Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:07:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 2  (Đọc 8694 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 05:29:55 pm »

Anh hùng Nguyễn Chí Phi


Nguyễn Chí Phi (tức Nguyễn Chí Ngọc) sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nhập ngũ tháng 2 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chính trị viên tiểu đoàn đặc công tỉnh Quảng Trị, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh trưởng ở một địa phương có truyền thống cách mạng bất khuất, kiên cường, được cách mạng giáo dục, Nguyễn Chí Phi nhận rõ kẻ thù của dân tộc là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước.


Trước cảnh Mỹ - ngụy giết hại đồng bào, tàn phá quê hương, đồng chí xung phong tòng quân chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, vì vậy, từ khi nhập ngũ, Nguyễn Chí Phi luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công, chiến đấu dũng cảm, táo bạo, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, luôn luôn có mặt ở những mũi nhọn chủ yếu, dẫn đầu đơn vị đánh mạnh, thọc sâu diệt địch. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh hàng trăm trận trên đất Quảng Trị, trận nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn vị do Nguyễn Chí Phi chỉ huy đã diệt hơn 4.000 tên địch, diệt gọn 2 chi đoàn cơ giới Mỹ, hàng chục đại đội địch, phá hủy hàng trăm xe quân sự, nhiều kho vũ khí, xăng dầu, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn.


Trận tiến công một vị trí địch ở Triệu Phong (Quảng Trị) cuối năm 1967, đồng chí trực tiếp chỉ huy mũi chủ yếu, đánh mãnh liệt, tiến sâu vào trong căn cứ địch. Địch điên cuồng chống cự, có hỏa lực mạnh yểm hộ, hòng đánh bật mũi thọc sâu của ta. Quá trình chiến đấu tuy 2 lần bị thương, Nguyễn Chí Phi vẫn không rời vị trí, tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh liên tục, đánh áp đảo địch cho đến khi diệt hoàn toàn sở chỉ huy của chúng, kết thúc trận đánh thắng lợi.


Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Nguyễn Chí Phi xây dựng đơn vị có quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, đánh 19 trận vào các mục tiêu quan trọng ở trong và ở vùng ven thị xã Quảng Trị, diệt gần 1.500 tên địch (có hơn 1.300 Mỹ), phá hủy gần 100 xe quân sự, hơn 20 kho vũ khí, xăng dầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mặt trận giao cho. Nguyễn Chí Phi là một cán bộ gương mẫu, luôn luôn chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh mọi mặt, bản thân có tác phong sâu sát, đoàn kết, khiêm tốn, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật chiến trường, được cấp trên tin cậy, đồng đội yêu mến.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Nguyễn Chí Phi được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 05:30:26 pm »

Anh hùng Hồ Văn Biển


Hồ Văn Biển (tức Nguyễn Cậy), sinh năm 1903, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia dân quân từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chiến sĩ dân quân xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Là một nông dân nghèo ở một địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, tuy tuổi cao, Hồ Văn Biển vẫn nêu cao tinh thần chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hăng hái tham gia kháng chiến, đồng chí đã trực tiếp đánh địch bằng vũ khí thô sơ tự tạo, diệt 67 tên Mỹ, phá hủy 2 xe bọc thép của địch. Đặc biệt, đồng chí còn tích cực tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, vận động mọi người cùng tham gia phong trào đấu tranh chung.


Từ cuối năm 1965, Hồ Văn Biển hăng hái tuyên truyền, giáo dục bà con nêu cao lòng căm thù giặc Mỹ và bè lũ tay sai, vận động mọi người phá ấp chiến lược, sẵn sàng tiêu diệt địch, phá tan âm mưu của chúng càn quét, dồn dân, cướp của, bắt thanh niên đi lính. Đồng chí gương mẫu tự tay dựng hàng trăm mét rào, đào 50 mét hào giao thông và vận động bà con cùng nhau biến xóm ấp thành trận địa kiên cường chống giặc. Không có vũ khí, đồng chí tổ chức vót chông tre làm các hầm hố chông, hoặc tìm đạn pháo không nổ, lấy thuốc về làm mìn, lựu đạn để đánh địch. Trận ngày 20 tháng 2 năm 1968, địch càn vào xã có 5 tên sập hầm chông do đồng chí gài. Trận ngày 23 tháng 3 năm 1968, đồng chí mưu trí chôn 3 quả mìn chặn đúng hướng đoàn xe cơ giới địch, phá hủy 2 xe bọc thép, diệt hàng chục tên Mỹ. Công tác vận động quần chúng và gương chiến đấu của Hồ Văn Biển đã góp phần thúc đẩy phong trào nhân dân tham gia đánh địch bằng vũ khí thô sơ.


Tuy tuổi già, sức yếu, nhưng Hồ Văn Biển vẫn nhiều lần xung phong đi dân công, phục vụ hỏa tuyến, có đợt đi 3, 4 tháng liền, mỗi chuyến mang tới 30, 40 ki-lô-gam hàng. Đối với bộ đội khi về hoạt động trong xã, đồng chí không quản khó khăn vất vả cùng anh em dân quân tận tình giúp đỡ, phục vụ, hiệp đồng đánh địch. Có thời gian đồng chí nuôi giấu 12 thương binh trong nhà, sát đồn bốt địch mà vẫn bảo đảm chu đáo, an toàn.


Trong phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, Hồ Văn Biển hăng hái vận động, tuyên truyền và 16 lần dẫn đầu quần chúng trực diện đấu tranh với địch ở thị xã Hội An. Đồng chí còn chú trọng làm công tác binh vận, tham gia rải trên 4.000 truyền đơn và vận động được một số binh lính địch bỏ ngũ trở về với cách mạng.


Gương mẫu bền bỉ trong mọi công tác kháng chiến, Hồ Văn Biển được nhân dân, cán bộ, bộ đội trong vùng thương vêu, quý trọng. Trong Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1968, đồng chí được tuyên dương là “Lá cờ đầu trong hàng ngũ dân quân già của tỉnh”.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Hồ Văn Biển được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 05:31:03 pm »

Anh hùng Lê Văn Cao


Lê Văn Cao, sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vào bộ đội tháng 12 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2, sư đoàn 3, Quân khu 5, đảng viên Đàng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân gia đình rất nghèo, cha mất sớm, anh em đều đi ở từ nhỏ, khi mới 6 tuổi, Lê Văn Cao phải đi ăn xin để nuôi mẹ ốm. Vào Sài Gòn bán kem đến khi 15 tuổi, Lê Văn Cao lại trở về quê đi ở. Sống nghèo khổ trong xã hội bị đế quốc và tay sai bóc lột đàn áp dã man, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, có lòng yêu nhân dân, yêu đất nước. Năm 16 tuổi, Lê Văn Cao nhập ngũ vào bộ đội địa phương huyện Đức Phổ.


Sau một năm trực tiếp chiến đấu, tham gia 3 trận đánh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng chí được cử  đi học lớp đào tạo cán bộ sơ cấp. Tháng 4 năm 1967, Lê Văn Cao được điều về sư đoàn 3, chiến đấu trên mặt trận Quảng Ngãi, Bình Định. Từ đó cho đến hết năm 1968, đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh 8 trận (4 trận ở cương vị chỉ huy trung đội, 4 trận ở cương vị chỉ huy đại đội) đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Trong trận Trung Xuân (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) tháng 12 năm 1967, khi đánh đến hàng rào thứ nhất, bị hỏa lực địch bắn chặn dữ dội, trung đội chưa tiến được, Lê Văn Cao bình tĩnh chỉ huy hỏa lực kiềm chế, dẫn đầu đơn vị đạp rào đánh thẳng vào giữa căn cứ địch, cùng đơn vị bạn tiêu diệt toàn bộ địch ở đây. Sau đó đơn vị nhận nhiệm vụ trụ lại trong cứ điểm vừa chiếm được. Mờ sáng hôm sau, địch phản kích có xe tăng, pháo và máy bay yểm hộ. Chúng oanh tạc dữ dội vào vị trí quân ta, Lê Văn Cao bị thương ở ngực, máu ra nhiều, được anh em đưa vào hầm cùng đồng chí trung đội pho cũng bị thương. Với sự yểm trợ của 10 xe tăng, bọn địch vây đánh, ném lựu đạn vào hầm. Hai anh em động viên nhau quyết tâm chiến đấu. Ba lần địch ném lựu đạn vào hầm, hai người nhanh tay nhặt ném ra ngoài. Lần thứ tư, chưa kịp ném trà thì lựu đạn nổ, đồng chí trung đội phó hy sinh, cửa hầm sập, Lê Văn Cao bị ngất. Khi tỉnh dậy thấy đã im tiếng súng, đồng chí cố gắng moi đất bò lên và tìm về đến đơn vị.


Ngày 5 tháng 5 năm 1968, đơn vị Lê Văn Cao chặn đánh địch ở Đèo Nhông. Khi đoàn xe cơ giới được máy bay và tàu chiến yểm trợ tiến vào trận địa, đồng chí bình tĩnh chỉ huy tổ B.41 diệt 2 chiếc M.118. Nắm vững thời cơ địch đang rối loạn, đồng chí dẫn đầu đơn vị xung phong vượt, qua đồng trống, tiến đến một chiếc xe M.118. Địch dùng trọng liên trên xe đánh trả. Đồng chí tổ chức hỏa lực bắn dữ dội buộc 2 tên Mỹ điều khiển trọng liên trên xe phải thụt xuống. Lê Văn Cao tranh thủ thời cơ có lợi nhất, cùng với một chiến sĩ nhảy lên thành xe. Một đường đạn từ xa bay tới, người chiến sĩ hy sinh. Lê Văn Cao lấy ngay quả thủ pháo từ tay đồng đội, giật nụ xòe, thả vào thùng xe, rồi nhảy xuống đất. Thủ pháo nổ, xe địch bốc cháy. Lê Văn Cao lại xách súng vả 2 quả lựu đạn nhay lên đánh chiếc xe thứ hai gần đó. Hai tên Mỹ vừa chạy ra khỏi xe thì bị đồng chí diệt luôn. Chiếm được chiếc xe đó, Lê Văn Cao dùng trọng liên 12,7 mi-li-mét, rồi đại liên trên xe bắn mạnh, yểm hộ đơn vị tiến công. Tin chiếm được 2 xe bọc thép truyền khắp trận địa làm đơn vị rất phấn khởi. Anh em động viên nhau “Học tập Lê Văn Cao bắt sống xe địch”. Liền sau đó, một đồng chí khác lại chiếm được 1 chiếc xe nửa. Địch cho máy bay oanh tạc ác liệt xuống trận địa. Đồng chí đứng thẳng trên xe dùng đại liên bắn trả máy bay, chi viện đắc lực cho đơn vị truy kích, giải quyết chiến trường.


Trận này đơn vị Lê Văn Cao phá hủy và bắt sống 5 xe bọc thép, diệt 10 tên Mỹ, thu 14 súng. Riêng đồng chí dùng thủ pháo đánh cháy 1 xe và chiếm 1 xe, diệt 6 tên Mỹ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.


Trận đánh nêu lên nhiều bài học tốt về đánh xe cơ giới trong toàn sư đoàn, động viên sôi nổi phong trào diệt và bắt xe tăng địch. Qua 8 trận đánh, Lê Văn Cao đã chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, diệt gần 100 tên địch, diệt gọn 2 trung đội địch, bắn cháy và bắt 5 xe bọc thép, thu 17 súng (có 4 trọng liên và đại liên), 2 máy thông tin, 1 máy thu thanh.


Lê Văn Cao là một cán bộ có bản lĩnh chỉ huy chiến đấu vững vàng, có tác phong sâu sát, đoàn kết tốt, học tập tốt, được anh em tin yêu, mến phục.    Năm 1968, trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn sư đoàn, Lê Văn Cao được nêu gương là một trong những ngọn cờ đầu của sư đoàn 3 và được tặng Huy hiệu Bác Hồ.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Lê Văn Cao được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 05:25:49 pm »

Anh hùng A Nun


A Nun, sinh năm 1945, dân tộc Pa Cô, quê ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên-Huế, tham gia cách mạng ngày 1 tháng 7 năm 1961 nhập ngũ tháng 3 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng là trung đội trưởng vận tải gùi thồ thuộc đại đội 2 tiểu đoàn 224 trung đoàn 2, Cục hậu cần Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân từ gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng (anh hùng Vai là chú, anh hùng Lịch là chị), từ năm 11 tuổi, đã có lòng căm thù địch sâu sắc, A Nun tình nguyện làm liên lạc bảo vệ tuyến đường và nắm tình hình địch báo cho cán bộ. Năm 14 tuổi, A Nun tham gia vận chuyển hàng cho mặt trận ở tuyến đường A Lưới. Có lần trên đường vận chuyển gặp địch, đồng chí khéo cải trang giữ được bí mật tuyến đường, bảo vệ được hàng. Tháng 7 năm 1961, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng từ Quảng Trị vào Quảng Nam, đồng chí xung phong ở lại tuyến vận tải tiếp tục công tác. Trong mọi hoàn cảnh, A Nun đều an tâm công tác, tận tụy, không ngại khổ, luôn luôn suy nghĩ tăng hiệu suất công tác, phục vụ được nhiều hơn. Từ những ngày đầu chỉ mang được 20 ki-lô-gam, A Nun bền bỉ phấn đấu nâng dần lên 50 ki-lô-gam, rồi 70, 80 ki-lô-gam. Năm 1968, thường mang 90 ki-lô-gam, có lần đột xuất A Nun vác được khối lượng hàng tới 190 ki-lô-gam.


Đồng chí phát huy nhiều sáng kiến, đưa năng suất vận chuyển không những của bản thân mà còn của toàn đơn vị ngày càng lên cao. Đồng chí nghiên cứu cách làm bè qua sông, cải tiến dây mang bảo đảm chắc, bền, đỡ tốn người lại mang được nhiều. Có lần nòng pháo nặng phải 8 người khiêng gặp đường hẹp khó đi, A Nun nghĩ ra cách khiêng chỉ cần 3 đến 4 người, mang được nòng pháo qua được những quãng đường hẹp và cầu nhỏ. Trong chiến dịch Plây Me (1965) đơn vị phải chuyển dây điện thoại - một loại hàng khó mang, nên năng suất thấp. A-Nun nghĩ ra cách kẹp hàng chắc gọn, mỗi chuyến mang được 150 ki-lô-gam, đi được cả ban đêm, nên đơn vị kịp thời phục vụ yêu cầu của tiền tuyến.


Cùng với việc cải tiến mang, vác, A Nun còn vận động anh em tranh thủ thời gian sửa đường cho dễ đi, tìm các tuyến đường mới nên đỡ phải leo dốc và hàng vận chuyển đến sớm hơn từ nửa giờ đến hai giờ. Mùa mưa, nước lũ cản đường vận chuyển, đồng chí đề xuất ý kiến làm cầu treo và xung phong cùng anh em bơi qua sông làm được cầu treo đảm bảo đưa hàng nhanh chóng cho các đơn vị phía trước.


Có lần đơn vị chuyển một máy nổ nặng 173 ki-lô-gam, nếu khiêng phải dùng 4 đòn và phải để bớt các hàng khác lại. A Nun nghĩ: “Chiến trường đang rất cần hàng. Nghị quyết chi bộ là không để hàng phải nằm lại. Minh là đảng viên phải làm cho đúng”. Rồi A Nun nghiên cứu cách mang và xung phong mang máy nổ một mình để anh em khác chuyển hàng. Hôm ấy phải đi từ 4 giờ sáng, khi vượt qua khu rừng vừa bị máy bay B.52 ném bom, đồng chí lại cùng anh em chữa cầu bị phá, đến nơi giao hàng là 5 giờ chiều, giao hàng xong và trở về kho là 8 giờ tối.


Cuối năm 1967, khối lượng hàng rất nhiều, tuyến vận chuyển bị địch đánh phá dữ dội nên một số ít anh em ngại đi hoặc có đi cũng chỉ muốn mang nhẹ để đi cho nhanh, đồng chí vừa gương mẫu mang nhiều mặc dù qua những tuyến nguy hiểm, vừa nghiên cứu cải tiến cách buộc hàng sao cho vừa nhiều, gọn vừa bảo quản chu đáo.


Noi gương đồng chí, toàn đơn vị đã dấy lên một cao trào xung phong vận chuyển nhiều hàng trên các tuyến đường ác liệt, nên 7 tháng đầu năm 1968, trung đội của A Nun dẫn đầu năng suất toàn ngành vận tải bộ.


Đơn vị vận tải có nam nữ thuộc nhiều dân tộc, từ nhiều địa phương họp lại, trung đội của đồng chí luôn luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau rất thân ái. A Nun thường quan tâm đến mọi người từ chiếc dây buộc hàng đến củ mài, mớ rau rừng lúc đói, hoặc may vá quần áo rách cho chiến sĩ. Đồng chí làm tốt công tác dân vận nên các nơi đóng quân, đồng bào đều yêu mến đơn vị của A Nun.


A Nun được bầu là Chiến sĩ thi đua 4 năm liền (1965-1968), được tặng thưởng 1 Huân chuơng Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, A Nun được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 05:27:02 pm »

Anh hùng Phan Hành Sơn


Phan Hành Sơn, sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ ngày 22 tháng 2 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội trưởng đại đội 3 tiểu đoàn 2 bộ binh, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam, mặt trận Trung Trung Bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân trong một gia đình có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, ở một địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường, năm 18 tuổi Phan Hành Sơn nhập ngũ với nguyện vọng thiết tha chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Đứng trong hàng ngũ quân đội, được tập thể giáo dục, rèn luyện, Phan Hành Sơn đã chiến đấu với một tinh thần dũng cám, mưu trí, luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đặc biệt trong các trận đánh các căn cứ lớn, đánh sâu vào hang ổ bọn ác ôn ở Xuyên Phú (năm 1966), quận lỵ Vĩnh Điện, thị trấn Nam Phước (mùa thu năm 1967), đồng chí nêu cao dũng khí tiến công, có lối đánh mưu trí linh hoạt, xông xáo, đánh áp đảo, đánh mãnh liệt, tiêu diệt những mục tiêu quan trọng, góp phần đưa các trận đánh đến thắng lợi hoàn toàn.


Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Phan Hành Sơn tham dự các trận đánh vào hang ổ, sào huyệt của địch ở Trung Lương, Cồn Dầu (tháng 2 năm 1968) và Non Nước (tháng 8 năm 1968) là những căn cứ quan trọng được chúng bảo vệ chu đáo. Ở cương vị cán bộ đại đội, đồng chí chỉ huy đơn vị hành quân bí mật, đưa đơn vị luồn sâu qua các tuyến canh gác, tuần tra của địch đến vị trí sẵn sàng nổ súng một cách an toàn. Tác phong sâu sát, kiểm tra tỉ mỉ của đồng chí làm cho cán bộ và chiến sĩ luôn luôn sẵn sàng ở tư thế chủ động tiến công địch. Khi chiến đấu, Phan Hành Sơn luôn có mặt ở mũi nhọn ác liệt bình tĩnh phán đoán, nhanh chóng xử trí các tình huống và chỉ huy đơn vị chủ động đánh vào chỗ hiểm yếu của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng. Trong trận Non Nước, đánh một tiểu đoàn biệt kích ác ôn ngay tại sào huyệt của chúng, đồng chí nêu cao quyết tâm chiến đấu, cổ vũ đơn vị nắm thời cơ đánh rất mạnh, làm quân địch rối loạn ngay từ đầu, bị chia cắt từng mảng, nhanh chóng bị đại đội đồng chí tiêu diệt hoàn toàn. Trong năm tổng tiến công và nổi dậy 1968, hòa nhịp với phong trào lập công tập thể, Phan Hành Sơn góp phần với đơn vị lập công xuất sắc, riêng đồng chí diệt 212 tên địch, trong đó có 64 Mỹ.


Qua 4 năm chiến đấu, nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ và sức mạnh tổng hợp của tập thể, Phan Hành Sơn đã tự tay loại khỏi vòng chiến đấu 452 tên địch (có 143 tên Mỹ), bắn rơi 1 máy bay bằng súng bộ binh, phá hủy 1 pháo 105 mi-li-mét, 1 kho đạn, 4 xe vận tải quân sự GMC, đánh sập 8 lô cốt, 4 dãy nhà, thu 7 súng.


Được Đảng giáo dục và tập thể hết lòng bồi dưỡng, từ một chiến sĩ trưởng thành qua các cương vị tiểu đội phó (năm 1965), tiểu đội trưởng (năm 1966), trung đội trưởng (năm 1967), đại đội trưởng (năm 1968), Phan Hành Sơn là một chiến sĩ dũng cảm luôn luôn tiến công tiêu diệt địch, là một cán bộ chỉ huy có bản lĩnh vững vàng, bình tĩnh, chủ động trong mọi tình huống, tìm mọi cách vượt qua gian khổ, khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Cùng tập thể ban chỉ huy, đồng chí luôn luôn chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh mọi mặt, được cấp trên nêu gương cho đơn vị học tập. Những chiến công của đơn vị Phan Hành Sơn đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của đồng bào địa phương.


Từ năm 1965 đến năm 1967, Phan Hành Sơn liên tục được bầu là Chiến sĩ thi đua, năm 1968 được tuyên dương là ngọn cờ đầu xung kích của mặt trận Quâng Nam - Đà Nẵng.


Phan Hành Sơn đã 28 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ (1 lần Dũng sĩ diệt máy bay, 7 lần Dũng sĩ diệt Mỹ, 20 lần Dũng sĩ Quyết thắng).


Đồng chí đã được tặng thưởng 13 giấy khen, 13 bằng khen, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Phan Hành Sơn được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 05:28:04 pm »

Anh hùng Đinh Tía


Đinh Tía, sinh năm 1943, dân tộc Hrê, quê ở xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, nhập ngũ tháng 3 năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội phó đơn vị giao thông liên lạc thuộc đại đội 14 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân trong gia đình cách mạng, cha mẹ bị địch khủng bố bắt đi biệt tích từ năm 1959, bản thân còn nhỏ, đã phải đi ở cho tên ấp trường, làm lụng rất cực nhọc, Đinh Tía có mối thù sâu sắc với giặc và quyết tâm chiến đấu chống Mỹ - ngụy, giải phóng đồng bào, quê hương. Với nhiệt tình cách mạng và ý chí chiến đấu cao, đồng chí luôn luôn bền bỉ, kiên trì vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.


Năm 1959, lực lượng bộ đội huyện mới chỉ có một trung đội, vũ khí còn rất thiếu, Tía hướng dẫn anh em  làm chông, đánh lại bọn địch đi càn, buộc chúng phải rút chạy.


Năm 1960, được phân công về hoạt động ở vùng Hà Thành, Đinh Tía ngày đêm lo xây dựng cơ sở, phát triển phong trào du kích chiến tranh, chống quân địch thường xuyên đi lùng sục, giết hại đồng bào. Một lần vào ấp chiến lược hoạt động, khi trở về đồng chí bị địch phục kích, bắn cụt mất một tay.


Với ý nghĩ “còn hơi thở, còn phục vụ cách mạng” Đinh Tía xin tiếp tục ở lại hàng ngũ quân đội. Được bố trí công tác tại trại sản xuất, đồng chí chịu khổ công rèn luyện, hăng hái nhận làm cả những việc khó khăn, nặng nhọc, cày bừa ruộng, nêu gương tốt trong đơn vị.


Năm 1962, nhận công tác ở đại đội thông tin của tỉnh, đồng chí phụ trách việc giao thông liên lạc khắp 6 huyện miền núi. Đường đi rất gian khó, hiểm nguy, nhiều chỗ phải qua các “ấp chiến lược” và đồn bốt địch, hoặc phải vượt sông sâu suối lũ, nhưng Đinh Tía luôn luôn bảo đảm chuyển nhanh chóng, kịp thời các công văn, thư từ đến nơi quy định, không bao giờ để sai sót, nhầm lẫn, chậm trễ. Có lần nhỡ bị nước lũ cuốn trôi hoặc bị giặc phục kích ngang đường, đồng chí vẫn bình tĩnh, dũng cảm xử trí linh hoạt để vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Càng ngày các trục đường liên lạc càng bị địch thường xuyên đánh phá dữ dội và đổ quân ngăn chặn, nhưng nghẽn đường này Đinh Tía lại tìm đường khác, luôn luôn giữ vững đường dây liên lạc thông suốt. Một lần, giữa đường công tác gặp địch càn, đồng chí cho người trở lại đơn vị báo cáo, còn mình tìm mọi cách vượt qua để đi đến trạm; nhưng tới nơi, trạm lại đã sơ tán đi nơi khác. Mấy ngày liền toàn ăn rau rừng, đồng chí vẫn quyết tâm bám dân, nắm chắc tình hình địch, mở đường, tìm đưa mệnh lệnh đến tận nơi trước thời gian quy định. Trong nhiều lần đi công tác, khi trở về Đinh Tía còn tự nguyện làm nhiệm vụ gùi hàng, mỗi chuyến nặng tới 70, 80 ki-lô-gam.


Từ năm 1962 đến năm 1969, chỉ tính riêng công văn hỏa tốc, Đinh Tía chuyển được 3.780 bì. Trên tuyến đường công tác của mình, đồng chí tìm 150 con đường mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ giao liên trong những điều kiện rất phức tạp, khó khăn.


Đối với đồng đội Tía hết lòng chăm sóc, giúp đỡ. Có lần vừa đi công tác về thì gặp lúc đơn vị bị địch đổ quân xuống bao vây, đồng chí quên hết mệt nhọc, chạy thẳng vào doanh trại cõng một chiến sĩ bị ốm nặng vượt ra khỏi vòng vây của giặc. Đồng chí còn thường xuyên làm tốt công tác dân vận, nhiều lần tự nguyện ăn đói, mặc rách để nhường cơm sẽ áo cho đồng bào. Tấm gương sáng của đồng chí được đồng đội, đồng bào rất ca ngợi, mến phục.


Đinh Tía đã được tặng thưởng Huy hiệu của Bác Hồ, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 6 năm liền là Chiến sĩ thi đua của tỉnh.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Đinh Tía được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 05:28:52 pm »

Anh hùng A Xâu


A Xâu, sinh năm 1944, dân tộc Hrê, quê ở xã Đăc Pét, huyện Đăc Lây, tỉnh Kon Tum, nhập ngũ tháng 1 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội phó thuộc tiểu đoàn 406 đặc công bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh ra trong một gia đình nghèo là cơ sở cách mạng, A Xâu sớm được giáo dục lòng căm thù quân xâm lược, quyết tâm chiến đấu giải phóng đồng bào, quê hương. Năm 1960, vào dân quân, tuy vóc người nhỏ bé nhưng đồng chí rất hăng hái dũng cảm. Có lần diệt ác, phá kìm, ta bắt một tên ác ôn và giao cho A Xâu giải nó lên huyện. Dọc đường tên này thấy đồng chí nhỏ bé nên tháo chạy. Quyết không cho nó thoát, đồng chí đã đuổi theo và đâm chết tên ác ôn.


Kể từ khi vào bộ đội cho đến đầu năm 1968, A Xâu đã tham dự 22 trận đánh và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Một lần ở Ngọc Bành, đang dẫn tổ 3 người đi lấy gạo thì gặp địch, đồng chí cùng anh em chủ động mưu trí đánh địch, diệt 20 tên, riêng đồng chí diệt 6 tên.


Trận đánh ban ngày vào ấp Bờ Rao (năm 1965), ta đang mở rào thì bị lọ, địch bắn ra dữ dội. Nếu chần chừ, anh em sẽ bị thương vong nhiều, đồng chí nảy ra sáng kiến ném bộc phá phá tung ba lớp rào, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong diệt 89 tên địch, giải phóng nhân dân trong ấp.


Trận đánh khu Nguyễn Huệ (thị xã Kon Tum), sau khi đơn vị đã luồn qua 9 lớp rào mà vẫn chưa thấy cổng, được lệnh lên phía trước trinh sát, đồng chí vượt qua 6 lớp rào vào tận vị trí địch nắm tình hình rồi mới trở ra đưa đơn vị vào đánh. Kết quả ta diệt 120 tên quân cảnh, phá 2 xe, thu nhiều vũ khí. Trong trận này, riêng A Xâu dùng bộc phá diệt hết địch trong ba nhà ngủ xong quay ra diệt thêm 1 xe thì hết thu pháo, đồng chí dùng ngay vũ khí địch diệt thêm 2 tên nữa.


Đặc biệt trong trận đánh vào thị xã Kon Tum Tết Mậu Thân (1968), đồng chí nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình huống cực kỳ gay go ác liệt.


Trong trận này, đồng chí chỉ huy một mũi tiến công phát triển rất nhanh, chỉ trong 30 phút làm chu một góc tiểu khu Kon Tum, diệt 40 tên địch, 1 lô cốt. Sau khi phát triển sang khu cảnh sát và diệt hết địch trong ba dãy nhà thì trời sang. Địch phản kích điên cuồng, phân đội của đồng chí mất liên lạc với đại đội. Đồng chí chỉ huy anh em độc lập tác chiến tại khu cảnh sát rồi phát triển sang khu chợ.


Sáng hôm sau địch tổ chức phản kích. Lúc này mũi do A Xâu phụ trách chỉ có 4 người. Trước sức tiến công của gần một đại đội địch, đồng chí động viên anh em kiên quyết làm tròn nhiệm vụ do cấp trên giao, cả 4 người đều quyết tâm cùng nhau chiến đấu, đánh tan đợt phản kích đầu tiên của địch.    Đợt phản kích thứ hai, địch chia làm nhiều mũi bao vây rồi áp dần vào trận địa ta, dùng lựu đạn tiến công. Bây giờ cả tổ chỉ còn 3 người, A Xâu động viên anh em noi gương “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc”, nhặt lựu đạn ném trả tiêu diệt địch.


Địch củng cố lực lượng và tiến công lần thứ ba. Chúng tập trung lựu đạn rồi đồng loạt ném vào các ụ chiến đấu của ta làm 2 đồng chí hy sinh. Chỉ còn lại một mình, A Xâu nghĩ: “Chiến sĩ cách mạng còn hơi thở thi còn chiến đấu”. Địch ném lựu đạn tới tấp. Đồng chí nằm xuống, nhanh nhẹn dùng chân và tay gạt lựu đạn ra. Lựu đạn nổ cách đồng chí một vài mét, khói mù mịt bốc lên. Tưởng A Xâu đã hy sinh, địch ùa vào. Đồng chí rất bình tĩnh chờ chúng đến gần rồi bất ngờ nổ súng. Nhiều tên bị diệt, bọn còn lại tháo chạy. Lúc đó trời đã tối, địch phải rút ra khỏi khu chợ, bao vây bên ngoài. Sáng hôm sau, địch tổ chức đợt phản kích thứ tư. Còn lại một mình, đồng chí tiếp tục chiến đấu kiên cường, diệt nhiều tên địch. Khi thấy đồng chí bị thương, ngã xuống, chúng hò nhau vào bắt sống. Tên chỉ huy lao vao trước bị A Xâu nổ sung bắn chết ngay tại chỗ làm cho bọn lính hoáng hốt chạy tán loạn. Đồng chí nhặt lựu đạn và tập trung súng lại, củng cố trận địa tiếp tục chiến đấu. Sau đợt tiến công thứ 6 trời tối, địch phải rút bỏ.


Lợi dụng đêm tối, đồng chí rút ra sau khi đã dùng thủ pháo phá hủy súng của đồng đội đã hy sinh. Trên đường rút, gặp 3 tên địch đi tuần, đồng chí bắn chết 1 tên, làm bị thương 1 tên khác.


Sau 3 ngày, 2 đêm diệt địch ở tiểu khu Kon Tum, khu cảnh sát và đánh bật 6 đợt phản kích của địch tại khu chợ, mũi đồng chí hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Riêng A Xâu diệt 30 tên tại khu chợ, chưa kể ở tiểu khu và ty cảnh sát.


A Xâu đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, A Xâu được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 05:29:50 pm »

Anh hùng Nguyễn Trọng Nghĩa


Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ ngày 25 tháng 5 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội phó bộ binh, đại đội 3, tiểu đoàn 840, Quân khu 6, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, bản thân phải đi làm thuê từ nhỏ, Nguyễn Trọng Nghĩa sớm giác ngộ cách mạng, có lòng căm thù giặc Mỹ và bè lũ tay sai, có quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vào bộ đội, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công tiêu diệt địch, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng quyết tìm mọi cách chấp hành mệnh lệnh nhanh chóng và chính xác. Trưởng thành từ chiến sĩ trinh sát lên cán bộ đại đội, được tập thể bồi dưỡng, ở cương vị nào Nguyễn Trọng Nghĩa cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tham gia chiến đấu trên 30 trận, riêng đồng chí diệt 180 tên địch (có hơn 30 tên Mỹ), thu 9 súng.


Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ huy tổ trinh sát chặn địch cho đơn vị đánh vào thị xã Phan Thiết (Bình Thuận). Địch tập trung khoảng 3 đại đội tung ra phản kích, hòng ngăn chặn mũi tiến công của ta vào thị xã. Đồng chí bình tĩnh chỉ huy tổ chiến đấu liên tục 4 tiếng đổng hồ, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, diệt trên 50 tên ngụy. Riêng Nguyễn Trọng Nghĩa diệt 16 tên, tạo điều kiện cho đơn vị phát triển tiến công được thuận lợi vào thị xã.


Trận ngày 17 tháng 2 năm 1968, đánh vào thị xã Phan Thiết lần thứ hai, Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ huy tổ trinh sát đánh một đại đội địch án ngữ trên đường tiến công, mở đường đưa đơn vị vào đúng mục tiêu, phá nhà lao, giải thoát hơn 800 đồng bào bị địch giam giữ. Sau đó, cùng đơn vị trụ lại trong thị xã đánh địch phản kích, đồng chí đi với một trung đội giữ một hướng. Quá trình chiến đấu, một số đồng chí bị thương vong, bản thân bị thương, nhưng Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn bình tĩnh động viên và chỉ huy anh em chiến đấu, giữ vững trận địa. Kết quả trong trận này, đồng chí cùng đơn vị đẩy lùi gần 20 đợt phản kích của địch, bản thân diệt 35 tên.


Trận đánh địch phản kích ở Xuân Phong, vùng ven thị xã Phan Thiết, ngày 2 tháng 8 năm 1968, Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ huy 1 phân đội nhỏ chặn đánh bọn Mỹ - ngụy có lực lượng đông gấp nhiều lần, lại được xe tăng và máy bay yểm hộ. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, kéo dài từ sáng đến tối, trong phân đội 2 đồng chí hy sinh, 2 bị thương nặng. Dù chỉ còn 2 người Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn bình tĩnh động viên đồng đội chiến đấu thu gom súng đạn, lựu đạn, mưu trí lợi dụng địa hình địa vật ẩn nấp, cơ động linh hoạt, phát huy hỏa lực chính xác, liên tiếp đánh bại nhiều đợt tiến công của địch. Trong trận này, phân đội chỉ có 6 người mà đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn ngụy và 1 đại đội Mỹ, diệt hơn 190 tên, bắn cháy 2 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, riêng đồng chí diệt hơn 40 tên địch, bắn cháy 1 xe tăng.


Nguyễn Trọng Nghĩa là một cán bộ có tác phong gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật, đoàn kết với anh em, được đồng đội yêu mến, tin tưởng, giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Nguyễn Trọng Nghĩa được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 05:30:22 pm »

Anh hùng Pi Năng Thạch


Đồng chí Pi Năng Thạnh (tức Pi Năng Sầu), sinh năm 1935, người dân tộc Rát-lay, quê ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp nhập ngũ tháng 9 năm 1968. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là huyện đội trưởng huyện Bác Ái, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ khi còn nhỏ, Pi Năng Thạnh đã sớm tiếp thu truyền thống cách mạng của quê hương, của đồng bào dân tộc vốn có lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường đấu tranh chống đế quốc thực dân. Qua hai cuộc kháng chiến, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí nêu cao lòng trung với nước, hiếu với dân, tinh thần bất khuất, anh dũng chống quân xâm lược.


Từ năm 1954 đến năm 1960, địch khủng bố tràn lan, mở các chiến dịch tố cộng, dồn dân lập khu tập trung. Kiên cường đi đầu trong mọi cuộc đấu tranh  quyết liệt với kẻ thù, Pi Năng Thạnh tập hợp thanh niên, dùng các câu chuyện kể hoặc hát các bài ca kháng chiến để khêu gợi lòng yêu nước, yêu quê hương, giáo dục truyền thống hào hùng cách mạng của ông cha. Quần chúng được giác ngộ cách mạng đã đấu tranh thẳng lợi chống các âm mưu, thủ đoạn khủng bố, đàn áp của dịch và bọn tay sai ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí tuyên truyền, giáo dục và gây được cả cơ sở cách mạng trong lực lượng dân vệ. Pi Năng Thạnh nhiều lần đưa cán bộ Đảng vào khu tập trung nói chuyện để đồng bào thấy Đảng luôn luôn ở bên mình, từ đó mà tin tưởng vào cách mạng. Sau một thời gian kiên trì vận động và hướng dẫn nhân dân mua gạo, muối chuyển ra cất giấu trong rừng, đồng chí tổ chức bà con vùng lên phá khu tập trung. Khi dân đã về núi, đồng chí kịp thời động viên mọi người vừa tích cực sản xuất vừa xây dựng làng chiến đấu đề phòng địch đánh phá.


Năm 1965, đế quốc Mỹ lập sân bay Thành Sơn ở gần xã Phước Trung và liên tục bắn phá buôn làng của đồng bào. Là xã đội trưởng kiêm bí thư chi bộ, phối hợp chặt chẽ với dân quân bám lấy vành đai quanh sân bay liên tục đánh Mỹ Pi Năng Thạnh tổ chức nhân dân trụ lại. Nhiều lần đồng chí dẫn đường cho đặc công vào tận sân bay Thành Sơn để nắm tình hình và đánh sân bay thắng lợi. Xã Phước Trung trở thành lá cờ đầu của quân khu về phong trào toàn dân đánh giặc ở miền núi.


Đồng chí cùng tập thể chi bộ kiên trì vận động bà con vừa chiến đấu vừa sản xuất, bám làng bám rẫy, tổ chức bắn máy bay Mỹ tại chỗ. Lợi dụng địa hình ở địa phương có nhiều điểm cao, Pi Năng Thạnh cùng người em ruột đã bắn rơi một chiếc L.19 và một chiếc phản lực, mở đầu phong trào săn máy bay cua dân quân địa phương. Phong trào bẳn máy bay địch phát triển rất mạnh: chỉ riêng năm 1968, dân quân xã đã bắn rơi 32 máy bay các loại. Máy bay địch mỗi khi bay ngang qua xã đều phải vọt lên cao và địch phải xây đường băng khác cho sân bay Thành Sơn. Hai năm 1967 - 1968 là 2 năm địch càn quét, bắn phá quyết liệt nhất, lại là 2 năm phong trào sản xuất và chiến đấu ở xã Phước Trung đạt những thành tích rực rỡ nhất.


Pi Năng Thạnh luôn luôn nêu cao ý chí chiến đấu, tiến công quân địch, kiên trì vận động giáo dục nhân dân, bản thân gương mẫu đi đầu khắc phục khó khăn gian khổ trong chiến đấu và lao động sản xuất, góp phần tích cực xây dựng truyền thống vẻ vang của địa phương, được chi bộ và đồng bào yêu mến, tin tưởng.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Pi Năng Thạnh được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #89 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 05:30:56 pm »

Anh hùng Nguyễn Văn Sơ


Nguyễn Văn Sơ, sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở xã Thái Mỹ, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 1 năm 1948. Khi hy sinh đồng chí là phó chính ủy trung đoàn 1, sư đoàn 9, bộ đội miền Đông Nam Bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh ra và lớn lên trong một địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, Nguyễn Văn Sơ sớm giác ngộ, nên tình nguyện vào bộ đội từ năm 16 tuổi, tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Đông Nam Bộ, đà đánh hơn 30 trận, trận nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc.


Cuối năm 1961, thể theo nguyện vọng của đồng chí, tổ chức cử đồng chí trở lại chiến trường chiến đấu góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nguyễn Văn Sơ đã tham gia hầu hết các trận đánh lớn, các chiến dịch của trung đoàn 1, đoàn Bình Giã trên chiến trường miền Đông trong những năm từ năm 1962 đến năm 1967. Đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công, chiến đấu dũng cảm, thường có mặt ở những nơi nhiều khó khăn, góp sức  xây dựng đơn vị trưởng thành, lập nhiều chiến công xuất sắc.


Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, đơn vị Nguyễn Văn Sơ nhận nhiệm vụ đánh vào trung tâm huấn luyện Quang Trung và là một trong những căn cứ lớn của địch ở sát Sài Gòn. Ngày 31 tháng 1 năm 1968, đồng chú trực tiếp chỉ huy một bộ phận vượt qua mọi khó khăn, luồn lách qua tuyến phòng thủ của địch ở vùng ven, áp sát mục tiêu trong khi đại bộ phận đơn vị chưa đến kịp, lực lượng địch đông gấp rất nhiều lần. Để đảm bảo phối hợp chiến trường chung, Nguyễn Văn Sơ quyết tâm nổ súng đúng giờ quy định. Trận đánh ác liệt diễn ra trong vòng 5 tiếng đồng hồ. Trước tình hình đó, đồng chí vẫn bình tĩnh động viên anh em chiến đấu và tổ chức đơn vị vừa đánh bộ binh, bắn máy bay địch, giữ vững trận địa, vừa bố trí thương binh nặng và tử sĩ về phía sau. Trong trận chiến đấu này, đơn vị Nguyễn Văn Sơ hoàn thành tốt nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn đánh mạnh vào hang ổ địch, diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng, đặc biệt là gây được ảnh hưởng lớn của cách mạng trong nhân dân nội thành Sài Gòn. Riêng đơn vị đồng chí đá diệt hơn 300 tên địch, phá hủy đài phát thanh của quân đội ngụy. Trong một tình huống chỉ huy chiến đấu hết sức ác liệt, Nguyễn Văn Sơ đã anh dũng hy sinh, nêu một tấm gương sáng của người cộng sản biết xả thân vì nước.


Nguyễn Văn Sơ sống trung thực, giàu nhiệt tình, có tác phong sâu sát, gương mẫu về mọi mặt, đoàn kết, khiêm tốn, được đồng đội yêu mến, tin tưởng.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.


Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Nguyễn Văn Sơ được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM