Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:32:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ đài sau dây thép gai  (Đọc 11916 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:53:44 am »

          
        - Tên sách : Vũ đài sau dây thép gai

        - Tác giả : Ghê-oóc-ghi Xvi-ri-đốp
                        Nguyễn Thụy Ứng dịch từ tiếng Nga

        - Nhà xuất bản Thể dục thể thao

        - Số hóa : Giangtvx

   
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Sáu, 2020, 07:05:59 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:07:10 pm »


LỜI NÓI ĐẦU

        Ghê-oóc-ghi I-va-nô-vít Xvi-ri-đốp sinh năm 1927 tại thành phố Ma-ri-pôn, tỉnh Đô-nhét- xvai-a, Liên Xô. Ông đã làm nhà báo quân đội trong một thời gian dài. Độc giả Liên Xô đã biết nhiều về tác giả qua một số bài thơ dài, ba tập thơ và hai truyện dài : « Vũ đài sau dây thép gai» (1960) và « Giếch- Xơn ở lại nước Nga » (1963).

        « Vũ đài sau dây thép gai» là một cuốn tiểu thuyết viết theo tư liệu người thực, việc thực về cuộc đấu tranh của những người bị giam ở Bu-khen-van, một trong những trại tập trung khủng khiếp nhất của phát xít Hít-le. Những người bị giam đã chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang thành công trong những điều kiện khó khăn vượt sức chịu đựng của con người.

         Nhân vật chính là An-đơ-rây, một võ sĩ quyền Anh Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức cách mạng bí mật, An-đơ-rây đã hoàn thành nhiệm vụ được tổ chức giao cho, đã bảo vệ được danh dự của nhà thể thao, cũng như của người công dân Liên Xô, góp phần quan trọng đánh bại âm mưu lớn của địch : dùng tù hình sự tiêu diệt tù chính trị và dựa vào thắng lợi của những võ sĩ cũ người Đức trong những trận đấu quyền Anh với những tù binh Nga ốm yếu, kiệt quệ để chừng minh tính hơn hẳn của « chủng tộc siêu đẳng A-ri-ăng ». Ngoài ra, An-dơ-rây còn có nhiều cống hiến trong cuộc đấu tranh chung và trong cuộc khởi nghĩa vũ trang của toàn trại giam.

        Có lẽ thành công lớn nhất của tác giả là đã xây dựng rất đạt hình tượng của một nhà thể thao xã hội chủ nghĩa được Đảng lãnh đạo chặt chẽ, biết kết hợp tinh thần thể thao với lòng yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản. Thể thao đã tôi luyện cho An-dơ-rây một sức chịu đựng sắt thép, một ý chí chiến thắng không gì lay chuyển nổi, một sự tỉnh táo rất cao và khả năng phản ứng hết sức nhanh nhạy. Nhưng yếu tố quyết định giúp anh vượt bản thân mình, chiến thắng trong những trận đấu đẹp nhất đời anh lại chính là lòng yêu nước không bờ bến, chí căm thù địch sâu sắc, cộng với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, gắn bó anh với đời sống của hàng chục vạn người tù đủ các dân tộc, cùng cảnh ngộ.

        Tổ chức cách mạng trong trại giam không nhưng đã cứu An-đơ-rây thoát cái chết khủng khiếp, mà còn giúp anh gìn giữ và nâng cao phẩm chất cao quí cũng như tài nghệ điêu luyện của mình. Ngược trở lại, An-đơ-rây gắn bó chặt chẽ với tổ chức cách mạng, tuyệt đối phục tùng tổ chức cách mạng. Tác giả cũng đã thành công trong việc nêu hình tượng An-dơ-rây trong mối quan hệ màu thịt với hình tượng của nhưng nhà cách mạng chống phát xít ở Bu-khen-van, nhất là những người lãnh đạo trung tâm quân sự chính trị bí mật Nga : Xmiếc-nốp, Lép-sen-cốp... Câu chuyện về An-đơ-rây đã được thể hiện trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh của những người tù trước sự tàn bạo, man rợ của những tên phát xít mất hết tính người.

        Hình tượng nhà thể thao chân chính giữa hình tượng tuyệt đẹp của những người cộng sản đấu tranh kiên cường trong một hoàn cảnh rùng rợn, đầy kịch tính, chủ đề thể thao và lòng yêu nước, thể thao và tinh thần quốc tế, được lồng trong chủ đề bao quát : sự đấu tranh của những con người chân chính chống lại những kẻ thù của loài người; các hình tượng ấy và chủ đề ấy làm cho cuốn sách viết trước đây gần hai chục năm về những sự kiện đã qua hơn một phần ba thế kỷ mà vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.

        Nhà xuất bản Thể dục thể thao cho xuất bản cuốn « Vũ đài sau dây thép gai » trong lúc này chính là vì hiện nay các lực lượng đế quốc cùng các lực lượng phản động quốc tế đang cỏ những âm mưu bá quyền, không những de dọa nền an ninh của thế giới, mà còn lăm le trực tiếp xâm phạm Tổ quốc thần thánh của chủng ta. Những bằng chứng nhỡn tiền cho thấy vẫn còn những kẻ muốn theo gót Hít-le, vẫn còn những Bu-khen-van. Cuộc đấu tranh của loài người trong nửa đầu những năm bốn mươi thế kỷ này vẫn còn tiếp diễn.

        Và đối với giới thể thao Việt Nam, An-đơ-rây vẫn là một tấm gương sảngf nhắc chủng ta gắn chặt mình với Tổ quốc, với nhân dân, với ba dòng thác cách mạng trên thế giời ; nhắc chúng ta luôn luôn nhớ tới sử mệnh chính trị của mình.

NHÀ XUẤT BẢN       

                                                            Toàn thế giới hãy đứng lên một phút
                                                            Lắng nghe kìa, hãy lắng nghe kìa !
                                                            Bốn phương trời đang dội lên rồn rập
                                                            Những tiếng chuông ở Bu-khen-van..
                                                                                                       (Lời bài hát)

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:44:58 am »

   
PHẦN THỨ NHẤT

I

        Ắc-xên ! — Cơ-rao-dê, thợ cả phân xưỏng lò hơi nén giọng khẽ kêu lên rồi vội vã bắt đầu lau sát áp kế bằng một miếng giẻ.

        Hai tiếng ngắn ngủi «ắc-xên» (tiếng Đức : mười tám) là một mật hiệu, có nghĩa là : « Chú ý ! Cẩn thận đấy ! Có nguy hiểm !». Bằng mật hiệu ấy, những người tù làm việc trong nhàả máy Hút-lốp báo cho nhau biết rằng bọn ss1 sắp tới gần.

        Những người tù trong đội lao động của phân xưỏng lò hơi cũng như của phân xưởng nguội và phân xưởng thợ điện gần đấy đều đứng chồm dậy và vội vã bắt tay vào làm việc.

        A-lếch-xây Lư-xen-cô cũng đứng phắt lên. Anh vừa từ phân xưởng nguội tới phân xưởng lò hơi và đang hong đôi giầy của anh cạnh lửa. Khuôn mặt gầy gò dãi dầu nắng gió của anh thoảng có vẻ lo lắng. Anh định xỏ thật nhanh hai bàn chân đau xưng vù vào đôi giầy ướt. Nhưng muộn mất rồi. Anh mới kịp đi một chiếc giầy thì sau tường đã có những tiếng chân bước nặng nề. A-lếch-xây giúi thật nhanh chiếc giầy kia vào đống than và với lấy cái xẻng. Người anh gầy rộc, mỗi cử động đều làm cho bộ quần áo tù may bằng vải vằn lắc đi lắc lại như treo trên một cái móc.

        Cái thân hình nặng nề của tên đại úy Mác-tin Dom-mơ đã hiện ra trong khung cửa.

        Những người tù càng rụt đầu so vai, ra sức làm. Việc tên Dom-mơ đến đây không báo trước một điều gì tốt lành. A-lếch-xây kín đáo theo dõi tên ss. Nhiều người đã chết dưới bàn tay của tên đao phủ này. Đập cho thằng khốn nạn này một xẻng vào cái đầu dẹt của nó thì khoái trá biết mấy !

        Dom-mơ đi qua giàn nồi hơi, vào phân xưởng điện. Những người thợ điện đứng bật dậy, áp thẳng tay theo đường chỉ quần, đứng chết lặng. Tên ss không nhìn họ, hắn đứng lại bên cái bàn nhỏ của Rây-non Lốc-man.

        Dom-mơ đặt trước mặt người tù đứng im như- phỗng một chiếc máy thu thanh nhỏ rồi nói cộc lốc :

        — Chữa đi !

        Sau đó hắn quay người, đi ra cửa. A-lếch-xây đưa mắt nhìn theo tên ss mà anh căm thù. Rồi anh lấy chiếc giầy, lắc cho hết bụi than. Giữa lúc ấy, anh chú ý đến bàn làm việc của Lốc-man. Anh nhìn chằm chằm. Chiếc máy thu thanh của Dom-mơ không có nắp hậu. Bên trong lấp loáng những chiếc đèn vô tuyến điện. A-lếch- xây không thở được nữa.

        Anh đang cần một bóng đèn vô tuyến điện. Một chiếc duy nhất : « VV-2 ». Tất cả các chi tiết khác đều đã sẵn sàng để có thể lắp một chiếc máy thu thanh. Lê-ô-nhít Đơ-ráp-kin và Vi-a-tre-xláp Giê-lét-nhi-ác đã kiếm được các thứ ấy. Chỉ còn thiếu một chi tiết chủ chốt : bóng đèn. Anh em quyết định « mượn » của Lốc-man. Nhưng không chiếc máy thu thanh nào mà bọn bảo vệ đem đến chữa có cái bóng đèn cần thiết. Những tuần dài đằng đẵng lần lượt trôi qua. A-lếch-xây có cảm tưởng như không còn nhẫn nại được nữa. Chẳng nhẽ anh em cứ không được nghe giọng nói thân yêu của Mát-xcơ-va mãi hay sao ? Thế mà hôm nay, Dom-mơ, tên đao phủ của khu xà-lim, lại đem đến chữa một chiếc máy thu thanh. A-lếch-xây tin tưởng như đinh đóng cột rằng trong chiếc máy thu thanh của tèn Dom-mơ có cái bóng đèn mơ ước.

        Anh nhìn quanh. Những người tù tiếp tục làm việc, nhưng thần kinh của họ không còn căng thẳng như trước nữa. Không ai để ý đến A-lếch- xáy. A-lếch-xày đi sang phòng bên cạnh đến gần chiếc bàn nhỏ, tay vẫn cầm chiếc giầy.

        Lốc-man đang chữa cái loa điện của một tên ss, miệng rầm rầm hát. Nhận ra anh chàng người Nga, anh ta ngửng đầu, cặp môi nhợt nhạt mỉm một nụ cười thân mật. Lốc-man thích chàng thanh niên người Nga này. Chịu khó học hỏi, ham hiểu biết, lại thêm cái tính chăm chỉ. Chỉ tiếc một điều là hắn chẳng hiểu chút gì về kỹ thuật vô tuyến. Đúng là người rừng ! Lốc-man nhớ lại cảnh hai tháng trước anh chàng người Nga này giương to mắt, há miệng trầm trồ thán phục « những phép mầu » truyền được âm nhạc và tiếng người mà không cần dùng dây. Hôm ấy Lốc-man mỉm cười hồn hậu, ra sức giải thích cho A-lếch-xây trong một tiếng đồng hồ về nguyên tắc hoạt động của máy thu thanh. Anh ta vẽ một sơ đồ hết sức đơn giản lên một mẩu giấy để chứng minh rằng trong chuyện này chẳng có sức mạnh siêu phàm nào cả. Nhưng xem ra anh chàng người Nga cũng chẳng hiểu được gì. Tuy nhiên, khi A-lếch-xây đi rồi, Lốc-man không tìm thấy mẩu giấy trên đó anh ta đã vẽ sơ đồ máy thu thanh. Mẩu giấy đã biến mất một cách bí mật. Không không, anh ta không nghi ngờ anh chàng người Nga này. Hắn cần đến mẩu giấy ấy làm gì ?

        Lốc-man ngửng đầu, mỉm cười thân mật với A-lếch-xây.

        — Cậu đến xem « phép mầu » đấy à ? A-lếch-xây gật đầu.

        — Được thôi, không sao đâu, cứ xem đi, cứ xem đi. Mình không tiếc đâu. — Lốc-man cầm lấy cái mỏ hàn đã nóng rồi lại cúi xuống cái máy vừa tháo. — Tay mình là tay của thầy phù thủy đấy. Đến sắt cũng bị bàn tay mình bắt phải nói. Hì- hì-hì !...

-----------------------
        1. Vốn là những nhân viên của lực lượng bảo vệ của nước Đức quốc xã. Từ 1910, chúng đã trở thành những đơn vị quân đội thật sự, nhưng chúng nắm nhiều quyền hành đặc biệt hơn các quân nhân khác (người dịch).
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Giêng, 2020, 09:58:10 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 09:21:36 pm »

 
        A-lếch-xây đưa mắt nhìn lần lượt những chiếc bóng đèn. Trong số đó, chiếc nào là chiếc «VV-2 » đây ? Những chữ in dập vàng hơi sáng lấp loáng. Nó đây rồi !

        A-lếch-xây đưa tay ra. Chiếc bóng đèn lắp rất chặt. A-lếch-xây hồi hộp quá, khô cả miệng. Anh đã bỏ được chiếc bóng đèn vào túi.

        Lốc-man không nhận thấy gì cả. Anh ta vẫn tiếp tục hát lầm rầm.

        A-lếch-xây chuyển cái bóng đèn bao lâu mong mỏi cho Lệ-ô-nhít. A-lếch-xây khẽ nói :

        — Đừng mang đi đâu xa nhé. Nhỡ xảy ra chuyện gì... Chúng mình đừng làm cho Lốc-man gặp điều gì không tốt.

        A-lếch-xây bám sát anh chàng kỹ thuật viên vô tuyến đến tối. Chờ mãi. Cuối cùng Lốc-man bắt tay vào làm chiếc máy thu thanh. Anh ta xem đi xem lại mãi một cái gì đó, rồi văng tục một câu và bắt đầu cần cù tháo cái máy. A-lếch-xây nhẹ cả người. Thế là xong !

        Ngay đêm ấy, khi anh em tù trong khối vừa thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề, A-lếch-xây hích khuỷu tay vào người Lê-ô-nhít.

        — Ta đi đi.

        Vi-a-tre-xláp đang chờ hai người ở chỗ rửa ráy. Cả ba len lén ra khỏi khối. Trời tối đen, không khí ngột ngạt. Khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia, thỉnh thoảng trên các chòi canh có những ngọn đèn chiếu sáng rực. Hình như có những cánh tay vàng dài ngoẵng hối hả xục khắp trại. Khi đèn tắt, bóng tối càng dày đặc hơn.

        Ba anh em phải vượt một chặng đường gian khỗ : lần đến đầu kia trại rồi quay trở về phân xưởng nồi hơi. Tại đấy, người tù chính trị Đức Cơ-rao-dê làm cai phân xưởng nồi hơi đang chờ họ trong một căn phòng nhỏ. Cơ-rao-dê đã nhận lời giúp họ.

        Vi-a-tre-xláp vào trước. A-lếch-xây và Lê-ô- nhít đi cách một quãng, cùng vào theo. Chỗ thì bò, chỗ thì đi sát tường nhà, họ kiên nhẫn tiến về phía phân xưởng nồi hơi, luôn luôn phải nhìn quanh và lắng nghe trong bầu không khí chết lặng căng thẳng. Ai cũng chỉ nghĩ một điều : « Miễn là không lọt vào !..»

        Không lọt vào một gié đèn chiếu, không chạm trán với bọn bảo vệ mò mẫm khắp trại. Đi trong trại sau lệnh giới nghiêm là tội chết.

        Phân xưởng nồi hơi ở cách lò thiêu xác không xa. Lò thiêu xác là một ngôi nhà lè tè sát đất, chung quanh có hàng rào cao bằng gỗ. Tại đấy có việc làm suốt ngày đêm. Trong đêm tối không nhìn thấy khói đen bốc cuồn cuộn trên những ống khói. Chỉ thỉnh thoảng có những gié tia lửa phụt lên. Mùi tóc cháy, thịt cháy buồn nôn, rùng rợn tỏa khắp trai.

        Một ngọn đèn điện lù mù chiếu trong căn phòng chật chội của Cơ-rao-dê. Cửa sổ và cửa ra vào được che bằng chăn.

        — Chúc các bạn thành công, — người cai nói xong, cái thân hình dài ngoẵng của anh ta biến mất bên ngoài cửa.

        Cho đến khi có lệnh ngủ dậy, Cơ-rao-dê sẽ đi lại gần khối nhà và sẽ ra hiệu khi có điều gì nguy hiểm.

        Lé-ố-nhít thọc tay vào túi, lấy tờ giấy cuộn tròn, vuốt phẳng ra. Đó là sơ đồ một chiếc máy thu thanh cực kỳ đơn giản, chính sơ đồ mà Lốc- man đã vẽ. Vi-a-tre-xláp mang các chi tiết ở chỗ giấu ra. A-lếch-xây so số chi tiết đã có với sơ đồ.

        — Có đủ toàn bộ !

        Lần đầu tiên trong những năm bị giam cầm, lòng anh thấy vui.

        Ba người bạn bắt đầu lắp máy thu thanh. Công việc tỉ mỉ và phức tạp một cách ma quái. Trước kia cả ba không có ai học kỹ thuật vô tuyến bao giờ. Thậm chí không cỏ ai là người đã từng chơi vô tuyến điện. Họ chỉ là thợ điện. Nhưng nếu cần. nếu rất cần thì con người có thể làm được những phép mầu, phát hiện lại những điều đã được phát hiện, tìm hiểu ra những điều mình còn chưa biết, phát minh và làm bằng hai bàn tay mình những thứ trước kia chưa từng làm bao giờ.

        Trong căn phòng chật hẹp của người cai phân xưỏng nồi hơi, họ qua năm đêm liền, năm đêm căng thẳng, mệt mỏi rã rời và ngắn ngủi một cách khủng khiếp. Đến cuối đêm thứ năm, họ hàn xong chiếc tụ điện cuối cùng. A-lếch-xây đưa tay áo lên chùi những giọt mồ hôi trên trán.

        — Hỉnh như xong rồi...

        Giây phút bao lâu mong đợi đã đến. Cuối cùng máy thu thanh đã lắp xong. Chỉ còn một việc chỉnh thử xem nó chạy thế nào...

        Vi-a-tre-xláp bồi hồi mắc hai cái kim vào dây điện rồi luồn vào hai cái kim ấy hai đầu đã cạo sạch của một sợi dây.

        Sau vài giây căng thẳng, dày tóc trong bóng đèn sáng lên. Nghe có những tiếng ù ù khe khẽ đặc biệt của một chiếc máy thu thanh. Có lẽ nó chạy được !

        Ba người bạn sung sướng nhìn nhau. A-lếch- xây vội mắc ống nghe lên tai. Cố tiếng ù ù. Vẳng có những tiếng rè rè gì đó. A-lếch-xây xoay núm điều chỉnh bằng tay. Anh sắp được nghe tiếng nói của Mát-xcơ-va rồi ! Nhưng tiếng ù ù vẫn không ngớt. Anh ra sức lắng nghe nhưng cũng chẳng thấy gì khác ngoài tiếng ù ù. Máy thu thanh không bắt được đài. Nhìn khuôn mặt cau có của A-lếch- xây, hai bạn anh đã hiểu hết.

        — Đưa cho mình nào, — Vi-a-tre-xláp nóng nẩy lắp ống nghe lên tai, xoay lung tung núm điều chinh. Anh chàng lắng nghe rất lâu. Nhưng từ trên không trung chẳng vẳng tới một cái gì giống tiếng người nói hay tiếng nhạc. — Chà...

        Lê-ô-nhít xua tay.

        — Không nên nghe nữa...

        Ba anh em lặng đi, đau khổ. Chỉ còn tiếng rè rè của chiếc máy thu thanh. Ba người tù đăm đăm nhìn mãi cái máy, mỗi người đều nặn óc suy nghĩ. Phải, tuy cả ba đều đã hết sức cố gắng, nhưng cái máy đã không có sức sống, đã « không nói ». Như thế nghĩa là trong khi lắp đã có gì không chính xác. Đã có cái gì đặt không đúng. Nhưng sai ở chỗ nào ? Chỗ không đúng là đâu ? Ba anh em không ai trả lời nổi câu hỏi đầy khổ não này...

        Sự mệt mỏi tích lũy trong năm đêm không ngủ lập tức đè nặng lên vai họ.

        Ba người bạn giấu chiếc máy thu thanh rồi lặng lẽ quay về khối của họ. Lần đầu tiên sau năm đêm, họ thấy đường về dài vô tận.

        Ở chỗ rửa ráy, trước khi chia tay với các bạn về ván nằm, A-lếch-xây nói :

        — Nhưng dù sao nó cũng có chạy. Chỉ cần tìm cho ra một tay vô tuyến điện, một tay vô tuyến điện thật sự.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:55:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:56:43 pm »


II

        Thiếu tá SS, bác sĩ A-đon Hô-vơn đưa bàn tay nhỏ bé lên vuốt bộ tốc bôi sáp màu hạt dẻ hạt. Hắn xốc chiếc áo quân phục cổ đứng rồi bước vào nhà tiếp khách của viên tư lệnh trại tập trung Bu-khen- van. Những tên cấp dưới đồng loạt đứng nhanh dậy ưỡn ngực chào. Tên thiếu tá thờ ơ gật đầu chào lại và đi tới bàn tên sĩ quan tùy tùng. Tên sĩ quan tùy tùng Han-xơ Bun-ghen-le, ba mươi nhăm tuồi, vốn đã quá hạn làm trung úy từ lâu, nhưng hắn vẫn còn phải đeo cái lon trung úy ss. Hắn lạnh nhạt nhìn khắp người tên thiếu tá rồi cố làm vẻ lễ phép mời tên kia chờ.

        — Thưa ngài thiếu tá, đại tá còn đang bận.

        Rồi hắn cho thấy rằng câu chuyện nói đến thế là xong và quay sang với Hút, một tên thượng úy SS mày râu nhẵn nhụi, người nom tràn trề sức khỏe.

        Tên thiếu tá ngạo nghễ đi ngang căn phòng khách rộng thênh thang, treo mũ lưỡi trai lên mắc rồi ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh khung cửa sổ mở rộng. Hắn rút chiếc bót bằng vàng, châm thuốc hút.

        Tên sĩ quan tùy tùng nói với Hút câu gì không biết và liếc nhìn vào cái gương treo trên bức tường trước mặt. Tên thiếu tá thấy hắn quan tâm đến râu tóc của hắn hơn câu chuyện. Bun-ghen-le lấy làm kiêu hãnh vì hắn có phần nào giông giống Hít-le, vì thế hắn luôn luôn chăm chút cái mã ngoài của hắn. Ria hắn được nhuộm mỗi tuần hai lần. Bộ tóc chải sáp bóng nhoáng luôn luôn được vuốt xuống. Khốn nỗi cái bờm cứng như rễ tre phía trước không chịu nằm ép xuống trán như quốc trưởng, mà cử đâm thẳng ra như mũ lưỡi trai. Thiếu tá Hô-vơn khinh tên Bun-ghen-le. Một thằng đần độn trong bộ quân phục trung úy ! Ở tuổi hắn, đàn ông dù không có khả năng xuất sắc cũng phải được mang quân hàm đại úy rồi.

        Tên bác sĩ ngồi lại trên ghế bành cho thoải mái. Không sao, chờ thì chờ. Hắn, thiếu tá Hô- vơn này, là thủ trưởng của Viện vệ sinh. Năm ngoái, khi công việc của Viện vừa được sắp xếp ổn thỏa, khi ở Béc-lin liên tục đánh tới những bức điện đầy hăm dọa, đòi phải cấp tốc mở rộng việc sản xuất huyết thanh chống thương hàn, thì những lần được gọi lên gặp tư lệnh không báo trước một điều gì vui.

        Hồi ấy tên sĩ quan tùy tùng Bun-ghen-le tiếp bác sĩ với nụ cười vờ làm vẻ vồn vã và cho vào gặp đại tá ngay, không cần chờ đến lượt. Nhưng bây giờ... « Thành công bao giờ cũng gây lòng ghen ghét, — Hô-vơn nghĩ thầm, — nhất là khi thành công ấy lại được một người đàn bà, hơn nữa một người đàn bà như phơ-rao1 En-da góp phần vào ! ». Vợ của viên đại tá có cảm tình với hắn, điều đó ai cũng biết, còn bác sĩ Hô-vơn thì cũng không thờ ơ với ả. Mà đâu riêng mình hẳn. Trong toàn sư đoàn ss « Đầu lâu » gánh trách nhiệm bảo vệ trại tập trung, không có tên Đức nào gặp bà chúa của Bu-khen-van mà không mất tự chủ. Con mụ nắm quyên sinh sát, tính tình đỏng đảnh này luôn luôn nghĩ ra những trò mới. Ả muốn có một nơi tập cưỡi ngựa riêng, thế là trong vài tháng trời, hàng ngàn người tù phải làm cho ả một chuồng ngựa khổng lồ. Nhưng khi ả chán chuyện vênh vang trên con ngựa giống trong bộ quần áo nữ kỵ mã, một điều mê thích mới lại xuất hiện. En-da quyết định trở thành một người đưa ra những kiểu thời trang mới. Ả nhìn thấy có những người tù xăm hình, thế là ả nảy ra ỷ nghĩ làm đôi găng tay và chiếc ví phụ nữ có một không hai trên đời. Những thứ toàn thế giới không ai có được ! Làm bằng da người có xăm hình. Tên thiếu tá Hô-vơn đã không run tay khi bắt đầu thực hiện cái ý ngông cuồng, man rợ của bà chúa Bu-khen-van oái oăm trái tính. Dưới sự chỉ đạo của hắn, bác sĩ Vác-ne đã làm chiếc ví phụ nữ và đôi găng tay đầu tiên. Và kết quả ra sao ? của mới lạ đã được người ta ưa thích ! Vợ của một số quan lại cao cấp cũng muốn có những cái giống hệt như thế. Những đơn hàng đặt làm ví phụ nữ, găng tay, chao đèn, bìa sách bắt đầu được gửi tới, thậm chí từ Béc-lin. Tại khoa bệnh lý đã phải thành lập một xưởng chế tạo bí mật. Được phơ-rao En-da che chở, địa vị của thiếu tá càng cao, càng vững. Hắn bắt đầu có thái độ tự do và hầu như độc lập trước tên tư lệnh Bu-khen-van, đại tá ss Các Cốc, tên này có đường dây điện thoại nối thẳng tới văn phòng của chính tổng ủy Him-le. Cái tên của tên đao phủ Cốc đủ làm cho khắp vùng Tiu-rinh run sợ, nhưng chính hắn lại run sợ trước mặt vợ hắn.

---------------------
       1. Tiếng Đức : bà, phu nhân (người dịch).
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Giêng, 2020, 10:07:37 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2020, 12:28:19 am »


        Thiếu tá chuyển sang nhìn Hút, phụ tá của tên chỉ huy trại Su-béc. Con mắt nghề nghiệp của viên bác sĩ như sờ nắn những bắp thịt trên cái lưng hình thang, hai bắp tay đã tập luyện nhiều của tên thượng úy, cái cố gân guốc kiêu hãnh đỡ một cái đầu có bộ tóc mầu nhạt. Hút thờ ơ nghe tên sĩ quan tùy tùng nói, hắn lười nhác đập chiếc roi ngựa mem làm bằng chất trong lên một bên ủng da láng. Mỗi cử động của bàn tay phải lại làm lấp loáng viên kim cương đen trên ngón tay út. Hô-vơn cũng biết giá trị của những vật quí này. Thằng nhãi! Đi cướp của mà còn vênh vang. Đồ chó đẻ !

        Hô-vơn nhìn đồng hồ : hắn đã chờ mười lăm phút mà chưa được tiếp. Ai ngồi với đại tá mà lâu thế nhỉ ? Hay là tên phụ trách Ghe-xta-pô1 Lơ- Cơ-le-rê ? Nếu là hắn thì, mẹ khỉ, còn phải ngồi hàng giờ.

        Viên bác sĩ nhìn ra cửa sổ. Tên đại úy ss Mác Su-béc, chỉ huy trại, đang đi dạo ở bên có nắng của con đường trải đá trắng. Hắn cởi hết khuy áo quân phục và bỏ mũ lưỡi trai, cái đầu hỏi nhấp nhoáng dưới nắng như một viên bi-a. Tên trung úy ss Ven-po-ne tóc hung, người cao lớn, hơi cúi đầu đi bên cạnh Su-béc. Hắn ưỡn ngực, phô chiếc huân chương chữ thập sắt hạng nhất mới toanh, lấp loáng.

        Hô-vơn cười nhạt. Huân chương ấy dùng để thưởng công chiến đấu cho những thằng ở mặt trận, còn tên Ven-pơ-ne này lại kiếm được nó ở Bu- khén-van trong khi chiến đấu bằng gậy và nắm tay với những người tù không có gì tự vệ.

        Su-béc đứng lại, ra hiệu bằng ngón tay để gọi một người nào đó. Hô-von nhìn thấy một lão già mặc quần áo vằn của tù chính trị. Lão qui lụy cúi gập người xuống trước mặt tên chỉ huy trại. Đó là Cu-snhia Cu-sna-rép. Hô-vơn biết rằng tên gian tế nghiện ma túy này được quyền đi lại tự do trong trại, mặc quần áo tù chính trị và ở riêng, trong một căn nhà nhỏ. Hô-vơn biết rằng Cu-snliia Cu-sna-rép vốn là một tên tướng của Nga hoàng, đã làm thứ trưởng trong chính quyên Kê-ren-xki. Bị Cách mạng tháng mười gạt bỏ, lão chạy sang Đức. Tại đấy, lão tiêu pha phung phí hết tài sản còn lại, sa đọa, phải làm gác cổng cho một nhà chứa nổi tiếng, rồi lão bán mình cho cơ quan gián điệp Anh và bị Ghe-xta-pô bắt. Lão sống thảm hại ở Bu-khen- van cho đến khi cuộc chiến tranh với nước Nga xô-viết bùng nổ. Hồi ấy bắt đầu có những tù binh Liên Xô bị đưa đến trại tập trung. Tên tướng cũ đầu tiên trở thành thông ngôn, rồi sau lão tỏ ra mẫn cán « được đề bạt », trở thành một tên gian tế.

        Cu-snhia Cu-sna-rép đưa cho Su-béc một mảnh giấy gì không biết, Hô-vơn nhìn thấy thế, tò mò lắng nghe câu chuyện.

        — Ở đây có năm mươi tư thằng, — Cu-snhia Cu-sna-rép nói.

        — Thằng nào cũng có tư liệu.

        Tên chỉ huy trại đưa mắt xem qua bản danh sách rồi chuyển cho Ven-pơ-ne.

        — Tôi thành lập thêm cho ông một đội trừng giới. Tôi mong ông làm xong việc trong không quá một tuần.

        Tên trung úy cất tờ giấy đi.

        — Xin tuân lệnh ! Công việc sẽ hoàn thành !

        Su-béc quay sang tên gián điệp.

        — Này ông tướng cũ, —giọng tên chỉ huy trại đầy vẻ hăm dọa, — chúng tôi cho ông ra khỏi nhà giam để làm gì hử ? Chẳng nhẽ ông thích ở trong ấy hơn hay sao ? Trả lời đi !

        — Hoàn toàn đâu có thế, thưa ngài đại úy, —  Cu-snhia Cu-sna-rép ngạc nhiên hấp háy con mắt.

        — Thế thì ông hãy bảo ông đến đây để làm gì ? Bu-khen-van không phải là một nhà nghỉ ngơi. Chúng tôi không vừa ý về ông. Ông làm việc tồi lắm.

        — Tôi xin cố gắng, thưa ngài đại úy.

        — Ông cố gắng à ? Hà-hà-hà...— Su-béc cười nhạo — Ồng thực quả coi là ông đã cố gắng à !

        — Vâng đúng vậy, thưa ngài đại úy.

        — Tôi không thấy thế. Trong đám những thằng Nga vừa đưa tới, ông đã tìm được bao nhiêu thằng cộng sản và bao nhiêu tên chỉ huy hử ? Mười đứa phải không ? Như thế quá ít đấy.

        — Chính ngài đã chứng kiến, thưa ngài đại úy.

        — Vấn đề chính là ở chỗ đó. Tôi cùng như bất cứ người nào khác đều không tin được rằng trong năm trăm tên tù chỉ có mười thằng là cộng sản và chỉ huy. Không ai đâu ! Lần này tôi tha cho ông, nhưng về sau ông phải liệu đấy. Nếu tất cả chúng tôi đều cũng làm việc như ông thì trăm năm nữa cũng không quét sạch được nạn dịch đỏ khỏi châu Âu đâu. Ông hiểu không ?

        — Vâng, đúng như vậy, thưa ngài đại úy.

        — Còn về bản danh sách lần này ông sẽ được thưởng riêng.

        — Tôi sung sướng được cố gắng phục vụ, thưa ngài đại úy !

-----------------------
        1. Cảnh sát bí mật của nước Đức quốc xã (người dịch).
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2020, 09:49:48 am »


        Tên thiếu tá nhìn cái đầu hói, cặp mông bè- bè và hai cái chân nhỏ của Su-béc. Đồ giẻ rách ! Một sĩ quan ss, trong số những đội cận vệ của quốc trường, đại úy sư đoàn « Đầu lâu nơi hàng, vạn tên A-ri-ăng1 thuần chủng nhất mơ ước được gia nhập, mà lại hạ mình nói chuyện với một tên gian tế bẩn thỉu, thậm chi xuồng xã với nó. Thiếu tá Hô-vơn coi tất cả những kẻ phản bội và những kẻ đầu hàng, cũng như những người Do Thái đều có thể là kẻ thù của nước Đức vĩ đại. Hắn không tin chúng. Hắn tin tưởng chắc chắn rằng con người đã một lần hèn nhát, một lần phản bội Tổ quốc vì lợi ích riêng thì sẽ có thể phản bội lần thứ hai và lần thứ ba. Vi khuẩn của bệnh hèn nhát và bệnh phản bội sống và sinh sôi nảy nở trong máu của những kẻ ấy.

        Ba tên SS đi trên con đường trồng cày, tên quản Hen-bich phụ trách lò đốt xác cùng hai tên giúp việc nó, thằng đao phủ chính Béc-cơ và thằng khổng lồ Vin-li, người ngợm nom như đười ươi. Về thằng Vin-li, Hô-vơn đã được nghe kể rằng nó vốn là võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp và xưa kia nó đã từng cầm đầu một đám nhũng thằng phạm tội nhiều lần. Hen-bích dạng rộng hai chân, bước nặng nề, hai tay khiêng khệ nệ một cái hòm nhỏ ôm sát bụng. Thiếu tá Hô-vơn thoáng có một vẻ thèm khát. Tất nhiên hắn biết rõ cái hòm đựng những gì. Trong đó có những vật quí, những thứ mà những người tù giấu được qua những lẫn khám xét. Nhưng đừng hòng giấu được người A- ri-ăng điều gì. Thây đốt xong rồi, tro còn bị sàng sẩy. Thằng Hen-bích được làm một việc quả là bở ăn ! Nhìn cái mặt béo đẫy của nó cùng thấy rõ là không phải vô duyên vô cớ mà nó bỏ cái chức vinh dự chủ nhiệm kho vũ khí để đổi lấy một công việc chẳng danh giá chút nào là chủ nhiệm lò thiêu xác và kho xác chết...

        Mãi sau cửa phòng làm việc của viên tư lệnh mới mở toang ầm ĩ. Phơ-rao En-da bước ra. Bộ tóc vàng rực của ả như bốc lửa dưới những tia nắng. Những người đàn ông đứng bật dậy như theo một hiệu lệnh. Hút bước vội đến trước mặt phơ-rao, nhanh hơn tất cả những tên khác. Á chìa cho tên thượng úy một cánh tay để trần đến khuỷu. Trên cổ tay lỏng lánh đủ các sắc cầu vồng của một chiếc vòng rộng nạm kim cương và hồng ngọc. Những ngón tay thon hồng đeo những chiếc nhẫn to tướng. Hút kéo sệt gót ủng một cách rất « nịnh đầm », hôn bàn tay chìa ra cho hắn và muốn nói không biết những gì. Chắc hẳn một lời nịnh nọt mới. Nhưng con mắt của bà chúa Bu-khen-van cứ lướt qua mặt những người đang ở đấy rồi dừng lại ở thiếu tá Hô-vơn.

        — Bác sĩ ! Hễ nhắc tới ông là bao giờ ông cũng có mặt ngay.

        Thiếu tá là một gã độc thân bốn chục tuỗi, am hiểu hết sức tường tận về đàn bà. Mặt hẳn đỏ ửng lên. Phơ-rao En-da đi tới gần hắn.

        — Hễ nhắc tới ông là bao giờ ông cũng có mặt ngay, — phơ-rao En-đa nói tiếp. — Tôi phải cám ơn ông, bác sĩ thân mến ạ. Đợt ví có xăm hình vừa rồi được hoan nghênh một cách khác thường đấy !

        Phơ-rao En-đa đã ra ngoài. Không khí trong phòng khách lại yên lặng.

        Thiếu tá Hô-vơn lại ngồi xuống chiếc ghế bành rồi làm vẻ mặt lạnh như tiền, thầm quay trở về với câu chuyện vừa nói với vợ viên tư lệnh. Hắn nhớ lại từng lời, từng câu nói của ả, hắn suy nghĩ, nghiền ngẫm những lời, những câu ấy, cố tìm ra nhiều ý ngầm sau những điều được nghe nói.

        Con đường đi vào trái tim đàn bà đôi khi xuyên qua cái thói đỏng đảnh oái oăm của họ, điều đó thì hắn đã được chứng thực nhiều lần. Mà phơ-rao En-da lại có những điều mê thích. Hiện nay ả đang thích những ví phụ nữ. Chính ả, chính tay ả đã phác thảo những kiểu mới. Tuyệt thật ! Vì một người phụ nữ như thế thì, khỉ thật, có thể  chịu vất vả một chút đấy ! Trong cái trại tập trung hôi thối này, riêng sự có mặt của ả cũng đủ làm cho viên bác sĩ lại trở thành đàn ông. Vừa tiện phơ-rao En-da có nói lên ý muốn tự chọn lấy vật liệu dễ làm những cái ví xách và chao đèn sau này. Không thể trùng trình được nữa. Ngay ngày mai, hắn sẽ ra lệnh tổ chức một cuộc khám sức khỏe bất thường cho bọn tù và sẽ mời ả đến xem : chính ả sẽ chọn lấy những kiểu xăm hình cho những cái ví của ả. Trong tình yêu, cũng như trong một cuộc đi săn, điều quan trọng là phải nắm vững thời cơ !

        Đến khi thiếu tá Hô-vơn được mời vào gặp tên đại tá, hắn vẫn giữ phong độ đàng hoàng và tự tin để vào phòng làm việc của viên tư lệnh trại tập trung. Lúc đi qua chỗ tên sĩ quan tùy tùng, hắn không nhìn vào mặt nó, nhưng khóe mắt của hắn bắt gặp trên mặt Bun-ghen-le một nụ cười cay độc. Mải mê với những ý nghĩ riêng, tên thiếu tá không để ý tới nụ cười ấy. Kể cũng đáng tiếc, vẻ mặt của tên sĩ quan tùy tùng nói lên «tình hình thời tiết» trong phòng làm việc của tên đại tá tốt hơn một phong vũ biểu.

---------------------
        1. Một thuật ngữ không có giá trị nhân chủng học, chỉ một dân tộc tiền sử nói một thứ tiếng tương tự như các thứ tiếng Ấn Âu. Đây chỉ là một giả thuyết, nhưng bọn Đức quốc xã cứ tuyên bố người Đức là dòng dõi A-ri-ăng, là dân tộc cao quí nhất (người dịch).
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:57:02 am »


        Tên đại tá Các Cốc, tư lệnh trại tập trung Bu- khen-van, ngối oai vệ sau chiếc bàn giấy đồ sộ làm bằng gỗ sồi đen phủ dạ mầu lục. Bức chân dung cực lớn của Hít-le được treo sau lưng hắn trong một cái khung mạ vàng. Trên bàn, bên cạnh bộ dụng cụ bàn giấy làm bằng đồng đen, có một cái đầu người nhỏ bằng nắm tay đặt trên một cái đế tròn bằng kim khí. Cái đầu người ấy đã được gia công đặc biệt làm cho bé đi. Hô-vơn thậm chí biết đó là đầu của ai. Người ấy tên là Snây-ghen. Anh ta đã bị giết năm ngoái vì đã hai lần lên kêu với viên tư lệnh về tình hình trong trại. Tên Cốc điên tiết nói với anh ta : «Quỉ quái gì làm cho anh dẫn xác đến trước mặt tôi hử ? Anh thích đứng trước mặt tôi có phải không ? Tôi sẽ giúp anh làm việc ấy ! ». Thế là một tháng sau, đầu của người tù đã được làm khô và gia công theo cách của những tên cướp ở các vùng biển miền Nam để dùng làm vật trang hoàng cho phòng làm việc của viên đại tá chỉ huy sư đoàn ss « Đầu lâu ».

        Các Cốc ngả người ra lưng ghế bành, nhìn tên thiếu tá bằng cặp mắt đờ đẫn như đúc bằng thiếc. Cốc không chào lại. Hô-von làm vẻ không nhận thấy điều đó, hắn mỉm cười vồn vã.

        — Thưa ngài đại tá, ngài cho gọi tôi ? Tôi sung sướng được lên gặp ngài.

        Khuôn mặt mầu đất của tên Cốc vẫn lạnh như tiền. Cặp môi nhợt nhạt mỏng dính của hắn mím chặt. Hắn vẫn không trả lời gì cả.

        Tên thiếu tá vẫn mỉm cười, Hắn đi đến một chiếc ghế bành và ngồi xuống như mọi khi, không chờ được mời.

        — Ngài cho phép hút thuốc chứ, thưa ngài đại tá ? Xin mời ngài. Xì-gà La Ha-ba-na đấy ạ.

        Vẫn chỉ có bầu không khi chết lặng trả lời hắn. Do ấn tượng cuộc nói chuyện vừa nãy với phơ-rao En-da, Hô-vơn nhìn hộ mặt hốc hác mầu đất của tên đại tá bằng con mắt khác ngày thường. Hắn nhìn thấy hai đám da lũng nhũng dưới hai con mắt chứng tỏ những đêm mất ngủ, bộ ngực hom hem, hai tay khẳng khiu. Hắn nghĩ thầm rằng tên đại tá thật không xứng đôi với một người đàn bà đương thời xuân sắc, tinh khí sôi nổi như vợ lão. Hô-vơn cười nhạt.

        — Tôi chờ lệnh của ngài, thưa ngài đại tá.

        Một ánh chớp lóe lèn trong con mắt Cốc.

        — Đứng nghiêm !

        Tên thiếu tá như bị một chiếc lò xo hất lên, hắn đứng chồm dậy.

        — Ông đứng trước thủ trưởng cấp trên như thế nào hử ? Có lẽ ông chưa được học điều đó có phải không ?

        Hô-vơn chửi thầm và đặt hai tay theo đường chỉ quần. Hắn nhìn thấy trước mặt hắn, không phải một thủ trưởng, mà một thằng chồng đang lên cơn ghen. Khỉ thật, chẳng nhẽ tên đại tá đã nhận thấy điều gì rồi sao ?

        — Bác sĩ Hô-vơn ! Tôi không cho gọi ông, Cốc quát to, giọng rin rít. — Mà gặp ông tôi cũng không có gì vui cả.

        Hô-vơn nhún vai.

        — Tôi không cho gọi bác sĩ Hô-vơn, — Cốc nói tiếp, — tôi cho gọi thiếu tá ss A-đon Hô-vơn ! Tôi muốn biết chuyên ấy còn kéo dài đến hao giờ nữa ! Thế nào, ông đã chán đeo cái lon thiếu tá rồi phải không !

        Hò-vơn tái mặt. Hắn thấy cần phải đề phòng. Tình hình đã chuyền sang một hướng bất ngờ.

        Tên đại tá không nói nữa. Hắn lấy chìa khóa, mở một ngăn kéo bàn. Tên thiếu tá canh cánh theo dõi từng cử động của viên tư lệnh. Cốc rút trong ngăn kéo ra một chiếc phong bì to màu xanh da trời. Hô-vơn nhận ra hình quốc huy, cái dấu «Tuyệt mật » và những chữ in trên đầu các công văn của văn phòng đế quốc. Viên bác sĩ khô cả họng : những phong bì như thế này không đem lại điều gì vui.

        Cốc lấy ra một tờ giấy gập đôi rồi ném cho Hô-vơn.

        Thiếu tá Hô-vơn mở tờ giấy, lướt mắt đọc nhanh văn bản. Hắn mất hết bồn vía, mồ hôi lạnh đỗ ra trên trán.

        — Đọc to lên ! — viên tư lệnh ra lệnh.

        Khi tên thiếu tá đọc xong, hắn thấy ngực đau nhỏi. Hắn bị kết tội là đã « khởi xướng việc sản xuất huyết thanh chống thương hàn bằng máu Do thái ». Khỉ thật, trước hết hắn đã bị kết tội là cùng với huyết thanh, truyền máu của « những tên Do thái tồi tệ » cho hằng triệu binh sĩ Đức, những « người A-ri-ăng thuần huyết », đại biểu của « giống người cao quí nhất »...

        Thượng cấp ở Béc-lin đã tuyên án với viên bác sĩ trưởng của Viện vệ sinh thuộc trại tập trung Bu-khen-van về « tội thiển cận chính trị » và kiên quyết ra lệnh « lập tức ngừng sản xuất huyết thanh chống thương hàn bằng máu Do-thái»..,
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2020, 09:04:04 am »

       
III

        Đoàn tàu chạy ầm ầm qua những chỗ bẻ ghi, tiến mỗi ngày một xa về phía Tây. Những toa chở hàng cũ đều bị lèn đầy ắp, có hàng rào dây thép gai vây quanh. Dây thép được nối vào dòng điện. Toa đầu và toa cuối có đặt đèn chiếu và súng máy. Bên cạnh đèn chiếu và súng máy có những tên Đức, binh sĩ của trung đoàn đặc nhiệm. Chúng sung sướng vì được về nhà, về Đức, được xa rời cái Mặt trận miền Đông đáng nguyền rủa, vì thế chúng đặc biệt tích cực bảo vệ đoàn tầu.

        Trong toa thứ năm, cũng như trong các toa khác, có gần một trăm con người xô-viết chen chúc nhau. Họ đã kiệt sức vì đói khát và bị đánh đập. Họ là những anh em bộ binh, thủy binh bị thương, những người du kích bị bắt làm tù binh, những người dân thường bị bọn Ghe-xta-pô bắt. Những người ốm và bị thương rên la trong cơn mê sảng, xin nước uống. Ruồi nhặng hay trên những vết thương mở hoác đã thối rữa.

        Nhưng kể cũng lạ, trong hoàn cảnh khủng khiếp như thế họ vẫn hát. Họ hát khe khẽ. Người hát trước nhất là ông già ở Ô-đét-xa, giáo viên địa lý Pen-che. Mặt cụ hốc hác, hai bèn má không được cạo râu xễ xuống. Cụ nhìn những người chung quanh bằng cặp mắt buồn rầu mầu nâu xẫm, nụ cười của cụ nom e thẹn, có cái gi như của con nít.

        Bọn Ghe-xta-pô đã bắt cụ ngoài chợ trong một cuộc vây ráp. Ông giáo già đến đấy để đổi chiếc đồng hồ bỏ túi bằng bạc lấy một con gà con, định đem về cho người vợ ốm. Cụ bị lôi đến sở Ghe- xta-pô, nhưng hai tay cụ vẫn ôm khư khư con gà. Chúng nó không tra hỏi gì cụ giáo, chúng cứ đánh cụ, đánh cụ tàn nhẫn chỉ vì cụ là người Do-thái. Nhưng sau đó, lúc tỉnh lại trên sàn xi-măng của nhà giam, cụ hiểu rằng cả nhà cụ, gia đình cụ lẫn Ra-khi-la đều không còn nữa ; rằng cuộc đời của cụ đã bị cướp mất, bị bóp nghẹt, cũng như cuộc đời của con gà con gầy guộc mà một tên Ghe-xta- pô tóc hung đã giằng mất trong tay cụ.

        Cụ Pen-che co chân ngồi khom khom, vung một tay đánh nhịp bài hát. Những người cũng râu ria, gầy guộc ngòi hay nằm chung quanh cụ. Họ hát ;

        Hoài công bà cụ mỏi mòn
        Mong chờ mà chẳng thấy con trở về.
        Nghe tin, nước mắt tràn trề,
        Cụ la, cụ khóc...

        Một chiến sĩ có bộ mặt dài và cái mũi khoằm khoằm mỏ quạ, đang nằm dưới sàn loa xe nhỏm dậy.

        — Thôi im đi, làm trò quỉ gì thế ! Không cần đến các người, lòng dạ đã đủ rầu rĩ rồi !

        — Đừng làm ầm lên, người anh em ! — một thủy binh ngắt lời anh ta, — cứ để mọi người hát! Có hát thì trong lòng hình như cũng nhẹ nhõm được một chút.

        — Cứ hát đi! — một thương binh vừa kêu lên vừa đỡ bên tay băng bó bằng giẻ bẩn. — Nghe hát cùng đỡ đau, không giật nữa. Hát đi, anh em !

        An-đơ-rây Buốc-den-cô nín thinh nằm trên lớp ván cao, mặt quay vào thành tàu. Hai gò má anh nhỏ hẳn lên trên khuôn mặt trẻ rám nắng, mũi anh hơi nhỏ và hếch, còn cái cằm thì vuông, bướng bỉnh. Cặp môi đầy đặn như của một thiếu niên mím chặt. An-đơ-rây đặt má lên một nắm tay to tướng, chắc như hòn đá và cử nhìn thẳng vào những tấm ván trên thành toa xe. Mấy tấm ván ấy cứ cọt kẹt đều đều theo nhịp chuyển động của đoàn tầu. Chà, nếu mà kiếm được cái gì bằng sắt nhỉ, một cái đinh cũng được. Nếu thế thì có thể thử xem sao. Đầu tiên là tấm ván nào : nó đã cũ, dễ lấy ra, nếu dùng đinh mà cứa. Rồi sau đen tấm trên và tấm dưới. Ba tấm là đủ. Đưọc một lỗ như thế thì dễ dàng thò đầu ra được. Nhưng nhảy như thế nào bây giờ : đầu ra trước hay chân ra trước nhỉ ?

        An-đơ-rây phải cố gắng lắm mới quay được về với thực tế. Bạn anh, người Tuyếc-men, nằm trên ván, bên cạnh anh. Anh ta đang mê sảng, khuôn mặt có hai gò má cao xám lại, hai con mắt sâu hoắm xuống, một lớp máu xẫm còn đọng trên cặp môi khô.

        — Nước... khát... nước... khát...

        Tim An-đơ-rây đau nhói. Anh nhỏm dậy, cởi cho bạn những khuy ngực trên chiếc áo quân phục bẩn thỉu đã dầy cứng vì mồ hôi. Không thể nào tin đưọc rằng U-xman đang sống những ngày cuối cùng. U-xman đã nôn ra máu hai lần... An-đơ-rây đưa tay áo sơ mi lau mồ hôi trán cho U-xman. Lũ khốn kiếp, chúng nó đã làm cho U-xman đến nông nỗi này !

        — U-xman, U-xman... tỉnh lại đi, — An-đơ-rây gần như kêu vào tai bạn. — Mình đây mà, An-đơ- rây đây mà ! An-đơ-rây...

        Hai con mắt mở trừng trừng cứ như phủ một lóp sương mù. U-xman đã mê man hai ngày hai đêm.

        — U-xman, hãy vững vàng,... hãy vững vàng ! Chúng mình còn chiến đấu. Chúng mình sẽ cho chúng nó biết tay. Cậu nghe thấy chứ ! Vì tất cả mọi người, vì tất cả mọi người! Chỉ cần cậu vững vàng!

        — Khát... khát... — giọng người chiến sĩ Tuyếc-mê-ni khàn đặc, — nước...

        An-đơ-rây cắn môi. Nước ! Mọi người chỉ mơ ước có nước. Dù chỉ một ngụm nhỏ. Anh chiến sĩ mặt dài, mũi mỏ quạ cứ cúi xuống cái lưng trần của người bên cạnh mà liếm những giọt mồ hôi to tướng. Anh ta nhăn mặt. Nhưng những giọt nước cứ hút anh ta như nam chàm.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Giêng, 2020, 09:57:27 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2020, 04:45:29 pm »


        Một chiến sĩ có tuổi râu xồm nằm bên cạnh U-kman. Bác chống khuỷu tay nhỏm dậy, nhìn vào mắt An-đơ-rày.

        — Cháu ạ, nếu cháu còn chiu được đến cùng, cháu hãy nhớ nhé : chúng ta đã bị đem đi từ Đo-nhê-pơ-rô-pê-tơ-rốp. Hôm nay, cháu tính nhé, đã là ngày thứ mười hai trên đường...

        An-đơ-rây gật đầu. Hai hôm trước, lúcAn-đơ-rây cùng với U-xman và trung tá Xmiếc-nốp bị đẩy lên toa xe ở Đư-re- xđơn, bác râu xồm đã tránh ra nhường chỗ.

        — Cháu ạ, đặt cậu ấy vào đây này...

        An-đơ-rây đặt rất cẩn thận U-xman lên những tấm ván bẩn. Cũng lúc ấy, đồng chí trung tá có vẻ mặt nghiêm khắc cởi áo quân phục, xếp xuống dưới đầu người chiến sĩ Tuyếc-men. Rồi đồng chí rút trong túi ra một mẩu sô-cô-la nhỏ bọc trong mảnh giấy.

        Những cặp mắt đói khát của những người tù theo dõi Xmiếc-nốp. Đồng chỉ đưa miếng sô-cô-la cho An-đơ-rây.

        — Cậu cho người ốm đi.

        U-xman nhổ sô-cô-la ra. Anh chỉ muốn uống nước.

        — Ai có nước?— trung tá hỏi.

        — Chúng tôi đã năm ngày không có nước như thế này rồi, — người chiến sĩ râu xồm trả lời.

        — Chúng nó làm chúng ta chết, lũ khốn kiếp, — anh chiến sĩ mặt dài, mũi mỏ quạ nói tục. — Đầu tiên ít nhất cung cho mỗi anh em một ca. Còn bánh mì thì cứ tám người một cái to. Chẳng nhẽ như thế này rồi chết dần hay sao ?

        Cửa lên toa xe bị khóa chặt. Các cửa sổ bị đóng ván kín mít. Hơi nóng tỏa ra từ trên mái, từ những thành toa xe bị nắng tháng bảy hun bỏng. Không có không khí mà thở. Mọi người ngột ngạt. Có hai người dũng cảm định tháo những tấm ván trên cái cửa sổ nhỏ. Họ đã bị bọn lính dùng tiểu liên bắn xả chết ngay. Sáu người đã chết vì sức lực suy kiệt, còn người thứ bảy... Người thứ bảy là dân Rô-xtốp,thợ kim hoàn, một người đàn ông vạm vỡ, bốn mươi tuổi, tóc đen đã hoa râm. Bác ta phát điên, làm ầm lên. Nghe thấy thế, bọn bảo vệ ập tới. Tên hạ sĩ quan không chịu cho người bị bệnh ở riêng một chỗ.

        — Cho tất cả chúng mày chết hết đi.

        Không tìm thấy thừng để trói người điên. Bác ta kêu gào, đánh, cắn những người xung quanh. Mọi người thay phiên nhau giữ bác ta một ngày một đêm, nhưng rồi sau người ta đã thấy khổ đến không chịu được nữa... đành phải kết thúc cuộc đời kẻ bất hạnh. Bọn bảo vệ không cho phép ném bỏ những thây người chết, mọi người phải đặt xuống dưới những tẩm ván bên dưới, sát thành xe phía trước. Những cải thây bắt đầu thối rữa...

        Cửa toa xe bị khóa nhưng không đóng kín hẳn. Một luồng không khí trong sạch có sức hồi sinh lọt vào qua một kẽ hẹp. Trước khi trung tá Xmiếc-nốp có mặt trên toa xe, tên Xa-sca Pê-xốp- xki chiếm độc quyền cái kẽ ấy. Gã vốn là cán bộ thể dục thể thao. Gã trốn lệnh động viên, chuồn sang vùng Trung Á, đến một trong những thành phố nhỏ của thung lũng Phéc-ga-na, vào một trường quân sự, hòng được học cho đến hết chiến tranh. Nhưng trường bị giải tản, cả trường được điều ra mặt trận. Tên Xa-sca đầu hàng ngay trong trận chiến đấu đầu tiên. Bọn Đức nhét gã vào quân đoàn Vơ-la-xốp1. Nhưng Xa-sca hoàn toàn không muốn chiến đấu. Gã đã quá chén, nện cho tên sĩ quan Đức một trận nên thân. Tòa án binh đầu tiên tuyên án xử bắn, nhưng sau giảm xuống thành án tù chung thân.

        Trung tá đã can thiệp ngay vào đời sống trên toa xe. Đồng chí đi đến chỗ Xa-sca. Gã đang đứng bên cái kẽ ván hít lấy hít để. Toàn bộ mặt mũi người ngợm gã tỏ rõ gã sẽ không nhường chỗ cho một ai.

        Đòng chí Xmiếc-nốp đặt tay lên vai Xa-sca.

        — Này, anh bạn đồng hương, anh nên giúp anh em bị thương đến chỗ này. Đối với anh em, không khí là sinh mệnh đấy.

        Xa-sca quay phắt lại. Cặp mắt xanh như mắt mèo của gã long lên tức giận.

        — Mày ở đâu dẫn xác đến đây hử ?

        Mọi người đều nhìn hai người. Trung tá nhìn đánh giá Xa-sca từ đầu đến chân.

        — Ra khỏi cái kho.

        Cung như những người tù khác, An-đơ-rây tập trung chú ý vào đồng chí Xmiếc-nốp. Ở nhà ga Đơ-re-xđon, trong cảnh tranh tối tranh sáng trước lúc trời rạng, anh đã không nhìn kỹ được đồng chí cấp trên trong quân đội. Trung tá đã bị một toán áp giải mạnh đưa tới nhà ga. Bọn áp giải đều mặc quần áo thường. Chỉ ở đây, trên toa xe, An-đơ-rây mới thấy được đồng chỉ là một người như thế nào. Đồng chí Xmiếc-nốp không giấu họ tên, cũng không giấu cấp bậc. Gân guốc, nghiêm chỉnh, người ta thấy toàn thân đồng chí đầy sức mạnh và ý chí. Trên khuôn mặt không được cạo râu, cặp mắt nâu sáng long lanh nghiêm khắc dưới hai hàng lông mày rậm xếch lên thái dương. Giọng đồng chí bình thản nhưng rất kiên quyết:

        — Tôi ra lệnh cho anh ra khỏi chỗ cái kẽ !

        — Ra lệnh ! — Xa-sca nhe nanh.— Cái thời của đồng chí đã qua rồi, đồng chí chỉ huy ạ. Bây giờ thì người Đức ra lệnh.

---------------------
        1. Quân đoàn này gồm những tên phản lại Tổ quốc, chiến đấu cho Hít-le (người dịch).
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM