Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:27:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức trời đêm  (Đọc 9319 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2020, 10:52:56 am »

       
KỶ NIỆM VỂ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

        Anh Đinh Tôn là người tiếp xúc và gắn bó với đời bay rất sớm. Ngay từ cuối năm 1956, anh đã cùng các anh: Trần Minh Khuê, Hoàng Liên, Nguyễn Ngộ, Trịnh Hồng Thuận, Nguyễn Phong Tùng, Lê Công Uẩn được cử sang Tiệp Khắc học lái máy bay thể thao.

        Tháng 9 năm 1958, các anh tốt nghiệp về nước, biên chế về sân bay Cát Bi bay trên loại máy bay Aero-45.

        Sau đó, anh chuyển sang lái máy bay vận tải Li- 2, tham gia vận chuyển hàng hóa cho các chiến trường.

        Năm 1961, trong một chuyến bay nhiệm vụ gần biên giới, khi các máy bay C-47 của Mỹ bám theo khiêu khích, anh đã dũng cảm dùng máy bay Li-2 quay lại đối đầu, uy hiếp máy bay C-47, khiến máy bay Mỹ phải rẽ ngang, tháo chạy.

        Trận đối đầu này tuy chưa phải là trận không chiến theo đúng nghĩa, nhưng nó được coi như trận đối đầu trên không đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.

        Tôi còn được biết, trong thời gian vận chuyển giúp các bạn Lào, anh Đinh Tôn mấy lần đã bị bọn RB-26 uy hiếp. Sau những lần ấy đã có những cuộc họp, Chính ủy Đỗ Long giao nhiệm vụ trực tiếp cho phép dùng súng máy để tự bảo vệ và xưỏng cơ khí đã làm giá súng đại liên trên máy bay.

        Tháng 7 năm 1962, chiếc Li-2 của anh Đinh Tôn bị máy bay RB-26 thuộc phải hữu Lào kèm. Anh cho mở cửa sổ bên phải, ép độ nghiêng sang phía máy bay địch chừng 20 đến 30 độ cốt để mở rộng góc bắn và cũng để loại trừ khả năng bắn vào đuôi ngang của máy bay mình.

        Cơ giới trên không Phan Thanh Liêm đã dùng súng RPK bắn đạn vạch đường vào thằng RB-26 khiến thằng này hốt hoảng chuồn thẳng.

        Đấy có lẽ là vụ nổ súng đầu tiên ở trên không, khởi đầu cho những trận không chiến về sau này.

        Bản tính của phi công tiêm kích chiến đấu cũng đã có sẵn trong anh Đinh Tôn ngay từ bấy giờ rồi.

        Năm 1965, anh là Đoàn trưởng đoàn bay của chúng tôi sang học bên Liên-xô. Ngay từ chuyên đầu tiên bay cảm giác trên loại máy bay phản lực sơ cấp L-29, thày giáo dạy bay đã để anh bay đơn rồi.

        Hàng tuần, anh đều tổ chức rút kinh nghiệm, giảng bình từng chuyến bay, giúp cho chúng tôi nắm vững kỹ thuật bay một cách nhanh chóng. Đoàn bay của chúng tôi đã tốt nghiệp với tỉ lệ khá cao, cho dù khóa bay ấy là khóa bay thử nghiệm không bay loại máy bay sơ cấp cánh quạt Iak-18 mà bay ngay trên loại phán lực L-29 và rồi từ loại L-29 chuyển thẳng lên bay MiG-21. Chúng tôi luôn tự hào nói theo kiểu của người Nga: “Mư Đinh Tôn nôp-sư!” (chúng tôi là người của Đinh Tôn!).

        Tuy vậy, với anh, tôi không dám tiếp cận, không dám gần gũi vì có cái gì đó cứ “ngài ngại” bởi tôi chỉ là học viên, là “lính mới tò te”, mà anh đã là sĩ quan, đã kinh qua trận mạc rồi, nên tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi”mà thôi.

        Vốn xuất thân từ chiến sĩ trinh sát của Đại đội trinh sát thuộc Sư đoàn 308, trong mọi tình huống anh luôn bình tĩnh và phản ứng rất nhanh. Ngoài việc bay giỏi, ở các lĩnh vực khác trong thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy, nhảy... anh cũng đều giỏi.

        Những lần nhà trường tổ chức thi đấu với các đơn vị khác, thế nào anh cũng có tên trong danh sách đội tuyển của nhà trường.

        Một trong những thú vui của anh là săn bắn. Trong lĩnh vực này anh cũng là một tay súng cừ khôi, một nhà thiện xạ.

        Anh nấu nướng, chuẩn bị các món nhậu khá nhanh và ngon, về “khoản uống”, anh thuộc dạng uống rất “lì”. Tôi chưa thấy anh say bao giờ. về sau này, tôi đã có lần được “hầu rượu” anh và anh Trần Ngọc Bích (cựu phi công bay trực thăng). Hai anh uống với nhau vui lắm. Trong cuộc rượu, lúc hứng chí, anh Bích còn đọc thơ của anh:

                                        Phong lan, phong cấp, phong trần T
                                        Trong ba thứ ấy, anh cần phong chi?
                                        Phong lan chẳng để làm gì!
                                        Phong trần khổ lắm, vứt đi cho rồi!
                                        Chỉ còn phong cấp mà thôi!...


        Hai anh cười rất khoái trá. Tôi lại tiếp rượu. Hai anh lại “cạch”, lại “ực” vui vẻ, thư thái vô cùng.

        Anh là người có tính tình cởi mở, thẳng thắn, thân thiện, hào phóng... Tôi vừa quý, vừa nể, vừa phục anh. Anh để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ với tôi mà với cả thày dạy bay, chuyên gia bay nữa.

        Không ai có thể quên được lần vào cuối buổi chiều ngày 11 tháng 9 năm 1972, khi anh cùng với chuyên gia Liên-xô Vaxili Môtlôp bay hồi phục trên chiếc UMiG-21 với bài bay ngay trên đỉnh sân bay Đa Phúc. Chiếc UMiG-21 này không mang tên lửa đã bất ngờ bị 2 chiếc F-4 của Thủy quân lục chiến Mỹ tấn công. Anh vừa cơ động tránh tên lửa, vừa tìm cách giành thế chủ động cho mình. Có lúc anh vòng bám được đằng sau máy bay địch như chuẩn bị phóng tên lửa làm cho bọn F-4 cũng lo ngại, cơ động gấp. Vì bay huấn luyện vào đúng giai đoạn sắp kết thúc bài bay nên dầu liệu không còn nhiều, hơn nữa lại phải bật tăng lực liên tục để cơ động nên chẳng mấy chốc máy bay của anh đã cạn dầu liệu. Anh quyết định phải rời bỏ máy bay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2020, 08:48:19 pm »


        Anh chủ động nói với chuyên gia Vaxili Môtlôp: “Chuẩn bị tư thế để nhảy dù!”. Sau khi anh và chuyên gia Liên-xô nhảy dù ra khỏi máy bay, chiếc UMiG-21 trở thành chiếc máy bay không người lái. Bấy giờ bọn F-4 mới bắn hạ được nó.

        Sau khi tiếp đất an toàn và trở về doanh trại, chuyên gia Vaxili Môtlôp đã nói với anh như nói với người bạn, người thân trong gia đình: “Tao là người bay với rất nhiều phi công khác nhau, nhưng chỉ thấy mỗi mày là người có tư chất thật đặc biệt. Mày sinh ra là để bay!”

        Ông Vaxili Môtlôp nhận xét quá chính xác! Đúng! Anh là người sinh ra để bay thật! Tôi luôn ngưỡng mộ trước trình độ điêu luyện và tài năng bay của anh. Tôi thấy rằng, cho tới tận bây giờ, không ai có thể so sánh với anh được! Anh là Number One! là Số Một!...

        Trước khi thành lập Đại đội 5, tôi có bay số 2 cho anh ở sân bay cơ động Thọ Xuân - Thanh Hóa. Trong chuyến bay đầu làm số 2 cho anh, chắc anh muốn thử tôi. Anh xà xuống, bay rất thấp, vòng gắt về phía anh và sau đó về phía tôi cốt xem tôi xử trí ra sao, rồi rẹt trên đường băng với độ cao cực thấp, bật tăng lực, kéo lên. Tôi vẫn bám chặt anh như hình với bóng và về sau này, chính những động tác khi đi với anh làm cho tôi nảy ra cái “sáng kiến” bay báo cơm ở các sân bay và cũng chính vì cái động tác ấy mà thường xuyên mất danh hiệu “Đảng viên 4 tốt”.

        Kết thúc chuyến bay ngày hôm ấy, về hạ cánh xong, tôi chờ anh nhận xét, nhưng anh không nói gì. Trước lúc xuống bếp ăn cơm, anh gọi tôi vào nhà, lấy chai rượu, rót cho tôi một chén đầy và nói: “Làm li, mầy!”. Tôi chạm chén với anh, uống cạn, thầm nghĩ: “Vậy là anh đã chấp nhận tôi làm số 2 cho anh rồi!”.

        Tôi còn bay số 2 cho anh mấy chuyến nữa và chuyến nào xong cũng diễn ra cảnh tương tự như chuyến đầu. “Làm li, mầy!” là ghi nhận sự hài lòng đối với số 2 của anh.

        Cũng ở sân bay cơ động Thọ Xuân này đã xảy ra chuyện còn lưu lại mãi về sau này. Đó là, hàng tuần, vào buổi sáng thứ 2, chúng tôi tập trung để làm lễ chào cờ và nghe nhận xét tuần.

        Vào một lần, khi đội ngũ đã chỉnh tề thì anh Nguyễn Côn - cán bộ của Tiểu đoàn căn cứ Thọ Xuân tuyên bố:

        - Hôm nay chúng ta không phải hát quốc ca vì đã có quân nhạc!

        Tôi ngơ ngác quan sát. Không thấy dàn quân nhạc đâu, chỉ thấy có một anh ôm nhị và một anh cầm ghi-ta ngồi ở phía góc trên. Tới lúc có khẩu lệnh: “Nghiêm! Chào cờ chào!” thì tiếng nhị cất lên: “ò e ò e e...”, còn tiếng ghi-ta thì “phực, phực...” đệm theo. Mọi người chắc buồn cười lắm nhưng không một ai dám bật ra tiếng cười vì đang lúc chào cờ.

        Kết thúc buổi chào cò hôm ấy, anh Tôn gặp anh Côn làu bàu:

        - Thật làm ăn chẳng ra sao! Cứ như là trò hề! Mày đúng là thằng... Côn “lò”!

        - Có mày là Tôn... “lò” thì có! - anh Côn vặc lại.

        Hồi đó tôi còn trẻ, mới “tí tuổi”, thấy vậy thì vừa ngạc nhiên, vừa phải nhịn cười vì cái trò nói lái đốì đáp nhau, rồi nhìn hết ông anh nọ đến ông anh kia mà chẳng hiểu thế nào.

        Cái buổi chào cờ hôm ấy sau trở thành giai thoại, rồi mỗi người cứ thêm thắt chút ít “mắm muối” vào và ai cũng cho rằng mình là người được dự buổi hôm đó nên có lúc cũng bị lệch lạc nội dung...

        Khi tôi ở Trung đoàn đóng quân tại Yên Bái thì hay tin anh bệnh nặng, đang ở giai đoạn gay go. Nhân dịp về Sư đoàn họp, tôi ghé vào bệnh viện thăm anh. Bấy giờ anh nói đã khó khăn, chỉ còn gật hay lắc đầu thôi. Tôi đến, anh nhận ra tôi và rơm rớm nước mắt. Suýt thì tôi khóc òa trước mặt anh, may mà tôi ghìm được. Thương anh quá mà chẳng biết làm thế nào. Có phải là gánh thứ gì nặng mà san sẻ gánh bớt được cho anh đâu!

        Ít lâu sau thì anh “đi”. Tôi ở xa, chẳng về viếng anh được, chỉ luôn đau đáu một điều trong tâm khảm: anh là người tôi luôn gọi bằng ANH - từ ANH viết bằng chữ in hoa với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ!...

        Ở Đại đội 5, cả Chính trị viên và Chính trị viên phó đều tên là Thành, có điều, anh Phan Minh Thành có nước da “sậm” hơn anh Nguyễn Văn Thành nên để dễ phân biệt, chúng tôi gọi anh Phan Minh Thành là anh Thành “đen”, còn anh Nguyễn Văn Thành là anh Thành “trắng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 07:19:05 am »


        Anh Phan Minh Thành, anh Thành “đen” ấy là người xởi lởi, luôn tìm cách tiếp cận bọn tôi, cùng chia sẻ mọi chuyện để giúp anh làm công tác tư tưởng tốt hơn.

        Tôi còn nhó lần anh về quê tôi thẩm tra lí lịch trước khi kết nạp Đảng cho tôi. Khi ở quê lên, anh gặp tôi:

        - Này, tớ vừa ở quê cậu hôm qua đấy. Đến đầu làng cậu thì tớ gặp một cô quần còn xắn cao quá đầu gối, vác gàu tát nước, chắc vừa đi tát nước hoặc đi cấy về. Tớ hỏi lối vào nhà cậu. Cô ta mặt đỏ bừng lên, chỉ đường xong là ù té chạy luôn. Tớ sinh nghi, khi đến nhà gặp bố mẹ cậu, tớ bèn hỏi đấy là ai thì mẹ cậu bảo đó là cô gái ở xóm trên mà bố mẹ cậu định “dấm” cho cậu đấy. Tớ thấy nó cũng khỏe mạnh, xinh xắn. Được đấy chứ! Còn cậu thấy thế nào?

        Tôi chẳng thấy thế nào cả vì tôi và cô bạn kia chỉ cùng sinh hoạt trong Đội thiếu niên hồi tôi còn ở nhà, sau đó là tôi nhập ngũ, đi biền biệt, có biết gì nữa đâu. Mà cũng đã có tình cảm gì với nhau đâu. Nhưng anh Thành “đen” thì ấn tượng về lần ấy lắm. Mãi sau này khi gặp tôi, anh vẫn hỏi:

        - Này, thê cái cô ở quê năm ấy bây giờ thế nào rồi?

        - Yên bề gia thất rồi, anh ạ!

        Thế là từ bấy, anh không hỏi thêm gì nữa.

        Rồi có một hôm, anh tìm đến tôi:

        - Hôm tớ về tranh thủ, tố thấy thằng con tớ không hiểu sao mà chân răng của nó xám xịt, lợi thì sưng đỏ, tớ ấn thấy mềm như mưng mủ, răng thì lung lay, lại chảy máu nữa và mùi thì hôi lắm!

        - Ôi, anh ơi! Đông y gọi đấy là cam răng, khéo bị “tẩu mã nha cam” rồi cũng nên!

        - “Tẩu mã nha cam” là cái trò gì?

        - Là khi hàm răng bị viêm nặng, tới lúc gọi là “tẩu mã” thì nguy cấp lắm rồi, nhanh như ngựa chạy ấy mà, chỉ vài ngày thôi là có thể thối nát, rụng răng, thậm chí xuyên thủng má lên mũi, rồi dẫn đến cái chết đấy! Không xem thường được đâu!

        - Chết cha! Thế bây giờ phải làm thế nào? Chữa chạy kiểu gì?

        - Tây y thì tôi không biết thế nào, nhưng với Đông y thì có mấy cách chữa, như bài dùng vỏ cây núc nác, bột chàm, phèn phi, rồi bài dùng cặn nước đái, bài dùng cóc vàng với phèn chua...

        - Thôi, thôi! Mày viết nhanh cho tao mấy bài ấy đi! - anh chuyển cách xưng hô với tôi như anh em trong gia đình.

        Tôi cặm cụi viết cho anh mấy bài thuốc ấy, dặn dò anh cách làm thật cẩn thận và giục anh xin nghỉ ngay mấy ngày để về. Anh gấp tờ giấp có ghi mấy bài thuốc, cho vào túi và hối hả đi ngay.

        Gần tuần sau, anh trở về đơn vị, từ xa đã thấy anh tươi cười, vẫy vẫy tôi lại:

        - Ổn rồi, mày ạ! Răng thằng bé đã chắc, đã hết mùi hôi thối, không chảy máu nữa. Yên tâm rồi! Mà mày học được ba cái thứ đó ở đâu ta?

        - Ở sách anh ạ!

        - Oi, cái thằng! - anh cười phấn khởi.

        Khi tôi chuyển hẳn sang bay ngày và đi cơ động liên tục thì ít gặp được anh. Càng về sau này càng ít gặp. Tới khi tôi đi học rồi về đóng quân ở Yên Bái thì không gặp được anh nữa.

        Mãi tận sau này, tôi nghe tin anh đã về ở gần sân bay Biên Hòa rồi lại nhận tin anh mất, tôi cứ bùi ngùi. Thê là anh đã vĩnh viễn “ra đi” - người Chính trị viên nhưng rất gần gũi, rất hòa đồng cùng đội ngũ phi công chúng tôi.

        Tôi vẫn nhớ khuôn mặt anh với nụ cười vui vẻ đầy phấn khích và câu: “Ôi! Cái thằng!”. Vậy mà đấy lại là câu cuối cùng trong đòi của anh đối với tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2020, 06:50:20 pm »


        Sự mất mát đầu tiên của Đại đội 5 là anh Phạm Văn Mạo.

        Khi tôi còn bay đêm thì phòng anh ở gần phòng tôi. Anh hay gọi tôi bằng cái tên tục của tiếng Nga, sau đó toét miệng ra cười. Cái cười thật thà với hàm răng ám khói thuốc làm cho không một ai giận anh được. Khi có phong trào tăng gia trồng rau, anh thường “diện” chiếc “quần đùi bà bô”, cởi trần khoe những dẻ xương sườn, đội chiếc mũ nan rộng vành và pha trò bằng cách ôm chiếc xẻng giả làm chiếc ghi-ta, mồm thì uốn éo theo tiếng nhạc tự tạo...
Nhìn dáng anh giông như một thổ dân nơi miền hoang dã đang khật khưỡng thì không ai nhịn được cười.

        Anh thuộc tạng người gày, thường nặng chỉ 45- 46 cân thôi và xây dựng gia đình cũng lâu rồi mà chưa có được mụn con. Vào một tối nọ, anh gọi tôi sang phòng anh, nói là có “sự kiện”. Khi tôi sang phòng đã thấy mấy đĩa kẹo rồi ấm trà, cả thuốc lá bày sẵn trên bàn. Anh tươi cười, niềm nở mời khách vào. Hỏi lí do, anh chỉ cười trừ. Tôi đoán, chắc anh mới nhận được thư nhà và trong thư, chị báo cho anh là đã có “tin vui”, nhưng hóa ra lại không phải vậy. Ăn uống một lúc thì anh hắng giọng và thông báo:

        - Đời tớ chưa bao giờ vượt qua được con số 46 cân. Vậy mà hôm nay xuống quân y, bước lên cân thử và... lần đầu tiên trong đời tớ thấy chiếc kim chỉ đến con số suýt soát 48 ki-lô-gờ-ram! Vậy là khao thôi!

        Ôi, cái con số thật đơn giản mà làm cho anh sung sướng đến thế. Giả như, chị ở nhà báo tin chị đã “có bầu” thì anh còn sung sướng biết nhường nào và còn tổ chức thết đãi những gì.

        Anh là người rất thích xe máy, thường ao ước có một chiếc “bình bịch” để vi vu về quê Thái Bình. Không biết anh kiếm ở đâu được một chiếc biển xe đem về giắt đầu giường, cứ tối tối lại gọi tôi sang phòng anh, nghe anh giảng về quy trình nổ máy và sang số, chạy xe. Anh lấy chiếc biển xe ra, giắt vào sau lưng, ngồi lên ghê giả làm yên xe, tay làm động tác mở khóa điện, đạp khởi động, mồm kêu “rìn rin” như tiếng máy rồi vào số, tay tăng ga, đầu lắc lư với vẻ mặt vô cùng khoái trá. “Đi xe” một lúc, anh làm động tác tắt máy, lại lấy chiếc biển số sau lưng ra, giắt vào đầu giường, cười: “Thê là xong một chuyến!”.

        Nhìn anh, tôi thầm mong cho anh một ngày nào đó ước mơ của anh sẽ thành hiện thực, anh sẽ có một chiếc xe máy để anh bon bon trên những dặm đường về thăm quê Thái Bình, nôi những niềm vui...

        Rồi một thời gian sau, tôi chuyển sang Đại đội bay ngày, cơ động thường xuyên nên ít gặp anh. Lần tôi ở với anh cuối cùng là ở sân bay Thọ Xuân -  Thanh Hóa. Ngày mồng 3 tháng 3 năm 1972, chiếc máy bay Li-2 chở bộ phận tiền trạm cơ động vào phía trong thì anh Nguyễn Văn Thuận đang ốm. Anh được cử đi thay anh Thuận. Không ngờ đấy lại là chuyến bay định mệnh của anh cùng số anh em khác trong đoàn.

        Tôi đang trực chiến ngoài sân bay nên đi tiễn anh. Tới gần chiếc Li-2 thì anh cười cười, gọi tên tục của tôi bằng tiếng Nga và nói:

        - Thôi, đủ rồi, đồng chí ạ! về trực đi!

        Tôi bắt tay anh và các anh cùng chuyến đi. Ai biết được rằng đấy lại là cái bắt tay vĩnh biệt.

        Anh hy sinh khi con gái anh mới được mấy tháng tuổi. Anh cũng chưa có dịp về thăm nhà nên không biết mặt con. Sau này, khi phác thảo các gương mặt của Đoàn bay MiG-21 khóa 3, tôi đã “vẽ phác” về anh:

                                 Chàng họ Phạm đen, lại gày
                                 Thành người Thiên cổ một ngày Tháng Ba
                                 Thương Con không biết mặt Cha
                                 Khói nhang xứ Nghệ nhạt nhòa chân mây!...


        Cũng may mắn, anh đã để lại cho con gái anh thừa hưỏng tính nết chăm chỉ, nhân hậu, chất phác, vui vẻ, biết quan tâm đến mọi người. Gia đình riêng của cháu bây giờ làm ăn cũng khấm khá. Cháu hay gọi điện hỏi thăm chúng tôi. Vậy cũng đã là mừng lắm rồi!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2020, 09:01:12 pm »


        Sau 5 tháng kể từ ngày anh Phạm Văn Mạo “ra đi” thì Nguyễn Ngọc Thiên hy sinh vào đêm 10 tháng 8.

        Nguyễn Ngọc Thiên thoạt đầu bay trên loại máy bay Iak-18, rồi chuyển lên bay trên MiG-17. Đến năm bay MiG-21 thì chúng tôi cùng đoàn bay với nhau dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Đinh Tôn. Anh vào bay đêm sau tôi một thời gian nhưng chúng tôi đã thân thiết nhau từ khi bay ngày, cùng nhóm chơi xà, tạ với nhau rồi. Anh là người tượng trưng của cơ bắp vì hoạt động thể thao nhiều, bụng “6 múi” đàng hoàng. Chúng tôi không gọi anh là “Sáu múi” mà lại gọi anh là “Sáu cơ”. Thực ra, cái tên húy ấy ít người biết được xuất sứ, nguồn gốc. Ngay như anh Nguyễn Văn Lý - người cùng Đại đội bay với anh Thiên, có lần thấy chúng tôi trêu đùa anh Thiên, khi anh Lý xuất hiện thì chúng tôi không nói nữa, chỉ cười. Thấy vậy, anh Lý bảo:

        - Tao biết thừa bọn mày nói về đứa nào rồi!

        - Thê anh đoán đang nói về ai?

        - Về thằng “Át nhép” chứ còn thằng nào!

        Tất cả chúng tôi cười phá lên. Thì ra, anh nghĩ “biệt danh” của Nguyễn Ngọc Thiên được đặt qua quân bài của tú-lơ-khơ. Cứ đà suy luận này thì có ngày trong số chúng tôi sẽ được anh đặt cho tên húy là “cửu vạn”, “chi chi”, “bát sách”... như trong cỗ bài tổ tôm cho mà xem!

        Tôi gắn bó nhất với Sáu Thiên là thời gian bay thử ở sân bay Tường Vân, khi ta gửi số máy bay MiG-21 ở Tường Vân theo kiểu như sơ tán sang đó. Đến thời hạn phải chuyển dần số máy bay ấy về nước để bổ sung cho biên chế chiến đấu của Trung đoàn, Quân chủng đã tổ chức một lớp học chuyên về bay thử do thày Ivanôp - chuyên gia bay của Liên- xô về lĩnh vực này và là thày bay lão luyện, từng bay số 3 trong biên đội 12 chiếc biểu diễn trong phim “Những đôi cánh Tháng Mười” dạy chúng tôi. Thày Ivanôp hướng dẫn, chỉ bảo chúng tôi trong vòng 1 tháng liền. Lớp học ấy chỉ có 5 phi công Việt Nam là các anh Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Ngọc Thiên và tôi. Kết thúc khóa học, 5 anh em tôi được chiếc máy bay vận tải I1-14 chuyển sang sân bay Tường Vân làm nhiệm vụ bay thử số máy bay ta gửi sơ tán ở bên đó. Cứ bay xong một đợt thì ở nhà cử các phi công sang chuyển về nước. Đến đợt chuyển thứ 2, anh Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Tiến Sâm cùng tham gia chuyển máy bay về nước và thôi không sang nữa. Vậy là ở lại Tường Vân chỉ còn 3 anh em tôi. Sau khi chuyển hết số máy bay MiG-21 F-94 về nước, còn lại 3 chiếc MiG- 21 F-13 giao lại cho 3 anh em tôi tiếp tục bay thử và chuyển về sau cùng, thành một đợt riêng.

        Tôi phải bay thử chiếc MiG-21 F-13 không có lí lịch (lí lịch bị thất lạc, không tìm được nữa). Khi lăn ra đường băng, chuẩn bị cất cánh, bật tăng lực, chỉ nghe thấy tiếng “phù” mà không cảm thấy lực giật của tăng lực, nhưng vẫn phải cất cánh. Tôi cất cánh trong tâm trạng lo lắng. Anh Nguyễn Đăng Kính và Nguyễn Ngọc Thiên đứng dưới đất quan sát còn lo lắng hơn tôi. Bao giờ chẳng vậy, “người dưới gốc thường lo hơn người trèo trên ngọn” mà. Cũng chính Nguyễn Ngọc Thiên là người đã ngắt những bông hoa dại mọc ở ngoài sân bay, nhanh chóng kết thành một vòng hoa với ý định nếu tôi hoàn thành được chuyến bay, về hạ cánh an toàn thì đấy là vòng hoa chiến thắng, nhược bằng xảy ra chuyện gì xấu với tôi thì đấy sẽ là vòng hoa tang đặt trên mộ tôi.

        Tôi đã trở về hạ cánh an toàn và Sáu Thiên là người “xông” lên buồng lái đầu tiên, quàng vòng hoa ấy lên cổ tôi, hôn lên mặt tôi khi ấy còn ướt đẫm mồ hôi. Tôi đã kể chi tiết này trong cuốn tự truyện “Tôi từng là phi công tiêm kích” (NXB Văn học, 2008) rồi, nhưng cho dù đã kể, mỗi khi tôi nhớ về “Sáu cơ” thì trong tôi lại hiện lên rõ mồn một cảnh tượng ngày bay hôm đó, chuyến bay hôm đó.

        Nguyễn Ngọc Thiên hy sinh đêm 10 tháng 8 năm 1972 thì 2 ngày sau đó - ngày 12 tháng 8, tôi phải nhảy dù trong trận không chiến với lũ F-4, phải vào nằm viện điều trị mất tuần lễ.

        Những ngày nằm viện là những ngày tôi nhớ “Sáu cơ” nhiều nhất. Phải chăng nếu “Sáu cơ” nhảy dù được, có lẽ chúng tôi sẽ lại nằm điều trị cùng một nơi và biết đâu, khi tôi đến viện, “Sáu cơ” lại tết một vòng hoa dại quàng vào cổ tôi lần nữa...

        Nhưng điều ấy không bao giờ diễn ra nên mới buồn. Rất buồn!

        Nhiều năm sau này, có một lần khi tôi có việc vào trong miền Nam, tôi đã gặp cô cháu của Thiên là Nguyễn Ngọc Như Băng. Cháu đã đưa cho tôi và anh Hà Quang Hưng những quyển nhật ký của Nguyễn Ngọc Thiên mà cháu từng cất giữ. Tôi càng đọc những trang nhật ký ấy thì càng vỡ lẽ ra rằng: đằng sau cái dáng người gân guốc, cứng nhắc ấy là cả một tâm hồn đa cảm, nghĩa tình. Cũng là một sự lạ. Điều ấy càng làm cho tôi nhớ đến Sáu Thiên hơn. Nhớ đến khắc khoải.

        Rồi lại như tình cờ do số phận sắp đặt, khi cháu trai của Nguyễn Ngọc Thiên chuẩn bị lấy vợ. Bố cháu (là em trai của Thiên) mời anh Hà Quang Hưng, anh Nguyễn Văn Quang và tôi đi dự lễ ăn hỏi cho cháu ở địa phận của Hà Đông. Thế nào mà hôm ấy bên nhà gái lại có nhiều người biết đến vợ chồng chú em trai tôi và lại có một số cán bộ thuộc Tiểu đoàn tên lửa, cùng Quân chủng Phòng không -  Không quân với chúng tôi nữa. Vậy là chúng tôi quen nhau rất nhanh, chuyện trò rôm rả và buổi lễ ăn hỏi bỗng dưng không còn khung cảnh mang tính ngoại giao, khách khí nữa mà chuyển sang không khí tình cảm kiểu gia đình. Tất cả đều thông cảm cho nhau và mọi sự trao đổi, bàn bạc cho ngày hôn lễ được thông nhất một cách nhanh chóng.

        Tôi cứ nghĩ, có thể do bàn tay của “Sáu cơ” dàn xếp từ thế giới bên kia và buổi lễ hôm đó, anh cũng đi lại loanh quanh ở đâu đó, luôn tủm tỉm cười hài lòng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2020, 10:26:01 am »


        Người thứ hai của lực lượng bay đêm hy sinh trong chiến đấu là Vũ Xuân Thiều.

        Vũ Xuân Thiều hy sinh vào đêm 28 tháng 12 năm 1972. Tôi rất hay mơ gặp Vũ Xuân Thiều, thấy anh vẫn y như hồi chúng tôi ở trong hầm của Đại đội 5, rồi thường ra ngồi trên mấy hòn đá trước hầm, ngắm cảnh hồ ở cạnh thôn Lạc Đức, Sóc Sơn. Cũng có khi lại thấy tôi với anh nằm trên chiếc xăm của lốp máy bay MiG-21, lênh đênh trên mặt hồ phía sau hầm cùng với anh Trần Thông Hào trong những đêm trăng suông. Ba anh em chụm đầu vào nhau, rì rầm trò chuyện rồi trêu chọc nhau.

        Có lần bỗng như tôi tỉnh ngộ ra điều gì đó và hỏi Vũ Xuân Thiều:

        - Này, mà ông chết rồi cơ mà?

        - Chết đếch gì! - Thiều cười, trả lời.

        Đến lúc ấy thì tôi tỉnh hẳn và thức một mạch cho đến sáng, cố lí giải về những điềm đến trong mơ. Khi tôi nói chuyện lại với một số người thì họ cho rằng đấy có khác gì như một ác mộng.

        Khoa học không biết cho tới giờ đã giải mã được những gì liên quan đến giấc mơ chưa, nhưng khi tôi có đọc một tài liệu nói về sự “bí ẩn của chiêm mộng”, trong đó có để cập đến loại “phù” để trừ ác mộng. Khi gặp ác mộng thì cầm “phù” mà chú rằng:

                      “Hách hách dương dương
                      Nhật xuất Đông phương
                      Đoạn tuyệt ác mộng
                      Tịch trừ bất tường
                      Cấp như luật lệnh!


        Và đọc liền 7 lần như vậy.

        Ngay người Nhật Bản cũng có cùng tín ngưỡng như thế, tức là khi gặp ác mộng thì phải đọc những câu “chú” như trên, rồi nhìn về phía Đông, hít hơi vào và thở hơi ra ở hướng Bắc. Làm như vậy 7 lần để “trừ họa”.

        Đúng, sai, thực, hư thế nào thì tôi chịu!...

        Những lần tôi gặp Vũ Xuân Thiều trong mơ, tôi không cho rằng đấy là ác mộng mà còn lấy làm thích thú vì được gặp lại một trong những người mà tôi từng quý mến...

        Đầu to, tóc cứng màu đồng hun, vai vuông, hông nhỏ, trầm tĩnh, dí dỏm, ý chí kiên định, sắt đá, mạnh mẽ và ẩn bên trong là một con người rất tình cảm. Cộng với lối chơi ghi-ta phập phừng kiểu chẳng giống ai... thì đấy là những nét phác thảo về Vũ Xuân Thiều.

        Thiều coi tôi như một người bạn, như một đứa em. Lá thư (gần như cuối cùng) Thiều viết cho tôi với lời nhận xét về cô “sơn nữ” (nay là vợ tôi) là những lời “thẩm định” cho mối tình của tôi. Những gì với Vũ Xuân Thiều, tôi đã viết trong cuốn “Vũ Xuân Thiều - phi công cảm tử” (NXB Lao động, 2012) rồi. Thiết nghĩ không nên lặp lại ở đây nữa.

        Có một điều tôi luôn áy náy cho tới tận bây giờ về lí do truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Vũ Xuân Thiều. Chuyến bay cảm tử của anh cùng hành động anh hùng của anh quyết tiêu diệt bằng được B-52 đã được công nhận nhưng mãi cho tới hơn 20 năm sau, anh mới được truy tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Chậm như vậy là sao nhỉ?

        Tôi áy náy cũng là áy náy thế thôi, bộc bạch thế thôi!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2020, 02:13:51 pm »


        Anh Nguyễn Văn Thuận cùng đoàn bay với bác tôi và chơi thân với bác tôi là Tạ Văn Thành. (Bác tôi đã hy sinh trong trận không chiến trên vùng trời Phổ Yên vào ngày 14 tháng 7 năm 1966. Trận ấy, bác tôi bay số 2 cho anh Hoàng Biểu. Bác tôi bị bọn F-4 bắn. Máy bay của bác tôi bị thương nặng. Bác phải nhảy dù rời máy bay nhưng vì nắp buồng lái bị biến dạng, không tách được ghế dù, tất cả cứ thế rơi xuống đất nên bác tôi không thoát được nạn). Khi tôi được biên chế về Đại đội bay đêm, anh Thuận đã từng lập được chiến công: bắn rơi 2 máy bay Mỹ (1 chiếc F-105, 1 chiếc không người lái) và là Trung đội trưởng Trung đội bay đêm của tôi.

        Vì được biết anh từ trước, tính tình anh lại xởi lởi, cởi mở nên tôi gần anh rất nhanh và coi anh như người anh của mình. Ngoài những lúc nghiêm túc trong công việc, khi rảnh rỗi, anh hay kể những chuyện vui và đôi khi anh cũng tếu táo, coi bọn tôi như bạn cùng trang lứa...

        Anh không chỉ làm cho chúng tôi cười tít mắt mà ngay hồi học bên Liên-xô, anh đã làm cho bao người Nga phải cười ngả cười nghiêng rồi. Ấy là khi anh lên sân khấu diễn những vở kịch câm “Cắt ruột thừa”, “Bắt nấu rượu lậu”... thì mọi khán giả đều cười khoái trá, cười hết cỡ mới thôi bởi anh diễn cái kiểu khóc trên sân khấu không hề giống ai: nước mắt không chảy xuôi mà chảy ngược, vọt hắn thành hai dòng lên tít trên cao...

        Anh kể:

        - Có gì đâu! Tớ cho nước vào 2 quả bóng cao su, đặt vào 2 bên nách, nối đường dây bằng ống nhựa mềm dọc theo cánh tay, khi làm động tác khóc, chỉ việc giơ tay lên che mặt đồng thời ép chặt nách vào, thế là nước phọt ngược lên thôi!

        - Anh sánh ngang với Niculin - nghệ sĩ hề Công Huân của Liên-xô rồi! - tôi trầm trồ.

        - Sánh ngang thì chẳng thể sánh ngang được, nhưng sau buổi biểu diễn ấy, nhiều người khoái tớ lắm, nhất là những cô gái Nga...

        - Thế thì anh sướng thật đấy!...

        Anh chơi vi-ô-lông khá hay và cũng đã từng đứng trên sân khấu bên Liên-xô biểu diễn. Lúc anh đứng chơi vi-ô-lông, anh có kiểu đứng không ai có thể bắt chước được. Cũng bởi anh có đôi chân cong cong không giống ai, lại tạo dáng kiểu nghệ sĩ nên khó mà học theo.

        Anh có ý định “đồng hóa nghiệp vụ” cho toàn Trung đội, tức là bắt tất cả các Trung đội viên của anh phải tiếp cận với cái món “nhị Tây” ấy.

        Tôi thì chân tay cứng quèo vì chơi xà, tạ... làm sao mà kéo “nhị Tây” được nên cứ gần đến giờ anh vác đàn ra định dạy là tôi tìm cách lỉnh ra bãi tập xà. Vũ Xuân Thiều thì ôm cây ghi-ta lên giây rồi gảy “phừng phực, phừng phực...”, còn Nguyễn Cát A thì chẳng nói chẳng rằng, hồn nhiên đưa “ngón tay thần” của mình lên... ngoáy mũi!...

        Anh Thuận lắc đầu, cám cảnh trước các Trung đội viên của mình, liền cất đàn vào một xó và than thở:

        - Đúng là các cậu đã chẳng hiểu biết tí gì về văn học nghệ thuật, mà lại chẳng muốn tiếp cận với nghệ thuật! Thật chán mớ đời!...

        Không thuyết phục được chúng tôi tiếp cận loại nhạc cụ mà anh yêu thích, anh bắt chúng tôi phải học hát bài mà anh nói là do anh sáng tác. Chúng tôi phải tuân theo. Lời bài hát cùng giai điệu của nó, tôi vẫn còn nhớ tới bây giò:

                                  “Đoàn ta bay hiên ngang trong ánh mây hồng
                                  Kìa nhà máy, ống khói cao vút xanh
                                  Ôi Tổ quốc thân yêu nâng cánh ta bay
                                  Canh giữ bầu trời là niềm hạnh phúc của ta
                                  Đảng đã cho ta đôi cánh tung trời
                                  Lướt gió rẽ mây, ta bay tìm diệt quân thù
                                  Tổ quốc mến yêu
                                  Xin hiến dâng Người cả trái tim ta!
                                  Xuất kích trận này, chiến thắng về


        Anh hay tâm sự với chúng tôi đủ mọi chuyện, kể cả chuyện riêng tư của vợ chồng anh, cả những chuyện anh trêu, lừa các anh Vũ Ngọc Đỉnh, Đặng Ngọc Ngự... ra làm sao và chính anh cũng bị các anh ấy trêu đùa lại như thế nào một cách rất hồn nhiên, thật thà. Những chuyện ấy vô tình chính là sự “trang bị” cho tôi chút kinh nghiệm vào những chuyện đùa nghịch sau này của tôi. Chuyện anh bắt tôi đi lấy muôi để sử dụng vào việc trị tật ngáy của anh Nguyễn Cát A thì tôi đã kể chi tiết trong cuốn “Vũ Xuân Thiều - phi công cảm tử” rồi, tôi không muốn nhắc lại ở đây nữa.

        Khi tôi rời khỏi đội ngũ bay đêm, chuyển sang bay ngày thì tôi xa anh. Rồi anh cũng chuyển công tác nên tôi không liên lạc được với anh nữa, chỉ thi thoảng hỏi thăm tin anh qua các anh khác mà thôi.

        Lâu lắm, phải đến mấy chục năm sau đó, tôi được gặp anh trong một đám cưới của một ai mà tôi không còn nhớ, sau đấy lại bặt tin anh. Khi anh mất, tôi cũng không biết, mãi sau tôi mới được tin. Vì anh ở trong miền Nam nên tôi không có điều kiện vào thắp nhang viếng anh, chỉ lưu giữ nỗi nhớ về anh ở trong lòng, không bộc bạch ra được. Nay nhờ những dòng này, tôi muốn gửi sự tri ân và như nén tâm nhang gửi đến viếng anh.

        Cầu mong anh thanh thản ở thế giới bên kia, tiếp tục chơi vi-ô-lông - loại nhạc cụ mà anh ưa thích. Hẹn anh kiếp sau, nếu còn có duyên với anh, tôi sẽ nhờ anh dạy cho cái món “nhị Tây” ấy và biết đâu, tôi sẽ thành tài!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2020, 12:02:37 pm »


        Cùng Trung đội bay đêm với tôi thì anh Nguyễn Cát A là người gây ấn tượng cho tôi ngay từ khi tôi và anh đi trực cao không. Không ai tìm thấy thùng bay của anh ở đâu cả, mà gần đến giờ xe chạy rồi nên mọi người cứ cuống lên, lục lọi loạn khắp nơi. Mãi sau đó khi tìm được thùng bay của anh thì mói vỡ lẽ ra một điều. Tức là, bộ phận giữ và bảo quản quần áo bay, mũ bay cao không hồi đó thấy có tên Cát A liền cho rằng có 2 phi công tên Cát, nên mối gọi một là Cát A và người kia sẽ là Cát B, vì thê mới viết chữ Cát rõ to, còn chữ A thì bé như số mũ của lũy thừa. Thế thì có mà trời tìm!...

        Kể từ ngày ấy, tôi hay trêu chọc anh, cho dù anh lớn hơn tôi đến 7 tuổi. Anh không giận tôi, có lẽ là không chấp với một thằng em nhãi ranh. Anh kể cho tôi nghe về cuộc đời anh vất vả, lận đận thế nào, rồi về nguyên cớ cái ngón tay anh bị dập mà tôi đã gọi đấy là “ngón tay thần”.

        Ở cùng phòng với anh thì anh “tra tấn” chúng tôi bằng cách ngáy của anh. Tôi cũng đã kể chi tiết về chuyện này trong cuốn “Vũ Xuân Thiều - phi công cảm tử rồi.

        Trình độ bay của anh thuộc loại bình thường. Các động tác điều khiển máy bay thường thô, giật cục. Ngại nhất là khi bay số 2 cho anh. Hình như anh chỉ chú trọng vào các động tác của cá nhân anh mà quên mất đằng sau mình còn có một người nữa thì phải. Anh không hề có động thái báo trước cho số 2, mà cứ làm ào ào. Nếu số 2 không tỉnh táo thì có khi không theo kịp hoặc va vào anh là thường. Kết thúc chuyến bay, khi hạ cánh xong, tôi gặp anh và hỏi thẳng:

        - Hình như có lúc anh không quan tâm đến tôi bay ở sau anh hay sao ấy?

        - Ừ, xin lỗi! Đúng là có lúc tớ chẳng biết là mình có số 2 thật!

        - Nói thực với anh chứ bay số 2 cho anh tôi mệt và căng thẳng tới muôn chết!

        - Thôi, tớ sẽ rút kinh nghiệm! - anh vừa đưa tay ngoáy mũi vừa cười.

        Mà anh cũng lại có tính hay quên. Một lần khi bay về, anh gặp tôi, nói là trong chuyến bay hành trình ngày hôm ấy, đến điểm vòng lấy hướng mới, lúc cải máy bay ra, thay vào động tác bấm đồng hồ ghi thời gian thì anh lại đem thả mảnh giảm tốc. Vậy là tốc độ máy bay cứ ngày càng chậm dần, anh cứ phải tăng vòng quay động cơ liên tục, dầu liệu tiêu hao quá nhanh, mãi sau anh mới phát hiện ra, chứ không thì gay go to.

        Ở trên không đã vậy, dưới mặt đất thì anh quên ghê lắm. Anh có thói quen là giắt bút máy ở túi áo ngực, nhưng rồi nhiều lần anh không giắt ở đấy mà lại gài vào túi sau của quần. Khi sờ lên túi áo ngực không thấy bút, anh nhìn ngay sang tôi, nghĩ rằng chỉ có tôi mới hay gây ra những trò nghịch oái oăm, giấu thứ nọ, giấu thứ kia của anh. Nhưng tôi đâu có giấu. Thấy bút ở túi phía sau quần anh, tôi cứ tủm tỉm cười. Anh càng tin tôi là thủ phạm rồi bực lên, quát tôi: “Có đưa giả tớ ngay không thì bảo?”. Tới nước này thì tôi phải nói: “Bố thử sờ tay vào túi quần đằng sau xem!”. Anh sờ thấy bút, rút ra và điềm nhiên hỏi tiếp: “Thế cậu giắt vào đấy lúc nào thế?”. Tôi không nhịn được cười nữa: “Con cắn rơm cắn cỏ, lạy bố ạ! Bố mà cứ nghi như thế thì chết con thôi!”. Anh lấy “ngón tay thần” ngoáy mũi và nhẩn nha: “Thì thôi, không thế nữa!”

        Sau khi anh thôi bay, anh nhận nhiệm vụ đi các sân bay cơ động giúp cho chỉ huy bay và các phi công trực chiến. Rồi nghỉ theo chế độ.

        Lần tôi và anh Nguyễn Văn Quang về thăm anh ở quê, vừa ngồi hàn huyên được vài ba câu thì bà chị dâu của anh về. Thấy chúng tôi, chị nói ngay:

        - May mà hai chú về hôm nay, chứ như mấy hôm trước thì chán lắm. Ai đời, đi sang làng bên chơi rồi về vào buổi tối, chú ấy bị xe máy đâm, kéo cho một đoạn. Người ta đưa chú ấy vào bệnh xá cấp cứu. Cũng may được điều trị kịp thời mới được thế này đấy, chứ không thì có mà thối lâu rồi!

        Anh vẫn theo thói quen, đưa “ngón tay thần” lên ngoáy ngoáy mũi và thủng thẳng:

        - Phi công thì còn lâu mới thối!

        Tôi cười phá lên, ngắm nhìn lại anh. Bao nhiêu năm qua rồi mà anh vẫn không hề thay đổi tí gì về tính cách, vẫn những hành động và cử chỉ quen thuộc như ngày nào, vẫn cách nói như ngày nào... Đúng là “non sông dễ đổi, bản tính khó dời” thật.

        Mọi người cũng cười. Không khí trở lại vui vẻ.

        Ngày anh ốm và nằm điều trị tại nhà người cháu trai của anh. Anh Nguyễn Văn Quang, Ngô Văn Phú và tôi cùng đến thăm anh. Anh cảm động lắm, không ngờ chúng tôi lại lần tìm được đến tận đây. Hàn huyên một hồi lâu, trước lúc ra về, tôi đề nghị cùng chụp chung một tấm ảnh với anh. Đấy là bức ảnh cuối cùng của 4 anh em chúng tôi.

        Sau khi tổ chức mừng thọ cho anh ở cái tuổi “cổ lai hy” một thời gian thì anh “lên đường”.

        Vậy là lại thêm một Trung đội viên của Trung đội bay đêm đầu tiên của tôi vắng mặt. Tôi cứ trầm tư nghĩ ngợi về số phận từng người để thử tìm lời giải thích nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ có được.

        Khi viết đến những dòng này, bỗng tôi lại nhớ đến câu anh phản bác lại ý kiến của bà chị dâu: “Phi công thì còn lâu mới thối!”, nhưng giờ thì... vô phép, anh đã thối hẳn từ lâu rồi!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2020, 09:10:09 pm »

     
        Anh Nguyễn Văn Đậu thuộc thế hệ đàn em, bay sau tôi và chuyển sang bay đêm trong lứa từ 1973 - 1975. Tôi biết Nguyễn Văn Đậu từ khi anh ở Đa Phúc thuộc biên chế của Trung đoàn Không quân 921, còn tôi ở Yên Bái, nơi Trung đoàn Không quân 931 đóng quân. Vợ con anh khi ấy ở Yên Bình, Yên Bái. Mỗi lần tôi có dịp về Sư đoàn họp thì tôi lại trở thành người “quân bưu” chuyển thư từ, quà cáp cho cả hai phía. Gặp tôi, anh thường kể về chuyện gia đình, chuyện về lí do tại sao anh lại lấy vợ tận Yên Bái, trong khi mình quê ở Quảng Ninh...

        Nguyễn Văn Đậu là người hiền lành, chất phác, thật thà, xởi lởi. Lâu lâu có được ngày nghĩ, khi có dịp ra khu gia đình của Sư đoàn ở đồi Mồ Mả thì lại tìm đến nhà tôi, chơi với các cháu, tiện tay thì sơn hộ vợ tôi đôi thùng gánh nước hoặc quét lớp xi- măng vào phía trong chiếc thùng phuy đựng nước...

        Nguyễn Văn Đậu hy sinh vào đêm mồng 10 tháng 9 năm 1980, khi ấy tôi vẫn ở Yên Bái. Cô con gái của anh bấy giờ còn nhỏ, chưa đầy một tuổi. Con cũng không biết gì về cha, giống như con của anh Phạm Văn Mạo vậy.

        Sau này, Trời Đất sắp đặt thế nào, cô con gái của anh lại trở thành con dâu của tôi. Vậy là, số phận lại gắn kết tôi với anh theo một tư cách khác nữa.

        Tôi đến viếng mộ anh được mấy lần. Lần gần đây nhất, vào tháng 7 năm 2018, cả nhà tôi có dịp đi Quảng Ninh, tôi dẫn tất cả vào thắp nhang viếng anh.

        Nhìn mấy đứa cháu vừa bứt vừa nhặt những bông hoa đại trong nghĩa trang để xếp lên mộ anh, tôi không cầm nổi nước mắt.

        Tôi sợ mấy đứa cháu phát hiện ra ông khóc, bèn làm động tác ngửng mặt lên trời rồi lững thững bước dọc những hàng bia mộ, nhớ lại những kỷ niệm về anh.

        Trong khung cảnh tĩnh lặng của nghĩa trang, tôi chợt nghe vẳng tiếng động cơ của MiG-21, ngửng lên thấy một đốm sáng lóe phía chân trời. Chắc anh đang trở về. Anh đã hóa thành một ngôi sao lấp lánh, sáng huyền ảo, vĩnh cửu trong trời đêm...

        Cầu mong anh thanh thoát và phù hộ cho những đứa cháu của anh sẽ trở thành những người có ích cho xã hội sau này...

        Tính về các đời Trung đoàn trưởng của Trung đoàn Không quân 931 thì Tăng Nguyên Ân là Trung đoàn trưởng thứ tư, nhưng lúc anh chuyển sang bay đêm thì vào những năm 1973 - 1975, tức là sau tôi nhiều. Khi anh Tăng Nguyên Ân là Trung đoàn trưởng thì tôi đã là cán bộ Sư đoàn, thi thoảng có trở lại Yên Bái bay phê chuẩn cho các giáo viên bay của Trung đoàn anh. Cũng đã có lúc, anh có những biểu hiện “bất thường” đối với tôi nhưng tôi không đánh giá nặng nề vì dầu sao anh cũng là cấp dưới của tôi.

        Tới khi anh nghỉ hưu, anh lại chuyển sang làm hợp đồng với cơ quan tôi thì lại tiếp tục làm cấp dưới của tôi.

        Tăng Nguyên Ân là người chỉn chu với công việc được giao và cũng là người có cá tính. Nhà anh trước đây ở gần nhà tôi, sau đó anh chuyển đi nơi khác, nhưng sau khi nghỉ hẳn rồi thì chiều chiều tôi và anh vẫn gặp nhau ngoài sân bóng chuyền cuối sân bay Bạch Mai. Kể từ ngày tôi bị ngã, bị dập cơ Đen-ta của vai phải thì cánh tay phải của tôi trở nên rất yếu, không làm việc gì nặng được. Trước kia, trong sân bóng chuyền đánh 3 người, tôi hay giữ vị trí chủ công thì nay không thể đảm nhận được nữa. Tôi chuyển thành chuyền hai, anh Ân thì quét phía dưới và công phụ cho một anh khác công chính. Ba anh em già bọn tôi đánh nhiều trận ngang ngửa với cánh trẻ, bởi chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, dùng “mẹo” nhiều hơn. Khỏe dùng sức, yếu dùng mưu mà! Khi kết thúc trận bóng, ra ngồi nghỉ uống nước, chúng tôi lại hay trêu chọc nhau. Đội trẻ phải công nhận là “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, “gừng càng già càng caý” thật!

        Bẵng đi một dạo, vào một ngày, tôi nhận được tin báo anh Tăng Nguyên Ân đã mất vì tai nạn giao thông. Thật đột ngột quá. Mới đấy còn gặp nhau ngoài sân bóng mà bây giờ lại không còn nữa sao? Tôi thông báo cho “Ban liên lạc tình nghĩa của Trung đoàn Không quân 931” biết và tổ chức đi viếng. Nhiều người hỏi đi hỏi lại tôi, nửa tin nửa ngờ, nhưng sự thực thì vẫn là sự thực. Đúng là anh đã mất vì tai nạn giao thông thật.

        Sự sống và cái chết diễn ra theo kiểu riêng của nó mà không ai lường trước được bao giờ. Đúng là “sinh có hạn, tử bất kỳ”. Người cần phải “đi” thì không “đi”, người cần phải ở lại thì không ở. Giải thích thế nào được ngoài từ “số phận”. Mà đúng vậy, mỗi người mỗi số mỗi phận thật. Số từ đầu đến chân cơ mà: đầu thì số mũ, chân thì số giày... Có điều, cứ sau mỗi năm, khi tổ chức gặp mặt lại thấy cứ thiếu dần, vắng dần thì ai mà chẳng thấy ngậm ngùi...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2020, 04:28:04 pm »


        Với anh Trần Cung thì tôi lại gắn bó theo kiểu khác. Gia đình tôi và gia đình anh cùng ở chung trong “Khu gia đình đồi mồ mả” của Sư đoàn Không quân 371 tại huyện Sóc Sơn kể từ ngày vợ chồng tôi còn son rỗi cho tới lúc hai đứa con của tôi ra đời. Chuyển địa điểm đến vài lần ở khu gia đình, nhưng hai gia đình vẫn luôn là hàng xóm của nhau, sát vách nhau. Khi hai đứa bé đến tuổi đi học, ngày ngày chúng lũn cũn ra tận Trường ở thôn Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, hai gia đình vẫn ở cạnh nhau. Lũ trẻ nhà tôi ít tuổi hơn nên gọi các con của anh bằng anh, chị. Chúng chơi thân với nhau cùng đám trẻ con hàng xóm. Tất cả gắn bó như một cộng đồng. Tới khi chuyển về Hà Nội thì bấy giờ mới ở cách nhau nhưng cũng không xa là bao.

        Anh có biệt tài chơi đàn nhị. Giai đoạn ở trong khu E, hồi anh Trần Sang còn sống, anh thường đến chỗ anh Cung đề nghị anh kéo nhị đệm cho anh hát sẩm. Có lần hứng lên, anh Sang lấy chiếc nón mê đặt dưới chân rồi giả làm người khiếm thị ngồi hát và anh Cung kéo nhị đệm theo, còn tôi giả như người qua đường, dừng lại để nghe rồi vét túi “thưởng” ít tiền lẻ, đặt vào trong nón...

        Giọng của anh Sang khá chuẩn và anh thuộc khá nhiều bài sẩm. Tôi có cảm tưởng, anh như là hậu duệ của nghệ nhân Hà Thị Cầu vậy...

        Chuyện này diễn ra không thường xuyên nên ít người để ý đến.

        Sau khi anh Trần Cung chuyển nhà xuống phía cuối đường Lê Trọng Tấn, về đường Nguyễn Lân một thời gian, tôi đến thăm anh và nhân thể hỏi thêm anh một số vấn đề tôi đang quan tâm. Chào hỏi nhau xong, anh kéo tôi vào phòng khách:

        - Ngồi đi! Nào, ngồi xuống đây đi! Thôi! Không chè cháo gì nữa nhé! Làm tí rượu cho nhanh! Tớ biết cậu là thằng thích rượu mà!...

        -Vâng! Đúng như vậy! Pha trà làm gì, lích kích lắm! - tôi trả lời.

        - Trông cậu dáng vẫn khỏe đấy! Mặt lúc nào cũng đỏ như gà chọi, như mặt Quan Công ấy là khỏe lắm đấy!...

        - Chẳng còn đỏ được nữa đâu! Tái rồi anh ơi! Dặt dẹo lắm rồi, anh ạ! Còn anh thế nào?

        - Cậu cứ nói vậy! “Yếu trâu còn hơn khỏe bò!”. Tớ thì... chán lắm!

        Anh nói vậy và tôi không ngờ từ thời đó anh đã bị lắm thứ bệnh hành hạ để rồi mấy năm sau anh phải “ra đi”.

        Hôm ấy, sau mấy tuần rượu, anh đột ngột hỏi tôi:

        - Này, cậu có biết bài “Đơn xin sáp nhập Đền Hùng về Thủ đô Hà Nội” không?

        - Tôi không biết, anh ạ!

        - Cậu chỉ giả vờ! Cậu là cái thằng biết nhiều thứ lắm đấy!

        - Đâu có, anh! Anh nghĩ chưa chuẩn về tôi rồi!...

        Anh vừa lục đống giấy tờ của anh, vừa nói:

        - Nó ra đời sau cái “Hà Tây cửa ngõ chuyển sang... cửa nhà” ấy. Nếu cậu không biết thật thì tớ cho cậu đây. Mà này, tớ cho luôn cả mấy bài “Chuyện mày, chuyện tao”, “Vợ là gì”, “ước biến thành gà”... cho cậu đọc nhân thể. À, mà biết cậu còn quan tâm đến Đông Y, tớ tặng luôn cho cậu bài “Chống đột quỵ” đây nữa...

        - Cám ơn anh! Thế này là tôi khối tài liệu quý rồi!

        - Này, cậu có thuộc thì đọc lại bài “Tình cảnh đoàn ta” của cái “lão” Hà Quang Hưng cho tớ nghe lại với.

        Tôi đọc lại bài ấy và đến câu nói về anh thì tôi “chế’ luôn. Nguyên bản của nó là:

"... Toàn Thắng cắt pô-lip rồi
Trần Cung thêm chứng máu nhồi cơ tim...

        Thì tôi đọc:

"... Toàn Thắng cắt pô-lip rồi
Trần Cung thêm chứng máu nhồi cơ... chim...”

        Anh cười to và nói:

        - Tớ biết ngay là cậu sẽ xuyên tạc theo cái kiểu ấy mà!

        Hai anh em tôi cùng cười, lại cùng chạm chén với nhau rồi cùng nhắc đến từng nhân vật một trong bài “Tình cảnh đoàn ta”, cùng an ủi nhau...

        Số “tài liệu” anh cho tôi, có bản anh chép tay, có bản đánh máy, bản phô-tô... Tôi đưa vào tệp lưu giữ cùng với những bản của các anh khác, lâu lâu lại giở ra xem như một kỷ niệm.

        Không ngờ, một thời gian ngắn sau đó, mấy anh gọi tôi đến thăm anh ở bệnh viện 108. Tôi thấy anh “xuống mã” nhiều so với lần tôi gặp anh gần đây. Chuyện trò một lúc thì anh bật khóc. Tôi là người rất sợ nước mắt, nhất là nước mắt của đàn ông. Những giọt nước mắt của họ thường rất nặng, đặc quánh những nỗi niềm...

        Đấy là lần cuối cùng tôi gặp anh.

        Trước ngày cô con gái anh đi lấy chồng, tôi có đến nhà anh, ngồi tâm sự với chị nhà. Tôi có cảm giác như anh đang ngồi bên cạnh, tay lần giở tập giấy tờ, miệng tủm tỉm cười... Có lúc loáng trong ánh đèn, tôi như thấy chén nước trà của tôi đổi màu thành chén rượu... Hay là, anh biết tôi thích rượu, anh rót vào đấy cho tôi một chút chăng?

        Anh vẫn còn nhớ, còn quan tâm đến tôi thế thì còn gì bằng!...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM