Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:13:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ đài sau dây thép gai  (Đọc 11915 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2020, 06:24:03 pm »


        Vì trong khi đấu, An-đơ-rây vẫn giữ được bình tĩnh ở chừng mực có thể được, nên ngay từ giữa hiệp đầu anh đã biết tất cả các thủ pháp chiến thuật cùng kỹ thuật sắp xếp những đòn đánh ra hàng loạt của địch thủ. Các miếng đòn ấy nối tiếp nhau và liên tục được lắp đi lắp lại. Trong dòng thác dữ dội của những miếng đòn, An-đơ-rây đã nhìn thấy điều mà anh đã được đọc trong những sách giáo khoa về quyền Anh, trong hồi ký của những nhà hoạt động kỳ cựu trên vũ đài, điều mà huấn luyện viên đã nhắc tới nhiồu lần. Gioóc hành động một cách rập khuôn. Sau khi bắt đầu một loạt đòn phối hợp, thể nào hắn cũng cố thực hiện đến cùng loạt đòn ấy, bất kể đòn đánh có trúng đích hay không.

        An-đơ-rây đã lợi dựng ngay tình hình ấy. Anh thích ứng nhanh chóng với phong cách của Gioóc, anh đoán trước thời điểm mở màn của loạt đòn sắp đánh ra và tức khắc tìm được hành động phòng thủ tương ứng có lợi nhất. Như vậy trong khi né tránh, trong khi nhường một bước, khi thì sang phải, khi thì sang trái, An-đơ-rây đã ngừa trước và phá được hầu hết các miếng đòn của Gioóc. Trong khi ấy, An-đơ-rây vừa tự vệ, vừa giáng trả những miếng đòn của anh, cũng ít thôi, nhưng chính xác.

        Người xem liên tục theo dõi trận đấu.

        Ca-ri-mốp như nghẹn thở, anh vươn hẳn người về phía vũ đài. Anh cứ nghĩ rằng tình hình cũng như thế này mấy hôm trước, khi mà ở Ô-rên, pháo của ta hạ những chiếc xe tăng mới rất mạnh của Đức, những chiếc xe tăng «Cọp» khủng khiếp khi chúng tiến công, đè nát hết thảy. Người tù U-dơ-bếch giúp đỡ Mít-ten-đốp là người phò tá nên được đứng ở gần góc vũ đài. Khi An-đơ-rây dùng những miếng đòn đón chặn một đợt tấn công đòn dập của Gioóc thì anh chàng người Phéc-ga-na mỉm cười. Anh so sánh đấu sách của An-đơ-rây với những hoạt động ngoài mặt trận : « Phải, y như những khẩu pháo chống tăng của quân ta ấy. Khẩu pháo chống tăng nhỏ thế mà chặn được những chiếc xe tăng khổng lồ! ». An-đơ-rây trả đũa. Anh nhằm đủng lúc Gioóc bắt đầu một đợt tấn công mới, đánh luôn bằng tay trái vào đầu địch thủ, bằng một cú hơi chếch từ dưới lên trên. Rồi tức khắc nắm tay phải được phóng ra như để đuổi theo tay trái.

        Mặt Gioóc đỏ lên. Hai con mắt hắn ngầu máu. Hắn dừng lại trong nháy mắt như phân vân rồi lại lao mình lên.

        — Bơ-ra-vô ! — bọn xanh gầm lên.

        An-đơ-rây tái mặt, cũng tiến lên. Hai người quần nhau ở giữa vũ đài, giáng cho nhau những đòn như mưa ở cự ly trung bình. Gioóc đánh nhiều hơn. Có cảm tưởng như hắn đã biến thành một con người có hàng trăm tay : những cú đấm của hẳn phóng ra từ tất cả các phía.

        Nhưng An-đơ-rây không nhường bước. Anh không rút lui. Anh chiến đấu! Anh em tù chính trị lớn tiếng hoan hô.

        — An-đơ-rây !

        — Cho nó biết thân đi!

        — Nện bọn xanh đi !

        Tiếng cồng đã tách hai võ sĩ ra. Gioóc mỉm cười với công chúng, đi về góc của hắn mà không ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Hắn tì lay vào dây thừng vây quanh vũ đài, làm vài động tác nhún đầu gối. Thậm chí Gioóc không đề ý đến những tên phò tá đang vội vã dùng khăn mặt quạt vào mặt hắn, lau bộ ngực nhoáng mồ hôi của hắn hằng bọt biển thấm nước. Tựa như hắn đang chứng tỏ trình độ luyện tập cao và sức chịu đựng của hẳn.

        — Nó giương vây đấy, — Cô-xchi-a bực tức hất đầu về phía Gioóc.

        — Không, không phải nó giương vây đâu, — Lép-sen-cốp nói lại, — nó tấn công tâm lý đấy, nó tác động thần kinh đấy. « Xem tao như thế này đây, tao chẳng mệt mỏi chút nào cả! »

        An-đơ-rây ngồi xuống ghế đẩu, anh ngã hẳn người ra góc vũ đài, đặt hai tay mệt mỏi lên dây thừng. Một phút ngắn ngửi, chỉ một phút thôi, khoảng thời gian quá ít ỏi để nghỉ ngơi, lấy lại sức ! An-đơ-rây dim mắt, khao khát há miệng thở không khí trong lành. Mit-ten-đốp vẫy mạnh chiếc khăn mặt ẩm theo nhịp thở của An-đơ-rây. Chiếc khăn lạnh chạm vào cái cơ thể nóng rực cho cảm giác thú vị biết bao !

        — Giữ nó ở cự ly xa, — Mít-ten-đốp khẽ nói, — làm nó kiệt sức đi.

        An-đơ-rây mỉm cười. Nói thì dễ : làm nó kiệt sức ! Anh chỉ phòng ngự, tránh trao đổi những miếng đòn mà đã rã rời như thế này rồi. Chà, nếu như mình chạm trán với Gioóc không phải hôm nay, mà khoảng hai năm trước ! Nếu thế thì mình sẽ cho thấy môn quyền Anh thực sự của nước Nga là thế nào! Nhưng lúc này lại bắt đầu bị cái cảm giác choáng đầu và buồn nôn phản bội. Mà mới hết một hiệp, mới một hiệp thôi...

        An-đơ-rây mở mắt ra. Gioóc đứng ở góc vũ đài, ngay trước mặt anh. Cái lưng hình thang rất khoẻ, hai tay đần đẫn. An-đơ-rây càng căm thù hắn, địch thủ của anh, kẻ thù của anh, cái thằng no béo, khoẻ mạnh, dồi dào sức lực.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2020, 06:24:31 pm »


        Tiếng cồng lôi An-đơ-rây dậy. Gioóc bước những bước dài, tiến nhanh tới trước mặt anh. Hiệp đầu không làm hắn thỏa mãn. Tuy bề ngoài hình như kế hoạch đã được thực hiện : hắn đã «quần» thằng Nga này trên vũ đài, hắn đã tấn công liên tục. Không chỉ tán công, mà còn cảm thấy mình làm chủ tình thế. Hắn tấn công, nhưng không tấn công được như hắn muốn, tất cả các miếng đòn gần như đều vô ích. Địch thủ luôn luôn trườn đi mất. Mẹ khỉ, như thế nghĩa là thế nào ?

        Trong hiệp hai, Gioóc quyết định dù sao cũng phải dồn An-đơ-rây vào góc : «Đã đến lúc kết thúc rồi». Hắn lao mình lên tấn công, vai trái hắn nhô lên che cằm, hắn đưa ra hai nắm tay nặng như hai quả tạ.

        Mọi người đều hiểu : phút quyết định đã đến.

        An-đơ-rây biến đổi hẳn. Anh hết sức tập trung, anh sử dụng dè sẻn các động tác, nhưng đồng thời hành động nhanh, chính xác và bình tĩnh. Anh chỉ còn là ý chí. Anh chỉ còn là bàn tay nắm chặt. Tuy có những miếng đòn của địch mỗi lúc một hay chọc thủng tuyến phòng thủ, nhưng An-đơ-rây vẫn ngoan cường tăng nhịp đấu. Nhịp độ tăng từng giày. Hình như có hai đợt sóng xô vào nhau, nhưng không rút, mà cứ bám chặt lấy nhau, sôi sục lên, đẩy nhau lên cao.

        Người xem nhao nhao nói lên tình cảm của họ. Cả tù chính trị lẫn tù hình sự đều xúc động, họ hò la, họ tranh cãi. Những tiếng ồn ào giội lên không ngớt trén bãi. Hai lần trọng tài đã phải kêu «lui một bước» và giơ ngón tay dọa Gioóc. Gioóc bất chắp qui tắc thi đấu, đánh mờ găng, đánh bằng khuỷu tay, thậm chí toan đưa chân đá.

        — Phạt nó đi! — anh em tù chính trị yêu cầu.

        — Đả đảo trọng tài! — bọn tù hình sự gào lên.

        Không khí mỗi lúc một nóng bỏng.

        Gioóc bắt đầu mất tự chủ, hắn không kiểm soát nổi hành động của hắn nữa. Bộ óc của hắn vẫn cứ ghi lại chỉnh xác những việc xảy ra, nhưng không kịp hiểu : có chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ? Tại sao thằng Nga nhát gan bỏ chạy suốt hiệp đầu, bây giờ không rút lui, mà lại nghênh chiến bằng những đòn rất nặng? Và mẹ khỉ, vì sao những cú đấm của Gioóc không trúng đích? Mà cái cằm của thằng Nga cứ gần như ở sát bên...

        Con người mảy dù đã qua luyện tập bao nhiêu năm cũng không suy nghĩ được, không phân tích được sự tiến triển của trận đấu, nhất là trong một trận như thế này. Còn thằng Nga « hạng bét», như Gioóc gọi An-đơ-rây một cách khinh bỉ, lại cảm thấy mình như cá gặp nước. Lúc thì anh ở bên phải, khi thì ở bên trái Gioóc, nhưng vẫn cứ bám lấy trung tàm vũ đài, không rút lui, không nhường bước. Và vẫn cứ tiến hành chiến đấu ở cự ly trung bình, một cự ly hình như có lợi cho Gioócvà không có lợi cho anh, cho An-đơ-rây. Có chuyện gì đang xảy ra vậy? Trong hai võ sĩ, ai là người tấn công? Còn ai phòng ngự ? Mẹ khỉ, ai làm chủ trận đấu ?

        Gioóc luống cuống trong nháy mắt. Hắn thử tìm cách rút khỏi vòng chiến đấu để xem lại, để hiểu tình huống. Nhưng hắn chưa kịp làm việc ấy.

        Biết chờ đợi trên vũ đài, đó là cơ sở của chiến thuật, một trong những cơ sở của nghệ thuật quyền anh. An-đơ-rây đã vận dựng hết ý chí, đã tập trung hết nghị lực và tinh thần bình tĩnh trong cơn lốc của những đợt tấn công, để kiên nhẫn chờ đợi, chờ giây phút này. Chờ khi Gioóc quên thận trọng, quên tự vệ trong một phần mười của giây. Và giây phút ấy đã đến !

        Gioóc chưa kịp lùi một bước ngắn thì hắn đã bị một cú đuổi theo vào thân. Theo linh tính, Gioóc hạ hai tay xuống, hắn đã quen thấy An-đơ-rây đánh những cú kép. Nhưng lần này cú đánh vào thân chỉ là « phin-tơ », là đánh dứ. Hai tay Gioóc vừa đưa xuống dưới thì ngay giây phút ấy chiếc găng bên phải của An-đơ-rây đã vẽ một vòng cung ngắn, đánh ngang vào cằm hắn. An-đơ-rây đặt vào miếng đòn này toàn bộ sức mạnh và lòng căm thù giặc của anh.

        Cú đấm nhanh đến nỗi người xem không kịp nhìn thấy. Điều hoàn toàn bất ngờ và không thể hiểu nổi đối với họ là Gioóc khua tay lên một cách kỳ quặc, rồi quị xuống sàn...

        Khắp bãi lặng đi. Yên lặng đến nỗi nghe được cả tiếng thở nặng nề của An-đơ-râỵ. Anh đứng một mình trên vũ đài, hai tay mệt mỏi thõng xuống.

        Rồi đến khi Ram-xen vung rộng cánh tay, đếm được mười giây và hô « ao-tơ », thì công chúng như nổ bùng lên. Bọn xanh đang ngồi nhảy chồm dậy. Sao ? Một vô địch người Đức, dù là cựu vô địch, nhưng vẫn là người A-ri-ăng, là dân Đức, mà lại thua một thằng Nga « hạng bét » nào đó?

        Nhưng tiếng huýt sáo và tiếng la ó của bọn xanh chìm ngay trong tiếng vỗ tay của anh em tù chinh trị. Mà anh em tù chính trị lại đông hơn. Họ đã giành được thẳng lợi huy hoàng !

        Những nếp nhăn trên mặt như phẳng ra, những cặp mắt sáng lên sung sướng trên những bộ mặt phờ phạc suy mòn của những người tù được quên đói khát và khổ đau trong giây lát. Nhiều người công khai biểu lộ tình cảm của mình lần đầu tiên sau bao nhiêu năm khổ ải, họ được hưởng cái cảm giác vui sướng đã bị quên đi.

        Anh em đến ôm lấy An-đơ-rây, hôn anh, bắt tay anh. Bạn bè và cả những người hoàn toàn chưa quen biết chúc mừng anh. Phải, đây là một thắng lợi thật sự, có lẽ là thắng lợi quan trọng nhất trong cuộc đời thề thao của An-đơ-rây.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2020, 04:33:21 am »


        An-đơ-rây ngượng nghịu mỉm cười nhận những lời chúc mừng. Anh đã làm mọi điều có thể làm, cảm giác hoàn thành nhiệm vụ làm cho lòng anh tràn ngập một niềm vui. Nhưng niềm vui này cùng không thế nào lấn át được điều chua chát đã tích lũy bao lâu. Chà, nếu như anh chạy thoát khỏi trại tập trung và đấu tranh với kẻ thù không phải trên vũ đài, mà tại nơi hiện nay đang quyẽt định số phận của chiến tranh, vận mệnh của đất nước !

        Lúc An-đơ-rây nhìn thấy một thằng thiếu niên len lỏi đến với mình thì trong lòng anh có ý đề phòng: Lại cái thằng mồm mép độc địa này !

        Nhưng lần này Váp-con-chi khác hẳn. Trong con mắt nó không còn có cái ánh nghi ngờ châm chọc như trước nữa. Nó nhảy tới ôm lấy cổ võ sĩ.

        — Tuyệt thật ! Chú An-đơ-rây !

        Váp-con-chi đưa hai cánh tay gầy gò ôm lấy võ sĩ và tin tưởng áp vào má anh.

        — Cừ thật, chú An-đơ-rây! Chao ôi, chú giỏi quá ! An-đơ-rây nhìn thấy những giọt nước mẵt long lanh trong hai con mắt thẳng bé. Anh rỉ tai nó :

        — Chúng ta còn chưa nện chúng nó cho xứng dáng!

        Anh em tù chính trị và tù binh Liên Xô mừng thắng lợi của An-đơ-rây như một ngày hội, trong điều kiện cho phép ở Bu-khen-van. Tinh thần anh em người Nga hết sức phấn khởi. Bun-chôn long trọng trao cho An-đơ-rây một miếng mỡ lợn, chừng hai trăm gam. Mỡ trắng, có những đường gân hồng hồng, mặt trên và mặt dưới đều rắc ớt. Bun-chôn nói :

        — Của các bạn người Đức đấy. Hôm nay anh em được nhận quà.

        An-đơ-rây cắt mỡ lợn thành những miếng nhỏ. Mỗi người ngồi quanh bàn đều tiếp được ở tay An- đơ-rây phần của mình. Anh em từ chối. Nhưng An-đơ-rủy cố nài, anh nói đùa :

        — Bạn nhận cho ở tay người chiến thắng !

        Ca-ri-mốp cũng cầm lẻn một miếng, nhưng chỉ giữ trong tay một lát, rồi đưa lại cho An-đơ-rây.

        — Càu ăn thay cho một anh chàng theo đạo Hồi, — Ca-ri-mốp nói đùa, — để trong bụng cậu cũng như trong bụng mình đều có chung một thứ như nhau.

        Anh em tù cười, trao đổi những câu đùa, nhắc lại những trận đấu thể thao.

        Bỗng có tiếng loa phóng thanh kêu ro ro. Rồi có tiếng tên sĩ quan SS trực nhật nói như chỏ sủa. Tất cả những anh em ngồi quanh bàn đêu lặng người đi.

        Thằng SS gọi những số tù. Tám giờ sáng mai, những người mang các số đó sẽ phải có mặt ở cửa sổ số 3 của ban tư lệnh. Bị gọi lên cửa sổ số 3 thực ra là bị xử bắn. Những người bị gọi tới cửa sổ ấy sẽ không bao giờ trở về. Mọi người quên hết mọi chuyện, cứ để hết tâm trí lắng nghe những con số. Những con số được đọc liên tục. Ngay từ những ngày đầu tiên mới bắt đầu sống trong trại, các anh em Tiệp, Pháp, Nam-tư, Bun-ga-ri, Hy-lạp, Nga đều học thuộc lòng những con số Đức. Họ không biết tiếng Đức, nhưng học thuộc làu làu cách đếm. Mỗi tuần lại một lần có những giây phút như thế này. Trong những giày phút ấy, toàn trại đều chết lặng.

        Mồ hôi đổ ra đầy trán An-đơ-rây. Anh không nhìn thấy gì ngoài cái vòng đen của loa phóng thanh, không nghe thấy gì ngoài tiếng nói của thằng SS. Cùi dìa xúp cải củ tựa như ngưng lại trong bàn tay giữa chặng đường đưa lên miệng. Mọi người sốt ruột chờ lúc kết thúc cuộc sổ số ác mộng.

        Thằng SS nhắc lại những con số lần thứ hai. Rồi loa phóng thanh im bặt sau vài tiếng ro ro.

        An-đơ-rây cúi xuống cái bát của anh : « Hôm nay cái chết chỉ qua sát cạnh mình ».

        Anh vội vã ăn nốt món xúp cải củ loãng, không thấy ngon miệng. Thần kinh căng thẳng và thể lực bị tiêu hao quá nhiều làm cho hai vai anh chĩu xuống vì mệt mỏi. Cái giường ván, cái gối và cái đệm cứng đều như có nam châm. Mấy thứ ấy cứ hút An-đơ-rây xuống, không tài nào cưỡng nổi. Cơ thể rã rời đòi được nghĩ ngơi. Chỉ còn bộ óc làm việc căng thẳng
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2020, 04:34:11 am »

       
        Phần thứ hai

        SỔ TAY CỦA CÁC PAI


        Trang I.

        « Các bạn chưa biết cầm cây bút chì mà viết là một niềm vui như thế nào đâu ! Tôi đã không được hưởng niềm vui ấy trong ba năm liền. Tôi vốn chỉ cầm cuốc mà bổ vào chất đá đáng nguyền rủa. Trong ba năm ấy, đá là đời sống của tôi.

        Tôi là ai ? Quá khứ không phù hợp với hiện tại, còn hiện tại thì không xác định được tương lai. Tôi chỉ nói một điều : tôi là người Đức. Hôm nay bắt đầu viết cuốn sổ tay này, tôi xin thề : giữ thái độ khách quan và chỉ viết vào đây những điều chính mắt tôi nhìn thấy. Ở đây sẽ chỉ có những sự thật.

        Trại tập trung Bu-khen-van ở một vùng giữa nước Đức, tỉnh Tiu-rinh, cách thành phố Vây-ma tám ki-lô-mét về phía Bắc. Về phía Tây-Nam, cách trại tập trung mười tám ki-lô-mét, có thành phố Éc-phuốc, còn về phía Đông-Nam, cách ha mươi ki-lô-mét, có thành phố I-ê-na.

        Trại tập trung được xây dựng trên sườn phía Bắc của núi Ề-téc-xbéc (cao hơn mặt biển bốn trăm bảy mươi mét). Chung quanh là rừng rậm (dẻ gai và thông). Cày cối mọc lên thành một bức tường dày, nhất là về phía Đông-Nam. Bức tường này ngăn không cho nắng lọt tới. Nhưng lại không có gì ngăn cản những ngọn gió thường xuyên thổi từ hướng Tây-Bắc. Lượng mưa mỗi năm là một ngàn hai trăm mi-li-mét, cao hơn các chỉ số trung bình của vùng Tiu-rinh nhiều. Nhiệt độ thay đổi đột ngột trong một ngày một đêm.

        Những sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, tinh trạng thiếu ô-xi, mưa và sương mù quanh năm ảnh hưởng tới tinh thần, góp phần làm cho bệnh lao phát sinh hàng loạt. Trong thời gian thu đông, những người tù đưa tới từ các nước Tây-Âu (Tây- ban-nha, Pháp, Bỉ, Ý) mỗi ngày chết hàng trăm.

        Đất là đất sét lẫn đất thịt của rừng, dày tới mười xăng-ti-mẻt, có nhiều đá dăm, trồng được đại mạch, hắc mạch, kiều mạch, khoai tây, cải củ. Cải củ là thức ăn chính của tù.

        Đồng phục của chúng tôi là một sự chế giễu cách ăn mặc. Nó thiếu tất cả các tính chất cần thiết của ngay một bộ quần áo tồi nhất. Xem ra những người thành lập trại tập trung đã lo làm cho quần áo của tù rẻ nhất, bần tiện nhất, lạnh nhất và xấu xí nhất. Công nghiệp hóa chất của chúng ta đã thực hiện đơn hàng này. Vải được chế tạo bằng, gỗ, thưa như cái lưới.

        Trang 2

        Mầu sắc của áo ngoài và quần rất sặc sỡ. Những dải trắng và lam hay xanh lá cây xẫm xen lẫn nhau đều đặn, mỗi dải rộng hai xăng-ti-mét. Mặc bộ quần áo «ngựa vằn» như thế thì con người bị nhìn thấy từ xa trên bất cứ một nền gì.

        Mùa đông có phát một cái gì na ná như áo bành tô. Trong khi làm việc nhất thiết phải cởi áo này ra.

        Mũ là mũ vải không có vành, cũng may bằng vải vằn.

        Vải không bền, rất hay rách. Lại thêm một công việc cho tù. Nếu tên bảo vệ thấy có chỗ thủng là tù bị đánh đập tàn nhẫn.

        Cấm không được mặc hai quần, hai áo, chỉ lót giấy dưới ngực cũng không được. May nhất là bị đánh, tệ hại nhất là chết. Tất ca đều tùy thuộc vào tâm trạng của tên bảo vệ. Giầy là một khúc gỗ nhỏ khoét rỗng hay là một cái đế gỗ với mũi và má giầy bẳng vải bạt. Thứ giầy như thế gây ra những chỗ lên chai không khỏi được và bệnh tê thấp.

        Diện tích của trại tập trung Bu-khen-van chỉ hơn nửa ki-lô-mét vuông một chút. Nếu chừa diện tích kinh tế phụ, vườn cày và vườn rau thì chỉ còn rất ít đất cho sáu vạn con người. Chỉ có thể gặp thấy một mật độ dân số như thế ở nghĩa địa.

        Trại tập trung có hàng rào dây thép gai vây quanh. Những cột bê-tông cốt sắt cao hai mét rưỡi được chôn chặt xuống nền bằng bê-tông. Mỗi cột lắp những ống sứ cho tám hàng dây thép gai bên trong và chín hàng dày thép gai bên ngoài. Ngoài ra còn có vài hàng dây đan ngang các hàng dây dọc.

        Một dòng điện điện thế ba trăm tám mươi vôn chạy qua hàng rào dây thép gai.

        Chung quanh trại tập trung, cứ một trăm mét lại có một chòi canh ba tầng. Tất cả có hai mươi hai chòi canh. Trên nóc các chòi có những đèn chiếu mạnh. Các cửa sổ có lỗ châu mai của những cỗ súng máy bốn nòng.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2020, 04:16:50 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2020, 04:13:57 am »


        Trang 3.

        Binh sĩ của trung đoàn Tiu-rinh thuộc sư đoàn chọn lọc SS « Đầu lâu » phụ trách việc bảo vệ trại tập trung. Đại tá Khiếc-tét chỉ huy trung đoàn này. Gia đình hắn ở ngay Bu-khen-van, trong một biệt thự riêng.

        Có trại nuôi chó, gồm những giống béc-giê, bốc-xe, bác-can-đin, v.v.. . Chó nuôi để dùng riêng vào việc đuổi bắt những người tù.

        Chó có bếp riêng. Người ta nấu cho chó mọi món ăn : thịt, cháo, sữa, bánh khô đặc biệt và, nhiều thứ khác. Cũng nấu cả nước hầm; mỗi ngày mỗi con được hai lít. Những con chó hung ác nhất thỉnh thoảng được gửi tới một nơi nghỉ riêng của chó ở một nơi nào đó trong vùng ngoại ô Béc-lin.

        Anh em tù bị nghiêm cấm không được chơi với chó: người ta sợ những con chó ấy có thể mất cái tinh thích ăn thịt người.

        Suất ăn hàng ngày của chúng tôi gồm có:

        Bánh mì thế phẩm làm bằng mùn cưa, khoai tây và khoảng ba mươi phần trăm bột hắc mạch. Định mức là ba trăm gam. Phát buổi sáng.

        Xúp loãng nấu bằng cải củ hay thân lá cỏ dại tám tram gam.

        Bơ nhân tạo chế bằng than đá, hai mươi nhăm gam. Phó-mát tươi: năm gam.

        Cà phê giả (không có đường) một ca vào buổi sáng.

        Ước tính vừa phải thì toàn bộ suất ăn cho bảy trăm năm mươi đến tám trăm ca-lo. Nhưng công việc khổ sai mười bốn giờ lại làm người tù hao phí hơn ba ngàn năm trăm ca-lo.

        Mọi người phải chịu cái số phận kiệt quệ và chết mòn. Nhũng bộ xương người sống đi lang thang trong trại. Suy nhược toàn thân, thiếu máu. Sau đến chứng phù thũng vì đói. Đầu tiên hai chi dưới « béo ra », rồi hai ba tuần sau đến hai chi trên, mặt phị ra, cuối cùng là toàn thân. Trong tình trạng như thế, con người cầm cự không được quá hai ba tháng.

        Trang 4

        Ngày 29 tháng 7 năm 1937. Chín mươi anh em tù chúng tôi bị chở đến đây bằng xe hơi. Hai lán gỗ có hàng rào dây thép gai vây kín. Chung quanh là rừng hoang vu có sương mù bao phủ.

        Chỉ huy trại thứ nhất Rê-đơn nói với chúng tôi:

        — Bọn lợn chúng mày được tới trại tập trung tù chính trị đang xây dựng. Đến đây thì không có đường về đâu. Ở đây mỗi chúng mày sẽ hiểu thế nào là lao động. Đứa nào trong bọn lợn chúng mày có ý định nổi loạn hay tìm cách vượt ngục sẽ bị bắn chết. Việc ấy chúng tao làm đơn giản lắm : pàng-pàng!

        Trong các lán đã có « những người khai hoang » tới trước chúng tôi khoảng hai tuần.

        Không có phản, không có đệm, cũng không có rơm. Ngủ ngay dưới sàn.

        Qui chế sinh hoạt hàng ngày cũng như hiện nay : bốn giờ rưỡi dậy, ăn sáng, kiểm tra, từng đội lao động đi làm việc. Giữa trưa nghỉ một giờ không ăn gì. Rồi lại làm việc đến tám giờ tối. Ăn tối, kiểm tra, giặt và vá quần áo, hiệu lệnh giới nghiêm. Năm giờ sau sẽ làm lại tất cả từ đầu.

        Trang 5

        Ngày 30 tháng 8. Vụ giết người đầu tiên. Một tên bảo vệ bắn người tù chính trị Ghéc-man Kem-pếch, nó nói là Kem-pếch « toan vượt ngục »..

        Chúng tôi bắt đầu xây dựng biệt thự cho viên tư lệnh. Biệt thự này phải hoàn thành trước ngày 10 tháng 10. Cốc đích thân đến xem hàng ngày. Vừa dướn lưng đã bị thằng đội trưởng ghi tên để ngày thứ năm sắp tới chịu hai mươi nhăm roi gàn bò và ngày chủ nhật sẽ phải đứng ở cổng trại không được ăn từ sáng đến giờ giới nghiêm.

        30 tháng 9 năm 1937. Hai người gan dạ đã vượt ngực thành công. Toàn thể anh em tù phải xếp hàng, đứng dưới mưa suốt đêm và suốt ngày hôm sau. Không được phát thức ăn. Ai khẽ nhúc nhích là bị bọn bảo vệ đánh tàn nhẫn.

        Quá hai giờ đêm anh em mới được giải tán về các khối. Chưa giải tán xong đã có lệnh « dậy ». Anh em bị giải đi chuyển những cái giường tới trại mới của bọn SS.

        31 tháng 10. Tù chính trị Kiếc-vai ở Cát-xen vượt ngục. Mọi người  phải đứng trên bãi điểm danh đến đêm khuya.

        Ba ngày sau Kiếc-vai bị bắt. Anh chết sau những trận tra tấn. Chúng ném xác anh lên bãi để uy hiếp tinh thần mọi người.

        « Chúng mày đã lạm dụng lòng tin của tao. Chúng tao tìm thấy trong người Kiếc-vai những bức thư cho thấy chúng mày đã hợp tác với thằng vượt ngục. Vì thế tao quyết định phạt tất cả chúng mày. Từ hôm nay chúng mày sẽ bị giảm suất xúp trong bữa tối và năm đứa mới được một cái bánh mì gối (một ki-lô-gam rưõi). Lệnh của tao sẽ có hiệu quả cho đến khi có «lệnh hủy».

        Từ hôm ấy bắt đầu đói thêm.

        Tôi nghĩ đến chuyện tự sát, dù sao cũng sẽ chết đói... Tôi nói với bạn tôi là Cơ-ra-mơ :

        — Anh Cơ-ra-mơ này, tôi quyết định mai sẽ chấm dứt tất cả. Tôi sẽ mang cái xẻng ra bốt gác. Một là thằng SS giết tôi trước, hai là tôi giết nó...

        Nhưng Cơ-ra-mơ vẫn giữ được đầu óc sáng suốt. Anh nói: «Cậu hãy nghĩ tới những hậu quả gây cho tất cả chúng mình. Đừng làm điều ngu xuẩn. Cậu còn trẻ, còn có thể làm được nhiều việc, nhiều việc. Cậu hãy gắng chịu đựng và cố nhớ lấy mọi chuyện. Cuộc đời cậu không còn là của cậu nữa rồi. Cậu phải đấu tranh mới được».

        Cơ-ra-mơ nói đúng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2020, 04:15:08 am »


        Trang 6

        Trong trại tập trung không có ống dẫn nước, cũng không có giếng. Phải vào trong làng lấy nước bằng thùng. Phải dè sẻn từng giọt nước. Nhiều người phát điên vì khát.

        Năm 1938. Cuối cùng đã lắp xong ống dẫn nước. Ngày II tháng giêng, lần đầu tiên sau hàng bao nhiêu tháng, anh em được phép tắm. Mỗi loạt năm mươi người vào tắm trong mười phút. Nước trong «nhà tắm» không được đun nóng.

        Sau vụ người Do-thái Gơ-ruyn-span giết tên Ê- rích phôn Rốt, bí thư đại sứ quản Đức ở Pa-ri, một vạn hai ngàn năm trăm người Do-thái bị ném vào Bu-khen-van. Những người bất hạnh ấy bị lấy hết các vật quí và thức ăn, rồi bị nhốt trong năm cái lán làm tạm. Trong ấy, họ chỉ có thể đứng. Ngay đêm đầu, bảy mươi người đã phát điên.

        Tháng 6 năm 1938. Tù bị đưa đến hàng loạt. Chủ yếu là tù chính trị, tù hình sự, dân Do-thái và những người gọi là «hội viên Hội Phúc âm».

        Ngày nào cũng có những đoàn xe đến trại.

        Cuối tháng 7 năm 1938. Báo chí nước ngoài đăng ảnh bốn người tù bị treo cổ Bu-khen-van. Dư luận thế giới bắt đầu được biết về sự tồn tại của trại tập trung khủng khiếp này.

        Tù chính trị Van-te Ô-pít, phụ trách buồng tối nhiếp ảnh, bị tống vào xà-lim. Anh bị tra tấn đến chết nhưng không hé răng nửa lời.

        Tháng 9 năm 1938. Sau khi nước Áo bị chiếm đóng, tù người nước ngoài bắt đầu bị đưa đến Bu- khen-van. Những chính khách, những nhà hoạt động quốc gia và hoạt động xã hội bị bắn chết «trong khi mưu toan vượt ngục »... Viện trưởng viện công tố Ây-téc-stai, bộ trưởng bộ tư pháp Chéc-tét, con rể tổng thống Min-cát và nhiều người khác đã bị giết.

        Trang 7.

        Tôi nhìn thấy năm người dân Ba-vi-e, một tay bị đóng đinh vào tường, còn tay kia bị trói ngoặt ra sau lưng. Họ phải đứng như thế bốn ngày bốn đêm liền. Về sau tôi được biết rằng những người dân Ba-vi-e ấy đã bị nhốt vào trại tập trung vì họ không chịu đi lính.

        Tháng 9 năm 1939. Chiến tranh bùng nổ được đánh dấu bằng những đoàn tàu chở tù binh mới tới. Hai ngàn tám trăm người Ba-lan đã bị giải vào trại, hai ngàn năm trăm người Áo và Do-thái ở Viên cũng đã bị đưa tới. Họ bị dồn vào một khu riêng : « nhà của những người quá già yếu và những người tàn tật ». Đến thống 2 năm 1940, không còn quá bảy trăm người.

        Mọi việc hành lễ tôn giáo đều bị cấm. Lấy cớ sát trùng, các kinh cầu nguyện và sách tôn giáo khác đều bị tước.

        Chúng tôi đã thấy những tờ sách ấy ở nhà vệ sinh.

        Số tù càng tăng thêm. «Luật rừng» hoành hành trong các khối. Những tên cướp và tù hình sự cướp bánh mì, thức ăn và các vật quí của những người yếu...

        Tên cai «Ác ôn đen» khoe rằng nó đã tự tay giết bốn trăm người Do-thái.

        Bọn giám thị tuyển trong số tội phạm hình sự cũ có điều kiện được no béo : từ nay chúng được hưởng bánh mì và xúp của những người chết trong khi lao động.

        Mỗi thằng đội trường, cai và giám thị được phát một cái gậy to.

        Một bộ trưởng Bỉ chết trong thời gian điểm danh kéo dài quá lâu dưới trời đại hán.

        Ngày 1 tháng 4 năm 1940. Đại biểu quốc hội Đức, đảng viên Đảng xã hội dân chủ Gai-man bị giết.

        Ngày 3 tháng 5 năm 1940. ủy viên Ban chấp hành trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Đức Ru-đi Ac-tơ bị xử bắn. có kẻ tố cáo anh đã tổ chức những người chống phát-xít ở Bu-khen-van.

        Hôm sau thấy tên tố cáo chỉ còn là một cái xác.

        Một loạt tay súng du kích Ba-lan bị nhốt vào «trại đặc biệt» : một trăm linh bốn người. Một trăm linh ba người đã chết sau những cuộc tra tấn.

        Tháng 2 năm 1941. Một đoàn tù bị giải từ Bu- khen-van đi Mao-hao-đơn. Trong đó có bốn trăm người Hà-lan. Tất cả đều bị nhét vào phòng hơi ngạt.

        Ống khỏi của lò thiêu xác bắt đầu ngày nào cũng nhả khói.

        Bọn bảo vệ cho những người muốn tự tử những đoạn dây thừng nhỏ. Chúng nó quả là chu đáo!

        Trang 8.

        Mọi ý kiến than phiền và phản kháng đều được bọn SS giải thích bằng một câu :

        — Tất cả lũ súc sinh chúng mày đều sẽ không còn sống để ra khỏi nơi này đâu !

        Ngày 22 tháng 6 năm 1941. Tin chiến tranh với nước Nga xô viết làm tất cả anh em tù kinh ngạc như một tiếng bom nổ. Những người tù chính trị lắng nghe những tin mặt trận đầu tiên với một niềm hy vọng thầm kín.

        Phàn lớn chúng tôi tin rằng thắng lợi đầu tiên của bọn phát-xít chỉ là một điều ngẫu nhiên, đơn thuần dựa vào yếu tố bất ngờ.

        Trại tập trung chờ đợi những sự thay đổi đột ngột trên mặt trận phía Đông.

        Tháng 8. Tin tức về mặt trận phía Đông đã đập tan mọi ước mơ của chúng tôi. Các thành phố của nước Nga lần lượt bị chiếm. Mũi tên bọc thép của quân đội phát-xít lao vun vút về phía trái tim của nước Nga, Mát-xcơ-va.

        Hy vọng cuối cùng của chúng tôi sụp đổ.

        Chẳng nhẽ cái mạng nhện màu nâu sẽ bao trùm toàn trái đất ?

        Trại tập trung trở nên một nơi ở của nhiều dân tộc. Những đoàn tù được chở đến liên tiếp từ Pháp, Hà-lan, Tây-ban-nha, Nam-tư, Tiệp-khắc, Hung-ga- ri, Bun-ga-ri, Hy-lạp, Ru-ma-ni, Bỉ, Na-uy, Đan- mạch, Áo, Ý, Ba-lan, và những nước khác. Đại diện của hầu hết các nước châu Âu đều tập trung ở đây.

        Xe tăng phát-xít tiến về phía Mát-xcơ-va. Anh em tù chính trị đều tuyệt vọng. Những lời tuyên bố trân tráo của bọn SS nói rằng sẽ không ai sống sót ra khỏi nơi này, đang có một sức mạnh hiện thực.

        Vì tuyệt vọng, một ngàn năm trăm tù chính trị lao mình vào dây thép gai...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:28:03 am »


        Trang 9

        Tháng 9 năm 1941. Hôm nay tôi được nhìn thấy những người Nga đầu tiên. Những chính ủy khỏe mạnh, trẻ trai, lực lưỡng. Họ có mười người, đều bị xiềng xích. Các chinh ủy bị một đoàn Ghe-xta- pô vũ trang mạnh, mặc quần áo thường, áp giải.

        Các chính ủy không bị đưa vào trại mà đưa thẳng vào bộ phận Ghe-xta-pô, rồi họ bị đẩy ra sân trại, nơi có thiết bị tập bắn, ai nấy đều đẫm máu.

        Chúng tôi kinh ngạc thấy những người Nga kiêu hãnh đi đến chỗ chết. Một người xé toạc ngực áo sơ-mi và hô lên không biết câu gì. Những người khác đi bên cạnh anh ta hát « Quốc tế ca ».

        Bọn SS bắn họ bằng súng ngắn.

        Ngày 16 tháng 9 năm 1941. Một chiều âm u, mưa tầm tã. Hàng ngàn người tù xếp hàng kiểm tra buổi chiều, Chỉ nghe thấy những tiếng gọi số và trả lòi đơn điệu. Giữa lúc đó, trước mắt chúng tôi, bọn SS giải một đoàn người phờ phạc, rã rời, đi dọc theo hàng rào dây thép gai. Cái tin: « Người Nga » được truyền khắp bãi điểm danh như một tia chớp. Họ có khoảng ba trăm người. Bọn SS giải họ đi bên cạnh trại, về hướng chuồng ngựa, nơi anh em tù gọi là « căn nhà ma quái». Chẳng mấy chốc, từ phía ấy vang lên những loạt tiểu liên.

        Tèn sĩ quan trực nhật ngừng điểm danh, mở loa phóng thanh. Nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy những tiếng súng. Lúc ấy, chúng nó bắt chúng tôi hát. Đứng lên một đống đá thằng chỉ huy hát, vung tay đánh nhịp. Hàng vạn người uể oải cùng hát một bài soạn theo lệnh của tên tư lệnh :

        Bu-khen-van, ôi Bu-khen-van,
        ôi nơi đây ta không sao quên được,
        Nơi định xong số phận của ta...
        Chỉ kẻ nào bỏ trại đi xa,
        Thi kẻ ấy
        Biết tự do là quí...


        Chúng tôi hát mấy tiếng đồng hồ liền. Trong buổi chiều mưa ấy, tất cả ba trăm người Nga đã bị bắn chết.

        Sau đó chúng tôi giải tản Về các khối. Chúng tôi trông thấy những chiếc xe kín chạy về phía lò thiêu xác. Những chiếc xe ấy chở các xác chết.

        Ngày 18 tháng 9. Tôi bị đưa đến đội trừng giới để làm vệ sinh những chỗ tích rác rưởi. Người tù chính trị Hà-lan số 3416 làm việc bên cạnh tôi. Chúng tôi không có quyền nói chuyện với nhau. Thằng hạ sĩ quan Đôm-bếch không rời chúng tôi nửa bước.

        Không biết có cái gì làm tắc một lưới chặn ống tháo nước. Đôm-bếch ra lệnh lấy hết cho sạch. Chúng tôi cầm xẻng leo xuống.

        Lưới sắt bị xương người bịt kín. Chúng tôi đoán ra ngay : đó là xương của những người bị bắn chết ngày 16 tháng 9. Có lẽ trong khi thiêu xác, xương đã không cháy hết. Những mạch máu còn hẳn lên đo đỏ trên những cái sọ.

        Dọn sạch xong cái lưới sắt, chúng tỏi hỏi Đôm- bếch:

        — Xương bỏ đi đâu ?

        Thằng ác ôn cười khẩy, ra lệnh ném xương những người Nga ra vườn rau rồi xới lại đất.

        Đến khi Dòm-bếch đi ăn chiều, tôi và người tù Hà-lan đào một cái hố bên ngôi nhà của trạm chứa cơ-lo rồi chôn xương của những người Nga bị giết xuống đó.

        Trang 10

        Tháng 10 năm 1941. Tù binh Nga bắt đầu có những hành động đại qui mô. Họ bị bắn chết hàng ngàn người.

        « Căn nhà ma quái » và lò thiêu xác bây giờ làm việc hết công suất.

        Tháng 12 năm 1941. Bỗng nhiên người ta nhớ đến chúng tôi. Tôi được chuyển tới làm việc ở Viện vệ sinh, viện này đang được thành lập cấp tốc ở Bu-khen-van. Tôi sung sướng đến đấy. Tôi đã buồn nhớ biết bao công việc tôi hằng yêu thích !

        Viện trưởng là thiếu tá SS A-đơn-Hô-vơn, một người có văn hóa, lễ độ, có lẽ không giống những kẻ khác tuy phù hiệu trên mũ cũng mang hình sọ người.

        Dưới đây là những tư liệu chi tiết về việc thành lập viện này.

        Theo lệnh của Him-le, ở Béc-lin đã triệu tập cuộc họp bí mật của một ủy ban đặc biệt, gồm những đại biểu của Bộ tống tư lệnh lực lượng vũ trang Đức, của ngành y tế vệ sinh, của Tòa án SS tổi cao và phái viên riêng của Him-le. Cuộc họp thảo luận vấn đề ngăn ngừa bệnh dịch thương hàn đã xuất hiện trong các quân đoàn ở Mặt trận phía Đông. Họ quyết định xây dựng ở Bu-khen-van một Viện vệ sinh thuộc quyền chỉ đạo của bộ đội SS, để triển khai công việc nghiên cứu thuốc tiêm chống thương hàn và sản xuất huyết thanh chữa bệnh cho các binh sĩ Đức mắc bệnh thương hàn phát ban.

        Ba khối nhà được dành cho Viện : khối 46, khối 50 và khối 61. Bộ phận lâm sàng phòng dịch được đặt ở khối 46. Người ta dành cho Viện mọi phương tiện tốt nhất. Trang thiết bị của Viện thuộc loại hoàn thiện và rất sang. Riêng khối 46 có trung tâm chẩn bệnh rất tốt, có phòng thí nghiệm hoàn hảo và một nơi chế tạo huyết thanh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:29:04 am »

   
        Trang 11

        Hôm nay tôi được biết một tội ác quái đản : Viện vệ sinh dùng con người thay những con vật thí nghiệm : chuột bạch và thỏ.

        Thật là khủng khiếp...

        Có hai loại người dùng làm vật thí nghiệm. Loại thứ nhất gồm những người tự nguyện. Trong Viện vệ sinh, họ được đối xử một cách có văn hóa, được ăn uống khá, không phải lao động. Nhiều người tù đến đây với hy vọng được sống vài tuần cuối đời một cách dễ chịu.

        Loại thứ hai gồm những người bị chỉ định, những người hàng ngày bị hành hạ và tiêu diệt.

        Trong thực tế, tôi không nhận thấy có sự khác biệt giữa hai loại người này, vì cả hai đều cùng chờ một cách kết liễu cuộc đời : bí mật của Viện không được lọt ra khỏi bốn bức tường của khối.

        Viện Vây-gơn ở Cơ-ra-cốp gửi tới những thuốc chủng. Cần phải dùng người để thử và cải tiến.

        Vì vi trùng thương hàn không thể giữ trong ống thủy tinh bằng cách cấy, việc bảo quản các chỗ cấy vi trùng được thực hiện trên những con người sống.

        Trang 12

        Một trăm người tù đã bị dùng vào việc thí nghiệm hiệu ứng của thuốc chủng, trong đó tám mươi người có tiêm chùng phòng bệnh. Mười lăm ngày sau khi tiêm chúng lần cuối, họ bị tiêm vào tĩnh mạch năm mươi xăng-ti-mét khối máu của người mắc bệnh thương hàn. Đồng thời cũng tiêm ngần ấy máu có bệnh vào hai mươi người bị thí nghiêm, nhưng không tiêm chúng phòng bệnh trước, những người này đóng vai trò gọi là «làm chứng ».

        Hết bốn mươi ngày, những người « làm chứng » đều chết vì theo thường lệ, người bị tiêm một lượng máu lây bệnh như thế không thể sống được. Muốn làm người ta chết, chỉ cần một phần mười xăng-ty-mét khối máu lây bệnh là đủ.

        Nếu thuốc chúng hiệu nghiệm thì hai ba tháng sau, một số trong tám mươi người nói trên vẫn còn sổng. Nhưng họ sẽ bị thủ tiêu bằng một mui tiêm phê-non.

        Đã thí nghiệm dùng thuốc « B-1034 » để chữa những vết thương lâu ngày và lên mủ nặng.

        Không có kết quả.

        Nhận được từ Béc-lin một nhiệm vụ cấp bách : tìm ra phương thức chữa những vết bỏng gây ra bởi bom lân tinh mà người Mỹ ném xuống. Hãng « Môn-hao Đơ-rét-đơn » gửi tới thuốc chữa bỏng của họ.

        Năm mươi người Nga khỏe mạnh đã bị chọn. Lưng họ bị làm cháy bỏng bằng lân và nhiệt nhôm. Các thứ thuốc của hãng « Môn-hao Đơ-rét-đơ » tỏ ra ít có hiệu quả. Những người sống sót được dùng để nghiên cứu xem những vết thương lành lại nhanh hay chậm.

        Sau đó tất cả đều bị giết.

        Bốn trăm người tù bị đưa từ Trại nhỏ đến viện và bị lấy nhiều máu. Phần lớn trong số đó đã chết hay bị mù.

        Người ta còn tiến hành những thí nghiệm bí mật khác, nhưng tôi không được biết gì về các thí nghiệm ấy.

        Trang 13

        « Căn nhà ma quái » hoạt động hết công suất. Mỗi phút một cái xác.

        Lò không kịp đốt hết xác người chết, những cái thây chưa cháy hết bị chất thành đống như những xúc gỗ ở cửa lò thiêu xác. Kế hoạch man rợ làm cho châu Âu «hết người» trong bốn năm đang được thực hiện với nhip độ điên cuồng.

        « Căn nhà ma quái» là một nơi như thế nào ?

        Bên ngoài nó cũng tương tự như một nơi khám bệnh. Tất cả đều đúng như những điều qui định cho những nơi như thế : căn phòng lớn rất sạch sẽ, ngăn nắp. Trên tường treo những tấm áp- phích và ảnh y học. Những người tù được những người mặc áo choàng trắng, gọi là «hội đồng y khoa», đón tiếp. Điều đặc biệt có lẽ chỉ là các loa phóng thanh hoạt động quá to. Những người mới đến được đề nghị cởi quần áo. Trong phòng tiếp theo, những tên đao phủ SS mặc áo choàng trắng nghe, khám, nhìn vào miệng họ, hỏi về tình trạng sức khỏe. Những câu trả lời được ghi lên những tấm phiếu riêng. Các nạn nhân thấy thế yên tâm, mất cảnh giác. Sau khi cân xong, họ được đo chiều cao. « Thầy thuốc » chỉnh lại đầu, hạ tấm ván con xuống. Trong bộ phận di động của dụng cụ đo chiều cao có lắp một khẩu súng ngắn. Tên SS chỉ còn phải bấm cò...

        — Không có dấu vết gì chứ ? — khi cái xác bị khiêng đi và máu đã lau sạch, tên phụ trách hỏi. — Cho vào tiếp !

        Phần lớn bị chết hay bị mù. Những người sống sót thì bị bắn chết.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:29:32 am »


        Trang 14.

        Cuối cùng tôi đã hiểu ngọn ngành về bác sĩ trưởng. A-đon Hô-vơn không những là một tên ác ôn mà còn là một thằng cực kỳ tàn nhẫn, một con người dã man của thế kỷ hai mươi. Hôm nay, tôi vào phòng làm việc của nó. Trên tường có một cửa sổ nhỏ che bằng một tấm rèm đen. Nhìn qua cửa sổ này thì thấy trong phòng bên cạnh có những con người khoẻ mạnh phải thở bụi than củi, làm cho phổi của họ nhiễm độc. Chẳng nhẽ ở Bu- khen-van còn ít người bị bệnh lao hay sao ? Khống, nó cần có những người nhiễm bệnh lao vì bụi than ! Nó cần đến những nạn nhân này vì lợi ích riêng : Hô-vơn đang viết một luận án tiến sĩ về đề tài : «Vai trò của bụi than trong việc gây bệnh lao phổi».

        Tất cả thế là hết. Đã đến lượt tôi rồi : tôi đã biết quá nhiều về Bu-khen-van. Hôm nay tôi nhận được giấy gọi : tám giờ sáng mai có mặt ở bộ phận chinh trị. Cuộc đời con người thật là ngắn ngủi ! Mới hôm qua còn ước mơ và hy vọng...

        Cả Van-te Cơ-ra-mơ cũng nhận được một giấy gọi như thế.   

        Trang 15

        Tôi không phải là một tên phát-xít, cũng không phải là một người cộng sản, không theo chủ nghĩa xã hội, cũng không theo chủ nghĩa dân tộc. Trước khi đến trại tập trung, tôi không quan tâm đến đời sống xã hội, tôi đã tự tách mình khỏi đời sống xã hội, tự coi mình là trung lập. Nhưng người ta không thể tự ngăn cách mình với đấu tranh xã hội, cũng như với không khí. Ở đâu cũng có cuộc đấu tranh ấy, nó chính là sự sống. Nhưng trước khi tôi và những người tương tự như tôi hiểu được chân lý đơn giản ấy thì chúng tôi đã phải nhìn thấy máu tích thành biển và nước mắt chảy thành sông.

        Trên đời này, hai điều đối lập : cái thiện và cái ác bao giờ cũng đã đấu tranh và sẽ còn đấu tranh. Con người chớ nhìn cuộc đấu tranh ấy bằng con mắt bàng quan ! Phải tích cực mới được ! Hãy hành động chống lại cái ác, chống lại chủ nghĩa quốc xã, chống lại những đám mây đen của chiến tranh. Hãy tiêu diệt cái ác từ trong trứng, đừng đề nó phát triển, đừng để nó thắng chúng ta, thắng các ước mơ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta. Hãy đè bẹp cái ác bằng những cố gắng chung. Con người hãy đoàn kết lại! Hãy nhớ rằng trên đời này không có những người trung lập !

        Vận mệnh quốc gia của các người nằm trong tay các người !

        Tôi không muốn nêu những ý khái quát, cũng không muốn rút ra những kết luận. Trong quyển sổ này chỉ có những sự thật. Thế giới cần hiểu rõ bản chất đen tối của chủ nghĩa phát-xít. Mỗi trang này đều được viết bằng máu người. Mong sao những điều ghi chép tầm thường của tôi cũng được đem ra trước tòa án của lịch sử, tòa án của sự thật cùng với những nhân chứng không còn nói được nữa : hàng triệu người đàn ông, đàn bà, người già và trẻ em bị đọa đày, xử bắn, hành quyết hàng loạt và bị đốt trong lò thiêu xác.

        Cảc Pai ngẫm nghĩ một lát rồi viết những chữ to lên bìa : «Tôi tin rằng sẽ có lúc cả chủ nghĩa phát-xít cũng sẽ bị rửa sạch khỏi mặt nhân dân Đức như một vết bẩn nhục nhã, chủ nghĩa Hít-le cũng sẽ tróc ra như cải vỏ trấu và rơi xuống vực thẳm của hư vô, dưới tấm màn nhục nhã của lãng quên. Còn dân tộc Đức được gột rửa sạch sẽ, được tái sinh, sẽ lại sản lạn với trái tim vàng của mình đem lại niềm vui cho toàn thể những con người trên trái đất».

        Các Pai đọc lại những trang đã viết rồi ký tên : Các Pai.

        Sau đó, anh cuộn tròn thật cẩn thận cuốn sổ tay của mình lại, bọc giấy dầu, dán một dải băng dính rồi đặt cái gói nhỏ ấy xuống đáy chậu hoa. Vài phút sau cây xương rồng nhỏ đầy gai lại được đặt trên bậu cửa sổ của Viện vệ sinh. Các Pai về khối của anh. Linh tính báo trước cho anh biết rằng anh sẽ không bao giờ quay lại căn phòng này nữa. Tờ giấy dài dài của phòng bảo vệ sẽ đưa anh đến một nơi không có đường về.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:22:31 am »

       
XXVI

        Theo lệnh của tổng trưởng Him-le, đại tá SS Các Cốc thôi không giữ chức vụ tư lệnh Bu-khen-van nữa và được chỉ định làm tổng thanh tra các trại tập trung trên toàn bộ vùng chiếm đóng ở phía Đông. Lệnh này làm tất cả các sĩ quan trong doanh trại Bu-khen-van đều kinh ngạc.

        Khi được biết rằng Cốc được đề bạt lên một chức vụ cao hơn, tên thiếu tá Hô-vơn thầm ghen tị sâu sắc với hắn. Hô-vơn biết rõ những điều ẩn khúc trong việc này. Mẹ khỉ, thằng đại tá đúng là gặp may! Tuần trước, khi mây đen đang bao phủ trên đầu Cốc thì Hô-vơn có cảm tưởng như bây giờ không còn gì cứu được nó nữa. Nhưng Cốc không những vượt khỏi tình thế hiểm nghèo mà còn dựa vào đó để hưởng thêm công danh!

        Tuần trước, bỗng nhiên có một ban kiểm tra của tổng cục các đơn vi SS ập tới Bu-khen-vam Người đứng đầu ban kiểm tra này là hoàng tử Van- đen, một viên tướng phu trách quyền tư pháp SS. Đông cung thái tử Van-đen đã biết rõ tất cả các việc xảy ra trong trại tập trung. Hắn đã nắm được những  tư liệu về việc Cốc lạm dụng quyền hành, ăn hối lộ và tống ra mặt trận tất cả những tên sĩ quan và hạ sĩ quan không đem đến cho nó những món quà xứng đáng. Vì thế Cốc đã nhận được vàng, đồ đạc, quần áo qui và châu báu.

        Tất cả những tên dưới quyền Cốc đều ngạc nhiên thấy nó tiếp đón ban kiếm tra một cách rất lạnh nhạt và đuổi khéo họ ra khỏi trại tập trung sau một thời gian ngắn.

        Hô-vơn cử chờ tên tư lệnh phải trả giá đắt cho cái thói quá tự tin của nó. Nhưng xem ra tên đại tá đã được những kẻ có đầy đủ quyền thế bao che.

        Ngay hôm doanh trại Bu-khen-van nghe đọc lệnh đề bạt tên tư lệnh làm tổng thanh tra các trại tập trung, tên sĩ quan Mác Cu-bít và tên hạ sĩ quan Ru-đi Cốc-le đã tự sát. Khi được biết tin ấy, Cốc nói rằng hai đứa đã may mắn thoát thân, vì nó đã dành cho chúng nó một cái chết đáng sợ hơn nhiều: Cu-bit và Cốc-le đã sưu tầm những tư liệu chống lại tên tư lệnh.

        Cốc đặt ban tham mưu của nó ở Luýp-lin. Nó chuyển tới trại tâp trung Luýp-lin những tên tay sai đáng tin cây nhất ở Bu-khen-van. Cùng đi với nó có tên quản tham mưu Đan-man, một thằng liều bất trị, bậc thầy trong việc làm mọi thứ giấy tờ giả mạo, tên đại úy Gác-man, một thằng chuyên gia về hành quyết hàng loạt, tên quản Gốt-hon, một thằng đầu trộm đuôi cướp, phụ trách kho đồ vật của tù và nhiều tên khác.

        Phơ-rao En-da không muốn rời bỏ tòa biệt thự nguy nga của ả. Ả vẫn ở lại trong khu sĩ quan của Bu-khen-van. Điều đó làm tên thiếu tá rất sung sướng. Hô-vơn vẫn còn mong chiếm được trái tim của ả.

        Tên đại tá Pi-xte được chỉ định làm tư lệnh mới của Bu-khen-van. Tuy đã sáu nnrơi sáu tuổi, nhưng tên sĩ quan cao lớn này vẫn còn hăng hái và hiếu động. Như Hô-vơn nhận xét một cách cay độc, nó đã đến đây với những đồ đạc cũ từ thời tiền hồng thủy và cô vợ trẻ măng. Vợ nó kém nó bốn mươi nhăm tuổi. Pi-xte rất hay ghen, nó giữ vợ nó ru rú xó nhà. Phơ-rao Pi-xle hầu như không ra khỏi biệt thự riêng. Thằng sĩ quan tùy tùng Bun- ghen-le vừa định mon men bờm xơm với vợ tên tư lệnh đã bị tống cổ ngay ra mặt trận. Thằng chỉ huy trại Hút thì nói bóng gió để người ta có thể hiểu rõ rằng một sĩ quan ở lứa tuổi Pi-xtc không nên rời vợ nửa bước.

        Đời sống trong trại không có gì thay đổi đặc biệt. Pi-xte vẫn làm theo phương pháp của Cốc và coi đó là phương pháp lý tưởng. Tên tư lệnh mới triệu tập các sĩ quan trong doanh trại và ra lệnh .

        — Không được để một tên súc sinh nào trong đám tù vô công rồi nghề. Tôi không cần biết bọn tù làm đích xác việc gì, nhưng tôi muốn nhìn thấy một điều : lao động, lao động và lao động.

        Anh em tù có những ý nghĩ khác nhau về việc thay tư lệnh trại tập trung. Trong số tù chính trị có cả những người lạc quan mong rằng sự thay cũ đổi mới này sẽ làm cho đời sống của anh em được nhẹ nhàng hơn ít nhiều. Nhưng đâu có thể. Phần lớn anh em đồng ý với Xi-ma-cốp, người lãnh đạo trung tâm bí mật. Xi-ma-cốp đã nói với các đồng chí của anh :

        — Chanh chua thì khế cũng chua.

        Thằng cướp Ô-lét, trưởng trại, muốn đề cao uy tín của nó đối với bọn tay sai, bèn tính chuyện tổ chức một bữa chén.

        — Cần phải ăn mừng sự kiện này mới được !

        Nó bèn gọi hai thằng xanh đến: thằng Pôn «chân chữ bát» và thằng Sun lùn. Ngay trước khi đến Bu-khen-van, hai thằng bạn này đã từng hành nghề với nhau, Ô-lét nhảy mắt với hai đứa một cách đầy ý nghĩa.

        — Đang có việc đây.

        Thằng «chân chữ bát» và thằng lùn nhếch mép sung sướng.

        — Chúng mày biết chuồng lợn chứ ?

        Hai thằng có ý đề phòng.

        — Có, có biết, — Pôn trả lời.

        — Mày đã ở đấy à ?

        — Phải, có ở đấy,— thằng «chân chữ bát» nhún vai, nhổ nước bọt. Nếu thằng trưởng trại muốn bắt hai chúng nó lấy phân thì nó lầm to. Chọn người chẳng đúng chút nào.

        — Ở đấy có con lợn, như thế này này... hừm. Đuôi đen ấy.

        — Béo ụt ịt có phải không ? Trên trán lại có một cái đốm phải không ? — thằng Sun lùn sôi nổi hẳn lên.

        — Cần phải «mần cho được» nó về đây.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM