Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:17:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Qua miền Tây Bắc  (Đọc 6616 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2020, 05:09:57 am »

   
        Tính từ Sơn La đến Tuần Giáo là 56 cây số. Từ Tuần Giáo đến thị xã  Điện Biên là gần trăm cây. Đoạn đường không dài bằng từ Hà Nội lên Sơn La nhưng vất vả hơn, nguy hiểm hơn vì đường quanh co hiểm trở, nhất là để qua được mấy cái đèo như đèo Pha Đin, đèo Tằng Quái... là cả một vấn đề.

        Bác Hồ đã  từng viết:

"Đi đường mới thấy gian lao
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng..."

        Đúng là tuyến đường Tây Bắc không thể biết được khi nào sẽ kết thúc núi. Núi tiếp núi, đèo tiếp đèo... Cứ phải kiên trì thôi...

        Thời gian tôi còn ở trong quân ngũ, những chuyến ngược miền Tây, tôi hay đi với cậu lái xe Nguyễn Văn Khánh. Đấy là một chiến sĩ trẻ nhưng đã  khá dày dạn kinh nghiệm chạy trên các tuyến đường rừng núi. Khi chuyển ngành, đến đơn vị mới, sau một số chuyến tôi đi với lái xe Phạm Mạnh Tùng thì hầu như từng ấy năm còn lại, tôi gắn bó với lái xe Nguyễn Văn Hiệp (còn gọi là Hiệt), người từng có thâm niên chạy xe tải, xe khách trên tuyến Hà Nội - Lao Cai đến cả chục năm trước khi về với chúng tôi.

        Trong quân ngũ, thày dạy lái xe đầu tiên của tôi là Trần Văn Hiến - chiến sĩ lái xe của đơn vị tôi mà tôi đã  kể trong cuốn "Đi xa ngoảnh lại", còn ở đơn vị mới này thì Nguyễn Văn Hiệp là thày dạy bổ túc, nâng cao tay nghề cho tôi mà những chuyến đi công tác, anh em tôi hay gọi là "chuyến đi dã ngoại". Tay lái tôi vững vàng hơn, có kinh nghiệm hơn chính là nhờ sự chỉ bảo của thày Nguyễn Văn Hiệp trên các tuyến đường công tác vùng Tây Bắc...

        Trở lại chuyến đi.

        Chúng tôi dậy từ rất sớm, ăn sáng xong là lên đường luôn. Mới rời thị xã  Sơn La một đoạn, gặp ngay đèo Sơn La.

        Vượt đèo Sơn La, đến đèo Chiềng Pấc.

        Đèo Chiềng Pấc ngắn thôi, nhưng khá dốc, quanh co với nhiều khúc cua hẹp, vách núi cao, vực sâu. Nếu đi vào mùa Đông và mùa Xuân thì căng thẳng hơn nhiều vì sương mù giăng dày đặc suốt tuyến đường. Vào mùa mưa lại dễ gặp sự sạt lở. Nhìn chung, các đường đèo hầu như đều vậy cả...

        Mục tiêu là phải vượt được Pha Đin một cách an toàn.

        Đèo Pha Đin còn được gọi là dốc Pha Đin (như trong thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ...") với chiều dài 32 cây số, nằm trên Quốc lộ số 6, nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Phần phía Sơn La thuộc xã  Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, còn phần phía Điện Biên thuộc xã  Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.

        Nghe nói, trước đây để phân chia địa hạt đèo Pha Đin, người ta đã tổ chức cuộc đua ngựa từ hai phía Tuần Giáo và Thuận Châu. Ngựa hai bên theo lệnh xuất phát từ chân đèo chạy ngược lên đỉnh đèo, nơi hai ngựa gặp nhau là biên giới của hai tỉnh. Vì ngựa của Lai Châu chạy nhanh hơn ngựa của Sơn La nên phần đèo Pha Đin thuộc về Điện Biên nhiều hơn Sơn La.

        Thực hư thế nào không rõ nhưng tôi nghe được vậy thì kể lại vậy thôi.

        Cái tên gọi Pha Đin xuất xứ từ tiếng Thái là Phạ Đin. Phạ có nghĩa là Trời, Đin có nghĩa là Đất với hàm ý: nơi đây là nơi tiếp giáp giữa Trời và Đất. Có lẽ cũng đúng như vậy thật, vì khi vượt đèo, ngước nhìn lên, ta thấy như trời sát ngay đầu với những màn mây hư ảo cùng những đợt gió thổi ào ạt có lức bạt cả hơi thở.

        Pha Đin có nhiều cung đường với vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ z... liên tiếp nối nhau. Có những đoạn đường đèo dày đặc sương mù, tầm nhìn chỉ vài mét. Đứng trên đỉnh Pha Đin, ta có cảm giác như đứng trên biển mây bồng bềnh, phiêu lãng...

        Pha Đin được mệnh danh là một trong "Tứ đại đèo" của vùng Tây Bắc có lẽ cũng không ngoa.

        Sau này, tuyến đường Pha Đin được mở rộng, hạ bình độ, phần nhiều chạy phía dưới đèo nên không còn nguy hiểm nữa, chứ hồi chúng tôi đi, đường vẫn rất hẹp, hai ô-tô muốn tránh nhau là phải tìm chỗ tránh, một xe dừng lại để xe kia "len" qua, đâu có dễ dàng gì. Khi mở được tuyến đường mới, tuyến đường cũ vẫn nằm vắt vẻo phía trên đỉnh, lưu giữ lại kỷ niệm về một thời oai hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

        Đỉnh đèo có những chỗ đất khá bằng phẳng ở hai bên đường. Nơi ấy là nơi đồng bào thường gùi mận, gùi dưa mán... ra bán. Mận bán cả gùi, dưa cứ xếp từng đống vài ba quả một. Quả to, hai quả một đống, quả nhỏ hơn thì ba quả một đống. Khi dừng hỏi mua, người bán thủng thẳng trả lời:

        - Một đùng một đúng! - (một đồng một đống)

        - Một "đùm" hai "đúm" nhá! - anh chàng Hiệp lái xe mặc cả kiểu trêu đùa.

        - Không được đâu vớ!

        - Một "đùm" hai "đúm" được đấy!

        - Bảo là không được rồi mà!

        Rất dứt khoát, một đồng là một đồng, không hơn không kém. Mọi thứ được mặc định hết rồi, cứ đủng đỉnh trả lời thế thôi, ai mua thì mua, chẳng cần chèo kéo làm gì. Nhưng cũng có trường hợp họ trả lời theo kiểu phản ứng nhanh, "đốp chát" ra phết. Ây là khi gặp người Mèo ôm con mèo đi bán, liền hỏi theo kiểu bỡn cợt:

        - Mày đem bán con gì đấy?

        - Tao đem bán con Kinh đấy!

        Ghê chưa? Cũng "phang" lại ra trò, tế nhị, hóm hỉnh ra trò đấy chứ có phải vừa đâu!...Ôi! Pê tu Mông trang (Anh em người Mông ta) phức tạp quá đấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2020, 07:21:22 am »


        Lại còn chuyện mấy thanh niên người Mèo từng làm cho cảnh sát giao thông sững sờ nữa cơ. Đấy là có lần, ba chàng thanh niên mặt mũi đỏ lựng vì hơi men, đầu chẳng mũ nón gì hết, cùng "cưỡi" trên chiếc xe mô-tô Minsk, phóng ầm ầm, "đánh võng" trên đường. Cảnh sát giao thông thấy hành động vi phạm luật giao thông ấy liền tuýt còi, ra hiệu dừng xe. Tức thì, cả ba thanh niên đồng thanh:

        - Hết chỗ rồi! Không đi nhờ được đâu!

        Thôi đành "bótay.com"!

        Những chuyện "vui vui" như vậy trên tuyến đường này không ít đâu, khi nầo có dịp, tôi lại kể tiếp.

        Đi nhiều lần trên tuyến đường này, bao giờ chúng tôi cũng chất lên xe ít dưa mán, vừa đi vừa ăn cho đỡ khát mà lại có thêm vitamin...

        Chúng tôi cũng chọn được một địa điểm khá đẹp để ngồi nghỉ ngơi, "xả chét". Đấy là khi đã  qua đỉnh đèo một đoạn, có khoảng đất khá trống trải, bằng phẳng, đứng đó có thể ngắm những cung đường uốn lượn mềm mại qua các chân đồi chân núi, lại thấy những thửa ruộng bậc thang xếp đều đặn với đủ sắc màu. Vậy là nghỉ thôi. Bụng cũng đã  ngót ngót rồi. Mọi đồ ăn được bày biện nhanh chóng: xôi, trứng luộc, thịt rang mặn và chai rượu đặt cạnh. Xoa xoa hai tay vào nhau theo kiểu nhà quê, tôi mời to:

        - Nào, đã  đến bữa rồi, xin mời tất cả vào mâm thôi!

        Gọi là mâm cho oai chứ chẳng qua chỉ là tờ báo cũ được trải ra trên vạt cỏ chứ có gì đâu. Thế là mỗi anh tợp một ngụm rượu rồi dùng "năm quân" xử lí đám đồ khô kia, vừa ăn vừa ngắm trời ngắm đất, vừa chuyện trò rôm rả.

        Cái vị trí ấy chẳng ai bảo ai và cũng chẳng ai quy định cả nhưng lần nào đi tới đấy cũng ngồi nghỉ rồi ăn chút gì đó trước khi "đổ đèo" sang Tuần Giáo.

        Tuần Giáo là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Điện Biên, cách Hà Nội chừng hơn 400 cây số. Theo các di chỉ khảo cổ học thì Tuần Giáo là địa bàn có con người đến cư trú từ rất sớm.

        Thời Hùng Vương, nước Văn Lang chia làm 15 bộ, Tuần Giáo thuộc bộ Tân Hưng, thời Lý thuộc châu Lâm Tây, thời Trần thuộc châu Ninh Viễn, lộ Đà Giang. Thời Lê thuộc trấn Gia Hưng.

        Thời Lê Cảnh Hưng, châu Tuần Giáo có tên là Tuân Giáo, có nghĩa là "tuân theo giáo hóa của triều đình".

        Năm 1841, nhà Nguyễn lập phủ Điện Biên, châu Tuân Giáo thuộc phủ Điện Biên.

        Năm 1858, khi Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, tới tháng 4 năm 1890 mới chiếm được Lai Châu, trong đó có Tuần Giáo. Từ 1891 trở đi, Tuần Giáo khi nằm trong Tiểu quân khu Vạn Bú, khi thuộc tỉnh Vạn Bú, khi thuộc Sơn La, rồi thành tổng Tuần Giáo thuộc châu Điện Biên... cho tới sau cách mạng tháng Tám thì thành lập Huyện Tuần Giáo.

        Năm 1952, Tuần Giáo được bộ đội chủ lực giải phóng trong chiến dịch Tây Bắc.

        Tuần Giáo có diện tích tự nhiên là 157.949,80 ha với địa hình hiểm trở và đa dạng, 70% diện tích là các dãy núi cao từ 800 mét trở lên, còn lại là các dãy chừng 500 - 700 mét với những sườn vách sừng sững như những tòa thành thiên nhiên. Núi non của Tuần Giáo ghi nhiều dấu ấn trong những trang sử hào hùng. Căn cứ Pú Nhung gắn với tên tuổi của người Anh hùng lực lượng vũ trang Vừ A Dính, Sùng Phái Sinh. Hang Thẩm Púa thuộc xã  Chiềng Sinh từng là Đại bản doanh của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trước khi chuyển vào xã  Mường Phăng (huyện Điện Biên).

        Sơ bộ lịch sử của Tuần Giáo là vậy.

        Đến ngã ba Tuần Giáo, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi, thở phào nhẹ nhõm vì vừa vượt qua được một trong "tứ đại đèo" của miền Tây Bắc. Từ đây đến Điện Biên chỉ còn chưa đầy trăm cây số nữa thôi, nhưng còn phải vượt qua con đèo cũng có tiếng là ghê gớm, đó là đèo Tằng Quái.

        Sau khi thưởng thức món bánh rán nóng cùng mấy chén trà thơm ở ngã ba Tuần Giáo và "bắn" mấy hơi thuốc, chúng tôi tiếp tục lên đường. Con đường nhỏ hẹp, vắng vẻ vẫn uốn lượn quanh co qua các sườn đồi sườn núi xanh ngút ngàn, cao vời vợi và âm âm u u. Cứ nhẩm tính từng đoạn, vượt được đoạn nào mừng đoạn ấy. Đường thì dài mà hầu như chỉ mỗi xe chúng tôi lủi thủi đi nên càng thấy buồn tẻ và chặng đường như càng dài hơn...

        Phía trước là Mường Ẳng. Năm 1969, huyện Tuần Giáo có 2 thị trấn là thị trấn Tuần Giáo và thị trấn nông trường Mường Ẳng. Tới năm 2006, thị trấn Mường Ăng được đổi tên là Mường Ảng.

        Đèo Tằng Quái thuộc địa phận huyện Mường Ẳng, cách Điện Biên 40 km.

        Đèo Tằng Quái dài khoảng 11 cây số. Tuy không quá dài nhưng nhiều dốc nguy hiểm, uốn lượn quanh co với cảnh mây trời núi non hòa quyện đẹp tựa tranh vẽ. Biển mây trên đèo Tằng Quái gợi cảm hứng cho những thợ săn ảnh từ khắp nơi đổ về đây. Sau này người ta còn đem cả loại cây "ngàn tỉ" - cây mắc-ca tới trồng ở khu vực này nữa.

        Cảnh thiên nhiên đẹp như vậy nhưng để vượt được đèo cũng đâu đơn giản. Mây mù thường xuất hiện đột ngột cùng với tầm nhìn rất kém chính là sự thử thách lớn đối với những người ngồi sau tay lái...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2020, 07:22:30 am »


        Dầu sao chúng tôi cũng đã  vượt qua nó một cách an toàn. Các địa danh phía trước lại lần lượt hiện ra: bản Nà Tấu, trạm thủy điện Nà Lơi, rồi Mường Phăng...

        Nói đến Mường Phăng là nói đến Đại bản doanh quân sự của chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Tìm hiểu về tên gọi Mường Phăng thì được biết: "Mường" theo tiếng người Thái nghĩa là một đơn vị hành chính, còn "Phăng" có nghĩa là đâm, chém. Tương truyền, vùng đất Điện Biên xưa kia dưới sự chỉ huy của người Anh hùng nông dân Hoàng Công Chất đã  nổi dậy chống lại sự thống trị của vua Lê, chúa Trịnh vào những năm từ 1706 đến 1768. Nghĩa quân đã  chống chọi với đội quân triều đình do Đoàn Nguyên Thục chỉ huy, đã  giao chiến suốt từ Nậm Cô của đất Tuần Giáo về tới vùng đất Mường Phăng. Tại đây, nghĩa quân đã  nhử quân triều đình vào thế trận vây bẫy và kết thúc trận đánh bằng một trận gươm đao ác liệt. Cái tên "Mường Phăng" chắc xuất xứ từ đấy.

        Chuyến đi này chúng tôi chưa đến được Mường Phăng, nhưng những chuyến đi sau, chúng tôi đã  đến đó khá nhiều lần, đã  đi thăm Sở chỉ huy quân sự của chiến dịch Điện Biên Phủ bố trí dọc con suối nhỏ dưới chân núi Pú Đồn cùng các hầm hào, lán trại ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ của rừng nguyên sinh - "rừng Đại tướng" như người dân ở đây vẫn gọi, thăm hầm của Đại tướng thông sang hầm của tướng Hoàng Văn Thái và nhiều nơi khác nữa.

        Được đến đấy mới hiểu thêm, mới thấy được những dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc cùng tài năng xuất chúng của vị Võ tướng với tên gọi thân thiết "anh Văn", mới thấy được sự quật khởi, sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân vì thắng lợi chung, mới càng tự hào vì mình là con dân đất Việt...

        Nếu các bạn có điều kiện, hãy trèo lên đỉnh Pù Cá phía sau Sở chỉ huy. Từ đó có thể thấy được toàn bộ thung lũng Mường Thanh, các căn cứ điểm của quân Pháp trước kia như Him Lam, đồi Độc Lập, Dl, Cl, Al, cầu Mường Thanh... về điểm này, chắc vị tướng Đờ-cát-tơ-ri (Christian de Castries) chỉ huy quân đội Pháp không thể nào biết được và càng không thể hình dung nổi...

        Các bạn cũng hãy đến thăm hồ Pá Khoang - một hồ nước có diện tích 600 héc-ta, chứa gần 40 triệu mét khối nước để cung cấp cho cánh đồng Mường Thanh được xây dựng từ những năm 1970 với công sức của hàng ngàn thanh niên xung phong, về tận sau này, theo tôi được biết, vào năm 2006, ông Trần Lê - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ nông lâm Mường Phăng đã  đem giống hoa anh đào của Nhật về ươm trồng và đã  nhân giống trên diện tích khá lớn của hồ Pá Khoang. Loại hoa anh đào trồng ở đây thuộc loại hoa anh đào Higan Sacura, hoa rất sai và thời gian nở hoa kéo dài tới 3 tuần lễ. Điện Biên từng mở lễ hội hoa anh đào chào đón các du khách tham quan. Các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội nhé!

        Còn bây giờ, xe đã  đến địa hạt Điện Biên. đã  thấy con sông Nậm Rốm uốn mình với những đoạn nước trong rồi lại có những đoạn nước đục. Nhắc đến Nậm Rốm tôi lại nhớ đến bài thơ "Nhớ vợ" của nhà thơ Cầm Vĩnh Ui với những lời rất mộc mạc, chân chất, thật thà của người miền núi và rất thơ:

                                                  Tôi nhớ vợ tôi lắm
                                                  Xin được về hai ngày
                                                  Nhà tôi ở Mường Lay
                                                  Có con sông Nậm Rốm
                                                  Ngày kia tôi sẽ đến
                                                  Lại cầm súng được ngay
                                                  Tôi càng bắn trúng Tây
                                                  Vì tay có hơi vợ
                                                  Cho tôi đi, đừng sợ
                                                  Tôi không chết được đâu
                                                  Vì vợ tôi lúc nào
                                                  Cũng mong chồng mạnh khỏe
                                                  Cho tôi đi, anh nhé
                                                  Về ôm vợ hai đêm
                                                  Vợ tôi nó sẽ khen
                                                  Chồng em nên người giỏi
                                                  Ngày kia tôi về tới
                                                  Được đi đánh cái đồn
                                                  Hay được đi chống càn
                                                  Là thế nào cũng thắng
                                                  Nếu có được trên tặng
                                                  Cho một cái bằng khen
                                                  Tôi sẽ rọc đôi liền
                                                  Gửi cho vợ một nửa.


        Tôi được biết, Nậm Rốm hoặc Nậm Rôm, theo nghĩa tiếng Thái thì Nậm là nước, còn Rôm là cây gỗ lát. Nậm Rôm là con sông bắt nguồn từ rừng gỗ lát nên nó còn có tên là "suối gỗ lát". Cũng chẳng biết Nậm Rôm được đọc chệch thành Nậm Rốm từ khi nào, nó giống như đèo Phạ Đin thành Pha Đin vậy thôi.

        Vào năm 1963, Đại thủy nông Nậm Rốm được khởi công với hơn 2.000 người (trong đó có 800 Thanh niên Tháng Tám từ miền xuôi lên) tham gia xây dựng và hoàn thành sau 7 năm. Đại thủy nông Nậm Rốm cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh và phục vụ cho nuôi trồng thủy sản của người dân vùng lòng chảo. Năm 2015, công trình này được xếp hạng "Di tích lịch sử của Tỉnh".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 29 Tháng Hai, 2020, 06:08:20 am »

   
        Đã  tới Điện Biên Phủ!

        Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời". Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á.

        Khi Lạng Chạng đưa một bộ phận người Thái đen từ Mường Lò (Nghĩa Lộ ngày nay) đến Mường Thanh thì vùng đất này gọi là Song Thanh vì có 2 mường: Thanh Nưa (Thanh trên) từ bản Noong Hét ngược về đầu nguồn sông Nậm Rốm và Thanh Tẩu (Thanh dưới) từ bản Noong Hét đến cuối sông Nậm Rốm.

        Năm 1754, thủ lĩnh Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh, giải phóng đất Mường Thanh, xây thành đắp lũy, gọi là Phủ Chiềng Lễ (phiên âm Hán Việt thì là Trình Lệ) và ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Ngày nay vẫn còn đền thờ ông, ở đó có cây hữu nghị xanh tươi quanh năm. Nếu như ở Lam Kinh, Thanh Hóa có cây Đa-Thị như biểu hiện mối tình thắm thiết thì ở đền thờ Hoàng Công Chất có cây đa cùng quyện với cây xanh, cây si thành một khối tượng trưng cho sự gắn bó hữu nghị, đoàn kết của các dân tộc miền Tây Bắc.

        Cho đến năm 1778, nhà Lê bình được Hoàng Công Toản (là con trai của Hoàng Công Chất) và đặt ra châu Ninh Biên thay cho tên gọi Mường Thanh.

        Tên gọi Điện Biên là do vua Thiệu Trị đặt vào năm 1841 từ châu Ninh Biên. Điện Biên có nghĩa là vững chãi (Biên là biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên tức là Điện Biên Phủ vậy).

        Nhắc đến miền Tây Bắc thì không thể không nhắc tới dân tộc Thái với Thái đen và Thái trắng. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ tên gọi Thái đen, Thái trắng là do phân biệt màu da của người Thái (tựa như người ở châu Phi và châu Âu), nhưng hoàn toàn không phải vậy.

        Cùng là dân tộc Thái, nhưng người Thái đen và Thái trắng khác hẳn nhau về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, trang phục...

        Lấy ví dụ về trang phục của họ chẳng hạn: đàn ông người Thái đen khi lớn tuổi sẽ vấn khăn trên đầu, với người Thái trắng thì không. Còn với phụ nữ thì trước kia, khăn piêu chỉ người Thái đen mới có, sau rồi nó được dùng chung cho phụ nữ của cả hai dân tộc.

        Về áo, tôi làm quen và hỏi một em người Thái:

        - Những hàng cúc trên ngực áo em mang biểu tượng của cánh bướm hay cánh hoa ban?.

        - Nó là tượng trưng của những cánh bướm đấy!

        - Sao có người mang hàng cúc bằng bạc, có người lại mang hàng cúc bằng nhôm?.

        - Đấy như là sự phân biệt "đẳng cấp" đấy. Nhà giàu thì đánh cúc bằng bạc, nhà nghèo thì chỉ đánh cúc bằng nhôm thôi. Ngay xà-tích cũng vậy, nhà giàu thì làm bằng bạc và có đầy đủ các vật kèm theo như bông lúa, các loại quả... còn nhà nghèo thì thiếu hẳn những thứ ấy.

        - Vậy có quy định trên áo phải có bao nhiêu hàng cúc không và gài thế nào?.

        - Em phải nói về áo đã, cổ áo của phụ nữ Thái đen có viền gấp cao như là áo dài truyền thống của phụ nữ miền xuôi ấy, còn cổ áo của phụ nữ Thái trắng thì thấp, không có viền, mà khoét hình trái tim. Tùy theo chiều cao của từng người mà cúc áo có thể nhiều hơn hay ít hơn, nhưng khoảng 12 hay 13 hàng gì đấy. Cài cúc bằng móc, một bên có lỗ, bên có móc, người ta gọi nó là bên đực, bên cái, tượng trưng cho đôi nam nữ mà!

        - Thế thì... cởi có dễ không?.

        - Anh không cởi được đâu! - em quay mặt, tủm tỉm cười với vẻ mặt và ánh mắt lúng liếng liếc như nũng nịu, như khơi gợi...

        Về sống áo thì vậy, còn một việc khác nữa là người con gái Thái đen khi đã  lập gia đình là phải kết "tằng cẩu" - tức là bó tóc thành búi trên đỉnh đầu và thường buộc một đồng hào bạc ở đó. Nhưng con gái người Thái đen chỉ kết "tằng cẩu" khi lấy người cùng dân tộc Thái đen, còn khi lấy người dân tộc khác thì không kết "tằng cẩu". Phụ nữ Thái trắng không kết "tằng cẩu". Thế là phong tục này làm cho những người sản xuất mũ bảo hiểm khi đi xe máy phải suy nghĩ đấy. Phải làm ra chiếc mũ bảo hiểm kiểu gì cho những người có "tằng cẩu" đội một cách chắc chắn, chứ không thì nó cứ ngất nga ngất ngưởng trên đầu, trông kỳ dị lắm...

        Tôi lan man một chút để các bạn hiểu thêm về lịch sử của những miền đất này, còn chuyến đi của chúng tôi sau khi tới Điện Biên, sắp xếp chương trình làm việc xong xuôi thì được bố trí nghỉ ngơi ở nhà khách của Tỉnh. Chiều hôm đó có mấy đoàn khách đến nên nhà khách tổ chức thịt dê. Chúng tôi ngồi riêng một mâm. Khi thấy cô ở nhà khách qua mâm chúng tôi, tôi đề nghị cô cho chúng tôi món "nậm pịa". Cô tròn xoe mắt ngạc nhiên, không hiểu sao mấy người từ Hà Nội mới lên mà đã  biết món này. Cô nhìn chúng tôi và trả lời rụt dè:

        - Vâng, để em bổ sung!

        - Nếu có "lạp" thì mang cho chúng tôi luôn thể nhé! - tôi nói.

        - Sao các anh lại biết những món này nhỉ? - cô càng ngạc nhiên hơn, hỏi lại chúng tôi.

        - Tao có biết mà! - tôi nói theo kiểu người miền núi.

        Cô lấy tay che miệng cười và thế là chúng tôi quen nhau.

        Cái món "lạp" mà tôi đề nghị ấy chính là món thịt sống (hoặc của bò, của lợn, gà, vịt... thậm chí cả cá) băm nhỏ và tẩm ướp gia vị, trong đó có nước cốt chanh và ớt. Nó giúp sát khuẩn và làm cho chín tái phần bên ngoài miếng thịt mà bên trong vẫn giữ vị tươi ngon. "Lạp" cũng có thể làm chín nhưng ăn thì không "ấn tượng" bằng để sống. "Lạp" thường ăn với xôi. Sau này, có những chuyến tôi sang Lào, bên đó món "lạp" được coi như "linh hồn" của các bữa tiệc vì "lạp" trong tiếng Lào nghĩa là "lộc" - nó mang đến sự may mắn và tượng trưng cho lời chúc bình an. Có điều, "lạp" của người Lào làm cay hơn của người dân tộc Thái rất nhiều. Vậy thôi...

        Kết thúc công việc, chúng tôi tranh thủ đi thăm một số nơi như đồi Al, cầu Mường Thanh, hầm Đờ-cát, thắp nhang viếng các liệt sĩ ở nghĩa trang đồi Al, viếng nghĩa trang tưởng niệm đồng bào bản Noong Nhai bị Pháp dội bom hủy diệt cả bản, thăm đền thờ Hoàng Công Chất...

        Những chuyến đi sau này thì còn qua suối nước nóng UVA rồi vào bán giao lưu... nghĩa là mở rộng được tầm nhìn và sự hiểu biết.

        Cứ qua mỗi chuyến đi là tôi lại cảm nhận được nhiều điều, học thêm được nhiều điều. Người xưa từng nói: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" là vậy. Túi kiến thức của tôi cứ được bổ sung dần, căng dần. Tôi càng thêm quý, thêm yêu những người dân miền sơn cước và càng trân trọng những tình cảm của họ dành cho tôi qua những tháng năm tôi công tác ở những miền đất ấy.

        Sơn La, Điện Biên và các tinh khác của miền Tây Bắc luôn để lại cho tôi những kỷ niệm thật đẹp đẽ, sâu đậm chẳng thể phai mờ. Tôi vẫn thường mơ về các vùng rừng núi, về các tuyến đường, các cung đường mà mình từng qua và luôn ao ước mình có đủ sức khỏe để có được những chuyến thăm lại những vùng miền mà mình từng gắn bó, từng yêu quý...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2020, 06:28:51 am »


CHIỀU TÂY BẮC

                                                  Tôi ngược miền Tây
                                                  Giữa chiều chạng vạng
                                                  Nắng vàng lênh láng
                                                  Chảy óng như tơ
                                                  Dốc quanh co tung vết bụi mờ
                                                  Ngựa thồ ngô xuống núi
                                                  Mấy thiếu nữ thản nhiên
                                                  Cởi trần tắm suối
                                                  Cười rung vách đá ven rừng
                                                  Bọt thác tung bảy sắc cầu vồng
                                                  Mái nhà sàn khói vương bảng lảng...


        Tôi đã  ghi nhận được hình ảnh về một trong những chuyến đi trên tuyến đường Tây Bắc là như thế. Cái nắng về ban chiều nó vàng óng như tơ, nó sánh như mật ong chảy tràn trên các vạt rừng, các ngọn đồi, ngọn núi, trên các con đường dốc, đường mòn... Cái màu vàng thật lạ lùng, không giống với một màu vàng nào, ở nơi nào. Nó cứ lặng lẽ phủ và thấm đẫm vào mọi vật. Khi xe chạy từ trong bóng râm của một vạt rừng nào đó, vừa vượt qua khúc đường vòng thì ngay trước mặt là một khoảng trống mênh mông với màu vàng của nắng chiều đổ xuống lênh láng trong không gian tĩnh lặng. Bạn sẽ thấy choáng ngợp. Dừng xe lại, vừa mở cửa bước xuống thì ngay lập tức cảm nhận được làn gió rừng mang theo hương rừng ào tới. Bạn không thể không hít một hơi dài cho căng lồng ngực. Mùi hương rừng cũng không giống bất kể với mùi hương nào. Nó mang theo mùi của các loại lá, mùi của các loài hoa, mùi của đá núi, mùi của đất núi, mùi của nước suối, mùi của rêu, mùi của cỏ cây... một thứ mùi mà chỉ có vùng rừng mới có được. Tôi đi cũng khá nhiều miền có rừng, có núi và có lẽ, nếu bịt mắt lại cũng vẫn biết rằng đã  đến vùng rừng núi rồi, bởi mùi hương rừng không bao giờ lẫn, chỉ chạm một lần là nhớ mãi.

        Ở miền núi, chiều cũng kéo dài hơn ở dưới đồng bằng. Nếu ở dưới đồng bằng trời đã  nhá nhem thì trên núi vẫn nhìn rõ mặt người. Những vạt nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn vẫn xòe như những dải lụa nhè nhẹ bay trên các mỏm núi, các tán cây. Không gian tĩnh lặng với những vạt mây mỏng manh trôi bảng lảng, với những làn sương như những làn khói lam quanh các triền dốc gợi cho ta sự hoang vắng đến hư vô.

        Có một chiều, trong một chuyến đi từ Điện Biên về Sơn La, gặp cảnh ấy, trên xe bỗng không ai nói với ai câu nào nữa. Mỗi người chắc đều có tâm trạng riêng.

        Giữa nơi rừng núi hoang vu thế này, sự im lặng nghe nó cứ thế nào ấy. Khi đến khúc cua, nhìn qua vạt rừng phía trước thấy khúc cua khác hiện ra. Trông thế thôi chứ chắc phải đi dăm cây số nữa mới đến khúc cua ấy. Tôi liền nói đùa với anh lái xe:

        - "Phi" thẳng sang khúc cua bên kia đi!

        Anh lái xe từ từ phanh xe lại, trả lời với giọng không bình thường:

        - Không thể làm thế được đâu! Sao anh lại bảo như thế nhỉ? Không làm thế được đâu!

        Nếu như lần ấy tôi đi với Nguyễn Văn Hiệp thì không sao, vì Hiệp là người cũng thích đùa, hóm hỉnh và biết tính tôi thi thoảng hay có kiểu "giật gân" như thế, nhưng lần này lại đi với anh lớn tuổi hơn Hiệp thật nhưng thời gian chạy trên tuyến rừng núi còn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, nói như "cánh lái" là "già nhưng tay lái trẻ", vì vậy hơi hốt hoảng khi nghe tôi nói câu nói trên cũng đương nhiên thôi.

        Mọi người trên xe không biết xử lí thế nào để xua tan sự căng thẳng. Tôi ân hận vì cái tính hay bỡn cợt kiểu Tắc-Giăng. Thật may, vừa qua đoạn cua có khoảng đất rộng khá bằng phẳng, tôi đề nghị dừng xe. Mọi người xuống ngồi trên các tảng đá quanh đấy nghỉ ngơi và ngắm cảnh hoàng hôn đang lụi dần.

        Màn mây mỏng lướt nhè nhẹ tựa như tấm mạng che trên các tán lá rừng. Gió vuốt mơn man. Giữa cảnh rừng núi mênh mang, yên ắng đến hoang vu... tôi như thấy được cảnh một chàng trai người Mông ngồi chênh vênh trên tảng đá thổi sáo với ánh mắt đăm đắm ngó về phương trời xa. Đúng là như nghe vẳng đâu đó tiếng sáo Mèo với những cung bậc âm thanh trầm bổng thật. Tôi chợt nhớ đến những câu hát trong "Bài ca trên núi", một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương:

                                                  Hơ hơ... ớơ... hơ hơ
                                                  Đầu trời có sao chiều sao sớm
                                                  Đầu núi kia có ớ ơ hai người
                                                  Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
                                                  Trời chỉ có, chi có sao sớm sao chiều
                                                  Núi chi có hai người, hai người yêu nhau.
                                                  Hỏi rừng chiều có tiếng khèn ai đó
                                                  Khèn hát lên những lời mong chờ
                                                  Đường đi về rừng, đường đi xuống núi
                                                  Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
                                                  Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau...


        Thế là tôi cất giọng "Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi. Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều..."

        Vừa nghe đến đấy, một anh thốt lên:

        - Vợ chồng A Phủ! Bài hát trong phim "Vợ chồng A Phủ"! Anh biết cả bài hát ấy à?.

        - Ừ, biết một tí thôi! Cái gì cũng chi biết có một tí! Thế mới chán, thế mới khổ chứ!

        - Không chán đâu! Không khổ đâu! - mấy giọng nói cắt ngang và cười.

        Tất cả cùng cười. Tiếng cười hồn nhiên vang lên xóa tan cảnh âm u tĩnh mịch nơi rừng núi lúc chiều tà. Không khí lại vui vẻ, náo nhiệt trở lại.

        Nào, lên xe đi tiếp thôi!

        Những cung đường với những khúc cua ngoằn ngoèo trôi vội qua gầm xe. Chúng tôi sôi nổi bàn luận đủ thứ chuyện, quên hẳn sự vất vả gian nan. Thế mới biết, để xóa được tâm trạng nặng nề, để gây được niềm vui, tạo tâm lí thoải mái cho chuyến đi thật quan trọng và không phải dễ gì mà làm được, nhất là với những tuyến đường, những cung đường nơi rừng núi mênh mang, tịch mịch, nơi mà con người luôn cảm thấy sự cô đơn, trống trải!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2020, 06:28:02 am »


MỞ LẠI ĐƯỜNG BAY

        Trước năm 1994, cơ sở vật chất tại các sân bay địa phương như Nà Sản, Điện Biên, Vinh... đều thiếu thốn, không đồng bộ nên không thể đảm bảo cho việc hoạt động bay khai thác Hàng không được. Vì vậy, phải gấp rút nâng cấp, xây cất mới hàng loạt công trình như đường băng, sân đỗ, nhà ga, hệ thống chỉ huy cùng nhiều công trình khác nữa đảm bảo tối thiểu cho sự hoạt động của một sân bay. Song song với đó là vấn đề nhân sự của các ban ngành cũng phải được bố trí hợp lí, đầy đủ cùng nhiều thứ khác nữa mà nói ra đây thì dài dòng lắm...

        Khi hạ tầng cơ sở và mọi thứ đã  ổn định, nhiệm vụ tiếp theo là phải làm việc với lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Lai Châu để báo cáo và trình kế hoạch tiến hành mở lại các đường bay.

        Tôi cùng anh Phan Thái Hồng, anh Đặng Tích và chàng thanh niên Nguyễn Xuân Huân "chuột nhắt" được giao trực tiếp thực thi nhiệm vụ ấy. Chúng tôi cùng nhau trên một chuyến xe -  lập thành một "gánh hát" - (chúng tôi gọi đùa như vậy) rong ruổi trên các tuyến đường.

        Anh Phan Thái Hồng vốn là bác sĩ, nhưng nay giữ chức Phó Chánh văn phòng Cụm cảng Hàng không miền Bắc (sau này thì anh trở lại đúng chức năng của mình là Giám đốc Trung tâm y tế). Anh Đặng Tích tốt nghiệp Đại học văn hóa, sau giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa. Chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Huân "chuột nhắt" là chàng thanh niên người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn vô cùng, nhất là trên sân bóng chuyền khi đảm nhận vai trò "Triển Chiêu" (tức là vị trí phòng thủ, "quét" phía dưới trong những trận cá độ đánh 3 người một bên). Nguyễn Xuân Huân là trợ thủ đắc lực của anh Đặng Tích.

        "Gánh hát" của chúng tôi, ba người ba tính cách khác nhau nhưng lại rất hợp nhau trên mọi nẻo đường công tác.

        Lãnh đạo của các Tỉnh rất nhiệt tình ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho chúng tôi nên chúng tôi càng hăng hái trong công việc, không quản ngại khó khăn vất vả, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        Với sân bay Nà Sản, tôi đã  trình bày một phần ở những trang trước rồi. Sau những năm 1960 mọi hoạt động bay phải dừng hết. Giải phóng miền Nam, đường băng của sân bay Nà Sản được lát bằng ghi nhôm - chiến lợi phẩm chuyển từ các sân bay trong Nam ra. Nó có thể đảm bảo cho nhiều loại máy bay cất hạ cánh, nhưng với các loại máy bay tiêm kích thì duy nhất chỉ có một chuyến của MiG-21 do phi công Nguyễn Văn Miên điều khiển hạ cánh ở đây mà thôi.

        Ngày mở lại đường bay Nà Sản - Hà Nội là một ngày đầy nắng và gió. Trời không gọn mây, mặt trời chói lòa đổ lửa xuống khắp đồi khắp núi. Gió Tây mang hơi nóng thổi rát rạt. Gió mạnh tới mức phải cử một thanh niên đứng sau tấm phông giữ chặt lấy chân bức tượng Bác vì sợ đổ. Gần đến giờ tiến hành buổi mít-tinh, anh Đặng Tích phát hiện ra gió đã  giật mất chữ "L" trên tấm phông.

        Dòng "Lễ khánh thành" chỉ còn "ễ khánh thành"! Gay go to rồi! Làm thế nào đây?! Thời đại bây giờ, các tấm biểu ngữ được in trên vải sơn với khổ rộng, chẳng sợ gì mưa gió, nhưng vào thời ấy, các chữ phải cắt bằng xốp rồi dùng bột gạo nếp nấu lên thành hồ dán. Trong hồ dán ấy phải pha thêm chút nước vôi để chống loài gián không cho chúng gặm nhấm. Chất keo tự tạo ấy không chống lại được với sức gió như vũ bão nên bị bong là phải.

        Đang lúc lúng túng chưa biết nên xử trí thế nào, anh Đặng Tích nhác thấy một cháu chừng trên chục tuổi đang biến chữ "L" của mình thành khẩu súng ngắn trong trò chơi đánh trận giả. Thế là anh Đặng Tích hét lên với cái giọng the thé chẳng giống ai:

        - Không được lấy "lờ" (L) của tao! Giả "lờ" tao đây!!!

        Nghe tiếng hét, cậu bé sợ quá quẳng chữ "L" xuống đất rồi chạy mất hút. Anh Đặng Tích chạy lại nhặt vội lên, cười hớn hở như vừa trúng số độc đắc.

        Mải miết lo cho cuộc mít-tinh nên không ai nghĩ đến chuyện vừa xảy ra, nhưng mít-tinh xong thì câu chuyện đòi "lờ" (L) của anh Đặng Tích mới được nhắc lại, được thêu dệt, được thêm "lời bình" và được những trận cười nghiêng ngả. Chính anh Đặng Tích lại là người cười khoái trá nhất.

        Câu chuyện ấy đã  trở thành giai thoại trên các tuyến đường công tác của anh em chúng tôi đến mãi tận sau này.

        Buổi tổ chức mở lại đường bay diễn ra ngắn gọn, xúc tích nhưng cảm động. Nhiều bà con ở những bản xa xôi nghe tin đã  đến từ ngày hôm trước để được dự. Tôi không ngờ hôm ấy lại đông vui đến thế. Ai cũng tươi cười, hồ hởi, háo hức vì sắp được nghe những tiếng động cơ từ trên trời, sắp được thấy những "con chim sắt" lên xuống sân bay, thấy được "xe bin tình hau" (máy bay tỉnh nhà) hoạt động rồi. Làm sao mà không vui, không mừng được!

        Mấy vò rượu cần được đem ra đặt trước sân. Các lãnh đạo Tỉnh và chúng tôi cùng vít cần, chưng nhau "một trâu" (tức là hai coóng nước đổ vào bình rượu - một trâu có hai sừng mà!). Mọi người cũng cùng uống, cùng vui. Uống xong thì vào vòng xòe. Giữa nắng lửa và gió nóng, các khuôn mặt đỏ lựng lên vì men rượu, vì cái nóng của thời tiết... đều rạng ngời trong niềm hân hoan khó tả.

        Tiếng hát "Inh lả ơi! Sao noọng ời..." cất lên theo nhịp xòe làm xốn xao cả vùng cao nguyên Nà Sản. Thật phấn khích, thật cảm động làm sao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2020, 08:01:19 am »


        Với quan niệm của người dân tộc Thái, nếu không múa xòe thì lúa sẽ không có hạt, ngô không có bắp và trai gái không lấy được nhau., nên không có cuộc vui nào là không có xòe.

        Đấy vừa là nhịp điệu của cuộc sống vừa là nét văn hóa tâm linh của người dân miền Tây Bắc.

        Sân bay Nà Sản trở lại hoạt động đã  làm thay đổi diện mạo của Sơn La. Tuy mới chỉ đưa loại máy bay ATR-72 vào khai thác, nhưng những chuyến bay đã  làm cho không khí vùng rừng núi này trở nên nhộn nhịp, sống động. Khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược được rút ngắn lại rất nhiều.

        Sau 10 năm hoạt động trở lại, đến năm 2004, sân bay Nà Sản lại bị dừng bay vì nhiều lí do, nhiều nguyên nhân. Rồi theo phương án nâng cấp sân bay để các loại máy bay lớn hơn có thể hoạt động được, Nà Sản sẽ xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ bằng bê tông xi-măng, xây lại nhà ga và các công trình khác cho đồng bộ...

        Hy vọng một ngày nào đó trong tương lai gần, sân bay Nà Sản sẽ được mở lại đường bay nối với mọi miền của Tổ quốc và tiếng hát "Inh lả ơi, sao noọng ời..." tiếp tục vang vọng cùng điệu xòe chào đón các du khách về thăm Sơn La...

        Ngày mở lại đường bay với sân bay Điện Biên, "gánh hát" của chúng tôi cũng vẫn thành phần cũ: tôi, anh Phan Thái Hồng, anh Đặng Tích, Nguyễn Xuân Huân rồng rắn kéo nhau đi làm công tác chuẩn bị giống như kiểu tiền trạm và rồi lại được giao trực tiếp cùng Tỉnh tổ chức sự kiện này.

        Rút kinh nghiệm lần tổ chức ở Nà Sản, anh Đặng Tích nấu hồ dán sao cho chất lượng hơn và cũng cắt dự phòng một bộ chữ xốp nữa.

        Phông màn, khẩu hiệu căng xong, tôi thấy như còn thiêu thiếu cái gì đó. Đúng là thiếu thật! Thiếu hoa! Nhưng vào thời gian ấy hoa tươi ở Điện Biên còn hiếm lắm. Ngoài lẵng hoa để phía trên khán đài, còn cần các bát hoa ở các dãy bàn đại biểu nữa chứ. Tôi chợt nhớ đến những khóm nghệ mọc ở đường băng đất sát cạnh đường băng chính. Những khóm nghệ rừng vào mùa này đang trổ hoa. Hoa nghệ vươn lên qua kẽ lá như chiếc tháp màu vàng nhạt pha sắc trắng ngà, có bông mang màu đỏ tía, đẹp một cách lạ lùng...

        Khi được bày thành những bát hoa, ai cũng ngạc nhiên vì vẻ đẹp bình dị và hoang dại của nó. Rất nhiều người không hiểu được đấy là loài hoa gì. Sau này, tôi còn được biết qua một chương trình ẩm thực của một đầu bếp người Pháp hướng dẫn, hoa nghệ còn có thể chế biến thành một món xa- lát. Thế mới thú vị chứ!

        Ngày ấy cũng là một ngày nắng nóng và gió lùa ào ạt. Tôi chỉ sợ nửa chừng mà một chữ nào đó trên tấm phông bay theo gió thì không còn biết làm thế nào nữa. Chắc anh Đặng Tích còn lo hơn tôi nhiều, nhưng may mắn, tất cả đều suôn sẻ.

        Kết thúc buổi mít-tinh, lại vào mâm rượu. Những vò rượu cần, những chai rượu trắng được mang ra. Lại vít cần, lại rót, lại uống... trong bầu không khí ngày càng náo nhiệt, hoan hỉ.

        Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến hồi 1954 - cứ điểm 206 năm xưa. Nó là một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của quân đội Pháp và cũng là sân bay trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Năm 1958, vận tải Hàng không chính thức được -mở tại sân bay Điện Biên do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm, nhưng các chuyến bay Hàng không còn rất ít.

        Đến năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến bay Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội bằng các loại máy bay An-24, Iak-40 được khôi phục. Sau 10 tháng khai thác, do các điều kiện kỹ thuật không cho phép, vào cuối tháng 1 năm 1985, sân bay tạm dừng hoạt động để sửa chữa đường cất hạ cánh và rồi lại được mở lại đường bay với sự vận chuyển Hàng không bằng loại máy bay ATR-72.

        Năm 2004, sân bay Điện Biên được mở rộng, nâng cấp không chỉ đường cất hạ cánh mà cả sân đỗ, nhà ga... Số lần chuyến bay trong ngày cũng tăng và đã  đón khách từ Lào, Mianma, Cămpuchia đến thẳng Điện Biên, không phải qua sân bay Nội Bài nữa.

        Tiềm năng cùa Điện Biên còn nhiều và sân bay Điện Biên sẽ còn phát triển hơn nữa cùng mạng lưới sân bay trong toàn quốc, đàm bảo sự kết nối giữa mọi vùng miền của Tổ quốc và Quốc tế.

        Tôi, anh Phan Thái Hồng, anh Đặng Tích và Nguyễn Xuân Huân cùng lái xe Nguyễn Văn Hiệp còn tiếp tục đi làm nhiệm vụ như vậy với các sân bay khác như Vinh, Cát Bi...

        Có năm, hầu như chúng tôi liên tục có mặt trên đường, chẳng mấy khi được ở nhà. Những điểm dừng chân để ăn, nghỉ trên các tuyến đường hồi ấy rất ít. Hầu như chúng tôi thuộc lòng các nhà hàng và theo lịch trình, biết đến đâu là phải dừng chân cho hợp lí. Một vài nhà hàng cũng nhận ra chúng tôi vì là khách quen. Có năm, vào ngày 26 Tết mà chúng tôi vẫn đi công tác, khi dừng chân tại một nhà hàng, sau khi ăn uống xong, chủ nhà hàng còn đem lịch, đem quà Tết tặng cho anh em chúng tôi. Tôi, anh Phan Thái Hồng và Nguyễn Văn Hiệp nhìn nhau cùng chung ý nghĩ: "Thường thì chỉ khách nhớ nhà hàng mà sao riêng mình thì nhà hàng lại nhớ khách thế này?". Chắc đoán được ý nghĩ của chúng tôi, chủ nhà hàng giải thích: "Các bác là khách quen, khách quý của nhà hàng nên chúng em gửi biếu chút quà Tết thôi. Các bác nhận cho là chúng em vui rồi!".

        Đã  nói thế thì phải nhận thôi! Làm cho người khác vui là mình cũng thấy vui, thấy hạnh phúc chứ!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2020, 02:00:12 pm »


PHÙ YÊN BÌNH DỊ

        Tôi được nghe nhiều về địa danh Phù Yên cùng với những lời mời chân thành. Tôi cũng rất muốn đến thăm miền đất này - một vùng đất của tỉnh Sơn La, nơi ngày xưa từng có bà chúa Phù Dung ngự trị, nơi ngày xưa từng có bọn giặc "cờ đen" ra oai tác quái, cũng là nơi ngày xưa nhà nước ta từng tổ chức thu thuế bằng... thuốc phiện.

        Lần lữa mãi rồi tôi cũng đến được đất Phù Yên, đến với bản Cù.

        Gọi là bản Cù vì trong bản trồng nhiều cây sấu. "Cù" là "cây sấu". Vậy là có tên bản Cù. Thế thôi!

        Đường đến Phù Yên không hiểm trở, nhưng khó đi, nhất là có đoạn dài gần trăm cây số với đường đá lởm chởm, ngồi trên xe mấy tiếng đồng hồ bị xóc như xóc ốc, đặc biệt là qua khu vực Đèo Cón.

        Khi bước xuống xe, người mỏi đến rã rời, vậy mà những ngọn gió trong lành của núi, của rừng đã  nhanh chóng làm tan đi cái mệt nhọc của từng người. Hít một hơi thật sâu, cảm nhận được không khí tràn căng lồng ngực, thấm đầy ắp từng phế nang... Cơ thể hồi phục nhanh đến không ngờ. Mọi sự tưởng chừng như mới bắt đầu, tất cả những gì khó nhọc, mệt mỏi đều tan biến đi như khói bụi...

        Rừng khoanh nuôi tái sinh khá nhanh. Lại thấy lại được màu xanh của rừng, của núi ngút ngàn trong tầm mắt. Thế mới biết, sự thiếu vắng rừng ghê sợ biết nhường nào!

        Người dân nơi đây gồm các dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường... tất cả đều hiền hậu, chất phác... Cũng giống như tất cả những người dân ở các miền núi khác mà tôi từng gặp, họ đều có chung một đặc tính là rất quý khách.

        Nhiều cụ già ở nơi đây không biết tiếng phổ thông nhưng vẫn hồ hởi, xởi lởi lắm. Ngôn ngữ có phải là vấn đề trở ngại chính đâu.

        Bữa tiệc dọn trên nhà sàn để đãi khách bày nhanh đến không ngờ. Các bước chân bắt nhịp lên "chín bậc tình yêu" để rồi bước vào nhà sàn cùng với những âm thanh cót két rung theo từng nhịp bước. Tùy thuộc vào chiều cao của từng ngôi nhà sàn mà cầu thang có thể cấu tạo 7 bậc hay 9 bậc. Tôi tự nhủ: "Đây cũng là cách tính theo "sinh, lão, bệnh, tử" đây, cũng là "nhà chữ sinh, đình chữ lão" đây. Người xưa vẫn dạy thế mà. Thì ra, ở đâu trên đất nước này, nền văn hóa cũng có những nét giống nhau, những nét tương đồng đến kỳ lạ!".

        Sàn nhà không lát hết bằng gỗ, vẫn có những diện tích lát bằng những cây diễn, cây bương đập dập. Có lẽ, đấy cũng là nơi tạo điều kiện cho trai bản có cơ hội lách tay qua sàn nhà để với lên tìm người con gái mình thích, mình yêu đang nằm trên sàn trong những đêm "chọc sàn" tỏ tình...

        Chỉ những người già và khách quý mới được ngồi gần cửa sổ chính, sau đó là phân chia ngôi thứ, ngồi xa dần. Phụ nữ không được ngồi cùng mâm với cánh đàn ông, mà phải ngồi mâm riêng, xa cửa sổ (trừ những người cao tuổi như mẹ, hoặc bà, hoặc cụ).

        Nhà sàn không có ngăn chia thành các phòng nên rất rộng rãi, ngồi được nhiều chỗ. Bữa tiệc đón chúng tôi có đến 6-7 mâm bày trên sàn nhà, mà mỗi mâm có đến 8-9 người chứ ít đâu.

        Không khí thật vui vẻ, náo nhiệt.

        Ngồi vào mâm là phải uống liền 2 chén vì lí do là đi đến với nhau bằng 2 chân. Nếu đi bằng ô-tô thì phải uống 4 chén, bởi: "Cái cán bộ nó đi bằng ô-tô, có những... 4 chân cơ!". Tiếng cười rổn rang khắp các mâm. Thế là: "Nào! Đồng khởi đi!". Thế là nâng chén. Thế là chạm chén. Thế là uống... Người miền núi lấy rượu làm thước đo tình cảm, đo sự thật thà, uống không hề “gian lận" như một số người ở miền xuôi. Họ có rất nhiều lí do, nhiều cớ để “dỗ rượu" lắm. Mà khi vào mâm, thấy ai nói cũng hay, cũng có lí có lẽ cả. Thế thì nâng chén thôi! Thế thì uống thôi!

        Các món ăn toàn của rừng, của núi, của suối cung cấp cho. Ví dụ như món “súp Tây Bắc" chẳng hạn có rất nhiều vị, trong đó tôi nhận ra có quả cà dại, hoa đu đủ V.V.. Rồi món rêu đá, cá suối, măng lau... Toàn tự đi bắt về, tự hái về, tự chế biến thôi. Có lẽ, tôi sẽ viết riêng một số món ăn của vùng Tây Bắc trong mục "Những món ăn là lạ" vào những trang sau để các bạn hiểu thêm. Còn bấy giờ, khi nhìn thấy đĩa măng lau xào thì tôi vừa cười vừa nói:

        - Thế là hôm nay mình ăn mất mấy cái đệm bông lau rồi!

        - Ơ! Anh Huy nói giống người của bản mình quá! - tất cả mọi người đồng thanh.

        Thế là lại rót, lại chạm, lại uống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2020, 06:49:23 am »


        Mà sao bỗng dưng tôi lại nghĩ được, lại nói được như thế, cũng thấy có lí như thế nhỉ?. Thế thì uống thôi! Uống thôi! Rừng núi mênh mông thế này, thác ngàn suối cả dài rộng thế kia, cái chén bé tí tẹo này đem so với rừng với núi, với suối với thác... thì là cái thá gì đâu!...

        Bếp của nhà sàn được thiết kế ngay gần bậc cầu thang lên xuống, cạnh sân phơi nho nhỏ.

        Tôi nghe nói, đất ở bếp sưởi trong nhà phải là đất lấy ở tổ mối đùn và do các bàn tay của các thiếu nữ đem nhào với nước, dùng chày giã cho thật nhuyễn, thật mịn, tựa như đất đóng gạch phơ ở dưới xuôi rồi mới lấy làm nền, mới chất củi đốt sưởi.

        Về sau này, tôi còn được biết thêm: nếu bị ngộ dộc thức ăn, bị đau bụng, trướng bụng đầy hơi thì người ta gạt hết tro nóng trong bếp sang một bên rồi moi lấy ít đất của nền bếp, thả vào cốc nước sôi, khoắng lên, để lắng sau đó gạn lấy nước trong cho uống thì chỉ trong chốc lát sẽ thổ ra hết, tựa như rửa dạ dày là khỏi. Phải chăng, khi đùn đất, họ hàng nhà mối đã  tiết ra một loại chất gì trong nước bọt của chúng để rồi cùng với tác động của sự nhào nặn, của lửa đun hàng ngày mà luyện thành một thứ thuốc tẩy dễ kiếm mà chẳng tốn kém gì?...

        Tôi không rành về khoản dược nên không dám khẳng định, chỉ võ đoán thế thôi!

        Tiệc rượu chẳng mấy khi kết thúc dưới vài ba tiếng đồng hồ mà thường kéo dài hơn nhiều với những lời mời chào của chủ nhà:

        - Cái măng mình hái được mà! Cái rêu đá mình lấy được mà! Cá mình bắt được ở dưới suối mà! Gà của nhà đấy! Dê của nhà nuôi đấy! Rượu nhà ủ được đấy! Cứ ăn, cứ uống thôi, đừng có nhìn đồng hồ làm gì! uống rượu thì phải vui lên chứ! Nào, đồng khởi nào!...

        Thế là lại uống! Vừa ăn, vừa uống, vừa hát... Không ai còn nghĩ đây là bữa ăn nữa mà là một ngày hội nhỏ của nhà sàn.

        Cảnh mênh mang, hùng vĩ của núi rừng, không khí đầm ấm chan hòa của dân bản đã  làm tan hết mọi nhọc nhằn, mọi ưu phiền và quên đi mọi chức tước, mọi cương vị đang có, chỉ còn lại tình người. Tình người nồng thắm như men say! Thời gian vùn vụt trôi chẳng ai thèm để ý đến nữa!

        Đường về thì xa nên chúng tôi xin phép rời mâm rượu. Bà chủ nhà đứng đón sẵn ngoài bậc thang với một chai rượu và cái chén cầm trên tay. Theo phong tục, tôi phải uống để đi lấy may, uống để chủ nhà gửi cho vợ con tôi ở nhà. Sau từng ấy chén, tôi tưởng đã  xong, nhưng chủ nhà lại nói:

        - Ơ, thế mày không uống để chúc chúng tao ở lại mạnh khỏe à?.

        Thế là lại tiếp tục cầm chén để chúc chủ nhà ở lại mạnh khỏe, để có dịp gặp lại nhau. Xong hết mọi thủ tục đó mới được rời gót. Tôi bước xuống từng bậc thang mà thấy cứ đong đưa, rung rinh như đi trên cầu kiều. Nhà sàn cũng thấy rung rinh trong nắng chiều. Rừng cũng lung linh trong màu xanh huyền ảo...

        Ra đến xe, thấy ông chủ nhà đã  cầm chai, cầm chén đứng ở cạnh xe. Bấy giờ mới là thủ tục chúc lên đường an toàn...

        Tôi rưng rưng trong phút chia tay với người bản Cù.

        Phù Yên! Bản Cù! Thế nào tôi cũng sẽ trở lại nơi đầy - nơi 1 trong 4 lòng chảo của miền Tây Bắc đã  từng đi vào câu ca: "nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc", nghĩa là nhất Mường Thanh, nhì Mường Lò, ba Mường Than, bốn Mường Tấc, nơi có những con người mới gặp nhau lần đầu mà đã  thấy thân quen tự bao giờ.

        Con đường bỗng thấy không còn xa xăm, không gập ghềnh, khúc khuỷu nữa. Một khi đã  quý nhau, đã  đằm nặng những kỷ niệm về nhau rồi thì những chông gai trở ngại kia cũng chỉ là thứ phù phiếm, cũng chỉ nhẹ như hơi thở mà thôi!

        Nhà sàn với những người dân Phù Yên, người dân của bản Cù thật dung dị, thật tuyệt vời đến nhường nào!

        Và tôi đã  giữ được lời hứa. Tôi đã  đến bản Cù của Phù Yên không phải chi một lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2020, 12:09:18 pm »


BÌNH LẶNG BẮC YÊN

        Sau những lần đi Phù Yên, tôi cùng anh bạn đường Phùng Đức Giang còn có chuyến về Bắc Yên.

        Bắc Yên cũng là một huyện của tỉnh Sơn La, nơi có thủy điện Ngọc Chiến, có cơ sở nuôi cá Hồi, cá Tầm, cũng là nơi có loại rượu ngô ngon có tiếng, rồi táo Mèo, mắc khén...

        Hai anh em tôi lủi thủi "bò" trên đường với chiếc xe bé nhỏ, loại KIA Morning mà tôi vẫn gọi đùa là "cái chuồng gà".

        Lủi thủi là đúng vì hầu như suốt cả mấy tiếng đồng hồ liền, tôi chẳng gặp chiếc xe nào cả. Rừng núi mênh mang. Chiều đã  xế. Hai anh em tôi cứ lọt thỏm trong cái mênh mang bạt ngàn của rừng, của núi tựa như hai kẻ hành khất vậy. Cứ phải vừa đi vừa nói, hết nói rồi thì hát, hết hát thì trêu nhau dăm câu, rồi thì lại để cho cái "mồm sắt" (tức là cái ra-đi-ô trên xe) nó cất tiếng để đỡ lẻ loi, cô quạnh.

        Chúng tôi dự định "phi" một mạch về Ngọc Chiến uống rượu ngô, nghỉ đêm ở đó và sớm hôm sau đi thăm thủy điện. Nhưng dự định thì bao giờ chẳng là dự định! Khi đến gần núi u Bò, mặt trời đã  lặn, chỉ còn những ráng vàng như những dái quạt hắt lên trên nền trời xanh lơ. Biết không thể đi tiếp được nên đành thay đổi kế hoạch. Chúng tôi quyết định tạt vào thăm cơ sở nuôi cá Hồi, cá Tầm và cũng có ý đồ là nếu có con nào to to, "sực" được thì đặt vấn đề mua một con để quay về Bắc Yên phục vụ cho bữa tối.

        Cơ sở nuôi cá được thiết kế, quy hoạch rất bài bản. Chúng tôi được giới thiệu và được đi thăm các bể nuôi. Mỗi bể có dăm ngàn con uyển chuyển, lượn lờ giữa những làn nước lạnh lẽo, trong leo lẻo...

        Tôi vừa nghe giới thiệu về cách chăm nuôi, vừa đưa mắt tìm các bể xem bể nào có cá to không, nhưng rồi thất vọng vì trong tất cả các bể, "chú" nào phổng phao nhất cũng chỉ ba bốn lạng là cùng! Thế là hỏng ăn rồi, công cốc rồi còn gì!

        Quay về đến thị xã  Bắc Yên, trời đã  tối sẫm. Cái đói cũng bắt đầu hành hạ cái dạ dày. Chúng tôi tìm được một nơi trông khá khang trang, sạch sẽ nên tạt vào đó đặt món ăn. Vừa ngồi xuống, mới uống được một li, chưa kịp cầm đũa thì thấy hơn chục người kéo vào với đủ sự ồn ào. Mấy người trong số đó nhận ra người quen là anh bạn tôi. Thế là mấy mâm dồn dịch hết sang bên mâm tôi, quây lại thành một quần thể. Các món ăn bày chung, rượu được rót ra nhanh chóng và rồi sau thủ tục giới thiệu, tự giới thiệu tiếp đến là đủ mọi lời thăm hỏi, chúc tụng liên tục nối tiếp nhau, liên tục "trăm phần trăm"...

        Ây à! Những tưởng giữa miền đất Bắc Yên bình lặng này chỉ có hai anh em tôi với núi rừng tĩnh mịch là bạn với nhau thôi chứ, ai ngờ lại có người quen, lại có nhiều bạn mới đến thế. Mà đã  là người quen, đã  là bạn mới thì phải uống để nhớ, để lần sau gặp lại không cần phải "màn chào hỏi" nữa.

        Cảnh u tịch của miền rừng núi bỗng vỡ òa bởi những tiếng nói, tiếng cười râm ran. Không khí của nhà hàng sôi động hẳn lên. Chúng tôi được chăm bẵm đến nơi đến chốn. Mặt ai cũng đỏ lựng, mắt ai cũng lóng lánh như có những ngọn lửa nhảy múa, miệng ai cười cũng tươi... Không còn ranh giới chủ, khách, không còn phân biệt lạ quen... Tất cả đều hòa đồng, đều như những người bạn ngồi hàn huyên...

        Sung sướng quá, hạnh phúc quá!...

        Mãi khuya tiệc rượu mới tàn. Chúng tôi tạm chia tay nhau để mai anh em tôi còn lên đường sớm.

        Tôi về phòng nghỉ nhưng cứ trằn trọc, không ngủ được. Chuyến đi nào về miền Tây Bắc, lần gặp gỡ nào với những người dân bản cũng đều để lại cho tôi những dấu ấn sâu đậm.

        Chừng như, càng xa chốn thị thành bao nhiêu thì người ta sống càng hồn nhiên bấy nhiêu và đối xử với nhau cũng tình người bấy nhiêu thì phải. Vật chất càng thiếu thốn, sống càng gần gũi với thiên nhiên bao nhiêu thì tâm hồn càng rộng mở, càng hào phóng bấy nhiêu thì phải. Tôi không thấy sự bon chen, lừa lọc, ích kỷ, đố kỵ cùng những tật xấu khác trong con người họ. Phải chăng núi rừng tĩnh lặng cũng làm cho họ sống một cách chậm rãi, suy nghĩ một cách chậm rãi, sâu sắc, không hời hợt, không xô bồ, gấp gáp, chụp giật... như ở nơi thị thành. Phải chăng giữa nơi mênh mang, u tịch của rừng của núi, con người ta thấy cần đến nhau hơn, gần nhau hơn như một cộng dồng... Phải giải thích đầy đủ, cặn kẽ về những vấn đề này thế nào được nhi?...

        Tôi cứ luẩn quẩn với biết bao ý nghĩ, biết bao câu hỏi cho tới lúc mỏi mệt quá thì tự chìm vào cõi mê...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM