Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:02:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến khu Đồng Bò  (Đọc 4889 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 09:20:00 am »

*
*   *

Một lò rèn thủ công được xây dựng (do ông Lê Trung Chánh phụ trách) từ những ngày đầu hình thành chiến khu Đồng Bò (còn địa danh suối Lò Rèn) chuyên rèn giáo mác, đao kiếm, sản xuất bàn chông sắt phục vụ cho các lực lượng vũ trang và công tác bố phòng. Lò rèn còn sản xuất dao rựa và những đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt của các cơ quan đơn vị trên chiến khu.

Lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, vũ khí thiếu thốn, trong khi các loại súng, đạn, lựu đạn... hư hỏng phải dồn chứa trong kho chờ tổ sửa chữa vũ khí lưu động của quân giới tỉnh về. Nhằm giảm bớt khó khăn, Tỉnh đội đã tăng cường cho Vĩnh Xương 5 công nhân quân giới do Tỉnh đội gửi đi đào tạo tại Xưởng Quân giới Liên khu 5 ồ An Lão thuộc vùng tự do Bình Định vào cuối năm 1947.

Tổ Quân giới chiến khu Đồng Bò chính thức hình thành vào tháng 10 năm 1948 do đồng chí Nguyễn Văn Mạnh làm tổ trưởng (có người gọi là Tổ quân giới Vĩnh Xương, đến đấu năm 1950 tổ quân giới trực thuộc Thị đội Nha Trang). Ngoài vốn liếng kiến thức nghề nghiệp, trang bị ban đầu của tổ hết sức gọn nhẹ, chỉ gồm những công cụ chuyên dùng như khuôn đúc đầu nổ mìn, khuôn đúc đầu lựu đạn, bộ chày-cối tóp vỏ đạn, rờ sạc (recharge) đạn DAM, khuôn dập hột nổ, dập đầu đạn... mà mỗi anh em đều cố gắng mang từ An Lão về.

Không kịp nghỉ ngơi, được Huyện đội giúp đỡ, Tổ triển khai ngay kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất. Phân công sưu tầm các vật liệu cần thiết. Những công cụ cầm tay cần thiết như ê-tô, ta rô, cưa sắt, kềm, búa, khoan tay, dũa, đục... nhờ cơ sở nội thị quyên góp mua sắm chuyển ra. Để bảo đảm an toàn, Tổ quân giới bố trí ba nhóm công tác cách xa nhau: Tại Đồng Bò Thượng, dưới các gộp đá làm nơi đặt kho cất giấu thuốc nổ, pha chế hóa chất, nhồi thuốc nổ vào lựu đạn, mìn... và là nơi thử các lô vũ khí mới sản xuất trước khi cấp phát cho các đơn vị. Tại gộp Cây Gáo (Đồng Bò Trung), phía trước cơ quan Huyện ủy, bố trí nhóm sửa chữa súng, cưa bom lép của địch lấy thuốc nổ. Tại gộp Đá Hang và khu vực Vườn Dừa bố trí nhóm nghiền tán thuốc, đúc đầu lựu đạn đập, đầu mìn và một số công việc thông thường khác.

Bộ đội, du kích đang thiếu vũ khí, tổ quân giới ít người, Huyện đội đã giao nhiệm vụ cho đơn vị bảo vệ chiến khu cắt cử người hỗ trợ thường xuyên cho tổ quân giới, đảm trách những công việc phổ thông. Từng nhóm trong tổ là nhanh chóng bắt tay vào việc sửa chữa súng, phục hồi lựu đạn, đạn DAM bị lép hoặc ẩm mốc.

Để tăng cường công tác bố phòng bảo vệ an toàn cho chiến khu, tổ quân giới nhận nhiệm vụ sản xuất hàng loạt các loại vũ khí thô sơ: các loại chông - nhất là chông có ngạnh bằng cây chà rang và bằng sắt, bàn chông sắt, mang cung, lựu đạn gài, mìn muỗi... Sau thời gian khẩn trương sản xuất tổ đã cung cấp cho tự vệ các cơ quan đơn vị một lượng đáng kể các loại vũ khí có chất lượng, công tác bố phòng được tăng cường đúng mức.

Tháng 3 năm 1949, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc kháng chiến theo chỉ thị của Liên khu 5, cần tăng cường hoạt động quân sự để hỗ trợ cho phong trào quần chúng, Huyện ủy Vĩnh Xương - do đồng chí Lê Thanh Liêm làm bí thư, đồng chí Hồ Ngọc Nhường làm phó bí thư đã chỉ đạo thành lập đơn vị 252. Khi thành lập đơn vị mới có gồm hai trung đội, đồng chí Võ Hòa được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng và chính trị viên là đồng chí Nguyễn Sơn.

Chiến thắng đáng nhớ nhất của đơn vị 252 trong những ngày đầu thành lập là trận phục kích tiêu diệt bọn địch từ đồn Phú Vinh đi tuần tra bảo vệ cho đoàn xe lửa chở vũ khí quân dụng tiếp tế các nơi. Để bảo đảm chắc thắng, Ban chỉ huy Huyện đội (Hứa Đại Chuân và Trương Kim Chí) bàn bạc với Ban chỉ huy đại đội 252 và đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, tổ trưởng quân giới sản xuất loại mìn có sức nổ mạnh để đánh địch. Nhận rõ tầm quan trọng của trận đánh, tổ quân giới đã tìm được 4 quả đạn cối 60 ly lép của địch chế tao thành “mìn điện” (dùng pin ghép lại). Hai đồng chí quân giới (Mạnh và Gia) xung phong trực tiếp đánh mìn. Nhờ nắm chắc quy luật hành quân của địch lại được chuẩn bị chu đáo, bộ đội địa phương Vĩnh Xương đã đánh thắng trận đầu tại thôn Đồng Châu, xã Phú Xuân, thu một trung liên Brem của địch. Sau đó, đơn vị liên tiếp đánh địch nhiều nơi, đáng kể là trận phục kích diệt 3 xe cơ giới địch từ Nha Trang đi Ninh Hòa tại Lương Sơn.

Nhằm hỗ trợ cho phong trào quần chúng, Huyện ủy quyết định phải nhổ cho được đồn Xuân Lạc. Đây là một cứ điểm địch vừa xây dựng, các lô cốt thấp được liên hệ với nhau bằng hệ thống giao thông hào dích dắc. Địch bắt dân chặt gốc tre già đem nộp làm hàng rào để phòng bị. Giữa những tường rào gốc tre đó, chúng còn đặt mìn và chướng ngại tại những nơi xung yếu.

Bằng cách nào và bằng loại vũ khí gì có thể phá được hàng rào gốc tre dày của địch và phá nhiều lớp thật nhanh? Diệt địch dưới giao thông rào và trong lô cốt đạt hiệu quả? Tổ quân giới cùng nhau bàn bạc tìm tòi... Tổ quyết định sản xuất một loại “mìn ống” và thủ pháo có sức nổ mạnh. Mìn ống phải có độ dài bằng hoặc dài hơn bề dày của lớp rào, như một thân tre đem vùi vào sát đất. Mìn nổ, dù gốc tre cứng, dẻo, gồm nhiều lớp dày và đan chéo nhau... vẫn bị xé toạc, san bằng.

Và kết quả đúng như tính toán, các lớp rào gốc tre kiên cố bị phá nhanh chóng, các lô cốt địch bị những thủ pháo của ta san bằng, nhiều tên địch bị diệt tức khắc, bọn sống sót chưa kịp hoàn hồn đã bị bắt sống. Quân ta làm chủ trận địa, thu toàn bộ chiến lợi phẩm, giải tù binh về hậu cứ... Khi về tới chân đèo Hốc Mít, cán bộ binh vận của ta đã nói rõ chính sách khoan hồng của Mặt trận Việt Minh với tù binh, căn dặn họ sớm từ bỏ con đường làm tay sai chết thay cho quân cướp nước, đem sức trai góp phần cùng bà con đấu tranh giành độc lập tự do và thả hết tù binh về quê quán làm ăn. Sau này, chính tù binh lại là những tuyên truyền viên đắc lực phát huy chiến quả. Tiếng vang của chiến thắng Xuân Lạc làm nức lòng đồng bào Nha Trang và loan ra toàn tỉnh. Tổ quân giới Đồng Bò rất phấn khởi tự hào về đóng góp xứng đáng vào chiến thắng Xuân Lạc(1).

Quân giới Đồng Bò đã cung cấp một khối lượng đáng kể các loại vũ khí có chất lượng cho công tác bố phòng và phục vụ chiến đấu ở chiến khu. Nhất là những năm từ 1950 về sau, việc tiếp tế bằng đường biển được tăng cường, Khu V đã đưa vào Đồng Bò rất nhiều vỏ lựu đạn và vỏ các loại mìn, anh em quân giới Đồng Bò tiếp tục tiến hành những khâu tiếp theo, không chỉ thỏa mãn nhu cầu của bộ đội, dân quân du kích mà còn có lượng dự trữ.


(1) Đại hội mừng công của tỉnh năm 1952 đồng chí Nguyễn Văn Mạnh được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Khánh Hòa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 09:20:33 am »

*
*   *

Nhằm ghi nhận công lao và động viên nhân dân hết lòng tham gia kháng chiến, đầu năm 1949, huyện Vĩnh Xương mở Đại hội Nuôi quân ở Đồng Bò Thượng. Địa điểm tổ chức Đại hội đặt giữa rừng già phía trên suối Khô, gần suối Đá Nhảy. Gọi là suối Khô vì vào mùa mưa mới có nước; Hai con suối này chảy ra suối Giáng. Đây là vùng đất bằng phẳng và thoáng rộng, bên trên có tán cây lá dày che phủ nên rất kín đáo.

Đại hội nhằm biểu dương sự lớn mạnh của các lực lượng vũ trang và cổ vũ phong trào kháng chiến. Công việc chuẩn bị Đại hội được tiến hành khá chu đáo. Khu rừng già khép tán kín bưng được phát dọn hết những cây nhỏ ở tầng thấp thành “sân vận động”, dựng sân khấu, dựng lán trại, cổng chào, trụ cờ, san đường bộ đội diễu binh...

Đại hội tổ chức quy mô, có lễ đài trang hoàng cờ hoa, lễ chào cờ nghiêm trang, có đại đội 98, tiểu đoàn 5, tiểu đoàn 121 (C9 và C10) diễu binh, đêm có máy nổ phát điện thắp sáng phục vụ các buổi liên hoan văn nghệ đoàn kết quân dân, có tể chức “bán đấu giá” vật kỷ niệm kháng chiến - thực chất là hình thức kêu gọi lòng hảo tâm, tinh thần ủng hộ kháng chiến của mọi tầng lớp đồng bào các nơi về dự Đại hội.

Đồng bào các xã và nội thị quyên góp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm gửi vào chiến khu làm quà cho Đại hội. Gần một ngàn đồng bào vùng ven, nội thị “về chiến khu” tham dự. Đại hội diễn ra trong ba ngày đêm liền, tạo không khí phấn khởi tự hào về sự lớn mạnh nhanh chóng của “vệ quốc đoàn”, nâng cao tinh thần đoàn kết quân dân và làm tăng thêm niềm tin vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tại Đại hội, đại biểu Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh, Việt Minh tỉnh đã nhiệt liệt biểu dương sự đóng góp to lớn của nhân dân, phụ nữ các xã Thái Sơn, Phú Xuân, Vĩnh Phú... đã duy trì thường xuyên “hũ gạo nuôi quân”, đều đặn tập trung gửi lên chiến khu. Nhiều bà con ở xã Thái Sơn đã từng giao luôn ruộng lúa chín của mình cho bộ đội thu hoạch mang về chiến khu, không mảy may tính toán. Đại hội khen thưởng nhiều đơn vị và phát động phong trào “Mẹ chiến sĩ”, thi đua thực hiện “hũ gạo nuôi quân”, “con gà kháng chiến”. Trong Đại hội này, Hội Phụ nữ xã Thái Sơn vinh dự được nhận lá cờ thưởng “Phụ nữ xuất sắc” của Liên khu 5 trao tặng. Đại hội cũng nhiệt liệt biểu dương ông Nguyễn Tồn ở Phú Vinh, một cố nông nhưng trồng rau bán được đồng nào đều bỏ vào “bùng binh” dành dụm gửi lên chiến khu. Nêu gương ông, bà con gọi ông bằng cái tên trìu mến: ông Bảy bùng binh.

Cuối năm 1949, Khu 5 chủ trương mở chiến dịch Đông - Xuân 1949-1950 (còn gọi là chiến dịch Trường Chinh) trên chiến trường Nam Khánh. Thị ủy Nha Trang và Huyện ủy Vĩnh Xương được giao nhiệm vụ huy động lực lượng phối hợp và phục vụ hậu cần chiến dịch - chủ yếu là lương thực, thực phẩm.

Chủ trương vân động toàn dân đóng góp nhân tài vật lực đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mọi người, mọi nhà đều hăng hái bắt tay vào công việc. Mặc dù địch đã thi hành nhiều biện pháp kiểm soát lúa gạo hết sức gắt gao, kể cả thu gom khống chế nhưng đồng bào vẫn nhiệt tình đóng góp. Cán bộ vận động nhân dân bán và ủng hộ lúa. Lúa đã đưa về nhà và cả lúa còn đang ở trên đồng. Mỗi xã có một tiểu đội bộ đội về cùng nhân dân tranh thủ cắt lúa và chuyển vào rừng làm kho cất giấu. Kho lúa lúc đó đặt rải rác từ suối Khu A (Xuân Sơn) chạy dọc đến Đồng Chay vào Đồng Bò Thượng.

Hàng trăm dân công được huy động vào chiến khu cùng hàng trăm chiếc cối xay, cối giã, giần sàng... làm gạo phục vụ chiến dịch. Trong khi đó, cơ sở trong nội thị vận động nhân dân quyên góp tiền bạc, thuốc men, thực phẩm, nhu yếu phẩm... chuyến ra chiến khu góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Chiến dịch Trường Chinh không thực hiện đầy đủ như yêu cầu đề ra nhưng riêng các lực lượng vũ trang Vĩnh Xương, Nha Trang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp, tiến công các cứ điểm của địch ở Phú Vinh, Xuân Lạc, Cầu Dứa... Công nhân Nhà Đèn phá hỏng trạm phát điện, trạm biến thế làm mất điện trong thành phố, công nhân Hòa xa phá đầu máy xe lửa... tạo không khí phấn khởi tin tưởng trong nhân dân.

Qua bốn năm xây dựng, Đồng Bò đã trở thành chiến khu vững chắc của huyện Vĩnh Xương. Nơi xuất phát của những chủ trương công tác đến với dân, nơi tổ chức xây dựng phát triển các lực lượng vũ trang địa phương và các xã huyện Vĩnh Xương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:40:23 pm »

TỪ ĐƯỜNG ĐỆ - MŨI KÊ GÀ ĐẾN BÃI TRỦ - HÒN TRE:

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến đầu năm 1947, cơ quan lãnh đạo Nha Trang vẫn đứng chân vững chắc giữa lòng dân thị xã. Trụ sở đặt tại nhà ông Sáu Hèm ở Rộc Rau Muống.

Sau những trận tập kích của biệt động đội (do đồng chí Mão phụ trách) ở Trường Đông, Trường Tây, Phước Hải, diệt tiểu đội hương binh (partisan) phá sập bót Xóm Cồn, địch phản ứng mạnh... Một số cán bộ đảng viên bị lộ, bị địch bắt. Sau đó tỉnh tăng cường thêm cán bộ cho Nha Trang và bộ máy lãnh đạo được củng cố. Lúc này, Thị ủy gồm các đồng chí Lê Huy Phát, Đặng Văn Phu, Đặng Phò, Du, Quyền, Nguyền Duy Phiên... Đồng chí Mai Xuân Cống - Bí thư Thị ủy và là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh; Ủy ban kháng chiến hành chánh thị xã do đồng chí Lê Huy Phát làm chủ tịch; Thị đội trưởng là đồng chí Đặng Văn Phu.

Nhằm bảo vệ lực lượng đẩy mạnh phong trào trong tình hình mới, Thị ủy Nha Trang chủ trương rứt một bộ phận lãnh đạo ra ngoài lập chiến khu kháng chiến, vừa xây dựng lực lượng ở Đồng Bò, vừa tranh thủ về nội thị công tác - gọi là Cơ quan A.

Lúc đầu, Cơ quan A bố trí tại khu rừng sát-Vĩnh Xuân nhưng khi tình hình bình yên vẫn đặt trụ sở làm việc tại nhà bà Hộ ở Phước Hải, khi có động mới rút vào rừng.

Về sau cơ quan chuyển vào Bàu Dừng - nơi con suối hai bờ có nhiều cây rừng trải rộng ra vài chục mét. Đồng chí Mạnh Hà, Đụt... và có thời gian đồng chí Mai Xuân Công làm việc tại đây.
 
Ngoài dãy núi Đồng Bò, thiên nhiên hào phóng còn ban cho Nha Trang - Vĩnh Xương nhiều cụm núi nhỏ: dãy Hòn Khô, Hòn Thơm, Hòn Sạn... bên tả ngạn sông Cái nối tiếp dãy đồi La San ăn thông với vùng đồi núi liên hoàn Đồng Đế, Đường Đệ giáp Lương Sơn... Phía biển Đông là một cụm đảo lô nhô rải rác ven bờ - trong đó, đảo Hòn Tre lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất. Trên vùng đảo có những làng cá trù phú...

Giữa năm 1948, các cơ quan thị xã xây dựng vị trí đứng chân tại núi Đường Đệ. Vùng núi Đường Đệ - Lương Sơn - Kê Gà tuy núi non không hiểm trở lắm nhưng cây rừng rậm rạp khá kín đáo, rất thuận tiện trong liên hệ tiếp xúc với nội thị và liên lạc với tỉnh cũng như các huyện bằng cả đường bộ và đường biển. Trên khu vực rừng núi liên hoàn này, tùy tình hình, cơ quan có thể di chuyển qua nhiều địa điểm...

Có lần, địch sục vào phục gần chỗ ở của Công đoàn thị xã, bắn chết đồng chí Cháu và Năm Râu lúc 4 giờ sáng khi các đồng chí đi công tác từ nội thị về. Cơ quan thị xã phải di chuyển qua phía gành đá trên mũi Bàng Thang. Đứng trên sườn núi có thể nhìn rộng suốt đầm Nha Phu, nhìn tận Hòn Hèo. Các khối đoàn thể đóng rải trên sườn đồi vùng Bãi Tiên. Vào mùa khô ở gành Bàng Thang không có nước, phải qua lấy ở mũi Kê Gà, vào mùa mưa - có nước, cơ quan dời lên vị trí cao hơn...

Có thời gian cơ quan thị xã đã vượt qua eo núi, ra khu vực Đồng Bé ngoài Lương Sơn, cất trại làm lán trên những đồi núi cuối làng, gần khu vực bà con trồng mía... Việc di chuyển, làm lán trại xây dựng cơ quan, sẵn sàng cơ động trở thành tác phong của cán bộ chiến khu.

Trên khu vực Đường Đệ - Lương Sơn - Kê Gà, có thời gian còn có các đơn vị lực lượng vũ trang Nha Trang, Vĩnh Xương và bộ đội chủ lực trú quân xuất phát hoạt động quanh vùng. Ngoài quan hệ công tác, mối giao lưu giữa các đơn vị với cơ quan thị xã rất mật thiết. (Lúc này đơn vị 252 do đồng chí Trần Bá Vượng, Nguyễn Sơn chỉ huy)

Cơ quan kinh tài của thị xã lúc đứng chân tại Bàng Thang, có lúc di chuyển sang Hang Luồng, phía Đầm Nha Phu cách Kê Gà hơn cây số... thuận tiện việc tổ chức thu mua vận chuyển lương thực, thực phẩm...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:40:44 pm »

Sau chiến dịch Đông - Xuân (49-50) ở Nam Khánh, các địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tại Nha Trang địch tăng cường đánh phá cơ sở nhưng phong trào vẫn được giữ vững, sự lãnh đạo vẫn thông suốt. Tuy vậy, trong quá trình bố ráp lùng sục và đôi lần địch đã phát hiện vị trí cơ quan, nhận thấy khu vực Đường Đệ - Kê Gà không còn an toàn như trước, Thị ủy quyết định di chuyển cơ quan thị xã ra đảo Hòn Tre. Đảo không rộng nhưng địa hình hiểm trở, nhân dân trên đảo vẫn một lòng ủng hộ cách mạng.

Toàn bộ mạng lưới liên lạc tiếp tế lúc này đều bằng đường biển. “Đội thủy thủ” được hình thành từ năm 1947 gồm ghe chèo tay và một số ghe buồm do đồng chí Mai ở Bãi Trủ phụ trách (có các đồng chí Phạm Sửu, Tỏ, Diên, Rô, Mành, Chỉ, Bồi, Lụt, Xê, Sum...)

Trên đảo Hòn Tre, Thị ủy Nha Trang và các cơ quan thị xã bố trí trên khu vực Bãi Trủ. Các cơ quan Thị ủy, UBKCHC, các đoàn thể khối Mặt trận, bộ phận thông tin... vẫn thường xuyên liên lạc với nội thị thông qua ghe thuyền. Lực lượng công an tỉnh (đồng chí Phan Văn Nhượng, Kỉnh...) cũng đứng chân tại đây.

Nhân dân trên đảo hết lòng bảo vệ, chăm lo đời sống cho cán bộ, coi cán bộ như con em của mình, chia sớt cho anh em từng con cá nắm rau, thuốc thang khi ốm đau bệnh tật... Ngoài giờ làm việc, anh em thường tập trung sinh hoạt ca hát vui chơi (Nhiều người tới nay vẫn còn nhớ những bài hát được “trại” lời mới: Ta quyết đi câu - dù thằng Tây bắn phá... thể hiện tinh thần lạc quan kháng chiến một thời).

Một thời gian sau, giữa năm 1949, các cơ quan thị xã di chuyển sang Đầm Già. Lúc này, cơ quan đóng tại Hố Lốt - vùng đất kín đáo trên con suối có nhiều cây lốt rừng. Nhưng do sơ hở nên nơi này bị địch phát hiện và đánh úp, bắn chết hai chị cấp dưỡng, phóng hỏa đốt cháy toàn bộ lán trại cơ quan, cướp đi một máy chữ cùng dụng cụ của cơ quan thông tin và cả lương thực, thực phẩm. Cơ quan di chuyển về Đầm Báy, xây dựng lán trại trên thôn cũ Bãi Câu.

Quân Pháp chủ trương tập trung quân đánh phá vào các căn cứ của ta từ tỉnh đến huyện, thị. Sau khi huy động 4000 quân bao gồm thủy lục không quân mở “Chiến dịch Bão táp” (Opération Typhon) đánh vào chiến khu Hòn Hèo suốt 21 ngày đêm không đạt kết quả, chúng huy động 2.500 quân càn quét chiến khu Đồng Bò. Một lần nữa chúng bị quân dân Nha Trang, Vĩnh Xương kiên cường đánh trả, giữ vững chiến khu.

Ở đảo Hòn Tre địch dùng thủ đoạn thâm độc đánh phá cơ sở bằng cách bắt dân tập trung ngủ đồn. Chúng càn quét vào Bích Đầm, Bãi Trủ, Đầm Báy... bắt dân dồn về Cầu Đá - Chụt trong đất liền.

Trước tình hình đó, các cơ quan thị xã phải di chuyển đến Bãi Tre; được một thời gian cơ quan di chuyển về địa điểm mới, đứng chân tại Mũi Cỏ. Triền Mũi Cỏ đất đai khô cằn, rừng thưa thớt. Lán trại các cơ quan núp dưới những tán cây cối lúp xúp, buổi trưa trời nắng không khí rất oi nóng... trong khi ỡ đây không có nước. Buổi chiều, anh em thường ra bãi đá sát biển ngóng ghe lấy nước ở Bãi Trủ về. Nước chứa trong những thùng thiếc chuyển lên dành cho ăn uống sinh hoạt cả ngày. Tại đây, địch phát hiện phá một ghe liên lạc và bắt một cán bộ phụ nữ.

Khoảng đầu năm 1950, cơ quan di chuyển về lại Đầm Báy... Tại đây tháng 4/1950, Đại hội Đảng bộ thị xã Nha Trang lần thứ nhất được tổ chức. Đại hội đã bầu ra 6 ủy viên Ban Chấp hành; đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư Thị ủy.

Đại hội đã nhận định tình hình thấy cần phải chuẩn bị chuyển cơ quan lãnh đạo về Đồng Bò, tránh thế bao vây của địch, đồng thời gần dân để chỉ đạo phong trào.

Tháng 7 năm 1950, địch lại tăng cường phong tỏa đường biển. Chúng thường xuyên dùng tàu chiến loại nhỏ (Védette) tuần tiễu xung quanh Hòn Tre, thỉnh thoảng neo đậu ngoài biển bắn phá hoặc dùng máy bay oanh kích vào địa điểm nghi ngờ có lực lượng ta. Nhiều khi chúng bất ngờ đổ quân lên bờ bắn phá chớp nhoáng rồi nhanh chóng xuống tàu tiếp tục quần đảo...

Mặt khác, quân Pháp tăng cường kiểm soát gắt gao trên biển, phong tỏa quanh các đảo, vùng núi... Vì vậy, đường liên lạc tiếp tế ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Tháng 8/1950, cơ quan của Thị ủy và các đơn vị của thị xã chuyển từ Hòn Tre về Đồng Bò.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:41:12 pm »

ĐỒNG BÒ - CHIẾN KHU CỦA THỊ XÃ NHA TRANG

Chỗ đứng chân đầu tiên của các cơ quan thị xã ở suối Bãi Sậy. Lán trại các cơ quan dựng rải rác dưới tán cây kín đáo. Mái lán lợp lá dừa. Sạp trải bằng hóp khá phẳng phiu. Trước sạp là “bàn viết” cũng bằng hóp. Các cơ quan đông người thường dựng hai trại kế nhau.

Từ đây, cơ quan thị xã di chuyển xuống khu vực suối Xuân Hải - nơi cơ quan xã Xuân Hải đóng trước đây (có người gọi là suối ông Thầy). Cơ quan lãnh đạo bố trí dưới thấp, lán trại làm trước gộp. Khối Mặt trận đóng phía núi bên Sông Lô. Tuy ở suối nhưng cơ quan lấy nước sinh hoạt dưới gộp, bảo đảm bí mật, đến năm 1951, cơ quan di chuyển lên suối Dốc Gáo.
 
Hội nghị Thị ủy ngày 25 tháng 8 năm 1950 quyết định thành lập lại ban cán sự, lấy tên là “Ban Cán sự nội thị” gồm các đồng chí: Ban, Tùng, Tha, Tân. Mộng Dung... do đồng chí Huỳnh Tưởng phụ trách. Ban có nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Thị ủy về các công tác nội thị. Trong những trường hợp cấp bách không thể chờ ý kiến của Thị ủy, có quyền thay mặt Thị ủy giải quyết.

Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tháng 9/1950 quyết định tăng cường cho Nha Trang một số cán bộ, trong đó có đồng chí Lưu Văn Trọng, Tỉnh ủy viên được chỉ định làm Bí thư Thị ủy; đồng thời để tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo quản lý, tỉnh cũng đã quyết định sáp nhập một số xã của huyện Vĩnh Xương vốn quan hệ gắn bó về kinh tế xã hội với thị xã Nha Trang vào địa giới thị xã, mở rộng bàn đạp quanh nội thị, các xã còn lại của huyện Vĩnh Xương sáp nhập vào huyện Diên Khánh thành huyện Vĩnh Khánh.

Sau khi nhận bàn giao các xã vùng ven thuộc Vĩnh Xương, thị xã Nha Trang được sắp xếp thành 7 khu: nội thị có 3 khu, các xã vùng ven thành 3 khu và khu 7 gồm vùng Chụt, Cầu Đá và các đảo .

Tuy có nhiều khó khăn nhưng công tác xây dựng Đảng của Thị ủy Nha Trang có nhiều tiến triển tích cực. Đến cuối năm 1950, tại chiến khu Đông Bò có 4 chi bộ Đảng gồm chi bộ cơ quan Thị ủy và chính quyền, Thị đội, đại đội 252, Mặt trận - Dân vận cùng với 7 chi bộ ở các khu với gần 400 đảng viên có mặt trên khắp địa bàn là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển mọi mặt của phong trào cách mạng kháng chiến địa phương. Chủ tịch UBKCHC là đồng chí Nguyễn Xuân Lâm.

Lúc này do nhiều cán bộ các địa phương hoạt động bị lộ thoát ly lên chiến khu, vì vậy bộ máy các cơ quan ở chiến khu được tăng cường. Do đó, vị trí đóng các cơ quan được phân bố rộng hơn: Thị ủy, Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể bố trí trên cùng một dòng suối, UBKCHC đóng ở địa điểm cao hơn, bên một con suối khác. Thị đội đóng bên ngoài... Các cơ quan được bố trí liên hoàn nhưng cách xa nhau nhằm bảo đảm bí mật an toàn. Để bảo vệ cơ quan các đơn vị vũ trang thường án ngữ gần các trảng bằng, chân núi hoặc bìa rừng. (Có thời gian, lực lượng công an xung phong, cơ quan tình báo đóng ngoài rừng sát, khu vực Giếng Bà Hậu, ven bìa núi Khu A).

Một số khu vực đứng chân của các xã Vĩnh Xương cũ trở thành nơi đóng cơ quan các khu mới thành lập. Vào thời điểm này, bộ máy của các khu được xây dựng khá hoàn chỉnh, mỗi khu đều đã có chi bộ Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chánh, Mặt trận Việt Minh; các khu Tây, khu Nam, khu Bắc, khu 3 có khu đội (gồm ban chỉ huy: khu đội trưởng, khu đội phó, chính trị viên) và lực lượng vũ trang có từ một đến hai tiểu đội du kích tập trung, các khu nội thị chỉ có đội vũ trang (lực lượng du kích mật). Thị ủy còn chỉ đạo ba khu Bắc, khu Tây và khu Nam xây dựng mỗi khu một đội vũ trang tuyên truyền, có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu và xây dựng cơ sở bàn đạp vào nội thị. Khu vực đứng chân của các khu thường bố trí gần bìa rừng, tiện cho cán bộ, chiến sĩ về làng bám dân hoạt động.

Tại chiến khu Đồng Bò, ngoài các cơ quan của thị xã Nha Trang còn có các cơ quan của xã Khánh Xương vẫn tiếp tục được duy trì và củng cố. Chiến khu Đồng Bò còn là nơi trú quân chuẩn bị xuất phát của các đơn vị chủ lực mỗi khi về hoạt động ở chiến trường Nam Khánh (tiểu đoàn 5, đơn vị 360, trung đoàn 80...). Thực tế này không chỉ phản ánh mối quan hệ máu thịt của các địa phương, đơn vị vũ trang trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược mà còn nói lên vị trí quan trọng của một chiến khu ven biển nằm sát cạnh một căn cứ quân sự hỗn hợp của địch.

Mặt khác, tuy địch kiểm soát gắt gao hải đảo, nhưng căn cứ Hòn Tre vẫn được duy trì. Tại đây, Thị ủy đã phân công một đồng chí Thị ủy viên trụ lại nhằm tăng cường lãnh đạo trên cả địa bàn khu 7 gồm các đảo và khu vực Chụt, Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên ngày nay).

Thời gian đứng chân trên chiến khu Đồng Bò, tùy tình hình mà cơ quan thị xã di chuyển nhiều nơi. Sau thời gian ở Dốc Gáo, cơ quan dời lên gộp Khánh Xương, cũng gọi là suối Lò Rèn (là nơi cơ quan xã Khánh Xương, lò rèn quân giới đóng). Rừng ở đây cây to tán rộng, rất nhiều song, mây, dứa dại...

Cơ quan Thị ủy và Ủy ban kháng chiến hành chánh được bố trí trên sườn cao, đến lò rèn và cơ quan Công đoàn (Công Cơ Xí) đóng thấp hơn, gần với cơ quan các khu. Trong thời gian đứng chân ở đây, cơ quan tách một bộ phận ra làm “công tác xây dựng bàn đạp”.

Năm 1952, một sự kiện lớn diễn ra tại vùng gộp Khánh Xương là Hội nghị đại biểu toàn Đảng bộ. Các chi bộ các khu đều bầu đại biểu về tham dự. Tại Đại hội này đồng chí Lê Đoan, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường cho Nha Trang được bầu làm Bí thư Thị ủy và có thêm một số Thị ủy viên mới.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2020, 07:49:31 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:42:16 pm »

*
*   *

Chiến khu Đồng Bò không có dân sinh sống, nguồn lương thực thực phẩm nuôi cán bộ chiến sĩ và phục vụ chiến đấu chủ yếu dựa vào sự cung cấp của nhân dân nội, ngoại thị và nguồn tiếp tế của tỉnh bằng đường thủy (từ Phú Yên vào).

Về phía địch, chiến khu Đồng Bò là một chiến lũy của ta làm cho địch rất cay cú, chúng điên cuồng đánh phá, bao vây, kiểm soát hết sức gắt gao.

Đến năm 1950, quân Pháp ở Đông Dương tiếp tục thực hiện âm mưu bình định vùng chúng đang tạm thời kiểm soát, ra sức củng cố các vị trí chiến lược, trong các đô thị, trên các trục giao thông, xây dựng những cứ điểm nhỏ thành một hệ thống cứ điểm ngoại vi... Mặt khác, chính sách bình định của địch còn được bổ sung bằng kế hoạch Rơ-ve (Revers).

Tại chiến trường Nha Trang, song song với việc tăng cường bộ máy hành chánh chúng đã cố sức dũi ra xây dựng một hệ thống đồn bót vành đai gồm hàng chục đồn, bót, tháp canh bao quanh thị xã, có một số đồn bót tháp canh án ngữ ven Đồng Bò như đèo Hốc Mít, bến đò Bình Tân chùa Ông Đề, Trường Đông... Bên cạnh hệ thống hành chánh quân sự do Pháp trực tiếp quản lý, chúng thu nạp tay sai xây dựng hệ thống hành chánh dân sự tới tận cơ sở với lý trưởng và ngũ hương nhằm nắm dân, kể cả biện pháp bắt dân vùng ven vào ngủ đồn nhưng vẫn không thực hiện được âm mưu bình định của chúng. Lòng dân vẫn hướng về kháng chiến, nguồn cung cấp cho chiến khu vẫn duy trì mạnh mẽ.

Cuối năm 1950, đại đội 252 tập kích đồn Cô Châu, diệt một tiểu đội Pháp và ngụy đóng ở đây. Thời gian sau đó, địch ra sức tăng cường đánh phá vùng tiếp giáp với chiến khu Đồng Bò, tung biệt kích, mật thám dò la mọi ngóc ngách, liên tục xua quân tuần tiễu lùng sục ban ngày, phục kích ban đêm. Chúng tăng cường việc cho máy bay trinh sát quần đảo, gọi máy bay dội bom, gọi pháo bắn những vị trí chúng nghi ngờ; đồng thời chúng dùng nhiều thủ đoạn kiếm soát gắt gao lúa gạo trong dân, khống chế sự liên hệ giữa chiến khu với vùng bàn đạp, gây rất nhiều khó khăn cho các hoạt động của các lực lượng ta.

Đầu năm 1951, địch phục kích phát hiện và bắn chìm hai ghe liên lạc của ta từ Đầm Vân vào Vườn Dừa, cán bộ đi trên ghe đều hy sinh và bị bắt. Rồi sau đó các đồng chí như: Lê Hồng Bảo - Thường vụ Thị ủy, Chính trị viên Thị Đội, Phạm Thị Bấc - Thị ủy viên trên đường về bám dân xây dựng cơ sở cũng bị địch phục kích, bắn hy sinh...

Những hy sinh mất mát liên tiếp không chỉ là tổn thất có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào mà còn làm nảy sinh nhiều khó khăn khác. Trước hết là việc cung cấp lương thực, thực phẩm, vật dụng và nhu yếu phẩm cho chiến khu bị địch phong tỏa ngặt nghèo. Cán bộ chiến sĩ phải ăn dừa trừ bữa; nhưng Vườn Dừa không phải là vô tận nên vẫn phải sử dụng có chừng mực. Anh em còn vào rừng tìm trái gắm, môn ngứa, củ rừng, hái các loại rau... Số anh em thì đi quăng chài đánh lưới bắt cá, mò cua. Cơ quan gần rừng sát (các khu) thì đặt nò tôm, đăng đó... tìm thêm nguồn chất bổ.

Ăn dừa thay gạo với cá quá nhiều chất béo dễ bị tiêu chảy... Nhiều anh em phù nề, tay chân rũ riệt, tê bại... Đã đói nên tới bữa thì bụng dạ cồn cào như lên cơn nghiện, có người nằm sải chân tay cho qua cơn! Sức khỏe mọi người giảm sút nghiêm trọng! Nhiều anh em bải hoải tay chân, đi đứng không nổi... xuất hiện tư tưởng ngại khó ngại khổ, bi quan.... Trong khi đó, địch vẫn liên tục bao vây, tiến hành các cuộc lùng sục càn quét vào chiến khu, rải truyền đơn chiêu hồi, chiêu hàng... Có người thiếu kiên định, thiếu tinh thần chịu dựng gian khổ khó khăn đã chạy ra đầu thú địch một cách nhục nhã!. Có người không vượt qua sự dày vò của “cái đói” đã bỏ ngũ về nhà! Và câu “khi đi đầu người - khi về đầu thú” của nhân dân như một lời nhắc nhủ, răn đe, cảnh tỉnh...

Việc “lo ăn” cho chiến khu trở thành nhiệm vụ quan trọng. Một mặt, Thị ủy chủ trương tăng cường công tác tư tưởng, tiến hành sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong đảng, trong cơ quan đơn vị, ghi nhận biểu dương những tấm gương hy sinh anh dũng, những đảng viên cán bộ chiến sĩ đã chịu đựng gian khổ khó khăn, giữ vững tinh thần yêu nước, quyết tâm bám cơ sở vận động nhân dân cùng tham gia kháng chiến. Thị ủy cũng đã tự phê bình về khuyết điểm của mình trong công tác chỉ đạo đã chưa dự kiến hết mọi tình huống, không chú trọng công tác tăng gia sản xuất, chủ động dự trữ lương thực... nhất là không chỉ đạo kịp thời khi địch chuyển hướng đánh phá liên tục gắt gao vào cơ sở, cắt nguồn tiếp tế và đánh phá vào nội bộ ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:42:42 pm »

Mặt khác, Thị ủy chỉ đạo các đội công tác ra sức xây dựng cơ sở, khôi phục phong trào, khơi nguồn tiếp tế...; Với lực lượng tại chiến khu, chỉ đạo các đơn vị tìm đất phát rẫy sản xuất hoa màu lương thực, chủ yếu là bắp và mì tại Đồng Bò và chiến khu Đá Đen ở Diên Khánh; Với nội thị, ra sức vận động nhân dân tận dụng mọi thời cơ tiến hành đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp, đòi những quyền lợi thiết thân về dân sinh dân chủ, qua đó sàng lọc phát triển lực lượng, xây dựng cơ sở bên trong. Sự lãnh đạo đúng đắn của Thị ủy tạo ra bước chuyển biến rõ rệt và từng bước thu được kết quả.

Với phong trào nội thị, tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống lệnh cấm biển. Sau khi phục kích trên biển bắn chìm ghe thuyền liên lạc, một số cán bộ ta hy sinh và bị bắt, đến tháng 1 năm 1951, địch tiến hành phong tỏa mặt biển Nha Trang, chúng truy đuổi bắn phá ghe thuyền của ngư dân gây nhiều thiệt hại và trở ngại lớn việc làm ăn của bà con.

Đến tháng 2, nhằm vào đầu mùa cá rộ, chúng ra lệnh cấm toàn bộ tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển. Đồng bào Trường Đông, Bình Tân, Chụt... và vùng Xương Huân, Cù Lao... hầu hết sống dựa vào biển, nghề biển bị cấm làm cuộc sống bà con vô cùng khốn đốn kéo theo nạn khan hiếm thực phẩm, làm giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân thị xã.

Thị ủy chủ trương tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh “chống cấm biển”. Bắt đầu từ Trường Đông - địa bàn có đội công tác mạnh, cơ sở vững và nhân dân vốn giàu truyền thống, gắn bó với kháng chiến... làm đầu tàu. Từ vài chục người đáu tranh ban đầu đã dần dần thu hút hàng trăm người cả khu vực Bình Tân, Chụt, Cầu Đá... ăn mặc rách rưới lũ lượt kéo vào nội thị, tụ tập trước các công sở của ngụy quyền “kêu đói”, “xin ăn” và yêu câu bỏ lệnh cấm biển... Lúc đầu, các chủ xe ngựa, xe ô tô còn lấy tiền, khi hiểu ra họ đã đồng tình ủng hộ, hễ gặp bà con đi đấu tranh, họ tự nguyện chở đi chở về, tạo thuận lợi cho bà con. Cuộc đấu tranh không chỉ thu hút đông đảo bà con ngư dân, người nghèo tham gia mà được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Binh lính trong các đồn bót, kể cả tên Hồ Lưu khét tiếng gian ác làm xếp bót Trường Đông cũng phải nhượng bộ làm ngơ.

Liên tục trong nhiều ngày, đoàn người “ăn xin” luôn đi khắp các đường phố, các chợ kêu than làm cho các tầng lớp nhân dân nội thị xúc động, đồng tình hưởng ứng. Đến cả người chủ thầu thuế chợ là một Ấn kiều cũng đồng tình, tự mình đến Tỉnh đường yêu cầu bỏ lệnh cấm biển vì một ngày chợ không có cá bán là một ngày thuế chợ bị thất thu.

Qua hai tháng bền bỉ đấu tranh, ngư dân Nha Trang được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thị xã - kể cả những người đang trong hàng ngũ địch đã buộc ngụy quyền Khánh Hòa bãi bỏ lệnh cấm biển. Ngư dân được tự do ra khơi vào lộng làm nghề. Thắng lợi này là một minh chứng giúp cho nhân dân nhận rõ sức mạnh đoàn kết của mình thông qua sự lãnh đạo của Việt Minh củng cố niềm tin vào công cuộc kháng chiến.

Trong khi đó, tại chiến khu, từ các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang đến các khu đều bắt tay vào phát rẫy sản xuất. Từ suối Khô đến Trảng É có rẫy khu 1, rẫy khu 3... từ Đồng Bò Thượng qua Đồng Bò Trung đến Đồng Bò Hạ lần lượt xuất hiện những rẫy Lương Sơn, rẫy Thị, rẫy K5, rẫy K3, rẫy khu Tây, rẫy Thị đội, rẫy khu Nam... Đồng thời, cơ quan cũng cắt cử một bộ phận nhân viên đi Diên Khánh lập cơ sở sản xuất ở chiến khu D (Đá Đen - Diên Khánh). Chủ trương sản xuất lương thực tại chiến khu được thực hiện nghiêm túc, một số cán bộ chưa từng cầm rựa, cầm cuốc lao động nặng nhọc nên khá vất vả nhọc nhằn vẫn hết sức cố gắng.

Thời gian đầu, các đơn vị xoay xở giống má rất khó khăn, Thị ủy phải tổ chức thành các đoàn đi lấy hom mì tận khu Đá Đen - Diên Khánh. Đoàn đi có lực lượng của đơn vị 252 cảnh giới bảo vệ, nhưng chẳng may bị địch phục kích và bị tổn thất máu xương. UBKCHC tỉnh quyết định mỗi cán bộ chiến sĩ các nơi khi về Nha Trang công tác phải mang theo 10 hom sắn (mì) làm nghĩa vụ cho Nha Trang sản xuất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:43:46 pm »

Từ chuyển biến nhận thức tư tưởng của cán bộ chiến sĩ đến những khu rẫy bắp mì lên xanh là kết quả của bao mồ hôi công sức và cả máu xương. Và sau mấy tháng dày công chăm sóc, hầu hết các rẫy bắp, mì đều có thu hoạch. Yêu cầu của lãnh đạo là không ăn bắp tươi mà phơi khô, thu hoạch xong làm kho chứa bảo quản. Từ thiếu ăn đến có bắp hầm đủ no là một bước cải thiện tình hình đáng kể. Ngoài bắp, mì, lang... nhiều rẫy trồng các loại rau, cà, ớt, đu đủ... Nổi tiếng là rẫy đu đủ, cà và ớt xiêm của khu I nhiều đến nỗi không ăn hết... Tuy vậy, không phải rẫy của khu nào, cơ quan nào đất cũng tốt! khu I và khu Nam làm rẫy gần nhau nhưng:

Cũng thì rẫy bắp hai bên
Một rẫy có trái - rẫy thì quên trổ cờ…

và cũng không quên “chọc quê” nhau một chút cho vui:

Khu I ăn bắp bỏ cùi
Khu Nam thấy vậy mang gùi tới xin

Một số cán bộ khi về làng vào thị xã hoạt động đã mang vài trái bắp tươi vào biếu cơ sở nhằm gián tiếp “thưa với bà con rằng dù địch ra sức bao vây nhằm triệt phá chiến khu nhưng chúng con vẫn quyết tâm phá tan âm mưu thâm độc của chúng”. Nhiều bà má cầm trái bắp trên tay mà rưng rưng nước mắt...

Ban tiếp vận tỉnh đặt tại Phú Yên tiếp nhận chi viện của Liên khu và vận chuyển vào chiến trường bằng cả hai đường thủy, bộ. Trên tuyến vận chuyển đường thủy từ Phú Yên vào có nhiều Trạm: Hòn Gầm, Đầm Môn, Bãi Giếng, Ninh Tịnh, Ninh Yển, Đầm Vân, Hòn Tre, Đồng Bò, Cù Hin...

Trạm tiếp vận đường thủy Đồng Bò đặt ở khu vực Vườn Dừa (Sông Lô) có nhiệm vụ tiếp nhận hàng chi viện của nhân dân vùng tự do Liên khu 5 chuyển vào. Những chiếc ghe đầy hàng, mưu trí bịt mắt mạng lưới tuần tra của địch trên biển, đến đêm ghé vào vùng biển phía trước Cửa Bé. Khi bắt được tín hiệu an toàn (theo quy ước) của trạm, nhanh chóng cập bến. Bến không cố định để tránh địch phát hiện, khi vào Vườn Dừa, khi vào Cù Hin... tùy tình hình mà trạm hiệp đồng thực hiện. Ghe cập bến, lập tức hàng được bốc dỡ hết sức khẩn trương để giải phóng ghe và liền sau đó chuyển ngay vào kho cất giấu. Lực lượng bốc dỡ là bộ đội, cán bộ không kể nam nữ đã được chuẩn bị trước. Mọi người làm việc liên tục không tiếc sức, cốt giải phóng hàng trước khi trời sáng để thủy thủ và cán bộ trạm tìm chỗ giấu ghe và xóa dấu vết ngụy trang bến bãi trước khi trời sáng đề phòng địch phát hiện.

Hàng chi viện chủ yếu gồm gạo và vũ khí. Bộ phận kho của trạm do đồng chí Nguyễn Bá Mão phụ trách thường bố trí trên khu vực Bãi Cây Xanh. Kho tàng được bố trí kín đáo, không để máy bay trinh sát “đầm già” của địch phát hiện và chống mưa gió, thứ rừng - nhất là sóc và chuột phá hoại đồng thời có hệ thống bố phòng chống địch lùng sục càn quét(1).

Vũ khí do Quân giới Liên khu chi viện chủ yếu là vỏ lựu đạn, vỏ các loại mìn (mìn đĩa, mìn muỗi, mìn bí đao...) và những vật liệu mà Trạm quân giới Đồng Bò khổng đủ điều kiện sản xuất. Các loại vỏ mìn và những bộ phận vũ khí mà Liên klui 5 tiếp tế vào chiến khu Đồng Bò lên đến hàng tấn đã góp phần khá lớn về trang bị vũ khí cho du kích địa phương trong công tác chống càn cũng như các đội tự vệ mật đánh địch.

Tuy vậy, việc tiếp tế đường thủy không phải không gặp những sự cố ngoài dự kiến. Trước hết, có những chuyến đi do thời tiết không thuận hoặc do nghi ngờ có địch theo dõi phải tránh lánh nên cập bến muộn, hàng chưa kịp dỡ hết mà mặt trời đã sáng nên buộc lòng phải nhận chìm ghe để giữ an toàn bến bãi.

Bên cạnh nguồn tiếp tế của Liên khu, còn có nguồn tiếp tế của Cơ quan kinh tài thị xă. Anh em thu mua, tiếp nhận từ ngoài và vận chuyển bằng ghe vào.

Ai đã từng sinh hoạt tại chiến khu Đồng Bò và từng được nhận những hạt gạo đã biến thành màu xanh đen vì nước biển, dù cấp dưỡng đã ngâm xả nước ngọt nhiều lần nhưng miếng cơm vừa cho vào miệng đã mặn đắng, chắc không thể nào quên! Đã vậy trong tiêu chuẩn mỗi người chỉ một chén mà thôi ! Anh chị em thường gọi là “giảm tô”.


(1) Trong Trạm này có các đồng chí: Chỉ, Bồi, Đạt, Xu, Sum… Đồng chí Chỉ là Chiến sĩ thi đua vận tải.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:45:07 pm »

Công tác giao thông liên lạc (giao liên) của chiến khu Đồng Bò được Huyện ủy Vĩnh Xương và Thị ủy Nha Trang tổ chức ngay từ những ngày đầu nhằm đảm bảo chuyển nhận mọi thư từ, công văn, tài liệu và cả nhiệm vụ đưa đón cán bộ thông suốt giữa Đồng Bò với các huyện bạn: Cam Ranh, Diên Khánh... giữa huyện-thị với các đơn vị có liên quan... đặc biệt với tỉnh. Những chiến sĩ giao liên trên biển cũng như trên đất liền thường hoạt động độc lập, xuyên rừng lội suối, chịu đựng gian khổ nắng mưa, muỗi mòng, thú dữ... và với tàu tuần tiễu của địch.

Người chiến sĩ giao liên còn là người cán bộ gây dựng cơ sở tin cậy để qua đó mà luồn lách giữa đồn bót địch, thường xuyên cảnh giác với chỉ điểm và lính địch phục kích, nhiều lúc nhiều nơi phải tổ chức những hộp thư mật thật khéo léo...

Đến năm 1950, Ban lạc của Thị ủy hình thành do một đồng chí Thị ủy viên phụ trách. Ban đầu là đồng chí Huỳnh Tưởng, đến gần cuối năm đồng chí Võ Thành Long - thường gọi là Long Cụt - đi học ở Liên khu 5 về thay (đ/c Huỳnh Tưởng nhận công tác khác). Nhiều chuyên đưa đón cán bộ, chiến sĩ giao liên đã hy sinh cả máu xương nhưng công tác giao liên luôn được duy trì cho đến ngày hòa bình lập lại.

Suốt chín năm chống Pháp xâm lược, đường giao liên như những mạch máu lưu thông trong cơ thể không ngưng nghỉ, là con đường của lòng dân yêu nước, của trí thông minh tinh thần quả cảm nên luôn thông suốt.

Cùng lúc với việc thực hiện chủ trương sản xuất, công tác bố phòng bảo vệ căn cứ và nhất là nhiệm vụ xây dựng cơ sở được cán bộ đảng viên các cơ quan, đơn vị, các khu, các đội công tác thực hiện với quyết tâm cao dần dần chuyển biến tình hình từ chiến khu đến phong trào tham gia kháng chiến.

Trước hết, mỗi cơ quan, đơn vị, kho tàng... dù bố trí trên núi cao, sâu trong lòng chiến khu, nơi rẫy bái... đều lập vành đai bố phòng bằng hệ thống bãi chông, bàn chông, hầm chông nhỏ lớn, lựu đạn gài, mìn muỗi... Điều quan trọng là mọi người trong chiến khu dù nam hay nữ, dù ở bất cứ cơ quan đơn vị nào cũng được học tập biết cách sử dụng vũ khí để thay nhau gài đặt trên hệ thống bố phòng. Mỗi cơ quan có sơ đồ cụ thể và chỉ phổ biến trong nội bộ. Tuy kỷ luật chặt chẽ và mọi người đều hết sức cẩn trọng nhưng vẫn có nhiều sơ hở đáng tiếc xảy ra (anh Lân khi đi gỡ mìn bị nổ, chị Thệ đang mang thai hái đu đủ bị sụp hầm chông...may là chỉ bị thương nhẹ !)

Nhằm bảo đảm an toàn cho chiến khu, các đơn vị vũ trang, các đội công tác của thị xã và các khu thường được bố trí thấp hơn ở vòng ngoài. Đây là những đơn vị thường xuyên về làng cùng cơ sở bám dân, bám địa bàn hoạt động nên ngoài việc tuyệt đối giữ gìn bí mật, còn phải xây dựng hệ thông hầm chông cạm bẫy, lựu đạn, mìn muỗi bảo vệ căn cứ trong hệ thống liên hoàn bố phòng ven chiến khu, tổ chức lực lượng phối hợp với bộ đội địa phương đặt tổ cảnh giới và tuần tra chặt chẽ.

Hàng ngày, việc kiểm tra hệ thống bố phòng không chỉ được quy định thành nề nếp thường xuyên mà xuất phát từ ý thức trách nhiệm tự thân của mỗi người.

Thời gian này, các mũi tuần tra được xây dựng quy củ: Một mũi đảm trách khu vực Vườn Dừa (Sông Lô), qua Bàu Sấu đến Đá Chẹt... Một mũi từ khu vực Gò Bông, giáp Bến Đá đến Bàu Hồng. Một mũi đảm trách khu vực Đồng Bò Thượng từ Đồng Trâm đên Bến Cầu giáp Gò Bông... Một mũi bảo đảm khu vực từ suối Đá Nhảy giáp qua khu vực Suối Dầu...

Tất cả trở thành một mạng lưới liên hoàn và cũng từ đó đã kịp thời bẻ gãy những toán biệt kích đi lùng sục, các cuộc càn quét của quân Pháp khi chúng vừa mon men đến ngoại vi chiến khu hoặc phục kích đón lõng trên đường rút quân. Nhiều lần chúng chưa phá được rẫy đã bị thương vong vì mìn muỗi, sụp hầm chông phải dìu nhau rút về... giữa lúc đang mệt mỏi thì bất ngờ bị quân ta phục kích đánh bồi... Đơn vị 252 nhiều lần đánh địch trên khu vực từ Trảng É lên Đồng Chay, đèo Hốc Mít diệt nhiều địch.

Quân địch rất sợ chông, nhất là đạp phải bàn chông! Một đứa đạp chông (không thể nào rút ra được vì chông có ngạnh), phải mất mấy đứa khỏe mạnh khiêng đi đường rừng là cực hình cho cả đứa bị chông và những đứa khiêng! Công tác bố phòng bảo vệ sản xuất, bảo vệ chiến khu và chiến đấu chống các cuộc càn thắng lợi không chỉ buộc địch phải co vòi không càn quét sâu vào chiến khu, mà còn gây tiếng vang trong nhân dân thị xã và vùng ven. Các đội công tác các khu từng bước khôi phục cơ sở.

Từ đó trở đi, vùng ven đã trở thành bàn đạp tin cây của các đội công tác, bộ đội trong các hoat động; trở thành tấm bản lề giữa chiến khu với nội thị. Nhiều khi, cán bộ, bộ đội về làng hoạt động cả ban ngày. Đường dây từ chiến khu Đồng Bò vào các cơ sở nội thị đã khai thông, thuận lợi cho công tác chỉ đạo của Thị ủy đồng thời đường tiếp tế từ cơ sở vào chiến khu được thông suốt.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2020, 08:23:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2020, 02:45:31 pm »

Trên những con đường từ chiến khu (nơi cơ quan Vĩnh Xương đứng chân ở ngã ba Phước Thượng) về với dân, đường liên lạc xuyên qua rừng trãng, qua Eo Gió phải qua Cục Đá Rờ - vì bất cứ ai qua lại nơi đây cũng phải rờ, phải vịn... - tới Bằng Lỗ Tây... Đây là Ngã Tư gồm các ngả đường vào Khu A, tỏa về các xã vùng ven, về với cơ sở có những “trạm” dừng chân, cảnh giới, tiếp tế, nuôi giấu cán bộ; bộ đội khi công tác, khi địch truy lùng và cả khi bị thương... Từ Khu A qua Đồng Nhơn, Bút Sơn... có chùa An Dưỡng; ra phía Vĩnh Điềm Trung nơi gần đường xe lửa - tại Gò Găng có chùa Huê Quang; ra phía Đông Thái Thông... giữa đồng ruộng có xóm Chòi... và biết bao cơ sở khác nữa trên vùng ven quanh chiến khu Đồng Bò đã hết lòng vì kháng chiến.

Xóm Chòi là một xóm nhỏ lơ thơ bảy tám căn chòi nhỏ của một số bà con trong làng ra dựng tạm trên gò đất giữa đồng để sinh hoạt, nghỉ ngơi vào mùa làm ruộng. Ngoài những căn chòi cho gia đình còn có chuồng nhốt trâu bò, để cày bừa, nông cụ...

Cán bộ, bộ đội trên chiến khu hoạt động hướng này đều gần như thân thuộc với các gia đình xóm Chòi: nhà ông Xã Nhì, ông Lê Đựng, ông Phạm Liệt, ông Hồ Sổ, ông Hồ Nghệ, ông Nguyễn Lắm, ông Khắp và bà Phạm thị Dặm... Mọi người trong xóm từ già đến trẻ đều tham gia các đoàn thể Việt Minh và hăng hái đóng góp kháng chiến. Lợi thế của xóm Chòi là ở giữa đồng trống và bà con xóm Chòi làm việc giữa đồng lại sống hợp pháp trong vùng địch tạm thời kiểm soát nên nắm rõ hành tung của địch quanh vùng. Theo quy ưởc, đêm đêm bà con luôn có ám hiệu báo động - báo an bằng ánh sáng đèn, lửa bếp hoặc un muỗi trâu...bảo đảm cho anh em đi về an toàn. Cung cấp tình hình địch và hoạt động của bà con trong làng.

Một số gia đình trong xóm Chòi còn làm nhiệm vụ mua hàng hóa cho chiến khu. Cơ quan cần gì anh em nhờ bà con mua giúp để sẵn đến đêm về lấy. Ngoài lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm, đôi khi còn mua cả những loại văn phòng phẩm quý hiếm... Tích cực hăng hái nhất là vợ ông Khắp và bà Dặm.

Chùa An Dưỡng - ngôi chùa cổ xây dựng từ hơn 150 năm trước và tọa lạc trên vùng đất Đồng Châu căn cứ của Nam Trung nghĩa sĩ từng sản sinh ra “Tam Hùng Ngũ Bá” chống Pháp xâm lược từ ngày đầu chúng đem quân xâm lược nước ta những năm 1885 - cũng là một cơ sở vững chắc. Nhà sư Thích Trừng Minh trụ trì chùa An Dưỡng là một người yêu nước nhiệt thành. Sau ngày khởi nghĩa ông đã kêu gọi Phật tử “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, nước có độc lập thì nhà mới yên, Phật tử cũng là dân nước Việt nên phải ra sức gánh vác việc chung” nên hầu hết Phật tử đều tham gia đoàn thể Mặt trận. Nhà sư được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh Thái Thông - và sau đó là xã Thái Sơn. Nhà chùa trở thành trạm liên lạc cho cán bộ đi về, hội họp triển khai công tác... Các đồng chí Nguyễn Nghiềm, Nguyễn Biền, Nguyễn Thị Đo, Phạm Trực (Đỏ), Nguyễn Láp (Dân)... cùng nhiều đảng viên, cán bộ trong xã đều được nhà chùa nuôi giấu bảo vệ. Bọn do thám biết rõ hoạt động của chùa thỉnh thoảng dẫn bọn lính ra lục soát. Nhờ nhắc nhở Phật tử canh gác nên kịp thời bố trí cho anh em tránh lánh. Đôi khi giặc đến bất ngờ, nhà sư vừa gõ mõ đọc kinh vừa đệm hai tiếng nói lái “Tô giây... Tô giây” báo động cho anh em lẩn tránh. Lần khác, khi anh em đang họp, mọi người chưa kịp sơ tán hết, nhà sư đã giấu đồng chí Nguyễn Nghiềm trên nóc khám thờ và thản nhiên ngồi gõ mõ tụng kinh niệm Phật... Và sau lần chúng bắt hụt đồng chí Nguyễn Nghiềm, và Nguyễn Nùng (chồng đồng chí Nguyễn Thị Đo) chúng túm râu nhà sư lôi về bót Cầu Quay khảo tra hết sức tàn ác! Đây là lần thứ hai nhà sư bị giặc giam cầm đánh đập... nhưng không khuất phục được ý chí của nhà tu hành yêu nước và e ngại phản ứng của đông đảo Phật tử, chúng phải thả ông về.

Nhà kho của chùa là trạm tập kết lương thực, thực phẩm tiếp tế cho chiến khu. Các hoạt động lớn như Đại hội Nuôi quân, chiến dịch Trường Chinh,... đều được nhà sư hô hào Phật tử và nhân dân trong xã đóng góp nhiệt tình; nhà sư còn dành phần lớn lượng thực của nhà chùa ủng hộ kháng chiến. Đoàn đại biểu xã Thái Sơn về chiến khu dự Đại hội Nuôi quân có đồng chí Nguyễn Thị Đo, bà Nguyễn Thị Hài và nhà sư Thích Trừng Minh làm trưởng đoàn. Mỗi lần các đơn vị C202, D101 về ém quân vùng Thái Thông hoạt động, ban chỉ huy thường đóng trong chùa An Dưỡng. Các đồng chí Võ Hòa, Nguyễn Trọng Xuyên... được nhà chùa và nhân dân Thái Thông coi như người người thân...

Sau trận phục kích diệt bọn Tây đen đồn Thủy Tú tại cầu Ông Bang và trận tiêu diệt toán lê dương ở bót Thái Thông, lính các bót vùng ven co vòi. Tết 1949-1950 quân dân cùng vui Tết chiến thắng tưng bừng, tới nay bà con vẫn còn nhắc đến Hồ Chí Long - một chiến sĩ người Đức, xạ thủ súng máy cùng vui Tết với đồng bào Thái Thông tại chùa...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM