Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:04:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13613 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2020, 10:50:18 am »


        "Tôi đã phản ánh với những người hoạch định chính sách," Phạm Xuân Ẩn nói. Ông muốn Việt Cộng ngừng tấn công những ấp chiến lược của Phillips, nhưng tôi có thể nhận ra từ cái nhún vai của Phạm Xuân Ẩn rằng sự can thiệp của ông đã thất bại. "Tôi cảm thấy xót xa khi nhìn thấy những người bị giết, cả người Mỹ nữa," ông nói. "Họ đều rất trẻ và vô tội. Số phận con người thật nghiệt ngã. Chúng ta không biết chúng ta là anh em hay kẻ thù nữa. Chỉ có Chúa mới có thể trả lời câu hỏi này, nhưng từ trước đến giờ Người vẫn từ chối trả lời. Vấn đề là thế đấy."

        Khi từ vùng nông thôn trở về, Phạm Xuân Ẩn thấy đứa con trai bốn tuổi của ông đang khóc ỉ eo và hờn dỗi. "Tôi cho ngay nó một cái tát vào mặt. Lúc đó tôi nghĩ đến những con người tội nghiệp đã chết và lũ trẻ trong cái làng đó còn không đủ ăn. Chúng thậm chí còn không có lấy một cái bát sành. Chúng ăn bằng những cái bát vỏ dừa, còn con trai tôi đang ở đây, ở trong một ngôi nhà tiện nghi, với một chiếc giường ấm áp sạch sẽ, vậy mà nó vẫn còn khóc lóc. Tôi chỉ muốn lần sau đưa nó đi cùng mình ra chiến trường, cho nó thấy cảnh giết chóc cùng với máu đổ và những người nông dân nghèo bị giết. Vợ tôi sợ như thế nó sẽ không chịu được. 'Cho nó xem đám tang thôi,' bả nói, 'đừng để nó thấy máu'."

        Bốn tháng sau khi Sean Flynn mất tích, Phạm Xuân Ẩn  tham gia nỗ lực giải cứu đồng nghiệp của mình là Robert Sam Anson, người bị bắt ở Campuchia tháng 8 năm 1970. Anson là một nhà báo 25 tuổi đã đến Sài Gòn từ năm trước. Anh đã để lại người vợ và hai đứa con nhỏ ở Singapore để nhập hội cùng năm phóng viên khác của Time tại Sài Gòn nhằm phản ánh cái mà anh gọi là "câu chuyện nguy hiểm, thú vị, hấp dẫn và lớn nhất trong tất cả". Một thời gian ngắn sau khi đến nơi, Anson kết luận rằng "cuộc chiến tranh tại Việt Nam thật tàn bạo và vô đạo đức". Đó là một cuộc "chiến tranh xâm lược tội lỗi kiểu thực dân mới". Chẳng có lợi lộc gì lại đi đăng những quan điểm như vậy, nên Time trục xuất Anson khỏi văn phòng Sài Gòn và tống anh sang phụ trách mảng Campuchia - một vị trí khó khăn, một nhánh nhỏ nguy hiểm của cuộc xung đột chính. Anson lại nhanh chóng phản đối một cuộc chiến khác mà anh thấy là còn tàn bạo và vô nghĩa hơn cả cuộc chiến tại Việt Nam.

        Trong một hành động can đảm phi thường, Anson cố ngăn chặn một vụ thảm sát ở một làng thuộc tỉnh Takeo của Campuchia. Hai trăm dân thường Việt Nam đã bị người Campuchia dồn lại và tống vào một trại cải tạo, nơi họ sẽ bị giết. Hàng ngày Anson đều lái xe ra để kiểm tra tình hình các tù nhân Việt Nam. Anh ngăn chặn được vụ thảm sát trong vài ngày, nhưng một buổi sáng anh đến nơi thì đã nhìn thấy một đống những xác chết đẫm máu, trong đó vẫn còn vài đứa trẻ thoi thóp thở. Khi Anson bị bắt sau đó, chính những lời kể của Phạm Xuân Ẩn  về hành động tốt đẹp của anh ở Takeo đã thuyết phục được những người cộng sản trả tự do cho anh.

        Sau ba tuần bị bắt giữ, Anson được tặng một đôi dép Bác Hồ như một món quà chia tay và trả tự do. Anh tìm đường quay trở lại Sài Gòn và lao sầm vào văn phòng Time để ôm chặt lấy Phạm Xuân Ẩn thay lời cảm ơn. Phải đến 18 năm sau Anson mới biết chắc chắn rằng chính Phạm Xuân Ẩn đã cứu mạng mình, nhưng vợ của Anson đã cầu xin Phạm Xuân Ẩn giúp đỡ, và ông đã hứa làm những gì có thể - một lời hứa nguy hiểm, mang hàm ý ông có thể làm điều gì đó. "Tôi rất mềm lòng khi thấy phụ nữ và trẻ em đang khóc lóc," Phạm Xuân Ẩn thừa nhận. Năm 1988, khi Anson đến thăm Phạm Xuân Ẩn tại Việt Nam, anh đã hỏi: "Tại sao anh lại cứu tôi, nếu như anh đúng là kẻ thù của đất nước tôi?" Phạm Xuân Ẩn trả lời: "Đúng, tôi là kẻ thù của đất nước anh, nhưng anh là bạn tôi." Đến tận ngày hôm nay, Anson vẫn làm việc với một bức ảnh của Phạm Xuân Ẩn trên bàn mình.

        Zalin Grant, cộng tác viên của Time từng làm trong tình báo quân sự, khẳng định răng Phạm Xuân Ẩn là "trường hợp được biết đến đầu tiên về một điệp viên cộng sản xuất hiện trên danh sách nhân viên của một ấn phẩm lớn tại Mỹ với tư cách phóng viên". Điều này có thể là đúng, nhưng từ lâu nay Time vẫn là một ngôi nhà ấm cúng cho các điệp viên, và trong danh sách phóng viên, biên tập viên mà Time Inc. đã liệt kê có nhiều điệp viên tình báo. Ví dụ như có lần tờ tạp chí đã cử một viên trưởng đại diện kỳ cựu của mình đi giúp CIA tiến hành một vụ đảo chính quân sự. Ngay từ khi mới hình thành, Time đã ấp ủ một lập trường ủng hộ nước Mỹ để từ đó biến tờ tạp chí này thành một người cổ súy cho những cuộc phiêu lưu quân sự trên khắp thế giới. Điều này thỉnh thoảng lại dẫn đến những hình thức hỗ trợ cụ thể hơn, tiêu biểu như việc tờ tạp chí cung cấp vỏ bọc cho các điệp viên CIA và trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch bí mật. Time thường xuyên đăng tải những gì mà tờ tạp chí này biết là thông tin và luận điệu tuyên truyền đánh lạc hướng, bất kỳ khi nào những thứ này phục vụ cho cái mà tờ tạp chí xem là lợi ích của nước Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2020, 05:11:22 pm »


        "Chiến tranh thế giới thứ ba đã bắt đầu," Henry Luce tuyên bố tháng 3 năm 1947. "Nó đã ở trong giai đoạn đụng độ khai mào." Ông ta kêu gọi thiết lập một đế chế Mỹ sẽ "thống trị thế giới về quyền lực chính trị, được dựng lên một phần thông qua ép buộc (có thể là bao gồm cả chiến tranh, nhưng chắc chắn nhất vẫn là đe dọa sử dụng chiến tranh) và trong đó một nhóm người... sẽ nắm giữ nhiều quyền lực hơn bình thường". Hỗ trợ Luce trong cuộc thập tự chinh này là cánh tay phải của ông ta, Charles "C.D." Jackson. Luce tán tụng Jackson là "một trong những chuyên gia quan trọng nhất về chiến tranh tâm lý". Được thuê làm trợ lý riêng của Luce năm 1931, Jackson từng làm việc cho oss trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông là chuyên gia về chiến tranh tâm lý của Eisenhower tại châu Âu, và đã giúp dẫn dắt cho sự ra đời của CIA. Khi quay trở lại làm việc cho Luce, Jackson được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của Time-Life International, với đội ngũ nhân viên 900 người ở 16 nước trên khắp thế giới, và xuất bản cả Fortune lẫn Life.

        Các nhân viên tình báo khác từng làm việc cho Time Inc. bao gồm Dick Billings, một nhà văn trong biên chế của Life, người đã có thời gian ở Cuba tìm cách lật đổ Fidel Castro, và William McHale, cựu trưởng văn phòng đại diện của Time tại Beirut và Rome, người giúp tiến hành vụ đảo chính quân sự tại Iraq năm 1963 dẫn đến kết cục là đưa Saddam Hussein lên nắm quyền. McHale được cho là đã đóng góp một danh sách những cái tên, bao gồm các giáo sư, bác sĩ, và những thành viên tầng lớp trung lưu khác tại Iraq, những người bị tra tấn và thủ tiêu sau vụ đảo chính của các thành viên đảng Bath. Time cung cấp vỏ bọc cho trưởng văn phòng địa bàn đầu tiên của CIA tại Paris, Philip Horton, và trưởng văn phòng đại diện tại Paris (của Time) Enno Hobbing cũng làm việc cho CIA. Cục tình báo Mỹ đã chuyển Hobbing tới Guatemala năm 1954 để chỉ huy một vụ đảo chính chống lại Jacobo Arbenz, vị tổng thống được bầu lên của Guatemala. Hobbing tiếp tục phục vụ một nhiệm kỳ nữa trên cương vị phóng viên tại văn phòng Washington của Life.

        Henry Luce nhiệt thành ủng hộ sáng kiến được CIA triển khai năm 1948 được gọi một cách không chính thức là Chiến dịch Chim nhại, với nhiệm vụ tập trung luận điểm tuyên truyền của chính phủ vào những tờ báo, tạp chí, sách và truyền hình trong nước. Được miêu tả bởi người sáng lập Frank Wisner như một "cây đàn Wurlitzer1 hùng mạnh" - một cây đại phong cầm tuyên truyền không lồ - chiến dịch này có những xúc tu vươn ra khắp thế giới. Hugh Wilford, tác giả cuốn Cây đàn Wurlitzer hùng mạnh: CIA thao túng nước Mỹ như thế nào (The Mighty Wurlitzer: How the CIA Played America), viết rằng mối quan hệ giữa Time và CIA khăng khít đến nỗi "khó có thể nói rạch ròi đến đâu thì kết thúc tình báo hải ngoại của đế chế Luce và bắt đầu mạng lưới của CIA".

        Những hoạt động của Wisner lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng trong các cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ năm 1975 dưới sự chủ trì của Thượng nghị sĩ Frank Church. Những cuộc điều trần này cũng làm sáng tỏ những âm mưu của Lansdale nhằm ám sát Fidel Castro và các chiến dịch đen tối khác của CIA. Những kết luận của ủy ban Church, đăng tải trong một báo cáo đồ sộ năm 1976, tiết lộ rằng một phần ngân sách của CIA dành cho các chiến dịch bí mật được dùng vào hoạt động tuyên truyền toàn cầu. Khoảng 3.000 nhân viên được trả lương và nhân viên hợp đồng của CIA tham gia hoạt động này, vào thời điểm đó tiêu tốn 265 triệu đô la một năm, khiến cho "ngân sách tuyên truyền của CIA lớn bằng ngân sách của Reuters, United Press International, và Associated Press cộng lại".

        Trong những năm 1950, CIA thực hiện một chương trình chính thức nhằm biến điệp viên thành những nhà báo. Các điệp viên được "dạy cách gây tiếng vang giống như các phóng viên", một quân chức giải thích, trước khi được tung vào một loạt các phương tiện truyền thông. Carl Bernstein, nổi tiếng với vụ Watergate, viết năm 1977 rằng "hơn 400 nhà báo Mỹ... trong vòng 25 năm qua đã bí mật thực hiện các điệp vụ cho Cục Tình báo Trung ương." Tờ The New Yorker tiếp nối bài báo của Bernstein bằng một phóng sự điều tra của riêng mình, trong đó nhân đôi số lượng phóng viên - điệp viên lên thành 800 người, gồm cả phóng viên James Reston của Time và người phụ trách chuyên mục chung Joseph Alsop, những bài viết của nhà báo này được đăng trên 300 tờ báo. CIA cũng tài trợ cho khoảng một nghìn cuốn sách được xuất bản mỗi năm.

        Những đầu mối truyền thông chứa chấp các điệp viên kiêm phóng viên này bao gồm cả những tờ báo và mạng lưới truyền hình quan trọng nhất nước Mỹ. CIA nhận được sự hỗ trợ từ William Paley ở CBS (chủ tịch phụ trách tin tức của hãng này có đường dây điện thoại nối trực tiếp tới CIA) và Arthur Hays Sulzberger ở tờ New York Times (người đã ký một thỏa thuận bí mật với Cục và cung cấp vỏ bọc cho ít nhất mười sĩ quan  CIA). Bernstein viết rằng giám đốc CIA Allen Dulles "thường nhờ vả người bạn thân của mình, Henry Luce quá cố, người sáng lập hai tạp chí Time và Life, người luôn sẵn sàng cho phép một số nhân viên của mình làm việc cho Cục và đồng ý tạo công ăn việc làm cũng như vỏ bọc cho các điệp viên CIA khác còn thiếu kinh nghiệm báo chí".

        "Các phóng viên có thể phục vụ trong đủ các loại hoạt động bí mật," Bernstein nói, "từ việc thu thập tin tình báo thông thường cho đến đóng vai trò trung gian với điệp viên tại các nước cộng sản. Các phóng viên chia sẻ những ghi chép của họ với CIA. Các biên tập viên thì chia sẻ nhân viên của mình. Một số phóng viên này là những người giành giải Pulitzer... Hầu hết còn lại thì không được vẻ vang bằng: những phóng viên thường trú nước ngoài nhận thấy rằng mối liên hệ với CIA sẽ có ích cho công việc của mình; những cộng tác viên và phóng viên tự do quan tâm đến sự mạo hiểm của nghề tình báo như trong việc săn tin bài, và, loại nhỏ nhất, là những nhân viên CIA thực thụ đóng giả làm nhà báo ở nước ngoài." ít nhất là 22 tổ chức tin tức của Mỹ có thuê các nhà báo CIA, và hơn một chục nhà xuất bản của Mỹ in những cuốn sách được Cục tình báo Trung ương trợ cấp. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn năm 1976 là ông ta đã bao giờ chỉ đạo cho các phóng viên phải viết gì chưa, giám đốc CIA William Colby trả lời: "Ồ, có chứ, lúc nào chẳng thế".

------------------------
        1. Wurlitzer: thương hiệu của một công ty Mỹ chuyên sản xuất nhạc cụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2020, 05:12:11 pm »

         
TẾT

        Một điều lạ lùng xảy ra khi tôi gọi điện cho các nhà báo đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn để nói chuyện về ông. Họ nhớ về ông một cách đầy quý mến và coi ông là một trong những người bạn Việt Nam tốt nhất của họ, chỉ có điều họ không nhất trí về việc con người ông là như thế nào. Một người nhớ rằng ông ăn mặc tồi tàn và hơi nhếch nhác, với kiểu ho khan và không có sự phong nhã trong giao tiếp xã hội. Những người khác lại nhớ đến ông là một người lịch lãm tinh tế, dễ dàng đánh lừa họ với câu chuyện về việc mình là con trai của một địa chủ giàu có ở châu thổ sông Mê Công. Kẻ bảo ông cao ráo. Người nói ông thấp bé. Ông là một người vạm vỡ, khỏe mạnh hoặc là một bóng ma mắc bệnh lao. Như nhân vật Zelig của Woody Allen, Phạm Xuân Ẩn lẻn vào bức tranh tại mọi thời điểm quan trọng  trong lịch sử Việt Nam suốt 60 năm qua. Ông có mặt ở đó trong trận Ấp Bắc, cuộc khủng hoảng Phật tử, vụ ám sát Ngô Đình Diệm, sự sụp đổ của Sài Gòn. Ông chứng kiến những sự kiện lịch sử này từ một khoảng cách, đứng tách ra khỏi trung tâm. Ông lởn vởn ở rìa khung, bình luận về khung cảnh, với một nụ cười châm biếm hiện trên khóe miệng. Nhưng chính xác thì Phạm Xuân Ẩn làm gì trong chiến tranh?

        Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Phạm Xuân Ẩn lại trở thành tâm điểm trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, một cuộc tấn công đồng loạt vào hơn một trăm thành phố và đô thị của miền Nam Việt Nam cùng những mục tiêu khác trong thời gian ngừng bắn mừng năm mới vào tháng 1 năm 1968. Kế hoạch của cuộc tấn công đã bắt đầu từ hai năm trước đó, khi người chỉ huy mạng lưới tình báo của Phạm Xuân Ẩn, một thiếu tá 41 tuổi chỉ được biết đến qua bí danh là Tư Cang, đã đi từ ngoài cứ vào Sài Gòn. Tư Cang là một lãng tử nổi tiếng, một người đàn ông sôi nổi, niềm nở, người luôn giắt theo một cặp súng ngắn K-54 và có thể bắn trúng một mục tiêu cách 50 mét bằng cả tay trái lẫn tay phải, vốn là một học sinh xuất sắc tại trường lycée của Pháp ở Sài Gòn, Tư Cang đã sống bí mật dưới các địa đạo Củ Chi nhiều năm đến nỗi khi quay trở lại Sài Gòn năm 1966 ông đã quên mất cả cách mở cửa xe ô tô. Phạm Xuân Ẩn thay đôi dép cao su đi rừng của Tư Cang bằng đôi giày mới và mua cho ông một bộ quần áo. Ngay sau đó hai người lái xe đi vòng quanh thành phố trong chiếc Renault 4CV bé tí của Phạm Xuân Ẩn như hai người bạn cũ.

        Giả vờ như đang tán gẫu về chó và gà, kỳ thực là họ đang ngắm nghía các mục tiêu cho Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Tư Cang để xuất đánh kho bạc để kiếm ít tiền. "Ở đấy họ chỉ phát lương thôi," Phạm Xuân Ẩn bảo ông. Một mục tiêu tốt hơn sẽ là tòa án, nơi rất nhiều vàng đang được lưu giữ làm bằng chứng trong vụ xét xử những băng đảng buôn lậu và trộm cắp của miền Nam Việt Nam. Ông khuyên Tư Cang mang theo một chiếc đèn đốt bằng khí axêtylen.

        Tư Cang và Phạm Xuân Ẩn chọn ra 20 mục tiêu ở Sài Gòn, gồm cả Dinh Độc Lập và Đại sứ quán Mỹ. Bắt đầu lúc 2 giờ 48 phút sáng ngày thứ Tư, 31 tháng 1, đích thân Tư Cang chỉ huy cuộc tấn công vào Dinh, nơi 15 trong tổng số 17 thành viên trong đội của ông hy sinh ngay lập tức. Bản thân ông chỉ kịp thoát sang căn hộ gần đó của Tám Thảo, nơi ông nổ súng ra ngoài cửa sổ và sau đó ẩn nấp với hai khẩu súng ngắn gí sát đầu, quyết tâm tự sát trước khi bị địch bắt. Khi binh lính chạy rầm rầm vào căn hộ, Tám Thảo thuyết phục chúng rằng bà là một người trung thành với Nam Việt Nam và có lẽ thậm chí còn là nhân tình của viên sĩ quan Mỹ - sếp của bà - bức ảnh của người này được bà treo rất nổi bật. Cuối buổi sáng hôm đó, Tư Cang và Phạm Xuân Ẩn lái xe quanh thành phố, đếm thi hài những chiến sĩ Việt Cộng đã hy sinh trong cuộc tấn công. (Để tuyên dương công trạng của hai người trong trận đánh, hai khẩu súng ngắn của Tư Cang và chiếc xe Renault của Phạm Xuân Ẩn hiện đang được trưng bày trong bảo tàng tình báo quân sự Bộ Quốc phòng tại Hà Nội. Hiện vật trưng bày gồm cả chiếc máy ảnh Canon Reflex mà Phạm Xuân Ẩn đã dùng để chụp ảnh các báo cáo và tài liệu mật của mình. Cũng được trưng bày tại đây là một trong bốn bộ vest mà Đảng Cộng sản mua cho Phạm Xuân Ẩn khi ông sang Mỹ).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2020, 05:12:32 pm »


        Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, dưới sự chỉ huy của tướng Trần Văn Trà - là một đòn tấn công đồng loạt của 80.000 chiến sĩ cộng sản vào các mục tiêu trải khắp miền Nam Việt Nam. Ngoài việc chiếm giữ kinh thành Huế trong ba tuần, cuộc tổng tấn công nhanh chóng bị dập tắt, và không bao giờ dấy lên được cuộc tổng nổi dậy mà nó định tạo ra theo kế hoạch ban đầu. "Sau đó Mỹ triển khai Chương trình Phượng hoàng, tỏ ra cực kỳ hữu hiệu trong việc thủ tiêu hàng nghìn đảng viên cộng sản Việt Nam và vô hiệu hóa phong trào đối lập ở miền Nam." Khi cuộc chiến kéo dài thêm bảy năm sau đó, sức chiến đấu chủ yếu trong các trận đánh sẽ ngày càng dồn nhiều vào lực lượng chủ lực từ miền Bắc.

        Bất chấp những thất bại của nó, Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 vẫn là một chiến công chói lọi. Cuộc tấn công đã làm rúng động dư luận Mỹ và giáng một đòn tâm lý nặng nề vào quân đội Mỹ. Tháng 3 năm 1968, Lyndon Johnson từ bỏ cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống và ngừng một phần việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Đến tháng 5, các cuộc đàm phán hòa bình Paris diễn ra, bắt đầu các phiên đàm phán kéo dài và kết thúc bảy năm sau đó với việc Mỹ bỏ chạy hỗn loạn khỏi Việt Nam. Chỉ khi các bức điện được công bố sau chiến tranh, chúng ta mới biết được rằng các tư lệnh Mỹ đã cân nhắc phương án sử dụng vũ khí hạt nhân và chiến tranh hóa học để phản công. Tướng Earle "Bus" Wheeler, cựu giảng viên toán tại West Point, khi đó là chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã đánh điện cho tướng William Westmoreland, cựu hiệu trưởng West Point và là tư lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam, hỏi xem có nên "sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật không". Ông ta yêu cầu Westmoreland liệt kê một danh sách các mục tiêu "có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân". Westmoreland tham mưu là không nên dùng bom nguyên tử, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, mặc dù ông ta bảo đảm với cấp trên rằng mình sẽ ghi nhớ ý tưởng đó trong đầu. "Tôi hình dung rằng hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc các chất độc hóa học sẽ là những phương án dự bị để triển khai," Westmoreland điện cho Wheeler.

        Bất chấp những lời bảo đảm điềm đạm mà Westmoreland công khai đưa ra tại thời điểm dó, ông ta thực sự bị rúng động bởi Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. "Xét từ một quan điểm thực tế, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng đối phương đã giáng cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa một đòn nặng nề," ông ta đánh điện cho Wheeler. "Họ đã đưa chiến tranh đến các thị xã và thành phố, đồng thời gây ra thiệt hại và thương vong cho dân chúng. Nhà cửa đã bị phá hủy, việc phân phối hàng hóa nhu yếu phẩm bị cắt đứt. Các tuyến thông tin liên lạc bị hư hại và nền kinh tế bị tàn phá. Tình trạng thiết quân luật đã được áp dụng kèm giờ giới nghiêm chặt chẽ tại các thành phố. Người dân đã cảm nhận trực tiếp tác động của chiến tranh." Trong một bức điện khác gửi Wheeler, Westmoreland thú nhận rằng Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã giúp cộng sản giáng "một đòn tâm lý, có lẽ vào Washington còn nặng nề hơn vào Nam Việt Nam".

        "Kế hoạch ban đầu là giải phóng toàn bộ miền Nam chỉ trong một đợt," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi nghi ngờ việc có thể đạt được mục tiêu đó chỉ trong một đợt tấn công, nhưng tôi ủng hộ Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Sau khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào Việt Nam, tôi thúc giục Việt Cộng tổ chức một đợt phản công. Đến năm 1966 tôi tin rằng họ cần phải làm như vậy để nâng cao thanh thế. Đó là lý do tại sao Tư Cang phải vào Sài Gòn từ trước cuộc tấn công đến hai năm. Ông ấy phải bắt đầu lên kế hoạch. Chúng tôi phải làm việc đó."

        Ba tháng trước cuộc tấn công, Phạm Xuân Ẩn được chỉ đạo ở lại Sài Gòn, nơi ông sẽ thăm dò các mục tiêu và phát triển chiến lược của cộng sản để tiếp quản thành phố.

        Như kế hoạch do tướng Trần Văn Trà tổ chức, Tổng tấn công Tết Mậu Thân sẽ được tiếp nối bằng đợt tấn công thứ hai trong tháng 5 năm 1968. Khởi đầu cho cái được gọi là Tổng tấn công Tết Mậu Thân đợt hai (cỡ nhỏ), lực lượng cộng sản bắt đầu nã rốc két 12 mm của Nga không phân biệt mục tiêu vào Sài Gòn, làm nổ tung nhiều tòa nhà và làm nhiều người chết. "Tôi gửi tin cho các chỉ huy ở chiến trường và đề nghị họ ngừng bắn vào thành phố," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi yêu cầu họ ngừng oanh tạc. Nó chẳng mang lại kết quả quân sự nào mà chi càng khiến mất lòng dân."

        "Chuyện gì xảy ra sau đó?" tôi hỏi.

        "Màn pháo kích đã chấm dứt. Có thể là do đề nghị của tôi. Có thể là tự ý họ làm vậy. Họ là cấp trên của tôi. Họ không bao giờ cho tôi biết tại sao họ lại làm những gì họ đã làm. Một linh mục Công giáo sau đó đã giải thích cho tôi hiểu tại sao việc bắn rốc két vào Sài Gòn và gây chết người lại là một chiến lược hiệu quả. 'Đơn giản lắm,' ổng nói. 'Người Sài Gòn đang sống nhởn nhơ bằng tiền kiếm được từ người Mỹ. Họ không quan tâm đến việc bên nào thắng, chừng nào họ còn bán được hàng và cho thuê nhà với giá cao. Những người cộng sản muốn họ phải chọn phe.'"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2020, 05:12:49 pm »


        Ông thừa nhận rằng vị linh mục nói cũng có lý và lập luận của ông ta rất thuyết phục, "nhưng tôi quá mẫn cảm với những chuyện như thế này", Phạm Xuân Ẩn nói. "Đó là vấn đề của tôi. Tôi không muốn phải chứng kiến người dân vô tội bị giết."

        Khi tôi hỏi ông là có khi nào ông hối tiếc vì vai trò tình báo của mình trong cái chết của những người dân vô tội, Phạm Xuân Ẩn không hề do dự.

        "Không," ông trả lời. "Tôi đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi phải làm như vậy. Tôi buộc phải làm điều đớ Tôi là một người có kỷ luật."

        "Vậy là ông không hề hối tiếc gì?"

        "Không."

        Là tác giả của bảy cuốn sách đã xuất bản về chiến tranh Việt Nam, Tư Cang là một người đàn ông vạm vỡ, đẹp trai với vẻ tự tin của một người đã nhiều lần giỡn mặt tử thần. "Trước kia tôi khỏe lắm," ông nói, trước khi liệt kê một danh sách những vết thương chiến tranh khiến ông bị "thương tật 61%". Ông kéo tất xuống để cho tôi thấy chỗ một viên đạn đã xuyên qua mắt cá chân ông. Một mét ruột của ông đã bị cắt bỏ vì một vết thương ở bụng. Ông còn sẹo trên đầu từ những trận B-52 ném bom và cả những vết sẹo tinh thần. "Tôi thường xuyên gặp ác mộng là mình đang bị một tên nhân viên tình báo đối phương bóp cổ," ông nói. "Một đêm, cứ tưởng mình đang đánh kẻ tấn công, tôi vô tìnhđánh trúng vợ tôi và làm bả gãy mất hai cái răng cửa. Từ đó đến giờ tụi tôi toàn ngủ riêng giường."

        Nguyễn Văn Tào, tên mà cha mẹ đặt cho ông, đang là một sinh viên 17 tuổi được học bổng của trường Lycée Pétrus Ký thì rời trường tham gia cách mạng năm 1945. Một năm sau đó ông lẻn quay lại thành phố để cưới người yêu thời trung học của mình. Khi ông quay trở về cứ, bà đang có mang. Hai mươi bảy năm sau ông quay lại Sài Gòn để gặp con gái mình lần đầu tiên. Tư Cang dành cả thời trưởng thành của mình chiến đấu trong hai cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai trước khi lên đường sang Campuchia năm 1978 để chiến đấu chống bè lũ Khmer Đỏ. Tư Cang giỏi võ cổ truyền, trong khi Phạm Xuân Ẩn giỏi quyền Anh, nhưng cả hai đều là những vận động viên bẩm sinh, những người yêu động vật và có tài kể chuyện có duyên. Trong thời gian liên tục thay đổi giữa cuộc sống bí mật dưới địa đạo Củ Chi và công tác tình báo ở Sài Gòn, Tư Cang là chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn trong ngành tình báo cộng sản từ năm 1962 đến năm 1970.

        "Lính Mỹ bơm khí độc xuông địa đạo và quét sạch cây cối cũng như động vật bằng chất độc da cam," Tư Cang nói. "Chúng tôi cứ tưởng là trời mưa khi họ xả hóa chất xuống đầu chúng tôi từ trên máy bay. Chúng tôi cận kề với cái chết không biết bao nhiêu lần." Ông huơ hai tay trên đầu để diễn tả cho tôi cảnh lính dù Mỹ được thả từ trên trời xuống như những con chồn trên không để săn lùng ông dưới lòng đất. Ngoài việc chỉ huy mạng lưới tình báo tại Sài Gòn, Tư Cang còn chỉ huy các chiến dịch đánh bom và ám sát của biệt động thành phố. "Chúng tôi được chia thành các chiến sĩ ngoài mặt trận và các chiến sĩ biệt động thành," ông kể với tôi. "Những chiến sĩ biệt động thành khai thác điểm yếu của kẻ thù, tấn công vào những nhà hàng và quán bar. Chúng tôi hoạt động thành từng nhóm gồm sáu hoặc bảy sapeurs dans les villes, những chiến sĩ biệt động thành."

        Năm 2004, trong lần đầu tiên đến thăm nhà Tư Cang, tôi lái xe xuôi một con đường đất tới một khu đất có tường bao quanh từng là trang trại trước khi thành phố mọc lên quanh nó. Sau khi đi thăm khu vườn trồng đầy phong lan rất đẹp, người phiên dịch và tôi cởi giày ra rồi vào trong phòng khách, một căn phòng thoáng đãng lát gạch men đỏ. Ở cuối phòng mắc một chiếc võng thừng nơi Tư Cang ngả lưng buổi trưa. Là một người đàn ông to lớn với nụ cười rất dễ gây cảm tình, ông có vầng trán rộng phủ phía trên là mái tóc màu đen đang mỏng dần. Để chân đất, ông ngồi với hai đầu gối dựng lên sát ngực. Một con chó lông màu nâu phà trắng nằm dưới chân ông. Vợ ông, một người phụ nữ ánh mắt sắc sảo, mái tóc màu muối tiêu buộc lại thành một búi, tất bật quanh chúng tôi, rót trà và dọn dẹp nhà cửa. Có lúc bà ngừng tay lau dọn và nhặt lên một cuốn sách tôi đang cầm, một trong ba cuốn tiểu sử bằng tiếng Việt về Phạm Xuân Ẩn. Bà giở qua cuốn sách, cẩn thận xem xét những đoạn được gạch dưới và ghi chú bên lề. Tư Cang cho chúng tôi biết rằng vợ ông là một trung sĩ trong quân đội, một liên lạc viên với 4 tấm Huân chương Quân công. Bản thân ông có 13 tấm huân chương và mới đây được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2020, 05:13:22 pm »


        Nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng Pháp học sinh mà ông học cách đây 60 năm, trước khi nói sang tiếng Việt, Tư Cang giải thích vì sao mà ông lại làm việc cho quân đội Bắc Việt Nam, thay vì lực lượng miền Nam vốn được cho là chịu sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. "Mặt trận Dân tộc Giải phóng được thành lập vì mục đích ngoại giao," ông nói. "Nó tập hợp những người ở miền Nam không phải là cộng sản. Nhưng nó vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng."

        "Những người miền Nam có biết điều này không?"

        "Không," ông nói. "Không phải ai cũng biết Mặt trận Dân tộc Giải phóng chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản."

        Khi tôi hỏi liệu tôi có thể xem hai khẩu súng K-54 bán tự động nổi tiếng do Trung Quốc sản xuất của ông được không, Tư Cang cho biết là hai khẩu súng của ông, cùng với chiếc xe Renault 4CV của Phạm Xuân Ẩn, đã được đưa ra Hà Nội trưng bày trong bảo tàng tình báo quân sự ở phố Lê Trọng Tấn. Đáng tiếc là bảo tàng chỉ mở cửa cho các cán bộ nhân viên ngành tình báo Việt Nam. Ngoài chiếc xe của Phạm Xuân Ẩn, đang được trưng bày trên bục, bảo tàng còn chứa đầy những kính viễn vọng, máy điện đài, máy giải mã, và chiếc máy ảnh Phạm Xuân Ẩn dùng để chụp tài liệu mật.

        "Có chiếc ô đầu tẩm thuốc độc nào không?"

        "Chúng tôi không giống như người Nga," ông nói.

        Tôi hỏi về hai huấn luyện viên của ông Phạm Xuân Ẩn  trong ngành tình báo quân sự, một người được Trung Quốc đào tạo, một người do người Nga đào tạo. "Tôi chẳng biết gì về chuyện người Nga hay người Trung Quốc nào cả," ông nói. "Chỉ có người Mỹ huấn luyện cho ông Ẩn. Ổng cũng giống tôi. Tôi chưa bao giờ học về tình báo. Tôi cứ thế làm thôi. Con người ta tự biết cách giữ bí mật. Đó là chìa khóa cho thành công của chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi rất đơn giản. Chẳng có gì là bí hiểm cả."

        Khi tôi hỏi Tư Cang là ông có bao giờ phạm sai lầm không, kiểu như gây nguy hiểm cho toàn bộ mạng lưới bằng cách nổ súng vào lính Mỹ, ông cúi người xuống để gãi chân. Sau đó ông khoát tay về phía chân trời bên ngoài cánh cửa để mở. "Sai lầm thì sao tránh được," ông nói.

        Tôi hỏi ông liệu việc Tư Cang và Phạm Xuân Ẩn lái xe quanh Sài Gòn cùng nhau có phải là một ý hay không, khi họ đang lên kế hoạch cho Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Ông bật cười khoái trá. "Đây có vẻ là một điểm yếu trong kế hoạch của chúng tôi, nhưng lúc đó tôi nghĩ chúng tôi có thể thực hiện được. Tôi tin tưởng ở vỏ bọc của mình. Tôi nghĩ là nó rất chắc chắn. Thậm chí tôi còn đến cả văn phòng tạp chí Time cùng với ông Ẩn."

        Tư Cang giả vờ là một bạn học cũ của Phạm Xuân Ẩn, người chia sẻ thú quan tâm của ông đối với các loài chim và chó. "Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp vì con chó của ông Ẩn được huấn luyện bằng tiếng Pháp. Nó là một con béc giê Đức từng thuộc về Nguyễn Cao Kỳ. Không ai nghĩ các điệp viên cộng sản lại có thể đi dạo quanh thành phố với một con chó danh giá như thế cả. Tôi ăn mặc giống hệt như ông Ẩn, áo sơ mi và quần Âu. Khi tôi mới về thành phố lần đầu tiên năm 1966, ông ấy nhìn tôi và nói: 'Cha này mới ở ngoài rừng vô. Đôi dép của anh khiến anh trông như một thằng móc túi vậy. Tôi phải đưa anh đến cửa hàng giày và kiếm cho anh một đôi.' Ông ấy cũng mua cho tôi quần áo mới mà ông ấy phải vò nhàu đi để trông cho đỡ mới."

        Sau màn trang phục, Tư Cang và Phạm Xuân Ẩn trông "giống như những người bạn trong thành phố", ông nói. "Chúng tôi tổ chức những buổi sinh hoạt Đảng và thảo luận công việc trong những nhà hàng sang trọng nơi những chiếc bàn được kê cách xa nhau, và không ai có thể nghe lỏm câu chuyện chúng tôi đang nói. Ông Ẩn bao giờ cũng dắt theo con chó của mình đi cùng. Nó là một con chó rất thông minh hiểu được tiếng nước ngoài, mọi người ai cũng sợ nó."

        Tư Cang đóng giả là chủ một đồn điền cao su ở Dầu Tiếng, ngay cạnh đồn điền Michelin nổi tiếng. Ông biết rõ khu vực này vì những lái xe tải chở cao su là một phần trong mạng lưới của ông, và ông thường đi xe cùng với họ ra vào thành phố. Ở Sài Gòn, Tư Cang đóng vai một người ham vui lúc nào cũng dành thì giờ cho việc tán gẫu với ông bạn Phạm Xuân Ẩn của mình khi họ gặp nhau trên sân thượng khách sạn Continental hoặc tản bộ sang bên cạnh uống một tách cà phê ở quán Givral.

        Khi chúng tôi trao đổi về lần ông lên kế hoạch cho Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, Tư Cang thỉnh thoảng lại giật lây sổ ghi chép của tôi và phác thảo những bản đồ chiến trường cùng những sơ đồ khác cho chiến dịch. "Những cuộc tấn công của chúng tôi vào Đại sứ quán Mỹ và Dinh Độc Lập chỉ là nghi binh," ông nói. "Mỹ có lính bao quanh Sài Gòn. Chúng tôi muốn thu hút chúng vào trong thành phố. Bản thân chúng tôi có những sư đoàn ở ven đô, đang chờ cơ hội đột phá."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2020, 04:22:42 am »


        "Những thông tin ông ấy cung cấp cho chúng tôi rất quan trọng," Tư Cang nói về Phạm Xuân Ẩn, điệp viên nổi bật nhất trong mạng lưới của ông tại Sài Gòn. "Ông ấy biết trước Mỹ sẽ đưa lực lượng của họ tới đâu. Ông ấy đánh động cho chúng tôi về những cuộc tấn công và không kích sắp xảy ra. Ví dụ như năm 1967, ông ấy cho chúng tôi biết thời điểm máy bay B-52 sẽ ném bom sở chỉ huy của chúng tôi. Điều đó cho phép chúng tôi sơ tán. Ông ấy cứu được mạng sống của rất nhiều người. Chúng tôi cũng biết được qua Phạm Xuân Ẩn  là người Mỹ đã biết gì về chúng tôi. Điều này cũng quan trọng không kém." Sau đó Tư Cang kể cho tôi nghe về 25 nhân viên trong đơn vị của ông đã hy sinh khi chuyển tin tình báo của Phạm Xuân Ẩn ra khỏi thành phố.

        Vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 đánh dấu điều mà người Việt Nam coi là đỉnh cao trong sự nghiệp tình báo của ông. "Sau giai đoạn đầu tiên của tổng tấn công, tôi gửi về một báo cáo từ thành phố cho lãnh đạo cấp cao, trong đó nói rằng tình hình có xu hướng không thuận lợi," theo lời Tư Cang trong cuốn Tướng tình báo chiến lược. Trong buổi sáng sau khi cuộc tổng tấn công được phát động, trong khi lái xe quanh thành phố cùng Phạm Xuân Ẩn, ông đã choáng váng và đau đớn khi thấy đường phố đầy thi thể những đồng chí đã ngã xuống của mình.

        Nhưng sau khi nghe Phạm Xuân Ẩn phỏng vấn những quân chức Mỹ và Việt Nam, Tư Cang đi đến kết luận hoàn toàn khác. "Tôi thay đổi quan điểm," ông nói. "Một viên đại tá nói với tôi rằng cuộc tổng tấn công đã giáng một đòn nặng nề vào quân đội Việt Nam Cộng hòa, và các quân chức Mỹ cho chúng tôi biết rằng phong trào chống chiến tranh đang lên cao ở Mỹ và uy tín của nước Mỹ đã xuống dốc thảm hại. Sau đó, tôi thay đổi quan điểm của mình và báo cáo rằng cuộc tổng tấn công tuy không mang lại kết quả như ý về mặt quân sự, nhưng tác động chính trị và tâm lý đối với đối phương thì vô cùng lớn. Lãnh đạo cấp trên cho rằng báo cáo này đưa ra được những đánh giá chính xác. Báo cáo trước đó bị phê bình."

        Chính Phạm Xuân Ẩn là người thuyết phục Tư Cang và các nhà lãnh đạo cộng sản tin rằng Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 là một thắng lợi chính trị. Ông hiểu được giá trị tâm lý của chiến dịch. Đó là một đòn tuyên truyền, một cú đánh bậc thầy của nghề PR kiểu Lansdale, với những hậu quả gây rúng động ở Việt Nam và Mỹ. "Tất cả người Việt Nam đều ủng hộ chiến dịch này," Phạm Xuân Ẩn nói về Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. "Họ biết nó sẽ buộc Mỹ phải đàm phán và nó đã thành công. Nó đã buộc được Mỹ phải đàm phán."

        Không phải tất cả các đồng đội của Phạm Xuân Ẩn đều ủng hộ cuộc tổng tấn công. Nó không giống như trận đánh anh hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ. Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 là một nước cờ hiện đại, một vở ba lê chiến tranh tâm lý, vốn chỉ có thể thành công nếu có bước xoay chính xác. Nhiều mục tiêu tấn công chi bị chiếm giữ trong một thời gian ngắn, có khi chỉ vừa kịp đủ thời gian cần thiết để chụp vội một bức ảnh Đại sứ quán Mỹ hoặc một căn cứ không quân của Mỹ bị tấn công. Ngay cả Tư Cang, trong báo cáo đầu tiên của ông gửi về Trung ương Cục miền Nam, cũng hiểu sai vấn đề. Ông rất đau đớn vì thi thể những đồng chí ngã xuống của mình, với việc cộng sản thiệt hại mất 45.000 chiến sĩ, gấp mười lần phía bên kia. Sau đó Phạm Xuân Ẩn, với ánh mắt dõi theo đường tin điện của Time và tin tức từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về, đã giải thích một bức tranh lớn hơn. Người Mỹ bị choáng váng và mất hết tinh thần khi thấy không có gì ở Việt Nam, thậm chí ngay cả Đại sứ quán Mỹ, có thể an toàn thoát khỏi bị tấn công. Chính quyền Nam Việt Nam không có khả năng tự bảo vệ, và chính phủ Mỹ cũng rúng động đến tận chân móng. Cuộc tấn công sẽ đẩy cả Tổng thống Lyndon Johnson ra khỏi Nhà Trắng và tướng Westmoreland ra khỏi sở chỉ huy. Nó mở ra khoảng cách về độ tin cậy - sự chênh lệch giữa nội dung tuyên truyền chính thức và những báo cáo trực tiếp gửi về từ mặt trận - và tại nước Mỹ nó sinh ra mối nghi ngờ căn bản đối với chính phủ Mỹ dai dẳng đến tận ngày nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2020, 04:23:38 am »


        Phạm Xuân Ẩn chính là người ở vị trí có một không hai để có thể giải thích với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chính trị về dư âm của Tổng tấn công Tết Mậu Thân trên khắp thế giới. Ông diễn giải tác động tâm lý của nó cho các đồng đội của mình và thuyết phục họ về tầm quan trọng của nó. Một khi đã lôi kéo được Tư Cang theo quan điểm của mình, cả hai người cùng miệt mài làm việc để thuyết phục những người còn lại trong đội ngũ chỉ huy cộng sản chấp nhận cách diễn giải của mình về các sự kiện, và rõ ràng là họ đã thành công, như được thể hiện trong cuốn tiểu sử chính thức của Phạm Xuân Ẩn, trong đó nói rằng chỉ cần riêng những gì ông làm trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 cũng đã đủ để ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - phần thưởng cao quý nhất của quân đội Việt Nam. "Tuy nhiên, vì ông đang hoạt động trong hàng ngũ địch, nên việc khen thưởng phải hoãn lại để bảo đảm bí mật tuyệt đối."

        Đến nơi lúc 7 giờ sáng để đón ông Tư Cang cho hành trình của một ngày tới địa đạo Củ Chi, chúng tôi thấy người chiến binh già đang đứng bên ngoài cổng mặc chiếc quần bộ đội màu xanh lá cây và chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay. Ông mang theo mấy quyển sách định dùng làm quà tặng cho những người lính vẫn đang đóng quân tại Củ Chi. Đi cùng chúng tôi ngày hôm đó là Thủy Nach, người vợ Việt Nam của một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu. Thủy, một người phụ nữ nhỏ nhắn mắt đen có trí tuệ như bách khoa toàn thư, đã giúp tôi với tư cách là phiên dịch. Bà cùng ông Tư Cang trao đổi với nhau về việc họ từng đứng trong số những học sinh xuất sắc nhất hồi còn ở trường trung học thời thuộc địa như thế nào. Tạm quên đi việc họ đã chọn những phe đối đầu nhau trong chiến tranh, họ nhanh chóng phát hiện ra là họ có thể cùng ngâm thơ Việt Nam và cùng hát những bài hát yêu nước thời xưa.

        Tiến vào vùng quê phía Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đi qua những dòng xe cộ và khu buôn bán đông đúc. Đèn của thợ hàn sáng lóa bên vệ đường với bên cạnh là những người bán rong băng cassette, phong lan và thuốc lá. Quanh chúng tôi là những dòng nườm nượp xe máy khi chúng tôi đi qua một hàng dài những chiếc xe tải xả khói dầu diesel và những chiếc xe lôi chất đầy lợn gà trong những chiếc lồng tre. Một dân tộc gồm những dòng họ gia đình gắn kết chặt chẽ xoay quanh thờ cúng tổ tiên và buôn bán thương mại, người Việt Nam ít giống những người cộng sản nhất trên thế giới. Lòng trung thành chủ yếu của họ trước hết gắn với gia đình. Trong một thời gian ngắn chủ trương chống thực dân của Đảng Cộng sản đã đồng nhất với những khát vọng dân tộc của Việt Nam, nhưng hiện tại thì những người dân làm ăn xung quanh chúng tôi trông giống như những học trò của Adam Smith1 hơn là của Karl Marx.

        Tư Cang cầm cuốn sổ ghi chép của tôi và vẽ một sơ đồ của đồn điền cao su mà ngày trước ông làm ra vẻ do mình sở hữu cách thành phố 60 kilômét về phía Bắc và tất cả những cột mốc mà ông đi qua trên đường 13 khi ông vào thành phố để gặp Phạm Xuân Ẩn. Với các giao liên và địa điểm liên lạc bí mật rải dọc hai bên, Tư Cang biết rõ từng xentimét vuông của con đường mà chúng tôi đang đi qua.

        Suốt mười dặm đường ì ạch, chúng tôi vừa bóp còi vừa luồn lách qua những đợt sóng triều dày đặc xe Honda, xe Vespa, xe bò, rồi xích lô, cho đến khi chúng tôi băng qua một con kênh đổ ra sông Sài Gòn. Tại đây vùng nông thôn trải rộng ra thành những ruộng lúa xanh ngát màu ngọc bích và ao cá, viền quanh là cọ và dừa. Từng đàn cò trắng lượn qua trên cánh đồng, rải rác trên đó là những con trâu đen bóng và những người phụ nữ đội nón lá. Các em học sinh bước dọc theo quốc lộ, mặc áo sơ mi trắng bỏ trong quần ngay ngắn và khăn đỏ quàng trên cổ. Tư Cang lại vẽ một sơ đồ khác cho tôi thấy kế hoạch tác chiến của Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, bao gồm cả đòn nghi binh vào Đại sứ quán Mỹ và Dinh Độc Lập với mục đích là để thu hút lính Mỹ vào trong thành phố và khiến cho vành đai bao quanh Sài Gòn không được bảo vệ trong một khoảng thời gian. "Tại đây chúng tôi có hai sư đoàn, ẩn mình trong những ruộng lúa," ông nói và chỉ tay ra ngoài cửa sổ. "Có cả thảy mười nghìn chiến sĩ trên con đường này, nhưng họ đã không tới được thành phố. Ngụy trang của chúng tôi bị lộ. Sư đoàn 25 bộ binh đã tấn công và giết hại rất nhiều chiến sĩ của chúng tôi trên những cánh đồng này."

-----------------------
        1. Nhà kinh tế học người Anh, cổ súy cho nền kinh tế thị trường tự do.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2020, 04:24:05 am »


        Tư Cang vỗ vào vai tôi và chỉ tay qua một dải đất đầy cỏ dại về phía một dãy những tòa nhà xây thấp. "Đây trước kia là căn cứ của quân Mỹ, Sư đoàn 25 bộ binh Tia chớp Nhiệt đới," ông nói với tôi. Tất cả những xăng rồi bom phá hầm, máy ủi và thuốc diệt có suốt bao năm liền tập trung vào việc tiêu diệt ông đều từ đây mà ra. Chúng tôi đi xe qua vùng quê phủ đầy những bụi cây mọc lúp xúp. "Chúng tôi đã không thành công," Tư Cang nói về Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. "Chúng tôi gây được tiếng vang. Đó là một thành công về mặt tâm lý, nhưng không phải là một thắng lợi về mặt quân sự." Ông nói với tôi rằng chiến lược trong cuộc tổng tấn công này được kế thừa từ người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ, người đã đánh bại quân Thanh năm 1789 bằng cách khiến chúng bất ngờ trong dịp Tết. "Tổng tấn công Tết Mậu Thân có ba mục tiêu: chiếm Sài Gòn, tiêu diệt lực lượng ngụy, và gây tiếng vang lớn. Mục tiêu thứ nhất, chúng tôi đã thất bại. Mục tiêu thứ hai, chúng tôi đã thất bại. Chỉ với mục tiêu thứ ba chúng tôi mới thành công."

        Sau khi đi qua một trạm kiểm soát của cảnh sát trước kia, Tư Cang bảo người lái xe dừng lại. Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng với hàng hiên lát gạch. Khoảng sân trước phủ kín những khung tre phơi bánh tráng làm từ bột gạo vẫn được dùng để làm chả giò. Một người phụ nữ tóc bạc mặc bộ quần áo lụa in hoa ra chào chúng tôi. Bà mỉm cười với Tư Cang khi ông khoác tay quanh người bà. Đó là cái khoác tay của những người đồng đội cũ, gắn bó với nhau qua ký ức về cái chết và ngỡ ngàng nhận ra mình vẫn còn sống. Bà Nguyễn Thị Sê là một trong những giao liên của Phạm Xuân Ẩn. Bà đã giấu Tư Cang trong nhà mình và cho ông ăn. Sau khi bị bắt quả tang đang mang điện đài đến cho ông, bà bị tống giam và tra tấn ba năm trời.

        Khi chúng tôi đi ra phía sau nhà bà vào trong khu vườn, không gian nồng nàn hương hoa sứ. Chúng tôi tản bộ giữa những cây cọ và mít với những quả màu xanh lủng lẳng treo sát mặt dất. Khu vườn được chăm sóc và tưới tắm rất chu đáo. Nó có cả một khóm chuối, một gian chuồng đầy những chú lợn ụt ịt hài lòng, và mấy đống rơm vun hình chóp nón được dùng để đun nâu và làm thức ăn cho con trâu của bà Sê. Ở cuối góc vườn là chiếc ghe tam bản buộc vào một gốc cây trên bờ sông Sài Gòn. Nhảy xuống chiếc ghe nhỏ, đáy bằng, Tư Cang chỉ cho chúng tôi thấy cách ông vẫn thường trốn quân Mỹ như thế nào khi quân Mỹ đến lùng sục ngôi nhà. Dòng sông ở đây mở rộng và nâu sậm với lớp đất bề mặt bị cuốn từ trên núi xuống. "Trước kia nước trong lắm và có thể uống được," ông nói, "nhưng giờ thì ô nhiễm lắm rồi làm cá chết ráo cả."

        Băng qua một con mương và đi vào khu rừng tre mập mạp, Tư Cang chỉ nơi ông giấu máy phát sóng điện đài và một đội thông tin liên lạc dọc bờ sông. "Chỗ này hoạt động rất thuận lợi," ông nói. "Từ đây chúng tôi có thể dễ dàng lẩn vào trong rừng. Chúng tôi sử dụng mã Morse và một máy radio, một bộ PRC-25 thu được của quân Mỹ, để liên lạc với sở chỉ huy của mình bên kia biên giới Campuchia. Một lần, quân Mỹ bắt được tín hiệu của chúng tôi. Chúng bắn hơn hai trăm viên đạn vào ngôi nhà. Trước kia chúng thường xuyên ném bom khu vườn. Chúng tôi nhảy xuống mương ẩn náu đến khi qua đợt ném bom."

        Tư Cang cầm cuốn sổ của tôi và vẽ một sơ đồ khác. Nó cho thấy ngôi nhà này, nằm xuôi về phía con đường cách chỉ có vài trăm mét từ sở chỉ huy Sư đoàn 25 bộ binh, đánh dấu đầu phía Nam của địa đạo Củ Chi như thế nào. Mạng lưới địa đạo trải rộng về phía Bắc từ đây dọc theo dòng sông, cho phép tẩu thoát nhanh chóng và tạo ra một rào cản tự nhiên chống lại những chiếc xe tăng Mỹ.

        Đứng trong khu vườn nơi ông đã sống suốt một thập kỷ như một con chuột chũi chui ra rồi lại thụt vào trong các địa đạo để tránh bom và đạn pháo, Tư Cang ngừng lại, quệt bàn tay ngang mắt rồi ngước nhìn lên mấy con chim đang bay lượn qua những cành cây. "Tất cả những đồng đội ngày xưa của tôi đều không còn nữa," ông nói, bằng thứ tiếng Pháp ông học từ thời còn là học sinh trong những năm 1940. "Tôi nhớ họ mỗi lần tôi đứng đây và ngắm nhìn khu vườn nơi này, nơi trước kia tôi từng sống."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2020, 04:24:44 am »

        Tư Cang bắt đầu hát một bài hát cách mạng ngày xưa về những thiếu niên Việt Nam đánh Pháp bằng gậy tầm vông vót nhọn. Thủy Nach hòa nhịp cùng giọng nam cao ngọt ngào của ông. Bà cũng thuộc lời của tất cả những bài hát mà bà đã học khi còn là một cô bé sống ở vùng Việt Minh ngoài miền Bắc. Họ cùng đứng bên nhau trong vườn hát bài "Chiến thắng mùa thu 1945".

       Anh em ta nhi đồng cầm súng gỗ
        Tuy em bé này nhưng thề quyết chống xâm lăng
        Nào mau ra đây ta giết quân thù chung
        Sạc đạn lên ta bóp cò đánh ầm
        Anh em ta phang quân giặc bằng cái báng
        Ta phang vỡ đầu vỡ đầu cái giống xâm lăng.

        "Hầu hết những chiến sĩ của tôi là những phụ nữ như bà ấy," Tư Cang nói, ánh mắt rạng rỡ nhìn xuống bà Thủy nhỏ bé. Ông rất hài lòng khi thấy bà nhớ những bài hát cũ. Điều đó có nghĩa là trong sâu thẳm bà vẫn là một người Việt Nam, ngay cả sau khi đã sang Mỹ và kết hôn với một nhà ngoại giao Mỹ.

        Đi xuôi xuống con đường cách nhà bà Nguyễn Thị Sê khoảng một dặm, chúng tôi dừng lại ở di tích lịch sử Củ Chi, nơi một đoạn địa đạo được mở ra đón du khách. Sau một bộ phim giới thiệu, một người hướng dẫn viên tay cầm một cái que được làm từ một chiếc ăng ten ô tô cũ bắt đầu chỉ lên sa bàn trông giống như một tổ kiến dưới lòng đất, được chiếu bằng những bóng đèn Giáng Sinh nhấp nháy. Hai trăm năm mươi kilômét địa đạo được xây dựng với những cạm bẫy làm từ chông tre, hầm ếch để chống những cuộc tấn công bằng khí ngạt, và các khe hẹp dùng để bắt những tên Mỹ to xác. Hàng nghìn nam giới và phụ nữ đã hy sinh trong những đường hầm tăm tối trải dài hai mươi dặm về phía Tây sang cả Campuchia, nhưng bất chấp tất cả sức mạnh quân sự được dốc ra để phá hủy chúng, những địa đạo vẫn trụ vững suốt ba mươi năm để che giấu cả vạn chiến sĩ ngay cách Sài Gòn không bao xa.

        Chúng tôi dành cả buổi sáng đi tham quân các điểm trưng bày đặt đầy những hình nhân có kích cỡ như thật miêu tả cảnh các chiến sĩ Việt Cộng chế tạo mìn và thủ pháo như thế nào. Có cả một trường bắn nơi với một đô la một viên đạn tôi có thể bắn một khẩu AK-47 tự động vào những mục tiêu mang hình dáng những con voi, hổ, và lạc đà. Cả buổi sáng chúng tôi đã nghe thấy tiếng súng nổ đanh giòn qua khu rừng nhỏ thứ sinh mới mọc lên ở Củ Chi. Thỉnh thoảng tôi lại quay sang phía Tư Cang và nhìn thấy ông khom lưng xuống rồi liếc quanh tìm nơi ẩn náu. "Cứ nghe thấy tiếng súng nổ là tôi lại thấy giật mình," ông giải thích.

        Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là một dãy những chiếc bàn gỗ được dựng lên trong khu rừng nơi những cô gái mặc quần áo bà ba màu đen của các chiến sĩ Việt Cộng phục vụ trà nóng và sắn chấm vừng, đường và muối. "Hồi tôi sống ở đây, đó là tất cả những gì chúng tôi có để ăn," Tư Cang nói và ngồi xuống bên một trong những chiếc bàn. "Tôi sống bằng món ăn này suốt nhiều năm trời. Ngán lắm." Ông nhớ lại những trận ném bom B-52 rải thảm làm ông bật cả máu tai và chứng suy dinh dưỡng khiến người ông nổi ban đỏ. Chỉ trong chốc lát, các hướng dẫn viên đã tập trung lại quanh Tư Cang nghe ông kể chuyện. Khi ông hỏi là họ có biết những bài hát mà các chiến sĩ vẫn thường hát khi ngồi đây ăn món sắn này không, các cô gái đều lắc đầu. Tư Cang bắt đầu hát. Ông được Thủy hát phụ họa sau đó những cô gái cũng hòa nhịp theo. Âm thanh tằng tằng tằng của những khẩu AK-47 dội lại qua khu rừng khi cả Củ Chi lại ngập tràn trong tiếng hát kêu gọi Việt Nam nhuộm đỏ đất của mình bằng máu quân thù.

        Ngoài Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, câu chuyện quan trọng khác của năm 1968 - mặc dù phải mãi một năm sau đó mới được tiết lộ - là vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Ngày 16 tháng 3 năm 1968, một đại đội lính mới đến Việt Nam được ba tháng và đã thiệt hại mất 10% quân số vì những tay bắn tỉa và bom đạn, đi vào một ngôi làng để trả thù. Không tìm thây binh sĩ đối phương nào trong cái ấp được gọi là Mỹ Lai 4, họ bắt đầu hãm hiếp và bắn giết hơn 500 phụ nữ, trẻ em và người già. Phải mất một ngày trời họ mới giết được hết tất cả mọi người, và họ dừng lại giữa chừng để ăn trưa. Trong số 13 người sau này bị buộc tội phạm tội ác chiến tranh, chỉ có một người, trung úy William Calley, bị tòa án binh buộc tội giết người và kết án chung thân khổ sai. Bản án được giảm xuống còn mười năm, và sau đó Calley, vì khoảng thời gian đã bị giam giữ tại nơi ở, được trả tự do sau khi chỉ phải ngồi có sáu tháng trong nhà tù liên bang. Như lời người mẹ của một trong những người lính ở Mỹ Lai kể cho Seymour Hersh trước khi ông phanh phui câu chuyện: "Tôi trao cho họ một thanh niên ngoan ngoãn, và họ trả cho tôi một kẻ giết người".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM