Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:00:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thắng Hà Vy - Ý nghĩa và bài học lịch sử  (Đọc 3190 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:09:20 am »

Đồng chí đã chỉ huy Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc liên tục tổ chức đánh địch khiến quân địch ở các chốt điểm hoang mang, lo sợ. Mỗi khi nghe đến bí danh Lê Văn Thanh là quân địch trên địa bàn huyện Đại Lộc hoang mang, lo sợ. Chính vì vậy chúng đặt cho ông biệt danh là “Thanh soái”. Trong năm 1965, bộ đội địa phương huyện chủ yếu hoạt động ở quanh khu vực Thượng Đức bởi nơi đây, quân ngụy tập trung xây dựng bảo vệ cứ điểm Thượng Đức, chúng coi Thượng Đức là cánh cửa thép bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự tại Đà Nẵng. Đồng chí đã chỉ huy nhiều trận đánh ở các địa điểm xung quanh Thượng Đức gây nhiều tổn thất cho quân địch như trận đánh biệt kích ngụy tại Gò Cấm, Hà Tân xã Lộc Bình (nay là xã Đai Lãnh); trận đánh biệt kích Mỹ tại thôn 12 Đại Lãnh; bao vây và vận động một trung đội ngụy từ bỏ vũ khí quay về với cách mạng...

Đầu năm 1966, địch tăng cường quân lính và vũ khí cho các cứ điểm quân sự trên địa bàn huyện Đại Lộc. Chúng liên tục tổ chức nhiều đợt tiếp viện cho cứ điểm Thượng Đức, Ái Nghĩa, Núi Lở. Trước tình hình đó, quân và dân ta cũng liên tục chặn đánh nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân địch. Thời gian này, Đại đội 1 bộ đội địa phương đứng chân tại Lộc Vĩnh (Đại Hồng) và Lộc Quang (Đại Đồng). Tháng 01 năm 1966, đồng chí Lê Văn Thanh cùng đại đội 1 và du kích xã Lộc Quang (Đại Đồng) đã đánh tan một trung đội Mỹ tại Bàu Mưng khi chúng đang trên đường tiếp viện cho Thượng Đức. Trận đánh này là tiền đề góp phần làm nên chiến thắng Hà Vy sau đó.

Trong trận đánh Hà Vy, với vai trò là Đại đội trưởng, đồng chí Lê Văn Thanh đã chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương đánh và diệt gọn 1 đại đội Mỹ, làm thiệt hại 2 đại đội khác. Với kinh nghiệm đánh Mỹ, diệt ngụy nhiều năm, đồng chí đã nhận định đúng tình hình địch đổ quân nên đã triển khai đội hình chiến đấu rất linh hoạt, dựa vào lợi thế của giao thông hào, công sự và rào làng chiến đấu, chờ địch đến gần mới nổ súng, do đó, ngay từ loạt đạn đầu đã tiêu diệt hơn 20 tên địch, giáng cho địch một đòn phủ đầu khiếp vía. Khi thấy Mỹ đổ quân tiếp viện, đồng chí Thanh đã chủ trương phân tán lực lượng, đánh quần lộn với địch, giam chân địch trên trận địa, không cho chúng phát huy lợi thế đồng thời chỉ huy lực lượng ta tập trung toàn bộ hỏa lực tấn công quân Mỹ để tiêu diệt, kết thúc trận đánh với thắng lợi vẻ vang. Sau thất bại ở Hà Vy, quân Mỹ đẩy mạnh càn quét địa bàn xã Lộc Vĩnh. Lúc này, đồng chí Lê Văn Thanh được chỉ đạo đứng chân hoạt động tại xã Lộc Vĩnh. Đồng chí đã cùng đại đội 1 và du kích xã tổ chức đánh địch nhiều lần, gây tổn thất nặng nề cho quân Mỹ. Năm 1967, trong một trận chỉ huy chiến đấu, đồng chí Lê Văn Thanh đã anh dũng hy sinh. Sự ra đi của đồng chí đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối vói đồng đội, những người làm việc và sống cùng đồng chí đồng thời tấm gương hy sinh của đồng chí cũng nâng cao quyết tâm chiến đấu trong lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc thời điểm đó và cả sau này.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã tham gia hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 200 tên Mỹ - ngụy, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, thu được nhiều vũ khí của quân địch. Trận đánh Hà Vy là một trong những trận đánh lớn và thắng lợi lớn mà đồng chí trực tiếp tham gia chỉ huy. Sau Hà Vy, đồng chí đã được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” tại Đại hội thi đua yêu nước Quân khu 5 vào tháng 12 năm 1966. Với những chiến công oanh liệt đó, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Ngày 23 tháng 02 năm 2010, đồng chí Lê Văn Thanh vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong chiến đấu, đồng chí Lê Văn Thanh là một người chỉ huy tài ba, mưu trí; một người chiến sỹ dũng cảm. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí là người luôn hết lòng vì gia đình, người thân. Dù bận rộn với công việc, nay chỉ huy chống càn ở nơi này, mai tham gia đánh địch ở nơi kia song mỗi khi có điều kiện, đồng chí đều tranh thủ ghé thăm gia đình. Trước trận đánh Hà Vy, sau khi nhận định tình hình, bố trí và triển khai lực lượng mai phục, đồng chí cũng ghé qua thăm gia đình, động viên vợ con. Điều đó thể hiện tinh thần bình tĩnh, tự tin cũng như sự dày dặn, chủ động trước mọi tình huống của một người chỉ huy. Ấn tượng nhất đối với những người đồng đội về người Đại đội trưởng của mình đó là sự chu đáo, tận tình và cực kỳ dũng cảm.

50 năm sau ngày Đại đội trưởng Lê Văn Thanh chỉ huy bộ đội địa phương phối hợp với du kích xã làm nên chiến thắng Hà Vy và gần 50 năm sau ngày đồng chí anh dũng hy sinh trên chiến trường, chúng ta mới có dịp ngồi lại để hiểu thêm về ông - một chiến sỹ cách mạng kiên cường. Người con quê hương Đại Lộc hết lòng vì quê hương đất nước. Với bản tham luận này, tôi chỉ mong muốn giúp người đọc hiểu hơn về con người, về những đóng góp của Đại đội trưởng Lê Văn Thanh đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của huyện nhà, đồng thời thắp nén hương tri ân tưởng nhớ tới những công lao to lớn của ông - người con kiên cường của quê hương Đại Lộc anh hùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:11:20 am »

VAI TRÒ PHỐI HỢP TÁC CHIẾN GIỮA DU KÍCH XÃ LỘC VĨNH
VỚI BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHIẾN THẮNG HÀ VY

Nguyễn Hải Triều(1)

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ diễn ra mà mỗi trận đánh đều có vai trò, ý nghĩa, tầm vóc riêng của nó. Với trận chống càn của quân và dân Đại Lộc diễn ra vào sáng ngày 02 tháng 4 năm 1966 tại cánh đồng làng Hà Vy đã thể hiện quyết tâm, ý chí của Đảng bộ, quân dân huyện Đại Lộc quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; đồng thời chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ huyện, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bộ đội chủ lực địa phương và dân quân du kích trong phối hợp tác chiến - một trong những yếu tố cốt lõi làm nên chiến thắng Hà Vy.

Từ cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước những đòn tiến công dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, giành lại thế chủ động trên chiến trường, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân chiến đấu vào trực tiếp tham chiến ở miên Nam. Đà Nẵng là nơi được chọn để chúng đổ quân đầu tiên thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”.

Đầu năm 1966, ở Đại Lộc, các chốt điểm như Thượng Đức, Động Hà sống, Núi Lở, Gò Đình, Ái Nghĩa, Gò Muồng, Giao Thủy... không nơi nào là không thấy bóng quân thù. Chúng cho máy bay ném bom, bắn phá, thả quân càn quét, lấn chiếm nơi nào nghi là hậu cứ của cách mạng. Ngoài việc tiến hành chiếm đóng và xây dựng các căn cứ quân sự, bọn Mỹ còn chọn Thượng Đức làm nơi đổ quân để khống chế toàn bộ vùng phía tây bắc của Quảng Nam - Đà Nẵng. Chúng cho quân tràn ngập, hình thành cứ điểm tại Đồng An (thôn Đại An, Đại Lãnh); lập sân bay dã chiến để cho các loại phi cơ chiến đấu lên xuống tải quân đi càn quét, khống chế cả một vùng; tiến hành các đợt bố ráp. Chúng muốn biến các xã phía tây của Đại Lộc gồm Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh (Đại Hồng, Đại Sơn, Đại Lãnh ngày nay)... thành vành đai trắng nhăm cô lập quân dân ta.

Trước tình hình trên, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề, liệu ta có đánh được Mỹ không và làm thế nào để đánh thắng? Một bộ phận cán bộ và nhân dân tỏ ra nghi ngờ khả năng đánh được Mỹ của ta.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Đảng bộ huyện Đại Lộc đã tổ chức hội nghị chỉnh huấn để giải quyết tư tưởng ngại đánh Mỹ, ngại ác liệt, xây dựng tinh thần tiến công địch, kiên trì phương châm ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận).

Trong thời kỳ này, nhiều cuộc đụng đầu ác liệt giữa ta và kẻ thù đã liên tiếp xảy ra khắp các trận tuyến. Tin chiến thắng trận đầu diệt Mỹ ở Núi Thành vào đêm 25 rạng sáng ngày 26 tháng 5 năm 1965, một đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn 70 của tỉnh đã diệt gọn một đại đội Mỹ đã làm nức lòng quân dân cả tỉnh, cả nước; đã thắp lên ngọn lửa sục sôi đánh Mỹ, củng cố niềm tin chiến thắng.

Trên địa bàn huyện Đại Lộc, chiến thắng Bàu Mưng của Đại đội I, bộ đội địa phương huyện phối hợp với du kích xã Lộc Quang (Đại Đồng) ngày 05 tháng 01 năm 1966 đã bẻ gãy được trận càn của hai tiểu đoàn Mỹ, diệt gọn một trung đội, đánh thiệt hại nặng nhiều trung đội khác, thu được nhiều vũ khí, quân trang quân dụng.

Trận đánh đã khẳng định quyết tâm của quân và dân Đại Lộc quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ - đã củng cố được niềm tin trong nhân dân, đã châm ngòi nổ đầu tiên cho phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, có ý nghĩa quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng sau này trên quê hương Đại Lộc, trong đó có Chiến thắng Hà Vy.

Chúng ta có thể khẳng định rằng, Chiến thắng Hà Vy của quân và dân Đại Lộc đã có một sự chuẩn bị chu đáo về mặt tinh thần, ý chí, thế trận...trong đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng du kích xã, thôn, những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lộc Vĩnh anh hùng. Ở trận đánh này đã nổi bật lên sự phổi hợp nhịp nhàng giữa du kích, bộ đội và nhân dân với khí thế tiến công quân thù và lòng quyết tâm tiêu diệt chúng. Diễn biến trận đánh đã cho ta thấy được sự chủ động hoàn toàn trên tất cả các phương diện từ sự chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo Huyện ủy, Chi bộ xã, chỉ huy Huyện đội, xã đội... đến việc khai thác, lợi dụng địa thế, địa hình, địa vật, công sự tác chiến; việc phân công trách nhiệm, phối hợp thực hiện tác chiến, công tác tình báo... và vai trò của lực lượng du kích. Chúng ta cần lưu ý một số chi tiết sau đây:

Vùng A (Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh) trong thời điểm bấy giờ đang nằm trong sự khống chế của cứ điểm Thượng Đức. Do bị ta bao vây, thường xuyên pháo kích, đánh phá nhằm tiêu hao sinh lực địch; lực lượng du kích các xã Lộc Vĩnh, Lộc Bình được sự chỉ đạo của cấp trên đã thường xuyên tổ chức đợt quấy phá làm cho địch hoảng loạn tinh thần, phải co cụm lại. Đường liên lạc, tiếp tế lương thực, vũ khí từ Ái Nghĩa lên Thượng Đức thường bị ta phục kích đánh phá ở các đoạn Ba Khe, Hà Sống. Bọn địch ở chi khu Thượng Đức chỉ nhận được nguồn cung cấp hàng hóa, vũ khí tiếp tế chủ yếu bằng máy bay thả dù vào chi khu. Theo nhận định của ta, bắt buộc chúng phải tổ chức những trận càn quét vào vùng giải phóng, áp đảo phong trào cách mạng để đảo ngược lại tình thể là đương nhiên nên việc chủ trương chuẩn bị cho các trận chống càn ta phải biết và có kế hoạch từ đầu.


(1) Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đại Lộc
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:11:49 am »

Một số nhân chứng, những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong trận Hà Vy cho rằng lúc bấy giờ do địch chưa xúc tác dân về các khu dồn nên phần lớn nhân dân của các làng Hà Vy, thôn 2-3, Ngọc Kinh, nhân dân ta vẫn còn bám trụ để sinh sống, sản xuất, tham gia du kích và cùng với chính quyền cách mạng tổ chức các phương án tác chiến chống càn. Trong từng nhà dân đều đào hầm trú ẩn tránh bom pháo; quanh các rìa làng từ Hà Vy, Hai Ba, Ngọc Kinh, Lập Thuận… đều có giao thông hào, công sự chiến đấu ăn thông với nhau tạo thành thế trận liên hoàn, thuận lợi cho các chiến sĩ ta vận động tác chiến trong tình huống địch đổ bộ tấn công vào vùng giải phóng.

Trong cuộc chống càn ở làng Hà Vy, ngoài việc thu thập các nguồn tin tình báo từ cơ sở của ta trong lòng địch, sự phán đoán tài tình của lãnh đạo, chỉ huy; công tác chuẩn bị cho trận đánh cũng khá chu đáo từ nhiều phía, nhiều hướng, nhiều yếu tố trong thế trận chiến tranh nhân dân để không bị bất ngờ để làm nên chiến thắng giòn giã. Ngay khi nhận được thông tin quân Mỹ sẽ đổ bộ xuống Hà Vy, Huyện ủy Đại Lộc đã tổ chức một cuộc họp khẩn tại thôn Mỹ Hảo xã Lộc Tân (Đại Phong) cùng với Ban chỉ huy Huyện đội Đại Lộc. Đồng chí Phan Thanh Thủ, Bí thư huyện ủy lúc bấy giờ nêu quyết tâm tập trung lực lượng để chống càn. Sự phân công hợp lý và khá chu đáo cho các đoàn thể, và nhân dân phục vụ chiến đấu, lo từ tinh thần đến vật chất để bộ đội và du kích an tâm chiến đấu, chiến thắng.

Đại đội 1 của Huyện đội là đon vị chủ lực dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Thanh, đơn vị từng có kinh nghiệm chiến đấu trong trận Bàu Mưng, có kinh nghiệm phối hợp với lực lượng du kích địa phương thực hiện phương án tác chiến chống càn. Các chiến sĩ lại được trang bị vũ khí, hỏa lực mạnh, trong đó không ít những vũ khí ta thu được của Mỹ từ trận Bàu Mưng. Với quyết tâm tiêu diệt kẻ thù ngay từ những loạt đạn đầu tiên.

Đội du kích của xã trong giai đoạn này có trên dưới khoảng 30 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Bùi Miên xã đội trưởng, Nguyễn Văn Tận, chính trị viên xã đội; hai đồng chí xã đội phó là Nguyễn Khánh Nữa và Nguyễn Thái Nam, tất cả đều gan dạ, dũng cảm, có tinh thần chiến đấu cao quyết tâm tiêu diệt kẻ thù bảo vệ đồng bào, bảo vệ vùng giải phóng. Và thực tế trong trận Hà Vy đã cho thấy vai trò quan trọng của các chiến sĩ du kích phối hợp với bộ đội trong tác chiến. Cụ thể, đội du kích được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ có một đồng chí chỉ huy phụ trách: Đồng chí Bùi Miên xã đội trưởng phụ trách thôn Ngọc Kinh, Nguyễn Văn Tận, chính trị viên phụ trách thôn Lập Thuận; Nguyễn Thái Nam, xã đội phó phụ trách thôn 2-3, Nguyễn Khánh Nữa xã đội phó phụ trách thôn Hà Vy. Các tổ du kích bố trí lực lượng chủ động phối hợp với từng trung đội bộ đội chủ lực huyện trên các mũi tiến công địch ở mỗi thôn, có nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa hướng dẫn bộ đội vận động theo địa hình công sự mà chỉ có du kích là người địa phương nên quen thuộc để tránh phi pháo và hỏa lực của địch, bảo toàn lực lượng. Các tổ du kích đà thể hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình trong quá trình phối hợp chiến đấu cùng bộ đội. Những tấm gương tiêu biểu, không sợ hy sinh, ngoan cường, dũng cảm như các đồng chí Nguyễn Khánh Nữa, Nguyễn Thái Nam... đến hôm nay mỗi khi nhắc đến mọi người đều khâm phục.

Và như chúng ta đã biết về những diễn biến của trận đánh, suốt trong ngày 02 tháng 04 năm 1966, bộ đội địa phương huyện Đại Lộc cùng với dân quân du kích xã Lộc Vĩnh đã phối hợp tác chiến chống càn thắng lợi diệt gọn 01 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ, làm thiệt hại 02 đại đội khác. Loại khỏi vòng chiến đấu 160 tên; bắn rơi 02 máy bay trực thăng, thu 28 súng. Chiến thắng đã làm thất bại âm mưu đổ quân đi càn của Mỹ ở Đại Lộc. Đây là trận đánh xuất sắc của đại đội bộ đội địa phương huyện chiến đấu với một tiểu đoàn Mỹ có phi pháo yểm trợ giữa ban ngày và thu nhiều súng nhất trong các trận chống càn trên chiến trường Quảng Đà.

Cũng nên nói thêm rằng, từ chiến thắng Hà Vy vào ngày 02 tháng 4 năm 1966, tình hình mặt trận diễn biến sau đó cũng còn khá phức tạp. Địch tiếp tục đổ quân càn quét các thôn phía tây Đại Hồng (Hòa Hữu, Lục Nam). Khi bộ đội chủ lực rút về hậu cứ, đội du kích xã đã bám trụ lại quần thảo ngày đêm với địch suốt cả tháng 4 tháng 1966, với chiến thuật du kích, các tổ chiến đấu tổ chức nhiều trận mật tập, phục kích tiêu diệt kẻ địch để bắt buộc chúng phải co cụm lại trên cứ điểm Thượng Đức không còn dám nghênh ngang càn quét vùng giải phóng của ta. Tiêu biểu như đêm ngày 04 tháng 4 năm 1966, sau trận càn Hà Vy chỉ 2 ngày, quân Mỹ tiếp tục hành quân qua các thôn phía tây Đại Hồng càn quét; ban ngày lùng sục, tối đến chúng co cụm lại nhà thờ Lục Nam. Tổ chiến đấu của du kích xã Đại Hồng đã vận dụng cách đánh mật tập, lợi dụng đêm tối áp sát đối phương rồi dùng lựu đạn tấn công đồng loạt, tiêu diệt cùng lúc 25 tên Mỹ, không tên nào sổng sót. Thu 08 súng cùng quân trang quân dụng.

Chiến thắng Hà Vy, tuy trận đánh không lớn, nhưng ý nghĩa thắng lợi của trận đánh đã vượt lên trên quy mô của nó. Trận đánh đã thể hiện lòng quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân huyện Đại Lộc với câu trả lời “liệu ta có đánh được Mỹ không?”. Trận đánh cũng đã cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm từ phương thức chỉ đạo của Huyện ủy, từ phương án tác chiến phù hợp của bộ đội và du kích, sự phối hợp chặc chẽ giữa quân và dân trong thế trận nhân dân, trong đó không thiếu vai trò của lực lượng du kích xã Lộc Vĩnh, đã cùng với bộ đội chủ lực huyện làm nên chiến thắng. Cũng từ kinh nghiệm này, mà sau này trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ, ta đã vận dụng để làm nên những chiến thắng vang dội, hoàn thành công cuộc giải phóng đất nước, mà trong đó không thiếu những chiến công của quân dân Đại Lộc góp phần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:14:24 am »

CHIẾN THẮNG HÀ VY GÓP PHẦN THỰC HIỆN PHONG TRÀO
“QUYẾT ĐÁNH VÀ QUẾT THẮNG GIẶC MỸ XÂM LƯỢC”
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG QUẢNG ĐÀ

Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hiền(1)

Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ quyết định chuyển từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân chiến đấu Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhằm làm lung lay ý chí quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Quân khu 5 với vị trí chiến lược quan trọng đã trở thành địa bàn đầu tiên trên chiến trường miền Nam trực tiếp đương đầu với quân viễn chinh Mỹ. Ngày 8 tháng 3 năm 1965, quân chiến đấu Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Quân và dân Quảng Đà nổ súng đánh Mỹ, khởi đầu phong trào toàn Quân khu “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” với khẩu hiệu thi đua “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Chiến thắng Hà Vy đã góp phần thực hiện phong trào “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên chiến trường Khu 5.

Căn cứ vào nhận định và hướng dẫn của Trung ương, ngay khi quân Mỹ vào Đà Nẵng, tháng 3 năm 1965 Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 triệu tập Hội nghị cán bộ trung cao cấp toàn Quân khu để hạ quyết tâm đánh Mỹ và bàn cách đánh Mỹ. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình địch ta, Hội nghị nhận định “Mỹ vào là bị động”, “Ta có đủ khả năng đánh thắng quân chiến đấu Mỹ”(2). Hội nghị quyết định: “Tranh thủ tiến công tiêu diệt và làm tan rã lớn quân ngụy, dồn quân ngụy lún sâu vào thế phòng ngự bị động, buộc quân Mỹ mới vào đã ở trong thể lúng túng” và phát động phong trào “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược trong toàn Khu”(3). Hội nghị đã gửi lên cấp trên quyết tâm thư “... Quyết đánh mạnh, đánh chắc, đánh tiêu diệt, đánh đến cùng đến lúc không còn bóng một tên giặc Mỹ xâm lược và tay sai trên đất nước thân yêu của chúng ta. Nhằm đúng quân chủ lực và bọn đầu sỏ xâm lược ở bất cứ nơi nào, xóa bỏ gọn từng phiên hiệu đơn vị Mỹ”(4). Tiếp đó đến cuối tháng 3 năm 1965 Quân khu lại triệu tập hội nghị du kích chiến tranh để bàn kế hoạch xây dựng củng cố dân quân du kích, xây dựng làng chiến đấu, xây dựng “vành đai diệt Mỹ” và phát động phong trào thi đua trong toàn Quân khu “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” với khẩu hiệu “tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt”. Quyết tâm đánh Mỹ và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược thể hiện quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền Nam Bắc và nhanh chóng biến thành hành dộng cụ thể của tất cả các tầng lớp nhân dân trên chiến trường Khu 5.

Vừa đổ bộ vào Đà Nẵng, quân Mỹ cùng quân ngụy liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét ra xung quanh thành phố, trọng điểm là hướng huyện Hòa Vang, nhằm thiết lập các tuyến phòng thủ bảo vệ các căn cứ và cơ quan đầu não của chúng ở bên trong. Theo dõi chặt âm mưu và thủ đoạn của địch, ngày 10 tháng 3 năm 1965, tại làng Phú An (Đại Thắng, Đại Lộc) Tỉnh ủy và Ban chỉ huy tỉnh đội Quảng Đà họp, quyết định sử dụng lực lượng vũ trang Đà Nẵng - Hòa Vang đánh chặn quân Mỹ, trong đó chọn huyện Hòa Vang làm địa bàn chủ yêu, vừa chiến đấu vừa động viên mọi lực lượng xây dựng Vành đai diệt Mỹ.

Phong trào “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” do Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phát động đã phát triển rộng rãi. Ngay từ giữa tháng 3 năm 1965, cùng với việc xây dựng Vành đai diệt Mỹ, phong trào đánh Mỹ, diệt ngụy của quân và dân Quảng Đà diễn ra với nhiều cách đánh mưu trí, sáng tạo của du kích, bộ đội địa phương và nhân dân băng mọi thứ vũ khí chông, mìn, cạm bẫy... Suốt nửa cuối tháng 3, bộ đội địa phương và du kích huyện Hòa Vang vừa xây dựng trận địa, làng xã chiến đấu, hình thành Vành đai diệt Mỹ, vừa chặn đánh các mũi tiến công của Mỹ - ngụy. Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện Hòa Vang, trung đội công binh đường đèo, du kích các xã Hòa Liên, Hòa Hiệp, Hòa Lạc, Hòa Ninh liên tục đánh địch. Đồng chí Nguyễn Soạn (du kích Hòa Ninh) dùng súng trường diệt 10 lính Mỹ. Đồng chí Võ Ký (du kích Hòa Thượng) diệt 1 lính Mỹ và bắn rơi 1 trực thăng. Xã đội trưởng Nguyễn Châu chỉ huy du kích Hòa Lạc đánh thiệt hại nặng 1 trung đội Mỹ trong một ngày chiến đấu. Một tổ của trung đội công binh dùng mìn hẹn giờ đánh cảng Bầu Mạc, diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Cùng thời gian này, Tỉnh ủy và tỉnh đội Quảng Đà mở hội nghị rút kinh nghiệm đánh Mỹ tại xã Điện Tiến. Hội nghị đề ra kế hoạch đẩy mạnh tiến công địch và phát động phong trào ra phía trước đánh Mỹ.

Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ tiếp tục đưa thêm quân và phương tiện chiến tranh vào Đà Nẵng và nhiều nơi khác, liên tiếp mở các cuộc càn quét nống lấn hòng mở rộng vùng chiếm đóng. Quân và dân ta đang chiến đấu với một đối tượng tác chiến mới, quy mô chiến tranh lớn hơn và cường độ ác liệt hơn. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, quân và dân Quảng Đà đã kiên quyết đánh Mỹ, diệt ngụy ở khắp nơi. Ngày 1 tháng 4 năm 1965 du kích Hòa Thọ dùng mìn hẹn giờ phá hủy 1 kho bom đạn trong sân bay Đà Nẵng. Ngày 14 tháng 4, tại thôn An Trạch, Trung đội bộ đội địa phương Hòa Vang cùng du kích Hòa Lợi phục kích đánh bại cuộc càn của 2 đại đội Mỹ, diệt 26 tên tại khu vực cầu đá La Bông. Du kích Hòa Hải mật phục dài ngày trên đỉnh Non Nước và trong các hang động, bất ngờ ném lựu đạn vào đội hình quân Mỹ đi lùng sục, có trận quần lộn với địch suốt cả ngày, diệt 47 tên Mỹ.


(1) Phòng Khoa học Quân sự, Quân khu 5.
(2), (3), (4) Khu 5 -30 năm chiến tranh giải phóng, tập 2, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, xuất bản 1989, trang 205.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:16:51 am »

Lúc này, các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích các xã Điện Tiến, Điện Hồng, Điện Văn, Điện Thọ... đều tổ chức một bộ phận lên Vành đai Hòa Vang tăng cường cho lực lượng chiến đấu tại chỗ để rút kinh nghiệm xây dựng phương án tác chiến chuẩn bị đánh Mỹ khi chúng kéo đến địa phương mình. Tiểu đội du kích Điện Hòa (Điện Bàn) trong 10 ngày “ra phía trước đánh Mỹ” diệt 12 lính Mỹ tại Hòa Châu, Hòa Vang. Tiểu đội Huỳnh Dạn (Tiểu đoàn 1 tỉnh Quảng Đà) trong 25 ngày đêm diệt 60 lính Mỹ, trong đó có trận tập kích diệt gần hết 1 trung đội Mỹ. Ngày 25 tháng 4 năm 1965, Đại đội I đặc công Đà Nẵng sử dụng một tổ 7 người đánh thiệt hại nặng 1 trung đội Mỹ trong trận Cầu Sắt Quảng Nam. Tại Núi Thành, Quảng Nam đêm 25 rạng ngày 26 tháng 5 báng một trận tập kích nhanh gọn, sau gần một giờ chiến đấu dũng cảm mưu trí, linh hoạt với tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” bộ đội ta dã tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ. Chiến thắng Núi Thành là trận tiêu biểu nhất cho cao trào diệt Mỹ ở Khu 5, là chiến thắng của tinh thần “dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và quyết đánh Mỹ”. Như vậy khi quân Mỹ vào Đà Nẵng và Chu Lai còn đứng chân chưa vững đã bị đánh ngay tại căn cứ của chúng, dân quân du kích kết hợp với lực lượng chính trị đã dựa chắc vào làng xã chiến đấu, bao vây tiến công các căn cứ của Mỹ bằng 3 mũi: Quân sự, chính trị và binh vận. Trên cơ sở đó bộ đội địa phương nêu cao khấu hiệu đưa lực lượng ra phía trước “tìm Mỹ mà diệt”. Tiếp đó, ngày 30 tháng 6, Đại đội 1 đặc công Đà Nẵng tập kích sân bay Đà Nẵng, phá hủy 59 máy bay các loại và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên Mỹ; ngày 5 tháng 8, tập kích kho xăng Liên Chiểu, diệt 1 đại đội bảo an, thiêu hủy 20 triệu lít nhiên liệu. Trong thời gian này, hai tiểu đoàn 1 và 2 tỉnh Quảng Đà chống địch càn ở Điện Hòa, Điện Thắng, đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn 39 và 11 biệt động quân ngụy. Ngày 25 tháng 10, hai đại đội 1 và 2 (Tiểu đoàn 89 đặc công Đà Nẵng) đột nhập tập kích sân bay Nước Mặn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm binh sĩ Mỹ, phá hủy hơn 100 máy bay trực thăng. Ngày 30 tháng 10, Tiểu đoàn 1 tỉnh Quảng Đà được tăng cường đại đội 1 Điện Bàn, tập kích san bằng cứ điểm Gò Hà, chốt điểm An Trạch, loại khỏi vòng chiến đấu hon 1 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ trong công sự vững chắc. Với hàng loạt các trận đánh trên khu vực vành đai và trong nội thành Đà Nẵng, quân và dân Quảng Đà đã thể hiện cao độ ý chí quyết tâm đánh Mỹ, đưa phong trào đánh Mỹ, diệt ngụy phát triển mạnh mẽ. Báo chí phương Tây từng thừa nhận: “Việt cộng là những người đánh nhau trong bóng tối và là những chuyên viên trong nghệ thuật dùng cạm bẫy và chông mìn... Bất luận ở đâu qua mỗi cuộc tuần tra, người lính nào cũng nghĩ rằng, bước thêm một bước có là bước cuối cùng của đời mình”(1).

Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân gấp rút chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trong mùa khô (1965-1966). Tháng 12 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 12, kết luận: “Mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch không thay đổi, do đó cách mạng miền Nam phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công”(2). Quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 12, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định quyết tâm: “Ra sức tiến công và phản công địch, kiên quyết tiêu diệt quân Mỹ và quân ngụy, đánh bại các cuộc phản công chiến lược của chúng, giữ vững và mở rộng căn cứ địa miền núi và vùng giải phóng đồng bằng, phát triển lực lượng cách mạng, nắm vững tư tưởng chỉ đạo tác chiến là chủ động tiến công, tích cực phản công”(3).

Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Đà chủ trương: “Sử dụng mọi lực lượng, vận dụng mọi cách đánh để tiến công tiêu diệt sinh lực địch, đánh bại các cuộc càn quét, giữ vững vùng giải phóng, hỗ trợ cho quần chúng vùng ven đô thị nổi dậy, giành quyền làm chủ, các huyện miền núi tăng cường bố phòng, bảo vệ hành lang và kho tàng”.

Ở Quảng Đà, trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng đánh phá, lấn chiếm các vùng giải phóng xung quanh Đà Nẵng nhằm thiết lập hệ thống căn cứ quân sự phòng thủ từ xa bảo vệ trung tâm chỉ huy và các lực lượng xuất phát đi đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Thực hiện quyết tâm đánh địch, quân và dân Quảng Đà tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt. Các đơn vị bộ đội, du kích ở bên trong và bên ngoài vành đai diệt Mỹ Đà Nẵng - Hòa Vang - Điện Bàn, liên tục bám đánh địch. Ngày 14 tháng 2 năm 1966, Tiểu đoàn 1 (R20) tập kích cứ điểm Bồ Mưng (Điện Thắng), đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 11 biệt động quân ngụy. Lực lượng pháo binh tỉnh bắn phá sân bay Đà Nẵng, Đại đội 4 (Tiểu đoàn 89), dùng cối 82 bắn phá sân bay Nước Mặn, phá hủy hàng chục máy bay. Đơn vị B15 công binh cùng bộ đội địa phương và du kích đánh hàng chục trận từ đèo Hải Vân đến Khánh Hòa, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên Mỹ - ngụy. Tiểu đoàn 1 (tỉnh) phục kích kết hợp vận động tiến công đánh thiệt hại nặng 1 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ; tiếp đó chặn đánh quân Mỹ tại Cây Da Lý (Lộc Hưng, Đại Lộc). Ngày 28 tháng 3, du kích Điện Ngọc tập kích diệt gọn 1 trung đội Mỹ.

Điển hình là trận đánh của Đại đội bộ đội địa phương huyện Đại Lộc và du kích Lộc Vĩnh (nay xã Đại Hồng) ngày 2 tháng 4 năm 1966.

Để dọn đường đổ quân càn quét ngay sáng sớm ngày 02 tháng 4 năm 1966, địch cho máy bay ném bom dữ dội dọc từ bờ sông Vu Gia đến làng Hà Vy và dọc rìa làng Ngọc Kinh, xã Lộc Vĩnh (nay là xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc). Sau đó là hàng chục máy bay trực thăng, có máy bay HU1A yểm trợ, đổ quân Mỹ xuống cánh đồng Hà Vy, một toán máy bay khác đổ thêm một đại đội ở sát bờ sông Vu Gia để tấn công vào làng. Dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của đồng chí Lê Văn Thanh, ta dựa vào thế của giao thông hào, công sự và rào vi chiến đấu và linh hoạt phân tán đội hình quần lộn với địch đánh suốt một ngày.

Kết quả, ta đã diệt gần trọn đại đội Mỹ, đánh thiệt hại gần 2 đại đội khác, loại khỏi vòng chiến đâu 160 tên Mỹ, thu 28 súng, trong đó có 1 đại liên, bắn rơi và phá hỏng 2 máy bay trực thăng.

Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm nên chiến thắng Hà Vy thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội địa phương và lực lượng du kích huyện Đại Lộc. Chiến thắng Hà Vy đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trên chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam.

Phong trào “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên chiến trường Khu 5 trong những năm đầu đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân và dân Quảng Đà đã lập nhiều chiến công, góp phần cùng Quân khu và toàn Miền đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của Mỹ - ngụy, trong đó, có sự đóng góp rất lớn của chiến thắng Hà Vy của quân và dân huyện Đại Lộc.


(1), (2), (3) Vành đai diệt Mỹ trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, BCH Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng 1996, trang 55,58,59.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:18:29 am »

CHIẾN THẮNG HÀ VY - Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, trước tình thế nguy khốn của bọn tay sai, đế quốc Mỹ quyết định thành lập Bộ chỉ huy tác chiến của quân Mỹ tại Việt Nam, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu của Mỹ vào miền Nam nước ta, tiến hành “Chiến tranh cục bộ” và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Mỹ triển khai chiến lược “tìm và diệt” với hai gọng kìm “tìm diệt”“bình định” do tướng Oét - mo - len đề ra, dự định thực hiện trong vòng 18 tháng.

Do quân Mỹ vào đông, liên tục càn quét và chốt điểm; quân ngụy gượng dậy, tổ chức phản công; mức độ ác liệt của chiến tranh tăng lên đã làm cho tâm lý ngại Mỹ xuất hiện. Ở một số nơi, có hiện tượng du kích “chạy xà đùa”, không dám đánh Mỹ. Một bộ phận quần chúng thiếu tin vào khả năng đấu tranh chính trị với quân Mỹ vì cho rằng ngôn ngữ bất đồng. Nhiều phụ nữ ngại đấu tranh trực diện với lính Mỹ vì lính Mỹ hay bắn bừa, giết ẩu và hãm hiếp trắng trợn, dã man. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu của Đảng bộ Quảng Nam và Quảng Đà lúc này là làm cho mọi người có tinh thần dám đánh Mỹ rồi biết cách đánh Mỹ, kiên trì phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”: giải đáp kịp thời các băn khoăn, lo lắng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khá phổ biến lúc này là: quân Mỹ vào, ngôn ngữ bất đồng, ta có thể tiến hành đấu tranh chính trị và binh vận được không ? Ta có thể giữ vững vùng làm chù, cán bộ, đảng viên và du kích đánh Mỹ bằng cách nào? Làm cách nào để ngăn chặn quân Mỹ từ căn cứ Đà Nẵng, căn cứ Chu Lai nống ra càn quét và chốt điểm?

Giữa lúc bao nhiêu câu hỏi đang đặt ra, thì đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 5 năm 1965, 1 đại đội lính Mỹ đổ quân chốt điểm ở Núi Thành, chúng đã bị Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 Quảng Nam tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu - Chiến thắng Núi Thành tuy là trận đánh nhỏ, số lượng quân Mỹ bị tiêu diệt không nhiều, song có ý nghĩa lịch sử, nói lên tinh thần cách mạng tiến công, sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm của quân ta hoàn toàn có khả năng diệt quân Mỹ, xua tan tư tưởng sợ Mỹ, dù chúng có ưu thế về trang bị và hoả lực. Và cùng chỉ gần một năm sau ngày 02 tháng 4 năm 1966, lực lượng bộ đội địa phương huyện Đại Lộc phối hợp với du kích xã Lộc Vĩnh (nay là xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) đã triển khai chiến đấu, diệt gọn một đại đội Mỹ trên cánh đồng Hà Vy, đánh thiệt hại gần 2 đại đội khác, loại khỏi đại liên, bắn rơi và phá hỏng 2 máy bay trực thăng(1). Cùng với chiến thắng Núi Thành, chiến thắng Hà Vy đã góp phần trả lời câu hỏi ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam và khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và nhân dân ta.

Chiến thắng Hà Vy là một trận đánh nhỏ nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với chiến trường Quảng Đà nói riêng và toàn miền Nam nói chung lúc bấy giờ:

- Thứ nhất, đây là trận đánh tuy không lớn về quy mô, nhưng là lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, một Đại đội bộ đội địa phương huyện phối họp với du kích và nhân dân xã đã diệt gọn một đại đội quân chủ lực của Mỹ có trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, qua đó góp phần làm giảm ý chí xâm lược của đội tự xưng là bách chiến, bách thắng, đồng thời làm thất bại một bước chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

- Thứ hai, Chiến thắng Hà Vy đã đã thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, khả năng chiến đấu kiên cường, dũng cảm của lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Đại Lộc. Qua đó, khẳng định sức mạnh của quân và dân huyện Đại Lộc, xóa tan tư tưởng gờm Mỹ, sợ Mỹ, nêu cao tinh thần “quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Đại Lộc nói riêng, tỉnh Quảng Nam và chiến trường miền Nam nói chung.

- Thứ ba, Chiến thắng này góp phần quan trọng khẳng định không chỉ bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh mà bộ đội địa phương huyện kết họp với dân quân du kích xã và hệ thống làng xã chiến đấu, vấn đề chọn cách đánh, thế tấn công, phòng ngự hợp lý cũng đánh tiêu diệt gọn được đại đội Mỹ.

- Thứ tư, Chiến thắng Hà Vy còn thể hiện sự đúng đắn về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự của Đảng ta, sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy Đại Lộc. Chiến công này sau đó được huyện, tinh biểu dương, đơn vị được tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Chiến công này được Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tinh đội Quảng Đà biểu dương và chọn báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Khu 5 lần thứ hai vào tháng 12 năm 1966, được Quân khu biểu dương là Đại đội địa phương diệt nhiều Mỹ nhất, thu nhiều súng nhất trong năm 1966 và phát động học tập trong toàn Khu. Chiến thắng Hà Vy cùng với chiến thắng Núi Thành, Quảng Nam vinh dự được tặng 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Thời gian đã lùi xa, nhưng bài học lịch sử về chiến thắng Hà Vy vẫn còn nguyên giá trị, đó là:

- Thường xuyên quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Đồng thời nắm vững phương châm “nắm chắc lưng địch mà đánh”, phải tận đụng những lợi thể của làng chiến đấu với hệ thống giao thông hào, công sự, hố chông, tre chống máy bay trực thăng. Trong xây dựng hệ thống làng, xã chiến đấu cần phải dựa chắc vào quần chúng nhân dân, xây dựng lực lượng quần chúng vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân, với phương châm toàn dân vũ trang, toàn dân đánh địch.

- Luôn nêu cao tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ cho quân và dân, phải thường xuyên xây dựng và củng cố niềm tin, quyết tâm đánh địch của quân và dân ta. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Toàn dân đánh Mỹ”, “Toàn tỉnh là một vành đai”, thực hiện khấu hiệu 3 bám: “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch”, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhà thực hiện phong trào 3 bám, đồng thời chỉ đạo cho lực lượng vũ trang huyện và đội du kích các xã tổ chức chặn đánh các cuộc càn quét của địch. Như vậy, là ngay từ khi quân Mỹ vào, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng, đặc biệt là công tác chính trị - tư tưởng, qua đó khẳng định tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ xâm lược.

- Phổi hợp, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng bộ đội địa phương với du kích, nhân dân địa phương để nấm chắc địa hình chiến đấu, chủ động trong tiến công, phòng thủ, đảm bảo an toàn cho lực lượng ta. Thực tế lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta cho thấy, đường lối chiến tranh nhân dân đã phát huy hiệu quả cao trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Thắng lợi của ta ở trận đánh Hà Vy đã đem lại những bài học lịch sử quý báu cho quân và dân Đại Lộc trong công tác chỉ đạo, điều hành chiến tranh cách mạng, nhất là khi quân Mỹ mới đổ bộ xuống chiến trường Đại Lộc.

Thời gian đã lùi xa nhưng chiến thắng Hà Vy mãi là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc. Chiến thắng Hà Vy đã góp phần làm phong phú thêm truyền thống vẻ vang của lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc nói riêng, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam nói chung. 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng Hà Vy vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.


(1) Theo Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006, tr.487.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:20:08 am »

HÀ VY HÔM QUA, ĐẠI HỒNG HÔM NAY

Huỳnh Phê(1)

Đứng trước những thử thách của sự sống còn của dân tộc, trước sự lựa chọn một trong 2 con đường: hoặc cam tâm chịu cảnh mất nước, nô lệ hoặc chấp nhận gian khổ, hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhân dân ta, dân tộc ta luôn dứt khoát chọn con đường “thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ý chí ấy, tinh thần ấy đã được thể hiện một cách sinh động và hào hùng trên mảnh đất Đại Hồng thân yêu.

Là một xã miền núi, phía Tây của huyện Đại Lộc, Đại Hồng nằm ở hữu ngạn, thượng nguồn sông Vu Gia, phía Nam giáp núi, phía Bắc là sông, dãi đồng bằng nhỏ hẹp do phù sa bồi tụ nằm ở giữa. Sông Vu Gia chảy qua địa bàn xã với chiều dài gần 15 km với quốc lộ 14B hình thành hệ thống giao thông thủy bộ quan trọng nối liền Đại Hồng với các xã lân cận trong huyện, cũng như giao lưu với các huyện Nam Giang, Phước Sơn. Quê hương Đại Hồng tự hào là nơi sông núi hữu tình, đồng thời cũng là quê hương có truyền thống yêu nước và cách mạng từ lâu đời.

Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX, nhân dân Đại Hồng sôi nổi, tích cực tham gia phong trào Cần Vương (1885-1887), đặc biệt phong trào chống thuế Trung kỳ (1908), mà ngọn lửa tại quê hương Đại Lộc.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng của nhân dân Đại Hồng lại được nhân lên mạnh mẽ, thông qua việc tham gia các phong trào đấu tranh do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân anh dũng đứng lên góp sức mình vào thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Đại Lộc vào ngày 19 tháng 8 năm 1945.

Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu. Nhưng tiếng súng vẫn chưa yên, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thẳng tay khủng bố, đàn áp những người yêu nước và giết hại biết bao nhiêu dân lành vô tội với chính sách “tố cộng, diệt cộng”, với luật 10/59, thực hiện phương châm “thà giết làm hơn bỏ sót”, thủ tiêu hàng loạt các đồng chí ta ở Khe Cổng, ở Miếu Ông Voi, bàu Ngọc Kinh, gò Mồ Côi... gây không khí chết chóc tang thương khắp thôn cùng, ngõ hẻm.

Thế nhưng, những hành động tàn bạo, khát máu của kẻ thù không ngăn nổi lòng yêu nước, ý chí quật cường của cán bộ và nhân dân Đại Hồng. Ngọn lửa cách mạng vẫn âm ỉ cháy trong cơn phong ba, bão tố. Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên kiên trung, bất khuất, thà hy sinh để giữ tròn khí tiết của người cộng sản, nhiều đồng bào yêu nước vẫn sắt son, thủy chung với cách mạng, kiên trì nuôi giấu cán bộ cách mạng trong vòng vây của kẻ thù.

Tháng 8 năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện, nhân dân Đại Hồng nổi dậy cùng với sự hỗ trợ của đội công tác diệt ác, phá kèm tiến công vào lực lượng địch, giành quyền làm chủ hoàn toàn xã Đại Hồng, bắt tay vào việc xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng.

Thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã gay go lại càng gay go hơn, đã gian khổ lại càng gian khổ hơn.

Với quyết tâm “dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ”, quân và dân Đại Hồng củng cố lực lượng về mọi mặt, trong đó chú trọng đẩy mạnh củng cố đấu tranh chính trị, binh vận, xem đây là mũi tiến công quan trọng.

Rạng sáng ngày 02 tháng 4 năm 1966, sau khi phi pháo, ném bom, bắn phá dữ dội ở thôn Ngọc Kinh, Hà Vy, Ngọc Thạch, Mỹ cho trực thăng đổ 1 đại đội lính Mỹ xuống bãi cát ven sông Vu Gia thôn Hà Vy xã Đại Hồng và chia làm 2 toán quân kéo quân vào làng Hà Vy. Ta nhận định địch sẽ tiến công nên nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Lực lượng du kích xã phối hợp với bộ đội huyện sẵn sàng đón đánh địch. Sau khi cấp tập nã pháo, dội bom, tưởng rằng đã dọn sạch đường, bọn Mỹ xông xáo tiến quân vào làng. Quân ta dựa vào hệ thống công sự, giao thông hào... đợi chúng đến thật gần rồi bất ngờ nổ súng tấn công, ngay từ đợt tấn công đầu tiên đã diệt gọn 1 trung đội Mỹ đi đầu. Bọn chúng nháo nhác lùi ra, gọi phi pháo bắn tới tấp vào làng và đổ thêm 2 đại đội Mỹ xuống ứng cứu. Ta đã linh hoạt phân tán đội hình, bám trụ, dựa vào hệ thống công sự, giao thông hào quần nhau với địch suốt từ sáng đến tối, tiêu diệt thêm 2 trung đội lính Mỹ nữa trong ngày đầu tiên. Đây là trận đánh xuất sắc của du kích xã Đại Hồng cùng bộ đội địa phương huyện Đại Lộc chiến đấu với 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của Mỹ có phi pháo và trực thăng yểm trợ giữa ban ngày.

Có thể nói, trong 10 năm, từ năm 1965 đến năm 1975 là những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng là những năm tháng vô cùng sôi động, hào hùng, thế hiện rõ ý chí cách mạng vô song và tinh thần anh dũng tuyệt vời của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Đại Hồng. Đó là những năm tháng mà cả xã là một chiến trường, kiên trì thực hiện phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”, đánh địch bằng quân sự, chính trị và binh vận, quyết một lòng theo Đảng đến cùng, giữ vững từng tấc đất của quê hương.


(1) Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đại Hổng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:20:43 am »

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ và nhân dân Đại Hồng đã bắt tay vào việc xây dựng lại quê hương.

Là một địa bàn ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên sau chiến tranh cả xã là một bãi bom mìn, đất đai hoang hóa. Từ các khu dồn nhân dân trở về làng cũ với bao khó khăn chồng chất. Nhiệm vụ đặt ra trong lúc này là tháo gỡ bom mìn sót lại sau chiến tranh, khai hoang, vỡ hóa để có đất sản xuất. Vừa giúp dân ổn định chỗ ở, vận động nhân dân tập trung cho sản xuất các loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày để cứu đói. Đảng bộ đề ra chủ trương có tính chiến lược, tầm nhìn xa, xây dựng nền móng cho xây dựng nông thôn mới sau này, đó là quy hoạch dân cư, mở rộng giao thông nông thôn, nên cuộc sống của người dân sớm được ổn định.

Từ năm 1975 đến 1985 tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là thời kỳ khó khăn, khắc nghiệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân phải gắng sức vượt qua: bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ, chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc, các thế lực thù địch chống phá bên trong, thiên tai, bão lụt liên tiếp xảy ra... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Hồng đã đoàn kết, tập trung trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thử thách để từng bước ổn định và đi lên.

Kinh tế tập thể giữ vai trò rất quan trọng ở nông thôn, năm 1978 địa phương xây dựng 2 hợp tác xã nông nghiệp, tập trung toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và hộ nông dân tự nguyện tham gia, cùng với đó là hợp tác xã mua bán ra đời, vừa cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng và sản xuất, còn là nơi tiêu thụ một phần nông sản phẩm do nông dân làm ra. Từ đây kinh tế tập thể cũng đã làm nên đập chứa nước Cây Xoay, Khe Bò, các trạm bơm và các phòng học mẫu giáo ở các thôn trong xã. Sự ra đời của các hợp tác xã đã hỗ trợ cho hộ nông dân trong sản xuất và đã giải quyết được một phần khó khăn lúc bấy giờ.

Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới trong phát triển kinh tế. Đảng bộ Đại Hồng đã biết vận dụng vào thực tế của địa phương mình để tập trung cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các giống mới và tiến bộ khoa học thuật vào sản xuất, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, kéo điện ra đồng làm thủy lợi hóa đất màu, đến nay đã có trên 70% diện tích đất màu được thủy lợi hóa, chủ động trong sản xuất các loại giống mới, đầu tư thâm canh cây trồng. Đất rừng ở Đại Hồng chiếm trên 85% diện tích tự nhiên. Để bảo vệ rừng và phát huy hiệu quả của kinh tế vườn đồi, trên 1.000 ha đất đồi gò đã được giao cho người dân quản lý, chăm sóc làm kinh tế vườn đồi, nhiều hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cây dứa và cũng từ đây đã có nhiều trang trại, gia trại được hình thành, mỗi năm có giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm đến phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất, đã giải quyết được một phần lao động nông nhàn và từng bước chuyển dần lao động từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp theo chủ trương ly nông không ly hương. Chính vì vậy mà đời sống người dân được nâng lên, đến nay thu nhập bình quân đầu người 23,5 triệu đồng/năm.

Đồng thời với nhiệm vụ phát triển kinh tế thì các vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng luôn được quan tâm. Thực hiện mong muốn của Bác Hồ “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Sau ngày giải phóng Đảng bộ, chính quyền địa phương đã vận động toàn dân xây dựng nên một Trường học cấp 1, 2 với các phòng học làm bằng tranh tre, nứa lá, bàn ghế được ghép bằng những thanh tre, nhưng cũng đủ cho con em được học tập để hình thành con người có nhân cách phục vụ cho quê hương, đất nước. Đến nay, hệ thống giáo dục ở Đại Hồng được phát triển vững mạnh, cả 4 trường học đều được tầng hóa khang trang, hiện đại với 46 phòng học và 22 phòng chức năng. Chất lượng giáo dục được nâng cao, cả 4 trường của 3 bậc học đều đạt trường chuẩn quốc gia mức 1, trong đó có 1 trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức 2 và được kiểm định chất lượng đạt cấp độ 3. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng được quan tâm, hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phố cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2, phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi và xáo mù chữ mức độ 2.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ, người có công cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân chất độc da cam... cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chăm lo thực hiện. Nghĩa trang liệt sỹ được xây dựng, tượng đài cấp khang trang với trên 550 liệt sỹ mồ yên, mã đẹp; tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị, cơ quan, tổ chức... nhận phụng dưỡng suốt đời. Phong trào “toàn dân đoàn kết xảy dựng văn hóa ở khu dân cư” luôn được duy trì phát động, có 90% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 80% số thôn được công nhận thôn văn hóa, mỗi thôn đều có cụm văn hóa, có các thiết chế văn hóa, có nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố, có khu thể thao đạt chuẩn quốc gia. Ở xã có nhà văn hóa và Trung tâm thể thao được xây dựng theo quy định chuẩn quốc gia.

Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được mở rộng và với sự hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của nhân dân nên các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 70% các tuyến đường giao thông nội được đổ bê tông rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Hệ thống chính trị luôn được củng cố kiện toàn, tổ chức cơ sở Đảng luôn giữ vững trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên; xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên; hoạt động của mặt trận, các đoàn thể nhân dân và hội quần chúng luôn được củng cố kịp thời, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp hội, đoàn viên và nhân dân tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Thật sự làng quê Đại Hồng với nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có những đổi thay.

Đến với Đại Hồng hôm nay là một diện mạo của một nông thôn mới đã và đang hình thành rõ nét, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống người dân từng bước được nâng lên, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, nhà ở được chỉnh trang, môi trường trong lành, rác thải được thu gom, các cơ sở trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia, cụm văn hóa, khu thể thao ở các thôn được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định; tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; mặt trận, đoàn thể xuất sắc... Chính vì thế, ngày 18 tháng 11 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định công nhận xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:21:17 am »

PHÁT HUY CHIẾN THẮNG HÀ VY TRONG ĐẤU TRANH
GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỎ QUỐC

Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc

Cách đây 50 năm, vào ngày 02 tháng 4 năm 1966 tại thôn Hà Vy xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng) đã diễn ra trận đánh lịch sử của Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc và du kích xã Lộc Vĩnh diệt 1 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy trận đánh không lớn về quy mô, nhưng về ý nghĩa thì đây là lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, một Đại đội bộ đội địa phương huyện đã diệt gọn một đại đội quân chủ lực của Mỹ có trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Cùng với chiến thắng Núi Thành, chiến thắng Hà Vy đã góp phần tô thắm truyền thống “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” trên quê hương Quảng Nam. Truyền thống vẻ vang đó là nguồn cổ vũ to lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở huyện Đại Lộc trong suốt nửa thế kỷ qua.

Đại Lộc là một huyện ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam, vừa có đồng bằng vừa có núi rừng, có vị trí chiến lược quan trọng. Đây là một trong những cửa ngõ đi vào thành phố Đà Nẵng, đồng thời là địa bàn quan trọng nối liền các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, các huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang và theo đường Hồ Chí Minh nối liền với Tây Nguyên hùng vĩ. Địa bàn Đại Lộc là căn cứ của phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam, phong trào Đông Du. Đặc biệt Đại Lộc còn là nơi khởi xướng phong trào chống thuế miền Trung năm 1908 làm rung chuyển bộ máy thực dân phong kiến đương thời.

Đại Lộc cũng là một trong những nơi sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 09 tháng 12 năm 1937. Đảng bộ huyện vừa ra đời đã tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh dưới nhiều hình thức. Qua gian nan thử thách, kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động, tuyên truyền, xây dựng cơ sở quần chúng được Đảng bộ tích lũy nhiều hơn để tiến tới một cao trào mới: Kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đất nước độc lập tự do chưa được bao lâu thì tiếng súng xâm lược lại nổ rền, nhân dân ta lại bắt tay vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai. Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý chí: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” nhân dân Đại Lộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thổi bùng của phong trào chiến tranh du kích rực sáng khắp nơi làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng để góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nhưng với dã tâm muốn xâm chiếm miền Nam, đế quốc Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ không chịu thi hành hiệp thương tổng tuyển cử mà xây dựng lên ở miền Nam chính quyền tay sai độc tài, phản động. Chính sách “tố cộng”, “đạo luật số 10/1959” đã đặt miền Nam trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Chúng ra sức truy lùng, vây ráp, bắn giết, trả thù những người tham gia kháng chiến. Trên địa bàn huyện Đại Lộc, chúng đã tổ chức hàng chục điểm “học tập tố cộng”, với đủ loại nhục hình từ “sám hối” đến tra tấn dã man. Hàng ngàn người bị bắt giam cầm, đày đi các nhà lao. Khe Cổng (Lộc Vĩnh), động Hà Sống (Lộc Quang), trại giam Ái Nghĩa và nhiều nơi khác đã từng chứng kiến những cảnh tượng đau lòng; đồng bào, đồng chí ta bị địch đóng đinh bỏ vào bao bố thả sông, hoặc bị “giết lầm hơn bỏ sót”... Nhưng kẻ thù càng hung bạo thì lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc càng được nung nấu trong nhân dân. Hằng trăm thanh niên bí mật thoát ly tham gia lực lượng vũ trang, hàng ngàn người dân yêu nước đã tích cực ủng hộ cách mạng, nổi dậy phá banh các “ấp chiến lược” để tiến đến cao trào đồng khởi giải phóng nhiều thôn, nhiều xã, tạo thành vùng giải phóng chiếm hơn 4/5 đất đai trong toàn huyện với khoảng hơn 80.000 dân. Đó là địa bàn vững chắc để ta tiếp lục cuộc chiến đấu mới trực diện với quân đội viễn chinh Mỹ về sau.

Từ khi những tên lính Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng, nhân dân Quảng Nam nói chung, Đại Lộc nói riêng phải trực tiếp đương đầu với một đội quân xâm lược nhà nghề với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”, phong trào “Hiến kế, hiến công” được phát động. Toàn huyện triển khai thực hiện chù trương “ba bám” (cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám dân) triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận) và chiến thắng Hà Vy đã mở màn cho phong trào đấu tranh chống Mỹ của bộ đội địa phương và du kích trên chiến trường Khu 5 nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng với một quyết tâm đánh Mỹ. Chiến công của quân dân Đại Lộc còn được Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Khu 5 biểu dương và phát động học tập ra toàn khu.

Đầu năm 1966, ở huyện Đại Lộc đã có mặt quân viễn chinh Mỹ chiếm đóng. Ái Nghĩa - Hoán Mỹ, Núi Lở (Đồi 65) được Mỹ chọn làm căn cứ của quân Mỹ, là trung tâm triển khai các hoạt động đánh phá các vùng A, B Đại Lộc. Ở đây mỗi nơi có trên 1.000 tên Mỹ với hàng chục khẩu pháo, 1 sân bay lên thẳng, 1 bệnh viện dã chiến. Ngoài ra Mỹ còn cho đóng thêm các chốt điểm, tăng thêm quân Ngụy và cố vấn Mỹ cho Thượng Đức. Từ đây quân Mỹ đã tập trung làm nhiệm vụ càn quét, đánh bật lực lượng ta ra khỏi địa bàn, dồn dân, lập ấp, lập vành đai trắng... Đi liền với bình định, đánh phá, khủng bố, địch tăng cường hoạt động “Chiến tranh tâm lý”, “chiến tranh gián điệp” kết hợp với hoạt động của các đảng phái phản động làm dao động nhân dân vùng kiểm soát, lôi kéo nhân dân ta vào vùng địch. Không ngày nào mất tiếng đạn pháo, tiếng máy bay gầm rú, tiếng thét căm hờn của người dân vô tội trước cảnh nhà tan, cửa nát, người thân ly tán. Nhưng “vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”, từ khi Mỹ dẫn xác đến chiến trường Đại Lộc, đặt biệt là từ kinh nghiệm đánh Mỹ ở Hà Vy quân dân Đại Lộc đã lần lượt đánh bại các cuộc càn quét lấn chiếm của địch với nhiều cách đánh sáng tạo hiệu quả lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Các phương tiện cải tiến bom min đánh địch, đánh Mỹ lết (một chiến thuật du kích của quân Mỹ) Mỹ C.A.D (chương trình hành quân phối hợp giữa quân Mỹ và quân ngụy), diệt xe tăng, xe cơ giới, diệt ác, diệt bọn bình định liên tục được phát động, đem lại hiệu suất chiến đấu cao. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ. Nhiều cụ già, em bé cũng tình nguyện đánh địch bằng tất cả mưu trí, sáng tạo bằng những gì có sẵn trong tay. Các cuộc đấu tranh chính trị tập trung hoặc nhỏ lẻ nổ ra đều khắp công tác binh vận làm tan rã nhiều đơn vị địch, giúp cho nhiều người lầm đường mang súng trở về với nhân dân, làm nội ứng trong hàng ngũ địch.

Đặt biệt trong hai năm 1969, 1970; địch đánh phá quyết liệt chặn các đường vận chuyển lương thực gặp nhiều khó khăn cho các hoạt động của ta. Tình trạng đói xảy ra ở nhiều đơn vị bộ đội, nhiều cơ quan, ban, ngành, trước tình hình đó được Đặc khu Quảng Đà giao nhiệm vụ, nhân dân ta và lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc bằng trí thông minh và lòng dũng cảm đã vượt qua hệ thống đồn bốt, các trạm gác, các toán phục kích tuần tiễu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là thu mua, vận chuyển lương thực cung cấp cho chiến trường. Ngoài ra, ở các vùng giải phóng, vùng tranh chấp, nhất là vùng B nhân dân đã kiên cường bám trụ, bất chấp bom đạn của quân thù, tranh thủ cả ban đêm để sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm và đã đóng góp hầu hết kết quả thu được cao của cách mạng.

Hiệp định Paris được ký kết, quân và dân Đại Lộc đã đánh bại âm mưu tràn ngập lãnh thổ của địch, tiến lên giành nhiều thắng lợi vang dội. Tháng 7 năm 1974 phối hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 và các đơn vị Đặc khu Quảng Đà, quân và dân Đại Lộc đã giải phóng Chi khu quận lỵ Thượng Đức, một cánh cửa thép án ngữ phía tây nam của thành phố Đà Nẵng. Đây là một quận đồng bằng đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Việc giải phóng Chi khu quận lỵ Thượng Đức cùng với việc đánh bại quân dù ngụy trong âm mưu tái chiếm Thượng Đức sau đó đã mở ra cục diện mới trên chiến trường miền Nam, đó là một trong những cơ sở để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 08:22:08 am »

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh đằng đẵng và khốc liệt hết đánh Pháp rồi lại đánh Mỹ, quê hương Đại Lộc vô cùng xơ xác, tiêu điều. Cả huyện lúc bấy giờ có 128 thôn thì có tới 116 thôn bị tàn phá nặng, nhiều thôn xóm không còn màu xanh của sự sống. Làng mạc, ruộng vườn bị hoang hóa, đày rẫy bom mìn, dây kẽm gai, hố bom và lau lách. Hòa bình lập lại, nhân dân từ các khu đồn và ly tán ở nhiều nơi về lại quê, đặt ra hàng loạt vấn đề về kinh tế - xã hội bức xúc cần phải giải quyết, nhất là về ăn, ở, bệnh tật, an ninh - trật tự... “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với khí thế phấn khởi mừng quê hương hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với nhiệt huyết cách mạng, cùng vói cả tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí cách mạng tiến công, quyết tâm thực hiện lời Di chúc của Bác Hồ trước lúc Người đi xa: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dụng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Toàn huyện đã dồn sức cho các chiến dịch “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiến công đồng cỏ”, “Toàn dân làm thủy lợi”, thâm canh tăng vụ. Máu của nhiều đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lại tiếp tục thấm sâu vào lòng đất, đem lại màu xanh cho sự sống và phồn vinh của một vùng đất. Những hổ bom sâu dần dần được san bằng thành ruộng lúa, nương dâu mượt mà, no ấm. Mười năm sau Đại thắng mùa xuân 1975, Đại Lộc đã kịp để lại những ấn tượng khó quên trong lòng đồng bào cả nước, cả tỉnh với những mùa vàng kỳ diệu trên cánh đồng cao sản Đại Phước (đỉnh cao năng suất lúa của cả nước: 21,6 tấn/ha/3 vụ), với những ánh điện bừng sáng từ sức dân của các nhà máy thủy điện Hố Bà Thai (Đại Quang 3), An Định (Đại Đồng), với mô hình nông - lâm - công nghiệp kết hợp ở Hợp tác xã Đại Đồng II (đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985). Cạnh đó là Hợp tác xã mua bán Đại Minh - con chim đầu đàn của ngành hợp tác xã mua bán toàn huyện, xã Đại Thắng - ngọn cờ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xã Đại Lãnh - xã “Toàn dân hiếu học”, Đảng bộ xã Đại Hiệp - điển hình trong công tác xây dựng Đảng,... Đáng chú ý là việc khởi công công trình Hồ chứa nước Khe Tân - công trình đại thủy nông lớn thứ hai của tỉnh, không chỉ là công trình “đền ơn đáp nghĩa” cho một căn cứ địa của Cách mạng mà còn giải quyết căn cơ vấn đề khô hạn ở vùng B, nơi mà thủy lợi chỉ là mơ ước ngàn đời của người dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc đã kiên trì vượt qua những khó khăn, thử thách do tác động của tình hình thế giới và trong nước cũng như cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt giữa tư duy cũ với tư duy mới khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đảng, đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, có tính đột phá, đáp ứng được yêu cầu thực tế địa phương và được nhân dân đồng tình, ủng hộ đã có tác động định hướng, làm đổi thay ngoạn mục diện mạo của quê hương trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Sự phấn đấu liên tục và bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang huyện nhà đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý, tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng Nhất cho cán bộ và nhân dân huyện Đại Lộc (năm 2014), danh hiệu Anh hùng Lao động được phong tặng cho xã Đại Hiệp (năm 2001) và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng vũ trang huyện (năm 2000) về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc đổi mới đất nước.

Chính trên nền tảng vững chắc ấy, hơn 10 năm qua, bức tranh kinh tế - xã hội của Đại Lộc tiếp tục có nhiều điểm sáng. Nếu như trong các năm 1997 - 2002, tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng bình quân 9%/năm thì trong các năm 2010- 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,51%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây đựng cơ bản và dịch vụ đạt trên 89% (tính đến năm 2015). Giá trị sản xuất bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 27,74 triệu đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2002. Từ một huyện thuần nông, Đại Lộc đã gia nhập nhóm các địa phương của tỉnh Quảng Nam có giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Với lợi thế có quốc lộ 14 B đi qua và gần thành phố Đà Nẵng, huyện ta đã và đang là “điểm đến” của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với 29 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 2.729 tỷ đồng; đã có 5 dự án đi vào sản xuất ổn định với tổng vốn đã thực hiện trên 1.117 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.097 lao động. Vượt lên những khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, một số doanh nghiệp lớn vẫn trụ vững và hoạt động ổn định như Công ty cổ phần Prime Đại Lộc, Công ty TNHH Broz-beckert Việt Nam...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được tích cực tổ chức thực hiện, nhất là ở 6 xã điểm (tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình này trong 4 năm 2011 - 2014 đạt trên 130 tỷ đồng, trong đó, nhân dân và cộng đồng đóng góp 25,5 tỷ đồng). Điều đáng phấn khởi là xã Đại Hiệp đã được công nhận là xã nông thôn mới năm 2014, 5 xã (Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường, Đại Hồng, Đại An) được công nhận xã đạt chuẩn vào năm 2015. Chương trình phát triển đô thị Ái Nghĩa giai đoạn 2014- 2020 đã được xây dựng và triển khai.

Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, trở thành một trong số 85 nền nông nghiệp phát triển nhất cả nước, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,57%/năm. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất được tăng cường. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, chú trọng kết họp giữa chăn nuôi hộ gia đình với chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, ứng dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến, mở rộng nuôi trồng thủy sản. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi (kể cả thủy sản) ước chiếm 34,04% trong nội bộ ngành nông nghiệp. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục được đầu tư theo các chương trình mục tiêu, các dư án đầu tư.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Giáo dục - đào tạo tiếp tục có nhiều chuyển biến về quy mô, cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên. Đến nay, 61/61 trường (từ mầm non đến THCS) đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm toàn huyện có khoảng 500 học sinh đỗ đại học (nguyện vọng 1). Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các cơ sở y tế ngày càng nâng lên. Các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng, phòng chống bệnh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai khá tốt. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế được tăng cường đầu tư, nhất là ở Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Có 14/18 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (theo chuẩn đoạn 2011 - 2020). Công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc trẻ em ngày càng được chú trọng.

Hoạt dộng văn hóa thông tin, thể dục - thể thao, truyền thanh - truyền hình được tổ chức thường xuyên, phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn triển khai tích cực. Đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.284 học viên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32%, trong đó tỷ lệ đào tạo nghề đạt gần 24%. Giải quyết việc làm cho 2.591 lao động/năm. Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công được tập trung thực hiện tốt. Hơn 10.000 hồ sơ chính sách các loại đã được thẩm định và chuyển lên cấp trên giải quyết; đã có hơn 938 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng trăm người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học được Nhà nước công nhận mới và giải quyết chế độ. Tổ chức sâu rộng, có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động toàn xã hội chăm sóc người có công, cải thiện nhà ở cho 1.256 trường hợp, đầu tư nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, quy tập hàng trăm mộ liệt sĩ...

Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.023 hộ nghèo với tổng số tiền trên 39,5 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2015 giảm xuống còn 7,09%. Bình quân mỗi năm giảm 3,03%.

Nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương hàng năm hoàn thành tốt. An ninh chính trị và trật tự an ninh toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp luôn được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng khăng khít.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tiến trình xây dựng huyện công nghiệp và nông thôn mới nhưng mỗi chúng ta không khỏi trăn trở, suy tư khi mà xuất phát điểm của kinh tế - xã hội Đại Lộc còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhiều mặt. Đội ngũ lao động có trình độ tay nghề chưa cao, tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, đầu tư toàn xã hội thấp. Cơcấu kinh tế chuyển dịch nhìn chung chưa thật vững chắc. Giá trị sản xuất trên một đơn vị sản phẩm còn thấp. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đi mạnh vào sản xuất hàng hóa, đầu ra của sản xuất không ổn định. Thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa mạnh. Thêm vào đó, Đại Lộc là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Nam, bão lũ, thiên tai triền miên gây rất nhiều thiệt hại về sản xuất, về kết cấu hạ tầng và trong đời sống nhân dân. Qua đó, chúng ta mới thấy hết sự nỗ lực vượt bậc, ý chí vượt qua gian khó để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà. Thành quả đó đã và đang tăng cường sức mạnh của huyện, làm thay đổi bộ mặt quê hương và cuộc sống của nhân dân, tạo ra những tiền đề quan trọng để huyện phát triển trong những năm tiếp theo.

Chiến thắng Hà Vy đã có những đóng góp to lớn với chiến trường Khu 5 và cả nước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không những là niềm tự hào mà là niềm động viên cho quân dân huyện Đại Lộc luôn thể hiện được tinh thần tiến công cách mạng, ý chí vượt khó, quyết tâm chiến thắng mọi trở lực, có tư duy sáng tạo, tìm ra cách giải quyết tốt nhất, hiệu quả nhất trong mọi tình huống trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM