Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:25:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức trời đêm  (Đọc 9368 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:54:50 am »


LỜI CUỐI SÁCH THAY CHO LỜI KẾT

        So sánh với mọi lực lượng trong tất cả các Quân Binh chủng thì Không quân có nét đặc thù rất riêng. Đó là sự gắn kết giữa nhiều thành phần để cùng hoàn thành một nhiệm vụ. Tất cả đều đóng quân quanh khu vực sân bay, hiệp đồng chặt chẽ với nhau, không thể tách rời bộ phận nào ra được. Họ như những đám mây tích điện giúp cho các phi công làm nên tia chớp giữa trời. Một thành tích dù nhỏ cũng là thành tích chung của mọi thành phần, đúng như lòi Bác Hồ đã dạy: “...Đoàn kết hiệp đồng. Lập công tập thể”.

        Sân bay luôn là địa điểm cố định, cho dù là sân bay cơ động hay sân bay dã chiến. Tầm bán kính hoạt động của máy bay có thể đến hàng trăm cây số, nhưng đi đâu rồi cũng vẫn phải về hạ cánh. Sân bay tựa như ngôi nhà của các phi công, dù đi muôn nơi vẫn tìm về. Đấy là nơi an toàn nhất, là bến đỗ bình yên nhất giống như là gia đình của mình và các thành phần hoạt động ở đó là các thành viên trong gia đình mình.

        Các thê hệ phi công được đào tạo ở nhiều nơi khác nhau, nhưng khi về cùng Quân chủng thì đều như anh em trong một nhà. Sự hiểu biết, cảm thông, gắn bó nhiều khi còn hơn anh em ruột. Giữa bầu trời mênh mang chỉ có hai, ba người với nhiệm vụ không hề đơn giản, nếu không gắn bó với nhau, cùng chia lửa cho nhau, hy sinh vì nhau thì làm sao hoàn thành được nhiệm vụ. Niềm vinh quang, sự cay đắng, mọi thứ vui, buồn... họ đều chia sẻ cùng nhau, làm nên một thứ tình cảm thật khác biệt. Không ai hiểu phi công bằng phi công. Họ là những người sống với những nét hào hoa dưới mặt đất, với khí phách hào hùng trên trời, với hào khí của người chiến thắng và hào hiệp trong cuộc sống thường ngày.

        Và họ cũng là những người sống bình lặng giữa đời thường.

        Chiến tranh đã lùi xa nhiều năm. Đại đội 5 (sau này đổi phiên hiệu là Phi đội 5) tính ra cũng đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày thành lập. Trong khoảng thời gian ấy, biết bao sự kiện đã diễn ra trong bao bối cảnh nào yên ả, nào sôi động, nào bi hùng...

        Những phi công bay đêm, đánh đêm mới ngày nào tóc còn xanh thì giờ đã nhuốm đậm màu thời gian: người thì “muối” nhiều hơn “tiêu”, người thì “tiêu”, “muối” bằng nhau. Mọi khóe mắt đã đầy những vết chân chim, má cũng đã hằn sâu những nếp nhăn, da đã xuất hiện những vết nám, vết đồi mồi... Bóng dáng của sự trẻ trung đã đi vào dĩ vãng... Cả một thời trẻ trai họ đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ bầu trời, bảo vệ cho màu xanh không gian luôn yên ả, không bị vẩn đục bởi những luồng khói của đạn, bom... Nay tất cả đã trở về với đời thường, hàng năm, họ vẫn tổ chức gặp nhau vào dịp cuối năm - vào dịp của sự kiện “mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.

        Cuộc gặp gỡ của các phi công bay đêm không ồn ã như cuộc gặp của các phi công bay ngày. Có lẽ, “thói quen nghề nghiệp” đã khiến họ lặng lẽ hơn một chút, trầm tĩnh hơn một chút, nhẹ nhàng hơn một chút...

        Cũng đúng thôi. Chỉ một mình trên bầu trời đêm thì làm sao mà sôi động, mà náo nhiệt được! Đấy chính là nét chung của “họ nhà Vạc”!

        Mỗi năm gặp lại nhau lại thấy thiếu vắng một chút. Năm trước vắng anh Trần Cung, năm sau lại vắng anh Đặng Vân Đình... Con người ta không ai cưỡng lại được cái quy luật muôn đời: “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” của tạo hóa.

        Số người còn lại, lại ngồi “điểm danh” và nhắc đến từng người với từng kỷ niệm vui, buồn của một thời đã qua.

        Một thời đã qua! Họ đã để lại đằng sau lưng mình cả thời trai trẻ, vắt kiệt sức trong những ngày đạn bom ác liệt, gồng mình lên vượt hết thảy những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giữa ranh giới sự sống và cái chết mỏng manh như sợi tơ. Trong những ngày tháng ấy, không ai biết rồi mình sẽ thế nào. Vậy mà họ đã vượt qua được tất cả, trở thành người chiến thắng. Những gian nan, hiểm nguy trước đây họ gặp phải, bây giờ đem ra kể lại xem như chuyện đùa, cười vui cho khuây khỏa mà thôi.

        Gặp gỡ nhau, họ vẫn trêu chọc nhau, vẫn xưng hô “cậu tớ, ông tôi, mày tao...” hệt như những ngày xưa...

        Tôi cũng thường tâm sự với các đồng đội và bạn hữu:

        Nếu lưu lại được cho đời
        Một chút khóc, một chút cười... cũng hay
        Để khi “nhắm mắt, xuôi tay”
        Chẳng cần tiếc nuối những ngày đã qua!...

        Các phi công bay đêm không chỉ lưu lại một chút mà họ đã làm được rất nhiều, để lại được rất nhiều những gì cần lưu, cần để cho các phi công lớp đàn em và thế hệ sau này.

        Năm 2018 vừa rồi, nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh Nguyễn Văn Minh. Vậy là đến nay, trong đội ngũ phi công bay đêm, đánh đêm đã có 7 Anh hùng. Còn những phi công bay đêm nữa hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ấy, như các anh Hoàng Biểu, Vũ Đình Rạng... cho dù chưa được nhà nước phong tặng, chưa được đeo Huân chương Anh hùng, nhưng trong tâm khảm của chúng tôi, các anh đã là những người Anh hùng từ lâu rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2020, 07:52:56 am »

   
        Tôi cứ lặng lẽ ngắm nhìn từng khuôn mặt và nghĩ suy về từng người. Ai nấy cũng đều có duyên với bầu trời, nhưng duyên phận, duyên nợ với bầu trời thì lại không giống nhau. Với người này thì có duyên nhưng lại không có phận, với người kia thì duyên nhiều nợ ít, với người nọ thì duyên ít nợ nhiều... Mỗi người mỗi vẻ, chẳng ai giống ai.

        Bầu trời thật gần đấy mà cũng thật xa đấy. Bầu trời rõ thấp đấy mà cũng rõ cao đấy. Bầu trời thật mung lung, huyền bí đấy mà cũng thật thân quen đấy. Bầu trời cho ta nhiều niềm vui đấy mà cũng bắt ta nhận lắm nỗi buồn đau đấy. Lướt lên bầu trời thật nhẹ nhàng đấy mà cũng thật nặng nề đấy...

        Bầu trời gắn bó thật mật thiết với cuộc sống của các phi công. Không có bầu trời thì làm sao có được danh hiệu phi công. Không trực tiếp vẫy vùng ở trên đó thì làm sao có được những cảm giác bay bổng, kỳ diệu khác thường...

        Với cao xanh kia, không biết những ai ngồi quanh đây liệu vẫn còn duyên còn phận, còn duyên còn nợ nữa?...

        Ai đó đang cất cao tiếng hát với ca khúc “Từ mặt đất thân yêu” của nhạc sĩ Tô Hải:

                            “Khi tôi đang bay trên mấy tầng trời cao xanh.
                            Mây trôi,mây trôi dưới cánh biển bồng bềnh.
                            Êm êm quen quen tiếng máy hay là tiếng hát
                            Của trái tim tôi hay là lời Tổ Quốc
                            Tiếng hát câu hò bao quen thuộc
                            Tiếng ru mẹ tôi ru thuở trước
                            Réo rắt bên tai tôi khúc hát xưa bên nôi
                            Bóng dáng quê hương tôi với màu xanh lúa mới
                            Đẹp như những con người đêm, ngày nâng cánh tôi bay
                            Trên quê hương đi diệt lũ giặc trời
                            Vì Tổ quốc thân yêu tôi bay cao bay xa
                            Như cây lúa trên cánh đồng nơi quê hương ta
                            Nhiều bông trĩu hạt do sức bao người
                            Mỗi chuyến tôi bay có bao tay đồng đội
                            Chờ mong từng phút giây tôi lập công
                            Về trong tình mến thương trên đường băng
                            Về trên mặt đất Việt Nam hùng nhân dân anh hùng
                            Với truyền thông vinh quang xưa
                            Có Đảng chắp cảnh ước mơ
                            Bác Hồ còn đó
                            Giục tôi bay thêm cao thêm xa
                            Giục tôi bay thêm cao thêm xa
                            Giục tôi bay cao bay


        Họ đấy!... Mặc cho bóng dáng của sự trẻ trung đã đi vào dĩ vãng. Ý chí, tinh thần, nghị lực của họ vẫn như xưa... Họ vẫn hồn nhiên... vẫn da diết nhớ bầu trời... Họ tựa như những bếp than chỉ phủ phớt nhẹ chút lớp tro phía bên ngoài, còn nguyên vẹn phía bên trong là cả lò nhiệt lượng khổng lồ và chắc chắn vẫn sẵn sàng cống hiến bản thân mình khi Đất nước, Quê hương cần đến.. Họ lại lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình, sẽ lại giống như những cảnh trong bộ phim thời trước của Liên-xô: “Chỉ toàn những ông già bước vào trận chiến”... Tất cả đều vì sự yên bình cho bầu trời và sự yên lành cho mặt đất!

        Họ là vậy!...

        Thời gian bỗng như ngừng trôi.

        Những khuôn mặt rạng ngời, ửng hồng trong men say, tươi cười chúc nhau những điều tốt đẹp nhất...

        Tất cả cứ lung linh, lung linh như những vì sao trong dải Thiên Hà!...


        
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

        - Lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam (1955 - 1977) - NXB Quân đội nhân dân, 1993.

        - Lịch sử ngành dẫn đường Không quân (1959 - 2004) - NXB Quân đội nhân dân, 2007.

        - Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 - 1975) nhìn từ hai phía - NXB Quân đội nhân dân, 2013.

        - Về cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ tháng 12-1972 “Linebacker 2” - Trung tâm thông tin KHQS-Cục KHQS-BTTM. Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân, 1992.

        - 60 năm Không quân nhân dân Việt Nam - NXB Quân đội nhân dân, 2015.

        - Lịch sử Sư đoàn Không quân 371 (1967 - 2017) - NXB Quân đội nhân dân, 2017.

        - Lịch sử Trung đoàn Không quân 921 (1964 - 2009) - NXB Quân đội nhân dân, 2009.

        - Lịch sử Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 (1972 2012) - NXB Quân đội nhan dân, 2012.

        - Kỷ yếu các cựu phi công bay đêm MiG-21 những năm 1967 - 1975, Quân chủng Phòng không -  Không quân, 2012.

        - Kỷ yếu phi công tiêm kích Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1964-1973) - NXB Quân đội nhân dân, 2017.

        - Các đơn vị và cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Quân chủng Phòng không -  Không quân - NXB Quân đội nhân dân, 2002.

        - Hội thảo khoa học: Ý chí và trí tuệ Việt Nam với chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” (Tháng 12-1972 - 12-2017).

        - Các tư liệu qua Internet.


        
MỤC LỤC

        - Lời đầu sách thay cho lời mở
        - Chuyện cũ
        - Vài nét sinh hoạt thường ngày ở khu E
        - Sự khác biệt giữa bay ngày và đêm
        - Tham gia những trận đánh ngày
        - Với tuyến đường vận tải chiến lược 559
        - Những trận đánh đêm. Khởi đầu những chuyến bay cảm tử
        - Tham gia chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”
        - Kỷ niệm về những người đã khuất
        - Muôn mặt đời thường
        - Lời cuối sách thay cho lời kết
        - Tài liệu tham khảo và trích dẫn

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM