Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:53:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thành phố hòa bình  (Đọc 17068 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2020, 09:07:28 pm »


        ... Khi Bốt-đa-nóp đến được trung đoàn công nhân thì tình hình ở đó thực sự rất căng thẳng. Làng Mư-skin đã bị bọn Đức chiếm, một số xe tăng đã thọc tới tận cửa ô. Song, tuy đã rút quân khỏi làng, trung đoàn vẫn tiếp tục đánh trả. Và từ những công sự đào vội, từ những hố đạn, từ những con mương, từ những hàng rào, họ vẫn nổ súng, vẫn giành với bọn Đức từng tấc đất quê hương thân yêu. Một đại đội của trung đoàn đã mất sức chiến đấu ngay từ giờ chiến đấu đầu tiên, bỏ chạy vào phố bị những người dân — phụ nữ và ông già — ngăn lại trên quảng trường, sau khi quay lại trận địa, liền xông vào trận đánh. Một đại đội khác bị bao vây ở ngay trong làng vẫn kiên trì chống cự trong những công sự bằng đá ở đó. Xe tăng Đức đã đến được ngoại ô T. gặp phải hỏa lực pháo binh ngăn chặn và không thể nhích thêm được nữa. Song lúc này, sườn phải của trung đoàn có nguy cơ bị chọc thủng... Đài quan sát mà Bốt-đa-nốp và đại úy Tra-skin đặt trên tầng thượng gác chuông nghĩa trang mái vòm chạm tới những cành cây dương cổ thụ khổng lồ mọc ở chung quanh. Tra-skin là một thanh niên cường tráng, thân hình to khỏe như người khổng lồ, mái tóc sáng và bộ ngực rắn rỏi nở nang, đeo súng ngắn và xà cột ngang hông, luôn luôn đi đi lại lại, lúc thì quan sát qua cửa sổ hình bán nguyệt, lúc thì quay lại phía các chiến sĩ liên lạc lúc thì đi tới máy diện thoại và phải luôn luôn cúi đầu để khỏi va vào quả chuông. Khi đã gọi điện xong, hay nói một cách chính xác hơn là hét lên để ra lệnh, Tra-skin đưa vội ống nghe cho chiến sĩ thông tin và hất mái tóc vàng óng phủ trên trán cho gọn, nhìn sang Bốt- đa-nốp. Có thể nói rằng, dù đầu óc đang phải tập trung rất căng thẳng vào trận đánh, đại úy vẫn lo lắng trước sự có mặt của người đại diện cấp trên cực kỳ nghiêm khắc mà hôm qua anh đã được nếm mùi.

        Đạn cũng nổ ngay trong địa phận nghĩa trang thành phố, đất đá bắn tứ tung, khói tỏa ra khắp nơi quyện vào những cây cổ thụ phải ba người ôm mới xuể, những chiếc lá bị cuốn lên rất cao. Sau đỏ khói bay ra khỏi hàng rào, song những chiếc lá vẫn còn lững lờ ở trên nghĩa trang và cảnh này thật giống cảnh rụng lá muộn màng đang bị gió cuốn đi.

        Bốt-đa-nốp đứng im lặng trước cửa sổ, thọc những ngón tay mập mạp vào dây da và ghì chặt lại. Dĩ nhiên là đứng trên sở chỉ huy của trung đoàn trưởng trung đoàn công nhân, Bốt-đa-nốp chỉ thấy một phần nhỏ của trận đánh... Anh vẫn chưa biết rằng ở ngoại ô phía Tây, nơi các đơn vị chủ lực đang chốt giữ những cuộc tiến công của bọn Đức đã hoàn toàn bị đẩy lùi, còn ở phía Đông thành phố, nơi cả một binh đoàn bộ binh chiếm giữ tuyến phòng thủ, kẻ thù cũng bị chặn đứng lại, chịu tổn thất rất nặng và các đơn vị sung sức của ta đã được chuyển tới thành phố cùng với xe tăng Hồng quân đang lao tới ngoại ô phía Nam. Đối với Bốt-đa-nốp, thông thường hình như tất cả sự căng thẳng của trận đánh đều tập trung vào nơi anh đang đứng. Và anh cảm thấy rằng lúc này mũi tiến công chính của kẻ thù đang nhằm vào trung đoàn công nhân và có thể là ở nơi đây sẽ quyết định sự thành bại của trận đánh, tương tự như những gì đã xảy ra với trung đoàn NKVĐ ba giờ trước đây... Đứng lặng yên nghe đại úy Tra-skin ra lệnh, chuyển các chiến sĩ diệt tăng tử vị trí này sang vị trí kia, nghe anh gọi pháo binh và chỉ chính xác mục tiêu, nghe anh động viên người này, cảnh cáo người kia, Bốt- đa-nốp thầm đồng tình với tất cả mệnh lệnh anh đã ra. Song, quân địch vẫn nhích lên được theo hưởng chính diện và sườn bên phải, bất chấp tồn thất, bọn Đức vẫn chiếm hết điểm nọ tới điểm kia: con mương, công sự, khu hẻm, sân nhà, vườn rau; cứ như gặm dần từng miếng hệ thống phòng thủ của ta.

        Tra-skin đã khản cổ tuy vẫn gào thét nói qua điện thoại hoặc phái các chiến sĩ liên lạc đi làm nhiệm vụ. Nhưng anh vẫn luôn liếc nhìn Bốt-đa-nốp, có vẻ như thái độ lặng thinh nặng nề của người trung tá thấp lùn này đã gây cho Tra-skin một ấn tượng là cấp trên hoàn toàn không hài lòng. Và người đại úy trẻ quay đi, hất mở tóc lòa xòa trên trán, như thể nói rằng : « Tôi chỉ huy theo ý định của tôi và tôi không quan tâm đến việc những người khác nghĩ về điều này như thế nào ».
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2020, 09:08:22 pm »


        Tình hình ở sườn bên phải trung đoàn nơi bọn Đức đã thọc được một mũi vào hệ thống phòng thủ của ta gần đường cái, đặc biệt nghiêm trọng. Bọn xạ thủ tiểu liên đi theo xe tăng của chúng đã đến được cửa ô và xộc vào các ngôi nhà. Tra-skin ra lệnh phải diệt ngay bọn xạ thủ tiểu liên và mấy phút sau, anh được báo ràng Tơ- ri-phô-nốp, chính ủy trung đoàn, cán bộ tỉnh ủy đã hy sinh trong lúc dẫn mọi người lao vào cuộc tiến công mới.

        — Hãy trả thù cho chính ủy! — Tra-skin gào vào ống nghe. —  Hãy tống cồ bọn đê tiện ra khỏi ngoại ô... Tôi sẽ cho anh hỏa lực! — Và giúi ống nghe cho chiến sĩ thông tin, anh đảo ánh mắt nảy lửa sang Bốt-đa-nốp. Bốt-đa-nốp gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Anh nghĩ rằng lúc này người đại úy kiên nghị không cần đến những chỉ thị của anh và cần phải yêu cầu Đi-a-cốp tiếp viện cho trung đoàn. Song ngay lúc đó trung tá liền chú ý đến tình hình mới xảy ra: bọn Đức tập trung một lực lượng lớn đánh vào những vị trí phía Đông Nam và như vậy chúng sẽ uy hiếp sườn trái trung đoàn. Ở đó, sau những ngôi nhà và các hàng cây thấp thoáng hiện ra sân vận động hình bầu dục và xa hơn nữa là những cánh rừng nhỏ xen lẫn với đồng cỏ ngoằn ngoèo, nước lấp lánh trong những vũng sâu, đây đó vẫn còn rải rác những đám sương mù giống như những đám mây nhỏ. Qua ống nhòm có thể nhìn thấy từ trong đám sương mù kia, bọn Đức đang lố nhố kéo đến thành phố, đến sân vận động...

        — Đồng chí trung tá! — Tra-skin nói to như thể quở trách. —  Cần phải đánh trả chúng, nếu không chúng ta không đứng vững được đâu. Tất cả các lực lượng của tôi đã tung ra hết rồi.

        Đi-a-cốp vừa nói chuyện qua điện thoại với Bốt-đa-nốp, liền tung ngay một tiểu đoàn dự bị tới đó đề đập tan mối hiểm họa mới. Có thể trước đây thiếu tướng chưa đụng đến lực lượng dự bị của mình là để dành cho trường hợp này. Ngoài ra, quân tiếp viện đã đến thành phố... Song chẳng bao lâu, mọi người thấy rõ là chính những tên lính Đức đang định vượt qua trung đoàn công nhân lại bị tiến công bởi một đơn vị nào đó ở ngay sau lưng chúng.

        — Chắc là Grát tiến công chứ không còn ai nữa — Bỏ ống nhòm xuống, đại úy Tra-skin phỏng doán.

        — Grát là ai vậy? — Bốt-đa-nốp hỏi.

        — Xin lỗi, là Gra-trép, — Tra-skin nói — trung úy Gra-trép, đại đội trưởng đại đội rút ở đơn vị Khlép-nhi-cốp. Tất cả chúng tôi đều gọi cậu ta là Grát.

        Anh lắc đầu hất mớ tóc lòa xòa trước trán và nhìn Bốt-đa-nốp như thể muốn thêm vào : « Thế mà anh đã không hài lòng với chúng tôi...» — Trung tá nhìn ống nhòm rất lâu, sau đó quay sang Tra-skin.

        — Rất tốt. — Anh nói — Thật tuyệt vời! Hãy đề nghị tặng thưởng huân, chương cho đại đội trưởng Grát,— và trung tá lặng lẽ uể oải tựa như khó nhọc lắm mới mỉm cười được. — Grát đúng là con én xuân ! — Anh lẩm bẩm nói thêm.

        Mối hiểm họa từ sườn trái đã được loại trừ và Bốt-đa-nốp chuyển tiểu đoàn do Đi-a-cốp phái đến, sang phản kích ở cửa ô.

        Đển mười hai giờ trưa, tình hình ở những khu vực khác của tuyến phòng thủ thành phố, nói chung không thay đổi. Các đơn vị chủ lực ở phòng tuyến phía Tây vẫn không lùi một bước. Trung đoàn NKVĐ tiếp tục chiến đấu trên những vị trí cũ. Sau đó, các đơn vị mới đến cũng tham gia vào trận đánh và tình hình của những người bảo vệ phòng luyến lập tức tốt hơn. Sau này, Bốt-đa-nốp được biết là xe tăng của ta đã phản kích ở khu vực nhà máy gạch. Cùng lúc đó, pháo chống tăng cũng được chuyển tới tận cửa ô và những chiếc tăng Đức thọc được tới đó, đã bị tiêu diệt...

        Bộ binh địch vội vàng rút lui khỏi làng Mư-skin, các chiến sĩ Hồng quân đã đẩy lùi kẻ thù ra khỏi những vị trí mà chúng vừa chiếm được. Những trận đánh giáp lá cà, những ánh lửa lựu đạn màu trắng bùng lên ở khắp mọi nơi và bọn Đức đã không chịu nổi — những người lính mặc áo bạt thâm sũng vì mưa, đang bám đuổi sát chúng. Như vậy, là tình hình trên trận địa của trung đoàn công nhân đã được phục hồi và chỉ làng Mư-skin là còn ở trong tay quân thù. Đến hai giờ chiều, bọn Đức phải ngừng hoàn toàn các cuộc tiến công của chúng — trận tiến công thứ nhất vào thành phố đã bị đẩy lùi.

        Bốt-đa-nốp cho óng nhòm vào bao, chia tay với Tra-skin và đi xuống sâu theo chiếc cầu thang sắt hình xoáy ốc để đến gặp Đi-a-cốp. Anh đi ra cổng, chậm chạp bước như đi trên bãi cát dày... Chung quanh đều im lặng, im lặng một cách lạ thường... Bốt-đa-nốp khát cháy cổ họng và đưa mắt tìm xem ở đâu có nước uống. Những con chim lạ màu xám, ríu rít nhảy nhót trên các tảng đá trong sân con và nhớ ra rằng đấy là chim sẻ, trung tá lại mỉm cười ngượng nghịu.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2020, 04:20:38 pm »


PHẦN THỨ BA

1

        Suốt chiều, mưa tuyết lại rơi, không thấy bóng dáng chiếc máy bay Đức nào xuất hiện. Các khẩu pháo phòng không nghếch nòng lên trời im lặng, và không khí yên tĩnh đã bao trùm lên toàn thành phố từ lúc hai giờ trưa chưa bị khuấy động.

        La-tô-skin từ bộ tham mưu quân khu trở về Da-rê-tri-e, nơi Ủy ban bảo vệ thành phố đã chuyển đến đây sáng hôm nay và hiện đang đóng tại một ngôi trường học. Những người đến gặp chủ tịch ủy ban bảo vệ đã ra về từ lâu, người thì trở lại khu phố mình, người xuống nhà in, người vào nhà máy hoặc về các đơn vị bộ đội. Riêng Sa-rốp vẫn ngồi ngủ thiếp đi trên chiếc đi văng và La-tô-skin vẫn còn cặm cụi bên bàn làm việc, vai khoác hờ chiếc bành tô. Sau cánh cửa vẫn vang lên tiếng máy chữ lách cách. Bà thư ký đang đánh máy lại tài liệu gì đó, và người ta có cảm giác hình như suốt đêm bà không ngủ. Thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng chân người lính gác bước đều đều ở hành lang. Một tập tài liệu dày vẫn nằm trước mặt La-tô-skin, ông đang liệt kê những công việc phải làm, những điều mà chủ tịch ủy ban bảo vệ phải quan tâm tới. Một điều lạ lùng là mới chiều nay ông chưa hình dung được việc gì cả, thế mà giờ đây, trước mắt đã thấy bao nhiêu việc phải làm. Cầm lấy bút chì, ông vội ghi những công việc mới « Việc sản xuất xe lửa bọc thép. Liệu có kịp thời hạn không?», «Sáng mai phải đến thăm các viện quân y», « Phải hỏi thêm về gia đình Tơ-ri-phô-nốp. Phải giúp đỡ Họ» «Phải bào đảm việc sản xuất súng cối!». Ghi xong tất cả các việc ấy, La-tô-skin quay điện thoại. Đầu tiên, ông gọi đây nói cho xưởng đóng toa xe và ông đã nhận được những tin tốt lành: việc sản xuất đoàn, tàu bọc thép đã xong, đầu máy và các toa xe đã được bịt thép. Khoảng hai ngày nữa là có thể giao cho bộ tư lệnh.

        — Các đồng chí thân mến, có thế chứ! Nơi nào không đủ vật liệu thì đã có trí thông mình giải quyết. — Lấy tay che miệng để không làm Sa-rốp thức giấc, ông khe khẽ reo lên.—Có nghĩa là nếu các đồng chí không phản đối: ngày mồng hai chúng tôi sẽ đến nhận đoàn tàu bọc thép đó...

        Tiếp đó, ông quay số điện thoại gọi tới nhà máy chế tạo công cụ và đề nghị gọi hộ Pi-ốt Ki-rin-lô-vích Oóc-lốp. Đặt ống nghe xuống, ông ngồi đợi trả lời và khép chặt chiếc bành lô vào người. Ông cảm thấy ấm áp dễ chịu hơn tuy trong phòng không đến nỗi lạnh lắm.   
        Từ phòng bên, bà thư ký bước vào phòng, tay cầm ấm chè, tay ôm tập công văn mới nhận trong ngày.

        — Chị Ma-ri-a A-lếc-xây-ép-na!— Quay về phía bà, ông thì thào nói. — Chị đi ngủ ngay đi! Chị vẫn không thấy mệt à?

        Bà thư ký đặt ấm chè và chiếc cặp lên bàn rồi nhìn ông như hỏi lại:

        — Tôi cũng đi ngủ bây giờ đây. — Ông trả lời cái nhìn của bà. —  Chị phải đi nghỉ thôi...

        Ông nhìn khuôn mặt mệt mỏi xanh xao, không còn trẻ trung, nhìn mái tóc chải mượt mà, bộ trang phục đen là phẳng phiu của bà, và muốn nói với người cộng tác gần gũi nhất của mình một lời tốt đẹp nào đó.

        — Chúng ta đã mở đợt tiến công đầu tiên rồi, chị Ma-ri-a A- lếc-xây-ép-na ạ... Tất nhiên không phải là không có khó khăn, nhưng chúng ta sẽ khắc phục được.

        — Đúng thế, mọi việc sẽ tốt dẹp, anh I-a-cốp La-tô-skin.— Bà thư ký trả lời. — Thôi, nếu anh không cần gì nữa thì tôi ra đây.

        — Vâng, chị đi nghi đi!... À, chỉ còn việc này nữa thôi... Chị có biết về gia đình Tơ-ri-phố-nốp không? Chị vợ anh ấy bây giờ ở đâu nhỉ?

        — Chị vợ và đứa con trai đang ở đây. Còn bố mẹ anh ấy đang sống ở Ô-rê-khô-vô Du-ép... Tôi mới hỏi thăm được có thế thôi!

        Cả hai đều im lặng một phút rồi La-tô-skin khẽ nói:

        — Tơ-ri-phô-nốp của chúng ta đã hy sinh như một người anh hùng.

        Ông ngôi xuống ghế, kéo cặp hồ sơ giấy tờ về phía mình. Bà thư ký vẫn đứng nguyên, đăm chiêu suy nghĩ một lúc, rồi lặng lẽ đi ra. La-tô-skin mở cặp giấy, nhìn thấy chiếc phong bì nằm ngay ở trên, ông liền bóc luôn. Đây là thư của giám đốc nhà máy đã đi sơ tản khỏi T. từ đầu mùa thu. Khi đọc đến những dòng cuối cùng, La- tô-skin ngước mắt nhìn Sa-rốp đang ngủ say và do dự, có nên đánh thức anh ta dậy để cùng chia sẻ những tin tức quan trọng này hay không ?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2020, 04:21:04 pm »


        Thật phấn khởi, ở địa điểm mới, một trong những nhà máy lớn ở T. đã cho ra sản phẩm, mặc dầu các phân xưởng, như giám đốc nhà máy cho biết, chưa được xây dựng xong hoàn toàn. Ông giám đốc còn nói là những khó khăn gian khổ ở chỗ ông không thấm gì so với những vất vả mà các bạn ông trong thành phố bị bao vây đang phải chịu đựng. Tóm lại, bức thư viết là ở nhà máy đang làm những gì cần thiết cho quân đội và công cuộc bảo vệ thành phố, còn sắp tới sẽ phải làm gì nữa! « Nói chung, cần phải hiểu rằng, những gì khó khăn chủ yếu, nặng nề nhất đã bị đày lùi, — ông giám đốc viết. — Chúng tôi đã làm ăn một cách khẩn trương nhưng không hấp tấp và sẽ không để xảy ra các sự cố đặc biệt nào cả... Chúng tôi phải bắt đầu, tôi không giám giấu, hoàn toàn từ tay trắng. Thậm chí khí hậu ở đây, nói một cách đúng đắn, là rất khắc nghiệt, không hợp với chúng tôi...», sau đó bức thư kể tiếp: mọi người đã phải chuyền các máy móc thiết bị dưới những cơn gió bấc hung dữ như thế nào, bám máy suốt ngày đêm ra sao, các kỹ sư đã thức trắng bao đêm ròng để lắp đặt các cỗ máy phức tạp như thế nào, cuối cùng là đám thanh niên nhà máy đã làm việc hăng say ra sao...

        La-tô-skin đã đặt bức thư xuống bàn, nhưng ngay sau đó ông lại cầm lên đọc lần nữa. Đúng, việc sơ tán di chuyển các ngành công nghiệp ra khỏi T. đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Có lẽ từ thế kỷ XVI đến nay, nếu không nói trước nữa, các nhà máy ở T. đã ghi vào lịch sử của mình bằng một sức mạnh diệu kỳ, các nhà máy đã được chuyển đến chỗ khác và ở đó chúng lại tiếp tục nhả khói.

        Các nhà máy lớn này chưa bao giờ được xây dựng ở vùng trung tâm nước Nga, thế mà giờ đây, khắc phục mọi khó khăn, chứng đã trở thành những nhà máy sản xuất loại một nằm xa mặt trận đang phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Quả thật, chỉ có một phương án quan trọng nhất nằm trong kế hoạch là phải chuyền các cơ sở công nghiệp từ phía Tây sang phía Đông. Trong khi có hàng nghìn đoàn tàu tiến ra mặt trận chở các loại vũ khí — như đại bác, xe tăng, súng cối, các loại đạn khác nhau — thì đồng thời cũng có hàng nghìn đoàn tàu khác từ mặt trận chạy ngược lại chở theo hàng triệu tấn thiết bị vô giá của các nhà máy: máy cái, ống dẫn, mô tơ, máy cán ép... và hàng trăm nghìn con người biết sản xuất vũ khí.

        Đọc đi đọc lại bức thư từ phương xa gửi tới, Lá-tô-skin vừa sung sướng, vừa xúc động thực sự vì ông cảm thấy đối với Đảng, mà ông là một tế bào nhỏ bé, thì không có việc gì là không thể làm được, không có khó khăn nào là không thể vượt qua được... Và ông, người bí thư tỉnh ủy, từ lâu là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Bôn-sê-vích, lại một lần nữa cảm thấy rõ rệt sức mạnh tổ chức lớn lao của Đảng.

        Đặt bức thư xuống bàn, ông vươn vai đứng dậy, cảm thấy người hơi sốt, mặt hơi nóng, có lẽ do những đêm mất ngủ gần đây gây nên.

        Chuông điện thoại reo, ông cầm lấy ống nói:

        — Vâng, vâng, tôi đây, chào anh Pi-ốt Ki-rin-lô-vích, — ông nói khẽ. — Công việc ở chỗ anh như thế nào rồi ? Mọi người đã tập hợp đầy đủ chưa? Bây giờ chúng tôi có thể giúp các anh gì nào? Anh hãy kể cho tôi nghe công việc ở đấy, và những thử các anh cần.

        Tại nhà máy chế tạo công cụ, các thiết bị đã được chuyền hết về phía Đông, không còn một cái máy, một mẩu thép nào để lại ở nhà máy cả. La-tô-skin không thể tin được rằng việc sản xuất súng cối lại được tiến hành ở đó.

        Ông vừa lắng nghe chăm chú, không ngắt lời người nói, vừa kéo lại chiếc bành tô cho ngay ngắn. Một lát sau mới hỏi tiếp:

        — Ô, thế ra ông già Grô-mốp cũng ở chỗ các anh à ?... Cả Ca- da-cốp nữa ư?... Ừ, đó mới thật là một đội sản xuất cự phách.

        — Vâng, họ đang ở đây — ông nghe thấy trong ống nói — một đội sản xuất gồm các thợ bậc thầy, không thể phong cho họ bậc nào thấp hơn được, giá như có thể thì phải gọi họ là những người thợ chuyên gia, thợ hàn lâm...

        La-tô-skin còn hỏi một vấn đề mà ông đang quan tâm: theo lệnh của ủy ban bảo vệ thành phố, người ta đã chở một số ống đến nhà máy này để làm nòng súng cối, vậy ở đó đã làm thử chưa ? Sau một lúc lâu im lặng, ông mới nghe thấy tiếng trả lời của người thợ chế tạo già:

        — Tôi nghĩ ràng nhất định chúng ta sẽ thành công...

        — Như thế nhé, Pi-ốt Oóc-lốp, chúng ta sẽ thành công. — Ông cao giọng, nhưng ngay lập tức lại nói se sẽ dù nghe, khi thấy Sa-rốp cựa quậy. — Chúng ta sẽ có súng cối của mình nhé?...

        — Sẽ có, nhất định sẽ có, đồng chí I-a-cốp Da-kha-rô-vích —  Oóc-lốp trả lời.

        La-tô-skin thầm nghĩ, tuy các nhà máy ở T. phải chuyển khỏi thành phố nhưng hình như vẫn tiếp tục sản xuất ngay tại chỗ cũ của mình. Ngồi thêm mấy phút để sắp xếp lại những tờ giấy trên bàn, sau đó thốt nhiên ông gục đầu xuống, mái tóc xoăn rủ xuống trán và trong giây lát, ông thiếp đi ngay trên bàn làm việc.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2020, 04:21:35 pm »


        Bà thư ký nằm ở phòng bên cạnh trên chiếc đi văng nhỏ bọc ni lông, người đắp chiếc bành tô, nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Vừa đánh máy sao lại bản lý lịch Tơ-ri-phô-nốp, bà được biết là Tơ-ri-phô-nốp đã vào Đoàn từ năm 1919, cha làm thợ đá, mẹ là công nhân. Tơ-ri-phô-nốp đã bị thương trong Nội chiến, trên mặt trận phía Đông: và từ năm 1933 cho đến ngày hy sinh, ông làm công tác Đảng. Ý nghĩ về con người vừa xa lạ vừa quen thuộc đối với bà không dứt khỏi tâm trí bà. Con người đó đã sống một cuộc đời trong sạch, cao quí, dường như được tạo ra từ loại thép qui.

        Công việc trong các xí nghiệp ở thành phố, hay đúng hơn là trong các tòa nhà trống trải đã được phục hồi nhanh chóng ngay từ những ngày bị bao vây đầu tiên. Ở nơi này, người thì sửa chữa những khẩu pháo bị hư hỏng trong các trận đánh. Ở nơi khác các chị phụ nữ đang làm lựu dạn, và ở chỗ khác nữa, người ta đang làm ngòi nổ cho các chai cháy. Ở xưởng toa xe, nơi đóng các toa bọc thép, công việc không ngừng một phút, còn ở xưởng cơ khí, một nhóm công nhân và kỹ sư đang bàn bạc chuẩn bị cho việc ra đời các loại súng cối.

        Bằng một vài cỗ máy từ thế kỷ trước đã hết thời gian sử dụng tìm thấy ở kho nhà máy và cần được sửa chữa lại, cùng các thứ phụ tùng linh tinh lặt vặt khác tìm thấy ờ các xưởng thủ công, chi vài ba ngày sau, người ta đã tạo nên ở đây, ngay trong tòa nhà của nhà máy đã sơ tán này, một phân xưởng sửa chữa mới, nhỏ bé.

        A-lếc-xây Va-xi-li-ê-vich Grô-mốp thấy cái «díp» này khác hẳn những cái trước, nó không đến nỗi bị mòn lắm, còn có thể sử dụng được tốt, nên chăm chú theo dõi sự hoạt động của nó và thấy hài lòng. Nhưng thực ra trong thâm tâm, người thợ tiện già này đang có điều lo lắng gì đó và ông đã khéo giấu không cho mọi người thấy. Không phải ông sợ những kinh nghiệm và hiểu biết của mình đã tích lũy được trong nửa thế kỷ qua bị mai một đi, mà sợ là liệu mình có thể đứng vững được bên cỗ máy với đôi chân bị bệnh khớp này không? Lúc nãy, khi đi về nhà lấy dụng cụ và bất ngờ gặp cô con dâu giữa đường trở về nhà máy, ông thấy mình rất mệt. Đôi chân ông như đeo cùm, cứ mỗi một bước đi cơn đau ờ các khớp xương đầu gối lại hành hạ, ông phải khó nhọc lắm mới lê được đến nhà máy. Hình như tất cả sức lực mà dột nhiên ông cảm thấy như được hồi phục lại trong những ngày vừa qua, đã biến đi đàng nào hết, đã phản bội lại ông đúng vào cái thời điểm quan trọng này, đúng vào lúc ông đang cần đến nó.

        Sau khi đã thu dọn chỗ làm, sắp xếp lại dụng cụ, đồ nghề, chuẩn bị lại các loại dao tiện cho buổi làm ngày mai, ông khập khiễng đi từ phân xưởng tạm thời về ngôi hầm trú ẩn của nhà máy nay đã thành chỗ ở tập thể thì trời đã tối mịt.

        Ngồi xuống cái giường sắt, trải chiếc áo khoác xám làm đệm, ông im lặng từ từ kẻo chiếc ủng ra, phải nghiến chặt răng để không bật lên tiếng rên. Và nỗi buồn tuổi già, nỗi buồn cay đắng vì không làm việc được nữa lại day dứt, dằn vặt ông.

        Bên bàn, dưới chiếc đèn được chụp bàng sắt tây, ông già Oóc- lốp Pi-ốt Ki-rin-lô-vích, râu bạc phơ, mắt đeo kính lão, những ngón tay thuôn dài giơ cao tờ báo, đang đọc to cho mọi người nghe. Năm sáu người ngồi chật cả các giường xung quanh, chăm chú lắng nghe.

        — « Các đơn vị của ta đang chiến đấu ở các hướng Môrgiai-xcơ, Ma-Iai-a Rô-sláp, Khác-cốp và Ta-gan-rô. — Giọng “của Oóc-lốp vọng đến giường Grô-mốp nhỏ nhẹ. — Ở mặt trận phía Tây trên các hướng khác nhau, bọn Đức đã mở hàng loạt cuộc tiến công ác liệt vào các trận địa của ta. Tất cả các cuộc tiến công của bọn phát xít Đức đều bị đẩy lùi với những thiệt hại nặng nề...

        — «Sau nhiều ngày chiến đấu, — Oóc-lốp đọc tiếp, — quân ta đã tiêu diệt và làm bị thương khoảng năm mươi nghìn tên địch, phá hơn hai trăm năm mươi xe tăng, một trăm bảy mươi đại bác, gần một nghìn hai trăm xe vận tải. Các đơn vị bộ đội ta đã rút khỏi thành phố Xta-lin-nô...».

        — A... ha... Đánh thế mới gọi là đánh chứ... — Không im lặng được nữa, một giọng làm bàm kéo dài.

        — Con đường đến với tội lỗi lúc đầu đều mở rộng, sau mới dần thắt hẹp lại, — giọng nói nhỏ nhẹ nhưng vui nhộn của Ca-da- cốp vang lên. — Các anh cứ chờ xem, sẽ đến lúc bọn Đức bị giáng trả lại, lúc đó chúng ta sẽ nói được những câu chuyện hay hơn...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2020, 04:22:17 pm »


        A-Iếc-xây Grô-móp khó khăn lắm mới nhắc được đôi chân lên giường, sau đó ông xoải chân ra và thấy người dễ chịu hẳn, nhưng đồng thời chưa bao giờ lại cảm thấy tâm hồn nặng trĩu, buồn bực như những giây phút này.

        — « Phong trào thi đua chào mừng Cách mạng tháng Mười sắp tới đang dấy lên ở các xí nghiệp, nhà máy, các nông trường, nông trang tập thể, nhằm thực hiện tốt nhất các nhu cầu của mặt trận. Tiến độ sản xuất hàng quân sự của nhà máy chế tạo En-ski ở Lê- nin-grát tăng nhanh hàng ngày... Trong mỗi ca sản xuất, thợ tiện Pô-lu-bôi A-ri-mốp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch của bốn ngày... ». Khi đọc đến chỗ này, Oóc-lốp đưa mắt nhìn những người xung quanh.

        — Trước chỗ tôi cũng có cậu học sinh Mi-sa Pô-lu-bôi A-ri- mốp, không biết có phải đúng cậu này không? — Ồng nói. — Nếu là cậu này... Nhưng thôi. «Thợ tiện Mô-sca-lép và Cu-đri-a-sép, thợ cùng ca, trong một ca sản xuất đã làm được hai mươi chi tiết máy so với bảy chiếc theo định mức. Thợ tiện Bru-xnhi-kin đã tăng tốc độ cắt gọt lên gấp hai lần và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất vượt bốn trăm phần trăm...».

        «Giờ ngủ rồi mà họ còn đọc to những cái này làm gì nhi?» —  Ông già A-lếc-xây Grô-mốp thầm nghĩ và ghen tị với những kết quả cao mà những anh chàng Pô-lu-bôi A-ri-mốp, Mô-sca-lép, Bru- xnhi-kin không quen biết nào đó đã đạt được. Cần phải cho mọi người đi ngủ chứ.

        ... Oóc-lốp sau đó phải đi luôn đến xưởng, còn Ca-da-cốp nằm xuống cạnh A-lếc-xây Grô-mốp. Người dong dỏng, nhỏ nhắn, cái đầu hói của ông chi còn lơ thơ mấy sợi tóc bạc, trông ông già hơn Grô- mốp đến một hai tuổi. — Nhưng đây lại là một con người hạnh phúc — ông già Grô-mốp bực bội thầm nghĩ — ông ta vẫn giữ được dáng đi nhanh nhẹn mà mình vẫn thèm muốn. Ca-da-cốp chỉ cần vài bước là mình đã phải đuổi tóe khói ra rồi.

        — Bác lại khó chịu không ngủ được à, A-li-ô-sa? — Ca-da- cốp hỏi, giọng nho nhỏ. — Thôi, tốt nhất là cố gắng ngủ đi, ông bạn già ạ... Sáng mai chúng ta phải làm sớm mà.

        — Thế sao chính ông cũng không ngủ? — A-lếc-xây Grô-mốp bực bội hỏi lại.

        — Ồ người anh em ạ, tôi hầu như không thể ngủ được. Buồn cười thật đấy, không hiểu bây giờ cái ý thức tổ chức của tôi nó đi đàng nào rồi — vẫn hóm hỉnh hào hứng như mọi khi, Ca-da-cốp trả lời. — Cứ cố thiếp đi một chập rồi lại cố thêm một giờ nhưng mắt vẫn cứ tỉnh như vừa tắm ở suối lên.

        A-lếc-xây Grô-mốp khẽ động đậy đôi chân tê buốt dưới chăn, hình như cơn đau đã bớt được phần nào.

        — Bác vẫn hoàn toàn như thế, phải bỏ hẳn cái kiều nhai đi nhai lại đi. — Không nhìn lên người bạn, ông nói tiếp. — Bác có vẻ như những tiên ông trên trời...

        — Đấy... đấy... chính tôi cũng đang phòng ngừa cho mình điều đó. — Ca-da-cốp vui vẻ trả lời. — Tôi chỉ còn băn khoăn có điều đó là bởi vì tôi đã gày mòn, khô héo dường như người bị bốc hơi hết rồi. Giờ đây, thế có nghĩa là không thể đòi hỏi tôi như đòi hỏi mọi người khác mà phải đòi hỏi nhiều hơn, gấp ba gấp bốn lần...

        Đặt cổ tay phải vào bàn tay trái để do xem béo hay gầy, ông muốn chứng tỏ rằng bây giờ chính ông cần cái gì.

        — Đúng là chuyện hoang đường, mà không chỉ thế thôi. — ông vẫn tiếp tục vui vẻ nói. — Bác A-li-ô-sa ạ, tôi thấy bác đang đau yếu già nua đi đấy, còn loại tôi, ông bạn già ạ, ngày càng hiếm trên trái đất này đấy. Bác vừa nói đấy, thời gian qua đi, bác thì thấy bản thân nhiều chuyện bực mình, cỏn tôi tất cả đều dễ chịu.

        A-lếc-xây Grô-mốp lặng thinh, bực mình vì những lời nói đùa có vẻ không đúng lúc của Ca-da-cốp.

        Ở giường bên, ông già thợ tiện An-ma-dốp cựa mình. Mái tóc bạc với bộ râu dài trắng phau, trông ông giống như ống già Nô-en, những đường gân nhỏ hồng hồng trên má. làm mặt ông thêm đỏ tía. Từ nãy đến giờ, ông vẫn ngồi im cúi đầu xuống đầu gối đang kẹp chặt hai bàn tay, im lặng không tham gia cuộc tranh luận của hai người.

        — Bác thấy đấy, bao nhiêu là công việc. — Bây giờ ông mới nói. — Nếu chúng ta tính thử xem người nào có những bệnh gì thì đến sáng chúng ta cũng không tính hết được. Lúc này là phải quên hết bệnh tật đi.

        — Bác nói rất đúng, — Ca-da-cốp thốt lên sung sướng. —  Bọn trẻ bây giờ ở mặt trận đang cần đến chúng ta. Như vậy, một lần nữa, có thể là lần cuối cùng, chúng ta lại được đứng lên bảo vệ chính quyền Xô-viết.

        — Khe khẽ một tí, bác Cu-dơ-ma! — Ông già Grô-mốp nói. —  Mọi người đã ngủ rồi đấy.

        An-ma-dốp cúi chiếc đầu bạc trắng như tuyết, chìm đắm trong đăm chiêu suy nghĩ.

        Ca-da-cốp nhìn xung quanh, vòm cửa hầm được xây cao, mái hầm hình vòm. Ở tít góc trong, nơi để những chiếc ghế, là chỗ dành riêng cho «giới trẻ», là những người chưa vượt quá cái tuổi năm mươi; tiếng ngáy đều đặn của ai đó đang vang lên.

        — Prô-ta-xốp đã ngủ rồi, — Ca-da-cốp lẩm bẩm ngạc nhiên. —  Đúng là quỷ chứ không phải người, đặt mình xuống là ngáy được rồi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2020, 07:23:56 am »


        Cách đấy một quãng là bộ tóc bù xù con nhím của Ni-cô-lai- ép, thợ khắc chạm, thò ra dưới gối. Ông cũng là bạn cũ của Grô- mốp, một con người tế nhị, dịu dàng và năng nổ.

        — Bác có công nhận không, hả bác Cu-dơ-ma ? — Quay sang Ca-da-cốp, Grô-mốp hỏi với giọng yếu ớt, dường như bị nghẹn. —  Thói quen lao động, đây là liều thuốc quý giá nhất. Chỉ sau một đợt lao động, anh có thể ăn ngon ngủ yên như bọn trẻ ngay.

        Nói xong, ông lim dim đôi mắt tỏ vẻ muốn ngủ... Đối với Ni- cô-la-ép, một ông già còn khá khỏe mạnh, thì sự dễ chịu, thoải mái, nói về phương diện nghề nghiệp, là được đứng làm việc, được nói chuyện về công việc trong tuần tới.

        Trong thâm tâm ông già Grô-mốp cảm thấy lo sợ vì có thể làm việc kém hcn mọi người, phần thể xác của ông không chịu quyền điều khiển của ông nữa, nó đã già yếu đi rất nhanh chóng so với khả năng muốn hoạt động, nghị lực của ông. Bởi vậy nhiều lúc ông cảm thấy mình không phải là đã già, nhưng thực tế lại phải sống với cơ thể yếu ớt của mình và ông cảm thấy nặng nề khó chịu vì mọi người xung quanh đã hiểu ông rất cặn kẽ và do đó, trong công việc họ nhường nhịn ông, ông không được đứng ngang hàng với họ. Còn đối với ông, lòng mong ước được làm việc như mọi người đã trở thành thói quen trong những năm qua, bây giờ ông không muốn ai đụng đến bệnh tật của mình cả. Ông cảm thấy xấu hổ và thầm nghĩ một khi nỗi bất hạnh đã đến thì tự bản thân ông sẽ vượt qua được mà không cần đến bất kỳ sự giúp đỡ của ai.

        Grô-mốp thức giấc khi trời chưa sáng hẳn. Ông hơ ấm chân rồi lấy xà cạp quấn lại một cách cẩn thận hơn và chặt hơn mọi khi, sau đó đi tất ra ngoài. Mặc xong quần áo, ông chậm chạp đi dần ra phía cửa buồn rầu nhưng kiên quyết như một đấu thủ quyết chiến đấu đến cùng trong cuộc đấu không cân sức. Ông đã tự nhủ thầm chỉ chịu rời khỏi xưởng chừng nào ông không còn đứng được nữa và người ta phải khênh ông ra khỏi xưởng mới thôi.

        Trong phân xưởng của ông, trước đây là phòng thiết kế rộng lớn, ấm hơn hẳn tất cả các phân xưởng khác của nhà máy. Những chiếc máy tiện, máy phay, máy khoan cũ kỹ, han gỉ được lắp ráp trong một thời gian ngắn đã sẵn sàng làm việc. Những lúc khác nhìn thấy chúng thì Grô-mốp thường nở nụ cười bao dung, độ lượng. Nhưng giờ đây chúng chỉ làm cho ông thấy khó chịu, nặng nề vì cái vẻ già nua cũ kỹ của chính chúng.

        Mười lăm phút, rồi nửa tiếng trôi qua, máy vẫn chạy tốt, tiếng reo đều đặn, nhịp nhàng, những thoi kim loại trắng lấp lánh bị nguội lạnh khi qua chất dịch rơi xuống dưới chân người thợ tiện già kêu lanh canh nghe rất vui tai, làm cho Grô-mốp cảm thấy tâm trí thanh thản dễ chịu hơn. Có thể là không đúng, nếu nói rằng, được trở về bên chiếc máy thân yêu sau thời gian xa vắng nó, giờ đây ông cảm thấy một niềm phấn chấn rất long trọng và căng thẳng. Được làm những công việc mà mình vẫn yêu thích, ông lại cảm thấy tự do, thoải mái hơn nhiều. Cũng giống như một người đi xa mệt mỏi khi trở về nhà lại được mặc bộ quần áo ưa thích, mát mẻ hàng ngày của mình. A-lếc-xây Grô-mốp lắp thỏi thép vào gá ngoàm rồi mở máy, đưa dao tiện vào thỏi thép, điều chỉnh tốc độ vòng quay lúc tăng lúc giảm và công việc cuốn hút tài năng lão luyện chính xác đến kinh ngạc cửa ông. Qua nhiều năm làm việc đã tạo cho ông một sự nhạy cảm rất tinh tế, nhạy bén với máy móc và dụng cụ của mình, kể cả những máy khó sử dụng. Ông coi máy như một người ngang hàng với mình, ông thường thủ thỉ nói chuyện, tâm sự với nó, sửa đi sửa lại các bộ phận của nó và ngược lại nó cũng không phụ lòng ông, nó luôn làm việc tốt. Từ lâu rồi, đối với ông, lao động sáng tạo là một cái gì đó rất huyền bí diệu kỳ, mà chỉ có những người thợ lão luyện, lành nghề mới khám phá ra nó. A-lếc-xây Grô-mốp như một chuyên gia thực thụ, các thao tác của ông chính xác, nhanh nhẹn, hơn nữa, trong ông còn có một đặc điểm rất đáng quý mà người ta thường gọi là sự linh cảm với máy móc.

        Nhưng cái bản năng cảm thụ, thậm chí hình như là đoán trước được những điều mà người khác không thấy trong công việc, làm mọi người ngạc nhiên chẳng phải là cái gì xa lạ thần bí ngoài việc biết tích lũy các kinh nghiệm lâu năm. Và giờ đây, ông lại có dịp vui thú với tài năng của mình, cái tài năng đã trở thành nguồn gốc của lòng tự hào, nhưng đứng ngoài nhìn vào thì có vẻ như không cần cố gắng gì lớn lao lắm. Ngắm nghía sản phẩm vừa làm xong đang âm ấm và nặng trịch, bóng loáng như một vật báu nằm trên lòng bàn tay dính dầy dầu mỡ, người thợ già lãng quên ngay tất cả những điều ấm ức vừa qua.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2020, 07:24:16 am »


        Ít giờ sau, toàn nhà máy đã biết tin là trận chiến đấu chặn bọn Đức tiến công đã bắt đầu diễn ra trên đường Oóc-lốp ở phía Nam thành phố. Nhà máy cách các vị trí tiền tiêu khoảng một ki-lô-mét rưỡi nên nghé rất rõ tiếng đại bác, pháo nổ và cả liên thanh nữa. Các cánh cửa kính đều bị rạn, các cửa thông hơi bị nửt nẻ. A-lếc- xâv Grô-mốp và các bạn già của ông vẫn tiếp tục làm việc coi như không có gì xảy ra, nhưng họ vẫn thấp thỏm chờ đợi từng phút lệnh rời khỏi nhà máy. Họ biết rõ tòa nhà phân xưởng đã được đặt mìn và nếu quân thù tràn được vào đây, họ sẽ cho mìn nổ. Những người được phân công phá nổ từ hôm qua đến giờ không lúc nào rời vị trí, sẵn sàng chờ đợi hiệu lệnh là bấm điện. Bởi vậy, A-lếc-xây Grô-mốp cũng như tất cả mọi người trong nhà máy đều hết sức khẩn trương tranh thủ tính toán từng phút, để khi chưa có lệnh cuối cùng phát ra, họ vẫn có thể làm những gì cần thiết. Khuôn mặt nhăn nheo già nua của ông đã lấm tấm mồ hôi, mái tóc bạc hoa râm xõa lòa xòa xuống trán. Chính cái ý nghĩ cho là trong buổi sáng nay con trai mình, Pa-ven của ông, đang chống trả quyết liệt kẻ thù đã làm cho ông vừa lo lắng nhưng đồng thời cũng tiếp thêm cho ông một sức mạnh mới. A-lếc-xây Grô-mốp cảm thấy chính Pa-ven, chứ không phải ai khác, đang nóng lòng đợi những khẩu súng mà người cha thân yêu của nó đang làm. Ngoài sự lo lắng khi nghĩ đến những nguy hiểm đang đe dọa Pa-ven, ông còn lo sợ khi thình lình nhận được lệnh rút ra khỏi nhà máy, rồi nhà máy sẽ bị phá và hy vọng vào chiến thẳng của đứa con trai cũng sụp đổ theo. Khoảng hai giờ chiều, tiếng súng đã thưa thớt hơn, và lúc đó A-lếc-xây Grô-mốp mới ngạc nhiên thấy mình đã đứng bên máy hơn bảy giờ liền, quên hết cả bệnh tật, ông đã tiện xong gấp hai lần số chi tiết được giao. Lúc này ông mới cảm thấy chân đau ê ẩm. Nhưng thật may cho ông, người ta gọi ông đi họp ở chỗ Oóc-lóp, do đó có thể được ngồi và nghi ngơi đôi chút. Và đến tối, ông cũng không phản đối khi bí thư đảng ủy bắt ông cùng An-ma-dốp và Ni-cô-la-ép đi ngủ.

        Sáng hôm sau, bí thư đảng ủy mang đến cho ông đôi ủng, ông đã cám ơn, định nhận nhưng khi ông ngờ ngợ là bệnh tật của mình đã bị phát hiện thì ông liền từ chối, nhất định không chịu nhận nữa. Ông viện lẽ đã quen đi giày và như thế làm việc sẽ thuận tiện hơn. Ngày thứ hai đứng máy ông thấy khó khăn hơn so với ngày qua. Trước bữa ăn trưa một lúc, cái giờ phút mà ông không thể chịu đựng được nữa đã đến: chân ông cứng đờ, nặng trình trịch không chịu tuân theo ông. Tắt máy, ngẩn người ra, A-lếc-xây Grô-mốp đứng đờ tại chỗ không dám nhúc nhích vì sợ bị ngã... Nhưng ông cũng không gọi người lại đỡ mà chỉ nheo mắt lại như không muốn nhìn thấy tình cảnh thất vọng đáng sợ của chính mình.

        — Bác làm sao thế, bác A-li-ô-sa?— Ông nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ của Ca-da-cốp thoảng lên sau lưng. A-lếc-xây Grô-mốp mở bừng mắt, ngửa đâu lên, cười một cách yếu ớt và lạ lùng, cố thu hết sức lực còn lại để có thể nhấc chân lên được, ông ưỡn thẳng người dậy, dường như lao về phía trước, rút bổng chân phải lên rồi đặt xuống, rồi lại nhấc chân trái lên và đặt xuống. Lấy hộp thiếc nhỏ cùng chiếc tàu ở trong túi ra, ông làm như đang định hút thuốc và bảo với Ca-da-cốp:

        — Sức lực đã cạn hết rồi, bác Cu-dơ-ma ạ! Giá như bác cố hộ cho...

        Chậm rãi, từ tốn, ông đi ra phía cửa, đôi chân đau nhói. Ca- da-cốp lo lắng nhìn theo, và khi cánh cửa đã khép sau lưng A-lếc- xây Grô-mốp, ông mới thốt lẻn:

        — Bác vẫn là chàng trai A-li-ô-sa Grô-mốp ngày xưa, bác A- Iếc-xây Va-xi-li-ê-vích ạ. Thật là một con người độc đáo!

        A-lếc-xây Grô-mốp ngồi phịch xuống chiếc ghế ngoài hành lang, chìm đắm trong suy nghĩ, hai tay bóp bóp đầu gối, thở dài khe khẽ, trở vào xưởng.

        Vào ngày thứ ba, Oóc-lốp giao cho Grô-mốp tiện nòng súng cối, một công việc đòi hỏi sự tinh tế, chính xác rất cao. A-lếc-xây Grô-mốp đã làm xong nòng súng đầu tiên, nhưng thật ra, nói cho thật chính xác —đó là một cái ống, ở đoạn trên đươc một bàn tay diêu luyện chế tạo ra hình dáng nòng súng, có rãnh, có đường xoắn ốc... tuy có như vậy thôi, nhưng cái nòng súng đầu tiên này đã làm cho ông già hết sức dễ chịu, thích thú.

        Trong những tháng qua, ông đã lo lắng, không yên tâm khi nghĩ đến công việc, cả những lúc vui hay lúc buồn ông đều bị dằn vặt vì nó. Bề ngoài ông bình thản, nhưng trong lòng ông không yên chút nào, còn giờ đây ông đã thỏa mãn và ý thức được sự có ích của mình. Chỉ có lao động thôi và không một cái gì khác có thể thay đổi được nó, mới mang đến cho ông sự bình thản, thoải mái trong tâm hồn, thiếu nó sao ông cảm thấy nặng nề, khó thở đến thế.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2020, 07:24:37 am »


        ...Trong nhà máy cũng như khắp mọi nơi trong thành phố bị bao vây này, mọi người đang nhanh chóng thích nghi với những điều kiện sống và làm việc mới... Chiến sự vẫn diễn ra ở vùng ngoại vi, lúc im ắng, lúc lại rộ lên, còi báo động thường rú lên lúc gần tối, còn ban ngày bọn Đức không ngừng pháo kích vào thành phố. Trong các bệnh viện, bên cạnh thương binh từ tiền tuyến về, còn cỏ nhiều phụ nữ, trẻ em bị thương vì bom đạn Đức. Có những người sáng dậy đi làm nhưng bản thân họ cũng không biết được chiều nay còn sống không. Các bà mẹ bước ra khỏi nhà cũng lo sợ khi nghĩ có thể họ sẽ không được gặp lại những đứa con thân yêu nữa. Nhưng bất chấp tất cả, hay nói đúng hơn là đấu tranh với những điều đó, mọi người càng hiểu rõ hơn họ phải làm và làm tốt nhất tất cả mọi việc vì cuộc sống và chiến thắng. Các cửa hàng vẫn mở cửa như thường lệ và những người bán hàng đeo mặt nạ phòng độc sau lưng vẫn điềm lĩnh đứng ở quầy hàng. Nhà tắm hơi, hiệu cắt tóc, cửa hàng ăn uống vẫn tiếp tục làm việc và cách đây không lâu, một xưởng ăn uống đã được khai trương ở trung tâm thành phố để phục vụ bữa ăn trưa nóng sốt cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Trong các hợp tác xã của những người mất sức, tàn phế, mọi người đang vá chữa giày, ủng cho chiến sĩ, - còn ở nhà máy may, các chị khẩn trương may áo khoác bộ đội.

        Đêm đêm, ngoài giờ làm việc, trong các ngôi nhà, mọi người dân đều nhận giặt là quần áo của chiến sĩ. Và cùng hòa nhịp với cuộc sống sôi động này, trong các nhà hộ sinh của thành phố, khi các nhóm tự vệ áo trắng trực trên tầng thượng thì ở dưới, trong các gian phòng sáng sủa, những công dân trẻ nhất thành phố cũng cất tiếng khóc chào đời; và trận đánh đang diễn ra cách đấy không xa cũng là vì cuộc sống và hạnh phúc của những đứa trẻ này...

        Vào ngày thứ tư của cuộc bao vây, hai quả bom hai trăm năm mươi cân rơi trúng khu nhà máy cơ khí, một phần phân xưởng máy bị đổ, còn phân xưởng đúc thì bị nặng hơn. Trận oanh tạc ngừng từ lâu rồi mà tiếng kính vỡ vẫn còn kêu răng rắc, và qua các khung cửa sổ trống hoác đã lác đác thấy các bông tuyết đầu mùa bay qua. Nhưng công việc ở phòng thiết kế cũ vẫn không ngừng chút nào: ai được ngủ ban ngày thì ban đêm đứng máy. Những người thợ nguội đã bắt đầu lắp khẩu cối đầu tiên, còn ở các khu vực khác trong nhà máy, các đội tình nguyện đang lao động ngày đêm.

        Khu vực rèn cao rộng nhưng vắng ngắt vì công nhân đã chuyền sang làm ở ga-ra xe. Công việc rèn ở đây hoàn toàn thủ công, cả đốc công lãn thư ký công đoàn phân xưởng cũng ra đứng búa rèn bệ súng cối. Trong phân xưởng đúc bé nhỏ đang tiến hành sửa chữa các loại vũ khí nhẹ tự động mà người ta tìm thấy ở vườn hoa thành phố và ở các cứ điểm trước làng Mư-skin.

        Cái nhà máy rộng lớn này bây giờ chỉ căn thoáng đưa mắt là có thể bao quát được toàn bộ sự hoạt động của nó. Bởi vì, chỉ có một nhóm người còn làm việc ở đây và như có cảm tưởng rằng cảnh hoang tàn, đổ nát của nhà máy rộng lớn này đã hút mất họ, những cơn gió rít gầm gừ thổi qua, những cửa sổ bỏ ngỏ trong các tòa nhà thênh thang. Những tia lửa hàn xanh xanh lóe lên, trong bóng sương mù dày đặc trông cũng mờ ảo xa xôi như các ngồi sao trên trời. Song những con người ở đây không cảm thấy đơn độc vì con số ít ỏi của họ. Lòng nhiệt tình hăng hái đã sưởi ấm họ, tăng thêm sức chịu đựng những cơn gió tháng mười quái ác đang hoành hành trong các ngôi nhà không có cửa sổ. Trời lạnh buốt và để rèn được nhanh, có chất lượng, người thợ phải luôn luôn ngâm tay vào nước ấm. Do đó những ngón tay bị nứt nẻ, rỉ máu, nhưng việc rèn lại tiến hành tốt hơn. Những thợ rèn chỉ hơi nhăn mặt khi phải ráng kìm chặt các thỏi sắt vì bàn tay đau nhức nhối.

        Giờ đây A-lếc-xây Grô-mốp cảm thấy ngày một khỏe hơn, tuy được nghỉ rất ít như những người khác, còn việc ăn, ngủ lại thất thường. Bệnh tật vẫn hoành hành, nhưng có vẻ cũng đã phải chịu thua trước sự gan bướng của ông già và ông không cần lưu tâm đến nó nhiều như trước nữa. Vả lại, khi nhìn những người bạn cùng tuổi, theo như cách gọi của Ca-da-cốp đang cùng làm việc với ông ở nhà máy, ông có cảm tưởng như họ đang trẻ lại. Mọi người thân ái, đoàn kết hơn, vui yẻ, nhanh nhẹn hơn; họ thường trêu chọc, cười đùa với nhau như thời tuổi trẻ xa xôi; có thể nghĩ là hoàn cảnh khó khăn gian khổ đã làm họ xích lại gần nhau. Chính vì thế họ thấy mình lạc quan, trẻ trung ra. Ngay cả An-ma-dốp, một ông già ít nói, tư lự, trâm ngâm cũng làm cho Grô-mốp ngạc nhiên vì ông ấy đã bắt đầu bắt chuyện hồ hởi, vui vẻ với những người xung quanh. Có một lần, trong bữa ăn, bên chiếc bàn đầy bụi sắt đặt ở góc xưởng, An-ma-dốp đã thổ lộ:

        — Ông có thấy không, tất cả cánh mình vẫn còn khỏe ra phết! Không có lúc nào nghĩ đến mình nữa, đúng thế không? Người này nghĩ đến người khác, và cứ như vậy...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2020, 07:25:14 am »


        Trong đôi mắt xanh trong của ông, dưới hàng lông mày rậm bạc trắng, lộ vẻ ngây thơ, hiền từ.

        — Sở dĩ như vậy là do chúng mình sống và làm việc chung cùng nhau, — Ca-da-cốp nói. — Tình đoàn kết của chúng ta lớn lao lắm.

        — Thằng con trai cứ khuyên can tôi mãi. — Grô-mốp vừa nói vừa cười. — « Bố phải rời khỏi đây ngay, — hắn khuyên — bố ở lại đây chẳng đề làm gì cả; còn ở đấy người ta đón tiếp bó với tất cả sự kính trọng và thu xếp cho bố...». Tôi rất giận nó nên nhất quyết không đi đâu cả.

        — Bọn thanh niên thường hay coi chúng mình như vậy đấy. —  Ca-da-cốp nói tiếp. — Nhưng thực tế, thế hệ chúng ta chưa phải là đã vô dụng. Các cụ già ấy còn ở đây làm gì, chúng nó nghĩ, ở đấy có than ấm, được kính nè. Tuồi già sức yếu, như loại gà già, còn chúng ta đây đang trẻ như loại gà giò.

        — Nhưng thằng Pa-ven nhà tôi thì nó không nghĩ thế đâu. —  A-lếc-xây Grô-mốp hơi cau mày nói.

        — Thằng Pa-ven nhà bác... — Ca-da-cốp cười độ lượng. — Có bà

        đỡ từ Da-mô-ri-a tới, mang theo bình sức khỏe, đối với người khác bà ta cho từng nắm một, nhưng thằng Pa-sa nhà bác thì mụ ta dành cả bình. Bác A-li-ô-sa, lạy trời, đừng có giận con mình làm gì. Đúng thế đấy.

        Trên danh nghĩa là tổ trưởng tổ tiện, Ca-da-cốp không chịu ngồi yên một chỗ. Lúc nào cũng nhìn thấy cái đầu hói của ông loanh quanh trong xưởng và cái giọng khe khẽ luôn luôn nghe vang lúc ở đây, lúc ở kia.

        — Không được đâu, người anh em ạ, chỗ này cần phải làm lại. —  Ông nói với một công nhân làm sai một chi tiết nào đấy. — Phải tháo ra làm lại thôi, nếu không thì phải tiện cái khác. Cậu ăn cháo hay sao mà không hiểu được điều này!

        Ông cười ha hả và A-lếc-xây Grô-mốp cũng phải cất tiếng cười theo. Trong thời trai trẻ của hai ông, bề dày của những đồng tiền lẻ là đơn vị đo lường chính xác nhất trong nhà máy. Bây giờ, A-lếc- xây Grô-mốp, Cu-dơ-ma vui vẻ thực sự khi nhớ lại lúc đó họ đã từng làm việc như thế nào.

        Đôi lúc, trước khi đi ngủ, ngồi hút thuốc trên giường trong hầm trú ẩn, họ kể lại cho nhau những chuyện quá khứ của mình.

        Họ nhớ lại những năm đầu của thế kỷ này, năm 1903, 1904, 1905: cuộc biểu tình tuần hành đầu tiên của công nhân thành phố, những cuộc bãi công,đụng độ với cảnh sát, những vết khắc kỷ niệm trên thân cây trong rừng; rồi nơi họ hội họp để nghe những người Bôn-sê-vích nói chuyện. Nhưng những câu chuyện của năm linh năm họ lướt qua để nói về năm mười bảy lịch sử. Họ sôi nổi khi nhớ lại cảnh họ đi tước vũ khí của bọn lính chính phủ lâm thời, về cuộc tiến công kho vũ khí vào một đêm thu lạnh lẽo, về những ủy viên nhân dân đầu tiên được bầu vào Xô-viết thành phố. Nhưng họ cùng thấy những gì ý nghĩa nhất trong cuộc đời riêng của họ đều không đáng kể, so với những người anh hùng, những sự kiện lịch sử vĩ đại. Trong những buổi tối như thế, A-lếc-xây Grô-mốp vừa ngồi nghe, vừa góp chuyện và cảm thấy hình như ông đã trải qua những cuộc đời như vậy.

        Trong phân xưởng ông làm việc sau tấm vách ngăn bằng gỗ giữa hai phòng, ông thường nghe thấy giọng nam cao rè rè của Ni-cô-la-ép. Ông thợ khắc chạm già ngồi dưới ô cửa sổ hình vuông đề làm thước ngắm súng cối.

        Trong ngôi nhà gỗ cao... cao.
        Đội ngũ ta vẫn cò... òn...

        Ni-cô-la-ép hát toáng cả nhà, quên cả mọi người xung quanh, mắt ông nheo nheo, chỉnh đi chỉnh lại các số đo trên thước ngắm súng cối.

        Mỗi làn nghe giọng hát đó, Ca-da-cốp lại đưa mắt nhìn A-lếc-xây Grô-mốp như muốn nói « Đấy, ông xem, chúng ta còn có thể như thế đó».

        Nhưng dĩ nhiên, các ông già thường bàn luận với nhau về tình hình chiến sự, về tin tức ngoài mặt trận, hơn tất cả mọi chuyện. Mà mặt trận thì đã ở ngay sát thành phố này, và từng giờ, từng phút trong nhà máy đã cảm thấy không khí đó. Không phải chỉ mình A-lếc-xây Grô-mốp có người thân ngoài mặt trận, những tin tức về sự mất mát đầu tiên của trung đoàn công nhân đã bay về nhà máy, nó liên quan đến những người bạn của ông. Người em trai của bác thợ nguội Prô-ta-cổp đã hy sinh, An-ma-dốp vừa đi thăm thằng cháu bị thương nặng nằm ở bệnh viện. Đồng thời về phần mình, mọi người dân thành phố đều hân hoan vui mừng với mỗi chiến thắng của trung đoàn, họ cùng chia sẻ với nhau và coi đó như là niềm vui của chính gia đình mình.

        Chủ tịch ủy ban bảo vệ thành phổ La-tô-skin cũng đã đến thăm nhà máy một vài lần. Ông thăm các phân xưởng, hỏi chuyện mọi người và trả lời các câu hỏi của họ.

        Hàng ngày cũng có các chiến sĩ của trung đoàn đi xe tải chở đến nhà máy những vũ khí hỏng cần sửa chữa và nhận những khẩu súng đã được chữa lại hoàn hảo. Những chiến sĩ này chẳng xa lạ gì, họ chính là những công nhân của các nhà máy lân cận: nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất vũ khí, sản xuất ấm đun nước Sa-mô-va, nhà máy đồ gỗ, nhà máy liên hợp, đoạn đầu máy...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM