Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:00:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Tây  (Đọc 8452 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 09:35:38 am »

        Đường Ná Đắng về theo suối Nậm Ma vạch một nét mờ. Đi cả ngày chỉ nghe một tiếng suối, và trông lại, vẫn còn thấy chỗ khe đá "cổng trời” lúc mới đi.

   Bây giờ, cả vùng Phiềng Sa đương bước sâu vào mùa lũ. Ngày đêm, một làn mây nước nặng trĩu, quẩn xám đỉnh núi. Mưa buông không bao giờ dứt hạt. Đất trời ứa nước. Đầu núi, đầu rừng bóng nước mọng sương li ti như mạng nhện chằng chịt qua thung lũng.

   Những ngọn suối tràn lên, lao xuống, như một đàn hổ gầm dàn hàng ngang, dựng đứng, chồm ra trắng khắp sườn núi.

   Con ngựa Thào Khay cưỡi, khỏe, thật hăng, lúc sớm bước từ trong tầu ra, quẫy đuôi, ỉa một bãi, bốn vó bức bối, muốn nhâng nháo phi ngay. Thế mà bây giờ chỉ mới thò cẳng quạng vào lưng một con lũ ngang cái suối nhỏ, đã lảo đảo, chệnh choạng, líu vó, muốn quăng mình xuống. Đành phải gửi ngựa lại.

   Rải rác, xóm Mèo ở Phàng Chải nổi cao giữa rừng sa mu mờ. Trong những xóm xa xôi ấy, người ta nghe lời y sĩ Thào Khay, "người của mình" dặn. Cái giếng thơi đã có thành đá xếp, mạch nước đọng trong vắt dưới chân đá. Người đi nương mỗi ngày nhặt về vài hòn đá đem kê lên, kê mãi quanh vườn. Đá cũ xanh rêu, đá mới nhạt trắng, chẳng bao lâu đã được cái bờ tường đá chắc chắn. Gặp ngày nắng, các chị em đem phơi trên tường đá những chiếc váy và cái áo chàm lốm đốm hoa đỏ.

   Rồi xuống đến tầng núi có xóm người Mèo ở lẫn người Hà Nhì thấp thoáng bên một khoảng nương hốc đá. Ngô trong hốc thấp cây, nhưng được cái yếm tím, chắc hạt, lá xanh thậm.

   Dưới nền xanh đồi tranh, những ngọn suối lỏa tỏa rơi cắt ngang trời. Cái xóm vừa đi qua đã khuất trong hơi nước.

   Một trận mưa đương xuống, lại một trận mưa nữa, một trận mưa nữa vừa vượt đèo sang, ào ào đuổi theo người đi đường.

   Những làng Dao chen chúc mái nhà, ẩn kín trong rừng. ở vùng Hồ Thầu, người Dao lan tiển cao lớn, đội mũ chóp tết bằng lông đuôi ngựa đen nhánh. Chiếc áo chàm dài có hai hàng khuy tết mở suốt lồng ngực vạm vỡ. Người đi cày, đi chợ, đi học bổ túc đều bước mạnh, cười nói vang động. Ai bảo người Dao xưa nay chỉ biết sống dè lén một mình. Không đúng, khuôn mặt người Dao và làng xóm Dao bây giờ chẳng còn âm thầm đâu. Mấy chị tóc mượt, đường ngôi rẽ ngang quanh đầu, lưng đeo một thồ vàng sậm những quả dưa bở. Thấy khách lạ tới, các chị nghiêng mặt mỉm cười rồi lại mải miết vội đi.

   Làng Dao vẫn náu mình trong cây, nhưng đã hết u ám từ lâu rồi. Những khoảng nương mới đương vỡ từ quanh làng vỡ ra. Cái nương xén tròn khoanh lên tận đỉnh núi để giữ nguồn nước, sắp biến thành ruộng bậc thang định cư, càng xua đuổi những cánh rừng tối tăm xa đi nữa cho làng người Dao được yên một chỗ. Những làng Dao đã bắt đầu phong quang. Người sinh nở luôn và trẻ con nuôi được đã đếm thấy nhiều.

   Vừa hé ra đầu rừng một thoáng, làng Dao đã lại lấp vào mưa. Mưa che mù mịt, người đi cúi xuống, thấy những vết chân hổ gọn tròn như chiếc đấu úp ven đường xanh rợn bụi ngải cứu, bước qua rồi mà còn nồng mùi hôi lông hổ và mùi hắc ngải cứu quyện theo.

   Dưới xa, trên những bãi phẳng, là xóm người Lừ. Xóm Lừ chen lẫn xóm Thái. Người Lừ tận đâu bên Lào dạt đến đã bao đời nay. Cái xóm Lừ gọn ghẽ ngồi đầu ruộng. Vào mùa thu, cam chín vàng ối trên bờ rào trúc thưa. Tiếng chày giã gạo dưới gầm sàn gõ tanh tanh vào một buổi chiều im. Những cu già ngồi nhích ra trước cửa hứng chút sáng hẩng còn sót lại, để khâu nốt cái túi. Cô gái Lừ đi làm nương về, vừa đi vừa buông tóc ra gội đầu ngoài suối. Cô khoan thai kéo nghiêng cái mép cạp váy đỏ thậm lên đến kín ngực, rồi cúi chào "đồng chí cán bộ" đương đi công tác qua.

   Ngày trước, phong kiến dọa: người Dao, người Lừ, người Thái, người Xá, người Mèo và chẳng kể người khác lạ nào, ở cùng nhau chỉ muốn giết nhau. Khi còn bé, vì mình sợ như thế, cho nên đâm ra sợ cả mọi người. Đến khi phải cùng mẹ ở trong rừng, thấy quan thống lý người Mèo mà lại đánh đuổi, giết hại người Mèo thì càng lạ lắm, sợ lắm.

   Bây giờ đi một ngày đường, đi bao nhiêu ngày đường, đi khắp nơi đất nước đều chỉ thấy người các dân tộc ở các nơi đến kiếm ăn cùng một dải núi, một con suối, một cánh đồng chân rừng. Không đâu còn gặp thù oán đến phải liều  mình giết nhau.

   Người già như ông chủ tịch Tỏa đã nói đúng: "Con gái Mèo đen ngày trước mặc áo chàm, chít khăn đen, về sau đổi ra mặc váy áo thêu. Người Mèo xưa kia cùng một dòng họ, sau mới chia ra các họ Mèo đen, Mèo trắng, Mèo hoa... Chỉ vì cha ông ta nghèo khổ, không ở đâu được yên, phải bỏ gốc đi trốn tránh vua quan, mỗi người chạy mỗi nơi, tự tìm cái ăn cái mặc, vì thế, anh em một nhà mà rồi ăn mặc khác nhau, gọi họ khác nhau”.

   Người Lừ với người Thái, người Thái đen hay Thái trắng cũng như thế. Vua quan người Thái tranh ăn hết ruộng tốt, làm cho nhân dân Thái phải nghèo, phải bỏ mường đi lang thang. Nhà giàu ở mường giữa đồng, nhà nghèo ở bản ven rừng. Tận trong góc suối Nậm Ma khuất cùng cũng có bóng người Thái lặn lội theo ngọn nước lên phát nương, kiếm cá như người Lừ, chẳng khác người Lừ và người Xá. Người nghèo của dân tộc nào cũng thế, đều cùng nhau ăn làm tự nhiên. Mà bọn quan Thái, quan Mèo, quan Dao, quan nào cũng được Tây nuôi, cũng một bụng như cái ống, chỉ có nghề sai người ta đi chém giết nhau, làm cho họ Mèo thù họ Thái, người Thái khinh người Xá.

   Các mạng tới. Vua quan chạy hết. Nhân dân các dân tộc đứng lên rửa cái xấu ấy, mới thấy được quang cảnh hôm nay.

   Những xóm Dao, xóm Lừ, xóm Thái yên ấm, mà Thào Khay vừa đi qua, ghé vào một nhà nghỉ ăn cơm trưa. Hôm trước, ở xóm này có nhiều người lên làm kho, đã biết Thào Khay, bây giờ kéo đến thăm hỏi bận rộn.

   Rồi Thào Khay xuống đến cửa suối, vùng người Xá ở.

   Mưa núi, mưa thung, mưa rừng thúc con suối Nậm Ma chồm lên. Cả một khoảng rừng bờ suối trắng bệch những cây chò vặn mình bỗng ra đứng trơ giữa như con suối đỏ ngầu. Chiếc thuyền độc mộc ngoặt đuôi én buộc dưới gốc chò. Cơn nước xoáy rứt phựt, thuyền lật úp, trôi lềnh nghềnh.

   Những con lũ gối lên nhau, miên man gầm thét đuổi theo nhau. Chân lũ này chưa dứt, đỉnh lũ khác đã ầm ầm tràn lên, mấp mé dọa lôi đi cả xóm, cả những cánh rừng gỗ mục.

   Từ những hang hốc thẳm cùng nào, đàn rái cá đuôi dài xám đen như đàn chó nước rùng rùng lội ra, tỏa ngược lên hai bên mép lũ. Chốc chốc, chúng ngoác chiếc mõm hếch. Những cơn gào kít kít nổi lên, xé ngang cả tiếng lũ réo. Rồi cả đàn lại vục xuống, chạy thốc vào mò cá giữa những đỉnh lũ lại đương gầm thét đến, át cả tiếng rái cá kêu.

   Những ngọn lũ cao vẫn đương dồn nữa xuống, quấn ngang lưng rừng gỗ chò, nghẽn đường khảm qua Nậm Ma.

   Thào Khay phải ở lại bờ bên này.

   Thào Khay tìm đường vào xóm. Qua quãng rừng nứa ẩm tối, nhờn nhoáng, lung lay những vòi vắt. Đôi ủng cao su lửng xéo lên ngàn vạn con vắt đương múa lên tìm hơi chân người.

   Thào Khay đi một quãng, nhìn thấy một túp nhà trơ trọi nép bên tảng đá lớn.

   (Nhà ông thày cúng người Xá. Có lần cán bộ Nghĩa đã ngủ đêm tại đây).

   Ra chỗ thoáng, trên một vệt cát nhỏ cạnh bụi cây, Thào Khay nhận thấy chân mình đương giẫm trùng lốt chân hổ. Lết chân hổ to, tròn lõm xuống, nước suối mới láng vào, chưa kịp đầy. Con hổ mới chỉ đi trước Thào Khay vài bước. Con hổ lùng mồi ban ngày đương đi vào túp nhà kia.

   Thào Khay cầm ngang súng. Bỗng vẳng lại, "kịch", một tiếng đụng chuồng lợn. Hổ sục chuồng lợn!

   Thào Khay bắn một phát chỉ thiên rồi chạy bổ vào. Cái khe chuồng lợn góc dưới sàn hoác ra. Con lợn nhỏ lăn rúm vào trong, im như chết. Thì ra, con hổ đương quều mồi, nghe súng, nhảo trốn mất.

   Ô! sao hổ vào bắt lợn ban ngày mà trên nhà không tiếng chó rít, tiếng ngựa hí, tiếng hú hay tiếng gõ nồi, gõ chậu đuổi hổ. Cũng chẳng thấy ai ra. Có lẽ con hổ săn mồi đã rình được lúc người đi vắng hết.

   Nhưng hổ vẫn không may. Còn có Thào Khay vừa đến.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 09:38:05 am »

Thào Khay trèo lên thang. Nghe có tiếng hừ hừ trong nhà hắt ra. Trong nhà vẫn có người. Rồi trông thấy một người ốm nằm áp phên vách, đương chập chờn ngóc đầu, con mắt lộn trắng đến sắp lồi ra. Thào Khay nhận ngay được người ốm là ông lão thày cúng dạo nọ.

   Cái ông lão thày cúng gặp ở nhà Pàng hôm ấy, xăm xăm, giận dữ đội trời mưa bỏ về. Bây giờ ông lão thày cúng ấy ốm nằm co quắp, rúm ró, xám lạnh như tro bếp. Hai ống tay cong queo như thể cành củi. Trong vắng lặng chỉ còn vật vờ một tiếng khò khè rên.

   Thào Khay ngồi ngay xuống, nhấc tay ông lão lên lấy mạch. Cùng lúc, Thào Khay nghiêng cái túi trên vai xuống, bỏ ống nghe ra. Ông lão thày cúng người Xá vẫn bằn bặt, li bì, chẳng biết gì cả. Y sĩ Thào Khay bắt đầu lúi húi làm việc chuyên môn.

   Ông cụ bị sốt rét, kiệt sức. Tiêm xong, ông cụ vẫn mê mệt, chưa tỉnh.

   Thào Khay ngủ lại đấy. Thào Khay ra rừng, chặt cành cây vào rấp chuồng lợn. Rồi lên nương sau nhà bẻ bắp. Trở lên sàn, Thào Khay trải bạt, đốt lửa nướng ngô ăn.

   Trong đêm mưa mù mịt, những con lũ đuổi nhau gào như điên. Chốc chốc lại nghe xé nước rít lên tiếng rái cá đói đương lao sóng đi kiếm mồi.

   Thào Khay tìm mỡ đốt đèn. Ông cụ đã tỉnh. Không phải ốm nặng, ông cụ chỉ lả vì mệt quá. Đã mấy hôm không dậy tìm cái ăn được.

   Bây giờ ông cụ mở mắt. Hai con mắt nhạt nhạt, khờ khờ, như mắt con trẻ.

   Mưa ồn ào bóng tối.

   Ông già nhớ lại, mệt nhọc:

   - Con hổ đuôi trắng về ăn lợn à?

   - Không.

   - Con hổ đuôi trắng là bố mẹ ta. Bố mẹ ta về bắt lợn ăn, đừng đuổi, đứng bắn con hổ đuôi trắng…

   - Ông hãy nằm nghỉ đừng nói.

   Ông già quay mặt đi, thì thào:

   - Nước.

   Thào Khay lấy nước nóng, pha đường, rồi nâng ông cụ dậy. Ông cụ lại hỏi:

   - Có phải... là người của vua về cho tôi uống nước cứu tôi đây không?

   Thào Khay nói to:

   - Không, cán bộ Chính phủ đấy. Ông nằm yên đi...

   Ông cụ uống cạn bát nước đường, rồi cứ chằm chằm mắt nhìn Thào Khay, như lạ lùng lắm. Mãi mới nằm xuống, nằm yên.

   Mưa chừng như đã ngớt. Những con lũ đuổi nhau quanh nhà vào trong đêm khuya càng rống lên. ông cụ im rồi lại nói, mắt lúc nhắm lúc mở, miệng lẩm bẩm, lảm nhảm. Ông cụ ấy nói một mình hay nói với Thào Khay? Chỉ có lửa còn rực đỏ. Thỉnh thoảng, Thào Khay đáp lại, ông cụ nghe không? Không biết. Người ốm đương nói với người hay nói với ma - ông cụ thì ngỡ đây toàn là những ma về ngồi quanh mình.

   Bao nhiêu kiếp người đã chết rồi đương về cùng nhau ngồi kể lể, than thở:

   - Khốn khổ, người Thái ở thấp được khôn ngoan, người Mèo tài giỏi ở cao, còn người Xá thì một đời chỉ biết nhắm mắt làm con trâu. Phải đến khi vua ra thì người Xá mới có được đất nước.

   Thào Khay nói:

   - Không, không bao giờ còn có thằng vua ra. Bây giờ người Xá người Mèo đã có Chính phủ. Đế quốc Mỹ muốn đem vua đem quan nào về, nhân dân ta sẽ đánh đuổi hết.

   Ông cụ vẫn nói:

   - Thế thì mày chưa biết. Người của vua đã về dặn đầy đủ rồi. Khi vua ra thì trời đất tối bảy ngày bảy đêm. Nhà nào cũng phải giữ đủ củi, đủ nến, đủ sáp ong thắp lúc ấy. Ta chưa giữ được gì. Chết thôi. Lại phải đóng một cái thuyền bằng bàn tay. Vua ra thì nước sẽ dâng lên ngập hết các núi, dìm chết hết những ai không kiêng không cấm đủ. Người có phúc bấy giờ mới được sống theo vua lên ngồi thuyền. Nhà nào cũng lại phải dành mười hai bát gạo để nấu cháo cho vua ăn. Trời ơi, ta chưa tìm đâu được một hạt gạo. Người nào có cháo mời vua ăn trước thì càng được phúc to. Già thì trẻ lại, con gái đẹp ra, trai bé đã có gió thổi lớn lên. Người có phúc mà gặp việc khó, chỉ gọi một tiếng thì có người trời xuống giúp cho giải việc khó ngay.

   Thào Khay hỏi:

   - Ông ơi, những câu lạ lùng này ở đâu ra?

   - Mỗi người trữ sẵn một đồng hào trắng. Ai có mà trình đồng hào ra thì được vua nhận là người của vua.

   - Không, không phải.

   - Mày đổ nước mía cho tao sống, mày cũng là người trời sai xuống, mày là người nhiều phúc, tao bảo thật mày. Ai hỏi, chớ nói. Cán bộ, bộ đội hỏi, không được nói. Nhớ đây này! Thấy chuột ra ăn thóc thì đừng bắn, đừng bẫy. Con chuột là quân vua. Chuột mà ăn được nhiều thóc, nhiều ngô thì vua càng chóng ra. Không được giết con lợn rừng ra phá nương. Con gấu ăn ngô cũng không được đuổi. Chẳng phải nó ăn hại ngô đâu. Nó chỉ cất ngô lúa cho ta. Đến ngày vua ra, nó lại biết đi nâng bố mẹ ta dậy, mời bố mẹ ta ăn. Đàn bà phải tập hút thuốc phiện để mời bố mẹ. Bố mẹ được hút thuốc phiện thì không bao giờ bố mẹ chết lại nữa. Phải mổ thịt hết trâu trắng, lợn trắng, gà trắng. Những con vật ấy làm bố mẹ ta quáng mắt, về đến nơi rồi mà không nhìn thấy lối vào cửa. Hãy thịt hết dê đi, con dê thối lắm, có dê trong chuồng, bố mẹ không dám vào nhà. Nhưng đừng thịt chó. Chỉ có con chó biết nói chuyện với người chết. Con chó giúp ta biết mặt các cụ tổ tiên về.

   - Ai mà nói nhảm nhiều thế, ông già ơi?

   - Người của vua.

   - Thế là nó bảo mình đem chân tay mình ra chặt. Đến lúc hết thóc, hết trâu, không còn gì để sản xuất, là hết cả, ông già ạ.

   Ông già vẫn nói:

   - Người của vua đã bảo: đừng phải lo. Một cái cỏ tranh sẽ mọc ra ba thứ ăn được: gốc ra đậu, giữa ra ngô, ngọn là thóc. ăn hết lại mọc ra. Một cái cỏ tranh kia cũng thừa sức nuôi một người suốt đời.

   Thào Khay nhịn cười, làm vẻ ngạc nhiên:

   - Tôi chưa nghe ai nói rồ đến thế bao giờ đấy. Thế còn gì nữa?

   - Còn nữa. Cứ mài sẵn dao sắc sẽ có nương. Cứ làm máng ăn nhiều thì có lợn tự nhiên chạy đến cho ta nuôi. Vua ta sẽ cưỡi tàu bay mười hai đầu về. Nồi, chảo, quần áo tốt, rồi vua mang về cho ta. Mày biết chưa, sắp có nhiều người Xá, người Dao, người Mèo bên Lào đưa vua về, tháng tám này thì về tới. Đừng ai đi dân công, ai làm việc với người Kinh phải gọi về, không về kịp thì bố mẹ nó sống lại cũng chết mất.

   Những câu ghê rợn cơ hồ làm rùng mình đêm khuya trong tiếng lũ ngoài kia mỗi lúc một vật vã hơn.

   Thào Khay cứ kiên nhẫn nghe cho đến chừng ông cụ mệt quá, không đủ hơi lảm nhảm nói nữa. Thào Khay không dọa, không cười, cũng không át lời. Thào Khay chăm chú suy nghĩ, ngờ ngợ, đoán xa xôi có lẽ đây không phải chuyện ma của người già. Nó là quân mê tín, quân phá hoại, quân âm mưu muốn rắc rối gì. Có thể đây là một cách phao đồn tin nhảm của bọn phản động. Tội nghiệp ông lão! Nghĩ thế, Thào Khay hỏi ông già:

   - Kiêng cúng đến kỹ thế mà vua vẫn không ra thì sao, cụ già ơi?

   - Tại ta cúng chưa hết lòng cho nên vua chưa ra được.

   - Lại cúng nữa?

   - Phải rồi, đếm xem còn lại bao nhiêu gà lợn, đem ra cúng nữa. Không để nhạt cúng được. Có khi cúng nhiều rồi mà vua cũng chẳng ra, phải sang Lào đón vua. Ai đi sang Lào đón vua mà gặp bộ đội gác sông Mã thì nhớ tránh vào rừng đi đường khác. Người của vua đã dặn thế rồi.

   Đúng là bọn phản động đã xui ra những chuyện này. Thào Khay nói:

   - Vua cũng phải sợ bộ đội?

   - Qua sông Mã, ta cứ đi mãi cho đến tận hôm nào thấy được hai người Xá già mặc áo trắng đứng múa giữa đường thì mới nghỉ lại. Đấy là vua cho đầy tớ ra đón ta. Đất của vua ở đấy rồi.

   Thào Khay nói, dò ý:

   - Vua cũng sợ Chính phủ, không dám về đây, ông già nhỉ?

   Ông già im. Rồi Thào Khay cười to, át cả những tiếng lầm rầm như nói như chửi của ông già, không biết.

   Nhưng chỉ biết chắc là ông già nọ đương âm thầm vướng víu những chuyện thần bí khủng khiếp, miệng nói tai nghe, nói đến đâu sợ đến đấy, bây giờ mệt lử, nằm im rồi thiếp đi. Thào Khay đã toan hỏi nữa, dồn cho ông cụ tức uất lên mới thôi. Sau nhớ ra ông cụ đương ốm và nghĩ đến bọn phản động thì lại hối hận và lặng im. Được, để đến mai sáng, ông lão tỉnh hơn, mình sẽ dò hỏi thêm xem có phải chuyện đáng ngờ không và bấy giờ hãy giảng giải cho ông lão thày cúng mê muội này.

   Thào Khay chẳng tin những cái vu vơ nhảm nhí thường bám đầy rẫy như con vắt, con ốc sên trong trí nhớ người già. Thào Khay đã biết - đã trải thất bại cũng như có được kết quả, khi đem công tác khoa học đương đầu với bạt ngàn u tối che khuất sự hiểu biết của con người. Chắc chắn rồi cái trạm xá có ba cán bộ phòng bệnh và trị bệnh của Thào Khay còn lắm vất vả và khó nhọc.

   Vừa miên man nghĩ, Thào Khay vừa cời lửa, đôi lúc chợp ngủ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 09:41:09 am »

Trời dần dần rạng sáng, rồi tạnh hẳn. Một buổi sáng tạnh ráo hiếm có giữa mùa lũ. Những mỏm núi lổm ngổm quanh nhà cắt lên gọn ghẽ, sẫm xanh. Từ trong khe, sương mù lan xuống trắng đầu thung.

   Ông cụ đã tỉnh. Cơn lũ dữ dội ban đêm đã biến mất từ lúc nào. Cũng như những điều u ám canh khuya trong lòng người đến rạng sáng thì tan đi, bây giờ trên mặt suối chỉ còn tiếng nước réo xô vào đá, đều đều. Những cơn nghĩ tối tăm cũng như những cơn lũ đã hoảng hốt chạy xa. Từng làn mây bông cất lên, chờn vờn với nắng. Con khướu mun nỉ non giục giã, làm nhẹ lòng người.

   Nét mặt ông cụ, đã thấy quang đãng. Ông cụ đương tẩn mẩn nghĩ lại hôm qua, đêm qua. Bây giờ trước mắt Thào Khay chỉ còn có một cụ già hiền hậu, thật hiền hậu và mệt mỏi, đương chăm chú nhìn người cán bộ lúi húi gấp bạt, sắp ba lô. Cơn sốt lui rồi và sức mạnh của thuốc đã khiến ông cụ khỏe khắn, ngồi dậy được.

   Thào Khay lại pha nước đường. Miếng nước ngọt quý giá, lạ miệng, làm ông già nhớ lại bát nước tỉnh người đêm trước. Còn chuyện vua quan ma quỉ mê mẩn càng mờ tan vào khoảng khắc buổi sáng ngắn ngủi. Bây giờ, trước mặt ông già cũng vậy, chỉ còn thấy anh cán bộ đến hôm qua, anh đã đuổi con hổ, cứu được con lợn, anh lại tiêm thuốc, cho nước đường khiến mình khỏi chết.

   Thào Khay nói:

   - À cụ ngồi lên, cụ khỏe rồi, cụ ngồi lên.

   Ông cụ sụp xuống, lạy:

   - Con ma giỏi rồi.

   - Không, đấy là thuốc của Chính phủ.

   Ông già lẩm nhẩm:

   - Chính phủ...

   Không, không, trí nhớ ông già không phải bây giờ chỉ còn lẫn lộn những ma những vua đâu.

   Trước kia, cụ biết cán bộ, cụ đã nuôi cách mạng, cụ đã chở đò cho cách mạng qua suối to. Bài hát than cái đời làm người Puộc cay đắng, phẫn uất, cũng là đời mình từ thuở trẻ, cụ đã tự nhiên thuộc, đến bây giờ vẫn nhớ thấm thía hơn bao nhiêu những câu khấn và bài cúng ê a đọc đi đọc lại mãi. Cho nên, lại tự nhiên, trong một buổi sáng vừa tan cơn mê, ông cụ già đã trông ngay thấy người cán bộ và ông già nghĩ rành rọt được rằng nhờ cán bộ Chính phủ về, nếu không thì ta chết đêm qua rồi. Lại nhớ rộng ra mình đã nhìn thấy cán bộ này đến chữa thuốc cho con trưởng thôn Pàng. Đấy là những cái trước mắt khiến ông già bối rối nửa phần tin nửa phần ngờ. Nhưng đến khi thấy quả là đương rõ ràng một buổi sáng ở nhà mình, không có vua, không có người của vua, chỉ còn mình với người cứu mình, thì lòng tin, một lòng tin thầm kín mà sâu sắc lại dâng lên.

   Ông già hỏi:

   - Cán bộ ới! Đêm qua tôi đã nói những gì rồi?

   Thào Khay cười:

   - Cụ nói nhiều lắm.

   Ông già lờ đờ mắt:

   - Đồng chí cán bộ ạ, thật tôi đã có lần gặp vua.

   Người Xá và người Dao vốn tính kiên nhẫn và âm thầm, thường hay bí mật chuyện nhà, chuyện dòng họ và tâm sự riêng mình. Ngày xưa người Dao học chữ Hán chỉ học truyền khẩu, thế mà ngồi bên bếp lửa chịu khó học cho đến kỳ đọc được sách. Trong kháng chiến, một người ở khu du kích, một chiến sĩ, một cán bộ, hễ người ấy là người Dao hay người Xá, nếu sa vào tay giặc, sẽ không ai lo điều gì người ấy làm lộ cả. Chẳng bao giờ người Xá hay người Dao nói, dù kẻ thù có kề lưỡi lê ngang cổ. Trăm người như hệt, đều một lòng quả cảm như thế. Nhưng một khi tin ai thật bụng thì lại chẳng còn biết giấu giếm. Lúc này, ông già tin người cứu mình sống lại đương nói cho mình nghe những điều phải mà chưa bao giờ ông được nghe. Trước đã có lần gặp chủ tịch Tỏa, gặp chủ tịch Tỏa nhiều lần, lại có khi cán bộ Nghĩa đến nhà, nhưng ông lão đều nghi ngại, chưa lần nào dám nói.

   Thế là ông già thổ lộ hết với Thào Khay. Lần đầu tiên, một ông già khổ cực người Xá nói ngọn nguồn đời mình với một người Mèo trẻ tuổi, không hề nghĩ đến tuổi khác nhau và dòng họ khác nhau. Ông kể Thào Khay nghe cuộc đời ông mấy mươi năm trời đằng đẵng đeo trên vai cái chân chài của cha ông để lại, chạy cùng các suối. Già rồi mà vẫn chỉ một thân một mình lặn ngụp trong dòng nước để ném cuộn sắt mòn chân lưới mà bắt cá. Rồi những khi gặp cán bộ, chở đò, đẽo bẹ báng cùng chịu khổ với cách mạng. Cả làng Huổi Ca bị Tây giết, ông già vẫn một lòng, không hề rung chuyển. Thế mà rồi đến khi phải Tây bắt, được thấy ông vua ngồi trong đồn Tây, ông vua thật, từ đấy hằng đêm suy nghĩ ngược xuôi, dần dần xa lánh cách mạng và đời người càng u ám, càng phiêu bạt cho đến đây.

   Ông già thở dài:

   - Tôi bây giờ lú lẫn cả rồi. Bấy lâu tôi chỉ muốn hỏi ai xem có thật thế, có thật đời tôi đã gặp cán bộ, đời tôi đã gặp vua đấy không. Thật ư? Hay không phải? Hay tôi nằm mê? Tôi không biết hỏi ai. Tôi đã cúng nhiều thế mà sao tôi không thấy vua ra cứu cho tôi khỏi khổ, sao vua chưa cho bố mẹ tôi được sống lại. Tôi không biết hỏi ai.

   Thào Khay nói:

   - Ông ơi, ông đã tin tôi hỏi tôi thì tôi nói nhé. Nghe ông kể tôi biết thằng vua ở đồn Tây là thằng vua giả rồi. Tây cho nó mặc áo vàng làm vua, lại quên không cho nó mặc quần tốt và đi giầy. Cho nên ông cúi xuống mới trông thấy cả cái bàn chân và cái ống quần rách của nó. Thế mà ông chưa nghĩ ra. Nó là đứa thông ngôn bôi mặt khác đấy. Có gì đâu.

   Ông cụ người Xá ngớ ra một lúc, lẩm nhẩm nói, nghĩ lại. Rồi chậm rãi hỏi:

   - Cán bộ có muốn nghe tôi nói nữa không?

   - Thế rồi sao?

   - Rồi về sau tôi lại gặp người của vua.

   - Gặp thằng vua ở trong đồn Tây à?

   - Không, tôi mới gặp đây, tôi mới chỉ được gặp người của vua thôi.

   - Nó nói gì?

   - Những chuyện tối hôm qua tôi nói đấy.

   Thào Khay phấp phỏng, hồi hộp. Chuyện lạ mình đoán dường như đương hé ra.

   - Cán bộ có nghe tôi nói đấy không?

   - Có, ông già ạ. Tôi nghe ông nói thì tôi hiểu có đứa phản động đã xui nhân dân trở lại cảnh nghiện hút, bỏ sản xuất, bỏ của cải, giết hết gia súc làm cho xóm làng đến kiệt cùng đói khát, bấy giờ nó muốn dắt đi đâu cũng phải đi với nó. Thế đấy.

   - Không, không phải người phản động đâu. Người của vua hôm trước sai về cũng là người Mèo như cán bộ.

   Thào Khay giật mình. Chợt hình dung ra một điều rờn rợn, Thào Khay hỏi đột ngột:

   - Có phải nó cưỡi con ngựa nhỏ đầu đốm trắng?

   - Không.

   - Nó ở phía nào đến?

   - Từ rừng kia tới.

   - Mặt nó có cái sẹo gấu vồ dài thế này phải không?

   Ông già lại ngẫm nghĩ, rồi thong thả nói:

   - Có súng, có súng như cán bộ. Tôi chưa dám nhìn mặt người của vua lần nào.

   Thào Khay nghiêm nghị nói:

   - Ông già ơi! Năm trước cũng vậy, năm nay cũng vậy, vẫn có thằng đế quốc về lừa ông, lừa người Xá và người Mèo chúng ta. Chúng ta không bao giờ nghe nó.

   Ngoài suối, những con lũ đêm qua lên xiến ngang rừng giờ đã thấp xuống, nhả ra một dãy gốc chò trắng nhợt rễ. Lúc này có thể bọc quần áo, túi thuốc, súng vào ni lông rồi bơi sang bờ kia. Trời nặng mây nước trên đầu vẫn mòng mọng muốn ập xuống. Phải nhân lúc tạnh và lũ đương xuống phút chốc mà tranh thủ đi.

   Thào Khay đưa ông cụ một gói đường, mấy viên ký ninh vàng và một chục viên thuốc bổ có vị thơm béo cài cài.

   - Hôm nào tôi về chắc ông đã khỏe rồi.

   Ông lão tần ngần.

   - Cán bộ biết hết chuyện của tôi, tôi sợ lắm.

   Thào Khay nắm tay ông già, dằn mạnh từng tiếng:

   - Ông ơi! Không, không có ma, không có vua. Chính phủ ta là to nhất, không ai hơn được. Đứa nào nói khác, thế là lòng nó khác ta, ta không được nghe nó. Ông già nên vào xóm ở với trưởng thôn Pàng là người tốt của ta. Đừng ở một mình đây.

   - Ừ.

   Ông già chỉ mấp máy môi đáp lại. Ông già đương chăm chú nhìn Thào Khay. Tin yêu và mến phục đương đặt cả vào người cán bộ. Nhưng, làm sao, ông già vẫn băn khoăn. ông như người bấy mới tập đứng.

   Còn Thào Khay thì lòng đầy ý nghĩ tốt đẹp và thiết tha. Một ông cụ thày cúng mê tín đã hiểu ra lẽ phải. Đã có một lúc ông già xa rời cách mạng, nay vừa nghe ta, trở lại. Người Xá cũng như người Mèo, trước sau, chỉ có cách mạng mới cứu được. Việc ấy rất đúng với tấm lòng đối với cách mạng, mà người Xá thật xứng đáng. Khi còn nhỏ, đi liên lạc cho du kích và bộ đội, đã nhiều lần Thào Khay được anh em Xá khảm đò cho qua suối lớn, gặp Tây phục kích thì anh em Xá dẫn đi đường tắt. Cả làng Huổi Ca hy sinh vì cách mạng... Những gương trung thực, sáng trong của dân tộc Xá.

   Thào Khay nắm chặt tay cụ già một lần nữa, rồi mới đi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 10:06:42 am »

XII


   Trong những ngày vừa lũ vừa giáp hạt, làng Xá dưới Ná Đắng mấp mé ngập nước và đói. Nỗi lo đến cùng mặt người xám như bầu trời đầy nước.

   Chỉ còn có những quả coỏng chín nở đều năm múi như chiếc đèn hoa khế đỏ thắm cứ nhởn nhơ trên cái xóm âm thầm, đêm ngày nước tràn vào, chảy qua cả những gầm nhà sàn thấp đã cuốn hết màu đất. Những con gà, con lợn chạy nước cũng bị dồn lên cao, không còn gì ăn được. cả làng vào rừng chặt báng, đào mài, đến khi nhọ mặt trời, bóng người nhá nhem lẫn bóng tối, mới về.

   Thào Khay lên thẳng nhà trưởng thôn Pàng. Đám trẻ, lưng và bụng xạm bóng như hòn cuội, đương chơi trên lạch nước. Mỗi em kéo ngược một ống tre, giả làm thuyền vượt thác. Trò chơi cũng thật như cuộc đời làng xóm hàng ngày. Đến chỗ vướng đá, chúng cũng hì hục kéo thuyền, chèo chống tới tấp rồi cười vang trên con nước. Trẻ con không biết lo giáp hạt.

   Thấy người lạ, một đứa đương cõng em, chạy ngay vào rừng.

   Thào Khay ngờ ngợ, rồi nhận ra đấy là con nhà trưởng thôn Pàng. Ngoan thế, khách đến nhà, anh em nó đi gọi bố ngay. Bé ốm hôm nọ, giờ đã chõm chọe ngồi địu trên lưng anh, quay cổ lại đám chơi, toe toét cười.

   Cả bọn đương chơi, ngẩng nhìn Thào Khay rồi lại cắm cúi, mê mải theo thuyền vượt nước mấp mô qua mỏm đá, tưởng ra đây là một dòng thác rất hung hăng. Chốc chốc, có một cái mảng tuột dây néo bị trôi băng ra suối to, các em lại reo ầm ĩ.

   Bọn trẻ này không biết sợ nước lũ và cơn đói giáp hạt đương quằn quại qua trên làng xóm. Chốc nữa, chiều tối, bố mẹ cho chúng mấy bắp ngô sớm hoặc một bát cơm hiếm, quý lắm, mà nhà nào cũng chỉ để dành cho trẻ được ăn những ngày thiếu đói. Chẳng biết đâu đến mọi nỗi lo của người lớn, lũ trẻ thảnh thơi như những quả coỏng đỏ mỡ màng nở đều năm múi rực rỡ ngoài kia.

   Pàng về nhà, đột ngột thấy Thào Khay, Pàng mừng cuống quýt. Dù đương gay go, ngô sớm mới lác đác được bẻ, nhưng từ hôm gặp Thào Khay lần trước, nhất là từ khi con khỏi ốm, Pàng thấy mình thật gần Chính phủ, không còn chút nào trơ trọi như dạo nọ.

   - Bé em ngoan chưa?

   - Chúng nó đương nhìn đồng chí Thào Khay kìa!

   Anh em bé cõng nhau ra đứng đầu thang ngó vào.

   Rồi Pàng hỏi Thào Khay:

   - Ở chơi dưới này lâu được không?

   Thào Khay hỏi lại:

   - Có gặp xóm được không?

   Pàng đáp:

   - Chúng tôi đương đợi.

   - Bây giờ ta có bao nhiêu người một lòng?

   - Lúc này giáp hạt, cũng có người hoang mang, có người kiêng người cúng, muốn giết lợn gà đón vua. Nhưng tôi đến nói, họ lại thôi.

   Và Pàng cười:

   - Ai bảo thế nào cũng muốn nghe, dại lắm.

   Câu Pàng nói na ná lời ông cụ lúc nãy than thở "Nước nào về thì người Xá cũng...", khiến Thào Khay băn khoăn, lo lo hỏi lại:

   - Thế là thế nào?

   - Người Xá nghèo nên hay nghe, hay lo. Được lời nói tốt của anh em như cán bộ thì ai cũng nhớ mãi. Mà có đứa như thằng Ngù đem cái sợ ở đâu đến, chẳng hiểu sao, như thằng Ngù đem cái sợ ở đâu đến, chẳng hiểu sao, cũng lại sợ theo. Nhiều đứa bên Lào hay lẩn về qua Ná Đắng, đến khi nó đi đã lâu rồi mà còn phải giải thích mãi mới tan được cơn đồn nhảm. Những đứa ở Lào về, có đứa trước đi ăn cướp, có đứa tay chân nhà quan, có đứa giống như bọn khách Sìn ngày xưa buôn súng, buôn thuốc phiện quấy chợ giết người kéo về, gặp nó, như người gặp rắn, ai cũng sợ.

   - Đúng thế, Pàng ạ. Tôi đã nghiệm rằng thói mê tín của con người không thể nói một lần, không phải chỉ có giải thích mà hết được, ta phải vừa nói vừa thay đổi đời sống thì con ma mới biến dần đi trong tư tưởng của người ta. Chúng ta sẽ làm như thế. Bây giờ, nhân lúc thiếu thốn, lúa sớm chưa có, bọn phản động lại muốn trở về rủ người đi họp bạn với ma quỷ, thì ta phải thẳng tay trị hết bọn phản động.

   Pàng nói:

   - Được đấy.

   Thào Khay bàn:

   - Tối nay ta họp xóm.

   Nghe có Thào Khay đến, mọi người về đông.

   Bóng đuốc và bếp lửa trong nhà soi lên đám quần áo bạc như đất, quần áo chưa bao giờ kịp ăn một nước chàm đã phải đem ra mặc đến xác xơ rồi. Mùa trước mất, mùa này lại kém, nương ngô vàng táp, mặt người đen xạm những xao xuyến, những lo âu vì hạt ngô, hạt thóc, vì bao lời đồn đại loạn lạc đâu đâu. Thào Khay đã đến, "cán bộ này đuổi thày cúng mà ma không làm chết được” - Nhiều người xì xào thế. Người đi họp đông, ai cũng tò mò và mong ước một điều tốt đẹp như mùa màng tới.

   Thào Khay nói với bà con trong xóm Ná Đắng về chủ nghĩa xã hội và công tác vệ sinh phòng bệnh, lại giới thiệu cái trạm xá khám bệnh, chữa bệnh đương xây dựng. Đã sẵn lòng yêu quý, mọi người chăm chú nghe Thào Khay và hiểu ngay, tin ngay.

   Rồi Thào Khay đột ngột hỏi:

   - Ở Ná Đắng có ai kiêng, ai cúng đón thằng vua không?

   Mọi người im phăng phắc.

   Lại hỏi:

   - Có người hay về xui ta kiêng cúng để đón thằng vua không?

   Một cái bóng cao, đứng lên nói vội một câu, rồi lại ngồi núp xuống. Nhưng mọi người chỉ nghe tiếng cũng biết là lão Ngù. Lão Ngù nói:

   - Không biết, cán bộ ạ.

   Mấy người khác nói to trong đám đông:

   - Nó biết đấy.

   Rồi họ cũng chúi vào nhau. Ai cũng như sợ cái lão vừa bị tố cáo quay lại nhìn mình, nhận mặt, để rồi có hôm nó sẽ giết mình. Không ai nói thêm, Thào Khay mới nói. Thào Khay đem kể tất cả những việc phải kiêng khem mà đêm trước ông lão thày cúng đã nói cho Thào Khay nghe. Nhiều người ngớ ra, nhìn nhau. Sao mà cán bộ biết hết cả rồi? Tài quá!

   Thào Khay nói:

   - Bọn phản động xui ta thôi sản xuất, xui ta đem giết hết trâu ngựa gà lợn. Để đến kiệt cùng rồi, chẳng còn gì nữa thì xấu hổ phải theo nó, bỏ Chính phủ mà đi. Đừng ai dại thế, bà con đồng bào Xá, đồng bào Mèo, đừng ai dại thế nữa!

   Một chị ngồi nấp mặt sau vai người khác, nói:

   - Không ai dại thế đâu, cán bộ ạ. Nhưng mà vẫn có đứa mất giống ở lẫn với nhân dân.

   Thào Khay nói to:

   - Chính phủ biết cả những đứa phản động rồi. Nhân dân đừng nghe nhảm. Đồng chí Pàng là trưởng thôn nói đúng đấy. Bây giờ ta hãy cùng nhau vào rừng xuống suối lấy củ bắt cá chống đói và trông nom mùa màng cẩn thận, đến mùa này thì no rồi.

   Trưởng thôn Pàng nắm tay, giơ tay:

   - Ta không đón thằng vua. Ta chỉ đón chủ nghĩa xã hội của Chính phủ.

   Họp tan, còn lại hai người, Thào Khay hỏi:

   - Lúc nãy người nói biết, người nói không biết, là thế nào?

   - Cái đứa nói "không biết" là nó biết đấy. Thằng Ngù ngày trước đã đi cướp thuốc phiện với khách Sìn, mới về Ná Đắng vài năm nay. Ai cũng lo có khi nó lại nổi máu giết người như xưa. Cả xóm ngờ nó biết có bọn xấu ẩn náu trong rừng. Bọn xấu hay về gặp người ở những nương xa, thằng này hay đi làm nương xa lắm.

   - Đồng chí Pàng có sợ nó không?

   - Không, không, không ai sợ nó.

   - Ừ, chúng ta không sợ.

   Pàng thiết tha nói:

   - Tôi đã lên Phiềng Sa, tôi đã xuống châu Yên, tôi đã trông thấy tất đẹp nhiều nơi lắm. Tôi biết Chính phủ không bao giờ bỏ nhân dân. Rồi Chính phủ sẽ đem trâu dạy người Xá làm nương cày. Chính phủ bảo: khi nào người Xá giỏi cày nương, lại biết làm ruộng nước thì bấy giờ mới khỏi phải chống đói, Chính phủ dạy thế là đúng. Chỉ vì không có trâu, không có cày, không có ruộng nước nên ta đành lội suối bắt cá và làm nương phát nên thường phải đói kém.

   - Cả xóm cùng tin như Pàng thì ta có sức mạnh rồi...

   Thào Khay biết muốn xóa được nỗi lo âu và thói quen mê tín của nhân dân ta còn phải làm nhiều lắm. Cày đi cày lại mới ra được nương lúa, chống mê tín cũng thế. Nhưng so với lần trước đi Ná Đắng, Thào Khay thấy mừng hơn.

   Trong khó khăn, Pàng đã vững vàng lên. "Có thể kết nạp đảng viên mới được! Pàng xứng đáng!" Pàng xứng đáng người đảng viên đầu tiên của Đảng ở Ná Đắng. Thào Khay sẽ nói với cán bộ Nghĩa và chủ tịch Tỏa dự định của mình.

   Thào Khay trở về. Nghĩa đi công tác xuống châu Yên, nhưng Thào Khay cũng đề nghị họp ngay với tổ Đảng. Trong cuộc họp, Thào Khay báo cáo kỹ những việc xảy ra ở Ná Đắng. Tinh thần Pàng lên cao rõ rệt, so với hồi Nghĩa xuống. Nhưng ai nấy đều cảm thấy trong tình hình ở vùng biên giới dưới Ná Đắng vẫn phảng phất một điều gì đáng lo mà tổ Đảng chưa biết hết.

   Chủ tịch Tỏa bứt rứt nói:

   - À thế ra cái lão thày cúng này gớm ghê. Mình gặp nó luôn mà nó không nói với mình. Công tác tìm hiểu nhân dân cũng khó thật!

   Rồi lại bồn chồn:

   - Thế này thì tôi phải xuống Ná Đắng.

   Đã lo cái gì thì chủ tịch Tỏa cứ nóng nảy như ngựa chạy, khó ai cản. Thào Khay bàn tỉ mỉ với chủ tịch Tỏa về công tác ông chủ tịch sẽ xuống Ná Đắng, gặp ông già thày cúng, gặp lão Ngù và cùng lo việc với trưởng thôn Pàng thế nào.

   Lũ đã ngớt, chủ tịch Tỏa đi Ná Đắng. Qua bên kia suối, chủ tịch Tỏa lên nhà ông cụ. Cái chuồng lợn vẫn trống hốc. Một chiếc bát, một mảnh vó rách, cái điếu cày cũng không thấy. Chẳng lẽ mới đấy mà ông lão đã chết hay sao? Vô lý. Thế thì việc gì đã xảy ra? Hay là ông lão dọn vào ở với trưởng thôn Pàng - như Thào Khay bảo. Có lẽ thế.

   Nhưng không phải. Ông cụ khỏi ốm, nhớ lại những chuyện đã nói với cán bộ, đâm ra sợ. Ngồi một mình càng vẩn vơ, càng hốt hoảng, càng sợ. Có phải ai để lộ điều bí mật vua  ra với người khác họ, với cán bộ thì con hổ, con rắn sẽ tìm đến cắn chết! Mỗi lúc ông cụ một lo người của vua đến báo thù, lại sợ con hở con rắn về tìm ông... Người của vua đã biết ta ở đây... Con hổ thì nó chỉ rung một cái cũng đổ cái nhà này... Lo nỗi ấy rồi lại lo sắp gặp cán bộ, lo lắm!

   Thế là ông cụ chạy vào rừng, lại tìm đi ở suối khác.

   Một con ve núi trốn nước lũ trong khe đá còn sống sót bỗng nổi một nhịp kèn buồn buồn. Mỏm đá chọc xẫm đen vờn lên trên đầu nhà ông cụ một nét nhăn nhở, cau có, dữ tợn, sau cơn mưa.

   Những đám mây đứt chân bay hỗn độn lại đương xô một cơn mưa khác về. Trước mặt chủ tịch Tỏa, thung lũng Ná Đắng khép lại trước cửa suối, mù mịt cuốn trong mưa, trong những lo toan cùng mọi niềm hy vọng của con người.

   Xuống đến Ná Đắng, trưởng thôn Pàng cho biết: Lão Ngù cũng đi đâu mất từ mấy hôm nay. Có lẽ lần này lão đi hẳn. Nửa đêm, nhà lão cháy. Sáng hôm sau chẳng ai thấy lão đâu Nhưng cũng không tìm thấy cái chảo lợn. Người ta bảo: "Nó đốt nhà nó bỏ đi thế này thì nó còn mang lòng thù ta đấy".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 10:09:46 am »

XIII


   Lại nói trở lại về quang cảnh từ năm 1958 trở về trước, trên các vùng biên giới phía tây nước ta.

   Khi đó, quân đội và cán bộ Pathét Lào nước bạn thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Giơnevơ về Đông Dương 1954 đã tập kết về các vị trí đóng quân, thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc của những người yêu nước Lào.

   Theo quy định, quân Vương quốc Lào được ra đóng biên giới các tỉnh Phong Sa Lỳ và Sầm Nưa trên Thượng Lào. Nhưng thật là đau đớn, đóng quân hết đâu, quân Vương quốc Lào cũng mặc sức phá hết mọi thành quả của nhân dân Lào đã đổ xương máu ra mới thu được trong kháng chiến. Những chánh lý, phìa tạo, thống lý, quản mán, bọn bù nhìn và ma quỷ lại ra cưỡi cổ người Lào, người Thái, người Mèo, người Dao. Chúng càn rỡ chém giết, gây hằn thù dân tộc, trói buộc mọi người vào vòng nô lệ cũ. Chúng còn làm nhiều việc phi pháp, không đếm xỉa đến hiệp định Giơnevơ và luật pháp quốc tế ở biên giới nữa.

   Hầu như bấy giờ, khắp bên kia biên giới Lào - Việt, từ các tỉnh Hạ Lào cho lên tới Phong Sa Lỳ, đã giăng lên biết bao âm mưu, thủ đoạn độc địa nhất của đế quốc Mỹ cùng bọn chúa đất địa phương và bọn tư sản mại bản quốc tế (vốn là những tay tình báo, gián điệp, đặc vụ lõi nghề) thậm chí có cả lũ thày tu đội lốt tôn giáo - tụi này gian ngoan, liều lĩnh và đắc lực cho đế quốc hơn hết.

   Bọn cố đạo và cố vấn Mỹ đã len lỏi đến nhiều vùng hẻo lánh - có khi chúng lén nhảy dù xuống, như ở xung quanh Xiêng Khoảng. Chúng mưu lập "khu Mèo kiểu mẫu” bên Lào, uy hiếp biên giới và nhử mồi dụ dỗ người Mèo trên miền tây nước ta mắc bẫy di cư.

   Lũ tay chân đi mua thuốc phiện cho chúa đất Bun Ù ở Trung Lào, từ Sămbátxắc tỏa lên. Chúng mò khắp nơi, bất kể mọi biện pháp, chỗ nào có người Mèo chúng đều lần đến, đem bạc trắng giả ra lừa đổi thuốc phiện, phao tin đế quốc Mỹ nhiều súng to, có tàu bay mười hai đầu, đế quốc Mỹ sắp đến.

   Những hãng buôn của tư sản châu Âu và Bắc Mỹ đến đặt đại lý ở Viên Chăn. Nhiều người một nước nọ có trách nhiệm của những ký kết quốc tế vào công việc Đông Dương do tình hình đặc biệt tạo nên sau hiệp định Giơnevơ, họ đã biến thành những nhân viên chạy hàng cho những tay trùm buôn lậu quốc tế. Cơ quan của họ treo bảng cơ quan hợp pháp mà những hiệp định quốc tế đã qui định, nhưng họ chỉ chuyên đi vét thuốc phiện và buôn tiền. Có lần họ thuê tàu bay tải hàng chục tấn thuốc phiện qua đường Thái Lan về Bắc Mỹ. Rồi chỉ vì hải quan Thái Lan "bắt nhầm” hóa bại lộ "chuyến lậu thuốc phiện to nhất thế giới từ trước tới nay". Mặt nạ bọn "kinh doanh” chính trị bị lật ngửa trước dư luận quốc tế. Các hãng thông tin thế giới được dịp tường thuật những thủ đoạn làm tiền không biên giới. Rồi chính phủ nọ cũng cách chức, cũng đưa ra tòa mấy tên đã bôi nhọ sĩ diện quốc gia. Nhưng rồi chính bọn ấy lại trơ trẽn làm chuyến khác, ghê hơn.

   Rồi thì cố đạo bỏ tiền ra mua trẻ con Mèo đem về nhốt vào các trường thần học ở X., ở A. bên Thái Lan, bên Lào, dạy cách truyền giáo và nghề gián điệp. Bọn chúa đất Đèo Văn Long, chúa đất Mùa Sống Cổ, chúa đất Bun Ù, những vua Thái, vua Mèo đã bị nhân dân Tây Bắc đánh đuổi, nay lại ném chó săn về Tây Bắc nghe ngóng để lấy tình hình, bán tài liệu cho tình báo Mỹ và dọa sắp “cùng nước Hoa Kỳ cưỡi tàu bay mười hai đầu về chiếm Mường Lài".

   Bọn bù nhìn Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn bò lên đặt trụ sở, căng khẩu hiệu ở ngay đầu tỉnh Sầm Nưa để hóng "người miền Bắc di cư", phóng tin người di cư sang sẽ được đón tiếp và cho nhiều tiền, lại phát chẩn chăn chiếu, sữa bột, nước hoa...

   Khắp nước Lào, suốt biên giới Lào - Việt, nhiều bộ mặt đế quốc khác nhau đương nhô ra, gầm gừ, hục hặc, quay cuồng kéo cánh với chúa đất và ma quỷ liên minh thành một sức mạnh đen tối, thảm hại, tàn ác nhất. Chúng rình thời cơ công khai hoặc bí mật vào quấy rối nước ta.

   Cũng lại nói thêm về các vùng biên giới miền Tây bên nước ta, trong khi ấy.

   Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tất cả các cánh đồng lớn, các vùng phì nhiêu chín châu mười mường đều được giải phóng. Từ Mường Tấc ra sông Đà ngược sông Mã, từ Châu Mộc lên Phong Thổ sang châu Mường Tè. Những cán bộ đã lâu năm chiến đấu ở các căn cứ núi cao rừng sâu chôn rau cắt rốn của Tây Bắc kháng chiến, các ban cán sự tỉnh, liên tỉnh và cán sự châu, các đồng chí phụ trách khu vực, cả đến những tổ giao thông trên núi cũng lần lượt dời xuống đồng ruộng. Công tác đương hết sức khẩn trương ở các vùng mới giải phóng.

   Ở Phiềng Sa cũng vậy, cả đến các đồng chí cán bộ Mèo vốn người địa phương nay cũng vì yêu cầu mới của cách mạng, đều xuống đồng bằng công tác.

   Các khu du kích cũ đều vắng người qua lại.

   Đã có lúc, ở khu du kích, nghe có những lời hát bóng gió của một cô gái Lô Lô, thật buồn tủi.

      Đôi ta như hai dòng nước
      Dòng đục dòng trong
      Mỗi dòng một nơi
      Biết bao giờ gặp nhau.


   Tuy đã có chính quyền, các ủy ban và trưởng thôn đều là những người trung thực, tầng trải gian khổ kháng chiến. Nhưng chưa ai quen công tác mới này.

   Trong kháng chiến, họ chỉ làm toàn những nhiệm vụ cấp bách, công tác sống mái: chống càn, quấy phá đồn bốt, đưa dân chạy giặc, vỡ nương bí mật, đi dân công, giao thông liên lạc theo đội võ trang tuyên truyền vào vùng tạm chiếm sâu... Cán bộ cùng nhân dân chỉ biết đi cứu đất nước, còn sau này thế nào thì ai nấy đều gửi cả lòng tin không bờ bến vào Chính phủ. Cho nên, giải phóng rồi, thật ồ ạt vui sướng, nhưng đến việc cùng nhau xây dựng nên chính quyền thì nhân dân lao động bây giờ mới biết. Có nơi, đến tận khi rút cán bộ phụ trách xã xuống công tác vùng đồng thấp, lúc ấy mới lúng túng tìm người ra làm chủ tịch, làm ủy viên.

   Ba năm đã qua. Mọi việc lúc đầu bỡ ngỡ rồi cũng trôi chảy, vào khuôn khổ dần.

   Rồi những công tác đảm bảo đời sống nhân dân bắt đầu được thực hiện, sau cải cách dân chủ. Cán bộ thương nghiệp, y tế, thày giáo... lần lượt lên Phiềng Sa xây dựng chủ nghĩa xã hội.

   Nghĩa trở về. Đó cũng là trường hợp Thào Khay, học ba năm tốt nghiệp y sĩ, trở về 1.



-----------------------------------------------------------------------------
1. Trên đây là tình hình các tổ chức chính quyền nói chung ở vùng cao Khu tự trị Tây Bắc (lúc ấy còn gọi là Khu tự trị Thái Mèo) quãng thời gian 1954 - 1957, có 16 châu, chưa lập tỉnh, chưa đặt lại cán bộ phụ trách xã ở một số nơi cần thiết và chưa chia khu vực trong mỗi huyện có trọng điểm với bộ phận cán bộ riêng, thường gọi là "Ban chỉ đạo vùng cao". Lúc đó cũng chưa thành lập công an nhân dân võ trang, chuyên trách biên phòng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 10:12:37 am »

*
*    *

   Vừa hết mùa mưa. Đã sang tháng chín.

   Trời Phiềng Sa nhẹ thênh lên. Núi dài một dải biếc màu cỏ tranh già.

   Con suối kiệt dòng hiền lành trở lại róc rách trong khe đá. Tiếng con suối bây giờ đầm ấm như tiếng mẹ ru con Ứ a... pứ a... mí nhùa a ơi… Ngủ đi... con à con ơi...

   Đàn bò đủng đỉnh ra nương, chuông cổ bò reo loong coong, con đen con vàng chen giữa lũ dê trắng lon ton chạy lên chạy xuống.

   Chiều chiều, bóng núi bên này và bóng núi bên kia lại ngả xanh rờn vào nhau trên những nương ngô vàng mượt. Trai gái được khi thanh nhàn đợi gặt hái, từ làng xa cũng chịu khó hẹn nhau một chợ, hai chợ cùng đi.

   Người ham chơi đã lần vào rừng trúc bẫy họa mi về chơi hội chọi chim. Người chăm việc vác cày ra làm một miếng nương gần, soạn sẵn đất trồng đỗ tương thu.

   Nghĩa lại trở lên Phiềng Sa, đi cùng đoàn ngựa đưa chuyến hàng đầu tiên tới cửa hàng mới.

   Nghĩa vào tìm Thào Khay. Bà Giàng Súa nói:

   - Khay đi công tác.

   Nghĩa hỏi:

   - Khay có nhắn gì tôi không?

   - Không.

   Mỵ nói:

   - Có em nhắn anh, anh Nghĩa à!

   Rồi Mỵ chúm chím cười, đưa cho Nghĩa một mảnh giấy.

   - Tờ giấy thư của em đấy.

   Nghĩa đọc:

      Anh Nghĩa thân mến,
      Tôi có việc rất cần báo báo với anh. Tôi ở trạm xá.
      Khay.


   Nghĩa hỏi Mỵ:

   - Khay viết thư này bao giờ?

   - Hôm qua.

   - Tôi ra trạm xá đây.

   - Anh Nghĩa không trả lời thư em à?

   Nghĩa cười. Mỵ cũng đi theo Nghĩa ra trạm xá. Mỵ vẫn thường ra trạm xá xem luôn. Từ ngày có trạm xá, lúc nào cũng có người đến ngồi chơi, vừa hút thuốc lá, vừa xem tiêm, xem Thào Khay chữa bệnh.

   Trạm xá Phiềng Sa, từ buổi sáng đã đông người tới xin thuốc và tiêm thuốc đứng đầy quanh căn nhà có tường quét vôi trắng, có rèm vải hoa bay trên cửa sổ mở cao cả bốn phía. Trên vách, dán những bức tranh em bé ngủ ngon, em bé cười, bé nào cũng bụ bẫm như quả bí ngô, thoạt nhìn đã mê ngay. Chính phủ chữa được bệnh, không ai lạ nữa. Cái gay bây giờ là người bệnh ở các núi xa, đường dốc, khó đến được. Đường Thèn Phàng phải bắc thang leo lưng đá. Chỉ mới có các xóm quanh đây đến mà đã đông thế. Người Mèo làm quen với thuốc, chỉ thích thuốc tiêm, không sợ tiêm đau. Người ta nói: "Tiêm cho thuốc lặn vào trong thịt thì mới chóng khỏi".

   Thào Khay không có ở trạm xá. Không ai biết Thào Khay đi đâu. Có lẽ Thào Khay đương dở đợt vận động phun thuốc trừ sốt rét ở mấy xóm dưới, vừa về đã lại xuống nữa.

   Chủ tịch Tỏa cũng không biết Thào Khay đi đâu. Chủ tịch Tỏa cũng công tác ở xóm người Lừ, đi đã mấy hôm, mới về. Nhưng chủ tịch Tỏa chợt quay ra hỏi Mỵ:

   - Thằng Nhìa có nhà không?

   - Đi lấy củi.

   Rồi chủ tịch Tỏa nói với Nghĩa:

   - Nghe nói lại có bọn phản động về Ná Đắng.

   - Ai bảo thế?

   - Thường trực ủy ban nói trưởng thôn Pàng mới lên báo cáo.

   Nghĩa ngần ngừ:

   - Có lẽ nào…

   Nghĩa đương muốn bàn với chủ tịch Tỏa và Thào Khay việc tuyên truyền trong dịp khai trương cửa hàng mậu dịch. Nghe nói dưới Ná Đắng lại có đồn thổi những chuyện "để dành bạc trắng để mua quan mới sắp ra" như thế, Nghĩa thật băn khoăn.

   Mấy tháng nay, cả Phiềng Sa đã đến dựng cửa hàng ở mậu dịch. Bây giờ cửa hàng sắp mở, sẽ vui cả Phiềng Sa. Nếu để lọt lại Ná Đắng có điều lo lắng, Nghĩa không đành lòng. Tổ Đảng đặc biệt chú ý Ná Đắng. Nghĩa đã xuống nhiều lần. Thào Khay được phân công dìu dắt Pàng thành một người cảm tình Đảng.

   Vẫn như thế, bây giờ làm cửa hàng hay ngày trước là cán bộ phụ trách xã, bao giờ Nghĩa cũng sôi nổi, tin tưởng. Không bao giờ có thể phai mờ trong trí nhớ những ngày Nghĩa mới đặt chân đến Tây Bắc. Ngày ấy, Nghĩa vào Tây Bắc theo đường dây liên lạc bí mật, qua sông Thao, sông Đà, xuống sông Mã rồi, vòng ngược lên Phiềng Sa. Đi lần cả một năm trời trong vùng địch tạm chiếm sâu. Một tiếng nói không biết, lần đầu tiên được thấy dân tộc Mèo, dân tộc Xá. Nhưng cũng chẳng phải một chút bỡ ngỡ. Các dân tộc anh em chờ đợi và khát khao gặp Đảng đã từ lâu. Có lần, địch khủng bố vỡ cơ sở. Nghĩa chạy lạc, lại ốm, nằm liều trong hang đá giữa rừng. Cơ quan huyện tìm mãi không thấy. Ròng rã mấy tháng, râu tóc xõa gần lấp mặt. Chỉ nằm một chỗ, với tay ra xung quanh bới ăn rêu, ăn lá và bắt ốc sên. Đến khi lại gặp được đồng bào, mới biết mình còn sống.

   Trong những ngày cực kỳ gian khổ, nhân dân đã nuôi Nghĩa, nghe Nghĩa. Cho đến bây giờ, lòng tin các dân tộc anh em ở Phiềng Sa của Nghĩa hầu như tự nhiên - đến nỗi, đôi lúc giản đơn và chủ quan, không suy tính, không thấy cần phải suy tính, phải có kế hoạch chủ trương gì hết. Đấy cũng là thói quen tốt và thói quen xấu của một lớp cán bộ kháng chiến ở Tây Bắc, như Nghĩa.

   Sốt ruột tình hình Ná Đắng, thế là Nghĩa lại đi ngay Ná Đắng.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 03:10:22 pm »

XIV


   Trên đỉnh một ngọn núi cao, trong một cửa hang giữa vách đá. Những tín hiệu "tạch te... te tạch" kỳ quái từ maníp  qua máy phát, tung sóng điện ra không trung, bỗng im từ nãy.

   Lão cố đạo ở trường thần học Udon dạo trước, người ra tiễn Thào Nhìa ở sân bay quân sự V. bên Lào, còn đương mải nói chuyện với Thào Nhìa.

`   Những tảng mây lớn cắt ngang, ngọn núi thành hòn đảo chơ vơ trong mây. Ông cố đạo, tay nắm khẩu súng một cách tự nhiên, tay kia vân vê những sợi vỏ bào trắng phếch ở cái nệm trải kín sườn đá mà ông đương ngồi.

   - Bây giờ cha nhận xét tình hình cho con. Nó thả con rồi nó lại rình mò con, để giết con đấy. Bao giờ cũng phải biết nghi ngờ chúng nó. Cái đứa sắp đâm con nhát dao đầu tiên là thằng em con đương làm thày thuốc cho cộng sản. Nếu con không ra tay nhanh, kẻ thù Chúa sẽ giết con trước. Cha thấy có nhiều cơ hội tốt đợi con. Con cần tỉnh hơn nữa, bạo hơn nữa, cầu xin Chúa nhiều hơn nữa.

   - …

   - Cha cũng nói rõ tình hình đáng mừng ơn Chúa ở mọi nơi để con biết. Dưới Châu Mộc, mấy ngàn người đương đợi bên sông Mã cũng vậy, cho đến tận Bao La ở Hòa Bình, Kỳ Sơn ở Nghệ An cũng được hàng ngàn người tỉnh ngộ theo Chúa rồi. Cha lên đây xem con thế nào, nếu đã sẵn sàng thì hay quá, khắp nơi sẽ cùng hành động một lúc. Những anh em con cùng xuống dù chuyến ấy với con đều đã có công. Những anh em con còn ở nhà ngày nào cũng cầu Chúa cho con mạnh khỏe, mong con báo đền được ơn Chúa…

   - Hoàn cảnh con khó quá.

   - Con có nhớ cái ngày con ở Cò Rạt?

   - Con có nhớ. Ơn Chúa, cha đã cứu con nên người.

   - Con có còn nhớ ông Bun Ù ở Sămbátxắc không?

   - Lạy cha, con nhớ.

   - Ông Bun Ù được Chúa sai làm vua Mèo, vua Xá thật rồi. Ta có nhiệm vụ lấy thật đông người về theo vua. Cha nhắc lại con thế. Trong nửa tháng nữa, con phải góp phần con, con phải đem được một đoàn người bỏ quân cộng sản mà đi theo Chúa.

   - Lạy cha, con vẫn nhớ lời cha dặn.

   - Ông thống lý Sống Của cũng đợi con.

   - Con nhớ.

   - Vậy thì con đừng quên công cha. Chớ làm cha đau lòng trước bề trên. Con theo hầu cha đã lâu rồi, cha tin con lắm.

   - Con sẽ cố.

   - Tốt.

   - Thằng em con, thưa cha...

   - Hãy để nó đấy. Còn mẹ con và em gái con thì sao?

   - Con muốn rủ đi.

   - Cái thằng bây giờ ra làm thống quán cho cộng sản trước nó đã theo ông Sống Của đấy. Có tin được không?

   - Chủ tịch Tỏa.

   - Con nói gì với nó chưa?

   Thào Nhìa lặng đi, không đáp được, cứ bối rối nhìn ông cố đạo dài mũi, ở núi lâu ngày, có bộ râu xồm xoàm xuống tới ngang ngực.

   Chưa bao giờ Thào Nhìa dám nghĩ việc vận động chủ tịch Tỏa. Chủ tịch Tỏa ghê nhất, rắn chắc nhất. "Bảo thằng Tỏa rằng tao nhớ nó! Bảo thằng Tỏa..." Thào Nhìa đã quên hẳn lời Sống Của dặn rồi. Bây giờ nghe nhắc đến, Thào Nhìa thấy đột ngột như bị đâm sầm vào tảng đá, mắt hoa lên.

   Cho đến lúc trèo xuống, Thào Nhìa vẫn còn choáng váng. Thào Nhìa đã băn khoăn, ngần ngại lắm, trước lúc lên đây liên lạc. Trong khi lão cố đạo biệt kích yên trí người của mình vừa được tiếp thêm lòng tin nóng hổi, đã hăng hái và trung thành hơn nữa.

   Lão cố đạo biệt kích xem đồng hồ rồi thản nhiên dựng lại hai cái que ăngten phát để kịp liên lạc đúng giờ với đài P.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 03:38:43 pm »

XV


   Nhưng, dù sao, lão cố đạo biệt kích cũng làm cho Thào Nhìa hăng lên. Thào Nhìa lại mưu tính đưa mẹ và em đi. Một hôm trước, Thào Nhìa đem ngựa đi lấy củi về, nói với mẹ:

   - Mẹ ơi! Bây giờ đương còn thong thả việc nương, mẹ cùng em Mỵ đi với tôi.

   - Đi đâu?

   - Đi tìm chơi với anh em ít ngày.

   - Ông chủ tịch có cho mày đi không?

   - Đi xin ăn ít ngày rồi lại về mà!

   - Mày hỏi thằng Khay chưa?

   Thào Nhìa trợn mắt:

   - Nó là thằng dưới tôi, tôi không phải hỏi nó.

   Bà Giàng Súa uể oải, buông thõng một câu:

   - Không được đâu.

   - Tôi hết hạn tù rồi, bây giờ tôi cũng như mọi người ta.

   Bà Giàng Súa kên lên:

   - Không phải.

   - Mẹ bắt tôi phải đi tù nữa à?

   - Bao giờ mày được làm cán bộ như thằng Khay thì mày mới bằng người ta được.

   Thào Nhìa cau mặt:

   - Thôi thôi…

   Thào Nhìa vung tay, toan sừng sộ. Nhưng, nhớ ra, Thào Nhìa sững đờ người. Rồi khe khẽ trở lại ngọt ngào:

   - Mẹ ơi, ở các núi bên kia bây giờ có nhiều nơi giàu có lắm mẹ ạ. Em Mỵ đi thì nó thích đấy.

   Mẹ sửng sốt nghĩ: "Nó vẫn còn khoe thằng đế quốc giàu ư? Thế này thì ta mất người rồi". Bà Giàng Súa đau đớn lắm, nhưng ý thức tốt đẹp đối với chế độ đã khiến bà nền lòng, cố làm vẻ bình tĩnh, như lạ lùng, tò mò rồi hỏi:

   - Thằng Khay không đi với mày được à?

   Thấy mẹ chú ý hỏi thế, Thào Nhìa cười vui hẳn lên, nói khéo:

   - Nó còn bận việc Chính phủ, không đi được. Mẹ đừng nói gì với nó đấy, mẹ nhớ chưa?

   - Mày đi thật à?

   - Thật.

   - Đi đâu?

   - Mẹ với em cùng đi.

   - Đi đâu?

   - Sang Lào.

   Không giữ nổi điềm nhiên nữa, bà mẹ giựt giọng:

   - Không!

   Một tiếng “không” phựt ra như đứt tung cái lạt buộc. Sau đấy, cả hai người cùng bàng hoàng.

   Bà Giàng Súa đứng dậy, bước ra ngoài. Còn Thào Nhìa thì cứ ngẩn ngơ thế, ngồi lùi vào góc cột, không nhúc nhích, im như cái hông nồi ngô đen sì dựng bên cạnh. Thào Nhìa tưởng không bao giờ còn đứng lên được nữa. Lúc ấy là lúc thằng biệt kích lại quỵ xuống, tăm tối mặt mũi. Và nỗi thương tâm của lòng người con lại đương giày vò nó. Khác nào có hai dòng nước chảy ra trước mắt Thào Nhìa - một dòng suối bình yên và một con lũ hung hăng.

   Một dòng suối hiền lành man mác những ngọn nguồn gốc rễ cha mẹ anh em và họ hàng từ khi còn bé dai. Không, dù chìm nổi bấy nhiêu năm, trong thẳm cùng tấm lòng, Thào Nhìa vẫn nhớ núi, vẫn nhớ người Mèo kiên nhẫn đeo cái chảo trên lưng, suốt đời đi tìm đất sống. Không bao giờ quên, Thào Nhìa không bao giờ quên những thiết tha, những âu yếm, những đau đớn mình đã trải qua thuở bé. Từ khi trở về gặp lại mẹ, lại càng nung nấu.

   Nhưng một con lũ khác cuồng lên, cứ mấp mé rình cuốn theo hết mọi niềm yêu thương của mình, cuốn cả Thào Nhìa ngồi đấy, nhợt nhạt lịm như cái xác chết đuối. Mỗi lúc những việc đen tối phải làm đã sắp nhạt thì cơn đói thuốc phiện lại tới. Thế là Thào Nhìa lại lần vào rừng, lấy thuốc cai. Lúc ấy, những ngày qua cứ tự nhiên trở về. Lại mắc hai cái tai điện đài vào, như một thói quen không thể quên. Những cái ấy mỗi lần lại thúc thằng biệt kích chồm dậy. Nhưng đến khi đụng vào sự thực hàng ngày trong làng, trong nhà thì nó lại phân vân, lại loạng choạng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 03:40:22 pm »

Thào Khay có phương pháp công tác tốt, thường tiếp xúc sâu sắc với quần chúng. Thế mà đối với anh em lại vụng. Không bao giờ Thào Khay tìm hiểu hơn. Có phải vì mười mấy năm xa cách, đã quên hẳn mặt nhau rồi? Đến khi người anh em trở về, nó lại hiện ra là một thằng biệt kích của đế quốc Mỹ, chỉ mới nhìn đã không chịu nổi. Nhiều lúc Thào Khay đã không giữ được bình tĩnh. Thào Khay chẳng nói hết mấy câu tử tế với Thào Nhìa. Thào Khay chỉ nghĩ mình có trách nhiệm, có công tác: coi chừng nó. Vì vậy, những lúc bị day dứt, đau đớn quá, Thào Nhìa cũng không biết bấu víu vào đâu.

   Còn bà Giàng Súa, bà hỏi nó quanh co thế, nhưng lòng người mẹ đã hiểu là nó đương rắp tâm đi, muốn quyến cả mẹ và em đi.

   Mấy lâu nay, nó càng tâm ngẩm và lạ lờ đối với xung quanh. Biết như thế, nhưng đến khi rõ hẳn nó muốn đưa mẹ sang Lào thì bà đau đớn quá. Nó thương mẹ, nó thương em ư? Con nai trong rừng còn biết xót nhau. Ở nhà này, chỉ còn có nó đáng thương, chỉ còn nó chưa yên mà thôi. Bà Giàng Súa thương con, nhưng bà Giàng Súa chẳng thể lung lay ngả nào.

   Có nên nói chuyện bí mật này với Thào Khay?

   Bà Giàng Súa nghĩ đi nghĩ lại. Nếu Thào Khay biết chuyện thì Thào Nhìa sẽ không yên, còn khốn khổ nữa. Nó đến phải từ, phải giết. Bà Giàng Súa lưỡng lự. Rồi bà không nói với Thào Khay.

   Nhiều lần, Thào Khay về, có lúc mẹ con ngồi với nhau, bà muốn nói, nhưng rồi bà Giàng Súa vẫn im.

   Thào Khay không hay biết gì hết.

   Nhưng từ hôm ở Ná Đắng về, mỗi khi Thào Khay nhớ lại lời ông già thày cúng bảo "người của vua cũng là người Mèo như cán bộ", thì tự nhiên, Thào Khay lại cứ giật mình nghĩ đến Thào Nhìa.

   Không nhẽ nó là người của thằng phản động vua thật. Không nhẽ thế. Càng nghĩ càng thấy nó chẳng được điều gì giống ta, nó không phải anh em ta. Nó cũng nuôi chỏm tóc dài như con trai Mèo thời trước. Nhưng nó không còn cầm nổi cái sáo - nghe mẹ nói, ngày xưa ở trong rừng, Thào Nhìa lớn nhất, thổi sáo hay đến nỗi con gái ra nương cuối núi bên kia cũng rủ nhau sang rình nghe sáo của con trai nhà có ma chài. Bây giờ chẳng ai thiết xem mặt nó, chẳng ai nô nức tò mò về nó nữa. Còn nó, dần dần, nó như người lạ. Bụng nó, con mắt nó bỏ quên nơi khác. Miệng nó bảo: từ nay không theo đế quốc Mỹ làm biệt kích. Nó lại bảo: vì nhớ nhà mới về hàng Chính phủ. Nhưng sao nó lầm lì khiến không ai hiểu được. Nó không phải như người trở về quê.

   Cả mỗi khi Thào Nhìa đi rừng lấy củi, Thào Khay cũng nghi hoặc. Sao nó chỉ chăm có một việc lấy củi? Nó buồn chán không muốn ở nhà, nó muốn kiếm cớ ra rừng tìm gái rủ đi chơi ư? Xem vẻ cũng không phải thế.

   Sáng ấy, Thào Nhìa dắt ngựa, đeo búa lên địu, lại đi hái củi.

   Lát sau, Thào Khay theo luôn.

   Rừng xanh ngắt. Dõi hết tầm mắt nhìn rõ cánh từng chiếc chim bay. Nhưng dù trời đục, Thào Khay cũng không lo. Khắp Phiềng Sa, cả những nơi hoang vắng không ai tới, trước kia, Thào Khay đều đã đi cùng kiệt khắp chỗ rồi.

   Thào Nhìa đương len đi dưới rừng.

   Trên núi, Thào Khay men theo.

   Một lát sau, tiếng búa vang động lên. Nhiều cây đã ngả từ những hôm trước, Thào Nhìa đến chỉ việc đẽo bớt cành, bó lại, dựng đấy, đợi xếp lên ngựa. Thào Nhìa thoăn thoắt làm nhanh, loáng đã xong.

   Thào Khay nghĩ bụng: "Chắc nó chỉ lấy củi thôi”. Thào Khay đứng dậy, ngó xuống một lần nữa, rồi quay về.

   Bỗng thấy Thào Nhìa cầm búa, nhìn trước nhìn sau, rồi thoáng một cái, mất hút vào vách đá. Thào Khay đã biết sau lũng, chỗ ấy, phía dưới chắn ngang một khoảng rừng rậm. Nó đi đâu? Thào Khay chợt bối rối, nhưng rồi tĩnh trí ngay: "A! Ngựa nó còn để đây". Ta cứ đợi. Thế nào nó cũng quay lại. Đấy chẳng có lối đi đâu.

   Rừng sâu thẳm, lặng câm.

   Chăm chú nhìn kỹ, thấy lả tả bóng chim bay lên. Như thế, biết phía ấy động rừng, khiến chim giật mình, có người đương len lỏi vào nơi đó.

   Một lúc lâu, quả nhiên Thào Nhìa trở lại thật. Bóng nó cắm cúi, đụng đậy, lúc khuất lúc rõ. Thào Nhìa cài búa vào khiêng củi, nghiêng người, vác củi lên, buộc dọc cái nạng thồ ngựa, mỗi bên một bó nặng. Con ngựa lùn tịt, xa trông chỉ còn thấy nhấp nhô cái tai.

   Thào Nhìa đã ra khỏi quãng rừng.

   Thào Khay nhấc súng trên vai, trèo xuống,

   Rừng ẩm ướt, tối quáng mắt. Thào Khay vẫn chú ý nhớ phía mấy con chim sợ người ban nãy bay lên và đi theo hướng ấy. Đứng lại, định thần, có lúc Thào Khay nhận ra lốt chân người còn hằn rợn. Thào Khay lại lần theo những ngọn cỏ vừa vướng, một bàn chân nào mới đưa lướt đi. Lại nhận ra có lẽ nhiều người đã vào đây, hoặc một người, mỗi lần vạch một lối đi khác. Có chỗ nhầu nát, có chỗ cỏ đổ loạn loạn, nghiêng nghiêng. Ai đã qua bên này rồi lại vuốt ngọn cỏ ngả khác. Ở cơ quan bí mật trong rừng sâu khi kháng chiến, ta vẫn làm thế. Rõ ràng có tổ chức phản động rồi. Rừng sâu không gió, bây giờ theo hướng cỏ nào?

   Thào Khay cúi xuống tìm lốt cỏ rạt mới nhất, rồi lại đi. Càng sâu càng nhớp nháp tối. ánh sáng lân nhấp nháy đom đóm trên những cành lá mục ngập ngang mắt cá. Dám chắc người Dao hay đi tìm nấm hương rừng sâu cũng chưa hề len chân tới đây.

   Thình lình, Thào Khay đến trước một vách rêu đen cao vượt đầu người.

   Phía trên, chìa ra một mái hiên đá. Thào Khay bật lửa soi các hốc. Rồi thò đầu súng, khua vào từng hũm. Tiếng lạch cạch khô khan. Tiếng đá. Và tiếng bục bục như đụng vào củi mục.

   Thào Khay thò tay, lôi ra một hòm gỗ sơn đen bằng cái tráp của thằng thống lý đựng bàn đèn ngày trước. Rồi đến mấy cái hòm con con nữa, và một khẩu súng lục lạ kiểu - loại giảm thanh, nhỏ nhẹ bằng bàn tay, bọc trong bao ni lông xanh lá cây.

   Thào Khay không lạ những cái hòm to hòm nhỏ này. Đi các chiến dịch Tây Bắc, ở trên mặt trận Thượng Lào và mặt trận Điện Biên Phủ, Thào Khay đã biết đấy là điện đài có các hòm đựng từng bộ phận. Trong chiến dịch, ở ban chỉ huy trung đoàn, bộ đôi ngồi duỗi thẳng hai chân, quay ò ò cả ngày.

   Thào Khay ngẩng lên. Lúc ấy, nghe đằng kia, phía dưới vách đá, thật xa, vẳng lại tiếng con bò nhà ai nhốt chuồng đương rống gọi người từng hồi dài. Lại nghe như cả tiếng cuốc hốc tra ngô va vào đá, tiếng cuốc vun ngô xào xạo nạo cỏ tiếng hát, tiếng sáo ai thẩn thơ đầu nương cuối nương. Nhưng tiếng thân thuộc của làng xóm quê hương, của cuộc sống con người và của chủ nghĩa xã hội mà Thào Khay càng thấy vô cùng mến yêu trong giây phút này. Những tiếng xôn xao tha thiết. Thào Khay lại cúi xuống. Bây giờ còn những gì đen tối nữa trong hang hốc đây?

   Một con suối chảy nhẹ như khẽ cựa mình, nghe đôi hồi xa lắm, dường như ngọn nước nguồn lên ngay dưới lòng bàn chân. Suối Nậm Ma phía ấy. Phía ấy có lối tắt thẳng xuống Ná Đắng, Thào Khay ngờ bây giờ bọn phản động có thể lợi dụng con đường bí mật của du kích ngày trước để đi ra biên giới, qua Ná Đắng. Trước kia, Thào Khay đã có đi. Tức quá, Thào Khay nghiến răng.

   - Thằng biệt kích!

   Rồi giơ súng nhằm những hòm điện đài, như trông thấy chúng nó là kẻ thù đứng trước mặt. Nhưng Thào Khay không bắn. Ngay lúc ấy, Thào Khay toan chạy xuống châu. Song lại nghĩ: "Phải bám ngay không thể rời nó bây giờ. Ta sẽ bàn với chủ tịch Tỏa".

   Thào Khay quay về. Nhưng chủ tịch Tỏa vừa đi công tác xuống các xóm Lừ.

   Và Nghĩa đã đọc cái thư Thào Khay nhắn gặp, mà Thào Khay đã viết cho Nghĩa trước khi đi theo rình Thào Nhìa. Đến khi Thào Khay trở về, đã không gặp chủ tịch Tỏa, mà Nghĩa cũng đi buột xuống Ná Đắng rồi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 03:45:35 pm »

XVI


   Dưới làng Ná Đắng xa xôi kia, lúc sắp chín. Giữa khoảng xanh rừng, lốm đốm những miếng nương vàng ngọt. Mùa này lúa tốt.

   Hồi ấy, bỗng nhiên dọc suối Nậm Ma lại rộn lên có tin đồn vua sắp ra. Những người nhút nhát lại đem giết chó trắng, dê trắng, gà trắng, gà đốm. Có người đuổi trâu vào rừng, rồi có người khác đến xui làm thịt trâu cúng trong ấy. Những người xưa nay thường suy nghĩ chín chắn, khẽ bảo nhau: "Khéo không có lại bọn tay sai đế quốc Mỹ bên Lào về cho uống thuốc lú muốn cho ta bỏ gặt lúa sớm đấy." Quả nhiên, có người đã bỏ canh nương. Lợn cỏ ra ăn hết lúa, hết đậu.

   Trưởng thôn Pàng định lên Phiềng Sa báo cáo với chủ tịch Tỏa, như lần trước. Nhưng mấy hôm có nước trong, đương lúc rộ cá, lại mải bắt cá, chưa đi.

   Sáng hôm ấy, Pàng vác lưới ra suối. Vừa đến ghềnh đá, gặp mấy người Mèo lạ, áo đen, ngợ như lối áo của người bên kia về. Biên giới cách đây một cánh rừng già, không có đường, nhưng chỗ nào cũng qua được.

   Nghĩ họ đi lướt qua, Pàng thu cái chài tỏa vào ngực, bước tránh lối rồi định đứng lại hỏi. Nhưng ba người nọ đã chụm lại trước mặt và sau lưng Pàng. Một người hỏi Pàng trước:

   - Xóm này có ai ở nhà không?

   Pàng nhìn sững mặt người hỏi, rồi hỏi lại:

   - Các người có giấy thông hành không?

   Người kia nói to:

   - Mày còn chưa biết bây giờ bên sông Mã, ngoài sông Đà, tất cả các suối đương kiêng bắt cá, kiêng ra nương à?

   - Không được. Chính phủ bảo nhân dân sản xuất...

   - Con rắn, con hổ cắn mày! Mày theo cán bộ thì bố mẹ mày có sống lại cũng không biết đường về đâu.

   Pàng không hãi ai dọa. Pàng tin Thào Khay hơn tin ma. Nhưng Pàng sợ bọn vượt biên giới vào thường có súng ngắn. Pàng toan lách đi. Một đứa nắm cánh tay Pàng giữ lại

   - Bây giờ chỉ còn có mày không tốt nên mày chưa biết, mày làm lây cả xóm này cũng chưa biết. Vua đã về trên núi đợi xem người Xá người Mèo có một lòng thì xuống đem chúng ta đi đòi vua Kinh, vua Thái lấy ruộng, lấy nhà gạch, lấy muối, lấy bạc trắng. Ai cũng một lòng cả rồi. Chỉ còn có mày nữa là đủ người đi đón vua...

   Không phải thế! Những câu mê tín và đe dọa chẳng làm Pàng run. Pàng sinh trên đất Huổi Ca dũng cảm, Pàng đã biết bộ đội, đã trông thấy thằng Pháp chết, thằng Pháp chạy, rồi Chính phủ ta vững vàng về lấy lại đất nước. Pàng cũng nghe nói chúa đất người Mèo là Mùa Sống Cổ theo đế quốc Mỹ bây giờ đi ăn cướp bên nước Lào. Thằng chúa đất Mùa Sống Cổ! Người các núi kể mấy đời chưa vơi tội mày, ai còn thiết gì lũ vua quan, chúa đất chúng mày nữa!

   Mặt Pàng vẫn thản nhiên. Một người trong bọn chúng bước đến rút khẩu súng ngắn giấu dưới áo ra. Mũi súng thúc Pàng đau chói xương sống.

   - Đi đằng này!

   Không biết làm thế nào, Pàng cứ ôm chặt cái chài.

   Chúng dúi Pàng đi. Chúng đẩy Pàng vòng qua suối rồi trèo lên bờ đá nhấp nhô, đi ngược lên.

   Đi ngược lên, quanh co mãi.

   Một lúc, Pàng trông thấy trên bãi đá lố nhố một đám người thật lạ lùng. Họ mặc quần áo nẹp đỏ, lưng thêu dấu áo thống quán và áo quản mán nhà quan. Có người áo thày cúng vạt dài. Lại có người quần chàm quần vải mộc, rách toang cả ống, mình lại trần trùng trục. Trong bọn rách rưới ấy có người Dao lan tiển, người Mèo, người Xá ở suối Nậm Ma. Nom ai cũng hao hao như quen mà không thật nhận hẳn ra ai. Ai cũng xanh tái. Không hiểu vì họ uống nhiều rượu quá hay vì bị cái súng bắt lên đây, còn đương cơn sợ. Họ lặng lẽ đi lại, họ đứng không ai nói với ai, rầu rĩ đăm đăm, xám ngắt.

   Ba bốn người mặc áo nhà quan xúm lại, đổ rượu, đổ nước cho ba bốn người Mèo nằm sóng soài dưới đất. Bọn người say sẵn cứ liên miên giội rượu, giội nước vào miệng, vào mặt những người ốp đồng nằm ngửa giữa bãi đá. Đã mấy ngày đêm, nước với rượu ròng ròng xuống, đọng vũng xung quanh. Tiếng reo, tiếng gõ sừng trâu, sừng bò tót. Người quỳ khấn rì rầm. Khói hương mịt mù nhạt thếch như khói đất cỏ tranh. Trên tấm lá chuối trải rộng, đặt cúng lăn lóc từng tảng thịt nướng, thịt chín tím ngắt, lẫn lộn nhặng và ruồi trâu từng đàn vù vù lên như ong.

   Chốc chốc, lại lào xào nói:

   - Uống... uống… bay nào… bay!...

   Mấy người loay hoay nâng lưng, nâng cổ con đồng. Một con đồng vừa được đổ rượu, nhổm dậy, hoa chân hoa tay, chạy quanh. Rồi lại kềnh xuống, vập đầu vào đá. Mấy người khác xúm vào, kéo con đồng lên, cũng say khướt, loạng choạng quơ tay ngã vồ theo.

   Một người Mèo nhồm nhoàm nhai thịt đương khật khưỡng ra nằm làm con đồng mới cho người xung quanh xúm lại đổ rượu, đổ nước, khấn vái. Rồi trong khói hương bốc như hun, sừng trâu, sừng bò tót reo khấn lại vang động. Người ta tới tấp đổ rượu, đổ nước cho những con đồng nằm đợi bay lên trời đón vua.

   Bị xô thúc vào sườn, Pàng ngơ ngẩn quay lại. Thì ra đấy là cái lão Ngù cao lớn, hôm họp xóm Ná Đắng nó đã đứng lên trả lời “không biết" lúc Thào Khay hỏi. Nó bảo Pàng:

   - Quan bảo còn có người chưa tốt bụng cho nên chưa đón được vua. Mày tốt bụng rồi à? Mày bỏ trưởng thôn rồi a?

   - Không biết!

   - Thế mày vẫn chưa tốt a?

   - Không được tuyên truyền nhảm!

   - Thế thì phải giết mày. Thôi, tao thương tao bảo trước cho mà biết. Ra kia reo quẻ xin vua cho được sống đi!

   Một người chen đến, không nhìn mặt ai, cứ thì thào chõ vào nói:

   - Khó lắm, sang Lào thôi.

   Người khác:

   - Ừ vua đã ra đứng đợi người của ta trên sông Mã bên đầu nước Lào rồi.

   - Có ngần này người thôi à? Sao bảo đi đón vua đông lắm mà? Bao giờ đi?

   - Bao giờ có người của vua về đưa đi thì đi.

   Nhiều câu hỏi săn đón, nháo nhác.

   - Thật không?

   - Thật.

   - Bao giờ người của vua ta về đưa đi?

   - Mai.

   - Không đợi nhiều người nữa đến à?

   - Không đợi được nữa rồi?

   Những cái mặt thức đêm trắng bệch, bủng ra, đương nghĩ đến bước đường đưa nhau sang ngọn sông Mã đón những điều tốt đẹp bằng nghe nói. Biết bao lo âu, bao chờ đợi, bao ngày đêm thúc giục ngon ngọt và ghê gớm, bao đồn thổi khủng khiếp và say mê. Con gà cuối cùng đã giết để người nuôi xem điềm tốt ứng vào cẳng nó thế nào rồi. Nương lúa bỏ gặt đã mọc mộng cho con chuột, con rím ra phá hại, rơi rụng như mưa. Nhà cửa đã bỏ đi, chẳng dám trở về, về thì xấu hổ, về thì sợ. Mà ở đây thì không còn gì, đói khát đến nơi. Chỉ còn độc một việc đợi vua đem các thứ ngon lành về cho ăn. Mãi không thấy vua đến thì phải đi, phải đi thôi.

   Một ông già người Mèo lẩn thẩn đến, bảo Pàng ngồi xuống.

   Pàng hỏi:

   - Cụ già ở đâu?

   - Ở suối Tà Ngào.

   - Tận Tà Ngào mà cũng ra đây a?

   - Phải, ta ở Tà Ngào nghe nói ngoài này có người của vua về dạy cúng lễ.

   - Bỏ gặt mà đi đấy a?

   - Ta nghe nói rồi vua về sẽ cho tất cả, con ạ.

   Pàng lắc đầu, thở dài. Đâu cũng thấy thế, cũng nghe nói thế, dần dần, Pàng nao núng, ngơ ngác. Pàng sốt ruột sốt gan, không còn bụng dạ nào nhịn được nữa. Xem ra thì nó muốn đi, muốn phản bội. Pàng là người Chính phủ ở xóm, Pàng phải phản đối nó. Nhưng bây giờ bị nó bắt được, nó sẽ giết Pàng hay sao đây?

   Cái thằng áo đen ban sáng lại chợt đến. Mặt rượu cứ lúc tím ngắt, lúc đỏ lựng. Bước đi đà đưa, lơ lửng chân lên chân xuống. Cái lưng áo lúc nãy còn lành, giờ đã rách trống hốc. Có lẽ nó vừa ốp đồng lên cơn nằm rê trên mặt đá đợi bay đằng kia.

   - Mày đứng đây à?

   Hơi rượu sực vào mặt Pàng.

   Nó nghiến răng:

   - Quỳ xuống!

   Pàng cũng nghiến răng:

   - Không!

   Hai con mắt ngầu đỏ trợn tròn vào mặt Pàng.

   - Tao phải giết con dê thối này cho vua ta ra.

   Tiếng rượu gầm lên: "Giết mày... Giết mày..." Pàng rùng người, thấy rợn hơn cả lúc nãy bị mũi súng ấn vào sống lưng. Pàng ngơ ngác nói:

   - Giết, giết à…

   Nó gật đầu:

   - Biết sợ thì được tao tha. Bây giờ tao cho về, đem vợ con, gọi cả xóm lên đây.

   Có tiếng quát:

   - Đừng cho nó về. Nó đi báo bộ đội thì chết hết. Giết nó đi!

   Người mặt bự rượu giơ khẩu súng, ngoắc họng lại phía tiếng quát rồi, quay ra thúc Pàng:

   - Đi!

   Pàng đi xuống mấy bước.

   Ai nói sau tảng đá, lè nhè, lấp lửng:

   - Ra Ná Đắng mà bắt nốt mấy con lợn. Ta còn cúng rồi ăn uống cho hết đêm nay nữa.

   - Mai đi rồi a?

   - Giữ thằng Pàng lại!

   - Chẳng biết gọi xóm Ná Đắng đi có được không? Nhỡ nó trốn ra báo cán bộ thì chết.

   - Ngày mai sang Lào thật ư? Không đợi người đến nhiều nữa à? Còn người đến nữa không?

   - Ngày mai sang Lào rồi.

   - Thằng Pàng trốn đi báo bộ đội thì sao?

   - Không lo. Có súng đi theo kề cổ nó...

   Pàng nghe chưa hết, đã có mấy đứa nhảy xô xuống. Pàng thót lưng, cắm cúi đi. Một lúc, quay lại, vẫn thấy bọn nó theo đằng sau. Bọn này vừa theo cạnh Pàng vừa ra xóm cướp lợn.

   Pàng chợt thấy nhẹ tay, nhớ ra mình đã nhãng đâu mất cái chài. Cái chài của Pàng có một trăm vòng chân sắt, của hương hỏa mấy đời cha ông truyền lại, bây giờ bỏ quên hay đứa nào lấy mất. Pàng xót ruột, tiếc quá. Pàng không nghĩ ra được.

   Xuống đến chỗ quang, Pàng mới tỉnh táo trở lại. Pàng lại nhớ ra trách nhiệm trưởng thôn và mình là người Chính phủ. Bọn xấu này sợ Pàng lên báo ủy ban cho nên chúng bắt Pàng đi. Chúng muốn giục Pàng làm xấu tất cả mọi người Xá. Nếu Pàng xấu thì Pàng cũng theo nó, đem vợ con, đem nhân dân cả xóm theo nó sang Lào.

   Nhưng không!

   Bước trên sườn đá dốc, Pàng vụt nghĩ: về nhà hay là trốn lên Phiềng Sa? Có những đứa đương cầm súng theo sau, làm thế nào bây giờ? Trốn đi hay về xóm?

   Pàng mệt lử, bước rơi từng bước. Những ý nghĩ trong đầu cứ lúc thoáng đãng, lúc thoáng đãng, lúc mơ hồ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM