Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:58:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ  (Đọc 3366 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:32:46 am »

LÊ THÙY
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 165



Lê Thùy tên thật là Lê Văn Lộc, người dân tộc Tày, sinh năm 1922 ở xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia Cách mạng từ rất sớm (1940), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (1941). Từ năm 1940 đến năm 1944, ông hoạt động tổ chức xây dựng cơ sở Cách mạng ở các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái. Năm 1945, là Chính trị viên Giải phóng quân ở huyện Chiêm Hóa.

Từ năm 1946 đến năm 1954, giữ chức vụ trung đoàn trưởng ở nhiều đơn vị. Từ năm 1955 đến năm 1966, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 335 rồi 316, Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc. 1967-1974, Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Từ 6/1974 đến 1978, Phó Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Năm 1976, Phó Tư lệnh Quân khu 1. Năm 1978, Phó Tư lệnh Quân khu 2.

Lê Thùy là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn bộ binh 165. Ngày 16/5/1948, tại đồi cọ thôn Tông Áng, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, Trung đoàn 165 đã ra đời. Đồng chí Lê Thùy, Trung đoàn trưởng đã đọc quyết định của Bộ tổng tư lệnh thành lập Trung đoàn 165. Và cũng từ nơi này các cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn đã xuất quân ra đi tiêu diệt quân thù ở khắp các chiến trường.

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Lê Thùy và Trung đoàn 165 của ông cùng với trung đoàn 88 của Bùi Nam Hà có nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập. Cụ thể, Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 đánh vào hướng Đông Bắc là hướng thứ yếu, Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 đánh vào hướng chủ yếu là hướng Đông Nam cứ điểm. Lê Thùy đã chỉ huy Trung đoàn 165 phối hợp với Trung đoàn 88 cùng tiêu diệt địch. Binh lính tiểu đoàn Angiêri số 5 cố gắng chống cự. Pháo binh Pháp ở Mường Thanh bắn dữ dội vào ngay trong đồn hòng sát thương bộ đội, cứu vãn tình hình. Bộ đội ta giành giật với đối phương từng ụ súng, từng căn hầm, từng đoạn chiến hào. Đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15-3-1954, Trung đoàn 165 và trung đoàn 88 đã xóa sổ tiểu đoàn Bắc Phi, diệt 483 lính, bắt 200 tù binh.

Năm 1974, ông được phong Thiếu tướng, đến năm 1986 được phong Trung tướng.

Ông đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huân chương Quân công (1 hạng Nhất, 1 hạng Ba), Huân chương chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng...

Ông mất năm 1999.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:34:22 am »

HOÀNG CẦM
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 209



Hoàng Cầm (tên khai sinh Đỗ Văn Cầm, bí danh Năm Thạch), sinh năm 1920, tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội); Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội khóa VII; nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân đoàn 4, Tư lệnh Quân khu 4, Tổng Thanh tra Quân đội.

Ông tham gia cách mạng năm 1945, là chiến sĩ Giải phóng quân Hà Nội; tháng 8/1945, ông nhập ngũ và tháng 2/1947 được kết nạp vào Đảng Cộng sần Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Từ tháng 10/1945 đến tháng 11/1946, ông là Tiểu đội trưởng; Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội phó thuộc Trung đoàn 97. Tháng 12/1946 đến tháng 2/1947, ông là Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội 120 Sơn La.

Tháng 3/1947 đến tháng 8/1954, ông là Chính trị viên Đại đội 590, Tiểu đoàn 18, Biên giới Lào - Việt; Đại đội trưởng Đại đội 250, Trung đoàn 97; Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 90 Xây dựng cơ sở ở Đà Bắc; Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312; Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đêm mồng 6/5/1954, Trung đoàn của Hoàng Cầm đánh cứ điểm 507 không thành công. Ông cùng Chính uỷ Trần Quân Lập củng cố lại lực lượng, trực tiếp đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Trung đoàn đánh 507 vào ban ngày. Được pháo chi viện, Trung đoàn đã tiêu diệt 507, thừa thắng đánh chiếm các cứ điểm 508, 509. Nắm thời cơ quân địch hoang mang cực độ, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm ra lệnh cho Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy Đại hội 360 đánh thẳng vào Sở chỉ huy địch ở trung tâm Mường Thanh bắt sống tướng Đờ-cát-tơ-ri và Bộ tham mưu quân Pháp kết thúc thắng lợi chiến dịch.

Tháng 9/1954 đến tháng 8/1972, ông giữ các cương vị: Tham mưu trưởng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312; Học viên Học viện quân sự Bắc Kinh; Phái viên Tác chiến Bộ chỉ huy quân sự Miền; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9; Phái viên Bộ Tổng tư lệnh Miền; Tham mưu phó, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miền.

Tháng 9/1972 đến tháng 12/1974, ông là Chỉ huy phó Bộ chỉ huy quân sự Miền phụ trách Chỉ huy trưởng Đoàn 301, B2; Chỉ huy trưởng Đoàn 301, B2; từ tháng 1/1975 đến tháng 2/1977 là Tư lệnh Quân đoàn 4; tháng 3/1977 đến tháng 1/1981 là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân đoàn 4; từ tháng 2/1981 đến tháng 3/1982 là Phó Tư lệnh Bộ đội Việt Nam tại Campuchia; từ tháng 4/1982 đến tháng 8/1987 là Tư lệnh Quân khu 4. Đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V, VI. Đại biểu Quốc hội khóa VII.
Tháng 9/1987, ông được điều động về Tổng Thanh tra Quân đội và được Chính phủ bổ nhiệm Tổng Thanh tra Quân đội (nay là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng).

Ông được phong quân hàm cấp Thượng tá vào tháng 8/1958; thăng quân hàm Đại tá năm 1960, Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng năm 1980, Thượng tướng năm 1984. Tháng 11/1992, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu.

Từ một chiến sĩ chiến đấu và trưởng thành lên đến cấp Thượng tướng, ông đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, 4 Huân chương Quân công và nhiều huân, huy chương khác. Huân chương Hồ Chí Minh là huân chương bậc cao dành cho những người có công lao to lớn với Tổ quốc.

Ông mất hồi 14 giờ 30 phút ngày 19/8/2013, tại Bệnh viện Quân y 175.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:35:36 am »

VŨ LĂNG
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 98



Vũ Lăng tên thật là Đỗ Đức Liêm, sinh năm 1921 tại xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ông là một trong những vị tướng lập được nhiều chiến công lớn trong những trận đánh quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là người đã có công lao to lớn trong chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên mà trận Buôn Ma Thuột là điển hình. Ông còn là Giáo sư Khoa học Quân sự, nguyên Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân Đà Lạt, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên và Phó Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông là một trong những chiến sĩ Nam tiến đầu tiên chiến đấu ở mặt trận Nha Trang - Ninh Hòa. Sau đó ông ra Bắc, vào ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Vũ Lăng là quyết tử quân của trung đoàn Thủ Đô, tham gia chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ Phủ.

Qua 60 ngày đêm cảm tử, Vũ Lăng lúc này là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103, đã trực tiếp chỉ huy một trung đội đánh vào nhà Sô-va làm hơn 40 địch chết, bị thương, được Tổng chỉ huy điện khen.

Trong chiến dịch Thu - Đông 1947, Tiểu đoàn 103 đã tham chiến chặn địch rất hiệu quả: đánh binh đoàn Bô-phrê 7 trận trong 12 ngày trời, dưới hình thức vận động tiêu diệt.

Chiến dịch Đông Xuân 1948-1949, Vũ Lăng chỉ huy Tiểu đoàn 54, đánh thắng các trận Đại Bạc, Bồng Lai...

Sau những ngày ở Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, một thành viên của Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong, ông được điều sang chỉ huy Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 sau này.

Trung đoàn 98 lúc ông sang chỉ huy, vừa chịu tổn thất ở Bắc Ninh. Ông cùng cán bộ, chiến sĩ củng cố đơn vị, đánh thắng giòn giã ở Bản Mo trong chiến dịch Tây Bắc.

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 ở phía Đông của tập đoàn cứ điểm. Trung đoàn 98 do Vũ Lăng chỉ huy đánh cứ điểm C1. Cuộc chiến đấu giành giật chiếm giữ đồi C1 diễn ra trong 31 ngày đêm ác liệt trên từng tấc đất. Trung đoàn 98 có một đại đội súng cối và DKZ yểm trợ và... 30 trái pháo.

Trận đồi C1 từ 30/3 đến 1/51954 là trận tiến công, đối phương lúc đầu có 1 đại đội và 1 trung đội. Vào lúc 18h ngày 30/3, trung đoàn 98 tiến công, sau 45 phút chiếm được cứ điểm, diệt toàn bộ quân địch.

Sáng 1/4 , Pháp đưa 1 tiểu đoàn tới phản kích, kết hợp dùng pháo bắn ác liệt gây thương vong cho ta. Hai bên giành giật nhau từng vị trí đến 17h cùng ngày, địch bị đẩy lùi.

Ngày 9/4, quân Pháp được tăng cường 1 tiểu đoàn dù tiếp tục phản kích và sau 4 ngày đêm chiến đấu, chiếm được phía Tây. Vũ Lăng cùng tập thể Ban chỉ huy và toàn thể cán bộ chiến sĩ tổ chức phòng ngự giữ vững nửa phía Đông, đến đêm 1/5 chuyển sang phản công giành lại toàn bộ C1. Thắng lợi này tao điều kiên cho lưc lượng trên toàn bộ chiến dịch, khép chặt vòng vây, uy hiếp Mường Thanh và chuyển sang tổng công kích giành thắng lợi.

Có được chiến thắng ở cứ điểm C1, ông đã tích lũy kinh nghiệm và giàu sáng tạo từ nhiều trận trước. Đó là những ngày chỉ huy trung đoàn 98 sang Thượng Lào, Luông Pha-băng, Sầm Nưa.

Chiến thắng C1 là bước trưởng thành vượt bậc của Trung đoàn 98 (được Tư lệnh Mặt trận tặng Huân chương Quân công hạng Ba) còn Vũ Lăng nhanh chóng tổng kết bắn cối (12 khẩu của toàn trung đoàn) để phá hàng rào, lô cốt giúp trên phổ biến kinh nghiệm cho đơn vị bạn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũ Lăng đã giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội như Tham mưu trưởng Sư đoàn 316 rồi Cục phó Cục khoa học Quân sự Bộ tổng Tham mưu, phó Tư lệnh quân khu 4, Cục phó rồi Cục trưởng Cục tác chiến, Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, Phó Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên rồi tư lệnh quân đoàn 3.

Trên cương vị là Cục trưởng Cục tác chiến bộ tổng tham mưu, rồi là Tư lệnh mặt trận Tây nguyên và Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, Vũ Lăng đã xây dựng phương án tác chiến, tham mưu chỉ huy và đã giành được thắng lợi trong trận Buôn Ma Thuột giải phóng Tây Nguyên, tạo ra bước đột phá quan trọng trong việc thống nhất Việt Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 1975, ông là tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) đảm nhiệm hướng Tây Bắc, là tấn công chủ yếu của chiến dịch, tiêu diệt Sư đoàn 25 của Quân lực Việt Nam Cộng hoà, sau đó tiếp tục đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Quân đoàn 3 dưới sự chỉ huy của ông đã nhanh chóng bao vây chia cắt, đập tan mọi sự kháng cự của Sư đoàn 25 quân đội Việt Nam Cộng hòa, là quân đoàn đầu tiên đặt chân đến cửa ngõ Sài Gòn và vào ngày 30/4/1975 đã giương cao lá cờ của quân đoàn trên nóc tòa nhà bộ tư lệnh không quân và Bộ Tổng tham mưu của quân đội Sài Gòn.

Do những công lao trong 2 cuộc kháng chiến, Thượng tướng Vũ Lăng đà được thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Ba huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Ba); Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Ba huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.

Ông mất năm 1988.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:36:54 am »

NGUYỄN HỮU AN
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 174



Nguyễn Hữu An sinh ngày 9-10-1926 tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Cách mạng tháng Tám 1945 dâng lên niềm tự hào vô biên cho thế hệ trẻ, Nguyễn Hữu An cùng bạn bè hiến dâng tất cả cho đất nước. Ngay từ lúc niên thiếu, năm 1941, anh đã xa quê hương, lên tận miền núi để sinh sống rồi gia nhập Giải phóng quân Yên Bái tháng 8/1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng qua các cương vị chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn thuộc trung đoàn 115 Phúc Yên, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Ông đã tham gia hầu hết các chiến dịch như Chiến dịch Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên Giới 1950...

Đến chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Ông đã chỉ huy Trung đoàn anh hùng của mình 3 lần tấn công đồi A1 và đặt quả bộc phá một tấn thuốc nổ phá tung hầm ngầm, diệt gọn một tiểu đoàn Âu -Phi. Cứ điểm đồi A1 là một trong các cứ điểm quan trọng nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến 21h ngày 6/5/1954, trung đoàn 174 tổ chức tiến công từ 3 hướng tiến vào các vị trí còn lại của địch và 4h30 ngày 7/5/1954, chiếm toàn bộ cứ điểm A1 góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Sau giải phóng Điện Biên Phủ 1954, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An công tác liên tục ở Tây Bắc từ 1955-1964, tham mưu phó sư đoàn 316, tham mưu phó Quân khu Tây Bắc.

Sau đó đơn vị ông vào Tây Nguyên (B3). Tại chiến trường Tây Nguyên, ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu và chiến thắng giòn giã, tiêu biểu như những chiến thắng Plây-Me, I-a-Đrăng, chiến thắng sông Sa Thầy, chiến thắng Đắc - Tô I... Sau Tết Mậu Thân (1968), ông về nhận chức tham mưu trưởng B3.

Tháng 8/1968 ông lại được lệnh ra Bắc nhận chức tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn. Chưa được bao lâu, tháng 1/1969, ông lại dược lệnh về làm sư đoàn trưởng Sư đoàn 308.

Tháng 10/1969 Sư đoàn 308 được lệnh vào Nghệ An cùng lực lượng địa phương phòng thủ chuẩn bị đánh địch đổ bộ ra khu 4. Tháng 3/1970 đơn vị ông lại được lệnh vào chiến đấu ở Đường 9 - Nam Lào mà Sư đoàn 308 ở hướng chủ yếu. Tại mặt trận Khe Sanh, Dường 9, Quảng Trị đơn vị ông dã lập được nhiều chiến công vang dội...

Tháng 5/1974, ông được đi học ở Liên Xô. Dịp Tết 1975, trở về, ông lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đi chiến đấu. Ông được nhận nhiệm vụ thay thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn 2.

Đơn vị ông nhanh chóng vào chiến đấu tại mặt trận Trị - Thiên - Huế và đã mở màn chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, kịp phối hợp với mặt trận Buôn Ma Thuật. Trong chiến dịch mùa xuân 1975 ông đề xuất phương án “Chiến đấu trong hành tiến” và đã được Quân uỷ Trung ương đồng ý.

Thực hiện phương án “Chiến đấu trong hành tiến”, Quân đoàn của ông đã hành quân thần tốc, vừa đi vừa chiến đâu tiến về Sài Gòn, góp phần giải phóng hàng loạt tỉnh miền Trung. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 2 của ông lại vinh dự được “Nổ súng mở màn chiến dịch”, đánh thẳng vào hướng Đông Bắc Sài Gòn...

Ngày 24/4/1975, Quân đoàn 2 kết thúc cuộc hành quân thần tốc, từ Huế vào Sài Gòn... chuẩn bị tiến vào hang ổ cuối cùng của địch.
Quân đoàn ông đã vượt qua ba quân khu địch, gồm 11 tỉnh, 18 thị trấn, thị xã, mỗi ngày tiến hàng trăm cây số, trải 5 trận hiệp đồng chiến đấu cùng các địa phương bằng bộ binh, 3 trận hiệp đồng binh chủng cấp sư đoàn, 3 trận đánh tàu biển, 9 trận đánh máy bay, diệt tan sư đoàn bộ binh 2, lữ đoàn dù 2, 2 liên đoàn biệt động quân 24 và 31, 8 tiểu đoàn bảo an, 500 tên cảnh sút dã chiến, bắt sống 2.162 tên (có 2 cấp tướng), đánh chìm 4 tàu, làm thất bai chiến thuật “co cụm” của địch, mở thông đường số 1 từ Huế vào đến cửa ngõ Sài Gòn, sau đó phát triển vào nội thành cùng Quân đoàn 4 đánh chiếm dinh Độc Lập...

Ông cũng là người cùng Đại tá Sáu Trí (Sĩ quan Bộ tham mưu B2), Tô Văn Cang (Cụm tình báo A24) và Ba Lễ (H3 - điệp viên) soạn thảo bản “Thông báo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định phát trên đài phát thanh vài giờ sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Vãn Minh...

Hoàn thành nhiệm vụ, Quân đoàn 2 bàn giao dinh Độc Lập và những phố xá vừa giải phóng cho Quân đoàn 4 rồi lui về Thủ Đức. Quân đoàn 2 do ông làm tư lệnh chỉ huy là đơn vị được nổ súng mở màn chiến dịch, cũng là đơn vị tiến vào Sài Gòn sớm nhất. Quân đoàn 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Từ 1988-1991, ông là giám đốc Học viện Lục quân và từ 1991-1995 là giám đốc Học viện cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).

Kinh nghiệm tích lũy trong chiến tranh và trong thời bình bảo vệ biên giới dã được ông tổng kết, giảng dạy, truyền cho thế hệ sau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng đánh giá cao đạo đức của ông: “Con người Nguyễn Hữu An là con người trung thực, chỉ huy rất kiên quyết nhưng rất mực dân chủ, yêu thương cán bộ, yêu thương đồng chí, được cấp trên, cấp dưới, đồng cấp, được cán bộ, chiến sỹ yêu mến và tin tưởng....”.

Năm 1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng; 1980 là Trung tướng và đến năm 1986 là Thượng tướng.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã được thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba; 2 huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì.

Ông mất ngày 9/4/1995, thọ 69 tuổi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:37:58 am »

DOÃN TUẾ
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN PHÁO BINH 675



Doãn Tuế tên thật là Nguyễn Trung, sinh năm 1917 tại xã Văn Tư, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông còn có biệt danh là “Voi Gầm” gắn liền với chiến thắng đầu tiên của bộ đội pháo binh Việt Nam trên sông Lô do ông chỉ huy. Doãn Tuế từng giữ các chức vụ: Tư lệnh Pháo binh B5, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Phó Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-1946), ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Hà Nội rồi sông Lô với các chức vụ: Chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Tháng 4/1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1952 đến năm 1954, ông là Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn pháo binh 351, Đảng uỷ viên Sư đoàn, tham gia nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch sông Lô năm 1947, Điện Biên Phủ năm 1954.

Tháng 3/1955, ông là Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 675 Pháo binh. Từ tháng 4/1955 đến năm 1957, ông là Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 1958, ông được cử đi học ở Học viện Pháo binh Trung Quốc.

Từ năm 1963 đến năm 1964, ông là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Pháo binh. Tháng 9/1964, đồng chí là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 1967, ông vào chiến trường B5 làm Tư lệnh Pháo binh Miền. Từ tháng 9 năm 1968 đến năm 1977, ông là Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. Năm 1971, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận đường 9 Nam Lào.

Qua nhiều cương vị, trọng trách ông đã tham gia chỉ đạo, chỉ huy bộ đội pháo binh, tham gia nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh trong đoàn cán bộ A75 của Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Từ năm 1978 đến năm 1988, ông được bổ nhiệm và giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Doãn Tuế được phong Thiếu tướng năm 1974 và Trung tướng năm 1984.

Ông được Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, 02 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang nhất Nhì, Ba, Huân chương Chiến sỹ giải phóng Nhất, Nhì, Ba, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng ông Huân chương It-xa-la hạng Nhất.

Trung tướng Doãn Tuế mất 1995.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:39:26 am »

LÊ VĂN TRI
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN CAO XẠ 367



Lê Văn Tri tên thật là Lê Văn Nghi, sinh năm 1921, ở xã Hà Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông nguyên là Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật - Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân chủng. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không diễn ra trong thời gian ông là Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. Ông từng là: Đại biểu Quốc hội khóa 7, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 4.

Tháng 6/1945, ông gia nhập Thanh niên Tiền phong ở Biên Hòa, mà thủ lĩnh là ông Huỳnh Văn Nghệ. Tháng 8/1945, cùng lực lượng của Thanh niên Tiền phong ông tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn. Khi cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ, ông quay về Quảng Bình, tham gia Giải phóng quân thuộc Chi đội Lê Trực của tỉnh (15/9/1945).

Từ chiến sĩ trưởng thành lên, ông lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng Đại đội 12 Phú Quý thuộc Giải phóng quân Quảng Bình.

Năm 1946, ông là Đại đội trưởng, Chi ủy viên Đại đội 6 Ba-na Lào (Mặt trận đường 12). Năm 1948, ông lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đoàn phó, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Bình rồi Chỉ huy trưởng Mặt trận đường 12 trực thuộc Liên khu 4.

Năm 1949, ông là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình kiêm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 274 trực thuộc Trung đoàn 18. Năm 1950, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 161 kiêm Tham mưu phó Phân khu Trị Thiên.

Đến năm 1952, ông giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 thuộc Đại đoàn 325 Trị Thiên, Trung đoàn 101 Trần Cao Vân. Đảng ủy viên, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 95.

Tháng 3/1953, ông được điều rời chiến trường Bình Trị Thiên về tổ chức xây dựng Trung đoàn pháo cao xạ 367 (Pháo phòng không 37mm, đây là Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội ta), tham gia chiến đấu trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (Đông Xuân 1953-1954).

Đầu tháng 3/1954, Trung đoàn pháo cao xạ phòng không 367 được cấp trên quyết định đưa đi trực tiếp tham gia chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện lệnh hành quân lên Tây Bắc, sau bao ngày vất vả, gian khổ, Trung đoàn 367 đã kịp thời chuẩn bị xong trận địa pháo để đúng ngày 13/3/1954, mở màn chiến dịch. Liên tiếp những trận đánh diễn ra, quân Pháp không ngờ là ta lại có pháo cao xạ phòng không và càng không ngờ là mới lần đầu tham gia chiến trường, các đơn vị pháo phòng không của ta lại vững vàng làm chủ kỹ thuật, phát huy mạnh mẽ hỏa lực xung quanh trận địa chiếm đồ tiếp tế của Pháp từ trên không thả dù xuống. Đồ tiếp tế không rơi trúng mục tiêu và đã bị bộ đội ta tịch thu rất nhiều, càng đẩy quân Pháp vào tình thế hoang mang dao động, khốn cùng và tuyệt vọng. Tổng cộng 55 ngày đêm chiến dịch, Trung đoàn bắn rơi 52 máy bay trong tổng số 62 máy bay bị bắn rơi trong Chiến dịch.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 do ông làm Trung đoàn trưởng được nâng thành Đại đoàn 367 trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng pháo binh, sau trực thuộc Bộ Quốc phòng, do ông Hoàng Kiện (Trung tướng) làm Đại đoàn trưởng, Đoàn Phùng làm Chính ủy, ông làm Đại đoàn phó - Đảng ủy viên (9/1954).

Tháng 8/1956, ông được lệnh về Hà Nội chuẩn bị sang Liên Xô học tập ở Học viện Pháo binh Leningrad.

Năm 1961, sau khi học tập ở Liên Xô trở về, ông làm Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Pháo binh phụ trách về pháo phòng không (12/1961) cho đến tháng 12/1963 ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân - Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân chủng.
Tháng 9/1964, ông được để bạt lên làm Cục phó Cục tác chiên rồi Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân.

Năm 1972, quân Mỹ đã dùng đến lực lượng máy bay chiến lược B52 ném bom trải thảm vùng giải phóng miền Nam rồi miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến. Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân khi đó đã đề xuất kế hoạch kiên quyết đánh trả B52 trước Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, kế hoạch này đã được hoàn thành vào tháng 9/1972 và được Quân ủy Trung ương chính thức phê chuẩn. Trên cương vị là Tư lệnh, ông là người trực tiếp chỉ huy thực thi bản kế hoạch công phu này, bản kế hoạch sáng tạo, biết kế thừa những kinh nghiệm đụng độ B52 trước đó cũng như áp dụng của khoa học kĩ thuật. Kết quả, sau 10 ngày đêm, có 81 máy bay các loại trong đó có 31 máy bay B52 và 5 chiếc F111 bị bắn rơi.

Tháng 4/1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông trực tiếp nhận lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Ngyên Giáp vào Phan Rang trực tiếp chỉ huy trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất bằng phi đội máy bay A37 thu được của quân Ngụy, phát tín hiệu tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.

Năm 1977, ông được cử giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kiêm Bí thư Đảng ủy Tổng cục cho đến khi về hưu (1988).

Tháng 12/1982, ông được phong Trung tướng.

Ông đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:41:04 am »

PHẠM HOÀNG
TRUNG ĐOÀN CÔNG BINH 151



Phạm Hoàng tên thật là Phạm Khắc Hệ sinh năm 1911, tại xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương trong một gia đình trí thức. Ông nội ông đỗ đại khoa Tiến sĩ Đệ nhị giáp, bố ông đỗ Hậu bổ (đào tạo viên chức hành chính) nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học.
Ông từng giữ các chức vụ: Cục phó Cục Quân nhu (tiền thân của Tổng cục Cung cấp tức Tổng cục Hậu cần ngày nay), Trung đoàn trưởng (đầu tiên) Trung đoàn Công binh (đầu tiên) 151, Cục trưởng Cục Công binh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (tức Học viện Kỹ thuật Quân sự ngày nay).

Năm 1937, ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 8 (1932-1937). Sau khi tốt nghiệp, ông là trưởng Phòng Nhà cửa của Hãng Hàng không Đông Dương, cố vấn doanh trại Quân đội Pháp. Là viên chức cao cấp được hưởng mọi chế độ đãi ngộ như một viên chức mang quốc tịch Pháp. Thời bấy giờ, gia đình ông ở tại số nhà 113 Hàng Bạc ngày nay.

Cùng với lớp thanh niên trí thức tiến bộ ngày đó, ông tham gia Cách mạng trong những ngày Tổng khởi nghĩa rồi được cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hải Dương. Ngày 22/9/1947, ông được kết nạp vào Đảng, rồi được cử đi học tại Trường Ngoại ngữ do Bộ Giáo dục mở tại Việt Bắc. Ngày 3/10/1947, mở đầu cho cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc trong Chiến cuộc Thu Đông 1947, Trường bị máy bay oanh tạc, 45 học viên được phái về cơ quan Trung ương, riêng ông, Phạm Hoàng - trưởng lớp, được điều lên Văn phòng Trung ương Đảng giúp việc cho tổng bí thư Trường Chinh.

Năm 1948, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, ông được điều sang công tác bên Quân đội, giữ cương vị Cục phó Cục Quân nhu. Tháng 5/1949, ông chuyển sang công tác tại Cục Công binh, là phó cục trưởng. Tháng 1/1951, chuyển thể Cục Công binh thành Trung đoàn Công binh 151, đơn vị công binh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là trung đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy bộ đội công binh tham gia các chiến dịch lớn từ Biên giới phía Bắc đến Đồng bằng Bắc Bộ rồi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Năm 1953, Trung đoàn do ông chỉ huy được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí tặng Huân chương chiến sĩ hạng Nhì (tức Huân chương Chiến công).

Trong cuốn sách Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử, Đại tướng Hoàng Văn Thái viết: Ngày 8/5/1954, khi thất bại và đầu hàng, từng đoàn tù binh đi trên các trục đường kéo pháo về trại tập trung đã hết sức ngạc nhiên, không hiểu vì sao ta đã làm được những công trình to lớn như vậy sát tập đoàn cứ điểm, họ phải thốt lên: Chỉ với việc làm được những trục đường này, các ông đã thắng chúng tôi rồi... Trung đoàn trưởng Trung đoàn 151 Công binh là đồng chí Phạm Hoàng, một kiến trúc sư tham gia Cách mạng từ những ngày đầu Tổng Khởi nghĩa, là một cán bộ có quyết tâm và trách nhiệm cao, có tính kế hoạch chu đáo trong việc làm.

Tháng 8/1954, ông được giao giữ trọng trách chủ nhiệm Cục Công binh. Từ năm 1955 đến 1965, là tham mưu trưởng rồi cục trưởng Cục Công binh. Trong thời gian này, ông là người trực tiếp chỉ đạo, thiết kế hệ thống sân bay quân sự từ Vĩnh Linh đến Yên Bái, từ Kiến An đến Hòa Lạc, Cẩm Thủy, Gát, Thọ Xuân..., các hệ thống sơ tán máy bay, các công trình phòng tránh, kể cả những công trình đào sâu vào trong lòng núi để cất giấu máy bay. Với Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, chính ông cũng là người chỉ đạo, thiết kế bến cảng, cầu tàu, căn cứ xuất phát của những con tàu không số. Rồi các trận địa Ra-đa trên dãy núi Tam Đảo...

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi còn sống đã từng nói: Rất hoan nghênh và cảm ơn Bộ tư lệnh Công binh và đồng chí Tư lệnh Phạm Hoàng đã làm được công trình quan trọng này (cầu tàu bến cảng ở Đồ Sơn). Chúng ta có được những công trình như thế này, có được những con người như thế này làm gì mà không đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bên cạnh các công trình quân sự, Đại tá Phạm Hoàng còn hết sức chú ý đến vấn đề nhà ở cho các đồng bào dân tộc, quy hoạch đường sá, giếng nước, khu nuôi trâu bò, gia súc, khu vệ sinh..., cũng như vấn đề nhà cửa, sinh hoạt, đi lại của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 1965 đến năm 1974, ông là hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Năm 1974, ông được phong quân hàm đại tá và là ủy viên Hội đồng Quốc gia giám sát xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 2/1977 đến 1979, ông làm chuyên viên phụ trách thiết kế xây dựng Tổng cục Hàng không Dân dụng, Bộ Quốc phòng.

Ông mất ngày 17/9/1979.





Hết
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM