Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:00:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Tây  (Đọc 8375 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2020, 09:24:15 am »

Thào Khay vào xóm, định thăm tình cờ mấy nhà. Nhưng không nhà nào có người. Những câu đồn xấu còn bao phủ khắp xóm, ngay từ hôm Nghĩa mới đi. Nghe Pàng hô hào lên Phiềng Sa mua muối và dầu hỏa, đến khi mua được rồi, lại sợ trong muối và dầu hỏa có ma chài. Lại nghe Nghĩa bảo sắp đi dân công làm kho. Những đứa ở đâu đến phao tin Phiềng Sa loạn rồi. Không ai muốn tựa lưng trông cậy vào đứa nói nhảm. Nhưng hàng ngày, lời đồn thổi rình mò đến, như nước chảy bào mòn lòng tin... Thành thử người ta cứ, lúc thiết tha, lúc ngờ vực, rồi không biết làm thế nào, vẫn phải một mình lội suối, vẫn một mình nghĩ vẩn vơ. Lại không muốn gặp, tránh gặp người.

   Thào Khay ra suối. Suốt buổi cũng không gặp người. Thế mà thấy cái vó rách vừa mới kéo dưới suối lên, vắt trên thân cây xổ võng mình ngang suối, còn rỏ nước giữa dòng. Cái bẫy chắn, cái giỏ gác dưới gốc cây vối, nghe trong có tiếng cá quẫy óc ách, vẫn chưa có người đến cất. Cái điếu cày ai dựng bên tảng đá, đầu ống điếu còn màng khói. Có người vừa mới ở đây lẩn ra rừng.

   Họ tránh người lạ. Họ đương cầu cúng - Thào Khay đoán, như mẹ đã kể hôm trước, họ sợ gặp người lạ thì cúng mất thiêng. Thôi, ta về hỏi Pàng.

   Đến đầu xóm, Thào Khay nghe tiếng nhạc lên xuống réo rắt. Người Xá và người Mèo đều có tục rung nhạc cúng, đổ rượu uống cho đến thật say rồi nhảy, kêu rít lên đến mỏi chân mỏi miệng. "Chán quá! Chán quá!".

   Thào Khay nghĩ thế.

   Thào Khay lớn lên trong lúc kháng chiến. Ở khu du kích, lớp tuổi trạc Thào Khay được giác ngộ, được đi công tác, làm liên lạc rồi vào bộ đội, không hề biết việc cúng bái, và tự nhiên cho cúng bái là nhảm nhí và trò cười. Vả chăng, ở khu du kích, đánh giặc và làm nương gian khố, nhiều việc to hơn, quan trọng hơn, không ai còn có lúc nào nghĩ đến rung nhạc và uống rượu cúng. Cả lúc Thào Khay còn ở rừng với mẹ, mẹ cũng không cúng. Người đàn bà bị quàng tiếng ma đâm ra thù ghét cúng bái, chỉ vì bà không muốn nhắc nữa những chuyện đã làm mình đau đớn.

   Khi còn bé, ở rừng với mẹ, mỗi lần nghe văng vẳng xa xa trong làng có tiếng nhạc, tiếng hú, tiếng chân nhảy nện đất thình thịch, thì Thào Khay ngỡ đấy là người nhà quan đương đuổi bò, Thào Nhìa bảo không phải. Anh em cứ đố nhau thế. Bởi vì, hồi ấy, buổi sáng buổi chiều anh em Thào Khay ngồi trong rừng trông ra chỉ thấy những con bò đi ngoài núi, cái chuông cổ bò lúc lắc kêu vang. Thế thì đấy là bò chạy hay là người ta cúng? Nhưng dù là cúng thì Thào Khay cũng coi làm thường, coi như mấy con bò chạy, bằng nhau thôi.

   Thào Khay xồng xộc lên thang.

   Cái nhà của Pàng xiêu vẹo, chân cột sàn ngã líu cả vào nhau, muốn đổ. Lúc ấy trên nhà đã đông nghịt người. Người ta đi đường nào, ở làng hay trong suối ra, đến đây làm gì mà lắm thế, sao lúc nãy Thào Khay tịnh không gặp một ai?

   Đám cúng đương to.

   Thào Khay không biết đấy là người ta đến xem cúng và cũng tò mò xem Thào Khay, xem người ở Phiềng Sa mà xuống đây được. (Nghe nói trên ấy loạn rồi). Không ai đến hỏi, không ai nhòm vách nhà Pàng đêm qua, thế mà cả làng đã rõ hết mọi việc thày thuốc Thào Khay làm.

   Bây giờ, những người ngồi ngoài quay mặt ra, sợ sệt nhìn Thào Khay đương lên thang rồi họ nhích lê chân, dãn chỗ cho Thào Khay đi.

   Thào Khay nói to:

   - Chào đồng bào!

   Không ai đứng dậy. Cũng không ai nói. Người ta nhìn nhau, như hỏi nhau nên thế nào. Rồi lặng im.

   Ông thày cúng ngồi trong vẫn khoanh chân, nghiêm nghị. Con mắt hiu hiu, cái tay rung nhạc. Thật ra thì, ông đã hé mắt trông người lạ, rồi ông mới lại lim dim nhắm. Tay ông cố đánh cái nhạc lắc rắc, xủng xoảng to hơn trước.

   Thào Khay cũng không nói thêm, chỉ len ra sau lưng mọi người, đến chỗ bé ốm nằm. Thào Khay nhìn đồng hồ tay. Rồi, lại như tối qua, lúc bế bé anh vào ngủ trong xó cột. Thào Khay ngước mắt, con mắt bao quát của người thày thuốc bắt đầu kiểm soát xung quanh, sửa soạn công việc.

   Thào Khay lặng lẽ nhấc túi trên vai xuống, khoan thai lấy ống nghe.

   Những con mắt đương xem cúng đều bối rối và tò mò nhìn xúm lại, vây chặt từng cử chỉ và nét mặt người thày thuốc.

   Ông lão vẫn ngồi cúng. Nhưng khi không ai để ý nữa thì tiếng nhạc nhảy nhót dường như đã rời rạc, bơ vơ rồi. Cái tay ông lão giơ lạc cả điệu quen. Bởi vì cả đến ông thày cúng cũng như mọi người, còn đương dòm ngó xem Thào Khay làm gì. Có điều là ông thày cúng thì giữ kẽ hơn: con mắt nhìn khép hờ dưới đôi mày bạc trắng.

   Thào Khay biết mọi người đương chú ý mình. Thào Khay cố tự nhiên và thận trọng. Thào Khay lấy mạch cho bé xong, buông ống nghe, quay ra, nói to cho mọi người cùng nghe:

   - Tốt nhiều, tốt rồi, đồng chí Pàng ạ.

   Thào Khay lấy xuống, lọ thuốc đỏ, chiếc hộp tiêm sáng bóng đem bày cả trên mảnh bạt, vừa mới trải cẩn thận ra. Thào Khay đun nước, xem lại các thứ, cái que thuốc đỏ, ống tiêm... Thào Khay định tiêm xong cho bé rồi nói chuyện với bà con ngồi đấy. Ai cũng đương chăm chú công việc của mình, thế thì mình phải nhân cơ hội tốt này giải thích cho nhân dân hiểu về y tế.

   Đột ngột, ông thày cúng buông phắt mảnh tre gõ nhạc xuống. Phờ phạc, lảo đảo, ông đến trước mặt Thào Khay:

   - Cán bộ! Cán bộ! Cán bộ là con nhà Giàng Súa có ma chài, cán bộ cũng làm ma được thì tao thôi.

   Lâu lắm Thào Khay mới lại nghe nhắc chuyện cũ "nhà Giàng Súa có ma" mà Thào Khay cũng chỉ phảng phất biết. Thào Khay cười to, nói:

   - Ma! Ma à? Cái ma của lão thì đem mà vứt xuống suối!

   Thế là ông thày cúng quay lại nhặt hai cái nhạc, nhét vào cạp quần rồi lò dò lẳng lặng xuống thang, đi trong mưa. Trận mưa lớn đương ập xuống, ướt hết cả khăn và búi tó ông lão. Hai cái vai áo bạc đã rách sã một bên, nhô vành xương vai bóng nhoáng. Ông thày cúng đã ra khuất ngoài ghềnh đá. Làn mưa trắng mù mịt xóa hết.

   Mọi người trong này nhốn nháo đứng dậy. Thày cúng bỏ đám là điềm gở lắm. Những em bé bám váy mẹ, ngơ ngác, rồi khóc.

   Thào Khay, giọng đĩnh đạc, ấm áp, nói:

   - Các em nín đi. Các em và các chị ngồi xuống đây. Người Mèo và người Xá, chúng ta đoàn kết, bà con ạ. Tôi là cán bộ Chính phủ đi tuyên truyền vệ sinh và chữa bệnh cho nhân dân.

   Các chị và mấy bà lão, ai nấy ngồi yên. Có người lại ném khoai vào bếp nướng cho trẻ ăn, như lúc nãy. Từ hôm có đứa nói sắp loạn đến cả vùng Phiềng Sa, nhiều người trong xóm chạy đi làm lán bí mật trên rừng chưa trở lại. Chỉ có đàn bà và người già về dò la. Cái lúc lão thày cúng bỏ đi giữa trời mưa, các cụ già sợ nhất. Nhưng rồi thấy Thào Khay vẫn cười nói dịu dàng, đến khi biết thật cán bộ này cũng là người vùng quê mình và trước đã ở khu du kích thì không ai nhấp nhổm muốn chạy theo lão thày cúng. Thế ra chúng ta đều là người quen cũ.

   Pàng nói:

   - Con tôi được thuốc của Chính phủ cho, đã hết bệnh rồi.

   Quả là bé đương tươi dần, vẻ kháu khỉnh lên. Làn môi yêu yếu cong tớn của bé cứ cười mụ vu vơ. Các chị nuôi con đã biết hiệu thế ấy là con ốm đương ngoan rồi. Các chị cũng đều hớn hở như nét mặt vợ chồng Pàng.

   Thào Khay không muốn nói thêm một câu nào nữa, cứ lặng yên nghe ngắm cái kết quả cụ thể của thuốc chữa khỏi bệnh em bé đương ngấm rất công hiệu vào đám người ngồi đấy. Như bé em vừa được tiêm thuốc, làn da và ánh mắt ai cũng sang sáng ra.

   Lát sau, Thào Khay mới hỏi:

   - Trên Phiềng Sa đương cất trạm xá để chữa bệnh. Sao hôm trước không ai lên làm trạm xá?

   Một bà lão thờ thẫn, sắp khóc:

   - Thấy nói trên ấy loạn rồi sao?

   Một bà lão khác hỏi:

   - Vua ta đã về trên ấy, phải không cán bộ?

   Một chị, ý hiểu biết, cãi:

   - Thằng quan Tây ngày trước cũng không về làm đồn được huống chi thằng vua?

   Thào Khay xua tay, nói:

   - Bà con ạ, không phải thằng vua, không phải thằng Tây đồn, cũng không phải loạn đâu!

   Thào Khay nói, người ta chăm chú nhìn lại. Rồi một chị chợt kêu to, như vừa nhận ra một điều mới nhất:

   - Cán bộ về đây. Thế thì không phải loạn?

   Thào Khay cười:

   - Tôi vừa từ Phiềng Sa xuống đây. Đừng nghe nhảm!

   - Chỉ có bọn nó ở bên Lào về nói nhảm thôi.

   - Đồng chí Pàng nói cũng như cách mạng nói, Chính phủ nói, chúng ta nghe đồng chí Pàng nói.

   Các bà các chị mỗi người thêm một câu, hỏi thêm một câu, cứ nhao nhao:

   - Đúng rồi.

   - Cắt lưỡi! Cắt lưỡi đứa nói nhảm!

   - Cán bộ ạ, nó bảo: từ giờ cách mạng không đến đây nữa, cách mạng bỏ người Xá nghèo khổ một mình.

   - Không phải.

   Bà lão lúc nãy sợ loạn trên Phiềng Sa bây giờ mếu máo:

   - Tao nghe ra thế thì nó nói sai cả rồi.

   - Cắt lưỡi nó đi!

   Thào Khay nói:

   - Từ giờ ta chỉ nên nghe người nói thật, như chủ tịch Tỏa hay đồng chí trưởng thôn Pàng. Đi làm kho muối kho hàng nhà mậu dịch, để giữ của cho mình, ta nhớ đi, vui lắm.

   - Chúng tôi đi ngay bây giờ đây.

   Pàng nói:

   - Mai họp xóm đã.

   - Được thôi!

   Cả làng nên nghe Pàng nói, Thào Khay dặn thế. Còn Pàng thì trông Thào Khay lúc ấy khỏe mạnh như Chính phủ đã đến đứng trước mặt. Lúc nãy, Pàng còn băn khoăn mình có lỗi cúng ma. Nhưng bây giờ, bao nhiêu bối rối đã qua. Pàng thấy chỉ có Thào Khay, trong đời từ nay đã có Thào Khay biết bảo cho ta đường sống đường chết. Trước đây đôi khi Pàng muốn kể nỗi lo của mình với chủ tịch Tỏa, với cán bộ Nghĩa nhưng rồi vẫn rụt rè, không muốn nói, không biết nói thế nào. Trước mặt Thào Khay thì khác hẳn. Ngồi trước mặt Thào Khay, Pàng thấy sức mạnh mình đầy lên và tiếng nói Thào Khay quấn lấy mình.

   Pàng gọi:

   - Đồng chí Thào Khay ơi!

   Những tiếng thật tình nghĩa tin yêu đương sôi nổi lòng Pàng.

   Cơn mưa vừa ngớt, nắng bừng lên, nắng lóng lánh vuốt dài trên đuôi chiếc lá ngô.

   Đàn vẹt xanh biếc gặp lúc vui tạnh ráo, bay ra giữa trời, chíu chít đùa giỡn nhau, rồi cùng buông mình tay đôi sa xuống tận trước những cái cửa xiêu vẹo mốc rêu còn cài kín đầu thang.

   Thào Khay trở về. Một quãng, khoái chí, Thào Khay nhấc súng, bắn chơi một phát qua vòm cây.

   Tiếng nổ giòn tan, vút lên vách đá. Thào Khay thấy hăm hở như ngày ở bộ đội, trên đường hành quân. Ồ bây giờ thì cũng là mình lại hành quân, chứ khác gì.

   Trong xóm Ná Đắng đương họp.

   Tiếng súng vang dài trở lại lòng suối. Mọi người sửng sốt nhìn ra.

   - Súng nào đấy?

   - Thằng Ngù đi đâu mấy hôm nay rồi? Hay là nó dắt bọn kẻ cướp bên Lào về đấy?

   Pàng điềm tĩnh, chắc chắn, nói:

   - Súng của ta, của đồng chí Thào Khay.

   Ai nấy đều tin ngay.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2020, 04:33:25 pm »

VIII


   Sáng sớm, chủ tịch Tỏa đã đến trụ sở. Trong đầu chủ tịch Tỏa còn ngùn ngụt câu chuyện đêm trước Thào Khay báo cáo trong cuộc họp tổ Đảng. Những khó khăn của trưởng thôn Pàng gặp ở Ná Đắng đã làm cho chủ tịch Tỏa về không ngủ được.

   Vừa thấy Thào Khay, chủ tịch Tỏa lại nói:

   - Tao đã ở bên ấy đây. Đứa nào muốn nghe chuyện khổ nhục bên Lào thì tao kể.

   Rồi cứ vừa đi vừa lẩm bẩm, rền rĩ:

   - Nó ư? Lại nó ư? Gớm thật!

   Những tiếng rời rạc như nói một mình, từng tiếng lỏa tỏa theo đồng chí chủ tịch đương hấp tấp bước vào trụ sở, lúc ấy đã có người đến.

   Chủ tịch Tỏa ngồi xuống trước bếp lửa, xòe hai bàn tay. Bàn tay to thô lố của người thợ đúc cày, sần sùi như cái gộc tre, cụt hai ngón tay trái.

   - Anh Nghĩa à, nhiều người tưởng thằng đế quốc ngày trước lấy mất của tôi hai ngón tay này.

   Đám thanh niên như Thào Khay vẫn tưởng thế. Cũng có người đoán có lẽ ông ấy chém cây, bổ củi nhanh quá, vô ý mà nên đứt tay. Ai biết đâu một ngón tay là một cuộc đời.

   Chủ tịch Tỏa vẫn xua cả bàn tay mất ngón lên, và lắc đầu:

   - Không phải, các đau này sâu lắm. Thằng đế quốc nó chạy, nó giấu mặt. Còn thằng này định cả đời ngồi lên đầu mình, cắt ngón tay mình...

   Thào Khay chăm chú nghe chủ tịch Tỏa nói. Bố chết từ sớm, Thào Khay không nhớ mặt bố. Thào Khay nghĩ: "Có lẽ ngày trước bố mình cũng như ông Tỏa, mất ngón tay, cũng phải khổ cực và đã căm thù như thế...".

   Thằng bé Tỏa lớn lên, đã thấy cả nhà, cả xóm đều là người hầu quan. Nghe nói cái xóm này phải bắt về làm tôi tớ nhà quan từ đời trước. Vì xóm ấy có cụ Tỏa và mấy cụ nữa phải tội đánh Tây. Còn sót ai không bị đi tù thì suốt đời, đời này sang đời khác, cứ chia nhau đi hầu như người ở nợ, như gái trốn chồng, như gái góa phải đến nương tựa cửa nhà quan.

   Cái xóm chen chúc những người ở tớ, phải làm tất cả mọi việc nhà quan. May, nhuộm, thêu váy và cổ áo, nấu đường, làm giấy, đúc vòng cổ vòng tai. Người đàn ông khỏe thì cắt lượt nhau đi khiêng kiệu quan ngồi, đi lấy củi, cày nương, gặt hái, đi săn, đốt than, lấy thuế chợ, làm bếp, vác nước, chăn bò ngựa...

   Nhà Tỏa, từ đời ông, đã bị quan bắt xóa họ Vừ, đổi sang họ Mùa làm người nhà quan, rồi đem về cho làm nghề đúc cày.

   Tỏa theo bố học nghề đúc từ khi lên mười. Học dần dần, bé thì đốt than, kéo bễ, lớn lên, đi núi Phìn Hồ lấy đá trắng về cho bố dạy gọt khuôn đúc. Mười mấy năm kéo bễ và đi lấy đá khuôn, mới được chập chững tập rèn dao, cuốc. Thành thạo rồi, mới được cúng để ma cho được học đúc lưỡi cày.

   Bắt đầu đúc lưỡi, thoạt vào cũng chỉ mon men đổ gang, phá khuôn, gõ cứt sắt, nhấc cái lưỡi đương còn chín đỏ đem đặt vào ủ trấu. Nghề rèn đúc nhà họ Vừ cha truyền con nối, ăn học công phu thế, thiêng liêng như thế.

   Năm hơn ba mươi tuổi, Sóa Tỏa đã thạo tay đắp khuôn bằng người thợ cả nhất lò. Khuôn cày của Sóa Tỏa đắp, lúc dỡ ra, ai nhìn cũng phải sướng mắt. To, chắc, không thô, không lỗ chỗ tổ ong, mịn như mặt bánh ngô, mũi bằng mà dũi khỏe, bụng cứ ưỡn lên đẩy đất, hai cạnh ngang vững chãi, lúc cày xén kèm luôn cả gốc cỏ tranh.

   Khắp vùng đồn ông thống lý mở lò đúc. Người mua đem gà đem bạc trắng đến đầy cửa, quỳ lạy nhà quan xin mua dao, mua cày. Sóa Tỏa chỉ việc ra nhận nén hương đem vào thắp lên đầu khuôn đúc rồi cùng thợ bạn và cả những người mua cày, cắm cúi kéo bễ, quai búa, miết khuôn… Không người thợ nào được biết mặt con gà miếng xôi, đồng bạc trắng dày mỏng đến đâu.

   Vợ chồng Sóa Tỏa đã sinh một con gái - cô bé Khúa Ly bây giờ đấy! Một ngày Tết năm nọ, Sóa Tỏa sang uống rượu nhà anh em ở làng bên kia núi. Rượu ra sao mà say quá, nhớ rõ ràng mình đi về nhà mình, thế mà tỉnh dậy lại thấy nằm trong hầm giam nhà quan.

   Cái hầm giam người có tội lúc nào cũng đóng ních.

   Mỗi người phải giam đều bị buộc thừng vào hai đầu ngón tay suốt ngày đêm. Lâu lâu, ngón tay tức máu, thối rụng, người dõng đến buộc sang ngón khác. Ngón này rụng, lại buộc ngón khác... Làm ác thế để người nhà lo kiện, phải chóng chạy tiền và thuốc phiện đem lễ quan. Nếu để chậm trễ thì đành chịu rụng đến hết ngón. Ai tù nợ chưa trả được nợ, ai tù tội đánh nhau chưa có của đem đút, quan chưa xét đến mà hầm giam cứ ùn thêm người, chật quá thỉnh thoảng quan đem bắn cho loãng bớt tù cũ đi. Vào những lúc ghê gớm ấy, khắp các làng, người khóc rùng rùng chạy đến, thôi thì bao nhiêu thuốc phiện, bao nhiêu bạc trắng, không thể đếm được, thả cửa đổ vào nhà quan.

   Sóa Tỏa nằm tù mà chẳng biết mình tội gì. Nghe có người nói mình phải tội đánh nhau. Sóa Tỏa cố nhớ, cũng không nhớ đã trót đánh nhau với ai - say quá, lú lẫn cả! Đành chỉ ân hận: chắc hẳn có tội nên mới phải vào đây.

   Không, việc đau đớn ấy xảy ra có lẽ Sóa Tỏa cũng không biết ngay lúc đó.

   Nguyên do chỉ vì bọn con quan thống lý muốn chiếm vợ Sóa Tỏa. Cho nên Sóa Tỏa đương say rượu đi giữa đường, chẳng đụng đến ai, cũng phải bắt vào tù, ngồi đợi chết. Mỗi ngày, vợ đem cơm cho ăn, vào đến cửa hầm giam, vợ lại khóc. Chị nghĩ chỉ vì mình mà chồng phải khổ. Sóa Tỏa bảo vợ:

   - Ta là đầy tớ nhà quan, không đứa nào hại nổi ta đâu!

   Nghe chồng nói vẻ tin cậy thế, đau đớn quá, vợ càng khóc nhiều hơn.

   Sóa Tỏa lại nói:

   - Ta là người đúc cày nhà quan, chẳng đứa nào dám hại ta đâu!

   Lính dõng đem dây đến trói tay, Sóa Tỏa hỏi:

   - Sao mày dám trói cái tay tao đúc cày?

   - Quan bảo trói.

   Sóa Tỏa xót xa:

   - Mày làm nương mày cũng phải mua cày tao đúc. Mày thương tay tao đúc cày cho nhà mày, trói tay trái thôi, trói ngón út thôi.

   Người lính dõng thương cái tay khéo, đã làm theo thế.

   Đã rụng một ngón tay rồi mà mãi cũng không được quan xét hỏi đến tội người thợ đúc cày giỏi.

   Mấy hôm sau, chẳng thấy vợ đem cơm vào nữa.

   Có người bảo: Vợ mày ăn lá chết rồi! Hỏi: Tại sao? Người ấy chỉ nói: Nó chán làm người thì nó chết.

   Dần dần, Sóa Tỏa bị trói, rụng cả hai ngón bên bàn tay trái.

   Thế rồi trong lúc Sóa Tỏa tưởng mình bị bỏ đói sắp đến chết theo vợ thì lại được tha. Quan xá cho không phải mất lễ "rửa cửa" . Ít lâu sau, khỏi tay đau, Sóa Tỏa lại cứ công việc cũ, ngày ngày rót gang, cạo đá, đắp khuôn cho lò cày nhà quan.

   Cách mạng tới, rồi cả vùng Phiềng Sa được giải phóng. Thống lý đem vợ con và hàng trăm lính dõng, đầy tớ chạy qua biên giới. Người theo quan cứ lẻ tẻ trốn trở lại.

   Sóa Tỏa cũng theo quan ít lâu thì đem con trốn được trở lại

   - Đồng chí Nghĩa ơi! - chủ tịch Tỏa kêu, giơ bàn tay trái khuyết hai ngón cuối.

   Thào Khay nghe chuyện bàn tay rồi, bây giờ trông nó ghê gớm lạ lùng như người đứng trong ánh nắng mà không có bóng.

   - Đồng chí Nghĩa ơi! Không phải tôi điếc tai, lòa mắt đâu. Tôi đã biết nó muốn bắt vợ tôi từ lúc ngồi trong hầm tù biết mà không dám nói. Vì thương tôi, vợ tôi không nói, vợ tôi đã phải chết, lòng nào mà còn theo đứa giết người đi đâu... Không, không, cái dốc dựng đứng, cái hạt ngô gieo trong hốc đá, cái đời trâu đời ngựa không phải là số phận người Mèo nữa. Chính phủ đã về cởi trói cho ta, đưa ta đi rồi…

   Những ngón tay gồ ghề của chủ tịch Tỏa run lên. Đến tận bây giờ như còn trông thấy từng đốt xương ngày ấy vừa rơi xuống, ròng ròng máu.

   Thào Khay tưởng tượng trông thấy thế. Thào Khay càng đinh ninh: chủ tịch Tỏa cũng như bố mình, như ông mình, như nhân dân Mèo, cha ông mình xưa thật đã hết sức đau khổ…

   Chủ tịch Tỏa vẫn bứt rứt nói mãi:

   - Nó ư? Lại nó ư? Ai ở Ná Đắng còn hay nghe đồn nhảm thì lên đây, ta kể cho nghe chuyện này.

   Vừa lúc ấy, trưởng thôn Pàng và mấy người nữa tới, Pàng hỏi to:

   - Ông chủ tịch, chuyện gì thế?

   Chủ tịch Tỏa kể:

   - Trưởng thôn Pàng à, cái đau này sâu lắm...

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2020, 04:35:48 pm »

IX

   
   Từng đoàn người các làng lên làm kho, làm trạm xá và cửa hàng mậu dịch.

   Buổi sáng về muộn trên núi cao. Người ríu rít đi, như ngày mùa, cả nhà cả làng ra nương. Nhộn nhịp khác hẳn các năm trước.

   Năm trước, xuống làm đường dưới châu Yên. Nghe tiếng đục choòng “pinh pinh", tiếng mìn nổ phá đá cũng sợ. Bọn xấu phao tin nhảm, không ai dám đi. Sau có người liều xuống, thì thấy đi làm rất tốt, có tiền trả, có mậu dịch mang hàng đến tận công trường. Trở về, làng kéo đến hỏi thăm, người ấy mua được gì, đem ra cho xem “triển lãm" hết. Cuộn chỉ, cái bát to, chiếc thìa. Ai cũng trông thấy tận mắt những thứ ấy. Từ đấy, đứa nào nói xấu đi dân công, không tin. Ai cũng lại muốn xuống chơi châu Yên một lần.

   Những người xuống châu Yên, khi về, kể chuyện châu Yên bây giờ vui lắm. Suối Nậm Yên đã có máy thủy điện 24 kilôoát. Đèn điện sáng lên tận làng Mèo ở Thàn Pả. Trong sương mù cũng nghe máy cày nông trường xình xịch chạy. Ô tô chở khách dưới khu lên, cứ tới đầu dốc châu lỵ thì bóp còi. Tiếng ô tô làm nhộn nhịp cả phố, cả chợ.

   Các cửa hàng mậu dịch đứng giữa chợ, quầy nào cũng phấp phới khách ra vào, suốt ngày như mở cờ. Đuôi thắt lưng người Mèo đỏ, cổ áo và cánh tay khoang xanh đen người Mèo trắng. Chiếc khăn chàm tròng trành kín đáo, đôi hàng mép áo vàng, cái gấu váy đỏ của cô gái Thái dịu dàng. Nhất vào dịp đầu năm, người các nơi về rực rỡ từng phiên chợ.

   Rồi từng đoàn cán bộ đến thăm dò đất khai hoang, chuẩn bị cho công việc phát triển kinh tế miền núi. Châu Yên càng đông, lúc nào cũng đông. Chẳng còn nhận ra cái châu Yên trước kia, "ruồi vàng bọ chó gió châu Yên" ù ù thổi xám ngày xám đêm. Ngày đêm không thấy người đâu, chỉ có quan ba, quan bang với đoàn thồ của các chủ Tòng, chủ Đèo, lúc nào phu và ngựa cũng lật đật, lử lả, mồ hôi bốc khói.

   Châu Yên ngày nay khác xưa.

   Cũng như châu Yên, Phiềng Sa đương khác xưa.

   Các làng tấp nập về làm kho. Không muốn đi dân công theo trưởng thôn gọi tên người, ai cũng thích cả nhà cùng đi.

   Một ngựa, hai ngựa, ba bốn ngựa lọc cọc, leng keng theo nhau đi thành đàn. Ngựa thồ túi bột ngô, cái nồi, dao và búa, những ống vầu đựng nước. Trên cùng, cồng kềnh một bu gà, con gà trống tía cũng được đem đi để nó gáy nhắc nhủ giờ giấc cho người ta. Con gà trống tía chân đen, mặt đỏ xọc bộ mã xù xòe, lòe loẹt, chốc chốc cất tiếng gáy vang xuống vực núi.

   Một ngựa đủng đỉnh bước, lưng không gạc thồ. Một anh chàng ngồi vắt vẻo, hai chân dũi vào bờm ngựa, đầu lắc lư cúi tay mê mải, nghiêng ngả, bấm khèn.

   Trên triền núi, những đám mù xuống ngủ đêm, bây giờ tỉnh dậy, trôi ngang qua chân ngựa.

   Một chị đi trước, mùi lanh, mùi lá xuyên khung thơm hắc quấn lấy váy áo, như người vừa ở ruộng lanh lên. Cô bé loắt choắt đi sau gấu váy mẹ, cũng chỉnh tề bộ xà cạp quấn kín bắp chân, cái cổ áo viền đỏ và đôi bên tóc mai mới cạo, với cái giỏ đeo lưng Cao Bằng đầu. Nét mặt thì nghiêm trang như chị lớn.

   Trên lưng một chị, ngất ngưởng cái địu. Trong địu xếp từng gói ngô, mấy quả đào, một quả dưa bở và những quả mận chín muộn ngần phấn trắng. Giữa những búi sợi lanh bù xù, vùi một quả bầu lọ đựng rượu.

   Trong một địu khác trên lưng chị đi đằng sau, một em bé ngồi trong địu to hó thò đầu ra. Có lúc bé thao láo nhìn, có lúc bé nhắm mắt gật gưỡng ngủ theo nhịp bước chân mẹ.

   Những con chó lông xồm, mắt lồi như mắt chó giấy, cứ chạy nhặng, quẩn chân người sang chân ngựa.

   Các chị đùa với trẻ con, cùng nhau líu ríu, chen vào nắm đuôi ngựa để leo dốc đỡ nhọc. Những con chó chẳng hiểu. đầu cuối cứ sủa gắt toáng lên, làm như muốn cãi nhau, tranh chỗ hộ cậu bé ngồi trên địu lưng mẹ đương đòi xuống bíu đuôi ngựa.

   Từ các xóm đỉnh núi, từng đoàn người bước ra. Tiếng cười nói, tiếng sáo tỉ tê, vi vút. Chó sủa tang tang bốn phía. Con gà trống trắng trong cái lồng đặt trên lưng ngựa nghe tiếng bạn gọi báo giờ trên kia, cũng đột ngột cất giọng ồ ồ, khiến mọi người nhớ đương đi giữa trời trưa. Trông suốt tận cùng thung lũng, chỉ thấy vòng ruộng định cư bậc thang như những chiếc gương nước lóng lánh nối nhau leo lên.

   Đứng trên trụ sở ủy ban, Thào Khay trông thấy mẹ và em đã tới đầu dốc.

   Thào Khay kêu: "Vui quá, vui quá kìa", rồi toan chạy xuống. Nhưng chủ tịch Tỏa nói:

   - Hãy khoan, nghe tao kể nốt. Người đi nhiều thế kia cũng bằng ngày trước người đi "phá bãi hoang". Pàng nhớ không, Phiềng Sa chúng mình ngày trước có phong tục phá bãi hoang, người Xá và người Mèo cùng đi phá bãi hoang. Thào Khay à, người già hay nhớ chuyện cũ…

   Người quê vùng Mèo vừa sinh ra, đã phải khó nhọc trèo núi. Từ thuở nào, không ai biết.

   Con cháu sinh sôi ngày một nhiều, một đông, chật chội khắp núi, phải sẻ đi ở bớt nơi khác. Cả trong cổ tích cũng kể lại như thế. Tổ tiên đổi núi đi hết đêm đến sáng, mà trông ra vẫn chỉ thấy một giống núi, vẫn gặp nguyên một cái khó đã bao đời nay.

   Đến bây giờ cụ già còn kể cho con cháu nghe chuyện ngày xưa đi tìm đất kiếm cái nuôi người.

   Vì thế, vùng nào cũng có phong tục phá bãi hoang. Người nghèo cùng nhau đi phát lau, phát bụi làm nương chung. Nương làm đã thạo đất thì trồng cây đào, cây lê, cây mận để đánh dấu đất. Ai sợ ở làng có lính, có quan hay đến ăn hiếp thì tránh đi làm nhà trong nương mới. Không hẹn mà thành phong tục thế.

   Nhiều anh em dân tộc khác cũng đến ở chung. Người Lô Lô, người Hà Nhì khéo tay biết xẻ dốc ra ruộng thang. Có ruộng, có nước, người nghèo đến lập làng càng đông. Vùng Phiềng Sa này cũng vậy, cái gốc mỗi làng ngày trước đều là một bãi phá hoang.

   Nhưng bao nhiêu bãi phá hoang có ruộng người Mèo, nương người Xá rồi sau cũng ra ruộng, ra nương nhà quan, bao nhiêu mồ hôi đều hóa đống của cải nhà quan. Cho nên, chán lắm, cũng chẳng ai muốn làm ăn nhiều. Về sau, không còn làng nào thiết đi xa phá bãi hoang lập làng mới. Người ta cứ đau khổ, bực bội ở chen chúc, chui rúc quanh quẩn một xó, mỗi người chỉ cạo miếng nương ngô dưới chân đá vừa lọt một bàn chân - người nhà quan có đi qua cũng chẳng buồn phá hại cái nương bé tý!

   Đời ông nhà Sóa Tỏa ngày trước ở bãi bên kia núi, làm ruộng thang, đúc cày, cả vùng đến mua. Quan thống lý về bảo: "Cụ mày, ông mày làm giặc đã đi tù, để lại cho bố con mày ở nhà phải gánh cái vạ làm giặc. Mày phải về đúc lưỡi cày cho tao thì được khỏi tội chết". Từ đấy, nhà Sóa Tỏa họ Vừ thay họ Mùa về nương tựa cửa quan. Nhà Sóa Tỏa ở đúc lưỡi cày cho quan, đúc quanh năm lấy lưỡi cày cho quan bán. Không ai còn biết cày nổi tiếng họ Vừ ngày trước.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2020, 04:38:16 pm »

Kể đến đấy, cái tay thuận kéo bễ vung lên, vung lên. Chủ tịch Tỏa nói một lúc một to:

   - Thào Khay ơi, mày xem bàn tay người Mèo ta khéo léo nhường bao.

   Từ thuở xưa, người Mèo làm nương làm ruộng đã biết giữ phân, giữ nước, quanh năm chẳng lúc nào chịu để đất không. Nuôi bò, bò to, bò đỏ tía. Lợn thì nặng đến không bước được mới chịu đem thịt, lấy mỡ thắp đèn. Ta tìm mật ong núi đá ngon nổi cát trắng. Ta có chè, có chẩu, có hoàng liên, có tam thất bán cho mậu dịch. Ta giỏi rèn đúc, biết nung vôi đóng ngói, tay làm chẳng thiếu nghề gì, chưa bao giờ phải nhờ cậy ai. Đời trước, các cụ đã biết cùng nhau đi phá bãi hoang, bây giờ biết đoàn kết đưa cả núi lên hợp tác ta nhất định cởi vứt được cái khó một đời đi rồi.

   Thào Khay và Pàng cùng cười. Khoái chí, chủ tịch Tỏa lại cất tiếng hát bài Pỷ ly cha... Vì cái gì... Bài hát day dứt như một câu hỏi, một tiếng thúc giục, ngày ngày ông hát:

      Pỷ ly cha… Vì cái gì…
      Vì cái gì giặc Pháp về cướp nước ta...


   Rồi chủ tịch Toả, Thào Khay, cán bộ Nghĩa, cả trưởng thôn Pàng, bước ra cửa trụ sở, lúc ấy đã đông nghịt người.

   Bà Giàng Súa và con gái đi trong đám người làm kho. Không ai đến bảo nhà bà Giàng Súa đi dân công, nhưng bà Giàng Súa cứ giục con gái đi. Bà Giàng Súa muốn ra đường xem làng nước đi làm giúp Chính phủ.

   Con ngựa nhỏ thồ theo hai địu bột bánh ngô, một bó lanh và cái ống vầu sóng sánh nước.

   Thào Khay, vai đeo túi thuốc, lưng khoác súng, tươi cười bước đến bên mẹ.

   Bà Giàng Súa lẩm nhẩm một câu nửa nghĩ nửa hỏi, lại nửa ước:

   - Giá hôm nay có thằng Nhìa cùng về...

   Vẫn những nét lo âu thường ngày xếp nếp trên mặt bà Giàng Súa. Nhưng từ đây bà Giàng Súa không cúi mặt nữa.

   Bà Giàng Súa lại kể những chuyện ngày xưa. Người già hay nhớ chuyện cũ.

   Mỵ chỉ láng máng nghe mẹ nói, vì bụng dạ còn đương hớn hở với mọi người xung quanh.

   Bà Giàng Súa đã biết tin Thào Nhìa "Chính phủ không giết nó". Chính phủ cho nó sống rồi. Từ hôm nghe thế, bà Giàng Súa đếm từng ngày. Bà nghĩ đến lúc Thào Nhìa được về. Chắc hôm về, Chính phủ cho quần áo mới. Nó chưa được mặc cán bộ như Thào Khay, nhưng hẳn được quần áo tử tế, không còn phải quấn lên người những của loang lổ ma quỷ như hôm nọ.

   Bà Giàng Súa níu lấy cái vui ấy. Mỗi lúc càng nhiều người đi qua, bà Giàng Súa một vui hơn.

   Một đời tan nát, bà Giàng Súa chẳng khi nào dám tơ tưởng được thoát ra ngoài nỗi khổ. Đời người cứ nghĩ mỗi hôm một buồn hơn, hôm trước cái củi, hôm sau là cục than, thành đống tro tàn rồi. Nhưng không, không, bây giờ bà Giàng Súa đã thấy trời sáng trên Phiềng Sa. Ai cũng được biết nhiều thứ mà đời người chưa từng biết. Đống than kia đã rực hồng, ta sẽ chất củi vào mãi, sẽ không bao giờ nhạt lửa được nữa rồi.

   Lòng con người thảnh thơi. Như khi vừa tới vụ tra lúa thì thấy có vợ chồng con chim én bay đi mùa đông năm trước, vẫn nhớ cái nhà nhiều phúc, năm nay lại đem điềm lành về làm tổ đầu hồi. Bóng chiều phơn phớt nghiêng. Đôi én lượn khắp bốn vách nhà, tõe đuôi múa và hót nhẹ nhẹ quanh những miếng thịt lợn ướp muôi treo lủng liểng nóc bếp. Con lợn thịt to hàng tạ, chén rả rích từ tết chưa hết. Mỡ đóng vò làm dầu thắp, thịt dư đem sấy trên bếp, trữ ăn tới quá tháng bảy. Bây giờ mới dám nghĩ, bây giờ bà Giàng Súa mới nghĩ sẽ được của ăn của để như thế. Các con có sức, số bà còn cất được nhà vách gỗ. Khi thong thả, ngựa nông nhàn thồ mái ống từ lò ngói người Hán về xếp sẵn đầu sân, đợi lợp cái nhà vách gỗ.

   Thương làm sao, suốt cuộc đời xưa kia! Chẳng bao giờ bà Giàng Súa dám mong có khi được ở lâu một chỗ, cho cái cối cái bậc cửa, cái trạn bếp, cái ghế ngồi quanh bếp giữ nhà được lên nước khói nhẵn bóng. Chẳng bao giờ bà Giàng Súa ước được có khung cửi dệt, có cuộn vải lanh to buộc lưng, có đống phân ngựa vun cao lù lù góc nhà để đợi bón nương lanh. Chẳng bao giờ bà Giàng Súa dám ước có những ngày mưa, nghỉ đi nương, ở nhà lấy cái chảo đồng con ra, vừa nấu sáp, vừa mở cuộn vải mộc chấm sáp trên đường hoa viền gấu váy. Thùng chàm đặc sánh đợi nhuộm vải đã sẵn trong vách rồi.

   Không, không, bà Giàng Súa không hề - cả bây giờ cũng thế, bà Giàng Súa không muốn ước cái ngõ nhà mình to bằng cái cổng nhà quan, trước nhà có ngựa đứng chen chân, trong nhà, xếp dãy trên cái thềm dài, có người ở nợ, có gái góa, gái lộn chồng đến ở hầu ngồi xay ngô. Bà Giàng Súa cũng không nghĩ có lúc nào mình mặc cặp váy đôi thướt gót, may tốn những hai mươi bốn vuông vải và cái áo thêu hoa cổ, hoa ngực, hoa cửa tay, như tấm áo của bà mẹ đẻ ra ông quan.

   Bà Giàng Súa được như bây giờ, có áo váy đương mặc, có áo váy đương phơi, đã vui lắm rồi. Nhưng bà nghĩ đến đời Mỵ thì nó phải sướng, nó phải khác. Có cách mạng rồi, đời người đàn bà Mèo mỗi ngày một khác ngày trước. Được mùa bắp mùa lanh, mẹ muốn con sắm áo lụa, vòng cổ, giầy vải đen, thắt lưng thêu và dải khăn đào lỏa tỏa xuống tận gấu váy. Mỵ, con gái thương của bà Giàng Súa, nghĩ trộm bóng nó, nó đương là cô con gái Mèo đẹp nhất đất nước bây giờ.

   Cách mạng đến, thằng Tây, thằng quan chết, đời người Mèo đổi thay, đến cả đứa con lạc mười mấy năm trời cũng đã trở lại được. Mai kia, thằng Nhìa, thằng Khay lấy vợ, nhà bà đông vui con cháu. Bà Giàng Súa chưa trò chuyện những việc ấy với đứa nào. Thằng Nhìa thật đã có vợ bên Nậm Ngù chưa. Thằng Khay đã lấy vợ người Kinh dưới xuôi rồi hay sao. Còn Mỵ sau này về nhà ai. Chừng như nó muốn lấy cán bộ Nghĩa. Thế thì mai kia nó phải theo chồng về quê xuôi? Vợ con thằng Nhìa, thằng Khay về nhà mình, biết người tốt, người xấu thế nào. Thời xưa, nhà nào không có phúc, mua phải đứa con dâu xấu, có câu nói mai mỉa "bỏ tiền vào hang đá còn nghe được tiếng kêu”, thời nay khác những gì? Trong cái vui, cứ luẩn quẩn, ngổn ngang những cái khó, nhưng những cái khó muốn nghĩ, thích nghĩ, không giống những đau buồn muốn quên.

   Lo cùng vui cứ bước thấp bước cao theo bà Giàng Súa.

   Đoàn người đi làm kho lên đến đầu dốc, nghỉ lại ven suối. Người làng, từng nhà từng bọn dồn lại, đông đầy các tảng đá quanh đấy.

   Vẫn còn nhiều người lên nữa. Nghe từng chỗ có tiếng khèn khấp khểnh sau lưng. Đám người dưới làng, bà con dân tộc Xá ở Ná Đắng lên, đến cạnh trưởng thôn Pàng, xúm lại, ngả ống vầu nước. Đằng kia, xống váy các chị người Lừ ngồi đỏ rợp bóng đá. Nhà có trẻ háu đói đã mở túi bột ngô. Chúng múc ăn ngon lành.

   Bà Giàng Súa trông ra sườn núi trước mặt, kể cho hai con nghe:

   - Ngày trước, đi phát hoang, một năm có hai lần được vui. Bấy giờ tao mới bằng tuổi con Mỵ...

   Lại chuyện phá bãi hoang ngày xưa, thời còn con gái. Đầu năm, đông người kéo nhau đi cày, đi phát, đi đốt là một lần vui. Bọn đàn ông khỏe mạnh đến dựng nhà nương, nhà ngô, mỗi khoảnh ruộng một cái. Làm mùa xong thì về, cắt lượt ít người ở lại canh thú ra phá.

   Đến cuối năm, nhà nào cũng đi bẻ ngô, thu vào nhà ngô, cả làng để chung, rồi chia, lần ấy nhiều người đi và ở lâu, mới thật vui.

   Tấp nập người đi chia ngô. Một năm chờ đợi, bây giờ mới đến ngày no. Các lều nương đều quẩn đầy khói bếp, nhà nào cũng nghi ngút nấu nướng cả ngày.

   Con trai con gái làng xa, cuối năm ở đi lều thu ngô trên bãi hoang, lúc ấy mới được thấy mặt nhau.

   Bà Giàng Súa nên vợ, nên chồng ở đấy.

   Chủ tịch Tỏa ngày trước gặp người yêu rồi hai người lấy nhau cũng trong một năm đi bẻ ngô ở bãi phát hoang. Tiếng sáo thổi suốt đêm.

      Hoa đào nở đẹp
      Hoa đào nở nhiều
      Anh yêu em anh đến đây.


   Ngày ấy, Tết ở bãi vui hơn Tết ở làng. Ngày Tết ở bãi khuất trong núi, không có lính quan vào cướp quả pao  và đòi uống rượu với các cô gái đẹp rồi phá đám, đánh người. Nhiều năm, ở làng, đương giữa Tết cũng phải chạy trốn. Người nghèo trong làng mất Tết từ lâu.

   Ở bãi phát hoang chỉ có người đến làm, không có người nhà quan đi chơi ngang ngược. Chia ngô xong, mọi nhà rủ nhau ở lại, vui cả người già và trẻ em. Quanh những đám khèn, người quây tròn suốt ngày, mê mải đến tận giữa đêm hãy còn đốt đuốc, nhảy khèn dồn dập trong ánh lửa và khói củi thông thơm tỏa khắp vùng.

   Mỵ nói với mẹ:

   - Hôm nay cũng giống làng ta đi phát bãi hoang, mẹ nhỉ!

   Mẹ lặng lẽ thầm thì như còn nói với ngày xưa một tiếng:

   - Ừ.

   Thào Khay nhìn suốt cái dốc. Chiếc ô đen, chiếc ô trắng quay tròn giữa những đốm chấm váy áo đỏ chót. Những bờm ngựa nhấp nhô trong dòng người tràn ngập đương từ từ kéo lên giữa hai lườn sóng xanh biếc cỏ tranh già.

   Thào Khay nói:

   - Đông hơn chứ! Đông như mít tinh ở khu đấy!

   Bà Giàng Súa lặng im. Bà lại đương nhớ lại. Nhớ lại rồi, nhưng bà Giàng Súa không muốn kể thêm. Cái buồn khổ đã qua rồi, người mẹ giữ lại trong lòng. Các con bà, những thanh niên đương hớn hở. Họ chẳng nên nghe, những chuyện ấy. Bà lặng lẽ một mình, không nói thêm.

   Những ngày vui, ừ những ngày vui ở bãi hoang. Nửa đêm gà gáy, người còn đốt đuốc đi chơi khèn.

   Nhưng rồi một năm, các ông thống lý, ông thống quán, ông tổng xã đoàn  mang người đến bãi phát hoang. Lại cả ông thày cúng. "Gặp hổ thì chết, gặp quan thì nghèo”, trông thấy quan, biết là công mình sắp hóa ra của người. Các quan đến bãi hoang, ra lệnh cho ai săn được lợn cỏ phải đem biếu thịt, được gấu thì nộp chiếc mật, được hổ, được sơn dương thì quan bảo lính đến khiêng bộ xương, lại đếm xem bộ xương có còn đủ bốn hòn bánh chè không. Còn một miếng thịt nào thì trôi nốt vào miệng thày cúng. Sỏ lợn, chân giò liền vai, lại gà, lại rượu và bạc trắng. Thày cúng đến bảo ai đi phát hoang phải xin ma cho đến làm đất ấy thì mới khỏi sợ thú rừng quấy. Nhưng con gấu, con lợn, con dím không phá thì thày cúng và lính quan cũng xơi hết rồi.

   Thế là, thu xong mùa ngô cũng tan bãi. Năm sau, bãi phát hoang trở lại rừng cỏ tranh như cũ. Không ai muốn đi phá bãi hoang. Có ai đi làm nương xa, khát nước, xuống khe tìm nguồn nước uống, thấy bao của cải công lao năm trước bây giờ còn lại vài cây dền già, lá đỏ nhọn hoắt lên như một ngọn lửa.

   Bà Giàng Súa vẫn lặng im.

   Chẳng bao giờ Mỵ biết nổi những điều mẹ đương nghĩ. Mỵ vẫn mải ngắm con dốc đương đông người lên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2020, 09:59:02 am »

*
*    *

   Phiềng Sa phấp phới như hội, người đến tràn cả ra mấy xóm quanh.

   Chủ tịch Tỏa vẫn quen miệng nói to, lúc nào cũng như hô khẩu hiệu:

   - Làm kho xong thì về! Chớ quên sản xuất!

   Nhưng dù sao, những ngày mùa bề bộn, túi bụi qua đã lâu. Người mải việc cũng chỉ mới bắt đầu chăm cỏ ngô. Người lười nhất thì đã xong nốt cái nương cuối và lại gác cày lên đầu nhà rồi Thời vụ này đương còn thong thả, ai cũng kháo nhau đi "làm kho, làm nhà mậu dịch cho cán bộ Nghĩa”, "làm trạm xá cho Thào Khay", rồi còn muốn ở chơi ít ngày.

   Cái khoảng đất chỗ đồn lính và nhà thống lý ngày trước, cỏ tranh đã ăn ngập đầu. Bây giờ, các làng lên san nền lại.
 
   Khắp nơi ngổn ngang chất từng đống mai, vầu.

   Con trâu kéo cây gỗ chò lớn, ngả đã lâu, để trong rừng xa.

   Các chị các bà vừa đến đã bắt tay vào việc: sang núi bên tìm cắt tranh. Chiều trở lại, các chị địu nặng, không trông ra người, chỉ thấy từng đoàn cây rơm thong thả đi.

   Cụ già người Xá và người Dao vốn khéo tay. Các cụ cởi trần, trật khăn đầu rìu xuống vai, vung búa đẽo gỗ. Các cụ bảo cán bộ Nghĩa: dựng nhà mậu dịch thì phải làm cột đục hẳn hoi, cho chắc chắn lâu dài như Chính phủ ta, chứ không nên tạm bợ cột ngoãm.

   Một bọn trai trẻ có cụ già Xá đi theo, họ xuống suối mò trong các khe khiêng đá tảng lên, rồi ngồi kề mặt nước cả buổi, đẽo thành hòn đá vuông phẳng để kê chân cột.

   Những ông già Mèo làm mộc giỏi đã đến. Mỗi cụ thợ chỉ vác ra độc có cái rìu. Thế mà nguyên cả cây gỗ to trâu kéo đến, trong vài ngày, những tay búa giỏi đã pha, đẽo, chỉ đẽo mà ra được đủ bàn, ghế, giá đựng thuốc, quầy hàng, thang lên kho, móc treo hàng...

   Chủ tịch Tỏa, bác thợ đúc già, đã nhanh tay dựng xong cái bễ giữa trời, rồi tìm đâu đến được từng khiêng lưỡi cày gẫy và chảo vỡ, lập nên cái lò, ngày ngày rèn ra hàng loạt chiếc đinh đỉa dài nghêu.

   Đinh sắt thay đinh gỗ, "phải bền vững lâu dài như Chính phủ mới được", các cụ già khoan khoái, nhộn nhịp sửa soạn cho dựng nóc.

   Dưới suối lên bãi, lên sân, lên nền nhà mới phát, chí chát đầy những tiếng đẽo đá và đẽo gỗ. Cái bễ rèn đinh đỉa của chủ tịch Tỏa suốt ngày phì phò thở. Đàn trâu âm thầm kéo vầu, kéc gỗ từ trong suối ra. Bên núi cắt tranh, tiếng kèn lá của cô nào thầm thì thấp thoáng giữa trưa.

   Các cụ bà, các mẹ ngồi ngoài bóng nắng xe lanh và thêu cổ áo. Đám trẻ con theo người lớn đến đây chơi, đương xúm lại từng bọn đốt lửa vùi ngô nướng.

   Cả một vùng vang động từ tinh mơ cho tới lúc nắng ngả rợp khắp thung lũng. Những lớp núi mờ đi, cái mờ gần ngủ trước, cái mờ xa ngủ sau, lúc ấy, đám thanh niên bắt đầu đem sáo ra thổi.

   Khi mặt trời lặn, khi mặt trời mọc thì đem khèn đem sáo ra thổi, bao nhiêu khó nhọc tan biến mất, bao nhiêu vui sướng theo nhau trở lại - những cụ già cũng thường nói thế.

   Trên trụ sở ủy ban đã nổi một đám lửa to. Đông người đến, chủ tịch Tỏa, cả con gái là cô Khúa Ly cũng ra từ lâu.

   Chủ tịch Tỏa lại đương ngân ngư câu hát: Pỷ ly cha... Ông chủ tịch cứ cất tiếng hát điềm nhiên mà khỏe. Tiếng dài tiếng ngắn, hì hục như hơi thở người lên dốc, mỗi lúc một cao:

      Bao nhiêu ngọn núi đã đi qua
      Của cải nhiều không đếm hết
      Pỷ ly cha
      Vì cái gì giặc Pháp về cướp
      Đất nước ta nhiều vàng
      Đất nước ta nhiều sắt...


   Cả năm cả đời hát đi hát lại vẫn một câu ấy, bao giờ cũng một câu ấy. Khi chủ tịch Tỏa hát xong, bọn thanh niên lại cười ầm, vỗ tay - ở đâu cũng thế.

   Đến lúc chủ tịch Tỏa thôi hát, đương hút thuốc, chợt nhớ ra việc gì, lại mải miết bỏ đi. Bao giờ cũng thế. Vừa đi, vừa lẩm bẩm: "Cái bễ rèn! Cái bễ rèn...”. Đống lửa giữa trụ sở đã đến lúc nổi rực rỡ nhất.

   Lúc ấy, bà Giàng Súa đã về đến nhà.

   Đêm trăng nhạt như không phải đêm. Cái tiếng hát ồ ề xấu xí thường cất lên lúc thổi bễ lò rèn của ông chủ tịch, người tù tội khốn khổ ở nhà quan ngày trước, còn khiến bà nghĩ, còn đưa bà miên man trở lại nỗi vui nỗi buồn ban ngày không bao giờ dứt. Những mỏm núi cao núi bằng kia vẫn nguyên như thuở xưa. Cái dốc xuống châu Yên dốc hút xuống, sương mù quanh năm vẫn đùn lên ngập cửa trời. Cái số phận xót xa đã đưa chồng bà đi về phía ấy. Đồn Tây và nhà quan trốn đi cũng chạy về phía ấy. Bây giờ, những tin đồn vua đồn ma cũng vơ vẩn từ phía ấy thổi lại. Phía ấy là bãi người chết ở hay là cái gì mà chỉ đem về có cái buồn cái thảm thế?

   Nhưng rồi trong đêm thanh vắng, bà Giàng Súa nghe tiếng khèn trong đám chơi đằng xa. ánh lửa trên các xóm sườn núi lốm đốm lẫn với những ngôi sao xanh. Nỗi vui nho nhỏ của bà Giàng Súa trở lại. Bắt đầu, bà nghĩ đến thằng Nhìa sắp được trở về...

   Trong khi ấy, đằng kia, cái lạnh mơ màng tháng sáu trên núi đã vùi vào đống củi thông đương rừng rực quanh đám chơi vui ở trụ sở ủy ban. Một anh mải thổi khèn, nhảy đò đưa quanh lửa, mỗi lần chân anh làm, khéo, múa quàng ra, người xem lại reo ầm. Cuộc chơi đương nhộn.

   Mấy người ngồi khuất tận ngoài cửa, tỉ tê thổi riêng chơi với nhau. Có khi, đột nhiên họ cùng im, lúc ấy lại nghe ngân lên tiếng hát của một cô gái Lô Lô, thổn thức, nhè nhẹ đưa qua.

   Một đám ba cô Mèo, Dao, Lô Lô ngồi tựa lưng nhau lúi húi nướng ngô. Cô gái Hà Nhì vừa ngượng nghịu kéo cái khăn che mặt xuống thì vừa lúc cô cũng dứt tiếng hát. Giữa khi, từ một khuôn mặt núp trong cánh tay áo nào đó, hơi kèn lá lại vờn ra, than thở nỗi lòng.

   Lúc nãy, Nghĩa về dưới xóm, đã toan đi ngủ. Mấy cô lên xem múa khèn đi qua, nói:

   - Anh Nghĩa chẳng muốn chơi với chúng ta rồi.

   Thấy thế Nghĩa lên ngay. Mặt tươi tỉnh, Nghĩa bước vào.

   Mỵ nghĩ Nghĩa đương vui với mình. Đúng là Nghĩa đương sôi nổi và phấn khởi. Mọi việc sắp xong. Nhân dân hăng hái quá, Nghĩa không tưởng trước được kết quả nhanh chóng đến thế. Nghĩa đương vui việc ấy.

   Nhưng mỗi lúc chợt bắt gặp Mỵ nhìn, Nghĩa lại không còn tự nhiên được. Nghĩa biết Mỵ yêu mình. Một người được yêu, người ấy có đáp lại mối tình hay không, dù thế nào, có hay không, thì lòng cũng phân vân và bâng khuâng. Cái bâng khuâng của Nghĩa bây giờ là một xúc động ngọt ngào, một nụ cười chưa đủ, nụ cười không dám đầy đủ. Làm sao, không hiểu. Nghĩa không muốn hiểu rõ ràng. Nhưng Nghĩa đã nghĩ rõ: mỗi việc đều có ảnh hưởng xấu tốt đến cách mạng, không thể vô trách nhiệm, cả trong tình yêu. Vì thế mà Nghĩa giữ gìn.

   Mỵ nói:

   - Anh Nghĩa, anh ấy không ở Phiềng Sa đâu.

   - Tôi đương về công tác Phiềng Sa đấy thôi.

   Những câu đối đáp chủng chẳng khi gần khi xa, một nói một nhìn, mỗi người hiểu theo mình nói mà chẳng bao giờ thấm hết ý tứ.

   - Không phải.

   - Phải rồi.

   Mỵ cười nửa miệng:

   - Anh có quê dưới xuôi, anh không ở đây.

   - Tôi đi suốt đời theo cách mạng, chẳng ở quê khi nào.

   - Bao giờ anh lấy vợ thì vợ anh mới trói anh về ở quê.

   Nghĩa nói:

   - Chưa biết đâu.

   Mỵ nói:

   - Em biết rồi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2020, 10:01:41 am »

Một làn đàn môi lững lờ bay vào. Hơi đàn dìu dịu đâu đây không trông mà như thấy cả đôi môi người con gái ngậm đàn. Tiếng đàn môi đột nhiên rung động tâm sự Nghĩa, khiến Nghĩa buột nên câu: "Chưa biết đâu!"... Câu nói úp mở, nhiều lúc Nghĩa đã muốn nhìn vào mặt Mỵ và nói, nhưng rồi vẫn chưa lần nào dám thốt ra.

   Tiếng sáo nào kể lể ngoài kia. Nghe tiếng sáo mà thấy cả cái dốc khúc khuỷu lên xuống trong đêm trăng mờ, cái dốc không lúc nào rời bước chân khó nhọc của người Mèo, nhưng trên lưng dốc lúc nào cũng đưa theo tiếng sáo và một tấm lòng tin yêu.

   Mỵ hỏi:

   - Anh Nghĩa có biết cái sáo đương nói đấy không?

   Nghĩa lặng im.

   - Đó anh Nghĩa cái sáo nói gì?

   Nghĩa trả lời:

   - Chịu.

   Mỵ nói:

   - Cái sáo đương kể chuyện hai người tiễn nhau đi xa.

      Anh đi núi bên này
      Em lên nhìn chẳng thấy
      Mưa lấp bóng rừng
      Vẫn nghe tiếng sáo
      Tiếng sáo anh nói rằng
      Chẳng bao giờ quên em


   Nghĩa gật:

   - Hay nhỉ!

   Mỵ nói:

   - Có hay gì đâu, chỉ buồn thôi.

   Nghĩa nào chẳng biết! Tiếng sáo ai thổi ở đâu xa chẳng khác tâm tình Mỵ lúc ấy.

   Mỵ không nói gì nữa. Sợ Mỵ buồn thêm, Nghĩa hỏi lấp:

   - Ai thổi sáo thế?

   - Sáo anh Khay.

   Thào Khay bước vào. Thào Khay vừa ngồi, đã lại nâng ống sáo lên. Trong ánh lửa, Thào Khay co một chân, vành mũ nồi ngật đằng sau, chăm chú thổi sáo.

   Đêm về khuya, người xung quanh đã vãn đi từ lúc nào. Mấy anh nhảy khèn lúc nãy bây giờ đã ngồi hút thuốc lào. Có anh gác bè khèn lên vách sang ngủ luôn ở cái sàn nứa gần đấy.

   Tiếng sáo Thào Khay tỉ tê như muốn rủ, muốn đưa người vào chơi ven rừng, đến ngồi tựa lưng đá trong đêm trăng. Tiếng sáo kể ra một nghìn lời yêu đương mà Nghĩa không biết. Nhưng tiếng sáo đã dần dần đọng lại trong lòng Nghĩa chỉ có một bóng cô Mỵ.

   Mỵ nghiêng mặt, đuôi con mắt lư đừ còn ánh rớt lại. Nghĩa mơ màng thấy không phải đấy là cô Mỵ thường ngày. Mà ai đâu như cô Mỵ này là cô Mỵ ở tận làng quê Nghĩa, cô Mỵ mặc tấm áo cánh trắng với cái quần lụa đen. Tóc cô cặp xõa ngang lưng. Tối thế này mà còn thấy sáng lóe mấy chiếc cặp tóc vừa mở. Đuôi con mắt sôi nổi và dịu dàng vẫn vuốt trên mặt Nghĩa. Ôi chao, có thật đây là cô Mỵ làng ta, ở làng ta thì ai là cô Mỵ?

   Phú Thọ thân mến. Đất Phú Thọ có những cây cọ trên đồi, mỗi tháng cây cọ nở một tàu lá non, ánh sáng tua tủa xanh quanh năm. Dải rừng chẩu kia cứ đến mùa hè thì ra hoa trắng. Năm tháng qua đi, nước giếng thơi vẫn ủ mát chân đồi. Nhưng những bạn trai, bạn gái cùng lứa tuổi ngày trước thì đã đổi khác. Khi hòa bình trở lại, Nghĩa về thăm làng. Anh em biết Nghĩa chưa có vợ, đều kêu lên: "Phải tìm cho Nghĩa một thằng vợ!"

   Nghe câu nói nghịch ngợm, thân thiết, Nghĩa cảm động, vui và thẹn như trẻ con. Nhưng lấy vợ nào phải chuyện đi tìm thì được. Những cô bạn trạc tuổi, cùng xóm, cùng làng xưa kia, giờ đã chủ nhiệm, bí thư và con bế con bồng cả. Đám xa thì không biết Nghĩa. Mỗi lần về quê Nghĩa cũng chẳng rảnh rang có cơ hội đi đâu gặp ai. Vẫn chẳng ăn thua gì. Thế nhưng Nghĩa vẫn muốn lấy vợ quê. Thiết tha mà buồn, bởi vì bao nhiêu ước muốn bấy lâu vẫn chỉ vu vơ và xa vời. Đành nhờ, mà nhờ thì cũng là trông chừng chim trời cá nước.

   Năm năm mòn mỏi qua. Nghĩa ủ ấp nhiều phen hy vọng rồi lại mất đi, cho đến bây giờ, hy vọng vẫn chập chờn vừa nở vừa tàn, không ra sao.

   Mới đây, Nghĩa nhận được thư nhà. Anh cả của Nghĩa hẹn đi hẹn lại trong thư: “Tết năm nay chú cố gắng về. Thế nào lần này cũng xong".

   Xem thư, xem từng chữ, càng thấm ra nhiều ý tứ. Mỗi chữ một vui, mỗi chữ một thêm nghĩ ngợi. Nghĩa lại mơ màng nuôi hy vọng mới... Ở cái làng quê thuở tấm bé của mình, sáng sáng nắng bừng trên những đồi cọ xanh ngắt. Các cô gái làng Đan Hà bây giờ đời sống mới, người ta đều áo trắng đội nón đi làm đồng. Tổ sản xuất nhiều thanh niên, lúc nào cũng vui như hội, việc chạy ầm ầm. Nghĩa ngắm nghía, cân nhắc về từng cô, phân vân chưa biết chấm cô nào. Cô nào cũng đáng yêu, tươi tắn những cảm tình! Bốn bên múa lên những nụ cười, những đuôi mắt.

   Nghĩa ngỡ thế. Nhưng bây giờ chợt tỉnh, nhìn lại, chỉ thấy ánh lửa sưởi đương hồng, và trên ngọn lửa còn lại một đôi mắt long lanh, đôi mắt tha thiết trên khuôn mặt chín lừ của Mỵ đương chằm chằm nhìn Nghĩa.

   Nghĩa nói:

   - Mỵ mà mặc áo người xuôi thì đẹp.

   - Mặc thế nào, hả anh?

   Nghĩa nói như đương mải sắp đặt một mình:

   - Áo trắng có túi ở đây. Quần lụa đen. Hai cái cặp tóc sáng hai bên mái tóc thế này.

   - Em biết rồi. Các chị ở công trường làm đường dưới châu Yên cũng mặc áo như thế. Một bên cặp tóc còn gài tờ giấy bạc thế này, phải không anh?

   - À…

   - Em mà mặc áo thế thì cả Phiềng Sa cười em.

   - Sao?

   - Cười em sắp lấy chồng Kinh rồi.

   Nghĩa và Mỵ cùng cười, mỗi người cười theo một ý tứ. Bởi vì, sau đấy, Nghĩa im. Còn Mỵ cứ hỏi mãi:

   - Ở quê anh có hay đi chơi rừng không?

   Nghĩa không đáp ngay. Một lát mới nói:

   - Các cô gái quê tôi, đêm sáng trăng, thích rủ nhau đi tắm trong đồi. Dưới chân đồi có giếng nước trong lắm, cô Mỵ ạ.

   - Anh cho em về đi chơi đồi có giếng ở quê anh được không?

   - Được, Mỵ ạ.

   Hai người nói hai câu ấy, người hỏi, người trả lời thong thả. Các cô bạn ngồi quanh thì nhìn họ và cười khúc khích từ lúc nãy.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2020, 10:03:59 am »

Mỵ lặng lẽ, sung sướng, từ từ đứng lên. Tưởng như họ sắp cùng nhau bước ra đi chơi rừng trăng. Ánh lửa nóng dừ mặt và đôi mắt say say. Nhãng cả mấy cô bạn đương nhìn mình, Mỵ vẫn đứng mà không biết mình đương đứng.

   Thào Khay buông sáo, bước đến, nói to:

   - Bọn này muốn ngồi đây cả đêm chắc!

   Rồi ồn ào ra lệnh:

   - Thôi về nghỉ, mai còn lấy sức đi sản xuất.

   Nghĩa vớ được câu nói đúng lúc của Thào Khay, cũng nói:

   - Phải đấy!

   Nhưng cả Thào Khay vừa nói rồi cũng lại ngồi xuống, còn Mỵ thì vẫn đứng cười cười nguyên chỗ ấy.

   Một lúc lâu, Thào Khay nhớ ra, giục thêm, bấy giờ Mỵ và Khúa Ly cùng mấy cô nữa mới chịu về.

   Mỵ bước ra rồi còn quay lại. Câu chuyện đứng dừng giữa lúc đương đậm đà. Nghĩa trông theo Mỵ, không hiểu sao, ngoài bóng tối lại thấy đôi mắt đăm đắm của cô gái quê nhà, một cô gái Phú Thọ đảm đang, rắn rỏi, quần lụa, áo trắng, tóc dài, mặt trái xoan và con mắt say say như Mỵ, con mắt say say hệt như Mỵ. Nghĩa nhớ câu giục giã trong thư của anh cả ở quê viết lên: "Tết năm nay chú cố gắng về... cố gắng về...", Nghĩa lại băn khoăn: cô gái quê nhà hay là Mỵ đấy?

   Chủ tịch Tỏa đeo súng, bước vào:

   - Tao vừa đi dọn cái bễ rèn. Sợ đêm mưa thì ướt hết.

   - Xong chưa ạ?

   - Còn cái bệ, phải khiêng nốt.

   - Nào ta đi!

   Cả ba người cùng bước ra.

   Trong bóng trăng sương đục, nổi hình lực lưỡng những chóp núi ngồi núi đứng bá vai nhau nhìn xuống cái bãi phẳng đương sắp dựng lên thành trạm xá, kho muối, nhà mậu dịch của "thị trấn” Phiềng Sa. Rồi kia nữa, trường học, kho lương thực, nhà bưu điện. Chỗ này gần suối sẽ đặt trạm xá. Nếu thành bệnh viện cũng xây dựng ở đấy, nơi tiện nước, tĩnh mịch, xa khu nhà ở và các cơ quan.

   Nghĩa khoát tay chỉ trỏ, nói thế. Chủ tịch Tỏa thú vị, cười to:

   - Này đồng chí Nghĩa, cái xưởng rèn của tôi ầm ĩ lắm, rồi cũng phải đặt một nơi tận đằng sau núi mới được.

   Ba người khiêng xong bệ rèn, trở vào nhà. Bấy giờ mới hạ khẩu súng kíp trên vai xuống, chủ tịch Tỏa khoan khoái rít luôn một lúc năm mồi thuốc lá. Cái điếu tanh tách sôi réo. Nhưng hút chưa xong cả chặp, chủ tịch Tỏa đã đứng dậy, nhìn với ra, nói sặc trong khói:

   - Có đuốc nào đi dưới kia?

   Nghĩa và Thào Khay cùng nhìn, đoán:

   - Đuốc về xóm.

   - Ai về?

   Nghĩa chợt nghĩ, hỏi:

   - Có phải lối ấy về Ná Đắng?

   - Không.

   - Đuốc ai nhỉ?

   Chủ tịch Tỏa lại hất cái dây da, khoác súng lên vai.

   - Tao phải xem đứa nào đi đâu khuya thế?

   Thế là chủ tịch Tỏa lại lật đật đi. Nhỡ đấy là bọn xấu ở Lào mò về thì sao? Làm chủ tịch cần phải biết tất cả.

   Chủ tịch Tỏa ra khỏi, Nghĩa và Thào Khay mỗi người vẫn tiếp tục theo đuổi những mơ ước đương sôi nổi của mình. Thào Khay nghĩ xem các phòng nằm của bệnh viện nên dựng phía suối bên nào thì hơn. Nghĩa ngả tấm ván, nằm lim dim ngay cạnh lửa, trong đầu bề bộn, lúc thì sắp xếp công việc ngày mai, lúc lại nghĩ đến Mỵ, lúc thì về Phú Thọ.

   Im một lát, Thào Khay lấy sáo ra thổi.

   Tiếng sáo kể lể trong đêm sâu. Chợp mắt một lát, thấy hơi lạnh, Nghĩa xoay lưng sang phía lửa. Xoay lưng đã mấy lần, vẫn mơ màng nghe một tiếng sáo như lúc nãy. Nghĩa trở dậy, hút thuốc.

   Nghĩa hỏi Thào Khay:

   - Thào Khay thổi sáo buồn hay sáo vui đấy?

   Thào Khay ngước mắt, nói:

   - Sáo vui thôi! Tôi đương nghĩ những chuyện chúng ta vừa nói lúc nãy. Cửa hàng mậu dịch, bệnh viện, đường ô tô lên...

   - Nhất định thế rồi. Xem tinh thần nhân dân đi làm kho mấy hôm nay thì cái gì rồi nhân dân cũng làm được. Không trông thấy đuốc đằng kia nữa. Đồng chí chủ tịch đi lâu nhỉ?

   - Anh Nghĩa à, tiếng sáo tôi thổi đây để cho tận trong xóm, Khúa Ly cũng nghe tiếng.

      Con chim trắng bay qua suốt-
      Hoa nở không thấy hoa
      Cày nương ba luống cày
      Em về ngủ đừng say.


   Thào Khay lại nghiêng đầu, mải miết với sáo.

      Hoa nở không thấy hoa
      Em về ngủ đừng say...


   Chủ tịch Tỏa bước vào, buông súng tựa phịch bên phên vách, rồi với lấy cái điếu. Cái nõ điếu trong tay chủ tịch Tỏa lại tanh tách rít lên.

   Nghĩa hỏi:

   - Cái gì thế?

   Cũng vừa lúc, có hai người bước vào sau.

   Chủ tịch Tỏa giới thiệu:

   - Hai đồng chí này là công an dưới châu vừa đem trả thằng Nhìa về.

   - Châu ủy thả nó về, tổ Đảng chúng mình phải chịu trách nhiệm về thằng Nhìa. Châu ủy đã chỉ thị thế. Ta sẽ họp tổ Đảng để phổ biến.

   Một đồng chí vừa vào, nói với Thào Khay:

   - Đồng chí bí thư châu ủy có dặn riêng đồng chí Thào Khay. Tôi truyền đạt bây giờ.

   Thào Khay và đồng chí ấy bước ra cửa, nói chuyện nhỏ.

   Lát sau, Thào Khay vào lấy súng, rồi về.

   Chủ tịch Tỏa vác thêm củi đốt cho bếp giữ được lửa ấm suốt đêm, rồi chủ tịch Tỏa cũng lại đi. Chỉ còn Nghĩa và hai đồng chí công an dưới châu ngủ lại ở trụ sở. Trong vách, mấy anh thổi khèn giỏi lúc nãy ngủ tít đã từ lâu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2020, 10:07:04 am »

*
*    *

   Có lẽ Thào Nhìa được đưa về nhà vừa lúc bà Giàng Súa đương nghĩ về nó. Vừa lúc bắt đầu, bà Giàng Súa nằm nghĩ đến thằng Nhìa sắp được trở về.

   Đứng ở thềm cửa, Thào Nhìa đã nhìn ngay thấy mẹ. Mẹ ngồi trước bếp. Lưng mẹ tựa vào vách. Nhà tối thẫm, chỉ có một mình hòn than đỏ trong bếp. Khói bếp bao giờ cũng nồng ấm khác các thứ khói khác. Cái nhà người Mèo giữa đồi tranh trống trơ, nhưng khi đã bước qua gian cửa có cái cối xay đứng vênh hai tai cối, vào đến trong nhà thì lòng người bỗng lắng lại. Nhà kín bưng, khói bếp lùa trên những quả bầu lọ đựng hạt giống, cái thang bếp, những chiếc thùng gỗ thông đã nhóng nhánh lên màu bồ hóng. Ai nấy nghĩ êm ả như ở nhà mình.

   Lúc ấy, Thào Nhìa lẳng lặng đến ngồi xuống bên cạnh mẹ. Khác nào đứa con vừa đi đâu về.

   Đã mười lăm năm đằng đẵng qua rồi mà lúc ấy Thào Nhìa vẫn thấy hệt lại tối hôm nay như tối hôm ra đi. Như đi lúc chiều, vừa trở về. Mười lăm năm bỗng nhiên thành chốc lát. Nghĩ thế, Thào Nhìa bủn rủn, cảm động quá, muốn sụp xuống khóc. Nhưng còn có hai cán bộ dưới châu Yên đưa Thào Nhìa lên cũng cùng vào, Thào Nhìa chỉ rón rén ngồi.

   Một người cán bộ nói với mẹ:

   - Bà Giàng Súa ơi, Thằng Thào Nhìa nhà bà đây này.

   Bà Giàng Súa đứng dậy, hỏi to:

   - Chính phủ không giết nó, Chính phủ tha chết cho nó ư?

   - Phải.

   Rồi bà Giàng Súa hỏi Thào Nhìa:

   - Mày có đói không?

   Thào Nhìa đáp:

   - Đói.

   Thế rồi Thào Nhìa đứng dậy, bước vào bóng tối bên lò nấu ngô, lom khom bưng chậu bột ngô và ống ớt, dọn thức ăn ra.

   Chủ tịch Tỏa đến. Biết đầu đuôi câu chuyện rồi, chủ tịch Tỏa nói:

   - Chính phủ tha nó về, giao cho bà giữ nó, bảo nó thành người tốt. Bà là người trách nhiệm gốc đấy.

   - Phải.

   - Mời hai đồng chí lên nghỉ trên trụ sở.

   - Ở đây ăn cơm.

   Chủ tịch Tỏa nói:

   - Ăn thịt uống rượu mừng được nó về chứ ăn cơm thế này thì chưa xong đâu.

   Bà Giàng Súa sung sướng hỏi lại:

   - Thật thế phải không? Thật thế nhé!

   Ông chủ tịch Tỏa chỉ cười, rồi kéo hai đồng chí cán bộ đi.

   Bà Giàng Súa đương sung sướng giàn giụa nước mắt ra. Cứ trông cái dáng thằng con lưu lạc bấy lâu mà bây giờ vẫn biết lui lủi vào bếp rồi lúi húi cúi xuống, tìm cái thìa, Lấy bát ngô thông thạo và thuộc chỗ như no vẫn ở nhà thường ngày thì còn sung sướng nào hơn! Thôi thế từ đây con cái đầy đủ xung quanh bà cả. Nó thật người trong nhà mình rồi. Nó biết dọn ra cái chậu đựng cơm ngô, cái bát đậu răng ngựa, cái ống ớt... cũng như hôm thằng Khay về. Thật người của ta rồi.

   Đã lâu lắm, từ năm nào, từ bao giờ không biết, Thào Nhìa mới lại được ăn hạt đậu răng ngựa. Cái hạt đậu răng ngựa đem ninh dừ, tráng một tí nước ớt, bùi bùi lạ lùng. Mẹ ơi, con chỉ nhai vài hạt đậu trong miệng mà đã quen thuộc như con vừa mới ra khỏi nhà ban chiều. Thào Nhìa thấy mình bé lại, bằng hôm mới đi. Những ngày những năm gian khổ và xa lạ vừa qua đã qua rồi, chỉ còn lại trước mắt có một mẹ mình và một thằng Nhìa bé bỏng là mình ngày xưa. Gió thổi xám ngắt, mờ mờ lướt thướt, qua những lão khách Sìn... thành phố Cò Rạt nhốn nháo... Trường thần học âm thầm ở bờ sông Udon... Mẹ ơi, không còn gì nữa, không có gì đâu. Bây giờ chỉ có mẹ và con. Từ đây không gì có thể chặt đường mẹ con ta.

   Nhưng, một thoáng, Thào Nhìa chợt nhớ và rợn gáy. Không, cha dạy đạo đã dặn: "Không phải nó là mẹ, là anh em đâu, nó đã thành quỷ cả rồi... Con ơi! Con cúi đầu xuống, con cứ ngồi im, con giả tảng như chết rồi, kỳ tình hai mắt con vẫn mở, hai tai con phải nghe... Bây giờ ở trên đời này chỉ còn có cha với con mà thôi. Rồi cha sẽ làm cho con lại được thấy mẹ thật, lại được gặp anh em thật là anh em của con".

   Thế là thế nào? Những lời dụ dỗ ấy lại thoảng qua. Thào Nhìa đương thật sự thấy hôm nay được trở về với mẹ. Thào Nhìa vừa bước qua cửa. Rõ ràng Thào Nhìa ngồi sưởi lửa bên cạnh mẹ. Sao lại không phải mẹ đây? Thào Nhìa khẽ gọi:

   - Mẹ ơi!

   Mẹ đáp:

   - Mày gọi gì?

   - Thật mẹ rồi.

   - Mẹ ơi. Con xin kể mẹ nghe từ ngày con đi...

   Thật mẹ đây rồi. Thào Nhìa kể chuyện với mẹ. Người mẹ ngồi nghe con kể lại từ ngày con đi theo ông khách Sìn. Rồi đi theo ông dạy đạo. Con đi những đâu, những đâu, mẹ mới nghe mà đã như biết trước cả và nghĩ luôn là dù con có dông dài qua những núi nào núi nào rồi sau cũng về đến suối Nậm Ngù. Rồi người mới hóa hổ ở suối Nậm Ngù.

   Nhưng kỳ lạ sao, băn khoăn nhất vẫn là cái điều mà bà Giàng Súa nghĩ về ông cố đạo. Ông dạy đạo hay là con hổ, hay là người đàn bà đem ngâm xác con hổ vào nước đái. Chắc đấy là con hổ rồi chứ không phải ông dạy đạo, lúc bấy giờ thằng Nhia đã mê, không biết gì nữa đâu.

   Bà Giàng Súa hỏi:

   - Con theo ông dạy đạo đến Nậm Ngù hay sao? Ông dạy đạo có làm buôn bán như ông khách Sìn không?

   Thào Nhìa đáp:

   - Ông dạy đạo thờ Chúa, ông dạy đạo...

   Miệng ấp úng thế, bụng Thào Nhìa vẫn nhớ những lần đi Xămbátxắc mua thuốc phiện của vua Bun Ù, ở nhà vua Bun Ù hàng tháng, rồi khuân đi những chiếc vali thuốc phiện. Nhưng Thào Nhìa không nói. Bởi vì, dù sao thì cũng chưa bao giờ Thào Nhìa thấy ông cố đạo giống ông khách Sìn hay giống ông chủ người Ănglê xuống mở cửa hàng quay kem ở Cò Rạt. Bởi vì ông cố đạo hay mặc quần áo ka ki và đeo kính đen như các quan binh người Hoa Kỳ. Cái đó không giống những ông chủ khác.

   Mẹ lại hỏi:

   - Chúa là ai?

   - Chúa ở trên trời.

   - Ở trên trời với người chết a?

   - Phải, những người tốt mà chết đều lên ở trên trời.

   - Mày đã được theo ông dạy đạo lên trời bao giờ chưa?

   - Chưa.

   Thào Nhìa vừa nói vừa nhìn mẹ. Thào Nhìa đã kể cho mẹ nghe đến đâu rồi nhỉ? Thào Nhìa đã kể đến chỗ từ khi mình xuống Cò Rạt quay kem cho ông chủ người nước Ănglê rồi lại theo ông cố đạo về trường thần học ở Uđon. Rồi sao đây? Sẽ kể nốt ư? Kể rằng ông cố đạo đưa mình đi gặp các quan binh người Hoa Kỳ rồi lên ở Viên Chăn... Thào Nhìa có cảm tưởng nói nốt ra thì sẽ nguy hiểm. Ở dưới châu, Thào Nhìa cũng không nói cả như thế. Mặc dầu, những điều từ một tháng nay, Thào Nhìa nhìn thấy ở châu Yên thật khác những điều người Hoa Kỳ đã bảo cho Thào Nhìa biết khi còn ở bên kia. Thào Nhìa không trông thấy cộng sản đâu, không thấy ai giết người, không thấy kẻ cướp như người Hoa Kỳ đã nói với mình thế. Thào Nhìa chỉ thấy mọi người vẫn làm nương và cũng ở núi bình thường như ngày xưa. Và khác ngày xưa, mẹ không phải ở trong rừng sâu. Bây giờ mẹ ở trong làng. Thật là khác. Nhưng còn thằng Khay và cái Mỵ thì có lẽ bị cộng sản bắt đi rồi. Vậy mẹ vẫn ở một mình thế này ư? Được, rồi ta sẽ đưa mẹ đi. Rồi mẹ con ta sang Lào, sang Thái, ở Cò Rạt hay ở Uđon, mẹ muốn ở đâu cũng được.

   Thào Nhìa hỏi mẹ:

   - Thằng Khay đâu?

   - Khay đi công tác y sĩ.

   - Con Mỵ đâu?

   - Đi dân công làm kho mậu dịch, tối nay ở xóm trên ấy.

   Thào Nhìa chẳng hiểu những công việc này, nhưng cũng đoán: chắc những công việc bình thường. Nhưng dù sao thì Thào Nhìa cũng không thích và cũng ngại. Đấy không phải việc nhà mình. Đấy là những việc gì của cộng sản đặt ra. Cộng sản có thể giết mình. Thế là lại phân vân…

   Giữa lúc ấy, Thào Khay bước vào.

   Thấy Khay, Thào Nhìa im, không nói nữa. Cái mũ cát két và chiếc áo dạ tím xa lạ đã khiến Thào Nhìa không thể nghĩ người ấy có họ hàng với mình. Nó như những người không quen thuộc ở châu Yên. Cái thằng Khay và con Mỵ bé bỏng, rách rưới trong những ngày ở rừng năm xưa, bây giờ không thấy nữa. Khuôn mặt trẻ con ngày ấy bây giờ nó đã đổi khác, không nhận ra, đây là người khác rồi.

   Thào Nhìa thấy bơ vơ hẳn, không quen quen như từ nãy ngồi với mẹ. Và Thào Nhìa lại im. Những tò mò, những cái cần để ý, mọi thủ đoạn nghề nghiệp của một tên biệt kích đã học thuộc lòng trước khi nhảy dù lại trở lại trong đầu. Đứa con và người anh em lúc nãy bây giờ lại hóa ra thằng biệt kích.

   Thào Khay hỏi vồn vã:

   - Anh mới được về à?

   Thào Nhìa ngần ngừ rồi hỏi Thào Khay:

   - Ở đây có thuốc phiện không? Ai hút thuốc phiện, mày có hút thuốc phiện không?

   Thào Khay nói:

   - Không trồng thuốc nữa đâu. Đến mười năm rồi, mẹ nhỉ? Từ khi thành khu du kích đấy.

   Thào Nhìa lại im. Rồi gật gưỡng ngủ. Có lẽ đi đường xa, bây giờ mệt. Nhưng không phải, Thào Nhìa vờ ngủ. Trong lòng đương ngổn ngang nghĩ ngợi. Còn bà Giàng Súa thì thương nó đói thuốc phiện.

   Hôm sau, lúc có một mình Thào Nhìa ở nhà, bà Giàng Súa hỏi:

   - Mày còn nghiện à?

   Thào Nhìa không trả lời mẹ, nhưng miệng lẩm bẩm nói gì bà Giàng Súa không nghe rõ. Thào Nhìa lúc ấy càng phân vân.

   Thào Nhìa nằm lỳ ở nhà, có đến hàng tháng, không bước ra cửa. Cũng không thấy thân thiết gì hơn với ai. Có mẹ là quý nhất, nhưng mẹ cũng chỉ nói toàn chuyện bây giờ. Thào Nhìa buồn lắm.

   Rồi một hôm, Thào Nhìa đi lấy củi.

   Thào Nhìa vào rừng đến chỗ giấu thuốc cai nghiện và tìm điện đài đánh về X.

   Chỉ nghe một tiếng trả lời từ X., Thào Nhìa đã choáng váng. Như vừa nốc bát rượu mạnh, Thào Nhìa nhớ hẳn ra mình là người của X.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2020, 10:11:03 am »

X


   Trong vết lầy lội chân ngựa giẫm nát ven nương, cỏ tranh cao quá đầu, thấy đụng đậy rồi nhô ra một lùm củi khô mốc như con trăn cuộn khúc trên lưng con ngựa nhỏ tải củi.

   Rồi Thào Nhìa bước lên. Một tay Thào Nhìa vác cái rìu. Bùn lấm lên tận cổ áo, hai con mắt Thào Nhìa lờ đờ ngước, như đang nhận đường.

   Phía trước, trong bóng cây sáng trắng những mái nhà lá gồi mới lợp của cửa hàng mậu dịch. Thào Nhìa thấy đột nhiên vui sướng, mới lạ như được nhìn tháp chuông nhà thờ. Nhưng tức khắc nhớ ra mình đương ở đâu, Thào Nhìa cúi mặt. Rồi lẳng lặng bước theo chân con ngựa chở củi, bùn vấy lên tận khoeo. Thào Nhìa rẽ về xóm.

   Những người đã nom rõ Thào Nhìa hôm mới bị bắt, ngồi phệt dưới đất ở cửa trụ sở ủy ban, nếu bây giờ gặp lại thì không thể nhận ngay ra.

   Trước nhất, vì cái đầu trọc. Cả đám tóc xoăn rậm rịt hôm ấy bây giờ chỉ còn trơ một núm hoa roi giữa đỉnh. Thào Nhìa muốn để tóc như con trai Mèo ngày trước. Như vậy càng lạ lùng hơn, bởi vì thanh niên Mèo, từ khi theo cách mạng vào ở khu du kích, đã quen cắt tóc ngắn, về sau cũng không ai nuôi tóc dài như cũ nữa.

   Khi các đồng chí công an châu Yên đưa Thào Nhìa về Phiềng Sa, bà Giàng Súa bùi ngùi, cảm động, đã hỏi:

   - Nó được trở lại làm con tôi ư?

   Các đồng chí công an cười, nhẹ nhàng đáp:

   - Phải.

   Không ai nỡ nói hết.

   Hàng ngày, Thào Nhìa vác rìu đi chặt củi. Có khi cùng mẹ và em ra nương làm cỏ ngô mấy hôm liền.

   Dần dần, bà Giàng Súa thấy nó thật là thằng Nhìa con bà. Bà không nghĩ đến người chết sống lại ở suối Nậm Ngù nữa. Nó vẫn còn giữ được tính chăm làm, chịu khó như người Mèo, như ngày trước. Chỉ phải cái nó quên cầm búa và lúc đầu cầm cái cuốc bướm nhẹ nhàng nó không xới nổi một tụm cỏ. Bao năm nay, chẳng biết làm gì nên ăn mà chân tay nó phục phịch, mềm nhẽo, bệch bạc, còn cái mặt thì nùng nục, xẻo ra thịt, hệt mặt ông khách Sìn buôn hàng thồ ngày trước.

   Nhưng sao Thào Nhìa cứ lầm lì, cả ngày chẳng nói. Có khi mấy ngày không cậy răng. Có lần đi chơi quanh mấy xóm gần đấy, người ta hỏi, nó trả lời từng nhát và lúc về, vẫn lặng câm thế. Nó tiếc cái gì, nhớ vợ nhớ con ở đâu, chứ nó không có vẻ nào xót xa, nó không mừng rỡ được về quê. Những điều bí mật và xấu xa, hình như vẫn phảng phất, lẩn quẩn đâu đây. Ai cũng thấy thế.

   Có buổi tối, chỉ một mình bà Giàng Súa ở nhà, Thào Nhìa nói với mẹ:

   - Người Mèo ở bên Lào bây giờ vứt được cái khổ đi rồi, mẹ biết chưa?

   Bà Giàng Súa phân vân: "Cái ngày mới giải phóng, cả làng xô nhau vào dỡ nhà thống lý, vác đi cả từ một hòn đá kê chân cột, ai cũng sướng. Vì trước nó lấy của mình cái gì thì bây giờ đến tìm mà đem về. Nhà quan ác như con hổ cụt đuôi. Đã ăn hết ngựa hết bò lại còn cắn chết cả người. Nhân dân ta đánh mãi mới đuổi được nó đi, bây giờ nghe nói bên ấy còn thống lý mà bên ấy lại sung sướng được a? Thằng này nói lạ!". Nhưng bà Giàng Súa không kể lại chuyện ngày giải phóng cho Thào Nhìa nghe và bà cũng không muốn hỏi con câu bà vừa nghĩ. Bà chỉ hỏi một câu đượm buồn, mỉa mai:

   - Sướng thế, sao mày không ở bên ấy?

   Thào Nhìa cãi:

   - Tôi nhớ mẹ thì tôi về, mẹ chưa biết a?

   Nó nói thế, bà Giàng Súa đâm ra bực mình, xẵng:

   - Mày nhớ mẹ mà mày chẳng nói với mẹ câu nào. Từ ngày mày đi, đêm nào tao cũng nhớ, càng bình yên tao càng nhớ…

   Bà Giàng Súa nghẹn ngào, không nói được thêm. Thào Nhìa chỉ đáp: "Có, có nói đấy thôi", rồi cũng lại im ngay. Phải, Thào Nhìa có nghĩ, có muốn nói nhiều nữa, nhưng chưa biết lựa thế nào cho câu chuyện Thào Nhìa sắp gợi ra đây được êm ả. Thào Nhìa muốn đưa mẹ, đưa em đi. Đã một lần, Thào Nhìa bảo mẹ:

   - Người Hoa Kỳ, à người Mỹ bên ấy, mẹ ạ.

   - Thằng Mỹ, thằng Pháp à?

   - Phải, chỉ có người Mỹ thôi.

   Bà Giàng Súa hốt hoảng lên:

   - Không, không, con ơi! Con xa quê từ ngày còn bé dại, con chưa rõ hết ngọn nguồn nỗi nhà ta ngày trước. Đời mẹ con ta lúc ấy chỉ còn đợi vùi xác ở rừng chứ còn mong đâu được ngày nay. Bố con chết không ai nom thấy mặt. Về sau, con lưu lạc những nơi nào...

   Nghe mẹ kể, Thào Nhìa im hẳn. Đã không muốn nói, từ đấy, Thào Nhìa càng lầm lì. Chẳng ai hiểu nó ra thế nào. Chẳng ai biết những lúc ấy, trong người Thào Nhìa, cả thằng biệt kích và đứa con đều đương nghĩ, đương băn khoăn nhiều lắm. Mỗi lần đi củi về, Thào Nhìa dỡ khiêng củi trên lưng con ngựa, quẳng xuống trước cửa. Rồi tựa lưng vào vách, đứng dụi đầu, lử lả. Hai bàn tay xây xát, lem nhem máu - có lẽ nó muốn vùi đầu vào làm, cố cho khuây nỗi buồn nhớ vợ nó ở Nậm Ngù? Bà Giàng Súa đoán thế.

   Những lúc này, thì bà Giàng Súa lại thấy nó chẳng phải đứa con mình ngày trước. Bà Giàng Súa xót xa nghĩ đến chuyện con hổ hóa người ở suối Nậm Ngù. Không muốn nhớ mà cứ vẩn vơ nhớ, bà Giàng Súa ứa nước mắt.

   Rồi một hôm, nghĩ thế nào, Thào Nhìa tỉ tê bảo Mỵ:

   - Mỵ ơi! Mày có còn nhớ ngày trước có lần tao đem mày xuống chợ xem hàng ông Sìn không?

   - Quên rồi.

   - Bây giờ ở bên Lào, bên Xiêm kia, cái chợ còn sướng hơn thế, to hơn thế.

   - Có to bằng mậu dịch của ta không?

   Thào Nhìa không đáp.

   Mỵ lại hỏi:

   - Như chợ ông Sìn ấy à?

   - Sao mày bảo mày quên rồi!

   Mỵ mỉm cười vẩn vơ, hỏi nữa:

   - Như ngày trước à?

   - Phải.

   - Như ngày trước thì em cũng biết cái chợ ấy rồi. Cái chợ có lính quan về đánh chết người, mẹ vẫn kể. Bây giờ ai ở bên ấy về cũng nói chợ bên ấy có lính lấy thuế đánh chết người như thế. Ông chủ tịch Tỏa đã ở bên ấy về cũng nói thấy thế.

   - Cái chợ bên ấy...

   - Phải rồi. Mẹ kể ngày xưa đi mua muối, vào nhà thống lý mới vào đến chỗ thằng cai ngồi đã phải cúi đầu quỳ xuống trước mặt nó trình việc rồi đưa cho nó ăn mấy hào trắng. Bây giờ bên ấy còn có thằng thống lý thì nhân dân đi mua muối cũng phải quỳ lạy, cũng phải cho quan ăn bạc trắng thế a?

   - Mày nói quan nào? Phải gọi là quan thống lý mới được.

   Mỵ cười:

   - Anh bỏ quên con mắt ở nhà thằng đế quốc bên ấy rồi.

   Thào Nhìa sừng sộ:

   - Tao cấm mày!

   Nghe thế, vừa giận vừa sợ, cứ ức lên, trợn quá, Thào Nhìa tắc trong cổ, không nói được nữa.

   Thào Nhìa lại im. Có đến mấy đêm ngồi thừ mặt bên đống củi sưởi.

   Rồi lâu lâu, một buổi khác, Thào Nhìa ngồi với Thào Khay. Lo sợ vẩn vơ, Thào Nhìa buông một câu, như vừa nghĩ ra:

   - Bên kia bây giờ khác lắm, mày ạ.

   Thào Khay nhìn Thào Nhìa, nghĩ: “Các đồng chí công an dưới châu đã đọc tận óc nó thật. Người này không phải anh em ta. Cái đầu nó nặng lắm rồi. Nó tưởng mình không biết nó đã rủ rê con Mỵ những gì. Lại dám tuyên truyền cả mình nữa. Lúc nào cũng bên kia... bên kia..." Rồi, không ngọt nhạt như mẹ và em, Thào Khay dựng mắt, dồn luôn:

   - Bấy lâu mà anh chưa nhìn được cái gì khác ư? Quê mình bây giờ có kho muối, cửa hàng mậu dịch, trạm xá, có y sĩ phòng bệnh chữa bệnh, không có Tây, không có thống lý. Chủ nghĩa xã hội thế đấy. Quê mình khác hay bên kia khác?

   - Tao nhiều tuổi hơn mày, tóc tao rụng nhiều hơn mày, tao biết nhiều hơn mày.

   Thào Khay giận quá: "Tao đi khắp đất nước, tao đã đi công tác khắp đất nước, tao biết bằng nghìn mày". Nhưng Thào Khay không nói thế, Thào Khay nhìn thẳng vào hai con mắt đờ đẫn ngầu đỏ của Thào Nhìa rồi lắc đầu:

   - Cái bụng khác nhau rồi.

   - Mày nói gì?

   - Lại thay họ Mùa theo thằng Sống Cổ đi!

   - Họ Mùa vẫn là người Mèo.

   - Không phải, thằng biệt kích!

   - Tao đã về hàng Chính phủ, tao cũng bằng mày, mày đừng nói thế, xấu hổ tao!

   - Không được.

   Thào Nhìa nhợt nhạt gằm mặt xuống. Hai ngón tay giơ ra chấm chấm mơ hồ lên trán lên vai và lẩm nhẩm.

   Thào Nhìa lại sợ. Những điều định mon men nói của thằng biệt kích lại rụt lại. Thằng biệt kích trong người Thào Nhìa không thể ngóc lên được. Thào Khay đứng đấy, nét mặt rạng rỡ, tiếng cười to, cả cái giọng choang choác, băng băng những lý lẽ cứng cỏi, tự tin của Thào Khay đều đẩy cái lén lút của Thào Nhìa đến chỗ ngần ngại rồi nhụt dần. Thào Khay càng hăng:

   - Làm gì mà lầm rầm thế? Chửi Chính phủ à?

   Mọi ý nghĩ đen tối đương tan rã, Thào Nhìa ngẩng mặt, ngơ ngẩn, nói nhỏ nhỏ chuyện gì lạ lùng xa xôi:

   - Không, em ạ. Trên đời còn có đấng coi sóc ta...

   Mặt Thào Nhìa càng buồn thiu và mỗi tiếng nói ra lúc ấy cứ vật vã như con cá ngáp nước.

   Thào Khay hỏi to:

   - Ai coi sóc ta? Thằng vua coi sóc trên đầu ta à?

   Thào Nhìa vơ vẩn nhắc lại:

   - …trên đầu ta.

   Thào Khay xì mũi:

   - Còn đứa nào cưỡi đầu ta? Thằng vua, thằng đế quốc, thằng nào thì người Mèo cũng đã đuổi đi hết cả rồi. Chưa ngủ dậy à? Mày chưa ngủ dậy à?

   Tiếng "mày" đầu tiên giận dữ gằn ra, như quả đấm. Tình anh em thường nặng nề đối với người Mèo quen sống đùm bọc nhau, không còn nữa. Thào Nhìa nhợt nhạt cúi, im.

   Ít lâu sau.

   Rồi Thào Khay với chủ tịch Tỏa và cán bộ Nghĩa, ủy ban cũng như tổ Đảng ở Phiềng Sa mỗi người lại mải mê một công việc. Có lần nào Chủ tịch Tỏa hỏi, Thào Khay nói: "Cái thằng ấy mới có xác nó về chứ đầu nó còn lạc đâu chưa về". Ông chủ tịch nghĩ: "Nó được ở với nhân dân thì rồi nó cũng sáng dần ra".

   Cái gì, chủ tịch Tỏa cũng thấy thẳng đuột như vậy. Sắt thép, ông thợ rèn còn đốt ra nước, người cứng đến thế nào thì cách mạng cũng sẽ uốn được - chủ tịch Tỏa nghĩ thế.

   Chủ tịch Tỏa vừa công tác chính quyền, vừa làm tổ đổi công lại vừa mê say cái lò rèn mới mở. Lúc này đương làm mùa, túi bụi những khó khăn. Lúa trồng trên các nương mới phá đều táp nắng. Có nhà sợ, đã phải cúng. Con ma không muốn người Mèo ăn lúa nương. Nhiều người già nói thế. Biết bảo thế nào cho người ta nghe mình đừng cúng ma? Công việc của chủ tịch Tỏa cứ rối bời.

   Cán bộ Nghĩa thì bận sửa sang của hàng, nhà kho, rồi lại từng khi tất tả về châu họp. Không thấy anh thoáng đứng thoáng ngồi đâu được lâu.

   Thào Khay có nhiều trách nhiệm về Thào Nhìa hơn cả. Thỉnh thoảng Thào Khay xuống châu, đến châu ủy báo cáo. Người kể và người nghe đều mở sổ tay, người nói có người ghi cẩn thận. Mỗi lần báo cáo xong, đồng chí bí thư châu lại dặn thêm:

   - Về cứ làm thế, đồng chí Thào Khay ạ.

   Thào Nhìa đi đâu, Thào Khay đều biên lại. Nhưng ngày lại ngày, chỉ thấy Thào Nhìa đưa con ngựa nhỏ vào rừng vác củi.

   Mùa đông sắp tới, nhà nào cũng phải có một gò củi trữ sẵn thì mới qua nổi được cái rét núi cao.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2020, 09:33:12 am »

XI



   Thào Khay lại tiếp tục những chuyến đi công tác về xã. Chương trình tuyên truyền vệ sinh đời sống mới đương hăm hở làm.

   Thào Khay đã đi khắp các xóm, các dân tộc ở Phiềng Sa. Từ những chòm lơ thơ vài ba nhà, cả mấy đám ở lều nương cày mùa, Thào Khay cũng tới ngủ đêm và trò chuyện với mọi người.

   Thào Khay đã qua từng làng từ đỉnh núi xuống. Đến đâu cũng họp xóm, nói chuyện vệ sinh phòng bệnh, giới thiệu cơ sở điều trị ở trạm xá sắp mở.

   Không phải dễ đâu, chỉ đến một nhà, chỉ mới gặp một người, đồng chí thày thuốc trẻ tuổi đã vấp lủng củng bao nhiêu trái ngược với những điều đã học, đã biết. Túp nhà tối bưng mắt giữa sườn núi của người Hà Nhì kia chưa có hai cái cửa thảnh thơi. Sàn giường của bà con người Dao lan tiển thấp dưới mặt đất còn gối đầu lên thành chuồng gà. Cuộc sống lam lũ xưa kia vẫn phảng phất ngay cạnh. Người ta vẫn nhớ năm xưa bệnh dịch tả lan theo nước làm chết gần hết các xóm dọc con suối. Bệnh đậu mùa cũng tàn phá theo dọc suối, không cách nào dập được. Thật đau đớn, nhiều cô gái xinh đẹp cùng lứa tuổi ở làng ngọn suối hay ở làng cửa suối, đều chịu cùng một khuôn mặt rỗ của bệnh đậu mùa.

   Nhưng người thày thuốc Thào Khay rất hăng hái, không hề tưởng mình đương qua những khó khăn, mà chỉ biết đấy là công việc, có công việc thì có khó khăn. Ở chỗ nào nếp sống mới của cách mạng chưa đến, những nơi miền xuôi mà mấy năm đi thực tập Thào Khay đã đưa khoa học đến, hay ở quê mình trên núi hôm nay cũng thế, trong đầu Thào Khay luôn luôn sắp đặt ra những việc mới, những việc để giải quyết.

   Một chiến dịch phun thuốc trừ muỗi. Một giọt và từng giọt iốt kiên nhẫn sẽ mài tan những cái bướu cổ... Lửa đốt núi tranh đã nổi lên, hổ báo nào cũng phải chạy thôi. Chủ nghĩa xã hội đã nổi lửa rồi, mọi tối tăm lạc hậu sẽ tiêu tan, nhân dân đất nước ta đâu đâu cũng đều mạnh khỏe, tươi vui.

   Rồi đây, ai lên vùng cao Phiềng Sa của chủ nghĩa xã hội cũng cần uống thuốc chống sốt rét. Phải rồi, phải uống thuốc phòng chứ. Bởi vì bệnh sốt rét ở Phiềng Sa đã bị diệt từ lâu. Đừng có mà tha bệnh đến địa phương chúng tôi đấy. Đời sống làng xóm bây giờ khác quá. Nhà nhà đều nằm màn, uống nước nóng. Thanh niên đua nhau sắm hộp đựng thuốc lá có lắp gương soi mặt. Ai cũng thích mua một bánh xà phòng thơm Mẫu đơn. Những chiếc kẹp tóc sáng lấp lánh trên đầu. Chiếc bút máy Trường Sơn xinh xinh
màu cánh gián. Cái cặp túi tài liệu, và ôi thôi, cái gì mà chẳng thích mua.

   Thào Khay còn trẻ, không biết nhiều về xã hội cũ. Nhưng Thào Khay cũng đã ở với mẹ những ngày bị hắt hủi bơ vơ trong rừng. Cho nên Thào Khay quả quyết chỉ có trong chế độ ta thì tuổi trẻ mới có văn hóa và đời sống. Thào Khay tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đinh ninh và tin tưởng phấn đấu.

   Họp xóm, Thào Khay nói: "Ai nghiện thuốc phiện, cứ tính mà xem, đã tốn sức khỏe lại mất tiền. Nhà nghèo mà nghiện hút thì không bao giờ có được con trâu cày về nhà mình". Thào Khay lại so sánh: hai người cùng tuổi, ông này không nghiện thì khỏe và làm thừa ăn, ông kia nghiện thì hay ốm và gầy yếu, mỗi năm thiếu ăn bốn tháng. Có phải thế không! Ai còn nghiện hãy vứt cái nghiện xuống suối Nậm Ma thôi.

   Họp xong xóm, Thào Khay tìm đến từng nhà người nghiện, vừa tỉ tê khuyên nhủ, vừa bốp chát nói thế.

   Có ông người Dao, nghe Thào Khay nói, nghĩ ra, than thở: "Người nghiện chúng tôi như cái xác chết chưa chôn. Đã không muốn làm, lại muốn ăn ngon, bòn của vợ con từng thìa mỡ mà không biết xấu hổ. Chính phủ có chữa được người nghiện, tôi xin đi chữa ngay".

   Các bà, các chị nghe Thào Khay nói mỉa móc người nghiện thấm thía đến thế, mừng quá. Cả đời người phụ nữ đã khổ cực vì chồng con nghiện hút, mà bấy lâu chỉ biết sợ, không biết nói.

   Bây giờ, mỗi khi Thào Khay đến nhà ai, trẻ con trông thấy "đồng chí y sĩ" thì vội lấy nồi trên chạn bếp xuống đun nước sôi để uống. Ngày ra làm nương, nhiều người đi dép lốp. Những cô gái như Mỵ, như Khúa Ly, theo đời sống mới, ở nhà không buộc vạt áo dài, đi làm về, bỏ xà cạp quấn bắp chân. Các cô đã thôi cạo tóc gáy tóc mai, lại mua xà phòng giặt áo lót trắng. Mỗi sáng, ra suối, tay cầm ống xà phòng Ngọc Lan, thấy ai đi qua, vừa ngập ngừng đánh răng, vừa ngẩng mặt lên, hơi ngượng và mủm mỉm cười.

   Thào Khay cẩn thận, trân trọng từng việc, khuyên ta biết chống thói quen, tạo nếp sống tốt đẹp mới. Thào Khay chỉ cho ta chú ý cái cây còn biết có hoa điểm trang, huống chi con người.

   Đến mỗi xóm, thấy người ốm, Thào Khay dỗ uống thuốc, cho thuốc. Đã cứu được nhiều người và tiếng tốt của "thày thuốc Chính phủ” vang đi thật xa.

   Có người sốt rét ác tính lên cơn lờ đờ mắt, chỉ còn đợi chết. Người nhà đã lấy quần áo mới mặc cho người xấu số. Thào Khay biết tin, không đợi ai đến gọi, chạy đến tiêm thuốc. Vài giờ sau, người hấp hối lại ngồi lên húp cháo được rồi.

   Có lần Thào Khay đến một xóm thấy cả xóm đương nổi giận, bắt quì trói, hỏi tội, đánh đuổi vào rừng một người mà ai cũng bảo người ấy có ma. Thào Khay giảng giải cho xóm nghe, lòng thấm thía nhớ lại ngày nào cách mạng đã cứu mẹ con mình ra khỏi rừng sâu.

   Tin lành đồn xa, rất xa.

   Thào Khay lần lượt đi khắp Phiềng Sa kể chuyện phòng bệnh và chữa bệnh làm cho nhân dân hiểu muốn chữa được bệnh ta phải biết đề phòng bệnh. Tiếng tăm những việc tốt của Thào Khay đương rực rỡ. Như khi mặt trời lên, một thoáng nắng sớm bịn rịn mép núi, phút chốc đã bừng loang khắp mọi nơi. Thào Khay cũng nghĩ rõ ràng công việc mình như vậy. Rồi chủ nghĩa xã hội sẽ bừng loang khắp cả. Công tác phòng bệnh chữa bệnh của y sĩ Thào Khay như nắng sớm đương lên, không một do dự, một mê tín xấu xa nào cản trở được.

   Còn mấy ngày xuống nốt dọc suối thì Thào Khay đã qua được đủ khắp các làng ở Phiềng Sa.

   Lần ấy, Thào Khay định thẳng tới Ná Đắng rồi lúc quay lên thì ghé từng làng hai bên suối. Thào Khay biết tin con trai trưởng thôn Pàng khỏe đã lâu. Nhưng Thào Khay muốn nhân việc chữa khỏi bệnh em bé, lại đến nói chuyện phòng bệnh chữa bệnh có ví dụ cho cả xóm nghe.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM