Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:37:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đối đầu không cân sức  (Đọc 8765 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2020, 06:55:42 pm »


        MÁY GÂY NHIỄU ALQ-87

        Khi quân đội Mỹ leo thang chiến tranh lần thứ hai ra miền Bắc nước ta, một số máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đã thay ALQ-71 bằng ALQ-87. Tháng 9/1972, Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu và công bố tài liệu về máy gây nhiễu ALQ-87, trong đó có sơ đồ cánh sóng nhiễu của máy gây nhiễu ALQ-87, góp phần vào việc chống nhiễu đối với một số loại máy bay chiến thuật của không quân Mỹ trong những tháng còn lại của chiến tranh.

        Với công suất phát lớn hơn của ALQ-87, đội hình QRC của tốp máy bay cường kích không quân Mỹ có điều kiện nới rộng hơn, nhằm đối phó lại với việc bám sát dải nhiễu để thực hiện cách đánh 3 điểm của ta.


Hình 38 - Máy gây nhiễu ALQ-87.
       
        MÁY GÂY NHIỄU ALQ-51 CỦA HẢI QUÂN MỸ

        Máy gây nhiễu ALQ-51 là loại máy gây nhiễu trả lời (sau khi thu được tín hiệu rađa của ta thì phát nhiễu trả lời), được đeo trên các loại máy bay chiến thuật của hải quân Mỹ (A4D, A4E, A6A, A7A, F8U, RA5C v.v...). Chúng ta còn phát hiện ALQ-51 được lắp trên máy bay KNL tầng cao 147F (Q2C) bị tên lửa Phòng không ta bắn rơi tháng 9/1966.

        Qua phân tích nghiên cứu, chúng tôi phát hiện một số tính năng của máy gây nhiễu ALQ-51 như sau:

        ALQ-51 có tác dụng gây nhiễu tự vệ, chuyên dùng để đánh lừa các loại rađa điều khiển hỏa lực phòng không làm việc ở dải sóng 10cm, ở chế độ phát sóng xung, phát sóng liên tục và nửa liên tục.

        Đối với đài rađa phát sóng liên tục hoặc nửa liên tục thì làm cho đài rađa không thể bám sát tự động theo tốc độ.

        Đối với đài rađa phát sóng xung thì làm cho đài rađa không thể tự động bám sát về cự ly và tọa độ góc. Việc làm mất bám sát tự động về tọa độ góc có thể tác động vào cả loại rađa có ăng-ten quét hở cũng như quét kín. ALQ-51 cũng có thể tạo ra mục tiêu giả.

        Phạm vi tần số làm việc: 2000 - 4000Mhz.

        Công suất phát: Phát liên tục: 50W và phát xung: l-2Kw.

        Cánh sóng nhiễu: Các máy bay A4, A6, A7 có ăng-ten được lắp ở đầu máy bay nên góc gây nhiễu về mặt phẳng nằm ngang là 110-150 độ và về mặt phẳng thẳng đứng là 120 độ.

        Cự ly gây nhiễu: khi bay ở độ cao 3km cự ly gây nhiễu đối với rađa tên lửa SAM-2 là 54km và đối với rađa pháo COH-9A là 45km. Khi bay ở độ cao 15km cự ly tác dụng tối đa là 96km.

        Gây sai lệch về cự ly là 700m và về tọa độ góc là 3-4 độ.

        Máy gây nhiễu ALQ-51 sử dụng cho máy bay KNL tầng cao chỉ khác các ALQ-51 sử dụng cho các loại máy bay chiến thuật ở chỗ được lắp thêm một hệ thống khống chế mở máy làm việc với tần số 700-850MHZ là tần số của tín hiệu RPK, tín hiệu điều khiển đạn tên lửa của SAM-2 khiến ALQ-51 chỉ mở máy gây nhiễu khi bị tên lửa SAM-2 bắn.

        Nguồn điện 28V một chiều và 115V-400HZ xoay chiều.

        Hải quân Mỹ kiên trì sử dụng máy gây nhiễu ALQ-51 suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.

        Trên đây là những nội dung có liên quan để phục vụ việc chống nhiễu xung trả lời của hải quân Mỹ khiến ta bắn không trúng được mục tiêu, nhất là khi máy bay của hải quân bay thấp, lợi dụng các tín hiệu phản xạ của núi non để lẩn vào đó làm cho việc phân biệt mục tiêu thật với nhiễu xung và tín hiệu phản xạ địa vật càng khó khăn hơn. Thời gian đầu, việc đánh các loại máy bay mang nhiễu xung trả lời rất khó, đạn luôn bị lệch rất xa.

        Khi trắc thủ rađa COH-9A và rađa SAM-2 kiên trì luyện tập bám sát mục tiêu bằng tay trong trường hợp có nhiễu xung trả lời thì việc bắn rơi máy bay chiến thuật của hải quân Mỹ được nâng lên rõ rệt. Còn trong trường hợp có nhiễu mục tiêu giả, có cả một dãy xung không rõ xung nào là tín hiệu mục tiêu, xung nào tín hiệu giả thì ta có thể bắn bằng phương pháp 3 điểm trên cơ sở bám sát vào dãy xung nhiễu. Do đó cũng đã có một đề tài cải tiến thay đổi tần số xung phát cho rađa COH-9A để làm lộ mặt nhiễu giả của ALQ-51.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2020, 05:03:04 am »


Chương VIII

KẺ ĐI LỪA CŨNG BỊ LỪA!

        Thủ đoạn gây nhiễu xung trả lời là biện pháp đánh lừa siêu hạng. Với thủ đoạn này, máy bay của hải quân Mỹ cũng nhiều phen thoát nạn. Tôi xin kể câu chuyện về kẻ đi lừa cũng bị lừa như thế nào:

        RACÓT ĐÂU CÓ PHẢI LÀ RAKÉT!

        Ngày 13/2/1965, Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh đánh miền Bắc ra ngoài vĩ tuyến 20. Việc chống trả của lực lượng phòng không Việt Nam trở nên quyết liệt hơn.

        Ngày 27/3/1965, tên lửa PK-SAM-2 có mặt ở Việt Nam. Sau thời gian chuyển binh chủng, trung đoàn tên lửa đầu tiên 236 của Việt Nam ra quân, quyết đánh thắng trận đầu. Trung đoàn giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64 làm hai mũi xung kích. Bộ Tư lệnh Quân chủng cũng trực tiếp theo dõi chỉ đạo trận ra quân này. Đội hình chiến đấu có ba cụm: Cụm A có tiểu đoàn 63 bố trí ở chùa Ghề, Yên Kỳ, Trung Hà, với 5 đại đội pháo 57mm, 2 đại đội pháo phòng không tự hành bảo vệ. Cụm B có tiểu đoàn 64 bố trí ở khu rừng Vô Khuy, với ba đại đội pháo 57mm, một đại đội pháo 37mm, hai đại đội pháo phòng không tự hành bảo vệ. Cụm c là sở chỉ huy tiền phương Quân chủng và sở chỉ huy trung đoàn 236, với năm đại đội pháo 100mm, mười khẩu 14,5mm 4 nòng, một trung đội súng máy 14,5mm bố trí ở điểm cao 600 núi Ba Vì để đón lõng đánh máy bay địch bay thấp.

        Việc chuẩn bị cho tên lửa ra quân được thực hiện rất tỉ mỉ, chu đáo trong khi nhà cầm quyền Mỹ vẫn cho là sớm nhất thì giữa năm 1966 ta mới có thể huấn luyện xong bộ đội tên lửa Phòng không. Chúng ta triển khai xong đã 3 ngày mà quân địch chưa đến. Ngày 24/7/1965 lúc 15 giờ 30 toàn cụm được lệnh vào cấp 1, nhiều tốp máy bay địch bay đến khu vực Mộc Châu, Son La thì tách tốp. Có 2 RF-101 trinh sát phía tây thành phố Việt Trì, Phú Thọ, một tốp bốn F4 bay theo trục sông Đà, theo đỉnh núi Lưỡi Hái lên hướng bắc làm nhiệm vụ chặn kích, đối phó với máy bay Mig từ các sân bay Nội Bài và Hòa Lạc. Một tốp bốn F4 khác bay vào khu vực ta đang phục kích ở độ cao 7 km. Tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64 đều bắt được tốp máy bay này. Cả hai tiểu đoàn đều bắn, đạn của tiểu đoàn 63 gặp mục tiêu ở cự ly 25 km, đạn của tiểu đoàn 64 gặp mục tiêu ở cự ly 23 km. Một chiếc F4C bị tiêu diệt. Đây là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Sau chiến thắng cả hai tiểu đoàn đều di chuyển bảo đảm an toàn. Ngày 25/7/1965, các trận địa cũ của tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64 được thay bằng những quả tên lửa giả làm bằng tre nứa và cót, được gọi là "Racót" gần đồng âm với “Rakét” (rocket/ hỏa tiễn). Đội hình các cụm pháo cao xạ vẫn giữ tại chỗ để nhử địch trở lại, hốt thêm một mẻ nữa.

        Bị tên lửa Phòng không Việt Nam ra quân đánh thắng trận đầu, tổng thống Mỹ rất bực bội, và ngày 27/7/1965 đã ra lệnh hủy diệt hai trận địa tên lửa SAM-2 đó. Từ 6 giờ 45 sáng, hai RF-101 vào trinh sát từ hướng tây nam. Lúc 13 giờ 40 phút, có 50 máy bay cất cánh từ Thái Lan, trong đó có 36 F-105, máy bay tiêm kích F4, máy bay tiếp dầu, hai trực thăng HH-53 và hai AD6 hộ tống cho máy bay trực thăng. Rada COH-9A của các đại đội pháo cao xạ đã bắt được mục tiêu ở cự ly 30- 40km nhưng chúng hạ độ cao, lẻn vào địa vật ở dãy núi Ba Vì, Lưỡi Hái nên rađa bị mất mục tiêu. Đúng 14 giờ 10, pháo cao xạ đánh tốp F-105 từ bắc đỉnh núi Lưỡi Hái lao xuống trận địa tên lửa giả ở Chùa Ghề. Biên đội đi đầu bị đánh bất ngờ, quẳng bom bừa bãi rồi bay ra. Biên đội sau cứ hai chiếc một vào ném bom. Phút thứ 8, một F-105 bị bốc cháy. Một tốp F-105 khác từ khe núi phía tây núi Tản Viên bổ nhào vào trận địa giả Vô Khuy. Phút thứ 12, một F-105 rơi xuống rừng Thanh Sơn, Phú Thọ, phi công nhảy dù, được trực thăng của chúng cứu thoát. Phút thứ 15, hai trực thăng có hai AD6 yểm trợ lao vào cứu phi công, bị pháo 100mm bắn, một AD6 rơi ở chân núi Lưỡi Hái, các trực thăng tháo chạy. Đến phút 40, cụm A bắn rơi một F-105, cụm B cũng bắn rơi một F-105. Kết thúc trận đánh, ta đã bắn rơi năm máy bay tại chỗ.

        Trận ra quân của tên lửa Phòng không và trận nhử địch, đánh lừa địch bằng “Racót" đã thắng lợi giòn giã. Kẻ đi lừa đã bị lừa và thất bại nhục nhã. Sáng sớm ngày 28/7/1965, đài tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin: "Các phi công tham dự cuộc tấn công đã tường trình rằng, một trong 2 cơ sở phi đạn đất đối không của Bắc Việt bị hoàn toàn tiêu hủy và cơ sở thứ hai cũng bị thiệt hại nặng”. Mãi một tuần sau, Lầu Năm góc mới đánh giá lại: “Kết quả oanh tạc tuần trước vào hai căn cứ phi đạn ở tây bắc Hà Nội hiện đang bị những điều bí ẩn bao trùm!”.

        Bị đòn đau nhưng Mỹ vẫn chưa thấm, ngày 11/8/1965, tại trận địa Xích Thổ, tiểu đoàn 61 bắn rơi một F-4E và bắn bị thương một chiếc khác nhưng ngày 13/8/1965, Mỹ vẫn đánh nhầm vào trận địa giả ở Xích Thổ bằng nhiều tốp F4 và F8 bay thấp. Hai mươi ba đại đội pháo cao xạ cùng bộ đội địa phương huyện Gia Viễn, Ninh Bình nổ súng đánh địch quyết liệt, bắn rơi sáu máy bay Mỹ. Hôm sau, Đài tiếng nói Hoa Kỳ thú nhận: “Là một ngày thiệt hại nặng nề của không lực hạm đội”. Như vậy, trận hôm trước không quân Mỹ nhận đòn, để “công bằng” giữa không quân và hải quân, trận này ta cho hải quân Mỹ được thấm đòn nên tham mưu trưởng không quân Mỹ phải ra lệnh đình chỉ tức khắc việc “đánh trả đũa quá đắt đỏ”!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2020, 05:03:36 am »


        “CON MA”, "THẦN SẤM “ CŨNG SỢ MA!

        (“Con ma”, “Thần sấm” là tên mà Mỹ đặt cho máy bay F-4 và máy bay F105)

        Về tên lửa SAM-2, Mỹ đã rõ như trên lòng bàn tay vì chính Mỹ đã sở hữu loại tên lửa này, khi Israel thu được nó từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Hầu hết các tần số làm việc của bộ khí tài đều đã bị Mỹ gây nhiễu, ngoại trừ tần số làm việc ở sóng decimet để điều khiển tên lửa, có tên là rãnh sóng RPK. Ăng-ten máy thu rãnh sóng này lại được đặt ở đuôi tên lửa, hướng về phía đài điều khiển nên máy bay Mỹ từ xa bay vào rất khó gây nhiễu. Mặt khác, cự ly giữa đạn và đài điều khiển tên lửa lại gần hơn nhiều so với cự ly giữa máy bay và đạn. Do vậy, nếu muốn gây nhiễu máy thu tín hiệu RPK đặt ở đạn tên lửa thì máy bay Mỹ phải có một máy phát nhiễu hàng nghìn kilowatt, điều đó là không tưởng đối với bất kỳ loại máy bay nào. Vì vậy dải sóng decimet của rãnh RPK là bất khả xâm phạm suốt quá trình chiến tranh.

        Tuy vậy, trên các loại máy bay Mỹ đều có máy thu báo động làm việc ở dải tần số của rãnh RPK để phi công Mỹ biết được thời điểm mà tên lửa Phòng không của Việt Nam bắt đầu rời bệ phóng mà cơ động lẩn tránh đạn tên lửa. Vì lúc đó rãnh RPK được mở để phát tín hiệu điều khiển đạn.

        Lợi dụng điều này, chúng ta đã cải tiến lắp thêm mạch phát sóng RPK giả, nghĩa là máy bay Mỹ sẽ thu được tín hiệu RPK mà chẳng có quả tên lửa nào được phóng đi. Những trường hợp như vậy, phi công trên máy bay Mỹ nào có hay, chúng hoảng hốt cơ động lia lịa, đội hình QRC bị xé lẻ, khiến tác dụng hỗ trợ lẫn nhau và cường độ nhiễu giảm, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch; có khi chúng còn va vào nhau. “Con ma”, “Thần sấm" cũng sợ ma, kẻ đi lừa cũng bị lừa. Trong chiến tranh Việt Nam, đây là việc duy nhất chúng ta đánh lại địch về lĩnh vực tác chiến điện tử, thực hiện gây nhiễu đánh lừa địch.

        Khi máy bay phải cơ động để tránh đạn tên lửa, đội hình dãn rộng ra, khiến nhiễu nhẹ đi và các dải nhiễu bị tách ra, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch. Tuy nhiên sau một vài lần bị lừa, kẻ địch cũng đã hiểu ra nhưng việc đánh lừa này vẫn còn nguyên tác dụng, do thật-thật, giả-giả mới là điều quan trọng. Tôi nhớ câu chuyện ngụ ngôn mà tôi được học từ thời niên thiếu: "Có một cậu bé tinh nghịch, nhà cậu ta không bị cháy nhưng cậu ta đã chạy quanh làng mà hô hoán cháy nhà, cháy nhà. Cả làng, người mang xô nước, kẻ mang thang, câu liêm đến để chữa cháy, nhưng đến nơi thì chẳng có đám cháy nào! Lần sau, nhà của cậu bé bị cháy thật, cậu ta hoảng hồn chạy khắp làng hô hoán cháy nhà mà chẳng có ai đến cứu lửa cháy cả, và nhà của cậu ta đã bị cháy trụi hoàn toàn”.

        Ngẫm trở lại câu chuyện “con ma, thần sấm cũng sợ ma”. Giả giả, thật thật, giả nghĩ là thật, thật cho là giả, điều đó tạo cho ta thời cơ để đánh hạ những con “ngáo ộp” sợ ma.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2020, 05:04:51 am »


Chương IX

RAĐA C0H-9A LÁCH QUA CỬA HẸP!

        RAĐA C0H-9A KHẮC PHỤC PHẢN XẠ ĐỊA VẬT BẮT MÁY BAY BAY THẤP VÀ CHỐNG NHIỄU XUNG TRẢ LỜI

        Rađa pháo COH-9A được chế tạo ở Liên Xô, sử dụng trong địa hình đồng bằng và trong thời kỳ tác chiến điện tử chưa phát triển như trong chiến tranh Việt Nam, nên có một số nhược điểm trong việc bám sát mục tiêu bay thấp, bay lẩn vào các phản xạ địa vật, được coi như là một loại nhiễu tiêu cực. Mạch cự ly có hai chế độ bám sát (bám sát tự động và bám sát bằng tay), nhưng mạch góc tà và góc phương vị chỉ có một chế độ bám sát tự động mà thôi. Quay bằng tay về góc tà và góc phương vị, chỉ sử dụng để sục sạo và theo dõi mục tiêu nên không thể có phần tử chính xác về góc tà và góc phương vị của mục tiêu được. Tôi đã trực tiếp chứng kiến sự việc này trong rađa COH-9A, khi máy bay địch bay vào những vùng có nhiều rừng núi như các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang... Ngay ở thành phố Hà Nội khi máy bay địch bay thấp, xâm nhập từ hướng tây hoặc tây bắc cũng như hướng bắc và đông bắc, nếu rađa bám sát mục tiêu tự động thi ăng-ten rađa sẽ gục xuống bám sát các tín hiệu phản xạ địa vật và bị mất mục tiêu, nên không thể phục vụ đại đội bắn được. Chúng tôi nghĩ, với địa hình Việt Nam, có nhiều đồi núi, địch lại hay lợi dụng bay thấp, muốn bắn rơi được địch, nhất thiết rađa pháo phải có mạch bám sát mục tiêu bằng tay, thông qua xử lý linh hoạt của con người, sẻ khắc phục được sự cứng nhắc của máy móc.

        Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi nhớ đến nguyên lý bám sát mục tiêu của loại rađa RZ-2, là loại rađa pháo Phòng không 88 mm do Đức chế tạo. Việc đưa máy bay vào trục cánh sóng được thực hiện bằng cách so sánh biên độ hai tín hiệu trên mặt phẳng ngang để xác định góc phương vị và so sánh biên độ 2 tín hiệu trên mặt phẳng thẳng đứng để xác định góc tà. Để góc tà, góc phương vị đo được chính xác như khi bám sát tự động còn có thể sử dụng một đồng hồ chỉ “0" so sánh 2 điện áp hình bao của dãy xung phát của rađa, có tần số cùng tốc độ quay của đầu ăng-ten rađa COH-9A. Trong trường hợp bám sát tự động, hai điện áp này được so sánh để tạo ra tín hiệu điều khiển ăng-ten bám sát theo mục tiêu. Như vậy bám sát bằng tay cũng đảm bảo độ chính xác như bám sát tự động. Tháng 12 năm 1966, được Bộ Tư lệnh Quân chủng cho phép, tôi và anh Hoàng Văn Khoa tiến hành trên rađa COH-9A của đại đội 1, trung đoàn 220.

        Kế hoạch cải tiến bám sát bằng tay cho rađa COH-9A được triển khai qua hai bước: Bước 1, sử dụng các vật liệu của rađa RZ-2, bước 2 sử dụng các vật liệu của Liên Xô hoặc sẵn có trong nước để thuận lọi, khi phải triển khai rộng.

        Hệ thống bám sát bằng tay là một hệ thống riêng biệt lắp thêm vào rađa COH-9A, sử dụng như mạch bám sát mục tiêu thứ 2. Hệ thống gồm 5 khối: một khối hiện sóng, một khối khuếch đại, một khối đồng hồ chỉ “0”, một khối tiếp xúc quay, một khối nguồn điện. Tín hiệu mục tiêu được đưa vào hai đèn hiện sóng mới, một màn góc tà, một màn góc phương vị. Trên mỗi màn hiện sóng tín hiệu mục tiêu được nổi thành hai sóng. Nếu hai sóng có biên độ bằng nhau trên cả hai đèn thì mục tiêu đã được đưa vào trục cánh sóng rađa. Như vậy, công việc của trắc thủ chỉ là phải quay ăng-ten sao cho các sóng có biên độ bằng nhau. Để bảo đảm độ chính xác cao hơn, độ cao của hai sóng tuyệt đối bằng nhau, sẽ có một khối đồng hồ chỉ “0”. Nếu thấy hai sóng đã bằng nhau mà đồng hồ chỉ “0” còn chưa chỉ “0” thì tiếp tục quay ăng- ten chút ít cho các đồng hồ về con số “0”. Khi đó việc bám sát mục tiêu về tọa độ góc đã hoàn toàn chính xác.

        Khi thực hiện kế hoạch, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì phải làm trong điều kiện rất thiếu vật tư, vật liệu và về mặt phối hợp trở kháng giữa đầu ra các bộ phận của rađa với đầu vào của các khối cải tiến được lắp thêm vào cho rađa. Cũng phải thông qua một quá trình hiệu chỉnh, thay đổi nhiều lần mới bảo đảm phối hợp trở kháng. Theo đề nghị của anh Phan Toản, trợ lý rađa Bộ Tham mưu Quân chủng, chúng tôi còn tách riêng biệt hai mặt phẳng góc tà và góc phương vị nên ngoài việc bám sát cả hai góc bằng tay, mạch điện còn có khả năng bảo đảm một góc bám sát bằng tay còn góc kia vẫn có thể bám sát tự động.

        Mạch điện cải tiến còn có tác dụng chống nhiễu xung trả lời của máy bay hải quân Mỹ, một loại nhiễu gây sai lệch về phần tử mục tiêu, đặc biệt khi nó làm mất khả năng bám sát tự động của rađa.

        Trong vận dụng chiến đấu, đại đội 1, trung đoàn 220 bố trí ở trận địa Hòa Mục đã dùng phương pháp bám sát bằng tay trong điều kiện gặp nhiễu địa vật và nhiễu xung trả lời có kết quả. Đại đội đã được công nhận bắn rơi một máy bay Mỹ đột nhập bay thấp từ hướng tây, lẩn vào các dãy núi ở phía Hòa Bình bay vào Hà Nội.

        Trong hội nghị khoa học, xác minh sáng kiến tháng 6/1968, có sự tham gia của nhiều đơn vị Khoa học Kỹ thuật như cục Nghiên cứu Kỹ thuật, trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, trường Phòng không, trường Kỹ thuật của Quân chùng, một số cán bộ kỹ thuật của sư đoàn Phòng không, của cơ quan Quần chúng... đều thống nhất nhận định sáng kiến cải tiến kỹ thuật hệ thống bám sát bằng tay cho rađa COH- 9A mang tính khoa học, có tác dụng phục vụ thiết thực cho chiến đấu, giải quyết khó khăn cho đơn vị hiện-nay, phù hợp với địa hình, địch tình và quan điểm đề cao vai trò con người trong sử dụng vũ khí trang bị. Nó còn là một ý tưởng khoa học cho việc thiết kế chế tạo những rađa pháo sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2020, 05:05:51 am »


        RAĐA COH-9A CHUI VÀO XE XÍCH!

        Tháng 10/1971, nhà máy V-119, Tổng cục Hậu cần, do anh Trần Trọng Toản làm giám đốc, đã thực hiện việc cải tiến, tháo toàn bộ một rađa COH-9A và lắp vào một xe xích để đưa vào chiến trường miền Nam, trang bị cho đại đội pháo Phòng không 57mm. Làm được như vậy chứng tỏ nhà máy đã hiểu rất tường tận cấu trúc chế tạo của rađa COH-9A. Tôi vốn là phó phòng Khoa học Quân sự, vừa đi tập trung nghiên cứu chuyên đề trên đại học ở trường Đại học Kỹ thuật Quân sự về lại cơ quan thì được biết Tổng cục Hậu cần yêu cầu Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân cho thử nghiệm và đánh giá kết quả. Tôi được Quân chủng giao nhiệm vụ này. Chúng tôi đã lập dự án xin một đường bay Mig-21 và hành quân bố trí rađa này trên đường 1B phía bắc, khu vực Bắc Sơn. Để tiện thông báo và liên lạc giữa Hà Nội và trận địa, chúng tôi tạm lập một bản mật mã đơn giản bằng số để liên lạc giữa Hà Nội và nơi thử nghiệm. Đợt công tác này, anh Hoàng Văn Khoa cùng đi công tác với tôi. Theo sự thống nhất trước, đúng 8 giờ ngày 13/10/1971, máy bay sẽ cất cánh. Chúng tôi đang chuẩn bị mở máy rađa thì anh Khoa hớt hải chạy đến, dáng điệu rất quan trọng: “có điện khẩn, có điện khẩn" làm tôi vô cùng lo lắng. Bao nhiêu công việc chuẩn bị công phu, nếu lại hoãn bay thì không biết chờ đến bao giờ? Riêng tôi, đang có một việc riêng (nói nhỏ thôi nhé, khi tôi bắt đầu hành quân, vợ tôi đang đau bụng đẻ, tâm trạng tôi lúc này đang nóng như lửa đốt), cũng muốn công việc được kết thúc nhanh chóng. Anh Khoa đưa tờ điện, nhưng lại rụt lại, làm tôi càng sốt ruột. Cuối cùng anh ấy cũng đưa tờ điện cho tôi. Tôi thở phào sung sướng, khi tờ điện viết như sau (tôi xin ghi lại nguyên văn):

        "Báo cáo đồng chí Phan Thu,
        20 giờ 40 ngày 11/10, đồng chí Hợp sinh hoàng tử nặng 2Kg600, mẹ tròn con vuông.
        7 giờ 05 ngày 13/10/1971
        Ký tên: Vũ Lai Trường"

        Người dịch mã: Thượng úy Hoàng Văn Khoa.
        Người hiệu đính: Nhung.


        Anh Vũ Lai Trường là trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tham mưu Quân chủng.

        Thật là một niềm vui bất ngờ, vợ chồng tôi đã có một con gái, lần này vợ tôi sinh con trai, đúng là thỏa nỗi ước mong! Từ đó đến nay, đã tròn 42 năm, cậu bé năm nào, nay đã trở thành một nhà khoa học chuyên sâu về nghiên cứu cấu trúc gen tế bào, hiện đã là phó giáo sư và làm trưởng khoa vật lý của trường Đại học Công nghệ Nanyang, đại học lớn thứ hai ở Singapore. Tờ điện này, qua thời gian đả bạc màu nhưng bút tích của anh Trường, anh Khoa hãy còn đó, tôi vẫn lưu giữ để làm kỷ niệm.

        Ngay sau đó, chúng tôi nhận được thông tin máy bay bắt đầu cất cánh. Tôỉ cho mở máy rađa và rađa đã bắt ngay được mục tiêu từ cự ly rất xa, bám sát mục tiêu ổn định. Trước đó, rađa hành quân trên xe xích, cũng được thử thách trên một chặng đường dài gồ ghề, bảo đảm vững vàng và an toàn.

        Chuyến đi thử nghiệm thành công mỹ mãn. Tôi cho rút khỏi trận địa vào một ngày đẹp trời trong một niềm vui “kép”.

        Tôi tin tưởng và hy vọng chiếc rađa trên xe xích này sẽ tham gia bắn rơi nhiều máy bay của Mỹ, Ngụy trong chiến trường nóng bỏng góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2020, 05:07:13 am »


Chương X

TRẬN ĐẤU GIỮA HAI “VÕ SĨ HẠNG NẶNG”!

        Ngày 29/6/1966, Tổng thống Mỹ Johnson leo lên nấc thang cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, mở đợt ném bom "Sấm rền 50" vào Hà Nội, Hải Phòng. Cùng ngày đó, không quân Mỹ đưa 36 lần chiếc máy bay (trong đó có 24 F-105D) vào đánh kho xăng Đức Giang, Hà Nội và hải quân Mỹ đưa 22 lần chiếc (A4E và F4) vào đánh kho xăng Thượng Lý, Hải Phòng. Lực lượng Phòng không của ta không bắn rơi chiếc máy bay nào, có hiện tượng đạn bị mất điều khiển.

        Từ giữa năm 1966 đã có những biểu hiện địch đưa ra thử nghiệm một loại máy gây nhiễu mới, khiến đạn tên lửa của ta bị rơi xuống đất hoặc vượt mục tiêu lên trời cao, nổ khói trắng.

        Ngày 20/6/1966 và ba ngày 3,7 và 8 tháng 7/1966, cả bốn tiểu đoàn của trung đoàn tên lửa 274 đều bắn nhưng không có máy bay rơi.

        Tháng 10/1966, tiểu đoàn 67 đánh 7 trận, không thắng trận nào.

        Sang năm 1967, do địch sử dụng phổ biến hơn loại máy gây nhiễu mới này nên đạn tên lửa của ta bị mất điều khiển càng nghiêm trọng hơn.

        Tháng 8/1967, địch lại tổ chức đánh lớn vào Hà Nội, đã có 57 lần tiểu đoàn tên lửa bắn thì 66,3% đạn tự huỷ và 6,3% đạn rơi đất. Đạn rơi đất, đã có đạn rơi vào nhà dân gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Biết được tình hình này, Bác Hồ rất đau lòng và Bác đã yêu cầu Quân chủng lên báo cáo với Bác. Phó chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu là người thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng lên gặp Bác. Với một cảm xúc sâu lắng, thấy rõ trách nhiệm của Quân chủng, anh Nguyễn Xuân Mậu tường thuật lại trong hồi ký Bảo vệ bầu trời lời Bác nói: “Điều cần nhất là các chú phải thấy hết trách nhiệm của bản thân mình đối với tính mạng và tài sản của nhân dân và cũng phải giáo dục cho cấp dưới thấy rõ trách nhiệm đó.”. Bác còn căn dặn: “Từ nay về sau, nếu xảy ra những chuyện như thế, các chú phải đích thân giải quyết. Phải bồi thường cho dân thật thỏa đáng. Nhưng không phải chỉ là vấn đề tiền của đâu, mà phải chú ý đi lại thăm nom cho có tình có nghĩa. Phải xin lỗi dân, phải nhận thiếu sót trước dân. Đừng có lấy nê là mình đánh giặc thì muốn thế nào cũng được. ”. Hôm nay, khi ngồi ghi lại những lời này của Bác, tôi càng thấm thìa tấm lòng thương dân bao la và sự kính trọng của Bác đối với dân. Trong khi đó, hiện nay còn không ít cán bộ nhà nước lại rất vô cảm trước những nỗi khổ của dân!

        Từ 14/12/1967 đến 19/12/1967, không quân Mỹ tổ chức đợt đánh phá lần thứ 7 vào Hà Nội, đánh cầu Long Biên, cầu Đuống, hiệu suất chiến đấu của ta giảm một cách tệ hại do đạn không có điều khiển. Trong các trường hợp như vậy, có thể do nhiều nguyên nhân nhưng khi đạn mất điều khiển mang tính phổ biến thì phải do một nguyên nhân cũng mang tính hệ thống. Lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng rất lo lắng. Ngày 16/12/1967, binh chủng tên lửa tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về đạn bị mất điều khiển. Nhiều nguyên nhân được nói tới, như do địch gây nhiễu rãnh đạn, do trình độ thao tác của trắc thủ, do nhầm lẫn phách và mã số của đạn, do chất lượng của khí tài, v.v... Để khẳng định đạn mất điều khiển có phải là do nhiễu rãnh đạn hay không, ngày 19/12/1967, đích thân chính ủy Quân chủng Đặng Tính và phó tư lệnh binh chủng tên lửa Hoàng Văn Khánh đã cùng tham gia chiến đấu với tiểu đoàn 62 trung đoàn 236. Đồng chí Trương Công Cẩn cũng xuống tiểu đoàn 61. Ở tiểu đoàn 61 cũng có hiện tượng rãnh đạn bị nhiễu. Còn ở tiểu đoàn 62, rađa bắt được máy bay địch nhưng khi kiểm tra phóng đạn thì đạn không bắt, tiểu đoàn trưởng Hoàng Bát báo cáo, nhiễu đạn rất nặng nếu phóng thì đạn sẽ không có điều khiển. Phó tư lệnh binh chủng có mặt trên xe điều khiển vẫn ra lệnh "phóng". Viên đạn rời bệ nhưng không bắt được vào cửa sóng chờ, nên đạn không được điều khiển. Các cấp lãnh đạo, chỉ huy đều thấy tận mắt, đạn mất điều khiển là do bị nhiễu rãnh đạn thật, chứ không phải là nhiễu tư tưởng.

        Bên cạnh những biểu hiện về nhiễu rãnh đạn trên đài điều khiển tên lửa, đội Nhiễu của Quân chủng cũng đã đo được tần số nhiễu rãnh đạn tên lửa và, sau khi phòng Khoa học Quân sự phục hồi làm việc cho một máy gây nhiễu ALQ-71, đã phân tích được tham số kỹ thuật của máy gây nhiễu này. Kết quả cho thấy phổ nhiễu của máy gây nhiễu ALQ-71 đã được mở rộng trùm sang rãnh đạn, khác với phổ nhiễu của máy gây nhiễu QRC-160A mà máy bay của không quân Mỹ đã sử dụng trước đó. Kết luận này đã được báo cáo lên Bộ Tư lệnh Quân chủng và thông báo cho chuyên gia Liên Xô, làm cơ sở để chống nhiễu rãnh đạn. Việc chống nhiễu rãnh đạn đã được giải quyết bằng hai biện pháp: dịch tần số rãnh đạn đi một đoạn và tăng công suất máy phát tín hiệu trả lời của đạn về đài điều khiển. Việc dịch tần số rãnh đạn chỉ có tác dụng làm giảm nhiễu chút ít nhưng việc tăng công suất máy phát tín hiệu trả lời của đạn, thay đèn phát cũ bàng những loại đèn phát sóng mới mới chính là biện pháp mang tính quyết định. Công suất đèn phát sóng tín hiệu trả lời của đạn đã được tăng lên rất nhiều lần khiến máy gây nhiễu của Mỹ không thể bám theo được, vì máy gây nhiễu của Mỹ lúc bấy giờ phải tập trung gây nhiễu rãnh mục tiêu. Ở đó còn nhiều loại rađa hỏa lực và rađa dẫn đường khác cũng cùng làm việc ở dải tần số với rãnh mục tiêu của rađa tên lửa, nếu tập trung sang gây nhiễu rãnh đạn thì rãnh mục tiêu bị hở, mà với công suất máy phát tín hiệu trả lời của đạn lớn như vậy thì nếu có tập trung gây nhiễu rãnh đạn cũng không chế áp nổi tín hiệu trả lời của đạn. Sau khi đạn được cải tiến, ngày 11/2/1968, tiểu đoàn 61 đã bắn rơi máy bay của không quân Mỹ có mang máy gây nhiễu ALQ-71.

        Từ đó về sau, hiện tượng nhiễu rãnh đạn đã được khắc phục, đạn không bị mất điều khiển nữa.

        Điều này rất thú vị, vì Mỹ đã hoàn toàn bất lực trong việc tiếp tục gây nhiễu rãnh đạn tên lửa. Chúng ta càng thấy giá trị của đề tài cải tiến này, vì nếu việc chống nhiễu rãnh đạn không thành công thì chúng ta không biết tình hình chiến đấu sau đó sẽ ra sao đây, đặc biệt khi Mỹ đưa máy bay B-52 ra ném bom Hà Nội!

        Đây là cuộc đối đầu về khoa học công nghệ giữa Mỹ và Liên Xô, coi như một trận đấu giữa hai “võ sĩ hạng nặng" mà phần thắng đã thuộc về “võ sĩ” mang đai đỏ (Liên Xô).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2020, 12:08:14 pm »

 
Chương XI

CÓ THẬT SỰ SHRIKE THÀNH “VĂNG SAI”?

        Anh hùng Nguyễn Viết Xuân đã nói một câu bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Vận dụng tư tưởng này vào việc đánh các máy bay Mỹ đi phóng tên lửa Shrike quả là rất cần thiết và thích hợp. Tên lửa Shrike, có ký hiệu là AGM-45A (Air Ground Missile), là loại tên lửa không đối đất của Mỹ, tự dẫn theo cánh sóng rađa. Mỹ còn gọi tên lửa này là loại tên lửa chống rađa (ARM-Anti Radar Missile). Muốn đánh địch, rađa phải phát sóng mà phát sóng thì Shrike có cơ sở để phóng vào.

        Đối phó với Shrike là một sự đối đầu khó khăn phức tạp. Shrike là một loại vũ khí đã gây tâm lý mạnh đến kíp trắc thủ rađa của ta. Đối phó với Shrike phải rất dũng cảm vì kíp trắc thủ đứng trước một quả tên lửa đang lừng lững lao về phía mình theo trục cánh sóng của chính rađa mà mình đang thao tác.

        Ta có thể hình dung như hai người đấu súng, nhưng ở đây không phái là rút thăm xem ai bắn trước ai bắn sau mà là ai đã khôn ngoan hơn, tranh thủ được điều kiện bắn trước, ai chịu đựng sự gan lỳ hơn ai. Hai quả tên lửa hướng vào nhau, cự ly cách nhau cứ nhỏ dần. Chúng ta phải làm sao, để vừa tiêu diệt địch vừa bảo vệ mình. Hai mặt đó, có quan hệ mật thiết với nhau, tiêu diệt địch để bảo vệ mình và bảo vệ mình để tiêu diệt địch. Trong thực tiễn chiến đấu, có khi chỉ thực hiện được một yêu cầu, người chiến sĩ quân đội nhân dân phải hạ quyết tâm một cách chính xác. Trắc thủ rađa, nếu sợ địch mà không phát sóng thì coi như thủ tiêu chiến đấu, nhưng nếu phát sóng ẩu để địch diệt ta, thì sự hy sinh đó có đáng không? Chúng ta dám đánh là đúng rồi nhưng còn phải biết đánh thắng mọi kẻ thù mới là điều quan trọng.

        Bộ đội Phòng không - Không quân đứng trước trách nhiệm phải tìm được cách đánh, đối với các máy bay sử dụng Shrike và đã cố gắng để thực hiện được yêu cầu đó ớ mức cao nhất.

        Tuy vậy, không phải lúc nào cũng được toại nguyện như ta mong muốn. Không ít rađa của ta đã bị đánh hỏng, không ít đồng đội của chúng ta đã phải hy sinh. Thủ đoạn sử dụng tên lửa Shrike của Mỹ song hành với thủ đoạn gây nhiễu, đã tạo thêm nhiều khó khăn cho ta.

        Đài rađa đầu tiên bị địch đánh bằng tên lửa Shrike là đài rađa COH-9A của đại đội 1, trung đoàn 230 vào ngày 30/4/1965, khi đang bố trí bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ngay ngày hôm sau, tôi được đi cùng đoàn cán bộ của Quân chủng do chính ủy Quân chủng Đặng Tính dẫn đầu. Thành phần trong đoàn có thêm Tham mưu phó và phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng.

        Khi đến trận địa, đài rađa bị đánh hỏng đã được kéo đi rồi, nhưng dưới nền đất còn nồng nặc mùi máu, rất nhiều viên bi vuông, các chi tiết điện tử vương vãi còn dính máu ba trắc thủ trong đài rađa đã hy sinh, còn trắc thủ số 3, cũng ngồi trong máy, người giữ liên lạc với đại đội trưởng trong chiến đấu thì bị thương ở chân. Đồng chí đó tên là Đào Đức Viết, đồng hương với tôi, con trai của một vị lão thành Cách mạng là ông Đào Văn Thiên, một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ đảng Cộng sản Đông Dương ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nguyên thứ trưởng Bộ Lương thực. Ông đã gương mẫu động viên người con trai độc nhất của mình nhập ngũ.

        Trước thương vong của đồng đội, tôi vô cùng xúc động, thấy mắt mình cay cay và có gì đó nghẹn nơi cổ họng. Đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in lời cản dặn của chính ủy: “Địch sử dụng loại vũ khí mới, ta không nên coi thường, phải nghiêm túc nghiên cứu tìm được các điểm yếu của nó, quan tâm giáo dục chính trị cho bộ đội, và tìm biện pháp đánh chúng. Phải quán triệt tư tưởng tiêu diệt địch để bảo vệ mình. Tiêu diệt địch là biện pháp tốt nhất để bảo vệ mình".

        Chính ủy Đặng Tính, nguyên là cán bộ Cách mạng tiền khỏi nghĩa, đã từng là bí thư huyện ủy Nam Sách, bí thư tỉnh ủy Hải Dương trước khi nhập ngũ cuối năm 1946. Anh đã tham gia chiến đấu chống Pháp ở mặt trận đường 5, Liên khu 3, Quân khu Tả Ngạn và đã từng công tác ở cục Tác chiến, một cơ quan chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh là cục trưởng đầu tiên của cục Hàng không dân dụng Việt Nam và sau đó là cục trưởng cục Không quân, Bộ Quốc phòng. Anh Đặng Tính là một cán bộ chính trị - quân sự song toàn, một nhà tư tưởng mà tôi rất ngưởng mộ, anh rất mẫu mực, sâu sát cơ sở, thương yêu chiến sĩ. Đối với đồng cấp và cấp trên, anh rất tôn trọng và chân thành. Phó chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu là một người rất chặt chẽ và nguyên tắc, nhưng đã không tiếc những lời tốt đẹp khi nói về người cấp trên của mình. Trong hồi ký Bảo vệ bầu trời, rất nhiều đoạn anh Nguyễn Xuân Mậu nói về anh Đặng Tính với những lời lẽ rất kính trọng và cảm động. Anh còn ghi nhận về anh Đặng Tính: “Một con người trông bề ngoài thật giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng bên trong một tình cảm mãnh liệt, sâu sắc, trong sáng và chân thành”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2020, 12:08:32 pm »


        Với những bước đi khập khiễng, do trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một y tá khi tiêm thuốc sốt rét vào mông anh, đã đụng phải đường gân nên anh ấy bị như vậy. Thế mà anh chẳng kêu ca gì, coi như một tai nạn nghề nghiệp của đồng đội. Hình ảnh đi lại khó khăn của anh nhưng vẫn nâng nổ gần gũi với chiến sĩ, luôn có mặt ở những nơi tác chiến ác liệt nhất, đã đi vào trái tim khối óc của bộ đội. Họ kính trọng quý mến, tin yêu chính ủy Đặng Tính như một người cha, người anh gần gũi thân thương của mình.

        Anh Đặng Tính có một cô con gái tên là Đặng Thị Nhu, tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về tham gia quân đội, công tác tại Ban thông tin khoa học, phòng Nghiên cứu Kỹ thuật mà ở đó tôi làm trưởng phòng. Anh rất gương mẫu và nghiêm khắc, không hề có một chút nào thể hiện ra, để con có thể dựa dẫm. Anh còn nhắc nhở tôi phải để cho cô ấy tự mình phấn đấu mà đi lên. Cô Nhu rất giống bố về mọi mật, là một sĩ quan chăm chỉ, nghiêm túc làm việc, chân thành đoàn kết và giúp đỡ mọi người. Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, cô đã sưu tầm được nhiều tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu kỹ thuật của địch, góp phần tích cực vào nhiệm vụ nghiên cứu nhiễu, cải tiến kỹ thuật để chống nhiễu của phòng Nghiên cứu Kỹ thuật chúng tỏi.

        Anh Đặng Tính rất quan trọng đối với Quân chủng Phòng không - Không quân, nhất là khi anh ấy thay anh Phùng Thế Tài đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng để anh Phùng Thế Tài lên làm phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (6/1967).

        Sau này (4/1973), khi tôi được tin anh Đặng Tính hy sinh trên đường vận chuyển chiến lược, lúc anh làm chính ủy Đoàn 559, tội lặng đi, rất thương tiếc một người cấp trên đã in đậm trong trái tim mình và tôi tự nhắc nhở mình phải noi gương anh.

        Đến tháng 8/1965, địch lại sử dụng Shrike đánh vào một rađa COH-9A ở Nam Định. Hồi đó tôi cũng có mặt ở Nam Định, nhưng theo yêu cầu của trung đoàn tôi vừa rời đại đội về trung đoàn bộ để báo cáo tình hình. Được tin, tôi đã xuống ngay đại đội. Trước sự hy sinh của đồng đội tôi vô cùng xúc động, không kìm được nước mắt. Chỉ mới ngày hôm qua, tôi vừa ở đó, sinh hoạt ăn ở và tham gia huấn luyện chiến đấu cùng anh em.

        Quán triệt lời căn dặn của chính ủy Đặng Tính, tôi quyết tâm nghiên cứu và cố gắng hoàn thành một tài liệu hướng dẫn các biện pháp đối phó với Shrike cho đài rađa COH-9A, thống nhất với các trợ lý rađa trong phòng huấn luyện và thông qua Bộ Tư lệnh Quân chủng để thành văn bản chính thức hướng dẫn thao tác cho đài rađa COH-9A. Chúng tôi đã tổ chức làm 3 khu vực, phân công nhau đi phổ biến cho đơn vị. Tôi đi một khu vực, anh Tam trợ lý rađa trong tổ đi một khu vực, anh Hồ, giáo viên trường Phòng không được trưng tập về, đi một khu vực. Đi đến đâu cũng phải báo cáo tỉ mỉ nội dung cụ thể cho đảng ủy và thủ trưởng trung đoàn, tranh thủ sự chỉ đạo của trung đoàn vì đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề tư tưởng phải được sự lãnh đạo chặt chẽ về tư tưởng kết hợp với nội dung kỹ thuật.

        Với bốn biện pháp đối phó lại Shrike của rađa COH-9A, các đơn vị đã luyện tập thành thạo. Theo nguồn tin địch lúc bấy giờ, địch đã phải công nhận các biện pháp đối phó của ta đã làm cho chúng khó bắn Shrike và khiến Shrike chệch mục tiêu nhiều.

        Ngày 7/11/1965, tiểu đoàn 62, trung đoàn 236 bố trí trận địa ở Đồng Giao, Ninh Bình bị trúng Shrike.

        Từ năm 1966, địch bát đầu sử dụng phổ biến Shrike đánh vào đài điều khiển tên lửa SAM-2 và sau đó là các đài rađa dẫn đường, rađa đo cao làm việc ở dải sóng 10cm.

        Ngày 11/5/1966, tiểu đoàn 73, trung đoàn 285 bị địch dùng Shrike bắn trúng làm hỏng ăng-ten xe thu phát. Ngày 19/7/1966 tiểu đoàn 71, trung đoàn 285 cũng bị Shrike bắn trúng trận địa. Ngày 2/10/1966, anh Nguyễn Quang Tuyến, Tham mưu phó Quân chủng, là một trong ba trung đoàn trưởng bộ binh được củ đi học chuyển binh chủng pháo phòng không 88mm tại Thẩm Dương - Trung Quốc, nguyên là trung đoàn trưởng trung đoàn 236, trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội ta, đi kiểm tra tiểu đoàn 92, trung đoàn 278 bố trí ở trận địa Mậu Đức. Có tài liệu nói là anh Tuyến bị tên lửa Bullpup bắn vào trận địa và bị thương nặng, nhưng thật ra theo tôi biết thì quả tên lửa đó là tên lửa Shrike, không trúng đài điều khiển nhưng lại vào giữa trận địa tiểu đoàn, trong lúc rađa đang phát sóng bắt mục tiêu. Một viên bi vuông của Shrike đã nằm trong đầu anh Tuyến, làm anh mất hoàn toàn trí nhớ (nếu là mảnh đạn của Bullpup thì nó sẽ phạt ngang đầu chứ không thể chỉ bị nhẹ như thế). Tôi đã nhiều lần vào thăm anh Tuyến tại bệnh viện của Quân chủng, trông thấy trạng thái mất trí của anh ấy, thật rất thương tâm. Nguyên Tham mưu phó Quân chủng Nguyễn Quang Tuyến đã ra đi vài năm sau đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2020, 12:12:09 pm »


        Những thiệt hại trên đối với tên lửa như vậy là đáng kể. Lúc này vấn đề đối phó với Shrike, bảo vệ tên lửa phòng không của ta đã trở thành cấp bách và quan trọng hơn lúc nào hết. Toàn Quân chủng phải tìm cách đối phó với Shrike. Anh em trong phòng Khoa học Quân sự và phòng Nghiên cứu Kỹ thuật của Quân chủng đã tập trung bám sát chiến đấu ở các tiểu đoàn tên lửa để rút kinh nghiệm về phòng chống Shrike và tiến hành mọi công việc có thể, để nhằm tới việc xây dựng các biện pháp đối phó.

        Bây giờ, yên ổn hòa bình thì nói thế nào cũng được, nhưng trong chiến tranh, trước cái sống và cái chết, đố ai mà không phải suy nghĩ, chỉ có điều người đó có nói ra hay không, và có nói thật lòng mình hay không. Chúng tôi, những người làm công tác khoa học kỹ thuật quân sự, thường xuyên phải bám sát chiến đấu, rất biết mình nghĩ gì nên rất hiểu tâm lý của các trắc thủ trong chiến đấu khi mà lúc nào cũng phải đối đầu với loại tên lửa tự dẫn theo cánh sóng. Chúng tôi càng thấy hết trách nhiệm của mình trong việc cùng mọi người tìm cách đối phó lại tên lửa Shrike, trên tinh thần như chính ủy Đặng Tính đã nói: “Tiêu diệt địch là cách tốt nhất để bảo vệ mình”.

        Từ các mảnh vỡ của Shike và một quả tên lửa shrike khá hoàn chỉnh, chưa nổ, thu được từ máy bay Mỹ bị bắn rơi, được sự giúp đỡ của Viện Kỹ thuật Quần sự, Bộ Quốc phòng, từ thực tiễn chiến đấu kết hợp với lấy cung giặc lái máy bay Mỹ bị bắn rơi, cơ quan Nghiên cứu Kỹ thuật của Quân chủng đã tổng hợp và nghiên cứu nguyên lý làm việc của Shrike, cách sử dụng Shrike của địch, để kịp thời tìm cách đối phó lại Shrike.

        Về tính năng: Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một số tham số có nhiều liên quan đến việc tìm cách đối phó của ta như: tần số làm việc của Shrike là 2.600-3.500MHZ - Tốc độ tên lửa cuối đoạn có lực đẩy là 1,7M - Phương pháp điều khiển: đơn xung so sánh biên độ - Phương pháp tự dẫn: thụ động trực tiếp - Góc mở cánh sóng ăng-ten khi dẫn tên lửa: +3,5 độ -  Phương pháp kích nổ: thụ động bằng vô tuyến điện và chạm nổ (bộ phận an toàn kích nổ được đưa vào hoạt động khi tên lửa hết lực đẩy) - Bộ phận chiến đấu: thuốc nổ ốctôgen trộn lẫn viên thép vuông (5x5x5)mm3, có khoảng 7.000 đến 8.000 viên, bán kính phá hoại mục tiêu có hiệu quả là 15-20m - Cự ly phóng xa nhất 40-45km, cự ly phóng gần nhất 5-9km, cự ly phóng hiệu quả: 18km - Shrike có loại đạn chỉ điểm được nạp khói thay thuốc nổ.
Về thủ đoạn bắn: Có thể sử dụng máy thu trinh sát báo động trên các loại máy bay cường kích hoặc hệ thống ILS (hệ thống hạ cất cánh) để ngắm bắn. Phương pháp bắn: có thể bắn thẳng và bắn cầu vồng. Bắn thẳng thì máy bay phải nằm trong cánh sóng rađa, bắn cầu vồng thì máy bay thường bay thấp ngoài cánh sóng và phóng ngược lên.

        Máy bay sử dụng: Ngoài tên lửa Shrike (AGM-45A), Mỹ còn đưa vào trang bị tên lửa AGM-78. Tên lửa AGM-78 có tên là tên lửa Standard, với sức công phá lớn hơn AGM-45A, và ta nghi ngờ là loại tên lửa này có bộ phận tích nhớ để có thể đánh được vào các loại rađa nhìn vòng như rađa cảnh giới, rađa dẫn đường của ta.

        Không quân Mỹ dùng máy bay F-105F, F-105G, phổ biến là mang tên lửa Shrike (cũng có trường hợp sử dụng máy bay F4). Nếu mang tên lửa Shrike thì mỗi máy bay F-105 F/G mang bốn quả; nếu chọn mang tên lửa AGM-78 thì mỗi máy bay chỉ mang hai quả; còn nếu mang cả tên lửa AGM-45A và AGM-78 thì chỉ mang ba tên lửa AGM-45A và một tên lửa AGM -78.

        Hải quân Mỹ dùng máy bay A4F, A6B, A7B/E, thường mang hai AGM-78, nếu mang thêm bom thì chỉ mang một AGM-45A. Máy bay của hải quân Mỹ đi tìm diệt tên lửa SAM-2 thường bay ở ngoài biển cách bờ 20-25km, khi phát hiện SAM-2 phát sóng thì bay vào phóng tên lửa chống rađa.


Hình 39 - Tên lứa chống rađa AGM-45A (Shrike).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2020, 12:13:58 pm »

           

Hình 40 - Tên lửa chống rađa AGM-78 (Standard).

        Cách sử dụng:

        • Cách thứ nhất: Cùng bay trong đội hình cường kích vào đánh mục tiêu. Các máy bay mang Shrike vào trước, chế áp các trận địa tên lửa của ta. Có trường hợp dùng điểm nổ của Shrike để chi điểm trận địa tên lửa Phòng không của ta, các máy bay cường kích khác xúm vào ném bom trận địa.

        • Cách thứ hai: Bay theo đội hình 1 đến 2 chiếc, nhử cho tên lửa ta phát sóng để bắn Shrike. Cách này thường hay dùng vào ban đêm.

        Tấm ảnh kỳ diệu

        Ngày 22/12/1968, khi đội Nhiễu cơ động bố trí làm nhiệm vụ trinh sát nhiễu ở nông trường Đông Hiếu, Nghệ An, tôi và anh La Văn Sàng bám sát chiến đấu với tiểu đoàn tên lửa 67, trung đoàn 236. Khoảng 12 giờ đêm, có hai A6E của hải quân Mỹ đi tìm và đánh các trận địa tên lửa phòng không của ta bằng Shrike. Tiểu đoàn 67 hồi đó do đồng chí Biên chỉ huy rất chững chạc, rađa tên lửa phát sóng, bắt được mục tiêu ở cự ly 23km phóng hai đạn. Chúng tôi phân công nhau, mỗi người chụp ảnh trên một màn hiện sóng trong đài điều khiển suốt quá trình trắc thủ bám sát mục tiêu và điều khiển đạn. Tôi liên tục lên phim, bấm máy ảnh mong sao chụp được nhiều kiểu ảnh nhất. Trong 20 giây tôi đã chụp được bảy kiểu ảnh. Khi có tiếng nổ của quả Shrike do địch phóng về trận địa, cách trận địa vài chục mét, tôi mới bừng tỉnh. Kết quả đêm đó, máy bay địch bị trúng đạn và rơi tại chỗ. Đạn tên lửa của ta gặp mục tiêu trước khi Shrike đến được trận địa ta và bị chệch ra ngoài trận địa, do rađa đã tắt máy phát sau khi máy bay địch bị tiêu diệt, nên Shrike mất cơ sở để tự dẫn.

        Sáng hôm sau về sở chỉ huy của đội Nhiễu, chúng tôi tráng cuộn phim mà tôi đã chụp được, những ảnh nối tiếp nhau phản ảnh rất trung thực diễn biến chiến đấu. Thật bất ngờ, trong đó có một kiểu ảnh có tín hiệu phản xạ Shrike của địch khi bắt đầu rời máy bay, lao về phía trận địa ta. Chúng tôi, cả các chuyên gia nghiên cứu nhiễu của Liên Xô, rất vui mừng về tấm ảnh này.

        Qua đó, chúng tôi đã rút ra kết luận:

        1/ Nếu quan sát kỹ trên màn hiện sóng đài điều khiển tên lửa, trắc thủ hoàn toàn có thể thấy được tín hiệu phản xạ của Shrike cùng với tín hiệu phản xạ của máy bay nếu chiếc máy bay đó là máy bay đi phóng Shrike và sử dụng phương pháp phóng thẳng.

        2/ Nếu ta chọn cự ly phát sóng và cự ly phóng đạn thích hợp  thì không những có thể tiêu diệt được máy bay địch trước khi Shrike đến được trận địa ta mà còn tránh được Shrike.

        Tấm ảnh trên được rửa và gửi đến tất cả các tiểu đoàn tên lửa, làm tài liệu huấn luyện, góp phần ổn định tư tưởng cho kíp trắc thủ phòng tránh Shrike của địch. Chúng tôi đặt tên cho tấm ảnh đó là tấm ảnh kỳ diệu. Nói nó là tấm ảnh kỳ diệu vì hồi đó có hai khuynh hướng, có người cho là có thể thấy được tín hiệu phản xạ của Shrike nhưng cũng có người lại cho là không thể thấy được. Điều này rất quan trọng vì nó có liên quan đến biện pháp xử lý chống Shrike và tấm ảnh đó đã làm sáng tỏ là có thể thấy được tín hiệu phản xạ của Shrike, góp phần vào các biện pháp xử lý chống Shrike.

        Tấm ảnh đó dù có kỳ diệu nhưng lại gây cho tôi một tình huống rắc rối. Vào dịp mùa hè năm 1970, khi sư đoàn 367 bố trí để đánh máy bay địch ở nam Quân khu 4, Tư lệnh Quân chủng  Lê Văn Tri sau khi đi kiểm tra sư đoàn về có cho gọi tôi lên gấp, (lúc đó tôi là phó phòng Quân báo kiêm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Nhiễu) và lệnh cho tôi phải vào ngay sư đoàn 367, báo cáo với sư đoàn trưởng Dương Hán về khả năng thấy được phản xạ Shrike trên màn hiện sóng tên lửa và không quên nhắc tôi nhớ mang theo tấm ảnh có tín hiệu phán xạ Shrike. Lúc đó, tôi đang bị viêm họng, người ngây ngấy sốt nhưng không dám báo cáo vì nhiệm vụ đi vào chiến trường mà. Tôi được cấp một mình một xe con để vào sư đoàn 367, việc này cũng hiếm thấy xảy ra.

        Vào đến nơi, tôi không được gặp sư đoàn trưởng ngay và được thông báo là sư đoàn trưởng chưa bố trí được thời gian! Những ngày chờ đợi này thật phát ngán và rất mệt vì bệnh viêm họng vẫn chưa buông tha tôi nên ăn ngủ rất khó khăn và chểnh mảng. Tôi cảm giác như sư đoàn trưởng cố ý kéo dài thời gian. Đến ngày thứ tư tôi mới được gặp, tôi đem bộ ảnh đã chụp được tín hiệu Shrike ra giới thiệu và trình bày không quá 20 phút. Sư đoàn trưởng chẳng nói gì, khoát ngang tay (tôi rất hiểu anh Dương Hán, vì 6-7 năm trước tôi đã từng là trợ lý của anh, lúc đó là trưởng phòng huấn luyện của Bộ Tham mưu Quân chủng và động tác khoát ngang tay, là tác phong riêng của anh) như là đồng ý cho tỏi ra về. Thực ra, những tấm ảnh đó cũng đã có ở các đơn vị của sư đoàn 367 rồi. Tôi phân vân và tìm hiểu sự việc thì nghe đâu, trước đó giữa tư lệnh Quân chủng và sư đoàn trưởng 367 đã có tranh luận xung quanh việc chống Shrike và sức chiến đấu của sư đoàn.

        Tôi rời sư đoàn ra về, trong lòng thấy buồn, phải đi một chặng đường rất dài, chờ đợi bốn ngày và chỉ được làm việc chưa đầy 20 phút. Nhưng cũng tự an ủi mình, vì đã làm tròn trách nhiệm là người hòa giải giữa các thủ trưởng cấp trên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM