Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:19:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan  (Đọc 8883 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 01 Tháng Ba, 2020, 06:24:40 am »

   
        - Tên sách : Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan

        - Tác giả : Trương Công Tấn

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Số hóa : Giangtvx

Kính tặng nữ liệt sĩ Anh hùng Hồ Thị Hương và Đội Trinh sát vũ trang An ninh thị xã Long Khánh anh hùng

« Sửa lần cuối: 24 Tháng Ba, 2020, 08:22:31 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2020, 06:19:24 am »


LỜI NÓI ĐẦU

        Nằm ở phía Đông Bắc Sài Gòn, địa bàn thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc trong kháng chiến chống Mỹ là một chiến trường cực kỳ ác liệt. Tại đây, quân địch có hàng sư đoàn với đủ các sắc lính; đồn bốt, sân bay dã chiến, căn cứ Mỹ - ngụy đóng dày đặc. Đây cũng là địa bàn chiến lược của ta, nơi các đơn vị chủ lực từ các vùng cao su tiếp giáp Trường Sơn, từ các căn cứ trong rừng Đồng Nai... tiếp cận, áp sát với Sài Gòn. Vì thế trong suốt cuộc chiến tranh tại Long Khánh - Xuân Lộc mỗi ngày đều diễn ra cuộc chiến đấu giằng co, âm thầm, dữ dội, quyết liệt, một mất một còn giữa hai bên. Trong những thời điểm sinh tử nhất, các lực lượng an ninh vẫn cắm trong dân, bám vào dân, họ xây dựng cơ sở, đào hầm hào, tích trữ lương thực, vũ khí; hoạt động vừa bí mật vừa công khai, đánh những trận vừa và nhỏ, tiêu hao lực lượng địch, tiêu diệt bọn tình báo, mật vụ, trừng trị ác ôn, tấn công sào huyệt địch diệt các tên đầu sỏ... Đảng ở trong lòng dân, luôn giữ được ngọn lửa niềm tin nơi nhân dân chính một phần nhờ vào lực lượng an ninh hoạt động trong lòng địch này.

        Năm 1968, ngay sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân, Đội Trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh thị xã Long Khánh được thành lập. Từ đây, Đội là xung kích làm nhiệm vụ trực tiếp tấn công địch, diệt ác phá kìm, hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng trong nội ô thị xã Long Khánh và các ấp vùng ven. Tại sào huyệt tưởng kiêm cố nhất của địch, Đội Trinh sát vũ trang đã tổ chức nhiều trận đánh vang dội: các đội viên trinh sát hóa trang diệt địch trên đường phố, trong các tụ điểm ăn chơi, tại nơi đóng quân, mật phục địch trên đường đi càn... khiến kẻ địch thất điên bát đảo. Chúng sợ hãi gọi đội quân xuất quỷ nhập thần ấy là "Đội quân ma”. Thế nhưng, đối với nhân dân Long Khánh, họ là những đứa con yêu dấu, được bảo vệ, chở che. Những bà mẹ, các cụ già Long Khánh ngóng tin các vụ nổ diệt lính trong nội ô để hy vọng tới ngày chiến thắng...

        Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 11 năm 1978, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Trinh sát vũ trang An ninh thị xã Long Khánh. Tháng 8-1980, liệt sĩ Hồ Thị Hương, người đội viên anh dũng của Đội Trinh sát vũ trang cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng.

        Sau nhiều năm thu thập tư liệu, trong đó có gặp gỡ, phỏng vấn các lãnh đạo Ban An ninh Long Khánh, các chỉ huy và đội viên Đội Trinh sát vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ hiện còn sống, nhà văn Trần Công Tấn đã cố gắng tái hiện bằng ngôn ngữ văn chương cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng An ninh Long Khánh nói chung và Đội Trinh sát vũ trang nói riêng trong cuốn sách "Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan" này. Một thời kỳ ác liệt trong chiến tranh, thời kỳ đau thương nhưng rực rỡ của tinh thần yêu nước, của ý chí dân tộc quật khởi đã được nhà văn tái hiện trong cuốn sách: những hình tượng nhân vật Lương, Thảnh, Thương, Xuân, Ngọc, Đông, Lệ Mỹ... lấy nguyên mẫu từ các đội viên Trinh sát vũ trang; người chỉ huy An ninh kiên cường Sáu Tuệ; những cán bộ Đảng trung thành, tận tụy như Năm Thị, út Lành; những con người vượt lên đau thương cá nhân để gắn cuộc đời mình với cách mạng như bác Hai Nghĩa, bà 'khùng' Nữ, và Hiền 'mặt rô’; những cơ sở cách mạng, những má, những em gái đã dìu dắt, chở che cho các chiến sĩ... Mảnh đất quê hương nơi âm thầm chứa chất hàng ngàn căn hầm bí mật cũng trở thành một nhân vật sống động thấm đẫm tinh thần yêu nước dưới ngòi bút của nhà văn.

        Cuốn sách có những trang cảm động về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trinh sát an ninh: Xuân, Ngọc bị thương nặng vẫn chiến đấu cho đến hơi thở cuối; hai nữ đội viên trẻ tuổi chỉ lưu danh bằng bí danh H5 và H6 mạng đổi mạng với kẻ địch khi đã bị chúng giam cầm trong ngục tù...

        Mặc dù đậm chất hư cấu, nhưng tác phẩm gợi nhắc chúng ta về những con người có thật, đã chiến đấu quên mình vì độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân.

        Để góp phần giáo dục cho cán bộ chiến sĩ về truyền thống chiến đấu, xây dựng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, chúng tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến các đồng chí!

NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2020, 06:21:03 am »

 
NHỮNG MẨU CHUYỆN XƯA

        Hàng triệu năm trước, chẳng ai biết tự bao giờ, các núi lửa phun trào đã tắt ngấm nguội lạnh, để lại một vùng đất đỏ bazan bao la. Cây cối mọc lên thành rừng, muông thú sinh sôi sống thành bầy đàn. Các loài thú dữ ăn thịt lẫn nhau và ăn các loại thú khác. Những dòng sông suối từ thượng nguồn B’lao, Mã Đà ở đâu xa lắm đổ về, xuôi ra biển Đông. Sông đầy cá sấu. Cá sấu ăn thịt bất kế các loài cá lớn hay bất cứ con thú nào trên các dòng sông bàu nước hoặc muốn vượt sông, di chuyển theo mùa, để tìm nguồn thức ăn mới. Cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt cá li ti. Người đời trước kế lại cho các thế hệ tiếp sau nghe chuyện rừng núi, chuyện sông suối ao hồ. Biết bao nhiêu chuyện trải qua hàng ngàn năm, có chuyện bí hiểm chẳng ai giải mã được.

        Nguyễn Trung Lương lớn lên chỉ biết rằng, mình sống trên dải đất mang tên Đồng Nai. Đời cụ tổ đã có tên đó. Rồi đến đời các cụ cố, ông nội, rồi bố cũng kể lại như vậy, rằng xưa kia vùng này bạt ngàn rừng rậm. Hổ thường ra phục ở các hồ nước rộng hoặc ven sông suối để bắt các loài thú ra uống nước như hươu, nai, trâu bò rừng làm thức ăn hàng ngày. Nai nhiều đến nỗi chen nhau nhung nhúc ở các thung lũng và những trảng cỏ rộng. Hổ ra giỡn chơi với nai, và chọn lựa chú nai, cô nai nào non tơ, béo tốt thì chụp lấy ăn thịt. Cá sấu cũng no nê suốt ngày, chỉ nằm chờ ở ven sông ven hồ, chờ sơn dương, hươu nai đến uống nước hay vượt sông thì đớp lấy mà ăn dần hết ngày này sang tháng khác. Cư dân đầu tiên của vùng đất bí hiểm và hoang sơ này là dân K'Ho, STiêng, Châu Ro, Châu Mạ... Họ gọi nơi chôn nhau cắt rốn của họ, dịch ra tiếng người Kinh là Đồng Nai. Cái tên Hố Nai gần Biên Hòa cũng do vậy mà thành. Tóm lại là nơi có nhiều nai trở thành địa danh. Một dòng chảy từ đâu trên cao nguyên B’Lao tìm về biển Đông qua vùng đất lắm nai, nhiều hổ này cũng gọi là sông Đồng Nai. Cho đến tận năm 1698, các Chúa Nguyễn vào phía Nam khai thiên, triển địa mới hình thành làng xóm trên dải đất nằm ven sông Đồng Nai này, lập ra dinh Trấn Biên. Hơn một trăm năm sau, vào đời vua Minh Mạng, năm 1832 xứ Đồng Nai được đổi tên thành tỉnh Biên Hòa.

        Năm 1858, thực dân Pháp đưa chiến thuyền nã đại bác vào Đà Nằng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Ba năm sau, vào ngày 17 tháng 12 năm 1861, Biên Hòa thất thủ. Cho đến hăm ba năm sau, phong kiến nhà Nguyễn ký kết đầu hàng giặc Pháp tại Pa-tơ-nốt, nước ta trở thành thuộc địa của Pháp.

        Sau này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài "Gia tài của mẹ" có câu:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây...

        Nhân dân Việt Nam không chịu nổi nhục mất nước, các thế hệ đã thay nhau đứng lên đánh ngoại xâm. Đảng Cộng sản ra đời lãnh đạo nhân dân đánh thực dân Pháp, phát xít Nhật, rồi Mỹ nhảy vào, lập nên bọn bù nhìn tay sai để tiếp tục xâm lược nước ta. Sau cuộc chiến tranh vệ quốc dài dằng dặc suốt 30 năm trời, ta đã thu hòi giang sơn về một mối.

        Suốt mười bảy lần thay tên đổi họ, nhập ra tách vào, từ thời Pháp, thời Mỹ, cho đến sau ngày giải phóng miền Nam, vùng đất tỉnh Biên Hòa cũ mới được mang tên tỉnh Đồng Nai, gồm 11 huyện thị: Long Khánh, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Long Thành. Thủ phủ của Đồng Nai là thành phố Biên Hòa.

        Đồng Nai đất đai trù phú, cây trái xanh tươi, rộng và dài đến sáu ngàn kilômét vuông với hai triệu rưỡi cư dân gồm người Kinh và các dân tộc anh em: Hoa, Nùng, S’Tieng, Châu Ro, Châu Mạ... đoàn kết cùng nhau làm ăn sinh sống và chiến đấu đánh giặc ngoại xâm cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

        Lương không biết cuộc đời của cha mình xưa kia như thế nào. Bởi vì mới ba, bốn tuổi, thì cha đã qua đời, mẹ bỏ Lương cho chú em cha, rồi đi lấy chồng. Lớn lên trong cái thị xã Long Khánh cực nhọc, đói khát, ngày ngày Lương phải theo chú đi làm rẫy hết suối Sóc đến suối Chồn. Đâu đâu, đồn bốt binh lính Pháp và Việt gian cũng giăng ra ngăn chặn, lục soát, vây lùng, tìm giết Việt Minh. Cảnh Pháp chặt đầu, mổ bụng, hãm hiếp, cướp bóc xảy ra trước mắt Lương. Mới chín tuổi Lương đã biết đặt bẫy con sóc, con dúi, câu cá bắt chim kiếm thức ăn giúp chú. Lúc lên mười, Pháp thua, hiệp định Giơ-ne-vơ chia đất nước thành hai miền Nam Bắc. Chú của Lương đi tập kết ra Bắc, Lương ở lại sống lay lắt với vợ chồng người chị họ. Lương theo bạn cùng lứa như Xuân, Ngọc, Thảnh đi canh nương giữ bắp, khoai mì, sống chui rúc trong rẫy, như người rừng. Đêm nằm trong lều, đại bác giặc từ Biên Hòa, Long Thành bắn tới, phải nhảy xuống hàm tránh mảnh đạn, không đêm nào ngủ tròn giấc. Hết tiếng đại bác đến tiếng hổ bép, sói tru rợn tóc gáy, nối da gà. May nhờ có bác Nghĩa, cu li đồn điền cao su Dầu Giây thương tụi nhỏ, xách mác lào ra ngủ với, mới yên tâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2020, 07:58:22 am »


        Bác Nghĩa cụt, người làng Trí Bưu, tỉnh Quảng Trị, bị tay sai của chủ đồn điền Pháp lừa phỉnh, ký côngtơra (giao kèo) vào làm cu li đôn điền Dầu Giây.

        Bác Nghĩa giơ ngón tay cụt lên, nói:

        - Tụi bay có hiểu vì sao ngón tay trỏ của bác cụt không?

        Thấy bọn trẻ ngơ ngác, bác lắc lắc cái đầu quá lớn mọc trên cái cổ ngẵng, gầy đến nỗi thấy rõ cục yết hầu chạy lên chạy xuống khi bác nói. Chuyện của bác thật đau lòng, Lương nghe mà nước mắt tự chảy ra.

        Mười tám tuổi, Nghĩa cưới cô Tình đẹp nhất làng Trí Bưu, mười bảy tuổi. Nghĩa và Tình để ý đến nhau khi cùng đi lễ nhà thờ. Tình là con chiên ngoan đạo, dịu dàng, có khuôn mặt đẹp mà cả làng ai cũng trầm trồ: "Con Tình đẹp như tượng Đức Mẹ đồng trinh"...

        Cha mẹ nghèo, cho hai con thương nhau thì cưới vội để kịp ký giao kèo đem nhau vào Nam Kỳ làm đồn điền cao su.

        Bọn mộ phu khoe vào trong Nam Kỳ chủ Tây phát lương, phát gạo thịt, cá và rau tươi hàng ngày, hàng tuần. Đi phu cao su một năm là có tiền làm nhà ngói, có tiền gửi về làng nuôi cha mẹ.

        Nghĩa đem vợ lên tàu lửa đi vài hôm thì đổ xuống ga Dầu Giây lúc trời gần sáng. Một trận mưa ào tới, hàng trăm cu li1 ướt như chuột lụt. Sáng hẳn thì thấy ngay bọn xu xếp2, cai đội và chủ Tây ra đón bằng hèo và roi da "cặc bò". Cai xu vừa cầm roi vụt, vừa dồn dân phu vào những dãy lều lá dựng tạm trong rừng. Chị Tình sợ sệt, ôm cái bọc áo quần khép nép bước theo chồng. Chủ Tây mắt xanh lè, râu dê một chỏm dưới cằm, đưa cái gậy ba toong một đầu vạt nhọn, bịt đồng, một đầu cong như cái dấu hỏi, ngăn chị Tình đứng lại. Hắn khều khều manh áo ướt trước ngực chị để xem cặp vú hòng hồng chắc nịch vừa tròn vừa nhọn, bị nước mưa ướt dính vào da. Đoạn hắn huýt sáo gọi xu đến, nói: "Cho con chó cái này ở riêng ra một chỗ, dành cho tao." Thằng xu, về sau này Nghĩa mới biết tên hắn là Rụt, hất đầu hỏi Nghĩa:

        "Con nhỏ này là vợ mày hả?' Nghĩa run run: "Dạ phải!" Rụt nói: "Vậy là mày hên. Được ông chủ thương vợ mày. Thấy con vợ mày tao cũng thèm muốn xực ngay nữa là chủ Tây. Cho hai vợ chồng mày ở cái lán lẻ gần lầu chủ sở, để ông chủ và tao được gần gũi vợ mày.”

        Tưởng hên là sung sướng thế nào, ai ngờ ba hôm sau, quãng chín giờ tối, có bốn người đến lều của Nghĩa, Tình. Một người đội một cái mâm thau bước vào, ba người theo sau, cầm dao bầu và dây thừng. Đặt cái mâm xuống, người đội mâm chính là thằng Rụt nói: "Đây là cau trầu và rượu. Ông chủ sai tụi tao mang tới đây. Thấy vợ mày là gái tơ ngon lành, xinh đẹp mà làm vợ cu li uổng. Mai mốt trồng cao su, cạo mủ, phát rừng cuốc đất cực, da dẻ vú vê sẽ bèo nhèo... ông chủ sai mang cau trầu rượu xuống làm lễ cưới vợ mày về hầu quan chủ. Một là mày nhận cau trầu rượu và mấy đồng bạc để cho vợ về ngủ với quan chủ. Hai là mày nhận con dao bầu." Nghĩa hét lên: "Không được!", rồi đá hất mâm "của lễ" xuống đất. Tình hiểu mọi chuyện, khóc òa, chạy đến ôm lấy chồng. Thằng Rụt hét gọi bọn tay chân xông vào quật ngã Nghĩa, trói vào cột lều. Một thằng giằng Tình khỏi người Nghĩa, thằng Rụt vác xốc Tình lên vai, chạy vào rừng.

        Thằng trói Nghĩa hằm hằm nhìn Nghĩa vật vã, kêu khóc đau đớn tuyệt vọng khi Tình bị cướp mang đi. Hắn hét lên: "Câm mồm nghe tao phán đây: Nếu mày cởi được dây trói thì lấy dây ấy treo cổ lên sàn lều mà chết đi. Giờ này ông Rụt đã "xơi tái" vợ mày. Sau đó đến lượt tao rồi mới đến quan chủ "xơi" rồi chở vợ mày về Ô cấp3 hay lên Đà Lạt. Đêm nay vợ mày ngủ với Tây, tha hồ sướng. Mày đừng hòng mất công tìm lại vợ. Yên phận làm cu li là thượng sách con ạ!"... Thằng nói những lời cay độc đó về sau Nghĩa mới biết tên nó là thằng xu Hạp.

        Lương nghe bác Nghĩa kể, hai hàm răng tự nhiên cắn chặt lại, ngực như tức thở. Xuân và Ngọc thì thở dài sườn sượt. Thảnh nói như nghẹt mũi:

        - Người ta kể bác chặt ngón tay thề tìm cho bằng được bà Tình?

        Bác Nghĩa cười nhạt, giọng cay đắng:

        - Chính thằng chủ sở cướp cô Tình chặt ngón tay này khi bác làm rơi, vỡ cái chén hứng mủ cao su...

        - Trời ơi! - Ngọc kêu - Sao bác không tìm cách đâm chết thằng chủ Tây?

        - Đâm chết hắn rồi mình bỏ trốn, hay bị chúng giết hoặc tự tử. Nhưng chưa tìm được cô Tình, làm sao mà chết khi chưa biết tin tức vợ đang sống chết nơi đâu!

        Chuyện đau thương của bác Nghĩa đã hàng chục năm trôi qua, bây giờ ngồi kể lại cho bọn trẻ nghe mà nước mắt bác còn chảy dài trên đôi gò má gầy.

-----------------------
        1. Cu li: người làm công (coolies).

        2. Xếp: chủ, ông chủ (tiếng Pháp: Chef); Xu: người coi công việc, giữ trật tự, thường gọi là xu, cai (tiếng Pháp: surveillant).

        3. Ô cấp: Vũng Tàu ngày nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2020, 07:58:55 am »


        Tiếng đại bác bay vèo vèo như mèo gào qua rẫy của Lương, bay đến nổ đâu quanh chân núi Chứa Chan.

        Cả bọn theo chân bác Nghĩa chui ra khỏi hầm trú ẩn, trèo lên chòi canh rẫy ngồi nghe tiếp chuyện xưa.

        Mất người vợ trẻ đẹp, người cùng làng, suốt cả tháng trời, Nghĩa như người mất hồn, ăn bát cơm gạo mục với mắm có dòi, đã khó nuốt, miệng lại đắng, lại nhớ thương vợ, nhai cơm mà như nhai rơm, nhai cỏ tranh. Nhưng Nghĩa vẫn nhịn nhục, vẫn nai lưng ra làm việc và chịu những trận đòn của xu, xếp. Anh cố tìm tin tức Tình nhưng chẳng ai biết chủ Tây đã mang Tình đi đầu. Hay con quỷ dâm ô ấy đã hiếp chết Tình, vứt xác ra rừng cho hổ, cho sói ăn thịt. Nghĩa sống đó mà như sống giữa bầy hổ báo, bầy chó sói hung bạo, chưa biết nó sẽ ăn thịt mình lúc nào, ngay tức thì hay lát nữa. Dầu vậy, Nghĩa vẫn sống, cố sống để tìm kiếm lại vợ. Lúc đó sẽ đâm chết thằng Tây làm khổ, làm nhục vợ mình. Rồi kéo vợ chạy vào rừng đi trốn. Dù có phải chịu đói, chịu cực ăn củ, ăn lá rừng mà tìm về cái làng Trí Bưu nghèo khổ quê mình. Dù có bị hổ báo, chó sói ăn thịt hay rắn độc cắn chết, cũng đành.

        Rồi Nghĩa tham gia Việt Minh, sau ba năm bặt tăm tin tức vợ. Trước đêm cùng dân Long Khánh, Dầu Giây, Xuân Lộc, Suối Tre kéo nhau đi cướp chính quyền, Nghĩa thức trắng đêm ngồi mài con dao bầu, loại dao chọc tiết lợn, sắc đến nỗi cạo râu được. Tính chuyện ngày mai khi vào chiếm lầu quan Tây chủ đồn điền, sẽ thập cổ thằng Tây ra mà hỏi: "Vợ tao ở đâu?" Nếu nó không trả lời được, Nghĩa sẽ chặt đầu nó mang về thắp hương tế vợ, rồi mới chịu tìm về làng quê...

        Nhưng khi hét hò kéo nhau vào lầu chủ sở, thì ông nấu bếp của quan Tây kể lại hôm Nhật đảo chánh đã bắt chủ Tây trói lại, vứt lên xe tải. Nhật vào nhà kho, mở trói cho cô Tình, nhưng không phải thả cho cô ấy về nhà, mà thằng quan Nhật có bộ râu nằm ngay dưới mũi như con sâu róm, hôn cô Tình chùn chụt rồi bế cô lên xe, cô dãy dụa đấm đạp thằng Nhật, vùng vẫy chửi bới bằng giọng Quảng Trị: "Tổ cha mi, tổ mạ mi”, nhưng thằng Nhật chỉ nói: "Dô tô, dô tô", rồi xốc cô lên xe chở đi.

        Nghe ông bếp kể chủ sở là một thằng cuồng dâm. Hắn đi đánh đập phu phen ngoài vườn chưa chán, cứ về là cởi trần trùng trục vào nhà kho. Hắn lột truồng cô Tình ra. Mặc cho cô la hét chửi bới, chống cự. Hắn trói nọc hai tay, hai chân cô dạng ra, rồi nhào vô cắn má, cắn cổ, cắn vú... cho tươm máu ra, rồi đè lên hãm hiếp. Không ai dám nhìn, không ai dám can ngăn. Chỉ có bọn tay chân, bọn xu xếp như thằng Rụt, thằng Hạp... rình quanh nhà kho xem Tây hiếp người, rồi cười khoái trá như một lũ điên...

        Nghe đến đó, Nghĩa nghiến răng, vung dao chặt ngay một nhát, cây chuối đứt đôi, anh kêu lên:

        - Khổ mình quá Tình ơi!

        Nghĩa đấm thình thịch vào ngực mình mà gào lên thảm thiết như con thú mắc bẫy:

        - Trăm ngàn tội lỗi là tại anh. Anh đã mang em vào hang hùm, miệng sói, mình ơi!

        Biết người chòng của cô Tình đã đến muộn, ông bếp thở than, an ủi:

        - Tôi cũng thấy thương cô gái, không biết con cái nhà ai xinh đẹp thế mà sa vào tay bọn quỷ râu xanh. Đã mấy lần tôi định lẻn vào bẻ khóa cho cô gái trốn, nhưng lại sợ cô thoát được quỷ người lại gặp miệng hổ. Lạy Chúa, vả lại thằng Tây cử bọn tay sai canh giữ cô gái đêm ngày... Chú thông cảm cho cái thân tôi chỉ được luẩn quẩn trong bếp thôi...

        Cướp chính quyền xong, Nghĩa đi tìm vợ suốt cả tháng trời khắp các nơi Nhật đã đóng quân. Nhưng Nhật cũng rút về nước. Chẳng thấy bóng dáng, chẳng nghe được tin Tình đang ở đâu. Nghĩa thất thểu quay trở về với đội tự vệ Xuân Lộc.

        Cách mạng tháng Tám thành công được một tháng thì giặc Pháp theo bóng quân Đồng minh Anh trở lại cướp nước ta. Tây lại kéo đến đóng Biên Hòa, đóng đòn Xuân Lộc. Chủ các sở đồn điền quay trở lại. Kiếp phu phen cao su lại bị đọa đày hơn cả địa ngục trần gian. Thằng Tây "râu dê” chẳng thấy quay lại. Nghĩa đã cùng đòng đội đi đánh đồn, diệt nhiều thằng Tây nhưng vẫn chưa tìm được tin tức Tình.

        Chín năm đánh Pháp anh Nghĩa cụt đã góp phần mình theo đơn vị đánh đuổi giặc. Anh lặn lội hết rừng chiến khu Đ, đến men theo các dòng sông Lá Buông, sông La Ngà, sông Ray, sông Đồng Nai, núi Chứa Chan, núi Đầu Tây mà chẳng thấy hình bóng vợ nơi đâu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2020, 08:00:16 am »


        Pháp thua Pháp cút. Cụ Thượng Ngô Đình Diệm1 lại rước Mỹ vào. Cụ cho tay sai đi lùng diệt các đảng viên Cộng sản. Nghĩa cụt là trinh sát mật, đảng viên chưa lộ mặt nên sống sót, anh cùng các đồng chí cơ sở của thị xã Long Khánh nhen nhóm lại phong trào. Lúc ở cơ sở trong đồng bào dân tộc làng Cấp Rang, sau núi Đầu Tây, lúc đào hang nấp dưới suối Chồn, suối Sóc, lúc chạy tuốt đến núi và suối Con Rắn ở tận Cẩm Mỹ. Những đảng viên sống sót sau những ngày máy chém của luật 10-59 "chê” mới quay trở lại nằm trong dân như Sáu An ninh, ông Năm Thị, ông Hoàng, Ba Quảng, lập ra chi bộ Đảng, móc nối cơ sở, phát triển đảng viên.

        Đến cái năm Diệm bất lực tung hết các ngón nghề bán nước, hại dân, nhưng dân vẫn nổi dậy khắp nơi diệt ác ôn, phá ấp chiến lược, bung ra theo Đảng, theo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam làm cách mạng. Phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm càng dâng cao thì nội bộ chính quyền tay sai càng tranh giành chỗ đứng chỗ ngồi, càng ra sức bóc lột, vơ vét dân, đục khoét tiền của viện trợ Mỹ. Bộ đội giải phóng, dân quân tự vệ đánh mạnh. Đường Hồ Chí Minh trên Trường Sơn, trên biển Đông dồn dập đưa người, vũ khí lương thực chi viện cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ ngụy. Thấy thế thua đã rõ ràng, Mỹ buộc lòng một mặt phải dùng tay sai giết chết anh em Diệm - Nhu, đưa những tên tay sai đắc lực khác lên thay Diệm nhằm xoay ngược thế cờ. Một mặt Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào chiến trường. Không chỉ riêng quân Mỹ mà còn huy động quân của các nước chư hầu như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Thái Lan vào cùng Mỹ xâu xé miền Nam nước ta. Mỹ đã bỏ hàng tỉ đô la, đưa hàng ngàn máy bay, xe tăng, đại bác và đủ mọi phương tiện chiến tranh mới nhất, hiện đại nhất vào miền Nam, đồng thời tăng cường đôn quân bắt lính đưa quân ngụy lên ngót cả triệu tên.

        Vào tuổi ngũ tuần, ngót ba mươi năm tìm kiếm, tin tức của Tình vẫn biệt tăm. Nghĩa đành ở lại với dân huyện Cao Su, với dân Long Khánh, ông sống dựa vào dân. Một mình, một bóng nhưng không lẻ loi. Tập thể dân quân, du kích thị xã Long Khánh đã xem ông như cha chú, ông trở thành chỗ dựa cho cán bộ, dân quân; hết lòng hết sức cùng bà con đấu tranh chống Mỹ ngụy.

        Những trận đánh nổi tiếng của quân dân hai bên sông Đồng Nai như pháo kích vào sân bay Biên Hòa, diệt hàng trăm máy bay, xe cộ, kho tàng, giết chết và bắt sống hàng trăm giặc tháng 10 năm 1964. Tiếp đó, cuối tháng 12 năm 1964 và đầu tháng 1 năm 1965, ta đã tiêu diệt và bắt sống ngót ngàn giặc ở chiến dịch Bình Giã, khiến đại sứ Mỹ Taylo và Tổng thống Giônxơn điên đầu, run sợ đến mất ăn mất ngủ.

        Tin chiến thắng khắp chiến trường miền Nam và ngay trong tỉnh Bà Biên2 dồn dập đưa về làm cho không khí kháng chiến sôi nổi hẳn lên. Thị xã bé nhỏ Long Khánh cũng nổi dậy, đánh diệt nhiều giặc. Nhân dân vui mừng phấn khởi. Nghĩa cụt cảm thấy như mình đã được trả thù. Nếu đã chết thì linh hồn Tình - người vợ yêu quý khốn khổ của ông cũng được an ủi, được siêu thoát.

        Đêm đêm ông lại ra ngủ rẫy, canh nương với tụi trẻ. Ông kể cho chúng nghe cuộc đời đau khổ của ông. Lương hỏi:

        - Bao giờ thì bác Nghĩa bỏ các cháu để vè Quảng Trị?

        Nghĩa nói:

        - Bác chưa tìm được bà Tình. Nếu bà ấy không còn, thì bao giờ tìm được xương cốt của bà ấy, bác mới gói ghém để mang bà ấy cùng về.

        Ngụy chưa chết hết, Mỹ còn vào, nhân dân ta còn khổ, còn bị giết hại, đọa đày. Bao giờ đuổi hết giặc, đất nước được độc lập, thì đời bác, đời các cháu mới hết khổ.

        Thảnh là cậu thiếu niên đã bước vào tuổi thanh niên. Cả bọn bạn bè với nhau: Nguyễn Trung Lương, Nguyễn Thảnh, Ngọc, Xuân đang sống chui nhủi trong rẫy để trốn quân dịch, trốn bắt lính, muốn kéo nhau lên núi Chứa Chan theo du kích, theo cách mạng về đánh đồn Long Khánh, diệt bọn pháo binh đồn Lê Văn Duyệt, Hoàng Diệu suốt ngày đêm bắn pháo giết đồng bào, giết bà con ruột thịt của mình. Thảnh hỏi bác Nghĩa thời bác trốn lên núi Chứa Chan đi tìm cô Tình, đi hoạt động, bác đã sống trên núi thế nào. Nghe nói ngọn núi đó linh thiêng lắm. Vì sao người ta, tổ tiên cha ông mình lại đặt cho ngọn núi cái tên thơ mộng đến thế? Chứa Chan tình yêu thương hay chứa đầy nước mắt và chan đầy máu của người dân phu các đồn điền cao su, của người dân Long Khánh - Xuân Lộc ta?...

        - Chuyện núi, chuyện sông trên đất này còn dài lắm. -  Hai Nghĩa gật gù tiếp - Để rồi sau này, bác sẽ kể từ từ dần dần cho các cháu nghe...

----------------------
        1. Ngô Đình Diệm đã từng làm thượng thư triều đình Huế.

        2. Lúc này Bà Rịa và Biên Hòa gộp lại thành tỉnh Bà Biên.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2020, 01:57:02 pm »

   
TRUYỀN THUYẾT VỀ NGỌN NÚI LẠ

        Đi theo quốc lộ 1, lộ 20, lộ 15,theo thuyền xuôi ngược dòng sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Ray, sông Lá Buông... dù đi đằng nào cũng thấy núi Chứa Chan xoay quanh quanh theo mình. Hàng triệu năm, ngàn năm, trăm năm và mấy chục đời người, hết lớp này đến lớp khác từ khi sinh ra cho đến lớn lên, vẫn thấy Chứa Chan nằm giữa đồng bằng. Vì sao ngọn núi lạ này lại có tên lạ lùng ấy?

        Cái hồi đi tìm cô Tình, Nghĩa đã trèo lên, trụt xuống lang thang mấy ngày liền trên núi Chứa Chan. Trông xa thì nhỏ nhưng hùng tráng. Khi trèo lên mới nhìn thấy sự cao, rộng của ngọn núi. Nói là ngọn nhưng nó không nhọn mà chỉ nhô lên rồi thoai thoải trải dài như một chàng khổng lồ nằm sấp giữa vùng đồng ruộng làng mạc mênh mông. Có người ví Chứa Chan trông như mái nhà của miền Đông Nam Bộ.

        Khi Nghĩa hỏi tên núi, những chàng trai cô gái trẻ trả lời có vẻ hơi tếu và bịa đặt rằng: có một đôi trai trẻ rủ nhau lên cuốc đất ven chân núi trồng ngô. Khi ngô có bắp, có hạt, lũ khỉ trên núi xuống hái trộm. Chàng trai làm cái chòi. Hai người ra nằm chòi giữ ngô, rồi ân ái suốt chiều, đêm quên về, nằm lại chòi ái ân tiếp. Khi hai người đã "yêu” nhau nhiều lần, anh chàng hỏi cô gái đã thỏa mãn chưa để đem nhau cùng về. "Em mệt chưa? Chán chưa để ta về?" Cô gái trả lời: "Chưa chán”. Anh chàng quay trở lại, họ lại ôm chầm lấy nhau: "Chưa chán thì chan chứa này, chan chứa thì chứa chan này, chứa chan mà chưa chán. Nếu chưa chán thì chứa chan nữa này." Thế là từ đó ngọn núi mang tên núi "Chứa Chan"...

        Nghĩa không tin vào cái giai thoại tếu táo đầy chất tiếu lâm ấy. Anh đi tìm hỏi mãi mới gặp cụ Xơla người Châu Ro. Cụ già không biết tuổi mình bao nhiêu. Da cụ đen nhẻm xù xì nổi mốc meo như rêu bám đất. Cụ nói: "Mình ở mãi trên núi nên gì cũng biết. Đem hột mè rắc lên da mình cũng mọc được cây. Tên núi này là tên hai vợ chồng ông cố tổ cao tằng người Ro mình, ông Điếu Xứa lấy bà Điểu Xan. Hai người thương nhau từ khi ngọn núi trọc lóc, chưa có cây mọc. Chỉ có lô xô đá tảng xếp bên nhau và nhiều hang hốc cho bọn chuột đá, dê núi và chó sói ẩn náu.

        Nhà Xứa không có bốn trâu, không đủ bộ cồng chiêng dẫn cưới, bị già làng ngăn cấm, bộ tộc chê bai, lại có kẻ cũng yêu Xan nhưng không được Xan đáp lại, liền bày trò xúc xiểm, chia rẽ hai người.

        Đau đớn vì bị ngăn cách, chia rẽ, Xứa, Xan đã định ăn lá độc cùng chết bên nhau. Nhưng rồi họ thay đổi ý nghĩ đen tối đó. Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, trời đen hơn than củi. Như hai bóng ma, họ dắt nhau lên núi đá - lúc núi còn chưa có tên. Họ tìm một hốc núi, cởi hết khố, váy ướt mưa vắt bên bờ hang hong gió cho mau khô. Họ dùng da thịt mình ôm nhau xoắn xuýt, sưởi ấm cho nhau. Và họ sung sướng tột cùng, hạnh phúc dâng hiến trao thân gửi phận cho nhau. Đêm "động hang” khoái cảm và thỏa mãn, họ đang ôm nhau nằm say sưa ngủ. Thì từ dưới chân núi, tiếng chiêng cồng, tiếng tù và cùng tiếng bộ tộc Ro la hét: "Phải bắt đôi trai gái dâm loạn phá lệ họ tộc, mang về phạt vạ, trói trần truồng vào cột nêu, dân làng sẽ ném đá, phóng lao cho tan thịt, nát thây, lấy máu cúng Trời.”

        Xứa giật mình thức dậy lắng nghe. Biết cái chết đã đến gần, trợn trừng đôi mắt suy nghĩ cách đối phó. Xan cũng tỉnh dậy vớ cái váy quàng vào hai chân, tự tay đóng chiếc khố cho người yêu, hổn hển nói: "Xứa ơi! Em làm sao kịp đi lấy lá độc cho mình ăn cùng chết. Em sẽ cắn lưỡi nhất định không cho họ bắt đâu. Anh cũng đâm cây mác vào bụng mà chết theo em nhé.”

        Xứa vùng đứng lên, hua cao lưỡi mác mà nói: "Hỡi Thần Sông, Thần Núi. Chúng tôi yêu nhau đâu có tội gì với Trời, với Sông, với Núi. Người tộc Ro vây giết, tôi có quyền đánh trả, giết chết họ để che chở cho Xan của tôi không? Tôi có quyền đâm chết Xan để thoát tay họ rồi tự đâm vào tim để chết theo Xan không?"

        Xan quỳ xuống, đưa hai tay lên kêu cứu Trời. Nước mắt nàng xối xả đổ xuống núi như một thác nước. Thác nước ãm ầm cuốn trôi những người đến gần Xứa. Khi thác nước ngừng đổ, nước đọng lại thành một vũng lớn rồi thành một cái bàu. (Về sau, hàng ngàn năm sau người đời gọi là Bàu Đắng - bàu nước mắt cay đắng của cặp tình nhân bất hạnh).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2020, 01:57:49 pm »


        Nhưng đoàn người ác không chết, lại kéo theo bọn ghen tị xông lên để giết tình địch, cướp đoạt nàng Xan.

        Cuộc hỗn chiến không phân thắng bại kéo dài cho đến lúc bỗng dưng trời sa sầm tối mịt. Xứa vung mác đâm chém giết chết được một số kẻ tình thù, nhưng bọn họ đông quá, nhiều quá đã xông đến dùng những ngọn lao quật Xứa ngã xuống. Xứa đưa ngọn mác lên phía quả tim đang giận hờn, đau khổ, thương yêu. Chỉ cần cánh tay ấn lưỡi mác vào tim, nhưng bỗng nhiên như có một bàn tay vô hình nào đó giật mạnh lưỡi mác bay khỏi tay Xứa. Nhìn lại, Xan và lưỡi mác biến đâu mất. Xứa gầm lên một tiếng làm rung chuyển cả núi. Những tảng đá nằm yên bao đời đã giật mình lăn xuống núi xô đẩy bọn người ác. Xứa rùng mình, nhìn lại thì người chàng đã mọc đầy lông xám (Tiếng K’ho, S'Tieng, Châu Ro, Châu Mạ, Nùng, Tày, Thái... gọi hổ là Xứa, Xan là màu xám). Xứa đã biến thành hổ xám, nhưng con hổ này là hổ Thần, có đến bốn chân trước, bốn chân sau. Bốn mắt, hai đuôi dài nhưng chỉ có một thân mình, một đầu, một miệng đầy nanh nhọn và dài. Dài hơn nanh lợn lòi và nhọn hơn răng cá sấu. Hổ Xứa Xan gầm lên rung trời chuyển đất. Bọn người ác, người xúc xiểm ghen tị xô nhau chạy xuống núi. Đứa thì bị đá lăn đè chết, đứa thì ngã vỡ đầu, gãy chân. Có đứa rơi ùm xuống bàu Đắng, bị nước nhận chìm.

        Hổ xám trở lên đỉnh núi, ngồi chống chân nhìn bầu trời trở lại sáng dưới ánh trăng vằng vặc. Trời đầy sao. Hổ "bép, bép" kêu rền như tiếng đau đớn đầy thương yêu gọi tình, ròi biến mất. Từ đó người Ro lấy tên đôi tình nhân Xứa và Xan để gọi ngọn núi. Suốt nhiêu đời sau, người Kinh đến sống dưới chân núi. Họ cũng gọi tên núi là Xứa Xan, nhưng người Kinh không quen nói như người Ro, họ gọi theo tiếng Kinh là Chứa Chan, gọi mãi mà thành tên núi đến tận ngày nay...

        Bọn trẻ ngồi há hốc mồm nghe bác Nghĩa cụt kể sự tích về ngọn núi mà lòng rưng rưng thương hai người yêu nhau bất hạnh. Bác Nghĩa nói:

        - Các cháu đến phía Hàng Gòn, đứng trên những ngôi mộ đá thời tiền sử nhìn về đỉnh núi Chứa Chan sẽ thấy một tảng đá trắng xám nằm như hổ phục. Thời kháng chiến trên núi Chứa Chan có đôi hổ xám thật, một đực một cái, ngày ngày dắt nhau đi bắt chó sói, sơn dương ăn thịt. Đôi hổ này tính nết thói quen rất lạ, nó chỉ rình bắt Tây và bọn Việt gian. Chưa có anh cán bộ Việt Minh, Vệ quốc đoàn hoặc dân quân du kích nào bị vợ chồng hổ xám ăn thịt. Anh Năm Thị, bí thư đảng ủy thị xã Long Khánh có lần đã gặp đôi hổ ấy, nó nhìn chằm chằm vào mắt anh rồi vẫy đuôi bỏ đi. Về nhà, Năm sợ đến xanh mặt, vừa run vừa nói: "Đôi hổ này là hổ Việt Minh, có lập trường rõ ràng, chỉ ăn thịt bọn xâm lược và bọn bán nước mà không bao giờ ăn thịt cán bộ Việt Minh"...

        Chờ bọn trẻ kết thúc tranh luận về đôi hổ có "lập trường cách mạng”, bác Nghĩa kết luận:

        - Đó là một trong hàng trăm truyền thuyết về ngọn núi lạ - núi Chứa Chan. Nhưng còn núi Đầu Tây thì chẳng phải truyền thuyết gì, mà là chuyện có thật, sử sách chống Pháp có ghi lại rõ ràng.

        Trời về khuya càng lạnh. Những bụi chuối đẫm mưa giọt nước vào nhau lộp bộp. Thảnh khều cho ngọn lửa bùng lên, cậu chất thêm củi khô vào bếp, ném mấy củ khoai lang vùi dưới tro bếp, dành ăn trước khi đi ngủ. Lương, Xuân, Ngọc bò lại gần bác Nghĩa, thúc: “Kể tiếp chuyện núi Đầu Tây đi bác!”

        Bác Nghĩa khum khum hai bàn tay đưa mắt nhìn ra ngoài trời. Từ phía Biên Hòa theo trục đường số 1 có những quả pháo hiệu xanh bắn lên, địch báo nhau "Bình yên”. Nhưng phía Đá Chồng, Định Quán - dọc lộ 20 đi Đà Lạt, pháo hiệu đỏ bắn lên kèm theo những tiếng nổ. Chắc mấy ông XêKaĐê1 về quậy bọn Mỹ ở Định Quán. Bác Nghĩa thờ dài báo tin:

        - Cô Út Lành cho biết, pháo binh ngụy ờ đồn Lê Văn Duyệt tăng cường thêm hai khẩu 105 ly. Có cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy bắn ra căn cứ ta.

        - Kệ nó bác ơi! - Lương xua xua tay - Cứ kệ cho nó chở đại bác, kéo xe tăng đến thêm. Mai mốt bốn đứa cháu vào

        đội biệt động, sẽ mang B40 và thủ pháo tới "nhậu” bọn đó. Chừ bác cứ kể chuyện núi Đầu Tây, Xác Tây gì cũng được. Các cháu chờ nghe đây. Không đứa nào buồn ngủ đâu...

        - Ừ thì kể. - Bác Nghĩa cười. Nụ cười hiếm hoi soi hàm răng trắng qua ánh lửa lấp lánh...

-----------------------
        1. C.K.Đ - chữ cái gọi tắt Chiến khu Đ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2020, 01:58:49 pm »


*

*      *

        ... Năm 1919, cách nay lâu lắm rồi ở làng Cấp Rang của người Châu Ro, cạnh đồn điền An Lộc xảy ra cái chết thương tâm của đôi trai gái Điểu Chênh và Điểu Mơ.

        Chủ đồn điền cao su tên là Đờ Lăngxoa vô cùng gian ác và bạo dâm. Hắn thường gọi các cô gái tuổi vị thành niên trong làng Cấp Rang lên đồn phục vụ tình dục. Hết gái trinh, hắn xuống làng bắt những người vợ đẹp của trai làng, đè ra hãm hiếp ngay trước mặt chồng. Ai chống cự hắn rút súng lục ra bắn. Mỗi lần hiếp vợ người, hắn sai tay chân giữ chặt người chồng, bắt nhìn cảnh Đờ Lăngxoa hiếp vợ. Hắn có thói quen man rợ là vừa đánh người đàn bà, vừa hãm hiếp. Tội ác của chủ sở cao su được bọn lính Pháp và ngụy bao che. Chưa có ai trả thù được hắn.

        Cậu Chênh và cô Mơ yêu nhau thắm thiết. Đờ Lăngxoa biết cô Mơ đã trốn tránh nhiều lần không để cho hắn bắt lên đồn qua đêm với hắn. Đến ngày Chênh và Mơ sắp làm đám cưới, thì trước đêm tân hôn, hắn cho tay chân xuống vây bắt Mơ lên đồn hiếp Mơ cho đến chết. Sáng hôm sau, đúng ngày cưới, ông đôn cho tay sai mang xác Mơ về trả cho Chênh và dân làng. Chênh đau đớn đến phát điên, vác giáo chạy lên đồn giết thằng Đờ Lăngxoa, nhưng chưa vào đến cửa phòng, nơi quan đồn hiếp chết Mơ, thì Chênh đã bị chủ sở bắn gục.

        Biết tin hai trẻ chết thảm do bàn tay của con dã thú Đơ Lăngxoa, Điểu Xích, già làng đã kêu gọi cả làng Châu Ro cầm gậy gộc giáo mác, kéo lên vây đồn. Bọn lính Pháp và Việt gian chưa kịp trở tay bảo vệ chủ sở, thì Điểu Xích đã kéo thằng Đơ Lăngxoa ra trước sân đồn, chặt đứt lìa đầu chủ Tây khỏi cổ. Chặt cây tre lấy một khúc vạt nhọn cắm vào đầu Tây rồi kéo nhau lên ngọn núi sau làng Cấp Rang, cắm đầu thằng Đơ Lăngxoa lên đỉnh núi. Từ đó bọn chủ các sở khác tuy khiếp sợ, không dám càn quấy đàn áp đông bào dân tộc và cu li cao su như trước, nhưng bọn tư bản chủ đồn điền đã bỏ nhiều tiền bạc ra thuê bọn lính Pháp trả thù, bắt giết Điểu Xích và nhiều người Châu Ro, Châu Mạ, S'Tieng, K’Ho, tàn phá cả làng Cấp Rang, cả xã Lương Tài.

        Từ đó, ngọn núi cạnh làng đồng bào dân tộc Châu Ro được gọi tên là núi Đầu Tây...

        Bác Nghĩa cụt chấm dứt chuyện xưa và truyền thuyết về sông núi từ lâu. Bác đã nằm nghiêng xuống sàn lều, ngáy vang. Trong lúc Lương, Thảnh và Xuân, Ngọc đang chuyện trò, thương xót cho mối tình dang dở, đau khổ của Chênh và Mơ thì con chó Ba Đeo (chân trước và hai chân sau chó mọc ra những cái móng cong như vuốt cọp, gọi là cái đeo) khôn ngoan của Nghĩa cụt nằm canh chừng trước bờ rào nương ngô, vội chạy vào khịt mũi, rên rỉ khe khẽ tìm chủ. Nghe tiếng Ba Đeo khụt khịt, rên i ỉ, le lưỡi liếm mặt chủ, Hai Nghĩa vùng dậy ngay, tỉnh táo bảo bọn trẻ sơ tán về hầm bí mật. Ba Đeo sủa vang, tức là có hổ đến rình, hoặc lũ khỉ sà xuống nương bẻ bắp. Nó mà lặng lẽ rên khẽ là có người mon men vào rẫy. Nghĩa cụt bảo lũ trẻ sơ tán, rồi tay cầm mác, gọi chó theo lẻn ra sau lều, lủi vào nương ngô. Hai bóng người mặc áo quần bà ba đen như bọn "Thanh niên hiệp sĩ" xuất hiện. Đó là anh Sáu An ninh và chị út Lành trong Ban chi ủy của thị xã Long Khánh. Chị út chỉ tay vào bếp lửa:

        - Anh Sáu coi: Lửa còn cháy, là có người canh rẫy.

        Sáu Tuệ nói:

        - Vậy họ đi đâu? Có lẽ họ tưởng mình là cảnh sát đi bắt lính hay tình báo, ác ôn đi lùng sục nên họ biến mất rồi.

        Sáu vừa dứt lời thì con Ba Đeo chạy vào chòi vẫy đuôi mừng rối rít. Biết Ba Đeo mà loanh quanh nương ngô thì anh Nghĩa cụt ẩn nấp đâu đây rồi, Sáu gọi khẽ:

        - Anh Hai Nghĩa vào đây có việc. Bọn tôi đây mà.

        Nhận đúng tiếng út Lành và Sáu an ninh, Lương, Thảnh rồi Xuân, Ngọc từ chỗ ẩn nấp chạy ra xúm xít bên Sáu và út.

        Hai Nghĩa trong nương ngô chui ra, mừng rỡ chạy đến nắm chặt tay hai đồng chí cùng sinh hoạt trong chi bộ với mình.

        Sáu ngồi xuống bên bếp lửa, xòe hai bàn tay lạnh cóng sưởi ấm trong khi út Lành móc trong túi dết lôi ra gói kẹo chanh chia cho bọn trẻ, giọng út xởi lởi: "Chà! Mới đó mà chừ lớn tướng cả rồi. Liệu liệu mà vào đội biệt động đi đánh giặc. Mỹ đã tràn vào đóng quân trong Long Khánh, Xuân Lộc ta rồi đó nghen!”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2020, 06:45:24 am »


        Lương vừa nhai kẹo, vừa nói:

        - Thì chú Sáu và cô út cho tụi cháu thoát ly đi vũ trang...

        - Tụi cháu chỉ xin trái, lẻn vào sào huyệt Mỹ, cho nổ đùng đùng mấy trái "cắn kíp, hẹn giờ” là tiêu đời Mỹ ngụy.

        - Đánh Mỹ không dễ đâu, các cháu. - Sáu nói - Bây giờ quê ta đã đầy lính Mỹ. Trong nội ô Long Khánh, cảnh sát Mỹ đã đóng thêm các chốt mới hỗ trợ cho quân ngụy. Mỹ đang mở rộng trận địa pháo binh Lê Văn Duyệt để đưa loại đại bác "vua chiến trường” vào, nhằm bắn lên đến chiến khu Đ, Mã Đà, B'lao... Chúng kéo trung đoàn 11 tăng, thiết giáp đến lập căn cứ tại Suối Râm, Bộ chỉ huy khu 33 chiến thuật cũng ở đây. Chúng đang hối hả xây dựng sân bay quân sự cạnh thị xã Long Khánh và đóng hàng chục đồn, bốt dọc theo lộ 1 và lộ 20. Mấy hôm nay Khu ủy miền Đông và Tỉnh ủy chủ trương ráo riết chống càn...

        Bác Nghĩa sốt ruột, ngắt lời Sáu:

        - Còn ở ta? Thị xã chống trả thế nào?

        - Ban cán sự Đảng Long Khánh ta cũng đã chỉ đạo cụ thể kế hoạch phòng tránh và chống trả giặc. Bởi vì bọn Mỹ đã tập trung càn quét, lùng sục đúng vào các cơ sở, căn cứ của ta.

        Sáu nhìn vào cánh trẻ ngồi quanh bếp lửa, và nói tiếp:

        - Các em đều là đoàn viên thanh niên giải phóng. Các em nên nghe tình hình và truyền miệng cho bạn bè trong thị xã biết thằng địch mới đổ quân vào tỉnh ta. Ở Xuân Lộc, Long Khánh ta, chúng đang hung hăng tàn ác như thế nào...

        Nhìn qua chị út Lành, như tranh thủ sự đồng tình của chị Út, giọng Sáu giận dữ:

        - Vừa đổ quân vào Xuân Lộc, Lữ đoàn 173 lính dù Mỹ, có hàng trăm xe tăng thiết giáp của Trung đoàn 11 mở ngay chiến dịch "5 mũi tên”, được bọn ngụy Sư đoàn 18 dẫn đường, Mỹ tung quân đánh chiếm các vùng giải phóng của ta ở Bảo Bình, Gia Ray, Suối Cát, Bình Lộc, Bảo Vinh... Tâm tư của một số cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng có băn khoăn. Nhiều ông già bà má cơ sở lo lắng nói với tôi, với anh Năm Thị và chị út Lành rằng: "Tụi tao thấy máy bay Mỹ bay đặc trời như chuồn chuồn, xe tăng nó bò lúc nhúc như cua... Tụi bây thì loe ngoe với mấy cây trường bá đỏ, làm sao mà cự được chúng hở trời!”

        Hiện nay phong trào cách mạng thị xã Long Khánh ta đang gặp khó khăn. Cả huyện Xuân Lộc cũng vậy. Mỹ vào hùng hùng hổ hổ, bọn tề, điệp, ác ôn, ngụy quyền đang ngóc đầu dậy.

        Từ cuối 1964 đầu 1965, Bác Hồ cử ông Sáu Di1 vào chỉ huy, cùng Bộ chỉ huy Quân Giải phóng Miền đánh Mỹ dữ dằn lắm. Quân ta đã pháo kích sân bay Biên Hòa. Rồi tiếp đến thắng trận Bình Giã, giết chết và bắt sống ngót ngàn tên giặc. Bọn ngụy quân ngụy quyền khiếp vía. Bọn tề điệp, tình báo, cảnh sát chìm, nổi nằm im. Có đứa ra đầu thú. Nhiều đứa trốn về quê sinh sống. Bây giờ tình thế đổi khác. Chúng không còn lê máy chém đi truy sát đảng viên, cán bộ, không mổ bụng, moi gan ta trước mặt đồng bào, không xẻo tai cán bộ chiến sĩ và quần chúng cơ sở của ta để xâu từng chuỗi, phơi khô như nấm mèo rồi đeo vào cổ hù dọa nhân dân. Nhưng chúng tung gián điệp ngầm cùng bọn chỉ điểm, tình báo C1A, Phượng Hoàng chui vào nội bộ ta hoạt động chia rẽ, đầu độc phá hoại. Tung vàng bạc, đô la, gái đẹp mê hoặc và lôi kéo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ta bỏ hàng ngũ, bỏ nhân dân để theo chúng. Chỉ mới mấy ngày Mỹ vào mà đã xảy ra mấy vụ ám sát, đầu độc. Những cái chết bí hiểm không ai biết vì lý do gì đã xảy ra...

        Nghe đến đó, nhóm thanh niên sốt ruột cùng kêu lên:

        - Chú Sáu, cô Út cho bọn cháu vào đội biệt động. Chúng cháu sẽ tìm diệt bọn tề điệp.

        - Được rồi! Được rồi. - Sáu an ninh xua tay - Việc đầu tiên là phải cảnh giác, đừng cụm lại, thám báo nó phát hiện được là chết chùm. Tổ chức đang cần người. Trước mắt cần các cháu hoạt động bí mật, chủ yếu là bảo vệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy...

        Cô Út Lành nói thêm:

        - Các cháu là con các gia đình cơ sở cách mạng. Các chú, các cô rất tin tưởng các cháu. Nhưng đánh giặc không chỉ liều mạng, dũng cảm mà cần phải ra căn cứ học tập, dự các lớp chính trị, quân sự rồi mới biết chiến thuật kỹ thuật mà chiến đấu.

        - Tình hình rất khẩn trương, - Sáu nói tiếp - chúng tôi còn phải đến khu B2, khu B3 kịp trước lúc trời sáng. Anh Hai Nghĩa về họp chi bộ khu Bl2 sẽ được phổ biến nghị quyết mới của Đảng.

----------------------
        1. Bí danh của Đại tướng Nguyễn chí Thanh.

        2. Khu vực B1 (Bàu Trâm) có Hai Mão, Hai Hát, Lương Hoàng, B2 (Suối Cải, Suối Chồn) có Hai Nết, Út Hùng, B3 (Suối Rết) có Lê Bửu, Ba Chừng, Sáu Lưu - Đội Biệt động thị xã bám Suối Rết.

Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM