Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:34:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14469 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2020, 05:50:03 am »


        Cho đến năm 1586, sau mười tám năm giam cầm, bà đã mất tất cả đặc quyền của mình. Bà bị giam trong Lâu đài Chartley ở Staffordshire và không còn được phép đi lấy nước ở suối nước nóng Buxton, một loại nước trước đây đã giúp bà dịu bớt những cơn đau ốm thường xuyên. Trong lần cuối cùng đi đến Buxton, bà đã dùng kim cương để khắc dòng chữ sau lên một cánh cửa sổ: “Buxton, nước nóng của ngươi làm cho cái tên ngươi trở nên nổi tiếng, có lẽ ta sẽ không còn được trở lại đây nữa - Vĩnh biệt”. Có vẻ như bà đã ngờ rằng mình sẽ mất nốt cả sự tự do bé nhỏ này. Nỗi buồn của Mary càng tăng thêm bởi những hành động của cậu con trai 19 tuổi, Vua James VI của Scotland. Bà vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó, bà sẽ trốn thoát và trở về Scotland để cùng sẻ chia quyền lực với con trai mình, đứa con mà bà đã không được gặp mặt từ lúc nó mới một tuổi. Nhung James không có chung những tình cảm như vậy với mẹ của mình. Cậu đã được kẻ thù của Mary nuôi dưỡng và dạy dỗ rằng mẹ cậu đã giết cha của cậu để cưới người bà yêu. James khinh miệt mẹ và sợ rằng nếu trở về, bà sẽ cướp lấy ngai vàng của cậu. Sự căm thù của James đối với Mary được thấy rõ qua việc cậu không hề ngần ngại cầu hôn với Elizabeth I, người đang giam cầm mẹ cậu (và còn hơn cậu tới 30 tuổi). Nhưng Elizabeth đã từ chối lời cầu hôn này.

        Mary đã viết thư cho con trai mình để thuyết phục cậu nhưng thư của bà không bao giờ tới được biên giới Scotland. Tới thời kỳ này Mary bị cô lập hơn bao giờ hết: tất cả các lá thư bà gửi đi đều bị tịch thu và mọi thư tín gửi đến cho bà đều bị cai ngục giữ lại. Tinh thần của Mary xuống thấp đến cực điểm và dường như mọi hy vọng của bà đều đã tiêu tan. Chính giữa lúc tuyệt vọng và khắc nghiệt này, ngày mồng 6 tháng Một năm 1586, bà đã nhận được một gói thư đầy bất ngờ.

        Gói thư này là do những người ủng hộ Mary ở Âu lục gửi tới, và chúng được lén đưa vào ngục cho Mary bởi Gilbert Gifford, một người theo đạo Thiên chúa đã rời nước Anh từ năm 1577 và được đào tạo làm mục sư tại trường English College ở Roma. Trở về Anh năm 1585, với mong muốn được phục vụ Mary, ông ta ngay lập tức đã đến Sứ quán Pháp ở London, nơi mà thư tín (gửi cho Mary) ngày càng chất cao. Sứ quán Pháp biết rằng nếu họ chuyển những lá thư này bằng con đường thông thường thì Mary sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, Gifford khẳng định rằng ông ta có thể lén đưa gói thư này vào Lâu đài Chartley, và bảo đảm rằng ông ta giữ đúng lời hứa. Lần chuyển thư này là đầu tiên, nó mở đầu cho nhiều lần sau đó nữa, và Gifford trở thành một người đưa thư, không chỉ chuyển tin cho Mary mà còn chuyển cả thư phúc đáp của bà. Cách chuyển thư của Gifford vào Lâu đài Chartley quả là rất khôn khéo. Ông ta đưa thư cho một người sản xuất bia ở địa phương, người này gói chúng bằng một cái túi da, rồi giấu vào bên trong nắp rỗng đậy thùng bia. Người sản xuất bia chuyển thùng bia này đến Lâu đài Chartley, ở đó người hầu của Mary sẽ mở nắp ra, lấy thư và đưa cho Nữ hoàng Scotland. Quy trình này cũng rất có hiệu quả để chuyển thư từ Lâu đài Chartley ra ngoài

        Trong khi đó, Mary không hề biết trước rằng có một kế hoạch giải cứu bà đang được bàn bạc ở các quán trọ của London. Trung tâm của âm mưu này là Anthony Babington, tuy mới chỉ 24 tuổi nhưng đã nổi tiếng trong thành phố là một người đẹp trai, duyên dáng, dí dỏm và rất sành ăn. Điều mà rất nhiều người cùng thời hâm mộ ông không biết, đó là Babington cực kỳ căm phẫn cái guồng máy đã ngược đãi ông, gia đình ông và đức tin của ông. Những chính sách chống Thiên chúa giáo của nhà nước đã đạt đến mức độ khủng khiếp mới, các cha xứ bị buộc tội phản nghịch và bất kỳ ai bị bắt gặp chứa chấp họ đều bị trừng phạt bằng cách tra tấn, cắt xẻo các bộ phận cơ thể và mổ bụng moi ruột nếu họ vẫn còn sống. Những người Thiên chúa giáo bị cấm tụ họp và gia đình những người trung thành với Giáo hoàng bị buộc phải nộp những khoản thuế nặng nề. Sự thù hận của Babington càng tăng thêm bởi cái chết của Lãnh chúa Darcy, cụ của ông, đã bị xử chém do có liên quan đến cuộc nổi dậy của người Thiên chúa giáo chống lại Henry VIII.

        Âm mưu bắt đầu vào một buổi tối tháng Ba năm 1586, khi Babington và sáu người bạn tâm giao tụ họp tại The Plough, một quán rượu bên ngoài đền Bar. Theo nhà lịch sử Philip Caraman, thì “Ông ta đã lôi kéo được rất nhiều người Thiên chúa giáo trẻ tuổi nhờ sức cuốn hút và nhân cách đặc biệt của ông, đó là những người có cùng địa vị, galăng, ưa mạo hiểm, dám đứng lên bảo vệ đức tin Thiên chúa trong những ngày tháng khó khăn; và sẵn sàng làm bất kỳ công việc khó khăn nào để phát triển sự nghiệp của Thiên chúa”. Sau đó vài tháng, một kế hoạch táo bạo đã được vạch ra nhằm giải thoát Nữ hoàng Mary của Scotland, ám sát Nữ hoàng Elizabeth và kích động một cuộc nổi dậy được hỗ trợ bởi một cuộc xâm lăng từ nước ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2020, 04:54:37 pm »


        Những kẻ âm mưu cũng đã nhất trí rằng Âm mưu Babington, đó là tên mà sau này người ta gọi cuộc âm mưu này, không thể tiến hành nếu không có sự đồng ý của Mary, nhưng khốn nỗi không có cách nào để liên lạc với bà. Thế rồi, vào ngày mồng 6 tháng Bảy năm 1586, Gifford đã đến gõ cửa nhà Babington. Ông ta chuyển tới một lá thư từ Mary, giải thích rằng bà đã nghe nói về Babington qua những người ủng hộ bà ở Paris, và mong đợi tin tức từ ông. Để đáp lại, Babington đã soạn một bức thư chi tiết, trong đó ông tóm tắt kế hoạch của mình, bao gồm cả việc viện dẫn Elizabeth bị Giáo hoàng Pius V rút phép thông công từ năm 1570, mà ông tin rằng điều này sẽ hợp pháp hóa việc ám sát bà ta :

        Bản thân tôi và mười quý ông khác cùng hàng trăm người theo chúng tôi sẽ tiến hành việc cứu thoát bà khỏi tay kẻ thù. Đẻ giết chết kẻ tiếm ngôi, do bà ta đã bị rút phép thông công khiến chúng tôi không phải tuân theo bà ta nữa, đó là sáu nhà quý tộc, tất cả đều là bạn thân tín của tôi, những người đầy nhiệt huyết với đức tin Thiên chúa và phục tùng Bệ hạ, sẽ thực hiện việc hành quyết bi thảm này.

        Vẫn như trước đây, Gifford sử dụng mẹo đặt thư vào trong nắp thùng bia để lén đưa chúng qua mắt bọn lính gác của Mary. Đây có thể coi là một dạng giấu thư, vì lá thư đã được giấu kín. Để an toàn hơn, Babington đã mã hóa bức thư, phòng ngay cả khi nếu bị giám ngục của Mary bắt được thì nó cũng sẽ không thể bị giải mã và âm mưu không bị bại lộ. Ồng đã sử dụng mật mã chữ cái, nhưng không chỉ là mã thay thế dùng một bảng chữ cái mà là một dạng hỗn hợp, như trình bày ở Hình 8. Nó bao gồm 23 ký hiệu thay thế cho các chữ cái trong bảng chữ cái (trừ j, V và w), cùng với 35 ký hiệu biểu thị cho các từ và cụm từ. Thêm vào đó, có thêm bốn ký tự không (nulls) (ff-1—i. d.) và một ký hiệu Ϭ, ám chỉ ký hiệu tiếp theo biểu thị một chữ cái kép (dowbleth).

        Tuy tuổi còn trẻ, thậm chí còn trẻ hơn cả Babington, nhưng Gifford đã thực hiện việc chuyển thư một cách tin cậy và khôn khéo. Những bí danh của ông, như Mr. Colerdin, Pietro và Conmelys, đã giúp ông đi lại trong nước một cách dễ dàng mà không bị nghi ngờ, đồng thời những mối liên hệ của ông trong cộng đồng những người Thiên chúa giáo đã tạo cho ông có rất nhiều ngôi nhà có thể tá túc an toàn ở London và Lâu đài Chartley. Tuy nhiên, mỗi lần đến và đi từ Charley, Gifford đều đi đường vòng. Mặc dù Gifford bên ngoài đóng vai trò là điệp viên cho Mary song ông ta thực sự là một điệp viên hai mang. Trở lại năm 1585, trước khi quay về nước Anh, Gifford đã viết thư cho Ngài Francis Walsingham, Thượng thư của Nữ hoàng Elizabeth, đề nghị xin được phục vụ ông ta. Gifford nhận thấy rằng cái mác Thiên chúa giáo của mình sẽ là một vỏ bọc hoàn hảo đê dễ dàng xâm nhập vào các âm mưu chống lại Nữ hoàng Elizabeth. Trong bức thư gửi Walsingham, ông ta viết: “Tôi đã nghe nói về công việc ngài đang làm và tôi muốn được phục vụ ngài. Tôi không hề đắn đo và cũng không sợ nguy hiểm. Tôi sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì ngài yêu cầu”.
         
        Hình 8. Bảng mã hỗn hợp của Nữ hoàng Mary xứ Scotland, bao gồm một bảng chữ cái mật mã và các từ mã.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2020, 04:55:16 pm »


        Walsingham là một quan thượng thư tàn nhẫn của Elizabeth. Ông ta là một nhân vật rất xảo quyệt, một tên trùm mật thám chịu trách nhiệm về an ninh của vương quốc. Được thừa hưởng một mạng lưới điệp viên không lớn lắm, nhưng Walsingham đã nhanh chóng phát triển nó ra khắp Âu lục, nơi khởi xướng rất nhiều âm mưu chống lại Elizabeth. Sau khi Walsingham chết, người ta phát hiện ra là ông ta đã thường xuyên nhận được báo cáo từ mười hai địa điểm ở Pháp, chín ở Đức, bốn ở Italia, bốn ở Tây Ban Nha và ba ở các nước Hà Lan, Bỉ và Luxembourg cũng như có thông tin từ Constantinople, Angiêri và Tripoli.

        Walsingham đã tuyển Gifford làm điệp viên và thực tế, chính Walsingham là người đã yêu cầu Gifford đến Sứ quán Pháp và xin làm người đưa thư. Mỗi lần Gifford lấy được thư gửi đến hay gửi đi từ Mary, ông ta đều mang đến cho Walsingham trước tiên. Ông trùm mật thám cáo già này, trước hết, chuyển số thư tín đó tới những người chuyên làm giả của mình, phá xi gắn trên mỗi bức thư, sao lại một bản, gắn xi lại bằng một con dấu giả trước khi trả lại cho Gifford. Những lá thư trông rõ như là chưa bị bóc trộm này sau đó sẽ được gửi tới Mary hoặc cho những người nhận thư của bà, họ cũng như bà đều không hề hay biết những gì đang diễn ra.

        Khi Gifford đưa cho Walsingham bức thư của Babington gửi cho Mary, việc trước tiên là phải giải mã nó. Walsingham trước đây cũng đã từng biết qua mật mã khi đọc một cuốn sách do nhà toán học và nhà mật mã học người Italia Girolamo Cardano viết (nhân tiện đây cũng xin nói rằng Cardano chính là người đã đề xuất một dạng chữ viết cho người mù dựa trên việc sờ bằng ngón tay, tiền thân của chữ viết Braille). Cuốn sách của Cardano đã gây được sự quan tâm đối với Walsingham, nhưng chính việc giải mã của nhà phân tích mã người Hà lan là Philip van Marnix mới thực sự khiến ông tin vào sức mạnh của việc có một người giải mã giỏi trong tay. Năm 1577, Philip ở Tây Ban Nha đã sử dụng mật mã để liên lạc với Don John ở Áo, là anh cùng cha khác mẹ và cũng là một người theo đạo Thiên chúa, có rất nhiều quyền lực ở Hà Lan. Thư của Philip mô tả một kế hoạch xâm lược nước Anh nhưng đã bị William de Orange bắt được và chuyển nó cho Marnix, viên thư ký về mật mã của ông ta. Mamix đã giải mã được kế hoạch và William đã chuyển thông tin này cho Daniel Rogers, một điệp viên Anh đang làm việc ở Âu lục, người này đã cảnh báo cho Walsingham về ý đồ xâm lược đó. Người Anh đã tăng cường bảo vệ và chừng ấy cũng đủ để ngăn chặn nó.

        Giờ đây với sự nhận thức đầy đủ về giá trị của việc phân tích mã, Walsingham đã thành lập một trường mật mã ở London và tuyển Thomas Phelippes làm thư ký về mật mã cho ông ta. Đó là một người đàn ông “có vóc dáng thấp lùn, gầy nhỏ, tóc vàng sẫm và chòm râu vàng sáng, mặt rỗ do bệnh đậu mùa để lại và cận thị, trông bề ngoài ông ta khoảng 30 tuổi”. Phelippes là một nhà ngôn ngữ học, có thể nói được tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Latin và Đức, nhưng quan trọng hơn, ông ta là một trong những nhà phân tích mã giỏi nhất châu Âu.

        Mỗi lần nhận được thư từ gửi đến hoặc gửi đi từ Mary là Phelippes ngốn ngấu hóa giải. Ồng ta vốn là một bậc thầy về kỹ thuật phân tích tần suất và việc tìm ra lời giải chỉ còn là vấn đề thời gian. Phelippes đã xác lập tần suất của mỗi ký tự, và những giá trị giả định cho những ký tự xuất hiện thường xuyên nhất. Khi hướng này dẫn đến sự phi lý thì ông ta quay trở lại và lựa chọn hướng thay thế khác. Dần dần rồi ông ta cũng xác định được các ký tự null, một tiểu xảo trong kỹ thuật mật mã và gạt chúng sang một bên. Cuối cùng, tất cả những ký tự còn lại chỉ là một nhúm các từ mã mà nghĩa của chúng có thể đoán được từ ngữ cảnh.

        Khi Phelippes giải mã được bức thư của Babington gửi cho Mary, trong đó có đề xuất rõ ràng việc ám sát Elizabeth, ông ta ngay lập tức gửi bức thư đáng sợ này cho ông chủ của mình. Ngay lúc này Walsingham đã có thể bắt Babington, nhưng cái mà ông ta muốn còn lớn hơn việc xử tội chỉ một ít kẻ nổi loạn. Ông ta đợi thời cơ với hy vọng rằng Mary sẽ đáp lại và ủng hộ cho âm mưu này, nhờ đó mà có thể xử tội cả bà ta. Thực ra, Walsingham đã muốn Nữ hoàng Mary của Scotland chết từ lâu, song ông ta cũng ý thức được sự miễn cưỡng của Elizabeth trong việc trừng phạt người chị em họ của mình. Tuy nhiên, nếu ông ta có thể chứng minh rằng Mary hậu thuẫn cho một âm mưu đe dọa mạng sống của Elizabeth thì chắc chắn là Nữ hoàng sẽ cho phép xử tội kẻ thù theo Thiên chúa giáo của mình. Hy vọng của Walsingham đã sớm được đáp ứng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2020, 04:57:52 pm »


        Ngày 17 tháng Bảy, Mary đã trả lời thư của Babington, chính thức ký vào bản án tử hình của chính bà. Bà đã viết một cách rõ ràng về “kế hoạch”, bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến việc bà phải được giải thoát đồng thời hoặc trước khi ám sát Elizabeth, bởi vì nếu không, tin tức có thể đến tai gã cai ngục và hắn có thể sẽ giết chết bà. Trước khi đến tay Babington, bức thư đã được đưa đến cho Phelippes như thường lệ. Vì đã giải mã được những bức thư trước nên ông ta dễ dàng giải mã được bức thư này. Đọc xong nội dung bức thư, ông ta đánh dấu trên nó ký hiệu “1"!” - biểu tượng của giá treo cổ.

        Vậy là Walsingham đã có đủ bằng chứng cần có để bắt Mary và Babington, song ông ta vẫn chưa thỏa mãn. Để triệt phá âm mưu này một cách hoàn toàn, ông ta cần phải có tên của tất cả những người tham gia. Ông ta yêu cầu Phelippes viết giả mạo một đoạn tái bút vào thư của Mary, trong đó đề nghị Babington cung cấp tên của những người tham gia. Một trong những tài năng nữa của Phelippes đó là khả năng giả mạo chữ viết rất giỏi và người ta từng đồn rằng ông ta có thể “bắt chước chữ viết của bất kỳ ai, hệt như là chính tay người đó viết ra vậy, miễn là đã từng được nhìn qua một lần”. Hình 9 là ảnh đoạn tái bút giả mạo đã được thêm vào bức thư của Mary gửi Babington. Nó có thể được giải mã bằng cách sử dụng bảng mã hỗn hợp của Mary, như đã được trình bày ở Hình 8, để biến thành đoạn văn thường dưới đây:

        Ta rất muốn được biết tên và phẩm hạnh của sáu người sẽ thực hiện kế hoạch; bởi vì trên cơ sở hiểu biết về các thành viên, ta có thể cho ngươi thêm những lời khuyên cần thiết phải tuân theo, cũng như đôi lúc sẽ cho ngươi biết cụ thể phải tiến hành như thế nào. Cũng với mục đích đó, càng sớm càng tốt, nếu ngươi có thể, cho ta biết ai đã sẵn sàng và mọi người tham gia vào chuyện cơ mật này đã tiến hành đến đâu. (Xem hinh 9)

        Mật mã của Nữ hoàng Mary xứ Scotland đã chứng minh một cách rõ ràng rằng một sự mã hóa không đủ mạnh còn tồi tệ hơn cả việc không mã hóa. Cả Mary lẫn Babington đều viết ra một cách rõ ràng những dự định của mình vì họ tin rằng sự liên lạc giữa họ là an toàn, trong khi nếu họ liên lạc một cách công khai, thì chắc rằng họ sẽ nói đến kế hoạch của mình một cách kín đáo hơn. Hơn nữa, sự tin tưởng của họ vào mật mã càng làm cho họ dễ chấp nhận sự giả mạo của Phelippes. Cả người gửi lẫn người nhận thường quá tin tưởng vào sức mạnh mật mã của họ khiến cho họ xem rằng kẻ thù không thể nhái theo mật mã và chèn thêm vào một đoạn thư giả mạo được. Sử dụng đúng một mật mã mạnh là một lợi ích rõ ràng cho người gửi và người nhận, nhưng sử dụng sai một mật mã yếu có thể gây ra một cảm giác sai lầm về độ an toàn.

        Ngay sau khi nhận được thư, Babington quyết định đi ra nước ngoài để tổ chức cuộc tấn công, và phải đăng ký tại văn phòng Bộ của Walsingham để được cấp hộ chiếu. Đây là thời điểm lý tưởng để bắt kẻ phản loạn, song viên công chức điều hành văn phòng, John Scudamore, lại không thể ngờ được rằng tên phản loạn đang bị truy nã ráo riết nhất của nước Anh lại đang hiện diện ngay trong văn phòng của mình. Không có sự trợ giúp nào, Scudamore mời Babington, người không hề nghi ngờ gì, ra một quán rượu gần đó, tranh thủ kéo dài thời gian để người của ông ta tập hợp thêm binh lính. Một lát sau, một mẩu giấy nhắn tin được chuyển đến quán rượu, thông báo cho Scudamore rằng đã đến lúc bắt tội phạm. Tuy nhiên, Babington đã thoáng trông thấy. Ông ta thản nhiên nói rằng mình cần phải trả tiền bia và bữa ăn, rồi đứng dậy, để lại kiếm và áo khoác trên bàn, ngụ ý rằng mình sẽ quay trở lại trong chốc lát. Nhưng thay vì làm vậy, ông lẻn ra cửa sau và trốn thoát, đầu tiên là tới rừng St. John, sau đó là tới Harrow. Ồng ta làm mọi cách để cải trang, cắt tóc ngắn và đổi màu da bằng dầu hồ đào để che giấu vẻ ngoài quý tộc của mình. Ông đã thoát khỏi sự truy lùng trong 10 ngày, nhưng đến ngày 15 tháng Tám, ông cùng sáu người nữa đã bị bắt và đưa về London. Chuông nhà thờ đổ khắp thành phố đón mừng chiến thắng. Sự hành hình họ cực kỳ khủng khiếp. Theo nhà viết sử của Elizabeth là William Camden, “tất cả họ đều bị chặt đầu, chỗ kín bị cắt, bị moi ruột (lúc họ) còn sống và nhìn thấy, và bị phanh thây”.

        Hình 9. Đoạn tái bút giả mạo do do Thomas Phelippes thêm vào bức thư của Mary.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2020, 04:59:39 pm »


        Trong khi đó, ngày 11 tháng Tám, Nữ hoàng Mary và tùy tùng của bà được phép có một đặc ân ngoại lệ là cưỡi ngựa trên địa phận của lâu đài Chartley. Khi qua bãi săn bắn, Mary chợt trông thấy một nhóm người cưỡi ngựa đến gần và ngay lập tức nghĩ rằng đó là những người của Babington đến để cứu bà. Nhưng bà sớm nhận ra họ là những người đến để bắt bà chứ không phải đến để giải thoát cho bà. Mary bị dính líu vào Âm mưu Babington và bị xét xử theo Đạo luật về Hội đoàn, một Đạo luật của Quốc hội được thông qua năm 1584, nó được lập ra đặc biệt dành cho việc xử tội những ai có liên quan đến âm mưu chống lại Elizabeth.

        Phiên tòa được tổ chức tại Lâu đài Fotheringhay, một nơi lạnh lẽo, u ám nằm ở giữa vùng đầm lầy hoang vu ở Đông Anglia. Nó bắt đầu vào thứ Tư, ngày 15 tháng Mười, trước sự hiện diện của hai chánh án, bốn vị quan tòa khác, Đại Chưởng ấn, người phụ trách Quốc khố, Walsingham và rất nhiều các công tước, hiệp sĩ và nam tước. Ở cuối phòng xử án, có khoảng trống dành cho người xem, đó là những người dân địa phương và người phục vụ cho hội đồng, tất cả đều háo hức chờ xem vị nữ hoàng Scotland nhún mình cầu xin sự tha thứ và nài nỉ được sống như thế nào. Tuy nhiên, Mary vẫn giữ vẻ tôn quý và bình tĩnh trong suốt phiên tòa. Sự biện hộ duy nhất của bà là từ chối bất kỳ sự liên hệ nào với Babington. “Sao tôi lại phải chịu trách nhiệm về kế hoạch phạm tội của một số người liều mạng,” bà biện hộ, “họ dự định mà tôi không hề được biết hay tham gia vào?” Lời nói của bà chỉ có tác dụng nhỏ nhoi trước những bằng chứng chống lại bà.

        Mary và Babington đã dựa vào một loại mật mã để giữ bí mật cho kế hoạch của mình, song họ lại đang sống trong thời đại mà khoa mật mã đã bị suy yếu bởi những tiến bộ trong kỹ thuật phân tích mật mã. Tuy mật mã của họ đủ để bảo vệ trước những kẻ nghiệp dư nhưng hoàn toàn chẳng có một cơ may nào chống lại được một chuyên gia về phân tích tần suất. Trong phòng dành cho người xem, Phelippes ngồi lặng yên quan sát người ta đưa ra bằng chứng mà ông thu được từ những bức thư mã hóa.

        Phiên tòa bước sang ngày thứ hai và Mary vẫn chối không biết gì về Âm mưu Babington. Khi phiên tòa kết thúc, bà để cho các quan tòa phán quyết số phận mình, tha thứ cho họ trước quyết định không thể thay đổi được nữa. Mười ngày sau đó, Tòa án Anh (chuyên xử kín các vụ án có liên quan tới an ninh quốc gia, đã bị giải thể vào năm 1641 - ND) đã họp lại tại Westminster và kết luận Mary phạm tội “bao che và có tư tưởng hãm hại Nữ hoàng nước Anh”. Họ khuyến nghị xử tội chết và Elizabeth đã phê chuẩn bản án này.

        Vào ngày 8 tháng Hai năm 1587, tại Đại sảnh của Lâu đài Fotheringhay, ba trăm khán giả đã tụ tập để chứng kiến buổi xử trảm. Walsingham cương quyết làm giảm tối đa ảnh hưởng của Mary như là một người tuẫn tiết vì đạo, ông ta đã ra lệnh phải đốt cháy bệ chém, quần áo của Mary và tất cả những gì liên quan đến cuộc hành hình để tránh việc tạo ra bất kỳ một dấu tích linh thiêng nào. Ồng ta cũng dự định tổ chức tang lễ thật to cho con rể mình, Ngài Philip Sidney vào tuần sau đó. Sidney, một nhân vật anh hùng và rất nổi tiếng đã chết trong trận giao tranh với những người Thiên chúa giáo ở Hà Lan và Walsingham tin rằng một lễ diễu hành hoành tráng sẽ làm át đi sự thương cảm đối với Mary. Tuy nhiên, Mary cũng xác quyết rằng vẻ ngoài cuối cùng của bà phải đầy vẻ thách thức, cơ hội để một lần nữa khẳng định đức tin của bà với Thiên chúa giáo và khích lệ những người đi theo bà.

        Trong khi tu viện trưởng của Peterborough đọc lời cầu nguyện, Mary nói lớn lời cầu nguyện của riêng bà cho sự cứu rỗi Nhà thờ Thiên chúa nước Anh, cho con trai bà và cho Elizabeth. Với phương châm của gia đình bà, “trong sự kết thúc chính là sự bắt đầu của ta” trong tâm trí, bà đã trấn tĩnh lại và bước lên bệ chém. Những tên đao phủ đề nghị bà nói lời tha thứ và bà đáp, “Ta rộng lòng tha thứ cho các ngươi, giờ thì ta hy vọng các ngươi hãy kết thúc tất cả những phiền muộn của ta”. Richard Wingfield, trong cuốn Thuật lại những ngày cuối cùng của Nữ hoàng Scotland, đã mô tả những khoảnh khắc cuối cùng của bà như sau:

        Rồi bà ngả người xuống bệ chém một cách hoàn toàn yên lặng, duỗi dài cánh tay và chân rồi kêu lớn In manus tuas domine ba hay bốn lần, và lần cuối khi một trong hai tên đao phủ giữ bà một cách nhẹ nhàng bằng một tay, thì tên kia chém hai nhát rìu mới chặt đứt đầu bà, nhưng vì còn lại một chút xương sụn nhỏ phía sau nên lúc đó bà thốt ra một âm thanh rất nhỏ nhưng vẫn không hề xê dịch phần cơ thể nào của bà khỏi chỗ bà đã nằm... Môi bà vẫn mấp máy gần 1/4 giờ sau khi đầu bà đã lìa khỏi cổ. Đoạn, một trong hai tên đao phủ trong khi tháo bít tất của bà đã nhìn thấy con chó nhỏ luồn ở dưới quần áo của bà mà y không thể bắt được nó xa rời cái cơ thể đã chết của chủ nó, nhưng rồi sau đó nó đi ra và nằm ở chỗ giữa đầu và vai của bà, một tình tiết còn truyền tụng lại mãi sau này.

        Hình 10. Vụ hành quyết Nữ hoàng Mary xứ Scotland.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2020, 05:04:07 pm »

 
        LE CHIFFRE INDÉCHIFFRABLE

        Trong nhiều thế kỷ, mật mã thay thế đơn giản dùng một bảng chữ cái đã đủ để bảo vệ bí mật. Sự phát triển sau đó của phương pháp phân tích tần suất, đầu tiên là ở Ả Rập và sau đó là ở châu Âu, đã phá hủy sự an toàn của nó. Cuộc hành quyết bi thảm Nữ hoàng Mary xứ Scotland là một minh chứng đầy ấn tượng cho những yếu kém của mật mã thay thế dùng một bảng chữ cái, và trong trận chiến giữa các nhà lập mã và giải mã thì rõ ràng các nhà giải mã đã thắng thế. Bất kỳ ai gửi đi một bức thư mã hóa đều phải chấp nhận rằng một chuyên gia phá mã của đối phương có thể bắt được và giải mã hầu hết những bí mật quý giá của họ.

        Gánh nặng giờ đây rõ ràng đang đè lên vai các nhà lập mã. Họ phải tạo ra một loại mật mã mới, mạnh hơn, có thể đánh lừa được các nhà giải mã. Mặc dù loại mật mã này cho đến cuối thế kỷ 16 vẫn chưa xuất hiện, song nguồn gốc của nó đã có từ thời nhà thông thái xứ Florentine, thế kỷ 15, tên là Leon Battista Alberti.

        Sinh năm 1404, Alberti là một trong những nhân vật hàng đầu thời Phục hưng - ông là họa sĩ, nhà soạn nhạc, nhà thơ và triết gia, đồng thời còn là tác giả của sự phân tích khoa học đầu tiên về phối cảnh, một chuyên luận về ruồi và một bài điếu văn dành cho con chó của mình. Có lẽ ông nổi tiếng nhất là kiến trúc sư đã thiết kế Đài phun nước Trevi đầu tiên ở Rôm và viết cuốn De re aedificatoria, cuốn sách in đầu tiên về kiến trúc, tác phẩm có ảnh hưởng như là một chất xúc tác cho sự chuyển đổi từ kiến trúc Gothic sang kiến trúc Phục hưng.

        Vào khoảng những năm 1460, khi đang đi dạo trong khu vườn của Vatican, Alberti tình cờ gặp người bạn mình là Leonardo Dato, thư ký cho giáo hoàng, và Dato đứng tán gẫu với ông về một số khía cạnh tinh tế của khoa học mật mã. Cuộc đối thoại ngẫu nhiên đó đã thôi thúc Alberti viết một tiểu luận về đề tài này, trong đó có phác thảo một thứ mà ông cho là một dạng mật mã mới. Vào thời đó, tất cả các loại mã thay thế đều đòi hỏi cần chỉ một bảng chữ cái để giải mã mỗi bức thư. Tuy nhiên, Alberti đề xuất sử dụng hai bảng chữ cái hoặc nhiều hơn, được dùng luân phiên nhau trong quá trình mã hóa, nhờ đó việc giải mã sẽ khó khăn hơn.

        Chăng hạn, ở đây chúng ta có hai bảng chữ cái mật mã và chúng ta có thể mã hóa một bức thư bằng cách thay thế luân phiên giữa chúng. Để mã hóa từ hello, chúng ta sẽ mã hóa chữ cái đầu tiên theo bảng chữ cái thứ nhất, như vậy h sẽ được thay bằng A, nhưng chúng ta sẽ mã hóa chữ cái thứ hai theo bảng mật mã thứ hai, như vậy e sẽ được thay thế bằng F. Để mã hóa chữ cái thứ ba, chúng ta lại sử dụng bảng chữ cái mật mã thứ nhất và chữ cái thứ tư bằng bảng mật mã thứ hai. Tức là chữ l thứ nhất được thay bằng P, chữ l thứ hai được thay bằng A. Và chữ cái cuối cùng, o, được thay bằng D theo bảng mật mã thứ nhất. Từ mã hóa cuối cùng được đọc là AFPAD. Lợi thế quan trọng của hệ thống mật mã Alberti là các chữ cái giống nhau trong văn bản thường không nhất thiết phải ứng với cùng một chữ cái trong văn bản mã hóa, vì vậy mỗi chữ cái l trong từ hello được mã hóa khác nhau. Tương tự, mỗi chữ cái A trong văn bản mã hóa biểu thị cho các chữ cái khác nhau trong văn bản thường, chữ đầu thay thế cho h và chữ sau cho l.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2020, 06:36:15 am »


        Mặc dù đã tình cờ chạm được vào một đột phá quan trọng bậc nhất trong suốt hơn một ngàn năm, song Alberti lại không phát triển ý tưởng của mình thành một hệ thống mã hóa hoàn chỉnh. Nhiệm vụ này đã rơi vào tay một nhóm những trí thức khác nhau, nhưng tất cả họ đều dựa trên ý tưởng ban đầu của ông. Người đầu tiên phải kể đến là Johannes Trithemius, Cha tu viện trưởng người Đức sinh năm 1462, sau đó là Giovanni Porta, một nhà khoa học người Italia sinh năm 1535 và cuối cùng là Blaise de Vigenère, một nhà ngoại giao người Pháp, sinh năm 1523. Vigenère bắt đầu làm quen với các bài viết của Alberti, Trithemius và Porta khi ông được cử sang Rôm làm công tác ngoại giao nhiệm kỳ hai năm, lúc đó ông mới 26 tuổi. Lúc đầu, sự quan tâm của ông đến khoa học mật mã chỉ đơn thuần có tính thực hành và gắn liền với công việc ngoại giao của ông. Sau đó, vào tuổi 39, Vigenère quyết định rằng ông đã kiếm đủ tiền để có thể rời bỏ con đường công danh và tập trung vào việc nghiên cứu. Chỉ lúc đó, ông mới nghiên cứu kỹ các ý tưởng của Alberti, Trithemius và Porta, biến chúng thành một dạng mật mã mới chặt chẽ và mạnh hơn.


Hình 11 Blaise de Vigenère.

        Mặc dù Alberti, Trithemius và Porta đều đã có những đóng góp quan trọng, song mật mã này ngày nay chỉ được gọi là mật mã Vigenère để tôn vinh người đã phát triển nó đến dạng hoàn thiện cuối cùng. Sức mạnh của mật mã Vigenère là ở chỗ nó không chỉ sử dụng một mà là 26 bảng chữ cái mật mã khác nhau để mã hóa thông tin. Bước đầu tiên trong quá trình mã hóa là vẽ một bảng gọi là hình vuông Yigenère như trình bày ở Bảng 3, trong đó bảng chữ cái thường được tiếp nối bằng 26 bảng chữ cái mật mã, mỗi bảng lại dịch chuyển đi một chữ cái so với bảng chữ cái đứng ngay trước nó. Như vậy, dòng 1 biểu thị bảng chữ cái mật mã với độ dịch chuyển Ceasar là 1, tức là nó có thể được dùng để thực hiện một mã dịch chuyển Ceasar, trong đó, mỗi chữ cái trong bảng chữ cái thường được thay thế bằng chữ cái đứng ngay sau nó. Tương tự, dòng hai biểu thị bảng chữ cái mật mã với độ dịch chuyển Ceasar là 2 và cứ tiếp tục như vậy. Dòng trên cùng của hình vuông, viết ở dạng chữ thường, biểu thị các chữ cái trong văn bản thường. Bạn có thể mã hóa mỗi chữ cái trong văn bản thường theo một trong 26 bảng chữ cái mật mã bất kỳ. Chẳng hạn, nếu sử dụng bảng mật mã số 2, thì chữ cái a được mã hóa thành C, nhưng nếu dùng bảng mật mã số 12 thì a được mã hóa thành M.

        Bảng 3 Hình vuông Vigenère.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2020, 06:40:10 am »


        Nếu người gửi chỉ sử dụng một bảng chữ cái mật mã để mã hóa toàn bộ văn bản, thì đó chính là mã Ceasar đơn giản, một dạng mã hóa rất yếu, dễ dàng bị đối phương giải mã. Tuy nhiên, trong mã Vigenère, mỗi dòng trong hình vuông Vigenère (một bảng chữ cái riêng biệt) được sử dụng để mã hóa mỗi chữ cái trong văn bản. Nói cách khác, người gửi có thể mã hóa chữ cái đầu tiên theo dòng 5, chữ thứ hai theo dòng 14, chữ thứ ba theo dòng 21 v.v...

        Để giải mã văn bản, người nhận cần phải biết dòng nào trong hình vuông Vigenère được sử dụng để mã hóa từng chữ cái, vì vậy, phải có một hệ thống chuyển đổi giữa các dòng đã được thỏa thuận từ trước. Điều này có thể thực hiện được nhờ sử dụng một từ khóa. Để minh họa cách sử dụng từ khóa với hình vuông Yigenère để mã hóa một đoạn thư ngắn, ví dụ thông báo divert troops to east ridge (chuyển quân sang bờ phía đông), bằng cách dùng từ khóa là WHITE. Trước hết, từ khóa được viết bên trên đoạn thư và lặp lại liên tiếp cho đến khi mỗi chữ cái trong đoạn thư ứng với một chữ cái trong từ khóa. Văn bản mã hóa sau đó được thiết lập như sau. Để mã hóa chữ cái đầu tiên, chữ d, hãy xác định chữ cái của từ khóa bên trên nó, ở đây là w, và chữ cái này sẽ xác định dòng cụ thể trong hình vuông Vigenère. Dòng bắt đầu bằng chữ w là dòng 22, đây chính là bảng chữ cái mật mã sẽ được sử dụng để tìm chữ cái thay thế cho chữ d. Chúng ta hãy nhìn vào cột bắt đầu bằng chữ d, giao của cột này với dòng bắt đầu bằng chữ w, chính là chữ Z. Kết quả, chữ cái d trong văn bản thường được thay bằng chữ Z trong văn bản mã hóa. (xem hình phía dưới)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2020, 06:47:31 am »


        Để mã hóa chữ cái thứ hai, i, ta lặp lại quá trình trên. Chữ cái của từ khóa ở bên trên iH, vì vậy nó sẽ được mã hóa bằng một dòng khác trong hình vuông Vigenère: dòng bắt đầu bằng chữ H (dòng 7) là một bảng mật mã mới. Để mã hóa i, ta hãy nhìn vào cột bắt đầu bằng i, giao của cột này với dòng bắt đầu bằng H, chính là chữ P. Kết quả, chữ i trong văn bản thường được thay bằng P. Mỗi chữ cái trong từ khóa đều chỉ ra một bảng chữ cái mã cụ thể trong hình vuông Vigenère và vì từ khóa gồm có năm chữ cái nên người gửi sẽ mã hóa thông tin bằng cách sử dụng quay vòng năm dòng trong hình vuông Vigenère. Chữ cái thứ năm trong đoạn thư được mã hóa theo chữ cái thứ năm trong từ khóa, tức là chữ E, nhưng để mã hóa chữ cái thứ sáu, chúng ta lại quay trở lại chữ cái đầu tiên trong từ khóa. Một từ khóa dài hơn, hay một cụm từ khóa, sẽ sử dụng nhiều dòng hơn vào quá trình mã hóa và làm tăng mức độ phức tạp của mật mã. Bảng 4 trình bày một hình vuông Vigenère, có làm nổi rõ năm dòng (tức là năm bảng chữ cái mã) được xác định nhờ từ khóa WHITE. (xem hình phía dưới)

        Lợi thế lớn nhất của mật mã Vigenère, đó là nó hoàn toàn an toàn trước phương pháp phân tích tần suất đã trình bày ở Chương 1. Chẳng hạn, một nhà phân tích mật mã áp dụng phép phân tích tần suất đối với một đoạn mật mã thường bắt đầu bằng việc xác định chữ cái thông dụng nhất trong đoạn đó, trong trường hợp này là chữ Z, và sau đó giả định rằng nó biểu thị cho chữ cái thông dụng nhất trong tiếng Anh, đó là chữ e. Thực tế thì chữ cái Z biểu thị ba chữ cái khác nhau, đó là d, rs, chứ không phải e. Đây rõ ràng là một vấn đề đối với người giải mã. Việc một chữ cái xuất hiện một vài lần trong văn bản mật mã, mỗi lần lại có thể biểu thị một chữ cái khác nhau của văn bản thường, sẽ tạo ra một sự cực kỳ rối rắm, rất khó cho người giải mã. Một sự rắc rối tương tự, đó là một chữ cái xuất hiện vài lần trong văn bản thường lại có thể được biểu thị bởi nhiều chữ cái trong văn bản mật mã. Chẳng hạn, chữ o được lặp lại trong từ troops, được thay thế bởi hai chữ cái khác nhau - oo được mã hóa thành HS.

        Đồng thời với việc không thể bị phá bởi phép phân tích tần suất, mật mã Vigenère còn có một số lượng từ khóa khổng lồ. Người gửi và người nhận có thể thỏa thuận với nhau bất kỳ một từ nào có trong từ điển, bất kỳ sự kết hợp từ nào hay thậm chí một từ do họ bịa ra. Một nhà giải mã sẽ không thể hóa giải bản mật mã bằng việc thử tất cả các từ khóa khả dĩ, đơn giản vì số lượng lựa chọn là cực kỳ lớn.

        Công trình của Vigenère được trình bày hoàn chỉnh nhất trong cuốn Traicté des Chiffres (Chuyên luận về thư tín bí mật), được xuất bản năm 1586. Trớ trêu thay, đây lại chính là năm mà Thomas Phelippes đã phá được mật mã của Nữ hoàng Mary xứ Scotland. Ví thử thư ký của Mary đọc được chuyên luận này, ông ta sẽ biết về mật mã Vigenère, thì thư tín của Mary gửi cho Babington sẽ dễ dàng qua mặt được Phelippes và mạng sống của bà chắc đã được cứu thoát.

        Vì sức mạnh và sự đảm bảo an toàn của nó, lẽ tự nhiên là mật mã Vigenère đáng ra phải được các thư ký phụ trách về mật mã đón nhận một cách nhanh chóng khắp châu Âu. Chắc hẳn là một lần nữa họ sẽ an lòng tiếp cận một dạng mã hóa an toàn mới. Nhưng ngược lại, họ có vẻ như chối bỏ mật mã Vigenère. Hệ thống rõ ràng là rất hoàn mỹ này lại gần như bị quên lãng trong suốt hai thế kỷ sau đó.

        Bảng 4 Hình vuông Vigenère với các dòng được xác định nhờ từ khóa WHITE. Việc mã hóa được thực hiện bằng việc chuyển đổi giữa 5 bảng mã đã được làm nổi rõ, xác định bởi W, H, I, T, và E.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2020, 10:10:05 am »


        TỪ SỰ LÃNG QUÊN VIGENÈRE ĐẾN NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ SẮT

        Các hình thái truyền thống của mật mã thay thế, tồn tại trước mật mã Vigenère, được gọi là mã thay thế dùng một bảng chữ cái, vì chúng chỉ sử dụng một bảng chữ cái mật mã cho một văn bản. Ngược lại, mật mã Vigenère thuộc loại được gọi là mật mã dùng nhiều bảng chữ cái, vì nó sử dụng một số bảng mã cho một văn bản. Bản chất nhiều bảng chữ cái trong mật mã Vigenère đã mang lại cho nó sức mạnh song cũng làm cho việc sử dụng nó trở nên phức tạp hơn. Việc phải tốn thêm công sức để thực hiện mật mã Vigenère đã làm cho rất nhiều người ngại sử dụng nó.

        Đối với nhiều mục đích ở thế kỷ 17 thì mật mã thay thế dùng một bảng chữ cái đã là hoàn toàn đủ. Nếu bạn muốn đảm bảo cho những người phục vụ không thể đọc được thư từ riêng của mình, hoặc nếu muốn bảo vệ nhật ký của mình khỏi sự tọc mạch của vợ (hoặc chồng) thì dạng mật mã cổ điển này đã là lý tưởng. Sự thay thế dùng một bảng chữ cái thực hiện rất nhanh và dễ sử dụng, đủ an toàn đối với những người chưa được đào tạo bài bản về mật mã. Thực tế, mật mã thay thế dùng một bảng chữ cái đơn giản cũng đã trải qua nhiều hình thái khác nhau qua nhiều thế kỷ (xem Phụ Lục D). Đối với những ứng dụng quan trọng hơn, chẳng hạn như thông tin liên lạc của chính phủ và quân đội, mà độ an toàn là tối cao, thì mật mã dùng một bảng chữ cái đơn giản là chưa đủ. Những nhà tạo mã chuyên nghiệp trong cuộc chiến với các nhà giải mã cần có thứ gì đó tốt hơn, nhưng họ vẫn do dự khi lựa chọn mật mã dùng nhiều bảng chữ cái vì sự phức tạp của nó. Đặc biệt, thông tin liên lạc trong quân đội đòi hỏi phải nhanh và đơn giản, và một văn phòng ngoại giao có thể phải gửi và nhận hàng trăm thư từ mỗi ngày, vì vậy thời gian là yếu tố rất quan trọng. Do đó, các nhà tạo mật mã cần có một dạng mật mã trung gian, khó giải mã hơn dạng mật mã dùng một bảng chữ cái nhưng lại đơn giản hơn mật mã dùng nhiều bảng chữ cái.

        Có nhiều ứng cử viên khác nhau, trong đó mật mã thay thế đồng âm có hiệu quả đáng kể. Ở loại này, mỗi chữ cái được thay thế bằng nhiều lựa chọn khác nhau, số lượng các lựa chọn tiềm năng tỷ lệ với tần suất của chữ cái đó. Ví dụ, chữ a chiếm khoảng 8% trong chữ viết tiếng Anh và vì vậy chúng ta sẽ ấn định tám ký hiệu thay thế cho nó. Mỗi lần chữ a xuất hiện trong văn bản thường, nó sẽ được thay thế bằng một trong tám ký hiệu được lựa chọn ngẫu nhiên, và vì vậy cho đến cuối quá trình mã hóa thì mỗi ký hiệu chỉ chiếm khoảng 1% văn bản mật mã. Tương tự, chữ b chiếm 2% và chúng ta ấn định hai ký hiệu thay thế cho nó. Mỗi lần b xuất hiện trong văn bản thường, một trong hai ký hiệu đó sẽ được chọn để thay thế nó và kết thúc quá trình mã hóa thì nó chiếm khoảng 1%. Quá trình phân bố số các ký hiệu khác nhau cho mỗi chữ cái cứ tiếp tục cho đến hết bảng chữ cái, đến chữ z, rất hiếm khi xuất hiện nên chỉ một ký hiệu để thay thế nó. Trong ví dụ ở Bảng 5, các ký hiệu thay thế trong bảng mật mã là các số có hai chữ số và mỗi chữ cái trong bảng chữ cái thường có số ký hiệu thay thế nằm trong khoảng từ 1 đến 12, tùy thuộc vào độ phổ cập tương đối của mỗi chữ cái.

        Chúng ta có thể nghĩ về tất cả các số có hai chữ số trong văn bản mật mã tương ứng với chữ cái a trong văn bản thường như là sự biểu thị hiệu quả cùng một âm, tức là âm của chữ cái a. Đây chính là nguồn gốc của thuật ngữ thay thế homophonic (thay thế đồng âm), vì homos có nghĩa là “cùng, đồng” và phonos có nghĩa là “âm” trong tiếng Hy Lạp. Mấu chốt của việc đưa ra một số lựa chọn thay thế cho các chữ cái thông thường là nhằm cân bằng tần suất của các ký hiệu trong văn bản mật mã. Nếu chúng ta mã hóa một văn bản bằng cách sử dụng bảng mật mã ở Bảng 5 thì mỗi số chỉ chiếm khoảng 1% toàn bộ văn bản mật mã. Nếu không có ký hiệu nào xuất hiện nhiều hơn ký hiệu nào thì có vẻ như nó chống lại được bất kỳ sự tấn công nào của phép phân tích tần suất. Phải chăng khi này sẽ là tuyệt đối an toàn? Không hẳn như vậy.

        Bảng 5 Một ví dụ về mật mã thay thế đồng âm. Dòng đầu tiên biểu thị bảng chữ cái thường, các số bên dưới biểu thị bảng chữ cái mật mã với một số lựa chọn cho các chữ cái xuất hiện thường xuyên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM