Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:59:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thung lũng Cô Tan  (Đọc 17256 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2020, 12:21:03 pm »


*

        Kha về đến hang vào khoảng 5 giờ chiều.

        Suốt ngày đi vòng khắp khu vực đèo TaBua LaBui để kiểm tra tình hình thi công, tuy mệt nhưng Kha thấy vui: trong số gần ba mươi điểm tiêu thủy đã làm, chỉ có ba điểm không đạt yêu cầu vì xác định đường cong của mặt thoáng không đúng. Với đà này, chắc chắn có thể hoàn thành bước một trong vòng hai mươi bốn tiếng nữa. Và chậm nhất là chiều ngày kia, hiện tượng lầy trên tuyến sẽ thay đổi hẳn.

        Kha khe khẽ huýt sáo, đi vào trong hang cất đồ đạc và lấy khăn ra suối rửa mặt. Lòng hang tối om. Ngọn đèn bão trên bàn điện thoại tỏa ra một vùng ánh sáng bằng cái nong; đỏ kệch. Liên đang ngồi cắm cúi ghi sổ điện bên cạnh hai cô nữa, chắc là vừa mới đến vì ba lô, túi dết còn đặt cả dưới chân. Thấy có người đi vào, Liên ngẩng lên. Nhận ra Kha, cô vội rút trong kẹp giấy ra một bức điện đưa cho anh:

        — Của ai đấy? — Kha vừa đón bức điện vừa hỏi;

        — Báo cáo, của thủ trưởng Trần ở Bê tám bê chuyển về đấy anh ạ !

        — Bê tám bê là ở đâu nhỉ ?

        — Bê tám bê là trọng điểm đỉnh đèo.

        — Mới đặt à ?

        — Báo cáo,Bê tám bê bắt đầu hoạt động lúc ba giờ mười lăm chiều nay.

        Kha soi bức điện váo gần đèn. Tuy chưa đọc nhưng nghe Liên nói anh cũng đoán được một phần tình hình gay go ở đỉnh đèo. Bức điện vắn tắt có mấy chữ, kể ra có thể nhắn mồm cũng được «S.O.S. đã vào đến B8. Đồng chí Kha về liên lạc ngay với tôi »

        Kha nhét bức điện vào túi, định nhờ Liên gọi B8b hộ thì Liến đã chìa ống nghe cho anh:

        — Có đồng chí Trần rồi đây ạ!

        Kha áp ống nghe vào tai. Đầu dây bên kia, tiếng trung tá Trần nghe lạ hẳn:   

        — Đồng chí Kha đã về đấy à ? Tình hình thế nào ?

        Kha báo cáo qua công việc với trung tá, rồi hỏi.

        — Ngoài ấy đang gay lắm phải không anh ?

        — Tắc rồi ! -Tiếng trung tá khàn khàn trong máy — Đỉnh đèo bị mất hẳn một trăm mét đường. Đất núi sụt lở rất mạnh; Nền đường bị trôi. Còn những đoạn lầy vẫn nguyên tình trạng hôm qua.

        — Báo cáo đồng chí, tôi nghe rõ. Hiện giờ đồng chí đã dự kiến xử lý thế nào chưa ạ?

        — Có rồi! Nhưng nhiều khó khăn. Thử dùng phá nổ nhưng đất càng sụt xuống nhiều. Cho C.100 ra nhưng có nguy cơ bị vùi không hoạt động được. Có thể rút đơn vị công binh ở chỗ anh ra đây được không ?

        — Nếu cần thì đồng chí cứ cho lệnh rút cũng được ạ ! Nhưng theo ý kiến tôi, ta nên xử lý cách khác chắc chắn hơn.

        — Ý kiến đồng chí thế nào ?

        — Báo cáo anh, đỉnh đèo có một cái trượt cục bộ. Các đồng chí tham mưu kỹ thuật ở chỗ anh đã nắm được rồi đấy. Ở đấy đất đá đang trong quá trình phong hóa mạnh nên độ ổn định rất kém. Biện pháp xén đường khó thực hiện dược.

        — Anh định thế nào?

        Theo ý tôi, ta nên xử lý theo phương án đã định, nghĩa là hất cái trượt ấy xuống chân đèo.

        — Hất cả cái trượt ấy đi à?

        — Dạ, vâng! Trong phương án dự phòng chúng tôi trình bày với anh hôm qua cũng có đề cập đến loại hình này rồi đấy ạ!

        — Đồng chí có thể ra ngay ngoài này được không ?

        — Dạ được !

        — Lấy xe ở ba-ri-e U-đin lên thẳng đây nhé!

        — Dạ tôi đi ngay bây giờ.

        Kha trả lại ống nghe cho Liên, rồi đi luôn. Liên chạy theo giúi vào tay anh hộp sữa nhưng anh nắm lấy tay Liên khẽ đun trở lại:

        — Cám ơn! Mình không quen dùng sữa đặc.

        ... Lên đến đỉnh đèo thì trời nhá nhem tối, Một chiến sĩ giao liên đứng đón ở đó, dẫn Kha đi vào một khu rừng ở ven đường bị phả trụi, cây cối đen thui, khét lẹt. Được một quãng thì đến một gốc cây to bị bom phạt cụt ngang thân. Hầm B8b nằm giữa hai bạnli vè lớn của gốc cây cổ thụ đó. Kha vén tấm chăn che cửa bước vào trong hầm. Trung tá Trần và mấy cán bộ tham mưu đang quây quanh tấm bản đồ địa hình. Thấy Kha vào, trung tá ngẩng lên ra hiệu cho Kha ngồi xuống cạnh mình :

        — Ý kiến ra sao thử trình bày xem nào?

        Kha cúi xuống, ngó qua tờ bản đồ, rồi vớ lấy chiếc bút chì đỏ không biết của ai để đấy vạch luôn một đường hy-péc-bôn lên khu vục đỉnh đèo. Chỉ nhìn qua nét bút cũng có thể thấy anh rất tự tin vào cách giải quyết của mình.

        — Đây là đường biểu diễn giới hạn của cái trượt cục bộ trên đỉnh đèo TaBua LaBui — Kha nói chậm rãi, chắc chắn — Mái trượt đổ vê phía sông Pa-Nưa với độ dốc xấp xì bảy mươi độ. Nguyên nhân của cái trượt này là do sự phong hóa của nham thạch ở đây xảy ra trong một quá trình tương đối nhanh trên dốc nghiêng có siêu tải trọng lớn, cộng với những chấn động cục bộ do bom đạn gây ra. Căn cứ vào những tài liệu ta nắm được thì mái trượt này không lớn lắm. Chúng ta có thể dùng phá nổ thông thường hất nổ đi được.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2020, 07:34:47 am »

     
        Kha dừng lại một chút, rồi quay sang trung tá Trần như muốn thanh minh,:

        — Thực ra chúng tôi cũng không ngờ cái bọn khoa học nhà binh Mỹ vẫn thường vỗ ngực là uyên bác xưa nay, lại tiến hành những hoạt động ngớ ngẩn thế. Theo quan điểm của chúng tôi, đỉnh đèo TaBua LaBui vốn không phải là một vùng hiểm địa. Do đó, chúng tôi tuy có phương án xử lý nhưng chỉ là phương án dự phòng thôi, vì giải quyết một cái trượt như thế này không có gì khó cả. Nếu có điều kiện, ta cứ mặc kệ cho nó đánh liều độ ba ngày như hôm nay thì chính bom đạn của chúng sẽ khuân đi hộ ta cái trượt này.

        Nghe Kha trình bày, những nếp nhăn trên trán trung tá hơi giãn ra. Đồng chí châm một điếu thuốc rồi vừa xả khói, vừa hỏi:

        — Đồng chí cần độ bao nhiêu thời gian định thiết kế vụ phá nổ này?

        Kha không trả lời ngay mà quay sang những cán bộ tham mưu ngồi xếp hàng bên cạnh :

        — Các đồng chí thấy thế nào ?

        Một anh ngập ngừng:

        — Có lẽ nhanh cũng phải mất đêm nay.

        — Trung tá Trần đang giơ điếu thuổc lên, vội buông xuống:   

        — Thế thì tắc cả đêm à ? Gay lắm. Không được. Liệu có cách gì nhanh hơn không?

        Kha tủm tỉm:

        — Báo cáo đồng chí, chúng tôi sẽ cố gắng thông vào khoảng mười hai giờ đêm ạ !

        — Chúng tôi sẽ lên thiết kế trong vòng ba mươi phút. Đội xung kích và đại đội công binh ở chỗ tôi có khả năng thi công phá nổ trong hai tiếng đồng hồ. Bốn chiếc C. 100 sẽ làm nhiệm vụ cắt mặt đường từ hai đầu đồ lại Chỗ nào mấp mô quá ta xử lý bằng mìn. Hơn một trăm thước đường không phải là một khối lượng đáng sợ so với lực lượng của ta hiện nay.

        Kha trình bày xong, trung tá nhìn các cán bộ tham mưu một lượt:

        — Thế nào? Cậu nào có ý kiến gì khác không ?

        Mọi người nhìn, nhau im lặng. Lát sau, một anh nói :

        — Tôi thấy nếu giải quyết được vấn đề phá nổ như vậy thì có thể được. Nhưng đề nghị đồng chí Kha xem lại xem, ba mươi phút có thể thiết kế xong một vụ phá nổ có quy mô lớn như vậy? Theo ý tôi, đáng lo nhất là chỗ đó.

        Hình như trung tá cũng đang băn khoăn về điểm này, nên sau khi hghe ý kiến đó, đồng chí nhìn Kha như chờ đợi câu trả lời. Còn Kha, sở dĩ Kha có thể bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách tự tin như vậy là vì Kha đã có chuẩn bị khá chu đáo rồi. Tình hình mái trượt đó đã có đủ những số liệu cần thiết do Quang để lại. Còn bản thiết kế dùng phá nổ để hạ nó thì trong khi xây dựng phương án dự phòng, anh em cũng đã tính toán cả rồi. Do đó, Kha có thể hoàa thành trong ba phút chứ không cần đến ba mươi phút như anh vừa nói. Vì vậy, thấy trung tá nhìn mình, Kha vờ suy nghĩ một chút rồi chậm rãi:

        — Vấn đề thiết kế đúng là khó nhất, vì thời gian gấp quá Nhưng xin các đồng chí cứ yên tâm, chúng tôi cũng đã gặp những tình huống tương tự như thế này ở một số nơi và cũng đã có được một ít kinh nghiệm. Chúng tôi xin cố gắng đảm bảo khi lực lượng thi công đến là có thiết kế cho anh em làm.

        — Chắc chắn như thế chứ ? — Trung tá gặng hỏi

        — Dạ, xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước thủ trưởng !

        Trung tá ôm lấy hai vai Kha lắc mạnh :

        — Tôi hiểu ! Tôi hiểu ! Chính vì thế nên Ban chỉ huy tuyến mới điều đồng chí vào đây.   

        Mấy phút sau, những ý kiến của Kha đã nhanh chóng biến thành những mệnh lệnh từ B8b truyền đi. Và, giữa lúc mọi người chung quanh đều khẩn trương tất bật vì những bản mệnh lệnh đó thì Kha vẫn ung dung ngồi tựa vào vách hầm, nhai ,xuât bánh lương khô loại đặc biệt dành cho các chiến sĩ lái xe tăng xung kích ăn, do trung tá đưa cho.

        Vừa nhấm nháp cái vị thơm ngon rất lạ miệng của loại bánh này, Kha vừa xem lại bản thiết kế phá nổ mà anh đã kín đáo lấy ra từ trong chiếc xà-cột màu đen.

*

        Lên đến vị trí tổ điểm hỏa, Kha dừng lại, bấm đèn pin, nhìn đồng hồ: còn năm phút nữa. Anh tắt đèn, hỏi bâng quơ những người ngồi chung quanh:

        — Có bạn nào thấy hồi hộp không ?

        — Quen rồi anh ạ !—Lý đáp.

        — Ồ, cái gì rồi cũng quen cả thôi !

        Hiền láu láu chen vào:

        — Thế anh xa Hà Nội, vào đây đã quen với Trường Sơn chưa ?   

        — Gian khổ thì quen rồi !

        — Còn hạnh phúc thì chưa quen hử?

        — Hạnh phúc à ? Hạnh phúc thì quả là chứa quen

        — Thế thì chưa lĩnh được bằng tốt nghiệp đại học Trường Sơn đâu, ở đây là nhiều hạnh phúc nhất đấy anh ạ!   

        — Nhưng tôi lại là người hay gặp những điều không may thì sao?

        — Điều gì không may?

        — Chẳng hạn như sảng nay mọi người không ai việc gì, còn tôi thì lại bị sặc khói B.52

        — Anh tưởng thế là không may à ?

        — Chứ sao?

        — Không may mà lại được đắp cái chăn đẹp nhất Trường Sơn của chúng tôi.

        Kha phá lên cười:

        — Chịu đấỵ! Thua « ếch xanh » một không rồi đấy!

        Và như sực nhớ ra, Kha mở xà-cột lấy cái chăn của Thảo đưa cho Hiền:

        — Nhờ « ếch xanh » trả hộ mình cái này.

        — Cái gì thế?

        — Cái chăn đẹp nhất Trường Sơn của cô đấy !

        Hiền vừa đón chiếc chăn, vừa kêu lên:

        — Ghê thật ! Giấu nhau thế này thì ghê thật. Thế mậ còn cứ kêu là không may. Giá ông mà gặp may thì...

        — Thì sao ?

        — Thì ối người «vỡ nợ » chứ còn sao nữa.

        Có tiếng đấm vào lưng nhau thùm thụp. Và Hiền lại tru tru tréo lên :   ‘

        — Gớm chưa ! Ông anh bà chị ăn xôi để cái thân tôi chịu đấm đấy hẳn?

        Hai phát pháo hiệu đỏ lừ bay vọt lên từ đỉnh đèo, cắt ngang câu chuyện. Kha soi đèn kiểm tra lần cuối cùng các yếu tó gây nổ rồi hạ lệnh điểm hỏa. Phương Thảo rọi đèn vào nút hãm. Hai ngón tay nhỏ nhắn của cô khẽ xoay nửa vòng. Một tiêng « tách » nhẹ nhàng phát ra từ nắp bình ắc-quy. Cả khu vực đỉnh đèo sáng rực lên trong một làn chớp sắc màu da cam xé ngược từ phía dưới lên. Những tiếng nổ lan đi như một tràng sấm dài. Sức chấn động mạnh đến nỗi tương chừng như trong lòng đất đang xây ra một sự dịch chuyển lớn.

        Khoáng mấy phút sau, hai ngọn đèn pha cực mạnh từ phía trận địa pháo cùng chiếu một lúc vào địa bàn phá nổ Đỉnh đèo TaBua LaBui đã biến mất Vách đá phơi những nham tầng xễp lớp đều đặn. Có tiếng động cơ nổ giòn...   

        Kha sung sướng reo lên khe khẽ :

        — Thắng rồi! Và anh chạy vụt xuống mặt đường.

        Còn Phương Thảo, hình như không nghe thấy tiếng reo của Kha, cô đứng nhìn trân trân vào cái quầng sáng chói lọi của hai ngọn đèn pha đang rọi vào khu vực đỉnh đèo TaBua LaBui, lòng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm buổi hạ đèo TaKum ngày trước.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2020, 04:27:52 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2020, 04:28:46 pm »

 
CHƯƠNG VI

          Người ta thường gọi cái ngách hang con con mà thủ trưởng Trần quyết định dành riêng cho Kha là cái « động Băng tinh nhiệt đới ». Một chiếc dù pháo sáng trắng muốt lót kín trần và vách hang. Lối ra vào treo hai tấm màn gió, cùng màu trắng, vắt múi sang hai bên. Bàn tay khéo léo của các cô gái đội xung kích còn rắc lên nền hang những mảnh dù trắng bằng bàn tay, trông lốm đốm như những bông tuyết lớn vùng Bắc cực, Chiếc giường bạt của Kha cững phủ vải dù, đầu giường có chiếc gối thêu cũng bằng dù pháo sáng. Bàn làm việc của Kha bằng ván gỗ hòm mìn kê lên trụ đá, ghế ngồi là một khúc gỗ trầm. Tất cả đều được phủ bằng vải dù trắng. Kha được sử dụng riêng một bình ắc-quy mười hai vôn để thắp sáng. Khi bật đèn, ngách hang đúng như một cái động băng tinh.

        Đêm nay, một đêm dồn dập những niềm vui khó tả, Kha quyết định viết thư cho Quế. Hơn mội tuần lễ chiến đấu ở đeo TaBua LaBui, tuy rất ác liệt nhưng đã mang lại những kết quả không ngờ đối với Kha. Cái cô Hiền « Ếch xanh » láu táu nhí nhảnh nói thế mà đúng: ở đây hạnh phúc nhiều hơn gian khổ. Niềm hạnh phúc lớn nhất đang ép mạnh trong lồng ngực Kha từ chiều đến giờ là sự khẳng định của Bộ tư lệnh, đối với « công thức TaBua Labui » do anh nêu ra. Tuần qua Kha đã xử lý thắng lợi liên tiếp ba cái trượt cục bộ. Còn hiện tượng lầy treo trên tuyến đèo đã bị tiêu diệt hẳn. Trên cơ sở những thắng lợi đó, Kha đã khái quát các dạng xử lý kỹ thuật về nước ngầm và trượt, lập thành công thức TaBua LaBui. Nếu như có người nói rằng đèo TaBua LaBui bướng bỉnh như một con ngựa bất kham, thì cũng có thể nói, giờ đây, con ngựa đó đã thuần rồi. Cuộc chiến đấu TaBua LaBui hiện nay vẫn ác liệt, nhưng đó chỉ là cái ác liệt về số lượng, cũng như một số trọng điểm khác mà thôi. Trong cuộc gặp mặt chung của đồng chí Tư lệnh phó với cán bộ, chiến sĩ cụm A2-chiều nay, thắng lợi TaBua LaBui được đánh giá như một sự trưởng thành vượt bậc về mặt khoa học kỹ thuật của tuyến. Kha thú nhất lúc đồng chí Tư lệnh phó nói đến cái «công xưởng tư duy» khổng lồ của mấy ngàn nhà khoa học Mỹ làm cố vấn cho Giôn-xơn tiến hành chiến tranh phá hoại và những hoạt động dẻo dai thầm lặng nhưng chứa đầy tinh thần tiến công quyết liệt của các cán bộ khoa học kỹ thuật của ta, nhằm đánh bại âm mưu của địch. Lúc ấy, người Kha nóng bừng lên, tự hào, sung sướng. Nhất là lúc Tư lệnh phó bất ngờ quay sang bắt tay : Kha và tặng Kha một chiếc đồng hồ giữa những tiếng vỗ tay sôi nổi kéo dài thì người Kha lảo đảo như say. Tư lệnh phó quả là người am hiểu khoa học và nắm rất vững tâm lý của những người làm công tác khoa học kỹ thuật, khi đồng chí tỏ lời khen ngợi công thức TaBua LaBui. Đó chính là điều mà Kha mong muốn nhất, bởi vì, đối với một cán bộ khoa học kỹ thuật công nhận cái đó tức là công nhận tất cả. Lẽ tất nhiên, đồng chí cũng căn dặn rằng công thức TaBua LaBui không phải là một lá bùa thần linh vạn ứng, mà cuộc chiến đấu còn đòi hỏi những cán bộ khoa học kỹ thuật phải tìm ra nhiều công thức khác nữa, cũng như đèo TaBua LaBui chưa phải là cái dốc cuối cùng trên con đường cách mạng. Đối với Kha, lời căn dặn đó chỉ là một cách nói «kín» của lãnh đạo, anh không thấy ở trong ý kiến đó có dấu hiệu nghi ngờ gì đối với công thức của anh cả.

        Cho nên, giờ đây, ngồi trước bàn làm việc, dưới ánh sáng của ngọn đèn mươi hai vôn giữa «động băng tinh» trắng muốt, với tờ pơ-luya màu xanh nhạt đặt trên bàn, chuẩn bị viết thư cho người yêu, công thức TaBua LaBui vụt trở thành sự khái quát của một niềm hạnh phúc trọn vẹn đối với Kha. Với một tâm trạng như vậy, Kha đặt bút ghi lên đầu trang giấy: «Mai Quế thương yêu »...

        Một xúc động sâu xa làm Kha ngừng lại, ngước nhìn vách hang trước mặt. Ở đấy, trên dù trắng, nổi bật lên một vòng lá xanh tươi do chính tay Kha treo lên. Vòng lá đó, theo cách nhìn của mọi người, chẳng qua chỉ là một cách trang trí của Kha. Nhưng đối với Kha, vòng lá ấy chính là hình ảnh của một lời tâm niệm. Những chiếc lá đó không phải những chiếc lá thông thường mà chính là lá quế, Kha đa đích thân hái ở rừng về. Kha đã cố ý treo trước bàn làm việc của mình một chiếc vòng lá quế, hình ảnh tượng trưng của tiến công, của vinh quang và riêng với Kha, còn là hình ảnh của hạnh phúc. Những chiếc lá quế giữ màu xanh rất bền. Hình như hương thơm của nó vẫn phảng phất trong căn phòng trắng muốt...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2020, 06:27:10 pm »


        Nhưng Kha bỗng ngạc nhiên : không hiểu ai đã treo vào chiếc vòng lá quế của anh một con chim trắng nhỏ xíu bằng bông. Trò chơi này hẳn lại của một cô nào đó; chắc cô ta nghĩ rằng, vòng lá này cũng như cái vòng đu của con vẹt ở vườn bách thảo hay ở vỉa hè hàng Mã vào dịp tết Trung Thu. Kha mỉm cười thương hại cho cái thiển ý thô thiển của người nào đó, và nhỏm dậy gỡ con chim ra khỏi vòng lá quế...

        Kha đặt con chim xuống bàn, ngắm nghía một lúc và đang định vo viên vứt đi thì nghe có tiếng cười ở sau tấm màn gió, làm Kha giật mình quay ra : Liên vừa ló đầu vào lại vội thụt ra ngay.

        — Gì thế ? Vào đây ! Kha gọi.

        — Thôi, em chả vào, anh đang bận, — Liên trả lời nhưng nghe cô nói cũng biết là cô vẫn đứng đó.

        Kha đè quyển sách lên trang thư, đứng dậy đi ra vắt hai cánh màn gió lên mời Liên vào. Thấy Liên liếc nhìn chiếc vòng lá có vẻ hơi ngạc nhiên, Kha biết ngay cô đã buộc con chím vào đó, liền hỏi :

        — Dạo này cô tăng gia có khá không?   

        Liên ngơ ngác :

        — Từ hôm vào đây đã tổ chức tăng gia đâu anh.

        — Sao bảo cô nuôi được nhiều chim lắm?

        Liên che miệng cười :

        — Thế con chim của em đâu rồi ?

        Hỏi xong, Liên bỗng trông thấy con chim bằng bông , nhỏ xíu của mình nằm lăn lóc trên bàn, cô vội giơ tay chộp lấy và chạy vụt ra cửa. Kha đứng nhìn theo một lát rồi buông màn, quay vào tiếp tục viết thư cho Quế.

        Sau khi kể cho Quế biết qua tình hình công tác và sinh hoạt, Kha tâm sự với Quế về những suy nghĩ của mình:

        ... Em ạ,   

        Em có nhớ những tài liệu trong bản tham khảo mà thỉnh thoảng ba vẫn chọn riêng cho chúng mình đọc nói về các nguồn dư luận và những hoạt động đặc biệt của Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta không ? Em có nhớ cái lão gì nó viết trong cuốn « Chiến tranh không quân» không? Chúng nó đánh thật sự đấy chứ không phải có mức độ như chúng nó vẫn nói đâu. Vào đây, anh càng thấy rõ điều đó trên mặt trận giao thông vận tải, Hồi ở nhà, khi chúng mình tổng kết các chiến thuật đánh giao thông vận tải của chúng nó, thông kê được khoảng hơn 90 kiểu và chia làm gần ba chục loại hình xử lý thì phải. Nhưng em ạ, em hãy ghi thêm vào bộ sưu tập từ điển giao thông vận tải cho anh một công thức mới nữa nhé:

        « Công thức TaBua LaBui »!

        Thằng địch rất hiểm độc: nó sử dụng cả cái ưu thế về tri thức khoa học để đánh mình. Chúng nó  có những hiểu biết khá sâu sắc về những tuyến đường của mình cả bề mặt lẫn chiều sâu. Nó cùng giỏi về địa chất công trinh. Như em đã biếl, hiện nay anh đang phải đối phó với chúng nó về những đòn đánh vào địa chất công trình. Thoạt đầu nó làm cho quân ta ngơ ngác không hiểu sao lại có nước ộc ra ở đỉnh đèo. Rồi đến lượt những đoạn đường lớn bị xóa sổ vì trượt đẩy. Nó xoay ngang xoay dọc, đánh đến mất cả nguyên lý đường bộ. Nó thí điểm nhữnq thủ đoạn này ở Ta Bua LaBui. Nhưng nó đã vấp phải công thức của chúng mình. Sau mười ngày cọ xát ác liệt (có ngày tới 5 trận B.52), công thức TaBua LaBui đã được những đoàn xe ra trận xác nhận là đã thắng những «âm mưu bác học » của tập đoàn cố vấn của Giôn-vơn. Thắng lợi đó gợi cho anh rằng khoa học mà anh chọn là đúng. Trước đây em đã từng phê bình anh là không chịu đi sâu vào một lĩnh vực nào. Nhưng anh thấy «cái đích» quan trọng hơn là bản thân con đường đi. Có «cái đích» rõ ràng ta sẽ tìm thấy con đường thích hợp. Công thức TaBua LaBui là một chứng minh. Sức mạnh « khái quát » vẫn có lợi hơn sức mạnh «cần cù». Sức mạnh đó cho phép ta hút nhụy trăm hoa về làm mật ngọt của riêng mình. Với một quan điểm như vậy, anh tin rằng sớm muộn chúng minh cũng sẽ có khả năng phát triển công thức TaBua LaBui thành công thức lý tưởng Palômácđinan không phải để chống chiến tranh phá hoại nữa, mà là đi xây dựng mạch máu của hữu nghị giữa các dân tộc.

        Em thân yêu.

        Ba hôm nay, trung tâm trọng điểm dang di chuyển dần vào vùng núi Chân Linh. Trận Cô-Tan có lẽ đã bắt đầu mở màn. Cường độ đánh phá có chiều hướng ngày càng ác liệt. Nhưng điều đáng yên tâm nhất là về cơ bản, cũng vẫn chưa có hiện tượng gì vượt ra khỏi giới hạn của sự khái quát của công thức TaBua LaBui. Bởi vì về mặt lịch sử địa tầng, TaBua LaBui và Cô-Tan là một. Do đó, trong vòng mười năm nữa, nếu Giôn-xơn không còn trò gì mới thì anh có thể chuẩn bị ra về. Và nếu quả là như thế thì, với tư cách là một người làm công lác khoa học giao thông, anh có thể tuyên bố về cơ bủn, Lyndon Johnson vẫn chưa biết cách đánh giao thông...».
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2020, 04:49:57 am »


         Đang có hứng, Kha còn định viết thêm một đoan nữa, nhưng anh bỗng giật mình ngẩng lên, chăm chú lắng nghe, từ phía Cô-Tan dội lại những tiếng nổ nghe rất lạ, những tiếng nổ chìm chìm nặng nặng; nghe như có cái gì đang thúc mạnh từ dưới đất lên. Linh tính như báo cho Kha biết có chuyện không hay xảy ra ở trong ấy. Kha vội vàng gấp lá thư kẹp vào cuốn sách, ra bàn điện thoại.

        Không thấy Liên đâu, Kha hỏi cô điện báo viên mới được bổ sung về tổng đài A2 buổi sáng. Cô này cho biết địch oanh tạc Cô-Tan gần nửa giờ rồi đường dây vào trong đó bị đứt liên tiếp, không còn chiến sĩ thông tin nào ở nhà nên Liên đã đi nối. Kha im lặng châm thuốc lá ngồi đợi. Không hiểu đội xung kích ở trong đó ra sao? Cả C235 nữa? Chúng nó đánh loại bom gì mà nghe lạ quá? Lát sau, có tiếng chuông reo. Cô điện bảo viên vừa đặt ống nghe vào tai đã hốt hoảng đứng lên, chân tay luống cuống như không biết bấu víu vào đâu. Kha bước lại, đứng sát cạnh cô ta, hỏi : 

        — Có chuyện gì thế?

        Nước mắt ròng ròng: cô diện báo viên nghẹn ngào:

        — Chị Liên... hy sinh rồi!

        Kha giật lấy chiếc ống nghe. Ở đầu dây bên kia một giọng nam khản đặc vẫn đang gào vào máy:

        — A Hai đâu ? A hai đâu ?   

        Kha vừa lên tiếng trả lời thì lại thấy im bặt. Mấy giây sau lại thấy gào lên. Hồi lại im. Kha hiểu ngay địch đang oanh tạc rất gần chỗ đặt điện thoại nên người nói phải bịt ống nghe, lại để bảo vệ máy, Phải mất mầy phút mới nghe được một câu:

        — Cho đồng chí Trần nói chuyện với kỹ sư Kha!

        — Tôi đây! Kha đây! Bê chín nói di! Kha vội gào vào máy, giục.

        Từ máy B9, tiếng trung tá Trần nặng trịch. Kha chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng lại có một loạt tiếng nổ dội vào trong máy. Mồ hôi trên trán Kha đọng dần thành từng giọt rồi chảy tràn xuống mắt, xuống má. Mọi sự bắt đầu đảo lộn. Vùng Cô-Tan đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.

        Kết thúc cuộc nói chuyện với trung tá Trần, Kha giơ tay nhìn đồng hồ: 23 giờ 5 phút. Anh quay máy gọi vào tổng kho :

        — Lệnh A hai : Chuyển ngay toàn bộ S.O.S. vào B chín !

        Một căn bệnh thực thể không thể chữa được bằng thuốc an thần. Kha biết thế nhưng trong giờ phút hiểm nghèo này chưa thể làm cái gì khác hơn được. Sau khi truyền lệnh cho tổng kho, Kha đặt ống nghe xuống bàn điện thoại. Cô điện báo viên vẫn gục đầu thổn thức trên bàn máy. Vừa rồi, trung tá Trấn cho biết, Liên nối được dây xong thì bị trúng bom bi mũi tên, một thứ vũ khí rất dã man mà chúng mới mang dùng lần đầu. Kha cúi xuống khe khẽ vỗ vào vai cô điện báo viên, an ủi:

        — Thôi, đừng khóc nữa. Cố làm việc trả thù cho người đã hy sinh.

        Trong khi nói, vô tình Kha nhìn thấy con chim nhỏ xíu bằng bông của Liên đậu giữa những hàng phích cắm la liệt trên bảng máy : chắc là sau khi chạy ở buồng Kha ra, Liên đã đặt con chim vào đó. Kha với tay định gỡ con chim mang về phòng mình, với ý định sẽ đặt nó lên vòng lá quế. Nhưng rồi anh lại thôi vì trong thâm tâm, anh cũng không hiểu ý của người đã khuất như thế nào.

        Thực ra, trong cuộc chiến đấu đang ngày càng ác liệt như vậy, giữa cái bảng phích điện thoại của Liên và cái vòng lá quế của Kha, đã chắc chỗ nào xứng đáng hơn chỗ nào!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2020, 04:22:10 am »


*

        Không nghỉ, không ngừng, không quân Mỹ đã liên tục đánh phá vùng Cô-Tan mười hai giờ liền bằng đủ loại máy bay và đủ loại vũ khí thích hợp, trong đó có những loại vũ khí lần đầu tiên được mang ra sử dung như bom bi mũi tên, bom lân tinh phun vòi rồng, mìn bạch tuộc, bom khí áp, bom khoan địa tầng 7 tấn..

        Nhưng thời gian trận đánh cũng như số lượng vụ khi sử dụng chưa phải là điều quan trọng nhất, điều đặc biệt nguy hiểm đối với số phận Cô-Tan là phương thức đánh phá của địch.

        Vào khoảng trưa hôm sau, sau khi trận đánh kết thúc, cả vùng Cô-Tan như một con voi khổng lồ nằm phủ phục dưói chân ngọn Chân Linh, với vô vàn nhát chém trên mình. Đoạn đường đi qua Cô-Tan, dài khoảng hơn hai cây số, bị băm nát từng mảnh; Suốt dọc ven đường về phía sườn Cô-Prêu, chi chít những hố bom 7 tấn khoan sâu vào địa tầng và trỏ thành những cái giếng khổng lồ, nước ngập ngụa. Đáng chú ý nhất là những loạt bom ném xuống sưòn Cô-Prêu và sườn Chân Linh. Những hố nổ không đan dày kiểu mặt sàng hủy diệt như B52, mà lượn thành những vòng cung, vằn núi ra từng mảng lớn. Sườn Cô-Prêu dệ hẳn xuống, đẩy đoạn đường dưới chân lùi ra phía sông Cô-Tan đến gần hai chục thước.

        Tóm lại, có thể nói, hiện tại Cô-Tan là một vùng tử địa, tất cả các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, hoặc lưỡng tính thủy-bộ, đều không thể đi qua được.

        Nguyên lý đường ở đây đã bị xóa bỏ!

        ... Cánh tay trái quấn đầy băng treo trước ngực, Kha ngồi phệt xuống đất, tựa lưng vào thùng s.o.s. mắt đau đáu nhìn xuống lòng chảo Cô-Tan. Sau cuộc nói chuyện bằng điện thoại với trung tá Trần tối hôm qua, Kha đã có mặt ở đây từ nửa đêm đến giờ. Suốt mười hai tiếng đồng hồ vừa qua, Kha và các cán bộ cụm A2 đã tìm đủ mọi cách đối phó với trận đánh khủng khiếp của địch, nhưng không có kết quả. Theo thông báo của Ban chỉ huy lực lượng phòng không ở dây thì trong trận đánh vừa rồi. Chúng nó cũng đã bị tan xác hơn ba chục máy bay các loại, trong đó có hai chiếc B.52. Chiến công đó không phải là nhỏ.

        Nhưng...

        Cái gánh nặng của tuyến đường phải giải quyết cũng lớn quá.

        Sự ngổn ngang của Cô-Tan đang bày ra trước mặt Kha thực ra không phải là điều đáng sợ. Khối lượng công việc tuy hết sức lớn nhưnglực lượng của ta cũng lớn. Kha cảm thấy cái đáng sợ lại ở trong sự hiểu biết và suy nghĩ của chính mình: Kha chưa cắt nghĩa được đầy đủ nguồn gốc của những giếng nước do bom khoan địa tầng của địch gây ra, và Kha cũng chua nắm được chắc mối quan hệ của những mái trượt cục bộ ở đây ràng buộc với nhau như thế nào. Bời vì, công thức TaBua LaBui chỉ mới giải quyết hai vấn đề này ở trình độ đơn lẻ, bề mặt và cục bộ. Bây giờ chúng đánh bằng phương thức tổng thể, dựa trên một sự hiểu biết khá toàn diện về lịch sử địa chất ở vùng này. Mà điều đó thật trớ trêu. Kha lại chưa nắm được đầy đủ. Từ trước đến nay, Kha vẫn tự giới hạn trách nhiệm của mình trong phạm vi một trăm mét hai bên đường theo quy định đã ghi trong văn bản. Nhưng bây giờ, giới hạn đó đã bị phá vỡ, nó đã mở rộng ra một cách đột ngột đến tận ranh giới cuối cùng của sự thắng bại trong chiến tranh. Đã vào dây. đã ở vị trí như hiện nay, Kha không thể nào thoái thác được trách nhiệm đó. Nhưng xử lỹ như thế nào bây giờ? Câu hỏi hiểm hóc đó, mặc dù Kha đã tra cứu cặn kẽ trong cuốn sổ «cẩm nang» mang theo, nhưng vẫn không tìm thấy một lời giải đáp nào có thể chấp nhận được. Đến bây giờ, Kha mới nhận ra rằng, không có « cẩm nang» nào làm hộ mình được cả. Lẽ tất nhiên, không phải một minh Kha chịu trách nhiệm, và Kha cũng chưa phải là người chịu trách nhiệm chính, nhưng ít nhất Kha cũng phải trả lời được những câu hỏi về phương diện chuyên môn mà lãnh đạo vẫn tin cậy ủy thác. Lễ tồn tại của Kha chính là ở chỗ đó, vinh quang và ô nhục cũng chính là ở chỗ đó. Sự thành bại ở đời cũng chính là ở chỗ đó. Chỗ đó chứ không phải chỗ nào khác, Kha bắt đầu thấy tiếc vì anh đã bỏ phí nhiều cơ hội có thể đi sâu vào khoa học, anh bắt đầu thấy nghi ngờ chính mình...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2020, 04:32:42 am »


        Nếu như khi đối phó với màn đầu của « chiến dịch Cô-Tan » diễn ra tại đèo TaBua LaBui, trí tuệ Kha tung hoành vùng vẫy một cách ung dung khoáng đạt bao nhiêu, thì bây giờ, mọi biểu hiện đều diễn ra theo chiều nghịch đảo. Chống trả thì nhất định là phải chống trả rồi, vì hàng vạn con người ở đây; từ lâu đã hình thành một cái thác chống trả quyết liệt không gì ngăn cản nổi. Nhưng riêng Kha thì sự chống trả của anh lúc này mang nhiêu tính chất giãy giụa hơn là vùng vẫy. Kha ngồi lỳ một chỗ suốt từ lúc trận đánh kết thúc đến giờ không ăn, không uống, không cả đau đớn, mặc dầu vết thương của anh cũng khá sâu. Gần bốn mươi điểm tiêu thủy ở suờn Cô-Prêu đã bị những quả bom khoan địa tầng làm cho hoàn toàn trở thành vô dụng. Chúng nó không gãi cái đám lầy treo trên mặt nữa vì chắc là chúng rút kinh nghiệm ở TaBua LaBui. Lần này, chúng thọc hẳn xuống tầng sâu, điều mà Kha cho rằng với những vũ khí phá nổ đã biết, chúng không có khả năng làm được. Loại bom bảy tấn khoan sâu còn làm cho những hiểu biết của Kha về những mái trượt ở suờn Cô-Prêu trở nên rối loạn. Chúng nó đã làm lay động tất cả các mái trượt đó trong một lúc và tạo nên một thềm trượt khổng lồ chạy dọc sườn Cô-Tan. Thềm trượt đó sẽ lạnh lùng tuân theo định luật, không ngừng sụp đổ suốt ngày đêm, dù địch có đánh nữa hay không đánh nữa. Biện pháp dùng phá nổ hất trượt xuống chân đèo như ở TaBua LaBui mang áp dụng vào đây sẽ trở thành một trò đùa dớ dẩn. Cần phải có một giải phát toàn bộ trên cơ sở một tầm nhìn bao quát tất cả các yếu tố của khoa học giao thông.

        Tầm nhìn đó, Kha tự thấy mình chưa thể có được. Nhưng Kha không chịu, Kha vẫn tìm. Giãy giụa để tìm. ít nhất cũng phải trả lời được những câu hỏi trong cuộc họp do Bộ tư lệnh triệu tập trong vòng hơn một tiếng đồng hồ nữa, dù chỉ là nhũng câu trả lời thuộc loại bình thường. Kha tự hỏi: nếu như mảnh rốc-két lúc sáng không trúng vào cánh tay mà lại trúng vào ngực Kha thì những người còn lại sẽ làm gì ở cái đất Cô-Tan này ? Một điều chắc chắn là đội xung kích của Phưong Thảo sẽ lập tức trở thành đội quyết tử xông ra dùng phá nổ dồn đắp lại con đường. Với thuật nổ mìn hiện nay, phương Thảo có khả năng sử dụng hoàn toàn bằng phương pháp phá nổ để đắp đường, đầm nén mặt đường từ những chất liệu có dạng bùn. Nhưng với sự tàn phá của nước ngầm như hiện tại,con đường muốn sử dụng được thì phải liên tục gia cố bằng phá nổ, và như vậy cũng có nghĩa là phải dùng chất nổ để cõng từng chuyến xe qua, tốn kém vô chừng. Tất nhiên nếu đòi hỏi của chiến trường cấp bách quá, thì cũng vẫn phải làm, nhưng duy trì sự hoạt động bình thường của một con đường bằng cách đó thì không thể nào chịu đựng nổi. Đó là chưa kể đến cuộc tấn công thầm lặng nhưng cực kỳ quyết liệt của thềm trượt. Tuy Kha chưa tính được cụ thể nhưng có khả năng thềm trượt này hoạt động với một tốc độ rất lớn. Thềm trượt cấu tạo chưa rõ ranh giới, khối lượng như thế nào, nhưng chỉ như thế cũng đủ đáng lo ngại.

        Vậy thì trước cuộc tấn công thầm lặng này, đội quyết tử của Phương Thảo sẽ có thể chống trả bằng cách gì ? Lại phá nổ chăng? Không ổn. Vì đối với trượt, càng phá nổ nhiều, nó càng hoạt động càng mạnh. Kha bắt đầu thấm thía về sự tính toán của mình khi thiết kế con đường. Không hiểu tại sao Kha lại đưa cả một tuyến đường quan trọng thế này xuyên qua một vùng địa tạo phức tạp như vậy.

        Những người còn lại sẽ có thể làm được cái gì nữa trên thung lũng Cô-Tan? Nếu Mai Quế đã hoàn thành công trình thí nghiệm của mình và cho sản xuất hàng loạt loại hóa chất có khả năng làm đông kết bùn và kịp thời mang vào đây ứng dụng thì cũng vẫn còn lại vấn đề trượt. Sa lầy và sụp đổ. Làm thế nào để cứu vãn sự sụp đổ này? Ai trong số những người còn lại có khả năng cứu vãn sự sụp đổ đó. Đột nhiên Kha nghĩ đến Quang. Quang đúng là có nhiều kinh nghiệm hơn Kha trong lĩnh vực này, nhưng liệu Quang có thể làm được cái gì ở đây liệu Quang có dám nghĩ đến việc xử lý mái trượt khổng lồ này không ? Khó lắm! Sức người có hạn. Vả lại... Quang đang nằm bệnh viện... Kha không muốn nghĩ đến chuyện ấy nữa Như vậy, có thể nói, sự sụp đổ của thềm trượt Cô-Tan là không thể cứu chữa được. Điều đó không ai muốn, và xét đến cùng cũng chẳng do ai gây ra, đó là tại thằng địch. Cho nên, một ý nghĩ đột nhiên xuất hiện trong đầu Kha: tốt hơn hết là mở con đường khác.

        Ý nghĩ đó làm Kha nhẹ hẳn người. Và Kha thầm trách mình tại sao cái công thức cổ điển, cũ kỹ và thông thường thế mà không nghĩ ra ngay. Kha mở xà-cột lấy tấm bản đồ trải trước mặt. Không cần tốn nhiều thì giờ lắm. Kha cũng có thể vạch được một tuyến tránh mà bất kỳ ai nếu tán thành biện pháp không đi qua sườn lũng Cô-Tan cũng đều có thể nhất trí. Vì thực ra cũng không có lối đi nào khác ngoài lối vòng qua sườn Tây Bắc núi Chân Linh. So với đoạn đi qua Cô-Tan thì đoạn tránh này chỉ dài hơn độ một cây số. Về địa hình thì hoàn toàn giống nhau như một hình đối xứng có trục tâm là sống núi Chân Linh. Có một điều chắc chắn là những hoạt động của nước ngầm đều đe dọa đói với cả hai con đường, cách hạn chế duy nhất là nâng cốt của tuyến tránh lên cao hơn chút nữa.

        Còn vấn đề trượt, nếu địch cũng đánh như bên Cô- Tan thì khó có thể nói trước được tình hình sẽ như thế nào vì hiện tại chưa rõ những tài liệu tin cậy để xác minh điều đó. Chỉ biết, sườn Tây Bắc núi Chân Linh có độ dốc lớn hơn, nhưng lại có một ít rừng già che phủ. Với ngần ấy lập luận Kha tự thấy chưa đủ để thuyết phục mọi người, nhưng nếu thêm vào đấy sự bế tắc của Cô-Tan hiện tại thì chắc sẽ được chấp nhận. Kha lấy giấy bút phác qua một phương án thiết kế sơ bộ. Lát sau, gần đến giờ họp, Kha đứng dậy, mệt nhọc quay về động Chân Linh, nơi được chọn làm địa điểm dự phòng cho A2 khi tình hình Cô-Tan nên nghiêm trọng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 06:26:46 am »


CHƯƠNG VII

        Tư lệnh dừng lại ở cửa xe im lặng nhìn khu vực Cô-Tan một lúc, rồi quay sang chính ủy, Lâm Hồng Sơn:

        — Các cậu nên nhớ — Tư lệnh nói — chiến tranh là tàn phá. Muốn chiến thắng phải đè lên sự tàn phá mà đi. Biện pháp tránh chỉ là tạm thời. Nếu lúc nào cũng cứ loay hoay tìm đường tránh thì cuối cùng sẽ không còn chỗ nào để tránh nữa đâu.

        Chiếc xe rú ga, từ từ chuyển bánh. Chính ủy im lặng, nhìn theo mái tóc bạc của đồng chí tư lệnh khuất dần sau quãng đường vòng. Cứ mỗi lần nhìn mái tóc bạc đó, lòng chính ủy lại dâng lên một niềm thương kính da diết đối với cuộc đời của đồng chí tư lệnh, người anh cả của những tuyến đường...

        Tư lệnh đã làm việc ở Cô-Tan sáu tiếng đồng hồ liền. Vừa đến nơi, đồng chí đã xắn quần lội phăng ra giữa bãi lầy nhão nhoét, vốc từng nắm bùn lên xem, rồi trực tiếp đứng thị sát việc đo đạc những hố bom, bảy tấn. Đồng chí sử dụng khá thành thạo các máy đo địa chất và sự dịch chuyển của các lớp địa tầng. Tư lệnh còn có biệt tài trong việc phán đoán và mô tả những suy nghĩ và ý đồ đánh phá của địch thông qua nhũng vết tích để lại. Nhưng điều mà chính ủy thấy thấm thía nhất đối với tư lệnh là đồng chí rất hiểu mình, rất hiểu cán bộ và chiến sĩ của mình, rất hiểu lực lượng của mình : những cái đã có, những cái đang có và những cái sẽ có. Qua sáu tiếng đồng hồ làm việc ở đây, tuy đồng chí chưa có thể làm cho cục diện Cô- Tan thay đổi hẳn, nhưng đồng chí đã mở ra một phướng hướng phấn đấu rõ ràng để khắc phục tình hình. Trong cuộc họp vừa rồi, chính ủy biết tư lệnh không tán thành lắm những đề xuất mở tuyến tránh của Kha và một số cán bộ khác, nhưng tư lệnh không thẳng tay bác bỏ những ý kiến đó. Đến khi tư lệnh đắn đo và quyết định áp dụng một loạt biện pháp, trong đó có vấn đề mở tuyến tránh tạm thời, thì chính ủy hiểu là tư lệnh đã hết sức nén mình để chờ đợi một cái gì cao hơn, cơ bản hơn, mà hiện tại chưa có, nhưng ngày một ngày hai sẽ có. Những nhận xét này của chính ủy, trong một cuộc hội ý riêng với tư lệnh sau đó đã được đồng chí nói rõ hơn. Và lời căn dặn trước lúc lên xe càng thôi thúc chính ủy phải cố làm cho cái « sẽ có » ấy nhanh chóng trở thành hiện thục.

       
« Địch phá, ta sửa ta đi ,   
        Địch lại phá, ta lại sửa ta đi
        Tiến tới, địch phá, ta cứ đi »

        Khẩu hiệu đó có lẽ không một cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải nào không thuộc lòng, nhưng trong cuộc họp vừa rồi, trước một tình hình hết sức khó khăn như vậy, khi nghe đồng chí tư lệnh nhắc lại với tất cả sự kiên quyết từng trải của mình chính ủy chợt nhận ra những ý nghĩa mới của nó. Khẩu hiệu đó không những thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân ta quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm tược, mà nó còn là một danh ngôn tập thể hoàn toàn có thể xếp ngang hàng với những danh ngôn của các anh hùng chân chính trong lịch sử. Cứ mỗi lần gặp lại, mái tóc bạc của tư lệnh hình như lại trắng thêm một ít. Chính ủy đã ứa nước mắt khi nghe đồng chí nói : cả Trung ương cả Bác cũng hàng ngày, hàng giờ theo dõi công việc của chúng ta đây; cuộc chiến dẫn ở đây là biểu hiện rõ nhất, đầy đủ và tập trung nhất tình cảm của miền Bắc đối với miền Nam, của đảng viên đối với Đảng, cửa đoàn viên đối với Đoàn; đồng thời cũng biểu hiện đầy đủ và tập trung cao độ lòng căm thù của dân tộc ta đối với đế quốc Mỹ...

        «Hãy làm đi, đừng bàn bạc quá nhiều, nhưng phải biết bắt đầu công việc của mình từ chỗ nào — Tư lệnh đã ân cần nói với các cán bộ như vậy — Muốn mở đường trên lãnh thổ của Tổ quốc, trước tiên phải mở đường ở trong ý chí của dân tộc, ở trong ý chí của mỗi người. Một khi dân tộc ta đã quyết lâm « xẻ dọc Trường Sơn đ cứu nước » thì dân tộc ta sẽ sản sinh ra những người có đủ ý chí và sức mạnh để làm việc đó và sẽ làm được việc đó ». Và tư lệnh đã nhìn thẳng vào chính ủy, hỏi: « ở đây, ai là người có khả năng tìm được cách mở đường vượt qua Cô-Tân? Vượt qua chứ không phải là tránh, vì đoạn đường tránh ở đây cũng không có gì chắc chắn hơn, không nên đặt nhiều hy vọng vào nó mà chỉ nên coi là biện pháp cấp cứu tạm thời, cũng như một số biện pháp khác mà thôi !». Trong khi chính ủy chưa kịp trả lời thì tự lệnh đã ôn tồn nói tiếp : « Các cậu đã tung ra tất cả lực lượng kỹ thuật của mình rồi mà vẫn chưa làm được thì bây giờ các cậu phải tiếp tục xem xem trong đội ngũ của mình có còn khả năng nào nữa không. Như vậy là trên một ý nghĩa nào đó thì chính là các cậu phải làm, đó là sứ mạng lịch sử của đảng bộ ở đây mà Trung ương đã giao phó. Chúng ta không tự tay làm được tất cả, nhưng chúng la có nhiệm vụ và khả năng tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân làm được tất cả. Tất cả, không loại trừ cái gì!» Tư lệnh khẳng định ý sau cùng của mình bằng những lời dứt khoát như vậy. Ngay lúc đó, một ý nghĩ từ lâu vẫn đeo đuổi dai dẳng trong sự cân nhắc thận trọng của chính ủy, vụt trở nên sáng rõ và thu hút mọi suy nghĩ của chính ủy vào đấy : Quang!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2020, 07:48:38 am »


        Có mặt ở đây ngay từ những buổi đầu bạt gốc, trốc đá mở đường, chính ủy đã chú ý đến Quang và có cảm tình đặc biệt với chàng thảnh niên lầm lỳ ít nói nhưng rất trung thực đó. Trong con mắt đã từng đọng lại nhiều số phận khác nhau của mình, chính ủy sớm nhận ra Quang chính là con đẻ của những tuyến đường đầy gian lao vất vả của đất nước, những tuyến đường mà nền móng của nó được xây đắp bằng xương khô và máu tươi, bằng mồ hôi nước mắt, bằng đoàn tụ và chia ly, bằng sự kiên nhẫn của những hạt cát làm nên bãi biển và bằng cả tình thương trĩu nặng của nhiều thế hệ đã chuẩn bị và giao phó cho những người như Quang cái sứ mệnh bảo vệ và phát triển con đường ấy. Trong những giờ phút như hiện nay, sự vắng mặt của Quang là một thiếu thốn lớn đối với cuộc chiến đấu ở đây. Tuy chưa biết Quang có thể làm được những gì ở Cô-Tan ở lúc này, nhưng chính ủy mỗi lúc một cảm thấy rằng những công việc đó nếu có Quang sẽ có thể yên tâm hơn. Sau khi nghe đòng chí tư lệnh chỉ thị, chính ủy đã định trình bày những ý nghĩ đó của mình ra, nhưng do một sự thận trọng đã trở thành tập quán, chính ủy lại đắn đo và tự nhủ : làm đã, rồi hãy nói.

        Trở về đến động Chân Linh, chính ủy đi thẳng vào bàn điện thoại. Sau khi gọi dây nói báo cho Phương Thảo trở về A2 gấp, chính ủy bước vào chỗ làm việc của thủ trưởng Đức. Bằng một giọng nhiệt thành, phản ánh một sụ tin tưởng sâu sắc đối với những suy nghĩ của mình, chính ủy trao đổi với thủ trưởng Đức về sự cần thiết phải đưa Quang về tuyến cáng sớm càng tốt nhưng phải kín đáo, tự nhiên, để khỏi gây nên nhũng khó khăn trong nội bộ. Cuối cùng, chính ủy nhìn hai gò má hốc hác của thủ trưởng Đức, mỉm cười:

        — Chắc, bây giờ anh đã hiểu tại sao tôi lại đề nghị anh cho kỹ sư Nhơn làm việc với tôi một thời gian rồi chứ? Nhơn mới ra trường, kinh nghiệm chưa có mấy, nhưng Nhơn là người trung thục, Nhơn chỉ có một ý muốn là mở đường về giải phóng quê hương. Tôi cần cái kỹ thuật của những người như thế. Nhơn đã giúp tôi được nhiều trong việc nghiên cứu những tài liệu khoa học của đoạn đường qua Cô-Tan. Nhưng điều quan trọng nhất là Nhơn đã giúp tôi hiểu rõ hơn thực chất giá trị của những cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật, đã góp phần nung nấn nhũng ý nghĩ mà tôi vừa trao đổi với anh.

        Chính ủy dừng lại một chút, rồi tiếp:

        — Theo tôi nghĩ, trong cuộc đọ sức ở Cô-Tạn hiện nay, chúng nó đã tập trung cao độ tất cả sức mạnh hiện có của chúng — trừ bom nguyên tử — để đánh chúng mình, nếu chúng mình không có khả năng tập trung được cao độ toàn bộ sức mạnh của chúng mình ra chống trả thì bản chất của hai bên chưa bộc lộ, mà chúng tla lại rất cần sự bộc lộ đó, vì một khi đã làm bộc lộ được bản chất thì cũng có nghĩa là ta đã thắng. Quân ăn cướp chúng rất sợ điều đó. Anh nghĩ thế nào ?

        Thủ trưởng Đức im lặng một lúc, rồi lật cuốn sổ của mình ra, lấy một tờ giấy gấp nhỏ đưa cho chính ủy :

        — Tòi vừa mới nhận được.

        Chính ủy Lâm Hồng Sơn mở ra xem. Vừa nhìn thấy những dòng chữ trên đầu trang giấy, anh đã tỏ vẻ vui mừng và cắm cúi ngồi dọc. Quả thục, lá thư đến với anh như một điều may mắn bất ngờ:

        «... Các anh thông cảm cho tôi nhé! và các anh cũng đừng nghĩ gì về việc Phương Thảo và Đính viết thư cho tôi. Thắng lợi TaBua LaBui là một điều đáng mừng đối với bạn tôi. Nhưng tôi e rằng sự việc ở Cô-Tan sẽ không diễn ra như thế đâu. Rất tiếc là chúng ta không bắt gọn được cái đám biệt kích hôm đó. Trước lúc tôi bị thương, tôi trông thấy rất rõ một thằng Mỹ trà trộn trong đám biệt kích. Cậu Ngàn nhà ta đã bắn trúng nó nhưng lúc bọn chúng khiêng nó đi nó vẫn luôn mồm gọi vào máy. Nó nói những gì tôi không biết, nhưng tôi ngờ là nó cũng làm cái việc như tôi: khảo sát địa chất. Nếu điệu phán đoán đó là đúng thì các anh hãy tin ở tôi: vùng Cô-Tau nhất định sẽ phải chịu đựng sự tàn phá khó có thể lường được;

        Tất nhiên các anh đã có kế hoạch đối phó, nhưng tôi tự thấy mình có nhiệm vụ phải báo cáo lại với các anh như vậy. Vết thương của tôi đã khỏi tới 90%, Tôi mong, được ra viện quá. Được ra. tôi sẽ về tuyến ngay. Nhưng khi qua Hàm Rồng, xin báo cáo với các anh cho tôi dừng lại thăm bố tôi vài giờ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 07:24:38 am »

       
        Ngày ở bệnh viện dài không thể tả được. Chỉ có đọc sách là đỡ chán. Nhưng ác nỗi là các y sĩ ở đây khôpg cho đọc sách kỹ thuật, họ bảo như thế là vẫn làm việc chứ không phải chữa bệnh. Do đó, chỉ được đọc truyện, hoặc một số sách về khoa học xã hội khác. Một hôm tình cờ, tôi đọc một cuốn cổ sử của ta, trong đó có một đoạn nói về động Chân Linh. Có thể nói là tôi mê cái đoạn sử đó không biết chừng nào, vì mạc dầu cách mô tả của người xưa chứa đầy những điều thần bí, nhưng tôi vẫn nhận ra một cách hết sức rõ ràng những hiện tượng khoa học ở trong đó. Không biết có nên kể ra đây làm mất thì giờ của các anh không? Nhưng các anh cho phép tôi kể nhé ! Tôi chit tóm tắt những điểm có liên quan đến công việc của chúng ta ở Cô-Tan thôi. Sử chép rằng « Động Chân Linh ở nguồn Chân Linh lưng dựa vào núi xanh,  mặt kề sóng biếc, Cửa động nhỏ hẹp chỉ vừa một con thuyền; trong động dần đàn mở rộng... Đi phỏng vài dặm, hiện ra một lỗ hổng, trời đất sáng sủa, mặt trời mặt trăng chiếu soi... Đá lớn bằng phẳng 'như bàn cờ, xung quanh toàn đá như đẽo; có những dấu vết lấm tấm, hoặc như đồng tiền như sợi tóc, hoặc như hình người, hoặc như chuỗi ngọc, nước lặng biếc như mắt tăng, đá xanh đậm như đầu phật... Tương truyền ở cửa động có một hộp vàng chìm dưới đáy nước, có một thuật sĩ muốn lấy...

        ... Xưa có Chân Linh tiên nữ ở trong động, lại có một vị tăng tinh thông pháp thuật, một hôm trai tăng đến núi múa kiếm chém bụng núi, chặn chân núi; tiên tử bèn chạy đến phường Phúc Lâm, vị tăng cũng chạy theo rồi hai người đều hóa đá ở trên núi... Ở sườn núi này có chỗ đá như bị cắt, tục nói đấy là vết kiếm chém của vị tăng, ở chân núi có chỗ lõm vào, tục nói đấy là vết kiếm chém của vị tăng chặt chân núi. Về phía Tây bắc núi, bậc đá mở ra một cái hang, trong hang có thờ Chân Linh tiên nữ, khi hạn hán cầu đảo thường được ứng nghiệm... »

        Các anh đã thấy chưa ?

        Đoạn sử, mà tôi lược trích trên đây cũng có thể coi như một bản báo cáo khá đầy đủ về tình hình địa chất rất phức tạp ở vùng này. Ở đây là núi đá vôi Đề-von, hoạt động nước ngầm của các hang Kacstơ khá mạnh, có hiện tượng chảy rối xen lẫn với chảy tầng. Thành phần hóa học của nước ngầm ở những chỗ ngưng đọng có biểu hiện qua pyrít sắt hoàn nguyên nên có màu xanh như «mắt tăng». Về mặt kiến tạo thì thật là rõ ràng một cách kỳ lạ. «Trai tăng đã chém bụng núi, chặt chân núi», đó chính là cái khe nứt lớn trên sườn đỉnh Chân Linh và cái vết hẫng ở phía trên tầng đồi tích. Đọc đoạn này tôi mới chợt nhận ra rằng ở đây có một thềm trượt cổ khổng lồ đã hình thành trong một quá trình hoạt động kiến tạo cực mạnh, đến nỗi, tiên tử và vị tăng phải chạy đến tận phường Phúc Lâm và «hóa đá » ở đấy. Đọc sử thật là thú vị và bổ ích. Tôi đang dành hầu hết số thời gian còn lại ở bệnh viện để làm một bàn giải trình tỉ mỉ về phương diện địa chất đối với đoạn sử độc đáo này và hy vọng nó sẽ có thể bổ sung được nhiều điều có ích cho những bản báo cáo điều tra vội vã của tôi; và điều quan trọng nhất là tất cả những cái đó sẽ có lúc chúng ta phải dùng đến trong cuộc chiến đấu ở Cô-Tan sắp tới...».

        Đọc xong, chính ủy Lâm Hồng Sơn thong thả gấp lá thư lại, đặt lên bàn.

        Sau mấy phút im lặng, chính ủy ngước nhìn thủ trưởng Đức, khe khẽ nói, có vẻ xúc động:

        — Chúng ta bắt đầu phải đuổi theo bọn họ rồi đấy !

        Hình như thủ trưởng Đức cũng tâm đúc điều đó nên sau khi nghe chính ủy nói, anh mỉm cười gật đầu:

        — Tôi cũng đã có lúc nghĩ thế... Nhưng chúng ta cũng tự hào vì đã góp phần đào tạo nên cái thế hệ đang vượt qua chúng ta.

        Như một sợi đây vô hình, là thư của Quang đến đúng lúc, đã góp phần thắt chặt thêm sự nhất trí và lòng quyết tâm vượt qua Cô-Tan của hai cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhất của tuyến đường 27
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM