Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:41:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14463 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2020, 01:45:42 pm »


        Nét đẹp của dạng mật mã này là nó rất dễ thực hiện, song lại cho độ an toàn cao. Người gửi dễ dàng xác định chìa khóa mã, đơn giản chỉ bằng cách nêu ra trật tự của 26 chữ cái trong bảng chữ cái mật mã được sẳp xếp lại từ bảng chữ cái thường, và do vậy kẻ thù hoàn toàn không thể kiểm tra được tất cả các chìa khóa mã khả dĩ bằng cái gọi là sự tấn công hùng hục được. Sự đơn giản của chìa khóa mã là rất quan trọng, vì người gửi và người nhận phải cho nhau biết về chìa khóa mã, và chìa khóa mã càng đơn giản thì càng ít có khả năng hiểu nhầm.

        Trong thực tế, một chìa khóa mã đơn giản hơn vẫn có thể có được nếu người gửi sẵn sàng chấp nhận giảm bớt đi đôi chút số chìa khóa mã khả dĩ. Thay vì sắp xếp lại một cách ngẫu nhiên bảng chữ cái thường để tạo ra bảng chữ cái mật mã, người gửi có thể lựa chọn một từ khóa mã hoặc cụm từ khóa mã. Chẳng hạn, để sử dụng JULIUS CAESAR làm một cụm từ khóa mã, hãy bắt đầu bằng việc bỏ đi các dấu cách và các chữ cái trùng nhau (JULISCAER), sau đó sử dụng nó làm thành các chữ cái đầu trong bảng chữ cái mật mã. Phần còn lại của bảng chữ cái mật mã chỉ gồm các chữ cái còn lại trong bảng chữ cái thường, theo đúng trật tự của chúng, bắt đầu từ chữ cái tiếp ngay sau chữ cái cuối cùng trong cụm từ khóa mã. Do đó, bảng chữ cái mật mã bây giờ có dạng sau:

        Bảng chữ cái thường
        abcdefghijklmnopqrstuvwxyz

        Bảng chữ cái mật mã
        JULISCAERTVWXYZBDFGHKMNOPQ

        Lợi thế của việc thiết lập một bảng chữ cái mật mã theo phương pháp này là từ khóa mã hay cụm từ khóa mã rất dễ nhớ và bảng chữ cái mật mã cũng vậy. Điều này rất quan trọng vì nếu người gửi phải ghi bảng chữ cái lên một mẩu giấy thì kẻ thù có thể bắt được mẩu giấy đó, khám phá ra chìa khóa mã và nhờ nó đọc được bất kỳ thông tin nào. Tuy nhiên, nếu chìa khóa mã được ghi trong đầu thì sẽ ít khả năng bị rơi vào tay kẻ thù. Tất nhiên, số lượng các bảng chữ cái mật mã được tạo bởi cụm từ khóa mã là ít hơn số lượng các bảng chữ cái mật mã được tạo ra mà không hề có một sự hạn chế nào, song vẫn còn khá lớn và kẻ thù không thể thử tất cả các cụm từ khóa mã để giải mã bức thư được.

        Chính tính đơn giản và vững chắc khó phá vỡ này của mã thay thế đã khiến cho nó có vị trí thống trị trong nghệ thuật thư tín bí mật trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau CN. Những người tạo mật mã có nhiệm vụ phát triển một hệ thống bảo đảm cho thông tin liên lạc được an toàn, do vậy họ không có nhu cầu phải phát triển tiếp, nếu không thấy cần thiết. Gánh nặng bây giờ đè lên vai những người phá mã, họ có nhiệm vụ phải phá cho được mã thay thế. Liệu có cách nào cho đối phương đọc được một bức thư mã hóa như thế hay không? Rất nhiều học giả cổ đại cho rằng mã thay thế là không thể phá nổi, bởi một số lượng khổng lồ các chìa khóa mã tiềm năng, và trong nhiều thế kỷ, điều này dường như là sự thật. Tuy nhiên, các nhà giải mã cuối cùng cũng đã tìm ra một phương pháp nhanh gọn cho quá trình tìm kiếm tất cả các chìa khóa mã khả dĩ một cách triệt để. Thay vì phải mất hàng tỉ năm mới phá nổi một mật mã thì với phương pháp này chỉ tính bằng phút. Khám phá này được thực hiện ở phương Đông và đòi hỏi một sự kết hợp tuyệt diệu những đóng góp của ngôn ngữ học, thống kê học và tôn giáo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2020, 11:14:32 am »


        CÁC NHÀ PHÂN TÍCH MÃ Ả RẬP

        Ở tuổi 40, Muhammad bắt đầu thường xuyên lui tới một cái hang nằm cô độc trên núi Hira, ngay bên ngoài thánh địa Mecca. Đó là một nơi ẩn cư, một chỗ để cầu nguyện, suy tư và chiêm nghiệm. Vào khoảng năm 610 sau CN, trong một lần đang chìm đắm trong suy tư, ông đã được tổng lãnh thiên thần Gabriel viếng thăm và tuyên bố Muhammad được phong là nhà tiên tri của Chúa. Đây là sự kiện đầu tiên trong hàng loạt những mặc khải tiếp diễn sau này cho đến khi Muhammad qua đời vào khoảng 20 năm sau đó. Những mặc khải này được nhiều người ghi chép lại trong suốt cuộc đời của Nhà tiên tri, song rất rời rạc, và được để lại cho Abũ Bakr, vị vua Hồi giáo (caliph) đầu tiên, người đã tập hợp chúng lại thành một văn bản. Công việc này tiếp tục được thực hiện bởi Umar, vị vua thứ hai, và cô con gái Hafsa của ông ta và cuối cùng được Uthmãn, vị vua thứ ba, hoàn tất. Mỗi một mặc khải này đều đã trở thành một chương trong 114 chương của Kinh Koran.

        Các vị vua cầm quyền đều có trách nhiệm thực hiện công việc của Nhà tiên tri, gìn giữ những lời giáo huấn của ông và truyền bá lời ông nói. Trong khoảng thời gian từ lúc Abũ Bakr lên làm vua năm 632 cho đến khi vị vua thứ tư là Ali qua đời vào năm 661, đạo Hồi đã được truyền bá rộng rãi tới mức một nửa thế giới nằm dưới sự cai trị của người Hồi giáo. Vào năm 750, sau một thế kỷ củng cố vững chắc, sự khởi đầu của triều đại Abbasid đã báo hiệu một thời đại hoàng kim của nền văn minh Hồi giáo. Nghệ thuật và khoa học cùng song hành phát triển rực rỡ. Các nghệ nhân Hồi giáo đã để lại cho chúng ta những bức tranh tuyệt vời, những bức chạm khắc lộng lẫy, và những tấm lụa tinh xảo nhất trong lịch sử, còn di sản của các nhà khoa học Hồi giáo cũng không kém phần vĩ đại, bằng chứng là số lượng các từ Ả Rập trong hệ thống thuật ngữ của khoa học hiện đại là rất lớn, chẳng hạn như algebra (đại số học), alkaline (tính kiềm) và zenith (thiên đỉnh)...

        Sự giàu có của nền văn hóa Hồi giáo phần lớn là nhờ một xã hội hòa bình và thịnh vượng. Các vị vua thuộc triều đại Abbasid ít quan tâm tới việc đi chinh phục như những vị vua trước mà tập trung vào việc xây dựng một xã hội có tổ chức và hưng thịnh. Thuế khóa thấp hơn đã khuyến khích việc kinh doanh, khiến cho thương mại và công nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong khi đó pháp luật nghiêm khắc đã làm giảm nạn tham nhũng và bảo vệ được công dân. Tất cả những điều này đều dựa trên một hệ thống cai trị hiệu quả và đến lượt mình, những người cai trị lại dựa trên một hệ thống thông tin liên lạc an toàn đạt được nhờ sử dụng mật mã. Ngoài việc mã hóa những vấn đề nhạy cảm của đất nước, những tài liệu còn lại tới nay cũng cho biết rằng quan lại cũng đã giữ bí mật được các số liệu về thuế, điều này cho thấy việc sử dụng mật mã thời đó là rộng khắp và phổ biến. Một bằng chứng nữa có được là từ những cuốn sách hướng dẫn việc cai trị, chẳng hạn như cuốn Adab al-Kutãb (Sách hướng dẫn nghề thư ký) ở thế kỷ thứ 10, trong đó cũng có những phần nói về kỹ thuật mã hóa.

        Những người cai trị thường sử dụng bảng chữ cái mật mã đơn giản chỉ là một sự sắp xếp lại bảng chữ cái thường như đã mô tả trước đây, song họ cũng sử dụng những bảng chữ cái mật mã có chứa một số loại ký hiệu khác. Chẳng hạn, a trong bảng chữ cái thường có thể được thay thế bằng # trong bảng chữ cái mật mã, b thay bằng +, v.v... Mã thay thế dùng một bảng chữ cái (monoalphabetic substitution cipher) là tên chung chỉ các loại mật mã thay thế mà trong đó bảng chữ cái mật mã bao gồm các chữ cái, hoặc các ký hiệu hoặc kết hợp cả hai. Tất cả các loại mật mã thay thế mà chúng ta đã gặp đến nay đều thuộc nhóm chung này.

        Nếu như người Ả Rập quá quen thuộc với việc sử dụng mã thay thế dùng một bảng chữ cái, thì họ lại không để lại ấn tượng đáng kể nào trong lịch sử tạo mật mã. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng mật mã, các học giả Ả Rập cũng đã có khả năng phá được mật mã. Và thực tế thì họ đã phát minh ra phép phân tích mã (cryptanalysis), môn khoa học có nhiệm vụ giải mã một bức thư mà không biết chìa khóa mã. Trong khi các nhà tạo mã phát triển những phương pháp mới để viết các thư tín bí mật, thì những người phân tích mã lại cố gắng tìm ra những điểm yếu trong các phương pháp này hòng đột phá vào những thư tín mật. Các nhà phân tích mã Ả Rập đã thành công trong việc tìm ra một phương pháp phá được mã thay thế dùng một bảng chữ cái, một loại mật mã đã từng được mệnh danh là không thể phá nổi trong nhiều thế kỷ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2020, 11:15:13 am »


        Khoa học phân tích mã không thể được phát minh nếu như xã hội chưa đạt tới một trình độ học thuật phức tạp nhất định ở một số lĩnh vực như toán học, thống kê học và ngôn ngữ học. Nền văn minh Hồi giáo đã tạo ra cái nôi lý tưởng cho khoa học phân tích mã ra đời, vì Hồi giáo đòi hỏi công lý trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người, và để đạt được điều đó thì đòi hỏi phải có kiến thức hay ilm. Mọi người Hồi giáo đều được phép theo đuổi tri thức dưới mọi hình thức và những thành công về kinh tế của triều đại Abbasid chứng tỏ rằng các học giả đã có thời gian, tiền bạc và phương tiện vật chất cần thiết để thực hiện phận sự của mình. Họ đã nỗ lực tiếp thu kiến thức từ những nền văn minh đi trước bằng cách tiếp nhận các tài liệu của người Ai Cập, Babylon, Ấn, Trung Hoa, Ba Tư, Syri, Armenia, Hebre và La Mã và dịch chúng ra tiếng Ả Rập. Năm 815, vua al-Ma’mun đã cho xây dựng ở Baghdad một Bait al-Hikmah (có nghĩa là “Ngôi nhà thông thái”), thực chất là một thư viện và trung tâm dịch thuật.

        Đồng thời với việc tiếp thu kiến thức, nền văn minh Hồi giáo cũng còn góp phần truyền bá kiến thức, bởi vì họ đã lấy được nghệ thuật làm giấy của người Trung Hoa. Sản xuất ra giấy đã làm xuất hiện nghề warraqin, tức là “nghề cạo giấy”, thực chất đó là “những máy-photocopy-người” chuyên có nhiệm vụ sao chép lại bản thảo và đã đáp ứng được cho ngành công nghiệp xuất bản đang bùng phát lúc bấy giờ. Vào thời điểm nở rộ, hàng chục ngàn cuốn sách được xuất bản mỗi năm và chỉ riêng ở một vùng ngoại ô của thành Baghdad cũng đã có trên một trăm hiệu sách. Cùng với những cuốn sách cổ điển như Ngàn lẻ một đêm; những hiệu sách này cũng bán cả sách giáo khoa về mọi chủ đề có thể tưởng tượng ra được và đã giúp duy trì một xã hội học thức nhất trên thế giới.

        Ngoài sự hiểu biết sâu rộng hơn về các môn học “trần tục” ra, sự phát minh ra khoa học phân tích mã cũng còn phụ thuộc vào sự phát triển của học vấn tôn giáo. Nhiều trường thần học lớn được dựng lên ở Basra, Kufa và Baghdad, đây là nơi để các nhà thần học tiến hành nghiên cứu những mặc khải của Muhammad có trong kinh Koran. Họ rất quan tâm đến việc xác lập niên đại của những mặc khải đó, bằng cách đếm tần suất xuất hiện của các từ trong mỗi mặc khải. Lý thuyết của họ dựa trên nhận xét rằng, có những từ tương đối mới xuất hiện, do vậy nếu một mặc khải nào có chứa nhiều từ mới hơn này thì đó chính là những mặc khải có niên đại sau. Các nhà thần học cũng nghiên cứu cả cuốn Hadĩth, trong đó ghi chép những lời nói hằng ngày của Nhà tiên tri. Họ cố gắng chứng minh rằng mỗi phát ngôn đó đều thực sự thuộc về Muhammad. Điều này được thực hiện bằng cách nghiên cứu nguồn gốc của các từ và cấu trúc câu, để kiểm tra xem mỗi bản chép riêng biệt có phù hợp với kiểu cách ngôn ngữ của Nhà tiên tri hay không.

        Điều quan trọng là các học giả tôn giáo không chỉ dừng sự nghiên cứu của họ ở cấp độ các từ. Họ còn phân tích cả từng chữ cái một và đặc biệt là họ đã khám phá ra rằng một số chữ cái thông dụng hơn những chữ cái khác. Chữ cái a và 1 là thông dụng nhất trong tiếng Ả Rập, một phần là vì mạo từ xác định al-, trong khi chữ cái j lại xuất hiện với tần suất khoảng 1/10. Sự quan sát bề ngoài có vẻ là vô hại này đã dẫn đến đột phá vĩ đại đầu tiên trong khoa học phân tích mã.

        Mặc dù chúng ta không biết ai là người đầu tiên phát hiện ra sự biến thiên trong tần suất xuất hiện của các chữ cái có thể được khai thác để phá mã, song sự mô tả được biết đến sớm nhất về kỹ thuật này là bởi nhà khoa học thế kỷ thứ 9 Abũ Yusuf Ya’qub ibn Is-hãq ibn as-Sabbãh ibn ‘omrãn ibn Ismaĩl al-Kindĩ. Được biết đến như là “nhà hiền triết của Ả Rập”, al-Kindĩ là tác giả của 290 cuốn sách về y học, thiên văn học, toán học, ngôn ngữ học và âm nhạc. Chuyên luận vĩ đại nhất của ổng, chỉ mới được tái khám phá vào năm 1987 tại Cục lưu trữ Sulaimaniyyah Ottoman ở Istanbul, có nhan đề Khảo cứu về giải mã các thư tín mật mã; trang đầu tiên của cuốn sách này được in lại trên Hình 6. Tuy cuốn sách có những thảo luận chi tiết về thống kê học, ngữ âm và cú pháp Ả Rập, nhưng hệ thống phân tích mã có tính cách mạng của al-Kindĩ chỉ được gói gọn trong hai đoạn ngắn như sau:

        Một cách để giải một bức thư được mã hóa, nếu chúng ta biết ngôn ngữ của nó, là tìm một văn bản thường khác, cùng loại ngôn ngữ dài đủ một trang hoặc tương đương, rồi đếm số lần xuất hiện của từng chữ cái. Chúng ta gọi chữ cái xuất hiện nhiều nhất là “thứ nhất”, chữ cái xuất hiện nhiều tiếp theo là “thứ hai”, sau đó là “thứ ba”, v.v... cho đến khi chúng ta đếm đến hết các chữ cái khác trong văn bản thường này.

        Sau đó, nhìn vào văn bản mật mã mà chúng ta muốn giải mã và cũng tiến hành phân loại các ký hiệu trong đó. Chúng ta tìm ký hiệu xuất hiện nhiều nhất và đổi nó thành chữ cái “thứ nhất” ở văn bản thường, ký hiệu xuất hiện nhiều tiếp theo đổi thành chữ cái “thứ hai”, v.v... cho đến khi chúng ta thay hết các chữ cái trong bản mật mã mà chúng ta muốn giải mã.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2020, 11:17:45 am »

 
        Sự trình bày của al-Kindĩ dễ giải thích hơn với bảng chữ cái tiếng Anh. Trước hết, cần thiết phải nghiên cứu một đoạn văn bản dài bằng tiếng Anh thường, có thể là một vài đoạn, để thiết lập tần suất của mỗi chữ cái trong bảng chữ cái. Trong tiếng Anh, e là chữ cái thông dụng nhất, tiếp theo là t, a như trình bày ở Bảng 1. Sau đó, kiểm tra văn bản mật mã cần giải mã và tìm tần suất của mỗi chữ cái trong đó. Nếu chữ cái thông dụng nhất trong văn bản mật mã, chẳng hạn là J, thì gần như chắc chắn là nó đã thay thế cho chữ cái e. Yà nếu chữ cái thông dụng thứ hai trong văn bản mật mã là p, thì nó có thể thay thế cho t, và cứ tiếp tục như vậy. Kỹ thuật của al-Kindĩ, được gọi là phân tích tần suất, cho thấy không nhất thiết phải kiểm tra từng chìa khóa mã trong số hàng tỉ chìa khóa mã khả dĩ. Thay vì, ta có thể tìm ra nội dung của thông tin được mã hóa một cách đơn giản bằng cách phân tích tần suất của các ký tự trong văn bản đã mã hóa.
        
        Hình 6. Trang đầu tiên trong cuốn Về giải mã các thư tín bí mật của al- Kindĩ, trong đó có đoạn mô tả đuợc cho là cổ nhất về phép phân tích mã bằng tần suất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2020, 11:20:21 am »

   
        Tuy nhiên, không thể áp dụng phương pháp của al-Kindĩ để phân tích mã một cách vô điều kiện được, vì danh sách tần suất chuẩn ở Bảng 1 chỉ là tính trung bình, và nó không tương ứng một cách chính xác với tần suất ở mọi văn bản. Chẳng hạn, một đoạn văn ngắn sau nói về ảnh hưởng của khí quyển đối với sự di chuyển của ngựa vằn châu Phi sẽ không tuân thủ theo sự phân tích tần suất một cách giản đơn: “Các vùng ôzôn từ Zanzibar đến Zambia và Zaire làm cho ngựa vằn chạy theo những con đuờng zic-zắc rất kỳ cục”. Nhìn chung, những văn bản ngắn chắc chắn sẽ sai lệch đáng kể so với các tần suất chuẩn và nếu có ít hơn một trăm chữ cái thì việc giải mã sẽ rất khó khăn. Trái lại, những văn bản dài hơn thì chắc chắn sẽ tuân theo tần suất chuẩn hơn, mặc dù không phải lúc nào cũng nhu vậy. Năm 1969, một tác giả nguời Pháp tên là Georges Perec đã viết cuốn La Disparition (Sự biến mất), một cuốn tiểu thuyết dày 200 trang mà trong đó không hề có từ nào chứa chữ cái e. Đáng kể hơn nữa là tiểu thuyết gia và nhà phê bình nguời Anh Gilbert Adair đã thành công trong việc dịch cuốn La Disparition sang tiếng Anh mà vẫn tuân thủ việc chừa ra chữ cái e của Perec. Bản dịch có tựa đề A Void, một bản dịch rất đáng đọc (xem Phụ Lục A). Nếu toàn bộ cuốn sách trên bị mã hóa bằng mã thay thế dùng một bảng chữ cái thì một sự cố gắng ngây thơ nhằm giải mã nó sẽ gặp nhiều khó khăn do ở đây bị thiếu hoàn toàn chữ cái xuất hiện thường xuyên nhất trong bảng chữ cái tiếng Anh.(xem bảng 1)

        Dưới đây tôi sẽ đưa ra một ví dụ về sự phân tích tần suất dùng để giải mã một văn bản mã hóa. Tôi đã cố gắng tránh không đưa ra quá nhiều ví dụ về phân tích mã trong cả cuốn sách, song với phân tích tần suất thì là một ngoại lệ. Một phần là do phân tích tần suất không quá khó như ta tưởng và một phần vì nó là công cụ phân tích mã rất cơ bản. Hơn nữa, ví dụ dưới đây cho phép ta hiểu rõ quy trình làm việc của nhà phân tích mã diễn ra như thế nào. Mặc dù phân tích tần suất đòi hỏi một sự suy nghĩ logic, song bạn sẽ thấy nó cũng cần mưu mẹo, trực giác, sự linh hoạt và ước đoán.

        Bảng 1 Bảng tần suất tương đối dựa trên các đoạn trích từ các báo và tiểu thuyết, với tổng số ký tự là 100.362. Bảng này do H. Beker và F.Piper biên soạn và được xuất bản lần đầu tiên trong cuốn Các hệ thống mật mã: Sự bảo vệ thông tin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2020, 11:34:25 am »

       
        PHÂN TÍCH MỘT VĂN BẢN MẬT MÃ

        PCQ VMJYPD LBYK LYSO KBXBJXWXV BXV ZCJPO EYPD KBXBJYUXJ LBJOO KCPK. CP LBO LBCMKXPV XPVIYJKL PYDBL, QBOP KBO BXV OPVOV LBO LXRO CI SX’XJMI, KBO JCKO XPV EYKKOV LBO DJCMPV ZOICJO BYS, KXUYPD: "DJOXL EYPD, ICJ X LBCMKXPV XPV CPO PYDBLK Y BXNO ZOOP JOACMPLYPD LC ƯCM LBO IXZROK CI FXKL XDOK XPV LBO RODOPVK CI XPAYOPL EYPDK. sxư Y SXEO KC ZCRV XK LC AJXNO XIXNCMJ CI UCMJ SXGOKLU?”

        OFYRCDMO, LXROK UCS LBO LBCMKXPV XPV CPO PYDBLK

        Hãy tưởng tượng chúng ta bắt được một bức thư đã mã hóa như trên. Thách thức ở đây là phải giải mã nó. Chúng ta biết rằng văn bản này bằng tiếng Anh và nó đã được mã bằng mã thay thế dùng một bảng chữ cái, song chúng ta không biết chìa khóa mã. Kiểm tra tất cả các chìa khóa mã là điều phi thực tế, vì vậy chúng ta phải áp dụng phương pháp phân tích tần suất. Những gì dưới đây là sự hướng dẫn làm từng bước để phân tích một bản mật mã, song nếu cảm thấy tự tin thì bạn có thể bỏ qua và hãy thử tiến hành phân tích độc lập theo ý mình.

        Đứng trước một bức mật mã như thế này, phản ứng tức thì của bất kỳ nhà phân tích mã nào là tiến hành phân tích tần suất của tất cả các chữ cái mà kết quả được trình bày ở Bảng 2. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng các chữ cái có tần suất rất khác nhau. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể xác định được các chữ cái do chúng thay thế mà chỉ dựa vào tần suất của chúng hay không? Bản mật mã ở đây tương đối ngắn, vì vậy chúng ta không thể áp dụng dập khuôn phương pháp phân tích tần suất. Sẽ thật là ngây thơ nếu cho rằng chữ cái thông dụng nhất trong bản mật mã, là chữ O, đã thay thế cho chữ cái thông dụng nhất trong tiếng Anh là chữ e, hay chữ cái thường xuất hiện thứ tám trong bản mật mã là chữ Y, đã thay thế cho chữ cái thông dụng thứ tám trong tiếng Anh là chữ h. Sự áp dụng phép phân tích tần suất một cách máy móc có thể sẽ dẫn đến những từ vô nghĩa. Ví dụ, từ đầu tiên PCQ sẽ được giải mã ra là aov.

        Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc lưu ý đến ba chữ cái xuất hiện hơn ba mươi lần trong bản mật mã, đó là O, XP. Sẽ tương đối an toàn nếu ta giả định rằng những chữ cái thông dụng nhất trong bảng mật mã có thể là những chữ thay thế cho các chữ cái thông dụng nhất trong bảng chữ cái tiếng Anh, nhưng không nhất thiết phải theo đúng thứ tự. Nói cách khác, chúng ta không chắc chắn là O= e, X = t, và P = a, nhưng chúng ta có thể đưa ra một giả định thăm dò như sau:

        O = e, t hoặc a, X = e, t hoặc a, P = e, t hoặc a.

        Bảng 2 Phân tích tần suất của bản mật mã.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2020, 05:30:38 am »

        
        Đế xác định rõ “hành tung” của ba chữ cái thông dụng nhất O, XP, chúng ta cần một hình thức phân tích tần suất tinh vi hơn. Thay vì chỉ đơn giản đếm số lần xuất hiện của ba chữ cái, chúng ta tập trung vào việc tìm hiểu xem chúng xuất hiện bên cạnh tất cả các chữ cái khác thường xuyên tới mức nào. Ví dụ, chữ cái O có xuất hiện trước hay sau một vài chữ cái khác, hay nó có xu hướng chỉ đứng cạnh một số ít chữ cái đặc biệt? Trả lời câu hỏi này sẽ cho ta biết O là nguyên âm hay phụ âm. Nếu O là một nguyên âm thì nó phải đứng trước và sau hầu hết các chữ cái, còn nếu là phụ âm thì nó có xu hướng không kết hợp với nhiều chữ cái khác. Ví dụ, chữ cái e có thể đứng trước và sau mọi chữ cái, song chữ cái t lại rất ít khi thấy nó đứng trước hoặc sau các chữ cái b, d, g, j, k, m, q hay v.

        Bảng dưới đây chỉ lấy ra ba chữ cái thông dụng nhất trong bản mật mã là O, XP, và số lần nó đứng trước hay sau mỗi chữ cái. Chẳng hạn, O  đứng trước A một lần, nhưng không bao giờ đứng sau nó, vì vậy tổng số sẽ là 1 ở ô thứ nhất. Chữ cái O đứng cạnh hầu hết các chữ cái và chỉ có 7 chữ cái nó hoàn toàn không đứng trước lẫn đứng sau, thể hiện ở bảy số 0 ở dòng O. X cũng tương đối hòa đồng, vì nó đứng cạnh hầu hết các chữ cái trừ tám chữ cái. Tuy nhiên, chữ cái P thì rất ít thân thiện. Nó chỉ đứng cạnh vài chữ cái, chừa ra 15 chữ cái còn lại. Bằng chứng này cho thấy OX là nguyên âm còn P là phụ âm.(Xem bẳng phía dưới)

        Giờ thì chúng ta phải tự hỏi nguyên âm nào đã được thay thế bằng OX. Chúng có thể là ea, hai nguyên âm thông dụng nhất trong tiếng Anh, nhưng O = e, và X = a hay O = aX = e? Một đặc điểm thú vị trong bản mật mã là OO xuất hiện hai lần trong khi XX không xuất hiện lần nào. Vì các chữ cái ee xuất hiện nhiều hơn aa trong một văn bản thường bằng tiếng Anh. Do vậy chắc chắn là O = eX = a.

        Đến đây chúng ta đã xác định được chắc chắn hai chữ cái trong bản mật mã. Kết luận X = a lại càng được củng cố bởi X có đứng một mình trong bản mật mã và a (mạo từ không xác định của tiếng Anh - ND) là một trong hai từ tiếng Anh duy nhất bao gồm một chữ cái. Chữ cái còn lại trong bản mật mã đứng một mình là Y, và dường như chắc chắn là nó thay thế cho từ có một chữ cái còn lại trong tiếng Anh, đó là từ I (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Anh - ND). Tập trung vào các từ chỉ gồm một chữ cái là một mẹo phân tích mã chuẩn, và tôi cũng đã liệt kê nó trong danh sách các điểm đặc biệt trong phân tích mã ở Phụ Lục B. Mẹo này có tác dụng vì bản mật mã đang xét ở đây vẫn còn giữ nguyên dấu cách giữa các từ. Thường một người tạo mật mã sẽ bỏ hết các dấu cách để gây khó khăn hơn cho việc giải mã của đối phương.
     
        Tuy chúng ta có các dấu cách giữa các từ, song mẹo dưới đây cũng có tác dụng khi bản mật mã được viết thành một chuỗi ký tự duy nhất. Mẹo này cho phép xác định được chữ cái h, một khi chúng ta đã xác định được chữ cái e. Trong tiếng Anh, chữ cái h thường đứng trước e (như trong các từ the, then, they v.v...), nhưng hiếm khi đứng sau e. Bảng dưới đây cho thấy chữ cái O, mà chúng ta đã xác định là chữ cái thay thế cho e, đứng trước và sau các chữ cái khác bao nhiêu lần trong bản mật mã. Bảng này gợi ý cho ta biết B thay thế cho h, vì nó đứng trước O chín lần nhưng lại không bao giờ đứng sau O. Các chữ cái khác trong bảng không có sự mất cân đối trong quan hệ với O đến như vậy.(Xem hình dưới)

        Mỗi chữ cái trong tiếng Anh đều có đặc tính của nó, trong đó bao gồm tần suất và quan hệ giữa nó với các chữ cái khác. Chính đặc tính này cho phép chúng ta xác định được đúng một chữ cái, ngay cả khi nó bị che đậy bởi phép thay thế dùng một bảng chữ cái.

        Giờ chúng ta đã biết chắc chắn bốn chữ cái, O = e, X = a, Y = i và B = h và chúng ta có thể bắt đầu thay thế một số chữ cái trong bản mật mã bằng các chữ cái thường tương ứng. Tôi vẫn tuân thủ quy tắc viết các chữ cái mật mã bằng chữ in hoa còn chữ cái trong văn bản thường bằng chữ thường. Điều này giúp chúng ta phân biệt được những chữ cái đã được xác định và những chữ cái vẫn còn phải đi tìm.

        PCQ VMJiPD LhiK LiSe KhahJaWaV haV ZCJPe EiPD KhahJiUaJ LhJee KCPK. CP Lhe LhCMKaPV aPV IiJKL PiDhL, QheP Khe haV ePVeV Lhe LaRe Cl Sa’aJMI, Khe JCKe aPV EiKKev Lhe DJCMPV ZelCJe h i s, KaUiPD: “DJeaL EiPD, ICJ a LhCMKaPV aPV CPe PiDhLK i haNe ZeeP JeACMPLiPD LC UCM Lhe IaZReK Cl FaKL aDeK aPV Lhe ReDePVK Cl aPAiePL EiPDK. SaU i SaEe KC ZCRV aK LC AJaNe a IaNCMJ Cl UCMJ SaGeKLU?”

        eFiRCDMe. LaReK IJCS Lhe LhCMKaPV aPV CPe PiDhLK    
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Năm, 2020, 05:47:39 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2020, 05:44:24 am »


        Bước làm đơn giản này cũng giúp chúng ta xác định được thêm các chữ cái khác, bởi vì chúng ta có thể đoán được một số từ trong bản mật mã. Chẳng hạn, từ có ba chữ cái thông dụng trong tiếng Anh là theand, và chúng có nhiều khả năng tương ứng với -Lhe, xuất hiện sáu lần, và aPV xuất hiện năm lần. Do vậy, L có thể là t, P có thể là nV có thể là d. Giờ thì chúng ta có thể thay các chữ cái này vào bản mật mã như sau:

        nCQ dMJinD thiK tiSe KhahJaWad had ZCJne EinD KhahJiUaJ thJee KCnK. Cn the thCMKand and IiJKt niDht, Qhen Khe had ended the taRe Cl Sa’aJMI, Khe JCKe and EiKKed the DJCMnd ZelCJe his, KaUinD: “DJeat EinD, ICJ a thCMKand and Cne niDhtK i haNe Zeen JeACMntinD tc UCM the IaZReK Cl FaKt aDeK and the ReDendK Cl anAient EinDK. SaU i SaEe KC ZCRd aK tc AJaNe a IaNCMJ Cl UCMJ SaGeKtU?”

        eFiRCDMe, taReK IJCS the thCMKand and Cne niDhtK


        Một khi một số chữ cái đã được xác định thì sự phân tích mã sẽ tiến triển rất nhanh. Chẳng hạn, từ đầu tiên của câu thứ hai là Cn. Mọi từ đều có nguyên âm trong đó, do vậy C phải là nguyên âm. Chỉ có hai nguyên âm còn chưa được xác định là uo; u không thích hợp vì vậy C phải là o. Chúng ta cũng có từ Khe, trong đó K chỉ có thể là t hoặc s. Nhưng vì chúng ta đã biết L = t nên rõ ràng là K = s. Như vậy ta xác định được thêm hai chữ cái nữa, thay chúng vào bản mật mã, và thấy xuất hiện cụm từ thoMsand and one niDgts. Ta có thể đoán ngay rằng đây là thousand and one nights (Nghìn lẻ một đêm), và dường như chắc chắn rằng dòng cuối cùng này cho chúng ta biết đây là một đoạn trích từ truyện Nghìn lẻ một đêm. Điều đó có nghĩa là M = u, I = f, J = r, D = g, R = I, và S = m.

        Chúng ta có thể tiếp tục thử xác định các chữ cái khác bằng việc đoán từ, song thay vì làm như vậy, chúng ta hãy xem mình đã biết được những gì về bảng chữ cái thường và bảng chữ cái mật mã. Hai bảng chữ cái đó tạo nên chìa khóa mã và chúng được sử dụng để người mã hóa thiết lập nên sự thay thế làm xáo trộn thông tin. Nhờ xác định được những chữ cái thực trong bản mật mã, giờ đây chúng ta đã có điều kiện để tìm ra những chi tiết còn lại của bảng chữ cái đó. Tóm tắt những kết quả thu được ở trên, ta có bảng chữ cái thường và bảng chữ cái mật mã dưới đây:

        Bảng chữ cái thường
        abcdefghijklmnopqrstuvwxyz

        Bảng chữ cái mật mã
        X--VOIDBY--RSPC--JKLM   

        Xét dãy chữ cái VOIDBY trong bảng chữ cái mã. Dãy này gợi ý rằng người mã hóa đã lựa chọn cụm từ chìa khóa để làm cơ sở cho chìa khóa mã. Sau một số phỏng đoán cũng đủ để biết rằng cụm từ chìa khóa có thể là A VOID BY GEORGES PEREC, đã được rút ngắn thành AVOIDBYGERSPC sau khi đã loại bỏ dấu cách và các chữ cái trùng lắp. Sau đó, các chữ cái sẽ lại tuân theo trật tự của bảng chữ cái, đồng thời bỏ đi các chữ cái đã có trong cụm từ chìa khóa. Trong trường hợp cụ thể này người mã hóa đã thực hiện một bước khác với thông lệ là không bắt đầu cụm từ chìa khóa ở đầu của bảng chữ cái mật mã, mà lại bắt đầu sau đó ba chữ cái. Điều này có lẽ là bởi vì cụm từ chìa khóa mã bắt đầu bằng chữ A, và người mã hóa muốn tránh việc mã hóa a thành A. Cuối cùng, khi đã thiết lập được bảng chữ cái mật mã hoàn chỉnh, chúng ta có thể giải mã được toàn bộ bản mật mã, và việc phân tích mã đã hoàn tất.

        Bảng chữ cái thường
        abcdefghijklmnopqrstuvwxyz

        Bảng chữ cái mật mã
        X z A VOIDBYGERSPCFHJKLMNQTU

        Now during this time Shahrazad had borne King Shahriyar three sons. On the thousand and first night, when she had ended the tale of Ma’aruf, she rose and kissed the ground before him, saying: “Great King, for a thousand and one nights I have been recounting to you the fables of past ages and the legends of ancient kings. May I make so bold as to crave a favor of your majesty?”

        Epilogue, Tales from the Thousand and One Nights


        Giờ thì Shahrazad đã sinh hạ cho Đức Vua Shahriyar ba người con trai. Vào đêm thứ một ngàn lẻ một, khi nàng kết thúc câu chuyện về Ma ’aruf, nàng bỗng nhổm dậy và hôn xuống nền đất trước mặt nhà vua và nói: “ Thưa Đức vua vĩ đại, trong một ngàn lẻ một đêm, thần thiếp đã kể lại cho người những cầu truyện ngụ ngôn xa xưa và những huyền thoại về các vị vua cổ đại. Thần thiếp cỏ thể mạo muội thỉnh cầu người một đặc ân được không? ”

        Đoạn kết, trích từ Nghìn lẻ một đêm
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2020, 05:49:21 am »


        ÂM MƯU BABINGTON

        Vào ngày 24 tháng Mười một năm 1542, quân đội Anh của Vua Henry VIII đã đánh bại quân đội Scotland trong trận Solway Moss. Tưởng như Henry đã chinh phục được Scotland đến nơi và cướp ngôi từ tay Vua James V. Sau trận đánh, Vua Scotland quá sợ hãi đã suy sụp hoàn toàn cả về tinh thần lẫn thể xác và rút lui về cung điện ở Falkland. Ngay cả sự ra đời của con gái, Mary, chỉ hai tuần sau đó cũng không thể vực dậy nổi vị vua đau ốm. Cứ như thể ông chỉ đợi tin về đứa con thừa kế của mình để rồi có thể chết trong bình yên và tin rằng ông đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Chỉ một tuần sau khi Mary chào đời, Vua James V đã băng hà ở tuổi 30. Công chúa ấu nhi đã trở thành Nữ hoàng Mary của Scotland.

        Mary sinh thiếu tháng và ngay từ đầu người ta đã lo là cô không thể sống nổi. Những tin đồn lan sang nước Anh cho rằng đứa bé đã chết, nhưng đó chỉ là mong ước của triều đình Anh, nơi mà người ta luôn dỏng tai chờ nghe bất kỳ tin tức nào có thể làm rối loạn Scotland. Trong thực tế, Mary nhanh chóng trở nên cứng cáp và mạnh khỏe và khi mới được 9 tháng tuổi, ngày mồng 9 tháng Chín năm 1543, cô đã lên ngôi nữ hoàng trong nhà nguyện ở Lâu đài Stirling, bao quanh là ba vị bá tước thay mặt cô cầm vương miện, vương trượng và thanh kiếm.

        Thực tế Nữ hoàng Mary còn quá nhỏ đã giúp Scotland tránh được sự tấn công của nước Anh. Sẽ là không hào hiệp nếu Henry VIII lại tiến hành xâm lăng đất nước của một vị vua vừa mới băng hà và giờ đây đang được cai trị bởi một nữ hoàng tuổi còn thơ ấu. Vì vậy, vua nước Anh quyết định thực hiện chính sách lợi dụng Mary với hy vọng sẽ thu xếp một cuộc hôn nhân giữa cô và con trai ông ta, Edward, nhờ đó sẽ thống nhất hai quốc gia dưới sự trị vì của dòng họ Tudor. Ồng ta bắt đầu kế hoạch của mình bằng việc thả tự do cho những hoàng thân quốc thích của Scotland bị bắt làm tù binh trong trận Solway Moss, với điều kiện họ phải tham gia chiến dịch ủng hộ cho sự hợp nhất với nước Anh.

        Tuy nhiên, sau khi xem xét đề nghị của Henry, triều đình Scotland đã từ chối và chấp thuận cuộc hôn nhân của Mary với Francis, con trai cả của vua nước Pháp. Scotland lựa chọn liên minh với một quốc gia theo đạo Thiên chúa, một quyết định làm hài lòng mẹ của Mary, Mary xứ Guise, bởi lẽ chính cuộc hôn nhân của bà với Vua James V là nhằm củng cố mối bang giao giữa Scotland và Pháp. Mary và Fracis vẫn còn là những đứa trẻ, song kế hoạch cho tương lai là chúng sẽ lấy nhau và Francis sẽ lên ngôi vua nước Pháp cùng với Mary là hoàng hậu, nhờ vậy sẽ thống nhất được Scotland và Pháp. Đồng thời, Pháp cũng sẽ bảo vệ Scotland chống lại bất kỳ sự tấn công nào của nước Anh.

        Lời hứa bảo vệ được tái khẳng định, nhất là khi Henry VIII đã thực hiện chính sách ngoại giao hăm dọa nhằm thuyết phục Scotland rằng con trai ông ta mới là một chú rể xứng đáng với Nữ hoàng Mary. Quân đội của Henry đã tiến hành cướp bóc, phá hoại hoa màu, đốt cháy làng mạc và tấn công vào các thành phố và thị trấn dọc biên giới. Chính sách “tranh thủ thô bạo” như người ta vẫn gọi, vẫn tiếp tục ngay cả sau khi Henry VIII chết vào năm 1547. Dưới sự bảo hộ của con trai ông ta là Vua Edward VI (người cầu hôn), những cuộc tấn công lên đến đỉnh điểm trong trận Pinkie Cleugh khiến quân Scotland thua thảm hại. Do cuộc tàn sát này mà người ta đã quyết định, để đảm bảo an toàn, Mary phải đi Pháp, vượt ra khỏi tầm đe dọa của quân Anh, nơi cô có thể chuẩn bị cho đám cưới của mình với Francis. Ngày 7 tháng Tám năm 1548, khi mới được 6 tuổi, Mary đã phải lên thuyền dong buồm tới bến cảng Roscoff.

        Những năm đầu ở Pháp của Mary có thể nói là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời cô. Được bao quanh bởi sự xa hoa và an toàn, tình yêu của cô với người chồng tương lai ngày một mặn nồng. Khi cô tròn 16 tuổi, họ lấy nhau và một năm sau, Francis và Mary trở thành Vua và Hoàng hậu của nước Pháp. Tất cả dường như đã được xếp đặt cho cuộc khải hoàn trở về Scotland của cô thì đức vua, người vốn có sức khỏe yếu ớt, đã ngã bệnh trầm trọng. Căn bệnh ở trong tai mà nhà vua mắc phải khi còn nhỏ đã trở nên xấu đi, sự viêm nhiễm đã ăn sâu vào não và nhọt bắt đầu phát triển. Năm 1560, sau chưa đầy một năm lên ngôi, Francis đã qua đời và Mary trở thành quả phụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2020, 05:49:39 am »


        Từ lúc này trở đi, cuộc đời Mary là cả một chuỗi những bi kịch. Năm 1561, bà trở về Scotland và nhận thấy đất nước đã đổi thay. Trong suốt thời gian dài vắng mặt, Mary càng củng cố đức tin Thiên chúa giáo của mình, trong khi thần dân Scotland lại cải sang đạo Tin lành ngày càng nhiều. Mary đối xử khoan dung với ý nguyện của đại đa số dân chúng và bước đầu đã cai trị khá thành công, nhưng vào năm 1565, Mary cưới một người họ hàng của mình là Henry Stewart, Bá tước xứ Darnley, một hành động đã dẫn tới vòng xoáy suy sụp sau này. Darnley vốn là một người đàn ông thô bạo và xấu xa. Sự tham lam quyền lực một cách tàn nhẫn của ông ta đã làm mất đi sự trung thành của giới quý tộc Scotland đối với Mary. Năm sau, chính Mary đã chứng kiến bản chất dã man kinh khủng của chồng mình khi ông ta giết chết David Riccio, viên thư ký của Mary ngay trước mắt bà. Ai ai cũng thấy rõ ràng rằng vì Scotland, cần phải loại bỏ Darnley. Các nhà lịch sử hiện vẫn còn đang tranh cãi không rõ liệu Mary hay giới quý tộc Scotland chủ mưu, chỉ biết rằng đêm ngày mồng 9 tháng Hai năm 1567, ngôi nhà Darnley bị nổ tung và khi cố vùng vẫy thoát ra, ông ta đã bị bóp cổ chết. Một điều tốt lành duy nhất có được từ cuộc hôn nhân này là James, cậu con trai thừa kế.

        Cuộc hôn nhân tiếp theo của Mary với James Hepburn, Bá tước thứ tư của dòng họ Bothwell, cũng chẳng tốt đẹp hơn. Mùa hè năm 1567, nhóm quý tộc Scotland theo đạo Tin lành đã hoàn toàn không còn ảo tưởng gì với vị Nữ hoàng Thiên chúa giáo của mình nữa, họ lưu đày Bothwell và bắt giam Mary, buộc bà phải từ bỏ ngai vàng cho cậu con trai mới có 14 tháng tuổi, James VI, với người em cùng cha khác mẹ với bà là Bá tước Moray làm nhiếp chính. Năm sau, Mary trốn thoát, bà bèn tập hợp lực lượng gồm 6.000 người trung thành và thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm đoạt lại ngai vàng. Binh lính của bà đã đối mặt với quân đội của vị nhiếp chính ở Langside, một ngôi làng nhỏ ở gần Glasgow. Mary đứng quan sát trận đánh trên đỉnh một ngọn đồi gần đó.

        Mặc dù đội quân của bà áp đảo về số lượng nhưng lại thiếu kỷ luật, nên bị đánh cho tan tác. Khi biết sự thất bại là không thể tránh khỏi, bà đã bỏ trốn. Lý tưởng nhất là đi về phía đông, tới bờ biển và từ đó chạy sang Pháp, nhưng nếu như vậy thì phải vượt qua vùng đất vốn trung thành với người em trai cùng cha khác mẹ với mình, vì vậy, Mary quyết định đi về phía Nam sang nước Anh, với hy vọng người chị họ của mình là Elizabeth I có thể giúp bà lẩn trốn.

        Nhưng sự đánh giá của Mary đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Elizabeth chẳng mang lại điều gì cho Mary ngoại trừ một nhà tù khác. Lý do chính thức đưa ra cho sự bắt bớ này liên quan đến việc giết Darnley, nhưng lý do thực sự là ở chỗ Mary là mối đe dọa đối với Elizabeth, vì những người Thiên chúa giáo ở Anh coi Mary mới thực sự là nữ hoàng của nước Anh. Qua bà của mình, Margaret Tudor, người chị kế của vua Henry VIII, Mary thực sự có quyền lấy lại ngai vàng, nhưng đứa con sống sót cuối cùng của Henry là Elizabeth I dường như có quyền ưu tiên hơn. Tuy nhiên, theo những người Thiên chúa giáo, Elizabeth không thích hợp vì bà là con gái của Anne Boleyn, người vợ thứ hai của Henry sau khi ông ta ly dị Catherine của xứ Aragon, bất chấp cả Đức Giáo hoàng. Người Thiên chúa giáo ở Anh không chấp nhận sự ly dị này, họ không xác nhận cuộc hôn nhân sau của Henry với Anne Boleyn, và lại càng không chấp nhận Elizabeth, con gái của họ, là Nữ hoàng. Họ coi Elizabeth như là một đứa con hoang tiếm ngôi.

        Mary bị giam cầm ở rất nhiều lâu đài và thái ấp. Tuy Elizabeth coi bà là một nhân vật nguy hiểm nhất ở nước Anh, song rất nhiều người Anh phải thừa nhận rằng họ ngưỡng mộ lối cư xử lịch lãm, sự thông minh và vẻ đẹp tuyệt vời của bà. William Cecil, quan tể tướng của Elizabeth, đã rất có ấn tượng về “sự tiếp đãi rất quyến rũ và ngọt ngào của bà đối với tất cả các quý ông” và Nicholas White, phái viên của Cecil, cũng có nhận xét tương tự: “Bà ấy có tất cả những nét duyên dáng quyến rũ, một giọng Scotland mượt mà và một sự thông minh sâu sắc, được bao bọc bởi sự dịu dàng.” Nhưng mỗi năm qua đi, trông bà càng xanh xao, sức khỏe giảm sút và bà bắt đầu mất hy vọng. Người giám sát bà, Ngài Amyas Paulet, một người Thanh giáo, hoàn toàn dửng dưng trước sự kiều diễm của bà và đối xử với bà ngày càng khắc nghiệt.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM