Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:12:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thành phố hòa bình  (Đọc 17319 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #160 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2020, 09:43:09 am »


        Lão già nhìn Vô-lô-đi-a lúc này đang đứng xây lưng về phía lăo và nói chuyện gì đó với Vi-chi-a. «Giá như được nhìn thấy cả hai đứa mày lủng lẳng trên giá treo cổ nhi ?» — Bu-kha-xép chợt nghĩ và sợ hãi đưa mắt nhìn chung quanh, dường như sợ có ai đó có thể  đọc được ý nghĩ của lão.

        — Bác không được khỏe hả bác Mi-khai-in Mi-khai-lô-vích ? —  Ôn-ga hỏi. — Đưa tôi rót thêm chè cho bác nào...

        — Thôi cám ơn. — Lão già thì thầm, chợt như tỉnh ra. — Đủ rồi, chị chủ nhà đáng kính ạ. Đa tạ chị hết lòng...

        Nhưng lão còn trùng trình chưa muốn về ngay, lão sợ phải trở về căn phòng trống rỗng, sặc mùi dầu gai, đầy bụi bậm và mùi quần áo cáu bẩn của mình, về cái nơi bây giờ chỉ có sự hoài nghi khủng khiếp luôn rình mò. Hôm nay lão đến đây không những vì lão có nghĩa vụ phải đến gieo rắc tin đồn đại và lắng nghe mọi thứ, mà điều chủ yếu lão muốn tránh sự cô đơn không chịu đựng nổi. Và chừng nào những con người đang tụ tập ở đây chưa phải là vật hy sinh của lão như điều lão từng mơ ước thì lão còn rất cần phải hòa chung vào cái xã hội của họ... Chỉ khi chị lao công bế con đứng dậy và những người phụ nữ khác bắt đầu chào nhau ra về thì lão mới đứng lên vẻ luyến tiếc.

        Vi-chi-a đã thiu thiu ngủ trên đi văng, Vô-lô-đi-a cũng sửa soạn, chỗ gần cậu ta, nằm nghiêng lên chiếc gối... Cậu cảm thấy mệt rã rời, dù sao thì đã hai đêm nay không được ngủ. Nhưng vẫn còn băn khoăn chờ đợi điều gì đó : có lẽ cái ngày hạnh phúc nhất này của cậu. phải kết thúc khác hẳn những ngày bình thường trước đây. Gô- ga nằm trên chiếc ghế đối diện, định nói chuyện gì đó, nhưng Vô-lô- đi-a chỉ gật đầu cười mệt mỏi... còn Ôn-ga và Lê-na vẫn ngồi bên bàn, nói chuyện khe khẽ với nhau, đúng hơn là Lê-na nói nhiều hơn, thỉnh thoảng cô lại sửa mái tóc bạch kim loăn xoăn của mình, còn bà mẹ vừa tráng đĩa bát, vừa hỏi chuyện cô gái. Ngắm nhìn hai người, Vô-đô-đi-a thầm nghĩ họ giống nhau như hai chị em — một chị cả và cô em út. — Nhưng nhìn kỹ thì lại có những nét khác nhau: đôi mắt của Lê-na màu xanh lam, còn mắt mẹ xanh biếc, lấp lánh những tia vàng. Một người má hóp, hơi tái, còn người kia má tròn trịa, đều đặn như quả táo. Trán mẹ có nếp nhãn thẳng, còn Lena có chiếc trán dô bướng bỉnh. Nhưng có điều gì đó không rõ làm đã làm cho họ gần gụi thân thiết với nhau, và đã làm Vô-lô-đi-a rất thú vị. Nhưng cũng không thể kết luận đó chính là cái gì, cậu chỉ mỉm cười với cả hai người trong cơn buồn ngủ vừa chợt đến và thiếp đi.

        Gô-ga buồn rầu khi thấy Vô-lô-đi-a đã ngủ. Cậu ta có rất nhiều tin tức mới mẻ định chia sẻ cùng Vô-lô-đi-a và đã tưởng tượng ra cảnh ấy. Trước tiên, cậu ta sẽ kể là đã giải được bài tập ra sao, đã chép tiếng Nga từ một quyển sách vào vở, mặc dù không được đến trường như trước nữa. Sau đó, dĩ nhiên Vô-lô-đi-a sẽ không kém phàn thú vị khi được biết là Côn-ca Dvan-xép được nhận vào học nghề tại nhà máy, I-go Pê-rê-vô-tri-cốp đã trúng tuyển vào đội máy bay khu trục của đoàn Côm-xô-môn, còn Prô-khô-rốp đã cùng với gia đình sơ tán về quê và cuối cùng là có những người rất lạ, chưa hề quen biết. Không phải dân thường, cũng không phải bộ đội, chính cậu ta cũng không phân biệt được, thường đến thăm ông già Bu-kha- xép. Còn bản thân ông già Bu-kha-xép thời gian gần đây trở nên độc ác, cáu kỉnh và thậm chí có lúc đã mắng Gô-ga là đồ không có chân nữa... Nằm trên gối, sắp xếp các chi tiết cẩn thận, tỉ mỉ hơn, Gô-ga đành phải kìm lòng sốt ruột chờ người bạn lớn tuổi của mình dậy. Nhưng cô Ôn-ga quyết định chỉ gọi Vô-lô-đi-a dậy trước lúc phải ra đi có ít phút và do đó ý định của Gô-ga nói chuyện với Vô- lô-đi-a thế là không thành.

        ... Xuống hết cầu thang ra đến sân, Vô-Iô-đi-a thoáng rùng mình: tuyết đập vào mặt chảy cả nước vào mắt anh. Một cơn bão tuyết bất ngờ ập đến, thành phố bị chìm trong bóng tối lạnh buốt, mờ ảo. Tuyết rơi lúc dày đặc, lúc lại thưa dần. Nhưng hôm nay ngoài đường người qua lại đông hơn. Trên gác tư ở góc phố Thợ luyện kim, quảng trường Lao động, ba người nhìn thấy một đám đông người qua màn sương trắng tuyết mờ mờ.

        Khi họ đến ngã tư thì nghe thấy có tiếng nói của ai đó không rõ đang phát ra từ chiếc loa phóng thanh treo trên cao. Sau đấy, tiếng loa im lặng một lát và trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, nghe rõ tiếng gió rít trên mái nhà, cảm thấy cả đám đông im lặng nín thở như thế nào. Rồi bỗng nhiên một giọng nói khỏe, đĩnh đạc và bình tĩnh vang lên, tỏa ra trên đám người đang đứng bất động, im lìm bên nhau trong cơn bão tuyết:

        «Các đồng chí, hai mươi bốn năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười thắng lợi và chính quyền Xô- viết được thành lập trên đất nước chúng ta. Chúng ta đang bước sang ngưỡng cửa của năm mới, năm thứ hai mươi lăm của chế độ Xô-viết...».

        «Xta-lin!... Xta-lin đang nói!» — Vô-lô-đi-a suýt hét lên. Cậu ngoái lại tìm Lê-na, nhìn thấy cô qua hàng tuyết dày dặc, cặp lông mày trên mặt cô nhíu lại, cậu vội nắm lấy tay cô kéo lên phía trước.

        «Thế có nghĩa là tất cả vẫn như cũ, như những năm trước đây, — cậu thầm nghĩ, — vẫn có lễ kỷ niệm trọng thể và diễn văn ở Mát-xcơ-va. Chà... thật tuyệt!».

        « Năm vừa qua không chỉ là một năm của công cuộc xây dựng hòa bình, — giọng nói vẫn vang lên, đám đông im lặng, chỉ dám thở khe khẽ, — mà đồng thời còn là một năm đấu tranh chống lại bọn xâm lược Đức đã phản bội, giày xéo lên đất nước yêu chuộng hòa bình của chúng ta... ».

        Vô-lô-đi-a đứng sững lại, cố không nói lời nào, lòng rộn lên niềm vui sướng hân hoan. Đúng vậy, cậu đã không uổng công chờ đợi một điều gì đó có ý nghĩa quan trọng nhất trong suốt buổi tối này.

        « Chiến tranh đã ngăn cản và trong một số ngành đã làm đình trệ hoàn toàn công cuộc xây dựng hòa bình của chúng ta. — Xta-lin nói tiếp. — Nó đã buộc chúng ta phải chuyển tất cả các công việc thời bình sang thời chiến. Nó đã biến đất nước ta thành một hậu phương bao la và thống nhất để phục vụ Hồng quân và Hạm đội của chúng ta».

        Tuyết vẫn rơi, bay giỡn với gió, phủ kín mái nhà, vương trên những thân cây trắng lốp, dính trên người, vương trên ống tay áo, phả vào mặt mọi người...   

        Nhưng trên quảng trường, không một ai nhúc nhích: mọi người đang chăm chú lắng nghe Xta-lin đọc diễn văn, và càng nghe đồng chí nói, phân tích, cổ vũ, kêu gọi thì hầu như mọi lo lắng lớn lao đang dằn vặt lòng người vào cuối mùa thu năm 1941 này đã biến thành lòng tin tưởng và quyết tâm.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Sáu, 2020, 06:36:32 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #161 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2020, 06:38:40 am »


6

        Ngày sáu tháng mười một, ở các vị trí bao quanh thành phố thành một vòng cung rộng lớn, tình hình tương đối yên tĩnh. Bọn Đức chỉ thỉnh thoảng bắn đại bác và đến chiều thì hoàn toàn yên hẳn: rõ ràng là bọn chúng đang tập trung quân và đang điều những lực lượng mới. Nhất định là đến mai: ngày bảy tháng mười một, ngày kỷ niệm lần thứ hai mươi tư Nhà nước Xô-viết, bọn chúng sẽ tổ chức những cuộc tiến công đặc biệt ác liệt. Về phần mình, những người bảo vệ thành phố cũng đã lợi dụng thời gian yên tĩnh ngắn ngủi này để củng cố lại tuyến phòng thủ. Pa-ven Grô-mốp thay trung úy bị thương đã chỉ huy đại đội được một tuần nay, ra lệnh sửa chữa lại tất cả những đoạn bị phá vỡ, sửa lại, đào sâu thêm hào giao thông, phân phối lựu đạn chống tăng kiểu mới, trang bị thêm cho đài quan sát dự bị và làm nhiều công việc lặt vặt khác nữa. Đến tối anh và chính trị viên Ê-li-xây-ép lại bắt tay vào phân phối các món quà của nhân dân thành phố gửi tặng các chiến sĩ. Sau trận đánh ở khe núi, Nhi-cô-li-na Ê-li-xây-ép đã trở về ngay ngày hôm sau. Anh bị thương trong trận đánh đêm với xe tăng địch, phải nằm lại và ngất đi trong một rãnh nước cạnh đường cho đến khi các nông trang viên tình cờ tìm thấy. Họ đã đưạ Ê-li-xây-ép trở lại thành phố.

        Rất tiếc là không thể tập họp toàn đại đội được, dù chỉ là một lúc để chúc mừng anh em nhân dịp ngày lễ. Do đó Pa-ven quyết định: anh và chính trị viên tranh thủ buổi tối đi thăm suốt lượt anh em, chúc mừng từng người ngay trên vị trí chiến đấu của họ, và trao quà đã được gói, buộc cẩn thận trong các túi gồm: thuốc lá điếu hoặc thuốc lá sợi, tất chân, tất tay, mỡ ướp bọc trong túi khô sạch hoặc là xúc xích khô. Các chiến sĩ bắn giỏi có thể còn được nhận thêm chai Vốt- ca hoặc chai rượu còn thơm mùi hoa lá bồn tử. Và đặc biệt là trong các túi quà đều có thư của nhân dân thành phố gửi đến, đôi khi có ; cả ảnh của người tặng quà: các nữ sinh lớp chín B trường trung học nào đó hoặc là các cô công nhân xưởng may, nhà máy xe lửa hoặc cửa hàng ăn uống.

        Buổi tối, Pa-ven ngồi ở tầng hầm ban chỉ huy, lòng đặc biệt thỏa mãn vui sướng chuẩn bị đón mừng ngày lễ sắp đến cho đại đội. Sau bảy ngày đêm chiến đấu ác liệt, thần kinh căng thẳng nặng nề, bây giờ anh thấy thoải mái hân hoan, tíu tít làm công việc sẽ đem đến cho mọi người niềm vui sướng.

        Ba chiến sĩ, đại diện cho các trung đội, đang cất vào ba lô các món quà của trung đội mình, Pa-ven vui vẻ ra lệnh:

        — Đừng có sờ nắn các gói quà như thế... Ôi chao, các cậu thật đoảng quá. Nhẹ tay nào, nhẹ thôi, đừng tung như thế! Chỗ đó có đồ dễ vỡ đấy... Biết chưa nào ?

        — Trung đội tôi hầu như không có những thứ đồ thủy tinh đó. —  Một chiến sĩ phàn nàn. — Toàn là khăn quàng cổ và cả thuốc đánh răng nữa...

        — A, người anh em, cái đó mới là vận may đấy... — Pa-ven phá lên cười, tiếng cười sang sảng thoải mải.

        Ở lối đi xuống tầng hầm ban chỉ huy đặt trong ngôi nhà đã bị đạn đại bác làm sụt lở mái, nghe rõ tiếng gió rít trên đầu. Thỉnh thoảng cái gì đó kêu loạt soạt vang to, có lẽ những tấm tôn bị bong đang lăn đi lăn lại trên mái ngói bị tuyết phủ. Nhưng trong lối đi chật hẹp này, không khí tù túng và tối tăm vẫn ngưng đọng lại tựa như nước đầm lầy. Ánh sáng vàng nhợt yếu ớt từ những ngọn đèn dầu: hai chiếc đặt trên hòm gỗ Pa-ven dùng làm bàn, một chiếc đặt ở góc chiếc máy điện thoại — dường như đang cố xuyên thủng làn không khí dày đặc đó.

        — Cậu có nghe thấy thời tiết đang đi dạo không? — Ê-li-xây-ép nói, mắt nhìn lên trên tràn nhà đổ bê tông bị che sáng. — Tôi còn nhớ năm mười bảy, cũng vào đêm này, tuyết thổi rất mạnh...

        — Quên, cháu chưa kịp nói với chú... Pa-ven chợt nói. — Hôm qua bố cháu cùng bác Oóc-lốp đi bắn thử súng cối ở trung đoàn ta... Chú có tưởng tượng được không ? Nhà máy không còn một cái gì cả, tất cả máy móc đã chở đi... Thế mà họ sửa chữa lại hết những gì tìm được ở bãi thải...

        Ê-Ii-xây-ép mỉm cười, tư lự nhìn ngọn lửa đang cháy chập chờn từ ngọn nến mới thắp lên.

        — Tôi còn nhớ, khi đó chúng tôi cố ngồi đợi đoàn quân từ Pa- rê-tria tới, người rét cóng. — Ông nói khẽ. — Vừa hửng sáng, tôi đã phải lao vào chiến đấu từ ba phía.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2020, 06:39:13 am »


        Rõ ràng là những ký ức này đã làm cho Ê-li-xây-ép hài lòng tự hào. Tuy nhiên, trông ông vẫn co ro, vai-xo lại.

        — Còn thước ngắm súng cối. — Pa-ven lại nói, đứng dậy khỏi chiếc ghế đẩu. — Đấy là một bộ phận phức tạp nhất, đòi hỏi độ chính xác cao, phải có máy móc đặc biệt... Thế mà họ đã làm được nó, thật không làm sao hiểu nổi.

        — Tôi còn nhớ, hôm ấy chúng tôi bước đi, hát vang bài Quốc tế ca. — Ê-Ii-xây-ép mỉm miệng cười không cần nghe xem Pà-ven nói gì. — Chúng tôi chiếm được Ác-xe-nan và ngay lập tức phân phát vũ khí cho mọi người. — Ông im lặng, nhìn lên trần. Lúc ấy có cái gì đó còn ngỡ ngàng... Cậu lắng nghe xem nào: không một phát súng, không một tiếng nổ, tựa như không có chiến tranh!

        — Quả thật bọn cháu đã quên mất rồi. — Pa-ven nói, đầu anh gần như chạm trần nhà, trong bóng đêm không nhìn rõ gì hơn ngoài đôi mắt phản chiếu những ánh đèn vàng lung linh. — Sáng sớm ngày mai, chúng ta sẽ đón khách, bác Ê-li-xây-ép nhé! — Anh nói.

        — Được rồi, sáng mai, — Ê-li-xây-ép nhắc lại.

        — Nào các đồng chí xong chưa nào! — Anh giục các chiến sĩ và quay sang Ê-li-xây-ép. — Chúng cháu cũng đã chở hết cả ống thép đi... Bác biết đấy... Thế mà các ông già ở nhà lại lấy những ống máy bơm để chế thành nòng súng cối... Thật là những con người tuyệt diệu!

        Ê-li-xây-ép nhìn chằm chằm vào Pa-ven và mãi đến lúc này ông mới nhận ra là Pa-ven đang nói gì.

        — Còn phải nói, họ là những người có bàn tay vàng mà. — Ông trả lời. — Có lúc Lép-sa của chúng tôi đóng móng sắt cho bọ chét đấy.

        — Cháu không phục Lép-sa của chú đâu. — Pa-ven nói bằng giọng sôi nổi không ngờ. — Ông ấy yêu thích tất cả những cái gì ? Chú tha lỗi cho cháu, chú Pô-rphi-ri I-a-cô-lê-vích ạ, nói chung cháu không thích Lép-sa... Ồng ta có điệu bộ lập lờ nước đôi lắm. Bác còn nhớ con bọ chét được làm bằng tay của người Anh, ông ta đã đóng móng cho nó, và từ đó nó không nhảy nữa... Rất đơn giản. Lép-sa của bác chỉ chữa được đồ chơi mỹ thuật thôi... Xong chưa hả các đồng chí. — Pa-ven hỏi các chiến sĩ, tiếng nói của anh vang vọng cả dưới các vòm cửa bằng bê tông. — Ê, ê này đừng nhìn vào các túi như thế, chúng tôi đã quy ước rồi, ai may mắn sẽ được...

        — Cậu có biết không, Lép-sa đã viết văn. — Ê-li-xi-ép nhận xét, — ngôn ngữ anh ta phong phú, chải chuốt... Đó là con người am hiểu ngôn ngữ lắm.

        — Theo cháu, không có nghệ thuật gì lớn hơn được tình yêu đối với con người, hơn được những việc làm có ích cho con người. — Pa -ven nói.

        Các chiến sĩ đã đứng dậy, khoác ba lô lên vai, Pa-ven với tay cầm lựu đạn trên hòm gỗ và nhét vào túi áo ca pốt.

        — Lép-sa đã mô tả những nghệ nhân Nga như những người cô độc mọi rợ nào đó, — anh bực bội nói tiếp. — Đấy là điều không đúng... Và cháu có cảm giác Lép-sa muốn cười nhạo những kỹ xảo tuyệt diệu của nghệ nhân chúng ta như là những vật không có giá trị, bỏ đi vậy.

        Nhìn lên Ê-li-xây-ép, anh hạ thấp giọng nghẹn lời:

        — Chú Pô-rphi-ri I-a-cô-lê-vích ạ, rét cóng mất. Giờ chú cứ nghỉ, chờ gió lặng rồi hãy!.. Cháu sẽ đi một mình cũng được. — Anh thành thật đề nghị.

         Pa-ỵen thấy người khỏe, sức lực còn đồi dào và chỉ muốn sử dụng hết cái sức dư thừa này đi. Hiểu rõ trách nhiệm lớn lao trong chuyến đi quan trọng này, anh thấy mình có nghĩa vụ vinh dự trước các chiến sĩ.

        — Không, không, sao lại thế?? — Chính trị viên Ê-li-xây-ép sợ hãi càu nhàu, và vội vã khoác chiếc áo bông cổ bằng lông cừu đen. —  Cậu nói gì vậy, Pa-ven Grô-mốp! Hôm nay mà tôi lại không đi hả?

        Pa-ven bấm đèn pin, rụt đầu lại và bước ra khỏi hầm đầu tiên. Ê-li-xây-ép vừa đi vừa dựng cổ áo lên, kéo lại bao súng ngắn ở thắt lưng. Các chiến sĩ lần lượt đi sau họ. Một vòng tròn nhỏ ánh đèn xanh nhạt lấp lóe đằng trước, lúc thì soi rõ trong bóng tối, chiếc cột tường vuông đỡ vòm trần, lúc thì soi vào đống rơm chất ở nền hầm. Đi trên chiếc cầu thang nhỏ dẫn lên trên, Pa-ven ngoái cổ lại đàng sau.

        — Hôm nay chúng ta như ông già Tuyết đi phát quà năm mới. —  Anh nói với Ê-li-xây-ép. — Chỉ khác là đeo súng ngắn ở hông.

        Ê-li-xây-ép im lặng, còn Pa-ven đang lâng lâng niềm vui trẻ thơ trước kiểu phát quà này.

        — Tiện thể chúng ta đi thăm luôn các trạm gác, — anh nói thêm.

        Phía trên mặt đất, gió lạnh buốt phả vào mặt họ đến nỗi họ phải đứng chụm lại gần, giẫm chân tại chỗ. Dường như có những con ngựa trắng đang phi lướt qua mạt họ, chân không chạm đất nhưng tuyết vẫn bốc lên. Sau đó họ rẽ ngoặt sang thì tất cả đàn ngựa hư ảo này lại lao nhanh hướng ngược lại, chìm trong màn tuyết lạnh... Không thể nhìn thấy gì trong đêm bão tuyết này, chỉ thấy phía bọn Đức lấp lóe những quầng sáng mờ nhạt, lúc thì bị tắt, lúc lại sáng rực, khi trong khoảng không gian giá lạnh ẩm ướt kia thỉnh thoảng có những pháo hiệu đủ màu bắn lên. Một ống khói bếp bị phủ tuyết tráng, nhô lên giữa đống đồ nát nằm chỏng gọng cách Pa-ven khoảng hai bước chân. Gió luồn qua nó và hình như có những làn khói lạnh ngắt từ ống bay tỏa ra.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2020, 06:39:54 am »


        Pa-ven và mọi người đến gần trung đội một của Su-kin thì tuyết đã bay lọt cả vào người, mắt bị quáng. Su-kin đang đứng gù người bên lối đi vào hầm của trung đội chờ mọi người.

        — Chúc mừng đồng chí nhân dịp ngày lễ Cách mạng vô sản của chúng ta. — Ê-li-xây-ép chúc trung đội trưởng trung đội một.

        — Cám ơn đồng chí, tôi cũng xin chúc lại đồng chí chính trị viên như vậy. — Su-kin trả lời, giọng đã bị lạnh cóng.

        Ánh đèn pin nhỏ hẹp, đỏ quạch, chiếu xuyên qua màn bụi tuyết soi khuôn mặt Su-kin khắc khổ như ông già và đôi lông mày rậm, trắng nhợt với hàng lông mi thưa hiện rõ qua ánh đèn thấp thoáng.

        — Đồng chí trung đội trưởng ạ, không phải chúng tôi đến thăm đồng chí với hai bàn tay không đâu, có quà tặng đấy, — Pa-ven nói.

        Mọi người theo Su-kin đi dọc hào. Gió thổi ập mạnh vào gờ chiến hào, những hạt tuyết tung bay lả tả. Đèn pin lại lóe lên, trong ánh sáng dài dài diệu kỳ của nó, hiện rõ lên dãy tường đất với lối đi, tuyết dồn từng đống và hình dáng cao lêu đêu của người lính gác. Chính trị viên Ê-li-xây-ép đến trước người lính và nói to, rõ ràng, tách bạch từng lời.

        — Xin chúc mừng đồng chí vào đêm trước lễ kỷ niệm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại!

        — Cám ơn đồng chí, xin chúc mừng lại đồng chí chính trị viên ! —  Một giọng trả lời lí nhí, lúng búng trong miệng, phát âm không rõ.

        — Đồng chí chiến sĩ, xin chuyển đồng chí món quà ngày lễ của nhân dân thành phố hòa bình gửi tặng. — Pa-ven nói và đưa cho anh lính gác gói quà. — Lúc nào đồi phiên gác, hãy mở ra xem.

        Họ đi tiếp, mặt ngoại lại để tránh những cơn tuyết lạnh. khô.

        — Chúc mừng đồng chí nhân dịp sắp tới ngày lễ! Sang năm chúng ta sẽ kỷ niệm vui vẻ trọng thể hơn bằng một chiến thắng... — Giong nói to khỏe của Ê-li-xây-ệp lại vang lên.

        — Nhất định phải như vậy, đồng chí chính trị viên ạ! — Một chiến sĩ, mắt nheo lại vì ánh đèn đang chiếu vào anh, dõng dạc trả lời.

        Bão tuyết vẫn hoành hành đúng theo kiểu của nó, trong chiến hào cũng như ở các chỗ khác, tuyết đã ngập đến đầu gối, Ê-li-xây-ép đến gần các chiến sĩ, bẻ cổ áo xuống, tay xoa xoa bộ râu lởm chỏm.

        — Xin chúc mừng các đồng chí nhân dịp ngày lễ!... — Giọng ông vang lên trong tiếng gầm gào của bão tuyết.

        — Chúng tôi cũng xin chúc mừng đồng chí chính trị viên. —  Nghe vang tiếng trả lời. — Cám ơn đồng chí đại đội trưởng.

        Cúi người xuống, Pa-ven chui vào hầm ngủ của toàn trung đội. Cãn hầm chật người, chỉ có một ngọn lửa đốt lên ở chiếc lò sắt tỏa sáng hầm. Lúc này, khuôn mặt những chiến sĩ ngồi trước lò sưởi cũ trông khác hẳn với những người ngồi trong bóng tối đầy mùi khói và khí than. Ê-li-xây-ép vuốt lại cho cổ áo thật phẳng, ông ho sù sụ.

        — Các đồng chí chiến sĩ trung đội một, đại đội năm, trung đoàn công nhân! — Ông bắt đầu nói chậm rãi.

        Pa-ven ngồi xuống giữa các chiến sĩ, anh chăm chú ngắm nhìn họ. Anh biết rõ hầu hết tên họ của từng chiến sĩ trong đại đội. Bây giờ họ không giống những con người bình thường hồn nhiên, hay bị hưng phấn như mới ngày nào cùng anh ra chiến tuyến. Không phải là tất cả những ai đã ra đi cùng anh đều còn lại trong đội ngũ. Và, không phải chỉ mình Ê-go Trô-sin, mỗi lần nghĩ đến anh ta, Pa-ven vẫn thấy mình có lỗi là được các đồng chí mang ra để sau bức tường nghĩa trang. Nhưng tất cả những người còn sống bây giờ đây đối với Pa- ven là những chiến sĩ thực thụ... Không phải vì họ còn sợ những loạt bắn gần, đã học được cách ngủ trên mặt đất gồ ghề dưới trời mưa, trên băng tuyết giá lạnh, không hoảng sợ khi rút kíp lựu đạn như trước đây có lần xảy ra, hoặc để trượt kẻ địch ngay trong cự ly bắn gần. Mọi chiến sĩ trong trung đoàn không phải là đã quen ngay với chết chóc, nguy hiểm luôn kề bên, nhưng họ không chịu cúi đầu trước nó, họ đã thay đổi khác, đã rèn luyện mình để có một sức chịu dựng dẻo dai, cao nhất mà trước đây không thể mong muốn được. Ở mỗi người đều thể hiện sự rèn luyện, chịu đựng đó theo những cách khác nhau. Kia là I-van Đru-giơ-nhi-cốp, thợ lò hơi, trông dáng rõ là đang buồn rầu ỉu xìu, gắng chịu đựng những nỗi dằn vặt nội tâm; còn kia, Cô-li-a Ô-khốt-nhi-cốp, thợ mỏ và là nhà thơ của trung đoàn, một con người trông có cái gì đó ngang tàng, thích đùa giỡn với mọi nguy hiểm ; và kia nữa, Tréc-kin và Mi-khai-lốp cùng là thợ xây, Xvét-nhi- cốp, thợ đúc, mà niềm tin và đức tính điềm tĩnh ngày càng trưởng thành hơn trong những ngày chiến đấu ở chiến hào này... Thật ra, Pa-ven biết khá rõ họ đã mệt mỏi, hốc hác, đen sạm đi, gò má nhô lên, nhiều người mắt cứ nhíu lại. Dường như trong trận đánh đợt đầu vừa qua tuy mọi người đã vượt qua được mọi thứ ác liệt, song hậu quả của nó vẫn còn hằn in trên nét mặt của mỗi người, những dấu vết thử thách căng thẳng đó.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2020, 06:40:24 am »


        — Các anh em công nhân, tất cả chúng ta ở đây đều cùng một gia đình , — Ê-li-xây-ép nói tiếp. Qua giọng nói chầm chậm vốn ít có ở ông, Pa-ven đoán là chính trị viên đang xúc động. — Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại sự nghiệp của chúng ta hai mươi ba, hai mươi tư năm trước đây ra sao. Tôi còn nhớ khá rõ điều này... Nước Cộng hòa Xô-viết trẻ tuổi hầu như đã đơn độc chiến đấu trong vòng vây lửa chống lại chủ nghĩa tư bản toàn thế giới. Và rồi như thế nào? Như các đồng chí đã biết, nó đã đánh tan hoàn toàn các loại kẻ thù...

        Trong gian hầm chật đến nỗi đám thính giả vừa ngồi vừa đứng sát sạt, khuỷu tay chạm vào nhau. Ê-li-xây-ép bị chảy nước mắt vì khói than cay xè đang tỏa ra từ chiếc bếp lò, và trong góc tối, một người nào đó, có chịu đựng phải thở khò khè, và luôn ho sù sụ... Thật là khó thở trong bầu không khí nóng đầy mùi khỏi, nhưng chân lại bị lạnh cóng phải luôn cử động.

        — ... Và hôm nay, chủ nghĩa đế quốc quốc tế lại tiến đánh chúng la thông qua bộ mặt ác độc của chủ nghĩa phát xít Đức.— Chính trị viên nói tiếp, — và không còn nghi ngờ gì nữa, chúng cũng sẽ bị tiêu diệt đến tận gốc rễ. Bởi vì, cũng như năm Mười bảy, chúng ta cũng được sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích đã từng dày dạn thử thách qua các cuộc đấu tranh giai cấp... Các đồng chí chiến sĩ trung đội một, đại đội năm, trung đoàn công nhân! — Ê-li-xây-ép im lặng thở mạnh. — Xin chúc mừng các đồng chí nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ hai mươi tư cuộc đấu tranh đầy thắng lợi của giai cấp vô sản, vì sự nghiệp của toàn thể nhân dân lao động và hạnh phúc nhân dân...

        — Đúng như trong bài hát ấy, đồng chí chính trị viên ạ. — Xvét- nhi-cốp, thợ đúc, dáng gày gò, khuôn mặt dài, mớ tóc trước trán cứ lòa xòa, cất tiếng nói. — « Đoàn chiến sĩ công nhân chiến đấu vì sự nghiệp nhân dân ».

        Một ánh lửa hồng từ chiếc lò sưởi hắt một vệt dài lên chiếc áo bông của Đru-giơ-nhi-cốp trông như dải băng huân chương, vầng trán cao cao và cặp lông mày của anh cũng nhuốm một màu hồng, trên nòng của những khâu súng trường lấp lóe tia sáng.

        —... Các đồng chí chiến sĩ, để tỏ lòng biết ơn sâu sắc, — chính trị viên kết luận, — nhân dân thành phố đã gửi tặng các đồng chí những món quà giản dị.

        Đám thính giả ồn ào, sôi nổi hẳn lên, thoảng có tiếng kêu, câu hỏi, tiếng cười náo nhiệt... Pa-ven thích thú quan sát các chiến sĩ, Su-kin và các chiến sĩ của anh ta đều là những người lớn cả, thế mà vẫn tò mò thích thú ra sao khi nhận những gói quà này.

        — À này cậu, nhìn xem này, cô nào đấy còn gửi cho tôi cả ảnh nữa. — Mi-khai-lốp, thợ mỏ, khoảng chừng năm mươi tuổi, râu đã đốm bạc là người của một gia đình đông con, thốt lên.

        Ngồi bên chiếc lò sưởi, Mi-khai-lốp thú vị nhìn chiếc ảnh một thiếu phụ không quen biết đã gửi cho bác ta gói quà.

        — Trông chị ta nghịch ngợm đấy chứ hả ? — Bác tỏ vẻ ngạc nhiên!

        — «Chú bộ đội yêu quý! — Cúi xuống thấp gần bếp lửa, Su-kin đọc to bức thư anh nhận được. — Đầu tiên, cháu xin kính chào chú và gửi lời thăm của cháu và của bà nội cháu, Cláp-đin Gri-gô-ri-ép-na tới chú. Bà cháu hiện nay đã bị mù hoàn toàn, nên không thể tự mình viết thư được. Năm nay cháu đã mười tuổi, cháu và bà nội muốn rằng các chú, các chú bộ đội yêu quý hãy đánh tơi bời bọn phát xít đáng nguyền rủa kia, đừng thương tiếc gì chúng cả».

        Su-kin rất xúc động. Người đội trưởng này còn trẻ lắm, lông mày rậm, còn hàng lông mi thì uốn cong như lông mi con gái. Ô-khốt- nhi-cốp nháy mắt với người bên cạnh, mở chiếc khăn quàng bông anh vừa nhận được trong gói quà, các chiến sĩ đều vui vẻ cười đùa, huých nhau, nhận xét bình phẩm. Đru-giơ-nhi-cốp mở gói quà thấy đôi tất tay thêu chỉ sặc sỡ ở mặt sau, anh phá lên cười và xỏ thử... Điều chủ yếu của mọi việc không phải là ở những món quà tặng này, thực ra chúng cũng không cần thiết lắm đối với các chiến sĩ. Trong trung đoàn, mọi người đều được phát đủ quần áo ấm và ăn no. Nhưng hôm nay, mỗi người trong các chiến sĩ đều thấy mình như thành người khác. Và dù cho hoàn cảnh sống; chiến đấu của các chiến sĩ ở đây ác liệt, khỏ khăn, song chừng nào trái tim họ còn đập, thì họ vẫn tràn đầy niềm lạc quan vui vẻ. Bác Mi-khai-lốp đưa chiếc ảnh ra trước mặt và lo lắng nói:

        — Tôi biết làm gì với chiếc ảnh này bây giờ, các bạn ơi! — Bác giải thích cho mọi người. — Nếu An-nhiu-ta của tôi mà biết được nó thì tôi không sống nổi trên trái đất này nữa đâu... — Bác cười láu lỉnh, đôi lông mày nhướng lên, rõ là bác đang rất khoái vì biến cố khác thường này, một thiếu phụ chú ý và gửi lời chào đến bác.

        — Không có gì đâu, bà vợ sẽ hiểu và không cáu bực đâu! — Pa-ven cười, nói với bác.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:50:37 am »


        Lúc này anh thấy thật dễ chịu thoải mái, vì được thực sự nghỉ ngơi và sống giữa những con người rất vui vẻ.

        — Cậu mừng hụt rồi, Cô-li-a ạ! — Anh nói to và nhìn Ô-khốt- nhi-cốp đang quấn tròn chiếc khăn bông trên mái đầu đi gan như phụ nữ. — Những chiếc khăn như thế, các chị thường chỉ tặng người yêu thôi... Còn anh thì đã có gì nhỉ? Thử đưa xem nào, đưa đi... — Anh quay lại phía Xvét-nhi-cốp ngắm nhìn — Chiếc túi đẹp thật, các đường khâu, thêu rất kỹ xảo lành nghề. Đây là vật quý, có giá trị đấy. —  Pa-ven nói, giọng khâm phục.

        Anh muốn hôm nay tất cả các chiến sĩ đều được thỏa mãn, hài lòng. Anh hài lòng nhận thấy họ xứng đáng được nhận những chiếc tất len ấm áp và các tặng phẩm khác, như thế lòng nhiệt tình của họ càng cao.

        — Báo cáo đồng chí đại đội trưởng. — Đru-giơ-nhi-cốp dò hỏi. — Khi nào chúng ta tiến công được, chưa có tin gì hay sao?

        Anh lửa hồng từ bếp lò chiếu vào khuôn mặt nghiêng nghiêng của anh: vầng trán cao, sống mũi hơi gãy và chiếc cằm bè nhọn. Giá như biết được trước giờ phút trọng đại đó...

        Pa-ven suýt nữa thì trả lời: « Sáng ngày mai, đồng chí Đru-giơ- nhi-cốp ạ, sáng mai chúng ta sẽ cùng nhau tiến công ». Tất nhiên, anh không thể hứa trước điều gì mà bản thân anh chưa tin tưởng. Anh nói to bằng cái giọng trầm trầm của mình để át đi tất cả những tiếng ồn ào khác:

        — Ngày mai chúng ta sẽ kỷ niệm ngày lễ tháng. Mười sao cho lũ phát xít phải nhớ đời! Và giờ phút trọng đại đó không còn xa nữa đâu. Chính chúng ta sẽ giáng lên đầu chúng những đòn đích đáng.

        Anh đứng dậy, tựa đầu vào vách hầm.

        — Nhất định sáng mai bọn quỷ sẽ bò sang ta, — anh nói. — Được rồi, cứ để chúng sang lần nữa nếu chúng cảm thấy bị thua như thế là ít. Đúng không các đồng chí? Cứ để chúng thử một lần nữa.

        Ô-khốt-nhi-cốp bỗng lột chiếc khăn ra khỏi đâu, rồi đứng dậy, dáng linh hoạt nhanh nhẹn, đôi mắt ánh lên vẻ vừa ngây thơ vừa dũng cảm và cất giọng ngâm nga:

        Hãy siết chặt đội ngũ, không lùi bước
        Vì hòa bình tự do, vì hạnh phúc trẻ thơ
        Trái tim ta còn đập, ta còn chiến đấu
        Tiêu diệt loài phát xít sói lang !

        —Từ trung đội một, Pa-ven và Ê-li-xây-ép đi đến trung đội ba, trung tâm tuyến phòng ngự của đại đội. Ở đây, trong ngôi nhà đá nhỏ bé, hiếm hoi còn nguyên vẹn, có khoảng một nửa các chiến sĩ đang ngồi quây quần quanh chiếc bàn, trên bày đầy ca men và cốc chén, hình như họ vừa ăn tối xong. Căn buồng vuông vắn có chiếc lò sưởi kiểu Nga, chiếc đèn dầu tỏa ánh sáng yếu ớt, hất lên trên bức tường trắng những bóng dài cao lêu đêu. Xê-ra-phi-ma Xê-li-vê-xtơ-rốp- na — nữ chủ nhân — một phụ nữ đẫy dà, mặt mũm mĩm, lông mày thưa, tóc búi gọn sau gáy, đang đứng cạnh bếp lửa hồng, hai bàn tay mập mạp đặt trên bụng.

        — Chào chị Xê-ra-phi-ma Xê-li-vê-xtơ-rốp-na, chị còn tiếp khách chứ ? — Pa-ven vui vẻ hỏi, rũ rũ tuyết ở người và ủng xuống.

        — Ôi chao! Mời các anh vào đi... — Chị trả lời, giọng bao dung, thân mật.— Lạnh cóng cả rồi, mời các anh vào đi.

        Pa-ven cũng như mọi người trong đại đội đều biết chị có hai con trai đang chiến đấu, một ở Lê-nin-grát, một ở miền nam, còn bản thân không thể đi khỏi đây được vì không có chị thì mọi việc còn khó khăn hơn. Những lúc trận đánh tạm dừng, các chiến sĩ thường chạy đến chỗ chị để hơ quần áo, sưởi ấm, uống nước chè, quấn lại xà cạp. Và chị không phân biệt một ai, quan tâm đến mọi người, thường thết họ khoai tây, thu dọn, rửa bộ bát đĩa, dính hộ cúc áo và những trường hợp căn thiết, chị có thể làm cả công tác cứu thương nữa. Trong hoàn cảnh nào chị cũng luôn giữ vẻ đàng hoàng, chững chạc, vui tươi, nhẹ nhàng; đây quả thực là một đức tính, một thái độ hết sức quan trọng trong cái vành đai lửa đạn và đổ nát này.

        — Giá như chị đi sơ tán khỏi thành phố trước đây thì hay quá. —  Đôi khi mọi người khuyên chị. — Hầm trú ẩn chỗ chị không tốt lắm đâu...

        — Tôi đã nói rồi mà... — Chị mỉm cười trả lời. — Các bạn yêu quý ạ, tôi chỉ sợ mấy con gián thôi...

        Mọi người thôi không khuyên can chị chủ nhà nữa, vì họ cũng sợ là nếu chị đi thì cái câu lạc bộ chiến sĩ này sẽ không còn tồn tại.

        — Chào anh Ê-Ii-xây-ép ! — Chì nhìn chính trị viên. —Đã lâu không thấy anh đến thăm. Anh vẫn mạnh khỏe đấy chứ? — Ê-Ii-xây- ép lúc đó hơi ngượng. — Mời anh ngồi uống nước cho ấm người đã...

        Chinh trị viên chỉ gật đầu, không nói lời nào... Sau đó mọi việc lại diễn ra như ở trung đội một. Ê-li-xây-ẻp nói chuyện và chúc mừng ngắn gọn các chiến sĩ nhân ngày lễ và bắt đầu trao quà tặng... Pa-ven nhìn thấy I-van Bô-cốp ngồi ở bàn, anh rất mừng và vội đến ngồi cạnh anh bạn. Mấy ngày hôm nay bận rộn với nhiệm vụ mới nên anh và Bô-cốp ít gặp nhau hơn.

        — Thế nào Va-nhi-a, công việc ra sao rồi? Tình hình Ma-ri-a như thế nào ? Mình nghe nói không có gì nguy hiểm lắm phải không ? —  Anh hỏi dồn dập. Bô-cốp đang tư lự, nhìn lại bạn với vẻ không hài lòng. Mặt anh còn lấm lem, râu mọc tua tủa ở cằm.

        — Đã phải mổ lần thứ hai rồi. — Anh trả lời như miễn cưỡng. —  Phải tiếp máu. Cô ấy bị mất nhiều máu lắm.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:51:14 am »


        Chung quanh vẫn ồn ào. Không ai chú ý đến họ. Pa-ven đặt tay lên vai Bô-cốp. Anh rất muốn được an ủi vỗ về bạn, làm cho anh ta vui vẻ phấn khởi như tất cả mọi người trong buổi tối trước ngày lễ này.

        — Va-nhi-a ạ, hãy tin mình. — Anh cố giữ giọng nói đầy tin tưởng. — Mình đã hỏi bệnh viện và được biết rõ là Ma-ri-a nhất định sẽ khỏi... Mình không việc gì phải nói dối cậu đâu.

        Bô-cốp né mình tránh Pa-ven, hình như anh không thích sự an ủi, thông cảm.

        — Hôm nay, trước khi trời tối, tôi đã đạt được thằng thứ chín. —  Anh nói, giọng lạnh lùng. — Còn thiếu một thằng nữa là đủ mười...

        Pa-ven ngạc nhiên nhìn bạn.

        — Cậu đã giết được chín thằng Đức cơ à? — Anh hỏi lại. — Thế cơ đấy! Va-nhi-a, cậu cừ quá! Còn việc Ma-ri-a, cậu đừng lo. Các bác sĩ đã hứa danh dự là cô ấy sẽ bình phục.

        — Rõ ràng thằng quan sát nó biết. — Bô-cốp vẫn nói tiếp, tựa như bỏ ngoài tai những lời của Pa-ven. — Từ lâu tôi đã để ý tìm chỗ nó đứng, thằng hèn hạ khốn kiếp, tôi đã phải dành cho nó tới hai viên đạn.

        — Bô-cốp đâu, quà náy! — Một người gọi to và đưa cho anh gói quà.

         Nhưng không chú ý đến gói quà, anh cẩu thả vứt lên bàn.

        — Nếu như tôi có kính ngắm quang học! Giá cậu đề nghị được với ban tham mưu chuyện này thì hay quá. — Anh nhìn Pa-ven, đôi mắt mở to ánh lên niềm khao khát của người xạ thủ.

        — Mình đã nói với tiểu đoàn rồi. Cậu sẽ là người được ưu tiên số một. — Pa-ven nói. — Dù sao chăng nữa thì cậu cũng nên xem mọi người gửi cho cậu những gì chứ? — Anh nhắc đến gói quà.

        — Đấy là chuyện vặt... — Anh nói, cố gượng cười rồi im lặng, những sợi tóc xoăn của anh rối bù rủ xuống trán và lông mày.

        — Sao lại là chuyện vặt ? Pa-ven hơi bực. — Mọi người đi quyên góp chuẩn bị, còn cậu lại bảo là chuyện vặt... Xin cậu hãy nghe tôi, đồ bướng bỉnh ạ. — Anh đập bàn tay xuống đầu gối vì nóng lòng muốn cho Bô-cốp yên tâm. — Người ta khẳng định với tôi là Ma-ri-a sẽ khỏi, cậu không tin tôi điều gì nào?

        — Họ cho tôi vào thăm cô ấy. — Bô-cốp nói, mắt chớp chớp. —  Cô ấy gọi tôi rất khẽ như thế này «Va-nhi-a, em sắp ngồi dậy được rồi». Mặt không còn hột máu, còn mấy ngón tay thì run run. Giá như tôi bị đánh mười lần còn hơn là để cô ấy phải chịu đựng như thế.

        Pa-ven cười buồn rầu nhìn bạn, day dứt khi thấy mình bất lực trong việc giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, lúc này trong ngôi nhà ồn ào náo nhiệt hơn.

        — Chị Xê-ra-phi-ma Xê-li-vê-xtơ-rốp-na, người chủ nhà đầy vinh dự của chúng ta! — Một chiến sĩ thân hình to khỏe, đâu hói trọc lốc cất tiếng nói. — Chúng tôi xin chân thành tặng lại chị vì sự chăm nom, vì sự vất vả của chị đối với chúng tôi. Sao chị nỡ từ chối chúng tôi ?

        — Họ tặng các anh, thì các anh cứ để mà dùng. Còn tôi đã có đầy dủ mọi thứ rồi. — Chị trả lời, giọng có vẻ hơi khinh khỉnh.

        Các chiến sĩ vây quanh chị, truyền nhau đưa biếu lại chị tất cả những gì tốt nhất trong gói quà họ nhận được. Một người đặt vào tay chị đôi bít tất khâu bằng vải, người khác thì tập phong bì, người nữa đôi tất tay, có người đãi chị những chiếc kẹo. Các chiến sĩ đều cố gắng biếu tặng chị chủ của ngôi nhà nương náu tuyệt diệu này đến mức nào đó. Nhưng sự hào phóng của họ chỉ ở phạm vi những đồ vật mà họ có được. Chị chủ nhà chỉ mỉm cười, đứng nguyên tại chỗ, tay khoanh trước ngực và một mực gạt ra ngoài tất cả những món quà các chiến sĩ đem đến.

        — Chị cũng là một chiến sĩ của chủng tôi. — Ip-lép, tiểu đội trưởng, một thanh niên còn trẻ, tóc đen, mũi khoằm, thuyết phục chị. — Tóm lại, chị là chỉ huy của đại đội hậu cần. Có nghĩa là chị cũng được công nhận là chiến sĩ.

        Điều đó chưa đủ đâu. — Chị bình tĩnh nói. — Không, các anh có vị trí của mình, thì ngược lại tôi cũng có chỗ đứng của tôi. Tôi chỉ lo lắng như thế thôi.

        — Chị Xê-ra-phi-ma Xê-li-vê-xtơ-róp-na! — Một chàng trai cao, đeo kính, nói khẩn khoản. — Tất cả mọi người đều yêu mến, kính phục chị! Chị đối với chúng tôi như người mẹ thân thương.

        — Cậu nói gì vậy, chàng trai nhỏ dịu hiền! — Chị chế nhạo. —  Cậu làm tôi nhớ đến những đứa con trai! Tôi đang đau lòng thương nhớ đến hai đứa con đây! Còn cậu nữa.

        Nhưng một cái gì đó mới mẻ thoáng qua khuôn mặt đẫy đà của chị, dường như một nỗi sợ hãi huyền bí nào đó đang đe dọa chị... Chị im lặng quay phắt người lại, rồi kêu lên, giọng kiên quyết.:

        — Tôi không lấy đâu, thế thôi! Tôi sẽ không nhận một thứ gì của các anh đâu! — Chị cau mày. — Những chàng trai yêu quý của tôi! Những đứa trẻ! Đúng, tôi... sẵn sàng hiến máu cho các anh nữa nếu cần... — Chị vung tay vẻ bực tức cao độ và quay đi. — Các anh ạ! Đừng làm tôi buồn! — Chị lẩm bẩm và nấc lên.

        Các chiến sĩ liền im lặng, họ sợ hãi nhìn nhau. Mọi người đều không ngờ đến điều này. Pa-ven đứng dậy đi lại gần các chiến sĩ. Chị Xê-ra-phi-ma Xê-li-vê-xtơ-rốp-na đứng quay lưng về phía anh, mớ tóc dày, mượt mà xõa xuống, chị lấy ống tay áo lau nước mắt. Bóng dáng cao lớn của chị in sẫm một vệt trên tường im lặng và Pa-ven có cảm tưởng đó là hình một người khổng lồ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:52:30 am »


        ... Khi Pa-ven và Ê-li-xây-ép đến trung đội hai, tuyết rơi đã yếu hơn. Bầu trời ẩm ướt đầy mây đen tương phản với mặt đất màu trắng phủ tuyết dày. Những phát pháo hiệu đủ màu được bắn lên liên tục ở làng Mư-skin trông cao và rõ hơn trước. Nhưng gió vẫn không giảm, vẫn lướt nhanh trên mặt đất và có cảm giác như từ những kẽ nứt vô hình nào đó trên kia đã phun lên những làn hơi lạnh buốt, thổi tung các đám bụi tuyết lúc thì xanh sẫm, lúc thì hồng tuy thuộc ở ánh pháo sáng phía xa xa phản chiếu lại.

        — Một đêm đẹp trời, — Pa-ven nói vẻ hài lòng. — Phải nói là tuyệt diệu nữa.

        — Nhưng trời vẫn còn lạnh lắm. — Ê-li-xây-ép tiếp lời, — Mình như đoán được ý Pa-ven định nói gì khi khen cái buổi tối này, — ông nói thêm, giọng trầm tư, dìu dịu hơn, khác hẳn câu trước. — Ừ, chúng ta có những con người tốt thật! Họ đã làm được bao nhiêu việc, vượt qua biết bao khó khăn... Hôm nay họ nhớ lại tất cả...

        — Chị Xê-ra-phi-ma Xê-li-vê-xtơ-rốp-na là một phụ nữ tuyệt vời! — Pa-ven nói to, — Nếu có thể thì "tôi sẽ đề nghị tặng thưởng cho chị huân chương vì lòng đôn hậu!

        — Số phận mỗi con người chúng ta đều có một lịch sử lớn lao riêng, — Ê-li-xây-ép nói tiếp. — Nhưng tất nhiên, điều chủ yếu không phải là ở số phận... Mà chủ yếu sứ mệnh lớn lao của chúng ta là giải phóng toàn thể loài người. Và chính nó đã nâng mỗi con người chúng ta lên tầm cao chưa từng thấy. Hinh như tôi diễn đạt còn mơ hồ lắm phải không ?

        — Không đâu, nói chung mọi người hiểu được, — Pa-ven nói. Anh cởi khuy cổ áo ca pốt, đưa đôi má ra hứng làn không khí lạnh mùa đông.

        — Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi chúng ta bắt đầu cuộc hành quân tới chủ nghĩa cộng sản. — Ê-li-xây-ép vẫn lầm rầm nói, — Tôi vào Đảng từ năm chín trăm mười bốn. Nhưng lúc bấy giờ thì mới chỉ hiểu chủ nghĩa cộng sản qua lời nói thôi. Tôi muốn nói rằng mọi người chúng ta giờ đây đã trưởng thành và thay đổi rất nhanh. Tôi đã nhận ra điều này rất rõ rệt.

        — Đồng chí là người hạnh phúc, đồng chí Ê-li-xây-ép ạ! — Pa- ven nói, giọng biểu lộ vẻ kính trọng.

        — Tôi, như người ta vẫn thường nói, chi là người làm công tác đảng cơ sở. — Ê-li-xây-ép suy nghĩ một chút — Nhung tất nhiên, tôi đã trải qua một cuộc sống rất thú vị.

        Trung đội hai phòng thủ ở chính ngay khu làng cửa ô, dóng trong các ngôi nhà đổ và cháy dở.

        Cuối lối đi vào hầm trung đội, hai chiến sĩ súng máy A-nhi-xi- mốp và Bua-la-tren-cô đều là thợ mỏ ở trung đội một chuyển sang đang đứng gác trước ngôi nhà gỗ bị cháy trụi. Pa-ven thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy ở đay còn người thứ ba nữa, vợ của A-nhi-xi-mốp. Pa-ven nhớ rất rõ người phụ nữ đầy nghị lực và bướng bỉnh này hôm trung đoàn tiến quân ra tuyến phòng thù.

        Có trời mới biết được chị ta làm cách nào để vượt qua được tất cả các trạm gác đến đây hôm nay. Nhưng dù thế nào đi nữa, chị vẫn được cùng chồng đón mừng ngày lễ. Điều này làm cho Pa-ven thích thú, mặc dù tất nhiên là vô kỷ luật.

        Một chiếc chăn phơi dài trên dây, che một góc hầm kho, chung quanh xếp thùng tô nô tròn làm thành bàn và toàn trung đội đang ngồi vây quanh. Pa-ven nhận xét thầm sự phòng ngừa trước như thế cũng không thừa bởi vì ánh sáng từ ngọn đèn treo đang cháy ở góc phòng có thể hắt qua lỗ bắn súng máy...

        Nhưng dù sao thì sự xuất hiện của một người lạ ở nơi tiền tiêu này cũng là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Pa-ven làm như không nhìn thấy người phụ nữ: anh rất không muốn trong những buổi tối như đêm nay lại đối xử gay gắt với các chiến sĩ của mình. Nhưng trung đội trường trung đội hai, thượng sĩ Xi-nhe-nhi-cốp — một người đã đứng tuổi hay cáu gắt, — lại rất bực khi nhìn thấy vị khách không mời này trong lúc Ê-li-xây-ép đang chúc mừng các chiến sĩ. Đợi chính trị viên nói xong, thượng sĩ cáu kinh hỏi:

        — Ai cho chị lại đến đây, nữ công dân A-nhi-xi-mốp-va! Tôi đã ra lệnh nghiêm cấm chị là...

        Chị phụ nữ mặc chiếc blu dông bằng lông thú, quàng chiếc khăn vàng, chị lướt mắt nhìn anh ta.

        — Anh hãy cấm vợ anh ấy, còn vợ người khác thì đừng có đụng vào. — Chi trả lời khá chanh chua.

        — Ma-ru-xi-a! — A-nhi-xi-mốp nghiêm khắc giật giọng gọi,— Em đang nói chuyện với ai mà có giọng thế hả?

        — Thứ lỗi cho em, anh Pê-chi-a! — Giọng chỉ thay đổi hẳn, khẽ khẽ ngậm ngùi. — Mọi người đều đuổi em đi, đều không cho phép... Khi nào anh thử đi xem, chịu biết bao nỗi vất vả... Đến đây rồi lại bắt đầu nói tràng giang đại hải... Hình như em là kẻ xa lạ với anh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2020, 07:50:15 am »


        Mặt chị khuất trong bóng tối, nên không nhìn rõ, nhưng Pa-ven mỉm cười nghĩ lúc người phụ nữ này nói chuyện với chồng thì tất cả sự tự chủ hiên ngang của chị biến mất ngay.

        — Đừng chấp cô ấy, đồng chí trung đội trưởng ạ! — A-nhi-xi- mốp nói. — Các bà vợ họ không hiểu điều lệnh quân đội đâu. Máu du kích trong người họ hãy còn nhiều lắm, có lẽ chính đồng chí cũng biết, chẳng cần cáu giận họ làm gì.

        — Đây là lần cuối cùng đấy. —Xi-nhe-nhi-cốp làm lành. — Nếu trái lại, anh sẽ phải chịu trách nhiệm trước tôi đấy, A-nhi-xi-mốp ạ, nghe rõ chưa?

        — Thế là thế nào? — Ma-ri-a phản đối. — Tôi thì dĩ nhiên là không thuộc quyền đồng chí rồi, còn vì tôi mà một người khác vô tội lại phải chịu trách nhiệm? Điều lệnh nào quy định như vậy thế? Được, tôi sẽ đến tận ông thiếu tướng chỉ huy anh tôi hỏi xem...

        — Ma-ru-xi-a, đừng có vượt qua giới hạn! — A-nhi-xi-mốp lại ngăn vợ. — Em im ngay.

        — Em sẽ im lặng... Ôi! Bà con ơi! — Chị ta lại kêu lên vẻ không hài lòng.

        Và chị lại vui vẻ tươi tỉnh ngay khi A-nhi-xi-mốp đặt lên gối mình gói quà được tặng.

        — Chà Pê-chi-a-sa, đôi này vừa chân anh đấy! — Chị ta nói khi nhìn thấy dôi tất chân ấm áp nằm giữa gói quà.— Chỉ tiếc là gót không dài lắm... Em đi chật hơn này.

        Chị cúi xuống gần ánh đèn và lúc ấy Pa-ven mới nhìn thấy khuôn mặt bóng nhẵn tròn trĩnh cùng chiếc mũi dọc dừa với đôi môi đều dặn đẹp tươi của chị.

        Bên cạnh chị là A-nhi-xi-mốp vai hẹp, người hơi gù, râu ria lởm chởm, trông già hơn vợ nhiều. Nhưng như Pa-ven thấy rõ, những điều đó không làm giảm bớt tình cảm của đôi vợ chồng này. A-nhi-xi-mốp giở gói giấy và lôi ra từ trong chiếc khăn mùi soa một lọ nước hoa hình lục lăng. Vặn nút nhựa, anh hít hít cái chất lỏng trong suốt màu vàng nhạt ấy và hài lòng gật đầu.

        — «Hoa cẩm chướng ».—A-nhi-xi-mốp đọc nhãn hiệu lọ nước hoa. — Nước hoa chính phẩm đấy, của nhà máy « Bình Minh mới». Chà! Như thế...

        Anh đưa lọ nước hoa cho vợ:

        — Đây tặng em, Ma-ri-a Nhi-ki-tri-na! Không nhiều lắm nhưng để dùng những lúc cần thiết. — Anh nói.

        — Anh nói gì vậy, Pê-chi-a! — Chị vợ cau mặt, dưới ánh đèn, mặt chị ửng lên. — Giờ đây em còn dùng nước hoa để cho ai thưởng thức mới được chứ ?...

        — Cứ cầm lấy, cầm lấy... Đây là loại « Hoa cẩm chướng» em vẫn thích cơ mà.

        « Thật đúng là một chàng kỵ sĩ» — Pa-ven hài lòng thâm khen anh chiến sĩ bắn súng máy này.

        Chị vợ cầm lãy lọ nước hoa. A-nhi-xi-mốp lục tìm dưới chân mình và lôi ra một chai vốt-ca đã dở, có lẽ do vợ mang đến và vội vã giấu đi khi thấy đại đội trưởng.

        — Báo cáo các đồng chí chỉ huy, xin các đồng chí cho phép, nhân ngày lễ. — Anh nói to. — Ma-ru-xi-a bày bàn ra!

        Và không đợi đồng ý, anh rót nót chỗ rượu vốt-ca còn lại vào hai cốc con, chiếc ca nhôm, cốc vại và một chiếc chén bị gãy quai. Xi-nhe-nhi-cốp nhìn đại đội trưởng dò hỏi, hơi có vẻ nghi ngại.

        — Gì thế này các bạn! Trong buổi du ngoạn tuyệt trần như thế này, không uống mừng nhau là có tội đấy. — Pa-ven nói.

        — Cầu cho bọn phát xít bị tiêu diệt sạch, còn chúng ta sẽ khỏe mạnh, tốt đẹp mãi. — A-nhi-xi-mốp cất giọng khàn khàn, — Tóm lại, mọi việc sẽ như vậy, — Anh đưa đôi mắt chủ nhà xem mọi người đã cầm lấy phần của mình chưa ?

        — Còn em, Ma-ru-xi-a, sao lại không uống?

        — Em đã hoàn toàn bị say rồi, Pê-chi-a ạ! — Chị vợ trả lời, giọng nhỏ nhẹ pha lẫn chút diệu bộ.

        — Không, chị phải uống cùng chúng tôi đã... Không uống, không được đâu. — Pa-ven nói và đưa cho chị chiếc cốc vai —  Nào, chúc mừng chiến thắng sắp tới của chúng ta. chúc mọi người mạnh khỏe.

        — Chúc mừng ngày kỷ niệm tháng Mười. — Ê-li-xây-ép nói khi nâng cốc. — Chúc ngày lễ vĩ đại của chúng ta!

        Tất cả mọi người đứng dậy chạm cốc nhau. Tuy họ chỉ có một nhóm trong tầng hầm tranh tối tranh sáng trên vị trí tiền tiêu xa nhất của tuyến phòng thủ, nhưng tất cả đều cảm thấy mình bây giờ như là những bức tường vững chắc không thể phá vỡ nổi. Gió luồn qua lỗ cửa, phả hơi lạnh lên mắt mọi người, thổi phồng chiếc chăn vắt trên dây. Những hạt tuyết nhỏ cũng bay vào, phủ lên nền trắng muốt. Chung quanh vị trí của họ là cánh đồng bao la trải dài bị những đường hào chằng chịt cắt ngang đọc. những hố đạn đào nát, lửa vẫn âm ỉ cháy: cánh đồng của những trận chiến đấu ác liệt đẫm máu... Nhưng vượt lên trên, mạnh hơn cả những gì kinh khủng tàn ác của chiến tranh là lòng dũng cảm lạc quan của con người, mà mỗi người trong số họ đều nhận mình chỉ là một phần nhỏ bé của cả một sức mạnh lớn lao của toàn thể nhân dân đang chiến đấu.

        Khi chạm cốc với Xi-nhe-nhi-cốp, vợ A-nhi-xi-mốp đã nói như chẳng có gì xảy ra.

        — Không hợp lắm, đồng chí trung đội trưởng ạ, đồ nhắm ở đây còn đạm bạc lắm. Khi nào chiến thắng, đồng chí tới chỗ chúng tôi chơi, tôi sẽ đãi đồng chí bánh nhân thịt.

        Tất cả đàn ông đều nhanh chóng uống hết chỗ rượu của mình, khoái trá kêu khà khà, mời nhau đồ nhắm. Còn vợ A-nhi-xi-mốp thì nhấm nháp từng ngụm nhỏ, cạn cốc rượu và với vẻ hài lòng thỏa mãn lấy góc chiếc khăn chấm miệng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2020, 07:50:35 am »


        Lần này, chị tam biệt chồng không cố một giọt nước mắt. Chị khẽ ôm và hôn anh ba lần.

        — Tạm biệt anh nhé, Pê-chi-a, cám ơn anh lắm. — Chị nói khẽ. — Anh đừng lo lắng về bọn em... Em sẽ đến thăm anh nữa. — Chị quay về phía Xi-nhi-nhi-cốp, nói to hơn. — Tốt nhất là đồng chí dừng ngăn cản chúng tôi, đồng chí trung đội trưởng ạ, thứ lỗi cho tôi nhé!

        ... Trên đường trở lại hầm chi huy, Pa-ven tiếc rẻ khi nghĩ tới Na-ta-sa không có mặt ở đây cùng anh và không biết ở nhà bố anh và Na-ta-sa đón mừng buổi tối này như thế nào. Sau này, khi nhớ lại tất cả, anh phải thú thật với mình là anh rốt mong nhớ cô... Sáng hôm sau, trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của họ, Pa-ven đã phải ghìm mình rất nhiều khi ngắm nhìn vợ, tất cả mọi vẻ của cô, đều gợi nén sự âu yếm dịu dàng nồng thắm. Khi nhìn theo chiếc xe ô tô chở Na-ta-sa đang lao nhanh, lần đầu tiên trong dời, anh cảm thấy một cách da diết là cô đang xa anh rất nhiều!...

        «Có lẽ tốt nhất là cô ấy không đến, không xuất hiện ở đây». Pa-ven bỗng nói thành tiếng khi nhớ đến chuyến đi của Na-ta-sa. Nhưng ngay lập tức anh lại thấy mình tự lừa dối: chính anh đã biết ơn cô vô hạn trong chuyến đi thử súng cối này. Và mọi suy nghĩ của anh lẽ dĩ nhiên, lại quay về với những tưởng tượng lúc anh được gặp lại cô, nhưng không phải chỉ có mấy phút như hôm qua, mà là phải hàng tháng, hàng năm, hàng chục năm sung sướng sống bên nhau. Anh đang thử hình dung con đường dài anh còn phải đi qua trong cuộc chiến tranh này để trở về nhà, thì bỗng nhiên anh ý thức được một cách rõ rệt khác thường là, thực ra anh mới chỉ bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường đó mà thôi... Lễ kỷ niệm ngắn ngủi của người lính được tổ chức trong đêm chiến tuyến này sắp kết thúc, một ngày mới của cuộc chiến đấu gian khổ lại bắt đầu. Và như thường lệ, sau những phút tâm hồn được nghỉ ngơi thoải mái, thì những giờ phút ác liệt nhất sẽ lại đến, Pa-ven thấy rõ điều đó trong lúc này.. Anh không sợ điều gì cả, nhưng không khí đêm nay dường như lạnh hơn, gió thổi mạnh và tất cả chung quanh trở nên khác lạ, ác liệt hơn.

        Hình như những người cùng đi với anh lúc này cũng có vẻ khác thường. Không ai trong họ nói câu nào cả. Vợ A-nhi-xi-mốp vượt lên trước các cán bộ chỉ huy, một mình bước đi giữa cảnh đổ nát và nhanh chóng khuất sau cánh cổng. Đến ngay trước lối cửa hầm, Pa- ven cảm thấy trong bóng đêm bao quanh anh, thực sự có cái gì đó đang thay đổi. Quay nhìn lại sau, anh thấy phía nam, nơi bọn Đức đang chiếm đóng, các pháo hiệu phóng lên sáng rực chao đảo lúc vút lên, lúc bay xuống, tạo thành những vết ngoằn ngoèo và chìm vào bóng tối đen trên làng Mư-skin. Điều đó thật khác thường, vì theo lệ, tối nào bọn Đức cũng rất cần mẫn chiếu sáng tất cả những con đường dẫn đến vị .trí bọn chúng.

        — Có cái gì mới mẻ phải không? Suốt đêm nay chúng ta không chợp mắt, đồng chí Ê-ỉi-xây-ép nhỉ? — Pa-ven nói.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM