Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:00:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu ★★  (Đọc 7075 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:05:05 am »

Tên sách: Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu ★★
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2007
Số hóa: macbupda


Tổ chức:
      đại tá KIỀU BÁCH THẤN
Biên soạn:
      đại tá TRỊNH NGỌC NGHI


LỜI NÓI ĐẦU

Thắng lợi của 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc là thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân mang đầy đủ tính cách mạng triệt để và tính khoa học sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện và lâu dài, tạo nên bước phát triển mới của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong chiến tranh giải phóng, quân dân ta đã đánh hàng ngàn trận. Trình độ và nghệ thuật tác chiến được nâng lên một tầm cao mới về chất. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa nhuần nhuyễn nghệ thuật quân sự truyền thống của cha ông, vận dụng cách đánh du kích kết hợp với cách đánh chính quy, đánh tiêu hao kết hợp với đánh tiêu diệt; vận dụng nhiều cách đánh phong phú sáng tạo đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, đánh ở trước mặt và đánh sau lưng địch, huy động mọi sức mạnh của toàn dân để giành chiến thắng.

Trong hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ đó, mỗi trận đánh không chỉ là một chiến công góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc, mà còn làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, khẳng định nghệ thuật dám đánh, biết đánh và biết thắng của quân và dân ta. Tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân dựa trên các tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị và địa phương, tổ chức biên soạn tiếp cuốn
“Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu ★★” gồm hơn một trăm trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nội dung cuốn sách khẳng định rằng với ý chí quyết thắng cao thi trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, chúng ta cũng sẽ tìm ra cách đánh thích hợp và đánh thắng.

Quá trình biên soạn không tránh khỏi thiếu sót. Mong bạn đọc góp ý kiến phê bình
.


   
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2022, 11:25:58 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:06:25 am »

TRẬN ĐÁNH TÀ LÓK CỦA DU KÍCH XÃ VĨNH HIỆP
(17.3.1959)

Trận chống càn bằng vũ khí thô sơ của du kích xã Vĩnh Hiệp (12 người, có 2 nữ), trang bị ná và tên độc đã đẩy lui một đại đội bảo an càn quét vào làng Tà Lók thuộc xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Từ 7 giờ ngày 17 tháng 3, đại đội bảo an bắt đầu cuộc hành quân càn vào hai làng Tà Lók và Tà Lék. Đến 9 giờ 30 phút, địch tiến đến cách tổ cảnh giới của ta khoảng 50m. Du kích dùng loa kêu gọi binh lính địch dừng lại, không tiến vào làng mà chết uổng mạng, sau đó lui về cùng tổ 2 sẵn sàng đánh địch. 10 giờ, địch đến gộp Nước Ló, bất ngờ bị những mũi tên tẩm thuốc độc lao thẳng vào đội hình, 2 tên chết tại chỗ (trong đó có tên trung úy chỉ huy đại đội), một số hốt hoảng chạy sang hai bên trúng vào bãi chông, bẫy đá... bị thương thêm 7 tên nữa. Bọn còn lại lui về sau củng cố đội hình tiếp tục tiến. Khi đến gộp Nước Ló, chúng bắn mạnh và xung phong. Từ các hướng, các mũi tên lẩm thuốc độc lao ra làm chết một tên, bị thương 6 tên, buộc địch phải lùi lại.

Sau khi đánh lui hai đợt tiến công của địch, du kích chuyển về trận địa cuối làng, sẵn sàng đánh địch. 15 giờ ngày 17 tháng 3, địch tiếp tục tiến công, khi đến ngã ba suối lại bị những mũi tên độc bắn chết một tên, bị thương 5 tên.

Đến 16 giờ, địch liến công lần thứ tư, lần này chúng tiến công ồ ạt hòng tiêu diệt lực lượng ta và đánh chiếm làng. Nhưng cũng như lần trước, đợt tiến công lần này cũng bị du kích đẩy lùi và diệt thêm 2 tên, bị thương 5 tên. Thấy không thể vào làng, chúng gọi máy bay đến ném bom đánh phá và lui quân về quận Vĩnh Thạnh.

Qua một ngày chiến đấu, du kích diệt 6 tên, làm 23 tên bị thương; thu một súng trường, một bản đồ và một sơ đồ dùng quân sự.

Trận đánh để lại những kinh nghiệm quý về chọn thế hiểm của địa hình, bố trí các khu vực diệt địch phù hợp, kết hợp chặt chẽ và sáng tạo các loại vũ khí thô sơ, tự tạo của du kích trong chiến tranh nhân dân địa phương đánh địch, giữ làng.

TRẬN NA THENT CỦA TIỂU ĐOÀN 929
(5-14.4.1961)

Trận phòng ngự của Tiểu đoàn 929 (Quân khu 4) được hai trung đội Quân giải phóng Lào phối hợp chiến đấu; trang bị 2 khẩu cối 82mm, 2 khẩu ĐKZ 57mm, 2 khẩu đại liên, chặn đánh tiểu đoàn 7B trung đoàn 14 quân phái hữu Lào tiến công vào trận địa ở khu vực Na Thent (bắc huyện Mường Mầy, tỉnh Bô Li Khăm Xay - Lào) nhằm tiêu diệt địch, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển Tây Trường Sơn.

Sau thời gian chuẩn bị gấp, tiểu đoàn hoàn thành việc xây dựng công sự trận địa sẵn sàng đánh địch.

Lúc 16 giờ 45 phút ngày 5 tháng 4, một đại đội địch bí mật tiếp cận trận địa, bất ngờ tiến công vào các vị trí chốt giữ của ta. Nhờ chuẩn bị chu đáo, ta và bạn nhanh chóng xác định được hướng tiến công chủ yếu của địch; sử dụng hỏa lực ngăn chặn, tiêu diệt một số tên, buộc chúng phải rút lui.

Ngày 7 tháng 4, ta điều chỉnh lực lượng, bổ sung phương án chiến đấu, tăng cường lực lượng, sẵn sàng đánh địch tiến công quy mô lớn hơn.

Ngày 8 tháng 4, địch cho một tiểu đoàn, lợi dụng thời tiết xấu, bí mật tiếp cận trận địa. 18 giờ, chúng nổ súng xung phong vào trận địa ta. Tiểu đoàn sử dụng lực lượng vừa ngăn chặn, vừa cơ động phản kích đánh bật địch ra khỏi xóm lẻ phía tây bản Na Thent.

Ngày 14 tháng 4, địch sử dụng một tiểu đoàn có pháo 105mm và máy bay trực thăng chi viện, từ nhiều hướng tiếp cận vào trận địa ta. Khi chúng triển khai đội hình, bị hỏa lực ta cấp tập làm thương vong một số, chúng phải lùi ra xa dùng pháo bắn vào trận địa, 16 giờ 45 phút buộc phải rút quân.

Mười ngày chiến đấu, ta đánh bại ba lần địch tiến công, loại khỏi vòng chiến đấu một số tên.

Thắng lợi của trận đánh cho thấy: Xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, kiên quyết bám trụ đánh địch; nắm chắc thủ đoạn, hướng tiến công chủ yếu của chúng, xây dựng phương án chiến đấu sát với diễn biến của trận đánh; thường xuyên cảnh giác, giữ bí mật, tạo bất ngờ là những yếu tố có tính quyết định đến thành công của trận phòng ngự chống địch càn quét bảo vệ vùng giải phóng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:07:19 am »

TRẬN MƯỜNG NGẠT CỦA TIỂU ĐOÀN 3 LỮ ĐOÀN 324
(10-21.5.1961)

Trận tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc của Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 324 (có 3 đại đội bộ binh, một đại đội trợ chiến), được tăng cường một đại đội cối 82mm (6 khẩu), một trung đội ĐKZ 75mm (3 khẩu) và một số phương tiện đảm bảo; được hai đại đội bộ binh làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí đánh một đại đội quân phái hữu Lào (CV-14) có cố vấn quân sự nước ngoài, chiếm giữ ở Mường Ngạt, cách biên giới Lào - Việt khoảng 15km, cách thị xã Xiêng Khoảng 50km về phía đông nam; nhằm tiêu diệt địch, bảo vệ an toàn biên giới và hành lang vận chuyển của ta.

Ngày 10 tháng 5, đơn vị hành quân từ vị trí tập kết vào chiếm lĩnh trận địa. Nhưng do đường xa, rừng rậm, lại chưa trinh sát nắm chắc địa hình nên đến đêm 12 tháng 5, các đơn vị mới thực hành tiếp cận sát địch.

Lúc 8 giờ ngày 13, Đại đội 2 bị lộ, địch ở H8 bắn vào đội hình. Chỉ huy tiểu đoàn lệnh các phân đội hỏa lực bắn vào các mục tiêu, kiềm chế cối 106,7mm và 12,7mm của địch, sau đó cho bộ đội xung phong. Đồng thời sử dụng hai trung đội của Đại đội 3 và một trung đội công an vũ trang tiến xuống phía nam, bao vây địch ở sân bay, không cho chúng ứng viện.

9 giờ, Đại đội 2 chiếm được H8 và dùng hỏa lực đánh vào H6.

Trên hướng Đại đội 1, do bị vướng mìn nên phát triển khó khăn. Tiểu đoàn trưởng sử dụng một trung đội dự bị đánh vào sân bay để thu hút địch.

14 giờ ngày 13, được trung đội dự bị đánh vào sân bay, phân tán hỏa lực địch nên Đại đội 1 chiếm được H6. Trong khi đó, Đại đội 7 đánh vào H5 vẫn đang trên đường vận động, Đại đội 2 dùng hỏa lực bắn vào H6 thì bị một số địch từ sau H8 bắn vào phía sau đội hình làm một số thương vong.

2 giờ 45 phút ngày 14, ta chiếm được nửa đồn, địch chống cự quyết liệt; ta tổ chức phát triển theo chiều sâu đồn; trước sức tiến công mạnh của ta, một số địch hốt hoảng bỏ chạy.

3 giờ, ta giải phóng Mường Ngạt.

Sáng 14 tháng 5, ta tổ chức truy kích, gọi hàng quân địch chạy vào rừng. Ngày 15 tháng 5, trận đánh kết thúc, tiểu đoàn được lệnh phòng ngự giữ Mường Ngạt.

Ngày 17 tháng 5, tiểu đoàn sử dụng một đại đội, tăng cường 3 đại liên, 3 ĐKZ 57mm phát triển chiến đấu đánh chiếm Tham Tạt. Nhưng vì đèo dốc, nên đến 10 giờ 20 phút ngày 21 tháng 5, ta mới nổ súng đánh Tham Tạt, ở đây chỉ có một tốp địch chống cự, còn đại bộ phận đã rút chạy.

Sau nhiều ngày đánh địch, ta diệt 26 tên, làm bị thương 9 tên, gọi hàng 203 tên, thu 158 súng các loại, chiếm một kho gạo, muối, kho dù, kho vũ khí.

Chiến thắng Mường Ngạt góp phần uy hiếp trực tiếp quân địch ở các vùng chiếm đóng lân cận và tạo được vành đai an toàn cho ta ở vùng biên giới.

TRẬN LA VI CỦA TIỂU ĐOÀN 7 TRUNG ĐOÀN 101
(29 - 30.3.1962)

Trận tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc của Tiểu đoàn bộ binh 7 Trung đoàn 101 (3 đại đội bộ binh), được tăng cường một đại đội địa phương tỉnh, một đại đội địa phương huyện, một trung đội công binh; 4 khẩu cối 82mm, 2 khẩu ĐKZ 75mm, 3 khẩu súng máy phòng không 12,7mm vào một đại đội quân phái hữu Lào được trang bị hai khẩu cối 60mm, một khẩu bazôka 90, một khẩu đại liên, còn lại là trung liên và súng trường đóng giữ ở La Vi (gồm ba vị trí: Tà Ôi, khu lính Com-măng-đô, Tam Luật), huyện Mường Nống (Lào); nhằm tiêu diệt, đẩy lùi các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giải phóng một vùng phía Bắc của tỉnh Luông Pha-băng.

12 giờ ngày 27 tháng 3, bộ đội bắt đầu hành quân, 19 giờ ngày 28 tháng 3, quân ta vào vị trí tập kết, bộ đội bắt đầu tiềm nhập.

1 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3, ba người của ta đi lạc đường gặp vọng gác của địch ở La Vi Noi bắn ra, một người bị thương, sau đó hy sinh. Tiểu đội địch bắn một lúc rồi bỏ chạy.

5 giờ 55 phút, ta bắt đầu nổ súng. 7 giờ 15 phút. ta chiếm được La Vi Noi.

12 giờ, chỉ huy trung đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 7 quan sát địa hình, bố trí hỏa lực của địch, chuẩn bị để đêm 29 tháng 3 công kích.

Địch dùng máy bay đến bắn vào đội hình tiến công của ta. Ta dùng hỏa lực đánh vào Xiêng Pá, khu lính Com-măng-đô. 17 giờ, quân ta bắt đầu đột kích, đến 4 giờ 55 phút ngày 30 tháng 3, quân ta chiếm được toàn bộ đồn. Tiểu đoàn để lại một trung đội chốt giữ, lực lượng còn lại tiếp tục truy kích địch.

Sau hai ngày chiến đấu, ta diệt 21 tên địch: thu một khẩu đại liên, một khẩu trung liên, 2 khẩu cối 60mm, 5 tấn gạo và nhiều đạn dược.

Chiến thắng La Vi cho thấy: Công tác chuẩn bị chiến đấu tốt góp phần quyết định hoàn thành nhiệm vụ; giữ bí mật tốt là một trong những bí quyết thành công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:07:59 am »

TRẬN TÂN KIỀU CỦA DÂN QUÂN XÃ YÊN HÓA
(6.1.1963)

Trận vây bắt biệt kích của 200 dân quân xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình khi chúng nhảy dù xuống thôn Tân Kiều, xã Minh Hóa, nhằm bắt gọn địch, phá kế hoạch thu thập tin tức, bí mật phá hoại miền Bắc của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

20 giờ 20 phút ngày 6 tháng 1, phát hiện máy hay địch xâm nhập và thả biệt kích xuống Tân Kiều, xã đội trưởng đã báo động lực lượng dân quân toàn xã và thông tin cho các xã bạn là có biệt kích nhảy dù xuống địa phương và báo cáo cấp trên.

Thường vụ đảng ủy xã hội ý chớp nhoáng hạ quyết tâm vây bắt, đồng thời xã đội trưởng và xã đội phó chỉ huy hai cánh quân bao vây, lùng sục vào khu vực biệt kích nhày dù xuống.

24 giờ, các cánh quân chia làm nhiều mũi vây chặt, lần theo dấu vết của địch.

5 giờ ngày 7 tháng 1, các chiến sĩ công an và một tổ dân quân phát hiện một tên địch, vì quân ta đông nên tên địch phải đầu hàng ngay. Bốn tên còn lại thấy chưa bị phát hiện trèo lên lèn đá định lẩn trốn. Nhưng chúng đã bị hai trợ lý huyện đội và năm dân quân Yên Hóa, Xuân Hóa lần theo dấu vết và bắt gọn ngay khi đang ở trên dốc lèn.

Sau 10 giờ chỉ huy chặt, kịp thời và hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, dân quân xã và bộ đội, công an đã bắt gọn 5 tên biệt kích, thu một máy vô tuyến điện, 2 khẩu tiểu liên, 3 khẩu súng ngắn, 5 dao găm, 4 máy 15W, 2 máy điện, 5 bản đồ khu vực Tuyên Hóa, Minh Hóa; 4 địa bàn và một máy thông tin liên lạc với máy bay, một số nén bạc, tiền và các phương tiện phục vụ cho hoạt động của chúng.

Bắt gọn được toán biệt kích đã tạo được không khí phấn khởi trong nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tăng cường sẵn sàng chiến đấu, củng cố an ninh biên giới phía tây của tỉnh ngày càng vững chắc.

TRẬN ĐẦM DƠI CỦA TIỂU ĐOÀN U MINH
(Đêm 9 rạng ngày 10.9.1963)

Trận vận động tập kích của Tiểu đoàn U Minh (nay là Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 1 Sư đoàn 330 Quân khu 9), biên chế 3 đại đội bộ binh, một đại đội đặc công, một đại đội cối 81 và 82mm, một đại đội ĐKZ 75mm và 57mm, một đại đội súng máy phòng không 12,7mm và một số đơn vị bảo đảm; mỗi đại đội bộ binh có 1 - 2 khẩu cối 60mm, 1 - 2 đại liên, còn lại là trung liên và súng trường đánh vào lực lượng ngụy quyền và đại đội bảo an 374 tiểu đoàn bảo an 37 (được trang bị 2 khẩu cối 81mm, 2 khẩu cối 60mm, một khẩu đại liên, còn lại là trung liên và súng trường) ở chi khu Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau; nhằm tiêu diệt địch, phá đồn bốt trong chi khu, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược trở về ruộng vườn làm ăn.

18 giờ 30 phút ngày 9 tháng 9, gần 300 chiếc xuồng chở quân nối tiếp nhau rẽ sóng, lặng lẽ theo các kinh rạch hướng về Đầm Dơi. 0 giờ 10 phút ngày 10 tháng 10, phân đội ĐKZ tiếp cận giẫm phải mìn làm 6 người hy sinh, 5 người bị thương, hỏng 2 khẩu ĐKZ. Địch bắn cối ngay vào khu vực mìn nổ làm ta thương vong thêm một số. Do ta tiến công chi khu Cái Nước nên địch báo động các đơn vị sẵn sàng đối phó. Sau một thời gian kiên trì giữ bí mật, tình hình địch trở lại yên tĩnh, ta tiếp tục tiếp cận. 2 giờ 40 phút, vị trí chỉ huy của tiểu đoàn triển khai xong, liên lạc được nối thông với các đại đội. 4 giờ, các hướng triển khai xong, các cửa mở đã cắt được từ 2 - 3 lớp rào, nhưng không thể tiếp cận vào sâu được. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Đệ quyết định nổ súng tiến công.

Ngay những loạt đạn đầu tiên, một số lô cốt địch bị diệt, trên các hướng quân ta phá nốt những hàng rào còn lại. Từ các hướng, các mũi, bộ binh xung phong đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Được phi pháo chi viện, địch phản kích quyết liệt nhằm đẩy ta ra xa, phân tuyến để dùng pháo binh đánh phá. Trận chiến giằng co đến sáng, ta diệt một số địch, số còn lại lợi dụng công sự chống trả và dùng không quân tăng cường chi viện cho địch trong chi khu. Thấy tiếp tục chiến đấu không lợi, tiểu đoàn trưởng ra lệnh lui quân.

6 giờ 5 phút, khi 3 máy bay “đa-cô-ta” đến ném bom phốt pho cách chi khu khoảng 500m về phía nam, bom gây cháy một vùng rộng lớn, khói bụi mù mịt, ta lợi dụng khói bụi rút quân ra bờ tây sông về vị trí tập kết.

Sau khi quân ta về tạm dừng ở rạch Bàu Sen (nam chi khu 7km), địch đổ quân phản kích suốt ngày 10 tháng 9. Tiểu đoàn U Minh đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch, diệt và bắt hơn 200 tên.

Sau 2 giờ chiến đấu ở chi khu Đầm Dơi, ta loại khỏi vòng chiến đấu 110 tên, bắt 48 tên, phá hủy một khẩu cối 81mm, một khẩu cối 61mm, một khẩu đại liên; thu một khẩu cối 61mm, hơn 80 súng tiểu liên, súng trường...; phá hủy hàng chục vũ khí khác.

Chiến thắng Đầm Dơi để lại những kinh nghiệm quý về xác định quyết tâm, tạo và nắm chắc thời cơ, nổ súng tiến công kịp thời; xử trí tình huống mau lẹ và chính xác; tác phong chỉ huy sâu sát, hành động chiến đấu của các phân đội kiên quyết, hiệp đồng đánh địch chặt chẽ.

Trận đánh đã gây tiếng vang lớn trong tỉnh và lan rộng ra các chiến trường khác.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tư, 2020, 05:22:05 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:08:46 am »

TRẬN CÁI NƯỚC CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 306
(Đêm 9 rạng ngày 10.9.1963)

Trận vận động tập kích của Tiểu đoàn bộ binh 306 Quân khu 9 (biên chế ba đại đội bộ binh, một đại đội ĐKZ, một đại đội cối, một đại đội 12,7mm và một số đơn vị đảm bảo, được tăng cường một trung đội trinh sát quân khu, một trung đội địa phương huyện Cái Nước, một đại đội pháo trợ chiến quân khu) vào lực lượng bảo vệ các đồn Bà Lộc, Gòn, tháp canh nam Cầu Sắt, những vị trí quan trọng bảo vệ chi khu Cái Nước, tỉnh Cà Mau; nhằm tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng ở nam Cà Mau.

16 giờ 30 phút ngày 9 tháng 9, các đơn vị bí mật đội mưa theo rạch Lung Chiêm vào vị trí tập kết giấu xuồng và cơ động vào vị trí triển khai.

0 giờ 40 phút ngày 10 tháng 9, khẩu ĐKZ 75mm số 3 bắn quả đạn đầu tiên, ra hiệu lệnh cho tiểu đoàn đồng loạt tiến công. Ngay sau đó, ở quận lỵ Cái Nước, ĐKZ và súng phóng bom bắn dồn dập vào các lô cốt, ụ súng của địch. Chớp thời cơ, các đại đội bộ binh mở cửa xung phong. Do bám sát các hướng nên chỉ huy tiểu đoàn đôn đốc các mũi tiến công nhịp nhàng, các hỏa lực của địch lần lượt bị diệt, một số địch tháo chạy bị diệt và bị bắt. Khi Đại đội 3 hoàn thành nhiệm vụ, thấy Đại đội 2 còn tiếp tục chiến đấu, tiểu đoàn đã nhanh chóng tổ chức một mũi đánh tạt sườn quân địch, làm chúng tan rã nhanh chóng.

Tại đồn lộ Gòn, Trung đội 1 vào ém sát địch, khi nổ súng dùng lựu đạn, thủ pháo ném vòa công sự. Sau 25 phút chiến đấu, ta diệt và bắt 27 tên, thu 21 súng các loại làm chủ đồn.

Tại đồn xẻo Bà Lộc, địch chống cự quyết liệt, gần một giờ chiến đấu ta mới chiếm được một góc. Trung đội 2 xung phong ba lần nhưng không thành công, thương vong 7 người, phải chờ chi viện. Đến 1 giờ 30 phút, Đại đội 1 triển khai đội hình vào các vị trí đã chiếm được, điều ĐKZ 75mm diệt hỏa điểm và cho Trung đội 1 đánh chiếm lô cốt phía đông, tổ chức một mũi đánh sang hướng Trung đội 2, diệt lô cốt phía tây. 1 giờ 40 phút, ta làm chủ đồn xẻo Bà Lộc.

Ở tháp canh Cây Dương, ta vào cách địch 15m, ném lựu đạn và thủ pháo, sau 8 phút ta diệt gọn quân địch ở tháp canh.

Trên hướng trung đội địa phương huyện Cái Nước và các mũi khác, nhờ tiếp cận bí mật, tạo được bất ngờ, hiệp đồng chặt chẽ nên sau 20 phút nổ súng, ta đã làm chủ được trận địa.

2 giờ 45 phút ngày 10 tháng 9, tiểu đoàn để lại lực lượng địa phương cùng dân công san bằng các bốt giặc. Đến 8 giờ, ta bắt thêm được 11 tên địch lẩn trốn và thu một số vũ khí.

Trận đánh đã xóa sổ chính quyền quận, các hội đồng xã, tổng số khoảng 200 tên, diệt 92 tên, bắt 84 tên, thu 4 khẩu cối các loại, một khẩu đại liên và 81 súng các loại.

Về nghệ thuật chiến đấu, ta đã nắm vững tình hình, có quyết tâm chính xác; biết tập trung lực lượng để nhanh chóng tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, chỉ huy các cấp xử trí tình huống mau lẹ.

TRẬN CÁI ĐUỐC - GIỒNG RIỀNG CỦA TIỂU ĐOÀN U MINH 10
(27.10.1963)

Trận phục kích của Tiểu đoàn U Minh 10 (danh nghĩa là tiểu đoàn nhưng thực tế mới có Đại đội 1 gồm 4 trung đội bộ binh và một trung đội hỏa lực), được một trung đội bộ đội địa phương huyện Giồng Riềng và một trung đội bộ đội địa phương huyện Gò Quao phối hợp chiến đấu; trang bị có 2 khẩu cối 60mm, 4 khẩu garand và 6 khẩu các bin, 12 khẩu trung liên Đức, 11 khẩu tiểu liên K50, 75 khẩu súng trường K44 mới được chuyển từ miền Bắc vào; do đại đội trưởng Bùi Tấn Phương chỉ huy đánh vào đại đội biệt kích chi khu Kiên Bình (khoảng 130 quân) trên đoạn đường từ Cái Đuốc đi Giồng Riềng thuộc xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng tỉnh Rạch Giá; nhằm tiêu diệt lực lượng biệt kích ác ôn, giải phóng nhân dân, trả thù cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân bị chúng giết hại.

Để kéo địch từ chi khu Kiên Bình đi giải tỏa cho đồn Cái Đuốc và đồn Thác Lác, liên tục trong hai ngày 24, 25 tháng 10 năm 1963, ta sử dụng một tiểu đội bộ đội địa phương huyện Giồng Riềng kết hợp với du kích xã Ngọc Chúc bao vây, bắn phá đồn Cái Đuốc Lớn và du kích xã Ngọc Hòa đánh phá đồn Thác Lác. Đồng thời trong hai đêm 24 và 25, ta huy động hơn 400 dân công thuộc các xã Ngọc Chúc, Ngọc Hòa và Hòa Thuận đào phá lộ, cắt đứt giao thông đoạn giữa rạch Cái Đuốc và kinh xáng Thác Lác.

Sau một ngày đêm bao vây bắn phá, đêm 26 rạng 27 tháng 10, ta sử dụng một tổ đặc công dùng bộc phá đánh đứt nhiều đoạn rào dây thép gai phía nam đồn Cái Đuốc. Tiếp đó, ta dùng ĐKZ 57mm bắn vào phía nam đồn. Để gây sức ép với địch, ta sử dụng một bộ phận bộ đội địa phương huyện Giồng Riềng kết hợp với du kích xã Ngọc Chúc siết chặt vòng vây, phát loa kêu gọi địch ra hàng.

4 giờ 30 phút, tổ trinh sát gác đầu đường phát hiện địch từ Giồng Riềng kéo vào, dưới mương ven lộ có vài chiếc thuyền đang đi về hướng trận địa ta. 5 giờ 15 phút ngày 27 tháng 10, toàn bộ đội hình địch lọt vào trận địa phục kích. Do địch bất ngờ nổ súng bắn loạn xạ nên lực lượng chặn đầu của ta cũng lập tức nổ súng. Được lệnh, các đơn vị đồng loạt nổ súng bắn vào quân địch. Bám vào lộ, địch chống cự quyết liệt, hòng chặn đứng các mũi tiến công của ta.

Phát hiện địch tập trung hỏa lực mở đường để tháo chạy, tiểu đoàn kịp thời dùng hỏa lực tiêu diệt hỏa điểm của địch và xông ra đường, dùng súng trường, tiểu liên bắn găm, bắn gần và giáp lá cà với địch, diệt một số tên.

7 giờ 40 phút ta làm chủ trận địa, lực lượng dân công được huy động từ phía sau lên cùng bộ đội chuyển thương binh, tử sĩ và chiến lợi phẩm thu được của địch.

8 giờ ngày 27 tháng 10, các trung đội được lệnh thu quân về vị trí quy định.

Sau 2 giờ chiến đấu ác liệt, ta loại khỏi vòng chiến đấu 114 quân địch, bắt 4 tên; thu 94 súng các loại.

Để giành thắng lợi, trước hết phải chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, cán bộ phải chỉ huy sâu sát, cụ thể; lãnh đạo giải quyết tư tưởng tốt, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ, chiến sĩ.

Sau trận đánh, lực lượng bảo an, dân vệ địch co lại, không dám ra hoạt động ở những khu vực xa đồn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:10:04 am »

TRẬN THỚI LAI CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 96 QUÂN KHU 9 VÀ ĐẠI ĐỘI ĐẶC CÔNG 20 TỈNH CẦN THƠ
(4.2.1964)

Trận vận động phục kích của Tiểu đoàn bộ binh 96 Quân khu 9 và Đại đội đặc công 20 tỉnh đội cần Thơ, được một phân đội bộ đội địa phương huyện Ô Môn cùng lực lượng của Hội Phụ nữ, Mặt trận, binh vận huy động nhân dân biểu tình, đấu tranh chính trị, tuyên truyền vận động quần chúng ở thị tứ phối hợp đánh vào lực lượng địch giữ đồn Thới Lai, tiếp đó tiêu diệt lực lượng địch đến cứu viện, làm suy yếu lực lượng của chúng, tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ tiến lên Thốt Nốt nhanh hơn.

Để hoàn thành nhiệm vụ công đồn, tiểu đoàn bí mật cơ động lực lượng triển khai áp sát hàng rào, bố trí hỏa lực kiềm chế hỏa lực địch ở các lô cốt, dùng đặc công phá rào, xung lực xung phong tiêu diệt các mục tiêu được phân công.

Đồng thời, ta sử dụng phần lớn lực lượng mai phục ở nam đường 29, nam Lung Sen... hình thành thế bao vây, để địch lọt hẳn vào trận địa, bất ngờ nổ súng, đồng loạt xung phong, chia cắt địch ra từng đoạn, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.

16 giờ 30 phút ngày 4 tháng 2, bộ phận công đồn từ Cái Túc vào chiếm lĩnh trận địa. 23 giờ 35 phút, cối 60mm, ĐKZ bắn vào đồn và các lô cốt; đồng thời đặc công nổ mìn, bộc phá phá rào, mở cửa. Nhờ hiệp đồng chặt chẽ giữa hỏa lực đi cùng và bộ binh, quân ta lần lượt đánh chiếm các mục tiêu trong đồn. Đến 2 giờ ngày 5 tháng 2, ta làm chủ thị tứ Thới Lai.

Cùng thời gian ta tiến công địch trong đồn, bộ phận phục kích vào trận địa mai phục quân địch, sẵn sàng đón đánh quân ứng cứu. 8 giờ ngày 5 tháng 2, khoảng 150 tên địch lọt vào trận địa, đầu đội hình tới cổng số 2. Khi tốp đi đầu cách hai khẩu trung liên của bộ phận chặn đầu 20m, quân ta nổ súng diệt một số tên làm bộ phận đi đầu lùi lại, địch ở phía sau dồn lên làm cho đội hình ùn lại. Chớp thời cơ, cối 60mm bắn vào đội hình của chúng ở đường 29 và ở kinh Đứng tạo thời cơ cho bộ phận diệt địch chủ yếu cơ động lực lượng, hình thành thế bao vây, tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng loạn, một số lợi dụng bờ ruộng bắn chặn ta, số đông nhảy xuống kinh Đứng tìm đường chạy tháo thân.

Chớp thời cơ các mũi của ta xung phong tiêu diệt nhiều địch dưới kinh Đứng.

Một bộ phận ở phía sau chạy lại, bị ta diệt gần hết và bắt hàng chục tên.

8 giờ 50 phút, địch cho máy bay trinh sát tới, bị ta bắn chúng hốt hoảng bỏ chạy. Qua 40 phút chiến đấu, ta làm chủ trận đánh, làm công tác thương binh, tử sĩ, thu chiến lợi phẩm và rời khỏi trận đánh.

Địch chết 95 tên, bị thương 19 tên, bị bắt 45 tên.

Trận công đồn, diệt viện ở Thới Lai để lại nhiều kinh nghiệm quý về chủ động lập thế trận có lợi cho ta, phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong thế trận chiến tranh nhân dân ở địa hình đồng bằng sông nước; vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu phù hợp với điều kiện cụ thể của trận đánh; sử dụng lực lượng hợp lý để giành thắng lợi cho trận đánh.

TRẬN HẬU MỸ CỦA TIỂU ĐOÀN 261
(4.3.1964)

Trận tập kích của Tiểu đoàn 261 (quân số 1.400 người), biên chế 3 đại đội bộ binh (1, 2, 3), một đại đội trợ chiến; trang bị 1.000 khẩu súng các loại gồm ĐKZ 75mm, cối 81mm, đại liên, còn lại là súng trường vào một đại đội bảo an, một đại đội dân vệ, một đại đội thám báo bình định và tề điệp ác ôn (600 quân, có 6 cố vấn Mỹ); trang bị 9 đại liên, 15 trung liên, 2 cối 81mm, 4 cối 60mm, ngoài ra trong tiểu khu còn có 4 khẩu pháo 105mm, 2 khẩu cối 106,7mm và nhiều tiểu liên, súng trường ở chi khu Hậu Mỹ (Thiên Hộ) thuộc xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho; nhằm tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, khai thông tuyến vận chuyển từ biên giới Campuchia đến chiến trường đồng bằng sông Cửu Long.

Đêm 1 rạng ngày 2 tháng 3, Tiểu đoàn từ “vùng 20-7” hành quân ra phía bắc đường 4 ém quân ở xã Thạnh Phú, huyện Cai Lậy. 18 giờ cùng ngày, các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa.

Mặc dù đã đến giờ nổ súng, nhưng tiểu đoàn vẫn chưa nhận được tin của Đại đội 1. Do điều kiện thời gian, quy mô trận đánh và diện mục tiêu rộng nên chỉ huy tiểu đoàn vẫn quyết định nổ súng, khi pháo ta bắn vào mục tiêu thì Đại đội 1 đến vị trí và bước vào chiến đấu ngay.

Ngay phút đầu, ta đã làm tê liệt vị trí chỉ huy và trận địa pháo. Các mũi của Đại đội 1 và 3 cùng nổ bộc phá diệt các lô cốt đầu cầu, mở cửa đánh vào trung tâm mục tiêu thuận lợi.

Sau 15 phút pháo ta bắn cấp tập vào mục tiêu, tiểu đoàn ra lệnh ngừng bắn pháo để bộ binh xung phong thọc sâu chia cắt, đánh địch ở tung thâm, không cho chúng tháo chạy, hoặc co cụm chống đỡ. Nhưng diễn biến thực tế không như dự kiến, lợi dụng pháo ta ngừng bắn, địch củng cố lực lượng, chống trả quyết liệt, các mũi tiến công của ta đều gặp trở ngại, việc tiếp cận diệt chỉ huy của địch thêm khó khăn.

Sau khi ổ đại liên bị diệt, địch tập trung hỏa lực chống trả quyết liệt để bảo vệ chỉ huy làm cho mũi thọc sâu của Trung đội 3 không phát triển được, trong khi đó các hướng thứ yếu và quan trọng đều đã đánh chiếm và làm chủ tình hình ở khu vực được giao.

Trước tình hình hướng chủ yếu gặp khó khăn, trung đội trưởng Tua tổ chức một tổ diệt cụm địch còn lại ở sở chỉ huy, một tổ đánh chiếm khu thông tin và khẩn trương chỉ huy trung đội và hai tổ nhanh chóng diệt chỉ huy và khu thông tin của địch. Chiếm được sở chỉ huy, Trung đội 2 cử một tổ chi viện cho Trung đội 1. Với sự tiếp sức của Trung đội 2, Trung đội 1 đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở khu nhà kho.

Trận đánh kết thúc, 500 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu (chết 350, có 4 cố vấn Mỹ), bắt 25 tên; thu nhiều súng các loại.

Chiến thắng Hậu Mỹ cho thấy: Trước khi chiến đấu, các đơn vị cần tranh thủ huấn luyện bộ đội sát với thực tế chiến đấu, có phương án đánh địch cụ thể, sát chiến trường; tổ chức thông tin liên lạc chặt chẽ giữa chỉ huy với các đơn vị thuộc quyền trên các hướng; đây là những yếu tố rất quan trọng để giành chiến thắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:18:33 am »

TRẬN MĂNG ĐA CỦA TIỂU ĐOÀN 261
(15.5.1964)

Trận tập kích của Tiểu đoàn 261 (thiếu Đại đội 1), tham gia chiến đấu có các đại đội bộ binh 2, 3, Đại đội ĐKZ (6 khẩu 75mm, 6 khẩu 57mm), đại đội phòng không (9 khẩu 12,7mm và 6 khẩu đại liên), Đại đội súng cối 9 khẩu; 4 tiểu đội đặc công vào lực lượng địch ở Măng Đa thuộc xã Vĩnh Trị, huyện Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường (nay là huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An); nhằm tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh ở địa phương lên một bước.

18 giờ ngày 14 tháng 5, các đơn vị từ Vịnh Ô Mỗi (Cả Muồn) hành quân chiếm lĩnh trận địa.

0 giờ 40 phút, quân ta tập trung hỏa lực đánh vào khu Măng Đa. Theo hiệp đồng, các mũi bộ binh nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Sau ít phút bị bất ngờ, đối phó lúng túng, địch dùng hỏa lực chống trả quyết liệt làm các mũi tiến công của ta không phát triển được. Ở khu B, ta nhiều lần xung phong không thành, phải dùng ĐKZ bắn lần thứ hai mới diệt được các lô cốt số 1, 2, 3. Tiếp đó, đại liên bắn, đặc công xông lên nổ bộc phá liên tục mới mở được cửa cho bộ binh xung phong đánh chiếm lô cốt đầu cầu và phát triển vào bên trong. Địch ở lô cốt số 4 chống trả quyết liệt, ta điều ĐKZ lên định diệt lô cốt số 4, nhưng khi ĐKZ đến thì bộ binh đã đánh chiếm được mục tiêu.

Ở khu A, sau lần xung phong đầu tiên, Đại đội 2 phải lùi lại thu gọn đội hình, cho cối và ĐKZ bắn lần hai. Lợi dụng kết quả bắn phá của hỏa lực, Đại đội 2 xung phong, đặc công và xung kích nhanh chóng chiếm được lô cốt số 1 và 2. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch ra sức chống trả, một số chạy sang khu B chui vào ấp chiến lược. Thấy địch hoang mang, đại đội củng cố lại lực lượng, điều ĐKZ và trung liên lên kiềm chế ổ đề kháng ở lô cốt số 2 để xung kích đánh chiếm nhà lính, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu đánh chiếm lô cốt số 2 và 3.

Sau hơn 10 phút chiến đấu, ta chiếm được các lô cốt số 2, 4, địch dồn về lô cốt số 3, tập trung hỏa lực bắn vào các nhà A4, A5 và lô cốt số 1 vừa bị ta chiếm nhưng không kịp, thừa thắng Đại đội 2 chiếm toàn bộ khu A, giải phóng Măng Đa hồi 5 giờ 5 phút ngày 15 tháng 5 năm 1964. Trận chiến đấu kết thúc, ta diệt 25, bắt 26 tên địch. Thu 69 súng các loại, 26 ngàn viên đạn và nhiều đồ dùng quân sự.

Trận Măng Đa để lại nhiều kinh nghiệm quý về điều tra nắm địch; sử dụng lực lượng phù hợp để giành thắng lợi cho trận chiến đấu.

TRẬN HÒN GAI CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG VÀ HẢI QUÂN ĐÓNG TẠI ĐỊA BÀN
(5.8.1964)

Trận chiến đấu với máy bay Mỹ vào bắn phá quân cảng, các tàu: Hải quân, cảng than Hòn Gai... của Trung đoàn pháo phòng không 217, các tàu chiến thuộc khu tuần phòng 1 Hải quân và các lực lượng phòng không tỉnh Quảng Ninh; nhằm tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế.

Trước những thất bại ngày càng nặng nề của Mỹ - ngụy ở miền Nam Việt Nam. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, mở rộng cuộc chiến xâm lược của chúng ra cả nước Việt Nam.

14 giờ 30 phút, Mỹ bất ngờ dùng máy bay cường kích của Hải quân đánh phá quân cảng, các mục tiêu chính trị, kinh tế ở Bãi Cháy, và các tàu Hải quân đậu trong vùng Cửa Lục.

Lần đầu tiên đối mặt với máy bay phản lực siêu âm của Mỹ nên các đơn vị phòng không của ta không khỏi lúng lúng trong những phút đầu. Nhưng khi máy bay địch bổ nhào lần thứ hai đánh vào sân cảng, cầu tàu và các tàu đậu ngoài, thì các loại hỏa lực 37mm, 14,5mm từ các tàu Hải quân bắn lên mãnh liệt, cùng các trận địa hỏa lực phòng không ở Bãi Cháy, Cọc 3, Hà Tu bắn lên tạo thành lưới lửa chặn các đường bay của địch.

14 giờ 50 phút, một máy bay địch bốc cháy.

14 giờ 56 phút, chiếc máy bay thứ hai bị trúng đạn. bốc lửa và lao xuống biển.

Cay cú trước thất bại địch liên tục cho các tốp máy bay vào đánh phá, các lực lượng phòng không ba thứ quân của ta đã đánh trả quyết liệt, đến 15 giờ 15 phút trận đánh kết thúc. Ba máy bay phản lực siêu âm của quân Mỹ bị bắn rơi, trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ.

Chiến thắng 5 tháng 8 năm 1964 của quân và dân ta mở đầu cho chiến công bắn rơi hàng ngàn máy bay hiện đại của Mỹ trên bầu trời, miền Bắc, đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:20:46 am »

TRẬN ĐƯỜNG SỐ 2 - BÀ RỊA
(9.12.1964)

Trận vận động phục kích của Trung đoàn bộ binh 2 bộ đội Quân khu Miền Đông (nay là Trung đoàn 2 Sư đoàn 9) đánh vào chi đoàn 3 thiết đoàn 1 quân đội Sài Gòn giải tỏa đường số 2 lên Bình Giã, Đức Thạnh (đoạn từ bắc sông Cầu đến nam ấp chiến lược Đông Ngọc Khai) thuộc xã Bình Ba quận Đức Thạnh (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nhận được tin sáng 9 tháng 12, địch cho một đoàn xe từ Bà Rịa lên Đức Thạnh, theo quy luật khoảng 15 giờ chúng quay về Bà Rịa, trung đoàn quyết định cho các đơn vị tạm dừng giấu ba lô nhanh chóng vận động lên chiếm lĩnh trận địa, chặn đánh địch.

13 giờ 30 phút, đài quan sát trung đoàn báo cáo: một đoàn xe 14 chiếc đang từ Đức Thạnh về Bà Rịa, chúng đi hàng dọc trong lô cao su phía đông đường 20m, cách Đại đội 1 khoảng 400m. Trung đoàn trưởng lệnh cho Tiểu đoàn 4 cho Đại đội 1 chặn đầu, các đại đội 2 và 3 vận động lên: Tiểu đoàn 6 khóa đuôi và đánh vào bên sườn, phía sau quân địch, súng máy phòng không sắn sàng bắn máy bay địch, bảo vệ bộ binh vận động.

Khi chiếc xe đi đầu lao xuống dốc, cách Đại đội 1 chừng 100m, ĐKZ 75mm bắn nhưng do thao tác chậm nên chiếc đi đầu chạy thoát, chiếc thứ hai lao xuống bị trúng đạn lập tức cả đoàn xe dạt vào lề đường dùng hỏa lực bắn vào đội hình Đại đội 1. Bộ binh địch trong xe nhảy ra ngoài, lợi dụng địa hình chống cự quyết liệt. Đại đội trưởng Đại đội 1 chỉ ĐKZ bắn cháy chiếc xe thứ hai, sau đó xông lên mặt đường chỉ huy bộ đội diệt bộ binh địch. Sau ít phút bị bất ngờ, địch tổ chức phản kích nhưng bị các đơn vị của ta hình thành nhiều mũi, từ các hướng tiếp cận địch, xung phong diệt nhiều xe.

Do việc phát triển chiến đấu của các hướng không đều nên địch co cụm về hướng đông, đông nam Đông Ngọc Khai, dùng hỏa lực trên xe chặn các mũi tiến công của ta, đồng thời tổ chức đột phá về hướng Đại đội 1, nhưng cả hai lần đều không thành và bị các đại đội 2, 3 đánh vào bên sườn buộc chúng phải co về đối phó.

Trước tình hình địch co cụm, các tiểu đoàn được lệnh bao vây, tiêu diệt từng cụm địch cả ở phía nam và phía bắc đường.

14 giờ 15 phút, hai cụm địch bị bao vây. Máy bay trực thăng và máy bay trinh sát của địch liên tục quần đảo, bắn phá vào đội hình quân ta. Súng máy phòng không, đại liên, trung liên của các tiểu đoàn tích cực đánh máy bay địch, bắn rơi một chiếc L19, một chiếc trực thăng HU-1A.

14 giờ 50 phút, quân địch bị ta bao vây, cô lập thành hai cụm, chỉ huy bị rối loạn. Các tiểu đoàn siết chặt dần vòng vây, dùng ĐKZ bắn cháy thêm một số xe. Số còn lại bị hỏng không cơ động được, bộ binh địch dựa vào xe và lợi dụng địa hình chống cự. Trung đoàn tập trung hỏa lực đánh vào hai cụm địch chi viện cho các tiểu đoàn 4 và 6 xung phong tiêu diệt chúng. Khi bộ binh địch bị diệt hoàn toàn, địch cho trực thăng bắn hỏa tiễn phá hủy một số xe còn lại. Súng máy phòng không của ta bắn rơi thêm một chiếc HU-1A.

Sau hai giờ chiến đấu, ta tiêu diệt 107 tên địch, bắn cháy và phá hủy 14 xe bọc thép M113, bắn rơi ba máy bay; phá hủy một số vũ khí của địch.

Trận đầu diệt gọn một chi đoàn thiết giáp ngụy, mở ra triển vọng mới về khả năng đánh bộ binh cơ giới của địch trên chiến trường trong những năm cuối của giai đoạn đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy ở miền Nam Việt Nam.

TRẬN HƯƠNG CHỮ CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 1
(13.12.1964)

Trận chống càn của Tiểu đoàn bộ binh 1 (thiếu một đại đội), một trung đội chủ lực Thừa Thiên, một tiểu đội của thị đội đánh vào một đại đội bảo an, 4 trung đội nghĩa quân, 2 trung đội cơ động ở xã Hương Chữ nhằm tiêu diệt địch, tạo điều kiện cho địa phương phát động quần chúng nổi dậy.

24 giờ ngày 12 tháng 12, Đại đội 3 dùng hai tiểu đội bộ binh đánh vào quân địch ở Xóm Chợ và trụ sở xã. Trận chiến đấu kéo dài 15 phút, ta diệt một số tên, số còn lại bỏ chạy. Do tình hình phát triển thuận lợi, Đại đội 3 sử dụng toàn bộ lực lượng vào chiến đấu. Trận chiến kéo dài 20 phút, do không có hỏa lực chi viện (vì ĐKZ và đại liên phối thuộc không thấy hiệp đồng chiến đấu trước nên đã tự động lui về An Bô), đại đội không tiêu diệt gọn được quân địch.

Trên hướng đánh địch của Đại đội bộ binh 1, do tốc độ tiến công chậm nên không chiếm được cầu để chặn địch và phối hợp với Đại đội 3 đánh vào trụ sở xã, vì vậy địch chạy thoát một số.

0 giờ 30 phút ngày 13 tháng 12, Đại đội 3 diệt xong địch ở trận địa, để lại một tiểu đội giữ làng, lực lượng còn lại chuyển sang chống càn ở La Chữ. Đại đội 2 đánh địch ở An Cựu nhưng do đi sai đường vào Bổn Trí, trong lúc đó địch chạy về Cổ Hưu, Đại đội 2 phát triển về Cổ Hưu nhưng không gặp địch, đại đội lui về Bổn Phổ, không đánh vào Trúc Lâm, An Ninh theo kế hoạch.

7 giờ ngày 13 tháng 12, một đại đội bảo an từ rú Bắp bắt đầu tiến công vào trận địa của tiểu đội bộ binh chốt ở rú Bắp. Sau hai giờ đánh bại nhiều đợt tiến công của địch, đến 9 giờ, lực lượng ta ở đây phải rút về An Cựu, nhưng lại gặp địch ở đây, sau một trận giao chiến, tiểu đội phải chia thành hai tổ rút về Bổn Phổ và Đồng Lương.

6 giờ ngày 13, địch tăng cường một tiểu đoàn chiếm lĩnh trận địa và bắt đầu tiến công càn quét vào các trận địa của K105. Lực lượng của K105 đã tiêu diệt một trung đội địch, sau đó lui về chân núi Lâu.

Sau khi các lực lượng của ta rút lui, địch chiếm được xóm Chùa. Ta tổ chức phản kích, khôi phục trận địa của K105.

Cũng trong thời gian này, địch đột nhập vào nam bờ kênh, đánh vào phía nam (bên sườn, phía sau) đội hình phản xung phong của ta. Ta dùng đại liên, trung liên và AT diệt xe bọc thép M113, buộc địch phải chạy về.

11 giờ 35 phút ngày 13, địch dùng pháo binh, súng cối cùng máy bay trực thăng đánh phá địa bàn. Được xe bọc thép và máy bay chi viện, bộ binh và xe M113 xung phong vào trận địa của ta, nhưng chúng bị đánh lui ngay từ rìa làng.

Riêng hướng tiến công của đại đội bảo an vào Bổn Phổ, sau nhiều đợt tiến công, chúng đã chiếm được Bốn Phổ.

Từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, được máy bay pháo binh chi viện, địch mở hai cuộc tiến công vào trận địa của ta, ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện của chúng. Nhưng do lực lượng ta thương vong nhiều nên đến 19 giờ 30 phút ngày 13 tháng 12, đại bộ phận lực lượng ta phải rút lui.

Sau một ngày chiến đấu liên tục và quyết liệt với địch, ta diệt 180 tên, thu 30 súng các loại, một máy bộ đàm và một số quân trang, bắn hỏng 3 xe M113.

Chiến thắng địch càn quét ở Hương Chữ cho thấy: Để thắng địch có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, ta phải chuẩn bị thật chu đáo, nhanh chóng dự kiến hành động của địch khi bị ta tiến công. Khi chuyển vào phòng ngự phải khẩn trương củng cố công sự trận địa để hạn chế thương vong. Khi địch đột nhập trận địa phải tổ chức phản kích ngay, nhanh chóng khôi phục trận địa. Phải thực hiện đánh gần, không cho chúng phân tuyến mới bảo vệ được mình, để chiến đấu liên tục.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:21:40 am »

TRẬN BA LÒNG - ĐÁ NỔI
CỦA ĐẠI ĐỘI ĐẶC CÔNG 12 VÀ ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 55
(9.2.1964)

Trận tập kích của Đại đội đặc công 12 và Đại đội bộ binh 55 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị vào đại đội bảo an 912 (có 2 khẩu cối 81mm, 2 khẩu đại liên) và lực lượng cơ quan hành chính giữ quận lỵ Ba Lòng - Đá Nổi thuộc xã Triệu Nguyên, huyện Triệu Phong (nay thuộc huyện Đak Rông), tỉnh Quảng Trị; nhằm tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta, tạo điều kiện đẩy mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng, tiến lên giải phóng quận lỵ Ba Lòng.

17 giờ ngày 8 tháng 2, các đơn vị hành quân vào vị trí tập kết. 19 giờ 30 phút, theo nhiệm vụ của các lực lượng tiềm nhập vào các vị trí được giao. Quá trình tiềm nhập, đại đội đặc công giữ được bí mật; bộ phận đánh địch ở thị trấn Đá Nổi có một số người bị cúm, ho nhiều; đơn vị phải dừng lại 25 phút, bố trí các đồng chí bị cảm đi sau, số còn lại vào vị trí bí mật; các tổ, mũi cắt và chui vào hàng rào thứ ba.

Khi mũi chủ yếu và thứ yếu đã áp sát mục tiêu, mũi ở tây bắc tới hàng rào thứ ba thì nghi bị lộ, mũi trưởng ra lệnh cho toàn mũi nổ súng đánh phủ đầu quân địch. Các mũi đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn tiêu diệt từ mục tiêu này, đến mục tiêu khác, quân địch không kịp chống cự, vội vàng bỏ chạy tán loạn, chỉ một số lô cốt địch còn bắn được vài loạt. Ở nhà số 9, địch dùng tiểu liên bắn ra mũi hướng nam, lúc đầu gây cho ta khó khăn, chỉ ít phút sau ta đã tiêu diệt được, tạo điểu kiện cho các hướng, các mũi phát triển thuận lợi. Sau 20 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ Ba Lòng.

Bộ phận đánh địch ở thị trấn Đá Nổi, khi nghe tiếng súng ở Ba Lòng nổ, các bộ phận nhanh chóng vận động theo trục đường, tỏa ra lần lượt đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Một tiểu đội địch phát hiện thấy lực lượng ta, chúng hốt hoảng bỏ chạy, bọn ác ôn, chính quyền xã đang ngơ ngác chưa tìm được cách đối phó đã bị lực lượng ta bao vây và bắt tại chỗ.

Sau khi làm chủ quận lỵ Ba Lòng và thị trấn Đá Nổi, đơn vị tổ chức một bộ phận truy kích, bắt những tên ác ôn còn lẩn trốn, đồng thời tổ chức thu dọn chiến trường, cứu chữa thương binh của ta và tù binh địch, đưa chiến lợi phẩm ra ngoài.

5 giờ ngày 9 tháng 2, trận đánh kết thúc, 36 tên địch bị diệt, 18 tên bị thương, bắt 40 tên; loại khỏi vòng chiến đấu đại đội bảo an 912; phá tan cơ quan hành chính quận, xã và sở chỉ huy chi khu, hai trại lính, một chi cảnh sát, chi thông tin và trụ sở xã.

Nhờ có phương án chiến đấu sát các tình huống, nổ súng đúng thời cơ mà ta đã giành được thắng lợi giòn giã.

TRẬN LA THỌ CỦA DU KÍCH CÁC XÃ ĐIỆN HÒA VÀ ĐIỆN THỌ
(8 - 17.2.1965)

Trận tiến công của một trung đội du kích xã Điện Hòa và một trung đội du kích xã Điện Thọ, được tăng cường một tổ công binh, một tiểu đội hỏa lực vào một trung đội bảo an (30 quân), trang bị một cối 60mm, 2 đại liên, 2 máy thông tin PRC10, còn lại là tiểu liên chốt giữ cầu La Thọ nối thông đoạn đường sắt chạy qua các xã Điện Hòa và Điện Thọ thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nhằm tiêu diệt địch, bức rút chốt cầu La Thọ, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của huyện phát triển.

Thực hiện nhiệm vụ trên giao, chỉ huy xã đội các xã Điện Hòa, Điện Thọ hạ quyết tâm sử dụng một bộ phận lực lượng cùng nhân dân bí mật phá các cầu ở hai đầu chốt La Thọ; bao vây, bức rút toàn bộ quân địch trong chốt, phá sập cầu La Thọ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đêm 7 tháng 2 năm 1965, tổ công binh cùng du kích Điện Thọ đánh sập cầu Câu Lâu, nhân dân đào phá đường xe lửa qua cầu Câu Lâu.

Sáng 8 tháng 2, ta dùng cối 60mm bắn vào chốt La Thọ. Địch gọi pháo bắn trả, sau đó dùng một tiểu đội ra lùng sục phía nam cầu. Du kích Điện Thọ chặn đánh diệt 5 tên, số còn lại rút chạy về chốt.

Sáng 9 tháng 2, đoàn tàu chở một đại đội bảo an từ Lệ Sơn phản kích ở Gò Nổi, nhưng đến chốt cầu La Thọ phải dừng lại. Nắm được thời cơ, du kích Điện Hòa vây chốt cầu Bàu Sấu. Đêm 9 tháng 2, tiểu đội địch giữ cầu Bàu Sấu vội chạy về chốt điểm La Thọ. Quân và dân xã Điện Hòa nhanh chóng phá sập cầu, phá đường ray, cô lập chốt điểm cầu La Thọ.

Những ngày tiếp theo, địch dùng pháo binh chi viện và cho quân phản kích để mở đường về Lệ Sơn và ngã tư Nông Sơn, nhưng đều bị ta chặn đánh, diệt nhiều tên. Sáng 16 tháng 2, sau nhiều ngày bị ta vây hãm, số địch còn lại trong chốt phải tháo chạy về hướng Bàu Sấu, ta truy kích diệt 20 tên, bắt 14 tên, một số liều mạng vượt sông Bàu Sấu chạy về Lệ Sơn.

Sau 10 ngày bao vây, tiến công, du kích loại khỏi vòng chiến 45 tên, bắt 14 tên, thu một cối 60mm, một đại liên, 20 súng, đánh sập 3 cầu, phá một đầu máy và 3 toa xe.

La Thọ là một trận đánh điển hình của phong trào du kích chiến tranh, của sự vận dụng sáng tạo các cách đánh của du kích, của sự kết hợp chặt chẽ giữa diệt địch với phá giao thông, phá phương tiện chiến tranh buộc địch phải liên tục ra đối phó để bị tiêu diệt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 10:22:51 am »

TRẬN B’TRỘ CỦA CÁC ĐẠI ĐỘI 210, 24
(5.3.1965)

Trận tập kích của Đại đội 210 bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng và Đại đội 24 Quân khu 6 vào hai trung đội dân vệ (55 quân) giữ đồn B’Trộ, được trang bị ba khẩu trung liên, còn lại là súng trường và quân địch ở ấp B’Trộ; nhằm tiêu diệt địch, phá ấp, giải phóng dân khỏi ách kìm kẹp của địch.

Để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ huy trận đánh giao nhiệm vụ cho Đại đội 210 (4 trung đội) diệt địch trong đồn B’Trộ, Đại đội 24 diệt địch ở ấp B’Trộ.

17 giờ 20 phút ngày 5 tháng 3, quân ta nổ súng tiến công. Ngay loạt đạn đầu ta tiêu diệt địch ở chòi gác số 1, số 2; ĐKZ tiêu diệt địch ở lô cốt số 1, 2; cối 60mm chế áp vào khu chỉ huy. Không thấy địch phản ứng, đại đội trưởng lệnh hỏa lực ngừng bắn và lệnh cho bộ đội xung phong tiêu diệt địch. Hướng Trung đội 1 xung phong qua cổng chính chiếm lô cốt số 1, khu chỉ huy. Hướng Trung đội 2 tiêu diệt chòi gác số 3, dùng bộc phá mở cửa, xung phong vào đồn đánh chiếm lô cốt số 3, số 2; bắt liên lạc với Trung đội 1 ở khu chỉ huy lúc 17 giờ 28 phút.

Trên hướng Đại đội 24, hỏa lực kiềm chế địch và bộc phá mở cửa thuận lợi. Chớp thời cơ, đại đội trưởng ra lệnh cho các bộ phận xung phong tiêu diệt địch trong ấp B’Trộ bị tiến công bất ngờ, hầu hết số thanh niên chiến đấu trong ấp đầu hàng, lính dân vệ đang ăn cơm chiều trong ấp bỏ chạy về đồn. Khi địch vào trong đồn, đại đội trưởng Đại đội 210 ra lệnh: “Đồn đã bị chiếm, tất cả bỏ súng đầu hàng”. Bị bất ngờ, bọn lính trong thế bị động không kịp đối phó buộc phải bỏ súng đầu hàng.

Kết quả trận đánh, 55 tên địch bị diệt, 70 thanh niên chiến đấu bị giải giáp, giải phóng ấp B’Trộ (700 dân); thu 55 súng các loại, toàn bộ quân trang quân dụng trong đồn; hỗ trợ cho đồng bào phá ấp, phá kìm, mở rộng vùng giải phóng.

Trận đánh thắng lợi nhờ chỉ huy nắm chắc thời cơ có lợi, tinh thần địch đang hoang mang dao động; kết hợp tiến công với làm tốt công tác địch vận, buộc địch phải đầu hàng để hạn chế thương vong trong điều kiện không cần phải nổ súng.

TRẬN TÀU LST-550 CỦA ĐẶC CÔNG BIỆT ĐỘNG KHU SÔNG ĐÀ
(27.3.1965)

Trận tập kích, phá hủy bí mật của các chiến sĩ đặc công biệt động (Quế, Bé, Lung, Long) do đồng chí Quế chỉ huy, được trang bị hai khối bộc phá (mỗi khối 20kg), 8 quả lựu đạn M26, 200m dây điện, một máy điểm hỏa và hai thuyền nan; vào tàu LST-550 đang đậu tại cảng Đà Nẵng, nhằm phá hủy phương tiện chiến tranh, tiêu diệt địch, phối hợp tác chiến với chiến dịch Xuân Hè 1965 của quân khu.

20 giờ ngày 27 tháng 3, chiếc thuyền nan ngụy trang chở ba chiến sĩ cùng trang bị vũ khí từ cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) tiến ra cửa biển Đà Nẵng, nơi tàu LST-550 đang đậu.

Khi đến gần tàu địch, do có gió to, thủy triều xuống thấp, nước sông chảy mạnh, thuyền không đến sát mạn tàu được, các chiến sĩ phải cho thuyền vượt qua tàu và ghé vào bờ, cách tàu địch khoảng 150m. Một người ở lại thuyền quan sát, hai người mang bộc phá lặn ngược dòng nước, tiếp cận tàu địch. Đến mục tiêu, hai người đặt hai khối bộc phá vào các vị trí dưới khoang máy của tàu địch, đấu bộ phận gây nổ và trở về thuyền.

24 giờ ngày 27 tháng 3, đồng chí Quế điểm hỏa, hai khối bộc phá nổ làm cả thành phố rung chuyển, cả khu cảng náo loạn, 5 phút sau địch báo động, pháo sáng bắn dọc sông Hàn và đưa lực lượng đến cứu. Ba người với trang phục dân đánh cá đưa thuyền xuôi dòng về nhà cơ sở ở Nại Hiên Đông an toàn.

Tàu LST-550 bị đánh chìm, 70 xe Jeép, hàng trăm khẩu đại liên và 12,8mm bị phá hủy, 15 tên địch bị diệt.

Trận đánh thắng lợi nhờ khéo ngụy trang, nghi binh để trinh sát tiếp cận tàu địch, giữ được bí mật, bất ngờ để tiêu diệt địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM