Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:50:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 2  (Đọc 8650 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2021, 07:27:21 pm »

Anh hùng Đoàn Thanh Liêm


Đoàn Thanh Liêm, sinh năm 1928, dân tộc Kinh, quê ỏ xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quang Ngãi, nhập ngũ năm 1949. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội trưởng bộ đội địa phương, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ Đoàn Thanh Liêm đã phải đi ở, làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí nhận nhiệm vụ trung đội trưởng du kích xã, đã tham gia chiến đấu và canh gác bảo vệ xóm làng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Mặc dù thời kỳ này hoạt động cách mạng gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm, Đoàn Thanh Liêm vẫn một lòng trung thành với cách mạng, kiên trì khắc phục mọi gian khổ, khó khăn, tích cực bảo vệ cơ quan lãnh đạo. Đoàn Thanh Liêm cũng là một trong số những người đầu tiên góp sức gây dựng phong trào  và xây dựng đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của Khu 5.


Trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn Thanh Liêm đã tham gia chiến đấu 26 trận, nhiều lần vào điều tra đồn, bốt địch, bao giờ cũng tỏ ra là người cán bộ chỉ huy vững vàng, mưu trí, kiên quyết và dũng cảm.


Trong trận Nhơn Lộc tháng 7 năm 1962, đồng chí chỉ huy phân đội phụ trách mũi đột kích chủ yếu. Khi đánh chiếm cửa mở, địch tung lực lượng ra phản kích ác liệt, phân đội bị thương vong nhiều. Trước khó khăn đó, Đoàn Thanh Liêm vẫn giữ vững quyết tâm, động viên anh em và tổ chức lại lực lượng, tự mình dẫn đầu một tổ xung kích kiên quyết đánh chiếm bằng được lô cốt đầu cầu, sau đó, phát triển rộng ra lấy chỗ đứng chân cho đơn vị rồi thọc sâu vào bên trong, nhanh chóng tiêu diệt được hầm cố thủ, tạo điều kiện cho toàn đơn vị xung phong, tiêu diệt gọn vị trí địch.


Trong trận Long Lếch tháng 4 năm 1963, đơn vị đồng chí phụ trách hướng chủ yếu. Do địa hình khó khăn nên không tiếp cận được sớm. Sau khi mở cửa đột phá, địch bắn ra dữ dội, tổ xung kích 1 bị thương vong nhiều mà vẫn chưa lên được. Đoàn Thanh Liêm liền chỉ huy cho tổ xung kích 1 tổ chức lại hỏa lực bắn yểm hộ cho nhau, kiềm chế địch, rồi tự mình dẫn tổ xung kích 2 vượt lên đánh thẳng vào bên trong, chia cắt địch ra từng mảnh, nhanh chóng tiêu diệt cơ quan đầu não của chúng, góp phần quan trọng cùng đơn vị tiêu diệt hoàn toàn vị trí này, thu toàn bộ vũ khi.


Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, bất cứ được giao nhiệm vụ gì, từ cần vụ, liên lạc, vận tải, bảo vệ... đến chỉ huy chiến đấu, đồng chí đều hăng hái, tích cực và tìm mọi cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Đoàn Thanh Liêm luôn luôn cần cù, gương mẫu trong mọi mặt công tác, giản dị, khiêm tốn, thẳng thắn, đoàn kết, tận tình giúp đỡ đồng đội. Đoàn Thanh Liêm chú trọng khêu gợi tính tự giác, vận động mọi người phát huy sức mạnh tập thể xây dựng đơn vị trưởng thành toàn diện, được cấp trên tin tưởng, quần chúng mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, trong nhiều năm liên tục được bầu là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Đoàn Thanh Liêm được Ủy ban trung ương Mật trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2021, 07:27:56 pm »

Anh hùng Nguyễn Văn Quỳ


Nguyễn Văn Quỳ, (tức Ba Cà), sinh năm 1937 dân tộc Kinh, ở xã Tân Quy, quận Nhà Bè, thành phố Hổ Chí Minh, nhập ngũ tháng 6 năm 1960. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội phó bộ đội địa phương Nhà Bè, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Mồ côi cha từ nhỏ, lên 9 tuổi Nguyễn Văn Quỳ đã phải đi ở đợ, coi trâu cho địa chủ, rồi tiếp đó là cuộc đời đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn, lang bạt, ẩn náu trốn quân dịch. Đến năm 1959, được giác ngộ lòng yêu nước và căm thù giặc Mỹ, đồng chí tình nguyện xung phong nhận mọi nhiệm vụ gian khổ, khó khăn do cách mạng giao cho.


Từ ngày nhập ngũ (1960) tới năm 1965, Nguyễn Văn Quỳ đã tham gia chiến đấu 24 trận cùng đơn vị diệt 149 tên, bắt sống 15 tên, thu 59 súng và nhiều máy móc, tài liệu. Riêng đồng chí diệt 10 tên, bắt sống tên thu 11 súng, và trừng trị được 30 tên tề ngụy, ác ôn. Thành tích nổi bật của đồng chí là ở những ngày nằm vùng để xây dựng cơ sở và lực lượng cách mạng.


Năm 1962, có bọn tề ngụy tiếp tay, địch ở quận Nhà Bè tiến hành càn quét, truy lùng cán bộ ta rất gắt, hòng diệt cơ sở, đánh bật cán bộ ta ra khỏi địa phương, đồng thời khống chế, kìm kẹp nhân dân. Để bảo vệ cơ sở, cán bộ, đưa phong trào quần chúng đấu tranh lên cao và phá tan âm mưu địch, huyện ủy chú trương phải diệt ác, trừ gian, phá thế kìm kẹp của địch. Đồng chí được giao nhiệm vụ vào sâu hoạt động trong lòng địch. Đường đi xa, lạ, qua nhiều ấp chiến lược, lại phải vượt con sông Soài Rạp rộng mênh mông từ trước ít ai qua sông này trót lọt, nếu không gặp tàu tuần tiễu của địch, thì cũng làm mồi cho đàn cá dữ, đồng chí đã khắc phục mọi gian khổ, khó khăn vào tới nơi và chỉ trong 5 đêm, đồng chí đã nghiên cứu tổ chức diệt được 10 tên ác ôn khét tiếng nhất ở 3 xã gần nhau.


Năm 1963, đường dây giao liên của ta từ quận về khu bị gián đoạn. Cán bộ đi, về phải vòng tránh quá xa (mất một tháng rưỡi). Nhận lệnh đi mở đường mới, Nguyễn Văn Quỳ đã táo bạo vào hẳn nơi địch đóng đông nhất, ngày ẩn náu trong các lùm cây, đêm mò ra quan sát nắm quy luật hoạt động của địch và xây dựng cơ sở. Sau một thời gian ngắn, đồng chí đã mở được con đường giao liên mới, đi từ quận về khu chỉ mất 3 ngày. Trên dọc đường, đồng chí còn cùng 1 tổ bộ đội địa phương đào nhiều hầm bí mật, bảo đảm an toàn cho cán bộ qua lại. Cuối năm 1963, Nguyễn Văn Quỳ được cử đi xây dựng phong trào cơ sở ở 3 xã Phước Long, Long Kiến và Tân Quý. Ba xã này nằm ven lộ 36 từ Sài Gòn về Long An, địch đã xây dựng thành các ấp chiến lược rất kiên cố, tổ chức canh phòng nghiêm mật, tạo khu vực này thành một vành đai trắng, cơ sở ta hầu hết đều bị tan vỡ hoặc bật đi nơi khác. Đường từ căn cứ về lại xa, phải qua nhiều sông rạch, đồn bốt. Suốt 5 tháng nằm vùng, 132 ngày đêm giấu mình dưới hầm tối (trong thùng xăng chôn giữa cánh đồng), đồng chí đã kiên trì vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhân dân, dần dần gây dựng lại phong trào. Ba xã Phước Long, Long Kiến và Tân Quý - từ chỗ cơ sở gần như trắng - trở thành những xã có phong trào cách mạng tốt, có chi bộ, chi đoàn khá, có lực lượng dân quân du kích mạnh. Đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, các trận đánh chông, mìn, phục kích liên tiếp nổ ra. Bốt Phước Long nằm ngay giữa ấp chiến lược, cách quận lỵ Nhà Bè chưa đầy 2 ki-lô-mét, do một bọn ác ôn đóng giữ, cũng bị lực lượng dân quân du kích phối hợp với bộ đội huyện tiêu diệt.


Nguyễn Văn Quỳ là một cán bộ tận tụy, luôn luôn kiên trì bám dân, bám đất hoạt động, gây dựng phong trào, lập nhiều thành tích xuất sắc, được nhân dân tin yêu, đồng đội mến phục và cấp trên tin tưởng.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Nguyễn Văn Quỳ được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2021, 07:28:32 pm »

Anh hùng Pi Năng Tắc


Pi Năng Tắc, sinh năm 1910, dân tộc Rắc Lây, sinh quán tại Ma Nai, Phước Thành, huyện Đại Điền, tỉnh Ninh Thuận, trú quán ở Tà Nạt, Phước Bình, huyện Tây An, tỉnh Ninh Thuận, tham gia cách mạng từ năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chính trị viên phó huyện đội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Gần 20 năm hoạt động cách mạng (tính đến ngày được tuyên dương), trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Pi Năng Tắc là một cán bộ quân sự địa phương dầy dạn kinh nghiệm, luôn luôn trung thành với Đảng, với cách mạng, thiết tha với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ở trong mọi hoàn cảnh, Pi Năng Tắc luôn luôn vững vàng, kiên trì bám dân, bám đất hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng cơ sở, xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc, chiến đấu dũng cảm,  lập nhiều chiến công, góp phần phá tan nhiều âm mưu hiểm độc của kẻ thù.


Năm 1956, Mỹ - Diệm dồn dân hai thôn của xã Phước Thành về khu tập trung Brâu. Thương bà con bị kìm kẹp khổ cực, gần 6 tháng liền, đồng chí đã kiên trì đến với từng người, nói rõ âm mưu, thủ đoạn địch và bày cách cho đồng bào đoàn kết đấu tranh. Đồng chí còn tổ chức được các lực lượng hạt nhân cách mạng, gài vào các tổ chức địch, lung lạc chúng. Do đó ta đã vạch mặt bọn tề ngụy tay sai, phá tan âm mưu dồn dân lập ấp của địch, bà con hai thôn đã đấu tranh thắng lợi và trở về làng cũ an toàn.


Sau đợt này, địch nghi ngờ Pi Năng Tắc, chúng rình rập, theo dõi gắt gao. Tổ chức phải điều đồng chí về hoạt động ở xã Phước Bình. Nơi đây, cơ sở của ta còn rất yếu, bọn tề ngụy đàn áp, bóc lột nhân dân rất tàn tệ. Chúng lại khoét sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc, rồi tách dân tộc Chu dời xuống khu tập trung, còn dân tộc Gia Rai ở trên núi. Đã vậy, chúng còn tìm mọi cách kích động, gây hằn thù giữa hai dân tộc; người Chu không dám lên núi thăm nương rẫy; người Gia Rai không dám xuống chợ mua các thứ cần dùng. Tệ mê tín dị doan ở đây còn rất nặng: người chết để trong nhà cúng bái 7 ngày mới chôn, hoặc chôn 1 năm, rồi lại đào lên cho người chết uống rượu... và hàng trăm hủ tục khác nữa. Trong hoàn cảnh ấv, đồng chí đã kiên nhẫn tuyên truyền, thuyết phục, khi lên núi ở với người Gia Rai, khi xuống khu tập trung ở với người Chu, vạch rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù dân tộc, phân giải những nỗi bất hòa giữa hai dân tộc anh em. Sau một thời gian, bà con hai dân tộc đã đoàn kết, tổ chức lễ uống rượu ăn thề giúp đỡ nhau sản xuất và đấu tranh chống địch. Pi Năng Tắc còn gây dựng được 2 cơ sở bí mật trong xã và vận động được ba tề điệp bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng. Tệ mê tín dị đoan cũng dần dần được xóa bỏ.


Thấy quần chúng đã giác ngộ, Pi Năng Tắc đề nghị với trên cho phá khu tập trung, đưa đồng bào người Chu lên núi. Sau đó, để đề phòng địch truy đuổi, càn quét, đồng chí đã cùng bà con làm bẫy đá, vót chông, ná, gài mìn, đào hầm hào phòng tránh và thành lập lực lượng du kích đánh địch. Tháng 5 năm 1960, địch càn lên, bị chết và bị thương 20 tên, phải rút chạy. Tháng 5 năm 1964, chúng càn lần thứ 2 với lực lượng đông gần 400 quân, song cũng không lên được, mà còn bị thiệt hại lớn, chết và bị thương 80 tên, máy bay lên thẳng đến chở xác cũng bị trúng đạn... Bọn địch rất sợ các vũ khí thô sơ của du kích. Chúng kháo nhau: “Súng đạn còn dễ tránh, chứ hầm chông, bẫy đá thì không biết đâu mà lường...”.


Ngoài công tác chung, đồng chí còn vận động gia đình mình tích cực tham gia kháng chiến; trong 3 năm 1961-1962-1963, chí tính riêng gia đình đồng chí, cũng đã vót được hơn 90.000 cây chông các loại...


Đối với các mặt công tác khác, Pi Năng Tắc cũng luôn luôn gương mẫu thực hiện để nhân dân noi theo, như: vận động được 18 thanh niên đi bộ đội, trong đó có 2 con mình, 35 người phục vụ chiến dịch Đà Rằng; thành lập được 3 tổ đổi công; trong 3 năm 1961-1962-1963 ủng hộ cách mạng được 130 giạ bắp; nuôi giấu nhiều cán bộ trong mấy năm liền.


Pi Năng Tắc hết lòng giúp đỡ bảo vệ cán bộ, thương yêu, giúp đỡ nhân dân, đến đâu cũng được đồng bào tin yêu, mến phục.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Pi Năng Tắc được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2021, 08:46:08 pm »

Anh hùng Nguyễn Minh Tua


Nguyễn Minh Tua (tức Nguyễn Văn Nhịn) sinh năm 1939, dân tộc Kinh, quê ở xã Vinh Châu, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An nhập ngũ tháng 5 năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội trường thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 261 (tiểu đoàn Hi-rông), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Qua hơn 5 năm ở quân đội (tính đến ngày được tuyên dương) Nguyễn Minh Tua đã chiến đấu 24 trận, tự tay diệt 29 tên địch, bắt sống 14 tên, thu 12 súng các loại, bắn cháy 1 tàu chiến và 4 xe GMC. Đặc biệt trong trận Tân Niên Tây, trung đội do đồng chí chỉ huy đã diệt 170 tên địch, bắt sống 7 tên, thu 32 súng, bắn cháy 3 xe M.113, bắn hỏng 4 xe M.113 khác; trong trận Long Khánh, diệt 25 tên địch, bắt sống 9 tên, thu 35 súng, bắn rơi một máy bay. Trong các trận chiến đấu, Nguyễn Minh Tua thường được giao nhiệm vụ nặng nề, chỉ huy tổ mũi nhọn chiến đấu ở hướng đột kích chủ yếu của đơn vị... Đồng chí luôn luôn thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, linh hoạt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.


Trong trận đánh ở Rộc Chanh, giữa lúc tinh hình diễn biến gay go ác liệt, đồng chí đã xung phong nhận nhiệm vụ cầm cờ nghi binh thu hút hỏa lực địch để toàn đơn vị cơ động bất ngờ nổ súng tiến công tiêu diệt địch. Hành động mưu trí dũng cảm của đồng chí đã góp phần quan trọng vào thẳng lợi của trận đánh.


Trận đánh Gò Công (1962), Nguyễn Minh Tua đã chỉ huy tiểu đội dũng cảm vượt dưới làn đạn địch, bò qua một bải trống, đánh thọc vào sườn đội hình quân địch. Giữa lúc đang xung phong, đồng chí bị thương gãy tay trái nhưng vẫn không dừng bước, tiếp tục xông lên cướp súng giặc giết giặc, làm rối loạn đội hình chúng, tạo điều kiện cho cả đơn vị xung phong tiêu diệt địch, làm chủ trận địa.


Bốt Chùa Phật Đá ở ngã ba sông khống chế một vùng quan trọng, rất lợi hại và khó đánh. Nguyễn Minh Tua chỉ huy mũi xung kích có nhiệm vụ đánh chiếm đầu cầu làm điểm tựa cho đơn vị phát triển vào bên trong. Dưới hỏa lực bắn ra mãnh liệt của địch, đồng chí đã dũng cảm mưu trí chỉ huy phân đội vượt sông áp sát bờ rồi nhanh chóng đánh chiếm vị trí đầu cầu khống chế địch, tạo thuận lợi cho các hướng xông lên tiêu diệt gọn bốt địch.    Đồn Thiên Hộ (khu trù mật Hậu Mỹ) nằm sâu trong lòng Đồng Tháp Mười. Nơi đây chúng giam cầm, kìm kẹp rất đông đồng bào ta. Được lệnh chỉ huy mũi chủ yếu đánh thẳng vào khu trung tâm, cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy của bọn cố vấn Mỹ, đồng chí động viên và chỉ huy phân đội đánh rất mạnh và kiên quyết, nhanh chóng áp sát địch. Bọn địch ngoan cố chống trả, giằng co quyết liệt với ta từng đoạn chiến hào. Phân đội Nguyễn Minh Tua đã giữ vững quyết tâm, chiến đấu rất dũng cảm, chiếm được phòng tuyến quan trọng ở khu trung tâm và cắm lá cờ lên nóc hầm chỉ huy của bọn cố vấn Mỹ.


Quá trình chiến đấu Nguyễn Minh Tua đã 10 lần bị thương, nhưng lần nào đồng chí cũng ở lại trận địa tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu.


Nguyễn Minh Tua luôn luôn gương mẫu trong mọi mặt công tác, có tác phong tỉ mỉ, sâu sát, đoàn kết, chủ động hiệp đồng, lập công tập thể và rất chú ý xây dựng đơn vị về mọi mặt, được anh em mến phục, tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba và 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua của quân khu.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Nguyễn Minh Tua được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2021, 08:46:49 pm »

Anh hùng Nguyễn Trung Thành


Nguyễn Trung Thành (tức Ba Thợ Rèn), sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Khánh An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải tham gia cách mạng từ tháng 1 năm 1946, nhập ngũ tháng 12 năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là phó ban quân giới T.3, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trước khi vào phục vụ trong quân đội, Nguyễn Trung Thành đã trải qua nhiều công tác trong kháng chiến chống Pháp như: đội viên chiến đấu ở chi đội 21 từ những năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ, chính trị viên và trưởng ngành đúc xưởng 131 Nam Bộ, chính trị viên và phó ban công an xã...   Cuối năm 1959, đồng chí được điều động vào quân đội phụ trách bí thư chi bộ binh công xưởng tỉnh Cà Mau, với nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức, xây dựng binh công xưởng và nghiên cứu sản xuất vũ khí phục vụ cho chiến trường.


Xuất thân từ thành phần công nhân, ngót 20 năm hoạt động cách mạng (tính đến ngày được tuyên dương), Nguyễn Trung Thành đã luôn nêu cao tinh thần bền bỉ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong những lúc khó khăn gian khổ nhất, đồng chí vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Từ khi phụ trách xưởng quân giới, với tinh thần trách nhiệm cao, “dám nghĩ, dám làm, dám giành thắng lợi”, dựa vào tập thể, dựa vào nhân dân, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn nhờ đó đồng chí đã phát minh được nhiều sáng kiến, sản xuất và sửa chữa, cải tiến được nhiều loại vũ khí, đáp ứng kịp với yêu cầu của chiến trường. Với 20 ki-lô-gam đồ nghề, từ những ngày đầu đầy thiếu thốn khó khăn, hoàn cảnh công tác rất gian khổ và nguy hiểm, đồng chí đã góp phần cùng với tập thể xây dựng nên ngành quân giới ở miền Tây Nam Bộ.


Mặc dù lúc đầu quân số còn rất ít, cả xưởng chỉ có 11 người, trình độ còn thấp, nguyên vật liệu, dụng cụ, phương tiện thiếu, địch vây hãm đánh phá liên tục, đời sống trong chiến khu rất gian khổ, khó khăn, đồng chí đã cùng tập thể kiên trì xây dựng nội bộ vững về ý chí tư tưởng, có quyết tâm cao, vừa tự lực cánh sinh, vừa dựa vào dân để khắc phục những khó khăn thiếu thốn. Trong sản xuất, vừa làm, vừa nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm bạn bè, được tập thể giúp đỡ, nhờ đó đồng chí đã có 7 phát minh mới và 15 công trình cải tiến kỹ thuật có giá trị.


Nguyễn Trung Thành đã cùng anh em nghiên cứu thành công việc tận dụng phế liệu trong nhân dân để làm ra chất nổ dùng trong các loại đạn bắn tàu thủy, lô cốt, diệt xe cơ giới địch, v.v. Các loại đạn này đã được sử dụng trong chiến đấu, có hiệu quả cao, giải quyết được những khó khăn lớn lúc đó, phục vụ tốt yêu cầu của chiến trường.


Đồng chí còn nghiên cứu thành công việc dùng chất hóa học - sau nhiều lần thí nghiệm rất nguy hiểm - để chế đạn lửa trong điều kiện ở xa trung ương, mọi phương tiện cung cấp, vận chuyển đều thiếu thốn.


Bản thân Nguyễn Trung Thành vừa làm công tác tổ chức, lãnh đạo, vừa nỗ lực nghiên cứu, khó khăn không bó tay, thất bại không nản chí, nguy hiểm không chùn bước, đã cùng tập thể khắc phục nhiều khó khăn, sản xuất được nhiều loại vũ khí phức tạp khác nữa phục vụ chiến trường, và qua lao động đã đào tạo được một đội ngũ công nhân nòng cốt. Từ 11 đồng chí ban đầu, qua 5 năm xưởng đã có hơn 100 công nhân thành thạo, từ một cơ sở binh công xương ở Cà Mau đã phát triển thành nhiều cơ sở của 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ.


Nguyễn Trung Thành là một công nhân gương mẫu, luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, hết lòng phục vụ Tổ quốc; sống giản dị, khiêm tốn, tận tình giúp đỡ đồng đội, chú ý xây dựng đơn vị trưởng thành toàn diện.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Nguyễn Trung Thành được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2021, 08:47:29 pm »

Anh hùng Nguyễn Thị Út


Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), sinh năm 1920, dân tộc Kinh, quê xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, tham gia cách mạng từ năm 1945. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là du kích xã Tam Ngãi.


Xuất thân là một cố nông, ngay từ nhỏ Út Tịch đã phải đi ở cho địa chủ, chịu bao cay đắng, áp bức của đế quốc và phong kiến. Khi đã lấy chồng rồi, cả hai vợ chồng vẫn phải chịu cảnh đi ở đợ cho tới ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Được giải thoát khỏi cảnh đọa đày túi nhục, hai vợ chồng đều hết sức phấn khởi, hăng hái, tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù sức yếu và bận con mọn, đồng chí đã xung phong vào du kích. Khi tải thương, khi đi trinh sát, khi xách súng đuổi địch, đồng chí đả trải qua nhiều công tác cùng với bộ đội tham gia hàng chục trận đánh và đã hoàn thành  tốt mọi nhiệm vụ với hiệu quả công tác và hiệu suất chiến đấu cao.


Vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, tuy đã sáu con, Út Tịch đánh giặc vẫn rất hăng hái, có nhiều mưu mẹo tài tình, khi có thai 8 tháng, vẫn chỉ huy du kích hạ hai đồn giặc. Hai vợ chồng luôn luôn tâm đắc, cùng hỗ trợ nhau giết giặc, lập công xuất sắc.


Trong một trận địch càn vào xã, Út Tịch lúc đó mới sinh con 2 tháng, còn đang nghỉ, nhưng vừa nghe tiếng súng, liền đưa con xuống hầm, rồi xách súng đi chiến đấu. Khi giáp trận, Út Tịch nhanh như con sóc chạy hết nơi này đến nơi kia, lợi dụng địa hình nổ súng diệt địch. Trong khi đang trườn lên một bờ đê cao, do sức còn yếu, đồng chí bị trượt, ngã lăn xuống ruộng và ngất xỉu. Cũng may, lại gặp chồng ở đơn vị bộ đội tập trung dẫn quân về cùng phối hợp chống càn. Trận chiến đấu đã nhanh chóng kết thúc thắng lợi.


Một hôm, trên đường ra chợ, phát hiện thấy 1 đại đội địch đi càn, đồng chí vội chạy tắt đường về tìm đội du kích bàn kế hoạch đánh địch. Bố trí trận địa xong, Út Tịch tranh thủ chạy về cho con nhỏ bú và dắt các con lớn xuống hầm ẩn nấp an toàn rồi lại trở ra trận địa. Chờ quân địch vào gần, đồng chí cùng đồng đội nổ súng mảnh liệt, bất ngờ, buộc chúng phải tháo chạy, bỏ lại một số tên chết và bị thương.


Nhận nhiệm vụ chuẩn bị đánh đồn Bến Cát, Út Tịch tiến hành điều tra kỷ lưỡng và vạch kế hoạch lấy đồn chu đáo, tỉ mỉ. Sau khi đã tìm cách làm quen được với bọn lính trong đồn, đồng chí dụ chúng ra ăn nhậu ngoài quán cho đến lúc say, cùng lúc đó, theo ám hiệu của đồng chí, du kích xông vào lấy đồn; đoạt súng. Út  Tịch cũng nhanh như cắt chĩa súng bắt toàn bộ bọn lính đang ăn uống ngoài quán phải đầu hàng.


Nguyễn Thị Út là một cán bộ phụ nữ giàu nghị lực, rất mực trung thành, kiên quyết đánh giặc, giữ nước, giữ nhà, tới mức như đồng chí nói: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Đối với đồng đội, bà con cô bác, Út Tịch hết sức tận tình thương yêu, giúp đỡ, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo khi hoạn nạn khó khăn, nên luôn luôn được đồng đội và nhân dân tin yêu, đùm bọc.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Nguyễn Thị Út được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2021, 08:48:09 pm »

Anh hùng Vai


Vai (tức Hồ Đức Vai) sinh năm 1942, dân tộc Pa Cô, quê ở thôn Lê Lốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào du kích năm 1961. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là xã đội trường, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Mồ côi cha lẫn mẹ từ năm lên 6 tuổi, Hồ Đức Vai sống nhờ bà con đùm bọc, bữa đói, bữa no cho tới lúc trưởng thành. Được cách mạng giúp đỡ và giáo dục, đồng chí đã nhận rõ phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước, nên đã hăng hái tham gia hoạt động kháng chiến.


Ở địa phương đồng chí, cơ sở cách mạng lúc đầu còn rất yếu, bọn địch thường truy lùng tìm bắt cán bộ và đàn áp, bóc lột nhân dân rất thậm tệ. Công việc đầu tiên đồng chí được giao là vận động nhân dân chống giặc bắt lính, vót chông rào làng và trồng sắn ủng hộ cách mạng. Đồng chí đã làm tốt nhiệm vụ cấp trên giao.


Sang năm 1961, tiểu đội du kích được thành lập. Hồ Đức Vai được giao nhiệm vụ làm tiểu đội trường, vì chưa quen đánh giặc, lúc đầu một số anh em có phần bỡ ngỡ, đồng chí tận tình đi sát, giúp đỡ, chỉ dẫn anh em tỉ mỉ. Lúc chiến đấu cũng như khi công tác gặp việc gì khó khăn, nguy hiểm, đồng chí đều đi trước, làm trước. Nhờ có lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, có tổ chức canh phòng cẩn mật, nên nhiều lần tiểu đội du kích đã chặn đánh diệt được bọn địch ở đồn A Lưới về quấy phá nhân dân khiến đồng bào yên tâm sản xuất.


Trong năm 1961, đồng chí đã đánh 22 trận, diệt 32 tên địch, bắn bị thương 9 tên, làm sập hầm chông chết 1 tên và bị thương 50 tên khác. Lợi dụng địa hình rừng núi, đồng chí thường phát huy lối đánh nhỏ lẻ, bất ngờ, tiến công rất táo bạo, dũng cảm gây cho địch nhiều thiệt hại.


Năm 1962, địch càn vào xã. Mặc dù vết thương từ trận đánh trước chưa lành, đồng chí vẫn thường xuyên có mặt ở vị trí chiến đấu. Trong suốt 3 ngày liền quần nhau với giặc, đồng chí đã góp phần quan trọng đánh bật quân địch, bảo vệ xóm làng.


Ngày 3 tháng 3 năm 1963, Hồ Đức Vai dẫn một tổ dân quân vào quấy rối đồn A Lưới. Đang bò qua hàng rào thì ta phát hiện được mìn địch gài - một loại mìn mới, chưa ai biết cách tháo gỡ. Đồng chí vẫn giữ vững quyết tâm tiếp tục trận đánh, tạm thời cho anh em lui ra, một mình đồng chí ở lại nghiên cứu tìm cách khắc phục. Cuối cùng, đồng chí đã gỡ được mìn, và tiếp tục chỉ huy anh em tiến vào đánh địch. Khi ra về, tiểu đội còn mang đủ số mìn đã thu được để sau này dùng vào việc huấn luyện và gài xen với chông bẫy bảo vệ xóm làng. Sau trận này, anh em đều phấn khởi và càng thêm tin tưởng ở đồng chí.


Tháng 7 năm 1963, bọn địch được tăng viện, thường hùng hùng hổ hổ kéo nhau đi càn. Lúc về, chúng hay cụm lại ở Lê Lốc. Hồ Đức Vai dẫn một tổ bí mật bám sát địch, khi còn cách chúng 20 mét mới bất ngờ nổ súng, diệt 4 tên ngay tại chỗ. Từ đó, bọn dịch rất hoảng sợ, không còn dám ngông nghênh đi gây tội ác như trước.


Ngày 11 tháng 7 năm 1963, nghe tin địch càn vào xã A Ninh, lúc đó, đang một mình làm rẫy, để tranh thủ thời cơ đánh địch, đồng chí đã vác súng chạy tắt rừng đón đánh địch. Sau khi tìm được địa hình thuận lợi nhất, đồng chí bí mật nằm phục, chờ cho toán địch đi đầu vào cách 5 mét mới nổ súng, diệt tại chỗ 3 tên. Bọn còn lại hốt hoảng chạy tán loạn, bỏ dờ cuộc càn.


Đêm 27 tháng 5 năm 1969, Hồ Đức Vai dẫn một tổ bò sát đồn A Lưới, kiên trì nằm phục chờ trời sáng khi bọn địch ra sân tập hợp mới đồng loạt nổ súng, bắn chết 3 tên và bắn bị thương một số.


Trong mọi mặt công tác Hồ Đức Vai đều luôn luôn gương mẫu, việc gì khó khăn nguy hiểm, đồng chí cũng xung phong làm trước cho anh em noi theo, tận tình chỉ bảo, giúp đỡ đồng đội, khiêm tốn học hỏi đồng chí được anh em tin yêu, nhân dân mến phục.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Hồ Đức Vai được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực -lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2021, 07:14:45 pm »

Anh hùng Puih Thu


Puih Thu (tức Puih Banh), sinh năm 1935, dân tộc Gia Rai, quê ở xã Ia Lớp, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, tham gia cách mạng năm 1961. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đội trưởng du kích xã.


Puih Thu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề làm rẫy, từ nhỏ Puih Thu phải làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn thiếu đói; thời Mỹ - ngụy quê hương Puih Thu đầy bóng giặc, chúng đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ, lập ra các trưởng làng, thôn trưởng và ấp trưởng... chúng lập đồn, xây bốt trong làng trong ấp, kiểm soát việc làm ăn ra vào, ngang nhiên cướp của, giết người, bắt lính...


Người dân Tây Nguyên xưa nay sống tự do, đùm bọc, yêu thương và vui vẻ trong những ngày hội của buôn làng, nay bị tước hết. Lòng căm thủ giặc sâu sắc, Puih Thu tình nguyện ra lập đội du kích và trực tiếp làm trung đội trưởng (đầu năm 1963). Với vũ khí thô sơ tự tạo như cung tên, giáo mác, đồng chí đã cùng đội du kích và nhân dân chiến đấu diệt nhiều ác ôn tề điệp.


Trong trận chiến ngày 18 tháng 4 năm 1964, tại ấp làng Tốt, Puih Thu đã cùng đội du kích mưu trí lợi dụng ngày hội Nhà Ma cho bọn chúng uống rượu say rồi xông lên cướp súng, bắt trói 8 tên và diệt một số tên ác ôn, thu 8 súng trang bị cho đội du kích.


Cũng trong tháng 4 năm 1964, địch càn vào xã, đồng chí dũng cảm dùng ná tẩm thuốc độc tiêu diệt hàng chục tên địch, làm cho địch bị sa lầy vào thế trận hầm chông, cạm bẫy của nhân dân và du kích, buộc địch phải bỏ dở cuộc càn.


Ngày 14 tháng 5 năm 1964, Puih Thu chỉ huy trung đội du kích cùng nhân dân làng Lan nổi dậy diệt 18 tên (có 4 tên cảnh sát, 2 tên điệp ngầm), đốt nhà hội đồng của địch bắt sống 6 tên, thu 12 súng các loại và nhiều đạn dược. Khi máy bay địch đến oanh tạc, đồng chí đã dùng súng trường bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, diệt nhiều tên. Chiến công của Puih Thu được nhân dân địa phương rất khâm phục.


Puih Thu là một trung đội trường du kích chiến đấu dũng cảm, trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng lực lượng du kích xã trưởng thành, được cán bộ và nhân dân tin yêu.


Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Puih Thu được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. 
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2021, 07:16:18 pm »

Anh hùng Phạm Văn Cội
(Liệt sĩ)


Phạm Văn Cội, sinh năm 1940 dân tộc Kinh, quê ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chi Minh. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trường, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phạm Văn Cội sinh ra trong một gia đình nghèo khổ cha và chị gái bị giặc Pháp giết hại, bản thân phải lao động làm thuê cực nhọc từ nhỏ. Sẵn có mối thù sâu sẳc với bọn giặc cướp nước và bán nước, cho nên khi được cách mạng giáo dục, đồng chí sớm hiếu rõ chỉ có kiên quyết đánh tháng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì nhân dân ta mới có hạnh phúc, vì thế, Phạm Văn Cội luôn luôn nêu cao tinh thần tích rực tiến công, tìm Mỹ mà diệt, tự tạo ra nhiều vũ khí để đánh bộ binh, diệt cơ giới, bắn máy bay địch, v.v... góp phần đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh trong xã; cổ vũ mọi người tham gia diệt  Mỹ khi chúng đổ quân chiếm đóng căn cứ Đồng Dù (Củ Chi). Riêng Phạm Văn Cội diệt 120 tên Mỹ, 8 xe cơ giới và 1 máy bay lên thẳng.


Năm 1960, nghe tin quê nhà đồng khởi, Phạm Văn Cội thôi việc cạo mủ ở đồn điền cao su, trở về xã tham gia chiến đấu trong đội tự vệ mật rồi đội du kích ấp.


Năm 1961, là tiểu đội trưởng du kích, Phạm Văn Cội dẫn bộ đội đi săn bọn giặc tập nhảy dù, riêng đồng chí đã bắn chết nhiều tên địch bằng súng thô sơ. Trong hoàn cảnh thiếu thốn vũ khí, đồng chí tự sản xuất chông đinh, cung tên để giết giặc.


Năm 1962, quân chủ lực ngụy mở cuộc càn vào xã, du kích trong ấp đi làm và công tác xa chưa về kịp, tuy chỉ còn một mình, đồng chí vẫn kiên quyết chiến đấu, dùng súng trường, lựu đạn đánh chặn diệt 5 tên giặc, buộc chúng phải bỏ dở cuộc càn.


Năm 1963, lần đầu tiên địch dùng xe M.113 đi càn trong xã, Phạm Văn Cội cùng một đồng chí nữa đã mưu trí, dũng cảm dùng lựu đạn đánh đứt xích 1 xe, diệt nhiều tên giặc, gây cho anh em lòng tin tưởng với vũ khí tự tạo nhưng có quyết tâm thì vẫn diệt được xe bọc thép của địch. Sau trận này, Phạm Văn Cội được giao phụ trách ấp đội trưởng rồi xã đội phó.


Trong 2 năm 1964, 1965, Phạm Văn Cội chỉ huy đội du kích xã liên tục bám đánh địch, bảo vệ nhân dân, làm cho bọn ngụy hoang mang không dám càn vào xã. Tuy vết thương còn đau, hàng ngày đồng chí vẫn đi nghiên cứu trận địa, củng cố xã chiến đấu, rèn luyện thêm về quân sự cho anh em du kích, sẵn sàng chiến đấu.


Ngày 8 tháng 1 năm 1966, giặc Mỹ mở cuộc càn quét lớn vào Củ Chi. Suốt 8 ngày liền, Phạm Văn Cội đã lãnh đạo và chỉ huy anh em trong đội du kích ngoan cường bám đánh địch, diệt 111 tên, bắn rơi và phá hủy 7 máy bay lên thẳng, 1 máy bay khu trục và nhiều xe cơ giới, buộc địch phải rút lui, bỏ dở cuộc càn.


Tháng 2 năm 1966, đồng chí đã 5 lần chỉ huy anh em khi thì đi tập kích bọn Mỹ, khi chặn đánh cơ giới địch càn vào xã, riêng đồng chí diệt 6 xe bọc thép, giết hàng chục tên giặc, thu vũ khĩ.


Tháng 4 năm 1966, Phạm Văn Cội dẫn một số anh em vượt rào gai, bãi mìn, lọt vào căn cứ Mỹ ở Đồng Dù, gài mìn diệt 2 xe, đồng thời gỡ được mìn của địch đem về sử dụng.


Tháng 9 năm 1966, địch chia làm nhiều mũi mở cuộc càn lớn vào xã kéo dài 12 ngày, chặn các đường liên lạc với phía sau của đội du kích. Trời mưa, công sự đều bị sụt lở. Trong ổ chiến đấu vừa sửa lại không có nắp, trơ trọi giữa chỗ trống, một số đồng chí bị thương vong, Phạm Văn Cội cùng một người nữa kiên quyết chặn địch, bảo vệ thương binh. 2 chiếc xe M.118 bị trúng mìn, nổ tan xác, nhưng các xe khác của chúng ở xung quanh vẫn nổ máy gầm gừ, đồng thời bọn giặc ùa nhau kéo tới. Phạm Văn Cội đã cùng đồng đội dũng cảm, bình tĩnh dùng lựu đạn chiến đấu, chặn đứng 3 đợt xung phong của địch, giết chết 25 tên, bảo vệ đồng đội được an toàn.


Trong một trận chống càn mùa khô năm 1967, Phạm Văn Cội chỉ huy đội du kích phối hợp với đơn vị chủ lực chiến đấu bẻ gãy cuộc càn của xe cơ giới Mỹ. Sau trận đánh Phạm Văn Cội đi kiểm tra trận địa, giữa đường gặp địch phục kích, đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.


Đồng chí đã nêu tấm gương sáng về tinh thần quyết chiến quyết thắng, xứng đáng là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua diệt Mỹ của du kích Củ Chi, tự tạo vũ khí đánh địch, được đồng đội và nhân dân vô cùng thương mến, tin yêu.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Phạm Văn Cội được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2021, 06:52:35 pm »

Anh hùng Đồng Phước Huyến
(Liệt sĩ)


Đồng Phước Huyến, sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 3 năm 1965. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội trưởng thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 72 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam.


Sinh trưởng trong một gia đinh nông dân nghèo, cha mẹ chết sớm, Đồng Phước Huyến phải đi ở ngay từ khi còn nhỏ. Được giáo dục về lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, lòng căm thù quân cướp nước và bán nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và đã tham gia hoạt động bí mật ở xã từ năm 1961, sau đó được chỉ định phụ trách tiểu đội du kích. 7 tháng tham gia chiến đấu, đồng chí đã cùng đội du kích chiến đấu 15 trận, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị ở địa phương.


Vào quân đội, Đồng Phước Huyến đã tham gia chiến đấu 53 trận, giết và làm bị thương trên 70 tên địch, bắt sống 15 tên, thu 25 súng các loại, đánh hỏng 3 xe bọc thép. Trong chiến đấu, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm.


Vừa vào bộ đội, tham gia trận Mộc Bài (tháng 3 năm 1965), Đồng Phước Huyến đã anh dũng xông lên đánh giáp lá cà vật lộn với địch, giết chết 1 tên, thu súng và bắn chết thêm 2 tên nữa.


Trong trận Cầu Ông Bộ ngày 20 tháng 6 năm 1965, được phân công trong tổ mũi nhọn đánh thọc sâu, đồng chí đang tiếp cận thì bị lộ. Địch chống cự ác liệt, 5 lần đồng chí cùng tổ xung phong vào đội hình giặc nhưng không được. Đại đội giao cho tổ đồng chí chuyển hướng đánh mạnh vào hướng chính diện. Được lệnh, Đồng Phước Huyến nhanh chóng phát triển đánh ngay vào giữa đội hình địch, cướp trung liên địch, diệt địch, tạo điều kiện cho đơn vị trong 10 phút tiêu diệt gọn 2 trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí.


Trận đánh cầu Tam Kỳ ngày 17 tháng 1 năm 1966, làm nhiệm vụ ở mũi thọc sâu, bị địch ngoan cố chống trả quyết liệt, Đồng Phước Huyến kiên quyết xông lên đánh chiếm lô cốt đầu cầu, thu một trung liên, kiềm chế hỏa lực của địch để đơn vị giành thắng lợi giòn giã.


Trận Chổi Sũng ngày 14 tháng 2 năm 1966, Đồng Phước Huyến được giao nhiệm vụ ở tổ thọc sâu. Vừa được lệnh nổ súng, đồng chí vượt qua 15 mét rào dây thép gai bùng nhùng, xung phong đánh vào tung thâm, tạo điều kiện cho đơn vị triển khai chiến đấu mau lẹ, diệt 1 đại đội địch. Trong trận này, đồng chí bị thương 2 lần nhưng vẫn không rời trận địa, kiên quyết chiến đấu, diệt 8 tên, mang 1 trung liên và 1 súng trường về vị trí tập kết an toàn.


Trận đánh cứ điểm Núi Giàng, ngày 17 tháng 3 năm 1966, vừa ở bệnh viện về, sức còn yếu, được đơn vị cho nghỉ, nhưng Đồng Phước Huyến hăng hái xung phong đi chiến đấu, và đã cố gắng mang được 20 quả thủ pháo, lựu đạn. Được giao phụ trách mũi phó thọc sâu, chỉ trong mấy phút, đồng chí đã dùng thủ pháo diệt gọn bọn chỉ huy và 3 ổ trung liên, làm tê liệt hỏa lực địch, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị diệt gọn 1 đại đội địch trong 15 phút. Bị thất bại nặng, địch dùng phi pháo oanh tạc dữ dội vào trận địa ta, làm cho ban chỉ huy và một số đồng chí bị thương vong. Đồng Phước Huyến đã động viên anh em kiểm tra kỹ trận địa và tổ chức chu đáo đưa thương binh, tử sĩ ra ngoài. Một mình đồng chí với 2 súng trên vai, cõng 1 thương binh và vác 1 trung liên chiến lợi phẩm về vị trí an toàn.


Đêm 25 tháng 6 năm 1966, phối hợp với đơn vị bạn hạ đồn An Hà, Đồng Phước Huyến chỉ huy tiểu đội hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu của trung đội, diệt 16 địch tại ấp chiến lược cạnh đồn. Ngày 26 tháng 6 năm 1966, trung đội về vị trí tập kết, vừa ăn cơm xong thì 3 trung đoàn Mỹ, ngụy có 24 xe M.113, M.118 và phi pháo yểm trợ ồ ạt càn vào nơi đóng quân. Sau khi tổ đảng họp hạ quyết tám chiến đấu, trung đội còn 19 người, đã nhanh chóng triển khai theo kế hoạch. Ta và địch chỉ cách nhau 30 mét, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Một số đồng chí đã bị thương vong, Đồng Phước Huyến vẫn bình tĩnh động viên anh em quyết tâm chiến đấu. Một chiếc xe bọc thép chở đầy lính địch kéo tới, đồng chí bắn mãnh liệt vào đội hình địch và động viên anh em chuẩn bị lựu đạn, thủ pháo để diệt xe cơ giới, trả thù cho đồng đội. Vừa lúc đó, Đồng Phước Huyến bị thương gãy nát cả hai chân. Biết mình không thể sống, đồng chí giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị cho tiểu đội trưởng tiểu đội 2. Sau mấy phút ngất đi, tỉnh dậy, Đồng Phước Huyến vẫn thấy anh em đánh trả quyết liệt với địch. Nhìn chiếc xe M.113 đang lù lù bò đến, đồng chí lợi dụng gò đất, chồm lên ném 2 quả thủ pháo vào xe. Chiếc M.113 bốc cháy, 15 tên Mỹ trên xe phải đền tội. Chiếc thứ 2 bò đến bị một anh em trong tiểu đội dùng thủ pháo đánh hỏng tại chỗ không nhích lên được. Chiếc thứ 3 thấy vậy lao thẳng đến hòng nghiến nát đồng chí. Xe vừa lao tới, Đồng Phước Huyến dùng hết sức lực còn lại, nhoài lên ném quả thủ pháo vào chiếc xe địch. Chiếc xe bị đứt xích gầm rú tại chỗ. Cả đoàn xe địch dồn lại trước gò đất bắn loạn xạ rồi hoảng hốt kéo nhau rút chạy. Đồng Phước Huyến đã hy sinh anh dũng, góp phần chặn đứng mũi tiến công của địch.


Khi còn sống, đồng chí luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi mặt công tác, đoàn kết với nhân dân, tận tình giúp đỡ dồng đội, sống khiêm tốn, được nhân dân tin yêu, đồng đội mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Đồng Phước Huyến được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. 
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM