Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:48:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Qua miền Tây Bắc  (Đọc 6623 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2020, 07:26:27 am »


CÁI MƯA, CÁI NẮNG, CÁI GIÓ

        Tôi gặp trận mưa rừng đầu tiên trong chuyến đi làm nhiệm vụ chuyển gần trăm ống dẫn dầu từ sân bay Nà Sản - Sơn La về Sư đoàn. Khi đi thì chẳng sao, tất cả đều thuận lợi trong khung cảnh trời quang mây tạnh, nhưng tới lúc về gần đến Mãn Đức, bỗng dưng tối sầm. Tôi cùng ba anh em nữa ngồi trên chiếc xe "ZIN" ba khoang do Nguyễn Văn Khánh lái bắt đầu thấy lo lắng. Cái điềm này báo trước cho ta biết chẳng mấy chốc nữa mưa sẽ ập xuống trắng trời cho mà xem, trời lại xế chiều rồi nên nhiều thứ phức tạp sẽ kéo đến lắm.

        Tôi động viên lái xe và anh em cứ bình tĩnh, cốt sao đảm bảo an toàn. Vừa dứt lời, lập tức nghe tiếng sấm và những đợt gió thổi ào ạt kéo tới luôn. Mây đen kịt và xà thấp như với tay là tóm được. Xe phải bật đèn pha mới nhìn thấy đường. Tiếp ngay đấy là mưa sầm sập trút, không hề có "dự báo dự lệnh" gì hết. Những giọt mưa to và nặng quất rào rào vào xe. Khổ thân chiếc gạt nước đã  làm việc hết tốc lực mà hầu như chẳng ăn thua gì, kính xe vẫn mờ nhòe nhoẹt. Những tia chớp kèm theo những tiếng sấm ngay tắp lự làm cả vùng rừng núi vốn yên ả phải rung lên liên hồi. Mấy anh em tôi trên xe cũng run bần bật. Tôi là người vốn thích mưa từ tấm bé. Những trận mưa rào luôn gắn với những kỷ niệm của tuổi thơ tôi: nào là đi úp cá chép vật đẻ, nào là bắt cá rô ngược dòng nước hoặc chỉ là để trần truồng tắm nước mưa, la hét giữa trời mưa cho thỏa chí mà thôi, nhưng chưa bao giờ tôi bắt gặp trận mưa kinh khủng như thế này. Cả vùng rừng núi mênh mang đang sáng sủa như vậy mà bỗng dưng chìm ngay trong địa ngục tối tăm cùng với những tia chớp sáng lòa và những tiếng nổ đinh tai nhức óc kèm theo những dòng mưa xối xả, những ngọn gió quất ràn rạt tứ bề không biết khi nào mới ngớt, chẳng khác gì cảnh trong "Ngày tận thế".

        Mấy anh em tôi trên xe không biết né vào đâu. Tất cả đều "ướt như chuột lội" vì xe đâu có được như xe hiện đại thời bây giờ. Trên xe lại còn đủ thứ quà, đủ thứ mọi người gửi mua nữa chứ: nào nấm hương rừng, mộc nhĩ rừng, chè núi, gạo nếp nương, đỗ tương đen...

        Kiểu này chẳng biết rồi sau cơn mưa sẽ thế nào, kể cả chúng tôi.

        Liên tục phải động viên lái xe đi cho an toàn và cùng "căn đường" giúp cho lái xe bởi nước mưa tràn ngập trắng đường, tầm nhìn rất kém, dốc đèo quanh co, nhất là khu vực dốc Cun. Vượt qua tất cả các dốc, về đến thị xã  Hòa Bình rồi mà mưa vẫn không hề dứt, nghe chừng cường độ có khi còn tăng hơn nên tôi động viên Nguyễn Văn Khánh cố gắng "tiến về đồng bằng" để nhỡ có vấn đề gì còn dễ xử lí.

        Khá khuya chúng tôi mới đến thị xã  Hà Đông, ở đấy thi thoảng mới thấy có một cửa hàng còn mở, tôi đề nghị dừng xe, kiếm chút gì ăn cho ấm dạ bởi suốt từ trưa tới giờ dạ dày vẫn trống không, nhưng mấy anh em không đồng ý, người thì bảo ta đang ướt át, bẩn thỉu lấm lem thế này vào nhà hàng có mà người ta chạy hết, người thì bảo về Sư đoàn có bao xa nữa đâu, cố tí là xong, ừ, vậy cố thì cố thôi. Thế là xe cứ rù rì chạy trong mưa gió và chúng tôi trên xe cứ run lập cập vì đói và rét...

        Ngày ấy là ngày cầu Thăng Long vừa thông xe kỹ thuật nên chúng tôi quyết định "phi" qua cầu. Hai bên thành cầu vẫn còn buộc những lá cờ chuối bay phần phật trong mưa gió. Đến giữa cầu, tôi lệnh dừng xe và tất cả xuống xe. Mọi người không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi nói vui: "Hãy tè ở đây đi, tè để kỷ niệm chuyến đi và kỷ niệm ngày này, biết đâu ngay ngày mai thôi là ta chẳng còn có cơ hội nào nữa, chẳng còn gặp nhau được nữa!". Tất cả nghe theo tôi, cùng "xả lũ" ở giữa cầu, giữa cơn mưa còn đang trút xối xả...

        Về đến Sư đoàn bộ, trời đã  khuya lắm rồi. Tôi hối thúc những ai có quà hoặc gửi mua quà thì dậy mà lấy kẻo ngày mai mộc nhĩ rừng sẽ nở to như cái quạt nan, nấm hương thối không còn hương nữa, gạo nếp nương sẽ mốc, đỗ tương nứt nanh...

        Lại ầm ỹ trong mưa mất mấy chục phút rồi mấy anh em tôi mới được tắm qua, thay quần áo khô và tới lúc ấy mới kiếm chút gì đó cho vào bụng...

        Kể từ lần đó, tôi rất gờm và cảnh giác với những trận mưa rừng.

        Trận mưa tôi gặp sau đó một thời gian là khi tôi đi công tác lên Điện Biên. Chúng tôi dừng xe ăn trưa ở Yên Châu, vừa xong bữa thì trời nổi gió, mây kéo đến rất nhanh và tôi cũng hối hả thúc thanh toán và lên đường vì đã  có những giọt mưa đầu tiên rơi xuống kiểu không bình thường, báo hiệu trận mưa này sẽ là trận mưa dữ dội. Mọi người thắc mắc sao không nghỉ chút đã , sau mưa rồi hãy đi, nhưng tôi không nghe. Tất cả vừa vào xe xong, đúng như là có những thùng nước khổng lồ dội từ trên trời xuống. Chỉ vài phút thôi mà mặt đường đã  ngập trắng xóa. Mấy con suối trước đầy nước chỉ chảy róc rách, bây giờ đã  trào tuôn như thác, bọt bắn tung trắng ra cả mặt đường...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2020, 05:56:08 pm »


        Bấy giờ tôi mới giải thích, nếu không đi ngay, đường sẽ sạt lở và mình sẽ phải nằm lại đây ít nhất là dăm ngày. Không những không thực hiện được nhiệm vụ mà rồi chẳng có cái gì để nuôi nhau trong những ngày ấy nữa.

        Đúng như vậy. Xe chúng tôi qua chưa được bao lâu, tuyến đường trên đèo Chiềng Đông bị mưa làm sạt một đoạn dài. Mấy ngày sau, khi chúng tôi từ Điện Biên về, đoạn sạt lở ấy mới san gạt được một lối nhỏ đủ cho thông xe một chiều. Bấy giờ mọi người mới thông cảm cho sự hối thúc của tôi khi đi...

        Trên tuyến đường Tây Bắc, tôi còn gặp nhiều trận mưa nữa nhưng đều vượt qua được một cách an toàn để rồi khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn như cảm nhận được tiếng gió rít, tiếng sấm ầm vang và tiếng những giọt nước mưa quất xối xả cùng không gian âm u tĩnh mịch của núi rừng...

        Nhớ đến mưa rừng là tôi lại nghĩ ngay đến cảnh đi vớt củi rều. Làng tôi cách sông Hồng không xa lắm nên vào mùa mưa lũ, những cây những cành củi, những loại quả trên rừng, nhiều nhất là quả bàm bàm, thậm chí cả cột nhà trôi thành bè từ miền ngược về. Mọi người í ới gọi nhau đi vớt những thứ đó về phơi để đun nấu. Loại "tạp pí lù" ấy được gọi là "củi rều"!

        Đã  có lần, tôi còn thấy một chú chó cún đứng trên mái nhà tranh trôi theo dòng nước chảy xiết. Chắc chú rất sợ hãi, không biết cuộc đời mình sẽ phiêu bạt nơi đâu và có sống sót hay không... Tôi nhìn theo chú cún mà lòng buồn vô hạn. Cứ nghĩ nếu mình đang ở trong tình cảnh ấy chắc cũng đành phó thác mình cho số phận thôi. Liệu có dạt được vào một bến bờ nào đó, được ai đó cưu mang hay cứ thế trôi tuột thẳng ra cửa biển làm mồi cho Hà Bá...

        Người xưa vẫn nói: "Nhất Thủy, nhị Hỏa, tam đạo tặc!" quả không sai, nhất là giờ đây, con người - tàn phá rừng một cách vô tội vạ thì rồi sẽ còn phải hứng chịu những hậu quả khôn lường do chính mình gây ra...

        Đấy là cái mưa, còn nói đến cái nắng, cái gió thì phải tính từ tháng Ba dương lịch trở đi vì tháng Ba là tháng bắt đầu có gió Tây - gió nóng thổi từ phía bên Lào sang. Bầu trời như cao hơn, không gọn mây và màu trời cũng không xanh trong, nó hơi đùng đục. Cái nắng mang theo cái nóng ta có thể cảm nhận được ngay từ sáng sớm. Càng gần trưa, nắng càng như đổ lửa xuống rừng, xuống núi. Nắng làm cháy táp các lá cây. Tất cả như bị nhúng nước sôi. Mặt đường nhựa trở nên mềm dẻo, nghe thấy cả tiếng lốp xe dính nhựa đường lép nhép.

        Những trận gió mang hơi nóng rát rạt thổi ào ạt tới. Không gian chừng ngộp thở. Phía trước mặt như có hơi nước sôi bốc lên làm cho muôn vật nhòe nhoẹt không rỗ nét. Gió thả sức tung hoành, lắm lúc nổi cơn thịnh nộ vô cớ, tạo ra những trận cuồng phong. Gió nóng ném từ trên trời xuống và bốc hất tung ngược lên trời. Tất cả nằm trong vòng xoáy nóng đảo điên. Bầu trời bị hun tưởng cong rộp như miếng bánh đa nướng. Cây cối bất lực rạp mình, oằn lưng gánh chịu hiểm họa. Những tấm lá cọ lợp trên mái lều ven đường dựng ngược lên như đám lông nhím, những mái tôn rung bần bật trong tiếng rên rỉ thảm hại. Bụi thốc mù trời và những cơn lốc xoáy cuốn phăng mọi thứ vào đó trông tựa "hố đen" trong dải Thiên Hà...

        Với cái nắng cái gió như vậy, nếu để đầu trần đi bộ, chỉ vài phút thôi, khi sờ lên đầu, bỏng rát cả tay...

        "Nắng tháng Ba, chó gà thè lưỡi"- tôi chợt nhớ đến câu tổng kết của người xưa và nhớ đến cảnh chó nằm tít trong gầm giường với chiếc lưỡi thè dài, dãi chảy ra, thở hồng hộc, còn gà thì giang đôi cánh với chiếc mỏ há rộng và cái cổ cứ giật giật theo nhịp thở dồn dập.

        Đã  có đôi lần, tôi nói đùa với mấy anh em trong chuyến đi vào đúng ngày nắng nóng: "Cứ há mồm, thè lưỡi ra thở như chó ấy là dịu ngay!". Tất cả đều cười. Cười mà cũng toát mồ hôi hột.

        Với cái nắng này, chỉ phơi ngô phơi sắn, phơi đỗ tương... là hay thôi, nhất lại là ở sân bay Nà Sản, mặt đường băng lát bằng ghi nhôm, chỉ sáng tới chiều tất cả đều khô ròn hết...

        Mọi con suối vào mùa này đều cạn khô. Đất như rang, chuyển thành màu xám bạc. Cảnh vật nhuốm trong gam màu rêu úa như không còn sức sống...

        Tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật:... Nước khe cạn, bướm bay lèn đá..". Đúng như vậy thật, trên các dòng suối cạn, các lèn đá, bướm lũ lượt từng đàn với đủ màu sắc đỗ kín mọi nơi. Những đôi cánh mỏng rung rung tạo nên những làn sóng mờ ảo giữa nắng tạo ra nghịch cảnh thách thức với cái gió nóng đang thổi rát rạt.

        Những ngày nắng gió như vậy, nghĩ đến chuyện phải ra đường đã  thấy vã  mồ hôi nhưng những người dân miền núi vẫn đi lại như thường. Tôi vẫn bắt gặp từng đôi vợ chồng người Mèo, hoặc từng tốp để đầu trần đi làm nương, đi chợ hay đi thăm người quen. Họ cứ lầm lũi đi, có người còn cho con vào gùi, địu trên lưng. Mới biết cuộc sống lam lũ đến nhường nào và sức chịu đựng của những người dân nơi đây dẻo dai tới mức nào...

        Cái mưa, cái nắng, cái gió của miền Tây Bắc đã  tạo nên sự khác biệt giữa các vùng miền, mang nét đặc sắc riêng mà ai đã  một lần trải qua cũng khắc đậm trong ký ức, chẳng bao giờ phai mờ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2020, 09:43:54 am »


MỘT VÀI MÓN ĂN “LÀ LẠ” VÀ TỤC NGỦ THỬ

        Hàng năm, cứ vào khoảng tháng Ba dương lịch, khi tiết trời đã ấm, khi cái nắng đã thấy hanh hanh và khi hoa mận, hoa đào đã phai dần là lúc hoa ban nở.

        Dọc ven đường, ven suối rồi khắp rừng, trên các vách núi cheo leo đều ngập chìm trong sắc trắng, một sắc trắng tinh khôi của hoa ban. Tất cả các nhành cây tựa hồ như có hàng ngàn hàng vạn con bướm trắng đỗ kín rung rinh trong nắng, đung đưa nhẹ nhàng theo làn gió núi.

        Màu trắng của hoa ban được ví như sắc màu của sự tinh khôi, trong sáng như vẻ đẹp của người thiếu nữ miền sơn cước. Nó cũng là biểu trưng cho tình yêu thủy chung vĩnh cửu, phóng khoáng và lãng mạn...

        Tôi nghe kể rằng: xưa kia có nàng Khôm xinh đẹp được sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại

        yêu chàng Tào Lu xuất thân từ gia đình giàu có. Tình yêu của họ không được chấp nhận, nhất là từ phía gia đình chàng Tào Lu. Vào mùa Xuân, hai người rủ nhau lên chơi ở hang Thẩm Đông Ngoạng (còn gọi là "Rừng Ve" tức hang Thẩm Lé bây giờ). Chàng Tào Lu ít lâu sau bị cảm chết. Nàng Khôm bị ép lấy người khác. Nàng phản kháng mạnh mẽ và tìm cách chạy trốn. Nàng trốn vào rừng, chạy tới lúc kiệt sức rồi chết. Nơi nàng nằm xuống sau này mọc lên một loài cây có hoa màu trắng, hương thơm và mật ngọt. Người dân gọi đó là Hoa Ban.

        Lại còn có truyền thuyết khác về hoa ban. Đó là chuyện tình cảm động của đôi trai tài gái sắc người dân tộc Thái. Nàng là Ban, người con gái nết na thùy mị, múa dẻo, hát hay. Chàng là Khum, giỏi săn bắn, làm nương rẫy...

        Hai người đã  hẹn ước với nhau, thề nên vợ nên chồng. Thế nhưng, khi chàng Khum đi làm ăn xa, nàng Ban ở nhà đã  lọt vào mắt của tên chúa đất. Tên chúa đất quyết bắt nàng Ban về làm vợ. Nàng Ban đã  bỏ trốn, băng rừng lội suối để đi tìm chàng Khum. Nàng đi tới ngọn núi thứ một nghìn rồi mà vẫn không thấy người mình yêu đâu cả. Nàng gục xuống chết vì kiệt sức và tuyệt vọng. Từ chỗ nàng chết sau này mọc lên một loài cây với những chiếc lá trông tựa như hai trái tim lồng lên nhau và rồi cây trổ hoa với những bông trắng hồng như ngón tay người trinh nữ, nhị hoa có màu tím, màu của thủy chung, cánh hoa thì trắng như màu li biệt. Cây đó được gọi là cây Ban.

        Chàng Khum sau khi đi làm ăn xa về không thấy người yêu, lại nghe được tin người yêu đã  bỏ trốn liền vội vã  đi tìm. Chàng đi, đi mãi mà không thấy bóng dáng nàng Ban đâu cả rồi kiệt sức, ngã xuống hóa thành con chim chỉ sống cuộc đời lẻ loi, không bầy đàn, suốt ngày cứ bay trong vô vọng như đang tìm kiếm thứ gì đó. Người ta gọi chim đó là chim Khum.

        Loài chim Khum chi hót khi vào mùa Xuân, lúc hoa Ban nở và sau khi hoa Ban tàn thì chim lại sống trong câm lặng.

        Tôi không biết sự tích nào là chính xác hơn nên cứ chép ra đây để bạn đọc tìm hiểu thêm.

        Cứ vào dịp tháng hai âm lịch (khoảng tháng Ba dương lịch), khi hoa ban nở trắng núi rừng, đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc tổ chức "Lễ hội Hoa Ban". Lễ hội này còn được gọi là "Lễ hội Xên Mường". Đây là lễ hội mang sắc thái tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm niệm thinh bái "Then" tức vị thần tối cao, rồi thinh bái "nàng Ban" nữ nhân vật huyền thoại tượng trưng cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung, rồi thinh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông... để giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, lứa đôi hạnh phúc, cuộc sống luôn đầm ấm yên vui...

        Kết thúc lễ hội là tất cả chia tay xuống đồng cày cấy. Dân ca Thái có đoạn:

        "..Muốn chơi thì chơi lúc hoa ban còn hoa
        Đùa thì đùa thời hoa ban còn nhiều
        Lát nữa hoa sẽ tàn
        Con gái có chồng thì bị xích đeo tay, gông đeo cổ, không được đi nữa."

        Hoa ban rừng cùng với khăn piêu, áo cóm... chính là những mảnh ghép của đời sống văn hóa người Thái vùng Tây Bắc.

        Đồng bào dân tộc Thái dùng hoa ban chế biến làm thức ăn, làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày và tạo nên những nét ẩm thực riêng biệt của miền sơn cước.

        Hoa ban có hai loại: trắng và đỏ. Hoa ban đỏ không ăn được, còn hoa ban trắng thì được chế biến thành nhiều món ăn lắm. Có lần, mấy gia đình chúng tôi đến đặt cơm ở một gia đình người dân tộc Thái và đề nghị được ăn những sản phẩm chế biến từ hoa ban. Khi vào bếp xem cách chế biến, tôi nói với em gái người Thái:

        - Em hướng dẫn cho anh biết cách làm những món ăn từ hoa ban nhé!

        - Bây giờ thì chưa được đâu. Lát nữa phải uống đã , mà phải sau 30 chén em mới nói cơ! - em vừa thoăn thoắt xào nấu vừa tươi cười trả lời.

        - Làm sao mà anh uống được 30 chén chứ!

        - Em không biết đâu!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2020, 07:35:19 am »


        Tôi băn khoăn. Có thể em nói thực mà cũng có thể nói đùa. Nếu thực thì sau 30 chén, tôi chẳng còn biết giời đất gì nữa, em có nói cũng chẳng nghe thấy gì và cũng chẳng nhớ gì. Mà nếu em đùa, có nghĩa là em chẳng nói đâu. Tốt nhất là tự tìm để biết thôi. Thế là tôi lẩn mẩn tự "trang bị kiến thức" cho mình bằng mọi cách.

        Theo tôi tìm hiểu, hoa ban có thể nấu canh, đơn giản nhất là bằng cách lấy nước luộc gà, nêm mắm muối cho vừa miệng, đun sôi lên rồi thả các cánh hoa ban vào, thế là đã  có món canh hoa ban rồi. Nếu làm nộm hoa ban thì phức tạp hơn, tức là phải đem đồ hoa ban lên cho chín rồi để nguội sau đó trộn với các loại gia vị như giềng, muối, ớt, tỏi, lá mùi tàu, húng, rau mùi, hạt mắc khén cùng với thịt cá suối nướng xé nhỏ và chút tương đặc biệt, trộn tất cả thật nhẹ nhàng, đều tay, đợi chừng 15 đến 20 phút khi tất cả ngấm đều là có thể thưởng thức được.

        Giữa tiết Xuân mơ màng, bên bếp lửa hồng tí tách nổ hoa, được thưởng thức món nộm hoa ban cùng với những chén rượu thơm nồng thì còn gì bằng.

        Đương nhiên, hoa ban còn có thể chế biến theo nhiều cách nữa, tôi chỉ dám mạo muội giới thiệu qua vậy thôi. Hy vọng sẽ được các bạn trao đổi, bổ sung thêm vào danh sách trong thực đơn món hoa ban.

        Một món "là lạ" nữa chính là món rêu đá. Đấy cũng là món đặc sản của người dân tộc Thái và tôi biết ở một số vùng, một số tỉnh ở Thái Lan như tỉnh Loei hoặc Nakhon Rachasima chẳng hạn cũng có món này.

        Cùng với món măng chua, món thịt gác bếp (hoặc thịt trâu hoặc thịt lợn) thì rêu đá là món ăn không thể thiếu khi tiếp khách quý.

        Theo truyền thuyết, có một đôi trai tài gái sắc kia yêu nhau nhưng lại gặp sự cản trở của vị Chúa Đất nơi họ sinh sống. Vì vậy, họ đi đến quyết định là cùng nhau chạy trốn lên đỉnh núi cao. Cô gái xót thương cho thân phận mình, cho tình yêu của mình khóc nhiều tới mức nước mắt tuôn thành suối, thành một dòng nước lớn chảy từ trên đỉnh núi xuống. Cuối cùng, muốn để được sống bên nhau mãi mãi, họ cùng nhau lao xuống dòng nước đó. Cơ thể chàng trai vỡ tan biến thành những mảnh đá, còn mái tóc dài óng ả của cô gái thì biến thành rêu bám trên các mảnh đá ấy.

        Mối tình tuyệt đẹp dẫn đến sự tuyệt vọng rồi tuyệt mệnh... làm day dứt bao thế hệ muôn đời sau.

        Cũng từ đó, món rêu đá hay còn được gọi là "quẹ" trở thành món đặc sản của miền rừng núi Tây Bắc.

        Rêu đá có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ trong vòng 2-3 ngày thôi. Để lâu thì rêu bị khô hơn, không ngon. Rêu đá thường mọc ở các nguồn nước chảy mạnh, dưới chân thác và bám vào những tảng đá to. Lấy rêu bằng cách đi dọc theo suối, dùng dao tách những mảng rêu bám chặt vào đá rồi đập rêu bằng chày gỗ cho bung lớp đất cát bám bên ngoài, rửa sạch rồi chế biến.

        Rêu đá có thể làm thành các món nộm, xào, nấu canh hay nướng.

        Nếu dùng để nấu canh thì sau khi rửa sạch, cắt rêu thành các đoạn nhỏ, sau đó cho vào nước luộc gà hoặc nước xương hầm là đã  được món canh rêu đá. Còn để làm nộm, rêu thường chế biến với rêu non. Sau khi rửa sạch, đồ chín thì trộn với muối súp, mì chính, gừng, rau mùi, hạt mắc khén và có thể trộn thêm ớt nướng giã nhỏ.

        Nếu làm món nướng sẽ phức tạp hơn nhưng lại đặc biệt thơm ngon. Sau khi làm sạch, rêu đá được tẩm ướp với các loại gia vị như mì chính, gừng, sả, hành, hạt sen... rồi bọc trong lá dong hoặc lá chuối, kẹp giữa hai thanh tre và nướng trên than hồng. Cũng có thể đem vùi trong tro nóng phía trên là than. Rêu nướng thường được ăn kèm với căc loại thịt lợn, gà, cá. Có nơi người ta lại cho rêu đá vào trong ống nứa non thay cho lá chuối bọc bên ngoài rồi đem nướng nên rêu nướng có vị rất đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi.

        Rồi món nộm da trâu của Sơn La cũng là món lạ. Da trâu đem hơ trên bếp lửa cho cháy sạch lớp lông dày và cứng đi sau đó dùng dao cạo bỏ lớp da ngoài cùng, tiếp đến là cho vào nồi luộc khoảng 1 tiếng đồng hồ. Luộc xong vớt ra ngâm vào nước lạnh cho da có độ giòn, dai. Công đoạn tiếp theo là thái thật mỏng. Việc này cần có dao thật sắc và tốn khá nhiều thời gian. Thái xong thì ngâm qua nước nóng, vắt thêm nước chanh cốt để tạo vị thơm. Da trâu lúc này sẽ chuyển thành màu vàng nhạt, có độ giòn, khi cắn nghe sần sật, là lạ.

        Các loại gia vị trộn cho món này gồm có trám rừng, tỏi, lạc rang giã nhỏ, băm nhuyễn cùng với các loại rau thơm, rau rừng, mắc khén, nước măng chua làm từ củ măng tươi ngâm đủ thời gian để cho măng tiết ra chất nước chua mát, thanh thanh.

        Nếu bạn thưởng thức món này một lần thôi, lần sau thế nào cũng đề nghị được thưởng thức tiếp cho mà xem. Chẳng thế mà đã  có câu: "Nộm da trâu, nhai lâu nhớ kỹ" mà!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2020, 02:21:43 pm »


        Còn nhiều, rất nhiều món khác nhau nữa, ví dụ như món "súp Tây Bắc", rồi món cá nướng trứ danh (pa pinh tộp), thịt trâu gác bếp, gà nướng mọi, lợn bản hấp lá chuối, rau dớn xào tỏi mẻ, măng rừng luộc chấm chẩm chéo v.v. mà tôi không thể kể hết được và cũng không đủ thời gian để tìm hiểu hết được nên chỉ điểm qua vài món thế thôi, các bạn sẽ tự tìm hiểu và thưởng thức lấy thì mới thấy hết những thi vị của nó.

        Thực ra, những món "là lạ" tôi kể ở đây chưa phải là những món thật độc đáo.

        Nậm pịa, thắng cố và cháo thuốc độc (cháo ấu tẩu) mới là những món gây ấn tượng mạnh.

        Nậm pịa thì tôi đã  kể ở nhưng trang trước rồi. Bây giờ tôi sẽ kể tiếp mấy món kia.

        Tôi cho rằng, thắng cố là đặc sản ẩm thực. Nếu như nhắc đến Hà Nội là nhắc đến phở thì khi nhắc đến vùng Tây Bắc phải nhắc đến thắng cố.

        Thắng cố là món ăn truyền thống của người Mèo (người Mông) vùng núi Hà Giang, nhưng dần dà, tất cả những người dân tộc thiểu số vùng núi Tây Bắc, sau đó sang cả vùng Đông Bắc cũng ưa chuộng. Tiếp đến là miền xuôi, chỉ có điều, dưới miền xuôi chế biến thắng cố theo kiểu hợp với khẩu vị người miền xuôi nên mất đi những nét nguyên bản của thắng cố.

        Tìm hiểu thì được biết, có nhiều cách giải thích về thắng cố. Có ý kiến cho rằng, nó bắt nguồn từ tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt là "thang cốt", nghĩa là "canh xương" hoặc đọc là "thang hoắc" cũng thế. Có ý kiến lại cho rằng đấy là biến âm của "thoảng cố" trong tiếng Mông là "nồi nước", nhưng cũng có người lại nói là "khấu tha" nghĩa là "canh thịt". Việc kết luận chính xác thế nào thuộc về những nhà nghiên cứu.

        Chỉ biết rằng, thắng cố xuất hiện cách đây có lẽ đến gần 200 năm rồi và thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Lao Cai.

        Thắng cố nguyên bản được chế biến từ ngựa. Tất tần tật từ đầu đến đuôi cùng lục phủ ngũ tạng đều được sử dụng hết. Sau khi thịt ngựa, thịt cùng nội tạng của nó được làm sạch rồi tẩm ướp cùng các loại gia vị như: thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, đẳng sâm, ý dĩ, kỳ tử, hạt sen, lá chanh nướng thơm tán nhỏ, ngải cứu v.v.

        Gia vị tùy từng vùng chế biến nhiều hay ít nên cũng có những hương vị khác nhau.

        Chảo thắng cố được đặt kê trên những hòn đá cùng với ngọn lửa hồng nhảy múa, than bắn tí tách. Nước dùng gồm xương ngựa, nội tạng, tiết và gia vị ninh sôi hàng tiếng đồng hồ, liên tục vớt bọt và váng bẩn, sau đó ninh tiếp với lửa nhỏ. Thịt ngựa sẽ được ninh nhừ, có vị ngọt, mềm.

        Tùy theo khẩu vị của thực khách mà có thể thêm ớt của Mường Khương, mắc khén, muối...

        Chảo thắng cố có thể phục vụ cùng lúc mấy chục người ăn, ăn đến đâu múc ra đến đó. Thắng cố được múc ra bát to, sóng sánh thịt nạc thịt mỡ cùng lục phủ ngũ tạng của ngựa còn nóng hổi, khi ăn phải vừa ăn vừa thổi.

        Có thể nhúng thêm các loại rau như cải Mèo, cải ngồng... và ăn cùng mèn mén để ngấm thêm hương vị của núi rừng.

        Lần đầu ăn thử, món thắng cố có mùi vị hơi khó chịu tựa như món nậm pịa, nhưng những lần sau, khi nếm một miếng thịt ngựa rồi một miếng nội tạng của nó thì sẽ thấy hương vị thơm thơm, bùi bùi, ngọt ngọt cộng với vị cay của ớt, vị thơm ngai ngái của các loại gia vị và nhâm nhi với rượu ngô Bắc Hà hay rượu San Lùng nồng ấm, thấm đậm men say giữa tiết trời se lạnh... mới thấy được sự kết tinh những tinh hoa của núi rừng, không thể nào quên.

        Sau này, món thắng cố được biến tấu, chế biến từ bò, trâu, lợn., và các loại gia vị cũng khác loại gia vị truyền thống nên tôi cho rằng những món thắng cố "cải tiến" ấy không thể ngon bằng món thắng cố ngựa nguyên bản.

        Một món nữa mà có người mới nghe thấy đã  sởn gai ốc. Đó là món Cháo thuốc độc (cháo ấu tẩu).

        Củ ấu tẩu thuộc nhóm độc dược bảng A.

        Ấu tẩu mọc trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, thường được dùng ngâm rượu làm thuốc xoa bóp tay, chân, lưng, vai, các khớp xương, các vết thương kín khi đau nhức nhưng lại được đồng bào dân tộc dưới chân Tây Côn Lĩnh "giải độc", biến thành món cháo giải cảm và là món ăn bổ xương cốt.

        Để làm được nồi cháo ấu tẩu phải chế biến cả ngày trời. Cháo ấu tẩu phải có chân giò lợn, thịt nạc băm với các loại gia vị khác như ớt, hành, tía tô... Nó có vị đắng đắng như vị tam thất, tuy nhiên, khi kết hợp với các loại "phụ gia" kia thì nó lại tạo ra vị ngọt ngọt trong cổ họng, một cảm giác rất lạ miệng.

        Bởi phải ninh cháo suốt cả ngày nên cháo chỉ có bán vào lúc chiều tối tới đêm và theo khuyến cáo của người dân tộc Tày thì trẻ nhỏ với những người dưới 18 tuổi không nên ăn nhiều loại cháo này vì sẽ bị giòn xương.

        Việc "giải độc" củ ấu tẩu thế nào, tôi chưa tiện viết ở đây. Nó cũng giống như chuyện có người cho tôi một số hạt mã tiền và hướng dẫn cho tôi cách tẩm ướp để "giải độc" nó rồi mới ngâm rượu uống. Tôi đã  làm theo, đã  ngâm và uống trong một thời gian dài, thấy rất hay, có tác dụng nên khi nhắc đến cháo thuốc độc, tôi thấy hào hứng lắm.

        Nếu khi nào có điều kiện, vào buổi tối hay buổi đêm nào đó, các bạn cứ thử để trải nghiệm...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2020, 05:10:47 am »


        Tất cả các món ăn, món nào cũng được tẩm ướp với rất nhiều các loại gia vị, nhưng theo tôi biết, có một loại mà dưới đồng bằng không thể có được, đó là hạt mắc khén.

        Mắc khén được sử dụng rất rộng rãi, đặc biệt là với những món nướng.

        Nó được coi là linh hồn của ẩm thực miền Tây Bắc.

        "Mắc" theo tiếng Thái là "quả", còn "khén" thì chẳng hề có chữ gì đồng nghĩa với nó cả. Tôi đi hỏi nhưng không ai giải thích được nghĩa của "khén" là gì. Vậy là, ngay trong ngôn ngữ bản địa cũng không có. Bởi vậy, "mắc khén" là một tên riêng và tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm nhưng cũng lại thật quen thuộc với con người.

        Cây mắc khén thuộc loại cây gỗ nhỏ, có chiều cao từ 14 đến 18 mét, thân thẳng, vỏ có nhiều gai bọc quanh tựa như cây gạo dưới vùng xuôi, lá kép lông chim một lần lẻ. Nó mọc khắp nơi trên núi rừng Tây Bắc. Mắc khén ra hoa vào tháng 6 tháng 7. Hoa của nó thành từng chùm như hoa xoan, màu xám trắng. Tháng 11 là thời điểm thu hoạch quả. Quả lúc tươi có màu xanh lá cây và ngon nhất là dùng quả khi còn tươi. Nhưng vì có nhu cầu sử dụng với thời gian dài nên người ta bẻ ngay cả chùm rồi đem về phơi hoặc hong khô trên bếp để dùng cả năm. Quả mắc khén màu nâu sẫm, hạt đen óng, mùi vị hơi giống tiêu. Hạt nó cho mùi thơm riêng và ngây ngất. Nó không cay như ớt mà tạo ra vị tê tê rần rần nơi đầu lưỡi khi ta nếm. Khi sử dụng, cho mắc khén rang đều trên chảo, đun nhỏ lửa. Sau khi rang nóng phải để chừng 30 đến 45 phút cho thật nguội hẳn mới đem giã vì nó chứa nhiều tinh dầu. Tôi cũng đã  thấy người ta cho ngay mắc khén vào bát rồi gắp mấy cục than hồng bỏ vào đó lắc đều tới khi có mùi thơm thì bỏ than ra, thổi cho hết bụi, đợi nguội là giã ngay trong bát. Rất đơn giản, gọn nhẹ.

        Ngoài việc dùng để tẩm ướp ra thì mắc khén còn là thành phần quan trọng của món "chẩm chéo" đấy, các bạn ạ...

        Đã  nói đến "đồ ăn" không thể không nói đến "thức uống". Mà "thức uống" của người miền núi thì chính là rượu. Người ta không gọi là "uống" rượu mà là "ăn" rượu. Ăn cơm gọi là "kin khẩu", uống nước gọi là "kin nậm", uống rượu gọi là "kin lẩu". Ăn hay uống cũng đều là "kin". Vậy thì tôi phải đả động một chút về chuyện ăn rượu -"kin lẩu" mới được.

        Nét khác lạ về rượu ở đây chính là rượu cần. Rượu cần được gọi là "lẩu Xá" tức là rượu của người Xá (người Khơ-mú). Đó là thứ rượu được ủ men, không chưng cất (lẩu xiêu).

        Tôi không thật rành về men nhưng chỉ biết rằng nó gồm nhiều thứ quả như quả bơ, mắc cái, củ giềng, lá trầu không, quả ớt và những thứ quả khác nữa. Tất cả được giã nhuyễn với gạo tấm, sau đó nắm thành nắm tròn dẹt như chiếc bánh rán, đem ủ trong đống rơm, xếp thành từng lớp đều nhau. Chừng 15 đến 20 ngày sau, khi có mùi men bốc lên thì lấy ra đem phơi, để trên gác bếp sấy khô. Khi nào dùng thì giã nhỏ rồi rắc vào cơm rượu. Mỗi mẻ rượu cần sử dụng khoảng 7 đến 9 bánh. Cơm rượu không chỉ đơn thuần là cơm như dưới xuôi nấu rượu mà là có lẫn cả trấu. Lần tôi đến thăm nhà một cán bộ ở huyện Mai Sơn của Sơn La, được xem công đoạn cuối, tức là cho cơm rượu vào vò. Tôi được giải thích là trấu cũng phải đem đồ kỹ lên để sát trùng. Sau khi cho "cơm rượu" vào vò rồi thì đổ một lớp trấu sạch lên trên rồi dùng tro bếp giây thật kỹ trộn chút nước cho dẻo đắp lên trên cùng tạo độ kín khi ủ. Cuối cùng mới lấy ni-lông hoặc lá chuối khô, bao xi măng, vải... bịt phía ngoài. Sau thời gian ủ nhất định theo từng mẻ rượu là có thể "kin" được. Khi ấy, dỡ bỏ phần bọc, bỏ phần tro phủ, bốc hết lớp trấu phía trên lớp cơm rượu đi, chọc mấy lỗ xuống tận đáy vò rồi đổ nước suối hoặc nước lọc vào, đợi mấy phút là tiến hành cuộc vui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2020, 10:03:23 am »


        Tùy từng loại vò to nhỏ mà số lượng cần có thể có 4 chiếc, 6 chiếc hoặc hơn.

        Nhìn hình dáng chiếc cần, ta có thể đoán biết được rượu cần ấy xuất xứ từ nơi nào. Ví dụ cần nhỏ mà cong như dấu ngã là ở khu vực Hòa Bình, cần thẳng và to hơn là ở khu Sơn La. Cần thẳng và to hơn nữa là ở Điện Biên. Vậy thôi.

        Khi uống rượu cần thì ít nhất cũng phải "đi một trâu", nghĩa là hai sừng. Trước kia, người ta lấy sừng trâu để đong nước, sau này thì dùng ống tre, ống bương hoặc ca nhựa nhưng nguyên tắc là cứ nhập cuộc thì phải "đi một trâu" tức là phải uống hai "coóng". Người cầm "coóng" cùng lúc đổ hai "sừng" nước xuống vò và người uống phải uống sao cho rượu không được chảy ra ngoài. Nếu để chảy ra ngoài là bị phạt. Cái hay của rượu cần là khi nào cảm thấy nhạt là nhấc cần lên, chọc ra chỗ khác, chỗ ấy thế nào rượu cũng đậm hơn.

        Rượu cần là tượng trưng của sự đoàn kết vì mỗi lần uống đều có 2, hay 4 hoặc 6 người (tùy theo số cần), vui vẻ lắm. Sau khi uống xong bấy giờ mới vào bàn, uống rượu tự nấu đựng trong các chai. Chai nào cũng có một đoạn tre hoặc trúc xoáy chặt vào miệng chai. Phía gần đoạn mấu thì dùi một lỗ nhỏ cốt để người "châm tửu" (rót rượu) không phải nhoài người với ra xa mới rót được. Tôi gọi đấy là "dụng cụ chuyên dùng". Cứ uống hết rượu chai trên bàn thì lại xuống uống rượu cần rồi vào vòng xòe. Cuộc vui chẳng mấy khi kết thúc trước 3-4 tiếng đồng hồ.

        Biết tôi đi nhiều lần qua tuyến đường Tây Bắc, một anh bạn tôi hỏi:

        - Này, ông đi như vậy, ngoài những món ăn không giống miền xuôi ta thì còn có những phong tục nào không giống miền xuôi ta nữa?.

        - Phong tục rồi tục lệ thì mỗi nơi mỗi khác, nhiều lắm, nhưng tôi thấy có phong tục "ngủ thử" là khác với miền xuôi vô cùng.

        - Thế thì có chuyến nào đi, ông cho tôi theo và dẫn tôi đi ngủ thử nhé! Mới nhắc đến thôi mà đã  thấy thích lắm rồi! - anh bạn tôi hồ hởi đề nghị.

        - Đừng có mà giàu trí tưởng... bở! Không như ông nghĩ đâu! - tôi trả lời.

        - Thế là thế nào? - anh bạn tôi băn khoăn thực sự.

        Theo tôi tìm hiểu và được biết thì phong tục "ngủ thử" hay "ngủ thăm", "ngủ ngửi" đều là những phong tục diễm tình nguyên sơ của rừng già. Thoạt nghĩ, ta cứ tưởng họ rất phóng túng, nhưng không phải như vậy.

        Trong văn hóa của một số dân tộc miền núi phía Bắc (như người Dao, người Thái, người Mông, người Mường..) đối với nam nữ đã  trưởng thành cứ từ 13-14 tuổi trở lên mà chưa chồng thì việc "ngủ" đã  trở thành tục lệ trước khi kết hôn, kể cả hiện tượng con trai cạy cửa hoặc chọc sàn nhà con gái để tán tỉnh cũng vậy.

        Khi việc ban ngày tạm dừng, cộng đồng thường tham gia uống rượu cần, diễn tấu cồng chiêng, nhảy múa, hát dân ca... Khi cái chân đã  mỏi, khi men rượu cần đã  thấm cũng là lúc con mắt lim dim hoặc là có nhu cầu tình tự, hoặc là muốn trải lòng mình với những người xung quanh. Lúc bấy giờ là lúc các chàng trai, cô gái ưng nhau bắt đầu tìm cho mình một chỗ để "ngủ thăm", "ngủ thử"... bên cạnh bếp lửa hồng trong ngôi nhà rông, nhà sàn... Ví như người Dao đen Tiền thì có tục "ngủ ngửi" cho quen hơi, người Thái, người Mông, người Mường thì có tục "ngủ thăm". Cho dù là "ngủ ngửi" hay "ngủ thăm", "ngủ thử" thì đấy đều là động tác để mở màn cho việc kết nối lâu dài trong hôn nhân. Ví như với người Mường, trong phong tục lâu đời của họ thì những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới "ngủ thăm" nhà cô gái mà họ ưng. Các cô gái lúc tối đến thì đốt một ngọn đèn, coi như là "tín hiệu" cho các chàng trai đến "ngủ thăm". Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng nghĩa là chưa có ai đến "ngủ thăm", chàng trai phải tự cạy cửa mà vào nhà. Sau 5 lần "ngủ thăm", nếu cả hai ưng nhau thì bấy giờ chàng trai mới cùng gia đình mình đến nhà gái để xin đám cưới.

        Trong tất cả các lần "ngủ thăm", "ngủ thử"... đôi bên có thể đắp chung chăn hoặc riêng, nhưng chỉ được tâm sự, không được đụng chạm, chỉ được "ngủ chay" mà thôi, cấm vượt "đèn đỏ". Mọi sự lạm dụng về thể xác sẽ bị coi là vi phạm luật tục, sẽ bị tố cáo và bị nộp phạt, xử lí nặng.

        Chính vì vậy mà hầu như không xảy ra hiện tượng "ăn cơm trước kẻng".

        Đấy chính là một nét đẹp của đại ngàn hoang thẳm mà không phải dân tộc nào cũng có được. Tôi thấy rất cần được trân trọng và gìn giữ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2020, 04:28:54 am »


TRÒ CHƠI NÉM PAO TRONG TẾT CỦA NGƯỜI MÈO

        Ngoài những trò vui khi đón Tết của các đồng bào dân tộc khác ở vùng núi phía Bắc như múa khèn, ném còn, đẩy gậy, đánh quay, kéo co... thì người Mèo (người Mông) còn có trò ném pao.

        Quả Pao còn được gọi là Pa Pao. Con trai đi tìm vợ thường mang theo khèn đi để biểu diễn bằng những điệu múa khèn mạnh mẽ mà uyển chuyển... Còn con gái khi đi lễ hội thì mang theo quả Pao mềm mại, bởi họ mong muốn sẽ tìm được một người đàn ông phù hợp với mình. Nó vừa là đồ chơi, vừa là đồ trang sức không thể thiếu trên người họ.

        Quả Pao được khâu nối bằng các miếng vải lanh, bằng vải thổ cẩm hoặc chắp những mảnh vải nhiều màu sắc khác nhau lại để tạo cho Pao có nhiều màu đẹp mắt và dùng lụa tơ tằm tạo sự mềm mại cho Pao. Quả Pao kết thành trái to bằng quả cam, được nhồi hạt lanh hoặc bông vào bên trong.

        Khi chơi, tất cả được phân chia thành hai đội, bên nam bên nữ cách nhau khoảng 5-7 mét. Cô gái ném Pao cho chàng trai nào có nghĩa là cô đã  thích anh ta.

        Tài khéo léo là không để rơi Pao, họ giao ước với nhau bằng số lần ném, số lần bắt Pao. Nếu bên nào để rơi thì bên đó chịu thua và bên thua sẽ phải chịu sự quyết định của bên thắng.

        Khi ném Pao là lúc họ trao ánh mắt nụ cười cho nhau và trao nhau tình cảm. Thoạt trông tưởng các động tác như đơn điệu nhưng tôi nghĩ rằng đấy là cả một sự tổng hòa theo quy luật âm dương. Khi đã  bắt Pao tức là đã  cảm nhận được tình cảm của phía bên kia và khi ném lại Pao tức là cũng đã  trao gửi lại tình cảm từ phía mình.

        Người con trai tìm vợ, đầu tiên là để ý xem khả năng dệt vải, thêu thùa và làm Pao của người con gái. Pao tốt thi đường khâu phải kín, khi cầm quả Pao thấy không cứng quá và cũng không mềm quá, qua đó có thể đánh giá được chủ nhân của nó là người giỏi giang và đảm đang.

        Khi đã  thích người con gái kia rồi thì chàng trai cầm giữ quả Pao rồi tìm đến nhà hoặc tìm gặp chủ nhân của Pao để bày tỏ tình cảm. Thấy hợp nhau, họ cùng nhau hẹn hò tiếp.

        Quả Pao không chỉ là một đồ chơi đơn thuần mà nó là vật minh chứng cho tình yêu đôi lứa của người Mèo. Họ chơi trò ném Pao để tìm cho mình những người tình phù hợp với mình.

        Khi không ưng nhau thì thôi không bắt Pao. Có người nói với tôi rằng đã  có bài hát với những lời hát buồn "Quả Pao rơi mất rồi, em không yêu anh nữa...".

        Ném Pao nhiều khi trở thành hoài niệm đến khắc khoải trong cả cuộc đời vì có thể đấy lại là mối tình không trọn vẹn và khi không đến được với nhau sau chuyện tình ném Pao ấy, họ sẽ tìm gặp lại nhau ở chợ tình Khâu Vai.

        Đấy chính là nét đặc sắc, tính nhân văn của trò ném Pao vậy...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2020, 05:16:52 am »


CHỢ TÌNH KHÂU VAI

        Trong chuyến đi Hà Giang, đoàn của chúng tôi có người quen ở đấy và dẫn anh em chúng tôi tới thăm nhà. Sau những lời chào hỏi, sau mấy tuần trà, chủ nhà hỏi chúng tôi:

        - Các bác, các anh khi nào xuôi Hà Nội?

        - Ngày mai chúng tôi về!

        - Các bác, các anh ờ lại chơi thêm dăm bữa đi, vài ngày nữa là đến phiên chợ tình Khâu Vai rồi đấy. Vui lắm. Một nét văn hóa nhân văn không nên bỏ qua!

        Vì điều kiện không cho phép nên anh em chúng tôi không ở lại được. Tôi từng nghe đến chợ tình Khâu Vai nhưng chưa bao giờ được dự cả nên rất tò mò.

        Qua tìm hiểu thì được biết chợ tình Khâu Vai mỗi năm họp một lần vào ngày 27-3 âm lịch. Chợ thuộc địa phận xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

        Chợ Khâu Vai xuất hiện vào khoảng chừng năm 1919. Nó còn có tên là chợ tình Khâu Vai hay chợ Phong Lưu. Theo tiếng dân tộc của người Tày,. Nùng... Khâu Vai có nghĩa là Đèo Gai.

        Theo truyền thuyết của chợ, tất cả liên quan đến mối tình ngang trái của chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy. Chàng trai người Nùng tên là Ba, nhà ở Khau Vai. Chàng rất khôi ngô, tuấn tú, hát hay, sáo giỏi nhưng nhà lại nghèo. Còn cô Út xinh đẹp là con gái của vị tộc trưởng người Giáy. Cặp đôi trai tài, gái sắc ấy gặp nhau và yêu nhau tha thiết nhưng gia đình cô út không đồng ý, phản đối kịch liệt bởi nhà chàng Ba nghèo, hơn nữa lại khác dân tộc, không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán...

        Con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ được.

        Bị gia đình ngáng trở, hai người đã  trốn nhà, đưa nhau lên sống trên hang núi Khau Vai.

        Sau khi phát hiện hai người rủ nhau bỏ đi, gia đình họ tộc nhà cô út lập ức mang súng kíp, mang cung nỏ sang bên nhà chàng Ba chửi mắng thậm tệ. Phía nhà chàng Ba cũng mang súng, mang dao, mang gậy gộc ra đứng chửi lại. Từ việc chửi bới, xúc phạm nhau bằng lời đến việc sử dụng dao, gậy, súng ống diễn ra chỉ trong chốc lát. Hai bên gia đình lao vào cuộc ẩu đả dữ dội. Từ trên hang núi nhìn xuống, chàng Ba và cô út thấy rất rõ cảnh đâm chém tàn bạo của hai họ.

        Chàng Ba và cô út xót thương cho cha mẹ, cho dân bàn bỗng dưng chỉ vì tình yêu của mình mà trở thành thù hận, mà chém giết nhau. Hai người đành nuốt nước mắt, chia tay nhau để trở về làng, thề hẹn kiếp sau sẽ là vợ chồng.

        Ngày họ chia tay là ngày 27-3.

        Khi chia tay, họ cùng nhau cắt máu ăn thề. Cho dù không lấy được nhau nhưng hàng năm, cứ đến ngày 27-3, họ lại lên Khau Vai hát cho nhau nghe, kể cho nhau nghe những gì ấp ủ, những gì thầm kín trong lòng suốt đêm rồi đến hết đêm hôm sau, họ lại chia tay nhau trở về sống cuộc sống thường nhật.

        Vào ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại tìm đến nhau, ngồi bên hòn đá năm xưa cùng thề thốt, ôm chặt lấy nhau và cùng nhau đi vào cõi vĩnh hằng...

        Ngày ấy cũng đúng ngày 27-3.

        Người dân lấy ngày đó là ngày họp chợ.

        Dân làng đã  dựng lên "Miếu Ông", "Miếu Bà" ở ngay nơi họ mất để tưởng nhớ mối tình thiêng liêng ấy.

        Nơi ấy cũng là địa điểm để người ta tìm đến nhau sau một năm hoặc nhiều năm xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự nhưng vì lí do nào đó không lấy được nhau, mỗi người đều có duyên có phận, có duyên có số, có duyên có nợ... riêng của mình. Đúng ngày 27-3, họ về đây để tâm sự, để kể cho nhau nghe cuộc sống riêng của mình, rồi ôn lại những kỷ niệm xưa, những tình cảm xưa...

        Có nhiều đôi vợ chồng trong ngày này cũng cùng đi chợ nhưng khi đến nơi, vợ tìm bạn của vợ còn chồng tìm bạn của chồng. Họ không hề ghen tuông, không hề bực bội mà tôn trọng nhau, tôn trọng cả người bạn của vợ, của chồng mình, coi đó là sự linh thiêng, bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời.

        Không chỉ có người Nùng, người Giáy mà còn có rất nhiều người của các dân tộc khác với đủ mọi lứa tuổi đều đến đây vào ngày này.

        Tất cả cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã  yêu, đang yêu và sẽ yêu như hướng về một nghi lễ linh thiêng, trọng đại nhất...

        Khi ông mặt trời đã  khuất sau mỏm núi phía Tây, khi sương đã  giăng mù trời, khi những đống lửa lớn được đốt lên và những can rượu lớn được mang ra là lúc chợ tình Khâu Vai bắt đầu...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2020, 10:50:17 am »


CHUYẾN ĐI GẦN ĐÂY NHẤT

        Thật may mắn đến không ngờ! Vào khoảng tầm trung tuần tháng 3-2018, khi tôi vừa dừng bút trên trang bản thảo (vì tôi vẫn có thói quen viết trên giấy, sau rồi mới "gõ" vào máy), đang mơ màng nghĩ về những chuyến đi trên tuyến đường Tây Bắc thì chuông điện thoại réo. Tôi nhấc máy trả lời và nhận được câu hỏi:

        - Ngày tới có tổ chức chuyến đi giao lưu gặp gỡ với các cảng Hàng không Nà Sản, Điện Biên rồi lên đường đi Lai Châu, Sa Pa, chinh phục Phan Si Păng, qua Lao Cai rồi về Hà Nội. Anh có tham gia được không?.

        - Đi chứ! Cụ thể ngày nào và tập kết ở đâu, vào giờ nào? - tôi trả lời gần như reo lên.

        - Ngày mai sẽ có thông báo cụ thể! Thế nhé!

        - OK!

        Đúng là "buồn ngủ gặp chiếu manh"! Tôi đang nghĩ không biết đến khi nào mình mới lại có được chuyến "đi đường 6 về đường 2" như cách đây hơn chục năm. Hơn chục năm trời là cả quãng thời gian dài và đã  có biết bao đổi thay trong quãng thời gian ấy. Rất mong muốn có chuyến đi như vậy mà chưa tính được nên tổ chức thế nào cho hợp lí. Đùng một cái có lời mời. Không nhận vội thì mới là lạ!

        Những vật dụng cần thiết tối thiểu thì tôi luôn để trong ba lô, bất kể lúc nào "ới" là có thể khoác lên vai, đi được ngay, vẫn giống như người lính vậy.

        Thế là đúng ngày giờ quy định, tôi có mặt tại điểm hẹn, "khăn gói quả mướp" lên đường.

        Các địa danh quen thuộc dần hiện ra trên đường lên Sơn La: Dốc Cun, Cao Phong, Tòng Đậu, Đồng Bảng, Mộc Châu...

        Tuyến đường lên Sơn La, Điện Biên tôi mới đi cách đây hơn ba năm nhưng cũng đã  thấy khác lạ. Cam ở Cao Phong đã  nhiều hơn xưa, đã  có thương hiệu và nền kinh tế đã  khởi sắc. Trên đỉnh đèo Thung Khe xuất hiện nhiều loại hàng hơn, đa dạng hơn: ngoài món ngô luộc, ngô nướng truyền thống, có thêm trứng luộc, trứng nướng, khoai lang nướng cùng các sản vật của rừng của núi. Không ai bảo ai, tất cả đều dừng để nếm những món đặc sản dân dã ấy. Đúng lúc dừng nghỉ thì trời hửng nắng, đứng từ đó có thể phóng tầm mắt nhìn được khắp các dãy núi bao quanh, thấy được những khúc cua của con đường uốn lượn mềm mại như chú trăn khổng lồ đang nằm sưởi nắng.

        Nghỉ ngơi thư dãn mươi phút lại tiếp tục lên đường.

        Loài hoa Tam Giác Mạch đã  được đem về trồng trên các sườn đồi của Mộc Châu. Các loại hoa được trang trí, xếp hình xếp chữ ngay ngắn phục vụ cho khách du lịch đến chụp ảnh cùng hoa. Cách nghĩ cách làm đã  khác trước rồi. Nền kinh tế thị trường nó làm thay đổi nhận thức rất nhanh. Không thay đổi không được.

        Chúng tôi dừng xe, đến thăm viếng khu di tích tưởng niệm Trung đoàn 52 - Binh đoàn Tây Tiến, đọc lại những câu thơ hừng hực khí phách ngang tàng vượt lên trên mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc chiến tranh và hoàn cảnh sống cực kỳ gian khổ nhưng vẫn giữ được cốt cách hào hoa, yêu đời và rất lãng mạn của người Đại đội trưởng tài hoa - nhà thơ Quang Dũng (Bùi Đình Dậu). Bài thơ đầy cảm hứng lãng mạn, tráng lệ và bi hùng:

        Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
        Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
        Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
        Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

        Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
        Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
        Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
        Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

        Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
        Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
        Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
        Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

        Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
        Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

        Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
        Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
        Khèn lên man điệu nàng e ấp,
        Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

        Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
        Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
        Có nhớ dáng người trên độc mộc,
        Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

        Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
        Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
        Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
        Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

        Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
        Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
        Áo bào thay chiếu, anh về đất,
        Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

        Tây Tiến người đi không hẹn ước,
        Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
        Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
        Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


        Ngoài ông ra còn có những nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa khác nữa trong Binh đoàn ấy - đấy là những người lính mang tâm hồn nghệ sĩ. Chúng tôi được biết thêm về tình cảm, mối quan hệ gắn bó quân dân của các dân tộc miền Tây Bắc, tình hữu nghị chiến đấu keo sơn của hai dân tộc Việt - Lào.

        Hình ảnh người phụ nữ không ngại ngần, vắt sữa của mình cho anh bộ đội của Binh đoàn Tây Tiến uống khi anh bị thương, sức kiệt đã  nói lên tình cảm cao đẹp và sự hy sinh quên mình ấy.

        Hình ảnh That Luông thu nhỏ với cây hoa Champa cùng nở hoa cạnh cây hoa ban mang tính biểu trưng cho tình hữu nghị Việt - Lào sâu đậm.

        Mới hiểu thêm ý tứ trong những câu thơ của bài thơ "Tây Tiến".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM