Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:11:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến khu Đồng Bò  (Đọc 4816 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:27:48 am »

Cuộc chiến đấu đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Ta từ trong các gộp đá bắn ra, còn địch thì dùng lựu đạn, rốc-két, mìn rót vào các hang động. Chúng còn sử dụng đến cả các loại hóa chất độc và bom cay, bom hơi ngạt. Ta diệt hàng chục tên địch, bắn rơi một máy bay trực thăng. Nhưng hỏa lực của địch mỗi lúc một thêm dày đặc. Tốp máy bay của trận bom trước quay đi thì tốp sau lao đến và cứ thế phóng rôc-két và dội bom. Khói lửa của trận bom chưa tan thì từng bầy, từng bầy đạn pháo các cỡ đổ ập xuống khu vực vừa bị oanh tạc suốt nhiều tiếng đồng hồ như vậy. Các chiến sĩ và cán bộ ta nép mình vào các gộp đá tránh bom đạn, nhắm bắn gục từng tên Nam Triều Tiên chui vào gộp, hàng chục tên chết tại chỗ.

Tuy vậy, tình hình trở nên hết sức khó khăn. Lực lượng ta bị địch bao vây và vòng vây đang siết chặt dần. Sau một tuần lễ, lương thực, đạn dược cạn dần. Ở dưới làng, địch lại hành quân, vây ráp, bắt bớ cơ sở, ngăn chặn nhân dân tiếp tế lương thực cho ta. Trước tình hình trên, ngày 21/10/1968, Ban chỉ huy chống càn do đồng chí Ông Văn Bưu, Tỉnh đội phó chỉ huy đã quyết định vừa chiến đấu, vừa rút khỏi vùng càn của địch. Lực lượng tiểu đoàn 7, đại đội 98, đại đội pháo, cơ quan chỉ huy tiền phương, Thị ủy, Thị đội, tiểu đội công binh và trung đội vũ trang Thị đội tổ chức hành quân vượt vòng vây. Toàn bộ lực lượng tiểu đoàn 7 đi theo hướng Tây - Tây Bắc. Hướng thứ 2 đi xuyên về hướng Bắc đến Trảng Bằng rẽ tay trái đi về hướng Tây - Tây Nam. Riêng bệnh xá tiền phương, vì điều kiện không thể di chuyển toàn bộ thương, bệnh binh ra khỏi vòng vây được, do đó phải ở lại. Nội trong đêm 21/10 phải tìm những hầm kín đáo dưới sâu để giấu tạm thương bệnh binh nặng, phân công người chăm sóc phục vụ chu đáo. Tất cả số phục vụ và thương binh nhẹ đều trang bị vũ khí để chiến đấu tự vệ.

Ngay trong đêm 21/10 phần lớn lực lượng của ta đã vượt qua khỏi vòng vây an toàn, chỉ còn một bộ phận thuộc hướng thứ 2 và bệnh xá tiền phương bị kẹt lại và chiến đấu anh dũng với địch trong gần 3 tuần lễ.

Ở hướng hành quân thứ 2 gồm đại đội 98 đi đầu đến cơ quan tiền phương, cơ quan Thị ủy, Thị đội, tiểu đội công binh và lực lượng Thị đội đi sau cùng.

Đúng 22 giờ toàn đội hình xuất phát. Đoàn người nối tiếp nhau vượt qua những dải gộp bị bom đạn cày xới, trơ trụi, nhiều khoảng rừng trống toang chi chít hố bom, lỗ pháo, cây cỏ cháy nham nhở.

Trời đã sáng rõ, đội hình phía trước vừa vượt qua khỏi gộp Leo Dây thì đụng một toán quân địch từ trên dốc đang đi xuống. Chúng xả súng bắn vào đội hình ta. Mấy loạt đạn đầu đã trúng ngay đồng chí Tùng - Chánh văn phòng Thị ủy và đồng chí Kiên cán bộ đội công tác hy sinh tại chỗ. Trong chốc lát, lính Nam Triều tiên dàn thành một hàng rào ken dày bổ vây hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Thế là cơ quan Thị ủy và Thị đội và một số đồng chí thuộc tiểu đội công binh bị kẹt lại trong cái hàng rào thịt này. Gần 50 tay súng của ta nhanh chóng phân tán từng tổ nhỏ, nép kỹ trong vùng gộp Leo Dây. Địch tập trung lực lượng bao vây, khui lục khắp vùng. Chúng bắc cầu, làm thang hoặc dùng giây thừng leo từ chỗ này sang chỗ khác để sục sạo khắp nơi, suốt mấy tiếng đồng hồ chưa phát hiện được gì. Khoảng 13 giờ chúng phát hiện được mấy chiếc lá khô bị nát. Lộ rồi! 3 đồng chí công binh đang nấp tại một cái hang cụt đành phải sống chết với địch. Mấy tên hung tợn đi đầu bị ngã gục. Bọn đi sau dồn lại không dám xông vào. Ba mươi phút sau, chúng tập trung một số lớn lựu đạn ném vào hang. Các đồng chí Tốt, Tỏ, Da đã hy sinh.

Bóng đêm trùm xuống hẳn, các đồng chí của ta lên khỏi hang dùng ám hiệu tập hợp lại. Đồng chí Nghiềm và đồng chí Quân quyết định triển khai đội hình để chuyển về hướng gộp Thị Đội đến Vườn Dừa (Sông Lô). Đến gộp Cây Sộp thì địch phát hiện, đánh chặn, đồng chí Sung bị thương gãy chân, đồng chí Cổn, cán bộ quân báo Quân khu V hy sinh. Thế là suốt ngày 23/10 địch đổ xô sục tìm tất cả các dải gộp, chúng dùng cả lựu đạn cay ném vào tất cả các hang gộp. Hơi và khói cay xông luồn vào tận các ngóc ngách trong gộp. Gộp khô, không tìm ra các nguồn nước để tẩm khăn mặt tẩy độc. Các đồng chí của ta phải dùng nước tiểu. Lúc này nước tiểu cũng trở nên quý hiếm vì các đồng chí của ta nhiều người đã nhịn khát gần hai ngày nay.

Địch xông vào gộp, đồng chí Quân nổ súng, hai tên giãy đành đạch. Hàng chục quả lựu đạn của địch ném vào, những tiếng nổ ầm ầm, liên tục. Một lúc sau, mấy cái bóng nhảy xuống để lượm xác. Bọn này ranh ma, chúng đeo mặt nạ phòng hơi độc và dùng gậy đưa mũ sắt ra phía trước để tiến vào. Một loạt đạn toé lửa. Lập tức lựu đạn được quăng vào liên tiếp, khói cay lại luồn vào trong hang. Sau đợt dội lựu đạn xuống hang, bọn địch nghĩ rằng “Việt Cộng” không bị chết thì cũng bị ngắc ngoải vì sức ép của lựu đạn hay hơi độc rồi, chúng lại tiếp tục mò vào. Sau hai loạt đạn ngắn, hai tên địch bị tiêu diệt. Địch giở thủ đoạn mới: Chúng dùng lượng lớn chất nổ và nhiều loại chất độc hoá học có độc tính cao hòng huỷ diệt cả đoạn gộp. Bên cạnh đó, chúng lại tăng cường ra rả các ngón đòn tâm lý chiến rẻ tiền... Những tiếng nổ như sét đánh, cả dải gộp rung chuyển, nhiều chiến sĩ của ta bị choáng ngất đi. Khăn thấm nước tiểu đã ráo khô, một số anh em bị ngứa ngáy, nhức đầu, nôn mửa, có người lại buồn ngủ như say...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:28:11 am »

Đêm 23, 24 trôi qua, không có cách nào vượt ra được. Đành phải quyết tử với địch thôi! Chúng tung lựu đạn cay và chất độc hoá học xuống. Một quả lựu đạn cay lăn trúng hang chỗ nữ đồng chí Ninh đang nấp, chịu không nổi cô phải chui lên gộp để thở. Bọn địch xúm lại bắt và tra tấn hòng tìm hiểu địa hình trong dải gộp, vị trí ẩn nấp của lực lượng ta. Suốt mấy tiếng đồng hồ liền, mặc dù bị đánh đập vô cùng dã man, đồng chí Ninh vẫn không hé răng nửa lời. Bọn mặt người dạ thú đã dùng lưỡi lê sát hại rồi vùi xác đồng chí Ninh xuống bên rìa gộp.

Thế là trong hai ngày, ta bị hy sinh 2 đồng chí thân yêu! (Ngày 24/10, đồng chí Quyền, báo vụ viên đài vô tuyến lên gộp tìm rau ăn đỡ đói, bị địch phát hiện, truy theo và bị lựu đạn chết trong hang).

Trong những ngày 26, 27 và 28 tháng 10 suốt ba ngày liên tục, địch tập trung đánh vào bệnh xá tiền phương (đóng ở gần đó). Các thương binh, bác sĩ, y tá và tổ bảo vệ đã dựa vào đội hình hiểm trở nơi đây để chiến đấu rất anh dũng, song do quá chênh lệch về lực lượng, ở đây ta đã hy sinh gần hết. Sau khi diệt xong bệnh xá, chúng đổ hàng tấn chất độc hoá học xuống các hang hốc dưới gộp, gây nhiễm độc lâu dài cả vùng này.

Mấy ngày trôi qua, địch không tấn công khu vực gộp Cây Gộp, có lẽ chúng chờ ta chết đói, chết khát. May sao, vào ngày 28 đồng chí Hải cùng anh em trinh sát đi dò tìm nguồn nước, không những tìm được nước lại còn tìm được 2 thùng gạo cũ (gạo của bệnh xá Vĩnh Xương còn lại). Thế là cứ đến đêm, khi bọn địch nằm trên bìa gộp ngủ say, các đồng chí của ta lại mò lên gộp lấy củi đem xuống tận hang sâu để nấu cháo. Từ đó, mỗi ngày, mỗi người sống với một chén cháo. Riêng thương bệnh binh thì được gấp đôi tiêu chuẩn.

Ngày 29/10 địch lại tập trung lực lượng xông vào các hang. Thấy không có sự kháng cự nào, chúng lục soát kỹ, khi gặp hầm giấu thương binh, chúng bắt được đồng chí Sung rồi cột dây vào người, kéo thẳng lên mặt gộp. Thấy bốn năm tên địch đang dụm chùm dưới lòng hang gần chỗ vừa bắt đồng chí Sung, đồng chí Hải lăn đến một trái M 26, lựu đạn bùng nổ, 5 tên giãy đành đạch trên vũng máu. Bọn địch sục dưới gộp vội vàng nhảy tót lên trên. Lại hàng thùng lựu đạn lăn xuống. Hết đợt lựu đạn nổ, ba tên địch mò xuống lấy xác đồng bọn. Hai quả lựu đạn chày nổ tung, ba tên địch gục ngã. Địch không dám xuống đành giở trò thiêu hủy xác đồng bọn bằng cách bơm xăng xuống rồi đốt.

Suốt buổi chiều hôm đó, chúng lại dùng hàng thùng lựu đạn thả xuống. Sau cùng, chúng lăn những bao chất độc hoá học (có sẵn dây nổ và dây điểm lửa) xuống các hang. Thế là chất độc cứ âm ỉ tỏa ra, hết lớp này đến lớp khác. Khuya hôm đó, theo đề nghị đồng chí Bông - Trưởng ban kinh tài thị và đồng chí Ca - thủ quỹ, đồng chí Nghiềm và đồng chí Quân cho phân tán số tiền mặt ngân quỹ của Thị ủy cho mỗi người giữ một ít, đề phòng nếu trường hợp bị hy sinh thì ngân quỹ của Đảng không bị mất trắng.

Các ngày 30, 31 tháng 10, cứ từ 7 giờ đến 18 giờ, từng tốp địch liên tiếp thả lựu đạn xuống các hang gộp mà chúng nghi ngờ có ta.

Sang hai ngày (01 và 02/11/1968), tại dải gộp cơ quan Thị ủy đang trú, số lựu đạn tung xuống hang giảm bớt. Nhưng dải gộp nhỏ nằm giữa gộp Trung Sơn và gộp Nhà Cháy địch lại tăng cường đánh mạnh. Nơi đó có đồng chí Triệt cùng các đồng chí trong tổ cơ yếu nấp. Nhờ nhiều ngóc ngách nên ở đây không ai bị thương vong.

Sáng 3/11, địch đưa trực thăng đến để rút quân và cuộc càn đã chấm dứt.

Sau cuộc càn, các đồng chí công binh (một bộ phận đi theo đội công tác ra bìa rừng) trở lại tìm đồng đội. May mắn tìm đồng chí Ngân đang ở dưới một gộp sâu. Thật kỳ lạ, đồng chí bị thương rất nặng, vậy mà trong suốt hai tuần lễ không lương thực, thuốc men, chỉ có nước và lá cây nhưng đồng chí vẫn sống để về với đồng đội.

Cán bộ chiến sĩ của ta sau những ngày chiến đấu gian khổ, ai nấy đều xanh xao, hốc hác, người gầy rạc, nhiều anh em mắc bệnh tê phù, đôi chân sưng húp, đi đứng rất khó khăn. Nhưng toàn đội hình gấp rút đi chuyển về gộp Thị ủy để nghỉ đêm, sáng hôm sau hành quân lên gộp Xác Mấu để gặp cơ quan tiền phương đang ở đó.

Gần một tháng càn quét chiến khu Đồng Bò rồi rút quân, địch rùm beng “loan tin chiến thắng”, rằng đã “làm cỏ sạch Việt Cộng tại Mật khu Đồng Bò”. Còn các đơn vị của ta thì tập trung về Suối Lùng, tổ chức nghỉ ngơi chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:28:46 am »

*
*   *

Tại Suối Lùng, ở đây núi khá cao, có hệ sinh thái rừng nguyên sinh phủ kín nhiều tầng, nhiều gộp đá tự nhiên khá rộng và sâu, nhiều gộp liên hoàn với nhau, thuận lợi cho việc bố phòng và làm việc giữa các cơ quan. Đi lên khu vực gộp Suối Lùng là con đường mòn độc đạo, một bên là núi, một bên là vực với dòng suối róc rách chảy quanh năm. Phía trên vùng gộp là trảng tranh Năm Nọc, đi về phía Cam Ranh. Khu vực gộp Suối Lùng không những rất hiểm trở mà tiện bề tiến thoái. Tại đây đơn vị K92 và tiểu đội công binh ở trên cùng, kề dưới là Thị đội và bộ phận điện đài, chếch xuống dưới về bên trái là trung đội địa phương của Huyện Thị đội (H2). Tiếp xuống là gộp Trạm Xá, ở giữa là gộp Huyện Thị ủy, Tuyên Huấn, Kinh Tài, dưới cùng là gộp C4 (đại đội pháo). Khi đột xuất, có thêm cán bộ về thì ở những gộp xung quanh khu vực. Cũng như khu vực gộp Leo Dây, gộp Cây Sộp... ở đây cán bộ chiến sĩ chặt cây rừng bện thành những cái sạp khá lớn gác từ bên này sang bên kia vách đá để làm chỗ ở sinh hoạt, nghỉ ngơi khá thuận lợi. Vùng Suối Lùng còn có gộp Tôm phía trảng tranh Năm Nọc là nơi cơ quan Huyện Thị đóng trong khoảng thời gian vài ba tháng.

Để triệt phá vùng này, địch dùng bom napan, chất độc hóa học rải xuống khu vực Đồng Bò, đồng thời dùng lực lượng tiểu đoàn “Trung Dũng” và một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên thuộc trung đoàn 30 sư đoàn Bạch Mã liên miên dùng trực thăng càn quét, lùng sục đánh phá nhiều đợt trong suốt các năm từ 1969 đến năm 1972.

Năm 1969, địch càn từ đỉnh 972 xổ xuống, bị vướng một quá đạn pháo 105 do ta gài, nổ chết một số tên, chúng phải khiêng xác đồng bọn, lách đi đường khác. Sau đó, tại vùng gộp 98, bọn biệt kích đi lùng sục cũng bị ta đánh trả, diệt một số tên.

Tại Suối Lùng đã diễn ra các kỳ Đại hội Đảng bộ Vĩnh Trang lần thứ III, IV và V.

Tháng 3/1970, Đại hội Đảng bộ Vĩnh Trang lần thứ III, đã bầu ra Ban chấp hành gồm 17 đ/c, đồng chí Đặng Nhiên được cử làm bí thư, đồng chí Trần Quốc Khánh làm phó bí thư.

Tháng 6/1972, Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, đã bầu ra Ban chấp hành gồm 19 đ/c, các đồng chí: Đặng Nhiên, Trần Quốc Khánh tiếp tục được tái cử.

Tháng 12/1974, Đại hội Đảng bộ lần thứ V, đã bầu ra Ban chấp hành gồm 19 đ/c, đồng chí Trần Quốc Khánh được cử làm bí thư, đồng chí Trần Bá Ngọc được Tỉnh uỷ bổ sung làm phó bí thư.

Để chiến khu có thể đứng vững trong giai đoạn này, nhân dân ở các thôn Phú Ân Nam, Phú Vinh, Xuân Lạc, Đồng Nhơn, Vĩnh Điềm Thượng, Bút Sơn, Thái Thông đã ra sức đóng góp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm tiếp tế cho cách mạng.

Thế đứng tại Suối Lùng đã vững vàng, liên tiếp trong các năm từ 1969 đến năm 1974, lực lượng vũ trang hoạt động mạnh, lập được nhiều thành tích. Phong trào quần chúng ở đô thị và vùng ven đi vào chiều sâu. Hầu hết cán bộ cốt cán đều ghì bám trong dân để trực tiếp lãnh đạo các hoạt động của các hội, đoàn thể yêu nước.

Việc bám trụ lâu dài của lực lượng cách mạng Vĩnh Trang tại Đồng Bò có một ý nghĩa quan trọng: đây chính là cơ quan lãnh đạo, là nơi trực tiếp chỉ đạo phong trào cũng như trực tiếp chiến đấu tiêu diệt quân xâm lược và bè lũ tay sai. Khi thời cơ đến, Đảng bộ Vĩnh Trang đã lãnh đạo nhân dân phối hợp với bộ đội chủ lực nổi dậy, giải phóng quê hương (02/4/1975).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:29:17 am »

*
*   *

Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Nha Trang - Vĩnh Xương.

Chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân 68 gần 180 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh và bị địch bắt.

Theo số liệu thông kê ban đầu, tính riêng cán bộ chiến sĩ của Huyện, Thị bị hy sinh đã tới con số gần 200. Trong đó có 1 đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, 8 đồng chí Huyện Thị ủy viên, 1 đồng chí Huyện đội trưởng, 1 đồng chí Chính trị viên Huyện đội, 2 đồng chí Huyện đội phó, 1 đồng chí đại đội trưởng, 3 đồng chí trung đội trưởng, 1 đồng chí trung đội phó, 17 đồng chí đội trưởng đội công tác, 2 đồng chí trưởng ban an ninh Huyện - Thị, 5 đồng chí cán bộ an ninh, 5 đồng chí cán bộ binh vận, 4 đồng chí cán bộ tuyên huấn, 5 đồng chí tổ trưởng liên lạc, 1 đồng chí bác sĩ trưởng trạm xá, 2 đồng chí y sĩ... Toàn bộ 2 trung đội địa phương của Huyện, Thị là người địa phương thoát ly lên chiến khu sau đồng khởi cũng đã lần lượt hy sinh gần hết.

Nhưng chính trong những năm tháng gian khổ, đầy mất mát, hy sinh ấy lại là lúc nẩy nở chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thời kỳ của chiến công nối tiếp chiến công. Và nếu như Oét-mô-len tự hào bao nhiêu về kỹ thuật tàn phá Mỹ: “cây cối, bụi rậm đều bị đốt cháy khiến cho Việt Cộng không còn nơi ẩn nấp” thì hắn càng cay cú đau đầu bấy nhiêu trước một thực tế “với rốc-két, súng cối và đặc công, họ có thể trói chặt ngày càng nhiều quân vào công tác phòng thủ” (“Tường trình một người lính” của Oét-mô-len). Đó cũng là một thực tế chung trên chiến trường miền Nam. Nhưng đối với chiến khu Đồng Bò nó lại càng đặc biệt, vì đây là cây đinh cắm vào đầu não của địch ở Khánh Hòa, là căn cứ cách mạng của một đô thị trong vùng chiếm đóng của địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:35:09 am »

TỒN TẠI, CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG

Trước đồng khởi 1960, chiến khu Đồng Bò đã chuẩn bị tư thế để cùng cả nước đi vào trận đụng đầu lịch sử.

Từ nửa cuối năm 1958, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề ra chủ trương xây dựng thí điểm đội vũ trang diệt ác của tỉnh, chuẩn bị cho bước phát triển mới của phong trào. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Thị ủy Nha Trang, Huyện ủy Vĩnh Xương tăng cường xây dựng, phát triển cơ sở cốt cán, có kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang, thành lập các đội vũ trang công tác, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cuộc đấu tranh lâu dài.

Ngày 10/4/1958, lễ thành lập tổ diệt ác đồng bằng của tỉnh được tổ chức. Buổi lễ tiến hành bí mật, tuy đơn sơ nhưng trang trọng: Có cờ đỏ búa liềm, ảnh Bác Hồ... Quân số của tổ ban đầu dự kiến 4 đồng chí, với các bí danh: Nhân, Dân, Kiên, Quyết. Nhưng thực tế tổ chỉ có 3 đồng chí Huỳnh Chiêu (tức Nhân), Nguyễn Láp (tức Dân), Nguyễn Hạ (tức Kiên)(1), đồng chí Chiêu làm đội trưởng. Vũ khí của tổ gồm 2 khẩu súng ngắn Colt 12 ly, 1 tiểu liên My-xếp. Dưới cờ Đảng, toàn tổ tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, quyết tâm diệt ác ôn để bảo vệ cách mạng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo.

Trận ra quân đầu tiên của tổ vào ngày 04/01/1959, đối tượng bị thi hành án là tên Bùi Nà, Phó quân bộ Phong trào cách mạng quốc gia quán Vĩnh Xương, kiêm xã trưởng xã Vĩnh Phương.

Cuối năm 1959, tổ diệt ác đồng bằng được bổ sung thêm một số đồng chí để thành lập đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Văn Dân làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Nghiệp làm chính trị viên.

Bảy giờ ba mươi phút một ngày tháng 4/1960, xuất phát từ Đồng Bò, đội đã đột nhập vào trụ sở ngụy quyền xã Vĩnh Thái nằm dọc theo đường ngã tư Thái Thông. Tại đây có 12 tên gồm xã trưởng, công an, dân vệ và một số nhân viên. Hôm ấy có cả 3 công an quận về làm việc. Mười ba đồng chí của đội cải trang làm người lấy củi, nhanh chóng bắt dân vệ đang gác, bao vây và nổ súng vào trụ sở, diệt 6 tên, trong đó có tên Ngại cảnh sát trưởng, tên Nha cảnh sát quận, thu 2 tiểu liên, 7 súng trường, 3 súng ngắn và một số tài liệu.

Ngày 14/10/1960, đội lại nhận nhiệm vụ đột kích xã Diên Phú (Diên Khánh). Rạng sáng ngày 14/10/1960, đội đột nhập trụ sở xã, diệt 3 tên dân vệ, thu toàn bộ vũ khí và tài liệu của ngụy quyền xã.

Hoạt động diệt ác trừ gian của đội tuyên truyền đồng bằng của tỉnh đã gây ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân. Quần chúng phân khỏi, tin tưởng là cách mạng vẫn còn, cách mạng đang đứng dậy.

Nghị quyết lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (mở rộng) tháng 01/1959 như mặt trời chiếu rọi vào miếng đất đã chuẩn bị sẵn, nên cái mầm lực lượng vũ trang ở huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang nảy nở và phát triển.

Cuối năm 1959, Cấp ủy Nha Trang. Vĩnh Xương đề ra chủ trương về công tác tổ chức vũ trang. Tỉnh đã phái về địa phương một số đồng chí làm nòng cốt, lấy thêm một số thanh niên tại chỗ để lập đội vũ trang công tác. Đội vũ trang công tác huyện Vĩnh Xương được thành lập, sau đó tổ chức thêm một đội công tác hoạt động tại Diên An, Diên Toàn.

Ngay sau khi thành lập, lực lượng vũ trang Vĩnh Xương đã tiêu diệt tên Chừng, trung đội phó dân vệ, khét tiếng ác ôn ở Vĩnh Thái. Tiếp đó, đội đã tiến công trụ sở xã Vĩnh Thái, diệt luôn tên trung đội trưởng dân vệ và một số tên ác ôn khác trong ban tề xã. Ngày 05/4/1960, lực lượng vũ trang Vĩnh Xương phục kích trung đội dân vệ xã Vĩnh Hiệp, diệt 2 tên và thu một số vũ khí trang bị cho đội. Chiều ngày 5, rạng ngày 6/12/1961, tiểu đội vũ trang Vĩnh Xương bí mật tiến vào thôn Xuân Sơn (Vĩnh Trung), bắt xử tội tên Trương Đắng, Chủ tịch phong trào cách mạng quốc gia quận, tổ chức mít tinh, cảnh cáo tề điệp và phát huy thanh thế cách mạng. Hai ngày sau, đơn vị lại đột nhập thôn Thủy Tú (Vĩnh Thái) bắt cảnh cáo số tề điệp, tổ chức mít-tinh.

Cùng đợt hoạt động này, một đơn vị vũ trang tỉnh cùng đội công tác Nha Trang tập kích vào trụ sở hành chính xã Vĩnh Trường, diệt tên Trường đại diện hội đồng, bắt một số nhân viên và thu vũ khí.


(1) Trước đây các đồng chí Chiêu, Láp vốn là đặc công
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:42:55 am »

Đầu năm 1962, với một trung đội, lực lượng vũ trang Vĩnh Xương liên tục thực hiện phương châm đánh nhỏ, đánh trúng vào các lực lượng kìm kẹp của địch, tạo điều kiện cho cán bộ về làng đào hầm bí mật. Điển hình là các trận: Phục kích trung đội nghĩa quân địch ở cầu Ké diệt 16 tên thu 2 súng, đốt trụ sở xã Vĩnh Thái, đột nhập ga Phú Vinh đốt cháy 2 bồn xăng. Tiếp đó tiến công trụ sở xã Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung tấn công trung đội dân vệ và trung đội bảo an quận Vĩnh Xương.

Một buổi chiều tháng 8/1962, lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Xương tổ chức vũ trang tuyên truyền ở ấp chiến lược Võ Kiện (Diên An), bắn chết một số địch.

Năm 1963, địch tìm cách tiêu diệt các căn cứ kháng chiến của tỉnh ở miền Tây Khánh Hoà. Chiến dịch Thiềm Đầu Thủy là chiến dịch tấn công quân sự lớn nhất trong năm của địch để thực hiện âm mưu trên.

Hòa cùng tiếng súng chống càn, bảo vệ căn cứ kháng chiến, bảo vệ vùng giải phóng, bộ đội địa phương huyện Vĩnh Xương đánh đường xe lửa, cắt đứt giao thông. Trung tuần tháng 8/1963, đại đội đặc công của tỉnh ém quân tại Đồng Bò đã chia làm hai mũi đánh vào sân bay Nha Trang, phá hủy 2 máy bay C47, lực lượng ta rút lui an toàn. Cuối năm 1963, lực lượng vũ trang Vĩnh Xương đánh vào trụ sở xã Vĩnh Trung, bắt sống tên Trưng, xã trưởng; tên Tùng cảnh sát và giật mìn đánh sập trụ sở xã.

Tháng 02/1964, lực lượng vũ trang Vĩnh Xương đốt cháy trụ sở xã Vĩnh Thạnh. Cũng thời gian này, đội công tác vũ trang Nha Trang đã hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược ở Bình Tân.

Tháng 6/1964, một số thanh niên, học sinh Nha Trang được đưa lên chiến khu học tập chính trị và huấn luyện quân sự. Và trận tập kích trụ sở xã Vĩnh Trường tháng 7/1964 ta diệt được 2 tên ác ôn, đánh tan trung đội dân vệ và thu nhiều súng; nhờ chú trọng công tác tuyên truyền sau chiến thắng, nên đã có trên 30 thanh niên nam nữ của thôn Trường Đông (Vĩnh Trường) thoát ly lên Đồng Bò. Dựa vào lực lượng nòng cốt này, đơn vị bộ đội địa phương Nha Trang chính thức ra đời do đồng chí Huỳnh Khải Phương làm trung đội trưởng (sau là đồng chí Vũ Minh Hương), trung đội được phiên hiệu K72.

Ban chỉ huy quân sự Nha Trang được thành lập (gọi tắt là Thị đội) vào tháng 4/1964 gồm 3 đồng chí: Hoàng Hiệp (tức Nguyễn Thái Tôn) làm Thị đội trưởng (cuối năm 1964, được điều về làm Trưởng ban đặc công Tỉnh đội Khánh Hòa), đồng chí Tám Hà (tức Huỳnh Tưởng) làm Bí thư Thị ủy kiêm chính trị viên, đồng chí Võ Hồng Quân (tức Võ Phẩm) làm Thị đội phó. Thị ủy Nha Trang và Thị đội đóng chung thành một cơ quan tại Đồng Bò, trung đội vũ trang cũng đóng gần đó. Thời gian trước đó, Vĩnh Xương cũng thành lập Ban chỉ huy Huyện đội, đồng chí Bùi Hồng Thái, Bí thư Huyện ủy kiêm chính trị viên, đồng chí Nguyễn Ngang làm Huyện đội trưởng (sau là đồng chí Phùng Mai tức Đệ), đồng chí Bùi Châu (tức Châu Cá) làm Huyện đội phó, đồng chí Lê Văn Thỉnh làm trung đội trưởng trung đội vũ trang địa phương.

Tháng 9/1964, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức một đợt tập huấn cho cán bộ chính trị, quân sự của tỉnh và các huyện về công tác đồng khởi giải phóng vùng nông thôn đồng bằng Khánh Hoà. Theo đó, Nha Trang và Vĩnh Xương hợp đồng chặt chẽ với vùng trọng điểm đồng khởi của tỉnh là vùng Ninh An, Ninh Thọ (Ninh Hòa) và các xã Diên Sơn, Diên Điền (Diên Khánh).

Đêm ngày 6 sáng ngày 7/11/1964 cuộc đồng khởi nổ ra. Sau ngày 8/11/1964 toàn bộ các xã Diên Sơn, Diên Điền được giải phóng.

Ngày 17/11/1964, một bộ phận lực lượng vũ trang của tỉnh do đồng chí Thành Công chỉ huy, phối hợp lực lượng vũ trang Vĩnh Xương nằm lót ban ngày trong nhà dân. Ba giờ chiều, ta bất thần xuất kích đánh vào trụ sở xã Diên An, diệt bọn tề xã và một số lính bảo an dân vệ, làm chủ đoạn đường Quốc lộ 1, tiếp tục vũ trang tuyên truyền phát huy thanh thế cách mạng.

Đêm 21/7/1965, được sự giúp đỡ của quần chúng, đơn vị pháo binh của phân khu Nam gồm các khẩu đội ĐKZ.75, ĐKZ.57, cối 120 ly và cối 82 ly từ Đồng Bò vận động xuống Phước Hải (gần đường Lê Hồng Phong ngày nay) bắn cấp tập vào sân bay Nha Trang, đốt cháy 20 máy bay, làm nổ tung 1 kho đạn, một số đoạn đường băng bị cày xới, nhiều lính Mỹ bị chết. Cùng đêm, đội đặc công của Khu do đồng chí Nam Sơn Hổ chỉ huy xuất phát từ Đồng Bò tập kích đánh sập một góc Trường sĩ quan hải quân ngụy tại Chụt (Vĩnh Nguyên), diệt và làm bị thương hàng chục học viên sĩ quan.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:44:38 am »

Đêm 25/12/1965, đơn vị đặc công do đồng chí Hoàng Hiệp chỉ huy, được sự giúp đỡ của cơ sở ở Vĩnh Trường, đã tiêu diệt một trung đội Mỹ mới đổ bộ vào đóng quân dã chiến tại Bình Tân. Thắng lợi của trận đánh này có ý nghĩa đặc biệt với quân và dân Nha Trang - Vĩnh Xương vì đây là trận đầu ra quân diệt Mỹ.

Nhận rõ vị trí quan trọng của chiến trường Nha Trang đối với chiến trường chung của Khu V, tháng 6/1966, Khu tăng cường cho Thị đội Nha Trang đại đội đặc công phiên hiệu K90, quân số 36 đồng chí do đồng chí Lê Văn Hạnh làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Hữu Huỳnh làm chính trị viên, đồng chí Nguyễn Văn Chánh làm đại đội phó.

Tháng 3/1967, Tỉnh đội Khánh Hòa điều bổ sung cho Thị đội Nha Trang 1 đại đội đặc công nước phiên hiệu K92, quân số 42 đồng chí do đồng chí Lê Phúc Sô làm đại đội trưởng, đồng chí Cung làm chính trị viên, đồng chí Lê Cổn, đại đội phó.

Cùng thời gian này Thị đội Nha Trang thành lập thêm 1 đại đội bộ binh phiên hiệu K73 (C3) do đồng chí Phạm Hải làm đại đội trưởng (sau đó đồng chí Nguyễn Văn Thi làm đại đội trưởng).

Lúc này lực lượng của Thị đội Nha Trang có quân số gần 200 đồng chí bao gồm: 1 C đặc công bộ, 1 C đặc công nước, 1 C bộ binh và 1 B địa phương.

Trận mở đầu của đơn vị đặc công K90 là trận đánh sân bay Nha Trang (02/1967).

Mùa khô năm 1967, địch chủ trương mở chiến dịch càn quét lớn ở Phú Yên và Khánh Hòa. Địch huy động một lực lượng lớn gồm quân Mỹ, Nam Triều Tiên và quân ngụy để thực hiện chiến dịch. Mục tiêu lần này là mở đợt càn quét vào Hòn Dữ, ngay vào thời điểm ta đang có cuộc họp Tỉnh ủy Khánh Hòa tại đây. Để hỗ trợ cho chiến dịch, địch điều một phi đoàn máy bay trực thăng vũ trang gồm 21 chiếc thuộc đơn vị kỵ binh bay 101 của Mỹ từ Cam Ranh ra Nha Trang, khi bay về, số máy bay này đỗ thành ba hàng tại phía Tây Bắc sân bay.

Sau khi nhận nhiệm vụ trên giao, Ban chỉ huy Thị đội Nha Trang cùng đội đặc công K90 triển khai nhiệm vụ chiến đấu cho đơn vị, quyết tâm tiêu diệt cho được phi đoàn máy bay này, đập tan âm mưu chi viện cho các trận càn quét sắp tới của chúng. Bộ phận trực tiếp tiến công sân bay Nha Trang gồm 24 đồng chí, do đồng chí Lê Văn Hạnh, Đại đội trưởng đại đội đặc công K90 chỉ huy, lực lượng Thị đội sử dụng một trung đội bộ binh 18 đồng chí, được tổ chức thành các tổ bảo vệ đường rút từ bến vượt Bình Tân vào đến khu ruộng muối.

Đúng 1 giờ ngày 15/02/1967, theo lệnh hiệp đồng, các mũi đã nhanh chóng vận động đánh thẳng vào bãi đỗ của máy bay trực thăng. Bọn địch trong sân bay bị tiến công bất ngờ nên chúng không kịp phản ứng, số sống sót vội vã tháo chạy về khu để máy bay phản lực. Địch trong các lô cốt xung quanh khu vực do không nắm được tình hình nên đã nằm im, không dám nổ súng. Lúc 1h10’, ta tổ chức lui quân về vị trí tập kết. Địch tổ chức khoảng 1 đại đội biệt kích chặn đường rút của ta. Ta đã chủ động nổ súng tấn công, quá trình đánh địch, đơn vị K90 để lại một tổ để nghi binh, còn đại bộ phận vòng ra sông Bình Tân, men theo bờ ruộng vòng tránh quân địch. Khi đội hình đơn vị về đến bến vượt ở phía Đông ấp Kinh Trung, lúc này bọn hải thuyền tại Cửa Bé-Bình Tân đã dùng Bo-bo chạy dọc sông lên, gặp lực lượng bảo vệ bến vượt của Thị đội Nha Trang chặn đánh, diệt một số tên, số sống sót vội bỏ chạy về Cửa Bé. Đến 4h30’, toàn bộ đơn vị đã về đến vị trí tạm dừng tại Đông Nam Hòn Thị, sau đó tổ chức hành quân về Đồng Bò an toàn.

Kết quả trận đánh ta đã tiêu diệt gọn phi đoàn máy bay lên thẳng vũ trang 21 chiếc của địch, 3 máy bay vận tải Caribu, tiêu diệt hơn 20 tên giặc lái, 2 tiểu đội canh gác Mỹ, bắn sập 3 lô cốt, đánh sập 2 nhà bạt, 4 xe Jeep, phá hủy 2 khẩu đại liên M60. Bị tổn thất quá nặng, địch phải hủy bỏ cuộc càn vào Hòn Dữ. Đơn vị K90 được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng 3, một số đồng chí tiêu biểu được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 2 và 3.

Tiếp sau trận đánh sân bay Nha Trang, đơn vị đặc công K90 lại được giao nhiệm vụ tập kích căn cứ của địch ở đảo Hòn Tre. Tham gia trận đánh này còn có một trung đội đặc công K91 do đ/c Nguyễn Thành Nho chỉ huy và đội công tác Đông Nam.

Đảo Hòn Tre có diện tích hơn 30 km2 nằm về phía Đông, cách Nha Trang khoảng 3km, là một cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ ngụy, không chỉ đối với Nha Trang mà đối với cả căn cứ quân sự tại Cam Ranh.

Đêm ngày 04/11/1967, toàn đội gói bộc phá, lựu đạn và tất cả hành trang vào túi nylon để làm phao bơi từ Vườn Dừa (Sông Lô) ra Hòn Tằm. ém quân đợi đêm sau lại tiếp tục bơi đến Hòn Tre. Đúng 23 giờ ngày 05/7/1967, những ánh chớp liên tiếp của bộc phá, tiếng nổ giòn của tiểu liên AK đồng loạt đổ ập vào quân Mỹ trên đỉnh Hòn Tre và dưới Bãi Suốt. Trận đánh bất thần, áp đảo làm cho địch không kịp trở tay. Những tiếng thét kinh hoàng, những thây Mỹ đổ sụp. Kết quả 2 giàn tên lửa Tô- ma-hốc, một giàn ra đa, một cụm vô tuyến viễn thông và 1 trận địa pháo 155 ly của địch bị phá hủy, hàng trăm tên Mỹ bị diệt và bị thương. Trận đánh diễn ra khá thuận lợi vì đã cắt đứt liên lạc của địch ngay từ đầu, toàn đơn vị đã tập kết về điểm hẹn. Tại đây 5 chiếc xuồng của cơ sở do anh Bùi Hồng Vinh phụ trách đội công tác Đông Nam đã chờ sẵn. Đoàn xuồng lướt nhanh về hướng Hòn Tằm trong màn đêm che phủ. Ánh đèn của những Bo-bo tuần tiễu của địch loang loáng, xa xa. Ngọn đèn pha sáng rực ở Cầu Đá quét những vệt dài trên sóng nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 10:50:55 am »

Sau trận tập kích thắng lợi ở Hòn Tre, lúc 7 giờ ngày 10/11/1967(1), đặc công K92 Nha Trang lại đánh chìm một tàu địch trọng tải 12.000 tấn tại Cửa Bé. Tham gia trận đánh gồm 3 đồng chí: Dư, Nhượng và Tám, bà Nguyễn Thị Lẫm đã chạy mua 50 kg thuốc nổ tại Nha Trang bổ sung cho đủ khối lượng chất nổ đánh chìm tàu. Chị Nguyễn Thị Cúc (con bà Lẫm) cùng anh Ngô Văn Cúc đã gan dạ mưu trí dùng xuồng nhỏ chở tổ đặc công và khối thuốc nổ, vượt qua các hàng rào tuần tra của lính Mỹ đang bảo vệ bến cảng. Đến đúng nơi dự định, tổ đặc công đã nhẹ nhàng xuống nước, theo dòng chảy đưa khối mìn áp chặt thân tàu. Nguyễn Thị Cúc và Ngô Văn Cúc len lỏi giữa đoàn tàu thuyền trên cảng, thoát lên bờ. Tổ đặc công đã bơi xa nơi tàu địch đậu. Tiếng nổ long trời... Buồng máy tàu bị phá vỡ, tàu chìm nghỉm.

Cũng thời gian này, ta còn tổ chức đánh các đoàn tàu chở lính và các khí tài quân sự trên tuyến đường sắt Nha Trang - Bình Thuận. Điển hình là trận đánh đêm 04/12/1967, ta đặt chất nổ phá hủy toàn bộ đầu máy và 2 đoạn đường ray, làm thất bại kế hoạch chuyển quân của địch.

Ngày 25/12/1967, lực lượng vũ trang ta lại đánh vào sân bay Nha Trang, hỗ trợ phong trào đấu tranh khắp nơi trong tỉnh. Tài liệu địch thừa nhận “Hôm tối 25 tháng 12 vừa Việt Cộng đã pháo kích vào phi trường Nha Trang cùng tấn công Lực lượng đặc biệt Mỹ đóng cạnh phi trường dọc theo Tỉnh lộ 4. Phi trường Nha Trang 3 mặt là biển, một mặt là núi, mà giữa phi trường và núi cách nhau một khu ruộng mấy cây số, thế mà để cho Việt Cộng lấy súng về đặt pháo kích tấn công bằng các súng lớn nhỏ, đã thế rồi cũng không đối phó kịp để cho nó bắn mấy chục quả vào phi trường, lực lượng đặc biệt”(2).

Chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Thị ủy Nha Trang chủ trương tiêu diệt chốt điểm Gò Bông, một cứ điểm có công sự tương đối vững chắc, lại được hỏa lực của cụm pháo 105 và 155mm chi viện từ sân bay Nha Trang khi nó bị tiến công. Nó cũng được chi viện bằng máy bay theo yêu cầu cần thiết khi chiến đấu.

Án ngữ phía Tây Nam thị xã, Gò Bông là một chốt điểm cùng với đồn Thủy Tú, đồn Bình Tân hình thành tuyến phòng thủ vòng ngoài từ xa nhằm ngăn chặn lực lượng ta từ Đồng Bò thâm nhập xuống Nha Trang.

Đơn vị được giao nhiệm vụ tiêu diệt chốt điểm là đội đặc công K90 thuộc Thị đội Nha Trang và một bộ phận của đội đặc công K91 (thuộc Huyện đội Cam Ranh), với quân số 32 đồng chí do đồng chí Hạnh, đại đội trưởng và đồng chí Nguyễn Hữu Huỳnh, chính trị viên phụ trách. Ngoài ra còn có lực lượng cảnh giới và phục vụ vận chuyển thương binh, tử sĩ do Thị đội đảm nhiệm.

Đúng 1 giờ ngày 31/12/1967, các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng đánh địch. Đên 1h20’ ta tiêu diệt toàn bộ quân địch và tổ chức lui quân ra vị trí tạm dừng. Bị mất liên lạc ngay từ đầu, địch ở Nha Trang không kịp phản ứng, chỉ bắn đèn dù xung quanh cao điểm. Ta tổ chức đội hình hành quân vòng qua ấp Kinh Hạ về căn cứ an toàn.

Trận đánh đã giáng một đòn vào tinh thần của tiểu đoàn biệt kích “Trung Dũng” vốn khét tiếng ác ôn và hung hãn, địch ở đồn Thủy Tú, Bình Tân phải co lại không dám lùng sục càn quét như trước. Hành lang để ta đưa lực lượng vào triển khai và chuẩn bị các mặt cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Nha Trang đã được mở. Ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch gồm 45 tên ngụy, 1 tên Mỹ và 1 tên bị thương nặng, phá hủy 2 đại liên M60, thu gần 40 súng các loại. Sau trận đánh, đơn vị K90 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Lực lượng vũ trang Vĩnh Xương đầu năm 1967 cũng hoạt động mạnh. Phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh và đội công tác Vĩnh Xương, ngày 02/02/1967, lực lượng vũ trang Vĩnh Xương tấn công địch ở Xuân Lạc. Sau thắng lợi của trận đánh, ta tổ chức mít-tinh để đồng bào chào mừng quân giải phóng. Mấy ngày sau, đại đội 3 (tiểu đoàn 7, trung đoàn Sao Thủy), và lực lượng vũ trang Vĩnh Xương bám trụ ở Diên An đánh bọn bảo an ngay giữa ban ngày. Địch từ Thành kéo ra phản kích, ta lợi dụng địa hình, địa vật đánh trả chúng quyết liệt, tiêu diệt trên 20 tên. Cuối cùng chúng phải rút lui.


(1) Có tài liệu ghi là 10/4/1967.
(2) Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 07:38:57 pm »

Tháng 5/1967, đội vũ trang Vĩnh Xương đánh một trung đội bảo an đi lùng sục về tập trung tại trụ sở Vĩnh Ngọc. Ta bất ngờ xuất hiện ngay giữa ban ngày, bọn địch chạy tán loạn, không tên nào dám chống cự. Sau trận tập kích, lực lượng vũ trang treo cờ và gài lựu đạn. Khi đơn vị ta rút, địch đến gỡ cờ, lựu đạn nổ làm chết một số tên.

Tại Vĩnh Thạnh, ngày 16/5/1967, đội công tác Vĩnh Xương đánh bọn bình định nông thôn ngay lúc 3 giờ chiều, diệt tên đội trưởng cùng 5 tên khác.

Ngày 27/5/1967 một tổ công binh phối hợp với lực lượng vũ trang Vĩnh Xương dùng 50 kg bộc phá làm nổ tung đoàn tàu của địch từ Nha Trang vào Cam Ranh. Tháng 8/1967 lực lượng vũ trang Vĩnh Xương phục kích tại thôn Đồng Nhơn, tiêu diệt 1 tiểu đội biệt kích ở đồn Thủy Tú, thu được 12 súng tiểu liên và 1 máy truyền tin.

Điều đáng sợ đối với Mỹ - ngụy là tự vệ mật, một loại hình vũ trang hoạt động hợp pháp trong lòng địch, đã có những thành tích nổi bật từ treo cờ, rải truyền đơn vào cư xá, cứ điểm quân sự, trong thị xã, cho đến các hoạt động vũ trang táo bạo tiêu diệt địch. Trong những tháng cuối năm 1967, tự vệ mật Nha Trang đã đánh 18 trận, diệt hàng trăm tên địch, trong đó hàng chục sĩ quan Mỹ, 35 sĩ quan Nam Triều Tiên, 100 nhân viên ngụy quyền gồm: công an, cảnh sát, mật vụ, diệt gần hết 2 ban tề xã Nha Trang Đông và Vĩnh Thái. Tiêu biểu là trận đánh câu lạc bộ sĩ quan Mỹ (N.C.O) trên đường Duy Tân (đường Trần Phú) vào tối chủ nhật 03/9/1967.

Tết Mậu Thán 1968, cùng với cả nước, quân và dân Nha Trang - Vĩnh Xương phối hợp với lực lượng của trên đã tổ chức tiến công và nổi dậy đánh chiếm các vị trí then chốt của địch tại Nha Trang, giáng một đòn sấm sét vào chính sào huyệt được coi là an toàn nhất của chúng.

Lực lượng của ta gồm có tiểu đoàn 7 trung đoàn 20, 3 đại đội đặc công, 1 đại đội công binh, 2 trung đội địa phương và 1 trung đội pháo của Thị đội Vĩnh Trang, với tổng số chưa đến 450 tay súng, về hỏa lực có 4 cối 82, 2 ĐKZ 75, 1 đại liên và 5 cối 60 ly. Như vậy về tương quan lực lượng, địch hơn ta trên 20 lần. Ta đã đánh chiếm hoặc làm tê liệt hầu hết các vị trí quan trọng của địch: Tòa hành chính tỉnh, Tiểu khu, Sở tiếp vận 5... loại khỏi vòng chiến đấu trên 800 tên địch, trong đó có 1 cựu Tỉnh trưởng tỉnh Phú Yên, 1 thiếu tá trưởng khối chiến tranh chính trị, đánh sập cầu Ông Bộ, bắn cháy và phá hủy 3 trực thăng, 2 xe bọc thép, 1 kho đạn và nhiều vũ khí đạn dược của địch.

Sau cuộc tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân 1968, địch bắt đầu phản kích quyết liệt. Người chiến sĩ Đồng Bò mặt đối mặt với quân thù ngay trong căn cứ hàng mấy tháng liền. Điển hình là trận càn lớn nhất từ tháng 9 đến đầu tháng 11/1968. Chiến khu Đồng Bò vẫn hiên ngang trước mưa bom bão đạn của quân thù. Từ “Mật khu Đá Hang”, các lực lượng chính trị, vũ trang của ta vẫn tiếp tục ngày đêm bung ra đánh địch trên khắp các địa bàn Nha Trang - Vĩnh Xương, nã đạn pháo và hỏa tiễn vào các cứ điểm và sân bay Nha Trang, các đội công tác, các đồng chí cán bộ hoạt động hợp pháp vẫn bám sát quần chúng.

Sau Mậu Thân, Tỉnh đội Khánh Hòa lại điều cho Thị đội Nha Trang 1 đại đội pháo, cối và 1 trung đội công binh. Đại đội pháo, cối gồm 40 đồng chí do đồng chí Tống Xuân Lai làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Quyền làm chính trị viên, phiên hiệu của đơn vị là K74 (C4). Trung đội công binh gồm 22 đồng chí do đồng chí Nguyễn Lới làm trung đội trưởng.

Lúc này, các đơn vị của tỉnh và Khu dần dần rút về hậu cứ, vì vậy ngoài các đội công tác vũ trang, lực lượng vũ trang ở Nha Trang - Vĩnh Xương chỉ có 1 trung đội bộ binh, 1 đại đội pháo binh (C4), 1 đại đội đặc công nước (C92) và 1 tổ công binh.

Trung đội bộ binh của Huyện Thị đội tuy trang bị và kỹ chiến thuật còn yếu nhưng cũng làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chiến khu và chia từng phân đội nhỏ phối hợp du kích mật hoặc các đội công tác xuống cơ sở bám dân, bám làng, diệt ác phá kèm.

Đặc công nước C92 gồm 2 tiểu đội, khi đánh thường dùng tổ 3 người, hoạt động chủ yếu ở cảng Cầu Đá và dừng chân khi thì ở Suối Lùng, khi thì ở Bãi Trủ, Vũng Me (Hòn Tre).

Tại gộp C4 (Suối Lùng), đơn vị pháo binh có hỏa lực 1 cối 82 ly, 1 cối 60 ly, 1 ĐKZ 75 ly và 1 tổ tên lửa H12, ĐKB.

Pháo binh ở Đồng Bò thời kỳ đánh Mỹ bắt đầu từ những khẩu ĐKZ 57 và ĐKZ 75 ly năm 1965, hơn 9 năm trời sau đó, tầm cỡ súng không vượt quá những khẩu ĐKZ 75 ly, cối 82, cái hiện đại không có gì hơn những trái ĐKB, H12 trong điều kiện phải đắn đo từng viên một, từng mục tiêu một. Đồng chí Tống Xuân Lai, Đại đội trưởng C4, đã có sáng kiến đào đắp bệ phóng từ chiến khu để tấn công vào khu vực sân bay của địch. Những quả đạn của đơn vị từ núi Đồng Bò lao thẳng đến mục tiêu khá chính xác.

Liên tục trong 2 năm liền 1968 - 1969, địch tập trung đánh mạnh và bao vây Đồng Bò. Ta lo chống càn và củng cố lực lượng nên ít chủ động đánh địch. Đầu tháng 10, ở Phú Vinh, đội công tác tiêu diệt 3 tên ác ôn. ở Diên An, đội công tác tập kích địch ở Phú Ân, diệt 3 tên, làm bị thương 10 tên. Ở ga Phú Vinh, ta làm hư nặng 1 đầu máy và 3 toa xe lửa của địch. Đây là những hoạt động diệt ác phá kèm hỗ trợ cho chống càn ở chiến khu.

Trong chiến dịch HT1 do tỉnh phát động cuối năm 1969, đầu năm 1970, đơn vị đặc công K92 đã đánh hỏng nặng 1 tàu chở dầu của địch đang neo đậu tại cẳng Cầu Đá, dầu chảy loang cả một vùng biển (!)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2020, 07:39:48 pm »

Chiến dịch HT2 từ ngày 01/4/1970 đến 28/6/1970 tại Vĩnh Trang, các lực lượng vũ trang của ta đã đánh 19 trận lớn nhỏ, trong đó có 6 trận pháo kích sân bay Nha Trang và quận lỵ Diên Khánh. Đặc biệt, lần đầu tiên đơn vị pháo binh C4 đã dùng tên lửa mặt đất H12 từ bệ phóng ở Đồng Bò tấn công địch tại Nha Trang giữa ban ngày. Đúng 15 giờ ngày 06/4/1970, 13 quả H12 từ chiến khu Đồng Bò tới tấp nã vào khu vực kho hậu cần của Liên đoàn 5 ở sân bay Nha Trang, thiêu hủy 2 bồn xăng chứa 8,4 triệu lít, gây nhiều đám cháy lớn trong sân bay, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên Mỹ ngụy. Sau đợt pháo kích, địch dùng hai máy bay đánh trả nhưng các chiến sĩ của ta đã kịp thời chuyển trận địa an toàn. Sân bay Nha Trang phải ngừng hoạt động đến ngày hôm sau để giải quyết hậu quả.

Tháng 5/1970, được sự giúp đỡ của cơ sở Bãi Trủ là vợ chồng chị Nguyễn Thị Cúc, các chiến sĩ đặc công nước K92 đã lọt qua các hàng rào tuần tra của địch, bí mật áp sát và dùng thuốc nổ đánh trọng thương một tàu chở dầu của địch đang neo đậu ở phía ngoài cảng Cầu Đá. Địch phả cấp tốc kéo vào tận Sài Gòn để sửa chữa.

Tháng 6/1970, đặc công của ta đưa cối 82 ly vào ém trước ở công sự mật trong xã Diên Toàn, đêm đưa ra pháo kích, làm hư nặng các khu nhà làm việc của bọn ngụy quyền tại quận lỵ Diên Khánh.

Bước vào chiến dịch HT3 từ tháng 7/1970, lực lượng vũ trang Vĩnh Trang tổ chức đánh 17 trận, trong đó có 2 trận dùng H12 và ĐKZ, 2 trận dùng cối 82 ly, tập kích địch 1 trận, công binh đánh xe lửa 2 trận. Tiêu biểu lả trận đánh chiếc tàu chiến Mỹ đậu cách cảng Cầu Đá về phía Đông khoảng 500m do các anh: Trần Ngân, Dự, Nhượng đánh chìm vào đầu năm 1971.

Riêng chiến dịch HT2, và HT3, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 627 tên địch, thiêu hủy 8,4 triệu lít xăng, đánh trọng thương một tàu chở dầu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Lực lượng biệt động và du kích mật đánh được cả ban ngày lẫn ban đêm, đánh thẳng vào các bót cảnh sát, quân cảnh ác ôn... Bằng chiến thuật đánh “bồi” và đánh “nhồi”, các chiến sĩ đã diệt gọn cả trung đội, tiểu đội địch, đánh trúng bọn ác ôn, bọn Mỹ và Nam Triều Tiên... Riêng chiến dịch HT3 tháng 7/1970, đội biệt động, tự vệ mật đã đánh 11 trận tiêu diệt hơn 100 tên địch. Các đội viên không những đánh giặc giỏi mà còn làm tốt công tác vũ trang tuyên truyền. Phần lớn các đường phố Nha Trang lần lượt được anh em rải truyền đơn, dán khẩu hiệu và treo cờ Mặt trận giải phóng.

Xuân Hè năm 1972, các chiến sĩ Đồng Bò cùng với toàn tỉnh, toàn miền đi vào mùa tấn công chiến lược đưa đến Hiệp định Pari, lực lượng Thị đội Vĩnh Trang đánh mạnh vào một số trụ sở tề ngụy ở cấp xã hỗ trợ và thúc đẩy các mũi đấu tranh chính trị và binh vận. Riêng trận đánh vào thôn Võ Kiện, An Ninh tháng 12/1972 với 20 chiến sĩ của Huyện, Thị đội, ta diệt 17 tên địch và trụ lại làm chủ một ngày hôm sau.

Phân đội C4 đánh một trận bằng cách dùng H12 áp sát sân bay, nã tới tấp 10 quả đạn vào các mục tiêu mà cơ sở nội tuyến đã vẽ trên sơ đồ. Kết quả, 18 triệu lít xăng dầu bốc cháy cùng với 200 tấn bom đạn trong kho nổ tung dữ dội suốt đêm cho tới sáng hôm sau, làm hoạt động của sân bay Nha Trang bị tê liệt vài ngày.

Hiệp định Pari được ký kết nhưng địch đã vi phạm một cách trắng trợn trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế và bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, thâm độc. Thực hiện Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy tháng 10/1973, lực lượng vũ trang của tỉnh chẳng những kiên quyết đánh trả các cuộc hành quân “bình định” lấn chiếm của địch, mà còn đánh địch ngay tại căn cứ xuất phát đi càn quét lấn chiếm của chúng. Tại Vĩnh Trang, trong năm 1973 - 1974, ta tiến hành đánh được 6 trận, trận đánh vang dội nhất ở thời kỳ này là trận đánh của đại đội 2, tiểu đoàn đặc công 407 do đồng chí Phạm Công Kháng chỉ huy đánh vào kho đạn trong sân bay. Suốt đêm 15/4/1974, số bom đạn địch mới chở đến đã nổ tung cho tới sáng hôm sau.

Tháng 4/1974, pháo binh của ta lại nã đạn vào khu kho nhiên liệu Bình Tân và sân bay Nha Trang, đốt cháy 200 ngàn lít xăng, phá hủy 2 kho đạn.

Đối với quân thù, trong đầu những năm bảy mươi, quá trình đánh pháo và đánh tàu đã gây một điệp khúc tử thần trên sân bay Nha Trang, cảng Cầu Đá và kho tàng... của chúng cùng các hoạt động vũ trang khác chính là những quả đấm thốn óc về sự bất lực của hệ thống tề điệp và phòng thủ hiện đại và sự mất mát lớn lao đối với tất cả các loại phương tiện chiến tranh. Máu xăng dầu của quân thù đã không ngừng bốc cháy. Các kho bom đạn - thứ vũ khí giết người kinh tởm của chúng không ngừng bị phá hủy...

Suốt mười sáu năm trời, tính từ ngày thành lập tổ diệt ác đồng bằng của tỉnh, đến thắng lợi Mùa Xuân 1975, chiến khu Đồng Bò luôn là nơi xuất phát của các đoàn quân thọc sâu vào hậu cứ của địch, nơi chỉ đạo cuộc chiến tranh xâm lược ở Nam Trung Bộ. Với một quá trình đặc công hóa toàn bộ các trận đánh, nhất là sau tháng 9/1964 thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về công tác và trang bị cho các đội công tác tự vệ mật và du kích, giải quyết khâu “bám vào trong”(1), trong vòng vây chà xát ngặt nghèo của quân thù, chiến khu Đồng Bò đã khẳng định sức mạnh của một đối thủ - một cây đinh cắm vào cơ quan đầu não của địch ở Nam Trung Bộ. Bằng những trận đánh vào tận hang ổ, vào yết hầu và dạ dày chiến tranh của địch, các chiến sĩ đặc công, cũng như lực lượng vũ trang, bán vũ trang tác chiến bằng lối đánh đặc công và đánh du kích tại Nha Trang - Vĩnh Xương đã làm cho kẻ thù nhiều phen khiếp sợ.


(1) Có nghĩa là đi sâu bám chắc địa bàn trong lòng địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM