Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:17:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thế chiến thứ ba: Chiến tranh mạng lưới  (Đọc 9543 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 27 Tháng Ba, 2020, 11:53:15 am »

  
        - Tên sách : Thế chiến thứ ba chiến tranh mạng lưới

        - Tác giả : Valeri Korovin
                       Phan Xuân Loan dịch

        - Nhà xuất bản Trẻ

        - Số hóa : Giangtvx

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2021, 12:49:15 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2020, 09:07:32 pm »

 
MỤC LỤC

        Hiểu về một không gian lớn

        Quyển sách dành cho những ai không muốn mắc kẹt trong “địa chính trị của người khác”

        Nước Nga trong chiến tranh

        Dẫn nhập: Đòn tấn công Hoa Kỳ

PHẤN 1

Địa chính trị thế giới và chiến tranh mạng lưới

        CHƯƠNG MỘT   Dẫn luận vào lĩnh vực học thuyết chiến tranh mới

        CHƯƠNG HAI     Cuộc chiến virus tâm lý

PHẨN 2

Trên chiến trường của chiến tranh mạng lưới

        CHƯƠNG BA       Các thí dụ của những chiến dịch mạng lưới

        CHƯƠNG BỐN     Nhận thức hiểm họa - một bước tới đáp trả thích đáng

        CHƯƠNG NĂM     Chiến tranh mạng lưới tương lai - khía cạnh quân sự, các cuộc chiến mạng lưới trung tâm

        Kiểm soát thế giới này
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2020, 07:11:43 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2020, 11:33:45 am »


HIỂU VỀ MỘT KHÔNG GIAN LỚN

        Tôi nhớ năm 2015, một lần đi taxi từ Petergof về trung tâm Saint Petersburg (Nga), bác tài tên Xasa sau khi biết chúng tôi là người Việt, đã tò mò hỏi: “Tại sao các bạn lại hòa hoãn với Mỹ? Họ đã đánh bom, dội chất độc hóa học xuống đất nước các bạn thế kia....”. Tôi đáp: “Chiến tranh đã qua 40 năm rồi. Chúng tôi không quên, nhưng phải khép lại quá khứ. Chúng tôi là nước nhỏ, phải tiếp tục buôn bán, làm ăn để phát triển chứ bác...”. Bác Xasa nói: “Phải như tôi thì tôi cho họ một quả tên lửa”. “Ồ, họ còn có bom nguyên tử nữa đấy, bác đừng quên”. “Chúng tôi cũng có vậy. Mà có sao đâu, đất chúng tôi rộng, chúng tôi sẽ ẩn tránh đâu đó sợ gì”...

        Câu chuyện qua đường ấy không hiểu sao tôi còn nhớ mãi. Không phải vì nội dung của nó, mà vì nó nói lên phần nào cách suy nghĩ của người Nga, như tôi hiểu. Tư duy của họ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đất nước rộng lớn của họ. Đất nước trải dài từ Á sang Âu, nhiều vùng địa lý và những múi giờ khác nhau mà trong địa chính trị, người ta gọi là không gian lớn. Không gian lớn đó quyết định luôn số phận của những dân tộc quần tụ ở đó, đó là lý do vì sao cũng như Hoa Kỳ, họ có tư duy “đế chế’.

        Quyển sách mà bạn cầm trên tay sẽ giải thích thêm vì sao những người như bác Xasa gay gắt thế với Mỹ. Là bởi như tác giả Valeri Korovin lý giải, Hoa Kỳ chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ đế chế, và chiến tranh mạng lưới đang được Washington triển khai để chống lại “kẻ thù, những thế lực trung dung và cả bạn bè” là để phục vụ giấc mơ này. Quyển sách được tác giả, một nhà khoa học chính trị, tổng biên tập cổng thông tin phân tích địa chính trị Á Âu, thành viên thường trực của Izborg Club1, viết cho người Nga, cho các chính trị gia Nga; nên có thể bạn sẽ phần nào ngần ngại. Nhưng quyển sách cung cấp nhiều chất liệu thú vị mà bạn có thể tham chiếu để rồi phát hiện, bởi tính toàn cầu của nó, những bài học của người Nga không hề xa lạ.

        Thế chiến thứ ba sắp tới, mà thật ra đang diễn ra, theo Korovin, không có chiến trường như bạn hình dung, không có những đơn vị quân đội truyền thống với sự so kè cơ số quân, sự ưu việt của vũ khí và độ hiểm hóc của chiến thuật. Mà nó là cuộc chiến mạng lưới, đã được Hoa Kỳ xây dựng nhiều thập niên qua và giờ đang âm thầm nhưng hoạt động hiệu quả. Đơn vị chiến đấu của nó có thể chỉ là một người với một máy tính, một nhà báo, một cô thư ký của một tập đoàn... Chiến trường của nó có thể chuyển từ các diễn đàn mạng sang các quảng trường, không loại trừ bạo loạn và bạo lực, đổ máu. Vũ khí của nó là các meme vô thưởng vô phạt trên Internet, là hiệu ứng mạng, là hình ảnh, là một cuộc băng phát nhầm trên kênh CNN. Chi phí của nó rất thấp - không bằng bắn một tên lửa Tomahawk, nhưng hậu quả vô cùng lớn: Iraq, Libya giờ đã “dân chủ” nhưng liệu có bình yên?

        Quyến sách giúp bạn hiểu cách nghĩ của người Nga trước những bước đi xoay chuyển tình hình thế giới: vì sao Nga lấy lại Crimea, vì sao Nga đưa quân vào Syria, hay vì sao mới đây tổng thống Nga V. Putin tuyên bố sẽ xem xét lại hoạt động của các NGO trong các trường học, vì sao hình ảnh Putin ngày càng “xấu xí” trên các phương tiện truyền thông thế giới. Không chỉ thế, nó cung cấp thêm một góc nhìn về giới tinh hoa Nga hiện nay, chủ nghĩa dân tộc Nga (không phải là những kẻ đầu trọc méo mó trên đường phố Moskva) không có chỗ cho những suy nghĩ nhỏ. Nước Nga đã từng một thời vàng son, hùng cường với một Pierre đại đế, nên “kẻ độc tài” Putin - như truyền thông phương Tây đang xây dựng hình ảnh - mà với những người như Korovin vẫn chưa đủ cứng rắn, chưa đủ quyết liệt trên con đường phục hồi lại vị thế của nước Nga, xây dựng một trung tâm đối trọng với Hoa Kỳ - đế chế Nga. Đó phải chăng là một trong những khía cạnh bảo thủ của tác giả Thế chiến thứ ba: Chiến tranh mạng lưới?

        Nhưng khép quyển sách lại, chắc chắn bạn sẽ hiểu những comment đổ vào một phát biểu trên mạng của ai đó còn có ý nghĩa gì, các nhóm đề nghị kết bạn với bạn trên Facebook có phải là thành phần của “nút mạng” nào đó, và nỗi buồn niềm vui trên mạng xã hội dội vào bạn mỗi ngày, có phải là “mã mạng”...? Không, không hẳn là như thế. Nhưng bạn sẽ sáng tỏ hơn về cục diện thế giới mình đang sống, về chính đất nước mình, sau khi đọc quyển sách này, đọc “giữa hai dòng chữ”.

P
han Xuân Loan (Krasnodar - 4/2016)       

------------------------
        1. Một tổ chức qui tụ các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại Nga, ra đời tháng 9/2012 "để xây dựng chiến lược phát triển Nga sau khi những hình mẫu phát triển trước đây đã không còn giá trị, để cố giải thích là có một thế giới Nga" - theo "Các luận điểm Izborg".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2020, 11:36:02 am »


QUYỂN SÁCH DÀNH CHO NHỮNG AI KHÔNG MUỐN MẮC KẸT TRONG “ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA NGƯÒI KHÁC

(Lời tựa của Mikhail Leontiev)       

        Quyển sách của Valeri Korovin Thế chiến thứ ba: Chiến tranh mạng lưới ngoài việc mô tả đầy đủ công nghệ của những cuộc chiến tranh mạng lưới, còn bao gồm nhiều tham chiếu về đề tài địa chính trị. Mối quan tâm cao đến những vấn đề địa chính trị này hoàn toàn chính đáng. Địa chính trị là một trong những chủ đề ưu tiên của tác giả. Đây thật sự là một cuốn sách rất rõ ràng và cực kỳ đơn giản về một đề tài chính trị phức tạp, đa tầng là địa chính trị. Bởi như chính ta thấy từ trong lịch sử, nếu bạn không quan tâm tới địa chính trị, nó sẽ tự đến với bạn, và lạy Trời sao cho bạn đừng phải trải nghiệm những hệ lụy của sự “xuất hiện” này với chính mình. Chính vì để ngăn ngừa điều đó mà những cuốn sách như thế này được viết, viết cho những ai không muốn mắc kẹt trong “địa chính trị của người khác”. Quyển sách của Valeri Korovin còn là tài liệu giáo dục chính trị, một loại sách giáo khoa miêu tả ứng dụng thực tiễn của công nghệ mạng lưới, đồng thời diễn giải dòng bất tận các sự kiện của thế giới hiện đại đẩy phức tạp dưới lăng kính địa chính trị.

Mikhail Leontiev       

NƯỚC NGA TRONG CHIẾN TRANH

(Lời tựa của Aleksandr Prokhanov)       

        Khi giới chuyên gia lẫn những người thường quan tâm tới chính trị còn chưa kịp quen với việc sử dụng thuật ngữ địa chính trị, thì một khái niệm mới đã ập tới: chiến tranh mạng lưới. Điều đầu tiên mà trí tưởng tượng chúng ta vẽ nên là hình ảnh gần như trở thành biểu tượng biếm họa: một tin tặc cắm đầu vào máy vi tính, bẻ khóa tài khoản ngân hàng hay phát tán virus và thư rác. Nhưng rồi mọi thứ đường như nghiêm trọng hơn khi ta nhận ra đó là một quan điểm tiến hành chiến tranh mà Lầu Năm góc mới trang bị, và qua những diễn biến gần đây ở Afghanistan, Iraq và Libya, chúng ta biết cơ quan này chẳng hề đùa cợt.

        Hoa Kỳ ngày nay đang xây dựng cho mình một đế chế mới, thậm chí chẳng buồn che giấu mục tiêu này. Và trở ngại chính yếu, lớn nhất trên con đường của đế quốc Hoa Kỳ chính là Nga. Đất nước này vẫn còn được bảo vệ bởi lá chắn tên lửa, được tạo ra nhờ nỗ lực của tổ tiên vĩ đại của chúng ta. Lá chắn được làm bằng lương tâm, bởi sau một thập niên rưỡi bị bỏ mặc hoang tàn, nó vẫn làm “đối tác” bên kia đại dương kiếng sợ đến độ họ ngại phải nghĩ về việc đối đầu hạt nhân với một cường quốc lớn lục địa. Ở đây cần có gì đó xảo quyệt hơn, cần những cách tiếp cận tinh tế hơn, những cách thức gây ảnh hưởng khéo léo hơn, bởi hiện chưa ai có thể trụ vững khi đối đầu vũ khí trực tiếp với nước Nga.

        Quyển sách gốm những chương nhỏ, bằng các thí dụ mô tả cách tiến hành chiến tranh mạng lưới chống lại nước Nga, Hoa Kỳ xây dựng đế chế toàn cầu của mình để làm gì và cách chúng ta nên ứng phó lại, còn đối với những thách thức mạng lưới - chúng ta phải đáp trả. Tác giả không che giấu cái nhìn của mình, thẳng thắn cho biết quyển sách viết từ quan điểm địa chính trị Á - Âu. Trong sách thể hiện rõ cách tiếp cận này. Đồng thời ở một đôi chỗ, tác giả phản bác lại các nhà địa chiến lược và chính khách Hoa Kỳ, như Zbigniew Brzezinski, Paul Wolfowitz, hay một số các chuyên gia và các nhà chính trị học Hoa Kỳ khác ủng hộ việc xây dựng đế chế toàn cầu Hoa Kỳ.

        Quyển sách tường thuật việc Nga luôn phải và sẽ là mối đe dọa với phương Tây. Chúng ta chỉ trở thành bạn của họ khi nào ta đứng bên bờ của sự tan rã, phân hóa và hấp hối. Nga sẽ trở thành người bạn lý tưởng của phương Tây chỉ khi nào nó không còn tồn tại. Và để đạt đến mục tiêu này, tất cả các phương tiện đều hữu dụng. Các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ, hiệp hội khoa học sản xuất, tổ chức phi thương mại, các phương tiện truyền thông đại chúng, những quan chức tham nhũng, các quan tòa thiên vị, những tổ chức bảo vệ nhân quyền và tòa soạn những ấn bản tự do; thậm chí những người về hưu không hài lòng với tình trạng vật chất và cả cuộc khủng hoảng tài chính bất ngờ xuất hiện, tất cả những thứ đó sẽ trở thành vũ khí để chống lại nước Nga. Những vũ khí, hoạt động trong những điều kiện và cách tiếp cận nhất định, sẽ là phương tiện công nghệ và hiệu quả để tiến hành chiến tranh chống lại chúng ta: Chiến tranh mạng lưới. Và một khi chúng ta chưa hiểu bản chất của hiện tượng này, chúng ta sẽ không tìm ra được thuốc giải độc, không tạo ra được những công nghệ đối phó hiệu quả cho tình huống mà ngay cả vũ khí hạt nhân cũng bất lực.

        Trong bối cảnh chiến tranh mạng lưới, tên lửa và xe tăng chỉ còn là một đống phế liệu đắt tiền. Mối đe dọa mạng lưới - đó là mối đe dọa thật, thẩm thấu vô hình vào thực tiễn chung quanh. Chiến tranh mạng lưới đã là thực tiễn. Nhưng nước Nga vẫn phải đứng vững và chiến thắng cả lần này.

        Ngoài việc xác nhận những quá trình đang diễn ra, quyển sách này còn mở ra chính bản chất của một hiện tượng mà với chúng ta còn mới lạ: những cuộc chiến tranh mạng lưới. Qua các ví dụ, tác giả chỉ ra cho chúng ta bằng cách nào và trong những trường hợp nào xuất hiện các chiến lược mạng lưới, gắn bó chặt chẽ với địa chính trị và xã hội thông tin do chính chúng ta tạo nên. Những cuộc chiến tranh mạng lưới được thực hiện như thế nào trên thế giới, ở các nước láng giềng, trong đời sống  những “nước cộng hòa dân tộc” của chúng ta, trong thực tiễn quanh ta. Mạng lưới hiện hữu khắp nơi, từ những gì thường ngày bao quanh chúng ta, đến những thứ mang tầm vĩ mô toàn cầu, và nhiều khi “mạng lưới” này là hiểm họa. Trong quyển sách này, dường như tác giả muốn nói với chúng ta rằng: kẻ thù đã ngay bên cạnh, đã đến lúc nhìn vào nơi “tranh tối tranh sáng”, vượt ra ngoài thực tế hữu hình, vào không gian của xã hội mạng lưới. Ở đó đang có chiến tranh...

Aleksandr Prokhano         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2020, 11:37:14 am »


DẪN NHẬP : ĐÒN TẤN CÔNG HOA KỲ

        Một buổi sáng thứ Sáu tháng Chín khá ấm áp. Trên bãi cỏ của Nhà Trắng, người làm vườn chậm rãi rê máy cắt cỏ, xắn xuống lớp cỏ vẫn còn xanh, mọng. Những đốm sáng lấp lánh trên bề mặt sáng bóng của các thiết bị văn phòng trên bàn làm việc trong phòng Bầu dục. Tổng thống Hoa Kỳ đang cầm tờ The Washington Post ra ngày thứ năm.

        “Liên minh các bang miền Nam công nhận kết quả bầu cử ở Cộng hòa Texas là hợp lệ, một chiến thắng mà như các nhà phân tích tiên đoán, cựu thống đốc Texas đã giành được”.

        Tổng thống rời mắt khỏi tờ báo vài giây. Ông nhớ lại đã đi đến quyết định ký thỏa thuận về việc xóa bỏ hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Texas khó khăn như thế nào. Thực tế, ban đầu quyết định này nhằm hai mục tiêu: ngăn chặn những cuộc bạo loạn ở trung tâm Washington kéo dài đã hai tháng do những người ủng hộ “Cuộc vận dộng đòi tách Texas” kích động, và ngăn chặn cuộc đụng độ vũ trang giữa các lực lượng liên bang và các nhóm dân quân “Cộng hòa Texas” ở các biên giới của bang này.

        Việc thảo luận đề tài này được một số nghị sĩ đưa ra chưa đầy một năm trước, cuộc thảo luận được khởi xướng bởi những cuộc biểu tình đông người đòi ly khai Texas mà chính quyền bang đã chuẩn bị khá tích cực và tiến hành trưng cầu ý dân Texas, viện dẫn hiệp ước 1854, theo đó quốc gia độc lập Texas có toàn quyển rút lui khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bất cứ lúc nào. Là một nhà nước độc lập từ năm 1836 đến 1845, Cộng hòa Texas tự nguyện gia nhập Hoa Kỳ, nghĩa là người dân và chính quyền Texas hoàn toàn có quyền đưa ra yêu sách như vậy, và nó trở thành luận điểm biện giải chính cho tổng thống tại phiên họp kín của chính quyền ông, nơi thông qua quyết định cuối cùng đồng ý công nhận sự độc lập của Texas.

        “Vì hòa bình và ổn định”- khi đó Tổng thống đã kết thúc bài diễn văn của mình như thế, nhấn chìm giọng của một số người, đặc biệt là của những kẻ “diều hâu” nóng đòi phải cứng rắn trấn áp những kẻ ly khai trên đường phố Washington cũng như ở Texas, đưa vào đó binh đoàn hỗn hợp gồm các đơn vị đặc nhiệm quân đội, cảnh sát và các lực lượng cơ động của FBI. Có thể hiểu được họ. Đã một năm nay Texas không đóng góp cho ngân sách liên bang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Mỹ. Những cuộc phản kháng xã hội và bạo loạn của dân nghèo bùng lên đây đó từ lâu đã trở thành chuyện thường ngày. “Cũng tốt là với người da đỏ không có vấn đề gì” - bất chợt tổng thống nghĩ, và lại tự ngăn mình nghĩ, “Tốt là thế nào? Là bởi vì mình không thể kiểm soát tình hình được nữa”. Lãnh đạo của Hợp chúng quốc dù không còn là tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ tiến tới chiếc tủ và lôi ra xấp báo.

        Chỉ một ý nghĩ vể những sự kiện các tháng gần đây thôi củng làm nhói tim. Nebraska, Bắc và Nam Dakota và Wyoming thật sự đã rút khỏi Hoa Kỳ từ năm ngoái, ngay trước Giáng sinh. Đơn giản là họ xé bỏ những hiệp ước đã ký với chính phủ Hoa Kỳ hơn 150 năm trước. “Người da đỏ là một dân tộc tự do và độc lập” - dưới khẩu hiệu này những cuộc biểu tình phản kháng tại các tiểu bang trên gần như bắt đầu đồng loạt, lớn dần thành những cuộc bạo động địa phương, rồi phát triển thành các cuộc tuần hành đến New York và Washington. Họ làm những điều thật khó tin, đặc biệt là ở New York. Không thể tưởng tượng được cho đến mới đây thôi, hành động mà một mặt giống như trong lễ hội hóa trang, nhưng ở mặt khác, chẳng khác lễ tế thẩn với hàng ngàn lốp xe bị đốt cháy cùng những cuộc đụng độ triền miên với cảnh sát bằng chai lọ và bom xăng. Và điều đáng sợ nhất là chúng được sự đồng tình hoàn toàn của cư dân hai thành phố lớn của Mỹ.

        Khi đó những giọt máu đầu tiên đã đổ. Chính xác hơn là những giọt máu đầu tiên đã đổ khi cảnh sát bắn vào một thiếu niên da đỏ. Nhưng không phải là thứ máu đã đổ ra trên đường phố New York, khi những đoàn thổ dân hòa lẫn với những người ủng hộ phong trào Chiếm đóng phổ Wall tiến về trung tâm tài chính Hoa Kỳ. Sai lầm chết người đầu tiên đã xảy ra. “Lẽ ra mình không nên nghe họ”, một giọng nói vang lên trong đầu tổng thống. Chính họ, bọn “diều hâu” ấy, những kẻ vừa khuyên ông hãy cứng rắn trấn áp chủ nghĩa ly khai ở Texas, khi đó đã đòi phải cho phép cảnh sát nổ súng lúc đám đông tiến gần tới khu phố tài chính. “Không nên bắn vào nhân dân mình”, bất giác tổng thống nói thành tiếng, nhưng ngay lập tức ông dừng lại dù trong phòng không có ai. “...kể cả đó là người da đỏ”, ông thầm tiếp tục dòng suy nghĩ.

        Lúc đó có hơn 40 cảnh sát và không dưới 100 người da đỏ thiệt mạng - những nạn nhân chưa từng có đối với nước Mỹ sau hơn hai thế kỷ qua. Mà điều đó diễn ra trong thời bình! Thì ra gần như mỗi thổ dân đến cả hai thủ đô1 của Hoa Kỳ đều vũ trang, mà vũ trang tận răng. Mặc dù cần phải thừa nhận là khá lâu sau phát súng đầu tiên của cảnh sát, thổ dân mới nổ súng, khi mà vòng vây cảnh sát với sự yểm trợ của vòi rồng và lựu đạn cay chuyển sang tiến công, dọn dẹp khu phố bị bao vây. Chỉ khi đó mới vang lên những phát súng chống trả - khi đó thổ dân hành động tự tin và kiên quyết, họ bắn chuyên nghiệp, chính xác, rỗi sau mới ném lựu đạn. “Điều gì sẽ xảy ra nếu bắt đầu giải tán người Texas? Chẳng hiểu sao suy nghĩ rất rõ ràng này giờ mới xuất hiện trong đầu tổng thống. Những gã trai này cũng đâu bắn trượt, mà trên đất của mình họ sẽ chiến đấu như thú hoang. Có gì đó hoang dã trong con người họ”.

------------------------
        1. Tác giả muốn nhấn mạnh trong khi Washington D.C là thủ đô hành chính thì NewYork là thủ đô tài chính của Hoa Kỳ (ND)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2020, 11:37:37 am »


        Tổng thống liếc nhìn đồng hồ. Dù ông cố trì hoãn khoảnh khắc này, những chiếc kim đồng hồ rồi cũng nhích tới thời điểm bắt đầu cuộc họp bàn về những hoạt động ổn định tình hình ở bờ Thái Bình Dương, nơi người gốc Hoa chiếm hơn 60%. Đặc biệt đau đầu là ở San Francisco, nơi người gốc Hoa gây bạo loạn thật sự, đòi phải công nhận người đồng hương của họ làm tổng thống nước California. Việc bầu chọn tổng thống California đã diễn ra sau vài cuộc bầu cử ngẫu hứng, mặc dù cũng tuân thủ tất cả những thủ tục dân chủ hình thức. Nhưng bản thân việc tuyên bố California như một nhà nước độc lập đã đặt nhiều câu hỏi cho các luật sư trong chính quyển tồng thống cũng như của tòa án Hiến pháp. Nhưng đa số dân gốc Hoa dường như buộc người đứng đầu Nhà Trắng phải phục tùng. Họ hành động, dĩ nhiên là không quá hung hăng như những người ly khai ở các tiểu bang khác, điều này cũng dễ hiểu. Phần lớn cảnh sát đứng trong các hàng rào quanh các tòa nhà hành chính của San Francisco xuất thân từ chính cộng đồng người Hoa đó. Dĩ nhiên, cũng không có những cuộc chiếm giữ các tòa nhà hành chính này giống các nơi khác. Đơn giản là cảnh sát tự lùi bước khi những người chống đối tiến vào tòa nhà chính của thành phố - và họ dễ dàng vào được bên trong, lịch sự kêu gọi vị cựu thống đốc của tiểu bang California cũ rời khỏi nơi làm việc của mình sau khi viết sẵn một tuyên bố tự nguyện từ nhiệm.

        Nhưng vấn đề lớn hơn không phải do người gốc Hoa mang đến, mà là các băng nhóm đường phố theo chủ nghĩa phát xít ở ngoại ô San Francisco, tán dương khẩu hiệu của những kẻ ly khai California thời kỳ trước tưởng đã đi vào quá vãng, ngờ đâu lại hồi sinh - California uber alles! Dòng này từ bài hát cũ của nhóm nhạc punk Dead Kennedys đã trở thành một loại điểm tập kết ngữ nghĩa cho toàn bộ dân da trắng Hoa Kỳ. Và điều nghịch lý nhất là trong nỗ lực tiến tới nền độc lập của California khỏi Hoa Kỳ, những người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc và người gốc Hoa, chỉ riêng kiểu của họ thôi cũng đủ làm khiếp sợ đại diện các nhóm sắc tộc còn lại, lại thể hiện sự thống nhất. Cảm nhận được sức mạnh của mình và sự ủng hộ ngầm của đa số người gốc Hoa, những kẻ da trắng phân biệt chủng tộc chỉ trong vài tháng đã thanh lọc cả thành phố, cả những vùng lân cận Redwood, Berkeley, và những thành phố khác khỏi những ai không nằm trong định dạng “Aryan - Trung Hoa”, tuyên bố California là vùng “không có người da đen và Latinh”.

        Ngay cả những vùng tưởng như là địa điểm nguyên thủy của người Latinh trên bản đồ California như San Jose, San Pablo, San Rafael, cũng bị ảnh hưởng, còn Sacramento phải trải nghiệm chiến tranh đường phố với rào chắn, những trận địa chiến, những cuộc diệt chủng công khai và săn lùng người da đen của những kẻ phân biệt chủng tộc. Chính ở Sacramento, cảnh sát quả thật đã bằng mọi cách có thể, đứng về phía pháp luật.

        Chuyện xảy ra ở California đã làm rung chuyển các tiểu bang miền nam lân cận. Arizona và New Mexico đối mặt với làn sóng người tị nạn từ California “được giải phóng”, chủ yếu là dân gốc Mexico, đã tuyên bố động viên thật sự, bắt đầu thành lập các đơn vị tự vệ. Thậm chí đã vang lên lời kêu gọi tuyên chiến với California, đồng thời yêu cầu Washington phải ra tay can thiệp. “Ở đây không nên nóng vội”, Tổng thống nghiêm túc nghĩ ngợi vấn đề này. “Nếu ngả theo quan điểm của một trong các bên, có nghĩa chính thức thừa nhận sự tan rã đất nước, và đó sẽ là đòn đánh vào danh tiếng của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Bởi muốn hay không sẽ xuất hiện câu hỏi: làm sao một quốc gia chính thức thừa nhận phải trải qua những vấn đề lãnh thổ trong nước có thể dạy dỗ những nước khác làm gì với những lò lửa ly khai riêng của họ? Ở đây đầu tiên, dĩ nhiên, là nói về Ukraine, nơi Bộ Ngoại giao bị mắc kẹt trong chính bẫy của mình khi ra sức cứu vớt chế độ bù nhìn thân Mỹ cố thủ ở Kiev và kiểm soát trên thực chất chỉ vài tỉnh phía tây của Ukraine cũ. Ở đó chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ cả năm nay đã cố gắng trong vô vọng chữa trị chủ nghĩa ly khai của miền đông nam và một số tỉnh trung tâm của một ‘Ukraine’ tồn tại đến lúc đó chỉ trên danh nghĩa.”

        Đồng hồ trên tường điểm đúng giữa trưa. Cửa phòng Bầu dục mở ra, trên ngưỡng cửa là trợ lý tổng thống về an ninh quốc gia cùng với một số quan chức Nhà Trắng. “Ngài tổng thống...”, viên trợ lý bắt đầu, nhưng bị ngăn lại bởi cái gật đầu im lặng và động tác tay chỉ vào những chiếc ghế đặt quanh chiếc bàn không lớn lắm ở bên phải cánh cửa. Mọi người bước vào yên vị. “Thưa ngài..”, “Vâng, tôi nghe đây”, Tổng thống nói. Giọng ông hơi khàn, vẻ ngoài chán nản. “New Mexico tuyên bố trưng cầu dân ý về việc công nhận tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính thức cho các văn kiện nhà nước...”. “Vâng, rõ rồi, chuyện không đáng kể, một lần nữa Tổng thống ngắt ngang, “còn có gì nghiêm trọng không?”. -  “Thưa ngài, các đội dân quân...”, viên trợ lý nhìn xuống vài giây, thở dài rồi lại nhìn lên, “tiếp tục được thành lập”. Nếu tính cả việc người dân California cũng như Arizona và New Mexico vũ trang hàng loạt, có thể nói về khởi đầu nội chiến...”. “Nội chiến?” bất ngờ Tổng thống dường như  tập trung vào người báo cáo, “vậy thì làm gì với tuyên bố độc lập của California? Bởi nếu chúng ta công nhận nó, xung đột sẽ phát triển thành cấp độ giữa các quốc gia. Còn nếu chúng ta công nhận độc lập Mexico và Arizona, hai bang này cũng đang kêu gào đòi độc lập ngày một dữ hơn. Khi đó sẽ không còn là việc của chúng ta nữa. Và nói chung....”. Tổng thống chưa kịp dứt lời, điện thoại trên bàn ông đã reo lên. Người thư ký đứng cạnh bắt máy. “Bộ tham mưu tác chiến của Nhà Trắng gọi, ngài tổng thống”, người thư ký thông báo, dằn từng tiếng. “Gì nữa đây” - tổng thống khó chịu quay lại. “Bộ phận an ninh gởi tin nhắn CRITIC. Họ nói những người biểu tình đang tiến theo đường Tanlo về phía đồi Capitol. Còn các đại diện của phong trào “Lựa chọn cộng hòa” mới tổ chức họp với đại sứ Nga, sau cuộc họp đám đông tiến phía Nhà Trắng, hô to “Nước Mỹ cho người Mỹ”. “Các người thậm chí không đại diện cho chúng tôi”. Căn phòng im lặng một lúc. “Hướng tới Nhà Trắng”, tổng thống đăm chiêu lập lại. Nó không hơn bốn dặm...”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2020, 07:42:01 am »


        Cửa phòng xịch mở. “Sĩ quan trực cấp cao của Bộ tham mưu tác chiến”, - viên trợ lý nhấn từng tiếng khô khan giới thiệu người mới đến đang ở phòng chờ. “Được, để anh ta vào”. Tại cửa xuất hiện một sĩ quan rắn rỏi không cao lắm. Bước qua ngưỡng cửa, anh ta ưỡn người, lập tức báo cáo: “Những người chống đối đi thành đoàn với tổng số hơn 100.000 người. Nghe thấy tiếng súng. Đám đông đang tiến tới. Chúng tôi đã chặn đường Tanglo ở nút giao với phố 37. Tại đó có một lối dẫn ra đại lộ Wisconsin, nơi có một số đội cảnh vệ và đường bị chặn bởi xe tải cảnh sát, nhưng có vẻ không đủ mạnh. Đám đông sẽ đánh bật đội cảnh vệ đầu, những người theo lệnh của ngài đã không vũ trang. Tiếp đó cảnh sát sẽ sử dụng hơi cay và vòi rồng, nhưng lực lượng cũng có vẻ không cân bằng. Thêm vào đó còn có những đoàn khác...”. “Họ muốn gì?” - tổng thống ngăn viên sĩ quan lại. “Họ đòi ngay lập tức chấm dứt các hoạt động chiến sự bên ngoài Hoa Kỳ, rút hết các binh đoàn Mỹ từ bất cứ vị trí trú đóng nào, đóng cửa các cơ sở quân sự bên ngoài nước Mỹ, bắt đầu cải cách giáo dục, y tế, tăng lương trợ cấp xã hội, giảm thuế...”

        “Giám đốc Cơ quan liên lạc quốc phòng đang gọi”, thư ký đứng bên điện thoại cắt ngang báo cáo của viên sĩ quan, “Xin lỗi ngài, khẩn cấp”. Tổng thống chậm chạp rời ghế tiến về phía điện thoại. “Tôi nghe”, ông nói, cầm lấy ống nghe từ tay thư ký. “Tôi mới tham vấn Bộ trưởng quốc phòng, và ông ấy khuyên nên gọi ngài”, giọng nói quen thuộc bên kia đầu dây. “Chúng ta gặp rắc rối”. “Tôi biết rồi” - Tồng thống nói với sự tức tối không che giấu, - chúng tôi ở đây cũng ngập vấn đề tới tận mũi, quý tha ma bắt. Chỗ các ông có chuyện gì?”

        “Thưa tổng thống” - giám đốc tiếp tục sau một chút gián đoạn - “Bộ trưởng Quốc phòng thông báo bộ chỉ huy các căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Afghanistan, Iraq, Hy Lạp và một số đơn vị riêng biệt khác đã không còn phục tùng ông ta nữa”. “Có âm mưu à?”, Tổng thống buột miệng. “Dường như, vâng - giọng nói trong điện thoại đáp khô khan. - Người Nga hứa hỗ trợ di tản qua lãnh thổ của họ những ai từ bỏ vũ khí. Ông biết binh lính đang có những vấn đề gì rồi đấy. Có thể hiểu họ, chúng ta đã ném những gã trai của mình vào tình cảnh thế này...”. “Vâng, vâng, tôi hiểu rồi. Nhưng đó là người lính. Họ đã tuyên thệ”. “Chỉ huy các cơ sở đã tổ chức họp báo trực tuyến tuyên bố giờ đây họ chỉ phục tùng các tổng thống của mình, đó là nói về Cộng hòa Texas, California, New Mexico...” “Được, tôi hiểu”, tổng thống gác máy.

        Các báo cáo lần lượt thay phiên nhau như một dòng chảy bất tận. Tổng thống bắt đầu thấy ong ong ở thái dương và đau đầu - điện thoại bàn, báo cáo miệng, di động. Rồi lại điện thoại bàn. Trong lúc ông đang nói qua điện thoại, trong phòng lại xuất hiện thêm các báo cáo viên. Ngẫm ngợi về những gì mới được nghe, tổng thống vẫn nhận ra ai đó đang cố lôi kéo sự chú ý của ông. “Thứ trưởng an ninh nội địa muốn nói chuyện ngay với ngài” - tiếng ai đó vang lên bên hông. Trước mặt ông hiện ra chiếc máy di động. “Tôi nghe”. - “Có cháy lớn ở các nhà máy lọc dầu Philadelphia và Houston cũng như việc phát tán khí clo chết người ở một số nhà máy hóa chất tiểu bang New Jersey và Delaware. Những kẻ vô chính phủ cực đoan của tổ chức “Trong tim chúng tôi” đã thực hiện lời đe dọa của họ. Họ hứa sẻ gây ra một loạt vụ khủng bố lớn nếu cảnh sát bắt đầu giải tán cuộc tuấn hành trên đồi Capitol ở Washington. “Chết tiệt, lũ con hoang” - Tổng thống buột miệng. “Họ cần chuyện này lắm đây, bọn trì độn bẩn thỉu. Họ hứa... Các ông làm cái quái gì?” - bỗng nhiên tổng thống gán như hét vào ống nghe. “Chúng ta biết về những cuộc khủng bố sắp xảy ra, nhưng không biết nơi chúng xảy ra”.

        Tổng thống ném điện thoại xuống sàn. “Đã đụng độ rồi à?” - ông hỏi hai sĩ quan mới xuất hiện ở cửa. “Vâng, thưa ngài, có nạn nhân ở cả hai phía. Những người biểu tình chọc thủng hai vòng vây đầu và đốt cháy các xe tải bằng bom xăng. Các ô tô đang cháy đó tạm thời phong tỏa đường phố nhưng cả cảnh sát cũng phải thoái lui. Đa số phương tiện đã bị vô hiệu. Một bộ phận cảnh sát cơ động đang bao vây lối ra phố Dupon Circle. Đặc biệt nóng trên đại lộ Massachusetts, ở đó người biểu tình đốt lốp xe, không để bị đầy ra giao lộ với phố 20. Nhưng không thế để họ vào được đại lộ Connecticut, vì từ đó có thể đi thẳng tới...”. “Đủ rồi”, tổng thống lấy tay bịt mắt.

        Trong phòng ngự trị sự im lặng chết chóc. Không quá một phút trôi qua, nhưng đối với những người đang ở đây, cạnh tổng thống, vào những giây phút nặng nề có lẻ là cuối cùng trong lịch sử nhà nước Hoa Kỳ, thời gian đó dường như là vô tận. Giọng người thư ký trực điện thoại phá tan sự yên lặng: “Lầu Năm góc mới gọi, thưa ngài. Họ nhận định rằng, chiến tranh mạng lưới đang đánh vào Hoa Kỳ. Họ đề nghị làm rõ, ai đang tấn công chúng ta: Nga, Trung Quốc hay liên minh các nước? Thưa ngài?”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2020, 07:46:03 am »

   
PHẦN 1

ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI VÀ CHIẾN TRANH MẠNG LƯỚI

        Chúng ta đã thành lập đế chế toàn cầu và thế giới đích thực đầu tiên. Và lần đầu tiên trong lịch sử, đế chế được thành lập phần lớn không nhờ vào những phương tiện quân sự.

John Perkins        

        NHỮNG TRẬN CHIẾN CỦA KỶ NGUYÊN HẬU HIỆN ĐẠI

        Nước Nga đang trong tình trạng chiến tranh, Nhưng ngày nay, khác với những cuộc chiến trước đây, kẻ thù không hiển hiện. Và cùng lúc đó là những hoạt động chiến sự chống lại chúng ta, diễn ra quanh ta, có khi chúng ta trở thành người tham chiến và đôi lúc hoạt động một cách vô thức ở phía đối phương. Vào thế kỷ 21, kẻ thù đã tạo ra một loại vũ khí mới: sau bao nhiêu mưu toan xâm chiếm nước Nga không thành công, phương Tây đang tiến hành chiến tranh mạng lưới chống chúng ta. Đó không đơn giản và không chỉ là chiến tranh trên mạng Internet, với những tin tặc, những virus và những vụ bẻ khóa, mặc dù Internet lúc này cũng đang trở thành công cụ của chiến tranh mạng lưới. Chiến tranh mạng lưới - đó là một kế hoạch quân sự mới nhất của Lầu Năm góc, cho phép thực hiện việc chiếm đóng lãnh thổ và chiến thắng đối phương mà không cần sử dụng vũ khí thông thường. Môi trường để tiến hành các cuộc chiến tranh mạng lưới là xã hội thông tin hiện đại, được hình thành bởi không gian thông tin hậu hiện đại, mà kết quả sẽ là thắng lợi toàn diện trước kẻ thù ngay trước khi bắt đầu “trận chiến”. Tuy nhiên chiến trận theo cách hiểu quen thuộc của chúng ta không diễn ra. Chúng được thực hiện “trong tranh tối tranh sáng”, mà người thường - những người không am hiểu như chúng ta - không thấy được.
        
        Như thế, mục tiêu chính của chiến tranh mạng lưới là chiếm lấy lãnh thổ, thiết lập kiểm soát trên lãnh thổ đó mà không cần sử dụng vũ khí cổ điển, thông thường, và có thể là không cần cả tấn công quân sự. Việc tham chiến quân sự trực tiếp trong Chiến tranh mạng lưới có thể chỉ vào giai đoạn hoàn tất, để đặt dấu chấm hết. Ở đây đã có thể nói về chiến tranh mạng lưới trung tâm - các phương thức tiến hành những hoạt động chiến sự hiện đại bởi các lực lượng vũ trang Mỹ, xuất hiện trong bối cảnh thống trị của công nghệ thông tin. Nhưng ý đồ chính của chiến tranh mạng lưới - đó là sử dụng những mạng lưới xã hội, không phải mạng Internet, mà là những mạng lưới của xã hội thật sự - những cộng đồng con người thực của xã hội, những tập thể thực, những phong trào và tổ chức - để tạo những tiền đề cho việc hình thành một bối cảnh cần thiết. Có nghĩa để đặt lãnh thổ này hay khác, một quốc gia hay dân tộc này hay khác trước sự kiện rằng từ nay họ sẽ phục tùng những mô hình chiến lược khác, cần phải chuẩn bị xã hội và tạo dựng một bối cảnh để xã hội tiếp nhận những chuyển đổi triệt để về chính trị xã hội một cách bình thường và thậm chí tích cực. Trong tình trạng như thế, xã hội sẵn sàng phục tùng những mục đích mới, tiếp nhận logic của người khác và có thể coi là dã bị xâm chiếm.

        Một trong những giai đoạn của chiến tranh mạng lưới - đó là hình thành ý kiến xã hội, những quá trình xã hội theo cách nào đó để người ta không chống lại những chuyển đổi đang diễn ra, hoặc thậm chí còn cùng tham gia vào những chuyền đổi này, vào việc thay đổi những quy chuẩn chính của xã hội, sao cho xã hội trở thành thành viên tích cực của những quá trình đang diễn biến.

        Người đặt hàng chính cho những chuyển đổi xã hội này trong đại đa số trường hợp là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhờ việc kết nối những mạng lưới này, những cộng đồng xã hội thực ở địa phương - trong môi trường thật - vào những mô hình công nghệ của mình mà các chiến lược gia Mỹ hình thành được một bối cảnh cần thiết cho họ và đạt được những kết quả xác định trước. Bằng cách đó, việc kiểm soát chiến lược trên một lãnh thổ, quốc gia, dân tộc, cả một mảng địa chính trị hoặc một khu vực trong lợi ích của Mỹ có thể được hình thành nhờ việc sử dụng cư dân của những không gian đó, những người được đưa vào tiến trình chuyển đổi tư tưởng và xã hội, đồng thời còn tích cực tác động vào tiến trình này, hoặc tối thiểu là không chổng lại những thay đổi đang diễn ra. Đó là chủ đích và cơ chế chính của Chiến tranh mạng lưới - sử dụng nguồn nội lực của xã hội cho việc phá hủy quốc gia và chiếm đoạt lãnh thổ.

        Chiến tranh mạng lưới, còn được gọi là “chiến tranh thế hệ thứ sáu”, là công nghệ giành thắng lợi trong tình thế đối phương thậm chí còn không thể sử dụng binh bị của mình để phản công, kể cả kho vũ khí hạt nhân. Chiến tranh được tiến hành không ai hay biết, và thắng lợi quá thần tốc và hiển nhiên đến độ không vũ khí nào, kể cả hiện đại nhất, và kỹ thuật quân sự nào có thể đem ra sử dụng trong cuộc chiến này. Việc thay đổi các chế độ cầm quyền, các cuộc “cách mạng màu”, việc nắm quyển kiểm soát không gian, bố trí các cơ sở quân sự và thay đổi nhận thức của quần chúng chỉ là một số kết quả của những chiến dịch mạng lưới, được tiến hành cả trước, trong và sau khi “sự kiện” này được thủ phạm thừa nhận là đã được thực hiện. Những cuộc Chiến tranh mạng lưới được tiến hành chống lại kẻ thù cũng như chống lại cả bạn bè và những lực lượng trung dung, định hình hành động của người này, người kia và người thứ ba. Đó là chiến thắng trước cả khi cuộc chiến bắt đầu.

        Hiện nay trung tâm tạo ra những chiến lược mạng lưới chính là Lầu Năm góc, người đặt hàng chính là chính quyền Hoa Kỳ, và đối tượng tác động là tất cả các nước trên thế giới, mà trước hết là đối thủ địa chính trị chính của nó - nước Nga. Bởi vì trận chiến diễn ra là để giành sự thống lĩnh thế giới, mức cược được đặt ra cao tối đa. Nhà địa chính trị Hoa Kỳ nổi tiếng Zbigniew Brzezinski gọi thẳng mục tiêu của Mỹ là “sự cẩn thiết củng cố vị thế thống lĩnh riêng” qua “ưu thế lịch sử bổ sung của việc sử dụng cho lợi ích của mình mạng lưới quan hệ quốc tế vừa tái lập, mạng lưới phát triển bên ngoài khuôn khổ hệ thống các quốc gia dân tộc truyền thống”. Mạng lưới này, được dệt nên bởi những tập đoàn quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (thực chất là xuyên quốc gia) và các cộng đồng khoa học, được phát triển nhiều thêm nhờ mạng Internet, đã tạo ra một hệ thống thế giới không chính thức, mà về bản chất là thuận lợi cho việc hợp tác toàn diện và trật tự hơn trên qui mô toàn cầu”. Tất cả những điều này cuối cùng “đã hợp pháp hóa một cách thỏa đáng vai trò của Mỹ như siêu cường thế giới đầu tiên, duy nhất và cuối cùng”1.

        Chiến trang mạng lưới đang diễn ra ngay ở giây phút này. Mỗi người “nối mạng” đều là người tham gia cuộc chiến, và mục tiêu cuối cùng của nó là làm suy yếu, chia tách và phi chủ quyền hóa nước Nga, có nghĩa đây là cuộc chiến chống lại chúng ta. Vấn đề chỉ còn là hiểu bản chất của công nghệ này để không rơi vào tay kẻ thù như một công cụ hủy diệt chính mình.

-------------------
       1. Brzezinski z. Bàn cờ lớn - M ., Quan hệ quốc tế, 1999. C.254
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2020, 07:53:47 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2020, 07:52:59 am »


        ĐỊA CHÍNH TRỊ HAY HỆ TƯ TƯỞNG?

        Trước khi tiếp tục câu chuyện, tôi muốn nói ra ngoài để một chút, lướt nhanh số phận địa chính trị như một phương pháp hiện thực hóa những lợi ích nhà nước Nga từ lúc những người Bolshevik lên nắm quyển cho đến nước Nga thời Putin.

        Trong thời Xô viết, địa chính trị bị coi là ngụy khoa học, và đứng đầu tất cả chính là hệ tư tưởng Marxist, nhìn thế giới không ở lăng kính địa chính trị, mà qua lăng kính giai cấp. Không có các nhà nước và những lợi ích chính trị của nó, không có những yêu sách lãnh thổ, không có các lục địa nơi người dân sinh sống. Chỉ có giai cấp lao động không phụ thuộc các nước, không thuộc về dân tộc này hay dân tộc khác, và giai cấp tư bản cũng quốc tế hóa và thế giới hóa tuyệt đối. Lenin không muốn nghe gì về tính chất nhà nước Nga, xem Liên Xô như điểm xuất phát cho việc ào ạt giành chính quyền của những người Marxist trên toàn châu Âu, và sau đó là khắp thế giới. Trong nhận thức giai cấp của những người Bolshevik đầu tiên, không có chỗ cho địa chính trị.

        Stalin không phải là nhà Marxist, và tuy không khẳng định điều này trên danh nghĩa, về mặt lý thuyết ông ta vẫn duy trì sự kế thừa học thuyết Lenin và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Lenin. Chủ nghĩa Stalin - phát triển từ những học thuyết Lenin đã được Stalin giải thích lại khá táo bạo, thậm chí còn tới mức độ thay đổi hoàn toàn, đặc biệt là ở vai trò nhà nước trong chiến thắng của chủ nghĩa xã hội - là có sử dụng địa chính trị, mặc dù hơi trực cảm. Bởi Stalin, khác với những người Bolshevik - Leninist, không phủ nhận một nhà nước như thế. Cảm nhận được tính tất yếu của địa chính trị không bằng lời nói, sử dụng phương pháp địa chính trị không trực tiếp, mà gián tiếp, bộ máy chính trị của Stalin dẫu sao cũng xuất phát từ quan điểm rằng nền tảng của “quan hệ quốc tế nằm ở cuộc đối đầu giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Những quốc gia còn lại trong hệ thống tọa độ này bị coi là kém phát triển, chưa tiến bộ tới chủ nghĩa tư bản và vì thế càng chưa tới chủ nghĩa xã hội.

        Giai đoạn ảm đạm đã tới dưới thời Khrushchev. Vì hạn chế về tư duy và giáo dục, Nikita Sergeyevich không hề hiểu thế nào là chủ nghĩa Marx, thế nào là chủ nghĩa Lenin, và càng chưa bao giờ nghe tới địa chính trị. Điều duy nhất mà Khrushchev thảo luận tương đối mạnh mẽ là về chủ nghĩa cộng sản. ông ta hiểu nó không phải như một học thuyết mạt thế1 của việc xây dựng vương quốc chúa trời trên trái đất, mà là thành tựu của mức thu nhập GDP trên đầu người, phải vượt những chỉ số này của Hoa Kỳ. Hiện tượng Khrushchev tồn tại chủ yếu là dựa vào việc phủ nhận Stalin, vì thế nó chẳng phải giằng xé lâu.

        Sự trì trệ thời Brezhnev đã đóng băng những gì còn lại trong nước sau những thí nghiệm của Khrushchev. Không muốn một hoạt động tích cực nào, không tư duy gì về sự mở rộng, Brezhhev không sẵn sàng cho cả việc chuyển giao phạm vi ảnh hưởng. Nhiệm vụ của ông ta chỉ là giữ gìn được càng lâu càng tốt nguyên trạng, “đóng băng” lịch sử và sống thanh nhàn, hưởng thú vui câu cá, săn bắn cùng vô số quà tặng. Với ông ta, bất cứ chuyển động nào của lịch sử, cho dầu chỉ một micron, cũng là một nhát dao đâm vào tim. Chính dưới thời Brezhnev, địa chính trị chính thức bị cho là ngụy khoa học trong nghĩa đen của từ này - và nghiên cứu nó là điều cấm kỵ. Trong phạm vi hệ tư tưởng chỉ còn lại việc nhìn nhận một cách hạn chế cuộc đối đầu của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội, còn nhìn chung, bất chấp nguyên lý mẫu thuẫn của chủ nghĩa Marx khởi thủy, định đề về sự bất di bất dịch của thế giới đã ngày càng phổ biến.

        Thời kỳ Gorbachev - Yeltsin được đánh dấu bằng sự đầu hàng và phản bội tất cả những gì các thế hệ người Xô viết đã chinh phục được kể từ cách mạng Nga năm 1917 và thấm máu nhân dân Nga. Hệ tư tưởng Xô viết - một phiên bản trung bình hấp thụ chủ nghĩa Marx thời kỳ đầu, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin và cả Brezhnev ngủ vùi “cho hòa bình trên toàn thế giới” - bị thay thế bằng ý thức hệ tự do, sao chép không phê phán những phiên bản phương Tây của nó. Sự tồn tại địa chính trị trong những điều kiện này đã bị tảng lờ bởi nó sẽ tiết lộ đường lối phản quốc của chế độ. Các mối đe dọa lợi ích quốc gia, nghịch lý thay, không đến từ bên ngoài, bởi nó nằm trong chính quốc gia. Từ quan điểm địa chính trị, quốc gia đã bước vào con đường tự tử một cách tình nguyện, có ý thức, nó thực hiện nỗ lực đầu tiên vào tháng 8/1991, nhưng sống sót, rồi lại tiếp tục những cuộc thí nghiệm dai dẳng tước bỏ đời sống của chính mình.

-----------------------
        1. "thuyết mạt thế" hoặc “thế mạt luận", một học thuyết tôn giáo hoặc những ý niệm về sự cáo chung của thế giới, về sự cứu chuộc và cuộc sống ở thế giới bèn kia, về số phận của Vũ trụ và việc Vũ trụ chuyển sang một tinh trạng mới hẳn về chất. (ND)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2020, 07:55:10 am »

         
        Sau khi đã phá tan toàn bộ tiềm năng cần thiết cho một chiến lược địa chính trị khả dĩ nào đó, với lương tâm thanh thản, Yeltsin trao cơ thể nước Nga đã tàn hơi cho Putin, rồi sau đó qua đời. Đấu tranh hơn 10 năm cho đời sống của quốc gia, Putin cuối cùng đã công bố cách tiếp cận địa chính trị làm cơ sở cho an ninh quốc gia, ngăn chặn sự sụp đổ của nước Nga, thực hiện một cú sút địa chính trị ở nam Kavkaz vào tháng 8/2008 và chuyển sang phản công địa chính trị vào tháng 3/2014 bằng việc sáp nhập Crimea vào Nga. Là một nhà thực tiễn, Vladimir Putin đã lần đầu tiên sau 100 năm đặt địa chính trị cao hơn ý thức hệ - và với những sự kiện đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta, ông đã không tính sai.

        Để thảo ra các mục tiêu phát triển toàn cầu, cần nhận thức địa chính trị đóng vai trò thế nào trong nền an ninh quốc gia, và nói riêng, phải áp dụng phương pháp địa chính trị như thế nào khi hình thành chiến lược hành động của nhà nước Nga trên đấu trường thế giới.

        Địa chính trị là thế giới quan mà tiêu chí chủ yếu là sự đối kháng giữa các nền văn minh biển và lục địa, và liên quan với đó là vô số những khía cạnh phát triển lịch sử nhân loại, biểu hiện qua các mối quan hệ tương giao giữa các dân tộc và quốc gia. Địa lý và không gian trong địa chính trị thực hiện các chức năng tương tự như tiền và quan hệ sản xuất trong chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tự do. Và như thế, bản chất của địa chính trị - vốn tác động lên số phận của nhân loại và dẫn tới những biến đổi lịch sử quan trọng - có thể tóm gọn trong công thức: “Địa lý là số phận”.

        Một điều kiện không thể thiếu trong việc thực hiện thành công những nỗ lực chính trị đối ngoại của Nga phải là việc lập ra một mô hình bảo đảm cho an ninh toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực dựa trên nguyên tắc đưa những quốc gia và dân tộc ở gần Nga - theo nghĩa văn minh - văn hóa - vào quỹ đạo của cực địa chính trị Á - Âu, được che chắn bởi “chiếc ô hạt nhân Nga”, hoặc sẽ được trực tiếp đưa vào thành phần Nga như mô hình Crimea - trong trường hợp nơi nào đó trong lịch sử từng thuộc về không gian của thế giới Nga. Từ đó có thể thành lập một hệ thống an ninh Á - Âu mới, trong đó sẽ xuất hiện những trục đối trọng với trục hợp tác quân sự chiến lược châu Âu - Đại Tây Dương.

        Một hướng hoạt động quan trọng của Liên bang Nga trong việc bảo đảm an ninh quốc gia trong lĩnh vực đối ngoại là thúc đẩy giải quyết những cuộc xung đột khu vực và địa phương bằng con đường hoạt động bảo vệ hòa bình.

        Ưu tiên trong việc ngăn chặn và phòng tránh các đe dọa an ninh quốc gia Nga sẽ thuộc về Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Cơ quan an ninh liên bang Nga, trong đó cách tiếp cận địa chính trị ở những cơ quan này phải là cơ sở để phát triển các chiến lược thích hợp và thông qua các quyết định.

        Để cân bằng hệ thống an ninh quốc tế đang nghiêng về phía châu Âu - Đại lầy Dương, cần phải tuyên bố rõ ràng và dứt khoát: Nga có quyền sử dụng tất cả những lực lượng và phương tiện có được, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, nếu như việc bùng nổ xung đột vũ trang, bao gồm cả tấn công mạng, làm xuất hiện mối đe dọa cho sự tồn tại của nước Nga như một quốc gia có chủ quyền.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tư, 2020, 08:00:06 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM