Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:09:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Tây  (Đọc 8433 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #40 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 03:48:30 pm »

XVII


   Nghĩa đã xuống tới Ná Đắng.

   Những mảnh nương chín rực bé nhỏ bằng bàn tay giắt quanh đầu rừng. Sau cơn mưa lũ, nước chảy dũi mòn rã cả tường bếp. Một dây bí cạn đất, vươn ra, leo nhờ lên mỏm đá. Cuộc sống chống chọi qua suốt mùa lũ bão, còn thấy dấu vết tạm bợ dưới cái mái nhà dột, giắt tạm tàu chuối vàng quăn queo, trống hốc.

   Trong đám ngô già có tiếng xào xạc như gió lùa. Không phải, đấy là từng đàn chuột nhút nhít đương leo lên leo xuống khoét bắp. Thế mà cái lều nương mùa trước đã đổ sụp không ai dựng lại, cũng không còn người ở trông.

   Nghĩa cảm thấy Ná Đắng khác mọi khi.

   Mọi khi Ná Đắng cũng hiu hiu thế, nhưng không lợn vắng hơi người. Tuyệt nhiên hôm nay không nghe một tiếng đụng chày giã gạo trong gầm sàn, không một tiếng gà túc tích, không thấy thập thò những con dê vui tính hễ gặp người thì giỡn chạy, làm điệu bộ đùa cợt cong ngoắt hai chân sau.

   Nhà trưởng thôn Pàng kia. Nghĩa xồng xộc lên thang.

   Nghĩa trông ngay thấy Pàng. Nhưng cả nhà đương kinh hãi cái gì. Thấy động, hai đứa trẻ rúc vào trong cái cũi góc nhà, chúng ngồi nhấp nhô giữa đám giẻ rách và ống hạt giống. Bé em chưa biết sợ, lại còn to hó mắt nhìn rà. Bé anh chổng mông, úp mặt, hai tay bịt chặt mắt. Mẹ ngồi án ngữ trước cũi, như gà mẹ ủ con. Bố đứng ngoài cùng, mặt xám, liều lĩnh, như đợi đòn kẻ thù đương xông đến. Những người còn sức nhất quyết chống đỡ!

   Mắt Pàng nhìn chập vào Nghĩa, thất kinh, xanh lên.

   Những người còn sức đương chống lại, chống lại đến cùng! Pàng đứng dậy, cả vợ con Pàng đây. Hổ báo nào, ma quỷ nào định bắt Pàng đi theo vua theo quan? Nó vào đây. Pàng không đi đâu nữa, Pàng chỉ có một sống một chết. Nghĩa gọi to:

   - Đồng chí Pàng à!

   Pàng vẫn đứng yên, tay cầm dao, tay ngoái lại, quơ ra, bíu lấy, bám lấy cái cũi có hai đứa con trong ấy. Giữa cơn thảng thốt, những tiếng Nghĩa gọi lên đã khiến mặt Pàng dịu dần lại. Rồi lơ láo, một nắm tay Pàng vẫn giữ thành cũi buông xuống.

   Nghĩa nói tiếp:

   - Nghĩa đây. Cái gì thế, đồng chí Pàng?

   Pàng lắp bắp:

   - Anh... Nghĩa... à...

   Pàng từ từ bước ra. Nhưng cái sàn nứa sột soạt dưới chân lại khiến Pàng đứng lại, giơ tay, sắp muốn kháng cự, muốn đánh ai. Nghĩa chạy tới, dắt Pàng ngồi xuống trước bếp. Nghĩa dựng khẩu súng tựa vào hóc cột. Bếp tàn lạnh đã lâu Nghĩa đánh diêm, nhóm lửa. Vợ Pàng vẫn đứng nguyên. Chỉ có bé anh và bé em trong cũi đương lóp ngóp trèo ra. Trẻ con thấy người mới đến tươi cười ngồi chơi, đoán không có gì đáng sợ, đương rón rén ra.

   Hơi lửa thấm vào, làm tan cơn ngơ ngác. Pàng gọi khẽ:

   - Anh Nghĩa!

   - Việc gì thế?

   - Việc chết, anh Nghĩa ạ.

   - Sao?

   - Cả xóm này trốn hết rồi. Ở nhà thì bọn phản động bắt. Phải trốn lên rừng cả rồi. Chỉ còn tôi không trốn được thôi. Anh Nghĩa đi đi…

   - Bọn phản động đâu? Không được…

   - Chúng nó còn đương tìm bắt lợn ngoài kia kìa...

   Ngoài kia đã dầy đặc bóng tối từ lúc nào. Những gì xáo động khủng khiếp đương lùa vào khe cửa, khe vách. Kẻ cướp bọn xấu, bọn phản động...

   Nghĩa hỏi Pàng:

   - Những đứa nào?

   Rồi quơ súng. Nghĩa cúi khều to lửa.

   Soạt một cái, khẩu súng bị rút tụt xuống gậm sàn, Nghĩa hẫng đi, rồi bổ nhào theo.

   Nhưng nắm tay chỉ còn văng vào mặt nứa.

   Một bọn người lạ ồ lên. Nghĩa đứng phắt dậy. Chúng sấn đến, nắm chặt Nghĩa. Những đứa khác luồn vào, xô lên, vây ghì Nghĩa, như cả một cái chăn xám úp chụp lấy Nghĩa. Tiếng quát tháo hỗn độn xuống tận dưới cửa. Nhiều đứa còn đứng dưới ấy, chưa lên được.

   - Giết đi! Gớm thật, không còn con lợn nào!

   - Nó cho dân xóm chạy hết rồi. Lại còn gọi cán bộ xuống.

   - Phải giết thằng này thôi!

   - Không được. Kiêng máu cho vua ra, phải nhớ thế.

   - Không được. Giết cán bộ thì bộ đội đến báo thù.

   - Không sợ, không sợ. Ta sang Lào...

   Mấy đứa xô đến trói Pàng, đẩy cả vợ con Pàng xuống dưới nhà. Anh em bé lập cập trèo thang, ngã bổ vào bóng tối. Tiếng trẻ khóc ré lên, xa ra ngoài, rồi lặng đi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2020, 06:54:27 am »

XVIII


   Đêm ấy.

   Có một người từ trong rừng Ná Đắng theo suối Nậm Ma chạy lên Phiềng Sa. Chạy suốt đêm, mờ sáng thì tới.

   Đấy là ông cụ già thày cúng người Xá. Giữa bóng sương trắng bệch buổi sáng dưới dốc, ông cụ thất thểu bước ra. Người lử lả sắp chết. Chỉ còn một ý định sống trong đầu: đi tìm Chính phủ.

   Mấy hôm ấy ở Phiềng Sa, người các làng đến dọn dẹp nốt lần sau cùng để đón hàng Tết lên.

   Các nhà kho lương thực, trụ sở, ủy ban, trạm xá và trường học đương bộn rộn cất dựng.

   Vẫn những bác thợ già người Xá, người Dao khéo tay và chăm việc bao giờ cũng ra làm sớm.

   Tiếng đẽo gỗ quanh đám lửa sưởi nhen giữa đống vỏ gỗ trắng lốp, khói thông tỏa thơm ấm cả khoảng rừng.

   Ông già nọ ngước trông lên. ông già đứng lại. Đói, mệt khủng khiếp, vừa chạy suốt đêm từ chỗ chết lên chỗ yên vui, nước mắt ông cụ già bảy mươi tuổi cứ lấp lánh tràn xuống ướt ròng ròng đầy mặt. Rồi ông cụ khụy ngay xuống đấy.

   Các tay thợ đương đẽo gỗ chạy ra dìu ông cụ vào sưởi lửa.

   Những chị trong xóm xuống suối lấy nước sớm nói có ông cụ người Xá chết trong rừng.

   Chủ tịch Tỏa ở ngoài lều lò rèn nghe tin, chạy ra.

   - Chưa chết đâu, chưa chết đâu. A, cái lão thày cúng này bấy lâu biệt tăm, mới ở đâu mò về thế?

   Ông cụ lúc ấy đã hoàn hồn, nói:

   - Cán bộ ta phải bắt ở Ná Đắng rồi!

   Tất cả hỏi dồn:

   - Cán bộ Nghĩa a?

   - …

   - Cán bộ Thào Khay a?

   - Không phải.

   - Cán bộ Nghĩa rồi?

   - Phải bắt rồi!

   Ông cụ thày cúng người Xá hổn hển kể cho chủ tịch Tỏa nghe chuyện vừa xảy ra ở Ná Đắng.

   Những tiếng kêu thét:

   - Giặc về Ná Đắng!

   - Đế quốc lại về cướp của người Mèo, người Xá!

   Những ai đương làm gỗ dưới lũng vác búa vác đá chạy cả lên.

   Chủ tịch Tỏa hỏi ông già:

   - Có thấy trưởng thôn Pàng dưới ấy không? Thằng Pàng thế nào.

   - Không thấy.

   Chủ tịch Tỏa lạ quá. Pàng đâu? Mới hôm trước, chủ tịch Tảo vừa ở Ná Đắng. Sau lần lão Ngù trốn đi, chủ tịch Tỏa còn xuống lần nữa. Ông chủ tịch xuống lần ấy bàn với trưởng thôn cho người lên học nghề rèn. Người Xá chưa có cày bừa bao giờ. Bây giờ cày bừa sắt đã đến với người Xá. Chủ tịch xã và trưởng thôn trò chuyện ăn ý lắm. Pàng rất tốt. Thào Khay nói đúng. Pàng xứng đáng là đảng viên. Có khi bọn phản động giết mất Pàng rồi!

   Ông cụ người Xá ấy còn lẩm nhẩm thêm những gì nữa, nhưng xung quanh nhiều người xô đến, đã nhốn nháo lắm.

   Chủ tịch Tỏa nói như hô to:

   - Xuống Ná Đắng!

   Đám người lặng ngắt đi, rồi bỗng reo ầm lên như nước trong núi vỡ ra.

   - Xuống Ná Đắng ngay bây giờ!

   Chủ tịch Tỏa đeo súng, phốc lên ngựa. Vào nhà bà Giàng Súa, không thấy Thào Nhìa, chủ tịch Tỏa càng tin việc ghê gớm đương xảy đến. Chỉ có một người về châu Yên báo tin cho ủy ban và châu ủy, còn thì cả làng chạy xuống Ná Đắng. Ai cũng thấy phải đến ngay Ná Đắng.

   Khúa Ly bối rối ra tàu ngựa sau nhà. Không yên cương, Khúa Ly đóng cả cái nạng thồ vào lưng ngựa rồi trèo lên, ngồi khép chân, phóng đi.

   Trong mỗi nhà khuất trên núi, khắp các làng Mèo, làng Dao, làng Thái, làng Lừ dọc suối Nậm Ma, từng toán người chạy ra, lật đật đổ ngựa xuống dốc.

   Lúc ấy, các cụ già nhớ chuyện ngày trước, vua quan thù nhau thì xui cả một vùng thù nhau, đánh giết nhau. Làng nào, họ nào thua phải bỏ đất kéo đi. Làng nào được, họ nào được tha hồ giết người, đốt nhà, cướp của cải họ khác. Một đời người triền miên những chém giết đến nỗi trên mình ai cũng có vết thương. Nhát dao nhát búa chém đầy trên cuộc sống, đời này chồng chất lên đời khác.

   Nhớ lại thế các cụ gọi con cháu, bảo: "Giặc cướp lại về hại nhân dân ta, nó về đến Ná Đắng rồi. Không thể được. Người Mèo không bao giờ biết sợ. Con cháu phải đi mà giết nó!"

   Những người trẻ giận sôi lên: Đế quốc vua quan lại ngóc cổ! Ta phải đi đánh giập đầu con dê thối xuống!

   Có người vác súng, nhiều người chạy không. Có người chỉ độc một cái dao rừng đeo lưng cũng nhất quyết xuống Ná Đắng. Những chiếc ngựa không yên nhảy lóc xóc.

   Bà Giàng Súa và Mỵ luống cuống, vừa rảo bước vừa chạy. Rồi mẹ đau chân, không đi nhanh được. Hai mẹ con lạc nhau vào đám đông sôi sục đi như đan lưới. Mẹ và con càng bối rối. Bà Giàng Súa lo quá. Hay là Thào Khay bị rồi? Mọi khi Thào Khay thường xuống Ná Đắng. Bây giờ Thào Khay thế nào…

   Đường lên tắt qua một dải đá nghiêng dài trước mặt, như từ bờm ngựa dốc xuống. Những tảng, những hõm, những tai đá, không biết có người giẵm đi từ bao đời, cứ áng mỗi sải chân lại hằn lõm trong đá một vết bước nhẵn lỳ. Chẳng ai chạy theo vết đá nữa. Người ùa lên như cơn lốc cuốn qua đèo.

   Bà Giàng Súa bước thất thểu, vừa đi vừa kêu:

   - Thào Khay! Khay!

   Lại kêu:

   - Nhìa ơi! Nhìa ơi!

   Khúa Ly đã ruổi ngựa kịp bà Giàng Súa. Những người đi cùng đấy vực bà Giàng Súa lên ngồi trên nạng thồ ngựa của Khúa Ly. Khúa Ly xuống kéo ngựa chạy bộ. Bà Giàng Súa càng xúc động càng lo, cứ mếu máo, gọi luôn miệng:

   - Thào Khay! Khay!

   Làm cho Khúa Ly cũng nước mắt vòng quanh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2020, 06:56:30 am »

XIX


   Lúc ấy Thào Nhìa đương đi trong rừng. Cũng như mọi khi vào rừng lấy củi, lưng nó đeo địu. Trên mặt địu thò ra cái chuôi búa. Con ngựa nhỏ lon ton đi trước. Một tay nắm đuôi ngựa. Thào Nhìa khật khưỡng bước theo. Thào Nhìa vẫn chăm đi lấy củi, vài ngày một lần.

   Nhưng hôm ấy chính là theo lệnh ông cố đạo, Thào Nhìa xuống rừng Ná Đắng, đem đoàn người các nơi đã về tụ tập ở biên giới để chạy sang Lào. Ông cố đạo trên núi hôm trước đã truyền cho làm thế.

   Mà chân Thào Nhìa không thể bước, mỗi bước mới khó làm sao. Trong bụng lại còn nặng nề hơn bàn chân nữa.

   Lúc nãy, mẹ hỏi:

   - Mày lại đi lấy củi à?

   Câu mẹ hỏi có ý nghi ngờ, đượm vẻ thương hại. Thào Nhìa muốn ngã ngay xuống gian giữa nhà - gian nhà giữa thiêng liêng của người Mèo, chỉ một khi có người chết rồi mới được đem đến cho nằm đấy. Thào Nhìa muốn ngã xuống gian giữa nhà mà kêu lên:

   - Mẹ ơi! Nhìa đi đây. Năm trước, thằng Nhìa đi với khách Sìn. Bây giờ thằng Nhìa đã bán mình theo ông dạy đạo, nó lại phải đi theo ông dạy đạo. Chẳng biết có còn lần nào về được nữa không?

   Thào Nhìa không dám ngã xuống. Cũng không dám nói. Đã biết bao nhiêu lần, Thào Nhìa muốn nói rồi lại không nói. Cuối cùng, Thào Nhìa sợ tất cả. Có lẽ chỉ còn một mình mẹ vẫn là mẹ mình ngày xưa. Còn thì cả đất Phiềng Sa đã ruồng bỏ ta rồi. Nhưng ngay đến mẹ ta cũng không còn thương yêu ta như ngày trước nữa đâu. Ta biết thế. Nếu bây giờ mẹ biết ta vẫn là biệt kích thì ta cũng phải đi chịu tội thôi. Cộng sản không làm gì độc ác như người Hoa Kỳ nói. Nhưng nếu bây giờ ta bảo: Các ông ơi! Tôi vẫn làm biệt kích cho người Hoa Kỳ thì không biết sẽ sống chết thế nào. Chết mất. Mẹ cũng không thể cứu nổi. Thật thế. Trời ơi! Có lẽ nào. Càng lo hơn, bơ vơ hơn. Hay là cứ nói. Khó lòng... Trăm nghìn lần nghĩ đi nghĩ lại thế.

   Trong khi ấy, ông cố đạo - đi đâu ông cũng theo đến được cái điện đài trong rừng, những nạm thuốc cai nghiện mỗi ngày lại phải nuốt một ít, những cái đó như bóng ma trừng trừng mở cặp mắt trắng nhả nhìn Thào Nhìa, dỗ dành Thào Nhìa, dọa Thào Nhìa. "Ngày hôm nay là ngày vinh hiển của Chúa vì có nhiều người đã rời bỏ cộng sản, vượt biên giới đi tìm thế giới tự do. Cha báo cho con biết: nhiều nơi, có hàng nghìn người đi rồi. Ơn trên cho con thắng lợi. Con phải mau mắn lên!" Có bao nhiêu người đi hôm nay? Không biết, chỉ biết không ai quanh mình cùng đi. Chủ tịch Tỏa. Mẹ và em. Không thể dụ dỗ được. Không như ở bên Lào người ta tưởng là dễ. Biết thế này thì ông cố đạo ông thống lý không thể bằng lòng Thào Nhìa. Những người còn nghe đồn thổi đều là những người ở xa, ở dọc biên giới, hàng ngày tin tức đến lay động. Biết làm sao bây giờ?

   Thào Nhìa đứng nhìn lại Phiềng Sa.

   Lúc ấy, đột nhiên nhớ lại cái chợ ngày trước. Nhớ rành rõ cả hôm đưa em xuống chợ. Ngày ấy, Nhìa không hiểu tại sao người ta lại đuổi đánh mình. Nhìa tức lắm. Mãi sau, lăn lóc theo chủ khách, chủ tây ở nước người, dần dần Nhìa hiểu bọn có tiền và có quyền thì lúc nào cũng thích đuổi đánh người ta. Biết như thế, không băn khoăn, mà lại buồn hơn.

   Đi đâu bây giờ? Không thể đi về đằng nào được. Chỉ còn về với cái chết là yên tĩnh thôi. Ông cha mình đã nằm ở đây. Bấy lâu mình đi, tưởng mất xác ở đâu, giờ được về nằm xuống đất quê với cha ông, thế là có phúc rồi. Nghĩ vậy Thào Nhìa thấy người nhẹ và mọi ý nghĩ đều quang đãng.

   Thào Nhìa lại bước đi. Một tay nắm đuôi ngựa. Dường như chỉ còn có con ngựa nhỏ kéo hai bàn chân khập khiễng lê theo.

   Thào Nhìa đã qua khu rừng ngoài, qua cả những tảng đá phía trong.

   Thung lũng tỏa bóng mờ. Một tiếng chim gõ kiến khẽ dội quanh tảng đá cằn. Tiếng chó sủa, tiếng chuông cổ bò từ những làng xóm xa nào đấy vẫn chợt đến rồi vùi nhanh vào nền sương dày đặc đứng im.

   Đột nhiên, trời loãng trắng ra. Gờ núi lóng lánh nạm ánh nắng. Dưới thung, rừng vừa đen xạm, đã xanh lơ.

   Những lúc ấy, Thào Khay lại nhìn thấy Thào Nhìa nhô ra đằng xa, rất rõ. Dưới chân rừng thưa, con ngựa dừng lại nghênh mõm lên quơ dây lá má trên bụi cây. Thào Nhìa bước tới cạnh.

   Thào Khay đoán: này này, nó sắp rút búa trên lưng địu, nó sắp chặt củi, bó lại. Xong đâu đấy, nó ngồi nghỉ. Rồi nó đứng lên, trèo vách đá, tới chỗ bí mật để điện đài, đánh tin cho đế quốc Mỹ. Nó sẽ làm thế, như lần trước.

   Chỉ mới tưởng tượng thế, Thào Khay đã không còn thể chịu được cái công tác oái oăm và đau đớn này. Sớm nay, Thào Khay muốn đi báo cáo với châu, bắt ngay tức khắc thằng biệt kích. Nhưng Thào Nhìa đã lại đi củi. Thào Khay không thể rời nó. Cũng không kịp nói lại với chủ tịch Tỏa còn xuống xóm người Lừ chưa về, Thào Khay phải theo liền.

   Không như lần trước, Thào Nhìa hôm nay xuống ngựa rồi ngồi thật lâu ngay bên chân ngựa. Thào Nhìa ngồi yên không nhúc nhích. Đến nỗi, có lúc Thào Khay vừa nhác mắt chỗ khác, khi nhìn lại, bóng người đã lẫn vào vằn đá, không thấy đâu nữa.

   Rồi Thào Nhìa đứng dậy làm theo hệt như Thào Khay đã sắp đặt trong tưởng tượng. Thào Nhìa đương bám tay lên vách đá, chẳng khác còn kỳ đà leo cây.

   Lên đến trên mỏm núi, Thào Nhìa dừng lại, ngoảnh mặt về Phiềng Sa.

   Nó ngoảnh rất lâu, nhìn về những chỏm núi Phiềng Sa.

   Một lúc lâu.

   Mãi sau Thào Nhìa mới tụt xuống phía bên kia, như lần trước.

   Thào Khay lập tức trèo theo ngay, Thào Khay đoán như có gì khác xảy ra. Thào Khay quyết sang chộp sống thằng biệt kích. Thoắt cái đã sang tới. Con ngựa, bó củi và cái rìu vẫn nguyên dưới gốc cây. Thào Khay lần lên phía bên kia.

   Một tảng đá chìa mái, bành ra như cái tai voi. Cẩn thận, Thào Khay nhìn vào. Trong hốc tối, thấy buông lủng liểng hai cái chân người thò ra dưới hai ống quần đen về vệt bùn. Thào Khay nhận ra Thào Nhìa.

   Thào Nhìa đã thắt cổ trong ấy.

   Không do dự, Thào Khay vào, cắt nút thừng buộc dưới chòm rễ cây si trổ ngang trên đá. Một tay Thào Khay đỡ mình người thắt cổ, đặt xuống, xé toang áo nó ra. Ngực nó còn phảng phất thở.

   Lát sau, Thào Nhìa mở mắt.

   Thào Nhìa nói:

   - Đừng cho tôi sống nữa. Tôi không phải người Mèo. Bắn cho tôi chết đi!

   Ú ớ nói thế rồi, Thào Nhìa lại nhắm mắt. Nước mắt rỉ ra hai hố má.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2020, 07:00:56 am »

*
*    *

   Lúc này, dưới chân núi, người các làng đổ từ Phiềng Sa xuống, đương ùa vào Ná Đắng không bóng người.

   Nhưng thấy ngay cán bộ Nghĩa bị trói đứng ở cột nhà trưởng thôn Pàng.

   Nghĩa được cởi trói.

   Trong kháng chiến, chưa lần nào Nghĩa bị địch bắt. Từ khi giải phóng, không bao giờ Nghĩa tưởng mình có phen bị địch trói gô lại và khốn đốn đến độ chỉ vì chúng không giết cho nên Nghĩa chưa chết. Nghĩ thế, Nghĩa thấy chua xót và cảm rõ nỗi bấy nay giữa quần chúng và mình đã cách một vực sâu. Nghĩa thường qua lại Ná Đắng. Trong khi ấy, địch cũng tới lui được Ná Đắng, mà Nghĩa không biết. Có phải, từ khi hòa bình trở lại, trong công tác hàng ngày, Nghĩa đã không đủ tinh thần chiến đấu mặt giáp mặt kẻ thù như ngày trước, cho nên mới nên nông nỗi thế?

   Lúc mọi người ồ tới, cắt dây trói cho Nghĩa, ai nấy cực kỳ mừng rỡ, reo cả lên, thì Nghĩa xấu hổ, uất ức, buồn lắm mà cũng sướng lắm, cứ nghẹn ngào không nói được.

   Nhưng rồi ngay đấy, tỉnh táo lại, Nghĩa bàn với chủ tịch Tỏa, đưa một tổ du kích vượt qua suối, trèo lên đỉnh núi, nhìn phương hướng rồi tỏa đi sục những chỗ nghi ngờ bọn phản động đêm qua rút về phía ấy.

   Phía ấy tắt ra biên giới.

   Họ tìm lên tới chỗ đám người vòng trong vòng ngoài đương đổ rượu cho con đồng nằm đợi bay.

   Thấy động, một người đàn bà Mèo đỏ, váy xòe rách lướp tướp vừa xách cổ con gà trống to xù cuối cùng mới lôi trong địu ra, vứt con gà xuống đấy, nhớn nhác. Và tất cả những người đương làm thịt gà, thịt lợn hay đương lóc xương trâu, những người quỳ lạy, những người cởi trần nằm làm con đồng cho người khác đổ rượu cũng bật dậy, chạy rúm lại một đám. Những con mắt đờ đẫn, bối rối.

   Nhân dân ở Phiềng Sa xuống tới, vừa ngạc nhiên vừa thương xót, ai cũng vội vã hỏi:

   - Làm sao thế này?

   Những người tới sau, bực tức kêu lên:

   - Thịt hết lợn gà rồi, chặt hết chân tay rồi, không định sản xuất nữa a?

   Chỉ có một mình ông cụ gầy cao người Mèo ở Tà Ngào, đến đây xem đường đón vua hôm trước đã trò chuyện với trưởng thôn Pàng, lẩy bẩy bước tới, ngã xuống chân Nghĩa. Không ai biết ông cụ rên rỉ với người hay với đất, tiếng lẩm bẩm cứ dại đi:

   - Vua ra vua cứu cho bố mẹ chúng tôi sống lại, vua bảo thế.

   Nghĩa kêu lên:

   - Nằm đây mãi thì chết chứ sống sao được? Bọn phản động đã đánh lừa nhân dân rồi.

   Ông cụ già vẫn úp mặt, nói lầm rầm:

   - Không, người của vua bảo chúng tôi ở đây. Vua về vua cho lợn gà trâu bò, vua cho một cây ngô mọc ra thóc, ra đậu và thuốc phiện, hết lại có, ăn cả đời chưa tàn cây.

   Ông cụ già ngẩn ngơ nhìn lên:

   - Người của vua về bảo chúng tôi cứ đợi ở đây.

   Giữa khi ấy, quay lại, thấy trưởng thôn Pàng hấp tấp dưới suối lên. Nhiều người, cũng như Pàng bị nhốt dưới đó, đương chạy lên.

   Một đoàn người Phiềng Sa nữa lại vừa tìm được lối ùa tới, gọi to:

   - Trưởng thôn Pàng! Trưởng thôn Pàng!

   Người của ta, người của ta về cả đây rồi. Pàng thót bụng, tái mét mặt, hét:

   - Bắt bọn phản động lại! Chúng nói đương chạy trốn ra đằng kia kìa.

   Những người cứ chạy rối quanh. Cả những người ở đâu đến, mấy hôm ăn chực nằm chờ đón vua, bây giờ nghe tiếng trưởng thôn Pàng kêu, mới như sực tỉnh cơn thảng thốt. Người ta nhớ đến đám thống lý, thống quán và quản mán, bộ điệu độc ác nhà quan và những người áo đen, khuy tết đóng chéo, súng giắt lưng - bọn phản động, bọn buôn lậu, bọn kẻ cướp từ biên giới trà trộn vào xui người đem của đến đây ăn hết rồi bỏ sang Lào.

   Đến khi người ta chạy theo Pàng ra mé núi trước mặt thì bọn phản động nọ đã lủi từ lúc nào. Không còn bóng một đứa.

   Những người bị dụ dỗ lên đấy, còn lại, lạ lùng hết sức, cứ nhớ dần ra từng việc.

   Chủ tịch Tỏa hỏi ông cụ:

   - Lão này ở đâu?

   - Tôi ở Tà Ngào.

   - Lão có biết họ Giàng đúc lưỡi cày ở Tà Ngào không?

   - Tôi họ Giàng ở Tà Ngào làm cày đây.

   - Ô hay, họ Giàng nổi tiếng cày ở Tà Ngào đấy ư? Vào đây làm gì?

   - Tôi vào đón vua.

   - Cái lão này! Đã cất công vào tận đây thì phải đến ủy ban tìm chủ tịch Tỏa bàn việc đúc cày chứ sao lại chui vào rừng tìm thằng vua. Bọn phản động nói dối thế mà cũng nghe. Suýt chết không về được Tà Ngào đấy. Đứng lên thôi!

   Giữa lúc đám người đương nửa say nửa thức, từ trên chóp núi nghe đưa lại những tiếng xao động tới. Kỳ lạ, thế là có người lại nằm xuống, có người đã quỳ một gối. Những khuôn mặt lại dại đi, tối đi.

   Ông cụ người vùng Tà Ngào đương nói chuyện với chủ tịch Tỏa, cũng chợt nhìn lên. Bỗng ông cụ hoảng hốt quay bốn phía, bước lên bước xuống mà vẫn không biết làm thế nào sau đành đứng yên, nhắm mắt lại.

   Nghĩa hỏi:

   - Làm thế nào?

   Ông cụ nói nhỏ:

   - Người của vua ta, người vua ta đến rồi.

   Những người khác trong đám, cả người Mèo và người Xá đều nói thế. Câu nói run rẩy, hư ảo - tiếng thì thầm rùng mình truyền đi giữa người và giữa quãng đá lạnh ngắt. Rồi thì mấy tay múa, tay bợm đổ rượu, những con đồng từ nãy đã lặng im, rúm lại, bây giờ đột nhiên nhảy lên, rền rĩ hát:

      Vua ta về
      Người không đi nương
      Trâu nghỉ cày…


   Những tiếng quát, tiếng gọi, tiếng kêu: "Im đi! Im đi!” của đám đông bà con các làng vừa tới cũng không át được, cản được tiếng hát, tiếng khóc nức nở vì mê mẩn cảm động của những người bị dụ dỗ lại nổi cơn mê.

   Nhưng chẳng có gì lạ.

   Đám "người của vua ta” mà cụ già Mèo ở Tà Ngào vừa nhìn thấy đã kêu lên, là biệt kích Thào Nhìa mới ló ra trên đầu núi - đi sau, Thào Khay nhăm nhăm xách ngang khẩu các bin. Thấy người nằm gục, người nhìn lên, hoáng lên, lạc cả tinh mắt, Thào Khay nói to:

   - Tôi đây, y sĩ Thào Khay đây...

   Ông già ở Tà Ngào, cả bọn người quanh đấy, cứ úp mặt không ngẩng lên. Người đứng xa, người đương đi tới, người nào trông thoáng thấy Thào Nhìa cũng khuỵu gối, không dám ngẩng mặt lên. Có người nhốn nháo lùi lại.

   Nghĩa chưa hiểu sao, nhưng cứ hét to: “Không sợ! Không sợ!”.

   Chủ tịch Tỏa nắm cánh tay ông già Tà Ngào lôi lên. Những người các làng vừa mới tới liền rút dao, tìm gậy, xông ra phía Thào Nhìa.

   Trưởng thôn Pàng thét to: "Thằng phản động! Thằng này là thằng phản động to nhất đấy!”, rồi xăm xăm tới.

   Thào Khay đã dẫn Thào Nhìa đến nơi. Thấy quang cảnh thế - và lúc nãy ở trên hốc đá Thào Nhìa đã kể hết mọi chuyện nên Thào Khay hiểu ngay. Thào Khay trông thấy Nghĩa và chủ tịch Tỏa, cả Pàng, cả bao nhiêu người các xóm vùng Phiềng Sa, toàn nhân dân ta đã đến đấy. Cũng không ngạc nhiên, trước nhất, Thào Khay nói với đám người đương nằm rạp trên những tảng đá quanh đấy:

   - Nhân dân ta hãy đứng dậy, không sợ. Tôi là cán bộ Chính phủ. Thằng này là thằng biệt kích giả vờ ra hàng để bí mật đi dụ dỗ nhân dân, phá hại ta. Nó đã cùng bọn phản động lén về xui nhân dân bỏ sản xuất, bỏ Chính phủ, đi theo đế quốc Mỹ. Tôi đã bắt được nó, tôi đã bắt được cả tội nó đem đến đây.

   Thào Nhìa bỗng bật tiếng khóc to:

   - Mẹ ơi! Con có tội với mẹ.

   Thào Khay nói:

   - Nhân dân đã thấy chưa?

   Nhiều người đến nhấc xốc dậy những kẻ còn quỳ la liệt quanh đấy. Tiếng nhốn nháo:

   - Đập chết thằng biệt kích!

   - Thằng này định giết cán bộ Nghĩa đấy!

   Giữa cảnh xôn xao, dần dần, người ta hiểu những sự thật đã xảy ra.

   Ông già ở Tà Ngào bấy giờ mới như người ngủ mê vừa sực tỉnh, đến nắm tay chủ tịch Tỏa, run run nói:

   - Sóa Tỏa làm cày Phiềng Sa đấy ư?

   - Chủ tịch Tỏa đây, Sóa Tỏa làm cày ở Phiềng Sa đây.

   - Tôi mê rồi. Mấy hôm nay tôi mê nhiều quá.

   - Ông tỉnh rồi. Đừng mê nữa.

   Bà Giàng Súa đã lần được đến từ bao giờ. Không ai trông thấy Khúa Ly đỡ bà xuống ngựa phía ngoài. Nhưng cũng chẳng ai để ý.

   Bà Giàng Súa đã thấy cả mọi sự thể. Bà Giàng Súa ngồi thụp xuống, ôm mặt, lặng im.

   Một lúc lặng im lắng lại, lắng lại, cả quãng đời nặng như núi đương trở về. Bao nhiêu oan khuất, đắng cay, mới thoáng nghĩ đến, đã bủn rủn cả tay chân.

   Nhưng, mở tay ra, như người tỉnh dậy, bà Giàng Súa len tới trước mặt mọi người. Bà lập cập bước. Bà trông rõ tất cả thằng Khay, con Mỵ, thằng... biệt kích. Bà nức lên. Bà ngã sụp xuống. Nhưng bà Giàng Súa lại đứng ngay dậy, đến trước Thào Nhìa.

   Bà Giàng Súa cất lời, rành rọt, bình tĩnh:

   - Hôm nọ, mày nói mày chẳng còn là người họ Thào. Nay tao mới biết không phải hôm ấy mày say rượu. Phải, cái thằng Thào Nhìa là con tao nó đã chết từ ngày thống lý Sống Cổ bắt nó đi tải đồ cho khách Sìn rồi. Mười lăm năm nay hồn nó về làm con hổ ngã suối Nậm Ngù rồi hóa thành anh em người Xá rồi. Từ đấy, từ đấy, “một đời người mười đời quan", vua quan cũng chẳng còn ở yên để làm chết hết được các con tao. Con ơi, không không... thằng biệt kích này không phải... con tôi, nó không phải người Mèo đâu. Nó gọi mẹ nào chứ tôi không phải là mẹ nó nữa.

   Rồi bà Giàng Súa lê đến quỳ trước Thào Khay. Bà nói to: “Con ơi! Mẹ có tội với Chính phủ. Mẹ đã ngờ nó vẫn là thằng biệt kích mà mẹ không bảo con. Mẹ có tội to với Chính phủ". Rồi bà Giàng Súa gục xuống. Mỵ phải nhấc mẹ lên ngồi tựa vào phiến đá tảng.

   Thào Nhìa ngửa mặt, nhắm mắt, cứ kêu luôn miệng:

   - Giết tôi đi! Giết tôi đi!

   Đám người đã mấy ngày ròng rã nằm núi đón vua càng hiểu hơn, nhất là từ lúc trông thật rõ thấy người của vua thật như thế. Mọi khi chỉ nghe đồn, chưa mấy ai có phúc đã được thấy. Bây giờ lại hóa ra nó là thằng biệt kích! Người của vua không oai, không đẹp, nó đương bải hoải đứng như cái xác chết chưa liệm. Cái má, cái môi dầy vêu lên, cổ lằn một vết tím rớm máu.

   Lúc ấy, từ góc dưới núi, lại một đám đông tiến lên, lố nhố vàng rộm màu áo như áo bộ đội.

   Đúng, các đồng chí bộ đội và công an đương giải lên một bọn - những đứa này lúc nãy vừa ở đây mà trưởng thôn Pàng đã chạy theo đuổi bắt nhưng không kịp. Chúng vẫn lòng thòng nguyên trong những bộ quần áo thống lý, quản mán. Nẹp viền vải sặc sỡ, tua ngũ sắc đeo cổ, dấu vuông đỏ đóng lưng áo. Nhưng không còn hung hăng nữa, mặt chúng cắt chẳng ra một hạt máu. Trong bọn lố nhố bước tới có lão Ngù cắm mặt xuống, đi lom khom, lênh khênh.

   Từ lâu, các đồng chí công an đã chăng lưới ở biên giới.

   Thào Nhìa mở mắt ra, cũng nhận được trong bọn mới bị giải tới có hai đứa nhảy dù cùng đêm trước. Đêm ấy, hai thằng ấy đã đeo vòng cổ và mặc quần áo quan Mèo sẵn như thế.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2020, 07:03:33 am »

XX


   Thào Nhìa ngẩng đầu. Thào Nhìa khẽ gọi:

   - Mẹ ơi!

   Bà Giàng Súa đưa tay lên bưng mặt.

   Thào Nhìa lại gọi:

   - Mẹ ơi! Người chết lạc đi rồi có bao giờ còn về được không?

   Bà Giàng Súa nghĩ thoáng: người chết ở Nậm Ngừ mười lăm năm rồi mà vẫn về được, còn về được. Có phải thằng Nhìa không? Đây không phải thằng Nhìa. Cái nghĩ ấy đau đớn quá, không thành được tiếng nói. Bà Giàng Súa cứ khóc lặng trong lòng bàn tay.

   Thào Nhìa im một lúc, rồi quay lại hỏi Thào Khay:

   - Có bao giờ còn nối được anh em lại như ngày trước không?

   - Mày chặt gãy cái cầu anh em của tao rồi.

   - Tôi xin mua nó lại.

   Thào Khay quắc mắt:

   - Mày nói gì?

   Thào Nhìa ngước mặt lên, thì thầm. Thào Khay và chủ tịch Tỏa cùng cúi xuống nghe.

   Thế là ngay giữa trưa ấy, tổ dân quân du kích và các đồng chí công an châu Yên vừa lên, với Thào Khay và Nghĩa, cả chủ tịch Tỏa và Pàng, tất cả mải miết, lặng lẽ trèo lên một tầng núi cao nữa. Đến đây nhìn xuống con suối Nậm Ma chỉ còn như sợi lanh trắng ngần vắt qua biên giới.

   Lên một mỏm núi cao nữa. Rồi Thào Nhìa dẫn mọi người tới một cửa hang lơ lửng giữa vách đá. Trong hang, có một ổ vỏ bào máy nhỏ trắng mịn, thơm như rơm nỏ trải trên mặt đá thành tấm nệm êm vừa người nằm. Một chiếc hòm gỗ thông lật úp. Cái bi đông nhựa xám lăn phía trong. Vòm hang ấm vỏ bào còn thoáng hơi như có người ở đây vừa vội vã bước ra.

   Ở cái hang đá ấy, hôm trước, Thào Nhìa đã nói chuyện với lão cố đạo trường thần học ở Udon.

   Thào Nhìa nhô đầu nhìn vào hang rồi, nhợt nhạt:

   - Nó đi rồi.

   - Ai?

   - Nó.

   - Thằng Sống Cổ?

   Thào Nhìa mếu máo:

   - Không.

   - Thằng đế quốc Mỹ a?

   - Nó là đứa dạy đạo cho tôi.

   - Nó đi đâu?

   - Không biết.

   Một tay Thào Nhìa chới với giơ ra định làm dấu. Nửa chừng bỗng chán ngán buông thõng xuống. Uất ức, Thào Nhìa đạp cái bi đông vừa văng ra. Lủng củng trong khe đá cũng rơi ra theo hai ba cái vỏ chai bẹt rượu cônhắc nhãn hiệu Camus 1863. Rượu của ông dạy đạo vẫn uống.

   Thào Nhìa ngã vật ra, uất quá, đau quá, khiếp sợ quá.

   Thào Khay và Nghĩa vẫn chưa kịp hiểu "đứa dạy đạo" là ai. Chủ tịch Tỏa trèo lên sau cùng, thấy tình hình ấy, chẳng biết đầu đuôi thế nào đã kêu ầm:

   - Gớm thật! Thằng đế quốc Mỹ chạy được rồi.

   Nhưng lúc ấy Thào Khay cũng không nghĩ đến "đứa dạy đạo", vẫn không để ý đến Thào Nhìa vừa ngã sụp xuống dưới chân. Thào Khay quay nhìn Pàng.

   Pàng đương run bần bật. Mặt Pàng vốn xạm đen, càng xám ngắt. Từ hôm qua, Pàng trải đã mấy lần sống chết. Lúc này, cơn giận còn đương sôi, giận run lên, hàm răng Pàng đánh cầm cập.

   Thào Khay bước đến nám chặt tay Pàng, lần nhanh, lấy mạch. Thào Khay lo Pàng ngất.

   Nhưng không, Pàng tỉnh. Pàng nói to:

   - Thằng giặc ác nhất lại trốn mất. Tiếc quá!

   Trong khi ấy, chủ tịch Tỏa xốc Thào Nhìa lên, dìu nó đến ngồi bên tảng đá, nói: "Đừng sợ! Đừng sợ! Làm người thì không được sợ cái gì cả!"

   Thào Khay nói với Nghĩa và chủ tịch Tỏa:

   - Tôi xin giới thiệu đồng chí Pàng vào Đảng ta.

   Trên đỉnh núi, giữa cuộc chiến đấu, có bốn người đồng chí đương đứng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #45 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2020, 04:03:43 pm »

XXI


   Có những cô gái đi qua nương, lấy lá làm kèn, thổi kèn lá gọi bạn.

   Thỉnh thoảng, cô ngừng lại, rướn mặt, nghe trong im lặng. Cô bẻ cây ngó điếc không bắp nhá lấy nước nhấp giọng, rồi lại thổi nữa. Đôi khi cô cũng chẳng gọi ai. Chỉ là người bạn tưởng tượng cô muốn gọi.

   Nương ngô bây giờ đã táp đi, vàng xuộm, rũ rượi. Nhưng mỗi cây ngô héo đã ủ trong thân mình gầy guộc một bắp mẫm tròn, to vồng, ngày một già hạt.

   Trong góc nương, nhô lên một đốm lá cánh sen thậm của một cây dền già. Dưới chân ngô còn sót một quả dưa leo chín quá, nằm vàng ệnh cạnh những luống đỗ gối vụ vừa nảy mầm. Ngô già, đậu xanh từng mùa xen canh, chen lẫn cây dền ăn lá và ăn hạt quanh năm. Cả con trâu, cái cày Mèo cũng lực lưỡng. Người Mèo cần cù, lúc nào việc đồng cũng sầm uất.

   Phiềng Sa lúc kháng chiến bị giặc đốt trụi. Làng xóm ruộng nương chìm vào rừng tranh.

   Bây giờ thì khác hẳn. Đứng trong làng nhìn ra đầu vụ cày cấy, thấy mây tràng lấp lánh trôi lẫn bóng nước sáng như mặt gương. Đấy là những con mương vắt từng vòng nước ruộng bậc thang leo tròn lên, quanh đến tận những chóp núi chỉ còn một núm cỏ giữ mạch nước.

   Người Hà Nhì nghe lời ủy ban nói phải, đã về ở cùng một xóm, giúp cho anh em Mèo biết làm ruộng bậc. Hợp tác xã năm nay đã chia hẳn ra một tổ cho chuyên đi tìm đất xẻ nương thành ruộng bậc thang.

   Từ xưa, ai cũng biết chỉ ở đâu có ruộng nước cày cấy suốt đời mới kéo được người định cư, làng xóm mới khỏi phải chạy theo những nương phá nương đốt. Ai cũng biết có ruộng làm thì khỏi phải lang thang. Nhưng trước kia không làm được. Bây giờ chúng ta đã làm được ruộng thang bắc bậc vào tận cửa. Những xóm Dao, xóm Mèo, xóm Hà Nhì, từ nhà ra ruộng, chỉ vài mươi bước đã tới. Các chị làm cỏ, tay che ô, lưng địu con nhỏ, thong dong đi. Mẹ xuống phạt bờ, những chú nhỏ ngồi chơi trong bóng ô, con chó theo người cũng luẩn quẩn tìm chuột quanh đấy.

   Ai từng biết Phiềng Sa ngày trước đều phải thốt lên:

   - Phiềng Sa bây giờ thật khác ngày trước.

   Con đường xuống châu Yên đằng đẵng dốc, ngày lại ngày vắt lên nhau; năm trước, người các làng đã cất công xuống sửa đường, hạ được nhiều quãng dốc lại làm cầu treo chống lũ. Tổ khảo sát của Sở công chính dưới khu lên, đóng cọc thăm dò, chuẩn bị làm đường to từng quãng. Lán trại của đội khảo sát, hết năm nay, đã nhích tới trên lưng dốc. Ai cũng tò mò kháo nhau: sắp nghe tiếng còi ô tô. Và ai cũng Coi đấy là việc tất nhiên của Phiềng Sa phấn đấu lên chủ nghĩa xã hội. Con đường chở bắp, tải muối, tải hàng, tải cả xinê đến, con đường đem những điều mong ước tới cho cả vùng, cho từng nhà.

   Phiềng Sa khác trước rồi.

   Chúng ta hãy cùng nhau kể những chuyện đổi thay từ Ná Đắng lên Phiềng Sa.

   Ná Đắng đã lập tổ du kích. Bọn buôn lậu, bọn phản động bên Lào không dám trắng trợn lẻn về nữa.

   Nhân dân Phiềng Sa, các làng Mèo, làng Dao, làng Lừ, làng Thái, làng Xá khác đem thóc, vải, đem quả bí, ống mỡ, ống giống đến giúp Ná Đắng. Trưởng thôn Pàng đưa lời Chính phủ về khuyên ta nên lập tổ đổi công. Có tổ đổi công giúp nhau làm, từng nhà mới thoát nạn đói. Hãy tổ đổi công cho quen, rồi sẽ lên hợp tác như các xóm khác.

   Hai mùa đổi công rồi, bây giờ đã thảnh thơi.

   Thảnh thơi mà nhìn lại, thấy chưa bao giờ bằng. Người Xá vốn nghèo, đã hàng đời xơ xác. Trong nhà chẳng có gì, chỉ có độc một lũ trẻ con gày yếu. Giờ đã sắm được trâu, được cày cuốc Năm ngoái, cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn, bà con biết thêm nghề trồng bông nương. Phong tục cũ tai ác bảo người Xá kiêng làm bông và không cho bắt chước người Mèo trồng lanh. Nhưng tháng bảy năm nay các xóm Xá đã có lanh bóc đem phơi khắp sân và từng nạm tơ bông bật, bông bay bay đầy nhà, như nhà người Thái.

   Đứng đầu sàn nhìn vào nhà thấy trên hóc cột ló ra cái chai đựng dầu hỏa, có chiếc ô đen mới treo trên vách. Nhà trưởng thôn Pàng thế, nhà nào cũng thế, rõ ra của cải của chế độ mình. Thóc nếp thóc tẻ cứ cất nguyên cả cum trên xà nhà. Vừa rồi lại đến kỳ giáp hạt khó khăn, mà buổi chiều, trong gầm sàn, nhà nào cũng vang tiếng giã gạo  om, chẳng ngắt quãng chiều nào.

   Trên Phiềng Sa đã có trường phổ thông ba lớp. Trường văn hóa tập trung thì mở một năm hai khóa ở ngay đồi cao đồn Tây trước.

   Các cán bộ đầu ban, đầu ngành nói: đã già đời không biết mặt quyển sách, bây giờ được Chính phủ cho về làm học trò.

   Sớm sớm nghe tiếng trẻ đọc bài. Tiếng trong veo:

      Muôx Đangv chaox cêx..
      (Mùa Đảng chào kê)
      Có Đảng chỉ đường
      Các dân tộc một lòng ra sức...


   Cờ Tổ quốc lượn mầu trước sân, trên những tụm hoa "mười giờ” rực tím và mấy cây hoa hồng nhỏ thật hiếm mà có một năm về nghỉ hè, thầy giáo đã cất công đem tận quê dưới Kiến An lên.

   Những chiều vắng nhất, mưa bụi nhầy nhụa trên đá, khói bếp phân vân quẩn mái nhà, mà đường xuống chợ vẫn hàng đàn ngựa về vắt cương đứng đầy trước cửa. Đống hàng đợi đóng thồ đã xếp ngay ngắn dọc thềm. Các mặt hàng của mậu dịch vừa mua, những bồ chè, những kiện lanh, những tải diêm tiêu - có cả hai chiếc thùng nhốt hai con khỉ độc và một con trăn mốc nằm cuộn tròn. Sớm mai, ngựa sẽ tải cả xuống châu Yên.

   Ba nếp nhà cửa hàng mậu dịch san sát đứng riêng một khu.

   Bách hóa tổng hợp có mấy trăm mặt hàng, từ áo bông đến chỉ đỏ, chảo gang, ấm tích, thìa nhôm, hạt tiêu... Bên gian thực phẩm thì muối, đường Việt Trì, miến Hoàng Mai, thuốc lào Độc Lập, thuốc lá Trường Sơn...

   Cửa hàng cày cuốc - người làng bắt chước mậu dịch, gọi là “cửa hàng tư liệu”, bày bán đủ cuốc bàn cuốc bướm, lưỡi cày dao quắm, búa tạ, dao thái cỏ ngựa, lại bán cả vòng chân chài và đinh đỉa.

   Từng gian, đầy phân lân, phân đạm, thuốc trừ sâu 666 hắc xì bên cạnh một kho chứa gang trữ cho xưởng rèn của chủ tịch Tỏa.

   Một cân bàn, hai cân treo đặt trước cái hiên rộng của cửa hàng thu mua, còn bề bộn ngổn ngang những ống sáp ong, hạt chẩu, hạt gấc, những tấm da báo, vảy tê tê, những địu ngũ bội tử, tam thất, xuyên khung, lanh sợi các loại, diêm tiêu, hạt óc chó, hạt đào.

   Cuối sân, một dãy tàu ngựa.

   Phía dưới, kho chứa hàng thu mua, kho muối liền với kho ngô, kho gạo của cửa hàng lương thực.

   Những cửa hàng cứ dần dần dựng lên. Như câu chuyện đổi thay của Phiềng Sa mỗi ngày thêm một chuyện. Năm trước, lúc đầu, ba bốn cửa hàng chung một gian. Chật chội quá đến nỗi có lần mua cho ngoại thương mấy con khỉ, con trăn, con sóc bay hay có khi mua được một con hổ sống mới sa bẫy, đã phải đem nhốt ngay bên vách cạnh giường nằm.

   Cửa hàng lúc ấy cũng chỉ mới dông dáo có ba người: Nghĩa cùng một anh dưới Phòng thương nghiệp châu Yên lên và một anh Mèo đỏ, bộ đội phục viên. Anh cán bộ dưới phòng mới lên, cố ở ít lâu, rồi nằng nặc đòi đổi công tác trở lại vùng thấp. Anh ấy sợ leo núi, ngại những khó khăn công tác vùng cao. Trong khi, cửa hàng cứ mở to và bắt đầu tuyển người Phiềng Sa ra làm. Nghĩa phải kèm cặp anh em mới từ học chữ đến việc giữ kho, biết cách phòng chuột cắn và chống mốc đến việc bán hàng. Nghĩa tập cho từng người bán các thứ dễ trước: muối, chảo gang, dầu hỏa, những loại hàng gọn món. Sau mới để đứng quầy bách hóa chào hàng. Cái kim, bộ khuy, những vật dụng lặt vặt mà hóa ra khó bán, vì nó vụn tiền mà người ta lại thường mua nhiều một lúc.

   Bây giờ thì cửa hàng đã đông người làm. Nhưng cửa hàng trưởng Nghĩa vẫn phải bận bịu tối ngày. Nghĩa thường dành nhiều thì giờ ra đứng quầy bán. Nghĩa quan niệm việc bán hàng và mua hàng là khâu quan trọng nhất của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Chỉ có tiếp xúc hàng ngày với khách hàng, người cán bộ thương nghiệp của chế độ mới nâng được trình độ chính trị và nghiệp vụ, mới nhận ra ý nghĩa tư tưởng ở một cái kim, một cân muối, một tập giấy, một buộc lanh. Cửa hàng mậu dịch không phải chỉ là chỗ mua bán đổi chác những thứ cần thiết, cũng không phải nơi cửa quyền ban phát ơn huệ của cán bộ. Những cửa hàng mậu dịch ở Phiềng Sa đã như cái hoa nở cho con ong đến hút mật. Những cửa hàng mậu dịch ở Phiềng Sa đã thu lượm và trao đổi được tình cảm, nguyện vọng, tâm tư với mọi người, thật đúng cửa hàng là của mọi người.

   Cửa hàng đã thành nền nếp người nào gọn việc ấy, nhất là trong những ngày chợ.

   Ngày chợ, cửa hàng ăn cơm sớm và đóng cửa muộn. Tất cả thì giờ dành phục vụ nhân dân về chợ. Trọng tâm công tác cửa hàng đặt vào năm ngày chợ hàng tháng. Từ sớm, trong kho còn tối om, Nghĩa đã cùng anh em khuân từng súc vải xuống bày và khiêng bì muối lên đổ sẵn vào quầy. Ngọn muối trắng ngần mỗi sáng sớm bao giờ cũng phải đụng lên tới đúng đuôi cái cân treo chổng vộc.

   Mấy phiên, cửa hàng có vải đen chéo Nam Định, láng Tứ quân tử, xanh Sỹ Lâm. Chị em Mèo rất mê mua láng đen và xanh chéo để làm vạt áo. Quanh gian hàng vải, người mua người xem không lúc nào ngớt. Xé vải, ghi sổ, tính liền tay, nói cười luôn miệng. Tiếng gọi chen ra chen vào "Cán bộ Nghĩa! Cán bộ Nghĩa!" nổi quanh quầy hàng.

   Cửa hàng trưởng Nghĩa ra đứng bán đỡ hai chị ở quầy vải để khách khỏi ùn lại. Người các làng xa lắm về đây, nếu phải chờ lâu, Nghĩa cũng sốt ruột hộ. Nghĩa nghĩ: nhân dân là khách lại vừa là chủ cửa hàng. Nghĩa đã xem câu ấy ở một quyển tiểu thuyết nói về những người bán hàng mậu dịch. Nghĩa chép cả câu vào sổ tay.

   Phiên chợ nào cũng vậy, tối đến, soạn tiền xong thì đã khuya lắm. Nhấc khẩu súng xuống để ghếch trên đầu giường, bấy giờ những người bán hàng mới ngả lưng nằm.

   Đồng chí cán bộ công tác ở khu du kích Phiềng Sa lúc kháng chiến bây giờ vẫn ở Phiềng Sa làm chính trị bằng thước vải, bằng viên thuốc sốt, hạt muối, sợi thuốc lào, địu diêm tiêu, chăm lo từng một suy nghĩ, một băn khoăn sinh sống hàng ngày của mỗi người. Trong thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tập trung và thể hiện biết bao nhiêu chính sách mà người cán bộ phải nghĩ cách làm.

   Mười lăm năm công tác cách mạng bây giờ Nghĩa mới lại hiểu cách mạng hơn, rõ cách mạng hơn. Mỗi lần nhớ đến chuyện Ná Đắng, lại giật mình tưởng ai lại vừa tới giày vò, nhiếc móc cái thói quen hời hợt và chủ quan đã bắt đầu nảy nở trong người cán bộ, từ khi kẻ thù giai cấp không còn dựng đứng trước mặt anh như lúc kháng chiến nữa. Không muốn cũng không được, những sai lầm ở Ná Đắng đã dẫn anh tới chọi mặt với chúng. Bước vào chủ nghĩa xã bội trên nửa đất nước và trên nửa nước đằng kia ở miền Nam đương chiến đấu giải phóng, cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến và đế quốc đã gay gắt và thấm thía đến cả từng công tác, từ một hạt muối, một tấm lòng.

   Sau đấy, Nghĩa vẫn tiếp tục được trên khu giao lên xây dựng cửa hàng Phiềng Sa.

   Nghĩa lại được bầu lại vào ban chấp hành châu đảng bộ châu Yên. Nghĩa cảm động sự sáng suốt và độ lượng của Đảng và các đồng chí. Nghĩa càng cố học tập, nghiên cứu, nghĩ và làm cho những cửa hàng thương nghiệp ở Phiềng Sa được như ngày nay, những cửa hàng xứng đáng với nhiệm vụ chiến sĩ thương nghiệp của chủ nghĩa xã hội.    Ngày mùa, làng xóm bận ruộng nương không về được chợ, cửa hàng đeo địu, thồ ngựa đưa các thứ cần dùng đến tận xóm.

   Một đồng chí người Dao bán "tân dược" kèm con ngựa thồ vừa tới. Đằng sau lố nhố mấy người dắt ngựa, cưỡi ngựa. Mậu dịch Phiềng Sa đem hàng về bán dưới xóm. Họ xuống Ná Đắng, ra tới cửa suối Nậm Ma, qua từng làng Mèo, làng Dao, làng Lừ, làng Thái, làng Xá...

   Những cô gái người Pú Pjéo, người Lô Lô, người Mèo đi qua nương hay quen tay ngắt lá làm kèn thổi gọi bạn. Cô thổi kèn lá. Cô xuống bẻ thân cây ngô điếc nhá ăn để lấy nước nhấp giọng. Rồi lại thổi nữa.

   Một cô trông thấy Nghĩa, gọi:

   - Cán bộ Nghĩa xuống bán hàng dưới Ná Đắng à?

   Nghĩa vẫy tay lên:

   - Tôi về khu đây.

   - Đi công tác xa thế, có nhớ cái Mỵ không?

   Rồi các cô cười.

   Nghĩa hỏi to:

   - Có cô nào gửi mua hàng dưới khu tôi mua hộ nào!

   Nhưng các cô gái dân tộc Pú Piéo vui tính vẫn bíu nhau, ngả nghiêng cười chưa dứt.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #46 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2020, 04:13:35 pm »

XXII


   Mùa mưa hết từ lâu. Con suối Nậm Ma hung hăng đã đổi nét mặt hiền từ, bây giờ bước qua suối chỗ nào cũng được.

   Ở trạm Ná Đắng, các đồng chí thủy văn mới bắc cái cầu mây qua suối. Sợi dây tời kéo "cá sắt" đo lũ chưa kịp cất, còn chống lửng ngang lưng cây chò.

   Trong đêm khô tạnh, tiếng con chim lạ ở đâu kêu, nghe lóng lánh như tiếng nước chảy canh khuya, khiến có lúc còn giật mình tưởng con lũ vẫn đuổi sau lưng.

   Nhưng không. Những ngày đầm ấm cuối năm đã tới. Vải lanh để may váy áo mới đã phơi trắng đầu núi. Váy áo các chị suốt ngày hắc mùi lá lanh. Cố dứt việc để đi chợ, đi giữa chợ, hai tay vẫn hoa lên xe lanh. Và ở nhà, đến nửa đêm các chị còn tước lanh, tiếng vòng cổ tay vẫn lách cách bên kia vách. Nhưng mà vội việc may sắm thì bao giờ chẳng vui!

   Những phiên chợ cuối năm lại nhộn nhịp, đầy mong ước. Mỗi người một cách mong chợ. ông cụ người Xá dưới Ná Đắng đợi chợ để lên mậu dịch mua cái lưỡi cuốc, mua cái chân chài. Cô Mỵ nhớ Nghĩa, cô giơ tay đếm từng phiên chợ. Nghĩa xuống khu họp, họp xong có lẽ lại đi phép về xuôi. Thảo nào, cô Mỵ cứ phải tính ngày chợ, bồn chồn đến thế. Cô Khúa Ly thì mong Thào Khay. Thào Khay cũng xuống họp dưới khu. Đến ngày chợ này Thào Khay đã về chưa?

   Một chợ hai chợ, trai gái mong thương mong nhớ, và còn biết bao người yêu nhau, biết bao người có công việc đợi ngày chợ. Cán bộ Viễn, anh cán bộ thủy văn mới lên, nghe nói chợ Phiềng Sa vui, cũng náo nức thèm đi. Những anh chị vệ sinh viên các xóm về chợ đón thuốc muỗi DDT. Còn các thày giáo và cán bộ khảo sát đường, cán bộ địa chất đến đây, cố nhiên, ngày chợ trên vùng cao miền tây đối với họ đẹp như một ngày chủ nhật rồi. Các chị trong làng càng mong chợ. Nghe đồn cửa hàng vừa có vải chàm tấm in hoa trắng làm nền váy, khéo hơn cả hoa vẽ sáp. Các cụ, tay xách ô, tay xách điếu xuống chợ gặp bạn già, cùng nhau nhấm nháp bát rượu. Trẻ con mang lồng chim xuống chợ chọi chim…

   Từng đoàn ngựa thồ hàng rộn rịch lên. Những con ngựa nông nhàn các làng Mèo đã rời cái tàu ngựa nhỏ quây cọc gỗ đầu nhà, ra đi chở hàng cho mậu dịch. Con ngựa nhà chắc lăm lẳm, sức cõng trên sáu mươi cân chưa kế nạng thồ, ba bốn ngày vượt dốc, mắt và tai vẫn tươi tỉnh, vó cất đều, đuôi phất như múa.

   Mậu dịch đã sửa soạn hàng Tết. Nô nức, người các làng đổ về chợ.

   Vẫn một thói quen cũ kỹ của tuổi già, mấy cụ người Hà Nhì đem hàng xuống chợ sớm nhất. Bó chân hương tăm mộc to như bó mạ, dựng la liệt từng cụm cạnh mấy xâu men rượu, với cả một địu bánh mật ủ kín lá. Vai địu thật khỏe, bắp nổi múi như đá tảng, các cụ còn hạ xuống nào những chiếu cói, nào ghế và mâm mây. Lại cả một cái hông nấu rượu vừa một người chui lọt. Một cụ đội cái hông nấu rượu lênh khênh cao vượt đỉnh đầu, phải cúi mới đặt nổi xuống đất.

   (Cái hông nấu rượu to quá, chẳng phiên nào bán được. Bây giờ không mấy ai nấu nhiều rượu còn cần đến cái hông to thế. Tan chợ, mọi thứ đều bán hết. Phiên nào cũng chỉ còn ế cái hông. ông cụ đội về. Chợ sau lại chịu khó đội hông đi).

   Các cụ người Hà Nhì bày hàng xong xuôi, ngước lên nhìn bãi chợ hãy còn sớm quá, còn vắng. Mới loáng thoáng mấy anh cán bộ địa chất, anh "khảo sát" áo xanh mũ "cát" mới. Họ đi chợ vác theo cả thước đo, bạt và cái chân gỗ máy ngắm!

   Nhưng trong nhà mậu dịch, những cánh cửa hàng sáng cả bốn phía đã dựng gọn lên, đẹp tươi nguyên như tờ tranh màu của phòng thông tin. Nhân viên bán hàng đã tề chỉnh ra đứng quầy. Hai cô mậu dịch người Lô Lô có khuôn mặt trắng bầu lúc nào cũng đỏ ửng và mỉm cười. Một cô bách hóa, một cô bán vải. Ngày chợ, diện váy áo dân tộc, hai cô cùng đẹp như nhau: áo chẽn khuy chéo, hoa đỏ thêu rực rỡ trên ngực, cái váy vuông vắn bốn thước láng đen nhánh.

   Gian cạnh đó, một thanh niên Mèo chăm chú thử thăng bằng chiếc cân treo để cân muối trong quầy thực phẩm. Hơi muối lên nước đã cọ đen kịt mặt gỗ. Anh cẩn thận xem lại cái cân. Chốc nữa, người mua nhộn nhịp, không thử được.

   Trên bãi trước, các gian hàng đã đầy người và bộn bề đủ mọi thứ của một ngày chợ.

   Bánh ngô, bánh dầy - có người đem bán, có người đeo đi ăn. Vừa đến chợ đã tìm đá kê để bắc bếp, quạt than hồng rồi nướng bánh nghi ngút.

   Bên hàng rượu đã bày ra từng chồng bát.

   Hàng "thắng cố" to nhất. Khách mua xúm.xít quanh cái chảo đương sôi sùng sục. Một làn khói đục, nặng, mơ màng ngào ngạt béo quyện lên quanh từng buộc thịt với xương, từng buộc mỡ với bạc nhạc. Trong chảo xếp một bó chân giò nào chân bò, chân dê, nào chân chó. Ông hàng người Mèo lại vừa ném thêm xuống chảo một cái đầu dê có hai con mắt lé lên, răng nhe như con dê còn đương kêu be be.

   Mấy cụ già, lưng đeo ô, tay xách chiếc điếu cày. Các cụ vừa đến đầu chợ đã sà vào hàng rượu, ngửa bát. Bà hàng biết lệ đong ra mỗi cụ một ống nửa cân rượu đầy. Một cụ sẻ ra hai bát, tay nâng, mời cụ bạn làng xa về, cách đã mấy chợ đến hôm nay mới được gặp. Rồi thôi thì mọi chuyện đố ra, chuyện hợp tác xã đương lập, chuyện con dâu xấu con dâu tốt, chuyện đổi công chuyện lên hợp tác, chuyện đóng móng ngựa ở lò rèn ông Tỏa, chuyện con trai đi nghĩa vụ xuống dưới khu mới có thư gửi về, lại chuyện người bên Lào vẫn nhắn về khoe đế quốc Mỹ có cái tàu bay mười hai đầu…

   Sôi nổi nhất, đã có lần, luôn mấy chợ, các cụ chỉ nói về cái thuốc DDT hay lạ lùng. Nhưng bây giờ, chợ cuối năm, hầu như cả chợ đều bàn tán, đoán trước, đố nhau xem chuyến hàng mậu dịch sắp lên có những gì.

   Những chuyến hàng sắp lên làm xôn xao cả mọi người. Đầu ghế hàng rượu, một ông già nghiêng tai nghe đến méo hẳn một bên mặt, ông nghe ai nói đằng kia một câu gì chưa rõ.

   - Khách Sìn thế nào…

   Ông nọ cười khà khà, hút cạn nốt bát rượu, hỏi thêm:

   - Cán bộ Nghĩa à?

   Nhiều câu vằng lại, choang choác. Chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Cũng không rõ ai nói ai hỏi gì nữa. Có người cất tiếng kể:

   - Chính phủ ta mở chợ lập nên mậu dịch mà nó bảo...

   Một người đương kéo dở điếu thuốc, bỏ tắt ngang, nói to:

   - Ngày xưa có ai đã đếm được bao nhiêu người chết vì chen nhau mua muối chưa?

   Người thì reo, người kêu. Chẳng biết vì căm thù những chuyện ác ngày trước của quan Tây, quan Mèo, hay còn tức cái đứa vừa đâm một câu nói ngang, dám ví cán bộ Nghĩa với khách Sìn.

   Những cụ khác ngồi im. Tiếng tợp rượu êm nhẹ, lẳng lặng. Chiếc gáo múc của bà hàng khoan thai nghiêng cổ vò, đổ rượu ra, róc rách đều đều như tiếng con suối nhỏ chảy.

   Một ông lão mà người ta nghi đã chót nói câu đâm ngang lúc nãy bây giờ đương bần thần, lẩn mẩn nói một mình. Còn ông lão vừa cất câu mắng, vẫn rỉ rả kháy:

   - Này, có đứa cũng tiếc đấy, tiếc không còn lính đi bóp cổ đánh thuế. Không có lính uống rượu rồi vác cả vò đi, bà hàng này còn nhớ không? Thống lý ăn thuế mỗi vò hai cân rượu. Dễ thường nó còn tiếc cả bây giờ không có thằng Tây đồn giết người lúc nào cũng được.

   Ông cụ bị mắng bỗng cười khà khà, nói vội một câu cộc lốc:

   - Phải rồi, phải, nhớ ra rồi, không có thằng quan thống lý.

   Có người đùa:

   - Nhớ cả quan Mèo à? Thế thì đi lấy chân gà xem cái số thằng thống lý còn sống bên Lào hay chết bên Lào rồi mà theo.

   - Đem chân con dê thối về mà bói.

   Ông lão ngồi đằng kia bỗng dưng lại nổi giận, đứng dậy nói lung tung. Đám rượu các cụ ồn ào như một đám cãi nhau to.

   Nhưng chợ vẫn đông người mua bán, người đi chơi quanh cái hàng rượu lộn xộn mà không để ý. Chỉ có mấy cụ bà tất tả chạy lại, xem cụ ông nhà mình rượu vào có sinh sự gì trong đám ấy không. Một đám trẻ đến đứng xem rồi cười ầm ĩ. Lúc sau mới yên.

   Yên đâu đấy rồi, một ông cụ từ nãy vẫn ngồi lặng bây giờ mới đứng lên nói một hồi:

   - Này, các người ở đâu về mà định giết người ở đây? Quên rồi à? Các người có còn nhớ ông Nhìa Páo ngày trước, năm nào chẳng giết được một con ngựa tải hàng khách Sìn, năm nào làng ta chẳng được ăn thịt ngựa tải hàng khách Sìn. Có năm Nhìa Páo còn bỏ được một lũ gián, một lũ dế vào tai con ngựa nhất ngựa nhì của lão chủ ngựa Đèo. Thằng chủ ngựa họ Đèo dưới châu Yên mất nghiệp từ năm ấy. Có ai nhớ không? Ông lão Nhìa Páo này cả đời không ăn một hạt muối, thế mà sống lâu thế. Chỉ tội nỗi trời làm lão điếc tai. Nhìa Páo không nghe tiếng gì đâu. Sao lại dám mắng lão, đứa nào còn mắng lão thì ông ném cái điếu cho vỡ mặt mày ra! Không bao giờ Nhìa Páo nói nhảm. Nhìa Páo có công với cách mạng đấy.

   Nghe nói thế, những người say rượu lú lẫn mới ngớ ra nhìn ông. Nhìa Páo. Còn cái ông già một đời không ăn muối, ông Nhìa Páo ngày xưa lúc nào cũng thù đàn ngựa thồ hàng cho khách Sìn thì vẫn lẳng lặng ngồi uống rượu. Ông lão điếc chẳng nói câu nói ngang lúc nãy và cũng chẳng để ý gì đến xung quanh. Lão chăm chú nghiêng đầu như đương còn để tai nghe trên bát rượu ngô vàng óng.

   Giữa lúc ấy, một người thét to:

   - Ngựa mậu dịch lên kìa!

   Thế là, kể cả các cụ vừa ồn ào cãi cọ quanh hàng rượu, cả dãy bán bánh ngô nướng, cả ông lão người Nùng bán chiếu, cả tay đôi tay tư trai gái thổi khèn và những đám người lớn trẻ con chơi chọi chim trước cửa trụ sở ủy ban cũng bỏ lồng chim lỏng chỏng đấy, hò reo chạy ra.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #47 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2020, 04:18:39 pm »

Nhưng không phải.

   Đây là đám các đồng chí trưởng thôn và xã đội, cả cán bộ Mặt trận, cán bộ phụ trách xã ở những làng phía suối Nậm Ma lên trao đổi công tác với ban chỉ đạo. Mấy chị lên chợ cũng cùng đi trong bọn. Một anh bưu tá đeo túi thư đương vội vội lách ngựa vượt lên trước.

   Đã thành lệ, cứ cách phiên, cán bộ cơ sở lại về ban báo cáo sản xuất và công tác, và đường thư đi "nhị yếu” cách ngày của người bưu tá ở xã cũng cứ chọn chợ mà về.

   Ngày chợ trên vùng cao cũng là ngày công tác, ngày hẹn ngày chờ ngày chơi ngày nghỉ, nhiều vẻ. Trụ sở ủy ban xã và cơ quan ban chỉ đạo vùng cao Phiềng Sa, đến ngày chợ, như cái bến xe. Cả ngày tấp nập người tới người đi.

   Những con ngựa Nậm Ma hiền, mảnh dẻ, leo dốc suối lên, dây cương chỉ vắt hờ vòng quanh bờm, con ngựa vẫn trật tự đứng phất đuôi nguyên một chỗ.

   Đồng chí xã đội trưởng vội việc, vừa đến chợ, chẳng biết đã xin đâu hay mua đâu được một thùng những quả đào, chín muộn sứt sẹo vì trận mưa đá dạo nọ, đem đổ bừa ra đấy cho ngựa nhá tạm. Mấy con lợn cao lêu đêu xộc đến, tranh ăn với ngựa, cướp được quả đào nào thì tha ra xa, nhá côm cốp cả hột.

   Lại nghe những tiếng nháo nhác khác:

   - Ai lên dốc kia? Có phải hàng mới lên đấy không?

   Một đám đông nữa dưới dốc đương lên.

   Nhưng không phải hàng mậu dịch dưới châu Yên tới. Vẫn người dưới Ná Đắng lên chợ. Người Ná Đắng ngong ngóng đợi chợ, mỗi phiên càng lên nhiều.

   Vui nhất những anh trai khăn vố, giày cỏ. Ná Đắng hay Phiềng Sa, người Mèo hay người Xá, tuổi trẻ ở đâu cũng mau quên và dễ thiết tha. Trên đường về chợ, họ gặp nhau, cùng xuống ngựa, cầm tay bạn, lấy chiếc hộp gương đựng thuốc lá ra đổi mồi thuốc cho nhau, rồi chuyên tay điếu, mỗi người hút liền ba bốn hơi, rồi mới lại lên ngựa, rong ruổi về phía núi xa.

   Người các làng đi chợ vẫn đi lên từng bọn đông, khiến người trên chợ ngóng xuống, chốc lại giật mình, tưởng hàng dưới châu Yên đã tới.

   Không, đấy là đoàn người địu diêm tiêu đến bán cho mậu dịch. Mùa này khô ráo, người trong làng rủ nhau vác chảo, xách ống nước, đem lương đi ở hang lấy diêm tiêu. Diêm tiêu bán được nhiều tiền. Có tiền, nhà nhà đua nhau tìm mua chiếc đèn pin vỏ đồng, đôi phích hoa đỏ, bao giờ cũng hỏi xem: có đủ cả hai chiếc phích vỏ đỏ mới mua.

   Có anh cắm cúi cõng chiếc địu to. Trong địu nhơ ra cái gáy mượt lông, chiếc mõm hung hung đỏ hếch và hai con mắt tráo trưng. Con khỉ độc ấy ngồi thò cổ lên, bề ngoài nom có vẻ ung dung, kỳ thực bốn chân cu cậu đã bị trói chắc vào đáy địu. Du kích Ná Đắng mới bẫy được con khỉ, đợi ngày chợ, hôm nay đem bán sống cho cửa hàng thu mua.

   Người Ná Đắng lên chợ mỗi phiên một đông hơn.

   Trong đám về chợ có cụ già người Xá làm thày cúng ngày trước. Cụ đi với một đám thanh niên. Người theo ông cụ lên mua chân chài, cụ biết chọn chân chài tốt nước thép. Người đi học đúc cày ở lò chủ tịch Tỏa. Người về học lớp kế toán để về giúp xóm lên hợp tác.

   Ông già nói:

   - Các cháu ơi! Chúng ta cùng nhau đi học nghề rèn đúc. Thằng Tây bảo: trời không cho người Xá ruộng, trời bắt nó suốt đời phải cúi đầu, lấm mặt đi thổi lửa đốt nương. Thằng Tây chỉ nói lừa. Phen này ta được mắt trông thấy người Xá làm chân chài, làm được cày cuốc rồi.

   Mùa cá vừa qua, ông cụ lên cửa hàng, tìm mua dây cước câu. Mua được sợi cước xanh, ông cụ hỏi:

   - Chính phủ có bán chân chài không?

   Người bán hàng đặt lên mặt quầy một bộ chân chài mới, xủng xoảng hàng trăm cái vòng sắt nhóng nhánh ánh thép. Ông cụ ấy sờ tay vào mà còn run rẩy chưa tin thật đấy là mắt mình đương trông thấy bộ chân chài. Có như thế, có như thế thật, cái chân chài, cái chân chài nuôi người Xá, bố mẹ để cho ngần nào của cũng không sánh được. Một bộ chân chài từ đời ông đến đời cụ để lại, nếu mất chân chài thì cầm bằng chết đói đến mất giống. Rách bao nhiêu lưới thì cái chân chài vẫn phải còn. Từ thuở trẻ, ông cụ đã vác chân chài đi kiếm ăn các suối, đến nay hơn bảy mươi tuổi mới trông thấy một bộ chân chài mới, thật mới.

   Ông cụ người Xá nói với cô bán hàng người Lô Lô:

   - Một đời lão già chưa thấy cái chân chài mới thế này, đồng chí ạ.

   Cô mậu dịch bé nhỏ cười:

   - Cụ ơi, cái này thì ở lò rèn cụ chủ tịch Tỏa bây giờ làm nhiều lắm.

   - Thế a?

   Ông cụ hỏi như reo rồi giơ cả hai tay ra hứng bộ chân chài, đứng ngước mặt lên trời. Những điều mà cả đời người Xá nghèo mong ước và đi tìm kiếm, đã thấy đây.

   Ông cụ và đám thanh niên lên học rèn đúc vào thẳng lò rèn chủ tịch Tỏa.

   Năm trước, dưới châu Yên tải cày cuốc mẫu Thái lên bán. Nhưng đất núi ác hơn đất ruộng, cày Thái không hợp. Người ta mua cày về, lại phải đem phá ra đúc lại lưỡi mới. Thấy thế, Nghĩa tổ chức thu mua cày hỏng và đề nghị dưới khu cấp gang để các “cửa hàng tư liệu” vùng cao cho gia công đúc tại chỗ.

   Bây giờ mới thật lò rèn họ Vừ. Chủ tịch Tỏa mở lò rèn. Đâu đâu nghe tin cũng mừng. Chủ tịch Tỏa và các thợ bạn già vừa làm vừa truyền nghề. Người Thái, người Lừ, người Dao cả châu Yên, khắp các vùng cao biên giới từ sông Mã tít sang ngọn Nậm Kinh, Nậm Ma đều gửi người về học.

   Đồng chí chủ tịch châu Yên nói:

   - Cụ chủ tịch Tỏa ra giúp ngành công nghiệp, dạy nghề cho thanh niên đến hết năm nay thì nhớ truyền lò cho người khác, còn phải làm chính quyền đấy!

   Xem ra chủ tịch Tỏa say sưa tổ rèn hơn công việc chủ tịch xã nhiều.

   Lò rèn dựng trên lưng đồi sau chợ. Bễ lò thở suốt ngày như tiếng con suối to chảy. Những gian xưởng rộng thùng ra, như kiểu nhà người Dao lan tiển thường ở chung mấy gia đình một.

   Trong gian đúc, đám người đến học nghề đông hơn thợ cả. Người gọt khuôn, người vùi lại chiếc lưỡi vừa rời khuôn đúc đã nguội xám mà còn bùng lửa trong đống mạt cưa ủ. Hai dãy lưỡi cày mới, nhẵn bóng, xếp nghiêng trước cửa lò, màu gang nom ngon tưởng ăn được, như những miếng bánh ngô tía.

   Chủ tịch Tỏa úp nốt một mặt khuôn trên. Mấy người học việc nhanh nhẹn khiêng khuôn nghiêng ra, miết mạch đất thó rồi lót tay nhấc nồi nước gang đỏ rực, gạt hết than, đổ vội xuống lòng khuôn. Lửa xèo xèo bắn vào những miếng tạp dề da hổ che chân che đầu gối. Cái lưỡi cày nổi hình trong khuôn, ưỡn cong như lòng quả coỏng đỏ.

   Chủ tịch Tỏa ra bắt tay ông cụ, rồi nói:

   - Đương đợi người Ná Đắng!

   Ông cụ người Xá quay lại, trỏ vào đám thanh niên đằng sau:

   - Ná Đắng lên học rèn đúc đây. Ở đâu có Chính phủ thì có người Xá, ông chủ tịch đừng lo.

   Chủ tịch Tỏa cười ầm, cứ quen tay giơ lên, lúc nào cũng như đương gắp miếng sắt trong lò ra.

   - Không, không, khác trước rồi, khác trước rồi, cụ nhìn xem quê ta kìa.

   Dưới kia, đương buổi đông chợ. Những chiếc ô đen, ô xanh xoay tròn bên cạnh từng đàn ngựa đứng phảy đuôi. Trông một lúc rồi ngẫm nghĩ, thấy khác trước thật.

   Một dãy trụ sở, mậu dịch, bưu điện, trường học, cái trạm xá mười giường, có hàng rào râm bụt tím vuông vắn vây quanh, tất cả hiện ra dưới hàng cây sa mu xanh mờ.

   Cái lồng chim nhỏ bé treo đầu hè nhà trường. Tiếng đàn của một đám học trò đương gẩy chơi ngoài sân. Trước bàn làm việc của thày giáo có tờ giấy lót bìa cứng, trên kẻ dòng chữ nắn nót "Tuổi trẻ với vùng cao" - dòng chữ thổ lộ tấm lòng bền vững, cao quý, đẹp đẽ của thanh niên các dân tộc anh em quyết tâm lên xây dựng vùng cao.

   Trên đường xuống châu Yên lại thấp thoáng một đoàn ngựa đi lên. Hình ngựa in lấp lánh giữa hai hàng ruộng bậc thang. Giữa những vòng nước trên mặt ruộng đánh đai các mỏm núi quanh làng, giữa những luống cày rập rờn như làn sóng đỏ vờn lên tận chỏm núi. Có làm được ruộng nước, người mới có chỗ ở yên, cả dưới Ná Đắng bây giờ cũng thế.

   Trước cửa lò rèn ở lưng đồi, một ông già người Xá và một ông già người Mèo im lặng nhìn xuống, trong lòng dào dạt tiếng trẻ nhỏ thánh thót đọc bài:

      (Mùa Đảng chào kế...)
      Có Đảng chỉ đường...


   Cái “thị trấn" Phiềng Sa mà một đêm năm trước đã tưởng tượng thấy trong câu nói và bàn tay trỏ vào núi của cán bộ Nghĩa, thấm thoát đến bây giờ đã là sự thật.

   Ông cụ người Xá toan cất tiếng hát. Nhưng nhớ lại mình xưa nay chỉ biết mỗi một bài hát nỗi khổ người Xá. Lại thôi. (Từ đấy về sau không bao giờ hát buồn nữa).

   Thốt nhiên, chủ tịch Tỏa nói to:

   - Đoàn ngựa lên kia, ngựa thồ hàng đấy. Ta xuống xem anh Nghĩa lên chưa?

   Đoàn ngựa thồ, đoàn ngựa thồ hàng trăm con đương lốm đốm chấm giữa màu núi tranh xanh lặng lẽ. Con dốc lên chợ, lúc khuất lúc tỏ, lượn nghiêng phơi ra một bên sườn đường mới sửa, đỏ ối, nhấp nhô, phấp phới chạy tít xa đến cạn tầm mắt.

   Đoàn ngựa thồ hàng gần tới Phiềng Sa.

   Trên núi, người thính tai đã nghe rõ tiếng hát ồ ề khấp khểnh kéo qua suối, qua gió. Phảng phất những tiếng a ơ cất lên, đôi lúc ngắt quãng, cái giọng khê dài của một người Thái hát đưa ngựa - anh ngồi vắt vẻo trên lưng con ngựa nhất đi đầu đàn.

   Đích thật đoàn ngựa thồ rồi. Đám thanh niên ở giữa chợ tươi cười chạy ra. Một ông già Xạ Phang bán kẹo lạc, suốt buổi cứ ngồi lầm lì vơ tiền vào cái túi Lừ to, lúc ấy cũng phải ngước mắt nhìn. Một ông người Dao ngừng tay xé thuốc lá, giắt cái cán cân lên sau gáy, ngẩng đầu. Bao nhiêu người hồi hộp, luống cuống lên. Trong dẫy bếp nướng bánh ngô của các bà, những cái quạt mây tròn nặng trình trịch càng phành phạch mạnh tay. Khói nướng bánh ngô bánh dầy xanh đặc hơn trước.

   Những thồ lê hái sớm, lê xanh lê vàng, má quả còn thon chưa đẩy, những thồ đào đỏ gắt cuối mùa. Những quả chanh chín vàng ối. Quả mận muộn tím đen, phủ ngần phấn trắng, ghé răng cắn một cái, ngọt xớt muốn tan cả hột.

   Từng địu, từng thồ lê, đào, chanh, mận xếp liền nhau ken như bờ tường đá, chất đầy đống, chưa ai hỏi đến. Có đám trẻ con chạy nhung nhặng, không xin ai mà cứ tự nhiên đến nhặt ăn.

   Những cô bé con tám chín tuổi, trạc tuổi Mỵ đã có lần trốn đi chợ ngày trước.

   (Bạn đọc có còn nhớ ngày trước, hôm ấy anh Nhìa nói dối mẹ đem em xuống chợ?)

   Những cô bé Mèo đỏ cũng trạc tuổi Mỵ thuở ấy, hôm nay xúng xính váy đen áo đỏ, nghiêm trang chẳng kém các chị. Các em cũng cõng cái địu nhỏ trên lưng, chân bước con cón, vừa đi vừa xe, vuốt, thoăn thoắt rút từng sợi lanh giắt bên thắt lưng. Các cô bé chăm chỉ hệt các chị lớn. Chỉ khác là hơi háu ăn một chút. Mới đến chợ, các cô bé đã cầm dao gọt lê ăn. Rồi mới tíu tít chạy chen giữa các chị, ra ngồi cả đám bên sườn đá, nhá mận, bàn tán, cười, ngả nghiêng nhìn xuống, cùng nhau đoán xem có phải đấy là đoàn ngựa thồ hàng mậu dịch hay ngựa đi nương lấy ngô, hay ngựa tải xi măng cho thủy lợi xây giếng, hay ngựa các anh địa chất, các anh thủy văn. Có lúc, mong quá, nhìn nhầm con ngựa ra con bò vàng đủng đỉnh lạc ra đường giữa bãi tranh.

   Những cô gái các dân tộc tung tăng rực rỡ cả ngày chợ. Đông nhất các cô Mèo trắng, dép lốp đen, váy trắng xòe, vạt áo xanh đen so le, chỉ đỏ thắm .viền lên tận cổ áo. Một vành khăn chếp nếp, gió thổi cuốn từng tua lụa đuôi khăn sặc sỡ tỏa xuống tung lên như đàn bướm màu, con đậu con bay chấp chới trên lưng người.

   Quanh các cô ngồi ngoài ghềnh đá ngóng đoàn ngựa mậu dịch lên, từ lúc nào, đám trai đã tấp nập quấn đến.

   Mấy anh du kích, tay xách lồng chim, tay cầm ống điếu, lưng đeo súng. Họ ngồi ghé trên hòn đá tảng, rút sáo thổi. Khẩu súng trường báng mới vừa được châu phát, vẫn nghiêng trên vai.

   Người quây tròn vòng trong vòng ngoài xem những tay nhảy khèn giỏi. Tiếng khèn là nỗi buồn cái vui của người Mèo. Bây giờ không còn lính quan phá chợ thì cái khèn chỉ đem vui tới, vui nhất là đám khèn chợ. Người mua rượu từng bát đem đến mời anh nhảy khèn giỏi. Bài khèn vừa vung vẩy nhảy đến đoạn theo điệu "đi chơi" một ông cụ đã bưng bát rượu ngô ngọt thơm đến ngồi đợi thưởng cho anh trai khèn.

   Cả cuộc chơi cũng đợi đoàn ngựa thồ hàng đương lên. Bây giờ đã trông rõ. Cứ độ mười con lại có một thanh niên Thái theo ngựa. Họ ngồi vắt vẻo trên đỉnh thồ hàng, hai chân cũng thõng ra đằng trước. Tiếng hát Thái kể lể đường trường man mác. Tiếng hát xôn xao chảy theo lòng suối, cuốn dài vào chân đá, khuất xuống tận chân núi đằng kia. Rồi tiếng hát lại ngỡ ngàng mở ra hai bên bờ cát, chiều chiều tha thướt biết bao nhiêu cô gái trong làng ra ngồi tắm. Tiếng hát Thái chứa chan, đầm ấm, ngân mãi, vang xa…

   Đoàn ngựa của mậu dịch đã lên tới. Lưng ngựa cõng ngất ngưởng từng súc vải đỏ, vải láng, vải xanh Nam Định, xanh Sỹ Lâm... Hàng khiêng ô đen, ô hồng và dép cao su, những sọt bát đĩa, thìa cốc. Không đoán biết còn mấy chục mặt hàng mới nữa được bọc kín trong bao tải chồng chất trên lưng cả trăm con ngựa đương tiến vào chợ.

   Những con ngựa ruổi đường xa, từ dưới vùng thấp châu Yên nóng bức leo dốc lên đến vùng cao mát rợi. Dòng mồ hôi từ sống mũi ngựa xuống còn bóng nhoáng bây giờ ngùn ngụt bốc hơi giữa đám người xúm đến. Một mùi hôi ngựa nồng nàn, ấm áp quen thuộc với quang cảnh làng Mèo sầm uất đầy ngựa đứng quanh nhà. Rồi thì vang lừng tiếng hí thảnh thơi của lũ ngựa vừa được cất cái khiêng thồ nặng hõm lưng xuống. Cái tải lót ướt đầm mới rơi ra, ngựa đã phất đuôi, rũ mình, hí hởn gõ vó, cất mõm. Có con háu ăn, cúi cuống xốc những quả lê của bọn trẻ nghịch ngợm sán đến đương ném cho ngựa ăn.

   Ngựa lên rồi, đoàn ngựa đã lên rồi. Cả cái chợ mong ngóng đương đông càng đông nữa. Tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng nước ngọn suối mới bắt nhánh quanh về đầu núi gần đây để thử sức chảy làm thủy điện. Tiếng bộ xà tích lủng liểng bên sườn với chiếc vòng tay bạc túc tích chạm nhau của những cô gái hay làm lúc nào cũng vội vội bước. Cái nhạc bạc nhỏ ngân thoảng một tiếng nhẹ trên tấm ngực đẫy đà của cô gái Pú Piéo làm duyên bỗng chen lên như tiếng gió kỳ ảo, xao động lạ thường.

   Mỵ đã ngồi từ lâu ngoài ghềnh đá, giữa đám bạn. Nhưng lòng Mỵ không mong mỏi và không có niềm vui giống các bạn. Các bạn Mỵ đương đùa nhau đoán xem ai mong mua những cái gì. Mấy thước vải, một con chỉ, một chiếc gương mới, một bút máy Trường Sơn, một cái đèn pin...

   Họ còn những ước ao và chờ đợi thầm kín gì nữa? Khó ai biết, ai không biết. Khúa Ly bảo Mỵ:

   - Mày thì mày chỉ đợi cán bộ Nghĩa thôi.

   Một cô khác bảo Khúa Ly:

   - Mày thì mày đợi ai?

   Rồi cô nọ đổ cho cô kia đương ấp ủ nỗi mong giấu giếm và thiết tha ấy. Các cô vốn e lệ, thế mà tiếng cười động lòng đã giòn giã lan dài qua các mỏm đá, giữa đoàn ngựa thồ rầm rập lên qua.

   Đám người tải hàng tới tấp nhảy từ lưng ngựa xuống. Những anh thanh niên Thái đuổi ngựa, anh kế toán người Kinh ở phòng thương nghiệp dưới châu lên kiểm tra sổ sách, họ tất tả chạy qua. Không thấy Nghĩa. Không ai thấy Nghĩa. Nghĩa chưa lên.

   Sau cùng, phía tảng đá khuất đầu đường chỉ còn trông thấy có Thào Khay thúc ngựa ló ra. Các bạn reo to:

   - Khúa Ly kìa! Khúa Ly kìa!

   Nhưng chẳng thấy Khúa Ly đâu. Con mắt đợi chờ của Khúa Ly đã nhận ra Thào Khay từ dưới dốc, trước cả các bạn. Cô đã yên tâm và có lẽ muốn tránh bị các bạn chế giễu, cô vừa lẩn đi đâu rồi.

   Thào Khay vừa đi khu, dự hội nghị bàn kế hoạch phát triển trạm xá dân lập ở vùng cao.

   Thào Khay trỏ cái thồ cói to trên lưng con ngựa đi trước:

   - DDT đấy!

   Những người quanh đấy thích mê, reo ồ, kêu: “Nhiều quá! Nhiều quá! Hoan hô!”

   Lần đầu không cho phun thuốc, người ta bẻ cả vòi phun. Nhưng rồi những nhà mạnh bạo để phun thuốc thì dù phun dày hay mỏng, bao nhiêu bọ chó, ruồi vàng cũng chết lăn ra. Bây giờ thì người ta gọi các vệ sinh viên đến cứ việc tha hồ phun thuốc trắng cả bàn thờ. Những chữ "đê đê tê" (DDT) lạ lùng nghe đã quen tai.

   Trông thấy chủ tịch Tỏa, Thào Khay nói:

   - Khu đồng ý cho trạm xá ta có kinh phí thành bệnh viện hai mươi giường rồi, ông chủ tịch ạ.

   Một người nghịch, hỏi:

   - Ông chủ tịch a?

   Người khác nói:

   - Ông bố vợ chứ!

   Có người vẫn nhìn quanh:

   - Khúa Ly đâu nhỉ?

   Khúa Ly trốn những tiếng cười đã chạy ra đứng tận cuối chợ.

   Thấy Mỵ bước lại, Thào Khay bảo em:

   - Anh Nghĩa về phép chưa lên, Mỵ ạ.

   Một người cười:

   - Cán bộ Nghĩa về quê “tìm rượu uống"  rồi.

   Giữa tiếng cười đùa tự nhiên của các bạn, mắt Mỵ phảng phất một vòng nước mắt. Nhưng không ai để ý. Người ta còn đương ồ cả đến xem dỡ hàng.

   Thào Khay lại nói:

   - Có công văn gọi mày đi học trường y tế đây.

   Mỵ hỏi lại anh:

   - Thật đấy à?

   Mỵ mau miệng hỏi lại anh câu ấy. Thật đấy a? Không hiểu cô Mỵ còn muốn nghe lại cho biết thật Nghĩa về quê dưới xuôi làm gì, hay muốn biết mình thật sắp được đi học. Có lẽ muốn cả hai.

   Bà Giàng Súa chậm chậm bước tới, sung sướng và ngượng nghịu, lặng lẽ nhìn hai đứa con đương nói chuyện với nhau giữa đám chợ ồn ào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #48 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2020, 04:24:41 pm »

XXIII


   Ít lâu sau.

   Giống chim khảm khắc, vợ chồng đi ăn đêm mỗi con mỗi nơi, cứ đối mặt vào bóng rừng gọi nhau, tiếng lóng lánh suốt đêm. Những tiếng tha thiết đến tảng sáng thì thưa dần. Cụ già nói lúc ấy là lúc đôi chim gặp được nhau rồi. Nghe chim kêu, người Mèo hay đem ví với cái vui cái buồn số phận mình.

   Sáng sớm, cô gái làm dâu trong nhà trở dậy bắc chõ ngô, đã nghe chim thủ thỉ nói chuyện trên hồi nhà. Hai con chim lú - chim én, nằm trong ổ, nũng nịu quay đầu quay đuôi, xô lệch cái cọng rơm. én hót, én ở trong đầu nhà đem điều tốt lành đến ở với ta. Nghe tiếng chim buổi sáng, ai nấy tự nhiên vui sướng.

   Trên chòm hoa blề đỏ, những con khướu buông giọng khoan thai. Chỉ vài ba con khướu thức giấc mà ríu rít cả vùng. Khướu hay tíu tít như đàn bà về chợ. Hiếm hoi mới thoáng nghe được tiếng chích chòe, tiếng họa mi, tiếng thánh thót của con bách thanh.

   Tiếng chim xôn xao không dứt.

   Nhưng nắng sớm vừa lan tới, ra hiệu cho những đàn chim thôi đàn hát. Khắp nơi lặng im. Một tốp chào mào rừng đỏ choé, đội mũ nhung cao, mỗi con như một đốm đuốc lổ đổ bay ra, trải dài cả đàn trên vòm trời sương tan.

   Cũng lúc ấy là những lúc trước cửa hàng mậu dịch có tiếng líu ríu, nhỏ nhỏ, như những con chim chích chim én êm ái sà đến thóc mách ghé mắt nhòm qua tấm cánh cửa cửa hàng sắp mở ra.

   Nghĩa biết đấy là khách mua hàng bán hàng đã về. Các chị đương ngấp nghé, trò chuyện đợi mậu dịch mở cửa.   Mặt trời lên cao - người ở xa đã lác đác đến.

   Có hai người vào hàng. Anh và chị cùng đi một đôi dép lốp đế cao giống nhau. Nghĩa buông quyển sổ tính hàng nhìn ra, đoán tay đôi này mới cưới. Vợ chồng mới thường hay đi mua sắm và bước sóng đôi đậm đà như chim én ăn đôi thế kia.

   Bộ cánh đôi vợ chồng mới này đẹp nhất chợ. Cái áo lụa đen phủ nếp váy hoa xếp lửng chéo trên bắp chân quấn xà cạp chàm mới của chị. Anh chàng thì áo chàm tả pủ . Cổ cứng viền điệp chéo con cờ. Tóc mới cắt gọn ghẽ và cổ không đeo vòng bạc. Anh là một học viên trường bổ túc, một giáo sinh hay một cán bộ thanh niên xã? Thanh niên bây giờ không cưỡi ngựa không yên, không để đuôi tóc dài và đeo vòng, không thích mặc áo hở bụng, thắt lưng đỏ buộc quặt sau lưng, không ai ăn mặc sắm sửa như lớp người trước nữa.

   Chị rờ tay lên đầu súc vải điều và tấm láng đen, rồi quay lại. Anh đứng đằng sau. Đôi má chị ửng đỏ. Lúc nào cái e thẹn của cô dâu mới cũng chín dừ. Dưới vành khăn nhiễu, từng món tóc mai tóc gáy xõa ra - các cô gái mới nhớn mấy năm nay không cạo nhẵn quanh đầu bắt chước kiểu cũ của các chị nhiều tuổi trước kia.

   Như chim én đầu nhà, người vợ chạy đi chạy lại, nho nhỏ, khúc khích nói.

   Đầu tiên, họ sắm cái chăn đỏ Nam Định đằng khổ rộng vừa đắp hai người. Nghĩa trả lại tiền thừa. Vẻ mặt chị tần ngần. Đã hiểu cách bán hàng, Nghĩa cười cười tính hộ:

   - Mua thêm chục bát này, hàng mới về đấy.

   Anh chàng gật, mua hai xâu bát Hải Ninh.

   - Cái hộp đựng thuốc lào thuốc lá có gương soi, đẹp lắm.

   Họ mua đôi hộp đựng thuốc có gương soi - món hàng thanh niên đương chuộng. Cái hộp xinh xinh để trong ngực áo hay giắt trên vành khăn đều tiện cả.

   - Này ghim băng mới.

   Lại cầm một chục cái ghim băng mới.. Rồi mua thêm bánh xà phòng Bạch Hồng, một chai dầu hỏa, hai lưỡi cuốc một thước rưỡi ni lông đỏ làm áo mưa... Anh lấy thêm năm đồng ra, Nghĩa trả lại, lại vẫn thừa tiền. Chị ngắm nghía chiếc áo trẻ em đốm hoa sặc sỡ treo đầu quầy. Thích quá, ngần ngừ lại toan lấy.

   Nhưng Nghĩa tươi cười nói cản:

   - Để dành chợ sau về mua.

   Bấy giờ mới chịu thôi.

   Nghĩa toan giỡn thêm một câu: "Chưa đến mùa thu bắp mà đã cưới nhau à? Sớm thế?”. Nhưng chỉ nghĩ mà không nói. Nghĩa thấy mình chạnh buồn, không đủ sức buông câu nói đùa.

   Nghĩa nhớ một chuyện ở công trường làm đường dưới Ná Đắng. Tháng trước có đám cưới một nữ thanh niên ở tỉnh Thái Bình lên khai hoang lấy anh thanh niên dân tộc Mèo. Người ta bàn tán nhiều lắm về tay đôi này. Hai người đều công tác thanh niên, họ quen nhau rồi yêu nhau. Đám cưới tổ chức tại công trường. Rồi cô dâu chú rể về chơi nhà. Người con gái đường xuôi lấy chồng xa ấy chiều chồng, hôm sau cất tấm áo cánh trắng, mặc bộ váy áo Mèo thật đẹp. Bố mẹ thấy nàng dâu mới ưa nhìn, người quê lạ mà quen thuộc như cô gái làng, thì mừng quá - nhãng cả phong tục, ra tận cửa đón hai con. Nghĩa ngơ ngẩn nhớ câu chuyện vui, rồi ngơ ngẩn ngẫm nghĩ: “Nếu lấy vợ ở đây, khi trở về làng quê vợ dự cưới, chắc nam giới mình cũng phải diện quần áo dân tộc nhỉ?" Và tưởng tượng: “Đàn ông thì mượn hay may cũng dễ, không phức tạp như quần áo nữ." Câu hỏi và câu tự trả lời cứ quanh quẩn, vui vui, vơ vẩn trong đầu rồi phút chốc lại bắt Nghĩa quay về cơn buồn lúc nãy.

   Nghĩa mới trở lên Phiềng Sa được ít ngày.

   Dạo Tết, về quê Phú Thọ, câu chuyện đợi chờ "Tết về giải quyết..." như thư của anh cả, lại chẳng đi đến đâu. Những mong muốn xây dựng hạnh phúc ở quê nhà có lúc tưởng đã gần nắm được trong tay, thế mà rồi cứ tự nhiên lại hững hờ. Có lúc, nhất là lúc này, Nghĩa ngại không dám nhớ lại rõ ràng nữa. Cứ thế mà thôi, cái chuyện bé nhỏ riêng tư ấy hãy nhạt đi, rời rã đi. Nghĩ vậy, Nghĩa chua chát ngượng một mình: có gì đâu mà để nhạt phai. Nhưng sao đôi lúc nhớ đến thì nỗi nghĩ nỗi buồn vẫn dai dẳng thấm thía, róc rách như nguồn nước sâu trong đá.

   Công việc bề bộn, bao điều phải nghĩ, phải làm ngày đêm chen lấn đến xâm chiếm hết tâm trí.

   Trong đại hội Đảng họp dưới châu Yên dạo trước. Thào Khay được bầu ủy viên Ban chấp hành châu Đảng bộ - đồng chí châu ủy rất trẻ, rất xứng đáng của dân tộc Mèo. Nghĩa cảm động nhớ thiếu niên Thào Khay ngày mới đi công tác, cùng lớp tuổi, cùng dũng cảm như Vừ A Dính ở Pú Nhung. Bỏ phiếu bầu châu ủy mới, Nghĩa xúc động nghĩ ngợi miên man rất lâu. Mọi ý nghĩ về sự tiến bộ và vinh dự được vào cấp ủy Đảng của Thào Khay trong lòng Nghĩa thật tự nhiên, trong sáng. Nghĩa vẫn thiết tha: "Người Mèo đã có Đảng ở các cấp lãnh đạo. Thào Khay là đúng lắm. Trong vụ chống biệt kích xưng vua vừa qua, không phải cứ "cán bộ già" như mình thì bao giờ cũng đúng".

   Cái nhìn cũ, định kiến, gia trưởng "lúc nào cũng tưởng như nó còn bé” đã không cho Nghĩa thấy ra Thào Khay đã lớn, đã giỏi và nhân dân các dân tộc vùng cao rất tự hào, tin cậy những người trẻ tuổi tài giỏi của họ. Phải cho đến đại hội Đảng, nghe báo cáo âm mưu quỷ quyệt và lâu dài của bọn phản động xâm nhập biên giới và nghe Thào Khay nói công tác y tế nhân dân, kể chuyện mấy lần xuống Ná Đắng, nghĩ gì, làm gì cho nhân dân, kiên quyết theo dõi tên biệt kích trá hàng thế nào, bấy giờ Nghĩa mới thấm thía cảm phục Thào Khay. Tập thể trí tuệ Đảng đã cho Nghĩa biết rộng ra, sâu hơn và hiểu được.

   Thế là trong lòng Nghĩa lúc này lại bồi hồi những sai sót của mình và có thể những sai sót sâu xa hơn nữa mà Nghĩa chưa nghĩ ra. Đảng bảo đảng viên nhận nhiệm vụ lên công tác Tây Bắc "hãy lấy Tây Bắc làm quê hương thứ hai". Mười mấy năm nay, Nghĩa đã làm như Đảng bảo. Nếu cần hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Đảng, Nghĩa có thể ngã xuống đất này. Gắn bó đến cả sống hay chết, từ lâu lắm, Nghĩa đã nghĩ đến, tự nhiên, không suy tính. Nhưng bấy nay sao vẫn băn khoăn điều gì.

   Vợ chồng người thanh niên Mèo vừa vào mua hàng lúc ấy đã về được một đỗi đường. Mầu tươi vui váy áo người vợ chỉ còn thấy trong bóng nắng sa xuống lưng ngựa như một đốm hoa mắt. Nhưng Nghĩa vẫn tưởng tượng còn nhìn thấy họ rõ hơn cả lúc họ vừa ra khỏi. Nghĩa trông thấy họ ở lòng mình. Bóng dáng Thào Mỵ đương hiện ra, lẫn lộn vào đấy, đôi mắt sắc lừ và cặp má đỏ.

   Tình yêu thật chẳng bao giờ giống nguyên và lặp lại như những con số để so sánh được, để ta cứ việc đứng núi nọ trông núi kia. Nhưng đã nhiều lần, quả là Nghĩa đã bắc cân đo lường tình cảm chi li đến thế đấy. Giữa lúc này, bao nhiêu băn khoăn và tính toán trước sau cộng lại, dồn thành một câu hỏi, chỉ một câu thôi: Có phải thật bấy lâu mình đã là người cán bộ của Đảng có toàn vẹn quyết tâm vì miền Tây quê hương thứ hai?

   Có một người yêu Nghĩa. Nghĩa hiểu mối tình hồn nhiên và Nghĩa có thể đáp lại. Vì Nghĩa cũng yêu.

   Nhưng Nghĩa còn tính. Nghĩa còn tính, còn tính, còn tính, mà vẫn chưa tính ra. Cái “băn khoăn dường như sai sót" ta hằng lo lắng có phải vì mối tình cảm còn phân vân chưa ngã ngũ này? Chưa giải quyết dứt khoát vấn đề trên, có phải là ta chưa toàn tâm toàn ý vì miền Tây? Quan niệm luyến ái, vấn đề tư tưởng… Thế nào đây? Nghĩa bâng khuâng nhìn ra lưng núi.

   Tiếng ai nói bô bô sau lưng:

   - Trông con ngựa vẫn rõ, anh Nghĩa nhỉ?

   Nghĩa quay lại:

   - Ờ, Viễn!

   Viễn thú vị càng nói to:

   - Kìa kìa con ngựa đứng lại rồi. Bây giờ vợ đương lấy cái ống đựng đàn môi ra. Đứa chồng cầm "con đàn môi đực", đứa vợ cầm "con đàn môi cái", hai đứa ngồi xuống tảng đá thi nhau thổi đối đáp... Còn là mai mới về đến nhà!

   - Mày nói như thật! Con ngựa này không phải ngựa vợ chồng nhà ấy, ngựa này đương đi lại đây.

   - Ngựa của đôi vợ chồng mới vừa ở đây ra.

   - Trông gà hóa cuốc!

   - Đánh cuộc với anh!

   - Ừ, cuộc.

   Rồi Viễn lại say sưa nói theo ý mình đương nghĩ:

   - Tôi còn thuộc cả những bài hát họ thường hát. Cậu này công tác thanh niên, anh ạ.

   Nghĩa hỏi:

   - Cậu cán bộ Mèo ở công trường Ná Đắng lấy vợ Kinh người Thái Bình đấy a?

   - Không phải.

   Nghĩa ngượng vì đoán nhầm. Nhưng trong bụng lại mừng: cán bộ Mèo ở Phiềng Sa bây giờ đông đến mức mình không biết hết mặt!
   Viễn tiếp:

   - Giá tay đôi mới lấy nhau ở công trường Ná Đắng có đến đây, anh cũng không nhận ra đâu. Con bé mặc Mèo đã hay, đàn môi càng hay nữa, anh Nghĩa ạ.

   Thằng này mới lên mà điều tra đã khiếp chưa!

   Rồi Nghĩa hỏi Viễn, đột ngột:

   - Cậu Viễn lấy vợ ở đâu?

   Viễn cười to:

   - Thưa anh, lấy vợ ở đâu, lấy vợ dân tộc nào cũng được, cốt là yêu ai thì lấy người ấy. Phương châm thế, nhưng khi nào giải phóng xong miền Nam mới đem thực hiện, anh Nghĩa ạ. Còn anh thì sao?

   Nghĩa mủm mỉm, lúng túng, ngượng nghịu:

   - Mình cũng như cậu.

   Câu Viễn nói làm Nghĩa lại động lòng. Ngẫu nhiên, nó vừa khó chịu, vừa thấm thía như một câu phê bình đúng.

   Viễn thuộc lớp thanh niên trạc hai mươi tuổi. Tốt nghiệp trung cấp lên miền Tây công tác thủy văn. Viễn đã qua trạm thủy văn Hang Tôm, lên Mường Tè, xuống vùng thấp Sìn Hồ ở suối Nậm Ma và mới về cửa suối Ná Đắng, đầu mùa lũ vừa rồi.

   Con suối Ná Đắng thế là hết hoang dại từ khi lập trạm thủy văn. Trạm thủy văn tìm hiểu sự tuần hoàn của dòng nước. Từ đây, mùa đầy hay mùa kiệt, tốc độ và lưu lượng con lũ thấp hay con lũ cao của suối Nậm Ma, của suối Ná Đắng, đều nhất thiết được khoa học hỏi han, đồ đạc kỹ lưỡng. Cán bộ Viễn săn sóc dòng suối dòng sông phục vụ đời sống con người.

   Quê Viễn ở vùng xuôi. Trước khi lên miền Tây, Viễn chưa hề biết mặt rừng núi. Lớp người như Viễn lớn lên sau cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, in bóng nhiều đức tính của thời đại. Sự giáo dục của nhà trường, của đoàn thể, của xã hội và những trang sách đẹp đã dạy Viễn biết yêu nhân dân cùng đất nước, thích đến những nơi xa xôi, làm những việc to lớn có ý nghĩa đặc biệt. "Đào núi và lấp biển"; đi bất cứ đâu.

   Ban đầu Viễn cũng xốc nổi "thuần túy” thơ mộng, nhưng sau chính cái nghề thủy văn bề ngoài tẻ nhạt khắc khổ đã rèn cho Viễn hiểu nhiệm vụ cách mạng và công tác cách mạng cụ thể của thanh niên ngày nay. Hơn hai năm làm thủy văn trạm Nậm Tè rồi về Nậm Pô bên Mường Nhé, gian khổ triền miền trong rừng Nậm Pô, về đây, Viễn đã trở nên người vừa hăng hái, vừa lãng mạn, vừa thiết thực, khi làm công việc trước mắt lại biết nhìn phóng thấy tầm xa. Những thanh niên kiên cường đến miền Tây, đều trở nên như Viễn.

   Ở trạm thủy văn Ná Đắng, mùa lũ đương qua. Không còn đàn rái cá xám sì lội ngược mép nước đi kiếm ăn. Những bụi cây, những triền đá vừa được con lũ nhả ra. Cái dáng nắng dịu dàng đã trở về trải vàng dài lấp lánh mình con suối. Người cán bộ thủy văn xuống bến sửa soạn kéo tời "cá sắt”  đo lưng lũ đương xuống nhanh.

   Nắng lên buổi trưa tĩnh vắng. Ngoài nương bình yên mùi dứa chín thơm.

   Nhưng những ngày nắng trên núi thường ngắn ngủi. Mùa đông đã lại thổi qua đầu rừng những cơn mây xám đứt chân, rách tơi tả. Không ai còn trông thấy cái trạm thủy văn Ná Đắng bé nhỏ bên bờ suối. Trong sương mù, Viễn và các bạn vẫn hàng ngày cặm cụi làm việc, học văn hóa và khiêng tro bếp vào xóm, để trồng hành và bón rau cải.

   Bốn mùa qua, nhưng công tác Viễn, mùa nước kiệt thong thả ngồi thu thập số liệu hay mùa lũ đo nước cả 24 tiếng ngày đêm, vẫn thế, dai đẳng, kiên nhẫn, con người không thể vui buồn vì sắc mặt thiên nhiên.

   Họ làm việc - công tác cách mạng!

   Nghĩa hằng chú ý, quý mến Viễn và cả lớp cán bộ trẻ lên đây. Thày giáo, cán bộ y tế, ngân hàng, chăn nuôi, các ngành mậu dịch, lương thực, thủy lợi, thống kê... Gian khổ của họ bây giờ không giống của Nghĩa trong kháng chiến. Nhưng vấn đề tư tưởng và trách nhiệm, tình hình mỗi lúc khác nhau, không thể vo lại, đếm ra con số rồi so kè. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở vùng cao, lứa tuổi ấy có cống hiến lớn.

   Nghĩa thường nghĩ: lớp tuổi hai mươi, nhiệt tình, tháo vát và hồn nhiên theo tiếng gọi của Đảng, đương hiên ngang đặt chân khắp đất nước Tổ quốc. Nếu họ lại được biết rằng một sườn núi Phiềng Sa, một quãng cửa suối Huổi Ca, một xóm Ná Đắng nhỏ bé, một dòng Nậm Ma, trong kháng chiến và trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân đã đổ sức đổ máu mới làm nên được và giữ được; nếu họ hiểu lòng trung thực sâu sắc của các dân tộc anh em Mèo, Xá, Dao, Hà Nhì, Lô Lô... đối với chế độ, chắc chắn họ càng thêm tin tưởng và vinh dự ở trách nhiệm mỗi việc đương làm cho tương lai vùng cao.

   Nghĩa định trong các buổi họp thanh niên, Nghĩa sẽ kể từng chuyện,những chuyện truyền thống. Thày giáo có thể lấy đấy viết lại cho các em học với lịch sử cách mạng và kháng chiến địa phương. Câu chuyện bắt đầu từ khi lập nên khu du kích, rồi Phiềng Sa chiến đấu, Phiềng Sa được giải phóng bước vào xây dựng, đổi mới. Đế quốc và bọn phản động chưa chết, lại lộn kiếp bò về. Những âm mưu của đế quốc Mỹ phá hoại, gây đổ máu, lừa nhân dân bỏ đi. Nghĩa, chính Nghĩa đã trải mười lăm năm cách mạng rèn luyện cho đời mình ở đây mà Nghĩa vẫn chưa thấy hết tấm lòng nhân dân, Nghĩa vẫn không ngừa hết được thủ đoạn của đế quốc. Nghĩa sẽ trò chuyện với thanh niên tất cả.

   Nghĩa hỏi Viễn:

   - Hôm nay chủ nhật, đi chơi chợ à?

   - Con nhà thủy văn chúng em làm gì có chủ nhật. Họp đoàn, anh ạ.

   Viễn nói thêm:

   - Lúc nào anh Nghĩa kể chuyện Phiềng Sa ngày trước. Anh hẹn rồi đấy. Chúng em thích nghe lắm.

   Nghĩa chưa kịp "ừ", Viễn đã thoắt ra theo một đám thanh niên khác vừa đến. Cô Khúa Ly, bí thư chi đoàn đương cùng mọi người ríu rít đi về phía trường bổ túc văn hóa. Họp thanh niên ở đây. Những điều tưng bừng nhất trong tâm hồn đương chạy theo Viễn, theo đám tuổi trẻ hớn hở. Gian hàng và quanh mình Nghĩa bỗng rỗng không. Nhưng Nghĩa đã gọi to:

   - Này Viễn! Tao đúng hay mày đúng?

   - Anh đúng rồi.

   Một đoàn ba con ngựa vừa lên tới. Ngựa lúc nãy hai người đánh cuộc xem ngựa nào.

   Nghĩa nhận ra đấy là đồng chí giám đốc Sở thương nghiệp. Trên con ngựa đi sau, là một chị cán bộ. Ngang lưng đồng. chí giám đốc, tiếng “tăng-di-to" đương hát réo rắt.

   Viễn quay lại. Cũng không phải để xem thật lúc nãy mình đúng hay sai, mà Viễn tò mò để ý chị cán bộ, người nhỏ nhắn, đương nhanh nhẹn xuống ngựa. Chị mặc bộ xanh ka ki Nam Định. Trong không khí nhẹ mát trên cao, đôi má chị hồng hồng. Quanh búi tóc, vểnh lên hai cánh khăn xanh hòa bình "Đông Đức" - như các cô gái Hà Nội năm ấy hay buộc tóc kiểu làm dáng thế.

   Chị bước nhanh đến bắt tay từng người, cả Viễn! Nắm tay cô gái, Viễn cảm động, mặt anh chàng cũng thoáng đỏ. Nghĩa đã biết tin từ mấy hôm trước, có đồng chí giám đốc đương đi thăm các cửa hàng, các tổ cố định trên bên giới.

   Câu chuyện của hai người cán bộ cũ gặp nhau, niềm nở, tự nhiên.

   - Những ai lên vùng cao chúng tôi thế này?

   Giám đốc nói:

   - Người nhà cả.

   - Không phải. Có người lạ đây thôi.

   - À nhỉ! Có đồng chí Huổi Ca. Tôi xin giới thiệu cô Huổi Ca, kỹ sư chuyên về chè, mới về Sở công tác. Cô kỹ sư trẻ tuổi của chúng ta lên Phiềng Sa để nghiên cứu khai thác lại rừng chè. Tôi đã có lần kể với cô Huổi Ca những vinh quang và gian khổ trong thương nghiệp phục vụ nhân dân vùng cao của đồng chí Nghĩa. Đồng chí Nghĩa đây.

   Nghĩa quên cả giới thiệu mọi người trong cửa hàng với khách. (Nhưng Viễn không ngượng, vẫn tò mò và rụt rè đứng đấy). Nghĩa đương bồi hồi lạ lùng. Huổi Ca! Huổi Ca! Huổi Ca kỷ niệm và căm thù! Làng Huổi Ca, anh em dân tộc Xá! Em bé sống sót được bộ đội đặt tên là Huổi Ca! Những em bé người Xá xưa kia, mắt sáng trong, người gầy lả, màu da đen bởi như mặt nước đục. Có phải không? Có phải cô bé Huổi Ca này không? Có phải đây như là cả tương lai dân tộc Xá đương đứng ra như một hiện thực rực rỡ trước mặt Nghĩa không?

   Nghĩa hồi hộp hỏi lại:

   - Cô Huổi Ca, có phải...

   - Làng Huổi Ca dũng cảm hy sinh của dân tộc Xá chúng tôi, các anh bộ đội đã dạy tôi từ khi tôi còn bé như thế.

   - A! Huổi Ca thật rồi.

   - Vâng, Huổi Ca.

   - Cô Huổi Ca có biết đồng chí Pàng?

   - Ngày ấy chỉ còn có một anh tên là Pàng và tôi sống sót.

   - Cô Huổi Ca vẫn nhớ.

   - Không bao giờ tôi dám quên.

   Im lặng.

   Nghĩa hỏi:

   - Cô Huổi Ca còn ở đây lâu không?

   - Tôi lên xem rừng chè.

   Viễn nói chen:

   - Đi rừng chè thì qua cửa suối Ná Đắng. Đồng chí Pàng ở Ná Đắng, đồng chí ạ.

   Huổi Ca hỏi:

   - Đồng chí công tác dưới ấy?

   - Tôi ở trạm thủy văn Ná Đắng.

   - Thủy văn, thích nhỉ?

   - Hôm nào mời đồng chí xuống chơi.

   Huổi Ca đáp tự nhiên:

   - Vâng.

   Mắt Viễn sáng ánh và miệng cười. Thấy thế, Nghĩa nhớ câu Viễn nói lúc nãy: "Dân tộc nào cũng được, cốt là yêu nhau”. Nghĩa có cảm tưởng hết sức tốt đẹp và mau mắn: Viễn sẽ yêu Huổi Ca. Có thể hai người yêu nhau. Có thể lắm.

   "Còn anh thì sao?" Cũng là câu Viễn hỏi Nghĩa lúc nãy. Giờ đây, câu trả lời càng nung nấu trong lòng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #49 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2020, 04:27:16 pm »

XXIV


   Đã xế trưa.

   Ai như Thào Mỵ? Thoáng thấy ai cũng tưởng Thào Mỵ. Vẫn chưa phải. Nhưng Nghĩa đoán: thế nào Mỵ cũng về họp thanh niên.

   Nghĩa hơi bối rối. Chưa bao giờ nghĩ đến Mỵ mà Nghĩa đắn đo thế. Hình như lần này gặp Mỵ, sẽ có việc hệ trọng lắm xảy ra. Nghĩa trù trừ. Khác hẳn thường ngày, tác phong cán bộ Nghĩa bao giờ cũng dứt khoát, ồ ạt, mạnh.

   Lát sau, quả thực Thào Mỵ bước vào. Đã đoán trước, trông thấy trước mà vẫn đột ngột. Nghĩa hỏi một câu không định hỏi:

   - Mỵ về chợ sớm thế?

   - Em về họp thôi.

   Nghĩa lại hỏi một câu chẳng ra thế nào:

   - Không đi chợ, sao vai đeo địu thế kia?

   - Địu không đấy.

   Rồi Mỵ nghiêng quai địu cho Nghĩa nhìn. Trong đáy có hai quyển vở, một áo cánh trắng gấp cẩn thận, trông thấy nếp cổ bẻ.

   Năm trước, có lần Nghĩa bảo Mỵ: Mỵ mặc áo Kinh thì đẹp. Ít lâu sau Mỵ đem khoe với Nghĩa cái sơ mi trắng Mỵ mới may. Nhưng rồi Nghĩa để ý không thấy Mỵ mặc áo ấy lần nào. Nghĩa có hỏi, Mỵ chỉ cười:

   - Bao giờ em về xuôi em mới mặc.

   Nghĩa thấy sao hôm nay mình vụng về thế. Nghĩa muốn nói những câu ý tứ hơn.

   - Mỵ mua gì nào?

   - Không, em đến chào anh thôi. Em sắp đi rồi.

   - À…

   - Có khi em được về học tận Hà Nội, anh ạ.

   Nghĩa lại cảm thấy lòng mình tràn ngập những lúng túng và ô hay, làm sao lại cứ man mác buồn. Nghĩa nói:

   - Vài năm nữa tôi có gặp Mỵ, tôi gọi cô y sĩ Thào Mỵ, cô dược sĩ Thào Mỵ.

   - Sao nhiều cô My thế?

   - Thật đấy.

   Nghĩa im, chưa biết nói gì thêm.

   Có mấy người vào mua vải. Nghĩa đứng quầy bán hàng. Mỵ tủm tỉm cười rồi lững thững bước ra. Nghĩa ngước nhanh, nhìn thoáng theo rồi lại cúi xuống đo vải, xé vải, hí húi biên sổ cho tới lúc khách mua đã ra.

   Ánh nắng nhàn nhạt nghiêng vào, lồng bóng những cây sổ dày lá ngả trên vệt cỏ xanh dịu.

   Con đường đỏ nắng trước mặt không bóng người. Một dòng nước phơ phất rơi trên đá. Một làn mây trắng vương qua, thướt tha như tóc như tơ. Không thấy Mỵ đi ngoài đường. Nghĩa chợt nhớ năm đầu Nghĩa mới lên bán muối, lập cửa hàng, Mỵ theo mẹ đến. Lúc ra về, chỉ thấy bóng bà Giàng Súa qua, Nghĩa đoán Mỵ còn đứng lại ngoài cửa. Đúng thế, Mỵ ý tứ lắm. Ôi chao, thấm thoát thế mà đã mấy năm rồi nhỉ?

   Tự nhiên, Nghĩa bước ra cửa.

   Thì cũng thấy Mỵ đương tựa lưng địu vào gốc cây bờ rào. Nghĩa khẽ gọi:

   - Mỵ.

   Mỵ nghiêng mặt, nhìn Nghĩa.

   - Mỵ đứng làm gì đây?

   Nghĩa lại thấy ngay mình hỏi vụng.

   Mỵ đáp:

   - Em đứng đợi anh.

   Nghĩa cảm thấy một nỗi bồi hồi cùng một thoáng bùi ngùi qua.

   Rừng xuân sớm cuộn lên một màu xanh ngờ ngợ tràn khắp các núi.

   Hoa blề đỏ vồng như mâm xôi gấc bày trên lá.

   Hoa ma mủ trắng từng đốm lấm tấm rắc bóng hương xuống mặt đất. Sắp đến độ tra lúa nương, mặt đất và hốc đá nhả đầy mùi thơm.


Đồng Văn, 1964
Sìn Hồ, 1965




Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM