Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:40:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà tình báo và những phi công tù binh  (Đọc 7992 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:16:06 am »


        Chưa kịp thực hiện nhiệm vụ ném bom thì "thần sấm" tan xác và anh ta bị tóm. Thực ra đây không phải lần đầu. Cũng đã một lần anh ta suýt chết, máy bay bị dính đạn phòng không nhưng rất may anh ta nhảy dù xuống biển nên đã được cứu thoát. Cay cú chứ - là người hùng không quân cơ mà! Lần này khôn ngoan hơn - anh ta tìm đường bay trên đỉnh núi cũng không thoát! Tự ái nghề nghiệp nên nhiều lần anh ta hỏi tôi, rằng ai đã dùng loại súng gì, bố trí ở đâu trên núi đá cao để có thể hạ nhục anh ta? Tôi giải thích cho anh ta hiểu rằng, dân quân du kích vừa bắn máy bay vừa lao động sản xuất. Ở đâu có máy bay Mỹ đến ném bom là ở đó có các đơn vị bộ đội và dân quân du kích phục sẵn, kể cả trên núi đá để bắn máy bay Mỹ. Ở Hà Nội cũng thế, không chỉ có bộ đội, dân quân du kích mà cả học sinh, sinh viên vừa học vừa trực chiến bắn máy bay Mỹ.

        Dần dần Rai-nơ hiểu ra sự thật, thấy sự phi lý của cuộc chiến của Mỹ là hao người tốn của và rốt cục không tránh khỏi thất bại:

        - Chiến tranh gì cũng phải tính lãi hay lỗ. Hoa Kỳ có tiềm lực quân sự khá lớn, công nghiệp quốc phòng cũng như đội ngũ lái máy bay. Nhưng không thể bỏ qua sự tổn thất quá nặng về người - vốn quý sinh lực của quân đội Mỹ!

        Đôi khi y tỏ ra bực bội và nhục nhã vì phải vào trại quá sớm. Là người hùng một thời của không lực Hoa Kỳ nên khi phải vào trại giam Hỏa Lò - Khách sạn Hin-tơn Hà Nội gây không ít xôn xao trong trại giam. Sự có mặt của người hùng làm cho những phi công tù binh trẻ hơn lo sợ vì họ hiểu rằng khi đã dùng những con át chủ bài thì cuộc chiến chắc còn kéo dài. Người hùng thì tự trọng ngại gặp những đồng đội cấp dưới trong hoàn cảnh trớ trêu như thế này. Thời gian trôi đi, người hùng muốn được biết thêm tin tức về cuộc chiến, anh ta gặp chúng tôi để hỏi chuyện, trao đổi về nhiều lĩnh vực. Anh ta hiểu biết nhiều về các loại máy bay phản lực Mỹ, về B52.

        Phi công tù binh Mỹ lũ lượt được đưa vào trại giam Hỏa Lò - Khách sạn Hin-tơn trong đó không ít người cấp bậc trung tá, đại tá làm bớt dần mặc cảm trong Rai-nơ. Có lúc anh ta cũng tỏ ra bất mãn vì sự kiệt sức dần của không quân Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cũng như những phi công tù binh khác, anh ta chỉ còn một nguyện vọng duy nhất:

        "Cầu chúa! Chiến tranh nhanh chóng kết thúc để được về nước!".

        Quen dần với cuộc sống, anh ta tham gia vào các hoạt động của trại. Được phép của Ban quản lý, những tù binh phi công Mỹ làm báo tường. Anh ta là "cây bút cứng" của tờ báo tường có tên là "Nhãn quan mới". Tất nhiên là việc chọn tên gì cho tờ báo có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến nên lấy tên "Đường bay mới" mang đặc trưng của những người đang sống trong trại. Cũng có ý kiến nên lấy tên "Nhà ở mới" vừa gần gũi vừa hợp với hoàn cảnh hiện tại... Nhưng rồi cuối cùng thì nhiều người tán thành cái tên nói lên sự thay đổi sau khi thoát chết được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: "Nhãn quan mới". "Nhãn quan mới" ra đời khá đều phản ánh tâm tư tình cảm của phi công tù binh đồng thời nói lên chính sách nhân đạo, cách đối xử tình nghĩa của nhà nước, các nhân viên trông coi trại giam.

        Những phi công tù binh Mỹ đều có một "nhãn quan mới" khi được sống với những người Việt Nam. Họ lấy tên nhà tư bản Mỹ chuyên kinh doanh quán ăn và đã có nhiều khách sạn nổi tiếng ở nhiều nơi trên thế giới đặt cho trại giam Hỏa Lò mà họ đang sống "Khách sạn Hin-tơn!".

        Có một phi công tù binh phát biểu với các nhà báo:

        - Thật ra không phải chỉ sau khi bước vào trại giam, tôi mới thấy rõ chính sách khoan hồng của các ông. Ngay từ khi mối rơi xuống đất Quảng Bình, rồi đưa bằng xe hơi qua Đồng Hới đến Hà Nội, bất cứ nơi nào và qua chặng đường nào, tôi đều được các ông đối xử nhân đạo. Điểu đó làm tôi rất xúc động và ngạc nhiên nữa. Tôi rất tin tưởng và yên tâm về chính sách đối xử của các ông.

        Đó cũng là nhận xét của ông Ran-xi Clác, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời tổng thông Giôn-xơn đến thăm trại giam Hỏa Lò vào mùa thu năm 1971:

        "Tôi đã đi thăm nhiều trại giam trên thế giới sau khi cuộc chiến tranh thế giới kết thúc. Phải nói rằng, không trại giam nào tôi thấy được như ở trại giam này. Không có vẻ một chút gì là nhà tù hay nhà ngục cả".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:17:22 am »


PHI CÔNG CỨU NẠN GẶP NẠN

        Phi công tù binh Rô-bin-xơn trên chiếc máy bay trực thăng đi cứu nạn. Ngày 20 tháng 9 năm 1965, mấy phi đội máy bay F105 được mệnh danh là "Thần sấm sét" liên tiếp thay nhau quần đảo, ném bom bắn phá đường sắt, cầu cống nhằm cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của miền Bắc chi viện cho miền Nam trên đoạn Hương Sơn, Hà Tĩnh. Một chiếc F105 bị trúng đạn, "Thần sấm" tan tành, phi công kịp nhảy dù, kêu cứu. Rô-bin-xơn là thợ máy, anh ta lên máy bay trực thăng cứu nạn đi ngay. Máy bay đang lượn vài vòng để tìm mục tiêu cứu nạn thì chiếc trực thăng bị dính đạn thật ngọt. Anh ta cũng chịu chung số phận với những phi công xấu số. May mắn cho Rô-bin-xơn là còn kịp nhảy dù ra ngoài và bị quân và dân Hương Sơn tóm gọn.

        Hồi đó có một tấm ảnh nổi tiếng được đăng trên nhiều báo và tạp chí - hình ảnh một cô "du kích nhỏ" cầm súng trường dẫn giải một tên phi công Mỹ to cao phía trước. Dưới tấm ảnh có bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu nói lên tư thế chiến thắng của quân và dân ta, của cả dân tộc trong cuộc chiến tranh tàn bạo của Mỹ:

        O du kích nhỏ giương cao súng
        Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
        Ra thế, to gan hơn béo bụng
        Anh hùng đâu cứ phải mày râu.

        O du kích nhỏ trong ảnh chính là chị Nguyễn Thị Kim Lai, 17 tuổi, xã đội phó kiêm trung đội trưởng trung đội nữ dân quân xã Hương Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Tên phi công Mỹ bị o du kích dẫn giải là Uy-liêm An-đru Rô-bin-xơn, sinh năm 1943 quê ở bang Bắc Ca-rô-li-na trên chiếc trực thăng cứu nạn H43, đơn vị đóng ở Đà Nẵng. Người kịp thời bấm máy là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan.

        "O du kích nhỏ" Nguyễn Thị Kim Lai có dịp kể lại: "Buổi chiều ngày 20 tháng 9 năm 1965, để cứu bọn máy bay ném bom bị ta bắn rơi, ba chiếc trực thăng của Mỹ đến cứu quần lượn trên bầu trời. Một trong ba chiếc ấy bị trúng đạn, gãy cánh quạt, bọn phi công Mỹ nhảy dù, trốn vào rừng. Các lực lượng xã Hương Phong được huy động đi vây bắt giặc lái. Tôi mới vào dân quân chưa được bao lâu, chưa rành mấy về súng đạn, chỉ biết mỗi động tác khóa an toàn và bóp cò, cũng hăng hái vác súng tìm giặc lái. Thật bất ngờ tôi là người đầu tiên phát hiện tên giặc lái Rô-bin-xơn đang ẩn nấp trong rừng. Biết địch có vũ khí, tôi dạn lắm, không biết sợ là gì, cùng anh em trong trung đội xông vào trói hắn. Nhìn tôi bé nhỏ, tên giặc Mỹ lại to lớn lênh khênh, mọi người trêu: "Để o Lai giải tên Mỹ đi, xem có to bằng cái bắp đùi của nó không?". Quả thật lúc đó tôi chỉ có 37kg, cao l,48m, còn tên Mỹ nặng 125kg và cao đến 2,2m".

        Từ đội viên du kích rồi o Lai làm xã đội phó, sau đó học một lớp y tá cấp tốc rồi xung phong vào chiến trường B5. Chuyện o tham gia bắt giặc lái Mỹ tưởng như đã đi vào quên lãng thì năm 1967, trong chiến trường B5, Lai bất ngờ phát hiện ảnh mình trên chiếc tem thư của một người bạn. Biết thế thôi, nhưng rồi công việc cứ thế cuốn trôi. Năm 1973, chị xuất ngũ, chị được chuyển ngành làm việc tại Ngân hàng tỉnh Quảng Bình. Hiện nay chị sống cùng gia đình tại ngõ 5 đường mang tên nhà thơ Xuân Diệu, tổ 16, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tình, sống bằng nghề bốc thuốc giúp dân phố.

        Những chuyện xung quanh việc bắt phi công tù binh Mỹ Rô-bin-xơn thì vẫn được những người dân Hương Khê kể cho nhau nghe.

        Rô-bin-xơn đang trực chiến, được lệnh đi ứng cứu. Đang bay trên núi rừng Hương Khê, Hà Tĩnh chuẩn bị ứng cứu thì máy bay bỗng bị trúng đạn, loạng choạng rơi xuống vùng núi Khe Leo. Người bắn hạ máy bay Rô-bin-xơn là anh Trần Văn Thái, tuổi 25 là công nhân nông trường 20 tháng 4 Hương Khê. Trần Văn Thái leo lên cây cao dùng súng trường hạ gục trực thăng cứu nạn bằng hai phát đạn.

        Cùng trên chiếc trực thăng cứu nạn bị bắn rơi với Rô-bin-xơn còn có đại úy Tô-mát Fe-ri Cơ-tít sinh năm 1932 ở bang Tếch-dớt và bác sĩ An-tha Nên Blách sinh năm 1944 ở bang Pen-sin-ra-ni-a. Trong rừng, cả tốp trốn trong một cái hang đá sâu. Chúng tưởng thế là an toàn, chờ ứng cứu. Nhưng không ngờ, không đầy 30 phút sau họ đã bị bao vây bởi hàng trăm người - bộ đội, dân quân và dân địa phương, cả tốp bị bắt sống, được đưa về xã Phú Phong. Ba ngày ở xã Phú Phong, toán giặc lái Mỹ được giam tại các gia đình ông bà Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Việt Úy, Nguyễn Kim Thoan và Nguyễn Kim Tụy. Sự luân chuyển ở nhiều nhà để tránh máy bay Mỹ phát hiện. Người nấu cho tù binh Mỹ ăn lúc bấy giờ kể lại:

        "Khi đưa chúng về đến làng, chiếc máy đeo bên hông hắn liên tục phát ra tiếng tích tè, giống như tín hiệu cấp cứu. Rứa là máy bay Mỹ kéo tới từng đàn lượn ràn rạt trên trời rõ khiếp! Ta không ai biết tắt tích tè đó cả, sau phải đập nát nó thì máy bay mới thôi quần đảo".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2020, 07:39:23 am »


        Người con trai của bà Nguyễn Thị Lương nhớ lại:

        "Mẹ tôi chẳng nói gì cũng không tỏ rõ sự căm phẫn như nhiều người khác. Mặc dù tôi hiểu, cũng như tôi không bao giờ muốn có thằng Mỹ hiện diện trong nhà mình. Cha tôi đang đi đánh Mỹ ở chiến trường xa, hàng đêm mẹ tôi thở dài khó ngủ. Thế mà lúc này mẹ phải đi soạn chiếc giường cho Rô-bin-xơn nghỉ. Buồn cười nhất là toán phi công khát nước quá mà lúc đó chưa có phiên dịch. Chúng nó cứ lấy tay khoát lấy khoát để ra hiệu. Mọi người tưởng chúng đòi rửa tay bèn múc cho một chậu nước. Thấy nước, cả bốn tên vục mặt vào chậu uống lấy uống để. Mẹ tôi đua cam cho, Rô-bin-xơn cầm lấy cả quả cắn ăn không biết bóc vỏ, tách múi. Ăn cơm thì bốc bằng tay không biết cầm đũa. Hễ mẹ tôi hay bà Đường mang cơm đến là chúng chắp hai tay vái lạy tỏ ý cảm ơn. Rô-bin-xơn người cao to quá khổ, khi nằm trên chiếc giường tre của mẹ tôi bị gãy ụp. Mẹ tôi nhường bộ phản duy nhất cho chúng"...

        Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan, tác giả bức ảnh lịch sử "O du kích nhỏ" được trao tặng Huy chương vàng quốc tế về nghệ thuật nhiếp ảnh tại đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Sofia, Bungari năm 1968. Tấm ảnh được phóng cao 6m treo trên cổng chính hội trường lớn đại hội. Ở La-ha-ba-na nước Cộng hòa Cu Ba, bức ảnh này được phóng cao 8m treo trên cao. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan kể về hoàn cảnh ông bấm máy: "Tôi luôn có mặt ở trận địa chiến đấu. Tôi đang chụp ảnh cuộc chiến đấu ở Phà Địa Lợi, cách vị trí chiếc trực thăng rơi hơn 10 km. Nghe tin máy bay rơi, tôi đã nhanh chóng di chuyển đến khu vực truy lùng giặc lái và kịp thời chụp được ảnh".

        Còn Rô-bin-xơn tâm sự với nhà báo Nhật:

        "Khi thấy ánh chớp máy ảnh, tôi biết là họ chụp để tuyên truyền, tôi muốn ngẩng đầu lên để gia đình tôi biết rõ mặt, biết là tôi còn sống. Nhưng rồi người phóng viên nhiếp ảnh đã kịp chụp đúng vào lúc tôi đang mải suy tư, buồn bã đến không thế ngẩng lên được. Trước khi rời Việt Nam tôi đã thiết tha đề đạt một nguyện vọng là được gặp lại cô gái nhỏ, người đã tước vũ khí và bắt giải tôi, nhưng điều đó chưa kịp thực hiện".

        Tuy là to cao nhưng Rô-bin-xơn còn "trẻ người non dạ" dễ kích động. Mạc Lâm nhớ một lần anh ta đến thắc mắc với cán bộ phụ trách trại:

        - Tại sao tôi có thư mà các ông không đưa?

        Người phụ trách trại ôn tồn trả lời:

        - Nếu có thư chúng tôi đưa cho anh ngay, giữ làm gì.

        Rô-bin-xơn nói:

        - Có một ông sĩ quan Hoa Kỳ nói với tôi như thế.

        Người phụ trách trại ôn tồn giải thích:

        - Anh biết rồi đấy, trại không có đánh đập, không có nhục hình hay trù bất cứ một ai. Vậy sĩ quan Hoa Kỳ nào nói anh hãy đưa người ấy sang đây để đối chứng. Nếu không đúng anh cần phải rút kinh nghiệm. Không nên bạ gì cũng nghe mà thiếu suy nghĩ.

        Suy nghĩ lại, đúng là mình bị sĩ quan Hoa Kỳ đánh lừa. Anh ta ngạc nhiên, thấy nhà cầm quyển trại không nổi nóng, không cáu kỉnh mắng anh ta.

        Mấy hôm sau, anh ta xin gặp người quản lý trại, nói giọng thành thật:

        - Đó là một ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi. Trong đời lính tôi chưa từng thấy sĩ quan nào như các ông, tốt đến như thế.

        Thấy người quản lý trại mỉm cười, anh ta mạnh dạn nói tiếp:

        - Trong quân đội Mỹ, sĩ quan và binh sĩ rất cách biệt. Binh sĩ luôn bị sĩ quan khinh miệt, bạt tai, đá đít. Ở đây sĩ quan và binh sĩ Việt Nam rất kỷ luật nhưng cũng rất chan hòa, gần gũi nhau. Tôi rất cảm động vì ở đây tôi được đối xử bình đẳng với sĩ quan Hoa Kỳ - cùng hưởng một chế độ và ngồi cùng hàng với sĩ quan khi xem phim. Từ khi vào đây tôi mới được đối xử như thế, không phân biệt cấp bậc.

        Nhận xét của Rô-bin-xơn gần giống nhận xét của trung úy người da đen Nôi-rit Sác-lơ trước đây: "Chỉ trong trại giam Bắc Việt tôi mới được đối xử bình đẳng, không phân biệt màu da".

        Trong số 471 phi công tù binh Mỹ được Chính phủ ta trao trả về nước vào mùa xuân 1973 có Rô-bin-xơn. Quà anh ta mang về quê hương sau nhiều năm ở trại giam Hỏa Lò - Khách sạn Hin-tơn được anh ta giữ gìn cẩn thận là con tem có hình "O du kích nhỏ" cầm súng áp giải viên phi công Rô-bin-xơn và chiếc hộp con làm bằng xác máy bay Mỹ - "Con tem này là một kỷ niệm không sao quên được trong đời tôi. Mấy năm qua tôi ở đây được đối xử bình đẳng với các sĩ quan Mỹ, điều mà trong quân đội Mỹ chưa hề có".

        Ba mươi hai năm sau, năm 1995, Rô-bin-xơn cùng vợ sang Việt Nam, về thăm lại xã Phú Phong ngày ấy. Rô-bin-xơn gặp lại "O du kích nhỏ" và dân làng đã cưu mang anh ta. Cùng đi với vợ chồng Rô-bin-xơn có đoàn làm phim tài liệu Trung ương. Bộ phim "Cuộc hội ngộ sau 30 năm" của đạo diễn Lê Mạnh Thích ghi lại hình ảnh Rô-bin-xơn thăm chị Lai và dân làng Hương Phong. Rô-bin-xơn xúc động nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Người Việt Nam nhân hậu quá!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2020, 07:40:31 am »


MẠC LÂM TRONG CON MẮT PHI CÔNG MỸ

        Ban hỏi cung phi công tù binh Mỹ chính thức chỉ có hai người là Phan Mạc Lâm và Lâm Hoài. Khi có nhiều tù binh Mỹ cần khai thác gấp thì cấp trên điều động thêm một vài người khác nữa. Vì thế mà Mỹ đã vẽ hình Mạc Lâm làm con ngáo ộp dọa phi công Mỹ trước khi sang tham chiến ở Việt Nam.

        Một phi công tù binh Mỹ có cuộc trò chuyện với Mạc Lâm về nội dung một buổi sát hạch về đề tài "Khai cung" của phi công Mỹ trong trường hợp bị bắt:

        "Trước khi đến Việt Nam người ta cho chúng tôi đến một nước gần Việt Nam, tập trung trong một căn cứ huấn luyện. Chúng tôi được phổ biến là để sát hạch, chấm điểm về đề tài "Khai cung" trong trường hợp bị bắt. Việc sát hạch được tổ chức như sau:

        Đúng giờ, một sĩ quan an ninh Mỹ và mấy người nữa cùng đi vào phòng sát hạch. Không khí trong phòng khá căng thẳng. Ba sĩ quan không quân cùng một lúc ngồi trong phòng chuẩn bị sát hạch. Ban giám khảo tuyên bố: Đây là buổi sát hạch khai cung. Giả định khi làm nhiệm vụ ở miền Bắc Việt Nam, máy bay bị bắn cháy, bị bắt đưa về nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Người hỏi cung là một "sĩ quan an ninh cộng sản". Theo quân luật Mỹ, sĩ quan khi bị kẻ thù bắt, chỉ có thể trả lời những nội dung sau: tên tuổi, ngày sinh, quê quán, số quân nhân. Ngoài ra không được khai bất kỳ điều gì liên quan đến quân sự, chính trị...

        Mac Lâm cắt lời, hỏi ngay:

        - Sĩ quan mặc quân phục, có phù hiệu hải quân, không quân. Vậy có cấm khai rõ đơn vị nào, lái loại máy bay nào không?

        - Thưa ông, nhiều người thắc mắc điều đó, họ bảo cấp trên đang nghiên cứu.

        Người tù binh nhìn Mạc Lâm, vui kể lại:

        - Tôi trông ông tóc bạc, rất vui tính, nhưng họ kể về ông khác hẳn.

        Mạc Lâm hỏi tiếp:

        - Sì quan an ninh kể gì về tôi - cứ kể thực đi, xem đó là một chuyện vui!

        - Họ đưa cho chúng tôi xem bức ảnh một người đàn ông khá giống ông rồi nói bằng một giọng trịnh trọng: "Đây là một sĩ quan an ninh Hà Nội đang hỏi cung phi công Mỹ bị bắt ở trại này".

        - Ảnh chụp hay ảnh vẽ? - Tôi hỏi.

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Thưa ông, ảnh vẽ. Chúng tôi nghe nói một tù binh được trao trả, đã diễn tả lại cuộc hỏi cung, miêu tả hình dáng ông. Cơ quan an ninh Mỹ thuê họa sĩ vẽ theo lời kể của nó và chụp lại thành nhiều ảnh.

        Mạc Lâm thấy vui vui, nói với anh ta:

        - Anh kể tiếp đi. Hay quá. - Vừa nói ông vừa gạt bao thuốc lá về phía người phi công tù binh, khuyên khích: Cứ hút thuốc mà kể.

        Người phi công tù binh kể tiếp:

        - Rồi họ bắt đầu hỏi cung, chúng tôi phải trả lời: "Tên anh là gì?". Tôi ngồi im không trả lời. Thế là một trong hai người hỏi cung chạy tới hùng hổ, đánh tôi túi bụi, khá đau. Bạn tôi bên cạnh hốt hoảng vì tôi bị đánh đau.

        Đến lượt bạn tôi. vẫn câu hỏi: "Tên anh là gì?". Cậu ta trả lời ấp úng, lại cũng bị đòn như tôi.

        Cậu thứ ba, cũng câu hỏi: "Tên anh là gì?". Cậu ta trả lời vớ vẩn cũng bị đánh nốt.

        Giải thích vì sao chúng tôi bị đánh, sĩ quan an ninh nói: "Vì luật cho phép khai điều đó, nếu các anh không khai, an ninh cộng sản sẽ trừng phạt như ở đây vậy. Họ đánh để khai thác tin tức". Còn một số câu hỏi khác họ đặt ra chúng tôi trả lời cũng bị đánh tuốt. Họ giải thích: "Không được khai, nếu khai, hoặc khai sai an ninh cộng sản có cớ để trừng phạt!".

        Trỏ lại với công việc, Mạc Lâm hỏi anh ta:

        - Từ hôm về trại đến nay, anh có bị đối xử như thế không?

        - Thưa ông, tôi về đây mấy hôm nay. Hôm đầu tiên tôi cũng rất lo lắng, chờ đợi để đối phó. Tôi im lặng quan sát động tĩnh xung quanh. Thật lạ, vẫn thấy phòng bên cạnh có tiếng người Mỹ - có cả tiếng châu chạy và cả huýt sáo nữa. Ngay đêm qua tôi ngủ thiếp đi vì không sợ bị tra khảo đánh đập như sĩ quan an ninh Mỹ nói.

        Trung tâm huấn luyện Mỹ lấy Mạc Lâm làm hình mẫu cho một nhân vật ''an ninh cộng sản" tại trại giam Hà Nội để khủng bố tinh thần phi công Mỹ cũng là một cách để giáo dục lòng trung thành cho công dân Mỹ trước khi ra trận. Điều bịa đặt về sự đã man tàn ác của "an ninh cộng sản" bị chính những phi công tù binh Mỹ vạch trần sự thật. Mới đến trại, nhìn Mạc Lâm người tù binh trẻ nhận ra đó là "an ninh cộng sản" nhưng lại không tàn ác như anh ta đã từng được nghe cấp trên lên lớp.

        Mạc Lâm chất phác và hiền lành. Ông tận tụy với công việc. Bảy năm liền ông thường trực ở Hỏa Lò để khai thác tù binh phi công Mỹ. Những buổi hỏi cung ông ngồi trong căn phòng nhỏ chừng 10m2 với một ấm trà nhỏ. Ông hút thuốc lá nhiều, nhất là những hôm mưa rét phải ngồi thâu đêm. Mạc Lâm nghiện nặng không sao bỏ được. Cho đến bây giờ đã ở tuổi tám mươi ông vẫn không bỏ được thuốc lá. Bác sĩ khuyên ông nếu bỏ thuốc lá sức khỏe ông tốt lên trông thấy nhưng không sao bỏ được. Cà phê cũng là món khoái khẩu của ông. Cũng là do công việc khai thác tù binh. Có đêm, vợ ông phải mang cà phê từ nhà đến Hỏa Lò, không được vào trong, phải pha cà phê từ ngoài cổng nhờ người mang vào cho ông. Hầu như trong thời gian ấy ông làm việc ở Hỏa Lò suốt ngày đêm, có đêm chỉ ngủ được 15-30 phút, ngủ ngay trên bàn hỏi cung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2020, 07:40:49 am »


        Hỏi cung để khai thác tù binh phi công Mỹ là một cuộc đấu trí đấu lực. Những phi công Mỹ được nhồi nhét tư tưởng chống cộng, niềm tự hào không lực của đại cường quốc Hoa Kỳ nhất thế giới. Nào là lòng trung thành vô hạn với tổ quốc cùng với Luật sĩ quan Mỹ. Rồi cả tư tưởng hiếu thắng, sự tự ái nghề nghiệp... Không dễ gì họ khai ra những điều ta cần. Ấy thế mà hầu như những phi công bị ta bắt làm tù binh đều khai báo. Không chỉ họ ham sống sợ chết. Không chỉ chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với tù binh và thực tế nhận ra sự giả dối của chính quyền Mỹ "bịt mắt" đưa họ vào cuộc chiến. Họ đi qua những khu dân cư vừa bị đánh phá, gặp những nạn nhân do đạn bom hủy diệt của chính họ ném xuống thức tỉnh lương tâm... Mà còn là sự cảm hóa của người "an ninh cộng sản" đổi với họ. Với mái tóc bạc, người gầy dễ cảm tình, cặp mắt đen sáng nhìn thấu tim gan mà nhiều tù binh Mỹ mãi sau này vẫn không quên được. Nhìn ông lúc đó họ sợ - "hình như ông ta biết tất cả rồi" nghĩ thế nên họ không thể không khai báo trung thực! Chưa đủ, ở ông còn là một con người đứng tuổi từng trải, một vốn sống và chiến đấu phong phú mà những phi công tù binh Mỹ dù là cấp đại tá, trung tá chỉ đào tạo qua trường đối với ông chỉ là học trò xa. Những câu chuyện tâm tình về gia đình, quê hương, chuyện vợ con làm cho nhiều tù binh cảm động lắm. Những kiến thức về quân sự nhất là những hiểu biết sâu về lực lượng hải quân, không quân Mỹ cũng là một vũ khí lợi hại trong cuộc chiến đấu thầm lặng giữa Mạc Lâm với những phi công tù binh Mỹ. Kiến thức có được chính là kết quả của nhiêu năm Mạc Lâm nghiên cứu qua các tạp chí Mỹ. Ông nhớ chi tiết từng hạm đội, từng loại máy bay kể cả kỹ thuật, chiến thuật tác chiến. Ông theo dõi sát sự di chuyển của từng hạm đội. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ:

        "Năm 1965 Mỹ có bốn hạm đội. Hạm đội 1 có 90 tàu hoạt động ở bắc Thái Bình Dương. Hạm đội 2 có 40 tàu hoạt động ở trung Đại Tây Dương. Hạm đội 6 có 50 tàu hoạt động ở biển Địa Trung Hải. Hạm đội 7 có 117 tàu hoạt động ở biển tây Thái Bình Dương. Hạm đội 7 tuần tiễu từ bờ biển vùng Xibêri đến Inđônêxia có khi còn tói cả Bắc Úc. Ông nhớ cả số tàu chiến và số máy bay trên Hạm đội 7: trong số 117 tàu của Hạm đội 7 có 4 hàng không mẫu hạm, 3 tuần dương hạm, 8 tàu ngầm, 25 tàu đổ bộ, 44 tàu hộ tống. Hạm đội 7 có 650 máy bay trong đó 140 máy bay tiêm kích, 150 máy bay cường kích còn lại là trinh sát và vận tải các loại. Ông còn biết, trên tàu sân bay còn có cả nhà thờ thì phi công tù binh Mỹ phục lăn. Thế là, nhiều khi không khảo mà xưng, khâm phục sự uyên bác, vui tính, có phi công tù binh Mỹ muốn được thể hiện sự hiểu biết của mình tranh luận với ông, có phi công tù binh Mỹ mến sự cởi mở, vui tính, trò chuyện cùng ông cho quên nỗi nhớ nhà, giết thời gian trong tù. Vậy là bao nhiêu chuyện họ kể cho ông nghe. Trong tay ông có hàng ngàn trang tài liệu về không quân và hải quân Mỹ, về các loại máy bay mà đặc biệt là về máy bay B52 qua lời khai của phi công tù binh.

        Không phải ngay từ đầu ta hiểu về chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc. Qua những phi công tù binh Mỹ khai báo, dần dần chúng ta hiểu để chủ động chiến đấu và chiến thắng làm phá sản cuộc chiến tranh leo thang tàn bạo của chúng. Mỹ chia miền Bắc ra làm nhiều khu vực. Từ vĩ tuyến 20 trở vào chúng tập trung và liên tục đánh phá trong suốt cuộc chiến tranh âm mưu ngăn chặn đường vận tải chiến lược chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Từ vĩ tuyến 20 trở ra thời kỳ đầu chúng đánh phá các mục tiêu giao thông cả về đường thuỷ, đường bộ và đường sắt gồm các nhà ga, kho tàng, bến bãi, cầu đường, sân bay. Chúng quy định dải đất thánh tức là khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc chưa được phép đánh phá. Khu vực Hà Nội, thời gian đầu còn là khu vực hạn chế đối với không quân Mỹ.

        Do bố trí lực lượng và khả năng kỹ thuật, chiến thuật của các loại máy bay chúng phân công: máy bay của hải quân Mỹ từ các tàu sân bay trên Hạm đội 7 chủ yếu đánh các mục tiêu ven biển. Máy bay của không quân Mỹ từ các sân bay U Đon, Cò Rạt, Utapao trên đất Thái Lan đánh phá các mục tiêu nằm sâu trong đất liền khu vực Tây Bắc. Các mục tiêu khu vực Hà Nội, dọc đường quốc lộ 1 thì phối hợp cả máy bay của không quân và hải quân Mỹ cùng tham gia. Khi tiến hành đánh các mục tiêu thuộc khu vực Hà Nội do bộ tham mưu liên quân Mỹ duyệt từng mục tiêu, từng trận đánh. Biết được tính năng, kỹ thuật, chiến thuật các loại máy bay và âm mưu của Mỹ ta có điều kiện chuẩn bị cũng như bố trí lực lượng tiêu diệt chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2020, 07:41:16 am »


        Chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta từ năm 1964 đến năm 1972 Mỹ tiến hành từng bước. Bất lực trong cuộc chiến tranh ở miền Nam chúng tưởng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc mà trọng tâm là dùng không quân tập trung đánh phá con đường Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam của hậu phương lớn miền Bắc. Nhưng càng leo thang, Mỹ càng thất bại nặng nề. Trên lĩnh vực quân sự, không quân và hải quân Mỹ đánh phá miền Bắc cũng phải từng bước, từng bước một dù là liều lĩnh. Chuẩn bị cho việc leo thang đánh phá "vùng tử địa" chúng đắn đo cân nhắc. Từ giữa năm 1966 chúng đánh phá dần đến vĩ tuyến 20, mật độ đánh phá tăng lên gấp bội kể cả phía nam khu vực miền Trung từ Nghệ An trở vào mà chúng gọi là "vùng cán xoong". Tiếp tục đánh phá vùng lân cận Hà Nội, Mỹ tập trung nhiều trung đoàn không quân mạnh. Trước đó, đánh phá phía Bắc vĩ tuyến 17 chủ yếu là Hạm đội 7 và các đơn vị không quân đóng ở căn cứ Thái Lan đảm nhiệm. Từ năm 1966, Mỹ huy động các đơn vị thường trực, vơ vét cả một phần không quân ở châu Âu và lực lượng dự bị của chính nước Mỹ vào cuộc. Vấn đề lớn nhất tiếp tục chiến tranh là phải đào tạo gấp đội ngũ phi công mới và thêm ở các nhà máy sản xuất máy bay và bom đạn. Không phải là Mỹ giàu có đến mức thứ gì cần bao nhiêu cũng có ngay. Ngừng ném bom miền Bắc trong năm 1968 cũng không chỉ là do thất bại cay đắng mà còn là để Mỹ có thời gian đào tạo phi công, phi hành đoàn và cả việc sản xuất vũ khí đạn dược. Còn đối với phi công Mỹ, tinh thần chiến đấu ngày càng sa sút. Càng leo thang chúng càng sợ hãi. Những chuyến đi oanh kích, nhiều máy bay không trở về, nhiều đơn vị không quân được tăng cường càng tăng thêm nỗi hoang mang đối với những người hùng của nước Mỹ. Đối với chúng, bay vào vùng trời Việt Nam không còn chỗ nào là an toàn. Phi công tù binh Mỹ nói đúng: "Nơi an toàn nhất là trại giam tù binh Mỹ".

        Đây là một đoạn đối thoại giữa Mạc Lâm và phi công tù binh Mỹ năm 1967.

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Sân bay Tác Li Thái Lan có thêm một trung đoàn F105 nữa. Chỉ mới một tháng đánh rộng ra phía bắc Hà Nội mà căn cứ không quân Mỹ ở Thái Lan đã có thêm mười máy bay nữa bị bắn rơi, nhiều phi công cấp tá bị bắt hoặc mất tích. Nhiều tử địa đối với không quân Mỹ! Chúng tôi thường gọi tử địa bằng một mật danh "5.5.5".

        Mạc Lâm:

        - Ở đâu là tử địa và ở đâu là thánh địa?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Không ở đâu an toàn cả. Từ vĩ tuyến 20 trở ra, ở đâu cũng là tử địa đối với chúng tôi. Ba Vì là tử địa đối với không quân nếu bay từ hướng tây và tây bắc đến đánh Hà Nội.

        Mạc Lâm:

        - Vậy ở đâu là thánh địa?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Thưa ông, Hà Nội là một vùng tử địa! Nhưng hiện nay, bộ tham mưu liên quân vẫn xác định Hà Nội là một vùng hạn chế.

        Mạc Lâm:

        - Vùng hạn chế là thế nào?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Thưa ông, hạn chế là chỉ được đánh vào một số mục tiêu do bộ tham mưu liên quân quyết định - còn được gọi là mục tiêu JCS (bộ tham mưu liên quân). Chúng tôi được phổ biến như thế.

        Mạc Lâm:

        - Những bước leo thang mới?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Các đơn vị không quân đóng căn cứ phía Nam sẽ tham gia đánh miền Bắc. Các đơn vị có căn cứ ở Thái Lan sẽ đánh sâu hơn. Có tin, sẽ phối hợp không quân và hải quân đánh vào Hà Nội. Sở chỉ huy trên không, trinh sát điện tử EB66 sẽ có mặt ở hướng này. Trực thăng cấp cứu thường trực trên vùng biên giới Việt - Lào.

        Mạc Lâm:

        - Theo anh, mục tiêu nào ở Hà Nội là an toàn?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Thưa ông, như ông biết đấy, đó là trại giam tù binh Mỹ.

        Mạc Lâm ngạc nhiên:

        - Trại này ư. Tại sao?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Chúng tôi biết, máy bay Mỹ phải đánh xa khu vực trại giam này. Tránh đánh vùng lân cận vì sợ tên bay đạn lạc không ai có thể lường trước. Vì thế, một số mục tiêu phải đánh bằng bom lade. Họ tìm cách cướp tù binh vì mới đánh phá miền Bắc vài năm mà phi công bị mất quá nhiều.

        Mạc Lâm:

        - JCS biết trại giam?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Thưa ông. Họ ghi rõ trên bản đồ và có ảnh chụp tất cả.

        Mạc Lâm:

        - Hoa Kỳ có nhiều máy bay mới, bom đạn mới và cả át chủ bài B52 nữa. Vậy sẽ leo thang đến đâu?

        Phi công tù binh Mỹ:

        - Thưa ông, chả có loại nào thật mới. Không quân của không quân có F4D, F4E là mới nhất. F111 mới chỉ có vài đại đội. B52 mang bom nhiều, ném bom hàng loạt nhưng không dễ vào Hà Nội được an toàn vì lưới lửa phòng không của các ông rất mạnh. Không quân của hải quân nghe nói có A6E. Leo thang nhưng vẫn chú trọng khu vực "cán xoong".

        Tôi hỏi về công việc hàng ngày đối mặt với phi công tù binh Mỹ, ông vẫn nhớ tỉ mỉ:

        7 giờ sáng đi lấy cung ở Hoả Lò đến 11 giờ - 12 giờ nghỉ ăn trưa rồi báo cáo miệng hoặc báo cáo bằng văn bản nội dung vừa khai thác lên cấp trên.

        12 giờ đến 16 giờ 30 hỏi cung tiếp, ăn cơm chiều xong lại báo cáo bằng miệng hoặc văn bản theo yêu cầu của cấp trên.

        17 giờ đến 1 giờ hôm sau hỏi cung tiếp. Sau đó viết báo cáo chính thức bằng văn bản (đánh máy chữ) gửi lên cấp trên.

        Tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ hàng ngày mà sau khi có báo cáo chính thức, Mạc Lâm có thể trực tiếp báo cáo lên cấp trên hoặc gặp và làm việc với Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân. Cũng có khi Mạc Lâm báo cáo trực tiếp với các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu hoặc thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

        - Nói thế thôi chứ công việc chúng tôi bất tử lắm. Có khi được tin địa phương bắt được giặc lái chưa kịp đưa về trại, chúng tôi cũng phải đến tận nơi. Cũng có khi cùng dân quân đi tìm giặc lái Mỹ lẩn trốn trong rừng. Trưa hôm trước không quân chiến thuật Mỹ tập trung đánh phá ác liệt khu vực Hoà Bình. Một máy bay bị trúng đạn, bốc cháy, lao đầu xuống núi và một chiếc dù rơi gần đó. Quân và dân địa phương tổ chức lùng sục tìm bắt giặc lái nhưng cả chiều hôm đó, chưa thấy tung tích hắn ở đâu cả. Có một chiếc máy bay tiêm kích đến khu vực có chiếc dù rơi lượn vài vòng rồi chuồn thẳng. Sáng hôm sau tôi được lệnh phải lên Hoà Bình cùng địa phương tìm giặc lái Mỹ đang lẩn trốn. Huyện đội khẳng định dân thấy dù rơi vào khu vực núi đá rậm rạp. Vì địa hình phức tạp lại quá chiều nên ban đêm không tìm thấy. Tỉnh yêu cầu Trung ương giúp tìm để khai thác kịp thời đối phó trong đợt tác chiến sắp tói. Một mình tôi cùng với lái xe đi ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2020, 07:41:40 am »


        Ngồi trên xe, ông buồn cười nhớ lại lời khai của một phi công tù binh Mỹ về cuộc sát hạch "cấp cứu thoát hiểm" của chúng trước khi sang Việt Nam ở một căn cứ quân sự gần Việt Nam. Đúng là quân đội Mỹ, thứ gì cũng có vẻ chính quy, cũng sát hạch:

        "Trước khi đến Việt Nam, người ta đưa chúng tôi đến một căn cứ huấn luyện ở một nước Đông Nam Á. Chúng tôi phải qua một khoá huấn luyện sau đó phải sát hạch cái gọi là "cấp cứu thoát hiểm". Nội dung như sau: Từ căn cứ chúng tôi lên máy bay vận tải, tới một vùng rừng núi khá rậm rạp. Đúng chỉ lệnh, từ trên máy bay, chúng tôi nhảy dù, tiếp đất cởi dù ra cất giấu trong bụi rậm, lấy máy thông tin liên lạc gọi cho đội cấp cứu cách xa khoảng một trăm ki-lô-mét. Sẽ xảy ra hai tình huống để vận dụng theo bài bản huấn luyện:

        Trường hợp nhảy dù gần dân thì chúng tôi phải lập tức chạy trốn, càng xa khu dân cư càng tốt tìm chỗ kín để ẩn nấp. Rồi gọi đội cấp cứu - báo rõ tình hình mặt đất khu vực đang ẩn náu. Có người săn lùng hay không, mức độ nguy hiểm để bọn cấp cứu xử lý. Phải đề phòng trường hợp máy bay cấp cứu bị súng dưới bắn lên nguy hiểm. Trực thăng cấp cứu sẽ gọi tốp cường kích để đánh phá nghi binh, đe doạ ngăn chặn những người đến bắt.

        Trường hợp nhảy dù xuống xa khu vực dân cư thì liên lạc ngay với đội cấp cứu, bắn pháo hiệu lên khi máy bay cấp cứu đang tới.

        Căn cứ huấn luyện cũng thuê một bọn người bản xứ giả làm người Việt Nam lùng bắt chúng tôi như thật. Chúng tôi phải chạy trong rừng rất khốn khổ để thoát khỏi sự săn lùng. Khi chúng tôi gọi được đội cấp cứu đến, lên được máy bay là kết thúc sát hạch. Họ bảo chúng tôi nếu không tìm cách thoát được, bị dân chúng bắt thì chỉ có chết thôi!".

        Ông mủm mỉm cười. Từ tỉnh về huyện nơi máy bay Mỹ vừa đánh phá nhà cửa đổ ngổn ngang, khói đen còn âm ỷ cháy. Khu vực biết là có phi công rơi rất đông dân quân, bộ đội và cả dân quanh vùng đang tụ tập. Huyện đội cho biết, có sáu tổ mỗi tổ mười người đang vây quanh khu vực núi đá này để tìm kiếm từ chiều hôm qua cho đến sáng nay và đang tiếp tục tìm. Mạc Lâm đề nghị thành lập thêm một tổ nữa gồm một bộ đội huyện, một dân quân địa phương và Mạc Lâm cùng đi. Phải trèo lên mỏm núi cao nhất quan sát rộng, phát hiện dù mắc trên cây. Ba người phạt cây cùng trèo lên cao. Khi lên một mỏm núi khá cao có thể quan sát bao quát xung quanh họ dừng lại, nghỉ một lát, Mạc Lâm dùng loa gọi to bằng tiếng Anh: "Hãy nghe đây! Chúng tôi không đánh đập, không giết anh đâu! Anh đang ở đâu? Ra đi!". Mạc Lâm gọi nhiều lần, từ mỏm đá này sang mỏm đá khác. Bỗng cả tổ phát hiện một chỗ trông, có ánh sáng từ trên xuyên xuống. Có một khe nước nhỏ, cả tổ cùng xuông đó. Thật không ngờ, cách khe nước vài mét tên giặc lái đang nằm sõng soài không thấy động đậy. Chúng tôi chĩa súng về phía hắn rồi tiến đến gần. Bỗng nhiên anh ta giật mình, mỏ mắt nhưng vẫn không động đậy gì. Thì ra anh ta đã kiệt sức, bị thương nhẹ, khẩu súng ngắn treo trên cây gần đó. Chúng tôi có thêm lực lượng của huyện đội tăng cường đưa anh ta về. Đến trụ sở, anh ta mở mắt xin ăn, cảm ơn rối rít. Anh ta nói thều thào:

        - Tôi đã gào rất to trong máy xin cấp cứu cả chiều hôm qua nhưng vô vọng. Qua một đêm lạnh hãi hùng. Bóng tối và sự yên lặng khủng khiếp. Tôi nằm chờ chết, mê man lúc nào không biết. Suốt đời không thể nào quên được điều đó. Cảm tạ các ông! Cảm tạ các ông!

        Về trại anh ta gặp Mạc Lâm, cảm ơn rối rít:

        - Việt Nam đã cứu tôi về đây. Mai sau về nước, tôi sẽ kể cho mọi người nghe kỷ niệm không bao giờ quên. Chính những người dân lúc đầu tôi có ấn tượng xấu lại là ân nhân đã cứu sống tôi. Tôi thật may mắn. Cảm ơn các ông. Cảm ơn các ông.

        Mạc Lâm cũng rất quan tâm khai thác để hiểu về mọi sinh hoạt của phi công Mỹ. Mỗi phi công sang Việt Nam chiến đấu được quy định trong sáu tháng. Mỗi tháng được cấp trên giao cho tham gia mấy lần xuất kích chia ra các tuần trong tháng. Giữa thời gian chiến đấu tuỳ tình hình có thể được nghỉ phép ngắn hạn. Xong nghĩa vụ sáu tháng phi công tù binh được về Mỹ sau đó có thể trở lại lần thứ hai, lần thứ ba... Hàng tuần, trung đoàn bay hội ý gồm chỉ huy cấp tiểu đoàn trở lên hoặc cấp trung tá trở lên về nhiệm vụ chiến đấu. Nội dung chính những cuộc hội ý hàng tuần là phổ biến ý định cấp trên về mục tiêu sắp tới, về cách đánh, về bổ sung hoặc thay thế máy bay, phi công.

        Hội ý tác chiến trước một trận đánh là quan trọng nhất. Mọi phi công đều có mặt, nghe phổ biến nhiệm vụ, mục tiêu, phân công tổ, tốp chiến đấu, có sơ đồ, bản đồ tác chiến. Những tấm ảnh chụp về mục tiêu tấn công, chú ý các trận địa phòng không của đối phương có cả dự kiến chiến đấu với máy bay và tên lửa. Như vậy là hội ý tác chiến từng phi công biết rõ lệnh chiến đấu, mục tiêu tấn công, nhiệm vụ cụ thể của cá nhân và đơn vị...

        Cũng nhiều lần ông không cầm được nước mắt thắp hương trên nấm mồ cho những phi công Mỹ xấu số tan xác cùng với máy bay vừa đươc dân quân chôn cất cẩn thận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 07:14:36 am »


NGƯỜI PHI CÔNG MỸ GỐC THỤY SĨ

        Sau hai mươi năm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, Việt Nam và Mỹ đã chính thức khép lại quá khứ, nhìn về tương lai, quan hệ bình thường giữa hai quốc gia được thiết lập. Ngày 11 tháng 7 năm 1995 Tổng thống Mỹ, Bin Clin-tơn tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tổng thống Mỹ đã chọn Pi-tơ-sơn hạ nghị sĩ Mỹ liên bang Flo-ri-da làm đại sứ đầu tiên tại Việt Nam. Điều khá trớ trêu, Pi-tơ-sơn vốn là phi công tù binh Mỹ đã từng sống ở trại giam Hỏa Lò - Khách sạn Hin-tơn Hà Nội từ năm 1966 đến ngày được trao trả về Mỹ năm 1973. Tất nhiên là việc bổ nhiệm này cũng đã gây tranh cãi trong giới chức Mỹ, có người sợ Pi-tơ-sơn đã từng là tù binh có thể "phải lòng" Việt Nam không hành động vì quyền lợi của nước Mỹ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Pi-tơ-sơn làm tốt nhiệm kỳ đại sứ của mình.

        Trước khi Pi-tơ-sơn sang làm đại sứ ở Việt Nam, đạo diễn Mai-cơn Gáp-sơn làm bộ phim "Người của chúng ta ở Hà Nội" (Our man in Hanoi) dài 60 phút phát trên kênh truyền hình CBS News kể về cuộc đời của Pi-tơ-sơn trước và sau khi trở thành phi công năm 1954. Hình ảnh Pi-tơ-sơn sang Việt Nam tham gia chiến đấu, máy bay bị bắn rơi và những ngày tháng trong khách sạn Hin-tơn cho đến năm 1973 được trao trả về Mỹ gặp lại những người thân yêu sau bao năm xa cách.

        Nhớ lại chuyện đó tôi hỏi đại tá Mạc Lâm:

        - Có một nhân vật khá nổi tiếng - Đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam từng là khách không mời của trại giam Hỏa Lò, chắc ông nhớ chứ?

        - Tôi nhớ chứ, đó là một anh chàng người gốc Thụy Sĩ, khá đẹp trai. Đại úy Pi-tơ-sơn sinh ngày 26 tháng 6 năm 1935 ở Nê-brát-xka, trước khi vào khách sạn Hin-tơn, Pi-tơ-sơn đã có vợ và ba người con. Hai mươi mốt tuổi vào quân đội Mỹ - tháng 11 năm 1954, lái máy bay F4 thuộc đơn vị không quân 433 TS đóng ở căn cứ quân sự U Bon, Thái Lan. Hơn hai mươi năm sau, Pi-tơ-sơn trở lại Việt Nam, anh ta có một cử chỉ đầy thiện chí là trở lại thăm người du kích năm xưa đã bắt anh ta khi máy bay F4 bị bắn rơi. Pi-tơ-sơn kịp nhảy dù và bị dân quân Nguyễn Viết Chộp cùng đồng đội bắt. Việc Pi-tơ-sơn về thăm lão Chộp - người đội viên đội dân quân Quyết thắng ở làng An Đoài, xã An Bình, tỉnh Hải Dương thể hiện cái tình của người phi công tù binh này. Nhân dân An Bình nhớ câu nói đầy thiện cảm của Pi-tơ-sơn:

        "Lúc đó rất có thể tôi đã bị giết chết. Nhưng rất may là có người ngăn lại và tôi vô cùng biết ơn điều đó".

        Một đoạn đối thoại ngắn giữa Nguyễn Viết Chộp và Pi-tơ-sơn hôm ấy đã được nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa ghi lại:

        - Ông còn nhớ tôi không? Ông có mong tôi trở lại không?

        Đại sứ Pi-tơ-sơn bắt tay lão Chộp và hỏi lão như vậy. Câu hỏi ấy làm cho lão rất đỗi kinh ngạc:

        - Làm sao tôi lại nhớ và mong ông được. Ông không phải người làng tôi, cũng không phải họ hàng. Ngay cả bây giờ gặp ông giữa ban ngày ban mặt tôi cũng còn chẳng thể nhận ra được nữa kia. Lúc ấy ông khác lắm...

        - Tôi khác ư? Khác thế nào? - Đại sứ đâm tò mò...

        - Thì lúc ấy ông là cái ông đầu trọc. Tôi muốn túm tóc ông cũng không túm được. Còn bây giờ thì ông thế này...

        Đại sứ Mỹ cười vang. Lão Chộp cùng cười. Câu chuyện xưa đã thành cổ tích. Còn hiện nay lão Chộp đang thủng thẳng cùng Pi-tơ-sơn đi thăm cánh đồng Mã Giai, thăm gian nhà kho chứa thóc giống nơi ngài từng bị nhốt. Tất cả giờ đổi khác... .

        An Bình là một xã sống bằng nghề nông, nằm giữa hai cây cầu Phú Lương và Lai Vu trên đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Trong chiến tranh phá hoại những cây cầu là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, và những khu dân cư quanh những cây cầu, đường giao thông cũng thế. Chúng đánh ban ngày và đánh cả vào ban đêm. Tiếng máy bay gầm rú suốt đêm ngày, làng xóm xác xơ và bị cháy trụi, những rặng tre xanh tươi là thế chẳng mấy chốc trơ xương, đổ nghiêng ngả. Rồi tiếng trẻ khóc, tiếng gào thét vì mất người thân trong những trận giặc Mỹ đánh phá như vẫn còn đâu đây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 07:14:52 am »


        Đêm mùng 10 tháng 9 năm 1966, dân làng vẫn còn nhớ, một đêm tối trời máy bay Mỹ đánh phá cầu Phú Lương, cầu Lai Vu trên đường 5. Tưởng đi đánh trộm đêm có thể trốn tránh được lưới đạn phòng không, nào ngờ... Bầu trời bỗng sáng rực sau những tiếng nổ lớn, đanh của tên lửa ta. Máy bay Mỹ trúng đạn, cháy đỏ rực, rồi rơi lả tả xuống cánh đồng. Có tin phi công Mỹ nhảy dù thế là cả làng rộn ràng hẳn lên. Bộ đội và dân quân du kích được lệnh đi lùng bắt phi công Mỹ nhảy dù xuống vùng này. Chẳng còn biết sợ là gì, mọi người túa ra các ngả. Cuối cùng thì tổ du kích ba người là Nguyễn Viết Chộp, Nguyễn Danh Sinh và Nguyễn Danh Xuyên bắt sống được tên phi công chạy trốn. Chiếc máy bay bị bắn cháy hôm đó là chiếc F4 được mệnh danh là "con ma" do đại úy Pi-tơ-sơn lái và cùng bay còn có trung úy Ta- lay. Pi-tơ-sơn bị thương được ta băng bó cứu chữa rồi chuyển lên trên. Ta-lay khỏe hơn tìm cách chạy trốn vào khu nghĩa địa. Anh ta đào đất ngồi vào đó rồi lấy rơm đội lên đầu tưởng có thể thoát thân nhưng sáng hôm sau những người đàn bà của hợp tác xã nông nghiệp đi làm đồng sớm bắt được, anh ta lạy như tế sao. Chiếc "con ma" do Pi-tơ-sơn lái đi ăn đêm đã bị Tiểu đoàn tên lửa 62 thuộc Trung đoàn 236 bắn hạ. Người con của quê hương Hải Dương, Trần Thanh Hằng kể lại:

        "Tại một địa điểm thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, Tiểu đoàn tên lửa 62, Trung đoàn 236 Quân chủng Phòng không - Không quân căng bạt đóng quân ven đường 5 với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị được trên giao bảo vệ con đường 5 huyết mạch vận tải hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội. 20 giờ 30 phút ngày 10 tháng 9 năm 1966, có lệnh báo động. Đêm hè bầu trời trong xanh, những chòm sao sáng rực.

        Tiểu đoàn trưởng Đinh Công Khẩn dõng dạc hô: "Nâng cao thế khẩn cấp!". Mục tiêu đã ở cự ly bốn mươi kilômét từ hướng Hà Bắc - Yên Tử, độ cao sáu ngàn mét, khí tài đã chuyển tự động. Tổ trắc thủ có bốn đồng chí: sĩ quan điểu khiển trung úy Nguyễn Xuân Minh, phụ trách cự ly, đồng chí Khuê cùng một phụ trách góc tà, một phương vị. Sau khi đồng chí Khuê báo cáo mục tiêu vào cự ly 20km, chuẩn bị! Đồng chí Nguyễn Xuân Minh ấn nút phóng. Lửa đạn vút lên theo hướng máy bay. Chiếc F4 bốc cháy làm thành một bó đuốc lớn rơi lả tả, sáng rực cả một vùng trời. Hai phi công kịp nhảy dù...".

        Cuộc đời Pi-tơ-sơn cũng không thuận buồm xuôi gió. Sau Hiệp nghị Pari cùng với đồng nghiệp, Pi-tơ-sơn được trao trả trở về Mỹ. Anh ta tiếp tục phục vụ quân đội. Sau 26 năm mặc áo lính, năm 1981 anh ta được giải ngũ với cấp quân hàm trung tá về chung sống cùng gia đình ở bang Flo-ri-da. Anh ta tham gia giảng dạy ở trường đại học sau đó làm kinh doanh máy tính điện tử. Nhưng rồi điều không may đến với anh ta: người con trai chết vì tai nạn. Chưa kịp nguôi ngoai nỗi buồn thì vợ anh ta - Các-lốt-ta mất vì bệnh ung thư. Rồi Pi-tơ-sơn tích cực tham gia hoạt động chính trị. Không bao lâu được bầu làm nghị sĩ Mỹ Liên bang của bang Flo-ri-da.

        Sang Việt Nam làm đại sứ, Pi-tơ-sơn cũng đã tìm được hạnh phúc riêng. Ông lấy vợ người Úc gốc Việt tên là Lê Vi. Đám cưới của họ được tổ chức ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Trong nhiệm kỳ làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam.

        Ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam có một bức ảnh Pi-tơ-sơn khi còn là "khách không mời" của "Khách sạn Hin-tơn". Ảnh kiểu chân dung nhưng người trong ảnh không ngồi chính diện, có mái tóc cắt ngắn, mặc áo tù và có chữ "Song" đằng trước. Đại tá Mạc Lâm giải thích: có chữ "Song" như thế là vì, trong trại có mấy trăm tù binh, đê tiện cho việc nhận diện, chúng tôi thường có một tên bằng tiếng Việt cho mỗi phi công tù binh Mỹ. Su-mếch-cơ chúng tôi gọi là Su. An-va-rết chúng tôi gọi là An... Tên anh ta là Pi-tơ-sơn chúng tôi thường gọi là Song. Nói rồi ông cười. Tấm ảnh ấy đã trở thành hiện vật của bảo tàng, mang ký hiệu: BTQĐ-P-13477.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 07:15:06 am »


        Tấm ảnh liên quan đến việc làm bộ phim "Người của chúng ta ở Hà Nội" chiêu rộng rãi ở Mỹ. Để có tấm ảnh lịch sử ấy các anh chị ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng kỳ công tìm kiếm. Trần Thanh Hằng kể lại rằng:

        "Ngày 14 tháng 2 năm 1997, Văn phòng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao có cử đồng chí Vũ Bình đến Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) tìm bức ảnh phi công Mỹ có tên là Pi-tơ-sơn Đu-gla Bri-an bị bắt sống tại xã An Bình huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Đó là viên phi công thứ sáu mươi sáu của Mỹ bị bắt trên miền Bắc, sinh ngày 26 tháng 6 năm 1935, ở Nê-brát-xka, số quân FR 54627. Việc tìm bức ảnh Pi-tơ-sơn khi bị bắt giam ở Hỏa Lò giúp cho Bộ Ngoại giao có những tài liệu cần thiết để tuyên truyền về Pi-tơ-sơn trước khi sang Việt Nam làm đại sứ và giúp cho đạo diễn Mai-Cơn Gáp-sơn hoàn thành bộ phim mang tên "Our man in Hà Nội" (Người của chúng ta ở Hà Nội)... Thời gian như xóa đi mọi dấu vết, khó có thể nhận diện từ những bức ảnh phi công cách đây ba mươi năm. Phải mất nửa tháng loay hoay tìm kiếm, vận may đã đến với tôi. Tôi đã tìm được trên báo Quân đội nhân dân và báo Hải Dương đăng tin bài sự kiện máy bay rơi và viên phi công bị bắt sống. Một số quản giáo cũ cho tôi biết một số tên lóng in trên áo sọc tù nhân. Hồi đó quản giáo thường gọi tên phi công phiên từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho dễ nhớ và in luôn tên lóng đó trên áo. Tôi ghi kỹ càng những tên lóng có từ "S" như Sơn, Son, Song... và lần tìm những bức ảnh phi công trên áo có hàng chữ đó. Cuối cùng tôi tìm được bức ảnh phi công trên ngực có tên là Song, tên gọi tắt từ âm cuối của từ Pi-tơ-sơn. Tuy bức ảnh tôi tìm được trên ngực áo có chữ Song, khuôn mặt, cặp mày đôi nét hao hao giống bức ảnh từ Bộ Ngoại giao đưa sang, nhưng chưa chắc chắn. Anh Vũ Bình, Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao gửi e-mail sang Mỹ. Hai ngày sau tôi được tin anh Bình cho biết, đó chính là bức ảnh Bộ Ngoại giao cần tìm. Bức ảnh được đưa vào phim "Our man in Hà Nội". Ngay lập tức bộ phim dài sáu mươi phút được phát trên kênh truyền hình CBS News vào khoảng tháng 3 năm 1997...".

        Những ngày sống trong trại giam Hỏa Lò đã giúp cho Pi-tơ-sơn cũng như những phi công tù binh Mỹ hiểu về Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao những phi công tù binh Mỹ sau khi về nước, nhiều người mong muốn được trở lại Việt Nam. Nhiều người tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh ủng hộ Việt Nam. Về nước họ dũng cảm nói cho nhân dân Mỹ hiểu rõ chính sách đối xử nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, lòng thương yêu con người, thiết tha hòa bình của nhân dân Việt Nam.

        Trung úy Nô-rit Sác sinh ngày 4 tháng 8 năm 1945 tại bang Tam-pha. Tốt nghiệp Đại học Mo-hao-xơ bang At-lan-ta năm 1968. Máy bay anh ta bị bắn rơi ngày 30 tháng 12 năm 1971 và là một trong ba phi công tù binh được phóng thích tháng 9 năm 1972. Anh ta đã nói lên sự thật về "Những ngày trong trại giam" được nhà báo s. Giê-fơ ghi lại:

        "Đêm đó tôi phát hiện một trong những điều quan trọng nhất của đời một tù binh: Mỗi năm được sáu bữa ăn thịnh soạn vào những ngày lễ tết của họ... Ở trại thứ hai được đọc thêm những thứ, không phải thường xuyên nhưng thỉnh thoảng có cái mới để đọc. Tôi được đọc một lô những sách nói về chiến tranh có tác giả Mỹ viết. Ở trại giam tôi đọc sách của Phê-lích Grin nhiều hơn là ở trường đại học, kể cả cuốn "Việt Nam, Việt Nam" với cuốn "Kẻ thù", cuốn "Gia tài cay đắng" của Xô-lê-din-gơ có một lô những bài báo của Tom Hai-nơ. Cả "Tình thư" của Đích-ken. Một ngày rất nóng giữa mùa hè, "người mở khóa" (tên gọi người gác tù) đi ra thành phố. Có lẽ hai tuần họ được đi một lần. Khi trở về trại, anh ta đem theo một ít chanh và làm nước chanh cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một trong những điều vĩ đại nhất trên thế giới. Nó biểu thị cho chúng tôi thấy lòng nhân đạo của người Việt Nam. Đối với chúng tôi, chẳng có thù ghét gì giữa tù với người gác".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM