Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:09:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Qua miền Tây Bắc  (Đọc 6612 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 16 Tháng Hai, 2020, 04:41:07 pm »

          
        - Tên sách : Qua miền Tây Bắc

        - Tác giả : Nguyễn Công Huy (tức thành viên phicôngtiêpkích)

        - Nhà xuất bản Hồng Đức

        - Số hóa : Giangtvx

        - Các tác phẩm khác của Nguyễn Công Huy đã có trên diễn đàn:  

               + Tôi từng là phi công tiêm kích https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30100.0

               + Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30146.0

               + Thanh kiếm bầu trời https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30148.0

               + Chiến mã trên không https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30157.0

               + Người tìm chìa khóa vàng https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30164.0

               + Đi xa ngoảnh lại https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30171.0

               + 10/5/1972 Ngày dài không chiến https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30217.0

               + Bay vào vũ trụ https://www.quansuvn.net/index.php?topic=31379.0

        - Sách do Nguyễn Công Huy dịch đã có trên diễn đàn :

               + Tiêm kích sống bằng chiến trận https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30154.0

               + Những phi đội bay về phía tây https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30162.0


      
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2020, 05:28:40 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2020, 06:26:00 pm »


Phần thứ hai



LỜI MỞ

        Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe những bài hát về miền Tây Bắc qua những sáng tác của các nhạc sĩ An Thuyên, Nguyễn Thành, Đỗ Nhuận... với những lời thôi thúc như: "Đường lên Tây Bắc vút xa mờ. Đường lên Tây Bắc mây trắng bồng bềnh như mơ... Vượt sông Lô, ngược sông Hồng. Đường lên Tây Bắc đi trong mênh mông đất trời yêu thương. Gặp lại dấu chân cha ông. Gặp lại chín năm gian khổ. Những dấu chân mang hình mũi tên, còn đây chí hướng chúng ta đi tới. Kìa Điện Biên! Non cao Hoàng Liên! Sáng niềm tin chúng ta hành quân trên đường lên Tây Bắc vút xa mờ. Chập trùng biên giới chiến thắng thù...", rồi "Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua..rồi "Giải phóng Điện Biên. Bộ đội ta tiến quân trở về. Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui. Bản Mường xưa nương lúa mới trồng. Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa...".

        Tôi thừa nhận một điều rằng, tôi đi chưa được nhiều, cũng không phải là ít trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt..., nhưng riêng tuyến đường Tây Bắc thì không ngờ tôi lại gắn bó với nó dễ có đến hơn hai chục năm.

        Chuyến đi nào cũng có những vất vả, gian nan, nhưng chuyến đi nào cũng có những sức hút kỳ lạ. Mỗi một cung đường, mỗi một dốc đèo đều để lại những kỷ niệm không bao giờ quên và rồi sau những cung đường, những dốc đèo ấy lại mở ra những hiểu biết mới, nỗi nhớ mới, cảm nhận mới...

        Ngay lúc này, chi cần nhắm mắt lại là tôi có thể hình dung được mọi cung đường trên tuyến Tây Bắc cùng những kỷ niệm, những nỗi nhớ đầy vơi.

        Sẽ có lỗi và với riêng tôi sẽ là có tội nếu như không viết lại những gì trong từng ấy năm gắn kết với miền đất này.

        "Kin khẩu nhá lưm na. Kin pa nhá lưm nậm..." (Ăn cơm phải nhớ đến đồng ruộng. Ăn cá phải nhớ đến nước... ). Tôi luôn cảm ơn và biết ơn những tổ chức, những đồng đội, những già làng trưởng bản, những người anh, người chị, người em đã quý mến tôi, giúp đỡ tôi trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi tôi gặp hoạn nạn.

        Tôi cũng rất yêu quý những người tôi đã từng gặp.

        Tôi cố ghi lại những gì mình đã trải nghiệm để chia sẻ cùng bạn đọc và cũng là để tri ân những người từng gắn bó với tôi trên những tuyến đường ấy, để thêm yêu thêm quý những vùng miền tôi đã qua, thêm yêu thêm quý những người tôi từng yêu quý...

        Có thể, có những điều tôi viết ra ở đây chưa thật hoàn toàn chính xác nên tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, phê bình để tôi chỉnh lí cho hoàn thiện.

        Chân thành cảm ơn!
Tác giả.        
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Tư, 2020, 01:30:18 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2020, 04:48:38 am »


CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN

        Thời gian Trung đoàn của tôi đóng quân ở sân bay Yên Bái thì sân bay Nà Sản của tỉnh Sơn La được chỉ định là sân bay dự bị và cũng là sân bay cơ động của Trung đoàn tôi.

        Theo đúng quy định, trước ban bay huấn luyện nào cũng phải tổ chức bay trinh sát thời tiết. Sau khi bay trinh sát qua các không vực bay của Trung đoàn, kiểu gì tôi cũng bay cắt qua sông Hồng, vòng về sân bay Nà Sản để xem xét khí tượng ở khu vực đó ra sao, sau đó bay rẹt dọc đường cất hạ cánh của sân bay Nà Sản ở độ cao thấp, thậm chí cực thấp rồi bật tăng lực, kéo ngược lên, lật máy bay quay về hướng Yên Bái, vào hạ cánh.

        Một điều như hiển nhiên, thời tiết ở khu vực Sơn La gần như khác hoàn toàn với khu vực Yên Bái 180 độ. Khi ở Yên Bái "trời quang mây tạnh" thì ở Sơn La trời đầy mây. Khi ở Yên Bái trời u ám, mây phủ dầy thì Sơn La lại quang đãng không một gợn mây nào. Dòng sông Hồng tựa như biên giới phân định thời tiết hai nơi một cách rõ rệt. Rất nhiều lần thấy được sân bay Nà Sản từ trên không, nhưng chưa một lần nào tôi đi bằng đường bộ đến đó.

        Vì là sân bay cơ động, sân bay dự bị của Trung đoàn nên tôi phải tìm cách lần tới đó để "mục sở thị" bằng được mới thôi...

        Có một lí do rất đơn giản và rất thiết thực, đấy là nếu phải đi cơ động thì các thành phần như cơ quan tham mưu, kỹ thuật, hậu cần, thông tin... bắt buộc phải di chuyển bằng đường bộ, chỉ có thành phần phi công là chuyển máy bay bằng đường không tới đó. Vậy thì phải biết cụ thể tuyến đường ấy nó thế nào, có những khó khăn, thuận lợi gì khi chuyển quân để còn tính toán cho tốc độ di chuyển cùng trăm thứ kèm theo đảm bảo an toàn.

        Theo tuyến đường quốc lộ số 6, tính điểm đầu là cầu sông Nhuệ (thị xã Hà Đông), qua Hòa Bình thì từ Hòa Bình lên Sơn La là 256 cây số. Nếu như tình trạng đường xá được như bây giờ và các phương tiện vận chuyển hiện đại như bây giờ thì thời gian di chuyển cho việc chuyển quân thực sự chẳng đáng là bao và chuyến hành quân chắc chắn là nhàn nhã hơn nhiều. Nhưng vào những năm đầu 1980 thì đấy là cả một vấn đề. Ngay như chuyện vượt dốc thôi cũng đã phải tính toán cho thật cẩn thận rồi. Xe cộ đều thuộc dạng "cà tàng", nhất là cái "anh" Ru-ma-ni sản xuất thì đúng là "vừa đi vừa đẩy" thật. Lên xuống dốc như vậy đâu có dễ. Cái dốc Cun ở Hòa Bình một thời đã là nỗi run sợ của nhiều lái xe: đường hẹp, dốc núi quanh co, cây cối rậm rạp, vực sâu, tầm nhìn hạn chế, rất nhiều nơi bị che khuất chẳng biết đằng trước sẽ có gì. Mối nguy hiểm luôn rình rập không biết sẽ xảy ra lúc nào. Các dốc lại liền nhau, tiếp nối nhau liên tục: hết dốc Cun lại đến dốc Quy Hậu... Lơ mơ là "ăn đòn" ngay! Vậy nhưng vẫn phải đi!

        Chuyến đi đầu tiên của tôi được xuất phát từ Sư đoàn, qua thị xã Hà Đông, ngược phía Hòa Bình theo tuyến đường quốc lộ số 6 để đến Nà Sản - Sơn La đầy âu lo và căng thẳng.

        Chuyển bánh từ 4-5 giờ sáng, xe cứ rù rì chạy nhích từng cây số một. Có lẽ cần phải nói rằng: di chuyển trên tuyến đường dài chính là sự rèn luyện tính kiên nhẫn và sự dẻo dai, bền bỉ cả về sức khỏe lẫn tinh lực. Nóng vội cũng hỏng việc mà trễ nải cũng hỏng việc...

        Mục tiêu đầu tiên là phải vượt dốc Cun sao cho an toàn. Cứ phải tính từng đoạn một theo kiểu sâu đo.

        Qua thị xã Hòa Bình!... Dốc Cun đây rồi! Đây là con dốc con đèo đầu tiên trên chặng đường lên Tây Bắc để rồi từ đây, càng đi thì đèo dốc càng cao hơn, ngoắt ngoéo hơn, hiểm trở hơn, nguy hiểm hơn và sự thử thách cho các "tay lái" càng tăng hơn. Ai cũng hít một hơi thật dài để trấn an tinh thần và chuẩn bị cho cuộc vượt dốc.

        Đúng là gian nan thực. Tuy độ dốc không lớn nhưng tuyến đường nhỏ, ngoắt ngoéo với cả chục khúc cua tay áo ôm sát vách núi, phía bên kia là vực sâu với tầm nhìn hạn chế, cây cối rậm rạp che khuất nhiều phần đường thì đúng là sự thử thách lớn của "cánh lái". Lên dốc được một đoạn, có người đã thấy tai mình bị ù, phải bịt mũi thở mạnh để đẩy màng nhĩ trở lại trạng thái bình thường mới nghe rõ những gì cần nghe. Tuyến đường vắng lặng cùng khung cảnh âm u, tĩnh mịch càng làm tăng thêm sự căng thẳng cho chuyến đi.

        Từ trước cho tới giờ, dốc Cun là con dốc có nhiều tai nạn nhất với đủ các loại xe từ xe khách đến xe tải, xe con, xe máy... nên không thể chủ quan, lơ là được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2020, 04:20:53 am »


        Sau khi xe ì ạch lên đến đinh dốc Cun, chúng tôi dừng lại cho xe nguội máy một chút và bản thân chúng tôi cũng "xả chét" một chút, hít thở không khí nơi rừng núi, "ăn" một điếu thuốc cho tâm trạng nhẹ nhõm một chút rồi tiếp tục hành quân.

        Kim Bôi gần ngay đâu đây trên tuyến đường đi (thực ra là phải rẽ trái đi thêm một đoạn dài nữa mới đến). Tôi chợt nhớ đến bài "Nụ cười sơn cước" với lời hát "Ai về sau dãy núi Kim Bôi..." rồi lại nhớ đến câu:

       
"Thương nhau cho thịt cho xôi
        Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì..."

        Vùng này xưa kia là vùng "rừng thiêng nước độc", những người qua lại đây dễ bị "ngã nước" lắm nên tôi cũng thấy hơi chờn chọn...

        Vượt một loạt dốc, về đến Mẫn Đức là khu vực bằng phẳng rồi. Nơi đây nổi tiếng nhiều mía tím, mềm và ngọt, lại lắm nước nữa...

        Nghỉ đã!... Cứ đi từng chặng, nghỉ từng chặng rồi lại đi thì mới ổn.

        Qua Mẫn Đức là đến chợ Lồ. Một cái chợ với cái tên rất lạ mà mãi sau này tôi mới được nghe "sự tích" của nó cùng gắn với dốc Cun.

        Đường vẫn uốn lượn quanh co liên tục, mềm như dải lụa vắt qua các chân đồi chân núi, ẩn hiện dưới những tán cây rừng...

        Đây rồi Dốc Thung Khe (đèo Thung Khe). Nó còn có tên là "Đèo đá trắng". Anh bạn người Mường thì nói với tôi đấy là "Thung Nhái" vì nơi. này rất nhiều nhái. Từ Tân Lạc, con đèo bắt đầu đi mãi dần lên cùng cảnh sắc của Hòa Bình thay đổi không ngừng. Đèo Thung Khe không hùng vĩ như các đèo Ô Quy Hồ của vùng đất Lao Cai hay đèo Mã Pì Lèng của đất Hà Giang, hoặc Pha Đin của Sơn La - Điện Biên, Khau Phạ của Yên Bái nên có nhiều người đi qua không để ý, không nhớ tên nhưng nó chứa đựng vô vàn hiểm nguy bất ngờ. Rất nhiều tai nạn đã xảy ra ở nơi này, tháng nào năm nào cũng có. Độ dốc nhất của đèo chỉ 10% thôi nhưng con đèo chạy xuyên qua những dãy núi chập chùng nối đuôi nhau không dừng. Ta bỗng trở nên nhỏ bé, lọt thỏm giữa những ngọn núi thẳng đứng, trùng trùng điệp điệp ấy.

        Đèo Thung Khe chừng như một ngày có 4 mùa rõ rệt. Sáng sớm, mây trời giăng bảng lảng, bồng bềnh như sóng biển và những giọt nắng xiên qua cái biển mây yên ả ấy rọi xuống, rắc muôn ngàn đốm hoa trên mặt đất. Buổi trưa thì nắng nóng. Cái nắng vàng như mật ong chảy trên các ngả đường hắt lên bầu trời xanh trong với những đám mây trắng trôi lững lờ. Chiều về, không khí dịu hẳn. Những làn gió mát lành khiến cho nơi đây mát mẻ, với cái lạnh hắt hiu theo ánh hoàng hôn cùng chút le lói của mặt trời nhảy nhót sau những khúc cua trước khi lặn hẳn sau dãy núi. Tối đến, mây sà thấp xuống giăng kín mọi ngả đường, có khi trong vòng một mét thôi mà cũng không nhìn thấy nhau. Mà cũng không hẳn chỉ là tối, chiều hơi muộn đã vậy rồi. Về sau này, có lần qua đây, chúng tôi "lò dò" lên đến đỉnh thì vừa gặp một người đeo gùi trên vai, tôi hỏi: "Già đi đâu đấy?". Người kia trả lời: "Đi hái thuốc thôi!".

        Miền núi thường có những cây thuốc quý chữa được nhiều thứ bệnh. Tôi nhớ, ngày trước có những bà mế hay ngồi ở góc chợ bán những loại thuốc nam bằng lá cây, nhiều người đến mua lắm. Loại thì sắc uống, loại thì đắp, loại thì ngâm chân... Giá cả cũng hợp với túi tiền của người dân quê và bệnh cũng thấy chuyển lại không có tác dụng phụ nên nhiều người ưa dùng...

        Mới suy nghĩ một chút vậy thôi mà thoắt cái, bóng dáng người đi hái thuốc đã mất hút. Sương mù che khuất hết. Cả mây, cả sương mù tạo thành một biển màu trắng đục nhờ nhờ quyện vào nhau, mờ mờ ảo ảo, mọi vật cứ như thực như mơ...

        Mấy câu thơ cổ của Giả Đảo lại hiện lên trong đầu tôi:

                                        "Tùng hạ vấn đồng tử
                                        Ngôn sư thái dược khứ
                                        Chi tại thử sơn trung
                                        Vân thâm bất tri xứ..."


        Tạm dịch là:

                                        Hỏi chú nhỏ dưới gốc tùng
                                        Đi đâu vắng mặt mà không thấy thầy
                                        Loanh quanh hái thuốc đâu đây
                                        Chắc là bóng lẫn vào mây mất rồi!...


        Đúng thật! Con người miền núi luôn hòa lẫn với thiên nhiên, với mây gió, với mù sương, với ngàn cây, với đồi với núi, với dốc với đèo... cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Họ sống thật hồn nhiên, hiền hậu, chất phác, thật thà, nói và làm luôn đi đôi với nhau, không xảo trá, không bon chen, đố kỵ... Giá mà ai ai trên hành tinh này cũng được như vậy thì hay biết mấy!...

        Nói đến Thung Khe không thể không nói đến sương mù. Sương mù đến ma mị. Nó làm ta như lạc vào cõi mê, không biết đường biết lối. "Mù quá hóa mưa" - câu ngạn ngữ này đúng với nghĩa đen của nó. Suốt chặng đường đèo, mây mù giăng đặc tạo thành mưa phùn, tầm nhìn kém vô cùng, xe cộ phải bật đèn vàng, bật gạt nước liên tục, bò nhích từng bước một. Vào mùa Đông thì chân tay lạnh cóng phải biết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:31:53 am »


        Đỉnh đèo nằm bên dốc đá trắng. Tại đây, bên ven đường có những lán nứa xiêu vẹo với những chiếc bàn được ghép lại từ những mảnh gỗ cây xù xì bày bán ngô luộc, cơm lam, rêu đá, rau rừng... Nét đẹp thật bình dị. Đến đây không thể không dừng để ăn vài bắp ngô luộc đang bốc khói nghi ngút. Ngô ở đây là loại ngô nếp được trồng trên đất rừng, giữa những kẽ đá, đất màu mỡ, nó ăn sương đêm nên bắp to, hạt chắc và rất mềm, thơm. Chỉ cần nếm qua một lần là nhớ mãi không quên và kiểu gì khi đi qua đây cũng phải dừng để thưởng thức lại cái hương vị đặc biệt ấy.

        Gặp những ngày trời quang, đứng trên đỉnh đèo, ta có thể ngắm toàn bộ thung lũng dưới chân đèo với màu xanh đầy sức sống quyến rũ. Ta ngửa mặt ngắm bầu trời thăm thẳm cùng những đám mây nhàn tản trôi lững lờ để đón những làn gió mát lạnh thổi xua tan những mệt nhọc căng thẳng của chặng đường vừa để lại phía sau, để rồi lại tiếp tục cuộc hành trình với những gian nan mới...

        Đèo Thung Khe kết thúc ở ngã ba Tòng Đậu. Rẽ trái đi bản Lác, vòng phải tiếp tục ngược về Sơn La...

        Qua Tòng Đậu đến Đồng Bảng, qua Đồng Bảng đến đèo 46. Vượt qua đèo 46 sẽ đến Lóng Luông.

        Cứ qua mỗi địa danh là lại một lần thở phào nhẹ nhõm.

        Lóng Luông trước mặt đây rồi.

        Thời đó, từ khu vực Lóng Luông trở lên đến Mộc Châu, hai bên đường dân trồng cây anh túc (cây thuốc phiện) rất nhiều. Hoa anh túc đủ sắc màu sặc sỡ đung đưa theo gió dưới cái nắng chang chang vàng óng đến lạ lùng.

        Tôi không thông hiểu lắm về loài hoa này, chỉ biết rằng theo Thần thoại Hy Lạp thì hoa anh túc được nữ thần Ceres tạo ra để xoa dịu nỗi đau của mình bằng những giấc ngủ khi đi tìm con gái Proserpine bị thất lạc.

        Trong một câu chuyện khác liên quan đến loài hoa này là có một mụ phù thủy độc ác đã hóa phép biến một phụ nữ thành một bông hoa anh túc. Kể từ đó, người phụ nữ ấy phải sống trên cánh đồng cùng với những bông hoa anh túc khác và chỉ được về thăm nhà vào ban đêm mà thôi. Vào một đêm nọ, người phụ nữ kia bảo với chồng mình rằng nếu anh tìm và hái được bông hoa anh túc chính là cô thì lời nguyền của mụ phù thủy sẽ bị hóa giải và không còn hiệu lực nữa. Sáng hôm sau, người chồng đi ra cánh đồng và thấy hàng trăm ngàn bông hoa anh túc ở đó, tất cả đều giống nhau y hệt. Sau khi kiên nhẫn xem xét từng bông, anh đã vui mừng tìm được một bông chính là vợ mình - đó là bông hoa duy nhất không bị ướt sương đêm bởi đêm qua nàng đã ở nhà. Khi anh hái bông hoa đó, lời nguyền lập tức mất hiệu lực. Họ được sống với nhau rất hạnh phúc...

        Rồi hoa anh túc còn được chú ý tới trong suốt những cuộc chiến tranh của Napoleon vì những bông hoa kỳ bí này nở xung quanh những ngôi mộ mới của những chiến binh tử trận. Sau cuộc chiến 1914-1918, hoa anh túc mọc ngập tràn trên những ngôi mộ ở bãi chiến trường Flanders. Người ta nói rằng những bông anh túc mọc lên từ máu đã nhỏ xuống. Nó là biểu tượng tưởng nhớ những người đã chết trong chiến tranh...

        Rồi nữa, hoa anh túc còn được chạm khắc vào những chiếc ghế dài trong một số nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Hoa anh túc ở đấy biểu hiện cho niềm tin rằng chúng ta đang "yên nghỉ" trong khi biết trước về Ngày Tận Thế...

        Còn ở các chân cột của nhà Vua Mèo Vương Chí Sình trên Hà Giang thì lại đưa biểu tượng quả của cây anh túc. Mỗi chân cột là một quả tạc bằng đá khối, được đánh bóng bằng những đồng bạc hoa xòe...

        Tôi không biết loài hoa anh túc du nhập vào nước mình, vào vùng Tây Bắc này từ khi nào và bằng con đường nào, nhưng tôi được nghe kể khi gieo hạt cây anh túc vào tầm khoảng tháng 10 tháng 11 âm lịch thì thường phải gieo lẫn với hạt cải, gọi là cải Mèo vì cây anh túc khi nhỏ rất yếu ớt, ẻo lả, cần có chỗ dựa. Vậy là nó dựa vào cây cải để cùng lớn. Khi cây cải đến độ ăn được, người ta thu hoạch cải và lúc ấy thì cây anh túc cũng đã cứng cáp, tự đứng vững trong gió mưa, ra hoa kết trái. Tôi cảm nhận là cây cải đó khi ăn (chủ yếu là luộc) thì có vị ngọt lạ hơn các cây cải khác trồng riêng biệt không xen kẽ với cây anh túc. Sau này, khi ta có những chiến dịch tuyên truyền và hủy bỏ cây anh túc, những vạt cải Mèo ven đường vẫn trồng như xưa, nhưng ăn thì không "chất" bằng, nó cứng hơn, không mềm và ngọt như trước đây nữa.

        Đấy chỉ là cảm nhận của riêng cá nhân tôi thôi. Chẳng biết thực hư thế nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:25:31 am »


        Lan man một chút về loài hoa anh túc thế thôi. Bây giờ tôi trở lại chuyến đi.

        Qua Lóng Luông sẽ đến đất Mộc Châu.

        Sơn La có hai cao nguyên là cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản.

        Cao nguyên Mộc Châu từng được ví là Đà Lạt của Tây Bắc. Mộc Châu ở độ cao 1.050 mét so với mực nước biển, có chiều rộng 25 cây số và dài khoảng 80 cây số cùng với hơn 1.600 ha đồng cỏ, mang khí hậu đặc trưng của miền cận ôn đới, đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Nhiệt độ trung bình là 20 độ c và mùa Đông khô ráo hơn các vùng khác. Nói đến Mộc Châu là nói đến những trang trại bò sữa từ lâu đã nổi tiếng với giống bò trắng lang đen của Hà Lan.

        Nông trường Mộc Châu được thành lập năm 1958 với hàng ngàn con bò sữa, cung cấp sữa bò lớn nhất trong cả nước. Nơi đây cũng từng có một bãi cất hạ cánh cho loại máy bay "lắm cánh nhiều càng" An-2 vận chuyển sữa từ Mộc Châu về xuôi và cũng từng có một "chú" An-2 gặp nạn, lăn quay cạnh bãi cất hạ cánh vì vướng vào đường dây điện rồi nằm ở đó mãi đến tận những năm sau này mới di dời.

        Tôi chợt nhớ đến người Anh hùng lao động Hồ Giáo, người từng đi vào trang sách của các nhà văn với tất cả những lung linh ám ảnh, tuy rằng anh không công tác ở nơi này. Chắc nhiều người còn nhớ câu:

       
"Hỏi anh có thú vui gì
        Anh cười: “Vui thú đời đi chăn bò!..."

        Có lẽ, đấy là một đơn nhất, không lặp lại!...

        Mộc Châu là một cao nguyên xinh đẹp, rộng lớn nhất vùng núi phía Bắc. Cảnh quan thật kỳ vĩ với những ngôi làng xinh xắn bên ven đường, với những mùa hoa cải, hoa đào, hoa mận ngút trời, với những rặng hoa trạng nguyên đỏ thắm, hoa dã quỳ vàng rực rỡ, với những đồi chè xanh ngút ngàn, với những ngọn núi mờ ảo, mơ màng in bóng trong mây... Tiết trời se se lạnh cùng những lớp sương mù dày đặc khiến cảnh vật nơi đây đẹp một cách lạ lùng, mê mẩn hồn người.

        Vậy là chúng tôi ở cách Hà Nội 140 cây số. Chặng đường đã qua đầy gian nan, nhưng khi đến đất Mộc Châu, không khí trong lành, mát mẻ đã xua tan đi những mệt mỏi, giúp chúng tôi có sự hứng khởi để tiếp tục cuộc hành trình.

        Đến Yên Châu! Mọi người trên xe bỗng dưng hồ hởi hẳn lên khi al đó cất tiếng hát: "Nghe con suối róc rách đang reo vui đón mừng thắng lợi này. Bàn làng em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ...".

        Yên Châu cũng là địa đanh đã đi vào sử sách. Từ năm 1948 đến 1953 thuộc Liên khu Việt Bắc, từ năm 1953 đến 1955 thuộc Liên khu Tây Bắc, từ năm 1955 đến 1962 thuộc Khu tự trị Thái Mèo và từ 1962 đến 1975 thuộc khu tự trị Tây Bắc. Nay là một huyện của tỉnh Sơn La.

        Yên Châu cách Hà Nội 240 cây số và cách Sơn La gần bảy chục cây số. Yên Châu chỉ rộng 843 cây số vuông, nhung nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Các dãy núi đá vôi chia Yên Châu thành 2 vùng là vùng lòng chảo và vùng cao biên giới. Vùng lòng chảo thì khí hậu khô nóng, nhất là vào tháng 3 đến tháng 5 bị ảnh hưởng của gió Tây (gió Lào), nắng ghê gớm và gió rát rạt. Được cái là trời ban cho đất Yên Châu loại quả đặc biệt đó là xoài. Loại xoài quả bé mà tròn (gọi là muồng kẻo) để được cả tháng, rất ngọt và thơm. Khi gọt xoài xong, rửa tay rồi mà vẫn không hết mùi thơm của xoài, vậy mới lạ và khêu gợi một cách thật ấn tượng...

        Qua Yên Châu là sắp đến đèo Chiềng Đông.

        Đèo Chiềng Đông chỉ dài 8 cây số nhưng cũng là đèo khó khăn nhất trong việc thử thách tay nghề và ý chí của "cánh lái" vì nó chạy vắt qua các dãy núi hiểm trở ở độ cao 800 mét so với mực nước biển. Vào mùa mưa, nhiều cung đường hay bị sạt lở. Độ dốc của đèo là 10%, nó cũng nguy hiểm chẳng kém gì đèo Pha Đin, đèo Tằng Quái ở phía trước. Cũng ở đèo Chiềng Đông này, mấy đồng đội của Sư đoàn tôi đã gặp tai nạn khi chở dầu lên sân bay Nà Sản nạp cho máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt. Khi trở về, xe đã mất phanh, lao vào tà-luy và lật rơi xuống vực. Hai anh Hoàng Chu và Nguyễn Văn Biểu chết ngay ven đường khi xe bắt đầu lật, còn các anh Đàm Cảnh Thai, Trần Xuân Bất, Nguyễn Văn Tuyến thì lăn xuống tít sâu và thoát khỏi tay tử thần một cách may mắn lạ lùng. Những lần đi công tác qua đây, chúng tôi đều dừng xe, xuống thắp nhang ở nơi hai anh Chu và Biểu mất, đồng thời đặt vào đó mấy hòn đá. Người dân quanh vùng khi đi qua cũng đều đặt thêm những hòn đá vào đó nên nấm mộ đá ấy ngày càng to dần. Sau này, khi tuyến đường mở rộng và nắn thẳng không đi qua nơi đó nữa thì chúng tôi không còn cơ hội thắp nhang viếng các anh nhưng vẫn nhắc tới các anh, nhắc tới chuyến đi định mệnh kia.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2020, 07:46:56 am »

     
        Bản thân tôi cũng từng bị tai nạn trên tuyến đường lên Tây Bắc này, cũng tưởng cầm chắc cái chết trong tay và cũng thoát khỏi nó một cách khó tin... nên không ai có thể nói giỏi được. Tính mệnh của mình, của những người trong xe phụ thuộc hết vào người ngồi sau tay lái, chỉ sơ xẩy một tí thôi là chẳng còn gì để nói cả!

        Trở lại chuyến đi của chúng tôi khi đến đèo Chiềng Đông.

        Nghe nói con suối dưới chân đèo là nơi chị em người Thái vẫn quen tắm trần (hay còn gọi là tắm tiên). Tôi nhắc dè chừng:

        - Lái xe không được nhìn ngang nhìn ngửa đâu nhá. Việc quan sát ấy là để cho bọn tớ, sau này sẽ kể lại. Nhưng mà tuyệt đối không được anh nào chỉ trỏ, cười cợt gì, nghe chưa?. Hay là... muốn tắm thì ta dừng xe xuống tắm cho mát đã?...

        - Cũng hay đấy ạ!

        Nói thì nói thế thôi, thời gian đâu có cho phép dừng. Mà cũng chỉ cảnh báo thế thôi, chứ làm sao bắt được con mắt của cánh lái xe chuyên nghiệp luôn phải nhìn thẳng, không ngó ngang ngó ngửa. Mắt cánh lái xe đảo nhanh hơn mắt bọn tôi nhiều lắm, cứ như rang lạc ấy. Nói là nói cho vui vậy thôi!

        Quả thực, thời đó việc tắm táp ở suối là chuyện bình thường, là việc sinh hoạt hàng ngày, tất cả đều hồn nhiên. Mãi đến tận những năm sau này cũng vẫn vậy. Rồi dần dà mới bị mai một bởi nhiều lí do... Rồi cũng nhiều phong tục, tập tục cũng bị dỡ bỏ, bãi bỏ, bị bào mòn... thành thử đáng tiếc lắm.

        Địa danh Cò Nòi đã ở phía trước mặt.

        Một miền đất khá bằng phẳng và trù phú. Nào mía, nào ngô... được trồng tỉa từng khu lên tốt bời bời, xanh um mát mắt, cứ ngả nghiêng theo ngọn gió chiều trông tựa như những làn sóng xanh ngoài trùng dương. Có tài liệu gọi Cò Nòi là Co Noi. Có lẽ nó gắn với đặc điểm ờ nơi này có rất nhiều nứa tép. "Co" là cây, còn "Noi" là "mậy noi" - một loại nứa nhỏ bằng ngón tay dùng để đan phên liếp thưng nhà. Tôi không quan tâm đến chuyện ấy lắm, chi biết nơi đây từng là "rốn bom" do tàu bay B-26 của Pháp trút xuống để chặn đường quân ta lên Điện Biên trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 và nói đến Cò Nòi thì tôi lại nhớ đến Vũ Xuân Thiều. Anh đã hy sinh trên vùng trời của mảnh đất này trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Xác "pháo đài bay" B-52 của Không quân Mỹ và máy bay MiG-21 của anh đều nằm lẫn lộn trên những triền đồi của Cò Nòi, thi hài anh được đưa về nghĩa trang Bố Ân trên Sơn La, sau này thì dời về nghĩa trang Văn Điển. Tôi cũng đã từng ghi sau bức thư của người bạn gái anh gửi cho anh (mà anh chẳng bao giờ được nhận và được đọc) hai dòng như sau:

Chiều chiều mây phủ Sơn La
Nhớ thương bạn, nước mắt và lộn cơm!...

        Vậy mà đã bao nhiêu năm trôi qua. Vùng đất Cò Nòi đã nhiều đổi thay, đã có những nét khởi sắc. Sau này thì người ta xây dựng nhà máy đường ở vùng này, tôi không rõ công suất và sản lượng được bao nhiêu tấn/năm, nhưng giữa khu vực rộng lớn ấy chỉ thấy ống khói nhà máy nhỏ nhoi với những làn khói mỏng manh tỏa ra trông chẳng khác gì điếu thuốc lá cắm ngược trên bàn trà cùng những sợi khói lơ đãng uốn quanh...

        Đấy là chuyện của sau này chứ hồi chúng tôi đi trong chuyến đi đầu tiên thì còn hoang sơ vô cùng.

        Xe "bò" đến Hát Lót là mừng lắm. Không khí trên xe bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Không thấy ai còn trong trạng thái ngái ngủ hay lờ đờ mệt mỏi nữa. Từ đây đến sân bay Nà Sản chỉ còn 7-8 cây số. Đến đấy là sẽ được tắm táp, ăn uống, nghỉ ngơi đàng hoàng sau hành trình đài đầy bụi bậm, gian nan và căng thẳng, mệt mỏi...

        Sân bay Nà Sản được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1950. Đầu tiên chi là một đường băng ngắn với nền đất nện, về sau thì được mở rộng, kéo dài thêm và có nền lát ghi sắt, có thể đáp ứng cho loại máy bay Dakota cất hạ cánh được.

        Cuối tháng 10 năm 1952, Pháp đã xây dựng một Tập đoàn cứ điểm tại đây, xung quanh Nà Sản nhằm ngăn chặn sự tấn công của Việt Minh.

        Từ 30 tháng 11 đến mồng 2 tháng 12 năm 1952, quân Việt Minh đã tấn công sân bay Nà Sản và đánh chiếm được một số cứ điểm tại đây nhưng không đủ sức đánh chiếm Tập đoàn cứ điểm. Sân bay Nà Sản đã trở thành cảng tiếp vận Hàng không hữu hiệu giúp cho Pháp cầm cự trước sự tấn công của quân Việt Minh. Vì vậy, Tổng chỉ huy quân Việt Minh, tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển sang thế bao vây cô lập quân Pháp cho đến khi họ rút khỏi Nà Sản vào đầu năm 1953.

        Sau năm 1954, sân bay Nà Sản bị bỏ hoang một thời gian dài. Đến đầu thập niên 1960 thì được khôi phục nhằm phục vụ nhu cầu đi lại đường không của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, không lâu sau thì lại bị đóng cửa do lượng khách đi lại ít...

        Về "sự sống", về lịch sử hoạt động của sân bay Nà Sản, tôi sẽ nói sau. Chỉ biết bây giờ, sân bay Nà Sản - một cầu nối trong tuyến đường Hàng không mà Pháp từng xây dựng để vận chuyển cho căn cứ Điện Biên Phủ đã hiện ra trước mắt chúng tôi.

        Vậy là đã "cán đích"!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 07:22:51 am »


NHỮNG CHUYẾN ĐI TlẾP

        Sau chuyến đi đầu tiên thì không lâu sau, tôi lại có chuyến đi thứ hai, thứ ba và rồi cứ thế "túc tắc" các chuyến đi nối nhau theo thời gian trên tuyến đường này.

        Từ chuyến thứ hai trở đi, tôi đã bắt đầu cảm nhận rõ rệt về từng cung đường, cảm nhận về những món ăn mà dưới xuôi không có, tôi chưa từng được ăn bao giờ ví như là món "nậm pịa" (hoặc còn gọi là nặm pịa) chẳng hạn.

        Cái món này, lúc mới nhìn, nó không được "bắt mắt" cho lắm và khi nếm thử miếng đầu tiên thì đúng là cũng gây khó chịu thật: nó có vị đắng lại hăng hăng và... khó ngửi. Nhưng sau này, sau vài ba lần ăn, nếu cảm nhận thật kỹ, thật chậm thì tôi thấy thực sự bị cuốn hút. Nó mang màu sắc hoang sơ, lâu đời vào bậc nhất của núi rừng và là nét độc đáo trong ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Nó làm ta xao xuyến đến nao lòng với những hương vị riêng của miền sơn cước.

        Theo tôi tìm hiểu thì "nậm" hay "nặm" nghĩa là canh, còn "pịa" là thứ dịch sền sệt trong ruột non của loài vật ăn cỏ (như bò, trâu, dê..), nhưng chủ yếu là bò. Có người gọi nó là "phân non" nghe ghê chết, tiếng Trung Quốc thì gọi là "ngưu tát phiết", còn miền xuôi gọi cái thứ đó là "phèo", lấy "pịa" tức là "bắt phèo".

        Vì nó là món ăn "là lạ" và độc đáo nên tôi nói hơi kỹ một chút giúp cho bạn đọc nếu có dịp ngược Tây Bắc sẽ không lạ lẫm khi nhìn thấy món ăn này.

        "Nậm Pịa" là món ăn đặc trưng của người Sơn La, có thể dùng làm nước chấm mà cũng có thể dùng làm món ăn giống như một loại canh. Nó có tác dụng giúp cho đường tiêu hóa ổn định và cũng giải rượu rất tốt nữa. Nguyên liệu của món này chính là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim, gan, phổi... thập cẩm "tạp pí lù" đem ninh nhừ. Ngoài ra, còn có một thành phần rất đặc biệt nữa đó là "pịa". "Pịa" là phần dịch nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già. Nếu ai đã biết "bắt phèo" lợn thì hẳn dễ dàng hình dung được cách lấy "pịa" của người Thái.

        "Bắt phèo" thì thế thôi, nhưng cách chế biến "pịa" thì cầu kỳ hơn nhiều.

        "Pịa" chỉ lấy ở trâu, bò, dê và các loài ăn cỏ khác ở rừng, nhưng trong số ấy được đánh giá cao hơn cả là "pịa" dê vì dê có thể ăn được mọi loại lá cây, thậm chí cả lá ngón. Năng lực tự nhiên đã khiến dê tạo ra những chất có khă năng kháng độc trong cơ thể. Từ đó, "nậm pịa" dê có tính năng tiêu độc, giúp cho cơ thể con người tiêu hóa tốt hơn.

        Nếu là "pịa" bò thì tất cả là từ bò hết, nhất là phải có tiết bò đông, rồi sụn bò, đuôi bò, thịt bò, bạc nhạc bò, lục phủ ngũ tạng... bò.

        Việc lấy "pịa" phải rất cẩn trọng. "Pịa" được lấy ngay khi bộ lòng mới được đưa ra khỏi ổ bụng bò, được bảo quản cẩn thận tránh ruồi nhặng bâu vào. Phần ruột non được thít chặt bằng lạt ngăn cách với ruột già và dạ dày, cốt để chất nhũ tương trong ruột non không bị pha tạp. Đấy là phần tinh túy nhất, nó mang vị đắng của mật và vị ngọt của protein.

        Tiếp đến là giai đoạn nấu "pịa": nồi nước xương bò được ninh sôi trong nhiều giờ liền, tới khi đủ vị ngọt và ngậy bấy giờ mới đổ tất cả nguyên liệu thịt,sụn, lục phủ ngũ tạng... vào rồi ninh. Phần ruột non được cắt khúc ngắn, trộn với các loại rau thơm, rau mùi tàu, tỏi, ớt, bột mắc khén... Tất cả đều băm nhỏ, cho vào và đun sôi tới khi thành hỗn hợp sền sệt. Đấy chính là món "nậm pịa" trứ danh!

        "Pịa" cũng được chuyên dùng như món chấm cho thịt nướng. Khi chấm miếng thịt nướng vào "pịa", miếng thịt sẽ trở nên thơm ngon đặc biệt. Nó có vị đắng, tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng.

        Nét độc đáo của "pịa" cũng như nét đặc sắc trong ẩm thực của người Thái ru lòng người một cách thật nhẹ nhàng mà quyến rũ là vậy...

        Nhiều năm sau này, sau nhiều chuyến đi thì tôi mới hiểu thêm về câu ngạn ngữ của vùng Tây Bắc: "ngủ Mông, ăn Thái, đái Kinh". Nghĩa là, người Mông (ta vẫn quen gọi là người Mèo) khi say rượu rồi có thể ngủ bất kỳ ở đâu, có thể gối đầu lên hòn đá mà ngáy, có thể nằm cạnh gốc cây, bãi cỏ... đều ngủ ngon lành. Người Thái thì chế biến được rất nhiều món ăn ngon, kể cả những loại lá cây rất tầm thường, thậm chí cả "lá thối" (phắc min) - khi chưa nấu nướng, nó có mùi kinh khủng, nhưng khi đã thành món ăn lại tuyệt vô cùng. Còn người Kinh thì đúng là... bạ đâu đái đấy thật! Tôi có anh bạn đã từng làm một phóng sự về... đái bậy, từ cảnh lũ trẻ tồng ngồng vừa tắm vừa "bắc cần câu" xuống sông, rồi các cảnh ở khắp các vị trí từ gốc cây đến ven đường, thậm chí cả ở giữa đường, cả đàn ông lẫn đàn bà đều như nhau tuốt, lại còn có cảnh một ông "Tây ba lô" hỏi một người Việt ta với thứ tiếng "Việt bồi" lơ lớ: "Tôi chi biêt HaLong bay, ơ phô nay co cam đai bay. Thế là thế nao?". Tức là, ông "Tây ba lô" thấy trên bờ tường viết dòng "Cấm đái bậy" nhưng bị mất hết dấu, thành thử ông Tây hiểu đấy như là một thắng cảnh giống thắng cảnh Hạ Long mà ta vẫn quảng cáo "HaLong bay".

        Quà là chua xót, cười ra nước mắt!...

        Liên quan đến "pịa", tôi kể thêm một chuyện vui vui thế này: sau nhiều chuyến đi, quen thân với nhiều người, họ thấy tôi ăn uống cũng không kiêng khem, chê bai gì, món nào nghe chừng cũng thấy ngon miệng thì họ quý. Có lần, một ông mời tôi đến nhà ăn cơm. Vào bữa, sau vài tuần rượu, ông nói:

        - Hôm nay có cả "pịa" gà đấy!

        Tôi nghe xong câu ấy bỗng thấy "nổi da gà" vì từ trước tới giờ, món "pịa" chỉ làm từ động vật ăn cỏ, nay còn có cả "pịa" gà thì tôi chưa nghe bao giờ, chưa thấy bao giờ, nên sợ là phải. Sợ vì nghĩ đến cảnh "bắt phèo" gà. Gà thì lấy đâu ra "phèo"?. Mà cái ruột của nó chưa bằng cái xe điếu kia, tuôn được nó ra thì... eo ôi! Tôi không dám tưởng tượng nữa kẻo phải bỏ dở bữa ăn mà chuồn. Chắc nhìn cái dáng điệu của tôi buồn cười lắm nên chủ nhà mới bảo:

        - Nói cho vui thôi! Tao lấy tiết gà trộn với óc gà rồi cho tí mật gấu vào, thế là giống "pịa", là thành "pịa" thôi, ăn được đấy!

        Thế thì tôi yên tâm quá rồi còn gì. Vậy là lại rót chén đầy, nâng lên: "Hảo hãn nới" (Sức khỏe nhé!), “Mắn rưn nới" (Sống lâu nhé!). Nào, "Au hành nào!" (Cạn chén nào!). Ô, còn gì vui bằng!

        Tôi đã nói rồi, người Thái có thể chế biến nhiều thứ thành món ăn mà!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2020, 06:24:21 am »


        Cái cách uống rượu của người dân tộc Thái ở Sơn La cũng khác các nơi khác: sau khi chạm chén rượu đầu tiên, thế nào cũng phải nghiêng chén, đổ một chút rượu xuống đất về phía bên trái mình. Tôi tò mò tìm hiểu thì được giải thích: đúng ra là phải lấy ngón tay út chấm vào chén rượu rồi nhỏ mấy giọt xuống bên trái mình cho con ma nhà mình, sau đó chấm tiếp và nhỏ mấy giọt sang bên phải cho con ma nhà người, tiếp đến lại chấm và nhỏ mấy giọt nữa xuống giữa chỗ ngồi cho thổ công thổ địa gì đó. Phong tục ấy dần dà được "cắt xén" bớt đi cho thuận tiện, tức là chỉ đổ một lần về phía bên trái thôi.

        Tôi thấy đấy là một nét rất nhân văn nên học theo. Một lần, khi vào tiệc rượu, một em phát hiện ra tôi làm động tác ấy liền thắc mắc:

        - Ơ, anh Huy không phải người Sơn La mà sao lại biết phong tục của người Sơn La thế nhỉ?.

        - Cũng biết đấy! - tôi trả lời như những người ở đây vẫn hay trả lời.

        - Thế thì phải uống riêng với anh một chén thôi!

        - Ừ, uống thôi!

        Uống riêng với nhau là phải rót chén đầy. Tôi thấy tôi với em ngồi cách nhau một người. Tôi liền nói:

        - Phải rót cho cả người "báng lẩu" nữa chứ!

        Ẹm tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Chẳng là, nếu ở giữa mình và người sẽ uống riêng với mình có một ai đó thì người ấy là người "báng lẩu" -  người "gánh rượu". Nó tựa như người gánh đôi thùng gánh nước ấy và đương nhiên là người ấy cũng phải được rót đầy chén để chạm. Sau thủ tục ấy rồi mới chạm riêng từng thành phần, uống xong thì người được mời phải mời lại người vừa mời mình và sau mỗi lần uống là bắt tay. Uống bao nhiêu chén, bấy nhiêu lần bắt tay. Thủ tục ấy như là để "khẳng định" rằng mình đã uống hết. Có nơi còn bày ra chuyện sau khi uống hết liền xòe bàn tay trái ra, đập mạnh miệng chén xuống và giơ tay cho biết rằng "chính quyền đã đóng dấu xác nhận". Ai để "dấu" bị nhòe - tức là vẫn còn rượu trong chén (mà ta quen gọi là "rông- đen") thì sẽ bị phạt, phải uống lại cho đến khi "con dấu" tròn trịa mới thôi.

        Động tác uống xong rồi bắt tay không rõ xuất xứ từ đâu nhưng sau này tôi thấy nhiều nơi áp dụng lắm. Ai cũng nói rằng nguồn gốc chuyện ấy là ở quê hương mình. Tôi chẳng muốn tranh luận làm gì.

        Một lần trong bữa rượu, sau khi đã dăm bảy lượt nâng chén, có người hỏi tôi:

        - Mày có biết tại sao lại gọi là dốc Cun rồi chợ Lồ không?

        - Không biết đâu vớ! - tôi vừa cười vừa trả lời.

        - Thế này này, ngày xưa người ta vẫn gọi là "dốc Cu", có hai chữ thôi, còn chợ thì tận ba chữ cơ. Rồi khi cái cán bộ Việt Minh đến thì bảo là tên ấy nghe không được đâu, xấu lắm, tục tĩu lắm, bèn lấy cái chữ thứ ba của chợ ghép cho vào dốc. Thế là chợ còn hai chữ, dốc thành ba chữ, mới là chợ Lồ, dốc Cun đấy!

        Tôi nghe xong bật cười, tất cả cũng cười ầm lên. Ôi! Những người dân miền sơn cước ngày thông minh mà tế nhị, hóm hỉnh làm sao. Thế là lại rót rượu, lại nâng chén:

        - Nào, uống vì cái dốc, vì cái chợ nào!

        - Cạn chén thôi, "au hành" thôi!

        Cuộc vui cứ thế kéo dài, rượu cứ rót tràn, cứ nâng, cứ uống... Uống đi! uống đi! Đừng sợ hết rượu! Suối ở đây không bao giờ cạn mà!...

        Cuộc sống với mọi chuyện cứ đơn giản như vậy!

        Thực ra, chỉ khi quen biết nhau, thân thiết quý mến nhau thì mới được như thế. Tất cả đều sống chan hòa, cởi mở, không khách sáo, nói năng ăn uống lại còn có phần bỗ bã nữa. Đúng là không gì bằng sự thông hiểu, sự quý mến nhau thật!

        Lần chúng tôi lên Nà Sản, Sơn La để tìm chỗ ở mới cho Tiểu đoàn căn cứ sân bay vì chỗ ở hiện giờ có nhiều điều không ổn. Nó vừa xa sân bay, đường vào căn cứ thì hẻo lánh, nhỏ như lối ngõ, hai bên đầy lau sậy um tùm. Được mỗi cái là ở gần mó nước (nguồn nước) thôi. Mấy anh em tôi vào Tiểu đoàn, nói nội dung và yêu cầu của chuyến đi công tác xong thì đi khảo sát, tìm địa điểm mới. Chúng tôi tìm được một nơi có thể nói là "đắc địa" vì đất ở đấy bằng phẳng, gần đường quốc lộ, tiện việc di chuyển, cơ động, lại gần sân bay, nên việc canh gác, triển khai cho nhiệm vụ rất hợp lí. Đang đứng ở gần đoạn cuối dốc, anh phó đoàn của chúng tôi vừa lấy tay khoát khoát ra hiệu, vừa giải thích, tình cờ có một chị người Thái "cưỡi" trên chiếc xe đạp nam lao từ trên dốc xuống. Hình như chị có nói điều gì đó nhưng chúng tôi không hiểu vì ngôn ngữ bất đồng. Chưa ai kịp định thần, xe của chị đã lao trúng người anh phó đoàn. Cả hai lăn kềnh xuống rãnh bên lề đường. Rất may là không ai bị sây sát gì. Hai người đứng lên, phủi bụi ở quần áo, anh phó đoàn của chúng tôi với nét mặt căng thẳng, hỏi to:

        - Thế mày không thấy tao đứng ở đây à?.

        - Thế mày tưởng tao biết đi xe đạp à? - chị người Thái hồn nhiên hỏi lại.

        Tất cả chúng tôi phá lên cười. Hai người nhìn nhau rồi cũng cười ngặt nghẽo. Thế là "hòa cả làng", "vui như Tết"... Thì ra, mọi chuyện ở vùng sơn cước này đều đơn giản, không phức tạp như miền xuôi. Dưới miền xuôi, sau cú va chạm ấy chắc sẽ to tiếng với nhau lắm mà rồi có khi "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" nữa cũng chưa biết chừng. Cuộc đời này đã phức tạp lắm rồi, sao con người lại cứ muốn cho nó phức tạp hơn lên thế nhỉ, sao không cư xử với nhau, sao không suy nghĩ và hành động cho đơn giản đi giống như chị người Thái kia nhỉ?.

        Cứ mỗi lần tôi đi, tôi lại gặp nhiều điều, tôi lại suy tư, lại dằn vặt...

        Con người ta cứ tự mình làm khổ mình thôi. Trên đời này, có loài vật nào như thế đâu!

        Những chuyện thuộc về giai thoại của người Thái, người Mông (người Mèo) thì còn nhiều nhiều lắm. Họ đă từng là "lãnh địa" riêng, là "Khu tự trị Thái Mèo" cơ mà, nên đương nhiên, họ cũng có cái lí, cái lẽ riêng của họ chứ!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2020, 05:53:58 am »


ĐƯỜNG LÊN ĐIỆN BIÊN

        Kể từ đầu năm 1993, khi tôi chuyển ngành, rời khỏi đời quân ngũ sang sống cuộc đời dân sự thì những chuyến đi Tây Bắc ngày càng nhiều hơn, dày hơn. Sau khá nhiều lần đi Sơn La, tôi có chuyến ngược Điện Biên.

        Để cho chuyến đi này được suôn sẻ, an toàn cả đi lẫn về và đạt được kết quả mong muốn, chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, nào là thức ăn nước uống dọc đường, nào là một số thuốc điều trị sơ cứu các bệnh thông thường, ví như đường ruột, cảm cúm... rồi tư trang, rồi cả vũ khí (vì hồi đó chúng tôi có được cấp phát vũ khí). Nghĩa là như đi chiến dịch...

        Tôi rất háo hức với chuyến đi này. Điện Biên Phủ là địa danh từng làm chấn động địa cầu, một dấu son sáng chói trong những trang sử vàng của dân tộc ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm sao lại không đến cho được. Phải đến để hiểu cả quá trình "năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt..." nhu nhà thơ Tố Hữu miêu tả thế nào chứ. Phải đến để tận mắt thấy đồi Al, hầm Đơ-cat-tơ-ri và nhiều thứ khác gắn với lịch sử nữa...

        Chặng đường lên Sơn La, tôi đã kể trước rồi. Kế hoạch của chúng tôi là đến Sơn La càng sớm càng tốt để còn có thời gian nghỉ ngơi.

        Đường lên Sơn La đến lúc này đã quen thuộc và xe cộ cũng khá tốt nên đi không ì ạch, vất vả như xưa. xế chiều, đoàn chúng tôi đến được Sơn La, bố trí chỗ ăn nghỉ và đặt trước một số thứ cho sáng sớm hôm sau hành quân xong là tranh thủ tắm táp rồi chuẩn bị ăn tối và nghỉ sớm để lấy sức cho chặng đường phía trước.

        Sơn La nằm ở độ cao 600 mét so với mực nước biển, có diện tích 14.125 cây số vuông, chiếm 4,27% tổng diện tích Việt Nam, đứng thứ ba trong số 63 tỉnh, thành phố. Đường biên giới quốc gia dài 250 km, giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Huaphanh (Lào) và Luang Prabang (Lào) là 628 km.

        Nhắc đến Sơn La là nhắc đến cây đào Tô Hiệu với nhà tù Sơn La - nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng kiên trung, các lãnh tụ của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

        Được biết, nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây từ năm 1908 trên đỉnh đồi Khau Cả, đầu tiên mang tên "Prison de Vạn Bú" với diện tích 500 mét vuông, sau này diện tích mở rộng tới 1.700 mét vuông và đổi tên thành "Penitencier de Son La".

        Các bức tường của nhà tù đều được xây bằng đá lẫn gạch, lợp mái tôn, không trần. Chỗ tù nhân nằm cũng xây bằng đá, mặt láng xi măng và có gắn hệ thống cùm chân. Trong các phòng giam xây hố xí cao hơn chỗ nằm, không có nắp đậy, không có nước dội và ít được vệ sinh nên gây ô nhiễm ghê gớm, nhất là khi có gió Lào hoặc mùa Đông rét mướt. Vì vậy, các tù nhân luôn bị dịch bệnh và lây lan nhanh chóng.

        Nếu như trước đây "Prison de Vạn Bú" chỉ giam tù thường phạm thì nay "Penitencier de Son La" giam cả tù chính trị mà chủ yếu là tù cộng sản.

        Trong 15 năm đã  có đến 1.007 lượt tù nhân cộng sản bị giam cầm ở nơi đây. Có nhiều lãnh đạo chủ chốt như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Xuân Thủy, Lê Thanh Nghị... đã  trải qua. Nơi đây cũng đã  trở thành trường học cách mạng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những chiến sĩ cách mạng trung kiên. Hội đồng thống nhất đã  được bí mật tổ chức cuối năm 1935 do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch. Đến năm 1939, thành lập Chi bộ lâm thời do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư và tổ chức bắt liên lạc với bên ngoài thông qua hộp thư bí mật đặt ở cây đa bản Hẹo. Các tù nhân đã  tổ chức vượt ngục và người thanh niên dân tộc Thái là Lò Văn Giá đã  mưu trí, dũng cảm dẫn đoàn tù vượt ngục thành công.

        Chi bộ trong tù gắn liền với tên tuổi nhiều Đảng viên trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của Tô Hiệu, người bí thư Đảng năng nổ, nhiệt huyết. Cây đào do anh trồng đã  trở thành biểu tượng của sự sống mãnh liệt, ý chí kiên cường không khuất phục.

        Từ năm 1980, nhà tù Sơn La được phục chế dần. Đây chính là trung tâm giáo dục về truyền thống cách mạng cho những thế hệ sau.

        Năm 1962, nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia.

        Năm 2014, Di tích lịch sử nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

        Sơn La cũng là nơi có những món đặc sản chế biến từ hoa ban. Ngày trước, thành phố Sơn La được coi như thành phố hoa ban, sau này thì lại chuyển thành thành phố hoa đào, không biết có phải đấy là sự gắn kết với cây đào Tô Hiệu hay không.

        Đấy là chuyện sau này, còn thời bấy giờ, chúng tôi tất cả dồn sức, lo lắng cho chuyến đi nên chẳng có nhiều thời gian tìm hiểu về chuyện hoa ban, hoa đào nữa...
Logged

Trang: 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM