Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:31:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà tình báo và những phi công tù binh  (Đọc 8001 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 18 Tháng Hai, 2020, 04:46:51 am »

       
        - Tên sách : Nhà tình báo và những phi công tù binh

        - Tác giả : Nguyễn Ngọc Phúc

        - Nhà xuất bản quân đội nhân dân

        - Năm xuất bản :  2009

        - Số hóa : Giangtvx

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2020, 04:18:32 am »

     
LỜI GIỚI THIỆU

        Những năm gần đây, một loạt các cuốn sách viết về chiến sĩ tình báo được bạn đọc hoan nghênh. Sách giúp cho bạn đọc trong nước và thế giới hiểu biết về một mặt trận chiến đấu thầm lặng, khó khăn, nguy hiểm, nhưng cũng vô cùng quan trọng - "hiểu địch để thắng địch". Họ là những chiến sĩ tình báo chiến lược được "cài cắm" vào các cơ quan trong bộ máy chính quyền Sài Gòn, chiến đấu trong lòng địch. Cùng với đội quân ngầm chiến đấu trong lòng địch còn có nhiều chiến sĩ tình báo làm công tác ở hậu phương, không kém phần quan trọng. Không phải đối mặt hàng ngày với kẻ thù, nhưng cũng không kém phần khó khăn, vất vả đòi hỏi sự thông minh, tài trí, để khai thác tin tức từ những tên tù binh trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong kháng chiến chống Mỹ phục vụ cho việc hoạch định các kế hoạch tác chiến của cấp trên.

        Đọc tập hồi ký "Những ký ức không bao giờ quên" của Thiếu tướng Cao Pha, nguyên Cục phó Cục Tình báo, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Đặc công, Viện phó Viện Lịch sử quân sự Việt Nam giúp ta hiểu thêm cuộc chiến âm thầm trong công tác tình báo chiến lược trên lĩnh vực này. Những trang viết cảm động về tình đồng chí đồng đội âm thầm làm công tác tinh báo không kém phần gian khổ, sẵn sàng hy sinh để cấp trên có ngay những tin tức cần thiết. Cùng với ông là một đội ngũ những chiến sĩ tình báo tài giỏi trong công tác khai thác tù binh được ông nhắc đến trong cuốn hồi ký là:

        Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa phương thức hỏi cung tù binh và các phương thức khai thác để nắm vững trạng thái tinh thần, chủ trương, thủ đoạn, tác chiến của địch trong suốt quá trình chiến dịch. Với những đồng chí hỏi cung rất giỏi như Hùng Châu, Mạc Lâm, Mạnh Thái... tin tức khai thác cung tù binh ở Điện Biên Phủ không những có tác dụng phục vụ cho chiến dịch mà còn có ý nghĩa chiến lược; biết được ý đồ của Mỹ ném bom ồ ạt mà sau này báo chí nói đến cái tên "Chiến dịch Con Ó" qua cung một tên đại úy biệt kích trá hàng...". Nhà tình báo Mạc Lâm được nhắc nhiều trong cuốn sách làm cho tôi chú ý. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm quân và dân ta chiến thắng trong trận "Điện Biên Phủ trên không", báo Quân đội nhân dân đăng bốn kỳ "Những ngày tháng Chạp ở Tổng hành dinh" của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh. Bài viết giúp bạn đọc hiểu hơn tầm nhìn chiến lược, công tác lãnh đạo chỉ huy của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Qussn đội nhân dân Việt Nam đối với lực lượng phòng không làm nên chiến công vĩ đại đập tan cuộc tập kích chiến lược chưa từng có trong lịch sử nhân loại của Mỹ bằng máy bay ném bom chiến lược B52 vào Hà Nội. Tôi lại gặp những dòng tác giả nhắc đến Mạc Lâm:

        "Ngày 6 và 7, tại ngôi nhà nép kín trong góc thành cổ Hà Nội, các đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ, Phùng Thế Tài đã chủ trì hội nghị về đánh thắng máy bay B52. Sau khi nghe tám đồng chí có trọng trách lớn phát biểu ý kiến (Mạc Lâm - cán bộ Cục Quân báo, Lê Văn Tri - Tư lệnh Phòng không - Không quân, Đào Đình Luyện - Tư lệnh Không quân, Dương Hán - Phó Tham mưu trưởng Phòng không - Không quân, Hoàng Đình Phu - Viện trường Viện Kỹ thuật quân sự, Trần Đại Nghĩa - Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Nguyễn Văn Ninh); đồng chí Phùng Thế Tài kết luận: Mỹ sẽ đem B52 đến ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận vào lúc ta đang thắng lớn ở miền Nam mà Mỹ lại ngoan cô muốn ép ta ở Hội nghị Pari. Chúng sẽ đánh tất cả các mục tiêu kể cả khu đông dân. B52 sẽ ném bom đêm, gây nhiễu rất nặng, bay cao 10-11km. Chiến thuật địch rất máy móc, lệ thuộc vào điều lệnh sẵn có. Không quân chiến thuật bảo vệ đội hình B52, dùng nhiều tên lửa sơrai để chế áp trận địa tên lửa, rađa... của ta. B52 bay bằng cắt bom...".

        Mạc Lâm hỏi cung nhiều tù binh Pháp trong đó có cả tướng bại trận Đờ Cát và 18 năm sau ông lại là một trong số "tám người có trọng trách lớn" trong cuộc họp bàn về đánh B52?

        Mạc Lâm là nhà tình báo chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng. Cả cuộc đời binh nghiệp ông gắn bó với công tác tình báo, khai thác các tù binh Pháp và Mỹ qua hai cuộc chiến tranh. Qua khai thác tù binh, ông cùng với cơ quan tình báo góp phần giúp cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng "hiểu địch" có cơ sở xây dựng các kế hoạch quân sự cụ thể củng như lâu dài đánh địch và thắng địch. Một trong những thành tích xuất sắc của nhà tình báo chiến lược Phan Mạc Lâm là thông qua khai thác từ binh là phi công đã phát hiện được kế hoạch của chính quyền Mỹ và cả ngày giờ cụ thể thực hiện chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II" dùng B52 tập kích chiến lược vào Thủ đô hòng hủy diệt Hà Nội làm cơ sỏ cho việc đàm phán giữa ta và Mỹ tại Pari.

        Chiến công của Đại tá Phan Mạc Lâm nói riêng, của cơ quan tình báo chiến lược nói chung đã giúp cho đất nước ta không bị bất ngờ trước một âm mưu lớn của chính phủ Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang trong trận "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, làm cơ sở cho ngày 30 tháng 4 năm 1975 toàn thắng.

        Hàng ngàn trang tài liệu về các loại máy bay, hạm đội của lực lượng không quân, hải quân Mỹ khai thác qua các phi công tù binh Mỹ không những cần thiết cho chúng ta mà còn góp phần quan trọng giúp cho các nhà nghiên cứu, các cơ quan chiến lược quân sự của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa (trước đây) hiểu các loại vũ khí tối tân dùng trong chiến tranh Việt Nam cũng như chiến thuật, chiến lược quân sự Mỹ để cải tiến vũ khí, có kế hoạch phòng thủ có hiệu quả.

        Tập sách này kể về một số hoạt động tình báo trong việc khai thác tù binh, giúp bạn đọc hiểu biết phần nào công việc thầm lặng của nhà tình báo chiến lược Phan Mạc Lâm nói riêng, của ngành tình báo quân đội qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.


TÁC GIẢ          
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:22:36 am »

           
HỎI CUNG TƯỚNG ĐỜ CÁT

        Nhớ đến những gì tướng Cao Pha đã viết trong cuốn Hồi ký "Những ký ức không bao giờ quên" về công tác tình báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi gặp Mạc Lâm, tôi gợi chuyện. Trầm ngâm một lát, ông kể:

        "Tháng 10 năm 1953, tại một căn nhà nhỏ trên đồi cọ Thái Nguyên, mấy anh em chúng tôi trong tổ quân báo được thủ trưởng Cục Quân báo Cao Pha và Nghiêm Xuân Hiếu giao nhiệm vụ, phải đi ngay lên trại tù hàng binh ở Na Hang, Tuyên Quang hỏi cung -  lấy đầy đủ mọi tin tức địch bố trí các căn cứ ở Lai Châu, Phong Sa Lỳ và Luông Prabăng mà chủ yếu là Lai Châu. Chúng tôi hiểu đây là hướng chủ yếu của bộ đội ta trong Đông - Xuân 1953 - 1954.

        Qua khai thác, tù binh Pháp đã cung cấp được nhiều thông tin quan trọng về tình hình quân sự ở Lai Châu. Những mặt mạnh mặt yếu của địch, đề xuất các hướng tấn công vào thị xã. Chúng mô tả khá tỉ mỉ về địa hình Điện Biên Phủ và cả cụm cứ điểm Nà Sản - hình thái tập đoàn cứ điểm đầu tiên của tướng Gin. Trung tuần tháng 11 năm 1953, thực hiện quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Đại đoàn 316 lên đường mở chiến dịch giải phóng Lai Châu. Tôi cùng phân đội trinh sát của Cục 2 bí mật lên Tây Bắc để phối hợp với công tác trinh sát phục vụ chiến dịch. Đây là lần thứ hai tôi lên Tây Bắc. Phong cảnh Lai Châu thật là đẹp, khí hậu mát mẻ. Phải vượt qua nhiều đèo cao, đứng ở đấy nhìn xuống đẹp như những bức tranh sơn thủy. Qua đèo Cò Nòi, đèo Cơ La sẽ đến một thung lũng đẹp thơ mộng mang tên Tình Yêu. Hồi ấy chưa biết yêu là gì nhưng cũng cảm thấy rạo rực khi chiêm ngưỡng nơi đây. Chúng tôi vừa đến Tuần Giáo thì được tin địch rút khỏi Lai Châu. Theo lệnh trên, Đại đoàn 316 nhanh chóng đánh địch rút chạy, không cho chúng co cụm về Điện Biên Phủ đồng thời giải phóng Lai Châu theo kế hoạch. Từ cơ quan tôi được lệnh về 316. Ba lô trên vai, bao gạo thắt ngang sườn và một túi hồ sơ, tài liệu, một mình tôi lên đường, đi đến đâu hỏi đường đến đó. Mưa bụi suốt đêm, đường rừng trơn như đổ mỡ. Tôi cắt rừng đi theo bản đồ. về đến Đại đoàn là tham gia chiến đấu ngay. Cuộc chiến đấu ở Mường Pồn, Pu San diễn ra ác liệt trong hai ngày 12, 13 tháng 11 năm 1953. Lực lượng địch từ Lai Châu về hầu như bị tiêu diệt. Bọn từ Điện Biên lên cũng bị chặn đánh, bỏ chạy tán loạn... Ngày 14 tháng 1 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến kế hoạch tác chiến Điện Biên Phủ theo phương châm "Đánh nhanh thắng nhanh", tôi được lệnh về Đại đoàn 308 - mũi thọc sâu đánh trận mở màn. Nhiệm vụ của tôi hỏi cung tù binh và cùng anh Trần Bá Khoa thu tin tình báo kỹ thuật. Trước khi đi, thủ trưởng Cao Pha bắt tay và dặn dò, nói rõ tầm quan trọng khai thác tù binh phục vụ tác chiến, đánh địch trong hành tiến, bắt địch hỏi cung ngay báo cáo kịp thời phục vụ cho đại đoàn chỉ huy đánh trúng căn cứ Mường Thanh. Tôi được quân báo đại đoàn tin tưởng giao cho theo mũi chủ công đánh từ bắc xuống. Nằm trong công sự dã chiến, chờ đợi lệnh tiến công, bỗng có lệnh rút. Sau này tôi mới biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi nghiên cứu đã quyết định chuyển phương án tác chiến "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc".

        Ngày 13 tháng 3 năm 1954, mở màn chiến dịch, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ đánh trận đầu vào căn cứ Him Lam. Lần này thì tôi được phân công về Đại đoàn 312, trinh sát mũi chủ công cùng với một tổ địch vận. Chúng tôi bám nhau theo giao thông hào tiếp cận cứ điểm địch, dùng bộc phá mở đường, phá dây thép gai xông lên. Trong hai đêm 13, 14, Đại đoàn 312 tiêu diệt hoàn toàn căn cứ Him Lam do tiểu đoàn Âu Phi đóng giữ. Nhiều tù binh bị bắt. Thế là chúng tôi phải hỏi cung ngay tại mặt trận để khai thác những tin tức quan trọng báo cáo gấp về tiền phương Cục Quân báo. Đợt một chiến dịch kết thúc, cánh quân báo-chúng tôi tập trung về khai thác tù binh ở trại giam. Tin tức chúng tôi khai thác được giúp ích rất lớn cho việc tác chiến đợt hai được Phó Tổng tham mưu trưởng vừa là Tham mưu trưởng mặt trận Hoàng Văn Thái khen ngợi.

        Tháng 4 năm 1954, trong lúc quân ta siết chặt vòng vây Điện Biên Phủ, được tin tỉnh Vĩnh Phúc bắt được một hàng binh. Khai thác sơ bộ, anh ta khai là đã từng ở Điện Biên Phủ theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu đưa anh ta lên Điện Biên Phủ để khai thác tiếp. Tất nhiên là anh ta được giam riêng có cảnh vệ trông nom. Tôi được giao nhiệm vụ làm việc với người hàng binh này. Đúng là anh ta biết nhiều về Điện Biên Phủ, từ cách bố trí binh lực, hệ thống công sự phòng thủ ở Mường Thanh và các cứ điểm khác. Anh ta khai về hệ thống hỏa lực pháo binh vì chính anh ta là một sĩ quan pháo binh. Anh ta phân tích rất kỹ về ưu điểm, nhược điểm, về cách bố trí lực lượng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ... Tất cả những gì người hàng binh khai báo làm cho tôi phải suy nghĩ. So với tin tức ta nắm được cũng như khai báo của một số sĩ quan tù binh Âu - Phi thì những gì anh ta khai là khá tốt. Đặc biệt anh ta biết rõ về kế hoạch của không quân Mỹ ồ ạt ném bom xuống tập đoàn cứ điểm này... Trong khi khai báo, hắn rất tự tin và thường nhấn mạnh: "Đánh vào Điện Biên Phủ sẽ thiệt hại nhiều! Các ngài chỉ nên đánh vào những cứ điểm yếu thôi. Pháp quyết giữ không chịu thất bại ở chiến trường này - một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương lại được Mỹ viện trợ...". Anh ta lại hỏi tôi: "Cấp trên của ngài có bằng lòng với những tin tức tôi đã cung cấp không? Các ngài có đủ khả năng để tiến công ồ ạt vào Điện Biên Phủ không?". Trong lúc chúng ta đang thắng lớn trong cuộc tiến công lần thứ hai, nhiều cứ điểm bị ta tiêu diệt tại sao anh ta lại khuyên ta không nên đánh tiếp? Tôi sinh nghi, cảnh giác "Thằng này có thể là trá hàng!" - nghĩ thế liền báo cáo suy nghĩ của mình với cấp trên. Tất nhiên, qua trao đổi, xin ý kiến Ban chỉ huy và bằng một số động tác nghiệp vụ sâu, chúng tôi kịp thời phát hiện -  hắn đúng là kẻ trá hàng! Qua hỏi cung, hắn phải khai thật:

        - Tôi được quân Pháp bố trí trá hàng để ngăn chặn các cuộc tiến công vũ bão của các ông vào các cứ điểm tiếp theo ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi muốn kéo dài những đợt tiến công của các ông vào Điện Biên Phủ, chờ sự giúp đỡ tiếp của Mỹ. Tất cả nằm trong âm mưu của chính phủ Pháp - yêu cầu hai nước đồng minh là Mỹ và Anh giúp sức để cứu vãn Điện Biên Phủ nói riêng, chiến cuộc của Pháp ở Đông Dương nói chung. Theo đề nghị của chính phủ Pháp, Mỹ dự định sẽ ném ba quả bom nguyên tử chiến thuật ở ba điểm: Tuần Giao, Mường Phăng và Cò Nòi tiêu diệt chủ lực Việt Minh, cắt mọi nguồn tiếp tế từ hậu phương và tiêu diệt đầu não chỉ huy của các ông ở Điện Biên Phủ!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:22:59 am »

           
        Mỹ có ý định ném bom nguyên tử chiến thuật ở Điện Biên Phủ mà hắn khai là có thật. Sau này trong hồi ký "Thời điểm của những sự thật" của tướng H. Na-va có nhắc đến sự kiện này. Tướng H. Na-va viết:

        "Ngày 10 tháng 4 năm 1954 Mỹ đã định dùng hai quả bom nguyên tử để cứu vãn "sự sụp đổ hoàn toàn" của quân Pháp tại Điện Biên Phủ".

        Anh Lê Mạnh Thái được điều xuống Đại đoàn 308, tôi ở lại Sở chỉ huy, sẵn sàng chờ lệnh. Hàng ngày tôi tranh thủ xuống trại tạm giam tù binh -  cách Sở chỉ huy chiến dịch khoảng mười ki-lô-mét, khai thác tiếp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu và tiếp nhận tù hàng binh mới. Tù hàng binh đều khai báo rằng, các ngài cần tiến công mạnh về hướng đông, sân bay bị tê liệt, việc thả dù tiếp tế bị khống chế thì Điện Biên Phủ sẽ nguy khốn. Chỉ huy hô hào cố thủ, nhưng chúng tôi muốn sống!

        Mặt trận phía đông đang diễn ra ác liệt, cứ điểm Al đang giằng co, ta không chế đường tiếp tế của máy bay... Toàn thể lực lượng trinh sát được huy động phục vụ đánh cứ điểm Al và sân bay Mường Thanh. Bộ phận hỏi cung tập trung hỏi tù hàng binh về hệ thống đường ngầm Al. Tôi được phái xuống sở chỉ huy Đại đoàn 316 nắm tình hình và báo cáo kết quả khai thác tù hàng binh về cứ điểm Al. Một trận đánh quyết tử. Hệ thống trận địa tiến công và bao vây của ta đang thít chặt cổ chúng ở từng cứ điểm. Từ hai hướng công sự của ta hợp điểm chia cắt sân bay Mường Thanh. Địch điên cuồng đánh trả, ta đánh lùi từng đợt phản kích... Đợt ba chiến dịch từ đầu tháng 5, suốt cả tuần lễ cuộc chiến võ cùng ác liệt.

        Sáng ngày 7 tháng 5, hệ thống cứ điểm phía đông của địch đã bị tiêu diệt. Trung tâm Mường Thanh có nhiều tiếng nổ lớn, cờ trắng xuất hiện ngày càng nhiều. Chiều hôm đó, lệnh tổng công kích từ sở chỉ huy chiến dịch truyền đi. Quân ta từ các hướng tiến công địch tiêu diệt các cứ điểm còn lại. Một đại đội bộ binh của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vượt qua cầu Mường Thanh đánh thẳng vào sở chỉ huy bắt sống tưống Đờ Cát và toàn bộ bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.

        Tôi được điều về ngay để khai thác tù binh.

        Trong một căn nhà của dân, trên chiếc chõng tre, Đờ Cát quá mệt mỏi và thể hiện sự hổ thẹn trên nét mặt. Ông ta trả lời:

        - Chúng tôi đã chiến đấu thực sự nhưng cấp trên của chúng tôi đã phạm sai lầm. Đến phút chót không còn ai tin "tử thủ" nữa. Tôi đã chọn con đường đầu hàng là đúng. Tướng sĩ các ông rất tài giỏi. Các ông thắng là phải. Ôi! Nếu cuộc chiến này kéo dài vài ngày nữa thì binh sĩ của tôi sẽ cuồng loạn, phát điên lên hết. Không ai có thể cứu vãn được tình thế. Có lẽ Pháp phải chịu thua ở Đông Dương. Lực lượng tinh nhuệ của Pháp đã vét hết sang Đông Dương rồi. Đồng bằng Bắc Bộ và cả Hà Nội cũng sẽ bị uy hiếp..."

        Trầm ngâm giây lát, Đờ Cát nói trong tâm trạng thất vọng chán chường:

        - Không thể diễn ra một Điện Biên Phủ thứ hai nữa vì đã kiệt sức! Các ông đề phòng Mỹ là đúng. Nhưng người Mỹ can thiệp cũng phải suy nghĩ, tính toán từ bài học cay đắng này...

        Anh Hồng Châu cùng với tôi ở Điện Biên Phủ sau này nhiều năm công tác ở Cộng hòa Pháp cho tôi biết: "Hồng Châu có gặp lại tướng Đờ Cát trong một bữa tiệc ngoại giao tại Pari. Trong câu chuyện, Đờ Cát nói rằng, kỷ niệm đau buồn về Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm trí. Ông ta có dự định sang Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa. Dự định chưa thành thì Đờ Cát qua đời cách đây mấy năm rồi!".

        Đã hơn năm mươi năm mà những kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Tôi thầm cảm phục trí nhớ của nhà tình báo chiến lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:25:30 am »


VỊ KHÁCH KHÔNG MỜI ĐẦU TIÊN

        Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cùng cơ quan Bộ Tổng tham mưu trở về Hà Nội, Mạc Lâm được phân công chuyên nghiên cứu vê không quân và hải quân Mỹ - một công việc hoàn toàn mới mẻ. Ồng nhớ, một tuần sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 15 tháng 7, Bác Hồ đã căn dặn bộ đội:

        "Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang trở thành kẻ thù trực tiếp của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia".

        Bác còn nhấn mạnh:

        "Cần tập trung lực lượng chống Mỹ".

        Năm 1964, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam bị phá sản, Mỹ chuẩn bị cho bước phiêu lưu chiến tranh mới. Chúng tung nhiều biệt kích, thám báo ra miền Bắc. Các căn cứ quân sự Mỹ được gấp rút xây dựng, các tàu sân bay hải quân Mỹ được điều chỉnh trên phạm vi toàn thế giới, dần dần tập trung về châu Á - Thái Bình Dương. Hạm đội 7 được tăng cường, triển khai hoạt động trên vùng biển Đông Nam Á...

        Sau bốn năm công tác ở Xiêng Khoảng - Lào, Mạc Lâm có điện khẩn của Bộ Quốc phòng gọi về nước.

        Chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ, cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Cục Quân báo được tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới. Bộ phận chuyên trách theo dõi tình hình miền Bắc và "Ban hỏi cung tù binh Mỹ" được thành lập. Mạc Lâm được biên chế trong ban này. Ban có phòng làm việc bên cạnh Phòng trực ban Cục với đầy đủ bản đồ trong nước và thế giới, những tài liệu ngày càng nhiều về lực lượng quân sự Mỹ chủ yếu là không quân của quân chủng hải quân (gọi tắt là hải quân) và không quân của quân chủng không quân (gọi tắt là không quân). Đây cũng là nơi sau này Mạc Lâm thường xuyên báo cáo về tình hình khai thác tin tức thu được tù binh Mỹ cho các cấp lãnh đạo kể cả với lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu. Từ đây Mạc Lâm gắn bó với công tác hỏi cung - khai thác tin tức từ những phi công tù binh Mỹ, thường xuyên làm việc ở trại giam Hỏa Lò.

        Trại giam Hỏa Lò - nằm giữa trung tâm thành phố. Trại có tường cao bao quanh, phía trên tường cắm mẻ sành mẻ chai tua tủa và có dây điện trần bảo vệ. Dòng chữ ghi trên cổng chính của trại là Maison Centrale - nghĩa là Đề lao Trung ương nên người ta gọi là trại giam Hỏa Lò hay nhà tù Hỏa Lò. Dân Hà Nội từ xưa vẫn gọi nó bằng cái tên gắn với làng xưa kia ở đây chuyên đốt lò nung đồ gốm, sứ - Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng năm 1896 cùng với Tòa đại hình (nay là Tòa án nhân dân tối cao) và Sở Mật thám (nay là sở Công an Hà Nội). Nhà tù được xây dựng trên nền đất của làng Phụ Khánh, huyện Thọ Xương, Hà Nội xưa. Làng Phụ Khánh chuyên làm nghề sản xuất chum vại và những đồ dùng gia đình bằng sành sứ. Phải đốt lửa nung sành sứ nên làng còn có tên là làng Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò có diện tích là 12.908m2, được xây dựng vừa chắc chắn vừa thâm nghiêm. Tường đá xây bao quanh dày nửa mét, cao 4m, phía trong dưới chân tường có một con đường nhỏ rộng l,2m dành cho lính tuần tra. Bốn góc nhà tù có bốn tháp canh. Nhà tù có chín khu giam giữ. Mỗi khu được cấu trúc theo kiểu biệt lập, khu nọ thông với khu kia bằng những cửa sắt bịt tôn. Trong đó có khu giam giữ riêng cho những người tù là nữ giới, người tù là người Âu và khu giam giữ những người tù có án tử hình. Ngoài chín khu giam giữ còn có các khu là nơi làm việc cho lính canh gác và khu nhà ăn của tù nhân. Theo thiết kế thì nhà tù chỉ có thể giam giữ năm trăm người. Sau nhiều lần cơi nới cũng chỉ đủ giam giữ một ngàn người. Nhưng trong thực tế, từ năm 1950 đến năm 1953 có khi thực dân Pháp bắt giam ở đây lên đến hơn hai ngàn đồng bào ta chống Pháp. Một khung trời nhỏ với giàn nho ai đã qua đây đều nhớ. Khi Tòa tháp Hà Nội thay chỗ cho Hỏa Lò xưa -  dấu ấn của một thời, có dịp trở lại đây, Mạc Lâm không khỏi nuối tiếc. Ông tâm sự:

        - Có lần tôi về Hà Nội, ghé qua trại Hỏa Lò, người ta đang phá dỡ, mở cổng lớn về phía phố Hai Bà Trưng... Nhớ lại, những ngày làm việc, giàn nho tươi đẹp phủ lên sân trại mát mẻ làm cho cảnh vật có màu xanh dịu bớt cảm giác chật chội nơi "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại". Giàn nho - kỷ niệm một thời, cách đây gần bảy mươi năm, thực dân Pháp giam cầm những người cộng sản. Chính những chiến sĩ cộng sản đã trồng giàn nho này tạo nên một bầu trời xanh làm dịu bớt nỗi cơ cực của cuộc sống lao tù, chờ ngày trở về với cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:25:50 am »


        Nhiều nhà yêu nước, nhiều chiến sĩ cộng sản nổi tiếng đã từng bị tù đày ở Hỏa Lò như nhà yêu nước Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc... Các đảng viên cộng sản Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh... Các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù thành trường học. Nhiều cuộc vượt ngục cũng đã được các chiến sĩ cộng sản tổ chức thành công. Cuộc vượt ngục đầu tiên tháng 12 năm 1932 do đồng chí Nguyễn Lương Bằng tổ chức. Cuộc vượt ngục lớn nhất là ngày 11 tháng 3 năm 1945 cho gần một trăm tù nhân trong đó có nhiều đồng chí sau này tham gia lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 như Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Đỗ Mười...

        Ngày 2 tháng 8 năm 1964 Mỹ cho tàu khu trục Ma đốc xâm phạm vùng biển nước ta khu vực giữa đảo Hòn Mê và Lạch Trường tỉnh Thanh Hóa. Giữ vững chủ quyền quốc gia, những người lính đoàn hải quân 135 kiên quyết trừng trị quân xâm lược, đánh đuổi tàu khu trục Mỹ. Ngày hôm sau, chúng điều thêm tàu khu trục lại tiếp tục khiêu khích vùng biển nước ta ở cửa Ròn (Quảng Bình) và trại rađa Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh). "Vừa ăn cướp vừa la làng", Mỹ dựng đứng chuyện hải quân ta tiến công hạm đội Mỹ ngoài vùng biển quốc tế, lấy cớ để mở rộng chiến tranh bằng không quân, hải quân ra khỏi vĩ tuyến 17. Ngày 4 tháng 8 năm 1964 vào lúc 11 giờ 36 phút (giờ Oa-sinh-tơn) tức là 11 giờ 36 phút (giờ Hà Nội) ngày 5 tháng 8 năm 1964 đã đi vào lịch sử: tổng thống Mỹ ngạo mạn tuyên bố, phát động cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam!

        Một âm mưu đã được Mỹ tính sẵn, chúng gọi cuộc tiến công bằng không quân mới là "Mũi tên xuyên" với sáu mươi bốn lần chiếc máy bay từ các hạm đội trên Biển Đông vào đánh phá các mục tiêu từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, chúng đánh phá nhiều nơi trong đó có căn cứ hải quân ta ở Bãi Cháy. Một chiếc A4D bị khẩu đội súng phòng không 14,5mm do trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy bắn rơi tại chỗ. Trung úy phi công An-va-rẽt nhảy dù xuống biển bị tóm gọn! Chiến dịch "Mũi tên xuyên" của Mỹ bị sức đánh trả mãnh liệt của quân và dân ta. Tám máy bay Mỹ - tức 12% số máy bay tham gia đánh phá bị bắn rơi. Lần đầu tiên sau chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ nếm mùi thất bại nhục nhã.

        Tên phi công đầu tiên trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ mở rộng ra miền Bắc bị quân và dân ta bắt sống, cũng là phi công Mỹ đầu tiên Mạc Lâm gặp tại trạm giam Hỏa Lò là An-va-rết (ông gọi tắt la An). Máy bay của An-va-rết cùng bảy chiếc khác được giao nhiệm vụ bắn phá căn cứ hải quân tại Bãi Cháy thị xã Hòn Gai. Vịnh Hạ Long báu vật tạo hóa ban tặng cho con người thanh bình bỗng bị những tiếng rít man rợ của quân cướp từ bên kia Thái Bình Dương làm náo loạn. Giặc đánh ta thì ta đánh trả, lẽ giản đơn của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời. Nhân dân ta lại cầm súng, không chỉ là súng trường mà là cao xạ, tên lửa. An-va-rết nhận ra rằng đây không phải là cuộc dạo chơi, không chỉ là phi vụ bay bình thường như trên hạm tàu được giao nhiệm vụ. Hoảng sợ trước những làn đạn từ mặt bắn lên, An-va-rết bay lên cao ba ngàn mét, chọn góc ba mươi độ bổ nhào, phóng rốc két rồi định bay về hướng Hà Tu thoát thân. Nhưng An-va-rết không sao hiểu nổi, chỉ vài giây thôi khói đen xộc lên ngạt thở. Linh tính nghề nghiệp, anh ta vội vàng bật dù ra ngoài. Chiếc dù trắng lơ lửng rồi biến mất sau những dãy núi đá trên vịnh Hạ Long. Chưa kịp hoàn hồn, vừa ngoi lên khỏi mặt nước anh ta thấy một tốp thuyền đánh cá, nhiều người súng lăm lăm trên tay sau những núi đá kéo đến. Một cụ già có chòm râu bạc lôi anh ta lên sạp thuyền. Tất cả diễn ra rất nhanh anh ta không biết mình tỉnh hay đang mơ. Chiếc tàu của đội công tác đặc biệt của tỉnh đội Quảng Ninh cũng vừa đến.

        "Những giờ phút đầu tiên sống trên miền Bắc của tên phi công tù binh Mỹ" là đầu đề bài báo hồi đó có đoạn miêu tả cái giây phút hãi hùng ấy của tên cướp trời:

        "Dù từ từ rơi. Mặt nước Hạ Long gợn sóng. Anh ta vừa chạm chân tới mặt nước thì trong ngách hòn núi có hình thù kỳ lạ như một con sư tử, một số thuyền đang hối hả chèo tới. Trên thuyền anh ta nhìn rõ nhiều người và hai chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam còn rất trẻ, đã chĩa mũi súng vào phía y, hô lớn: "Giơ tay lên!" Anh ta không hiểu tiếng hô ấy là gì và cũng không tài nào hiểu nổi tại sao, giữa biển núi mênh mông trùng điệp này lại có hai chiến sĩ ngồi thuyền với một số ngư dân, túc trực đón anh ta đúng chỗ nhảy dù. "Giơ tay lên! Nếu chống cự sẽ bị tiêu diệt!" An-va-rết vẫn không hiểu. Nhưng lần này anh ta đoán mang máng đó là mệnh lệnh buộc phải đầu hàng. Bây giờ thì An-va-rết đã rõ và bụng bảo dạ: An-va-rết không còn là trung úy phi công phản lực, con cưng của đại cường quốc Hoa Kỳ nữa. Bây giờ anh ta chỉ còn là một tù binh đại bại, hay nói đúng hơn, một tên kẻ cướp Mỹ đã bị bắt quả tang. An-va-rêt giơ hai tay đầu hàng".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:26:28 am »


        Hơn ba mươi năm sau, tháng 3 năm 1993, An-va-rết sang Việt Nam trở lại thăm trại giam Hỏa Lò Hà Nội cùng với cha con viên phi công Mỹ khác cũng đã từng ở trại giam này là Ben Pốc-xe và một đoàn làm phim, tất cả là 15 người cho bộ phim "Hàn gắn lại những vết thương cuối cùng!", cả đoàn sung sướng, tự hào vì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp thân mật. Chuyện ấy thì nhiều người cũng biết nhưng An-va-rết trong Hỏa Lò thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Ông thủng thẳng kể:

        "Trại giam Hỏa Lò lúc này chưa chuyển cho quân đội. Anh Võ Quang và tôi gặp An-va-rết ở một địa điểm khác. Là tù binh Mỹ đầu tiên chúng tôi dành cho nhiều điều kiện tốt về chỗ ăn ở, tiêu chuẩn cũng như khám chữa bệnh. An-va-rết còn rất trẻ, sinh tại bang Ca-li-phóc-ni-a, nhập ngũ năm 1960, lái máy bay hải quân A4D trên tàu sân bay Côn-ten-lê-sân. Mấy ngày đầu nhìn ai anh ta cũng sợ sệt, nghe chúng tôi giải thích về chính sách nhân đạo đối với tù hàng binh, An-va-rết yên tâm hơn. Những điều anh ta nói lúc đầu nghe khó tin nhưng đó là sự thật trong quân đội Mỹ:

        - Tôi thực hiện phi vụ đặc biệt mà chỉ biết trước một ngày - trong hội ý tác chiến mới nghe nói chính thức đến hai tiếng Việt Nam. Trước đó tôi chỉ nghe nói, có người Mỹ phía nam vĩ tuyên 17 của Việt Nam. Mục tiêu mà tôi được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt là một mục tiêu quân sự của Bắc Việt Nam, nằm ở vịnh Bắc Bộ trên ảnh chụp. Chỉ huy trung đoàn phổ biến nhiệm vụ trước khi cất cánh không nói đến ý đồ, chủ trương của trận đánh. Lệnh tác chiến chỉ gồm có tổ chức đội hình tốp bay, cách đánh, đường đi và các yếu tố chiến, kỹ thuật tác chiến. Trung đoàn trưởng cũng giới thiệu về các trận địa phòng không, có nói đến dự phòng - nếu rủi ro thì nhảy dù ra biển để được cấp cứu. Tôi không được biết gì về chiến lược, kế hoạch tiếp sau đó, chỉ nghe dư luận - đó là nhiệm vụ đặc biệt của Bộ tham mưu liên quân Mỹ (JCS) giao cho tàu Côn-ten-lê-sân".

        Bị bắt anh ta thực sự ngơ ngác. Cho đến khi vào nhà tù anh ta vẫn không tin là sự thật. Trong thâm tâm anh ta nghĩ, chuyến bay chỉ là một nhiệm vụ độc lập, một phản ứng nào đó, không dám nghĩ đến Mỹ đã lao vào một cuộc chiến mới, vì trước hết, đó là điều rất xấu đối với anh ta là phải xa gia đình.

        Như thế đã rõ, bị thất bại trong chiến tranh đặc biệt, để mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Mỹ đã tạo cớ bằng sự kiện vịnh Bắc Bộ. Chính phủ Mỹ không những đánh lừa dư luận trong nước và thế giới mà còn đánh lừa cả những người lính Mỹ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử.
     
        Hiểu tâm trạng cay đắng của An-va-rết, chúng tôi cố gắng thuyết phục. Chúng tôi nói về lịch sử chống ngoại xâm, về cuộc kháng chiến chống Pháp, về Hiệp định Giơ-ne-vơ và việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

        An-va-rết hiểu dần về Việt Nam qua những điều chúng tôi giải thích, sinh hoạt của những chiến sĩ trẻ ở Hỏa Lò, cùng với thời gian, anh ta quen dần nỗi nhớ nhà, cảnh một mình với bốn bức tường.

        Lệnh hành quân lần này của tàu sân bay không theo chu kỳ, không phải tham gia diễn tập hàng năm, mà là cuộc hành quân đặc biệt, có dư luận là ở lại vùng biển này lâu dài. Các sĩ quan trên tàu được hưởng chế độ thời chiến. Vừa qua, tàu sân bay Công-ten-lê-sân chưa tham gia một phi vụ nào ở nam vĩ tuyến 17, đã có không quân đảm nhiệm.

        Qua An-va-rết giúp chúng ta hiểu về tàu sân bay Mỹ, về Hạm đội 7 và những vấn đề về kỹ thuật tác chiến không quân hải quân Mỹ.

        Tại phòng trưng bày về cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đối với miền Bắc trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam còn có bức ảnh đen trắng phóng to - Viên phi công mặc bộ đồ bay tuổi chừng 24, 25 đang bị áp giải. Đầu viên phi công cúi xuống, ánh mắt hoảng hốt, nét mặt bàng hoàng. Đó chính là An-va-rết cùng với nhiều hiện vật được trưng bày: Bộ đồ bay, những trang bị của phi công Mỹ và xác chiếc máy bay A4 mang ký hiệu BTQĐ - P2671.

        An-va-rết bị bắt ngày 5 tháng 8 năm 1964 cho đến ngày được Chính phủ Việt Nam trao trả cho chính phủ Mỹ - ngày 12 tháng 2 năm 1973 là hơn tám năm. Ngồi trong trại giam, được phổ biến về Hiệp định Pari, khác với nhiều phi công tù binh khác vui mừng khi biết rằng, theo tinh thần của Hiệp định, phi công tù binh Mỹ sẽ được trao trả về nước, còn anh chàng An-va-rết thì lại buồn khi nghĩ đến gia đình:

        - Tôi không còn vợ nữa, chiến tranh kéo dài quá, vợ tôi đã bỏ đi lấy người khác rồi. Tôi đã rất yêu nó, bây giờ tôi không nghĩ gì cả. Cũng không biết rằng, về nước sẽ làm gì. Tôi không có con. Đời là thế!

        Đúng là sau khi anh ta bị bắt, người vợ mới cưới bỏ đi lấy chồng.

        An-va-rết được trao trả đợt một ngày 12 tháng 2 năm 1973 tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội. Trong đợt đầu này có 116 nhân viên quân sự Hoa Kỳ. Họ gồm những phi công tù binh, người của 34 bang nước Mỹ trong đó có 10 trung tá, 20 thiếu tá, 51 đại úy, 28 trung úy, hai thiếu úy, ba thượng sĩ và một binh nhất, một binh nhì. Quân nhân thứ một trăm mười sáu được trao trả đợt này là thiếu tá Brai-na Đun-xten, sinh ra trên kênh đào Pa-na-ma ngày 23 tháng 3 năm 1932. Anh ta bị bắt ở Nam Định ngày 18 tháng 9 năm 1968, được về đột xuất là do biết mẹ anh ta bị ốm nặng.

        Sau khi được trao trả, về Mỹ, An lấy vợ mới, tiếp tục phục vụ lực lượng hải quân Mỹ. Năm 1980 về hưu với quân hàm trung tá, An-va-rết chuyển sang kinh doanh, sống tại bang Maryland. Anh ta viết sách "Chim ưng bị xiềng" nói về cuộc sống trong những ngày ở "Trại giam Hỏa Lò - Khách sạn Hin-tơn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:14:46 am »


CƠN ÁC MỘNG CỦA PHI CÔNG VŨ TRỤ

        Vào loại sớm có mặt tại Hỏa Lò là thiếu tá phi công vũ trụ thuộc lực lượng hải quân Mỹ. Tên của anh ta, theo như bài tường thuật trên báo Quân đội nhân dân ghi lại vào hồi 17 giờ, tức là buổi chiều cái ngày mà anh ta bị quân và dân Đồng Hới, Quảng Bình bắn rơi -  ngày 11 tháng 2 năm 1965 trong chứng minh thư số 9131615 là Shumaker (Su-mếch-cơ). Su-mếch-cơ sinh ngày 11 tháng 5 năm 1933 mà Mạc Lâm thường gọi là Su.

        Đầu năm 1965 cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, liên tiếp giành thắng lợi to lớn trên các chiến trường Plây cu, Kon Tum, Quy Nhơn... Để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền tay sai Sài Gòn, chính quyền Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và tiến hành chiến tranh bằng không quân hải quân đối với miền Bắc. Bằng sức mạnh của nền quân sự quốc phòng những nhà cầm quyền Mỹ hy vọng sẽ củng cố được tinh thần cho ngụy quân, ngụy quyền, đánh một đòn mạnh đối với Hà Nội và uy hiếp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chúng tập trung lực lượng lớn không quân ở Đông Nam Á. Trên vùng Biển Đông ngoài khơi nước ta thường xuyên có từ ba đến bốn tàu sân bay của Hạm đội 7 với khoảng ba trăm năm mươi đến bốn trăm máy bay chiến đấu các loại. Các căn cứ quân sự ở miền Nam và Thái Lan được bổ sung tới hơn năm trăm máy bay. Nhận rõ được âm mưu đen tối của Mỹ, chúng ta triển khai kế hoạch đối phó với cuộc phiêu lưu mới của Mỹ. Miền Bắc chuyển sang trạng thái thời chiến, nhân dân và các lực lượng vũ trang vừa sản xuất vừa chiến đấu. Ngày 7 tháng 2 năm 1965 tổng thống Giôn-xơn ra lệnh mở chiến dịch tiến công bằng không quân mang tên "Mũi lao lửa" leo thang đánh phá miền Bắc. Ngay hôm đó bốn mươi chín máy bay phản lực các loại từ tàu Cô-ra-xi và Hen-cốc đánh phá thị xã Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Ngày hôm sau Giôn-xơn lại ra lệnh tiếp tục thực hiện kế hoạch "Mũi lao lửa". Lần này lực lượng không quân ngụy do tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ cũng được huy động. Quan thầy Mỹ tưởng có thể tập dượt được cho lũ tay sai. Cả thầy lẫn tớ đều bị đòn đau. Ba máy bay Mỹ bị bắn rơi. Chiếc máy bay của Nguyễn Cao Kỳ bị đạn xuyên thủng cánh, Cao Kỳ bị thương, may sao cũng lết về sân bay Phú Bài ở Huế. Tư lệnh không quân ngụy hung hăng một phen hú vía - suýt toi mạng!

        Sau hai ngày liên tiếp "Mũi lao lửa" đánh phá Đồng Hới không có kết quả, chúng tạm ngừng oanh tạc để rút kinh nghiệm, cho máy bay trinh sát U2 bay tít độ cao mười sáu ngàn mét trinh sát vùng trời Khu Bốn chuẩn bị cho những đợt tiến công tiếp theo, 12 giờ 50 phút ngày 11 tháng 2 năm 1965 máy bay Mỹ lại được lệnh đánh phá dã man Quảng Bình, Vĩnh Linh. Trong ba ngày chiến đấu, quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh bắn rơi 14 máy bay của lũ cướp trời.

        Mạc Lâm và anh Võ Quang chuẩn bị đến Hỏa Lò gặp tù binh mới. Các ông ý thức đây là dịp để tìm hiểu rõ âm mưu của Mỹ về cuộc chiến tranh, về lực lượng hải quân trên các tàu sân bay đã và đang có mặt tại vịnh Bắc Bộ. Cần phải tìm hiểu về chiến thuật, kỹ thuật tác chiến của hải quân, không quân mà chỉ huy các đơn vị không quân đã phổ biến cho phi công tham gia những trận xuất kích phá hoại miền Bắc. Thực tế, lúc đó Cục Tình báo cũng chỉ mỗi biết về lực lượng quân sự Mỹ qua sách báo, rất nhiều vấn đề cần phải hỏi để biết nhằm vừa phục vụ cho cấp trên chỉ đạo tác chiến vừa phục vụ cho các đơn vị phòng không, không quân ta đang gấp rút triển khai chuẩn bị cho cuộc chiến đấu, qua những nhân chứng sống bị chúng ta bắt được đang trong nhà tù.

        Thất bại cay đắng trong ngày 5 tháng 8 năm 1964 với tám máy bay bị hạ cùng với trung úy phi công An-va-rết bị bắt sống càng làm cho chính quyền Mỹ thêm cay cú hơn. Chiến dịch "Mũi lao lửa" từ ngày 7 tháng 2 đến ngày 15 tháng 5 năm 1965. Trong vòng gần một trăm ngày đã có 277 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi, nhiều phi công bị bắt sống trong đó có Su-mếch-cơ. Sau sáu tháng sống một mình trong phòng nhỏ của nhà tù, An-va-rết không giấu nổi nỗi lo âu khi biết có thêm phi công Mỹ mới đến. Khi chính thức biết Su-mếch-cơ vào nhà tù, An-va-rết kêu lên với vẻ thất vọng: "Chiến tranh rồi ư? Thế là hết hy vọng!".

        Mạc Lâm kể:

        Thiếu tá Su-mếch-cơ trông bơ phờ vì qua mấy ngày đêm đi đường mất ngủ, mệt mỏi. Thoạt đầu tôi nghĩ là anh ta bị thương, mặt mày nhăn nhó, người to cao trông thật thảm hại. Anh ta không bị thương, trạm xá kiểm tra, sức khỏe vẫn bình thường. Chúng tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe, một vài câu chuyện vui vui thế là Su-mếch-cơ khai:

        - Sinh năm 1933 tại bang Pen-sin-va-ni-a, nhập ngũ năm 1952, lái máy bay tiêm kích F8 thuộc tàu bay Co-ran-xi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:15:03 am »


        Thoáng một chút sợ sệt, nhìn chúng tôi như thăm dò rồi anh ta nói nhanh:

        - Tôi như vừa qua một cơn ác mộng khủng khiếp. Trong trận chiến đấu đầu tiên ở Đồng Hới, máy bay tôi bị "lưới lửa phòng không bao vây khi đang lượn vòng để bổ nhào cắt bom vào một trận địa cao xạ 57mm. Máy bay bỗng bị lắc mạnh, tôi biết là trúng đạn, liền vội vàng bật dù, toan chạy trốn trong tay cầm bộ đàm xin cấp cứu. Từ trên cao tôi vô cùng kinh ngạc, dưới đất có rất nhiều người chạy tới. Đó là những giây phút kinh hoàng đối với tôi không bao giờ quên. Tôi nghĩ là người ta sẽ giết tôi vì tôi vừa ném bom xuống đây. Nhưng thật kỳ lạ, sau một hồi lộn xộn, người ta không giết tôi, bắt và dẫn tôi đi trong con mắt căm thù của mọi người vây quanh.

        Để cho anh ta bình tĩnh, chúng tôi hỏi thăm tình hình gia đình, anh ta tỏ ra xúc động. Su-mếch-cơ từ tốn tâm sự:

        - Tôi có một con trai. Bà nội đã già, người anh em của tôi là luật sư. Tôi, ngay từ nhỏ rất thích khoa học kỹ thuật. Mơ ước được khám phá thế giới nên khi ngành du hành vũ trụ thuộc lĩnh vực quân sự tuyển người, tôi xung phong. Tôi vào quân đội, mê hải quân được đi đây đi đó. Bà tôi không muốn tôi tiếp tục trong quân ngũ, nhất là trong khóa thực tập ở Địa Trung Hải tôi nhảy dù rơi xuống biển suýt chết. Đây là lần thứ hai suýt chết...

        Là phi công vũ trụ dự bị, Su-mếch-cơ được lựa chọn đơn vị chiến đấu. Anh ta thích chiến đấu trong lực lượng hải quân để được đi nhiều nơi. Theo chu kỳ công tác của các tàu sân bay, Su-mếch-cơ đi nhiều vùng biển khác nhau khắp thế giới. Nhưng ở vùng biển Đông Nam Á đây là lần đầu tiên Su-mếch-cơ đến. Tàu đậu cách bờ biển Việt Nam về phía đông khoảng ba trăm hải lý. Trước khi cất cánh Su-mếch-cơ được nghiên cứu tác chiến trên bản đồ, sơ đồ và ảnh chụp mục tiêu do máy bay trinh sát cung cấp. Tất cả có vẻ hoàn hảo, anh ta thấy yên tâm, nhưng khi đến Đồng Hối thì nhiều điều khác xa, nhất là hệ thống phòng không. Lực lượng phòng không của ta dày đặc khiến cho anh ta run sợ, mất bình tĩnh.

        Máu nghề nghiệp có lúc anh ta ca cẩm với tôi:

        - Thưa ngài, tôi chỉ tiếc, suốt một đời trong quân ngũ, lần đầu tiên đi và chiến đấu, mới thực hiện được vài phi vụ đã bị các ông bắt. Ước mơ bay vào vũ trụ để nhìn trái đất nhỏ thế là tan thành mây khói. Bây giờ, lạy chúa, mong sao yên lành để được trở về với vợ con thôi.

        Tôi nói cho anh ta biết: Trong chiến tranh chống Pháp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Đờ Cát và hàng vạn hàng binh Pháp đều được Việt Nam trao trả. Anh ta bình tĩnh tự tin hơn nhiều khác xa ngày anh bị quân và dân Đồng Hới bắt từ trên trời xuống.

        "Hơn một trăm dân quân, bộ đội, công an vũ trang khép chặt vòng vây. Tên phi công bị tóm lúc chiếc máy bay đang bốc cháy, hai tay đưa lên trời trong một điệu bộ vô cùng tuyệt vọng trên khuôn mặt nhợt nhạt, mồ hôi đầm đìa. Đi giữa dân quân, bộ đội và nhân dân vây quanh, tên phi công Mỹ mặt cúi xuống như muốn giấu cái xác to cao, ngực lông lá hung dữ của mình vừa gây tội ác. Câu đầu tiên hắn nói là lời rất thật: "Súng các ông bắn làm tôi rất sợ. Khi nhảy dù xuống đất và bị bắt, nhìn các ông thì không hiểu vì sao tôi bình tâm".

        Là một phi công có cỡ nên hắn biết chiến tranh chỉ mới bắt đầu, chưa kết thúc ngay được, sẽ còn ở tù lâu nên chủ động luyện tập. Su-mếch-cơ ngày càng tỏ ra thân thiện với những người phục vụ. Anh ta hiểu biết nhiều về các loại máy bay, về kỹ thuật chiến thuật không quân.

        Xã Nam Lý thành phố Đồng Hới vẫn còn nhớ chuyện dân quân du kích bắt tên phi công Mỹ. Trực tiếp bắt sống anh ta là một chiến sĩ công an Quảng Bình tên là Phạm Xuân Tánh, cùng xã đội trưởng Trần Đình Vưng và hai tiểu đội dân quân xã Lý Ninh là những người có công trong việc truy tìm giặc lái.

        Ồng Trần Đình Vưng sau này kể lại:

        - Thấy máy bay rơi, chúng tôi từ trụ sở ủy ban xã xách súng, chạy khoảng 4km băng qua đồi, đến khu Bầu Sại. Cạnh xác máy bay to đùng đang bốc cháy, đạn nổ đì đùng là một chiếc dù đổ nằm chình ình trên mặt đất. Chúng tôi tỏa ra sục sạo. Mãi 15 phút sau, đồng chí Hoàng Phưởng, một chiến sĩ dân quân của xóm Nam tăng cường, mới phát hiện được tên giặc lái đang ẩn nấp trong một bụi rậm. Anh hô lên: "Hắn đây rồi!". Chúng tôi chạy đến chĩa súng vào tên giặc lái. Đồng chí Phạm Văn Tánh, cảnh sát hình sự của công an Quảng Bình phụ trách địa bàn chúng tôi, trong đoàn truy tìm giặc lái đã nhanh nhẹn xông vào giật lấy máy bộ đàm, tháo súng, thu tờ giấy xin ăn bằng nhiều thứ chữ. Tên giặc la lên hãi hùng đến vã mồ hôi, ướt đầm cả quần áo và đưa hai tay lên trời. Chúng tôi giải hắn về ủy ban xã, rồi giao cho bộ đội, công an giải tiếp về Đồng Hới".

        Su-mếch-cơ được chính phủ ta trao trả cho chính phủ Mỹ trong đợt đầu tiên vào ngày 12 tháng 12 năm 1973 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Họ là những phi công tù binh Mỹ đã từng lái các loại máy bay tiêm kích A4, A3J, F4, F8, F100; lái các loại máy bay cường kích A6, A7, F105, lái các loại máy bay trực thăng CH3C, H43 hoặc lái máy bay trinh sát các loại RA5C, RF8A, RF101 và EB66.

        Người ta thấy Su-mếch-cơ cùng với An-va-rết - hai người "khách không mời" đầu tiên của "Trại giam Hỏa Lò - Khách sạn Hin-tơn" Hà Nội vui vẻ sánh vai nhau cùng bước lên máy bay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:15:49 am »


NGƯỜI HÙNG MỸ CAY ĐẮNG

        Nhớ lại việc tham gia tìm phi công tù binh trên núi đá vôi Hòa Bình năm 1965, Mạc Lâm kể cho tôi nghe chuyện về người hùng phi công Mỹ. Anh ta quả là tinh khôn - lợi dụng sự hiểm trở của những vùng núi đá cho an toàn. Anh ta chắc thế, nhưng không ngờ cũng không thoát khỏi lưới trời lồng lộng của cuộc chiến tranh nhân dân, lưới lửa phòng không nhân dân.

        Hy vọng của Nhà trắng và Lầu năm góc Mỹ vào chiến dịch tiến công bằng không quân mang tên "Mũi lao lửa" uy hiếp tinh thần quân và dân ta, ngăn ngừa chi viện cho miền Nam bị tiêu tan mây khói. Không thể khuất phục miền Bắc trong vài ba tháng, Mỹ chuyển hướng tập trung đánh phá giao thông hòng cắt đứt nguồn tiếp tế sức người sức của từ miền Bắc vào Nam. Ngày 1 tháng 4 năm 1965 tổng thống Mỹ lệnh cho không quân Mỹ đánh phá cầu cống đường giao thông phía nam Hà Nội từ vĩ tuyến 20 trỏ vào. Như thế là chiến tranh lan rộng ra cả nước và ngày càng ác liệt. Cầu Hàm Rồng tỉnh Thanh Hóa trên trục đường quốc lộ Bắc - Nam thành mục tiêu đầu tiên của không quân Mỹ. Nhiều trận chiến đấu ác liệt của quân và dân ta để bảo vệ cầu làm thất bại nhiều đòn tiến công hiểm hóc của những tên phi công thiện chiến Mỹ. Người hùng của không quân Mỹ đã chỉ huy trận đánh ngày 4 tháng 4 năm 1965 còn lưu mãi trong "Lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân".

        "9 giờ 32 phút ngày 4 tháng 4 năm 1965 không quân địch tổ chức đánh cầu Hàm Rồng lần thứ hai. Trong trận đánh này địch sử dụng các phi đội F105 của liên đội 67 dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung tá -  người hùng không quân Mỹ. Rút kinh nghiệm của trận đánh ngày 3 tháng 4, chúng áp dụng mọi thủ đoạn để vừa đối phó với lực lượng phòng không mặt đất, vừa đối phó với không quân ta. Máy bay địch yểm hộ trên không chặt chẽ, không tập trung ở khu chờ, vào từng tốp một cắt bom xong phải rút nhanh, cấm vòng trở lại mục tiêu lần thứ hai, không được bay dưới ba ngàn mét khi vào khu vực hỏa lực phòng không mặt đất. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 234 đã cùng các lực lượng phòng không bảo vệ cầu đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Đặc biệt, Đại đội 1 được giao nhiệm vụ chốt ở tây nam cầu đã bắn rơi ba máy bay địch và bắn bị thương nhiều chiếc khác".

        Người hùng phi công Mỹ, cùng chung số phận những tên cướp trời trên những máy bay bị bắn rơi.

        Người hùng phi công "có hạng" của không lực Hoa Kỳ, bị quân và dân Thanh Hóa bắt ngày 16 tháng 9 năm 1965. Anh ta đăng lính từ đại chiến thế giới lần thứ hai được thưởng huân chương "Chiếm đóng (Tây) Đức". Tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) được thưởng Bội tinh "Chữ thập bay" và năm mề đay "Không quân", hai mề đay "Trái tim đỏ" được tôn vinh danh hiệu Người hùng không quân! Anh ta đến Việt Nam tham chiến với tư cách là chỉ huy một đơn vị bay cũng là người có nhiều kinh nghiệm, nhiều năm chiến đấu làm gương cho những phi công trẻ. Hy vọng của không lực Hoa Kỳ là thế.

        Anh ta có thể lái được nhiều loại máy bay, từ E86, E89 đến F100, F105... Anh ta lái máy bay cường kích F105D, từ căn cứ không quân Cò Rạt - Thái Lan bay vào đánh Hàm Rồng và bị bắt lúc tuổi đời bốn mươi.

        Có vị trí cao trong quân chủng, mặc cảm vì nỗi nhục bị bắt nên anh ta khá thận trọng khi trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Cũng như nhiều phi công tù binh khác, chúng tôi giải thích cho anh ta về cuộc chiến tranh của Mỹ đang theo đuổi, về quân và dân ta chiến đấu hy sinh vì nền độc lập và thống nhất đất nước. Những ngày đầu anh ta trầm lặng, ngần ngại khi nói sự thật phi nghĩa cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.

        Sau này, anh ta cởi mở hơn, kể tỉ mỉ về cái giây phút "không ngờ":

        - Trước khi cất cánh, tôi đã nghiên cứu rất kỹ địa hình Thanh Hóa và Ninh Bình. Tôi áp dụng lối bay rất thấp trên dãy núi đá, với tốc độ rất nhanh để tới mục tiêu an toàn. Tôi không tin trên dãy đá cao lỏm chởm ấy lại có súng phòng không Việt Nam bố trí, ai mà trèo lên đó được. Tuyệt! Không ngờ Việt Nam có một lưới lửa phòng không rất khôn ngoan, rộng khắp đến thế. Chắc sẽ còn nhiều người lái máy bay Mỹ vấp phải những điều mới lạ này!
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM