Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:26:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Qua miền Tây Bắc  (Đọc 6620 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2020, 05:03:21 am »


ĐI “ĐƯỜNG 6”, VỀ “ĐƯỜNG 2”

        Sau nhiều chuyến ngược xuôi trên tuyên Sơn La, Điện Biên thì chúng tôi lập kế hoạch cho chuyến đi theo một vòng khép kín, đấy là xuất phát từ Hà Nội theo tuyến đường quốc lộ số 6 lên Sơn La rồi Điện Biên, sau đó vòng lên Tam Đường, qua Sa Pa, Lào Cai và xuôi Yên Bái về Hà Nội.

        Có lẽ, đấy là chuyến đi dài với nhiều gian truân, nhưng ai cũng hăm hở muốn có được chuyến đi như thế.

        Kết thúc mọi công việc ở Điện Biên, chúng tôi bắt đầu rồng rắn lên đường theo đúng kế hoạch đã  định. Thời tiết khô ráo với cái nắng hanh hanh và gió ngàn thổi lồng lộng càng làm cho chúng tôi thêm phấn khích.

        Cây cối hai bên đường vẫn còn rậm rạp, um tùm. Ven suối có những cây vả mật với bao nhiêu là quả chín đỏ tím bám đầy xung quanh thân cây. Tôi đề nghị dừng xe nghỉ giải lao, tranh thủ nhào xuống bứt mấy chùm đưa cho các anh thưởng thức. Có người lần đầu tiên biết đến cây vả, lại được ăn cả quả vả nữa thì cảm động lắm vì từng ấy tuổi đầu rồi mới "mục sở thị", mới biết rằng "lòng vả cũng như lòng sung" là thế nào.

        Chuyện trò cứ râm ran không chỉ lúc nghỉ mà ngay cả trên xe cũng vậy.

        Con đường chạy ven dòng sông Đà thơ mộng. Dòng Đà giang vào mùa này không phải là mùa nước lũ nên nó rất êm đềm. Nó tựa như dải lụa xanh lơ, óng ả, mềm mại vắt qua các chân núi, chân đồi liên tiếp nối nhau như không bao giờ dứt. Nó như một điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên miền Tây Bắc. Ai cũng trầm trồ trước cảnh đẹp của núi rừng miền sơn cước này.

        Đến cầu Hang Tôm, chúng tôi dừng chân. Cây cầu đứng lặng lẽ giữa vùng trùng điệp núi non trông thật lẻ loi giữa không gian tĩnh mịch, u hoài. Với tôi, đây là lần đầu tiên và cũng gần như là lần sắp cuối đứng với cây cầu, bởi sau một vài lần đi trên tuyến này nữa thì tôi không còn cơ hội lặp lại hành trình và khi thủy điện Mường La được khởi công xây dựng, được khánh thành đưa vào hoạt động, cả vùng rộng lớn này đều ngập chìm trong nước, đương nhiên là cả cầu Hang Tôm. Vậy là có muốn mấy cũng chịu, không thể nào gặp lại được cây cầu ấy nữa...

        Cả đoàn cứ cặm cụi, lặng lẽ đi, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ riêng. Có lẽ giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trùng điệp núi non, hoang vắng đến ma mị thế này thì ai cũng thấy mình quá bé nhỏ, ai cũng thấy có điều gì đó sờ sợ, chờn chợn nên im ắng là phải...

        Qua Phong Thổ, qua Lai Châu và sau khi vượt đèo Giang Ma thì đến một trong "tứ đại đèo" nữa của miền Tây Bắc - đèo Ô Quy Hồ.

        Đèo Ô Quy Hồ còn được gọi là "đèo Hoàng Liên" do đèo vắt qua dãy Hoàng Liên Sơn và cũng còn có tên là "đèo quanh năm mây phủ".

        Đèo Ô Quy Hồ nằm ở độ cao gần 2.000 mét. Nó chiếm giữ chiều dài kỷ lục trong "tứ đại đèo" với chiều dài khoảng 50 cây số. 2/3 đèo nằm ở địa phận huyện Tam Đường, 1/3 đèo còn lại nằm phía Sa Pa.

        Với độ cao cùng sự hiểm trở và chiều dài như vậy, nó đã  được mệnh danh một cách không chính thống là "vua đèo vùng Tây Bắc".

        Tương truyền, xưa kia ở nơi đây từng có một loài chim có tiếng kêu đến da diết. Nó gắn với huyền thoại một tình yêu không thành của đôi trai gái. Rồi từ đó theo thời gian, tiếng kêu "Ô quy hồ" của loài chim kia đã  được đặt cho tên đèo.

        Nơi đây còn có những câu chuyện truyền miệng liên quan đến những con "hổ thần" chuyên rình bắt những người qua lại. Chắc thời ấy rừng còn rậm rạp, đường xá chưa có như bây giờ nên các vị "chúa sơn lâm" mới tự do thả sức hoành hành.

        Thời nay, tuyến đường được mở, lại được nâng cấp để thành tuyến du lịch cho lữ khách thì không còn thấy bóng dáng nào của các "ông Ba Mươi" nữa.

        Đến đỉnh đèo là đến cổng Trời.

        Độ cao của đèo khiến khí hậu hai bên đèo được phân định tại cổng Trời trở nên khác biệt. Nếu như phía Tam Đường thời tiết ấm áp thì bên phía Sa Pa lại lạnh lẽo. Sương mù bao phủ suốt cả ngày và khắp núi rừng chìm ngập trong màn mâv...

        Chúng tôi dừng xe để xuống ngắm cổng Trời.

        Vừa mở cửa xe đã  gặp ngay những trận gió ào ạt thổi tới mang theo cái lạnh của xứ núi nên ai cũng thoáng rùng mình. Mây mù bao phủ khắp nơi, không quan sát được khung cảnh nơi đây, đành nhảy nhảy mấy cái rồi đi đi lại lại cho ấm người, "ăn" một điếu thuốc và lại lên xe tiếp tục hành trình đến Sa Pa.

        Sa Pa đã  hiện ra trước mắt.

        Theo tôi được biết những thông tin về Sa Pa thì: Sa Pa nằm ở độ cao 1.500 đến 1.650 mét so với mực nước biển. Thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét, cách Hà Nội 376 km và cách Lao Cai 38 km.

        Năm 1897, chính quyền thuộc địa Pháp đã  quyết định mở cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số vùng núi cao và những đoàn điều tra đầu tiên đến Lao Cai là vào năm 1898.

        Năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lí Đông dương đã  khám phá ra cảnh quan mặt bằng ở Lồ Suối Tùng và làng Sa Pa. Sự kiện này đã  đánh dấu việc ra đời của Thị trấn Sa Pa và cũng trong năm này, người Pháp đã  cho xây dựng ở đây một bốt quân sự, đồng thời họ cũng xác định nơi đây sẽ là khu an dưỡng để phục vụ những người Âu khi chưa quen với khí hậu của miền nhiệt đới.

        Tên gọi Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại, phát âm là Sa Pả hay Sa Pá có nghĩa là "bãi cát" bởi trước đây nơi này là bãi cát và dân cư sử dụng nó để họp chợ. Người phương Tây không phát âm được những từ những chữ có dấu nên họ đọc thành Sa Pa và khi viết bằng chữ Pháp thì là "Cha Pa", mãi tận sau này mới đổi cho thống nhất là Sa Pa.

        Vậy là chỉ riêng một cái tên thôi mà cũng đã  khối vấn đề cần bàn luận.

        Vào năm 1909, khách sạn Cha Pa (nằm trên đường Sa Pa đi Lao Cai) được khánh thành và từ năm 1914, người Pháp xây dựng Sa Pa thành một "kinh đô nghỉ hè" thực sự trên vùng núi Bắc kỳ theo hướng dân sự hóa. Các khách sạn như "khách sạn Fansipan", "khách sanh Le Metropole"... xuất hiện và trong khoảng thời gian từ giữa năm 1924 đến 1940 đã  có chừng 100 biệt thự được xây cất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2020, 05:42:27 am »


        Tổng cộng, người Pháp xây ở Sa Pa có đến gần 300 ngôi biệt thự.

        Theo đà ấy, cuối những năm của thập kỷ 30, Sa Pa đã  phát triển đạt đến đỉnh cao nhất của mình: vào những ngày của mùa Hè, Sa Pa đón hàng ngàn khách người Âu đang sống và làm việc ở Việt Nam bấy giờ lên đấy nghỉ mát.

        Nhưng sự phát triển ấy không được lâu bền. Tháng 3 năm 1952, Tham mưu trưởng quân đội Pháp đã  lệnh ném bom Thị trấn. Từ dinh nghỉ mát của Thống sứ đến phần lớn khách sạn, biệt thự đều bị phá hủy, tất cả biến thành hoang tàn, đổ nát trong trận ném bom ác liệt này.

        Đầu những năm 1960, Sa Pa bắt đầu được khôi phục nhưng rồi cuộc chiến năm 1979 lại một lần nữa tàn phá Sa Pa...

        Sa Pa có được bộ mặt như ngày hôm nay là cả một sự cố gắng rất lớn.

        Cảm nhận về chuyến đi của chúng tôi lần ấy, tuy Sa Pa đã  được cải tạo xây dựng thêm nhiều nhưng vẫn còn giữ được những nét hoang sơ, cổ kính. Những cây Pơ mu cao to lừng lững vươn thẳng lên trời, rồi những cây "sa mu đứng nửa vành con thoi" như nhà thơ Xuân Diệu mô tả vẫn còn nhiều, nhiều lắm...

        Ngôi nhà thờ đá của Sa Pa đứng tĩnh lặng trong sương mù huyền ảo thoắt ẩn, thoắt hiện. Đấy là dấu ấn của người Pháp xây dựng theo kiến trúc Gotic La Mã. Tất cả được xây cất bằng đá đẽo, liên kết với nhau bởi hỗn hợp vôi, cát, mật mía... Nhà thờ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, bốn phía đều quan sát được và là điểm nhấn đầu tiên của Thị trấn Sa Pa.

        Trước nhà thờ, mỗi tối thứ Bảy hàng tuần đều diễn ra buổi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số mà ta quen gọi là "Chợ tình". Đấy là nét văn hóa dân tộc và cũng chính là hơi thở của núi rừng Tây Bắc.

        Sau khi lấy được nhà nghỉ, chúng tôi kéo nhau đi tắm nước thuốc của người Dao đỏ, vừa là để khám phá, vừa là để hồi phục lại sức qua chuyến đường dài. Phải công nhận một điều là bài thuốc tắm ấy có tác dụng rõ rệt.

        Ăn tối xong, không ai muốn ngủ ngay, tất cả lại kéo nhau đi chợ nướng. Nếu đến Sa Pa mà không thưởng thức các đồ nướng, không ăn cơm lam thì mất hết thi vị. Mỗi loại thịt nướng đều có vị ngon riêng của nó. Trong cái lạnh se se, trong cảnh mù sương mơ màng huyền ảo, những món đồ nướng thơm phức cộng với những cốc rượu ngô, rượu táo mèo thơm lừng làm cho ta ngất ngây đến thăng hoa. Món cơm lam chẻ từ ống nứa còn nóng hổi thơm đậm đà. "Ngon nhất cơm, thơm nhất con" - người ở đây nói vậy. Cứ ăn rồi mới cảm nhận hết được...

        Loanh quanh thế mà mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi tiếp tục bàn đến chuyện "văn hóa phi vật thể", ấy là tìm chỗ hát Karaoke, ra "quy chế" hát quay vòng theo chiều kim đồng hồ, cứ thế lần lượt mà thực hiện. Có anh mệt quá vì đã  ngấm hơi men, không thể hát được nhưng vẫn phải chấp hành quy định, đứng sát màn hình đọc từng chữ một. Mọi người cười ầm lên và cuộc vui tạm dừng. Dọc đường về nhà nghỉ, tiếng cười nói râm ran của bọn tôi khiến lũ chó của Thị trấn giật mình, sủa ỏm tỏi làm kinh động khoảng không gian tĩnh lặng...

        Sáng hôm sau, tôi dậy khá sớm lần ra chợ, mua một chiếc áo thổ cẩm khoác luôn lên người, tiện thể mua một chiếc gùi và chất dăm cân đào Sa Pa vào trong đó, quàng lên vai, lậc khậc đi về nơi nghỉ. Đi được một đoạn, một khách du lịch tiến sát tôi, hỏi nhỏ:

        - Mày có mật gấu bán không?

        - Ô, tao không có đâu vớ! - tôi trả lời với cái giọng lơ lớ.

        - Vậy mà tao cứ tưởng mày phải có chứ!

        - Không có đâu mà!

        Cuộc đối thoại ngắn gọn diễn ra chi trong một vài phút nhưng làm tôi khoái chí vô cùng. Thì ra, mình cũng giống người dân tộc miền núi đấy chứ. Về tới nhà nghi, tôi đem chuyện này ra kể, người thì tin tôi, người thì cho rằng tôi bịa chuyện. Đúng là, chuyện bịa như thật đã  khó tin rồi, chuyện thật như bịa càng khó tin hơn!...

        Chúng tôi rời Sa Pa, qua Lao Cai xuôi về Yên Bái.

        Đến địa hạt giáp ranh giữa Yên Bái và Phú Thọ thì dừng chân bên một quán nhỏ ven đường. Chủ quán là người xởi lởi. Chúng tôi thấy chú cá chép vừa được đánh ở dưới ao lên còn đang giãy đành đạch. Đặt vấn đề mua, chủ quán đồng ý ngay. Thế là chúng tôi đề nghị cho nấu nhờ cơm. Cũng lại đồng ý. Chúng tôi "đặt món" rất nhanh: đầu cá và đuôi cá sẽ nấu canh, khúc giữa rán giòn chấm mắm ớt là đủ bữa. Liếc thấy vườn su hào tươi mơn mởn, chúng tôi mua luôn mấy củ để cho vào nồi canh cá. Gạo vo kỹ, bắc lên bếp củi. Lửa cháy rừng rực, chẳng mấy chốc nồi cơm sôi sùng sục, nồi canh cá cũng vậy. Chúng tôi quyết định vần cơm cho có nhiều cháy. Cháy cơm nấu nồi bằng gang, lại đun củi nữa thì ngon phải biết. Chủ nhà vừa kiếm được cho chúng tôi một mẻ lạc, rang lên nhắm rượu. "Tửu lạc vô bần"! - cổ nhân dạy vậy. Thế là quá ổn rồi...

        Đúng tầm đói. Bữa cơm mang tính dã ngoại ấy ngon không tả nổi. Bà chủ nhà cứ chăm chú nhìn chúng tôi rồi hỏi:

        - Chắc các chú đều là bộ đội? - chị chủ nhà hỏi.

        - Chị đoán sai rồi! - chúng tôi trả lời.

        - Không! Tôi ít khi sai lắm! Chỉ có bộ đội mới nhanh nhẹn, mới khéo léo, mới biết làm nhiều việc thế thôi! Các chú chẳng thể giấu được tôi đâu!

        Đúng, không có gì giấu được dân cả. Người dân chân thật, chất phác, hiền hậu nhưng rất tinh tế trong việc đánh giá con người. Nhóm chúng tôi toàn là những người đã  qua quân ngũ thật. Quân đội là trường Đại học lớn. Ở đó mình được rèn luyện, được hun đúc để hình thành và nâng cao bản lĩnh, ý chí, kỹ năng sống và nhiều nhiều thứ khác nữa... Những người từng trưởng thành qua quân ngũ bao giờ cũng có những nét khác biệt...

        Dọc đường về Hà Nội, trên xe râm ran đủ thứ chuyện, nhưng tựu trung, ai cũng thích thú, cũng bằng lòng về chuyến đi này và một mong muốn chung là vào thời gian nào đó, tất cả lại được đi cùng trên tuyến đường ấy để thêm một lần trải nghiệm, thêm một lần phát hiện những điều mới mẻ và gắn kết với nhau hơn.

        Tôi biết điều ấy chắc khó khăn nhưng vẫn thầm hẹn ước. Người xưa từng nói: "Nếu có duyên thì thế nào cũng gặp!".

        Tôi hy vọng chúng tôi vẫn còn duyên với miền Tây Bắc!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2020, 04:40:20 am »


A-PA-CHẢI

        Sau những lần đi tuyến Sơn La - Điện Biên -  Hà Nội, rồi Sơn La - Điện Biên - Sa Pa - Hà Nội thì tôi luôn được mời chào đến thăm Mường Nhé với câu: "Đến Điện Biên mà không đi Mường Nhé thì đâu đã  phải là đến Điện Biên!".

        Tôi biết, Mường Nhé là huyện nghèo nhất Điện Biên, có khi còn là nghèo nhất nước. Từ Điện Biên lên Mường Nhé chỉ khoảng 170-180 cây số thôi nhưng đường rất khó đi, mà đường cũng chẳng ra đường nữa.

        Mường Nhé - một thời vua Mèo muốn xây nhà thờ và quy tụ toàn bộ người Mèo (người Mông) vùng Tây Bắc về đó để lập ra một lãnh địa riêng tựa như "nước Đề Ga" ở vùng Tây Nguyên. Cũng khá vất vả mới "dẹp" được vụ đó. "Vua" Mèo bỏ chạy vào rừng sâu, chỉ ôm theo chiếc máy tính cá nhân có định vị vệ tinh, nhưng vẫn bị bắt...

        Tôi hứa sẽ đến Mường Nhé vào dịp nào đó. đã  hứa là phải thực hiện. Vậy là, chúng tôi tổ chức một chuyến đi chỉ có 3 anh em (tôi, anh Trần Văn Năm cùng anh Mạc Hòa) trên chiếc ô-tô KIA Morning -  chiếc "chuồng gà" của tôi và thay tua nhau lái.

        Đến Sơn La, chúng tôi ngủ lại một đêm, sáng hôm sau ăn uống đàng hoàng xong mới ngược Điện Biên. Tuyến đường Tây Bắc đã  quen thuộc nên chúng tôi đi khá nhanh. Buổi trưa chúng tôi đã  được đón tiếp tại Điện Biên rồi. Tại đất Điện Biên, công việc không được trôi chảy vì tôi gặp nạn, anh bạn Mạc Hòa phải bay về Hà Nội, còn lại tôi và anh Trần Văn Năm ở lại. Nghĩ thấy chán. Được sự động viên pha chút kích động, chúng tôi quyết tâm lên đường. Lần này thì phải bỏ chiếc "chuồng gà" của tôi lại vì "không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ", lấy chiếc Santa Fe của anh Đỗ Đức Tiến. Anh là người từng đi nhiều chuyến lên Mường Nhé vì thế sẽ có nhiều thuận lợi. Một điều thú vị, 3 người là thông gia, liên gia với nhau nên những câu chuyện trên xe càng vui vẻ.

        Rời Điện Biên một lúc là thấy ngay tình trạng đường sá vất vả thế nào rồi. Được cái, không gian yên tĩnh của rừng núi cùng không khí trong lành của nó làm dịu đi những căng thẳng. Chúng tôi đi vào mùa khô nên trời nắng chang chang và gió thổi rát rạt. Gió chạy ào ào đuổi nhau trong các lùm cây, trên các vách núi, sườn đồi. Những bụi nứa, những khóm lau sậy rạp mình khi gió đạp qua. Hoa dã quỳ nở vàng dọc hai bên đường suốt chiều dài cả hàng chục cây số.

        Nếu như ở Đà Lạt, hoa dã quỳ chỉ trong từng tuyến phố hay ven những vạt rừng, thì ở đây, hoa trải từ ven đường lên tận lưng chừng núi, giống hệt cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương ở bên Nga. Loài hoa này phát triển nhanh lắm. Nó phát tán theo gió mà. Cứ đà này thì mấy năm sau, khi có chuyến đi tiếp theo, chắc chúng tôi sẽ được lướt trong biển vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. Nghe nói trước đây ô-tô không thể đi nổi trên tuyến đường này, chỉ sau khi có "bạo loạn", bấy giờ đường sá mới được gấp gáp xây dựng.

        Quá trưa một chút, chúng tôi đến Mường Nhé. Anh Tiến là người "quen thung quen thổ" nên có sự báo trước và chúng tôi được đón tiếp đến nơi đến chốn. Sau khi cơm no rượu say, chúng tôi muốn nghỉ đêm ở Mường Nhé để hiểu thêm mọi thứ ở miền biên ải này, nhưng mấy anh lại nói: "Đến đây mà không đi A-pa-chải thì thật uổng và cũng chẳng còn nghĩa lí gì nữa!". Nói A-pa-chải là nói đến cột mốc "không số" (hoặc gọi là cột mốc "số không" cũng thế) - nơi một con gà gáy cả 3 nước đều nghe tiếng.

        A-pa-chải là một bản thuộc xã  Xín Thầu, huyện Mường Nhé và cột mốc ấy nằm trên đỉnh núi cao 1.824 mét so với mực nước biển, cách bản cuối cùng về phía Tây của xã  Xín Thầu chừng 6-7 cây số đường rừng.

        Cột mốc được cắm vào ngày 27-6-2005.

        Phần phía Việt Nam thuộc A-pa-chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, phần bên Lào thuộc huyện Phong Sa Lỳ, phần Trung Quốc thuộc tỉnh Vân Nam.

        Cột mốc ở A-pa-chải là cột mốc đẹp nhất Đông Dương.

        Cột mốc được làm bằng đá hoa cương, nặng 8 tấn (tính cả phần đế) với chiều cao 1,8 mét đứng trên khối vuông mỗi cạnh dài 5 mét.

        Rồi A-pa-chải còn có chợ biên giới, nơi ta và bạn qua lại giao lưu thông thương với nhiều mặt hàng nông sản, lâm sản mà miền xuôi không có... "Vậy sao lại không đi nhỉ?" - tôi tự hỏi và nhìn hai bạn đường của mình. Hai anh kia đều bảo: "Tùy anh thôi!". Tùy thì tùy! Thế thì đi thôi! Từ đây đi A-pa-chải khoảng bảy tám chục cây số chứ mấy. Vậy là lên xe, nổ máy và... thẳng tiến!

        Nói 70-80 cây số nghe chẳng là bao, nhưng đường đi thì không phải không gian nan. Tầm hơn 2 giờ chiều chúng tôi đến Trạm Biên phòng A-pa- chải. Ngồi uống nước với các chiến sĩ biên phòng, làm quen rồi hỏi han tình hình mới biết chợ biên giới không họp vào ngày hôm ấy. Tôi hỏi thăm về cột mốc, được các chiến sĩ cho biết từ Trạm, ô-tô có thể đi đến sát chân núi, từ chân núi, các chiến sĩ tuần tra đi và về mất chừng hơn 3 tiếng đồng hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2020, 05:50:20 am »


        Nếu căn trên bản đồ, từ Trạm biên phòng lên đến đỉnh núi chỉ chừng dăm sáu cây số đường chim bay. Thoáng nghĩ trong đầu: "với tốc độ bay 900 km/h, 1 phút đã  đi được 15 km. Kể mà bay như xưa thì sau mấy chục giây đã  lên đến nơi". Rồi lại tự trách cái "bệnh nghề nghiệp" nó cứ gắn vào mình, thật chẳng ra làm sao! Trở về với thực tế đi! Thế là nhẩm tính: họ trẻ họ đi mất hơn 3 tiếng, minh lớn tuổi rồi thì cộng thêm 1 tiếng hoặc tiếng rưỡi nữa là cùng vì chuyện leo dốc, đi đường rừng núi với mình đâu có lạ lẫm gì. Bây giờ mới 3 giờ chiều, nếu ta đi thì cùng lắm chỉ đến 7 giờ, cùng lắm 8 giờ là xuống núi rồi. Chắc chẳng khó khăn lắm!...

        Tôi trình bày ý định của tôi thấy không ai phản đối, chỉ mỗi anh Tiến đau chân là không đi thôi, anh nhận phần lái xe đưa chúng tôi vào sát chân núi. Anh Năm thì là dân săn bắn nên chuyện dốc núi, rừng rú không là thá gì...

        Thấy anh em chúng tôi hăng hái và quyết tâm, Trạm cử cho một chiến sĩ biên phòng người dân tộc Thái dẫn hai anh em chúng tôi đi. Anh Tiến lái xe đưa 3 người vào sát chân núi, khi xe không thể đi được nữa thì cho chúng tôi xuống và quay về Trạm, hẹn mấy tiếng sau sẽ quay lại đón...

        Việc đầu tiên sau khi xuống xe là quan sát địa hình, địa vật rồi kiểm tra lại hành trang.

        Nhìn xung quanh bốn bề chỉ thấy núi là núi. Con đường chúng tôi đi vừa rồi uốn lượn trông giống như con giun đất đang lết trên các sườn núi. Gió thổi dào dạt. Ngoài tiếng gió không còn âm thanh nào khác nữa. Trời xam xám với những đám mây nặng nề, uể oải trôi. Ngửng lên nhìn ngọn núi chúng tôi cần vượt thì cây che hết tầm mắt, sát chân núi là hai thân cây gỗ to bằng bắp chân dựng sát nhau với độ dốc chừng 70 độ. Chắc là tay phải bám vào một cây, chân đạp vào cây kia để vượt đoạn dốc đầu tiên trước khi chính thức đặt những bước trên đỉnh của A-pa-chải.

        Hành trang mỗi người chỉ có "một phần tất yếu của cuộc sống" - tức là một chai nước Lavie và hai chiếc bánh "Chôcôpai" cùng cái... tặc lưỡi là đi thôi!

        Cái tặc lưỡi đại đa số mang lại những điều rất tệ hại, hiếm hoi mới có sự may mắn và chuyến đi này của chúng tôi nằm trong cái sự may mắn ấy.

        Trước khi leo, cả ba chúng tôi nhìn nhau như thăm dò lại quyết tâm nhưng không thấy ai lắc đầu mà cùng gật, vậy là chiến sĩ biên phòng bám cây leo lên trước để "thị phạm" như chúng tôi vẫn nói - đó là kiểu làm mẫu và cũng là để kéo giúp chúng tôi khi bước những bước cuối kẻo bị hụt chân.

        Qua "cửa ải" đầu tiên, đến một doi đất tương đối phẳng, chúng tôi dừng lại chụp ảnh kỷ niệm chặng đường đầu tiên rồi bước tiếp.

        Đường lên đỉnh nơi đặt cột mốc phải đi theo lối mòn với chiều rộng chắc chỉ 30 cm là cùng. Giai đoạn đầu phải vượt qua những ngọn đồi thấp, tiếp đến là những ngọn đồi khá dốc đầy cỏ tranh rồi những đoạn toàn bụi cây gai sau đó là rừng nguyên sinh dày đặc dây leo. Phía bên trái là vực sâu hun hút. Cậu chiến sĩ biên phòng luôn nhắc chúng tôi đặc điểm này để đề phòng.

        Đi được một hồi, nhiều đoạn không còn lối vì bị lợn rừng dũi tìm thức ăn. Nhìn vết chân và vệt dũi, cậu chiến sĩ biên phòng phán đoán con lợn này chắc phải hơn tạ. Tôi bắt đầu gờm. Cái giống lợn rừng này hung hãn lắm, chỉ cần nó húc nhẹ cho mình một phát thôi thì bộ răng nanh của nó không biết sẽ để lại dấu ấn kinh khủng đến như thế nào trên cơ thể mình và bấy giờ việc cầm máu, việc sơ cứu... sẽ như thế nào đây. Nghĩ thế rồi lại suy luận: thường bao giờ các giống vật cũng sợ người, nó thường chủ động lảng tránh, chỉ khi nào nó thấy bị uy hiếp thì mới có hành động tự vệ thôi. Tôi nghĩ bụng thế nhưng không nói ra mồm.

        Khi gặp những vạt cỏ gianh, tôi chợt nghĩ đến loài hổ. Nghe nói hổ rất sợ ở rừng nứa mà chỉ ở những rừng những đồi cỏ gianh. Tới lúc này, tôi phải hỏi chiến sĩ biên phòng:

        - Rừng này liệu có hổ không cháu?

        - Không có đâu, chú ạ! Cháu công tác ở đây 3 năm rồi, hầu như ngày nào cũng đi tuần tra hoặc dẫn khách du lịch đi tham quan nhưng chưa hề nghe thấy nói đến hổ.

        - Có lẽ họ săn bắn hết rồi chăng?

        - Ở đây không được phép săn bắn, khu vực giáp biên mà, nhưng dân họ thường đặt bẫy. Có ngày chúng cháu thu được đến cả trăm chiếc bẫy đấy!

        - Vậy rừng này nhiều vắt không?.

        - Mùa khô này thì không có đâu! Yên tâm đi, chú ạ!

        Vậy là yên tâm bước theo người chiến sĩ. Leo chừng một giờ, đến nơi có tảng đá to nằm trên khoảng đất trống, cậu chiến sĩ người Thái bảo chúng tôi dừng lại:

        - Các đoàn thường đi đến đây là nghỉ giải lao rồi mới đi tiếp!

        - Ta đi được bao nhiêu đoạn đường rồi?.

        - Cũng được nhiều nhiều rồi đấy!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2020, 09:10:16 am »


        Nghỉ thì nghỉ thôi. Tôi làm một hơi hết già nửa chai nước và làm nhiệm vụ "phó nháy" chụp ảnh cho anh Trần Văn Năm và cậu chiến sĩ. Xong xuôi, chúng tôi tiếp tục lên đường. Rừng càng ngày càng rậm rịt, cây cối ngày càng um tùm, bóng tối cũng ngày càng đậm. Đến một gốc cây to chừng dăm sáu người ôm, anh Trần Văn Năm sướng quá kêu dừng lại chụp ảnh. Lúc này đã  phải bật đèn pin lên thì mới chụp được. Tôi hối thúc phải đi nhanh chứ khề khà thế này không biết bao giờ mới lên được đến đỉnh, mà mục tiêu đặt ra chính là phải sờ được vào cột mốc. Vậy là phải ra đi trong sự tiếc nuối của anh Năm.

        Tôi đồ chừng chỉ mới đi được 1/3 đoạn đường là cùng, trời đã  tối sẫm. Nếu ở phía ngoài bìa rừng, trời chắc vẫn còn sáng, nhưng trong rừng rậm làm gì có ánh nắng nên tối là phải. Đường trơn lầy vì lúc gần trưa ở trên này có mưa. Thế mới phức tạp. Nhiều cây, nhiều cành đổ chắn lối lắm. Có chỗ chúng tôi phải chui qua dưới thân cây, có chỗ lại phải bò trèo qua thân cây rồi mới đi được. Tôi đã sử dụng hết khẩu phần "Choco Pie" và cũng xong "một phần tất yếu của cuộc sống" liền vứt luôn vỏ chai cho rảnh tay để còn bám cây, rẽ lối mà đi...

        Bắt đầu thấm mệt. Mồ hôi tóa ra gần như ướt hết áo. Hơi thở có lúc không đúng nhịp nữa và nghe chừng tim đập cũng đã  gấp gáp. Anh Trần Văn Năm lo sợ huyết áp của tôi có "vấn đề" nên thi thoảng lại hỏi: "Đồng chí có sao không đấy?", hoặc: "Tình hình sức khỏe thế nào?".

        Cái trò leo dốc mà cứ đi cứ nói thì nhanh hết sức lắm, mà không trả lời không được. Tôi bèn nghĩ cách chấm dứt chuyện phỏng vấn.

        - Này, nếu bây giờ nghe cái "phựt" rồi tôi lăn quay cu dơ ra thì hai bác cháu nhà anh làm thế nào?

        - Phải khiêng anh xuống thôi! - anh Năm trả lời.

        - Không được!

        - Thế ý anh là sao?

        - Phải khiêng tôi lên!

        - Khiêng lên?

        - Vâng! Khiêng tôi lên đến cột mốc. Tôi có "ba chân" thì giăng mỗi chân về mỗi phía rồi để tôi ở đó!

        - Chân nào giăng phía nào?

        - Chân phải giăng về phía ta, chân trái giăng về phía Lào, còn chân kia thì... giăng về... phía ấy!

        - Thôi, thôi! Đang leo dốc mệt thế này không đủ sức cười đâu, đừng pha trò nữa!

        Thế là chấm dứt chuyện hỏi han. Tất cả cặm cụi đi...

        Trời tối om. Cuộc sống của rừng bấy giờ mới bắt đầu sôi động bởi những hoạt động của những loài chim, loài thú ăn đêm. Đã nghe thấy những tiếng hú, rồi những tiếng tác của nai, tiếng đập cánh của bọn lông vũ... còn tôi thì cũng đã  nghe thấy tiếng của mình thở không bình thường. Những bước chân đã  cảm thấy nặng, không muốn nhấc cao nữa. Đúng là mệt thật!

        Tôi vừa thở dốc vừa hỏi chiến sĩ người Thái:

        - Còn xa nữa không cháu?

        - Không xa đâu! Sắp đến rồi ạ!

        Lát sau thì tôi hiểu cậu chiến sĩ này rất khéo động viên chúng tôi và là người rất tâm lí. Lúc ấy chỉ cần hé lộ một chút về chặng đường đến đích còn xa và khó khăn hơn thì có lẽ tình hình sẽ khác, tư tưởng sẽ chùng xuống và rất dễ... bỏ cuộc. Đằng này thì khác. Chúng tôi lại hăm hở bước. Để xua tan sự im lặng trong đêm tối, tôi lại lên tiếng:

        - Năm nay cháu bao nhiêu tuổi rồi nhi?

        - Cháu 22 rồi ạ!

        Tôi giật mình. Vậy là mình hơn cậu ấy tận 46 tuổi. Thảo nào mà những bước chân của cậu ấy di chuyển nhanh nhẹn thế. Chuyến đi này đúng là sự bốc đồng của chút tuổi trẻ còn sót lại trong mình thật. Thấy tôi im lặng, cậu chiốo sĩ hỏi lại:

        - Vậy chú bao nhiêu tuổi ạ?

        - Tớ hơn cậu có 46 tuổi thôi!

        - Ôi, thế là bác hơn cả tuổi bố cháu rồi! Thế bác kia ạ?

        - Bác ấy cũng thế!

        - Tuổi cao như vậy mà hai bác còn trèo được thế là khỏe đấy. Cách đây mấy ngày, cháu dẫn một đoàn đi mà nhiều thanh niên phải bỏ cuộc đấy, chưa trèo được lên đến chỗ mình đang đứng đây đâu!

        - Quân đội rèn luyện các bác đấy!

        - Đúng các bác là cựu phi công tiêm kích có khác!

        Tôi không trả lời thêm, lặng lẽ bước. Đi cũng đã  lâu mà vẫn thấy rừng dày đặc, tôi thấy sốt ruột, lại hỏi:

        - Còn xa nữa không?

        - Sắp đến rồi mà!
 
Lần này thì tôi không hỏi thêm gì nữa vì biết có hỏi cũng thế thôi, chỉ thêm mất sức. Tôi được bố trí lúc thì đi ở giữa, lúc lại đi sau cùng vì tôi không có đèn pin. Ba người chỉ có 2 chiếc đèn: một của cậu chiến sĩ, một của anh Trần Văn Năm nên không thể đi nhanh. Sự chuẩn bị sơ sài và chủ quan tai hại là thế. Mãi rồi cũng thấy một khu hưng hửng sáng ở phía xa, cậu chiến sĩ biên phòng nói:

        - Chỗ ấy là đỉnh đấy! Cột mốc ở đấy!

        Nói thì gần thế thôi chứ chúng tôi còn phải chật vật một thời gian dài nữa mới lên được tới nơi...

        Đỉnh của A-pa-chải là đây! Cột mốc "không số" là đây! Cả ba chúng tôi ngồi phịch xuống chân cột mốc.

        Nghỉ đã ... Thở đã ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2020, 06:38:33 am »


        Khi "hoàn hồn" rồi, tôi lại có ý nghĩ kỳ quái là "đánh dấu" nơi mình đến theo kiểu của chó sói. Tôi rủ anh Trần Văn Năm thì anh bảo anh không... "buồn", còn cậu chiến sĩ thì nói là đã  "xử lí tình huống"... lúc gần lên đến nơi rồi. Vậy là mình tôi lẳng lặng... "tưới" xung quanh cái khối vuông, ra vẻ khoái trá lắm.

        Xong cái động tác "đánh dấu", bắt đầu chụp ảnh để khẳng định mình đã  đến đây. Lúc bấy giờ mới chưa đến 7 giờ chiều mà trời đã  tối lắm. Mây giăng kín trời và rừng rậm đã  không cho chút ánh sáng nào của buổi hoàng hôn lọt xuống được nơi đây. Chúng tôi như ngâm mình trong biển sương. Đành lấy đèn pin rọi vào mặt để chụp. Người ngồi chụp cũng mệt mà người đứng bấm máy cũng chẳng khỏe khoắn gì hơn. Vậy mà vẫn hét nhau:

        - Chuẩn bị chụp nhé! Cười lên nào!

        - Hết hơi rồi, không cười được đâu! Cứ chụp nguyên trạng như vậy kẻo sau này lại bảo là "diễn"! - tôi nói như hụt hơi.

        - Nào, thế thì chụp vậy!

        Chụp thì chụp thế thôi, có ai để ý đến chuyện phối cảnh hay ngắm nghía, tạo dáng gì đâu. Khi về đến Trạm, cho mấy anh em xem trên máy và nhất là sau khi rửa thành ảnh mới thấy mình như bị chết trôi mấy ngày dưới suối được kéo lên bờ. sắc mặt nhợt nhạt, ủ rũ... Nói chung là chẳng giống ai. Nhưng mà, đấy mới là mình lúc bấy giờ với sự thật 100 phần trăm.

        Nếu cột mốc ở Mũi Cà Mau nằm sâu ở dưới đất, được bao quanh bằng lồng kính ở phía trên thì cột mốc ở đây sừng sững đứng trên đỉnh núi. Chừng như còn to hơn cả cột mốc ở Lũng Cú. Đấy chỉ là nhận xét của cá nhân tôi thôi. Để xây được cột mốc này phải tốn tiền tỉ vì từ hạt cát, hạt xi- măng, giọt nước... đều phải cõng từ dưới chân núi lên. Thật tốn công tốn của vô cùng mới có được ’ điểm đánh dấu của biên giới quốc gia.

        Từ cột mốc "không số" này dọc theo biên giới Việt - Trung, bắt đầu đánh dấu từ số 1 trở đi, cứ mốc lẻ là ta xây, mốc chẵn bạn xây. Với biên giới Việt - Lào cũng tương tự như vậy. Đủ biết việc đánh dấu chủ quyền bằng những cột mốc biên giới tốn kém đến nhường nào...

        Đứng trên cột mốc nơi tận cùng phía Tây Bắc của Tổ quốc mới thấy thiêng liêng làm sao. Cũng giống như khi tôi đứng bên cột mốc trên cột cờ Lũng Cú, tôi cứ tự hỏi không biết bao nhiêu người đã  ngã xuống để giành giật được điểm chốt này từ xưa tới giờ và từ bây giờ về sau, liệu có còn sự giành giật, còn sự đổ máu nào cho vùng lãnh thổ nữa hay không. Việc mở mang, lấn chiếm đất đai, lãnh thổ có phải là ý nguyện của dân thường hay chi của những nhà cầm quyền... và nhiều nhiều vấn đề khác nữa...

        Tính riêng thời gian leo dốc, chúng tôi đã  "ngốn" mất gần 4 tiếng đồng hồ rồi. Khi xuống sẽ thế nào đây vì trời ngày càng tối, đèn pin chỉ có 2 chiếc, lại không dám sử dụng liên tục sợ hết pin. Lúc lên còn đang khỏe, đang hăng, khi xuống vừa mệt vừa đói, vừa khát... chẳng biết thế nào mà lần, nhưng không thể không xuống núi...

        Bên phía đất Trung Quốc, họ làm đường lên cột mốc khá đàng hoàng: lối đi có tay vịn bằng thép và các bậc được làm bằng chất liệu com-po-zit. Biết rằng "nhảy" sang đó mà đi sẽ đỡ mệt hơn nhiều nhưng không dám vì vi phạm biên giới quốc gia dễ bị ăn đạn lắm, mà rồi còn gặp rất nhiều phiền toái về sau này. Ước ao không biết bao giờ bên mình mới có được những bậc đi như vậy.

        Lên dốc có kiểu vất vả của lên dốc, xuống dốc cũng vậy. Đường xuống trơn, dễ ngã hơn, giày của chúng tôi lại là loại giày thể thao trên sân ten- nit, đế phẳng không gai, độ bám kém nên không ngã mới là lạ. Hơn nữa, lúc xuống không còn thấy lối mòn đâu cả vì lợn rừng đã  dũi, đã  cày xới, san bằng hết. Đã  gian nan lại càng gian nan.

        Cậu chiến sĩ biên phòng liên tục nhắc chúng tôi: "Đừng ngã sang phía vực nhé!".

        Khi đi lên, phía vực bên tay trái, khi xuống, vực sẽ ở bên phía tay phải, nếu "có gì" nhớ phải đổ sang phía tay trái, phía tà-luy dương còn tạm được, bằng không thì...

        Tôi và anh Trần Văn Năm không biết ai ngã nhiều hơn ai, nhưng chắc không ai dưới ba chục lần. Cứ nghe thấy tiếng "Ây à" hay "Ốp pà" thì hoặc tôi hoặc anh Năm lại "vồ ếch", có đoạn "vồ" đến mấy lần liền.

        Cũng chẳng ai thèm để ý đến chuyện mình bẩn thỉu, lấm lem thế nào nữa, chỉ chăm chắm vào bước chân làm sao bước cho vững thôi. Chiếc gậy chống khi lên dốc bây giờ chống xuống dốc làm tay phồng dộp. Đi ba chân vậy mà vẫn ngã như thường. Cậu chiến sĩ người Thái hình như không bị ngã lần nào. Tuổi còn trẻ, hoạt bát, nhanh nhẹn, hơn nữa hầu như ngày nào cũng đi thành thói quen và giày cũng được trang bị loại có đinh như giày của cầu thủ bóng đá... đă giúp cho người dẫn đường của chúng tôi tránh được những cú "vồ ếch" bất đắc dĩ.

        Khi lên dốc còn lo sợ gặp rắn rết, thú dữ... Khi xuống dốc, tất cả chỉ tập trung vào việc bước thế nào để không ngã và nếu nhỡ có ngã thì phải đổ người sang phía sườn núi. Chắc xuống được tầm nửa chặng đường, chúng tôi đứng giải lao một chút. Phải đứng vì chẳng có chỗ nào có thể ngồi được cả. Tôi hỏi cậu chiến sĩ:

        - Này, nhỡ ra tớ bị lăn sang bên phải thì thế nào nhỉ?

        - Chắc bác cũng chỉ rơi độ 6-7 mét là mắc cây thôi, chưa xuống hẳn dưới vực đâu!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2020, 03:18:17 am »


        Nghe câu trả lời hồn nhiên của chàng trai mà tôi sởn gai ốc. Rơi xuống 6-7 mét coi như rơi từ nhà hai tầng xuống đất còn gì, mà mắc vào cây nằm ở đó đợi hai bác cháu nhà anh Năm về đến Trạm thông báo rồi lại đợi lực lượng cứu hộ lên chắc phải đến tận sáng hôm sau. Thời gian mắc kẹt trong đêm mình sẽ làm gì, những gì sẽ xảy ra tiếp sau đấy?. "Họa vô đơn chí" mà! Tôi lắc đầu xua những ý nghĩ vớ vẩn ấy đi và lập tức trượt chân làm cái "oạch", tỉnh hẳn người. Không được nghĩ ngợi nữa. Phải tập trung vào từng bước chân. Tôi cứ lẩm nhẩm như vậy suốt chặng đường. Bỗng cậu chiến sĩ người Thái nói:

        - Các bác đứng ở đây đợi cháu nhé. Hình như ta bị lạc đường!

        Nói rồi cậu bước chéo sang một bên và mất hút trong bóng đêm dày đặc. Phải mất đến mươi phút không thấy cậu ta quay lại. Tôi nghĩ bụng: "Hay là cậu ta quăng bọn mình ở đây, "bỏ của chạy lấy người" chăng?". Rồi lại tự mắng mình: làm gì có chuyện ấy được!

        Kiểu lạc đường giữa rừng vào lúc đêm tối thế này tôi chưa được trải nghiệm bao giờ. Lát sau thấy ánh đèn pin lướt đến và tiếng nói hồ hởi: "Ta đi đúng đấy!".

        Mừng quá!

        Điện thoại hầu như không sử dụng được vì không có sóng. Cái "anh" Vinaphone thì chịu chết rồi, chỉ còn nhờ vào Mobiphone hoặc Viettel mà thôi, nhưng hai "anh" kia lúc này cũng... tịt ngóm.

        Khát nhưng không còn gì uống, đói nhưng chẳng có gì ăn. Tôi mệt rũ. Bữa trưa toàn nâng cốc, nâng chén chúc nhau, ăn được mấy đâu. Trong trạng thái chưa tỉnh hẳn đã  leo dốc. Mà cái trò uống rượu chếnh choáng rồi đi dốc thì nhanh mệt và phí sức lắm. Biết vậy nhưng làm thế nào bây giờ. "Đâm lao phải theo lao" thôi!

        Cũng may, đi được một đoạn nữa, tôi liên lạc được với anh Tiến. Tính giờ áng chừng chúng tôi xuống gần hết dốc, anh "phi" xe lên nhưng đợi mãi chẳng thấy tăm hơi gì, gọi điện thoại chi thấy tiếng ò e í... "ngoài vùng phủ sóng". Bóng đêm phủ mịt mùng, không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối, không tiếng muỗi kêu, không tiếng côn trùng rỉ rả, gió cũng lặng như tờ...

        Khi gặp chúng tôi, anh Tiến mới nói cái cảm giác chờn chợn lúc một mình giữa chốn hoang vu của vùng biên ải mà rồi không rõ số phận của chúng tôi thế nào nữa. Anh không dám ngồi trong xe, bước ra ngoài cũng sợ nốt thành thử "tiến thoái lưỡng nan", tới khi nghe điện thoại thấy tiếng tôi gọi thì mừng quá. Tôi nhờ anh bật đèn pha ô-tô lên để chúng tôi biết hướng mà lần xuống. Anh nói đã  bật nhưng chúng tôi chẳng thấy tí quầng sáng nào hắt lên cả. Có nghĩa là chúng tôi còn ở rất xa, có thể vẫn còn sau núi và sau đến mấy quả đồi cũng chưa biết chừng. Trạm trưởng sốt ruột, cứ mấy phút lại gọi cho chiến sĩ của mình một lần và lần nào cậu chiến sĩ cũng trả lời là sắp về đến nơi rồi để ở nhà yên tâm.

        Lời nói dối thật ngọt ngào và sao mà dễ chấp nhận đến thế. Trong ngữ cảnh ấy nếu nói thật, mọi việc sẽ rối tung lên. Người đang trên núi cũng lo mà người ở nhà càng lo hơn. Tôi cứ gật gù: "Cậu chiến sĩ này có thể liệt vào bậc có thứ hạng trong vai trò ổn định tư tưởng cho mọi người. Giỏi đấy!".

        Đúng là, nói thật khó lắm! Có phải lúc nào cũng nói thật được đâu!

        Chúng tôi cứ lếch thếch đi và vẫn bị trượt ngã như thường. Cái trò khi đã  mệt, đã  đói thì chân cẳng nó cứ run rẩy, chẳng nghe theo sự chỉ đạo của cái đầu. Biết thế mà đành chấp nhận thế...

        Đã thấy lờ mờ khu vực có vẻ quang đặng. Tôi lại gọi điện cho anh Tiến, nhờ anh bật đèn pha ô-tô lên. Lần này thì chúng tôi thấy được vệt sáng của đèn pha, tôi thông báo ngay và cảm nhận được sự phấn chấn của mình. Rồi chúng tôi cũng xuống được đến con đường dưới chân núi, ngược ánh đèn pha di chuyển về phía ô-tô.

        Đến gần xe mới nhìn lại bản thân, mới giật mình: người chẳng còn ra hồn người nữa, mặt mũi nhợt nhạt, từ chân đến đầu lấm lem bùn đất, tóc rũ rượi, bết mồ hôi. Cứ thế này mà bò lên xe thì phải rửa xe bao nhiêu lần mới sạch! Tôi cố gạt bùn đất bám quanh giày, quanh quần áo và sau khi tìm được mấy tờ báo trong xe, trải xuống dưới rồi mới dám ngồi.

        Anh Tiến nhận xét: "Trông các anh thật như đám tàn quân thất trận ấy!". Chắc thảm hại lắm khi thấy cảnh chúng tôi, nhất là tôi chống gậy đi xiêu vẹo trong ánh đèn. Từng ấy tiếng đồng hồ chỉ có leo với trèo, với vật lộn cùng triền dốc, với những cú ngã, cú trượt chân, với đói với khát thì còn ai tươi tỉnh được. Duy nhất chỉ có cậu chiến sĩ biên phòng là còn hồn nhiên thôi.

        Gần 11 giờ đêm, chúng tôi về tới Trạm biên phòng. Tôi đề nghị cho anh em tôi đi lau rửa chút đã  rồi mới vào gặp mặt. Chúng tôi tranh thủ giặt giày, thay quần áo...

        Nước lạnh làm chúng tôi tỉnh táo ra nhiều...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2020, 06:58:38 pm »


        Khổ thân mấy anh em biên phòng. Tuần trước mưa lũ, cả quả đồi đằng sau nhà sạt xuống, lấp ngang phía sau nhà. Mấy anh em có được sự trợ giúp san gạt đất đá nhưng chưa được là bao. Vừa canh gác, vừa tuần tra, vừa dẫn khách tham quan, vừa lao động xúc đất đá đổ đi..., mệt mỏi lắm chứ, vậy mà họ vẫn đợi chúng tôi về để cùng ăn cơm. Ngày thường, hơn 5 giờ chiều đã  ăn, mà hôm nay hơn 11 giờ đêm rồi.

        Trước khi ngồi vào mâm, tôi lên tiếng:

        - Thành thực xin lỗi các cháu vì bọn chú đã  để các cháu chờ đợi quá lâu, các cháu bị đói oan vì các chú!

        - Không sao đâu ạ! Thi thoảng chúng cháu cũng vẫn thế mà!

        Thật cảm kích làm sao khi được nghe những câu nói ấy. Cám ơn mấy anh em nhiều lắm!

        Tôi đói run cả chân tay. Tôi có tật xấu là khi đói, tay chân nó cứ run lẩy bẩy, chẳng thể điều khiển được. Sau chừng ba bốn chén rượu “tẩy trần", người mới hoàn hồn, bấy giờ mới bắt đầu có sự vui nhộn, một cuộc vui “vô tiền khoáng hậu", nào hát nào đọc thơ, nào giao lưu qua lại, nào bắt tay, uống kiểu khát vọng...

        Không khí vùng biên ải gần giữa đêm tưng bừng, náo nhiệt hẳn lên. Bỗng anh Tiến nói với tôi:

        Ở đây anh em còn trồng được cà-rốt, củ nào củ ấy to lắm, mọc trồi lên cả mặt đất đấy!

        - Ô, hay quá! Vậy thì nhổ cho xin vài củ để nhắm rượu đi!

        Khi "cà-rốt" được đem vào, tôi nhận ra đấy là củ cải đỏ. Tôi lấy dao cắt từng khoanh và hướng dẫn cách chấm muối làm "mồi nhắm". Mọi người uống rượu và nhắm với củ cải đỏ thích chí lắm vì chưa ai làm như thế bao giờ.

        Cuộc vui nào rồi cũng phải đến lúc kết thúc. Trạm trưởng tuyên bố:

        - Thôi, tối nay ta dừng ở đây để các bác còn nghỉ ngơi, sáng mai xuôi Điện Biên!

        - Sáng mai gì nữa! Bây giờ đã  hơn 3 giờ sáng rồi còn gì!

        Mọi người lúc đó mới xem đồng hồ. Đúng là hơn 3 giờ sáng rồi thật. Chúng tôi về phòng sắp xếp lại đồ đạc. Hai anh Năm và Tiến tranh thủ ngả lưng, còn tôi ngồi lọ mọ viết những gì cần viết. Chừng hơn tiếng đồng hồ trôi qua, tôi pha ấm trà uống cho ấm bụng, cho tỉnh táo trước lúc lên đường.

        Cuộc chia tay thật bịn rịn. Mới gặp nhau đấy thôi mà như đã  quen, đã  hiểu nhau từ lâu lắm rồi. Mới biết nhau thôi mà như đã  là người tri kỷ. Mấy anh em ở Trạm biên phòng muốn giữ chúng tôi tới hôm sau để còn đi chợ đường biên, cho biết chợ biên giới nơi cửa khẩu này thế nào, có khác biệt gì so với các chợ biên giới khác hay không, nhưng vì công việc nên chúng tôi không ở lại được, đành phải hẹn khi khác... Vậy là những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm thật ấm nồng thấm đượm tình cảm miền biên ải được thể hiện thay cho những lời nói...

        Tôi bỗng rưng rưng trong câu: "Hẹn thế nào cũng có ngày trở lại..". Đấy không phải là lời hẹn mà là một lời hứa, một lời thề thốt phải thực hiện bằng được...

        Xe lăn bánh.

        Anh em ở Trạm đứng vẫy cho tới khi chúng tôi khuất hẳn sau khúc cua.

        Chúng tôi bắt đầu nhắc lại từng kỷ niệm, rồi "kiểm điểm" lại chuyến đi. Chuyến đi thật mạo hiểm vì sự ngẫu hứng, bốc đồng kiểu manh động. Chưa một ai tìm hiểu cho đến nơi đến chốn cái mục tiêu mình đặt ra và các biện pháp cần thực hiện mục tiêu ấy thế nào đã  vội vã  ra quyết định rồi. Rất may là mọi chuyện suôn sẻ. Giả dụ một ai đó chỉ cần trượt chân, cho dù không lăn xuống vực nhưng chi sái chân, bong gân thôi, không thể đi được nữa thì việc khiêng nhau, cáng nhau thế nào giữa nơi rừng già, không đường sá vào lúc đêm hôm như thế đã  "ốm đòn" rồi chứ đừng nói gì đến những chuyện to tát khác nữa. Anh Tiến cứ nhắc đi nhắc lại: "Ân hận nhất là để hai bác đi một mình, nhỡ có "thế nào" thì chẳng biết phải giải thích ra làm sao!".

        Nhưng tất cả đã  qua, đã  ổn. Tôi lẩm nhẩm hát: "Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa. Núi sâu đèo cao bao khó khấn vượt qua...".

        Qua rồi. Tất cả vượt qua rồi. Giờ là lúc phải đảm bảo an toàn cho tới Điện Biên.

        Nắng đã  lên. Bầu trời cao vời vợi. Gió cũng cất tiếng reo và những đóa dã quỳ bên đường cũng nghiêng ngả theo nhịp vờn của gió... Chúng tôi kể những chuyện vui và những tiếng cười lại cất vang trên chặng đường hoang vắng của miền sơn cước...

        Sau đó mấy năm, khi có dịp ba anh em tôi ngồi uống rượu với nhau, anh Tiến vẫn nói:

        - Tới giờ vẫn ân hận về chuyến đi của các anh, nhỡ mà để xảy ra chuyện gì...

        - Chuyện gì đâu! Chết là cùng chứ gì! Mà chết đâu có dễ. Người xưa vẫn có câu: "Thiên cổ gian nan duy nhất tử!" đấy thôi. Âu cũng là chút bốc đồng của tuổi trẻ còn sót lại. Mà suy cho cùng, đấy cũng là lần kiểm tra "sức bền vật liệu" của hai anh em tôi thôi mà! - tôi vừa cười vừa trả lời.

        - Không thế thì làm sao có chuyến đi lịch sử được! - anh Trần Văn Năm tiếp lời.

        Đúng! Nhìn một góc độ nào đó với cá nhân chúng tôi thì đấy đúng là "chuyến đi lịch sử" thật! Những ai đã  từng một lần trải nghiệm như hoàn cảnh của bọn tôi mới thấm.

        A-pa-chải! Cái tên cứ ngân vang mãi trong tôi. Miền đất cứ ám ảnh tâm trí tôi với những gì rất thiêng liêng mà gần gũi. Chuyến đi như là vội vã  vậy thôi nhưng in đậm trong tôi bao dấu ấn không thể phai mờ và luôn thôi thúc, kêu gọi tôi trở lại.

        Tôi thầm nhủ: "Tôi sẽ trở lại A-pa-chải, sẽ lại lên đỉnh của A-pa-chải, lên cột mốc "không số". Sẽ lại gặp lại những người lính biên phòng ở Trạm biên phòng... Đấy là niềm tin, là lời hứa và là niềm mong ước!"...

        Gần đây, tôi gọi điện thoại cho Trạm trưởng biên phòng ở A-pa-chải hỏi thăm tình hình, được Trạm trưởng thông báo mọi việc ở đó vẫn tốt đẹp, cá nhân Trạm trưởng đã  chuyển đến nơi công tác mới, về gần phía Điện Biên rồi.

        Khi thấy tôi có ý định muốn trở lại A-pa-chải một lần nữa thì giọng phía đầu dây bên kia sôi nổi hẳn lên:

        - Trước khi đi, chú báo cho cháu nhé! Cháu sẽ đi cùng chú trở lại đấy và cùng chú lên núi. Cháu vẫn nhớ các chú lắm đấy! Nhớ chuyến đi của các chú, nhớ bữa ăn tối lúc gần nửa đêm và sách chú tặng cháu, cháu vẫn hay đem ra đọc đấy!

        - Cám ơn cháu nhiều! Chú cháu mình thi thoảng liên lạc với nhau nhé! Hẹn sớm gặp nhau nhé! Nhiều may mắn nhé!...

        Tôi cúp máy mà lòng cứ bâng khuâng. Tôi nghe vang vọng âm thanh của A-pa-chải đang mời gọi, thôi thúc...

        Và tôi bỗng thấy rạo rực khác thường. Hình như chút tuổi trẻ còn lại đang trỗi dậy!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2020, 08:07:04 am »


LŨNG CÚ, MÃ-PÌ-LÈNG

        Tôi vừa "làm" chuyến vào Đất Mũi Cà  Mau, ra đến sân bay Nội Bài vào lúc gần 8 giờ tối. Chưa ra khỏi ga đã  nhận được cú điện thoại:

        - Có đi Lũng Cú không?

        - Bao giờ đi?

        - Ngày mai!

        - Mấy giờ xuất phát và đón nhau ở đâu?

        - 5 giờ 30 sáng tại địa điểm X X..!

        - OK! Gặp nhau nhé!

        Tôi cúp máy. Đi thôi! Từ nơi đất mũi của Tổ quốc trở về, nay được "vèo" cái lên cực Bắc của Tổ quốc sao không đi?. Hành trang vẫn nguyên trong ba lô, có phải chuẩn bị gì đâu... Chẳng nhận lời thì sao!...

        Tôi có thói quen: trong ba lô luôn để sẵn mấy bộ quần áo, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dao cạo râu và một số vật dụng khác để có thể khoác lên vai, đi bất kể lúc nào, tới bất kể đâu, hệt như người lính thời chiến vậy. Cho nên, khi nghe lời "rủ rê" kia là tôi vui vẻ nhận luôn.

        Tôi đến nơi hẹn sớm hơn chừng mươi phút. Chuyến đi nào cũng vậy, tôi không muốn mọi người phải chờ đợi mình nên bao giờ tôi cũng chủ động đến sớm.

        Hơn chục anh em trên chiếc xe 16 chỗ xuất phát từ Hà Nội ngược Tuyên Quang rồi đi Hà Giang.

        Tuyến đường lên Tuyên Quang tôi đã  đi mấy lần rồi. Lần thì thăm sân bay quân sự đầu tiên ở Soi Đúng, nơi ấy từng ghi nhận những hoạt động của Đội huấn luyện Không quân từ năm 1947 đến năm 1951, đánh dấu chặng đường phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam. Sau khi chuyển 2 máy bay De Tiger Moth và Moraner Saunier của vua Bảo Đại từ sân bay Bình Ca lên Soi Đúng, ngày 14-9-1949, chiếc Tiger Moth lần đầu tiên in hình cờ đỏ sao vàng đã  cất cánh bay lên bầu trời, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định chủ quyền tự do trên bầu trời Tổ quốc. Lần khác, tôi lại được đến sân bay quốc tế đầu tiên là sân bay Lũng Cò, một sân bay dã chiến với chiều dài 400 mét và rộng 20 mét. Thời gian làm sân bay chỉ trong 2 ngày với lực lượng 200 người dân của 4 xã xung quanh cùng 1 đơn vị bộ đội. Loại máy bay L-5 của Không quân Mỹ đã  cất hạ cánh chở thuốc men, đạn dược của quân đồng minh giúp ta trong khoảng thời gian 2 tháng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hiện nay, chiếc máy bay L-5 vẫn còn được lưu giữ ở đó. Tiếp những chuyến sau là đi "về nguồn", từ Tuyên Quang qua Đại Từ, Thái Nguyên... vì thế, tuyến đường này tôi không lạ lẫm lắm, nhưng từ Tuyên Quang lên Hà Giang thì đây là lần đầu tiên tôi được đi nên tôi chăm chú và hăm hở vô cùng.

        Những tuyến đường ở miền núi luôn có những điểm giống nhau, cảnh vật cũng na ná như nhau, nhưng khi đến vùng cao nguyên đá, mọi thứ khác hẳn hoàn toàn. Đá! Đá thôi là đá!. Những ngọn đá tai mèo như những ngọn thương, ngọn giáo sắc nhọn đâm thẳng từ dưới đất lên, sừng sững trước gió mưa, trước mọi thời tiết khắc nghiệt, thách thức với số phận.

        Trong thời gian chiến tranh năm 1972, một anh trong đoàn bay của tôi khi chiến đấu, gặp nạn đã  phải bỏ máy bay, nhảy dù, "tiếp đất" vào vách đá tai mèo, bị gãy chân, nằm điều trị hàng năm trời nên khi tôi nhìn ngắm những vách đá ở đây, thấy người cứ gai gai. Cho dù vậy, tôi vẫn muốn ngắm cho thật kỹ. Tôi thò đầu qua cửa sổ để nhìn, mấy anh ngồi cạnh thấy vậy lôi ngay tôi vào. Các anh ấy "choáng" trước cảnh tượng mênh mông đá, mà đá đều sắc nhọn, lạnh lẽo đến lạ lùng. Ven đường không có dải bảo hiểm nên nhìn xuống cứ thấy hun hút toàn đá là đá...

        Vậy mà người Mèo ở đây đã chinh phục được đá, đã  gieo trồng các loại cây làm lương thực thực phẩm nuôi sống con người. Những mảnh ruộng bậc thang xen lẫn trong đá tạo những gam màu đặc biệt kỳ ảo. Tôi thích nhất câu nói của người dân ở nơi này: "Phải đè ngửa núi xuống mà cấy chứ!".

        Ý chí, nghị lực của họ thật phi thường. Không chỉ tìm mọi cách tạo ra và canh tác trên những thửa ruộng bậc thang mà trên từng kẽ đá, hốc đá đều được họ gùi đất lên đổ vào và tra hạt ngô. Ngô mọc lên từ đá. Màu xanh nõn nà của ngô làm dịu đi màu xám lạnh của đá tạo nên sự sống, sự yên bình. Chiếc lưỡi cày của người Mèo làm cho đá phải sợ. Nó làm bung được cả đá. Đá được xếp thành bờ ruộng, thành tường, thành bờ rào... Bàn tay của người Mèo là bàn tay của các nghệ nhân. Ngắm những công trình đá ấy mới thật khâm phục tài năng của họ, ý chí của họ... Và rồi những cánh đồng tam giác mạch với những cánh hoa nhỏ li ti cùng sắc màu rực rỡ đã  làm nên điều kỳ diệu thu hút mọi du khách, tạo thành thương hiệu ở nơi đây.

        Cao nguyên đá Đồng Văn sau này được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đấy là Công viên địa chất đầu tiên của nước ta và là Công viên thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á.

        Cao nguyên đá cách Hà Giang 132 km theo đường quốc lộ 4C với diện tích 2.350 cây số vuông ở độ cao trung bình từ 1.400 đến 1.600 mét. Đấy là nơi chứa đựng các loại hình di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học và cũng là nơi sinh sống của 17 dân tộc với nhiều phong tục tập quán, lễ hội khác nhau.

        Vùng núi đá hiểm trở và hùng vĩ ở nơi cực Bắc của Tổ quốc trải dài qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn cùng với cảnh đẹp tráng lệ và ấn tượng đã  làm say đắm lòng người.

        Đến Đồng Văn, chúng tôi thăm phố cổ, nơi mang những nét kiến trúc của đồng bào vùng cao và được biết rằng ở phố cổ này có đến hơn 40 ngôi nhà đã  tồn tại từ 100 đến 300 năm, đặc biệt ngôi nhà của dòng họ Lương thuộc dạng lâu đời nhất.

        Nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình xây dựng từ đầu thế kỷ XX, mô phỏng theo kiến trúc của Trung Quốc. Nó vừa là định thự đồng thời cũng vừa là pháo đài phòng thủ giữa vùng cao nguyên đá với diện tích hơn 1000 mét vuông. Chỉ tính riêng những chân cột đá được tạc theo hình quả thuốc phiện và dùng một số lượng lớn bạc trắng (bạc hoa xòe) để đánh bóng các chân cột ấy đã  thấy tốn kém vô cùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2020, 07:06:07 am »


        Chúng tôi không đi hết được những nơi cần đến ví như bãi đá cổ chẳng hạn. Nơi ấy, tôi tìm hiểu thấy người ta nói rằng: đấy là quần thể đá có khắc những dấu hiệu có niên đại đến 2.000 năm, đặc biệt có 7 phiến đá lớn và 2 tảng đá cực lớn (cự thạch) trên đó có khắc khoảng 80 hình đa dạng mà các nhà khoa học đang phải mất công nghiên cứu, tra cứu để tìm câu trả lời. Chắc là những chuyến đi sau, nếu có điều kiện, tôi mới có dịp ghé qua. Còn dịp này, vì thời gian có hạn, chúng tôi đành xếp lại địa danh này, dành cho lần khác.

        Chúng tôi phải đến thăm Cột cờ Lũng Cú.

        Cột cờ Lũng Cú ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển. Phía bên trái Cột cờ là thung lũng Thèn Ván, phía bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc...

        Dòng sông Nho Quế là dòng sông ngắn nổi tiếng chạy dưới chân đèo Mã Pì Lèng. Người ta ví nó tựa như dải lụa màu xanh lam giữa vùng núi non trùng điệp, còn tôi, tôi cho rằng, nó chỉ như một sợi len màu thiên thanh được đan trong tấm thảm rộng mênh mông đến hoang sơ của miền biên ải xen giữa những gam màu xám bạc của đá và những mảng màu úa vàng của vùng đồi núi cằn khô...

        Lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Mỗi tuần thay cờ một lần vì không chịu nổi cái nắng cái gió ở nơi đây.

        Tôi trèo lên đỉnh cột. Đứng đây nhìn bao quát được cả vùng rộng lớn. Tôi nhớ đến Vị Xuyên, nơi cách đây chưa lâu đã  có đến 4.000 chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền Quốc gia. Nơi ấy có những cao điểm ác liệt được gọi là "lò vôi thế kỷ". Nước mắt tôi cứ chảy ròng. Tôi biết, hàng năm, những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên vẫn tụ hội về nơi ấy, cùng hát trong nước mắt "Về đây đồng đội ơi" để tưởng niệm anh linh những người đã  ngã xuống cho sự bình yên.

        Khi tôi ở Trung đoàn Không quân đóng tại Yên Bái, từ 1979, chúng tôi đã  bay tuần tiễu, đã  trực ban chiến đấu trên không, sẵn sàng yểm trợ cho khu vực Xín Mần - Mường Khương- Vị Xuyên -  Thanh Thủy. Tôi quá biết sự ác liệt ở nơi này, nhưng không ngờ nó kéo dài tới tận năm 1989. Nếu tính từ 1979 thì đúng 10 năm tròn. Biết bao nhiêu mất mát, bao nhiêu máu xương đổ xuống trong 10 năm ấy... Làm sao mà tôi không khóc được?. Tôi thì thầm, giàn giụa nước mắt với những lời trong ca khúc "Gặp gỡ đồng đội" của nhạc sĩ Ngọc Khuê: "Đồng đội ơi! Ta về với nhau, ta trở về thăm một thời oanh liệt. Như năm xưa ta vừa mới bên nhau, mười tám đôi mươi, trời xanh biếc trên đầu. Đồng đội ơi! Mãi mãi là tình yêu thương đồng đội, mãi mãi niềm tự hào âm vang trong lòng người. Ta về với nhau, đồng đội ơi! Ta về với nhau, đồng đội ơi!"...

        Những cảm xúc cứ vỡ òa theo từng bước chân, theo từng đoạn đường, để rồi khắc sâu thêm vào trong tâm khảm mình những nỗi niềm, những lời thề thốt, những hy vọng, nguyện ước cho một tương lai tươi sáng...

        Trải qua một đêm trên vùng cực Bắc của Tổ quốc, sớm sau chúng tôi vượt Mã Pì Lèng, theo con đường Hạnh Phúc để xuôi về Hà Nội.

        Mã Pì Lèng với chiều dài 20 km, một trong "Tứ đại đỉnh đèo" của miền Tây Bắc, thuộc xã  Pả Vi, Mèo Vạc, theo tiếng Quan Hỏa là "Sống mũi con ngựa" - với hàm ý "ngựa qua đây cũng phải bạt vía, lạc hơi". Nó chính là vua của các con đèo Việt Nam, là hùng quan số 1 của Hà Giang và là nơi mà các phượt thủ luôn muốn chinh phục bởi từng có câu "Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ" (chưa đến Mã Pì Lèng chưa xứng danh phượt thủ).

        Mã Pì Lèng nằm trong quần thể của Công viên địa chất Đồng Văn - Hà Giang ở độ cao 2.000 mét, trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với Đồng Văn và Thị trấn Mèo Vạc. Đường đèo bao gồm 9 khúc quanh uốn lượn men theo tường núi dựng đứng, phía dưới là vực sâu hun hút, vừa lãng mạn vừa hùng vĩ khi nhìn xuống dòng sông Nho Quế.

        Dòng sông Nho Quế như chẻ đôi vùng giáp biên: một bên là đỉnh Mã Pì Lèng, một bên là Săm Pun - nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng của Trung Quốc.

        Cung đường Mã Pì Lèng cùng vực sâu Nho Quế - hẻm vực sâu nhất khu vực Đông Nam Á với chiều sâu khoảng 800 mét là hai đỉnh điểm mà ai đến đây cũng thấy choáng ngợp và ngất ngây đến nao lòng. Những đám mây, những vạt nắng thoắt ẩn thoắt hiện trên đỉnh đèo mang, đầy tính chất huyền bí. Khi đứng trên đỉnh đèo, bỗng thấy mình quá bé nhỏ và choáng ngợp trước phong cảnh núi sông hùng vĩ. Tôi chợt nhớ đến ca khúc "Vượt núi" của nhạc sĩ Hoàng Vân:

        "... Đường qua Trường Sơn, đường Mã Pì Lèng
        Ngọn Hoàng Liên Sơn khó mấy cũng qua
        Ngọn Tây Côn Lĩnh khó mấy cũng vượt
        Nhìn về phía xa núi vẫn tiếp núi
        Ta vẫn còn đi..."


        Đúng là con đèo ghê gớm thật!

        Để xây dựng được con đường cheo leo trên vách đá và sườn núi dốc mang tên "con đường Hạnh Phúc", đã  có hàng chục ngàn thanh niên thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc nước ta từng miệt mài đục đá, đối diện với mọi hiểm nguy rình rập ròng rã suốt 6 năm trời (từ 1959 đến 1965). Riêng đoạn qua Mã Pì Lèng, một đội quân cảm tử đã  phải treo mình trên vách núi, lấn từng xăng-ti-mét đá một trong vòng 11 tháng liền. Mỗi ngày có đến vài chục người hy sinh khi treo mình đục bức tường của đá. Đấy gần như là "Vạn lí trường thành" của Việt Nam. Hiện nay, trên định đèo vẫn còn một tấm bia ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đèo và tưởng nhớ những người đã  hy sinh để làm nên con đường mang tên Hạnh Phúc này. Có thể đọc được những dòng chữ "... Ngày khởi công: 10-9-1959. Ngày hoàn thành: 10-3-1965. Thành phần mở đường gồm...". Những dòng ngắn gọn, cô đọng thế thôi nhưng thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và máu xương của những thanh niên xung phong trong 6 năm liền.

        Nhiều con đường khác nữa trên đất nước này, nhất là trong giai đoạn chiến tranh cũng như vậy.

        Dọc đường về Hà Nội, hồn tôi như đã  neo gửi lại xứ sở miền cực Bắc của Tổ quốc. Tôi thấy thời gian của chuyến đi quá ngắn, quá gấp gáp. Tôi rất muốn quay trở lại để thêm một lần nữa được cùng sống với những người dân ở nơi đây - những người "sinh ra từ đá, sống trên đá và chết vùi trong đá", để cảm nhận được sự bình yên và hạnh phúc thật bình dị trong cuộc sống vô thường...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM