Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:57:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bình Minh Ba Tơ  (Đọc 3147 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2021, 12:44:52 pm »

Hôm sau xe vượt qua đèo Phượng Hoàng. Rừng núi âm u, đường đi hiểm trở. Tôi nghĩ, nếu đánh địch từ phía đông lên thì rất hiểm yếu có lợi cho ta. Xe lên đến đông Mađtrắc cửa ngõ phía đông Đắc Lắc, nơi quân địch đã kiểm soát và lùng sục những người tù vượt ngục từ Buôn Ma Thuột. Trên đường 21 chạy về phía tây, hai bên toàn là đồi tranh, lau sậy cao ngập đầu người. Xa xa có những mảng rừng xanh rậm. Gần đến Buôn Ma Thuột thì đồn điền cà phê, cao su trải dài hàng chục cây số trên nền đất đỏ. Tuy trong tù, anh em cũng thường nghe những câu thơ "đất đỏ rừng xanh", nhưng đến đây tôi với mục kích miền đất mới. Anh Sĩ Tuấn đón tiếp chúng tôi, rồi chuẩn bị thắt lưng mang giày ống khá oai vệ đưa chúng tôi đến trại bảo an binh, ở đây hàng ngũ tập hợp chỉnh tề, phần lớn là anh em dân tộc Ra đê, trong đó có những hạ sĩ quan và binh lính là cơ sở và cảm tình cách mạng do chi bộ nhà lao Buôn Ma Thuột tổ chức. Sau khi kiểm tra trang bị vũ khí, tôi nói rõ tình hình và nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập. Kêu gọi anh em hăng hái ra nhập giải phóng quân "kiên quyết chống âm mưu giặc Pháp trở lại xâm lược bắt các dân tộc Kinh, Thượng chúng ta làm nô lệ lần thứ hai". Theo anh Sĩ Tuấn thì trong kho có một số bom, nhưng anh Lăng đến xem thì đó là bom lửa, không có hiệu quả sát thương. Tôi làm việc với anh Trọng Ba mới hiểu rõ tình hình phong trào mới xây dựng được ở thành phố. Vì vậy khả năng động viên thanh niên xây dựng lực lượng vũ trang có ít. Yêu cầu chi viện lực lượng để tăng cường phòng ngự bảo vệ ba biên giới (nơi giáp giới Cao Miên - Nam Bộ - Tây Kỳ).


Chúng tôi theo con đường 14 ra Plây Cu. Trên đường từ Buôn Hồ chạy mãi theo con đường nhựa nhỏ, hai bên là rừng thưa không có dốc cao rừng rậm. Ra đến núi Hòn Rồng, trông thẳng về hướng thị xã Plây Cu, vẫn một cảnh hoang sơ. Mấy khóm nhà tranh tiều tụy hai bên đường. Vào trong trung tâm, một số dinh thự lưa thưa trên đồi cao. Đó là những công sở dưới bóng cây gòn, cây thông cao vút, đó đây phủ một màu đỏ quạch đẫm mình trong gió bụi, đất ba dan ẩm ướt cuối mùa mưa.


Công thự vắng teo. Một đồng chí thay mặt Việt Minh và chính quyền tiếp chúng tôi và báo cáo tình hình: ở đây phong trào cứu quốc mới xây dựng trước khi Tổng khởi nghĩa không lâu, do một số thanh niên công chức liên lạc được với Việt Minh Bình Định. Công nhân thì có tổ chức khá nhưng ở xa - như đồn điền Bầu Cạn, Đắc Đoa. Ở thị xã chỉ có người Kinh buôn bán, đồng bào dân tộc ở xa trung tâm. Tóm lại quần chúng cách mạng rất mỏng.


Anh Trí sĩ quan chỉ huy bảo an binh báo cáo tình hình trang bị vũ khí, còn quân số bảo an nhiều anh em người Ba Na - Gia Ray bỏ về nhà, chỉ còn lại một số ít. Vì vậy yêu cầu chi viện lực lượng du kích Ba Tơ hoặc thanh niên tình nguyện để xây dựng lực lượng nhằm bảo vệ phía Bô Keo đề phòng địch từ Cao Miên tiến theo đường 19 kéo dài.


Xuống Quy Nhơn làm việc với anh Phan Phong và Giáp Văn Cương về việc mở rộng lực lượng vũ trang xây dựng chi đội giải phóng quân Bình Định thì đồng chí Phan Phong vừa được lệnh tăng cường cho Gia Lai.


Vừa gặp dịp một phóng viên Mỹ đi theo quân Đồng minh từ trong ra. Các đồng chí trong ủy ban nhân dân cách mạng chủ trương đón tiếp bằng một cuộc biểu dương lực lượng quần chúng mạnh mẽ quyết tâm bảo vệ chính quyền, làm cho bọn đế quốc biết nước Việt Nam đã có chủ.


Phố phường rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Băng biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt, từng đoàn người diễu hành trên đường phố hô vang "Việt Nam độc lập muôn năm", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", "Thà chết không làm nô lệ".

Những biểu ngữ đập vào mắt phóng viên trong cuộc mít tinh, khiến cho y ngạc nhiên khâm phục.

Vừa về đến Huế, báo cáo tình hình chung với anh Chánh xong, chúng tôi nhận được chủ trương cấp trên quyết định tổ chức Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ, gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Lâm Viên, Khánh Hoa, Đắc Lắc, Phú Yên để phối hợp quân - chính trong các tỉnh tiến hành kháng chiến chống âm mưu địch từ Nam Bộ đánh ra, đổ bộ bờ biển để chiếm đóng cho đến vĩ tuyến 16; giữ vững giao thông chiến lược để chi viện cho Nam Bộ.


Ủy ban gồm các đồng chí Trương Quang Giao bí thư chính trị ủy viên (thay mặt Xứ ủy lâm thời), Phạm Kiệt chỉ huy quân sự, Nguyễn Đôn phó chính ủy. Lực lượng vũ trang sẽ điều động sau. Tôi phải nhanh chóng trở vào.


Đồng chí Lê Văn Hiến ủy trưởng tài chính cấp cho tôi một xe pho màu trắng để tranh thủ vào trước tổ chức cơ quan. Đến Quảng Ngãi, tôi rút một số cán bộ cùng vào Nha Trang. Làm việc với các đồng chí Khánh Hòa, chúng tôi quyết định đóng chỉ huy sở của Ủy ban quân chính tại Ninh Hòa để tiện liên lạc giao thông đi các tỉnh.


Theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam", từ đầu tháng 10 năm 1945, các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ đâu đâu cũng tổ chức lực lượng vũ trang Nam tiến. Chúng tôi vừa bắt xong điện thoại, thì chi đội (ngang với tiểu đoàn bây giờ) của Quảng Ngãi do đồng chí Truyền Nga (chi đội trưởng), Minh Thi (chính trị viên) đã đến, dừng lại Ninh Hòa bổ sung trang bị để lên tàu vào Sài Gbn, Biên Hòa. Tiếp theo là đại đội Lê Trung Đình (du kích Ba Tơ) tăng cường cho Nha Trang.


Lại được điện đón chi đội Nam tiến của đồng chí Nam Long. Lúc này lương thực ở Nha Trang - Ninh Hòa, Ủy ban nhân dân cách mạng tích cực huy động, nhưng khó khăn. Anh Kiệt, anh Trương Quang Giao vừa đến cơ quan phụ trách thường trực. Tôi phóng xe đến Tuy Hòa giải quyết việc động viên tiếp tế lương thực cho Khánh Hòa và bộ đội Nam tiến. Ra Quy Nhơn để gặp đơn vị, nhưng đến nơi thì đơn vị đồng chí Nam Long đã cho tàu chạy vào phía nam. Tôi dùng phương tiện điện tín xe lửa yêu cầu dừng lại La Hai. Tôi quay xe vào Sông Cầu, lên La Hai gặp đồng chí Nam Long chỉ huy trưởng. Lần đầu những chiến sĩ giải phóng quân. Việt Bắc và du kích Ba Tơ gặp nhau, thật là hân hoan phấn khới. Tôi trình bày tình hình địch trên đường mà đơn vị đi qua, và những vị trí nhận tiếp tế. Đơn vị nghỉ lại một ngày cho lại sức vì từ Nha Trang trở vào phải sẵn sàng chiến đấu, ai biết đâu quân Nhật phản trắc đánh ta từ lúc nào.


Đơn vị đến Tuy Hòa nhận tiếp tế đầy đủ để dự trữ lương thực đem theo. Lúc này sau những cuộc xung đột rồi thương lượng với Nhât - quân Nhật thừa nhận không can thiệp và nội trị Việt Nam, chúng đóng quân ở các vị trí trọng yếu như: Nha Trang, Cam Ranh, Ba Ngòi, Ninh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột. Ta có vây giữ, quân Nhật không được tự do hoạt động, nhưng sức ta mỏng, không đủ sức tiêu diệt, tước vũ khí chúng. Vì vậy phải đề cao cảnh giác, nhất là khi đoàn tàu chuyển quân qua những nơi có vị trí Nhật.


Tiểu đoàn quân Việt Bắc và anh Nam Long lên tàu qua cầu La Hai. Tôi trở ra Quy Nhơn đón đoàn quân Nam tiến của Thuận Hóa. Các tỉnh khúc ruột miền Trung mà tôi may mắn đã được qua lại, gần gũi tiếp xúc với phong trào nhân dân sau ngày Tổng khởi nghĩa, chính tai tôi nghe, mắt tôi thấy, tâm hồn tôi rung động với khí thế sục sôi của quần chúng nhân dân ai cũng muốn băng mình nhanh ra tiền tuyến vì "Tổ quốc lâm nguy!".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2021, 12:46:07 pm »

Những hồi còi của từng đoàn xe lửa chuyển quân Nam tiến dội vào không trung lộng gió mùa thu cách mạng đang băng băng chạy vào phía nam là biểu tượng của tinh thần "Quyết chiến quyết thắng" của cả một dân tộc quyết bảo vệ nền độc lập đến cùng. Những ông cụ, bà cụ đầu tóc bạc phơ, những trẻ em đang bồng trên tay mẹ vẫy cờ hoa "Hoan hô bộ đội Nam tiến", "ủng hộ bộ đội Nam tiến". Rừng người tràn ngập trên các nhà ga Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Sa Huỳnh, Tam Quan, Phù Mỹ, Tuy Hòa... đón tiếp rồi tiễn đưa, không một tiếng khóc than sướt mướt, chỉ reo vang "Quyết chiến" mà nước mắt lăn dài trên má các cụ, các mẹ, các em... Thề khắc cốt ghi tâm, sống chết có nhau, từ tiền tuyến đến hậu phương là một. Vì vậy mà "hũ gạo cứu đói", "hũ gạo kháng chiến" ở các tỉnh có hàng trăm tấn đủ liên tục tiếp tế cho các đoàn quân Nam tiến chiến thắng quân thù.


Thành phố Quy Nhơn cách xa ga Diêu Trì, không có cơ hội như Tam Quan, Tuy Hòa. Vì vậy Ủy ban nhân dân cách mạng Bình Định yêu cầu tôi bẻ quặt đoàn tàu Nam tiến của Thuận Hóa chạy xuống Quy Nhơn.


Tôi lên tàu gặp đồng chí chỉ huy đoàn. Anh hỏi ngay sao lại xuống đây? Tôi nói: cần xuống để nghỉ một hôm cho đồng bào úy lạo bộ đội, và bộ đội động viên đồng bào.


Đoàn quân trang phục chỉnh tề. Những thanh niên vừa xếp bút nghiên lên đường đấu tranh, những cán bộ từ trường tiền tuyến chỉ huy, rầm rập diễu hành qua các phố phường Quy Nhơn. Lớp lớp đồng bào vẫy cờ tặng hoa và quà kỷ niệm, tiếng hô "ủng hộ Việt Nam giải phóng quân", "ủng hộ bộ đội Nam tiến" quyện với khúc ca quân hành "bao chiến sĩ anh hùng" của đoàn quân.


Đúng như kế hoạch chuyển quân, hôm sau đoàn quân Thuận Hóa dừng tàu cách bắc Ninh Hòa một cây số, đi bộ theo phía tây đường sắt vào ga Ninh Hòa (phòng quân Nhật đóng tại trường học Ninh Hòa phản trắc). Các đồng chí Nguyễn Minh Vỹ, Trần Chí Hiền... vui đón về Nha Trang để tăng cường chiến đấu bao vây quân địch.


Mặt trận Nha Trang có vị trí quan trọng nhất đối với phía nam. Trong khi quân Anh chưa đến thì Nhật và Việt Minh hòa hoãn không xâm phạm lẫn nhau, nhờ đó mà sự vận chuyên liên lạc không bị trở ngại. Khi quân Anh đến Nha Trang thì tù binh Pháp được Nhật thả ra và trang bị lại, bắt đầu gây hấn từ ngày 22 tháng 10 năm 1945. Quân Anh bắt quân Nhật đi trước yểm hộ cho Pháp - Anh tiến công vào các công sở ta trong thành phố (quân Nhật phải thi hành lệnh của Anh, đồng thời báo cho ta biết trước). Trong trận tấn công trong nội thành, ngày đầu tháng 10 năm 1945, bọn Pháp - Anh bị thiệt hại nặng phải co về cố thủ. Đến ngày 10 tháng 10 tàu chiến Pháp xuất hiện và cho lực lượng đổ bộ. Ngày 22 tháng 10 chúng lại nổ súng tấn công. Ta kiên quyết chiến đấu chung quanh vùng viện Pát-xtơ. Nhà đèn, nhà ga ta vẫn giữ vững.


Đêm 23 tháng 10 năm 1945, lực lượng ta chủ động rút khỏi trung tâm thành phố, chiếm lĩnh các điểm cao ngoại vi từ phía tây thành phố giáp đến đầu cầu Xóm Bóng (đơn vị đồng chí Lê Kích giữ vững ở đây), tạo thành một vòng cung bao vây kiềm chế địch; đồng thời được tăng cường lực lượng bộ chỉ huy mặt trận gồm các đồng chí: Trần Công Khanh, Nguyễn Thế Lâm (phó) Hà Văn Lâu (tham mưu trưởng), Nguyễn Mô (chính trị viên), kiên quyết chiến đấu ngăn chặn quân địch.


Để giữ vững vận chuyển khi cầu Xóm Bóng bị phá, Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ đã bàn với cụ Trương Quang Hy (quận III xe lửa) làm đường bẻ ghi cho tàu chạy thẳng không vào ga Nha Trang. Nhờ đó, việc chuyển quân và vật tư máy móc vẫn được duy trì, đường điện tín, điện thoại vẫn được giữ vững. Cụ Trương Quang Hy cũng yêu cầu thông báo cho các lực lượng giải phóng quân đừng chặn bắt xe lửa dừng lại dọc đường như xe hơi, dễ gây nguy hiểm (vì lúc này quân ta hay dùng cờ chặn xe lửa để lên tàu bất kỳ nơi nào).


Cuộc chuyển quân Nam tiến kế tiếp nhau trên đường xe lửa. Khi thì một đại đội. Khi một chi đội. Cứ đến Tuy Hòa dừng lại bổ sung lương thực. Rồi vượt qua Ninh Hòa, Nha Trang tăng cường cho Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt và đi ô tô lên Đắc Lắc.


Sau khi mặt trận Bắc Sài Gòn bị phá vỡ, đại đội du kích Cứu quốc Ba Tơ (do đồng chí Truyền Nga và Minh Thi chỉ huy) bố trí chiến đấu ở trận tuyến cầu Bình Lợi trong một thời gian, rồi lui về vùng Trảng Bom, Rừng Lá phối hợp với du kích địa phương phá cầu đường.


Đầu tháng 11 năm 1945, Nhật đổ quân thêm lên Phan Thiết, đồng thời cho quân từ Biên Hoa tiến theo đường 20 lên đèo Blao và theo đường phố ra Phan Thiết, bị quân ta đánh, thiệt hại trên Đĩa Chuối - Blao. Cánh quân đường số 1 cũng bị đánh mạnh phải quay về. Đại đội du kích Ba Tơ một bộ phận gia nhập vào đơn vị đồng chí Nam Long; lui ra Phan Thiết phối hợp, chiến đấu với quân Nhật. Sau gần một tháng bao vây, ngày 12 tháng 12 năm 1945, quân Nhật rút xuống tàu vào Nam. Chi đội đồng chí Nam Long chuyển ra phối hợp với Phan Rang, bao vây cắt tiếp tế. Quân Nhật phải dùng kế nghi binh (đặt bù nhìn đội mũ sắt trong đồn), lợi dụng ban đêm ngược dòng sông chạy về phía Đắc Lăc. Quân ta truy kích diệt một bộ phận, số còn lại chạy thoát.


Như vậy vào khoảng hạ tuần tháng 12 năm 1945, hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Để hiểu rõ tình hình mặt trận tây nam, tôi lên Đắc Lắc, vào kiểm tra kế hoạch chiến đấu phía Đắc Min rồi vào luôn miền Đông Nam Bộ. Đi đến Phú Riềng, tìm được trạm liên lạc đưa vào đồn điền. Trước của một ngôi nhà, giữa rừng cao su, có mấy chữ to "Đại bản doanh tướng quân”. Đồng chí Vũ Văn Đức chỉ huy trưởng đón tôi rất ân cần. Anh Đức chỉ huy tóc đã điểm sương. Có lẽ vì vừa đánh vừa lui quân từ mặt trận Bắc Sài Gòn theo đường 13 qua đường 14, đã trải lắm phong sương khói lửa, mà hậu phương thì không vững chắc, nên khi được mặt trận Nam Trung Bộ vào bắt liên lạc thì anh rất mừng.


Anh cho biết quân Pháp từ bắc cầu Sài Gon tiến lên, có thiết giáp xe tăng và có pháo binh đã tiến đến Hớn Quản (12-11-1945). Quân ta chỉ phục kích, đánh tiêu hao chứ không có đủ lực lượng, vũ khí để đánh tiêu diệt. Tôi chuyển bản doanh về phía này, để đưa vào phía sau xây dựng căn cứ đánh lâu dài. Tôi định ra trao đổi với các đồng chí ở Buôn Ma Thuột, nhưng chưa đi được. Nay anh đã đến, chúng ta bàn sự phối hợp, hai bên, cố giữ cho được vùng quan yếu nhất là ba biên giới Đắc Min để giữ đường hậu phương và dựa vào nhau mà đánh địch.


Tôi hoàn toàn nhất trí nhưng cũng trình bày cho đồng chí Đức hiểu rõ phong trào quần chúng ở Đăc Lắc và lực lượng vũ trang quá mỏng. Đắc Min tuy có truyền thống chống Pháp của thủ lĩnh Nơ Trang Long vẫn in đậm trong nhân dân, nhưng nhân lực kinh tế quá nghèo nàn. Đó là điều không thuận lợi lắm. Sáng hôm sau tạm biệt anh Đức.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2021, 12:49:24 pm »

Ra khỏi đại bản doanh, xe lao về phía bắc trong rừng cao su mịt mù. Địa hình địa thế rất bằng phẳng, ít sông ngòi đồi núi, chỉ có trại ấp còn công nhân đồn điền, lưa thưa hai ba cây số mới có xóm nhà. Cảm thấy khó khăn trong chiến đấu.


Đến đơn vị phòng giữ ba biên giới tôi dừng lại kiểm tra kế hoạch tác chiến. Tôi nhìn thấy một bờ lũy với chiến hào được xây dựng bằng cây rừng chĩa mũi nhọn về phía đất cao nguyên, do đồng chí Sĩ Tuấn đã hướng dẫn xây dựng.


Từ ngã ba đến đồn Đắc Min theo đường biên giới chỉ cách đường 14 không xa, mà rừng thưa đất bằng, quân Nhật luồn rừng nơi nào cũng được. Vì vậy tôi nói với anh Sĩ Tuấn chỉ huy tỉnh Đắc Lắc và đồng chí Tàu chỉ huy đại đội du kích Ba Tơ bố trí ở đây, không nên dồn quân phòng giữ một tuyến mà nên bố trí phá đường chặn đánh nhiều bậc ở địa hình có lợi cho ta để tiêu hao địch.


Về đến Ninh Hòa, Ủy ban Cứu quốc nghe tôi báo cáo, đều thống nhất ý kiến cần tăng cường lực lượng cho Đắc Lắc để bảo vệ ba biên giới và Đắc Min nhưng không còn lực lượng nào để có thể điều động được. Chúng tôi yêu cầu Quảng Ngãi chi viện gấp cho một phân đội. Lực lượng vừa đến Ninh Hòa, được xe cấp tốc đưa lên Buôn Ma Thuột. Đang nghỉ để chuẩn bị đến ba biên giới, thì ngày 30 tháng 11 Pháp tấn công chính diện vào phòng tuyến bảo vệ. Đồng chí Tàu chính trị viên hy sinh, nhưng địch không vượt qua được. Một bộ phận địch luồn rừng vòng phía sau phục đánh bắt một xe công tác của ta có cờ đỏ sao vàng, dùng xe ấy chọc thẳng vào thị xã bắp phá. Phân đội quyết tử thứ hai của đại đội Phan Đình Phùng anh dũng chiến đấu đánh giáp la cà tiêu diệt được nhiều địch và hy sinh đến người cuối cùng. Được tin, chúng tôi nghẹn ngào cúi đầu tưởng nhớ, đau thương.


Tinh thần hy sinh vì Tổ quốc để lại trong lòng nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột không bao giờ nguôi. Trải qua bao năm sống trong lòng địch, đồng bào vẫn lấy ngày 27 tháng 10 âm lịch, nhà nhà đều cúng chiến sĩ trận vong để tỏ lòng biết ơn những người con Quảng Ngãi đã ngã xuống trong tư thế hiên ngang bất khuất.


Giặc Pháp tuy bất ngờ ập vào thị xã, nhưng trước sức đề kháng của quân ta đã bị thiệt hại, mất sức chiến đấu nên vội vã rút về biên giới. Đến ngày 3 tháng 12 có lực lượng tăng cường, chúng tôi mới tiến công lần thứ hai chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.


Giữa tháng 12, sau khi Phan Thiết, Phan Rang được giải phóng, Ủy ban Cứu quốc Nam Trung Bộ, đã điều động một bộ phận lớn các đơn vị Nam tiến ở phía nam ra củng cố Ninh Hòa. Ủy ban quyết định đưa lực lượng của chi đội Nam Long và một số phân đội khác tăng cường cho Đắc Lắc.


Sau khi củng cố trận tuyến trên đường 14 bắc sân bay, ngăn chặn không cho địch tiến ra ngã ba đường 14 và 21, lúc này chỉ huy sở đóng ở đồn điền Ca-đa.


Để tiêu hao lực lượng, buộc địch phải co lại, Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ quyết định tổ chức trận đánh phản công bằng hình thức tập kích vào thị xã. Hướng tiên công chính theo đường 14, có các đơn vị Bắc Sơn, Nghệ An, Thuận Hóa, Thanh Hóa tham gia với một tiểu pháo 37 ly và một sơn pháo 75 phối hợp. Hướng tây có một bộ phận do đồng chí Thái chỉ huy, hướng đông bắc do một phân đội tiến vào tập kích cơ sở thủy điện rồi phát triển vào thị xã. Đồng chí Nam Long chỉ huy quân sự và tôi làm chính trị viên.


Cuộc tiến công lúc đầu thuận lợi. Địch rút vào trung tâm, dựa vào một số nhà kiên cố chống cự. Đến gần sáng, địch dùng xe thiết giáp phản kích, ta không diệt được thiết giáp nên lui về giữ trận địa bắc sân bay (ngã ba đường 14 - 21). Cánh quân phía tây đi lạc đường không vào đến các khu phố, cánh phía đông vào phá thủy điện nhưng chỉ hỏng sơ sài. Sau đó, một mặt ngăn chặn và đánh du kích tiêu hao các mũi đột kích của địch. Đồng thời tổ chức lực lượng xuyên rừng vòng qua tả ngạn sông Sê-rê-pốc để phá cầu. Đồng chí Lan hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này nhưng vì thuốc nổ không đủ mạnh nên chỉ phá vỡ một mảng bằng cái thúng. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đến xem, vẫn còn chiến tích thời kỳ sơ khai chiến cuộc ở Đắc Lắc.


Trên đường 20, từ ngày 11 tháng 11 năm 1945, quân Nhật từ Biên Hòa tiến lên đánh vào trận tuyến đèo Blao. Quân ta chặn đánh rất anh dũng, tiêu diệt gần 30 tên và phá hủy một xe quân sự. Cho đến ngày 15 tháng 11 quân Nhật mới tiến lên Đà Lạt, phá vỡ tuyến bao vây của quân ta và chiếm giữ thành phố.


Nhìn chung trên chiến trường Nam Trung Bộ, trong tháng 12 năm 1945, quân Pháp đã hình thành ba cụm lực lượng: Chiếm giữ trung tâm thành phố Đà Lạt, Cam Ranh - Nha Trang, Buôn Ma Thuột. Quân ta giãn ra ngoài nhưng vẫn kiên trì bám giữ trận tuyến ngoại vi, nhất là Nha Trang và Đắc Lắc. Về phần ta, lực lượng vũ trang các tỉnh mới tổ chức đã phải đương đầu với quân Nhật và quân Pháp để bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ lãnh thổ mới được giải phóng. Tuy được Trung ương và các địa phương tăng cường chi viện bằng các đại đội, chi đội Nam tiến, nhưng thời tiết khí hậu của mùa đông, chiến sĩ phải dầm sương dãi gió liên tục hàng tháng trời trên chiến trường, phần thì tiếp tế lương thực thuốc men đạn dược khó khăn thiếu thốn, đơn vị nào cũng bị tiêu hao xộc xệch, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu không ít. Vì vậy Ủy ban Cứu quốc Nam Trung Bộ một mặt tổ chúc trường huấn luyện chính trị quân sự cho cán bộ, chiến sĩ tại Sở Míc (xưởng thuốc lá Míc), thực chất là một đơn vị thu dung giáo dục, chọn lựa những chiến sĩ ốm đau hay bị thương đưa về Tuy Hòa. Số khác được bồi dưỡng sức chiến đấu rồi bổ sung lại chiến trường. Mặt khác yêu cầu các tỉnh tuyển quân số bổ sung.


Trong cuộc kinh lý kiểm tra tình hình phía nam, anh Võ Nguyên Giáp ra đến Quảng Ngãi trong đêm đã khuya. Tôi đón chào trước sân đồn khố xanh cũ (chỉ huy sở chi đội). Biết tôi mới ở Ninh Hòa ra Quảng Ngãi, anh hỏi chúng ta có thể phản công chiếm lại Buôn Ma Thuột được không? Tôi trả lời: Lực lượng địch thì không đông lắm, chưa mở rộng chiến đấu, ta con giữ từ cây số 3 đến cây số 5 (bắc thị xã), nhưng địch có đại bác, xe tăng thiết giáp mạnh hơn ta. Nếu chúng ta có lực lượng mạnh, có thể tiến công theo trục đường 14 và phía tây Buôn Ma Thột, thì đánh vào thị xã được, nhưng bây giờ không có thêm lực lượng. Anh suy nghĩ. Tôi mời anh ở lại. Anh nói: Tôi phải trở ra ngay và dặn việc gì phải giới nghiêm? Để cho nhân dân ta đi lại tự do (lúc ấy ở Quảng Ngãi có lệnh giới nghiêm, ban đêm không được đi lại sau 10 giờ tối. Xe anh Giáp cũng bị xét hỏi nên anh mới dặn như vậy).


Qua mấy phút gặp anh Võ Nguyên Giáp trong đêm khuya tại thành Quảng Ngãi, tôi càng cảm thông với cấp trên trong tình hình cực kỳ khẩn trương của đất nước và sự quan tâm theo dõi của Trung ương.


Cuộc kháng chiến của quân dân Nam Trung Bộ và bộ đội Nam tiến trong buổi bình minh lập quốc, thật là "lực bất tòng tâm" nhưng đã anh dũng chiến đấu ngăn chặn từng bước quân thù gần ba tháng làm thất bại kế hoạch của tướng Lơ-Cléc chiếm đóng đến vĩ tuyến 16 trong vòng ba tháng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2021, 12:55:17 pm »

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cuộc chiến đấu của quân dân Nam Trung Bộ. Tháng 12 năm 1945 Người gởi thư cho các chiến sĩ và đồng bào:

"Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đổ xương máu để giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi cũng như bao nhiêu đồng bào ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã bao nhiều lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp chà đạp lên miếng đất của ông cha ta, giết hại nòi giống ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc ta tạo nên. Bao nhiêu lần hồi hộp, có thể khóc được, trước những gương hy sinh vô cùng can đảm của những người con yêu Tổ quốc. Do đó tôi càng tin chắc rằng: Với một quốc gia có những đứa con hy sinh như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không thể bị mất lại một lần nữa" (thư lưu trữ tại phòng lịch sử quân sự Quân khu 5).


Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Nam Trung Bộ càng phấn khởi tin tưởng, càng sôi sục lòng căm thù quân xâm lược, nỗ lực chiến đấu để lập chiến công.

Ở mặt trận Nha Trang, từ cuối tháng 12 năm 1945, quân Pháp được thiết giáp hạm Ri-sơ-li-ơ đến chi viện (có pháo nặng 130 ly) bắn phá vào trận địa ta và vùng dân cư từ phía tây Nha Trang đến đèo Rù Rì. Thỉnh thoảng cũng bắn pháo vào Ninh Hòa - Vạn Giả. Một hôm trên đường từ Ninh Hòa vào Nha Trang để truyền đạt chủ trương của Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ cho các đồng chí quân chính Nha Trang, địch tâp trung bắn phá dữ dội. Xe tôi phải chạy lên đường Đắc Lộ, Đại Điền để qua đò vào thành Khánh Hòa. Lần đầu tiên đập vào mắt tôi cảnh đồng bào tản cư lánh giặc, thực hiện vườn không nhà trống.


Từng đoàn người mang gánh, rương, hòm, thúng mủng, nồi niêu, chăn chiếu quần áo, tay xách nách mang. Có phụ nữ gánh một đầu thúng là thóc gạo, một đầu thúng là con thơ. Cũng có chị đi tản cư đẻ rớt giữa đường không nhà, không cửa. Tôi nhận thấy khuyết điểm của mình, của Mặt trận Việt Minh, chưa kịp thời hướng dẫn cho địa phương lãnh đạo, làm cho đồng bào lâm vào cảnh gieo neo khốn khổ.


Qua đến thành Khánh Hồạ, gặp các đồng chí lãnh đạo địa phương, tôi yêu cầu phải khẩn trương tổ chức và hướng dẫn cho cấp huyện, xã đưa đồng bào theo từng xóm thôn, cùng đến ở một xóm thôn an toàn và động viên đồng bào tại chỗ phải thương yêu giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau mới có thể kháng chiến lâu dài.


Sau đó tôi trình bày nhận định của Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ và sự chỉ đạo của cấp trên phải bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài với các đồng chí lãnh đạo Khánh Hoa và các đồng chí trong ban chỉ huy mặt trận. Ta không thể giữ mãi cách đánh có trận tuyến, mà phải chuẩn bị cho mỗi khu vực có lực lượng vũ trang, dựa vào dân và núi rừng tiến hành đánh du kích.


Con đại bộ phận lực lượng lần lượt rút về hậu phương củng cố. Mặc dù địch tập trung bom đạn đánh phá ác liệt, mặt trận Nha Trang vẫn tiếp tục chiến đấu tiêu hao kiềm chê địch giữ vững trên tuyến Cây Da - Quán Giáng, đường xe lửa, đầu cầu sắt và bắc cầu Xóm Bóng trong thời gian hơn một tháng, bảo đảm các đơn vị ở phía Nam lần lượt chuyển ra.


Đầu năm 1946, Trung ương có ý định tổ chức Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam. Đồng chí Tạo đã vào Ninh Hòa trao đổi với chúng tôi để tổ chức chỉ huy sở. Anh Trương Quang Giao trình bày tình hình địch ta và thấy rằng lập Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam là không thích hợp vì khả năng thông tin liên lạc tiếp tế chiến trường không đảm bảo để chỉ huy.

Sau đó tổ chức thành hai Ủy ban:

- Ủy ban kháng chiến Nam Bộ bố trí chỉ huy sở ở Phú Yên.   

- Ủy ban kháng chiến Nam Trung Bộ bố trí chỉ huy sở ở Quảng Ngãi.


Anh Chánh điện tôi ra báo cáo tình hình thì cũng là lúc quân Pháp - Nhật bắt đầu mở cuộc tấn công. Cánh quân phía tây xuất phát từ Buôn Ma Thuột tiến theo đường 21, quân ta chặn đánh nhiều trận tiêu hao dọc đường và chặn đánh quyêt liệt, diệt nhiều bộ binh và dùng chai xăng tạc đạn đốt cháy nhiều xe cơ giới của địch trên đèo Phượng Hoàng. Ngày 26 tháng 1 năm 1946, địch dừng lại Ma đrắc.


Cánh quân phía nam xuât phát từ Đà Lạt, ngày 28 tháng 1 năm 1946 tấn công phòng tuyến ta tại Trại Mát Phi-nom, Đơ-răng rồi theo đường 11 tiến chiếm Tháp Chàm, Phan Rang, chia một bộ phận tấn công vào Phan Thiết. Một cánh tiến đến Cam Ranh và suối Dầu thì dừng lại. Quân dân hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận làm vườn không nhà trống và bám đánh diệt nhiều địch trên dọc đường.


Ngày 29 tháng 1 năm 1946, cánh quân Pháp đánh thủng phòng tuyên đèo Phượng Hoàng tiến đến Ninh Hòa và tiến vào phối hợp với cánh quân phía nam giải vây thành phố Nha Trang.

Lực lượng ta chủ động, theo kế hoạch chuyển quân rút theo đường núi Đá Ban - Dốc Mõ về Phú Yên tập kết.

Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ được chấm dứt nhiệm vụ.

Từ đây tôi bị cuốn hút theo hai cuộc chiến tranh. Đi mãi trong hàng ngủ Quân đội nhân dân Việt Nam quang vinh của Tổ quốc.

Kể từ những ngày đầu tháng chín, nhận chiếc băng đỏ sao vàng với chức vụ phái viên quốc phòng Trung Bộ đi truyền hịch "Tổ quốc lâm nguy! Toàn dân chuẩn bị kháng chiến" cho đến ngày kết thúc nhiệm vụ trong Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ (đầu tháng 2 năm 1946), có lẽ tôi là một trong những thanh niên được hạnh phúc nhất. Từ rừng núi Ba Tơ sớm được rong ruổi trên các ngả đường khúc ruột miền Trung với hình thế núi sông hùng vĩ, từ những dãy núi mây mù bao phủ trên nóc nhà Trường Sơn, đến bờ biển Đông trong xanh ào ạt, tiếng sóng vỗ bờ. Những cảnh ngoạn mục như Hải Vân, Sơn Trà, như cố đô Huế, như đèo Cả, Vũng Rô và Tây Nguyên mênh mông hùng vĩ, với miền duyên hải trù phú gieo vào tâm hồn tôi một niềm yêu nước thiết tha với nỗi lo âu giữ gìn bảo vệ.


Đặc biệt, những người đang sục sôi trong tim "Thà chết không làm nô lệ", những cán bộ Đảng, cán bộ Việt Minh, những chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng cho đến các giới công, nông, trí thức, phú hào và anh chị em phụ nữ thanh niên, mọi người như một quyết tâm kháng chiến với niềm tin nhất định thành công.


Trải qua năm tháng, những chiến sĩ du kích Cứu quốc Ba Tơ có mặt trên khắp chiến trường, sát cách cùng những chiến sĩ giải phóng quân Nam tiến, không thiếu địa phương nào của miền Trung, miền Bắc hòa mình cùng những thanh niên tự vệ và binh sĩ yêu nước của từng địa phương thành một lực lượng vũ trang thống nhất, bao vây ngăn chặn tiêu diệt quân thù. Tôi còn gặp mặt những chiến sĩ Tiền phong Nam Bộ trong bộ quần áo xanh với ca lô xanh đội lệch, xin đổi gậy tầm vông nhận súng trường để tiến công địch ở Phan Thiết, Buôn Ma Thuột, Nha Trang.


Tất cả những con người ấy, những hình thế đất nước núi sông ấy, đã làm nên những chiến công từ cầu Bình Lợi cho đến Phan Thiết, Đà Lạt, Phan Rang. Từ ba biên giới đến Buôn Ma Thuột, Ma đrắc và đỉnh cao nhất là bốn tháng ác liệt trên mặt trận Nha Trang. Tuy cuộc chiến tranh nhân dân chưa hoàn thiện vì mới từ trong nhân dân mà ra, chưa qua một lớp quân sự sơ đẳng nào, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: "Quân đội ta là một quân đội thơ ấu tinh thần dũng cảm có thừa, nhưng thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt "nhưng trải qua bốn tháng dưới sự lãnh đạo quân sự chính trị của Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ, không có những trận tiêu diệt chiến lớn, nhưng những gương chiến đấu hy sinh lẫm liệt của cá nhân, của tập thể đã lập những chiến công chói lọi trên khắp các chiến trường, khiến cho quân thù phải khiếp sợ và kính phục, cho đồng bào đồng chí quý trọng, thương yêu. Bốn tháng bao vây ngăn chặn quân thù, chính là một chiến công vô giá, đã góp phần để lại một Tạm ước mùng sáu tháng ba và một vùng quân thù không được bén mảng đến. Đó là vùng tự do "Nam - Ngãi - Bình - Phú", từ Cách mạng mùa thu tháng Tám, mãi đến thắng lợi cuối cùng sau chín năm kháng Pháp vẫn giữ vững độc lập tự do.


Ghi những dòng hồi ký này, lòng tôi bồi hồi tưởng nhớ đến bao nhiêu đồng bào, đồng chí. Đặc biệt, tôi nhớ đến những chiến sĩ du kích Cứu quốc quân Ba Tơ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trên các chiến trường Nam Trung Bộ để bảo vệ độc lập tự do cho quê hương, Tổ quốc. Vinh quang bất diệt này là thuộc về các đồng chí.


Gần nửa thế kỷ trôi qua. Có biết bao sự kiện xảy ra, nay tôi hồi tưởng lại có chỗ nhớ, chỗ quên về tên người, tên đất và biết bao hành động anh dũng quên mình của mỗi người đã làm nên lịch sử.


Với tấm lòng chân thành, theo sự ủy thác cùa anh em, tôi ghi lại những điều còn nhớ. Nếu có chỗ chưa chính xác, chưa đầy đủ là vì thời gian trôi qua quá lâu, chứ nhất quyết không có lý do gì khác. Rất mong đồng bào, đồng chí và bạn đọc thông cảm.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM