kỳ phấn khích.

        Tiếp đó bức thư giải thích Beale và bạn bè ông với sự giúp đỡ của một bộ lạc địa phương, đã khai thác cả vùng trong vòng 18 tháng sau đó, và họ đã kiếm được một lượng vàng rất lớn và bạc cũng được tìm thấy ở gần đó. Trong lúc ấy, họ thống nhất rằng của cải mà họ mới kiếm được cần phải được chuyển đến một nơi an toàn, và họ đã quyết định mang nó trở về chôn cất tại một địa điểm bí mật ở Virginia quê nhà. Năm 1820, Beale đến Lynchburg cùng với số vàng bạc kiếm được, và ông đã tìm được một nơi thích hợp để cất giấu nó. Đó cũng chính là dịp ông trú tại khách sạn Washington lần đầu tiên và làm quen với Moriss. Khi ra đi vào cuối mùa đông, Beale nhập bọn trở lại với bạn bè, họ vẫn tiếp tục khai thác trong suốt thời gian ông vắng mặt.

        Sau đó 18 tháng nữa, Beale trở lại Lynchburg để bổ sung thêm vào kho báu của mình. Lần này còn có thêm một lý do nữa:

        Trước khi tạm biệt bạn bè của mình ở vùng đồng cỏ, chúng tôi được khuyên là, nếu có tai nạn nào đó xảy ra với bản thân chúng tôi thì kho báu quá bí mật nhu vậy sẽ không thể đến với những người thân của mình nếu không trù tính trước cho những bất trắc nhu vậy. Vì vậy, tôi được giao lựa chọn một người nào đó thực sự đáng tin cậy, nếu tìm được và được cả nhóm chấp thuận, thì người đó sẽ được ủy thác thực hiện những ý nguyện của họ đối với phần của cải tương ứng của mỗi người.

        Beale tin rằng Moriss là một người đàn ông liêm chính, chính vì vậy mà ông đã tin tưởng giao phó cho Moriss chiếc hộp có chứa ba tờ giấy đã được mã hóa mà ngày nay được gọi là bản mật mã của Beale. Mỗi tờ đều chứa hàng dãy các con số (được in lại ở các Hình 21, 22 và 23), và nếu giải mã được các con số này chắc sẽ tìm ra tất cả những chi tiết có liên quan; tờ giấy đầu tiên mô tả vị trí cất giấu kho báu, tờ giấy thứ hai liệt kê số lượng kho báu và tờ thứ ba là danh sách họ hàng của những người sẽ được nhận phần trong kho báu. Khi Moriss đọc được tất cả những điều này thì đã 23 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng ông gặp Thomas Beale. Cho rằng Beale và bạn bè của ông đã chết, Moriss cảm thấy có trách nhiệm phải tìm ra kho vàng và chia nó cho họ hàng của họ. Tuy nhiên, không có chìa khóa mà Beale đã hứa, ông buộc phải giải mã từ con số không, một công việc đã khiến ông đau đầu trong suốt 20 năm sau, và cuối cùng thì ông đã thất bại.

        Năm 1862, ở tuổi 84, Moriss biết rằng mình đã gần đất xa trời, và rằng ông phải chia sẻ bí mật về bản mật mã của Beale, nếu không thì mọi hy vọng thực hiện ý nguyện của Beale sẽ đi theo ông xuống mồ. Moriss giao phó việc đó cho một người bạn, song không may là thân thế của người này vẫn còn là một điều bí ẩn. Tất cả những gì chúng ta biết về người bạn của Moriss đó là ông ta chính là người đã viết cuốn sách nhỏ vào năm 1885, vì vậy sau đây, tôi sẽ gọi ông một cách đơn giản là tác giả. Tác giả lý giải lý do phải che giấu danh tính của mình trong cuốn sách nhỏ như sau:

        Tôi đoán trước rằng những giấy tờ này sẽ có một sức lan truyền rất lớn và để tránh bị tấn công bởi một số lượng thư từ khổng lồ đến từ khắp nơi trong Hợp chủng quốc, đặt ra đủ các loại câu hỏi, và yêu cầu trả lời mà nếu định làm thì sẽ tốn toàn bộ thời gian của tôi, và chỉ làm thay đổi đặc tính công việc của tôi mà thôi, nên tôi đã quyết định không công bố danh tính, sau khi đảm bảo với tất cả những ai quan tâm rằng tôi đã nói ra tất cả những gì tôi biết và rằng tôi không hề thêm bớt một từ nào vào những nội dung trong cuốn sách này.

        Để bảo vệ danh tính của mình, tác giả đã yêu cầu James B. Ward, một ủy viên đáng kính của hội đồng địa phương và là kiểm soát viên của hạt đường bộ làm đại diện và là người xuất bản cho mình.

        Tất cả những gì chúng ta biết về câu chuyện lạ lùng về bản mật mã của Beale đều ở trong cuốn sách nhỏ này và chính nhờ tác giả mà chúng ta có được bản mật mã và những lời kể của Moriss về câu chuyện này. Thêm vào đó, tác giả cũng là người giải mã thành công bản mật mã thứ hai của Beale. Giống như bản mật mã thứ nhất và thứ ba, bản mật mã thứ hai cũng chỉ có một trang gồm toàn các con số, và tác giả đã giả định rằng mỗi số biểu thị cho một chữ cái. Tuy nhiên, số các con số lại vượt quá số các chữ cái trong bảng chữ cái, nên tác giả nhận ra rằng ông đang phải đương đầu với một loại mật mã, trong đó sử dụng một vài số để biểu thị cùng một chữ cái. Loại mật mã thỏa mãn tiêu chuẩn này được gọi là mật mã sách (book cipher), trong đó một cuốn sách hoặc một đoạn văn bản bất kỳ nào đó chính là chìa khóa mã.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2020, 08:29:19 pm »

        Các bản mật mã của Beale.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2020, 08:38:11 pm »

Đầu tiên, người mã hóa cần phải đánh số mỗi từ trong văn bản khóa mã (key text). Như vậy, mỗi số sẽ thay thế cho chữ cái đầu tiên của từ tương ứng. 1For 2example, 3if 4the 5sender 6and 7receiver 8agreed 9that 10this 11sentence 12were 13to 14be 15the 16keytext, 17then 18every 19word 20would 21be 22numerically 23labeled, 24each 25number 26providing 27the 28basis 29for 30encryption. (Ví dụ, nếu người gửi và người nhận thỏa thuận rằng câu này là văn bản khóa mã, thì mỗi từ sẽ được đánh số, mỗi số sẽ là cơ sở để mã hóa). Sau đó, thiết lập một bảng gắn mỗi số với chữ cái đầu tiên của từ tương ứng:

        1=f
        2= e
        3= i
        4= t
        5= s
        6= a
        7= r
        8= a
        9= t
        10= t
        11= s
        12= w
        13= t
        14= b
        15= t
        16= k
        17= t
        18= e
        19= w
        20= w
        21=b
        22= n
        23= 1
        24= e
        25= n
        26= p
        27= t
        28= b
        29= f
        30= e

        Một bức thư giờ đã có thể được mã hóa bằng cách thay thế các chữ cái trong văn bản thường bằng các con số theo bảng trên. Trong bảng này, chữ cái thường f sẽ được thay thế bằng số 1, và chữ cái thường e được thay thế bằng các số 2,18, 24 hoặc 30. Vì văn bản khóa mã của chúng ta là một câu ngắn nên ta không có các số thay thế cho các chữ cái hiếm gặp, như xz, song chúng ta có đủ các số thay thế để mã hóa từ beale, đó là 14-2-8-23-18. Nếu người nhận có một bản của văn bản khóa mã thì việc giải mã là rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu một bên thứ ba chỉ bắt được văn bản mật mã thì việc giải mã phụ thuộc vào chuyện có xác định được văn bản khóa mã hay không. Tác giả của cuốn sách nhỏ viết, “Với ý tưởng này, tôi đã thử kiểm tra với mọi cuốn sách mà tôi có thể kiếm được, bằng cách đánh số các chữ cái của nó và so sánh với các con số trong những bản viết tay của Beale; tuy nhiên, tất cả đều vô ích cho đến khi bản Tuyên ngôn Độc lập đã cho tôi đầu mối đối với một trong ba bản mật mã, và làm sống lại mọi hy vọng của tôi”.

        Bản Tuyên ngôn Độc lập được lấy làm văn bản khóa mã cho bản mật mã thứ hai của Beale, và bằng việc đánh số các từ trong bản Tuyên ngôn là có thể giải mã được nó. possible to unravel it. Hình 24 trình bày trang đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập, cứ 10 từ được đánh số một lần để giúp người đọc hình dung việc giải mã diễn ra như thế nào. Hình 22 trình bày bản mật mã với số đầu tiên là 115, và từ thứ 115 trong bản Tuyên ngôn là “instituted”, như vậy số đầu tiên biểu thị chữ i. số thứ hai trong bản mật mã là 73, chữ cái thứ 73 trong Tuyên ngôn là “hold”, nên số thứ hai biểu thị cho chữ h. Và đây là toàn bộ bản giải mã, được in trong cuốn sách nhỏ:

        Tôi đã để kho báu ở hạt Bedford, cách Buford khoảng 4 dặm, trong một cái hố hay hầm ở sâu dưới lòng đất khoảng 6 bộ, các điều khoản dưới đây, cùng thuộc về những người có tên trong tờ giấy số “3”, gồm:

        Kho thứ nhất gồm 1014 pao vàng và 3812 pao bạc, được nhập kho vào tháng Mười một năm 1819. Kho thứ hai được làm vào tháng Mười hai năm 1821 bao gồm 1907 pao vàng và 1288 pao bạc; còn có cả đá quý đổi ra từ bạc ở St. Louis để vận chuyển cho an toàn, trị giá 13.000 đôla.

        Tất cả những của cải trên được để trong những thùng sắt, nắp đậy bằng sắt. Hầm được lát thô bằng đá và các thùng đựng đặt trên đá và thùng nọ đặt trên thùng kia. Tờ giấy số “1” mô tả chính xác vị trí của hầm nên tìm ra nó không có khó khăn gì.


        Điều đáng lưu ý là có một số lỗi nhỏ trong bản mật mã. Chẳng hạn, bản giải mã có từ “4 dặm” (four miles), dựa vào từ thứ 95 trong bản Tuyên ngôn Độc lập bắt đầu bằng chữ u. Tuy nhiên, từ thứ 95 lại là từ “inalienable”. Điều này có thể là do sự bất cẩn của Beale trong khi mã hóa, hoặc cũng có thể là do trong bản Tuyên ngôn mà Beale có, từ thứ 95 là “inalienable”, có xuất hiện ở một số bản vào thời kỳ đầu thế kỷ 19. Dù thế nào thì việc giải mã thành công này rõ ràng là đã cho thấy giá trị của kho báu - ít nhất là 20 triệu đôla tính theo giá vàng hiện nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2020, 08:43:52 pm »


        Sẽ lại chẳng có gì đáng ngạc nhiên, một khi tác giả biết được giá trị của kho báu, ông càng dành nhiều thời gian để phân tích hai bản mật mã còn lại, đặc biệt là bản mật mã thứ nhất mô tả vị trí của kho báu. Tuy đã cố gắng không mệt mỏi, nhưng tác giả vẫn thất bại, và hai bản mật mã chẳng mang lại điều gì cho ông ngoài sự buồn phiền:

        When, in the course of human events, it becomes 10necessary for one people to dissolve the political bands which 20have connected them with another, and to assume among the 30powers of the earth, the separate and equal station to 40which the laws of nature and of nature’s God entitle 50them, a decent respect to the opinions of mankind requires 60that they should declare the causes which impel them to 70the separation.

        We hold these truths to be self-evident, 80that all men are created equal, that they are endowed 90by their Creator with certain inalienable rights, that among these 100are life, liberty and the pursuit of happiness; That to 110secure these rights, governments are instituted among men, deriving their 120just powers from the consent of the governed; That whenever 130any form of government becomes destructive of these ends, it 140is the right of the people to alter or to 150abolish it, and to institute a new government, laying its 160foundation on such principles and organizing its powers in such 170form, as to them shall seem most likely to effect 180their safety and happiness. Prudence, indeed, will dictate that governments 190long established should not be changed for light and transient 200causes; and accordingly all experience hath shewn, that mankind are 210more disposed to suffer, while evils are sufferable, than to 220right themselves by abolishing the forms to which they are 230accustomed.

        But when a long train of abuses and usurpations, 240pursuing invariably the same object evinces a design to reduce them 250under absolute despotism, it is their right, it is their 260duty, to throw off such government, and to provide new 270Guards for their future security. Such has been the patient 280sufferance of these Colonies; and such is now the necessity 290which constrains them to alter their former systems of government. 300The history of the present King of Great Britain is 310a history of repeated injuries and usurpations, all having in 320direct object the establishment of an absolute tyranny over these 330States. To prove this, let facts be submitted to a 340candid world.

        Hình 24 Ba đoạn đầu trong bản Tuyên ngôn Độc lập, được đánh số 10 từ một. Đây chính là chìa khóa để giải bản mật mã thứ hai của Beale.

        Chính vì mất thời gian vào công việc nghiên cứu trên mà tôi bị sa sút từ chỗ đang giàu có sung túc đến cảnh bần hàn, làm cho những người mà tôi có trách nhiệm bảo vệ phải đau khổ, bất chấp sự phản đối của họ. Cuối cùng thì tôi cũng phải mở mắt ra trước cảnh sống khốn khó của họ và tôi đã quyết định ngay lập tức và vĩnh viễn cắt đứt mọi liên hệ với câu chuyện này và chuộc lại những sai lầm của mình, nếu có thể. Để làm được điều đó, cách tốt nhất là tránh thật xa sự cuốn hút của nó, vì vậy tôi quyết định công bố rộng rãi toàn bộ câu chuyện, và cất được gánh nặng trách nhiệm với ông Moriss.

        Chính vì vậy, các bản mật mã này cùng với mọi chi tiết của câu chuyện mà tác giả biết đã được công bố vào năm 1885. Mặc dù một lần hỏa hoạn đã đốt cháy hầu hết các cuốn sách trong kho, song những quyển còn nguyên vẹn đã gây náo động ở Lynchburg. Trong số những kẻ săn tìm kho báu hăng hái nhất bị quyến rũ bởi bản mật mã của Beale có anh em nhà Hart, George và Clayton. Trong nhiều năm, họ đã nghiên cứu hai bản mật mã còn lại, sử dụng nhiều cách giải mã khác nhau, và có lúc họ tưởng như là mình đã tìm ra lời giải. Một cách giải mã sai đôi khi cũng có thể dẫn đến một số từ đúng trong một biển các từ vô nghĩa, điều này đã khuyến khích người giải mã tạo ra đủ thứ cảnh báo để bào chữa cho những từ vô nghĩa đó. Đối với một người quan sát vô tư thì bản mật mã này chỉ là điều mơ ước chứ ngoài ra chẳng có ý nghĩa gì cả, song với một kẻ săn tìm kho báu mê muội thì nó lại hoàn toàn có nghĩa. Một trong những bản giải mã thử nghiệm của Hart đã xúi giục họ dùng chất nổ để khai quật một địa điểm; nhưng khốn thay, cái hố đào được đó chẳng có vàng bạc gì. Mặc dù Clayton Hart đã bỏ cuộc vào năm 1912 nhưng George vẫn tiếp tục cho đến năm 1952. Còn một fan cuồng nhiệt nữa của Beale là Hiram Herbert, Jr.. Người này lần đầu tiên quan tâm đến chuyện này vào năm 1923 và sự ám ảnh của ông ta còn kéo dài cho đến tận những năm 1970. Nhưng những cố gắng của ông cũng không có kết quả gì.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM