Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:24:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà tình báo và những phi công tù binh  (Đọc 7995 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 07:15:33 am »

        
ĐÈN HÀ NỘI VẪN RỰC SÁNG

        Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó Hà Nội là một mục tiêu trọng điểm, chúng ảo tưởng sẽ gây sức ép với ta để giải quyết vấn đề Việt Nam trong hai năm 1967-1968. Ngày 8 tháng 2 năm 1967, tổng thống Mỹ gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa thăm dò vừa rêu rao tìm kiếm hòa bình cốt là để xoa dịu làn sóng chống Mỹ xâm lược Việt Nam ngày càng tăng ở nước Mỹ và cả thế giới. Một tuần sau, ngày 15 tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời tổng thống Mỹ. Người vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của chính quyền Mỹ, yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam và ngừng ngay việc ném bom đánh phá miền Bắc.

        Từ ngày 8 tháng 4 năm 1967, Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ đã vạch kế hoạch đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ, giao cho các tàu sân bay thực hiện. Chúng âm mưu triệt phá nguồn điện duy nhất của Hà Nội. Đây là một kế hoạch mà đích thân tổng thống Giôn-xơn phê chuẩn vào ngày 16 tháng 5 năm 1967. Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương giao cho lực lượng đặc nhiệm 77 mà chủ yếu là liên đội máy bay trên tàu sân bay Bô-nom Ri-sớc thực hiện. Để triệt phá nguồn cung cấp điện duy nhất của Hà Nội, Mỹ sử dụng loại vũ khí mới là bom điểu khiển bằng vô tuyến truyền hình (bom Walleye) - vũ khí này mới thử nghiệm thành công trong tháng 3, mỗi quả nặng 1.000 bảng Anh (453kg) mà mỗi máy bay cường kích A4E chỉ mang được một quả. Bom Walleye có xác suất trúng đích khá cao. Nguyên lý cấu tạo khá đặc biệt so với các loại bom thông thường: đầu quả bom gắn máy ảnh và hệ thống điều chỉnh cho bom rơi đúng mục tiêu theo ảnh chuẩn đã chụp khi trinh sát.

        Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, quân dân Hà Nội triển khai một kế hoạch bảo vệ nguồn sáng thủ đô -  niềm tin của cả nước. Lực lượng bảo vệ nhà máy điện được tăng cường. Ngoài lực lượng của Sư đoàn phòng không Hà Nội còn có lực lượng của hai trung đoàn bạn tổng số lên tới 18 đại đội pháo 57mm, ba đại đội pháo tự hành, một số phân đội súng 12,7mm, 12,5mm, và pháo phòng không 37mm trên các tàu hải quân neo đậu ở sông Hồng.

        Sáng 19 tháng 5, cán bộ và chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân vui mừng được đón tám lẵng hoa Bác tặng cho các đơn vị lập công xuất sắc. Buổi chiều hôm ấy, 14 giờ 25 phút lực lượng đặc nhiệm 77 của Mỹ đã huy động máy bay đánh phá Nhà máy điện Hà Nội. Chúng sử dụng hai mươi lần chiếc gồm nhiều loại máy bay: A4, F4, F8 và A6 đánh các trận địa pháo vòng ngoài để cho hai chiếc F4E vào phóng bom điều khiển bằng vô tuyến truyền hình. Trước sức đánh trả mãnh liệt của lưới lửa phòng không, bom đạn Mỹ bị bật ra ngoài. Trận đánh sắp kết thúc, một chiếc máy bay trinh sát A3J bay thẳng vào nhà máy. Các trận địa phòng không đã nổ súng mãnh liệt, chiếc A3J trúng đạn bốc cháy rơi ngay trên đường phố Hà Nội - con phố mang tên người chiến sĩ yêu nước chống Pháp - Lê Trực. Đây là lần đầu tiên máy bay phản lực ném bom bị tan xác trên đường phố, phi công Mỹ bị quân và dân thủ đô bắt sống làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ phòng không Hà Nội. Trận đánh đã đi vào ký ức của nhiều cán bộ và chiến sĩ Quân chủng Phòng không - không quân. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng nhớ lại:

        "Buổi chiều, máy bay của hải quân địch tập trung đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ. Trên vùng trời Hồ Tây, bọn A4E quần đảo, lồng lộn tìm cơ hội phóng bom vô tuyến vào nhà máy, nhưng bị lưới lửa phòng không bắn rát, không thực hiện được ý đồ. Trên trận địa ôm sát nhà máy điện, đại đội trưởng Đại đội 1, Anh hùng Nguyễn Huy Cảnh tỉnh táo bỏ qua bọn F8 nghi binh, chỉ huy đơn vị tập trung diệt bọn bổ nhào khiến bom địch chệch xa ra ngoài. Các trung đoàn phòng không phối hợp chặt chẽ đánh tan hai đợt công kích liên tục vào nhà máy điện. Biết không thể đánh chính diện được, địch dùng thủ đoạn đánh lén. Trong lúc bọn F8 lượn vòng phía tây nam hòng thu hút sự chú ý của ta, thì một chiếc A3J là thấp theo trục sông Hồng định giở trò cắn trộm, lập tức bị lưới lửa của Đại đội 1 quật thẳng vào mặt. Chiếc máy bay bị trọng thương đâm đầu xuống phố Lê Trực. Tin máy bay địch rơi trên đường phố Hà Nội làm không khí trong Sở chỉ huy sôi động hẳn lên. Đây là trường hợp đặc biệt chưa từng xảy ra bao giờ ở thủ đô. Thực ra, ngày 12 tháng 6 năm 1966 cũng đã có một chiếc rơi ở Hòa Mục, nhưng đó là một chiếc không người lái, lại rơi ở ngoại thành. Còn đây là chiếc phản lực ném bom. Ở Sở chỉ huy rất nóng ruột về tên giặc lái. Nó nhảy dù ra được hay chết trong máy bay? Bắn rơi tại chỗ một máy bay địch đã là quý rồi, nhưng bắt được giặc lái thì ý nghĩa càng lớn hơn. Có giặc lái, tối nay nhất định chúng ta sẽ tổ chức họp báo... Khoảng nửa giờ sau, có tin chính thức báo về : hai giặc lái đã bị bắt sống. Một tên rơi xuống chuồng gà số nhà 71, một tên rơi xuống ngõ 124 cùng ở phố Thụy Khuê".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 07:16:06 am »

     
        Ngày 19 tháng 5 năm 1967 là một ngày thắng lợi lớn của quân và dân Hà Nội - mười máy bay Mỹ bị bắn rơi, Nhà máy điện Yên Phụ được bảo vệ an toàn. Điện Hà Nội vẫn sáng làm cho Lầu năm góc và Nhà trắng điên đầu. Chúng lại tiếp tục đánh phá

        Nhà máy điện Yên Phụ. Ngày 10 tháng 6 các tốp máy bay hải quân Mỹ thay nhau đánh phá nhà máy điện bằng bom điểu khiển vô tuyến. Nhưng lưới lửa phòng không khiến cho máy bay Mỹ không thể vào gần để phóng bom chính xác. Sau đợt này tổng thống Mỹ ra lệnh tạm ngừng ném bom khu vực Hà Nội trong bán kính 10 dặm.

        Ngày 26 tháng 10 năm 1967 chúng lại tổ chức đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ. 11 giờ 20 phút, hai mươi lần chiếc với đủ các loại máy bay, đặc biệt lần này Mỹ sử dụng 12 chiếc A4C phóng 12 quả bom Walleye. Trận chiến đấu hết sức dữ dội. Bom Mỹ rơi xuống cả một vùng rộng quanh nhà máy điện. Cùng với máy bay A4C mang bom Walleye là lũ máy bay "con ma" F4 rất lợi hại đánh Nhà máy điện Hà Nội. Máy bay tiêm kích - cường kích F4 có thể cất cánh từ đất liền hoặc trên các tàu sân bay ngoài khơi Thái Bình Dương. Đây là loại máy bay hai người lái, được trang bị sáu tên lửa sparrow, một số bom pháo và rốc két có thể bay với tốc độ tối đa là 2.330km/h ở độ cao ll.000 m. Trong chiến đấu chúng phải đảm đương nhiều nhiệm vụ: trinh sát vũ trang, bắn phá các mục tiêu giao thông như cầu đường, bến bãi và tham gia hộ tống các máy bay cường kích, máy bay ném bom. Chúng còn được dùng đánh chế áp các trận địa phòng không của ta. Cũng là F4 nhưng lại có F4 Wld Weasset. Đây là loại máy bay có khả năng phát hiện và tiêu diệt các hệ thống vũ khí do rađa điều khiển, chiếm vị trí ưu tiên trong chiến tranh điện tử của không quân Mỹ. Chúng được lắp hệ thống né tránh địa hình điều khiển bằng máy vi tính điện tử. Ngoài vai trò chống rađa, chúng còn dùng để hộ tống cho máy bay cường kích và máy bay trinh sát khác.

        Trong trận này thiếu tá Mắc-kên lái chiếc F4E đang lao xuống phóng bom bị trúng đạn của tiểu đoàn tên lửa từ độ cao 4.500m đến 1.800m. Chiếc F4E bốc cháy đâm sầm xuống khu để xỉ than của Nhà máy điện Hà Nội.

        Mạc Lâm có mặt khi Mắc-kên vừa được đưa từ hồ Trúc Bạch về trại giam, ông kể:

        - Hoa Kỳ vừa bế tắc vừa cay cú. Chắc ông Giôn-xít-nây - Mắc-kên, đô đốc tư lệnh hải quân Mỹ ở châu Âu cũng vậy. Theo lệnh của JCS, ông đã phối hợp với không quân, lần này đã tổ chức một chiến dịch quy mô lớn lại đánh tiếp vào Hà Nội: ngày 25 tháng 10 do không quân đánh, ngày 26 tháng 10 do hải quân đánh... Thế là thiếu tá Mắc-kên, con của đô đốc hải quân lái máy bay A4E, đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ. Máy bay anh ta không thoát lưới lửa phòng không, anh ta kịp nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Nằm trên cáng, mê man bất tỉnh, lúc đó chưa ai biết tên anh ta là gì. Trại đưa anh ta đi cấp cứu tại Quân y viện 108. Trước khi lên bàn mổ, anh mở mắt nhìn và nói: "Tôi không cần ai cứu!". Chúng ta bỏ qua câu nói hỗn đó, tập trung cứu chữa. Một ca phẫu thuật khá công phu mới cứu được mạng sống cho anh ta. Sáng hôm sau, anh ta tỉnh lại, chúng tôi đến, mới biết anh ta là Mắc-kên. Tôi lấy ngay quyển tạp chí Hải quân Mỹ vừa mới xuất bản có hình Giôn-xít-nây Mắc-kên, đưa cho anh ta xem. Anh ta gật đầu: "Bố tôi!". Tôi chỉ nói vui: "Hình như đô đốc người hơi thấp". Mắc-kên cười - lần đầu tiên tôi thấy anh ta cười: "Đúng thế... Mẹ tôi đẹp hơn bố tôi nhiều...".

        Mắc-kên bị bắt làm cho giới chóp bu quân sự Mỹ xôn xao. Anh ta sinh ngày 29 tháng 8 năm 1936 tại căn cứ hải quân Mỹ Coco Solo trên kênh đào Pa-na-ma. Theo truyền thông, con trai của dòng họ Mắc-kên đều có tên là Giôn. Là "người hùng", tin vào bề dày đào tạo phi công lão luyện từ trường đào tạo phi công của Mỹ, anh ta tưởng có thể "giải quyết" được cái mục tiêu Nhà máy điện Hà Nội thật là ngon xơi mà sao lũ phi công ăn hại không đánh nổi! Sẽ dập tắt nguồn sáng của người Hà Nội. Nhưng thật là trớ trêu, anh ta cũng không hơn gì những phi công Mỹ trước đó. May cho Mắc-kên, ngay khi nhìn thấy dù bung ra rơi xuống hồ thì nhiều người, kể cả dân quân, bộ đội và dân thường đã có mặt, kịp thời kéo anh ta lên. Chậm chút nữa những vết thương nặng bị nhiễm trùng thì toi đời rồi. Mắc-kên lại là "con ông cháu cha" có tiếng ở Mỹ. Ông nội Mắc-kên nguyên là đô đốc - đại tướng bốn sao, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương. Ông ta là cha đẻ của ý tưởng thành lập các nhóm hàng không mẫu hạm trên các biển và là đại diện cho Hoa Kỳ có mặt trong buổi lễ Nhật Hoàng ký kết việc đầu hàng vô điều kiện quân đội Đồng Minh trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ba ngày sau lễ ký kết ông ta qua đời. Bố của Mắc-kên cũng là đô đốc tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Hai, 2020, 06:13:02 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2020, 06:13:25 am »


        Trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam nhiều phi công thuộc loại "con ông cháu cha" kéo nhau vào Hỏa Lò. Trước Mắc-kên, ngày 4 tháng 10 năm 1967 có Pi-tơ Sốp-phen, thiếu tá hải quân, lái máy bay A4C đánh phá Hải Phòng bị bắn rơi. Anh ta là con trai trung tướng đô đốc hải quân Man-côn Phăng-xi Sốp-phen. Sau Mắc-kên, có thêm Lan-ri Đô-nan Prai-xơ 25 tuổi mới vào lính không quân tháng 5 năm 1970 bị bắn rơi trong trận đầu tiên anh ta bay vào Hà Nội năm 1972. Anh ta là con trai thiếu tướng không quân Oan-ran Prai-xơ. Ngày 27 tháng 8 năm 1972 quân và dân Ninh Bình bắn rơi máy bay, bắt sống thiếu tá hải quân Ti-ô-do Oa-lê-xơ Tri-ben sinh ngày 12 tháng 11 năm 1941 trên kênh đào Pa-na-ma giống như Mắc-kên. Anh ta là con trai trung tướng đô đốc hải quân Mỹ Trước-Ốt-tô Tri-ben...

        Nhà văn Nguyễn Tuân trong bài ký "Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào" là viết về chuyện Mỹ đánh Nhà máy điện Hà Nội công tù binh Mắc-kên. Bom đạn của kẻ thù không làm lung lạc ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân Hà Nội. Một đoạn đối thoại giữa thiếu tá Mắc-kên và Nhà văn hóa Hà Nội Nguyễn Tuân giúp ta hình dung phần nào tội ác giặc Mỹ:

        "Vâng tôi nhận được lệnh đánh Khu Sáu tức Hà Nội vào lúc 10 giờ sáng hôm đó tính theo giờ Sài Gòn... tính theo giờ Hà Nội thì là 9 giờ. 12 giờ Sài Gòn kém 120 phút, thì tôi rời boong hàng không mẫu hạm. Và sự việc những phút sau thế nào khi tôi vào bầu trời miền Bắc thì các ông đã biết cả rồi. Vâng thưa ông, tôi bay trên miền Bắc tất cả hai mươi ba lần. Ở miền Nam thì chưa được bay lần nào. Tôi có bay vào và có đánh Hải Phòng sáu lần. Chưa bay vào Hà Nội trừ cái lần vừa rồi. Đại đội tôi mười bốn chiếc chuyên đánh thứ bom điện tử định hướng. Tôi chỉ huy một biên đội hai chiếc A4 cường kích. Đó là lần đầu tôi đánh Hà Nội.

        - Là lần đầu?

        - Và là lần cuối cùng.

        - Nếu anh được cấp trên cho chọn giữa hai mục tiêu, nhà máy nhiệt điện và cầu sắt dài trên sông Hồng thì anh chọn cái nào?

        - Cả hai cái đều xấu cả, nghĩa là đều nguy hiểm cả, nhưng tôi nghĩ là đánh cầu có phần là dễ hơn đánh nhà máy đèn. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng tôi có đánh trúng được nhà máy đèn thì các ông vẫn có những cách giải quyết vấn đề ánh sáng cho Hà Nội.

        - Anh đánh Nhà máy đèn Trung ương mà lúc này đây, đèn điện vẫn sáng đều trên đầu giường bệnh của anh, cũng như vẫn sáng đều khắp nơi khác của Hà Nội ngoài nhà thương này, thì anh có cảm tưởng gì?

        - Thưa ông, tôi không buồn mà cũng không vui. Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc để tôi được tha về. Bố tôi cũng không cứu được tôi. Ông Giôn-xơn cũng không cứu được tôi...".

        Mắc-kên được trao trả về nước năm 1973. Ba mươi năm sau anh ta đã trở lại Việt Nam đến cái nơi anh ta suýt chết - mặt hồ Trúc Bạch vẫn phẳng lặng nên thơ như hồi nào chỉ khác là giờ đông vui hơn nhiều. Mắc-kên cũng đã có dịp trò chuyện vui vẻ với Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc, hai địch thủ trên bầu trời Việt Nam ngày ấy.

        Về Mỹ, Mắc-kên rời khỏi quân ngũ. Năm 1979 sau khi chia tay với người vợ cũ, Mắc-kên kết hôn với cựu hoa hậu bang A-ri-zo-na trẻ hơn anh ta 18 tuổi, từ đó tích cực hoạt động chính trị. Cho đến nay thì ảnh hưởng của Mắc-kên rất lớn ở bang A-ri-zo-na và anh ta đã hai lần ra ứng cử chức Tổng thống Hoa Kỳ. Năm 2000 trong cuộc đua vào Nhà trắng ông đã thất bại trước Gioóc-giơ Bút-sơ. Năm 2008, ở tuổi bảy mươi hai thượng nghị sĩ Mắc-kên là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà trắng!

        Muốn làm tốt công tác khai thác phi công tù binh Mỹ phải có - ngoài kiến thức, vốn sống cũng cần phải có thủ thuật khai thác, sau này được ông tổng kết:

        "Bản thân người hỏi cung (chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam) có thế mạnh về chính trị, là người ở thế thắng để tù binh (tù binh Pháp, Mỹ) phải khâm phục. Hỏi cung là một cuộc đấu trí về kiến thức và chính trị tư tưởng với tù binh. Nhưng tù binh Pháp, Mỹ của một quân đội nhà nghề đế quốc mang sẵn tư tưởng nước lớn, tự cho mình là nhất, kiêu căng, ngạo mạn. Ta phải lấy chính nghĩa để khuất phục, phải nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, lòng nhân ái truyền thống tư tưởng nhân đạo đối, với tù binh để thuyết phục họ. Trước khi hỏi cung phải nắm chắc tình hình tù binh, những hiểu biết về những lĩnh vực cần khai thác. Bản lĩnh của người cán bộ hỏi cung cũng phải được thể hiện rõ: chủ động, tự tin, đàng hoàng có kiến thức vững vàng. Phải cảnh giác trước những lời khai của tù binh nhất là những tù binh là người của ngành tình báo, an ninh địch. Chú ý không mớm cung, ép cung. Những hiểu biết về gia đình, vợ con phi công tù binh Mỹ giúp cho việc đánh đòn tâm lý...".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2020, 06:16:01 am »


THAM VỌNG CỦA MẮC-NA-MA-RA THÀNH MÂY KHÓI

        Nhiều trận đánh phá liên tục của cả không quân hải quân và không quân không quân Mỹ nhưng chiếc cầu nối hai bò sông Mã vẫn đứng vững hiên ngang như thách thức lũ cướp trời làm cho Lầu năm góc vô cùng tức tối.

        Ngày 18 tháng 7 năm 1965 đích thân bộ trưởng bộ quốc phòng Hoa Kỳ Mắc-na-ma-ra đến tận phi đội A6A của Đen-tơ trên hạm tàu Yangky động viên tinh thần đơn vị sẽ xuất kích đánh cầu Hàm Rồng. Không biết ông ta có phép lạ gì có thể giúp cho các phi công đánh chiếc cầu sắt đó không thế mà dám quả quyết rằng:

        - Có chiếc "hòm đen" khí tài điện tử tuyệt diệu mà bộ quốc phòng Mỹ vừa mới chuyển sang đặt trên máy bay, phi vụ này chắc chắn các anh hoàn tất được việc đánh gãy chiếc cầu nhỏ vắt trên sông Mã. Khác với gần một trăm phi vụ suốt hai tháng trước đây, phi vụ đặc biệt này, tôi chỉ còn đợi trao phần thưởng lớn cho các anh trong vài giờ nữa.

        Hình như Mắc-na-ma-ra chắc thắng một trăm phần trăm, nghĩa là chỉ còn vài giờ nữa chiếc cầu như chiếc đinh chọc vào mắt ông sẽ phải nát vụn. Lời động viên của ngài bộ trưởng chắc cũng giúp cho phi công Mỹ càng tin tưởng hơn, càng chắc thoát chết trong chuyến đi này. Nhưng không, Mắc-na-ma-ra quá tin vào chiếc "hộp đen" khí tài điện tử tuyệt diệu, thực tế thì ngược lại. Chuyến bay của phi đội A6A do Đen-tơ chỉ huy cũng chịu chung số phận một trăm phi vụ suốt hai tháng trước đấy mà thôi. Quá tin vào kỹ thuật điện tử hiện đại nên Mắc-na-ma-ra còn một công trình to lớn hơn thế nữa đầy ảo vọng có thể ngăn chặn sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào miền Nam là hàng rào điện tử ở tỉnh Quảng Trị mang tên Mắc-na-ma-ra. Không chỉ một mình ngài bộ trưởng bộ quốc phòng nghĩ ra mà còn là trí tuệ của nhiều nhà khoa học hàng đầu của Mỹ như giáo sư Phi-sơ, tiến sĩ Kê-sin, tiến sĩ Oets-nơ tham gia nghiên cứu. Ngoài hệ thống đồn bốt được bố trí dày đặc từ Cửa Việt lên tới Sêpôn dài gần một trăm kilômét, hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra còn được trang bị các loại phương tiện điện tử tối tân như các loại "cây nhiệt đới" "cây thông minh" và cả "máy phát hiện hơi người". Tất cả tan thành mây khói trước sức tấn công vũ bão của quân và dân miền Nam.

        Thực ra thì trong thâm tâm những người cầm quyền chóp bu Mỹ không phải là không thấy sự phi lý của cuộc chiến và con đường hầm khống lối thoát phía trước. Hơn bốn mươi năm sau sự thật đó mới được phơi bày. Tại cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam trong hai ngày 10 và 11 tháng 3 năm 2006 với chủ đề "Việt Nam và chức vụ tổng thống" tổ chức tại thư viện tổng thống Giôn Ken-nơ-đi ở Bốt-xtơn (Mỹ) có sự tham gia của các nhân vật có tên tuổi đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam như ngoại trưởng Hen-ri Kít-xinh-giơ, đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam Pét Pi-tơ-sơn, tướng về hưu A-lếch-xan-đơ, thượng nghị sĩ Chắc He... Cựu tổng thống Mỹ Jim-mi Các-tơ gửi băng video phát biểu tham dự hội thảo. Hội thảo được nghe một đoạn đối thoại ghi âm vào năm 1966 trong đó tổng thống Giôn-xơn nói với bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ Rô-bốt Mắc-na-ma-ra:

        "Tôi biết rằng chúng ta không nên có mặt ở Việt Nam nhưng tôi không thể rút ra được".

        Cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô cùng dã man tàn bạo của Mỹ gây ra ở Việt Nam làm thức tỉnh lương tâm những người Mỹ yêu chuộng hòa bình. Không chỉ nhân dân Mỹ, không chỉ những người trực tiếp cầm súng Mỹ gây đau thương cho nhân dân Việt Nam thức tỉnh mà cả những nhân vật tham gia công việc hoạch định chính sách của Lầu năm góc cũng thức tỉnh và dũng cảm lên tiếng tố cáo chính quyền Mỹ bất chấp tù tội. Năm 1971, Đa-ni-en En-xbớc được phân vào nhóm nghiên cứu tối mật về hoạch định chính sách đối với Việt Nam của bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra tiết lộ bảy ngàn trang tài liệu tối mật cho báo chí, tạo nên một làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam mạnh mẽ chưa từng có tại Mỹ. Đa-ni-en bị bắt, bị cáo buộc mười hai tội với bản án một trăm mười lăm năm tù!

        Lời động viên của ngài bộ trưởng, hiệu quả của "chiếc hộp đen" khí tài điện tử ra sao? Vô hiệu quả! Trung tá Đen-tơ với phi đội của anh ta bị đánh tan tác. Máy bay của Đen-tơ bị bắn rơi, anh ta bị dòng nước sông Mã cuốn đi suýt chết, còn đồng sự của anh ta - trung úy phụ lái Chu-đi treo trên ngọn cây dừa. May cả hai được quân và dân Thanh Hóa cứu thoát.

        Chu-đi chưa quên nỗi hốt hoảng:

        - Dù chúng tôi còn vướng trên cành cây lập tức chín, mười người mang tiểu liên và giáo mác xông tới. Tôi bị kéo chân lôi xuống.

        Đen-tơ cũng hoảng loạn không kém:

        - Tôi cố vùng vẫy, bơi lội nhưng vẫn bị nước cuốn đi. May quá các ông bộ đội đã vớt được tôi lên, cho tôi thuốc. Trong hai ngày ở lại Thanh Hóa chờ lại sức chúng tôi được đưa ra đây.

        Những ngày ở trại giam Hỏa Lò, Đen-tơ tỏ ra là người hiểu biết, phục thiện.

        - Tôi đã phạm tội ác là ném bom vào dân thường và các công trình dân sự. Thế mà nhân dân địa phương đối xử với tôi hết sức nhân đạo mặc dù tôi là kẻ có tội. Tôi đã được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc thuốc men. Tất cả là xuất phát từ lòng tốt của Chính phủ và nhân dân Việt Nam mặc dù tôi đã gây tội ác xấu xa, theo lệnh của chính phủ Mỹ.

        Đen-tơ tỏ ra ân hận với tội lỗi của mình, mong được làm việc tốt để chuộc tội. Anh ta tích cực tham gia các hoạt động của trại như làm báo tường, viết thư tự nguyện tỏ rõ quan điểm chống lại "chính sách ngoan cố, tiếp tục kéo dài chiến tranh của giới cầm quyền Mỹ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2020, 06:16:31 am »


        Ngày 2 tháng 5 năm 1966 có nhà báo Úc đến thăm trại, hỏi Đen-tơ:

        - Ông có điều gì phàn nàn không?

        Đen-tơ vui vẻ trả lời:

        - Không! Tôi ăn uống đầy đủ và tốt. Tôi được đối xử độ lượng mặc dù tôi là người có tội.

        Phải nói rằng những năm Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, tình hình kinh tế đất nước gặp không ít khó khăn. Vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa bảo vệ miền Bắc vừa chi viện sức người sức của cho miền Nam, chúng ta phải chịu đựng gian khổ thiếu thốn nhiều mặt. Ấy vậy mà chúng ta vẫn dành cho phi công tù binh Mỹ trong các trại giam có đời sống khá. Về vật chất đảm bảo đủ lương thực thực phẩm theo định lượng, tổ chức nhiều hoạt động tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phi công tù binh. Rất nhiều phi công tù binh khi về nước đều có rất nhiều thiện cảm với Việt Nam, nhưng cũng có một số thiếu thiện chí nói xấu chúng ta. Nhân dân ta tha tội chết cho chúng, cưu mang chúng suốt mấy năm trời ấy vậy mà vừa về Mỹ là quay lại nói xấu, trong đó có Đen-tơ.

        Ngày 30 tháng 3 năm 1973, mới về nước, Đen-tơ trong một buổi họp báo đã lên tiếng tố cáo Bắc Việt đối xử không ra gì với phi công tù binh. Anh ta nói rằng:

        - Tôi đã bị những người quản trại tra tấn rất nhiều lần, người xanh như tàu lá, thân hình tiều tụy như con vật...

        Nhiều người trong đó có cả các nhà báo nước ngoài còn nhớ, cuối năm 1968 vào dịp Nô-en cũng là dịp mừng năm mới dương lịch, Đen-tơ viết thư gửi ban quản lý trại:

        "Cảm tạ nhân dân Việt Nam liên tục đối xử rất tốt với tôi. Năm nào chúng tôi cũng được vui vẻ liên hoan đón tết và chúc mừng chúng tôi chóng được trở về quê nhà. Tôi nhận thấy nhân dân Việt Nam là ân nhân của tôi. Vì vậy tôi thành thực hối cải và hy vọng được hưởng lượng khoan hồng trong những ngày đã qua cũng như những ngày sắp tới".

        Tất nhiên không phải chỉ một lá thư là ta hiểu hết tâm địa con người anh ta. Tháng 5 năm 1966 một nhà báo Chi Lê hỏi Đen-tơ:

        - Nếu về Mỹ thì anh sẽ làm gì?

        - Có lẽ tôi phải làm theo lệnh cấp trên. Họ bảo làm gì tôi phải làm theo. Xin ông hiểu cho, tôi là một quân nhân chuyên nghiệp mà và là bố của bảy đứa con.

        Thái độ Đen-tơ bắt đầu thay đổi khi Hiệp định Pari được ký kết. Trong lúc nhiều phi công tù binh Mỹ vui mừng đón tin vui được trở về Mỹ, sắp được gặp người thân thì Đen-tơ đã có những suy nghĩ khác. Có lần anh ta trả lời các nhà báo:

        - Thưa các ông, khi tôi về nước rồi xin các ông hiểu cho, tôi phải nói phải viết, phải làm như cấp trên tôi ra lệnh.

        Đen-tơ được trao trả về Mỹ ngay trong đợt đầu tiên ngày 12 tháng 2 năm 1973 gồm 116 nhân viên quân sự Hoa Kỳ. Có 29 quân nhân bị thương: thiếu tá Ray-mơn Đun-xten Ut-dơ bị bắt ở Thanh Hóa ngày 3 tháng 4 năm 1965. Anh ta bị gãy chân cùng với sáu quân nhân lái B52 trong đó ba người phải cáng lên máy bay.

        Vậy đấy, Đen-tơ về Mỹ "phải nói, phải viết, phải làm như cấp trên tôi ra lệnh" mà!

        Có lẽ trường hợp như Đen-tơ không phải nhiều nhưng không phải là trường hợp duy nhất.

        Thiếu tá Ri-ơt A-len Xtre-tơn cũng là một trường hợp tương tự. Anh ta thuộc đại đội 192, liên đội 19 trên tàu sân bay Ti-cơn Đên-rô-ga bị ta bắn rơi ngày 5 tháng 1 năm 1967 gần đảo Hòn Mê. Bị bắt về trại anh ta tỏ ra là người biết ăn năn hối cải, biết tội và xin được khoan hồng:

        - Tàu Ti-cơn Đên-rô-ga đến vịnh Bắc Bộ ngày 16 tháng 11 năm 1966. Ngay ngày hôm đó tôi được lệnh chỉ huy một phi đội máy bay A4E mang bom bi và bom mảng đánh vào một khu vực đông dân cư ở thành phố Vinh tỉnh Nghệ An.

        Anh ta đã tham gia hai mươi phi vụ đánh phá miền Bắc, gây bao tội ác dã man đối với đồng bào ta. Nhưng thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam chúng ta tha tội chết cho anh ta. Anh ta và những phi công tù binh Mỹ đều biết rõ điều đó:

        - Tôi được nhân dân Việt Nam đối xử nhân đạo. Từ khi bị bắt tôi được thấy đầy đủ, thực chất những hành động tội ác, đã gây đau thương, chết chóc, tàn phá đối với nhân dân Việt Nam. Tôi biết tội lỗi của tôi, xin nhân dân Việt Nam tha tội cho tôi, tha chết cho tôi và tiếp tục cho tôi được hưởng chế độ nhân đạo. Trong trại giam này, tôi được tự do tín ngưỡng, được đi nhà thờ nhân dịp Nô-en. Chúng tôi được luyện tập thể thao thể dục để giữ gìn sức khỏe. Hàng ngày bác sĩ đến hỏi han sức khỏe của chúng tôi. Chúng tôi được nhận quà của gia đình gửi tới. Tôi nhận được mọi thứ cần thiết cho tôi sống với số lượng đầy đủ.

        Không những anh ta nhận thức được như thế mà còn hăng hái hơn cảm thấy hổ thẹn vì những hành động tiếp tục chiến tranh của chính quyền Mỹ, muốn được tham gia hoạt động đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Anh ta bất bình khi nghe tin ở các nhà tù của chính quyền Thiệu đối xử dã  man với tù nhân:

        - Tôi thấy cần phải lên tiếng nhân danh lương tri của một công dân Mỹ. Tôi lấy làm hổ thẹn không hiểu vì sao chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giữ cố vấn để duy trì một hệ thống nhà tù không thể nào dung thứ nổi ở miền Nam Việt Nam như thế.

        Ấy vậy mà ngày 29 tháng 3 năm 1973 sau khi được trao trả về Mỹ, Ri-ơt A-len Xtre-tơn trong một cuộc họp báo đã lên tiếng nói xấu những gì mà trước đó anh ta ca ngợi. Thật đáng xấu hổ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2020, 06:17:40 am »


LÍNH CẬU CŨNG KHÔNG THOÁT CHẾT

        Không quân Mỹ còn có máy bay cảnh giới và máy bay báo động từ xa E2C. Máy bay E2C lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam để sớm phát hiện mục tiêu phát bức xạ điện từ và nhận dạng các mục tiêu đó. Các tín hiệu điện từ được ghi nhận và xử lý bằng máy tính điện tử, tổng hợp và hiển thị trên màn ảnh. Chúng có thể bay ngoài không phận nhưng quan sát sâu vào nội địa đối phương.

        Máy bay trinh sát điện tử cũng cực kỳ lợi hại. EA6B là máy bay đầu tiên được chế tạo như một hệ thống phóng nhiễu từ xa, chuyên dùng tiêu diệt rađa đối phương. Mỗi máy bay mang hai máy phát nhiễu, đây cũng là loại máy bay chiến đấu điện tử. Không quân Mỹ thường dùng hai loại máy bay trinh sát chụp ảnh là RF101 và RA5C. Trong những năm chiến tranh, hàng ngày thường có một đến hai chiếc trinh sát điện tử bay dọc bờ biển từ Vĩnh Linh ra vịnh Bắc Bộ. Lúc đầu chúng hoạt động ở ven biển sau đó do yêu cầu đánh các mục tiêu sâu trong đất liền nên chúng phải bay theo hướng Thượng Lào - Lai Châu. Đề phòng bị MiG tấn công, khi bay loại này còn có một tốp F4D hộ tống. Phi công tù binh kháo nhau, loại phi công máy bay trinh sát điện tử là "sĩ quan cậu". Máy bay trinh sát điện tử bay rất cao để quan sát không như máy bay chiến đấu phải đánh phá mục tiêu, phải đối mặt với các loại súng phòng không. Vì thế mà trong con mắt của phi công lái máy bay tiêm kích, cường kích thì lái máy bay trinh sát là an toàn nhất. Mắt thường không quan sát được trinh sát điện tử kể cả những lúc thời tiết tốt nhất.

        Ngồi trên máy bay trinh sát điện tử lũ "sĩ quan cậu" tưởng là an toàn nhất. Nhưng chiến tranh Việt Nam, lưới lửa phòng không Việt Nam chúng vẫn bị thiêu trụi như thường. Tên lửa SAM 2 là loại vũ khí lợi hại đối với chúng. Bay từ xa ngoài biển hay bay thật cao từ phía Thái Lan tới, chúng vẫn không thoát khỏi thiên la địa võng của lưới lửa phòng không nhân dân.

        15 giờ ngày 16 tháng 1 năm 1967, rađa của Tiểu đoàn tên lửa 77 ở Tuyên Quang phát hiện một tốp gồm hai máy bay trinh sát RF4C ở phương vị 240 độ, cự ly 25km. Khi chúng vào đến cự ly 20km, theo mệnh lệnh tiểu đoàn trưởng, hai quả đạn được bắn đi có điều khiển. Một chiếc RF4C chưa kịp trinh sát làm nhiệm vụ đã bị rơi tại chỗ - xã Yên Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

        Bị thua đau ở cả hai miền Nam - Bắc, ngày 31 tháng 3 năm 1968, tổng thống Ních-Xơn buộc phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Pari. Tuy là ngừng ném bom nhưng không quân Mỹ vẫn tích cực hoạt động do thám từ vĩ tuyến 20 trở ra và đe dọa đánh phá trở lại. Thòi gian này, chúng thường dùng các loại máy bay trinh sát SR71, BQM 34-A và 147J liên tục trinh sát thu thập tin tức tình báo chiẽn lược miền Bắc.

        SR71 là máy bay trinh sát chiến lược, hoạt động ở độ cao 24km, tốc độ bay 60km/phút. BMQ 34-A là máy bay không người lái trinh sát tầng cao, thường chụp ảnh ở độ cao 8km, tốc độ bay khoảng 220m/giây. Loại này bị ta bắn rơi nhiều nên chúng cải tiến thành các loại máy bay 147J, 147S, 147SC, 147SK và 147SRE trinh sát cả ban ngày lẫn ban đêm.

        Phục vụ cho không quân Mỹ liên tiếp đánh phá Hà Nội, lũ trinh sát lại tiếp tục hoạt động, cả trinh sát có người lái và không có người lái. Hơn một tháng sau khi chiếc trinh sát RF4C bị bắn rơi trên bầu trời Tuyên Quang, ngày 18 tháng 2 một chiếc máy bay trinh sát điện tử không người lái 147J bị Tiểu đoàn tên lửa 77 bắn rơi tại chỗ ở huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Hôm đó, trên bầu trời Bắc Giang có ba tốp máy bay Mỹ từ hướng tây nam, năm tốp máy bay khác ở hướng đông nam. Chiếc 147J bay ở độ cao một ngàn mét, trinh sát phục vụ cho những đợt công kích dã man. Nhưng từ cự ly 35km, 147J đã bị các trạm rađa của ta bám sát, vào đến cự ly 25km tiểu đoàn được lệnh tiêu diệt mục tiêu. Đây là chiếc máy bay trinh sát không người lái đầu tiên Tiểu đoàn 77 bắn rơi. Ngày 17 tháng 5 năm 1968 lại một chiếc 147J bị ta bắn rơi tại ngã ba Canh ngoại thành Hà Nội -  chiến công của quân và dân Hà Nội mừng sinh nhật lần thứ 78 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2020, 06:18:27 am »


        Trinh sát tầng thấp cũng bị ta thiêu rụi, trinh sát tầng cao không người lái cũng không thoát khỏi bị tiêu diệt. Dù có ngừng bắn, nhưng chúng ta hiểu hết tâm đen của đế quốc Mỹ, những người lính phòng không Hà Nội nhớ lời Bác Hồ dặn khi Người về thăm Quân chủng trong ngày Mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969:

        "Không tin được Mỹ đâu! Chúng nó xảo quyệt lắm. Chúng là bọn đế quốc xâm lược, phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để khi nó giở quẻ là mình đập lại được ngay".

        Tiểu đoàn 77 đã cùng một số đơn vị pháo phòng không 37 mm đi mai phục ở huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Thế là, do cảnh giác cao, ngày 9 tháng 11 năm 1969 Tiểu đoàn 77 lại bắn rơi tại chỗ một thằng trinh sát không người lái BQM 34-A.

        Trong năm 1969, Trung đoàn tên lửa 263 cũng liên tục bắn rơi máy bay trinh sát không người lái càng làm cho Mỹ hoang mang. Không những việc trinh sát không thực hiện có hiệu quả chuẩn bị cho những đợt đánh phá mới mà điều quan trọng là tác động xấu đến tâm lý phi công Mỹ. Càng ngày chúng càng lo sợ mỗi khi cất cánh đi ném bom. Nhiều phi công hoảng loạn bay cao ném bom, làm sao nhanh chóng trút hết bom đạn để về lại căn cứ.

        Ngày 27 tháng 4 năm 1969, Tiểu đoàn 43 tiêu diệt một máy bay trinh sát 147S từ cự ly 28km, độ cao 900m.

        Ngày 11 tháng 5 năm 1969, Tiểu đoàn 43 lại bắn rơi thêm một máy bay trinh sát 147S - lần này thì bắn rơi tại chỗ ở xã Hoàng Diệu huyện Chương Mỹ -  Hà Nội.

        Ngày 10 tháng 8 năm 1969, Tiểu đoàn 44 bắn hai quả tên lửa hạ tại chỗ một máy bay trinh sát 147S ở Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Nội.

        Ngày 14 tháng 8 năm 1969 vào lúc 4 giờ 36 phút Tiểu đoàn 43 lại bắn rơi tại chỗ một máy bay trinh sát - loại mới được không quân Mỹ cải tiến 147 SRE...

        Trong những trận đánh lớn chúng thường dùng loại máy bay trinh sát điện tử và gây nhiễu EB66. Nó được cải tiến từ máy bay ném bom B26. Phi hành đoàn gồm sáu nhân viên: một lái chính, một lái phụ và bốn sĩ quan điện tử. Trên máy bay được trang bị máy thu tín hiệu rađa ALA-5, máy thả nhiễu tiêu cực ALE-1, máy phát nhiễu tích cực QRC-279, ALT-13 và ALR-18. Nhiệm vụ chủ yếu của EB66 là thu tín hiệu rađa pháo phòng không, rađa tên lửa phòng không và rađa trên máy bay MiG của đối phương. Khi tiến hành thu tín hiệu rađa EB66 tiến hành gây nhiễu từ xa, ngoài đội hình phục vụ máy bay cường kích đánh phá mục tiêu. Trên đường bay cứ mười, mười lăm giây cho hướng phát hiện rađa một lần và xác định vị trí tên lửa phòng không trong vòng ba mươi giây nếu rađa tên lửa phát sóng liên tục. Hoạt động gây nhiễu của EB66 làm giảm khả năng phát hiện của rađa cảnh giới, việc ngắm bắn, dẫn đường của đối phương, che giấu đội hình máy bay cường kích, làm giảm thương vong và gây rất nhiều khó khăn cho tác chiến của các loại pháo, tên lửa phòng không đối phương. Thời kỳ đầu EB66 gây cho ta không ít khó khăn, nhưng từ khi quân chủng chủ trương đánh EB66 để rút kinh nghiệm, nhiều EB66 cũng chịu chung số phận lũ trinh sát điện tử khác.

        Như thế là, dù cải tiến cách gì, trinh sát điện tử của Mỹ cũng không thoát khỏi bị tên lửa Việt Nam anh hùng làm tiêu tan những số liệu thông tin chính xác. Đây là một đòn đau đối với kỹ thuật chiến tranh hiện đại của không quân Mỹ.

        Õng Ngô Xuân Bình kể về một trận đánh tiêu diệt EB66:

        "Cán bộ và chiến sĩ ngày đêm luyện tập phát sóng thật trên hướng dự kiến EB66 bay vào. Trận địa được ngụy trang kín, những quả tên lửa như những con thú rình mồi sẵn sàng rời bệ phóng. Nhưng đã ba ngày qua chưa thấy máy bay EB66 bén mảng tới. Anh em nóng ruột bực mình: Phải chăng ý đồ phục kích đã bị lộ? Đến 9 giờ ngày 4 tháng 2 năm 1967, hai chiếc RF101 bay sát trận địa càng làm tăng mối hoài nghi trận địa bị lộ... Ban chỉ huy tiểu đoàn hội ý và thống nhất chỉ đạo các đơn vị: khả năng địch trinh sát để cho EB66 vào, nếu địch nghi ngờ, cho máy bay cường kích đánh thẳng trận địa, vẫn không phát hỏa, kiên quyết chờ bằng được EB66.

        14 giờ, chiến sĩ tiêu đồ 99 đi những đường chì một tốp mục tiêu khá ổn định đang bay vào. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh báo động đài một. Đài một mở máy báo cáo bắt được mục tiêu rồi tắt máy ngay để giữ bí mật. Đài hai được lệnh mở, tắt máy ba lần để theo dõi mục tiêu. Tốp máy bay vẫn bay vào theo đường bay ổn định. Đến lần thứ tư, tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đài hai bám sát lâu hơn và xác định đã đúng EB66 chưa? Kíp trắc thủ đài một báo cáo: Đúng chiếc thứ ba bên trái là EB66. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Dương ra lệnh cho đài hai nối cao thế. Sĩ quan điều khiển Đào Tiến Sinh và kíp trắc thủ Hà, Tạo, Mùi nhanh chóng bắt gọn cả nhóm mục tiêu gồm sáu chiếc, trong đó có tín hiệu ở giữa có độ sáng, to đậm, chuyển động chậm hơn ở giữa đội hình. Mọi người đều thống nhất khẳng định đó là "con mồi" mà họ đang chờ đợi. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh phóng liền ba quả đạn. Những quả tên lửa được ngụy trang kín đáo náu mình bấy lâu, nay được dịp rời bệ phóng, xé gió lao lên tiến thẳng về phía chiếc EB66 đang bay vào. Quả thứ nhất trúng mục tiêu, ba trắc thủ Tạo, Mùi, Hà báo cáo: "Mất tự động" và chuyển ngay sang bám sát mục tiêu bằng tay quay. Quả thứ ba lại trúng mục tiêu. Quan sát trên màn hiện sóng, cả ba trắc thủ đều phấn khởi báo cáo: "Mục tiêu bị tiêu diệt!".

        Lúc đó là 14 giờ 2 phút".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2020, 05:42:57 am »


        Mạc Lâm kể về cuộc trò chuyện với phi công tù binh lái chiếc trinh sát điện tử EB66. Từ căn cứ quân sự Tắc Li, Thái Lan chúng vào nước ta, đến Tuyên Quang bị tên lửa tiêu diệt. Hai phi công tù binh là đại úy Nô-ran A-lếch-xan-đơ Mắc Đa-ni-en, sinh tháng 7 năm 1937, có vợ và hai con. Mắc Đa-ni-en là sĩ quan điện tử máy bay trinh sát EB66, đơn vị đóng ở căn cứ Tắc Li, Thái Lan. Đại úy sĩ quan điện tử EB66 Glan-đơn Uy-liêm Péc-kin, sinh tháng 7 năm 1934.

        Sáng hôm ấy chúng tôi gọi hai phi công tù binh từ Tuyên Quang về. cả hai đều bị thương nhẹ được trạm xá cứu chữa. Họ khai:

        - Chúng tôi trước kia bay ở biên giới Việt - Lào nhưng vì quá xa Hà Nội nên cấp trên lệnh phải bay vào Sơn La, bí mật bay qua Tuyên Quang. Bay ở

        Sơn La đã nguy hiểm, vào Tuyên Quang là liều lắm rồi, cứ nghĩ là các ông không biết. Bay ở biển an toàn hơn vì đã có trinh sát điện tử hải quân đảm nhiệm. Chúng tôi trinh sát phục vụ cho hoạt động của không quân hướng tây bắc đánh vào Hà Nội. Đây là phi vụ đầu tiên...

        Hỏi về trang thiết bị trên EB66, chúng nói:

        - EB66 có hệ thống thu và phân tích mọi loại tín hiệu của rađa, có hệ thống máy gây nhiễu điện tử tầm xa. Trong tác chiến, EB66 thường phối hợp với các loại máy bay chiến đấu F1ll, F4 để gây nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực trên một diện tích rộng làm mờ hiện sóng của rađa đối phương. Trong chiến đấu hợp đồng, EB66 có khả năng chỉ dẫn cho các máy bay chiến đấu tấn công vào các trận địa rađa hoặc đối đầu với máy bay MiG-17, MiG-21.

        Về trường hợp bị bắt, chúng thi nhau kể:

        - Chúng tôi nhảy dù vào một khoảng trống trong rừng rậm, đã bị bỏng không biết xoay xở thế nào để trốn thoát. Nghe nói rừng nhiệt đới nhiều thú dữ, nhiều côn trùng phát khiếp, đêm lại xuống dần chúng tôi vô cùng sợ hãi. Bỗng chúng tôi nghe tiếng người, tiếng người ngày một gần. Thì ra là dân địa phương từ các ngả kéo tới. Chúng tôi bị bắt, về một thị trấn nhỏ nghỉ lại rồi về đây. Sợ quá, không dám chống cự, dân cho ăn uống và tha tội chết cho chúng tôi. Nằm trong trại chúng hối tiếc vì đã quá tin vào công nghiệp quốc phòng Mỹ. Sợ nhất là khi máy bay bốc cháy, may còn bấm kịp dù.

        Những phi công tù binh này giúp chúng ta những tài liệu quý về các loại máy bay trinh sát điện tử, về sự phối hợp tác chiến giữa trinh sát điện tử với các loại máy bay khác trong từng trận đánh, giúp chúng ta đối phó với những âm mưu đánh phá bằng không quân Mỹ vào các mục tiêu trên đất liền.

        Không quân cũng đã được tổ chức để tiêu diệt loại máy bay trinh sát điện tử lợi hại này. "Lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân" ghi lại một trận đánh khá tiêu biểu:

        "7 giờ 10 phút, ngày 19 tháng 11 năm 1967 Bộ tư lệnh Quân chủng lệnh cho một biên đội MiG-21 gồm hai chiếc đánh máy bay điện tử EB66. Theo phương án cũ, không quân đi đánh EB66, thì bộ đội rađa sẽ dẫn đường cho máy bay MiG-21 lên Thanh Sơn rồi thọc xuống hướng tây nam đón đánh EB66 ở phía tây Thanh Hóa. Nhưng hôm nay, trung đoàn trưởng Trần Mạnh quyết định sử dụng một đường bay mới. Biên đội MiG-21 do hai chiến sĩ Nguyễn Đăng Kính và Vũ Ngọc Đỉnh bay thấp theo trục đường số 1 rồi ngoặt lại đánh thọc sườn vào đội hình tốp máy bay EB66. Dọc đường bay tiếp cận địch, ta không mở máy thông tin đối không để giữ bí mật. Đến bầu trời Lang Chánh, Hồi Xuân - Thanh Hóa, sở chỉ huy thông báo có địch. Vũ Ngọc Đỉnh phát hiện EB66, được Nguyễn Đăng Kính yểm hộ lao vào công kích nhưng bị lỡ đà mất thời cơ. Đỉnh lệnh cho số 2 vào công kích. Nguyễn Đăng Kính xông lên, lấy đường ngắm phóng liền hai quả, tiêu diệt một chiếc EB66. Chiếc máy bay bốc cháy đâm xuống rừng nguyên sinh Hồi Xuân, Thanh Hóa. Chiếc EB66 bị quân ta đánh tan, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội tên lửa và pháo phòng không ở vòng trong đánh địch. Chưa bao giờ các kíp chiến đấu của binh chủng tên lửa thấy trên màn hiện sóng của mình không còn tín hiệu nhiễu ngoài đội hình như vậy".

        Ngày 14 tháng 1 năm 1968, không quân cũng lại dùng một biên đội MiG-21 đi đánh EB66. Chiến sĩ lái Phạm Văn Song bắn rơi tại chỗ một chiếc EB66C.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2020, 05:44:14 am »


TÌM CÁCH DIỆT MiG BỊ MiG DIỆT

        Câu chuyện trớ trêu về đại tá phi công tù binh No-man Ga-đi-xơ - đại diện cho các phi công lão luyện vào loại nhất nhì của Mỹ làm khách không mời ở trại giam Hỏa Lò. Cấp đại tá cũng đủ nói lên thời gian phục vụ không quân Mỹ của anh ta, cả về tài năng và kinh nghiệm chiến đấu nữa chứ. Anh ta không phải là đại tá phi công Mỹ duy nhất bị bắt làm tù binh. Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc, không ít sĩ quan cấp đại tá không quân Mỹ bị ta bắt làm tù binh. Trong năm 1967 nhiều đại tá phi công Mỹ rủ nhau làm khách không mời của trại giam Hỏa Lò: No-man Ga-đi-xơ bị bắt ngày 12 tháng 5 năm 1967 tại Hà Nội. Ba tháng sau, ngày 2 tháng 8 đại tá Oa-lát Hai-dơ lái chiếc RF4C bị quân và dân huyện Hương Khê - Hà Tĩnh bắn rơi. Hơn hai tháng sau đó, ngày 20 tháng 10 Hà Nội lại bắt sống giặc lái, đại tá Pi-tơ Phơ-lin và hơn nửa tháng sau, ngày 18 tháng 11 đại tá Bơ-đét Et-đu-át liên đội trưởng không quân chiến thuật Mỹ, máy bay của anh ta cũng không thoát khỏi lưới lửa phòng không của quân và dân tỉnh Hà Tây (cũ)...

        No-man người gốc Hà Lan sinh ngày 30 tháng 9 năm 1923, đăng lính lúc còn là một chàng trai trẻ mười chín tuổi - 29 tháng 12 năm 1942, khi mà cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai giữa phe trục phát xít Đức - Ý - Nhật với quân các nước Đồng minh chưa phân thắng bại. Mới vào lính anh ta làm thợ máy, thế rồi do yêu cầu của chiến tranh một lớp đào tạo lái máy bay khu trục được mở ra, No-man được cử đi học, sau hai năm đào tạo anh ta tốt nghiệp, được phong quân hàm thiếu úy. Con đường binh nghiệp của No-man khá thuận lợi, trải qua nhiều chức vụ quan trọng: Chỉ huy căn cứ Mắc-đin ở bang Flo-ri-đa -  một căn cứ không quân lớn thuộc bộ chỉ huy không quân chiến thuật (TAC). Nhiều năm anh ta là sĩ quan cao cấp nghiên cứu về không quân ở bộ quốc phòng, chuyên theo dõi về trang bị, xây dựng, mua sắm các loại máy bay và xăng dầu của không quân Mỹ. Năm 1967 No-man được điều sang chiến trường Đông Nam Á. Không biết có phải anh ta bị ám ảnh bởi ngày độc hay không mà cứ quả quyết rằng - ngày anh ta được điều động đến Việt Nam ảnh hưởng đến số phận của một sĩ quan cao cấp trong không quân Hoa Kỳ:

        - Tôi được điều sang Việt Nam vào đúng ngày 3 tháng 3 năm 1967, đúng là ngày mang cái số độc địa. Con số 3 là con số độc địa, những con số 3 ám ảnh tôi. Ngày 3 tháng 3 đã là hai con số 3 độc rồi. Ngay năm 1967 cũng có một con số 3 độc nữa. Này nhé: 1+9+6+7 bằng 23 - có nguy hiểm chết người không cơ chứ!

        No-man đến Việt Nam khi mà chính quyền Ních-xơn đang cay đắng vì những thất bại thảm hại ở miền Nam. Chính quyền Ních-Xơn hiếu chiến âm mưu mở rộng chiến tranh lớn ra miền Bắc là có thể làm cho nhân dân miền Bắc khiếp sợ, không dám chi viện cho chiến trường miền Nam. Và như thế vấn đề miền Nam được giải quyết dứt điểm trong hai năm 1966-1967. Khi mà No-man đến dải đất trên bao lơn Thái Bình Dương trông yểu điệu, tha thướt như một cô gái lại là đất nước của những con người hiên ngang không khuất phục - miền Bắc đã bắn rơi hơn một ngàn máy bay phản lực tối tân đủ các loại của Mỹ.

        Bốn mươi hai tuổi, No-man đã có trên bốn ngàn hai trăm giờ bay và là hiệu trưởng một trường đào tạo phi công Mỹ. Học trò lái các loại máy bay phản lực hiện đại của Mỹ lại bị lũ "nhãi nhép" - cách No-man gọi các loại máy bay MiG của ta đánh cho tan tác. Không những thế còn có nhiều phi công có kinh nghiệm cũng bị lũ "nhãi nhép" MiG-17, MiG-21 bắn rơi phải vào trại giam làm cho anh ta càng bực tức hơn. Không ít lần trên bục giảng anh ta mỉa mai đồng nghiệp của mình bị bắt ở Bắc Việt Nam. Thế là No-man tình nguyện xin được sang chiến đấu ở Việt Nam, hơn thế nữa anh ta có hẳn một kế hoạch khá công phu nghiên cứu để tìm ra biện pháp hữu hiệu tiêu diệt các loại MiG của Bắc Việt. Nhiệm vụ anh ta được giao sang chiến trường Việt Nam nhằm: "Xem xét chiến thuật của không quân Mỹ, nghiên cứu về lưới lửa phòng không của Bắc Việt Nam. Đặc biệt là nghiên cứu cách đánh của máy bay MiG được Nga chế tạo và tìm cách tiêu diệt có hiệu quả MiG-19, MiG-21 rồi quay về báo cáo với tổng hành dinh không quân Hoa Kỳ tại thủ đô Oa-sinh-tơn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2020, 05:44:54 am »


        No-man được đưa đến sân bay Đà Nẵng - một căn cứ không quân Hoa Kỳ gần Bắc Việt Nam. Chắc là bị những con số 3 độc địa ám ảnh nên anh ta cũng đã  hết sức cố gắng gìn giữ sao cho sớm kết thúc công việc về Mỹ. No-man tỏ ra rất tích cực, tham gia nhiều cuộc họp giao ban, rút kinh nghiệm chiến đấu của các phi đội, thu thập nhiều tư liệu... Hơn hai tháng sau No-man đã chuẩn bị xong đề cương chuẩn bị về trình bày trước Hội đồng tham mưu bộ không quân Hoa Kỳ. Ngày được trở vế đang đến gần ngày 15 tháng 5 năm 1967! Nhưng trớ trêu cho anh ta, để chuẩn bị về nước phải có một chuyến bay vào Bắc Việt Nam nghiên cứu tình hình thực tế chiến đấu của không quân!

        Ngày 12 tháng 5 năm 1967, No-man lái chiếc F4C, vào loại tối tân nhất lúc đó lẻn vào vùng trời Hà Nội cùng với nhiều máy bay hộ tống. No-man chưa kịp phát hiện hỏa lực phòng không của Bắc Việt, chưa kịp biết MiG lợi hại thế nào đã bị MiG của ta bắn hạ. Một chiếc MiG-17, đánh gần bắn máy bay F4C bằng tiểu liên 20mm. Bị thương, No-man biết nên vội vàng lao xuống thấp định chạy trốn lại bị lưới lửa phòng không tầm thấp hạ gục!

        Một phi công lão luyện có tên tuổi của không quân Mỹ có lịch sử khá lâu đời lại bị các phi công non trẻ của Không quân Việt Nam cũng còn rất non trẻ cho "đo ván". Người phi công anh hùng của chúng ta là trung úy Ngô Đức Mai, hồi đó mới hai mươi bảy tuổi đời, có gần ba trăm giờ bay đánh gục đại tá No-man lúc đó bốn mươi hai tuổi và đã có hơn bốn ngàn hai trăm giờ bay và là hiệu trưởng một trường không quân của Mỹ!

        Trung úy Ngô Đức Mai kể về cuộc chiến đấu trên không:

        - Gặp địch, tôi quan sát thấy có một chiếc máy bay F4C được nhiều máy bay hộ tống đang bay vào Hà Nội. Tôi đoán chắc đó là máy bay của tên chỉ huy. Đối với người lính không quân chúng tôi, Hà Nội là khu vực thiêng liêng. Biết bao tâm tư tình cảm chúng tôi dành cho thủ đô. Giặc Mỹ đánh vào Hà Nội là xúc phạm đến những gì thiêng liêng nhất của người dân Việt Nam. Phải đánh thằng chỉ huy, nghĩ thế bằng một đường bay bất ngờ, táo bạo, được đồng đội yểm trợ tôi tấn công chiếc F4C.

        Chiến công của trung úy Ngô Đức Mai dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân dịp kỷ niệm lần thứ 77 ngày sinh của Bác.

        Có một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời chiến đấu không quân của Ngô Đức Mai là được gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhân dịp Đại tướng đến thăm đơn vị. Được biết Mai bắn rơi máy bay của No-man, đại tướng vỗ vai anh thân tình nói:

        - Các đồng chí ạ, phải đánh thế! Đúng lắm, đó là lối đánh của chúng ta, của dân tộc Việt Nam. Cách đánh thật thông minh, tìm thằng đầu sỏ mà quật. Chà! Đồng chí Mai bắn gần đến thế. Đó chính là kiểu đánh gần, đánh bất ngờ, nắm thắt lưng địch mà đánh như các chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam!

        Một phi công tên tuổi lái máy bay tối tân của Hoa Kỳ lại bị chính loại máy bay mà anh ta cho là "nhãi nhép" hạ gục tất nhiên là anh ta cay cú lắm. No-man luôn nằng nặc xin được gặp mặt đối thủ. Chúng ta cũng đã bố trí cuộc gặp theo yêu cầu của anh ta.

        Từ cuối tháng 2 năm 1973 ta báo cho anh ta biết tin này. No-man rất vui:

        - Thưa các ông, tôi xin cam đoan, cho đến phút cuối cùng ở trại, tôi vẫn hết sức tuân thủ kỷ luật của trại giam, giữ gìn trật tự vệ sinh. Không dám để các ông phật lòng.

        No-man là một trong nhiều nhân viên quân sự cao cấp nhất được phía chính phủ ta trao trả cho chính phủ Mỹ ngày 4 tháng 3 năm 1973. Trong đợt này, có 108 nhân viên quân sự Hoa Kỳ và Thái Lan được trao trả, gồm những phi công tù binh bị bắt từ năm 1966 đến giữa năm 1967. Cùng được trao trả với anh ta còn có chín trung tá, 29 thiếu tá, 36 đại úy, 29 trung úy, hai thiếu úy và hai nhân viên quân sự Thái Lan.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM