Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:25:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đối đầu không cân sức  (Đọc 8646 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2020, 12:14:37 pm »

     
        Vài trận đánh máy bay địch đi phóng Shrike mang tính chất điển hình.

        1- Trận đánh ngày 17/2/1972 của tiểu đoàn 89, trung đoàn 274.

        Khoảng 13 giờ, có một máy bay A6A vào khu vực trận địa của tiểu đoàn 89. Tiểu đoàn 89 vào cấp 1, lúc đó máy bay đã quá gần, không kịp sử dụng đài rađa nhìn vòng của tiểu đoàn. Đài điều khiển tên lửa phát sóng, phát hiện ngay mục tiêu ở cự ly 14km đang bay ra. Đạn được phóng ngay hai quả ở cự ly 15km và 16km. Máy bay A6A bay ra nên tên phi công không phát hiện được đạn tên lửa của ta đã bắn lên, lượn vòng lại và bắn loại tên lửa chống rađa kiểu AGM-78. Điểm có cự ly xa nhất vòng lượn của máy bay là 16km và máy bay đã từ cự ly đó bay vào chuẩn bị bắn tên lửa AGM-78. Tên lửa của ta đã phóng từ trước đó, bay khoảng 28 giây và gặp máy bay ở cự ly 14km khi máy bay đang lao về phía trận địa, có nhiễu nhẹ không đáng kể, đạn có điều khiển, quả một nổ tốt, quả hai vượt mục tiêu. Khi quả một gần gặp mục tiêu (cách 2-3km) thấy tín hiệu phản xạ của AGM-78 được phóng đi từ máy bay, trên màn hiện sóng góc tà, tín hiệu phản xạ của AGM-78 có góc tà cao hơn góc tà mục tiêu một ít. Sau khi quả đạn 1 nổ tốt, mục tiêu bị tiêu diệt, lúc đó AGM-78 còn cách đài điều khiển lOkm, kíp trắc thủ kịp thời chuyển sang tương đương (năng lượng phát của rađa không được phát ra ngoài) và quay lệch ăng-ten đi, AGM-78 rơi ra ngoài trận địa, lệch sang phải l km.

        Trong trận đánh của tiểu đoàn 89 ngày 17/2/1972, tôi cũng có mặt trong đài điều khiển tên lửa, có nhận xét như sau:

        • Đây là trường hợp máy bay đi lẻ, tìm trận địa tên lửa Phòng không để đánh nên thường bay vào tầm hỏa lực Phòng không, nhử cho rađa ta phát sóng, dùng phương pháp bắn thẳng.

        • Trong trường hợp tốp lẻ tìm đánh trận địa rađa, địch muốn bắn loại tên lửa chống rađa phải dùng phương pháp bắn thẳng, phải hướng về phía trận địa. Nếu trên đường bay mà địch thu được tín hiệu phát sóng của rađa thì thế nào máy bay cũng bay vòng lại. Trường họp xảy ra đối với tiểu đoàn 89 ngày 17/2/1972 là như vậy. Nếu ta bắt đầu bắn khi địch bay ra là đã tranh thủ thời gian bắn trước địch và khi địch bay vòng trở lại, đạn của ta đã gần gặp mục tiêu, lúc đó địch mới phóng được tên lửa. Do đó, đạn ta gặp địch trong điều kiện rất thuận lợi, tiêu diệt địch khi Shrike còn cách đài điều khiển đến 10km, đủ thời gian xử lý an toàn và làm cho Shrike mất cơ sở để điều khiển, rơi chệch ra ngoài trận địa.

        • Đây là một trận đánh điển hình có hiệu suất chiến đấu cao, bắn rơi chiếc máy bay đi tìm diệt trận địa tên lửa Phòng không bằng tên lửa chống rađa và bảo vệ mình. Chiếc máy bay đi tìm diệt tên lửa lại bị chính tên lửa đó tiêu diệt.

        Qua các kết quả theo dõi của ta và những lời thú nhận của giặc lái đi phóng Shrike, địch cũng gặp những khó khăn và tên lửa chống rađa cũng có những điểm yếu của nó:

        • Khi đi phóng tên lửa chống rađa, người lái khó xác định chính xác cự ly từ máy bay đến đài rađa, nhất là khi thời tiết xấu hoặc ban đêm, không thấy được điểm kiểm tra nên dễ vượt cự ly, do chọn không đúng góc kéo lên trước khi phóng để đưa Shrike vào cánh sóng rađa. Còn về hướng bắn thì có dễ hơn nhung cũng có hạn độ.

        • Tên lửa chống rađa cũng có thể bị nhiễu. Nhiễu bởi máy gây nhiễu của bản thân (khi phóng phải tắt máy gây nhiễu), cũng như các máy gây nhiễu của các máy bay bên cạnh, nhiễu bởi nhiều đài rađa khác của đối phương cùng phát sóng.

        Vì vậy, chọn được thời điểm phóng tốt cũng không phải dễ và lúc đó thường bị hỏa lực Phòng không bắn rơi.

        • Tên lửa chống rađa kích nổ bằng vô tuyến điện nên nếu đài rađa ngừng phát sóng thì sẽ không có nguồn kích nổ, phải sử dụng chạm nổ và đó là tình huống dễ bị chệch, không đánh trúng ngay được đài thu phát của rađa.

        Để bắn các loại máy bay địch đi phóng tên lửa chống rađa, có mấy vấn đề mấu chốt cần quan tâm:

        • Rađa không nên phát sóng quá sớm, khi máy bay địch còn ở xa.

        • Phát sóng nhiều lần, thời gian ngắn đủ để theo dõi địch.

        • Thành thạo đánh nhanh, đánh gần, phát sóng bắt được mục tiêu, đánh ngay được, tranh thủ bắn trước khi địch kịp thời chỉnh hướng phóng tên lửa.

        • Chọn thời điểm phát sóng bắt mục tiêu, thời điểm phóng đạn thích hợp để đạn của ta gặp địch, tiêu diệt địch trước khi tên lửa địch đến đài rađa một thời gian đủ để quay ăng-ten đi và chuyển sang tương đương (hoặc tắt cao thế).

        • Quá trình đánh địch, chú ý quan sát màn hình để phát hiện địch phóng tên lửa. Có thể kết hợp với hệ thống PA-00 để quan sát trên không, khi địch phóng tên lửa chống rađa và kịp thời báo cho kíp trắc thủ trong rađa.

        Tất cả các điều kiện đó cần được quán triệt, vận dụng một cách lỉnh hoạt, sáng tạo để đạt yêu cầu tiêu diệt địch cao nhất và bảo vệ mình.

        2- Trận đánh ngày 6/8/1972 của tiểu đoàn 79, trung đoàn 257.

        Máy bay của hải quân Mỹ thường dùng loại nhiễu xung trả lời, không dùng loại nhiễu tạp ngụy trang nên muốn đánh địch nhất thiết phải phát sóng. Máy bay của hải quân Mỹ sử dụng tên lửa chống rađa đi săn lùng tên lửa phòng không phổ biến hơn máy bay của không quân Mỹ.

        Máy bay hải quân Mỹ vào đánh khu vực cầu Diễn, Ngã tư Canh, tiểu đoàn 79 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Vân Chiến, rađa tên lửa phát sóng bắt được mục tiêu gây nhiễu xung trả lời. Tiểu đoàn đã sử dụng hệ thống quang học PA-00 hỗ trợ báo động có Shrike. Sau khi tiêu diệt được máy bay, kíp trắc thủ xử lý chống Shrike khiến Shrike nổ cách xa trận địa 400m.

        Thành công của bộ đội Phòng không - Không quân trong việc đối phó với tên lửa chống rađa của quân đội Mỹ là điều rất ấn tượng. Tuy nhiên, có không ít khó khăn, phức tạp. Đánh giá tỷ lệ bắn trúng các đài rađa của ta bằng tên lửa chống rađa của Mỹ chưa được kiểm chứng. Thời gian đầu, ta có bị thiệt hại nhiều hơn nhưng càng về sau do ta đã có kinh nghiệm thì hiệu suất đánh trúng của địch có bị giảm nên có người cho tên lửa Shrike là tên lửa "Văng sai". Tuy nhiên, tên lửa chống rađa vẫn là một loại vũ khí đáng gờm. Đối với các loại máy bay đi tìm trận địa rađa của ta để phóng tên lửa Shrike, ta đã có những phương án đối phó có hiệu quả nhưng đối với các loại máy bay lợi dụng khi ta tập trung đánh tốp máy bay cường kích hoặc đánh B-52 để phóng Shrike thì đó là điều khó khăn hơn. Trong 12 ngày đêm B-52 ném bom Hà Nội, máy bay Mỹ đã 53 lần sử dụng Shrike đánh vào các trận địa rađa cao xạ, dẫn đường, đo cao, tên lửa của ta và đã phá hủy 6 xe thu phát của các bộ khí tài tên lửa. Sau chiến tranh Việt Nam, có tin Mỹ phát triển loại tên lửa chống rađa có tốc độ nhanh có tên là tên lửa HARM (High Speed Anti Radar Missile). Trong chiến tranh tương lai, thủ đoạn sử dụng loại tên lửa chống rađa sẽ còn được dùng phổ biến ở các cuộc tập kích đường không mà chúng ta không thể chủ quan và coi thường được.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Hai, 2020, 07:17:43 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2020, 07:23:18 am »


Chương XII

TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG!

        Ngày 18/6/1965, lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam, Mỹ đưa 30 B-52 từ sân bay ở Guam vào ném bom Bến Cát thì đúng một tháng sau, ngày 19/7/1965, Bác Hồ đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân đã nói ở sân bay Bạch Mai: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, mà đã đánh là nhất định thắng”.

        Bác Hồ còn dự báo: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua”... “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

        Lời nói và lời dự báo của Bác Hồ vừa là nhận xét vừa là chỉ thị cho quân dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trận chiến đấu cuối cùng này đã diễn biến trong tương quan lực lượng như thế nào?

        B-52 VÀ SAM-2 NGANG TÀI, NGANG SỨC CỦA HAI "VÕ SĨ”!

        Chúng ta hây xét tương quan sức mạnh của tên lửa phòng không SAM-2 và máy bay B-52, coi như hai "võ sĩ” trên võ đài, một cách độc lập, khách quan về lĩnh vực kỹ thuật:

        B-52 là máy bay ném bom chiến lược, pháo đài bay, con chủ bài của không lực Hoa Kỳ.

        Máy bay B-52 là loại máy bay lớn, 8 động cơ mang theo 30 tấn bom, gấp 10 lần bom mang trên một máy bay cường kích, có trần bay cao là 20km, ném bom được từ độ cao 17km nhưng hiệu quả nhất là ném bom ở độ cao 9 - 11 km.
         

Hình 41 - Máy bay B-52 rải bom xuống mục tiêu.

        Khi B-52 vào ném bom, bay cùng B-52 có nhiều tốp máy bay cường kích đi trước khống chế các sân bay, trận địa Phòng không dưới mặt đất, nhiều tốp máy bay tiêm kích bảo vệ hai bên sườn đề phòng Mig tấn công B-52. Bên ngoài có nhiều tốp máy bay trinh sát gây nhiễu EB-66, EC-121, EA6A... và hạm tàu, gây nhiễu ngoài đội hình yểm hộ hướng đột nhập và hướng rút về của B-52.

        Trên B-52 có một trung tâm tác chiến điện tử, đầy đủ các máy trinh sát điện tử và gây nhiễu rađa, đủ các loại tần số, với số lượng 14 máy phát nhiễu tích cực được phân bố như sau: 3 máy gây nhiễu rađa sóng mét và mạng thông tin tiếp sức, 1 máy gây nhiễu rađa sóng decimet, 9 máy gây nhiễu rađa sóng 10cm và một máy gây nhiễu tự động rađa sóng 3cm đặt ăng-ten ở phía đuôi máy bay B-52 để gây nhiễu rađa ngắm bắn của Mig. Khi cần thiết B-52 có thể thả các bó nhiễu từ hai máy tung nhiễu tiêu cực để đánh lừa rađa và có hai máy thả pháo sáng đặt ở dưới hai cánh ngang của đuôi để tạo nguồn nhiệt giả. Vì rađa trên máy bay Mig-21 của ta thường bị nhiễu nên phi công ta ít sử dụng loại tên lửa không đối không kiểu K5 là loại tên lửa điều khiển theo lệnh từ rađa ngắm bắn mà thường sử dụng tên lửa không đối không kiểu K13 là loại tên lửa tự dẫn hồng ngoại, bám theo nguồn nhiệt động cơ của B-52. Vì vậy khi bị Mig-21 bám đuôi, B-52 thường bắn pháo sáng để đánh lừa loại tên lửa K13 của máy bay ta.

        Trên đây là sức mạnh vốn có của B-52 khi vào ném bom các mục tiêu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2020, 07:25:41 am »

 
        SAM-2 là loại tên lửa không đối đất do Liên Xô chế tạo, có tên gọi là Dvina với ký hiệu là SA-75 có thể bắn xa nhất là 30km và cao nhất là 25km. SAM-2 được Liên Xô triển khai vào năm 1957, năm 1960 đã bắn rơi máy bay trinh sát tầng cao U2 của Mỹ và đã được thử thách trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1965, đã bắn rơi nhiều loại máy bay của Mỹ từ máy bay trinh sát gây nhiễu EB-66, nhiều loại máy bay chiến thuật như RF-101, RA5C, F-111, F-105, F4, F8, A4, A6, A7, nhiều loại máy bay KNL tầng cao, tầng thấp v.v...

         
Hình 42 - Tên lửa SAM-2 khai hỏa.

        Có thể nói hầu hết các máy bay của Mỹ đem ra trinh sát, đánh phá miền Bắc Việt Nam đều đã bị “nếm đòn” bởi SAM-2. Riêng B-52, tính cho đến trước trận tập kích đường không bằng B-52 ra Hà Nội cuối năm 1972 thì SAM-2 cũng đã bắn rơi B-52 nhưng chưa có một B-52 nào bị rơi tại chỗ.

        Qua thử thách trong chiến đấu, SAM-2 đã nhiều lần được cải tiến, có tất cả 4 đợt cải tiến lớn với tổng số 40 nội dung lớn nhỏ cụ thể, nhằm nâng cao tính hiện đại của bộ khí tài và đối phó với các thủ đoạn kỹ thuật và thủ đoạn đánh của máy bay Mỹ như bay cơ động, bay thấp, bay nhanh, gây nhiễu, sử dụng loại tên lửa chống rađa (Shrike)... coi như SAM-2 đã được cập nhật hóa, hiện đại hóa.

        Từ quý hai năm 1966, phòng Kỹ thuật tên lửa do đồng chí Đỗ Đức Dục làm trưởng phòng và đồng chí Lê Hãn làm phó phòng được thành lập, đã góp phần quan trọng vào các nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cải tiến kỹ thuật cho bộ khí tài tên lửa và rất thành công trong việc kéo dài niên hạn sử dụng cho đạn tên lửa, nhất là trong thời gian Mỹ xuống thang chiến tranh chỉ đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở vào, số đạn tên lửa sẵn sàng chiến đấu ở phía Bắc được nạp nhiên liệu đã hết thời gian sử dụng phải được xử lý kỹ thuật.

        Đặc biệt, trong gần 6 tháng, từ tháng 11/1971 đến tháng 4/1972 trước khi Mỹ đưa B-52 ra đánh Hà Nội cuối năm 1972, có một đoàn chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam thực hiện một đợt cải tiến kỹ thuật cho SAM-2. Thật ra, việc cải tiến kỹ thuật cho SAM-2, Việt Nam và Liên Xô đã thực hiện suốt quá trình chiến tranh đánh Mỹ, chứ không phải chỉ khi đoàn chuyên gia sang lần này mới làm. Tuy nhiên đợt cải tiến này cũng rất kịp thời, có vai trò quan trọng cho tên lửa SAM-2 chiến đấu với B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ở đợt cải tiến này có 53 đài điều khiển, 296 bệ phóng, 333 quả đạn tên lửa đã được cải tiến. Có thể nhận xét, SAM-2 năm 1972 khác xa SAM-2 năm 1965, năm mà SAM-2 mới xuất hiện ở Việt Nam.

        Cuộc đối đầu lịch sử giữa SAM-2 và B-52 trong trận chiến đấu cuối cùng chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, là sự đối đầu giữa hai “võ sĩ” hạng nặng ngang tài, ngang sức.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2020, 07:27:26 am »


        BỬU BỐI CỦA ANH CHÀNG “LỰC SĨ” VIỆT NAM!

        Bước vào trận chiến đấu cuối cùng, phía Việt Nam đã thu lượm được những kinh nghiệm gì để có thể giành ưu thế? Từ năm 1967, cả 5 tiểu đoàn của trung đoàn tên lửa 238 đều đã có mặt trên đất Vĩnh Linh để nghiên cứu đánh B-52. Ngày 17/9/1967 trên trận địa Vĩnh Linh, tiểu đoàn 84, trung đoàn 238 đã bắn rơi hai B-52. Trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào đầu năm 1971 và trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị từ tháng 4/1972 đến tháng 8/1972, các trung đoàn 274, 237, 236b đã bắn rơi chín B-52, trong đó có một B52 bị thương phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Đà Nẵng. Như vậy trên chiến trường Quân khu 4 và vùng cửa khẩu giới tuyến bộ đội, tên lửa đã bắn rơi 13 B-52 nhưng không có chiếc nào bị rơi tại chỗ. Những kinh nghiệm bắn rơi và nhiều trận bắn không rơi B-52 đã giúp bộ đội tên lửa rút ra được những bài học rất bổ ích để xây dựng cách đánh B-52 sau này.

        Đường 20 chứng kiến tên lửa đánh B-52.

        Đầu năm 1968, Bộ Chính trị đã có nghị quyết xác định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã chuyển sang thời kỳ mới, thòi kỳ giành thắng lợi quyết định. Ở miền Nam, địch phải chuyển từ phòng ngự cơ động sang phòng ngự bị động, bế tắc về chiến lược chỉ đạo chiến tranh, vấp phải nhiều mâu thuẫn, không thể cứu vãn nổi.

        Ở miền Bắc, Mỹ phải xuống thang chiến tranh phá hoại, rút dần giới tuyến đánh phá. Cho đến cuối 1968, Mỹ phải ngừng đánh phá miền Bắc nước ta. Dự kiến và đề phòng địch đánh phá trở lại miền Bắc, khi thắng lợi của quân dân ta ở miền Nam phát triển mạnh, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã hết sức quan tâm đến việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó nếu địch đánh phá miền Bắc trở lại, đặc biệt là khi Mỹ sử dụng B-52.

        Vào mùa khô năm 1969-1970, để rút kinh nghiệm đánh B-52, trung đoàn 238 vào sát giới tuyến để nghiên cứu đánh B-52. Chúng tôi còn nhớ, ngày 19/12/1969, tiểu đoàn 84 được đưa vào đường 20 để đánh B-52 khi B-52 vào ném bom các trọng điểm ngầm Tà-Lê, đèo Phu-lê-nhích... Do địa hình quá chật hẹp, tiểu đoàn 84 chỉ bố trí được 2 bệ phóng ngay bên đường 20 ở Km49/50, chỉ cách đại đội 3, tiểu đoàn trinh sát nhiễu có 4-5km nên thông báo máy bay B-52 được truyền trực tiếp từ đại đội 3 đến đài điều khiển của tiểu đoàn 84.

        Tiểu đoàn 84 bố trí phục kích ở đây hai đêm. Cả hai đêm, đại đội 3 trinh sát nhiễu đều thông báo chính xác thời gian xuất hiện B-52 trước 15 phút để tiểu đoàn 84 vào cấp 1, mở máy chiến đấu và chỉ rõ hướng bay vào của B-52 để tiểu đoàn 84 sục sạo bắt mục tiêu. Đêm thứ nhất, để đánh chắc thắng, tên lửa chỉ mới mở máy thu để nghiên cứu nhiễu B-52 mà chưa đánh. Tất cả mọi người đều thấy dải nhiễu B-52 khi B-52 bay vào, góc tà dải nhiễu tăng dần và tăng nhanh rõ rệt. Đêm thứ hai, tình huống cũng diễn ra như vậy, đài điều khiển tên lửa theo dõi và bám sát dải nhiễu ở hướng mà đại đội 3 trinh sát nhiễu thông báo, phát sóng bắt ngay được B-52 ở cự ly 23km, phóng 2 đạn. Máy bay B-52 cắt bom và lượn vòng bay ra, tín hiệu phản xạ giảm đi rất nhanh nên bắn đón đã trở thành bắn đuổi, tín hiệu mục tiêu mờ dần rồi không thấy nữa, chìm trong các dải nhiễu của máy bay EB-66. Cả hai đạn đều không được điều khiển, tiểu đoàn phải rút khỏi trận địa ngay. Tôi và đồng chí La Văn Sàng, người đã cùng tôi theo dõi trận chiến đấu này, quay về đại đội 3 ở Cà-Ròn Km54, nhưng vì mệt quá, chúng tôi không leo lên đỉnh núi, noi bố trí trinh sát của đại đội 3 được mà phải nghỉ lại ở lán dưới chân núi. Vừa đặt lưng, đã có một tốp máy bay cường kích bay thấp thả bom bi, bom vướng ven đường 20 suốt dọc từ chỗ chúng tôi nghĩ đến Km49, một số bom bi đã nổ cách lán của chúng tôi có vài mét. Địch biết được tên lửa SAM-2 đánh vì sau khi ta phóng đạn, máy bay B-52 và máy bay EB-66 đều có thể thu được tín hiệu điều khiển đạn. Trong trận chiến đấu này, ta chưa bắn rơi B-52 nhưng tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên, cũng đã gửi thư hoan nghênh Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa tên lửa vào đường 20, khiến B-52 phải ngừng ném bom tuyến đường một thời gian mà Đoàn 559 đã triệt để tận dụng, đẩy cao tốc độ mùa vận chuyển phục vụ cho chiến trường miền Nam. Trận chiến đấu này không thành công, những cũng cho ta một kết luận là, rađa của tên lửa SAM-2 hoàn toàn có thể bắt được B-52 khi B-52 bay vào đến một cự ly nhất định ngay trên nền nhiễu của bản thân nó.


Hình 43 - Tín hiệu B-52 có thể xuất hiện trên nền nhiễu của bản thân nó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2020, 07:28:05 am »

       
        Xung quanh việc tên lửa bắt B-52, thời bấy giờ cũng có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho là nhiễu B-52 nặng lắm không thể bắt được mục tiêu trong nhiễu nên những người có nhận xét theo ý kiến này thì cổ vũ việc bám sát vào dải nhiễu B-52 để đánh bằng phương pháp 3 điểm. Loại ý kiến thứ hai cho là khi máy bay B-52 bay vào đến một cự ly nhất định tín hiệu phản xạ của B-52 có thể nổi được trên nền nhiễu, thường là từ 25km trở vào. Những người nhận xét theo ý kiến thứ hai này không phản đối cách đánh 3 điểm vào dải nhiễu B-52 nhưng khuyên vẫn nên phát sóng bắt B-52 chuẩn bị khả năng đánh bằng phương pháp bắn đón là phương pháp bắn chính xác nhất của bộ khí tài SAM-2. Chúng tôi thuộc loại ý kiến thứ hai và sau khi theo dõi chiến đấu ở tiểu đoàn 84 về, chúng tôi đã báo cáo với tư lệnh Quân chủng Phòng không -  Không quân Lê Văn Tri về nhận xét, đánh giá của chúng tôi. Trong cuộc họp rút kinh nghiệm chiến đấu ở sư đoàn Phòng không Hà Nội, tư lệnh đã xúc động phát biểu với các cán bộ, chiến sĩ: "Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng, tôi thiết tha kêu gọi các đồng chí hãy tích cực phát sóng đánh địch". Điều này đã là cơ sở để xây dựng cách đánh B52 và thực hành đánh B-52 sau này. Thực tiễn chiến đấu với B-52 vào ném bom Hà Nội cuối năm 1972 đã chứng minh, một số tiểu đoàn phát sóng đã bắt được B-52 và bắn rơi tại chỗ bằng phương pháp bắn đón, vượt nửa góc.

        Tại sao tín hiệu phản xạ của B-52 lại nổi lên được trên nền nhiễu của bản thân nó? Xét trên góc độ khoa học, máy phát nhiễu trên B-52 có công suất phát khoảng 300W, nếu phải gây nhiễu chặn với phổ nhiễu 100MHz thì mật độ nhiễu chỉ đạt 3W/Mhz, chưa phải là quá lớn so công suất phát cực lớn (700Kw) của rađa tên lửa SAM-2. Còn nếu gây nhiễu ngắm với phổ nhiễu 10Mhz thì mật độ nhiễu sẽ lớn hơn, có thể đạt đến 30W/Mhz, tác dụng nhiễu sẽ mạnh hơn nhưng sẽ không an toàn khi bay vào các khu vực có nhiều tiểu đoàn tên lửa Phòng không có tần số làm việc được trải rộng ra ngoài phổ nhiễu ngắm. Vì vậy B-52 phải thực hiện việc gây nhiễu chặn là chủ yếu nên mức độ tự ngụy trang nên nhiễu của B-52 có bị hạn chế. Trong khi đó máy bay B-52 lại có diện tích phản xạ hiệu dụng (50m2), lớn gấp 5 lần diện tích phản xạ hiệu dụng của một máy bay cường kích (10m2). Tất cả các điều đó, khiến ta có thể hiểu được, vì sao khi B-52 bay vào đến một cự ly nhất định, rađa tên lửa SAM-2 lại có thể bắt được B-52 để bắn rơi nó bằng phương pháp bắn đón, vượt nửa góc.

        Nhưng tại sao, chỉ khi B-52 vào đến một cự ly nào đó rađa SAM-2 mới có thể bắt được mục tiêu? Vì rằng, càng vào gần, tốc độ thay đổi cường độ tín hiệu phản xạ của máy bay lớn nhanh hơn tốc độ thay đổi cường độ của nhiễu và đến một cự ly nào đó thì cường độ tín hiệu phản xạ máy bay sẽ vượt lên cường độ của nhiễu, vì tín hiệu mục tiêu phải đi hai chiều, với sóng phát đi và sóng phản xạ về, còn tín hiệu nhiễu chi đi có một chiều từ máy bay đến đài rađa mà thôi. Cái giới hạn về cự ly mà rađa SAM-2 có thể bắt được B-52 còn phụ thuộc vào đường bay của B-52 theo hướng nhìn từ trận địa tên lửa. Chúng ta chưa có sơ đồ phân bố năng lượng cánh sóng nhiễu của máy bay B-52, tuy nhiên từ thực tiễn đánh B-52 vào ném bom Hà Nội cũng cho ta nhận xét về lời khai của giặc lái B-52 đã bị ta bắt sống là có thể chấp nhận được. Theo lời cung giặc lái B-52 thì tác dụng của cánh sóng chính là 160km, của cánh sóng đuôi là 80km và cánh sóng bên cạnh sườn chỉ còn 48km. Như vậy có nghĩa là đối với đường bay B-52 bay ngang và bay đi thì rađa tên lửa của ta dễ bắt được B-52 hơn. Đường bay có khoảng cách p càng lớn nhiễu càng nhẹ. Điều này giải thích được việc tiểu đoàn 77, trung đoàn 257, do có vị trí bố trí trận địa thuận lợi đối với các đường bay xâm nhập của B-52 khi vào đánh Hà Nội, đã phát sóng bắt được B-52 từ xa. Khi đó B-52 đã phơi bụng cho tiểu đoàn 77 bắn rơi tại chỗ bằng phương pháp bắn đón, vượt nửa góc, bám sát tự động cả 3 màn. Những chuyên gia nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị của Mỹ không phải không biết điều này vì nếu muốn gây nhiễu mạnh cả 360 độ, theo tất cả mọi hướng thì công suất máy phát nhiễu phải rất lớn. Điều đó là không tưởng vì máy bay còn phải dành trọng lượng để mang bom đạn. Đây là điểm yếu của nhiễu mà máy bay của Mỹ không dễ gì khắc phục. Vì vậy, đối với chúng ta, việc bố trí đội hình cho các đơn vị hỏa lực Phòng không là rất quan trọng để đánh địch trong nhiễu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2020, 07:28:39 am »

 
       CẨM NANG ĐÁNH B-52.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng phương án đánh B-52 từ rất sớm. Kế hoạch đầu tiên đánh B-52 được hình thành trong căn phòng của tư lệnh kiêm chính ủy Đặng Tính bên đĩa sắn nướng, có thêm phó tư lệnh Lê Văn Tri và phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu... Họ đưa ra những phác thảo ban đầu về kế hoạch đánh B-52. Phác thảo này viết bằng chữ đỏ, nét đậm, chưa được đánh máy, đề ngày 27/2/1968, hiện được lưu giữ tại bảo mật Phòng không - Không quân. Từ sau ngày hôm đó, cơ quan Quân chủng đã nhiều lần hoàn chỉnh các phương án đánh B-52. Đến phương án cuối cùng là phương án 11 đã được đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn ngày 24 tháng 11 năm 1972.

        Quán triệt các phương án đánh B-52, trên cơ sở rút kinh nghiệm bắn rơi B-52 của các trung đoàn tên lửa 238, 237, 274, 236b ở chiến trường Quân khu 4, trong chiến dịch đường

        9-Nam Lào và trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ cho phó Tham mưu trưởng Quân chủng Vũ Xuân Vinh chỉ đạo việc biên soạn tài liệu Cẩm nang đánh B-52. Tổ chức việc xây dựng được thực hiện trên cơ sở phối hợp 2 bộ phận: tổ nghiên cứu, biên soạn của Bộ Tham mưu do anh Nguyễn Sinh Huy phụ trách và tổ nghiên cứu, biên soạn của sư đoàn 361 do anh Trần Xanh phụ trách. Các cán bộ quân báo, tác huấn, khoa học quân sự của Bộ Tham mưu Quân chủng và sư đoàn Phòng không 361, như các anh Lê Tư, Chu Thái, Tô Ngội, Nguyễn Xuân Minh, La Văn Sàng, Hoàng Bảo... đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành cẩm nang đánh B-52. Cuối cùng tài liệu đã được trao đổi, thống nhất qua hội nghị ngày 31/10/1971 do tư lệnh Lê Văn Tri chủ trì. Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự Hoàng Đình Phu và phân viện trưởng điện tử Trần Thúc Vân cũng đã tham dự hội nghị bàn về cách đánh B-52 của Quân chủng  Phòng không - Không quân. Tính cho đến ngày Mỹ mở chiến dịch Linebacker II, Quân chủng còn hơn một năm để phổ biến, tổ chức huấn luyện cho tất cả các tiểu đoàn, trung đoàn tên lửa trong toàn Quân chủng. Chất lượng tài liệu "cẩm nang đánh B-52” đã được kiểm nghiệm và khẳng định qua trận bắn rơi B-52 đêm 22/11/1972 của tiểu đoàn 43 và tiểu đoàn 44, trung đoàn 263 mà Mỹ đã phải công nhận. Chiếc máy bay B-52 đó đã bị rơi ở biên giới Lào - Thái Lan, gần sân bay Nakhon Phanom. Như vậy bước vào trận chiến đấu cuối cùng vô cùng quan trọng này, bộ đội tên lửa Phòng không Việt Nam đã có trong tay “bửu bối”: cấm nang đánh B-52. Cẩm nang này đã góp phần làm lệch cán cân lực lượng cho SAM-2 so với B-52.

        Tôi muốn viết đôi dòng về tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Văn Tri: Anh Lê Văn Tri gắn bó với bộ đội Phòng không từ thời kỳ còn kháng chiến chống Pháp, tháng 3/1953 với cương vị là trung đoàn trưởng trung đoàn pháo cao xạ 37mm tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử. Trung đoàn có 6 tiểu đoàn 37 và đó là lý do để mang tên truyền thống, trung đoàn 367. Tháng 9/1954, khi đại đoàn Phòng không 367 được thành lập, anh là đại đoàn phó. Năm 1957, anh được đi đào tạo về tham mưu chỉ huy tại trường Sĩ quan pháo binh ở Liên Xô. Cùng đi đào tạo còn có đồng chí Lê Thanh Cảnh, sau này cũng gắn bó với cơ quan tác chiến Quân chủng và trung đoàn tên lửa rồi sư đoàn Phòng không. Tháng 11/1963, khi thành lập Quân chủng Phòng không -  Không quân, anh Lê Văn Tri là phó tư lệnh Quân chủng, đã có một thời gian lên công tác tại Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu với cương vị cục phó. Năm 1970, đồng chí được giao nhiệm vụ làm tư lệnh Quân chủng cùng với chính ủy Hoàng Phương chủ trì lãnh đạo chỉ huy Quân chủng khi Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta lần thứ hai và là người đứng đầu Quân chủng trong chiến dịch quyết liệt đánh trả B-52 ra ném bom Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2020, 03:32:56 pm »


        Anh Lê Văn Tri là người trầm tính, khiêm tốn, sâu sắc trong lãnh đạo chỉ huy, sâu sát đơn vị, thường xuyên đi cơ sở theo dõi chiến đấu. Khi Mỹ xuống thang, chỉ bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở vào, anh thường xuyên có mặt ở Quân khu 4, nơi mà các đơn vị hỏa lực Phòng không - Không quân của Quân chủng phải đối mặt với máy bay Mỹ. Anh Lê Văn Tri là người chỉ huy quân sự am hiểu về kỹ thuật, rất tin tưởng và ủng hộ anh em nghiên cứu kỹ thuật chúng tôi về các đề xuất chống nhiễu cho rađa, tên lửa, nhất là những vấn đề thuộc phạm vi cải tiến kỹ thuật, phải thay đổi những bộ phận của vũ khí trang bị. Chúng tôi thường nói với nhau: Bộ Tư lệnh Quân chủng  đương đầu với các cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ gồm những anh như Phùng Thế Tài, Đặng Tính, Lê Văn Tri, Nguyễn Văn Tiên, Hoàng Phương, Nguyễn Xuân Mậu, Đỗ Đức Kiên, Đoàn Huyên, Trương Công Cẩn, Hoàng Văn Khánh, Nguyễn Quang Bích..., là những người dám làm và dám cho làm mà trong đó, người quyết đoán là các đồng chí tư lệnh. Mọi thành công của công tác nghiên cứu nhiễu của chúng tôi sẽ không thể có được nếu thiếu sự nhạy bén của những người chỉ huy cao nhất đó của Quân chủng. Khi Quân chủng gặp những khó khăn, ngay cả về lĩnh vực kỹ thuật trong chiến đấu, Bộ Tư lệnh vẫn phải chủ trì đứng ra phát động quân chủng gỡ rối. Tôi rất cảm động khi đọc lại nhận xét của nguyên tư lệnh Phòng không - Không quân Lê Văn Tri viết ngày 26/10/1999 về hoạt động của phòng Nghiên cứu kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân:" Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân do đồng chí Phan Thu làm trưởng phòng trực tiếp nghiên cứu nhiễu và chống nhiễu nên góp phần vào thắng lợi đánh thắng không quân Mỹ. Tôi đã trực tiếp chỉ đạo và nắm được những đề tài của phòng Nghiên cứu, thường xuyên làm việc với đồng chí Phan Thu".

        Trong quá trình làm nhiệm vụ của mình, tôi thường xuyên được tư lệnh Lê Văn Tri gọi đi cùng xuống các đơn vị. Có những lúc tôi tự cảm thấy mình như là một trợ lý kỹ thuật của tư lệnh vậy. Tôi đã mạnh dạn trực tiếp đề xuất những nhận xét, đánh giá và yêu cầu cho công tác nghiên cứu của mình và từ đó tôi cũng hiểu biết thêm những tâm sự của người cấp trên của mình. Thí dụ vì sao anh đã bỏ được thuốc lào? Có một lần, anh được đến làm việc với Đại tướng Văn Tiến Dũng, bị đại tướng phản ứng gay gắt vì hơi khói và hơi thở đặc mùi thuốc lào của anh. Vì tức quá và với lòng tự trọng dâng cao anh đã quyết tâm bỏ được thuốc lào. Khi kể chuyện này với tôi, anh không hề có gì trách móc thái độ của cấp trên mà còn coi đó là động lực để bỏ thuốc. Có một lần anh gọi tôi cùng đi công tác vào Quảng Bình, vừa vượt sông Gianh thì trời tối, anh đưa tôi về quê anh, một làng hẻo lánh gần bờ phía nam sông. Quê anh còn nghèo lấm, nước ngọt rất thiếu. Một chậu nước ngọt không đầy mà phải làm đủ mọi việc, từ rửa mặt, lau mình đến rửa chân tay. Bà con biết anh về kéo đến thăm rất đông, mang đến cho anh tình cảm mặn nồng của dòng sông quê hương, trong khi máy bay Mỹ vẫn đang ném bom bên bờ bắc. Gia đình anh không ít khó khăn. Anh có bốn người con, ba trai một gái, trong đó có hai cậu con trai khiến anh phải bận tâm nhiều nhất. Cậu con trai lớn thì bị bại liệt trong đợt dịch cúm bại liệt ở Hà Nội những năm đầu của thập niên 60, cậu con trai út thì bị chó dại cắn nên di chứng của sự việc đó đã ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của cậu bé.

        Anh còn nói với tôi là anh rất muốn viết hồi ký về những năm tháng anh tham gia chiến đấu chống Pháp ở vị trí người lính bộ binh và những năm tháng chống Mỹ, anh đã trăn trở nhiều để tìm cách nâng cao sức chiến đấu cho Quân chủng Phòng không - Không quân. Lần lữa mãi, anh chưa viết được. Anh dự định khi nào về nghỉ sẽ viết nhưng lại bề bộn việc gia đình, vợ con đau ốm. Sau khi vợ anh bị xuất huyết não và bỏ anh đi trước, anh vẫn chưa thực hiện được nguyện vọng của mình. Từ đó, sức khỏe của anh càng giảm sút nhiều và anh đã ra đi sau một thời gian bị tai biến mạch máu não, mang theo những câu chuyện chiến đấu của anh và của những đơn vị anh từng công tác mà anh chưa kịp viết ra.

        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh đã chỉ đạo Không quân ta sử dụng máy bay A-37 thu được của địch khi giải phóng Đà Nẵng, Phan Rang bay vào ném bom sân bay Tân Sơn Nhất góp phần vào sự tan rã nhanh chóng của quân Ngụy ở Sài Gòn. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, anh được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 4 một cách xứng đáng. Năm 1977, anh lĩnh trách nhiệm xây dựng ngành Kỹ thuật của quân đội ta với cương vị người chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Kỹ thuật, mà sau này Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là đơn vị kế tục. Anh là người có công xây dựng ngành Kỹ thuật quân sự và ngành Công nghiệp Quốc phòng nước ta. Hiện nay, trong lịch sử của Quân chủng Phòng không - Không quân của Tổng cục Kỹ thuật, chúng ta có ít tư liệu về người cán bộ năng nổ, sâu sát chiến đấu và có tính quyết đoán này, anh Lê Văn Tri.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2020, 03:33:28 pm »


        Hà Nội, khắc tinh của B-52

        Ngày 16/4/1972, từ 3 giờ sáng đến 16 giờ chiều, Mỹ huy động 270 lần chiếc máy bay trong đó có chín B-52 vào đánh Hải Phòng và pháo hạm phối hợp bắn vào khu vực Đồ Sơn. Ở đây, ta có hai trung đoàn tên lửa 238 và 285 đã đánh trả quyết liệt, phóng đến 93 quả đạn tên lửa nhưng không bắn rơi một chiếc B-52 nào. Cùng ngày, từ 9 giờ đến 10 giờ, Mỹ sử dụng 60 lần chiếc máy bay chiến thuật bay ở độ cao 7 km đến 8 km đột nhập bầu trời phía tây Hà Nội. Bộ đội rađa cảnh giới thông báo nhầm là B-52 vào đánh Hà Nội. Hai trung đoàn tên lửa 261 và 257 bảo vệ Hà Nội cũng đã phóng 36 quả đạn tên lửa, đạn đều vượt mục tiêu, tự hủy. Sau các trận đánh đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng họp, kịp thời rút kinh nghiệm, tự phê bình và đã nhắc nhở, phê bình bộ đội. Lúc đó, Quân chủng  cũng có đánh giá, cho là địch có thủ đoạn đánh phá mới, cải tiến các thiết bị gây nhiễu mới mà ta thì chưa thay đổi cách đánh cho phù hợp. Đánh giá như vậy có thể đúng một phần, nhất là riêng đối với trường hợp máy bay cường kích đột nhập bầu trời phía tây Hà Nội. Nhưng sẽ phải trả lời sao đây, chỉ sau đó một thời gian ngắn, vẫn những thủ đoạn và thiết bị gây nhiễu đó của Mỹ, các trung đoàn tên lửa 261, 257 đã đánh những trận tuyệt vời bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 ra ném bom Hà Nội, và ngay tiểu đoàn 72, trung đoàn 285 từ Hải Phòng lên tăng cường cho Hà Nội cũng đã bắn rơi tại chỗ B-52 xuống làng Ngọc Hà. Tất cả cái đó nói lên điều gì?

        Sự kiện B-52 vào đánh Hải Phòng và sự kiện nhầm lẫn B-52 với cường kích vào Hà Nội ngày 16/4/1972 là nghiêm trọng, cần được đưa ra xem xét nghiên cứu. Tuy nhiên thắng lợi sau đó của ta, khi B-52 vào ném bom Hà Nội, đã phần nào làm nhẹ tính nghiêm trọng mà cho đến tận gần đây, tháng 12/2012, khi kỷ niệm 40 năm đánh thắng B-52, các nhà báo vẫn đặt câu hỏi tại sao lại như vậy? Có người đặt vấn đề về trình độ của bộ đội tên lửa ở Hải Phòng kém. Có người còn hỏi đùa: “Có phải tên lửa ta đánh lừa địch để địch chủ quan, ngạo mạn, bẫy địch vào Hà Nội để cất “mẻ lưới” lớn hơn?”. Chẳng phải trình độ tên lửa Hải Phòng kém và cũng chẳng phải là đánh lừa địch gì hết, mà chính là ở đây có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Những nhà khoa học quân sự Phòng không - Không quân nên đặt lên bàn xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho tương lai.

        Tôi xin mạnh dạn nêu lên một vài suy nghĩ như sau:

        • Thứ nhất là, máy bay B-52 vào đánh Hà Nội, xuất hiện nhiều điểm yếu hơn so với khi vào đánh Hải Phòng. Khi B-52 vào đánh Hà Nội, chúng ta đã tận dụng được và làm sâu sắc hơn những điểm yếu đó, khiến B-52 không kịp xoay sở (những điểm yếu này khi B-52 vào Hà Nội sẽ được phân tích, làm rõ hơn ở đoạn tiếp theo). Trong khi B-52 vào đánh Hải Phòng lại không xuất hiện những điểm yếu đó, hoặc nếu có thì không rõ ràng. Do vậy, khi B-52 vào Hải Phòng, B-52 được nhiễu ngoài đội hình của EC-121, EA6A và hạm tàu vào gần hơn, yểm hộ hiệu quả hơn nên cường độ nhiễu cũng nặng hơn. Nhiễu quá nặng khiến ta khó bắt được B-52 để đánh bằng phương pháp bắn đón. Nhiễu B-52 trùng khớp với nhiễu ngoài đội hình cả về góc tà và góc phương vị, khiến ta không phân biệt được dải nhiễu ngoài đội hình và dải nhiễu trong đội hình nên khó chọn đúng dải nhiễu của B-52 để đánh bằng phương pháp 3 điểm. Ở Hà Nội còn có 2 tiểu đoàn được trang bị rađa K8-60 và sau lễ Noel, các rađa K8-60 trên yếu địa Hà Nội đều được sử dụng để bắt B-52 phục vụ cho chỉ huy.

        • Thứ hai, đường bay B-52 đánh Hải Phòng, vào nhanh, ra nhanh và hầu hết là trên biển, rất khó triển khai cách đánh mà Cẩm nang đánh B-52 đã đề ra. Đường bay B-52 vào đánh Hà Nội đúng như ta đã dự đoán, theo hướng tây nam, tây bắc là chính, cũng có trường hợp theo hướng đông bắc, có các điểm kiểm tra nhất định, B-52 bay một đoạn bay dài trên đất Thái Lan, ta có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.

        • Còn đối với trường hợp máy bay chiến thuật bay ở độ cao 7 km - 8 km xâm nhập từ phía tây vào Hà Nội, cả hai trung đoàn tên lửa 261 và 257 đều bắn đến 36 quả đạn nhưng không bắn trúng chiếc máy bay nào là do bị nhầm lẫn là B-52 nên đã sử dụng cách đánh B-52, trong khi địch sử dụng máy bay chiến thuật, bay rất cơ động với tốc độ lớn và máy gây nhiễu ALQ-87 có công suất lớn, tên lửa ta phát sóng không bắt được mục tiêu; còn khi sử dụng bám sát dải nhiễu để bắn bằng 3 điểm thì đã không bám sát chính xác đúng được vào dải nhiễu của một chiếc máy bay, trong khi địch bay với đội hình tốp cách tốp và chiếc cách chiếc xa nhau hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2020, 04:12:38 pm »


        Tôi nghĩ, sự thất bại của ta trong hai trận địch đánh vào Hải Phòng và Hà Nội ngày 16/4/1972 là ở trong tình huống khác với khi Mỹ đưa B-52 vào đánh Hà Nội cuối năm 1972.

        • Đối với Hà Nội, thiên thời địa lợi của Hà Nội, đã tạo thêm sức mạnh cho SAM-2 và giảm đi nanh vuốt của con "ngáo ộp" B-52. Một điều thú vị là, khi B-52 vào đánh Hà Nội, thiên thời địa lợi đã không ủng hộ B-52. Vì sao vậy? Vì rằng, Hà Nội ở sâu trong đất liền, khi B-52 càng bay vào thì góc tà của nó càng bị nâng cao, nên đã thoát ra khỏi sự yểm trợ của các cơ sở gây nhiễu từ xa ngoài đội hình như nhiễu của máy bay EB-66, EC-121, EA6A và hạm tàu, luôn giữ ở góc tà thấp, khiến B-52 lúc này chỉ còn dựa vào máy gây nhiễu của bản thân, tạo điều kiện cho rađa tên lửa SAM-2 bắt được B-52. Mặt khác, do các dải nhiễu B-52 đã thoát ra khỏi dải nhiễu ngoài đội hình, với đội hình bay của tốp B-52 rộng hơn so với đội hình của tốp máy bay cường kích nên dải nhiễu của B-52 thường bị tách dải, dải nhiễu xuất hiện rõ và gọn hơn. Trong trường hợp đó, chỉ cần phải chọn dải nhiễu góc tà hoặc điểm ngắm của dải nhiễu góc tà sao cho phù họp với dải nhiễu góc phương vị để thống nhất vào một chiếc B-52 mà thôi.


Hình 44 - Càng vào gần, B-52 càng tách khỏi sự yểm trợ nhiễu ngoài đội hình.

        Về nhân hòa thì phải khẳng định quyết tâm của phía Việt Nam từ trên đến dưới một lòng quyết tâm bắn rơi B-52. Còn về phía Mỹ, sau trận B-52 vào đánh Hải Phòng và máy bay chiến thuật bay giả B-52 vào Hà Nội ngày 16/4/1972, SAM-2 của ta đã bắn nhưng không rơi một chiếc máy bay nào càng làm cho Mỹ ngạo mạn.

        Nhà sử học không quân Mỹ Greenwood đã viết: "Năm trận đánh của B-52 hồi tháng 4 năm 1972, đặc biệt trận đánh Hải Phòng đã làm mê hoặc các nhà hoạch định chính sách Mỹ”. Các tướng lĩnh ở Lầu Năm góc đưa ra những lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột: "Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống rađa Bắc Việt, có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương” - “Giờ đây không quân Mỹ có thể ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Bắc Việt Nam như đi vào chỗ không người” - “B-52 chi có thể bị rơi do thời tiết hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của bộ đội Phòng không - Không quân Bắc Việt”. Sự kiêu ngạo của Mỹ đã làm hại B-52 và các phi công lái B-52 vào đánh Hà Nội sau đó.

        Một thuận lợi lớn nữa cho SAM-2 và Hà Nội là từ 9/9/1972 đến 7/10/1972, các rađa cảnh giới dẫn đường P-35, PRV-11, P12 đã được tiến hành một đợt cải tiến kỹ thuật, góp phần phát hiện sớm B-52 giúp cho SAM-2 và Hà Nội chủ động sẵn sàng chiến đấu. Nói đến vai trò của binh chủng rađa đối với việc bắt B-52 phải kể đến giai đoạn luyện tập bắt B-52 dưới một khẩu hiệu nổi tiếng “vạch nhiễu tìm thù” của binh chủng  rađa, mà tư lệnh binh chủng Lương Hữu Sắt là người đã tổ chức một cách quyết liệt và khoa học cho trắc thủ rađa từ những năm 1967-1968. Tư lệnh binh chủng rađa Lương Hữu Sắt là người rất chín chắn và rất kiên định với các quyết định của mình. Khi địch leo thang chiến tranh phá hoại lần thứ 2, cục trưởng cục Kỹ thuật Lương Hữu Sắt là người đã đôn đốc và tự mình bám sát chiến đấu để bảo đảm kỹ thuật cho tên lửa, sửa chữa khí tài và bảo đảm đạn cho bộ đội tên lửa chiến đấu đánh B-52.

        Tất cả những điều đó khiến SAM-2 được tăng điểm so với B-52. Hà Nội đã trở thành khắc tinh của B-52.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2020, 04:21:38 pm »

     
       “ANH CHÀNG CỔ LỖ SĨ” VẠCH MẶT B-52!

        Người đặt tên một loại rađa là “anh chàng cổ lỗ sĩ” là thiếu tướng Nguyễn Xuân Mậu (nay là trung tướng), nguyên phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong hồi ký Bảo vệ bầu trời do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 1982, ở trang 304, ông viết: "Rõ rằng, dù phương tiện chiến tranh có phát triển hiện đại đến đâu, đôi khi một biện pháp thô sơ cũng góp phần làm nên chiến thắng. Xuất phát từ suy nghĩ như thế, đồng chí Phan Thu đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân chủng cho sứ dụng loại rađa thuộc thế hệ sắp đưa vào bảo tàng, dùng để bắt B-52. Và kết quả thật bất ngờ! Trong chiến dịch 12 ngày đêm, chính loại máy này đã bắt được B-52 dễ dàng hơn các loại máy khác, bởi hai lẽ:

        Một là, trong khi nghiên cứu chế tạo máy gây nhiễu, những nhà khoa học Mỹ đã không đếm xỉa gì đến cái anh chàng “cổ lỗ sĩ” ấy.

        Hai là, đây mới là chủ yếu - rằng chúng ta đã biết sắp xếp cho anh chàng này đứng đúng vị trí của mình (đúng như thế nào - đó là điều bí mật quân sự, mong bạn đọc thông cảm) nên mắt thần của anh chàng lạc hậu đó đã sáng trở lại, dễ dàng rọi lên tận chín tầng mây vạch nhiễu, nhìn rõ B-52 để báo cho tên lửa ta tiến công chúng”.

        Đài rađa đó, cái “anh chàng cổ lỗ sĩ" đó, có tên là rađa K8-60 trang bị cho pháo Phòng không tiểu cao 57mm. Anh Nguyễn Xuân Mậu thi vị hóa, gọi nó là anh chàng “cổ lỗ sĩ” chứ thực ra nó là loại hiện đại thời bấy giờ, nó còn hiện đại hơn cả rađa COH-9A vì nó chính là rađa COH-9A nhưng có thêm một tần số làm việc ở dải sóng 3cm.

        Hiện nay, không còn yếu tố bí mật nữa, tôi xin được trình bày đôi nét về đề tài cải tiến lắp truyền phần tử mục tiêu từ rađa K8-60 sang đài điều khiển tên lửa SAM-2.

        Việc chuẩn bị đánh B-52 đã được Quân chủng Phòng không - Không quân bắt đầu từ năm 1968, tuy thời gian này, máy bay B-52 chưa ra đánh phá miền Bắc Việt Nam. Việc trinh sát, phân tích nhiễu B-52 cũng được tiến hành ngay từ khi trong tay chúng ta chưa có một xác máy bay B-52 nào để đối chứng chính xác về các thiết bị trinh sát và gây nhiễu trên máy bay B-52. Nhưng qua kết quả trinh sát nhiễu suốt từ năm 1968 đến năm 1970 của đại đội trinh sát nhiễu bố trí Ở Cà-Ròn Km54 đường 20, khi B-52 vào đánh các trọng điểm trên tuyến đường 559, chúng tôi phát hiện B-52 không gây nhiễu đối với các rađa của lực lượng Phòng không mặt đất làm việc ở dải sóng 3cm. Trong khi đó, trang bị của chúng ta lại có một loại rađa pháo làm việc ở dải sóng đó. Phát hiện đúng sơ hở này của Mỹ, phòng Nghiên cứu Kỹ thuật đã đề xuất một đề tài cải tiến kỹ thuật để giúp rađa tên lửa SAM-2 chống nhiễu B-52. Việc ghép hai loại rađa phải đảm bảo chính xác về phần tử mục tiêu, thuận tiện trong thao tác và không làm ảnh hưởng đến các chế độ làm việc của bộ khí tài tên lửa. Tôi được giao chỉ đạo và triển khai đề tài cải tiến này, có sự tham gia của của các anh: Hoàng Văn Khoa, Hoàng Thế Kỳ, Nguyễn Văn Tham, Nguyễn Quý Quốc, Trịnh Ngọc Xiển, La Văn Sàng. Họ đều là các kỹ sư của phòng Nghiên cứu Kỹ thuật, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Nội dung cải tiến được lắp ở 3 nơi: trong xe rađa K8-60, trong xe điều khiển (xe PA) và trên nóc xe thu phát (xe YA) của SAM-2. Việc truyền phần tử được tự động, thông qua một hệ thống selsyn phát selsyn thu và selsyn biến thế.

        Để đề tài cải tiến được chấp nhận và đưa vào phục vụ chiến đấu phải trải qua nhiều công đoạn, có sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng. Quá trình đó đã được thực hiện như sau:


Hình 45 - Sơ đồ liên hệ giữa rađa K8-60, xe thu Phát (PA) và xe điều khiển (YA)


Hình 46 - Sơ đồ mạch điện giữa rađa K8-60 với xe thu phát và xe điều khiến.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM