Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:37:35 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thuỷ quân Sông Lô thời chống Pháp xâm lược (1949-1954)  (Đọc 4073 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:21:05 pm »

Xen kẽ các bài phát biểu là những bài ca, giọng hát và ngâm thơ của anh em Thuỷ quân Sông Lô cùng tổ văn công nghiệp dư Bộ Tư lệnh Đặc công và một số bạn trẻ khác đã nhiệt tình phục vụ lễ hội. Hội trường vang lên những bài ca thuỷ binh Việt Nam, nào:

   "Sóng Bạch Đằng cuộn reo, sóng Cam Ranh ầm vang",
   "Đi xây biên cương, đi san biên cương, xây dựng thuỷ quân chúng ta đi..."
   Đến: "Hôm nay lính cũ về xum họp
   Ngưng chén nhìn nhau thoáng giật mình
   Xin ai đã từng mang tên Bác
   Đừng mất trong lòng sắc áo xanh..."
   Rồi hẹn ngày về:
   "... Giặc tới gieo đau thương trên muôn lời thơ
   Chúng tôi ra đi, hẹn ngày về chiến thắng trong niềm vui nhiều ước mơ..."


8/3/1999, lễ hội chuyển về Đoan Hùng quê hương.

Chúng tôi hành quân độ trên 40 anh chị em Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và đồng chí Kim Long ở Sài Gòn bay ra kịp. Đồng chí Truyền - Phó Tư lệnh Đặc công cùng phu nhân về dự. Địa phương có: đồng chí Đỗ Bá Tỵ - Thường vụ Tỉnh uỷ, chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Trọng Dương - Bí thư huyện uỷ Đoan Hùng, đồng chí Vũ Ngọc Kim - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đông đảo cán bộ lãnh đạo huyện, xã cùng bà con cô bác địa phương.


Tối 9/3, như đã thành truyền thống, cả nghìn đồng bào về dự giao lưu văn hoá giữa Thuỷ quân Sông Lô với địa phương, có tổ văn công Tổng cục Chính trị làm nòng cốt, Quang Mạo - Hồng Liên dù bận biểu diễn ở Hải Phòng cũng đã có mặt vào đúng 7 giờ tối như đã hứa. Đêm liên hoan kéo dài nhưng rồi cũng phải kết thúc vào khoảng 11 giờ đêm. Đồng bào lưu luyến ra về, dẫn theo chị em chúng tôi về nhà mình nghỉ đêm vui vẻ chuyện trò không dứt về những kỷ niệm xưa và không quên hẹn ngày trở lại cũng như mời bà con cô bác về thăm thủ đô.


Sáng 9/3/1999, như đã hẹn trước, chúng tôi về thăm bà con cô bác Làng Cỏ - Nghinh Xuyên, địa điểm đóng quân của Thuỷ quân Sông Lô và cuối năm 1950, đầu năm 1951.


Từ làng Cỏ, chúng tôi ra tượng đài chiến thắng sông Lô, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng của cảnh quan khu vực đầu Lô, nơi diễn ra trận đánh lịch sử trên mặt trận sông nước nhấn chìm nhiều ca nô, tàu chiến giặc Thu Đông 1947, nhấn chìm luôn cả giấc mộng đế quốc Pháp định đánh nhanh, thắng nhanh trong cuộc chiến phi nghĩa xâm lược do chúng gây ra. Chúng tôi trầm ngâm:

   "Đứng trước sông Lô nhớ cội nhớ nguồn
   Nhớ Giàn Cỏ, nhớ mái trường thuỷ quân"... 
   Từ đầu Lô, chúng tôi vê thăm huyện uỷ Đoan Hùng.


Đồng chí Nguyễn Trọng Dương - Bí thư huyện uỷ phát biểu chào mừng 50 năm Thuỷ quân sông Lô và thông báo tình hình kinh tế chính trị xã hội huyện những năm đổi mới.


Từ Chân Mộng - Trạm Thản, chúng tôi về Việt Trì thăm và cám ơn tỉnh uỷ, nhân dân Phú Thọ, đất tổ Hùng Vương đã nuôi dưỡng, giáo dục, động viên, che chở Thuỷ quân sông Lô những năm luyện binh trên sông Lô, sông Chảy, cho dựng bia thành lập Thuỷ quân sông Lô và nay lại ân cần đón tiếp đoàn nhân dịp 50 năm thành lập Thuỷ quân sông Lô.


Đoàn Thuỷ quân sông Lô trao tặng tỉnh uỷ bức sơn mài "Mã đáo thành công" với lời chúc mừng tỉnh đạt nhiều thành tích trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, công nghệ hoá, hiện đại hoá địa phương theo nhịp bước ngựa phi tiến vào thế kỷ 21.


Đồng chí Đại tá Lê Quang Loát, quê ở Mai Tùng - Hạ Hoà -   Phú Thọ cảm động đọc một vài vần thơ ngẫu hứng được về thăm quê hương.

   "Gió Việt Trì làm mát lòng người lính chiến
   Tỉnh uỷ đây rồi nơi gửi gắm niềm tin
   Giang tay rộng mở ngã ba sông lồng lộng
   Ôm ấp chúng con, sưởi ấm tình thương
   Phú Thọ ơi! quê hương ruột thịt của con
   Con xin nguyện mãi mãi xứng đáng là
   Hậu duệ con cháu Hùng Vương đất Tổ..."

Cuộc gặp mặt ấm tình quê hương được kết thúc tốt đẹp bằng một tấm hình chụp chung trước trụ sở tỉnh uỷ trên đại lộ ngã ba sông lộng gió ban chiều Xuân 1999.


12/3/1999, để kết thúc đợt kỷ niệm truyền thống, đoàn đại biểu 20 anh chị em Thuỷ quân sông Lô đến chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sức khoẻ - hạnh phúc nhân dịp Xuân Kỷ Mão, báo cáo kết quả tốt đẹp lễ kỷ niệm ở Hà Nội và cuộc hành hương về Đoan Hùng - Đất tổ Hùng Vương, được các cấp lãnh  đạo từ tỉnh, huyện đến xã và bà con cô bác địa phương hết lòng động viên, giúp đỡ đã tổ chức chu đáo Lễ hội 50 năm thuỷ quân sông Lô thắm tình đoàn kết quân dân một ý chí.


Đồng chí Lê Ngọc Quang thay mặt đoàn tặng Đại tướng bó hoa mừng xuân, quyển tập san và tập ảnh 50 năm Thuỷ quân sông Lô. Đại tướng vui vẻ nhận rồi niềm nở chuyện trò thân tình, thăm hỏi động viên mọi người. Đại tướng tặng Đoàn quyển "Điện Biên Phủ" mới xuất bản, một thiếp chúc mừng năm mới, căn dặn Thuỷ quân sông Lô luôn xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ, có phần công đầu trong việc thành lập Hải quân...


Xong ra sân chụp chung bức ảnh kỷ niệm "Anh Văn ngót 90, Thuỷ quân sông Lô tuổi 50". Anh chị em quây quần quanh anh, cười vui.


Thấy anh Trần Doãn Hoài Thuỷ quân sông Lô - nhà giáo - nhà sử học có bộ râu tuổi 80 bạc như cước, Đại tướng đến cạnh nâng râu, cười tinh nghịch, quên tuổi già. Trần Doãn Hoài vô cùng xúc động trước tình cảm yêu thương trìu mến của vị Tổng chỉ huy đối với chiến sỹ, của ngưòi Anh cả đối đứa em út của mình.


Cuộc hội ngộ của cán bộ, chiến sĩ "Thuỷ quân Sông Lô" sau 50 năm xa cách ưàn ngập niềm vui và xúc động, tràn ngập tình yêu thương nhớ tiếc những đồng chí, đồng đội đã hy sinh như Dương Đình Ấu, Nguyễn Tuấn Chi, Bùi Kỵ, Bùi Ngự (là hai anh em), Đàm Nguyệt, Lê Văn Vĩ, Lê Văn Khá, Ngô Văn Mai, Nguyễn Văn Tiêu... mà hiện nay di hài còn nằm lại trên vùng ven biển Đồng Bắc hoặc dưới đáy biển Hạ Long.


NV
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:25:56 pm »

Tản mạn:


CUỘC HÀNH QUÂN VỀ CỘI NGUỒN


Đỗ Sâm
Nguyên Trưởng ban huấn luyện nhà trường - Bộ Tư lệnh pháo binh
Vài nét ghi nhanh trong cuộc hành hương trở lại phố Giàn (nơi ra đời của Ban Nghiên cứu và trường huấn luyện Thuỷ quân) 8/3/1994


Trong buổi họp mặt ban đầu ngày 7/2/1993 tại Hà Nội, một số anh chị em Cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô đã cùng nhau đính hẹn: Tìm kiếm, liên lạc và tập hợp những anh chị em chiến hữu cũ đang công tác trong Quân chủng Hải quân hay đã chuyển đi nơi khác, nắm được ai còn, ai mất. Ra một tập san hồi ký ghi lại những kỷ niệm sâu sắc của thời kỳ luyộn tập Thuỷ quân trên Sông Lô - Sông Chảy; thời kỳ vào lộng ra khơi ở đảo Điểu Thuận (Tsékham )- Trung Quốc; thời kỳ chiến đấu ở vùng Duyên Hải Đông Bắc của Tổ quốc ... Cố gắng tổ chức được một cuộc hành hương trở về "cội nguồn" Đoan Hùng - Phú Thọ, thăm lại và cảm ơn đồng bào phố Giàn - Làng Cỏ đã từng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ anh chị em trong những ngày đầu rèn luyộn thành "người lính thuỷ Cụ Hồ".


Đến nay các tổ chức Cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô đã tập hợp được trên 40 thành viên khu vực Hà Nội và trên 30 thành viên khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây và Đà Nẵng, chỉ còn một số anh chị em ở phía Nam là chưa liên lạc được.


Nhân dịp 45 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký nghị định thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân (8/3/1949); được sự giúp đỡ của Quân chủng Hải quân. Ngày 8/3/1994 anh em Cựu chiến binh Thuỷ quân sông Lô đã tổ chức thành công cuộc hành hương trở về Nguồn. Cũng trong dịp này cuốn tập san với những trang hồi ký chân thực sinh động, những bài thơ ca với những tấm ảnh phản ánh những nét tươi trẻ, hăng say thời kỳ Sông Lô - Sông Chảy và trên đảo Điều Thuận những năm 1949 - 1950 của anh em Cựu chiến binh Thuỷ quân sông Lô đã được hoàn thành. Điều đó nói lên, thời lính thuỷ quân Sông Lô thật là cao đẹp, quãng đòi tươi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng với cuộc sống gian khó nhưng vinh quang ấy đã để lại dấu ấn không thể nào quên, nó đã trở thành keo sơn gắn bó anh chị em lại khi tuổi cao đầu bạc, cũng như nó đã khơi dậy trong anh chị em những tình cảm sâu nặng với "cội nguồn". Đây chính là động lực để anh chị em có thể làm nên tất cả.


Trong số trên 50 thành viên của đoàn Cựu chiến binh lính Thuỷ quân Sông Lô tham gia cuộc hành hương về nguồn (ngày 8/3/1994) có: Anh Lê Trường Đa là người đã ở thuỷ quân sớm nhất, từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, anh tham gia tổ chức thuỷ quân miền Nam Trung bộ ò Đà Nẩng. Năm 1949 khi có quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân, anh được điều động về làm một trong hai đại đội trưởng đầu tiên của trường Thuỷ quân khoá một. Sau ngày hoà binh lập lại năm 1954, cùng anh Nguyễn Bá Phát ở Liên khu 5 ra, anh cũng là một trong những cán bộ thuỷ quân sớm được điều động trở lại tham gia các bộ phận nghiên cứu chuẩn bị cho thành lập tổ chức tiền thân của Quân chủng. Anh Nguyễn Việt, Chính trị viên đầu tiên của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân, đã cùng các anh lãnh đạo khác góp phần xây dựng một số cơ sở thuỷ quân trong đó có đội 71, là người đã tích cực đóng góp từ khâu quan hệ đến khâu tổ chức bảo đảm cho cuộc hành hương trở về cội nguồn thành hiện thực. Anh Trịnh Tuần, vào học thuỷ quân ở Điều Thuận, về nước tham gia chiến đấu ở vùng biển Đông Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Anh đã có mặt liên tục công tác và chiến đấu từ những ngày lập lại Quân chủng Hải quân, là chủ nhiệm Chính trị của Quân chủng đến khi về nghỉ hưu. Anh đã cùng anh Trần Lưu Phương và anh Hoàng Lương nhóm họp được một số anh chị em Cựu chiến binh sông Lô ở khu vực Hải Phòng và tạo điều kiện cho Ban liên lạc Cựu chiến binh ở khu vực Hà Nội tiếp xúc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, góp phần tích cực cho việc tổ chức thành công cuộc hành hương trở lại Phố Giàn. Anh được mệnh danh là "gạch nối" giữa lớp Thuỷ quân sông Lô trước kia và Bộ Tư lệnh Hải quân hiện nay.


Anh Vũ Phi Hoàng, từ ngày ở Thuỷ quân sông Lô cho tới nay, với trên 45 năm liên tục gắn bó với biển. Anh đã là đại tá, giáo sư, chuyên gia Hàng Hải của Quân chủng. Hiện nay anh là Tổng thư ký hội khoa học cục khí tượng Thuỷ vãn, anh đã tham dự nhiều Hội nghị quốc tế về biển Việt Nam, ở Hàng Châu, Bắc Kinh - Trung Quốc và ở Băng Dung - Nam Dương.


Anh Đàm Cần là một học viên trường Thuỷ quân khoá một, đi Điều Thuận (Trung Quốc) trong đội 71. Trở về nước anh tham gia kháng chiến chống Pháp ở vùng Đông Bắc; trong kháng chiến chống Mỹ, anh làm phân đội trưởng, phân đội tàu thuộc căn cứ hai của Hải quân. Anh đã nhiều lần trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh tàu biệt kích Mỹ - Ngụy ở vùng biển Quân khu 4 trong những năm 1960. Trong một trận đánh, giữa lúc đang truy quét một biên đội tàu biệt kích Ngụy đang tháo chạy về phía Nam, anh kịp thời phát hiện bọn địch xảo quyệt lợi dụng đêm tối cho một chiếc tàu bí mật tách khỏi đội hình vòng về phía sau tập kích vào tàu của ta, lập tức từ tàu chỉ huy, anh hạ lệnh khép chặt vòng vây; và trong một tình huống khẩn trương, không để cho địch kịp chạy thoát, anh đã lợi dụng ưu thế về trọng tải, dũng cảm ra lệnh cho tàu của mình lao thẳng vào nhấn chìm tàu địch cùng với đội thuỷ thủ và bọn biệt kích Nguỵ. Nay anh đang nghỉ hưu cùng con cháu ở vùng Thuỷ Nguyên, anh đã hăng hái tham gia cuộc hành hương theo đoàn về cội nguồn.


Cuộc hành hương về cội nguồn, đã nhanh chóng biến thành nơi hội ngộ của nhiều anh chị em sau trên 40 năm xa cách nay mới có dịp được gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, cùng nhau dốc bầu tâm sự. Câu chuyện râm ran suốt dọc đường; họ hỏi han nhau về gia cảnh, sức khoẻ và công tác, cùng nhau ôn lại những kỷ niộm xa xưa ở phố Giàn làng Cỏ, kể cho nhau nghe những chuyện chiến trường, bạn bè đồng đội, ai còn ai mất...


Kể từ sau ngày cuối tháng 5/1951, mọi người chia tay nhau, tạm biệt mái trường Thuỷ quân Đoan Hùng thân yêu để rồi... "Lìa rừng tung cánh ruổi mụôn phương"... cho đến nay trên 40 năm qua, biết bao nhiêu diễn biến thãng trầm, kể sao cho hết... Song thông qua những nỗi niềm tâm sự và những chuyên kể của anh chị em thì tình hình chung cũng đã dần dần tổng hợp lại, tuy chưa đầy đủ, nhưng cũng có thể tóm tắt đại thể như sau.


Khoảng gần 100 anh em chuyển ra hoạt động ở chiến trường Đông Bắc đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở và đấu tranh vũ trang du kích ở các tỉnh Hải Ninh, Hồng Gai, Quảng Yên cho đến hết thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hầu hết anh chị em đều kiên định ý chí cách mạng; vững vàng chịu đựng gian khó trong sinh hoạt, dũng cảm bền bỉ trong chiến đấu và gây dựng cơ sở, đã trở thành một bộ phận trong đội ngũ cán bộ nòng cốt của các lực lượng vũ trang, đóng góp nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân địa phương. Có những đồng chí đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu; như các anh Trần Kỳ, Dương Đình Ấu, Trần Hùng, Nguyệt đen... ở mặt trận Hồng Quảng; các anh Lê Văn Sỹ, Bùi Văn Khá, Nguyệt Mai, Lê Văn Thời, Nông Văn Phượng... ở chiến trường Hải Ninh, một số anh bị địch bắt nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, bảo vệ được cơ sở kháng chiến ở địa phương; như anh Nguyễn Phú Đạt, Nguyễn Quang Tiếp...


- Số đông còn lại, trừ một số cán bộ và mấy anh em trong Ban Nghiên cứu chuyển về công tác trên cơ quan Bộ, còn hầu hết đã chuyển sang Pháo binh, đi Trung Quốc tập huấn và nhận khí tài đưa về nước, đã tích cực đóng góp nhiều thành tích ưong xây dựng binh chủng Pháo binh cũng như trong chiến đấu trên các chiến trường chống Pháp, chống Mỹ và giải phóng miền Nam. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ trung cao cấp của Binh chủng Pháo binh, như các anh Lê Ngọc Quang, Trần Trung, Đỗ Sâm, Lê Quang Loát, Trần Duy Thành...


Khi cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc, nhiều Cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô, phần lớn là số anh em của Đội 71 biệt phái ra vùng Duyên Hải, đã được Bộ lần lượt điều động về tham gia xây dựng Quân chủng Hải quân;


Đợt 1: vào tháng 10 năm 1954 gồm các anh Thanh Văn Minh, Phan Vũ Quân, Vũ Phi Hoàng và Trịnh Tuần do anh Phan Tiền Đạo, cán bộ Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu được cử ra phụ trách, với nhiệm vụ hướng dẫn và sưu tầm nghiên cứu các tài liệu về biển và Hải phận Việt Nam, về thuỷ quân các nước; đồng thời góp phần xây dựng bố phòng Duyên Hải và phương án tổ chức ban đầu của Quân chủng. Năm 1955, Bộ ra Quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể và điều anh Nguyễn Bá Phát (nguyên là Tham mưu trưởng Liên Quân khu 5) ra phụ trách Cục. Anh Phan Tiền Đạo trở lại Cục Tác chiến, còn tất cả anh em được điều về đợt một cùng với anh Đinh Văn Chí mới trở về, trở thành những thành viên chính thức của Cục do anh Nguyễn Bá Phát trực tiếp chỉ huy. Cùng về đợt này còn có anh Lê Trường Đa, anh Nguyễn Văn Quế là cán bộ giảng dạy, huấn luyện của Trường Thuỷ quân Đoan Hùng trước đây, nhưng do nhu cầu của Ngành, các anh được điều động đi xây dựng các đơn vị cơ sở.


Sau ngày thành lập, tình hình tổ chức nhân sự do Cục Phòng thủ bờ bể tăng nhanh; trên cơ quan Cục, ngoài việc bổ sung thêm một số cán bộ chính trị, hậu cần và hành chính từ các đơn vị bộ binh rút về để kiện toàn các bộ môn quản lý. Bộ còn tăng thêm một số cán bộ chuyên môn nghiệp vụ Hàng hải của Hải quân thời Pháp, trong đó có anh Nguyễn Văn Khương, nguyên trưởng Ban Nghiên cứu Thuỷ quân của những năm 49-51, anh là một cán bộ chủ chốt của Ngành, một chuyên gia hàng hải bậc thầy đầu tiên của Hải quân ta. Anh có nhiều công lao trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ hàng hải xuất sắc của Hải quân ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:26:54 pm »

Ở đơn vị cơ sở trực thuộc Cục Phòng thủ bờ bể, sau này là Trường Hải quân (C45), xưởng cơ khí tàu thuyền (C46) và các Thuỷ đội cùng một số cơ sở đóng tàu thuyền cũng được xúc tiến hình thành, trong đó có nhiều anh em Cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô được rút về làm cán bộ khung của các đơn vị hoặc đưa về trường đào tạo nghiệp vụ, sau này đã trở thành cán bộ nòng cốt của Ngành như các anh: Nguyễn Ngọc Giám, anh Hoàng Lương được bổ sung vào đơn vị C100 đi Trung Quốc tập huấn và đưa về nước 4 tàu tuần tiễu vỏ sắt đầu tiên cho Hải quân ta, do Trung Quốc viện trợ... Các anh Nguyễn Ngọc Văn, Trần Ngọc Lan, Bùi Xuân Thể, Nguyễn Khắc Việt, Trần Đại Tân, Hoàng Quốc Hùng, Đàm Cần... được điều động về trường đào tạo thuyền trưởng và Sĩ quan nghiệp vụ Hằng hải do anh Trần Lưu Phương làm hiệu trưởng, anh Vũ Khổng Tước làm Chính trị viên và anh Thanh Văn Minh làm trợ lý chính trị. Cả hai anh (Phương, Minh) đều là cán bộ trong Ban chỉ huy tiểu đoàn huấn luyộn của trường Thuỷ quân Sông Lô trước đây. Một số anh như anh Lê Trường Đa, Vũ Phi Hoàng... được cử trở lại vùng Duyên hải - Hải Ninh và Quảng Yên để tổ chức cơ sở đóng tàu, thuyền phục vụ cho kế hoạch thành lập các Thuỷ đội.


Cùng với sự hình thành và phát triển của Bộ Tư lệnh Hải quân, hầu hết các anh em Thuỷ quân Sông Lô còn tại ngũ trong Quân chủng đểu đã trở thành cán bộ chủ chốt như anh Nguyễn Ngọc Giám là Cục Phó Cục Kỹ thuật, anh Hoàng Lương là Trưởng phòng Hàng hải, anh Ngô Thế Lãng là trưởng phòng Vãn hoá, anh Trịnh Tuần là chủ nhiệm Chính trị; anh Vũ Phi Hoàng là chuyên gia về hàng hải và những chuyên viên nghiệp vụ của các Ngành như anh Bùi Xuân Thế, Trần Ngọc Lan, Nguyễn Khắc Việt...


Một số anh hiện nay không còn nữa như các anh Nguyễn Ngọc Giám, Ngô Thế Lãng đều là những cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô, đã giành trọn đời mình phấn đấu đến hơi thở cuối cùng. Sau ngày hoà bình lập lại đến nay, có nhiều anh chị em đã chuyển công tác sang hoạt động dân sự trên nhiều lĩnh vực; như các anh Lê Trường Đa, Trác Vinh Nam, Thanh Văn Minh, Phạm Vũ Quân, Nguyễn Thọ Sơn, Phạm Năng, Phùng Thái, Nguyễn Phú Quát, Nguyễn Quang Tiếp, Phan Ngọc Đức, Trần Đình Nghiêm, Đặng Kim Phùng và các chị Nguyễn Thị Thùa, Văn Bích Liên... Ở đâu, trong bất kỳ lĩnh vực nào, các anh chị Thuỷ quân Sông Lô cũng phát huy được truyền thống phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo dựng được cương vị trách nhiệm xứng đáng của mình. Trong số đó có nhiều người đã phấn đấu vừa làm vừa học trở thành kỹ sư, bác sỹ, phó tiến sỹ như các anh Phan Ngọc Đức, Phùng Thái, Trần Quang Nghiêm, Phạm Vũ Quân, Phan Phước Mãn, Thái Quang Sa và một số anh có học vị cao như giáo sư Vũ Phi Hoàng, Trần Trúc Vân và giáo sư tiến sỹ Đặng Luyến (anh Luyến không những là giáo sư giỏi trong nước mà còn có nhiều báo cáo khoa học được hoan nghênh trân trọng ngoài quốc tế như Anh, Pháp, Mỹ, Đức...).


Về nữ Cựu chiến binh Sông Lô, điểm lại số ít ỏi ngày ấy có chị Nguyễn Thị Thùa, Văn Bích Liên, và Oanh (Simon). Nhưng từ sau khi chia tay tháng 5 năm 1951, các chị trở về cơ quan Bộ, nên tin tức của các chị thật là ít. Hôm nay trong cuộc hành hương về cội nguồn, thật vui mừng và cảm động, trong đoàn xuất hiện một thành viên nữ là chị Bích Liên - cô văn thư tươi trẻ thời đó nay đã ngoài 60, đã là bà nội, bà ngoại rồi nhưng cũng không quản ngại đường xa vất vả cùng anh em hăng hái hành quân về "cội nguồn".


Trong buổi họp mặt với quân dân Đoan Hùng ở "cội nguồn" - phố Giàn - Làng Cỏ, sau những lời phát biểu đượm tình nghĩa của cả hai bên, là các tiết mục văn nghệ sôi nổi của các cháu thanh, thiếu niên địa phương. Trong không khí rạo rực nghĩa tình này, đoàn Cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô cũng hăng hái tham gia góp vui bằng những bài thơ xúc động ca ngợi nghĩa cử giúp đỡ dùm bọc cao đẹp của đất mẹ Đoan Hùng; và những bài ca quen thuộc của trường Thuỷ quân Sông Lô, mà các anh đã từng hát cách đây 40 năm về trước. Tuy không có điều kiện chuẩn bị tập dượt, nhưng bằng tình cảm các anh đã hát rất say sưa và hào hùng. Khi lời ca bài hát "Ra đi" rồi đến bài "Trường ca Sông Lô" vừa dứt thì cả hội trường sôi động hẳn lên, những tràng pháo tay không ngớt, các cháu thiếu nhi tíu tít mang những bó hoa tươi thắm lên tặng. Một số cháu nói "Bố mẹ cháu khen là giọng hát của các Bác vẫn hay và tươi trẻ như hồi còn ở Thuỷ quân trước đây; và có nhiều cô chú đã thuộc bài hát này đã cùng hát theo các bác đấy. (Anh Thọ Sơn cảm động nhận hoa tăng rồi nỗi "Có những bài ca không bao giờ quên các cháu ạ").


Mọi người có mặt tại đây với khoé mắt rưng rưng đều tâm đắc điều này và cũng chính "Buổi họp mặt sâu tình nặng nghĩa hôm nay cũng là bài ca không thể nào quên", nó còn vang vọng mãi trong lòng nhân dân "Cội nguồn" Đoan Hùng, cũng như trong tâm khảm các thành viên của đoàn hành hương Cựu chiến binh Thuỷ quân Sông Lô lần này.


ĐS
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 02:27:39 pm »

VỀ VỚI SÔNG LÔ


Trung tá Trần Minh Thái
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh


   Nỗi nhớ gì như nhớ một dòng sông
   Nơi năm xưa tôi neo đậu một lần
   Một chặng đời của chàng trai lính thuỷ
   Rồi ra đi qua nửa tầm thế kỷ
   Mới biết mình còn mãi nợ sông Lô.
   Nhớ năm nào áo mỏng, cơm chưa no
   Đêm gió núi, ấm bàn tay đồng đội
   Bên nhà sàn nghe hoẵng kêu khắc khoải
   Lính ôm nhau trong nỗi nhớ đồng bằng.
   Có những ngày chèo thuyền vượt qua sông
   Tay học trò vật nhau cùng nước lũ
   Vui nổ trời, hát vang trong rừng cọ
   Vẫn mơ ngày hạm đội vượt trùng dương.
   Nhớ lòng dân nhân hậu đất Hùng Quan
   Nhường nhà cửa cho các con bộ đội
   Biết ơn mẹ cho con vuông vải mới
   Vá áo cho con bằng đường chỉ nghĩa tình.
   Nhớ trưa hè, như lạc giữa vườn xanh
   Lưỡi tê ngọt bưởi Đoan Hùng, Chí Đám.
   Hôm nay về với miền quê chiến thắng.
   Thấy trong lòng không thẹn với sông Lô.
   Thắp tuần hương thơm ngát nhớ người xưa
   Những người đã bắn tan tàu chiến giặc.
   Những lính thuỷ sông Lô trên khắp nước
   Đã ra đi vĩnh viễn không về.
   Dòng Lô xanh như lịch sử trôi đi
   Cho ta gửi tâm tư thời bạc tóc.
   Rồi một ngày khi ta về với đất
   Dưới mạch ngầm, nghe róc rách sông Lô.


Đoan Hùng, 8-3-1979
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #74 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2021, 07:43:57 pm »

DANH SÁCH MỘT SỐ ĐỒNG CHÍ BAN NGHIÊN CỨU THUỶ QUÂN
CHUYỂN VỀ CỤC PHÒNG THỦ BỜ BỂ VÀ HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM SAU NÀY (1954 -1955)[/b

Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM