Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:32:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đối đầu không cân sức  (Đọc 8654 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2020, 05:47:32 am »


        GẬY ÔNG LẠI ĐẬP LƯNG ÔNG, XÉT TỪ VIỆC BÁM SÁT DẢI NHIỄU MÀ ĐÁNH

        Bộ khí tài tên lửa SAM-2 có khả năng không phải phát sóng mà vẫn bắn được máy bay địch bằng phương pháp 3 điểm, thông qua việc bám sát dải nhiễu. Để đối phó với khả năng này của tên lửa SAM-2, Mỹ đã phát triển máy gây nhiễu đeo dưới cánh máy bay cho các biên đội máy bay cường kích của không quân, khiến dải nhiễu trùm lên cả biên đội 4 máy bay. Nếu ta sử dụng phương pháp bám sát dải nhiễu mà bắn thì sẽ bắn vào không gian giữa biên đội máy bay mà không bắn trúng vào chiếc máy bay nào cả. Trong các ngày 23, 26, 30/3/1967 nhiều tốp máy bay vào Hà Nội, trung đoàn 236 không đánh được.

        Nhiễu rất nặng, dải nhiễu bao trùm kín màn hiện sóng, phát sóng không thể nào thấy được tín hiệu mục tiêu. Một vấn đề đặt ra là có cách nào để đánh địch hay không?
Đầu tháng 4/1967, người khởi xướng xin được bám sát dải nhiễu để đánh bằng phương pháp 3 điểm là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 62 Hoàng Bát, nhưng lúc đầu chưa được chấp nhận. Một số người cho là phải tìm nhiễu trong đầu bộ đội do sợ tên lửa Shrike của địch mà ngại phát sóng. Đồng chí Hoàng Bát bị phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu vừa đùa vừa nhắc nhở: "Hãy tìm nhiễu trong cái đầu hói của cậu!” Chả là anh Hoàng Bát, tuổi còn trẻ nhưng trên đầu chỉ có vài sợi tóc. Những lúc bộ đội gặp khó khăn trong chiến đấu do bị địch gây nhiễu, cũng có lần tôi bị phó chính ủy hỏi đùa: "Thế nào, ông nhiễu nhung, phải làm thế nào chứ!". Không những không bực mình với những lời "khích tướng” của cấp trên, chúng tôi còn coi đó là những lời nhắc nhở của lãnh đạo đối với mình để làm tốt hơn chức trách đã được giao phó. Khi địch vào mà nhiều đơn vị đánh không được, có thể vì địch có nhũng thủ đoạn mới và cũng có thể do nguyên nhân về phía ta, chưa đổi mới cách đánh đáp ứng những thay đổi của địch hoặc có vấn đề về tư tưởng. Trong khi đó, chính ủy Quân chúng Đặng Tính và tư lệnh binh chủng tên lửa Đoàn Huyên thì thận trọng hơn trong việc đánh giá tình hình.

        Sau đó, bộ đội tên lửa cũng được phép sử dụng cách đánh 3 điểm và khởi sự chỉ mới cho tiểu đoàn 62 được đánh thử nghiệm vì tiểu đoàn trưởng Hoàng Bát là một cán bộ chỉ huy năng động, thông minh, nhanh nhạy và là người nắm chắc kỹ thuật.

        Nhưng sau tám trận, tiểu đoàn 62 đánh bằng phương pháp 3 điểm đều chưa thắng, Tư lệnh Phùng Thế Tài, khi gặp người tiểu đoàn trưởng năng động này ở một hội nghị bàn về cách đánh 3 điểm, đã truy hỏi: "Này anh Bát hói! Anh có biết anh đã đánh bao nhiêu điểm rồi không? Tám lần ba là 24. Hai mươi bốn điểm rồi! Anh xin Quân chủng đánh 3 điểm, anh đã đánh đến 24 điểm mà vẫn chưa nộp một chiếc máy bay nào!". Trước câu hỏi ví von hài hước đó, bông đùa nhưng cũng rất nghiêm khắc, đồng chí Hoàng Bát chỉ biết cười trừ. Tuy nhiên, đánh thắng trận đầu tiên bằng phương pháp 3 điểm lại là tiểu đoàn 63 trung đoàn 236.

        Lúc 16 giờ 03 ngày 12/8/1967, tiểu đoàn 63 đã bắn rơi một RF-4C bằng phương pháp 3 điểm. Tiếp theo, sang tháng 9/1967, tiểu đoàn 76 trung đoàn 257 và tiểu đoàn 88 trung đoàn 274 đều bắn rơi máy bay Mỹ bằng phương pháp 3 điểm.

        Đầu tháng 10/1967, tại Bộ Tư lệnh binh chủng tên lửa do đồng chí Đoàn Huyên chủ trì hội nghị tập huấn cho toàn binh chủng tên lửa về cách đánh 3 điểm. Chúng ta đã giải quyết được một loạt vấn đề trong việc thống nhất dải nhiễu để có thể bắn trúng vào đúng một chiếc trong tốp máy bay.


Hình 31 - Tên lứa SAM-2 có cách bám sát dải nhiễu đánh địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2020, 05:49:12 am »

         

Hình 32 - Nhiễu rất nặng, dải nhiễu đã phú kín màn hiện sóng tên lửa Phòng không.


Hình 33 - Hình ảnh nhiễu xung trả lời của hải quân Mỹ.


        Mấu chốt thành công của cách đánh bám sát vào dải nhiễu là phải phân biệt được nhiễu ngoài đội hình của các máy bay gây nhiễu từ xa như EB-66 với nhiễu trong đội hình của biên đội máy bay cường kích. Khi đã tóm đúng được dải nhiễu trong đội hình của biên đội máy bay cường kích rồi thì chỉ còn cần làm thế nào để bám sát đúng vào một chiếc trong biên đội máy bay đó. Làm được những điều đó là cả một quá trình chỉ đạo sát sao của Bộ tư lệnh Quân chủng, binh chủng tên lửa đến công phu nghiên cứu rèn luyện của bộ đội. Trong hai tháng 10 và 11 năm 1967 có đến 68% bộ đội tên lửa Hà Nội đã sử dụng cách đánh 3 điểm.

        Máy bay cường kích của không quân Mỹ khi vào đánh phá mang theo máy gây nhiễu, tưởng rằng nhiễu của nó đủ sức ngụy trang tự vệ nhưng với cách đánh ba điểm bám sát dải nhiễu của ta, máy bay Mỹ vẫn bị bắn rơi và nếu không gây nhiễu nữa, để làm mất cơ sở cho tên lửa ta bám sát dải nhiễu thì còn tệ hại hơn đối với Mỹ vì lúc đó tên lửa sẽ bắt được mục tiêu để đánh bằng phương pháp bắn đón. Không quân Mỹ tiến lên một bước, chúng ta lại tiến lên một bước dài hơn. Nhiều máy bay Mỹ vẫn bị bắn rơi bằng cách này.

        Giải quyết được cách đánh 3 điểm có kết quả đã mở toang cánh cửa cho tên lửa đa dạng hóa cách đánh địch, có thêm phương án tiêu diệt địch. Cách đánh cơ bản truyền thống của tên lửa là cách bắn đón vượt nửa góc đã có bạn đồng hành. Hai cách đánh này của tên lửa như là hai anh em sinh đôi trên con đường “vạn dặm” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ra đánh phá miền Bắc nước ta.

        Tận dụng nhiễu của địch để đánh địch phải được coi là “gậy ông lại đập lưng ông”.

        Trong khi đó, máy bay cường kích của hải quân Mỹ không dùng nhiễu dải như không quân Mỹ mà vẫn trung thành với loại nhiễu xung trả lời mà chúng tôi sẽ nói ở một mục khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:46:48 am »


Chương IV

LÀM CHỦ 100, LÀM THẦY COH-4!

        Vào cuối năm 1965, đầu năm 1966, Quân chủng Phòng không - Không quân được tiếp nhận một số trung đoàn pháo Phòng không 100mm, với rađa COH-4. Loại rađa này được lắp máy chỉ huy K7 ngay trong rađa mà không có máy đo xa, kính quang học như máy chỉ huy K6 đặt riêng, với rađa COH-9A. Vì vậy khi bị nhiễu nặng, rađa COH-4 không bắt được mục tiêu thì đại đội pháo chỉ có cách bắn trực tiếp, mà bắn trực tiếp phát một của pháo 100mm thì khó bắn trúng mục tiêu lắm.

        Bên cạnh đó, do khí tài mới về, có nhiều trục trặc, các bộ khí tài rađa COH-4 và máy chỉ huy K7 của các trung đoàn 221, 225, 226... đều không làm việc tốt, tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài nêu lên một yêu cầu rất cụ thể và thiết thực: “Chúng ta phải làm chủ 100, làm thầy COH-4”. Để thực hiện yêu cầu đó của đồng chí tư lệnh, tháng 10/1966, phòng huấn luyện Quân chủng đề nghị Bộ Tư lệnh cho tổ chức hội nghị tập huấn tại chỗ về nội dung: “Bắn trúng bắn rơi máy bay địch của pháo 100mm với rađa COH-4”. Ngoài ra, chúng tôi cũng cải tiến rađa COH-4 theo phương án sử dụng một máy đo xa DJA6 do Hungari sản xuất, vốn là máy đo xa của pháo mặt đất 85mm, để truyền phần tử mục tiêu từ kính quang học sang cho rađa, khi rađa bị nhiễu không bắt được mục tiêu. Đề xuất này bắt nguồn từ suy nghĩ: nhiễu có thể làm lóa mắt thần rađa chứ khống thể nào bịt được mắt người. Nếu trang bị thêm cho rađa COH-4 một máy đo xa thì trong điều kiện thời tiết tốt, rađa bị nhiễu, ta còn có cách đánh chính xác hơn là bắn trực tiếp. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thiết kế mạch điện để thống nhất phần tử mục tiêu giữa máy đo xa DJA6 và rađa COH-4 thông qua hệ thống đồng hồ chỉ “0”. Tổ cải tiến gồm tôi, Hoàng Văn Khoa và Phan Toản do tôi phụ trách, anh Phan Toản là trợ lý rađa trung đoàn 226. Anh Phan Hạo, cán bộ phòng Quân giới của Quân chủng cũng tham gia và cử hai thợ quân giới đến giúp đỡ. Anh Cao Mạnh Thông và một số anh khác ở cục Quân khí cũng trực tiếp xuống theo dõi.

        Đơn vị được chọn cải tiến là rađa COH-4 của đại đội 1, trung đoàn 226 đang làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Nội Bài. Cải tiến nhưng không được làm ảnh hưởng đến tập huấn và sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn. Ban ngày, chúng tôi tham gia huấn luyện đội mẫu cho đại đội 1 theo nội dung của hội nghị tại chỗ, kết hợp với sẵn sàng chiến đấu (thời gian này, địch đã bắt đầu đánh các mục tiêu quanh khu vực sân bay). Việc cải tiến chỉ được tiến hành vào ban đêm nên thường xuyên, đêm nào chúng tôi cũng phải làm việc đến 2-3 giờ sáng mới đi nghỉ. Có đêm phải làm thông đến sáng, khi anh em trắc thủ thức dậy thì chúng tôi giao máy lại cho anh em để đơn vị chuẩn bị chiến đấu.

        Đến đêm thứ 10 thì mạch điện được lắp xong các nội dung bên trong đài rađa, có thể nối điện kiểm tra. Hôm đó, có mặt các anh trên cục Quân khí. Khi nối điện vào, có hiện tượng đánh lửa trong đồng hồ chỉ “0” và một loạt đồng hồ bị cháy khung quay. Lúc đó đã là 1 giờ sáng. Có người nói, các đồng hồ này đã lâu không nối điện, có thể do ẩm mà gây cháy chập thôi. Tôi quyết định cho mọi người đi nghỉ, mai sẽ tiếp tục nghiên cứu. Tôi về nằm, trằn trọc mãi không ngủ được, 2 giờ sáng tôi lại dậy, soi đèn pin mở tranh mạch điện xem lại, mạch điện hoàn toàn đúng, không có sai sót gì. Tôi nghĩ, do ẩm mà cháy một loạt đồng hồ như vậy là vô lý, nếu ẩm thì chỉ cháy riêng những đồng hồ bị ẩm thôi. Tôi ra máy đối chiếu mạch điện với thực tế. Đến 3 giờ sáng thì tôi tìm ra nguyên nhân, trong bộ phận công tắc chuyển mạch, một sợi dây của mạch điện cũ đáng lẽ phải được tháo ra trước khi lắp mạch điện mới, nhưng việc đó đã bỏ sót nên một điện trở 12 kiloohm bị ngắn mạch, bình thường điện trở đó chỉ chịu điện áp vài volt thôi mà nay phải gánh điện áp 110V thì làm sao mà không cháy! Tôi về đi nằm mà vẫn không ngủ được. Ngày mai sẽ nói sao đây với mọi người?, về mạch điện, tuy do thợ lắp nhưng tôi trực tiếp hướng dẫn từng đầu mối một, mình không thể trốn trách nhiệm được, do mình không kiểm tra kỹ nên khi sử dụng công tác chuyển mạch cũ đã coi như sử dụng công tắc chuyển mạch mới. Có một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi: ngày mai cứ nói là thiết kế không có gì sai, do các đồng hồ chỉ “0" bị ẩm nên gây ra cháy chập, rồi bí mật tháo đoạn dây cũ ở công tắc chuyển mạch ra, giả vờ sấy máy và thay đồng hồ chỉ “0” khác, thì chẳng ai biết đấy là đâu! Nhưng một ý nghĩ khác lại đến với tôi: Không được làm như vậy! Dùng kỹ thuật để lừa dối, che giấu khuyết điểm là một hành vi xấu, vừa không phải về đạo đức người làm khoa học chân chính, vừa gây tác hại lớn về kỷ thuật sau này. Nếu không đem ra rút kinh nghiệm thì khi triển khai rộng cho nhiều bộ khí tài sẽ gây hư hỏng hàng loạt. Cuối cùng cái thiện đã thắng trong tôi và tôi đã nói rõ sự thật, tự nhận thiếu sót trong khâu kiểm tra của mình, trước mọi người. Kết quả, sau khi tháo đoạn dây cũ thừa đó ra thì mạch điện chạy tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:50:10 am »


        Sau một tháng làm việc, đề tài cải tiến mới hoàn thành đầy đủ, vì còn phải lắp các mạch điện cho máy đo xa DJA6 và lắp thêm bộ phận truyền cự ly để có thể bắn bằng phần tử tổng hợp. Trong hội nghị tổng kết đợt tập huấn sử dụng pháo 100mm-COH-4 và cải tiến lắp thêm bộ phận quang học cho rađa, tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài có đến tham dự, tỏ lời khen ngợi và quyết định cho triển khai việc cải tiến đó.

        Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài là người nổi tiếng mà cả nước ai cũng biết, là người bảo vệ Bác Hồ, người đã từng cõng Bác Hồ qua suối trong những năm tháng đấu tranh ác liệt của Cách mạng và suốt cuộc đời gắn liền với quá trình phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh là người thẳng thắn, cươmg trực, đã nói là làm và làm quyết liệt, làm bằng được. Bất kể ai, nếu sai sót, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích tập thể, anh nói thẳng, truy đến cùng. Kỷ luật quân đội là điều mà anh không bao giờ xem nhẹ. Có lúc phải nhận xét gay gắt nhưng tư lệnh là người rất yêu thương bộ đội. Nhiều việc tưởng là khó khản không vượt nổi thì với tư lệnh Phùng Thế Tài, phải quyết lao vào, làm đi, cứ làm đi sẽ tìm ra biện pháp. Chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu kỹ thuật trong chống nhiễu, được hưởng ở tư lệnh Phùng Thế Tài hai quyết định đúng đắn. Anh là người ký quyết định thành lập đội Nhiễu, đơn vị đầu tiên của một ngành kỹ thuật quân sự trong Quân chủng Phòng không- Không quân, ngành tác chiến điện tử. Anh cũng là người quyết tâm tìm cách nâng cao sức chiến đấu cho pháo Phòng không - 100mm với rađa COH-4 và ủng hộ việc cải tiến kỹ thuật lắp thêm kính quang học cho rađa COH-4. Anh rất quý trọng và tin tưởng anh em làm công tác kỹ thuật.

        Từ cương vị là tư lệnh binh chủng Phòng không, tháng 10/1963, anh được bổ nhiệm là tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cùng với chính ủy Đặng Tính lãnh đạo một Quân chủng kỹ thuật mới của quân đội. Sự “kết duyên” này quá đẹp, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp rất ấn tượng. Họ đã bổ trợ cho nhau một cách tuyệt vời, là hòn đá tảng liên kết lực lượng Phòng không và lực lượng Không quân để hình thành một quân chủng vững mạnh, đủ sức đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc nước ta. Từ giữa năm 1967, theo yêu cầu công tác chỉ đạo chiến lược của Quân đội, tư lệnh Phùng Thế Tài được điều lên làm Tổng Tham mưu phó, vừa giúp Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng hiểu sâu sắc hơn các quân binh chủng, ra những chỉ thị, mệnh lệnh kịp thời và sáng suốt hơn, vừa có điều kiện hỗ trợ cho Quân chủng Phòng không - Không quân đối phó với cuộc leo thang chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ ra miền Bắc, trong đó có cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ ra Hà Nội, Hải Phòng. Tôi đang có trong tay bức ảnh được chụp sáng 19/12/1972.


Hình 34 - Hai tư lệnh Phòng không - Không quân trong hai cuộc leo thang chiến ưanh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:50:51 am »


        Trong ảnh có hai người đang quan sát mảnh chiếc máy bay có phù hiệu ‘‘Nắm đấm thép và tia chớp”, biểu tượng của không quân chiến lược Mỹ, bị tiểu đoàn 59, trung đoàn 261 bắn rơi tại chỗ đêm 18/12/1972. Hai người đó là nguyên tư lệnh Phùng Thế Tài và tư lệnh đương chức Lê Văn Tri. Trong “ván cờ” chống Mỹ leo thang chiến tranh lần thứ hai ra miền Bắc nước ta, họ đã sát cánh bên nhau như người ta thường nói, "cờ ngoài, bài trong”; người đứng ngoài, Phùng Thế Tài, đã giúp người trong cuộc, Lê Văn Tri, sáng suốt hơn và họ đã cùng bộ đội Phòng không - Không quân “chiếu tướng” B-52 thành công.

        Từ cuối năm 1966, đại đội 1 trung đoàn 226, pháo Phòng không 100mm với rađa COH-4 đã được cải tiến và đưa vào trực ban chiến đấu. Rađa COH-4 vốn là mắt thần đã được bổ sung thêm mắt người để chống nhiễu. Nhiều trường hợp, rađa bị nhiễu, máy đo xa quang học bắt được mục tiêu đã bảo đảm cho đại đội bắn máy bay địch và có điều mừng là đại đội 1 đã được công nhận bắn rơi một máy bay bằng phần tử quang học của bộ phận cải tiến. Một điều quan trọng nữa là máy đo xa quang học đã giúp cho rađa phân biệt máy bay ta và máy bay địch, vì lúc đó sử dụng máy hỏi giữa rađa hỏa lực Phòng không mặt đất và máy bay ta chưa triển khai hoạt động được, đặc biệt đối với trung đoàn 226 là trung đoàn Phòng không bố trí bảo vệ sân bay Nội Bài. Đoàn kỹ thuật quân sự của Trung Quốc và Triều Tiên sang họp tác nghiên cứu ở Việt Nam sau khi được trao đổi về đề tài cải tiến này đều rất hoan nghênh và đều xin bản vẽ thiết kế cải tiến của ta.

        Sau việc cải tiến thành công rađa COH-4 có máy đo xa quang học, bộ phận Nghiên cứu Kỹ thuật thuộc phòng Khoa học Quân sự đề xuất phương án cải tiến tương tự như vậy cho đài điều khiển tên lửa SAM-2. Quân chủng đã cho điều động một bộ khí tài đến gần xưởng A-34 thuộc cục Kỹ thuật Quân chủng, tận dụng các phương tiện cơ khí của A-34 để tiến hành cải tiến. Khi tổ cải tiến đang làm dở dang kế hoạch này thì Liên Xô đưa sang, lắp trên nóc xe thu phát của bộ khí tài tên lửa, hệ thống PA-00 để giúp tên lửa có thể sử dụng khí tài quang học TZK phục vụ đánh máy bay bằng phương pháp 3 điểm khi rađa tên lửa bị nhiễu nặng. Vì vậy phương án cải tiến mà phía Việt Nam đang làm đã phải ngừng lại, không tiến hành tiếp nữa. Dù sáng kiến của Việt Nam nhằm cải tiến cho rađa COH-4 và sau đó cho tên lửa SAM-2 để có thể bắt mục tiêu bằng quang học có là gợi ý cho Liên Xô cải tiến hệ thống PA-00 cho tên lửa SAM-2 hay không thì đó cũng là một việc làm đúng hướng trơng nghiên cứu chống nhiễu cho rađa của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam. Gần đây, một số hệ thống vũ khí trang bị Phòng không, bên cạnh ăng-ten rađa còn đặt thêm một hệ thống thu truyền hình để phối hợp mắt thần với mắt người càng chứng minh những suy nghĩ và cách giải quyết của chúng ta là đúng hướng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2020, 11:42:29 am »

           
Chương V

MẮT NGƯỜI HỖ TRỢ MẮT THẦN!

        Các nhà thiết kế tên lửa SAM-2, lúc đầu chỉ nhằm sử dụng rađa làm phương tiện tìm bắt mục tiêu và đánh địch. Trong trường hợp bị nhiễu nặng tên lửa SAM-2 đã có phương án bám sát dải nhiễu để đánh. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng chọn dải nhiễu được chính xác. Việc ra đời thêm một phương tiện quang học là yêu cầu nảy sinh từ thực tiễn chiến đấu, phát huy vai trò của mắt người để hỗ trợ trong các tình huống khó khăn đó. Hệ thống quang học PA-00 được đưa vào sử dụng năm 1968 nhằm hỗ trợ chống nhiễu cho đài điều khiển tên lửa chiến đấu ban ngày khi thời tiết tốt.

        Đó là phương án sử dụng kính nhìn xa TZK, có độ phóng đại đến 30 lần, đặt trên nóc ăng-ten xe thu phát và bố trí 2 trắc thủ (một trắc thủ ngắm góc phương vị, một trắc thủ ngắm góc tà). Từ vị trí đó, các trắc thủ TZK có thể liên hệ với các trắc thủ bên trong xe điều khiển và lại còn có cả hệ thống đuờng dây để trắc thủ TZK có thể điều khiển bằng tay, bám sát chiếc máy bay mà chính họ đã quan sát được ở ngoài trời. Hai trắc thủ TZK ngồi trong một cái buồng (cabin) mà anh em thường gọi là "chuồng chim cu PA-00”. Việc sử dụng hệ thống PA-00 lúc đầu không phải là đơn giản, về mặt kỹ thuật, khi điều khiển từ hệ thống PA-00 ăng-ten bị rung và lắc. Về mặt tâm lý, phải khắc phục tư tưởng lo lắng khi ngồi chót vót trên cao, trực tiếp quan sát không gian mà máy bay địch bay xung quanh, hay bổ nhào vào trận địa, khi trận địa tên lửa trực tiếp bị đánh phá. Đó là chưa nói việc ảnh hưởng đến sức khỏe khi ở rất gần nguồn phát sóng siêu cao tần có công suất lớn như rađa của tên lửa SAM-2. Khi địch phóng Shrike vào cánh sóng rađa thì chính những trắc thủ TZK là những người đầu tiên trông thấy tên lửa địch đang lao về phía trận địa mình. Các trắc thủ của chúng ta đã dũng cảm thực hiện nhiệm vụ của mình. Khắc phục hiện tượng bị rung lắc, khi điều khiển bằng hệ thống PA-00, trắc thủ phải luyện tập cách thao thác làm sao được nhẹ nhàng, đồng bộ, không giật cục mới có thể tiêu diệt máy bay địch. Nhưng trong thực tế chiến đấu, phổ biến là trắc thủ PA-00 thông báo để trắc thủ trong xe điều khiển, điều chỉnh việc bám sát cho đúng vào máy bay mà thôi.

        Hệ thống quang học PA-00 có nhiều đóng góp rất quan trọng trong chiến đấu ở những điểm như sau:

        * Chỉ thị mục tiêu khi đài rađa bị nhiễu hoàn toàn mà kính TZK thấy được mục tiêu. Nếu ban ngày thời tiết tốt, kính ngắm TZK có thể thấy mục tiêu từ 30km.

        * Giúp trắc thủ trong xe điều khiển bám sát chính xác mục tiêu khi trắc thủ bám sát dải nhiễu trong phương pháp bắn 3 điểm. Trong thực tiễn chiến đấu không phải không có trường hợp bám sát nhầm vảo dải nhiễu ngoài đội hình, hoặc bám sát vào khoảng trống trong biên đội 4 chiếc máy bay cường kích hoặc chỉ một trong 2 góc bám sát đúng vào máy bay.

        Do tác dụng nhiễu trong đội hình QRC của tốp máy bay cường kích không quân Mỹ, nên trong nhiều trận đánh, trong xe điều khiển đã bám sát dải nhiễu nhưng trên kính TZK của hệ thống quang học PA-00, đường ngắm quang học không ngắm đúng vào máy bay. Lúc đó trắc thủ PA-00 có thể thông báo cho trắc thủ trong xe điều khiển hiệu chỉnh để có thể bám sát chính xác cả hai góc. Ngay trong các trận đánh B-52 vào ném bom Hà Nội, trắc thủ TZK cũng đã bổ ượ cho kíp trắc thủ khẳng định đã bắt đúng B-52 hay chưa, vì máy bay B-52 khi bay phải bật đèn để khỏi va vào nhau trong đêm tối.

        * Hệ thống PA-00 có thể giúp báo động khi thấy tên lửa Shrike của địch bắn về trận địa, tuy rằng trắc thủ trong xe điều khiển vẫn có thể phát hiện tín hiệu phản xạ của Shrike khi Shrike mới rời bệ phóng từ máy bay nhưng ban ngày thòi tiết tốt mà trắc thủ PA-00 thấy được thì càng chính xác. Nếu đài điều khiển tên lửa ngừng phát sóng khi mà Shrike còn cách trận địa từ 10km trở lên và xử lý đối phó thì Shrike dễ rơi ra ngoài trận địa.

        Sang đầu năm 1972, máy bay cường kích của không quân Mỹ sử dụng máy gây nhiễu ALQ-87 có công suất lớn hơn máy gây nhiễu ALQ-71, gây khó khăn nhiều hơn đối với tên lửa SAM-2. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ thị phải phối hợp với hệ thống quang học PA-00 để đánh máy bay địch.

        Ngày 27/6/1972, tại trận địa cổ Loa, tiểu đoàn 57 trung đoàn 257, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, kíp trắc thủ quang học có các anh Nguyễn Đình Thanh và Đoàn Văn Súc đã chọn và bảo đảm cho trắc thủ trong đài điều khiển bám sát chính xác vào dải nhiễu của một chiếc trong tốp máy bay cường kích, đã bắn rơi chiếc F-4E xuống cánh đồng Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tiểu đoàn 57 đã lập công suất sắc, giành cờ thi đua bắn rơi chiếc máy bay thứ 3700 trên miền Bắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và anh Đoàn Văn Súc là trắc thủ PA-00 đầu tiên, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

        Đầu tháng 7/1972, tiểu đoàn 76, trung đoàn 257 và tiểu đoàn 94, trung đoàn 261 cũng đã sử dụng hệ thống quang học PA-00 hỗ trợ đánh bốn trận, đều kịp thời phát hiện tên lửa Shrike của địch, tránh được Shrike mà vẫn tiêu diệt được ba F4. Còn nhiều trận khác nữa, máy bay địch cũng bị bắn rơi bằng phương pháp ba điểm kết hợp với PA-00 chọn đúng tốp, bám sát đúng chiếc bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

        Đặc biệt đối với máy bay của hải quân Mỹ sù dụng máy gây nhiễu xung trả lời, việc phát huy khí tài quang học PA-00 cũng có tác dụng kết hợp quan sát mục tiêu, phát sóng một lần “đánh nhanh có chuẩn bị” để tránh Shrike mà vẫn tiêu diệt được địch. Các tiểu đoàn 72, 74, trung đoàn 285 và các tiểu đoàn 82,83, trung đoàn 238 đã bắn rơi 7 máy bay của hải quân Mỹ bằng cách đánh này.

        Ngày 6/8/1972, tiểu đoàn 81, trung đoàn 238 cũng đã thực hiện cách “đánh nhanh có chuẩn bị’’ kết hợp sử dụng hệ thống PA-00, bắn rơi tại chỗ chiếc A7, là chiếc máy bay thứ 3.800 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc.

        Từ đó ta nhận thấy, dù vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu, con người vẫn là yếu tố quyết định. Nhiễu có thể làm mù rađa nhưng không thé bịt mắt được con người, nhất là con người dám đánh và biết đánh.

        Cũng từ kinh nghiệm cải tiến hệ thống quang học PA-00 cho tên lửa SAM-2, những loại vũ khí phòng không được sản xuất sau đó, dù hiện đại đến đâu cũng không bỏ qua hệ thống quang học để tăng được khả năng chống nhiễu. Hệ thống quang học có thể là quang hình, quang truyền hình hoặc là quang lượng tử (laser).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2020, 11:45:54 am »


Chương Vl

ĐẠI ÚY ĐI ĐẠI XA ĐẾN GẶP ĐẠI SỨ DỰ ĐẠI TIỆC!

        Việc này xảy ra vào năm 1969, anh em trong phòng quân báo và tiểu đoàn trinh sát nhiễu phong cho tôi 4 chữ “Đại”: "Đại úy đi Đại xa đến gặp Đại sứ dự Đại tiệc". Chẳng là, hồi đó tôi mang quân hàm Đại úy, sử dụng một xe lớn - đại xa, chuyển một máy bay KNL đã bị bộ đội Phòng không - Không quân bắn rơi đến sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và sau khi bàn giao xong, chúng tôi được Đại sứ tiếp và mời chúng tôi một bữa Đại tiệc. Thực ra chỉ là một chút liên hoan bánh ngọt nhưng anh em phóng đại lên là Đại tiệc cho xuôi vần về ngôn từ.

        Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc nước ta, nhiều máy bay Mỹ đã bị bắn rơi. Xác máy bay Mỹ, nhất là những thiết bị điện tử các loại, như máy thông tin liên lạc, máy trinh sát điện tử, máy gây nhiễu, thiết bị điều khiển vũ khí v.v... trên máy bay Mỹ là những thứ rất quan trọng để nghiên cứu kỹ thuật quân sự, đối phó lại các thủ đoạn của Mỹ và khi cần, nghiên cứu phát triển công nghiệp quốc phòng. Không những chúng ta quan tâm mà các nước XHCN hồi đó cũng rất muốn có được để nghiên cứu. Ở những năm 60-70 thế kỷ trước, thời kỳ còn Chiến tranh Lạnh, phải thừa nhận rằng, về một số lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là về công nghệ điện tử, vi xử lý, những phát triển về công nghệ điều khiển vũ khí..., các nước XHCN so với Mỹ còn kém hiện đại hơn. Vì vậy, thu được hiện vật để nghiên cứu là con đường ngắn nhất cho phát triển, so với việc tìm mua công nghệ và tình báo về kỹ thuật quân sự.

        Hồi đó, Liên Xô và Trung Quốc rất quan tâm đến các chiến lợi phẩm đặc biệt này. Chí tình với bạn bè nên Chính phủ và Bộ Quốc phòng ta đối xử với hai "ông anh” khi nào cũng cân đối. Khi cho Liên Xô cái gì thì cũng có một cái khác để cho Trung Quốc. Trong chiến tranh, mọi chiến lợi phẩm thu được đều có ý nghĩa, chúng đều được đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu, nhất là các chiến lợi phẩm có trình độ khoa học và công nghệ cao. Như vậy chúng không những có ý nghĩa quốc gia mà còn có ý nghĩa quốc tế. Các nước bạn bè giúp ta đánh Mỹ nhưng cũng thu hoạch được nhiều qua cuộc chiến tranh đó. Khi bạn nhận của ta những hiện vật chiến lợi phẩm thu được từ các máy bay Mỹ bị bắn rơi, bạn thường luôn hứa hẹn sau khi nghiên cứu, bạn sẽ cung cấp cho Việt Nam những kết quả nghiên cứu để Việt Nam nâng cao hơn hiệu suất chiến đấu với máy bay Mỹ. Nhưng chờ mãi, chờ mãi cho đến tận khi kết thúc chiến tranh mà chẳng có một hồi âm nào. Vì vậy lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật của Việt Nam phải tự lo liệu lấy. Trong thời gian đánh Mỹ, phòng Khoa học Quân sự trước đó, và phòng Nghiên cứu Kỹ thuật sau này, được giao nhiệm vụ đi thu xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học Kỹ thuật Quân sự trong chiến tranh và những hiện vật đó hiện nay còn lưu giữ ở các viện Bảo tàng của các đơn vị, cho nhiều đời sau, ghi nhận những thành tích và truyền thống chiến đấu oanh liệt của quân dân ta chống ngoại xâm trong thời đại Hồ Chí Minh.

        Lúc mới nghe, ai cũng tưởng rằng việc đi thu xác máy bay Mỹ bị bắn rơi là đơn giản, vì nó đã rơi và nằm trên đất nước mình, chỉ cần đến mà chở về thôi. Đi vào thực tế mới thấy phức tạp và không ít khó khăn. Tuy Bộ Quốc phòng đã gửi thông tri cho tất cả các địa phương, nơi nào có máy bay địch bị bắn rơi thì dân quân và bộ đội địa phương phải canh gác, chờ đội thu hồi đến tiếp nhận, nhưng có một số người dân, bất kể cả khi máy bay địch còn đang gầm rú trên trời, cứ ào tới để lấy khung nhôm về gác cầu ao, mảnh nhôm về đúc nồi niêu mâm chậu. Nguy hiểm nhất là khi họ phá tung các khối điện tử ra để lấy các bóng bán dẫn, bán cho những người lắp ráp các máy thu ga-len, hồi đó đang rất thịnh hành ở miền Bắc nước ta. Một việc phiền phức nữa là khi máy bay Mỹ bị bắn rơi ở đường 1 Bắc hoặc ở phía Tuyên Quang, Yên Bái, dân quân và bộ đội địa phương còn phải tranh chấp với những người đi thu nhật xác máy bay Mỹ của bộ đội cao xạ Trung Quốc. Máy bay Mỹ bị tên lửa ta bắn rơi hẳn hoi mà họ cứ bảo là do pháo cao xạ của họ bắn rơi. Vì vậy để khắc phục các tình trạng trên, chúng tôi đã phải tổ chức một đội thu hồi chuyên môn do thượng úy Nguyễn Quang Thị, một cán bộ có trách nhiệm phụ trách, sẵn sàng như chế độ trực chiến của phi công khi chuẩn bị xuất kích. Xe ôtô phải nạp xăng đầy đủ, cuốc xẻng vũ khí, bản đồ, lương thực nước uống sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường được ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2020, 11:46:09 am »


        Lại có một chuyện đáng nhớ nữa, đối với tôi. Đó là thời kỳ đội Nhiễu vào làm nhiệm vụ trinh sát ở Cà-Ròn trên đường 20. Máy bay Mỷ bị lực lượng Phòng không-đoàn 559 bắn rơi trên tuyến đường cũng không ít, mà không có lực lượng nào thu hồi. Bộ đội và Thanh niên Xung phong ở các binh trạm, thường chỉ lấy các mảnh đuya-ra về làm các vật kỷ niệm như lược chải đầu, nhẫn, hộp đựng đường... Một hôm tôi thấy anh Dậu, là y tá của đội Nhiễu, mang về một tấm mạch điện tử, trên đó có rất nhiều bóng bán dẫn được tháo ra từ một khối điện tử của máy bay. Hỏi ra thì được biết, có một máy bay địch đã bị rơi ngay ở khu vực Km 54, gần nơi chúng tôi bố trí đội hình trinh sát nhiễu. Anh Hoàng Văn Khoa còn cho tôi biết, ở Km 39 cũng có một chiếc máy bay Mỹ rơi, anh ấy đã vào đó và thấy cả xác giặc lái đã bắt đầu bị tổ mối đắp đất lên người gần hết. Với ham mê nghiên cứu kỷ thuật của địch, nhân một ngày máy bay địch ít hoạt động, sau khi ăn cơm sáng (chúng tôi ăn bữa chính vào buổi sáng và buổi tối), tôi rủ anh Khoa xuống núi, đi tìm hiện vật máy bay rơi ở Km 54, xem có còn thứ gì có thể thu hồi được nữa không.

        Chúng tôi đến được chỗ máy bay địch rơi, là một khu rừng nứa gần đại đội 5 Thanh niên Xung phong thuộc binh trạm 14, cách đường 20 khoảng 500m. Những mảnh máy bay bị văng ra trên một diện tích rộng, các khối máy điện tử chỉ còn trơ khung máy, hình như đã có ai đó đã đến tháo các mảnh vi mạch và bán dẫn rồi. Tôi lấy chân lật một khối vỏ máy thì một con rắn xanh lè, tuy nhỏ thôi, nhưng chắc là một con rắn rất độc, đang vươn lên định mổ vào chân tôi. Nhưng may quá, tôi lùi lại được kịp thời nên không việc gì và con rắn cũng lủi đi mất.

        Không có gì có thể thu được, tôi bàn với anh Khoa đi về. Chúng tôi hướng trở lại đường cũ để rút ra nhưng không hiểu sao, càng đi chúng tôi càng không thấy lối ra và cảm thấy các hướng đều giống nhau. Lúc đó chúng tôi hoàn toàn không định hướng được nữa. Chúng tôi đã bị lạc vào khu rừng nứa bạt ngàn rồi. Tôi bắt đầu lo, xung quanh đã bắt đầu tối dần, tuy lúc đó mới khoảng 4 giờ chiều.

        Mãi về sau, đang cố gắng tìm đường ra thì may quá chúng tôi đến được một khe suối cạn. Gọi là suối nhưng thực chất nó là một rãnh lớn rộng khoảng 2 - 3m, dẫn nước mưa từ trên cao xuống, lâu ngày thành rãnh nhưng do thời tiết mùa khô nên không có nước. Như vậy, nếu cứ đi theo đường dốc xuống, thế nào cũng gặp suối nước chảy qua nơi ở của đại đội 5, Thanh niên Xung phong. Anh Khoa trườn xuống trước, tôi trườn xuống sau. Vừa đặt chân đến đất của suối nước cạn, tôi nghe anh thốt lên rất nhỏ: "Các cô Thanh niên Xung phong đang thay quần áo, anh ạ”. Tôi xấu hổ quá, núp sau gốc cây to, không dám nhìn. Vì ở ngoài suối, không có chỗ che nên các cô ấy cũng vào khe suối cạn để thay quần áo mà không hề hay biết phía trên cao một đoạn, đang có người. Lúc đó chúng tôi ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu xuất hiện hoặc để lộ mình, khiến các cố ấy mà la lên thì thật là “tình ngay lý gian”. Nếu chờ thì biết đến bao giờ? May quá, một lúc sau chúng tôi cũng được giải thoát, vội vàng xuống bờ suối và ven theo bờ suối đi về khu lán trại của đại đội Thanh niên Xung phong. Lúc này trời đã tối hẳn. Mệt và đói nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng leo lên núi, noi đóng quân của đội trinh sát nhiễu.

        Vừa thấy chúng tôi, anh Đặng Đình Vinh, tiểu đoàn phó tiểu đoàn Nhiễu mừng rỡ: “May quá, bọn tôi đang định đốt đuốc đi tìm các anh đây”.

        Thật là một ngày lao động vất vả nhưng chẳng có kết quả gì, ngoài một bài học đi rừng thiếu cẩn thận. Sau này đi rừng nhất thiết phải có địa bàn. Tối hôm đó trước khi ngủ, tôi có hoi tiếc: “Tại sao mình không nhìn một tí nhỉ?”. Nhưng ngay sau đó, tôi cũng tự vừa lòng: "Nếu tò mò thì sau này, kể với vợ ở nhà thế nào đây!”, và tôi đã yên trí, ngủ thiếp đi sau con mệt mỏi đi rừng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2020, 06:40:56 pm »

       
Chương VII

VỎ QUÍT DÀY CÓ MÓNG TAY NHỌN!

        Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng nhiều công nghệ cao vào việc chế tạo những máy gây nhiễu. Khi máy bay Mỹ bị lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam bắn rơi, những thiết bị đó đã là sở hữu của Việt Nam. Các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Việt Nam cần phải tranh thủ nghiên cứu chúng, không thể chờ các nước bạn cung cấp các thông tin cần thiết cho ta, mà chờ thì không biết chờ đến bao giờ! Mỹ thay đổi thủ đoạn hàng ngày, không thể chờ đợi được.

        Tất nhiên không phải những thứ gì mà ta thu được cũng trao hết cho bạn, ta cần phải có cái của ta để tự ta phải tìm cách đối phó với các thủ đoạn của địch. Tuy "móng tay” của ta không nhọn bằng "móng tay” của các nước bạn có nền khoa học công nghệ tiên tiến hơn ta nhiều, nhưng cũng đủ nhọn để biết nên và có thể làm những gì mà chúng ta cần. Chỗ nào mà chúng tôi gặp khó khăn thì đã có sự giúp đỡ của Viện Kỹ thuật Quân sự cũng như Học viện Kỹ thuật Quần sự trong Bộ Quốc phòng và còn có cả các cơ quan khoa học kỹ thuật của Nhà nước nữa.

        Tôi xin kể dưới đây kết quả một số việc mà chúng tôi đã làm để bóc tách cái "vỏ dày” của các trang thiết bị trinh sát và gây nhiễu của Mỹ, phục vụ kịp thời cho chiến đấu của bộ đội ta:

        MÁY THU TRINH SÁT BÁO ĐỘNG APR-23 CỦA HẢI QUÂN MỸ

        Máy thu trinh sát báo động APR-23 do ta thu được từ một máy bay A4 của hải quần Mỹ bị lực lượng Phòng không ta bắn rơi, gồm hoàn chỉnh hệ thống ăng-ten, các thiết bị cao tần. Còn các thiết bị đầu ra thì không thu được đầy đủ. Tuy nhiên kết hợp với lời cung giặc lái, chúng ta cũng đã nghiên cứu để tìm ra một số kết quả liên quan đến tính nâng và cách sử dụng APR-23.

        Máy thu báo động APR-23 có 9 ăng-ten, trong đó có 3 ăng- ten làm việc ở dải sóng 10cm, 3 ăng-ten làm việc ở dải sóng 5cm, 3 ăng-ten làm việc ở dải sóng 3cm.

        APR-23 là loại máy thu có tác dụng chủ yếu là phát hiện các rađa điều khiển hỏa lực Phòng không - Không quân để cảnh giới báo động cho người lái biết mà phòng tránh. Nó còn có thể định hướng rađa đối phương để phóng tên lửa Shrike và xác định vị trí của đài rađa đối phương. Cùng họ với APR-23 có APR-27 của hải quân Mỹ và các máy thu trinh sát báo động APS-54, APR-25/26, APR-35/36 của không quân Mỹ.

        Qua phân tích bộ ăng-ten và bộ phận cao tần của APR-23, chúng ta được biết APR-23 có thể báo động các loại rađa làm việc ở các dải tần số ứng với sóng 10cm, sóng 5cm và sóng 3cm. Đây là các dải tần số làm việc của các loại tên lửa phòng không của Liên Xô. Các bộ ăng-ten sóng 10cm và sóng 5cm đều lắp ở bụng máy bay, nhằm để phát hiện các loại rađa hỏa lực phòng không mặt đất và trên hạm tàu. Còn bộ ãng- ten sóng 3cm thì có một ăng-ten được lắp ở đuôi máy bay, chủ yếu nhằm phát hiện rađa của máy bay Mig và 2 ăng-ten được lắp ở bụng máy bay để phát hiện rađa hỏa lực phòng không mặt đất và trên hạm tàu.

        Phi công có thể sử dụng tín hiệu của rađa đối phương để ngắm phóng tên lửa Shrike và càn cứ vào cường độ tín hiệu của rađa đối phương mà phán đoán cự ly để xác định thời điểm và góc phóng tên lửa Shrike.

        Để xác định vị trí cụ thể của đài rađa đối phương, phi công có thể giao hội hướng từ máy bay đến đài rađa, ở các điểm xuất phát khác nhau trên đường bay.

        Tóm lại với máy thu trinh sát báo động, phi công có thể phát hiện vùng có những hỏa lực đất đối không, hạm đối không, không đối không để phòng tránh hoặc để tấn công. Qua những hiểu biết về tính năng và cách sử dụng APR-23, chúng ta có thể nâng cao yêu cầu giữ bí mật trận địa, khả năng chọn thời cơ và và cự ly phát sóng để vừa tiêu diệt địch, vừa bảo vệ mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2020, 06:50:47 pm »

   
        MÁY GÂY NHIỄU QRC-160 VÀ ALQ-71 CỦA KHÔNG QUÂN MỸ

        QRC-160A và ALQ-71 là hai loại máy gây nhiễu được đeo ở dưới cánh của các loại máy bay chiến thuật của không quân Mỹ, gây nhiễu để tự ngụy trang. Đối tượng gây nhiễu là các loại rađa làm việc ở dải sóng 10cm. Nó có hình thù như một quả bom dài. về cơ bản, QRC-160A và ALQ-71 cùng một chúng loại. Tuy nhiên, QRC-160A là loại máy gây nhiễu đang trong giai đoạn thử nghiệm còn ALQ-71 là máy gây nhiễu đã được đưa vào trang bị chính thức.

        Chúng tôi đã phục hồi và nối điện cho máy phát của chiếc máy gây nhiễu ALQ-71 mà chúng ta đã thu được tương đối hoàn chỉnh từ một máy bay Mỹ bị ta bắn rơi tháng 5/1967. Chúng tôi đã đo được công suất và phổ nhiễu làm việc của nó. So với máy gây nhiễu QRC-160A thì máy gây nhiễu ALQ-71 có công suất lớn hơn (150W so với 120W), điều chế phức tạp hơn và phổ nhiễu của ALQ-71 trùm rộng hơn về phía tần số của rãnh đạn so với máy gây nhiễu QRC-160A. về nguồn điện cung cấp cho máy gây nhiễu, ALQ-71 sử dụng nguồn điện từ trong máy bay ổn định hơn QRC-160A sử dụng sức gió do máy bay tạo ra khi bay để quay máy phát điện đặt ở đuôi máy gây nhiễu. Các máy gây nhiễu QRC-160A và ALQ-71 đều có 4 ăng-ten trong đó có 2 ăng-ten khe và 2 ăng-ten dipol (2 cực).

        Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu vào 2 khâu:

        - Sơ đồ cánh sóng hệ thống 4 ăng-ten của ALQ-71.

        - Đo đạc phổ nhiễu, công suất nhiễu, cách điều chế nhiễu cũng như nguyên lý làm việc của ALQ-71.
 
SƠ ĐỒ CÁNH SÓNG NHIỄU CỦA MÁY GÂY NHIỄU ALQ-71


a. Sơ đồ cánh sóng đo ở mặt phẳng thẳng nón 20 độ ứng với mặt phẳng đế ở tần số f = 2950MHz


b. Sơ đồ cánh sóng đo ở mặt phẳng thẳng đúng dọc hướng bay, ờ tần số f = 2950MHz

Hình 35 - Sơ đồ cánh sóng nhiễu ăng-ten khe của máy gây nhiễu ALQ- 71 dọc theo hướng bay của máy bay ở góc chúc xuống 20 độ.
       
        Biết sơ đồ cánh sóng của máy gây nhiễu trong đội hình là rất quan trọng, vì nó cho ta hình dung được nhiễu đã phát đi và phân bổ như thể nào, để người chỉ huy bố trí trận địa phòng không sao cho bị nhiễu nhẹ nhất, hy vọng bắt được mục tiêu để chọn phương pháp bắn đón, vượt nửa góc nhằm đạt được hiệu suất chiến đấu cao nhất. Sơ đồ cánh sóng nhiễu cho thấy, nếu tham số đường bay lớn hoặc bắn đuổi máy bay thì nhiễu có nhẹ hơn. Nhiều người cũng đề cập đến khu mù ở dưới bụng máy bay của cánh sóng nhiễu. Tuy nhiên điều đó sẽ là đúng khi máy bay đi đơn lẻ, còn nếu máy bay bay theo đội hình nhiều biên đội thì biên đội đi sau sẽ yểm trợ cho khu mù cánh sóng nhiễu của biên đội đi trước. Từ năm 1967, chúng tôi đã xác định đồ thị cánh sóng nhiễu của loại nhiễu trong đội hình của máy gây nhiễu ALQ-71. Từ đó xác định được khu mù của cánh sóng nhiễu cũng như tỷ lệ phân phối năng lượng nhiễu ở 2 bên sườn và ở phía đuôi.

        Việc xác định được phổ nhiễu của ALQ-71 đã góp phần khẳng định vai trò của ALQ-71 trong việc gây nhiễu rãnh đạn tên lửa SAM-2.

        Kết quả nghiên cứu máy gây nhiễu QRC-160A và máy gây nhiễu ALQ-71 đã giúp chúng ta hiểu về loại nhiễu trong đội hình của các loại máy bay chiến thuật không quân Mỹ và tìm cách hạn chế để bắn rơi nó.


Hình 36- Máy gây nhiễu ALQ-71 đeo ở máy bay F-105 và F4 của Không quân Mỹ.


Hình 37 - Máy gây nhiễu ALQ-119 đeo ở máy bay F4 vàF-ll 1A của Không quân Mỹ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM