Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:37:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà tình báo và những phi công tù binh  (Đọc 7993 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 29 Tháng Hai, 2020, 05:57:26 am »


        Tại một cuộc hội thảo về "Trận chiến Điện Biên Phủ trên không" chiến tranh Việt Nam do trường Đại học Tếch-dát (Mỹ) tổ chức. Mắc-san Mai-Cơn, một phi công tù binh ở trại giam Hỏa Lò Hà Nội từ năm 1970 đến năm 1973. Người đã  từng lái máy bay F4 được mệnh danh là "con ma" với hơn ba trăm phi vụ đánh phá miền Bắc, sau khi được trao trả về Mỹ tiếp tục phục vụ trong lực lượng không quân với chức vụ: Phụ trách kế hoạch bay trong chiến tranh vùng Vịnh, đã  mở đầu bài tham luận của mình rằng: "Thất bại trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II là do lỗi của bộ chỉ huy không quân chiến lược (SAC)". Ống ta thừa nhận sức mạnh của lưới lửa phòng không Hà Nội:

        "Tôi đã  từng kinh qua nhiều chiến trường nhưng phải công nhận là hệ thống pháo phòng không và tên lửa SAM 3 của Bắc Việt là mạnh nhất, chưa từng có trên thế giới: 34 chiếc B52 của chúng ta bị bắn rơi trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II đã  nói lên sức mạnh của hệ thống phòng không không quân của Bắc Việt. Giờ đây khi chiến tranh đã  lùi về quá khứ, nhìn nhận lại những gì đã  xảy ra, tôi thấy Bắc Việt xứng đáng chiến thắng trong trận "Điện Biên Phủ trên không".

        Trong 12 ngày đêm quân và dân ta đã  bắn rơi 81 máy bay các loại trong đó 34 máy bay B52. Quân chủng phòng không - Không quân đóng vai trò nòng cốt, bắn rơi 53 máy bay các loại trong đó có 32 pháo đài bay B52. Công đầu diệt B52 thuộc về binh chủng tên lửa: bắn rơi 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B52, chiếm 85% tổng số B52 bị bắn rơi.

        Sau này, Ních-Xơn đã  phải cay đắng thừa nhận trong hồi ký của mình "No more Vietnams":

        "Thất bại ở Việt Nam buộc chúng tôi phải ký kết Hiệp định Pari, là thảm họa lớn nhất của nước Mỹ. Từ nay không ai còn muốn những Việt Nam nữa".

        Hơn một trăm ngàn tấn bom Mỹ ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc, hủy diệt hàng trăm ngàn làng mạc, phố phường. Riêng Hà Nội phải hứng chịu mười ngàn tấn bom, bằng sức công phá của bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma Nhật Bản ngày 6 tháng 8 năm 1945!

        Cả thế giới hướng về Việt Nam, lên tiếng tố cáo tội ác diệt chủng của Mỹ. Nữ nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ Giêm Phôn-đa, thốt lên trong nước mắt:

        "Tôi đau nỗi đau mất mát của nhân dân Việt Nam, cho nỗi đau mất mát của chính đất nước tôi, một nước tự cho mình là văn minh, giờ đây đang có nguy cơ trở lại thời kỳ hoang dã ".

        Chính Kít-xinh-giơ, cố vấn an ninh số một của Nhà trắng, đồng lõa với tổng thống Ních-Xơn trong âm mưu tiến hành bí mật cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng sau này trong hồi ký của mình cũng phải thừa nhận: "Đối với thế giới, sự phản đối của nhiều nước lại càng quyết liệt hơn. Các chính phủ Pháp, Phần Lan, Đan Mạch, Bỉ... đều phê phán hành động của chúng tôi là thất nhân tâm, là không thể bào chữa được. Quyết liệt nhất là Thụy Điển. Họ đã  so sánh chúng tôi với những tên tội phạm Hítle. Báo Pháp gọi các cuộc tàn sát vào Hà Nội là kinh tởm, giống như hành động của bọn Đức quốc xã trong thế chiến thứ 2".

        Một tờ báo Nhật Bản nhận xét: "Mỹ là tên khổng lồ mù quáng". Một bản tin ở Ac-hen-ti-na đã  gọi "cuộc không tập của Mỹ là hành động diệt chủng".

        Theo Oet-đơn Ây-brao, giáo sư lịch sử Viện Bách khoa Viếc-gi-ni-a thì nói:

        "Trước mắt toàn nhân loại, hình ảnh nước Mỹ thật đen tối. Bạn bè trong Hạ nghị viện Ca-na-đa đã  coi hành động này là rất xấu xa và họ đã  đồng loạt bỏ phiếu phản đối Mỹ".

        Năm tháng sẽ qua đi nhưng dấu tích trận "Điện Biên Phủ trên không" thì mãi mãi còn đó, được xếp hạng Di tích lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ:

        Tội ác hủy diệt của máy bay B52 với khu phố Khâm Thiên ngày 26 tháng 12 thuộc quận Đống Đa.

        Hồ Hữu Tiệp còn đó xác máy bay B52 bị bắn rơi ngày 27 tháng 12 thuộc quận Ba Đình.

        Dấu tích chiếc B52 đầu tiên bị quân và dân ta bắn rơi ngày 18 tháng 2 tại Phủ Lỗ huyện Sóc Sơn.

        Nơi đặt Sở chỉ huy Phòng không nhân dân của thành phố để chỉ huy công tác phòng không nhân dân và lưới lửa tầm thấp trong hai cuộc chiến tranh phá hoại tại số 4 phố YecSanh thuộc quận Hai Bà Trưng.

        Sở chỉ huy của Quân chủng Phòng không -  Không quân, trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng không - không quân quốc gia tại chùa Trầm huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây (cũ)...

        Đặc biệt, Hà Nội có Bảo tàng "Chiến thắng B52" trên phố Đội Cấn bưu tầm, lưu giữ nhiều hiện vật để giới thiệu với nhân dân Việt Nam và thế giới về Hà Nội, về Việt Nam chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền tự do độc lập thiêng liêng của mình trong đó chủ yếu giới thiệu về chiến thắng B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Bảo tàng được khai trương nhân dịp kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và đã  trở thành một điểm văn hóa du lịch lịch sử hấp dẫn không chỉ đối với người Việt Nam và cả đối với bè bạn thế giới đến Việt Nam. Ấn tượng mạnh đối với người xem là chiếc máy bay B52 được ghép bằng nhiều mảnh của xác 23 chiếc máy bay B52 bị bắn rơi trên bầu trời thủ đô ngày ấy, có sải cánh 56m và chiều dài thân 43m. Có lẽ đó là Bảo tàng duy nhất trên thế giới!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Hai, 2020, 06:01:27 am »


        Đến xem Bảo tàng "Chiến thắng B52" xin lưu ý "Nhật ký chiến thắng B52".

        Ngày 18 tháng 12:

        Chín mươi lần chiếc B52 và 163 lần chiếc máy bay chiến thuật các loại của Mỹ tập kích ba đợt vào Hà Nội. Quân và dân Hà Nội bắn rơi bảy máy bay trong đó có ba B52 - một chiếc rơi tại chỗ. 19 giờ 44 phút, Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn tên lửa 257 phóng những quả đạn đầu tiên. 20 giờ 13 phút Tiểu đoàn 59 Trung đoán 261 phóng hai quả đạn tiêu diệt một B52 - rơi xuống cánh đồng làng Chuôm, Phủ Lỗ.

        Ngày 19 tháng 12:

        Chín mươi tám lần chiếc máy bay Mỹ đánh phá các khu dân cư Gia Lâm, Bạch Mai, Mễ Trì... vào ban ngày.

        Tám mươi bảy lần chiếc B52 và 172 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Đông Anh, Yên Viên, Mễ Trì, Gia Lâm...

        Quân và dân ta bắn rơi bảy máy bay các loại: hai B52, ba chiếc F4 và một chiếc A6.

        Ngày 20 tháng 12:

        Ban ngày, 66 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá Đông Anh, Yên Viên và các sân bay Yên Bái, Hòa Lạc.

        Ban đêm 93 lần chiếc B52, 164 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá Gia Lâm, Yên Viên và nhiều địa phương khác trên miền Bắc: Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa...

        Quân và dân ta bắn rơi 13 máy bay các loại trong đó có bốn máy bay B52 (hai chiếc rơi tại chỗ), hai chiếc F4, ba chiếc A7 và hai chiếc F111.

        20 giờ 10 phút Tiểu đoàn 93 mở màn trận đánh, bắn rơi một B52 rơi xuống xã Yên Thường.

        20 giờ 34 phút, Tiểu đoàn 77 bắn rơi chiếc B52 thứ hai, rơi xuống Vạn Thắng - Ba Vì.

        Ngày 21 tháng 12:

        Ban ngày, 180 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá ga Hàng cỏ, sở Công an Hà Nội và cầu Phủ Lý (Hà Nam), thị xã Thanh Hóa.

        Ban đêm, 24 lần chiếc B52 đánh bệnh viện Bạch Mai, khu An Dương, các ga Giáp Bát, Kép, sân bay Yên Bái, cảng Hải Phòng, Cát Bi, An Lão.

        Ta bắn rơi 12 máy bay trong đó có bôn chiếc B52 (ba chiếc rơi tại chỗ), hai chiếc F4, hai chiếc A7, một chiếc A6, một chiếc F105...

        Ngày 22 tháng 12:

        Ban ngày, 56 lần chiếc máy bay chiến thuật các loại của Mỹ đánh phá Hà Nội, Hà Tây (cũ).

        Ban đêm, 33 lần chiếc B52, 30 máy bay F4 và F105, 11 máy bay F111 đánh phá Yên Viên, Giáp Bát, các sân bay Nội Bài, Yên Bái...

        Ta bắn rơi bốn máy bay trong đó có hai máy bay B52...

        Ngày 24 tháng 12:

        Ban ngày, 44 lần chiếc máy bay chiến thuật không quân Mỹ đánh phá Thái Nguyên, Hà Bắc...

        Ban đêm 33 lần chiếc B52 đánh phá Hà Nội, ga Kép, Bắc Giang và khu gang thép Thái Nguyên.

        Ta bắn rơi năm máy bay trong đó có một B52, hai chiếc F4 và hai chiếc A7.

        Ngày 26 tháng 12:

        Ban ngày, 52 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá Đông Anh, các trận địa tên lửa.

        Ban đêm, 150 lần chiếc B52, 120 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên, trong đó 66 lần chiếc đánh phá Hà Nội.

        Chúng tập trung hủy diệt quy mô lớn: rải thảm bom xuống một trăm điểm ở Hà Nội, riêng Yên Viên năm ngàn quả bom.

        Ta bắn rơi mười máy bay trong đó có tám máy bay B52 - có bốn chiếc rơi tại chỗ.

        22 giờ 29 phút Tiểu đoàn 78 bắn hạ B52 rơi xuống xã Định Công, phía nam Hà Nội. Trong vòng 17 phút từ 22 giờ 30 đến 22 giờ 47 phút bộ đội tên lửa bắn rơi thêm bốn máy bay B52.

        Ngày 27 tháng 12:

        Ban ngày, 140 lần chiếc máy bay không quân và hải quân Mỹ đánh phá Mễ Trì, Văn Điển, Đông Anh và nhiều địa điểm ở Hà Tây (cũ), Hải Phòng.

        Ban đêm, 54 lần chiếc B52 đánh phá Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm, 72 lần chiếc máy bay các loại đánh phá Hà Nội, Vĩnh Phú, Yên Bái, Hà Bắc, Hải Phòng.

        Ta bắn rơi 14 máy bay trong đó có năm máy bay B52 - hai chiếc rơi tại chỗ, năm chiếc F4, hai chiếc A7, một chiếc A6 và một máy bay lên thẳng H52.

        23 giờ, Tiểu đoàn 72 bắn rơi chiếc B52D chưa kịp cắt bom rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám Hà Nội.

        Phi công Phạm Tuân dùng MiG-21 bắn rơi một B52 trên bầu trời Sơn La1.

        Ngày 28 tháng 12:

        Ban ngày, 139 lần chiếc máy bay không quân và hải quân Mỹ đánh phá ngoại vi Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Hà... 12 lần chiếc B52 đánh phá Quảng Bình...

        Ban đêm, 110 lần chiếc B52 và máy bay chiến thuật đánh Gia Lâm, Đông Anh và nhiều tỉnh lân cận.

        Ta bắn rơi ba máy bay, trong đó có hai B52 và một F4.

        Phi công Vũ Xuân Thiều lái máy bay MiG-21 lao vào tiêu diệt một B52, Vũ Xuân Thiều anh dũng hy sinh.

        Ngày 29 tháng 12:

        Ban ngày, 36 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá Nhà máy điện Nam Ngạn, Đồng Hỷ và cây số 4 Thái Nguyên.

        Ban đêm, 60 lần chiếc đánh phá ba khu vực: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phú...

        Ta bắn rơi hai máy bay: một B52 và một F4.

        23 giờ 16 phút, Tiểu đoàn 79 bắn rơi một B52 bằng một viên đạn tên lửa.

---------------------------
        1. Nhiều thông tin của tác giả đưa ra rất khác so với đại đa số các sách báo khác (Giangtvx)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2020, 06:09:16 am »


        Ngày 30 tháng 12:

        7 giờ, tổng thống Mỹ Ních-Xơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị gặp Chính phủ ta tại Pari bàn về ký kết Hiệp định Pari.

        Trong làng hoa Ngọc Hà xưa, tại hồ Hữu Tiệp, gần đình Ngọc Hà quận Ba Đình còn một phần xác chiếc B52D bị quân và dân ta bắn vào đêm 27 tháng 12 năm 1972. Vào đêm thứ chín của chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, chúng huy động 36 máy bay B52 từ các căn cứ quân sự tại Guam và Utapao và 48 máy bay hộ tống, chia làm ba hướng: đông nam, tây bắc và tây đánh phá Hà Nội. Nhiều khu dân cư đông đúc trở thành mục tiêu đánh phá của chúng như Ngọc Hồi, Yên Sở, Văn Điển, Đông Anh. Tội ác chồng lên tội ác, những người dân thường bị chúng giết hại ngày càng nhiều. Riêng xã Văn Đức Gia Lâm đã  có 52 người bị chết, 17 người bị thương. Đêm đó nhiều B52 phải đền tội. Góp vào chiến công của Hà Nội hôm đó có Tiểu đoàn 72 tên lửa của Trung đoàn 285. Trận địa giữa cánh đồng huyện Yên Phong Bắc Ninh, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chất, đơn vị đã  phóng hai quả tên lửa nổ ở cự ly 34, 32, chụp lấy chiếc B52 đang lồng lộn trên không. Chiếc máy bay cháy như một quả cầu lửa rơi xuống quận Ba Đình như là để đền tội. Một phần chiếc máy bay rơi trên đường Hoàng Hoa Thám còn một phần rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Hai động cơ rơi nằm chình ình trong nhà bà Nguyễn Thị Nề tổ 51 Ngọc Hà.

        Có điều lý thú là, Tiểu đoàn tên lửa 72 - đơn vị bắn rơi B52D ở làng hoa Ngọc Hà thành lập ở núi rừng Yên Thế - chiến khu xưa của cụ Hoàng Hoa Thám và xác chiếc B52D tội lỗi lại rơi trên đường mang tên Hoàng Hoa Thám ở thủ đô.

        Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã  dành nhiều công sức chuyển hai động cơ chiếc B52D về trưng bày ở Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 32 năm ngày chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không".

        Nhà văn Nguyễn Tuân có mặt ở Ngọc Hà trong những ngày ác liệt ấy và đã  có bài ký hay "Cánh B52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội" rất sinh động, có đoạn:

        "Đình Hữu Tiệp, trước đây là nơi tuyển lựa chim họa mi giỏi hay, thì nay là nơi triển lãm xác đại bàng Mỹ gãy cánh. Lòng hồ con trước đình, ngoi lên một cái đầu lâu đuya-ra khổng lồ, với ký hiệu B52. Trên cái cục Mỹ to tướng chềnh ềnh trên mặt hồ đó, vươn lên một tấm biến còn ướt nước sơn viết bằng chữ ta.

        Dọc ngang cái làng hiền xưa nay chỉ chuyên một nghề lành là giồng hoa, ầm ầm tung tóe lên vô khối là những cục Mỹ giết người ấy. Đúng là thằng siêu đế quốc Mỹ đêm trước vừa bĩnh vào thôn hoa. Bà Huấn tổ hợp tác hoa Bờ Hồ nói như gỡ tay ai chịt cổ mình: "Đấy, ông xem, B52 có mảnh nào rơi đúng vào luống hoa cả làng chúng tôi đâu. Ở khôi 63, nó lại còn rơi đúng vào trước dãy cửa hố xí công cộng. Các ông ấy ở Thông tấn xã có chụp ảnh cả đấy...".

        Trước sân Trường phổ thông cấp I Ngọc Hà, trong lòng hồ xinh, nhú lên một cái đầu B52 cháy đen, trên sọ dừa vĩ đại Mỹ ấy, tiêu lên một tấm biển chưa khô nét sơn: "Bảo tồn tại chỗ". Trông cũng khá buồn cười, cái hòn non bộ Hoa Kỳ đuya-ra!".

        Chiến công của quân và dân ta trong trận "Điện Biên Phủ trên không" làm nức lòng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thất bại nhục nhã của không quân chiến lược Mỹ làm cho Nhà trắng và Lầu năm góc điên đầu. Thần tượng máy bay chiến lược của quân đội Mỹ đã  tan tành mây khói trước thiên la địa võng lưới lửa phòng không nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Thanh Tịnh, có ngay một bài thơ trào phúng sau chiến thắng, đăng báo Quân đội nhân dân ngày 7 tháng 1 năm 1973:

        Đầu sỏ "năm hai" (52) nát mặt dầy
        Đây đất Thăng Long, thăng hỏa long
        Bốn bề giăng lửa vút lên không
        Rồng xưa bay lượn ra sao nhỉ?
        Rồng mới tung trời, ó Mỹ tong!
        Băm bốn "năm hai" (52) cuối bảy hai (72)
        Xác văng tung tóe với "đầu thui"
        Siêu âm liền biến siêu... đun nước
        Cánh "pháo đài bay" hóa mảng dài
        Xác "bê" chưa thấy chiếc nào nguyên
        Chỉ thấy "phi hành" mấy chục tên
        Mặt mũi râu ria còn đủ cả
        Mặc quần áo ngủ nói như rên
        Đất đây Hà Nội lắm "Hin-tơn"
        Đại diện một bầy quỷ Ních-Xơn
        Đến lễ Nô-en không nguyện chúa
        Cứ tên tổng Ních réo luôn mồm
        Cứ đêm ta đánh sáng ngày mai
        Lại thấy mấy xâu giặc "chủ bài"
        Nào có ai ngờ xe cứu hỏa
        Bận hoài chữa cháy lũ "năm hai"
        Thằng móc trên cây, thằng dưới ao
        Đứa lê xuống rãnh, đứa chui rào,
        Tên đầy đỉa bám, tên ruồi bám
        Còn "xiếc" "năm hai" đủ kiểu nhào!
        Triển lãm nào hơn triển lãm này
        Đầu đường, cuối phố, giữa hàng cây
        Đây đuôi, đây cánh, đây buồng lái
        Đây sỏ "năm hai" nát mặt dày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2020, 06:10:11 am »


NHỮNG TÙ BINH MỸ MẶC THƯỜNG PHỤC

        Những đợt trao trả phi công tù binh Mỹ theo thỏa thuận giữa ta và Mỹ được tiến hành, phi công tù binh Mỹ ở trại giam Hỏa Lò trở về Mỹ.

        Năm 1973 theo chỉ thị của Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ, Mạc Lâm trong đoàn công tác đột xuất của Cục Tình báo quân sự vào Bộ chỉ huy Miền. Đoàn phối hợp với Phòng 2 của Bộ tư lệnh Miền, tổ chức khai thác tù binh Mỹ phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu. Lại ba lô lên vai, vào đến đất Lộc Ninh. Phòng 2 của Bộ tư lệnh Miền đóng trong một khu rừng thưa, cây cối không rậm rạp lắm. Để giữ bí mật, từ Lộc Ninh vào phải đi bộ. Lán làm việc vẫn còn là những cái lều nhỏ nửa âm nửa dương nghĩa là kiểu nhà vừa nổi vừa chìm dưới đất, được làm rải ra để tránh bom. Không khí chiến trường làm cho ông nhớ lại những năm kháng chiến chống Pháp - một mình leo đèo lội suối, ngủ hầm cơm vắt.

        Sau vài tháng công việc trên giao đã  hoàn thành, đoàn lên đường ra Hà Nội, thì Mạc Lâm được Trưởng Phòng 2 thông báo ở lại tiếp tục công tác.

        Đầu tháng 3 năm 1975, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đang ở Tây Nguyên gọi Mạc Lâm ra gấp, tham gia chiến dịch.

        Nhận lệnh là đi ngay, Mạc Lâm đi xe quân bưu rồi theo đường Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên.

        Đến Sở chỉ huy chiến dịch, Mạc Lâm đã  thấy có một đại đội thuộc Tiểu đoàn 74 trinh sát của Bộ đã có mặt hoạt động ở vùng này. Buổi chiều hôm ấy Mạc Lâm theo Hoàng Dũng - thư ký riêng của Tổng Tham mưu trưởng đến gặp Tổng Tham mưu trưởng nhận nhiệm vụ.

        Ngày 10 tháng 3 năm 1975 chiến dịch Buôn Ma Thuật bắt đầu. Ta thắng lớn bắt được rất nhiều tù, hàng binh. Mạc Lâm được lệnh phải khai thác gấp những tù, hàng binh này.

        Phó Tổng Tham mưu trưởng Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền và Thiếu tướng Vũ Lăng, gặp riêng và nhắc Mạc Lâm khai thác nhanh để báo cáo phục vụ cho chiến dịch. Những vấn đề chính cần tập trung khai thác lúc này là: Người Mỹ đang ở miền Nam làm gì? Dự kiến về khả năng can thiệp của Mỹ? Tình hình ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu về các mặt?...

        Tù binh đông lắm, tản mát khắp nơi rất khó khăn trong việc đăng ký. Những người Mỹ mặc thường phục được tách riêng trong một khu rừng rậm, cạnh một dòng suối nhỏ. Khu vực Bộ chỉ huy chiến dịch công việc bận rộn phải hỏi cung suốt ngày đêm. Vào ban đêm, dưới ánh đèn bão cũng chỉ đủ trông rõ mặt người. Mạc Lâm mải mê với công việc, thỉnh thoảng nhờ người lính gác đứng bên cạnh châm cho điếu thuốc lá.

        Những người Mỹ mặc thường phục là nhân viên lãnh sự quán Mỹ, có người vừa lột quân phục khoác áo dân sự tiếp tục công việc giúp chính quyền Thiệu kéo dài chiến tranh Việt Nam. Những tin tức quan trọng ông nắm được sẽ báo cáo lên sỏ chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng: Quân lực Việt Nam cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ trang bị nhiều vũ khí đạn được để tiếp tục chống lại nhân dân ta. Nhưng vì là một đội quân đánh thuê chuyên dựa vào sức mạnh vũ khí Mỹ nên từ khi Mỹ rút khỏi miền Nam thì tinh thần rệu rã. Người Mỹ đã   buộc phải ra đi chắc chắn sẽ không dám trở lại trong hoàn cảnh khó khăn của quân đội ngụy hiện nay. Họ khẳng định: "Người Mỹ đã  quyết tâm ra đi bằng mọi giá, chắc chắn sẽ không quay trở lại trong giờ phút tối tăm này. Xin cam đoan với các ông như vậy! Tình huống các ông đánh vào Sài Gòn cũng thế! "Phi Mỹ hóa chiến tranh" là phải thế.

        Cùng với mấy người Mỹ mặc thường phục có một người Việt Nam. Mạc Lâm giao cho người Việt Nam này giúp việc lấy cơm mang nước phục vụ mấy người Mỹ. Ông bảo người giúp việc:

        - Anh chỉ được mang cơm nước cho họ sau khi tôi hỏi cung xong.

        - Thưa ngài, vâng ạ. - Nói rồi anh ta cùng ngồi nghe Mạc Lâm hỏi cung.

        Giờ nghỉ, anh ta đến chắp tay cung kính nói giọng năn nỉ với Mạc Lâm:

        - Ngửi mùi thuốc lá, con thèm quá. Con xin ngài một điếu thuốc có được không ạ?

        Mạc Lâm cười độ lượng, đẩy bao thuốc về phía anh ta:

        - Anh cầm cả đi.

        Nghe anh ta nói giọng Sơn Tây, Mạc Lâm hỏi:

        - Anh có phải người gốc Sơn Tây không?

        Anh ta hoạt bát hẳn lên:

        - Thưa, sao ngài biết? Đúng con gốc ngoài Bắc - ở Sơn Tây, theo gia đình vào Nam từ năm 1954.

        Mạc Lâm cười vui, rít một hơi thuốc, sảng khoái, giọng chân tình:

        - Biết chứ. Tôi người Nghệ An nhưng lấy vợ cũng là người Sơn Tây quê gốc nhà cậu đấy.

        Thấy Mạc Lâm cỏi mở dễ gần, anh ta nói nhanh:

        - Thưa ngài, con thực sự cảm phục ngài. Mấy hôm nay ngồi nghe, ngài hỏi những chuyện lớn cả. Chắc là ngài ở nơi Bộ chỉ huy?

        Mạc Lâm nghĩ nhanh, thằng này không chỉ biết đưa cơm nước cho bọn Mỹ! Ông nghe anh ta nói tiếp:

        - Thưa ngài, những điều ngài hỏi con biết.

        Thì ra, anh ta cũng là tình báo Mỹ. Anh ta vừa từ Sài Gòn lên Tây Nguyên, đến Buôn Ma Thuật kiểm tra tình hình. Theo ý kiến của quân đội Sài Gòn thì trong năm 1975, Việt cộng chỉ có thể đánh một vài điểm nhỏ chưa có khả năng đánh lớn như năm 1972. Cho nên khi ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột anh ta bị bắt cùng với mấy nhân viên lãnh sự quán Mỹ. Nhiệm vụ chính của anh ta là theo dõi về mạng lưới tình báo. Qua anh ta, Mạc Lâm biết được mạng lưới tình báo địch cài cắm trong vùng ta mới giải phóng để có kế hoạch bóc dỡ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2020, 06:10:54 am »


        Mạc Lâm cùng với người bảo vệ trở lại Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên vào khoảng hai, ba giờ sáng. Ông được báo cáo trong cuộc hội ý tác chiến, xong lại đi ngay khai thác tù, hàng binh ngụy. Mùa khô Tây Nguyên không mưa. Những chiếc lán được dựng vội che sương gió, tù, hàng binh ngụy thì đông. Những người lính thất trận được bộ đội ta đối xử tử tế, tự nguyện khai báo. Nhiều sĩ quan cấp tá trong đó có đại tá sư trưởng ngụy được tập trung gấp. Qua những tù, hàng binh cấp tá ta biết thêm tình hình quân đội ngụy. Những câu hỏi luôn đặt ra trong đầu cần được đối chiếu để làm rõ:

        - Khả năng đối phó của chính quyền Thiệu khi Kon Turn, Plây cu bị ta đánh mạnh? Nếu mất Tây Nguyên thì quân ngụy sẽ phản ứng như thế nào? Khả năng quân ngụy đối phó như thế nào nếu ta tiếp tục tiến công nhiều nơi khác? Cách sử dụng lực lượng dù, thủy quân lục chiến, lính biệt động đang tập trung ở Sài Gòn? Khả năng ngụy phản kích lên Tây Nguyên?...

        Những tin tức mà Mạc Lâm khai thác được qua các chiến dịch có giá trị giúp cho các nhà hoạch định chiến lược suy nghĩ đề ra quyết sách đúng đắn. Trong trận Buôn Ma Thuật, những tin tức Mạc Lâm khai thác từ đại tá Vũ Thế Quang giúp Tổng Tham mưu trưởng rất nhiều. Sau này, trong tập hồi ký "Đại thắng mùa xuân" Đại tướng Văn Tiến Dũng ghi lại kết quả khai thác tin tức của sư đoàn phó sư đoàn 23 ngụy:

        "Chúng tôi chỉ thị phải hỏi cung ngay hai tên đại tá ngụy để nắm thêm tình hình kịp cho bước phát triển tới. Đồng chí thiếu tá Mạc Lâm, người có nhiều kinh nghiệm hỏi cung của Cục Quân báo được cử đi trực tiếp khai thác tên đại tá sư đoàn phó Vũ Thế Quang.

        Quang khai:

        - Việc các ông đánh Buôn Ma Thuột nằm ngoài dự kiến của Bộ Tổng tham mưu chúng tôi và cả của Mỹ nữa. Sau trận Phước Long, chúng tôi nhận định: trong thời gian tới các ông có thể đánh một số thị xã nhỏ như An Lộc, Gia Nghĩa còn thị xã lớn như Buôn Ma Thuột, Plây cu, Tây Ninh chưa đánh được. Khi Buôn Ma Thuật bị tiến công, chúng tôi cho rằng đây chỉ là nghi binh để đánh Gia Nghĩa.

        Muốn phòng thủ quân khu 2 hiện nay, Sài Gòn phải giữ Nha Trang, ở đó có cơ sở thứ hai của quân đoàn 2, ban chỉ huy tiếp vận 5, sân bay, hải cảng. Phải có một trung đoàn giữ đèo Ma Đrắc, một trung đoàn giũ Đèo Cả trở vào, một trung đoàn phòng thủ Nha Trang. Nha Trang, Phan Thiết quan trọng hơn Quy Nhơn. Quy Nhơn chỉ quan trọng khi còn Plây cu và Kon Turn. Sư đoàn 23 có thể thành lập lại được nhưng sau ba tháng mới được 50% số quân.

        Nếu các ông đánh Nha Trang bây giờ thì thuận lợi vì đây đang hoang mang. Chỉ cần chú ý hải pháo (chủ yếu pháo 75mm còn pháo 122mm thì rất ít). Không quân ở đây hoạt động dễ dàng hơn. Nhưng số lượng hoạt động không nhiều, mỗi ngày chỉ có 30 lần chiếc máy bay F5 cho toàn miền, còn là máy bay A37. Tiếp tế đường biển dễ hơn, song tinh thần binh sĩ suy sụp và thế phòng thủ chưa hình thành. Bây giờ Sài Gòn chỉ dựa vào quân dù và thủy quân lục chiến. Mà lính dù thì thiếu tin tưởng. Lúc này đánh thiệt hại quân dù hoặc thủy quân lục chiến là đánh sụp tinh thần quân lực Sài Gòn.

        Biết Quang từng làm thị trưởng Cam Ranh, ta hỏi tình hình phòng thủ địch ở cảng này. Quang khai:

        - Cam Ranh chẳng có phòng thủ gì cả. Chỉ có vẻ mạnh bề ngoài thôi. Quân đoàn làm nhà toàn hướng ra biển để hóng mát. Với cách đánh của các ông đánh là được ngay. Cam Ranh muốn tổ chức phòng thủ ít nhất cũng mất ba tháng. Mà chưa chắc đã  tổ chức được vì thiếu nhiều thứ. Từ khi Mỹ rút, túi đựng cát, dây kẽm gai, xi măng, xe cộ đều thiếu. Tình hình này thì dễ vỡ lắm!

        Qua khai thác tù, hàng binh, ta nắm được tình hình và hiểu rõ địch hơn để kịp thời chỉ đạo mặt trận.

        Sáng 11 tháng 3 tôi gửi bức thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp:

        "Gửi đồng chí Chiến,

        1. Ta đã  hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuật. Ta đã  chiếm giữ các mục tiêu lớn như sư đoàn bộ 23, tiểu khu Đắc Lắc, khu thiết giáp và khu sân bay thị xã . Đang truy lùng tàn quân lẩn trốn trong thị xã . Sơ bộ mới biết: bắt một ngàn tù binh. Thu một số lượng lớn chiến lợi phẩm.

        Ta đã  làm chủ từ Đức Lập đến Đắc Soong thu mười hai pháo và gần một trăm tấn đạn pháo.

        2. Đang tiếp tục phát triển để tiêu diệt các mục tiêu xung quanh thị xã : căn cứ trung đoàn 45, hậu cứ trung đoàn 53, Buôn Hồ, Bản Đôn và tăng thêm lực lượng để chiếm giữ vững chắc sân bay Hòa Bình.

        3. Ngày 11 tháng 3, ủy ban quân quản Đắc Lắc sẽ triển khai công tác. Đề nghị đề bạt quân hàm đại tá cho đồng chí Y Blốc và cử làm Chủ tịch quân quản.

        4. Căn cứ vào tình hình: địch ở Tây Nguyên tinh thần sa sút, khả năng yếu, cô lập, xét đến lực lượng ta còn sung sức và phấn khởi, hậu cần có khả năng đảm bảo và thời tiết còn thuận lợi, chúng tôi có ý định sơ bộ...".

        Nhiệm vụ hỏi cung tù hàng binh ngụy vẫn được tiếp tục. Mạc Lâm đang hỏi cung thì được tin địch tháo chạy khỏi Plây cu, Kon Turn, Mạc Lâm đặt nhiều câu hỏi đối với tù hàng binh là sĩ quan ngụy: Từ Kon Turn, Plây cu địch rút theo đường nào? Trường hợp Huế, Đà Nẵng, Nha Trang bị tấn công thì quân ngụy sẽ đối phó như thế nào? Khả năng Mỹ có thể can thiệp bằng không quân và lực lượng đặc nhiệm cứu Thiệu?

        Tất cả bọn sĩ quan ngụy đều cùng có chung một câu trả lời:

        "Lúc này người cầm quân không ai dám đưa tổng dự bị bao gồm quân dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến ra khỏi Sài Gòn. Quân ngụy sẽ phải rút một số căn cứ tập trung cho một số trọng điểm như Đà Nẵng, Nha Trang. Khả năng Mỹ can thiệp trở lại là không có. Chắc chắn như vậy!".

        Mạc Lâm còn trở lại với đám tù binh này nhiều lần nữa để tiếp tục khai thác tin tức cần thiết phục vụ chiến dịch ngày càng mở rộng. Xong chiến dịch Tây Nguyên, Mạc Lâm cùng sở chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng tiến về Sài Gòn!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2020, 06:12:09 am »


CHẠM TRÁN PHẠM XUÂN ẨN

        Ngày 30 tháng 4 Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đóng cách Sài Gòn 10km, đến ngày 2 tháng 5 chuyển hẳn vào Tân Sơn Nhất. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phòng 2 Quân báo Miền cùng với Mạc Lâm hỏi cung các tướng tá ngụy chuẩn bị tư liệu cho Bộ Quốc phòng tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Có một công việc mà Mạc Lâm cùng với Ngọc Lân - quân báo Miền phải làm gấp là tìm cho được những tình báo Mỹ - ngụy còn lại ở miền Nam, sưu tầm tài liệu về việc thăm dò khai thác dầu khí vùng thềm lục địa phía Nam. Riêng Mạc Lâm - Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ đặc biệt: đi ngay lên Đà Lạt đến Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân nguyên tử tìm hiểu về tám thanh Uranium!

        Đã  nhiều lần do yêu cầu nghề nghiệp, Mạc Lâm trực tiếp báo cáo công tác với Tổng Tham mưu trưởng trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tây Nguyên... Với Thượng tướng Văn Tiến Dũng vừa là thủ trưởng cũng là chỗ thân tình. Có lần Tổng Tham mưu trưởng bận còn yêu cầu Mạc Lâm đến nhà riêng để báo cáo tin tức khai thác từ phi công tù binh Mỹ. Có khi bận quá, Mạc Lâm không kịp cắt tóc, nhìn đầu Mạc Lâm rối bù, Văn Tiên Dũng gọi đồng chí Sáng - bảo vệ cắt tóc ngay cho Mạc Lâm. Từ chiến dịch Tây Nguyên đến nay Mạc Lâm thường xuyên công tác tại Bộ chỉ huy chiến dịch. Gần Tổng Tham mưu trưởng hơn, Mạc Lâm càng thấy kính trọng tài năng và quý mến tướng Dũng - một trong những nhà lãnh đạo tài ba của quân đội ta. Những ngày cuối của cuộc chiến tranh, công tác cách mạng biết bao nhiêu công việc phải làm. Đối với những chiến sĩ tình báo công việc càng nặng nề hơn. Cả bộ máy ngụy quân ngụy quyển sụp đổ nhanh chóng và như thế thì không phải ai cũng chạy kịp đó là chưa nói đến lực lượng địch cài lại phá hoại ta, cho nên công tác tình báo phải nỗ lực hơn nhiều, làm việc liên miên không còn thời gian nghỉ ngơi. Mạc Lâm nhớ lại, 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3 ta làm chủ Buôn Ma Thuột liền được Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ trực tiếp hỏi cung đại tá sư đoàn phó sư đoàn 23 Vũ Thế Quang.

        Kẻ thù thất bại nhưng chúng không cam chịu, vẫn tìm cách chống phá cách mạng, việc truy tìm ngay những cơ sở địch còn cài cắm lại là hết sức cần thiết. Cùng một lúc Mạc Lâm phải đảm nhiệm nhiều trọng trách nhưng ông rất vui nghĩ đến chiến thắng huy hoàng của toàn dân tộc. Tất cả như trong một giấc mơ, của từng gia đình, của cả đất nước không kể là người bên này hay người phía bên kia chiến tuyến.

        Theo một nguồn tin tình báo, có Phạm Xuân Ẩn -  một nhà báo Mỹ, rất có thể là tình báo Mỹ nấp dưới danh nghĩa nhà báo, đang ở lại tại khách sạn Continental. Nhiệm vụ của Mạc Lâm là phải nhanh chóng tìm hiểu về nhân vật này? Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo Mỹ có uy tín tại sao lại không di tản theo Mỹ? Anh ta ở lại đây nhằm mục đích gì? Hay Phạm Xuân Ẩn là người của ta? Có thể thế không!... Nhiều câu hỏi đặt ra, rồi Mạc Lâm tìm câu trả lời và phác thảo một kế hoạch tiếp cận Phạm Xuân Ẩn. Phải giải mã cho được khi tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn.

        Ông nhớ mới đây làm việc với Nguyễn Thành Trung.

        Sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975 trong khi Bộ tư lệnh tiền phương đang khẩn trương làm việc thì được tin một sĩ quan yêu nước lái máy bay F5E của không quân Mỹ ném bom Dinh Độc lập. Ném bom xong, trung úy phi công Nguyễn Thành Trung đưa máy bay ra vùng giải phóng và đã  hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Tướng Văn Tiến Dũng ra lệnh đưa Nguyễn Thành Trung về Lộc Ninh gần Sở chỉ huy tiền phương của Bộ và giao cho Mạc Lâm trực tiếp làm việc để nắm thêm tình hình mọi mặt của quân ngụy để chuẩn bị cho chiên dịch tiến công vào Sài Gòn sắp tới.

        Nguyễn Thành Trung trẻ khỏe, quê ở tỉnh Bến Tre, là con trai của một đồng chí huyện ủy viên đã   hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Thành Trung là đảng viên được tổ chức đưa vào hoạt động từ lâu trong lực lượng không quân địch. Câu chuyện thân tình cởi mở, Nguyễn Thành Trung cung cấp rất nhiêu tin tức quan trọng. Không quân ngụy sau khi Mỹ rút khả năng chiến đấu rất hạn chế. Hiện nay chỉ còn 120 chiếc máy bay A37 và khoảng trên dưới 70 chiếc F5, khả năng xuất kích chỉ được khoảng hai phần ba. Huy động lớn nhất đi đánh phá cũng chỉ được 120 lần chiếc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2020, 06:12:52 am »


        Điều quan tâm của sở chỉ huy tiền phương của Bộ trong kế hoạch đánh vào Sài Gòn là: phải làm tê liệt hoạt động của các sân bay và chế áp có hiệu quả các trận địa pháo lớn của địch.

        Không quân Mỹ ngụy ở miền Nam có nhiều sân bay nhưng quan trọng nhất là hai sân bay lớn: Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Muốn làm tê liệt hai sân bay cũng như để chế áp phi pháo địch, theo dự kiến của ta là phải có khoảng mười một vạn viên đạn đại bác cỡ lớn từ 105mm đến 175mm. Nhưng hiện tại ta mới chỉ có sáu vạn viên. Để có đủ số đạn pháo lớn thì phải vận chuyển trong khoảng nửa tháng nữa - như thế là chậm so với kế hoạch. Có nhất thiết phải chuyển tiếp năm vạn viên đạn pháo lớn nữa không? Mạc Lâm suy nghĩ, vấn đề là tìm ra cách đánh vào hai sân bay lớn. Qua khai thác tù binh cũng như nhiều năm làm việc phục vụ các chiên dịch lớn như Đường 9 - Khe Sanh, chiến dịch Quảng Trị, làm việc với các đồng chí bên binh chủng đặc công, Mạc Lâm nêu vấn đề cùng Nguyễn Thành Trung:

        - Vấn đề đảm bảo an toàn cho máy bay cất cánh thế nào?

        - Hàng ngày, ở các sân bay có đội bảo vệ kiểm tra thường xuyên. Nếu có hiện tượng lạ chúng phải dùng máy dò mìn quét dọn hai ba tiếng đồng hồ trước khi cho máy bay cất cánh. - Nguyễn Thành Trung trả lời.

        Mạc Lâm à lên thành tiếng rồi đưa ra phương án:

        - Để làm tê liệt sân bay của địch không cần phải bắn nhiều đạn pháo mà chỉ cần, mỗi ngày bắn vào sân bay bôn đến năm lần. Buổi sáng bắn vào 5 giờ, 9 giờ, 11 giờ... chẳng hạn. Mỗi lần chỉ cần bắn mươi mười lăm viên vào đường băng máy bay lên xuống là làm cho chúng không thể cất cánh được rồi.

        - Đúng, bác nói đúng. - Nguyễn Thành Trung ngay từ đầu đã  gọi Mạc Lâm bằng bác xưng cháu. Chắc là Nguyễn Thành Trung thấy Mạc Lâm tóc bạc lại từ Sở chỉ huy phái đến - Đúng là nếu đường băng bị đạn ta pháo kích, tụi bảo vệ sân bay phải làm việc hai ba tiếng đồng hồ mới dám cho máy bay cất cánh. Ta bắn pháo lớn kiểu cầm canh vào những giờ đó vừa tiết kiệm đạn pháo lớn vừa khống chẽ toàn bộ máy bay lên xuống. Ta dành pháo chẽ áp các cụm pháo lớn của địch.

        Mạc Lâm rất vui vì ý kiến của mình được Nguyễn Thành Trung ủng hộ sẽ có tác dụng lớn là không phải mất thời gian chuyển thêm đạn pháo. Những điều khai thác được từ Nguyễn Thành Trung, Mạc Lâm trực tiếp báo cáo với Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh Văn Tiến Dũng. Sau đó Nguyễn Thành Trung được đưa ra ngoài tổ chức huấn luyện phi công làm nên chiến công vang dội: 15 giờ 40 phút ngày 28 tháng 4 biên đội năm chiếc A37 do Nguyễn Thành Trung dẫn đường cất cánh từ sân bay Thành Sơn ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm hết sức quan trọng có tác dụng lớn đến diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trận ném bom của biên đội Nguyễn Thành Trung làm tê liệt hoàn toàn sân bay lớn nhất Sài Gòn, đánh một đòn cân não vào tinh thần hoang mang, rệu rã của quân đội Sài Gòn và những tham vọng cuối cùng của Mỹ.

        Vào khoảng 9 giờ sáng, Mạc Lâm cùng với một cán bộ tình báo của Miền đến khách sạn Continental. Phạm Xuân Ẩn là nhà báo hay là nhà tình báo? Điều đó làm cho Mạc Lâm trăn trở từ khi biết tin. Gặp nhà báo mình phải lịch sự, cẩn thận, tất nhiên là với tư thế của người chiến thắng – nghĩ thế, Mạc Lâm sửa lại áo, vuốt lại mái tóc trước khi gõ cửa.

        Phạm Xuân Ẩn ra mở cửa mời khách.

        Mạc Lâm hơi sững lại, không như những điều mình nghĩ về Ẩn. Phạm Xuân Ẩn không to cao, trắng trẻo, mà lại gầy, nước da đen, cặp mắt linh lợi trên tay điếu thuốc đang hút dở. Phạm Xuân Ẩn nói tiếng miền Nam:

        - Mòi các ngài vào.

        Nhìn nhanh bao quát căn phòng, Mạc Lâm nhìn Phạm Xuân Ẩn, rồi tự giói thiệu:

        - Tôi là Mạc Lâm, cán bộ của Viện Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam gặp nhà báo để được biết thêm về giai đoạn cuối cùng người Mỹ ở Việt Nam nhất là cuộc di tản vừa qua?

        Phạm Xuân An nhìn Mạc Lâm nói nhỏ:

        - Tôi sẵn sàng kể những điều tôi biết với tư cách một nhà báo. Còn những nội dung khác xin phép ông buổi chiều tôi xin kể tiếp.

        Phạm Xuân Ẩn không tỏ ra lúng túng như một vài người của chế độ cũ vừa gặp người của cách mạng. Anh ta tự nhiên, thân tình, gọi cà phê mời khách rồi vừa hút thuốc vừa kể chuyện về người Mỹ ở Sài Gòn những ngày trước 30 tháng 4. Những gì Mạc Lâm cần biết đã  được giải đáp. Khoảng hơn 11 giờ, khách ra về, Phạm Xuân Ẩn hẹn chiều làm việc tiếp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2020, 06:24:27 am »

 
        Ra về Mạc Lâm thấy bằng lòng với buổi gặp nhà báo Mỹ. Anh ta biết nhiều chuyện, kể tỉ mỉ nhiều điều Mạc Lâm chưa hề biết. Có thể anh ta là một nhà báo thành thạo Sài Gòn?

        Ăn cơm trưa xong, Mạc Lâm định ngủ một giấc chiều làm việc tiếp thì có điện thoại. Đầu dây bên kia từ Hà Nội của Cục Quân báo cho biết:

        - Phạm Xuân Ẩn là người của ta đang chờ nhận nhiệm vụ.

        Trong những ngày diễn ra cuộc tiến công và nổi dậy, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, mạng lưới tình báo của ta vẫn tiếp tục hoạt động bí mật.

        Phạm Xuân Ẩn trong những ngày cuối cùng của chính thể Việt Nam cộng hòa ông làm việc tại khách sạn Continental cũng là do sắp xếp của tổ chức chờ nhận nhiệm vụ mới đã  được Giáo sư nhà sử học Mỹ La-ry Bơ-men - tác giả sách "Điệp viên hoàn hảo" nói khá rõ:

        "Nhưng ông (Phạm Xuân Ẩn) đã  được cho biết riêng về một thực tế rằng, những người cộng sản đã   xác định ba nơi an toàn lúc này, đó lại đại sứ quán Pháp, bệnh viện Grall và khách sạn Continental của Pháp. Trong túi Phạm Xuân Ẩn có đầy những chìa khóa mà các bạn đồng nghiệp khi ra đi để lại. Ông quyết định rằng tốt nhất là cùng mẹ đến ở tại phòng số 407 của Bob Shaplen tại Khách sạn Continental".

        Giáo sư nhà sử học, tác giả "Điệp viên hoàn hảo" cũng đã  trực tiếp hỏi những nhà lãnh đạo Việt Nam để hiểu lý do tại sao Phạm Xuân Ân không về Mỹ cùng với báo của mình:

        "Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn không hề biết, đó là vào thời điểm ấy đang có một sự cân nhắc rất nghiêm túc của Quân ủy Trung ương thuộc Bộ Chính trị về việc có nên để cho ông tiếp tục công tác tình báo của mình tại Hoa Kỳ hay không. Chính Đại tướng Văn Tiến Dũng cuối cùng đã  quyết định nên để Phạm Xuân Ân ở lại Việt Nam - "Nếu Phạm Xuân Ẩn tiếp tục công tác đó chắc chắn ông ấy sẽ thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị cho đất nước. Tuy nhiên sớm muộn gì thì ông ấy cũng bị lộ ở nước ngoài và như vậy thì sự tổn thất sẽ là rất lớn"... Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục để ông Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo ở nước ngoài, ông Mai Chí Thọ nói: "Về mặt nghiệp vụ mà nói, thì đó là một ý tưởng hay. Vỏ bọc vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy lại được người Mỹ tin cậy. Bản thân ông ấy cũng đã  chuẩn bị ra đi và sẵn sàng ra đi. Nhưng đồng thời cũng có những ý kiến ngược lại rằng về mặt nghiệp vụ, Phạm Xuân Ẩn đã  sẵn sàng, nhưng còn các điều kiện khác nữa. Ông ấy đã   làm việc quá nhiều rồi".

        Phạm Xuân Ẩn tên thật là Trần Văn Trung sinh năm 1927, quê thị xã Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, cán bộ tình báo thuộc Đoàn 22. Ông nhập ngũ tháng 12 năm 1952, trước khi tham gia công tác tình báo, Phạm Xuân Ẩn hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước Sài Gòn. Từ năm 1952 đến năm 1975, hoạt động tình báo trong lòng địch. Suốt 23 năm liên tục, bền bỉ hoạt động, mưu trí sáng tạo khéo che mắt địch, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị chiến lược giúp trên chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Ngày 15 tháng 11 năm 1976 Phạm Xuân Ẩn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Nhớ Phạm Xuân Ẩn và những người đồng đội, đại tá Phan Mạc Lâm bồi hồi xúc động:

        "Đồng đội Cục Quân báo rất nhiều, với những ký ức không bao giờ phai mờ. Rất tiếc, nay tuổi già sức yếu, khó đến thăm nhau được, người còn người mất thương lắm.

        Hàng năm, cơ quan tổ chức gặp mặt nhân ngày truyền thống, đồng đội gặp nhau mừng chảy nước mắt. Có trường hợp đồng đội qua đời mà mình không hay biết, xót xa vô cùng. Anh Lê Quang Vũ, Cao Pha, Hai Nhã, Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Ba Quốc, Ngọc Hồi, Nguyễn Thanh, Kim Hùng, Ngọc Hiền, Đỗ Đức Anh... là những người đồng đội thân thiết đã  vĩnh viễn ra đi... Tôi đã  khóc nhiều khi đồng đội đi dần, đi dần...".

        
MỤC LỤC

        * Lời giới thiệu
        - Hỏi cung tướng Đờ Cát
        - Vị khách không mời đầu tiên
        - Cơn ác mộng của phi công vũ trụ
        - Người hùng Mỹ cay đắng
        - Phi công cứu nạn gặp nạn
        - Mạc Lâm trong con mắt phi công Mỹ
        - Người phi công Mỹ gốc Thụy Sỹ
        - Đèn Hà Nội vẫn rực sáng
        - Tham vọng của Mắc-na-ma-ra thành mây khói
        - Lính cậu cũng không thoát chết
        - Tìm cách diệt MiG bị MiG diệt
        - Tan xác "cánh cụp cánh xòe"
        - Hạm đội 7 hết "làm mưa làm gió"
        - Tử địa Hàm Rồng
        - MiG - đối thủ đáng gờm của phi công Mỹ
        - SAM 3 - "khắc tinh" của B52
        - Những lời tiên tri
        - Trận "Điện Biên Phủ trên không"
        - Những tù binh Mỹ mặc thường phục
        - Chạm trán Phạm Xuân Ẩn

HẾT
       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM