Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:50:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13616 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2020, 05:44:30 am »


        Đến thời điểm này trong sự nghiệp của mình, Phạm Xuân Ẩn đã quá am hiểu những quy tắc của nghề báo chí Mỹ, cách đặt bản thân mình ra ngoài câu chuyên và viết kiểu văn trung dung vốn được cho là khách quan . "Điều đó khiến anh ấy trở thành một nhân viên cực kỳ có giá trị," McCulloch nói. "Trong việc đánh giá Phạm Xuân Ẩn là ai và anh ấy đã làm những gì, người ta phải biết rằng anh ấy là một nhà báo hoàn toàn trung thực. Anh ấy không để những nội dung tuyên truyền và quan điểm của cộng sản xâm phạm vào những gì mình phản ánh. Tôi dám chắc rằng trên cương vị một điệp viên anh ấy đã lấy những thông tin giá trị từ văn phòng đại diện, nhưng đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Hầu hết mọi người đều vội vàng kết luận rằng nếu như Phạm Xuân Ẩn không làm việc ở đó, chắc hẳn Time vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến tranh cho đến khi nó kết thúc. Không hẳn như vậy."

        "Anh ấy đọc cực kỳ nhiều," McCulloch nói. "Anh ấy hiểu rõ báo chí Mỹ là như thế nào. Anh ấy là một người vô cùng thông minh, một công dân Việt Nam nồng nhiệt", những phẩm chất khiến ông trở thành "một niềm vui cho những người tiếp xúc với ông." McCulloch nhớ lại một vài lần ông đến thăm Phạm Xuân Ẩn và gia đình tại nhà của họ gần chợ trung tâm Sài Gòn. "Họ là những con người tuyệt vời, vợ và những cậu con trai của anh ấy." McCulloch còn nhớ một điều khác nữa trong những chuyến thăm này. "Phạm Xuân Ẩn nuôi hai con chó rất to. Tôi quên mất chúng là giống chó gì rồi, nhưng chúng to lắm. Chúng không dữ lắm, nhưng chúng cũng chẳng sợ gì hết. Rõ ràng là Phạm Xuân Ẩn rất yêu quý cả hai con chó. Khi tôi ở đó với gia đình anh ấy, lũ chó lúc nào cũng quanh quẩn ở gần, và Phạm Xuân Ẩn muốn chúng như vậy, đó là một lý do nữa giải thích vì sao anh ấy có vẻ Mỹ đến thế.

        "Phạm Xuân Ẩn xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có ở vùng châu thổ. Chúng tôi được biết là anh ấy đã mất đất đai vào tay Việt Cộng, và điều đó tạo cho Phạm Xuân Ẩn một vỏ bọc hoàn hảo. Anh ấy có thể và thực sự tỏ ra chống cộng".

        "Anh ta kể cho ông nghe câu chuyện đó à?" David Felsen hỏi McCulloch trong bài phỏng vấn được ghi âm của họ.

        "Tôi rất xấu hổ phải nói rằng tôi không nhớ là anh ấy kể với chúng tôi câu chuyện đó hay nó đến từ nơi nào đó khác," McCulloch nói.

        Một lý do khiến Phạm Xuân Ẩn tránh tham gia cái mà McCulloch gọi là "hội bia bọt" gồm các phóng viên Mỹ thường trú tại Sài Gòn là vì ông có hai công việc - công việc ban ngày ở Time và một công việc ban đêm liên quan  đến việc chụp ảnh các tài liệu và viết báo cáo tin. Sau khi các con đi ngủ, Phạm Xuân Ẩn biến ngôi nhà hai phòng và buồng tối từ phòng tắm của mình thành một văn phòng đại diện riêng. Trong khi lũ chó gác cửa, ông dùng máy ảnh và bóng đèn được Đảng Cộng sản mua cho mình để làm việc suốt đêm chụp ảnh những tài liệu được những bạn bè trong các cơ quan tình báo và cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa nhét cho. Sáng ra, ông ngụy trang những cuộn phim của mình trông giống như những cái nem Ninh Hòa, được làm từ thịt lợn nướng bọc trong bánh tráng, hoặc ông giấu chúng trong bụng những con cá bắt đầu ươn. Cá và nem sẽ được chất vào những cái giỏ trông như đồ đi thắp hương tại một đám tang Phật tử. Khi Phạm Xuân Ẩn rời khỏi nhà và lái xe tới trường đua ngựa, nơi ông đi dạo với con béc giê Đức của mình mỗi buổi sáng, ông sẽ đặt những cuộn nem vào một cái tổ chim bỏ không trên cây cao. Với những món hàng lớn hơn, ông giấu những cuộn phim dưới tấm bia của nơi mà ông giả vờ là mộ của gia tộc. Thỉnh thoảng vợ của Phạm Xuân Ẩn lại bám theo ông từ phía xa. Nêu ông bị bắt bà sẽ báo động cho các giao liên của ông.

        Trong suốt sự nghiệp của mình, Phạm Xuân Ẩn làm việc với Nguyễn Thị Ba, một nữ giao liên có mái tóc búi lại sau gáy. Từ năm 1961 đến năm 1975, bà nhận những báo cáo mật và những cuộn phim của ông. Kiếm sống bằng nghề bán rong đồ chơi và đồ lặt vặt, bà sống xa con cái và thường xuyên bị ốm vì những cơn sốt rét. "Cả ông Ẩn cũng hay bị bệnh... Tôi thương ổng vô cùng," bà Ba kể với nhà văn Tấn Tú, người là đồng tác giả một trong ba cuốn tiểu sử của Việt Nam viết về Phạm Xuân Ẩn. Trong nhiều năm liền, bà Ba và Phạm Xuân Ẩn là những người duy nhất trong mạng lưới thực sự biết về nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2020, 03:34:20 pm »


        Sử dụng những hộp thư sống, hộp thư chết, giao liên và truyền phát điện đài giấu trong rừng là cách kết nối ông qua Trung ương Cục miền Nam tới tổng hành dinh quân đội ở miền Bắc. Phạm Xuân Ẩn được hỗ trợ bởi hàng chục điệp viên tình báo được chỉ định làm việc thay cho ông. Trong số 45 giao liên chuyên việc nhận những báo cáo của ông từ bà Ba và chuyển chúng ra khỏi Sài Gòn, có đến 27 người đã bị bắt và giết hại. "Có những lần trước khi lên đường làm nhiệm vụ tôi và vợ tôi đã thỏa thuận rằng, trong trường hợp tôi bị bắt, cách tốt nhất là tôi sẽ chết," Phạm Xuân Ẩn nói với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. "Sẽ còn kinh khủng hơn nếu chúng tra tấn tôi để moi những thông tin có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người khác. Nhiều lần còn nguy hiểm đến nỗi, mặc dù tay tôi vẫn vững vàng, nhưng chân tôi run không thể nào kìm nổi. Dù có cố giữ bình tĩnh đến mấy, phản xạ tự động của cơ thể vẫn khiến tôi run lên vì sợ."

        Vào một ngày ẩm ướt của tháng 1 năm 2006, người phiên dịch và tôi đi xe máy ra ngoại thành về phía sân bay phỏng vấn Nguyễn Văn Thương, một trong những giao liên trước kia của Phạm Xuân Ẩn. Trong vùng đất đầy bụi rậm bao quanh đường dẫn ra đường lộ chính, chúng tôi tìm thấy một khu dân cư mới xây dựng đầy những ngôi nhà gạch ba tầng trát vữa. Với không biết bao nhiêu tiền của kiếm được từ sự bùng nổ xây dựng ở Sài Gòn, vẫn chẳng có ai thèm bận tâm đến việc lát đường phố. Một chiếc máy bay phản lực gầm rú phía trên đầu với những ánh đèn hạ cánh đang nhấp nháy. Chúng tôi dừng lại bên chiếc cổng sắt lớn ngay trước nhà ông Thương và nhìn vào bên trong khoảnh sân có hoa sen và một ao cá chép. Sau khi vợ ông Thương đón chúng tôi vào nhà, bà cẩn thận khóa cổng lại sau lưng chúng tôi. Chúng tôi bước lên những bậc tam cấp bằng đá cẩm thạch màu hồng vào một hàng hiên trưng đầy những cây hoa lan nhựa.

        Chúng tôi vào phòng khách với sàn gỗ bóng loáng, những chiếc ghế xô phà lớn bọc nỉ, và một chiếc ti vi màn hình lớn, thì thấy ông Thương đang ngồi trên ghế. Ông là một người vạm vỡ, với khuôn mặt vuông vức và lồng ngực lực lưỡng. Nhưng ông chỉ có nửa thân người - nửa phía dưới của ông đã bị cắt bỏ. Kẻ địch bắt đầu cưa bàn chân phải của ông rồi chuyển sang những lần cưa cắt liên tiếp sau đó từ dưới lên. Chân trái của ông Thương đã bị cắt bỏ hoàn toàn. Chân phải bị cắt thành một cục bướu kết thúc ở đầu gốì. Sau mỗi lần cắt, ông lại được cho cơ hội để đầu hàng, nhưng cuối cùng ông vẫn khăng khăng rằng mình là một anh nông dân mù chữ đi lang thang khắp vùng nông thôn để trốn quân dịch. Ông Thương ngồi thẳng người lên khi ông kể lại việc ông đã trở thành một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như thế nào.

        Ông sinh năm 1938 tại vùng châu thổ sông Mê Công gần biên giới Campuchia. Mẹ ông bị Pháp bắt năm 1947 và qua đời ở Côn Đảo. Cha ông, giao liên của Việt Minh, bị bắt và hy sinh trong tù dưới chế độ của Ngô Đình Diệm. Tiếp nối công việc của cha mình, Nguyễn Văn Thương gia nhập ngành tình báo và bắt đầu chuyển tin tức cho nhiều mạng lưới tình báo khác nhau, gồm cả mạng lưới của Vũ Ngọc Nhạ và Ba Quốc - hai điệp viên cấp cao trong chính phủ miền Nam Việt Nam - và Phạm Xuân Ẩn.

        Nguyễn Văn Thương hoạt động ở khâu trung gian giữa những giao liên dân sự đưa tin tức từ Sài Gòn ra vùng ngoại ô và những giao liên vũ trang đưa thông tin vào trong rừng và qua biên giới Campuchia. Đó là một nhiệm vụ nguy hiểm, đòi hỏi ông hết lẩn mình vào những đám đông trong thành phố lại phải bò vào trong bóng tối qua địa đạo Củ Chi. "Tôi là người giỏi nhất," ông Thương khẳng định một cách điềm nhiên. "Họ giao cho tôi nhiệm vụ chuyển tất cả những tin tức quan trọng từ thành phố ra nông thôn."

        Tháng 11 năm 1962, ông được giao nhiệm vụ chuyển tin tức của Phạm Xuân Ẩn. Vì những lý do an ninh, ông chỉ biết rất hạn chế về việc mình đang làm cho ai, và ông vẫn nhắc tới Phạm Xuân Ẩn bằng nom de guerre (bí danh trong chiến đấu) Hai Trung. Thực ra ông đã gặp Phạm Xuân Ẩn một năm trước đó, khi Phạm Xuân Ẩn được gọi vào trong cứ để giao nhiệm vụ. "Năm 1961, ông Ẩn được gọi vào cứ hai tuần để học," ông Thương nói. "Tôi nấu ăn cho ổng và thu xếp mọi việc khi ổng ở đó."

        "Hồi đó ông ấy học cái gì?" tôi hỏi. "Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương," ông Thương nói. "Đó là điều mà đảng viên nào cũng phải học."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2020, 03:34:46 pm »


        Nguyễn Văn Thương đứng đầu một mạng lưới đủ cả nam lẫn nữ, họ gặp nhau ba lần một tuần trong vườn hoa phía trước nhà thờ Công giáo bên cạnh tượng Đức Bà. Sau khi lấy những tin tức được giấu dưới một ghế đá, ông đi theo hướng phía Bắc ra đường 13 vào trong rừng. Ông mang theo một loạt giấy tờ tùy thân. Một cái thì ghi ông là đại úy trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Một cái khác thì ghi ông là nông dân. Trong những trường hợp đặc biệt, là kế sách cuối cùng, ông chìa ra một tấm chứng minh thư xác định ông là một sĩ quan cảnh sát mật. "Thỉnh thoảng tôi mang tin của ông Ẩn trực tiếp từ Sài Gòn ra Củ Chi. Những lần khác, chúng được chuyển qua rất nhiều tay," ông nói với tôi.

        Ông Thương thò tay vào một chiếc hộp thiếc, một chiếc hộp trà Lipton cũ, và chìa cho tôi xem một bức ảnh của mình. Trong ảnh là một thanh niên đẹp trai mặc áo len trùm bên ngoài áo sơ mi trắng và quần đen. Đôi mắt giấu sau cặp kính râm, trông ông giống như một trí thức trẻ đang trên đường đi làm. Năm 1969, sau 15 năm hoạt động, ông bị một điệp viên cộng sản đã rời bỏ hàng ngũ sang phía bên kia chỉ điểm. "Nhiều năm sau, sau khi tôi đã ra tù, có người cho tôi biết là những tài liệu tôi mang theo khi đó liên quan đến kế hoạch tấn công Campuchia. Còn một tài liệu khác mang tên của 36 gián điệp đã cài cắm vào bộ máy của đằng mình."

        Một ống của chiếc quần pyjama kẻ sọc nâu mà ông Thương mặc quét lủng lẳng xuống sàn nhà. Ông quần kia được nhét dưới người ông, nhưng lớp vải mỏng đến nỗi tôi có thể nhìn thấy phần thịt cụt từng là chân ông trước kia chuyển động phía dưới. Tôi cố tập trung nhìn vào mắt ông Thương trong khi một chiếc quạt lùa không khí nóng nực vào người chúng tôi và ông kể tiếp câu chuyện của mình. Ông Thương đang đi xe máy trên đường xuống Củ Chi thì một chiếc trực thăng lượn vè vè trên đầu. Tên chỉ điểm "hồi chánh" đang ở trên máy bay, chỉ tay vào ông. Một giọng nói oang oang cất lên qua loa, gọi ông bằng bí danh, trong khi tụi lính dùng thang dây tụt xuống đất. Nguyễn Văn Thương bắn cháy cánh quạt bằng khẩu súng ngắn của mình. Chiếc trực thăng đâm sầm xuống một cánh đồng và nổ tung. Thương giấu tài liệu của mình cùng một nghìn đô la tiền mặt trong một con mương rồi bắt đầu chạy băng qua cánh đồng lúa.

        Một tiểu đoàn lính dù săn lùng ông. Ông bị bao vây bởi 400 lính Mỹ và 300 lính Nam Việt Nam. Với 21 viên đạn còn lại, ông tiêu diệt 21 lính địch. Ông nhảy vào một công sự để trốn nhưng rồi lại bị lùa ra bằng khí ngạt và bị bắt sống rồi cho lên trực thăng đưa về một căn cứ quân sự của Mỹ. Tại đây ông phải đối mặt với cám dỗ. "Một đứa con gái đẹp đến phục vụ tôi. Nó mời tôi tham gia chương trình 'chiêu hồi'. Thêm những đứa con gái xinh đẹp khác đến, thủ thỉ, cố tìm cách thuyết phục tôi khai nhận tên tuổi của mình. Một tên đại tá Mỹ bắt đầu tra khảo tôi bằng tiếng Việt. Tôi khai với hắn tôi là một nông dân, nhưng chúng kiểm tra bàn chân để xem tôi có đi dép cao su không. Chúng thấy là > tôi toàn đi giày. Chúng kiểm tra cả tay tôi. Tay tôi không có vết chai của một người làm ruộng."

        Viên đại tá hứa hẹn cho Nguyễn Văn Thương một trăm nghìn đô la và một biệt thự lộng lẫy nếu ông chịu khai ra đồng đội mình và đứng về phía Mỹ. Họ sẽ phong cho ông quân hàm trung tá. Họ sẽ cho ông một chiếc Mercedes và rất nhiều gái. Trong khi ông Thương kể lại những gì xảy ra tiếp theo, ngôi nhà ngập tràn mùi thức ăn của bữa trưa từ trong bếp. Bầu không khí vốn đã ẩm ướt đặc quánh lại với mùi hành tôi. Bà vợ ông Thương ra mở rồi lại đóng cổng trước trong khi các thành viên trong gia đình lũ lượt đi qua phòng khách. Đó là con trai ông Thương đi làm về và hai đứa cháu trai ông cùng một cô cháu gái, cô bé mặc một chiếc áo đồng phục học sinh màu xanh với chiếc khăn quàng đó trên cổ.

        "Tôi có thể cứu được mình, nhưng tôi chọn cách cứu mạng lưới của tôi," ông Thương nói. "Thực ra tôi biết tên của nhiều người liên quan trong một số mạng lưới. Điều này trái với những quy định chung của chúng tôi, tức là tôi chỉ được phép biết về một mạng lưới mà thôi, nhưng tôi lại biết nhiều mạng trong số đó. Tôi có thể chỉ cho chúng lần đến tận cùng, cho chúng biết tên của những điệp viên quan trọng nhất làm việc cho cách mạng. Chúng biết tôi là chìa khóa để triệt phá những mạng lưới tình báo của chúng tôi ở miền Nam."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2020, 03:35:21 pm »


        Thùy Dương, cô gái xinh đẹp nhất trong số những kẻ đến quyến rũ, đến thăm ông một lần cuối cùng, van xin ông đứng về phía Mỹ. Sau khi cự tuyệt, ông bị đẩy sang một căn phòng khác, nơi màn đánh đập bắt đầu. Cuối cùng những kẻ giam giữ đập nát hai bàn chân của ông và bắt đầu cưa chân. Đến đây câu chuyên trở nên hơi mơ hồ, vì những lý do có thể hiểu được, nhưng tôi ngờ rằng nó cũng phải khoác thêm bất kỳ màu sắc nào khác tùy thuộc vào đối tượng thính giả của ông Thương. Trong một số phiên bản, một bác sĩ người Nam Hàn đã cắt chân của ông. Trong những câu chuyện khác, một bác sĩ Nam Việt Nam và trong phiên bản khác nữa thì lại là một bác sĩ người Mỹ. Khi tôi gặng hỏi các chi tiết, ông nói với tôi rằng các bác sĩ Nam Hàn và Mỹ thay phiên nhau cắt chân ông.

        "Chúng cắt cụt bàn chân phải của tôi. Tôi ngất đi. Chúng cắt nốt bàn chân trái của tôi. Hai tháng sau chúng lại cắt tiếp. Cứ hai tháng một lần chúng lại cắt thêm một phần cơ thể tôi. Tổng cộng chúng đưa tôi lên bàn và cưa chân tôi sáu lần." Tên đại tá người Mỹ bảo chúng: 'Các anh cứ cắt bỏ hết cả người nó đi. Chỉ cần để lại cái lưỡi trong miệng nó là được."'

        Tôi cảm thấy chếnh choáng khi chiếc quạt tiếp tục lùa hơi nóng vào mặt tôi còn ngôi nhà thơm phức mùi cơm và thịt rán. Nguyễn Văn Thương được đưa tới một nhà tù nơi Ba Quốc làm việc. Đây là bí danh của Đặng Trần Đức, một điệp viên tình báo cộng sản cũng làm việc cho bác sĩ Trần Kim Tuyến và mật vụ. Hai người nhận ra nhau nhưng cả hai đều không để lộ danh tính của người kia. Cuối cùng ông Thương bị đày ra Phú Quốc, một trại tù trên đảo giống như Côn Đảo. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, sau "bốn năm và bốn ngày trong tay kẻ thù", ông được trả tự do.

        "Nhiều năm sau tôi gặp Phạm Xuân Ẩn, và ổng cám ơn tôi," ông Thương nói. 'Chắc chắn là anh đã cứu mạng tôi khi giấu những tài liệu đó,' ổng nói." Ông Thương lục lọi trong chiếc hộp thiếc của mình rồi lấy ra một bức ảnh khác tại một buổi lễ đón tiếp chính thức của chính phủ. Trong ảnh, ông đang ngồi trên xe lăn tay ôm một bó hoa. Đứng cạnh ông, diện bộ vest màu nâu như bơi quanh bộ khung xương xẩu, là một Phạm Xuân Ẩn đang mỉm cười. Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi cách ông chuyển tin tức của mình cho "phía bên kia", theo cách gọi của ông. "Tôi viết báo cáo tin và những phân tích của mình bằng mực vô hình," ông nói. "Cho một ít gạo vào xoong, rồi đặt lên trên ngọn lửa. Sau một lúc, chất gluten và tinh bột chảy ra. Rồi lấy một cái bút sạch. Tôi dùng thứ mà người Pháp gọi là một cái bút lông chim, bút lông, được làm từ lông ngỗng, mà tôi tỉa tót bằng kéo. Tôi nhúng ngòi bút đã tỉa nhọn vào tinh bột gạo và dùng nó để viết lên thứ mà chúng tôi gọi là giấy xi măng, bởi vì nó có màu nâu vàng đúng như loại giấy dùng để bọc ngoài những bao xi măng. Tôi viết những báo cáo tin của mình trên loại giấy xi măng này, đây là công việc rất khó khăn, vì anh phải viết thật nhanh trước khi mực khô hết. Ngay khi mực khô hết anh không còn nhìn thấy là mình đang viết gì nữa. Anh bị lạc lối ngay giữa bản báo cáo của mình. Đó là lý do tại sao anh phải viết vào ban đêm, dưới một ánh đèn sáng. Anh không thể nào làm công việc này vào ban ngày, khi mọi người đi lại xung quanh. Vì thế tối nào tôi cũng đợi đến lúc nửa đêm, sau khi mọi người đã đi ngủ, mới bắt đầu viết những báo cáo tin của mình."

        "Anh phải đặt ngọn đèn rất sát vào tờ giấy khi viết. Mực bằng tinh bột gạo, khi còn ướt, rất bóng và phản chiếu ánh sáng, nhưng khi nó đã khô đi thì anh không thể nhìn thấy được gì nữa. Nên anh sẽ phải viết rất nhanh, đó là lý do tại sao anh nên học thuộc lòng báo cáo của mình. Anh phải viết liền một mạch, không ngừng lại trong khi đang viết. Khi anh đã viết xong và mực đã khô, kết quả mà anh có là một mẩu giấy trông có vẻ bình thường. Anh dùng nó gói thứ gì đó, mấy cái chả giò hoặc cơm, rồi chuyển nó cho người giao liên của mình để mang vào trong cứ. Cơ sở của chúng tôi ở Phú Hòa Đông cũng không xa lắm.

        "Khi báo cáo được chuyển đến, anh chỉ cần phà một loại dung dịch gồm nước, i ốt và cồn 100%. Anh dùng một miếng bông để phết dung dịch đó lên tài liệu. Dung dịch phải thật loãng với một chút i ốt thôi, không được quá đặc. Một chai i ốt nhỏ và một lượng nhỏ cồn cũng đủ dùng trong một thời gian dài. Anh có thể mua chúng ở bất kỳ hiệu thuốc nào với vài đồng bạc. Anh thấm ướt miếng bông rồi phết nó lên tờ giấy. I ốt làm biến màu tinh bột gạo, và đột nhiên những dòng chữ hiện lên. Anh đọc báo cáo rồi đốt tờ giấy đi."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2020, 03:35:38 pm »


        Phần còn lại trong công tác tình báo của cộng sản cũng sơ khai không kém. Khi Phạm Xuân Ẩn đến địa đạo Củ Chi đầu những năm 1960, thiết bị duy nhất dể truyền những tin tức khẩn cấp về tổng hành dinh là một đường radio tín hiệu Morse tới Campuchia. "Sau đó những tin tức này được chuyển ra Bắc, lên Bộ Chính trị và tới ông Phạm Văn Đồng, người phụ trách mảng tình báo chiến lược," Phạm Xuân Ẩn nói. Ông Phạm Văn Đồng là thành viên thứ ba trong ban lãnh đạo ba người tại miền Bắc, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã giành được uy tín cách mạng bằng cách trải qua sáu năm trong những chuồng cọp ở Côn Đảo. Là con trai nhà quân và từng là bạn học với Ngô Đình Diệm, ông Phạm Văn Đồng, thay vì làm việc cho Pháp, đã góp phần thành lập nên Việt Minh. Sau khi lãnh đạo cộng sản tiếp quản miền Nam Việt Nam năm 1975, ông Phạm Văn Đồng đảm nhiệm vai trò một thủ tướng theo đường lối cứng rắn của Việt Nam trong một thập kỷ.

        Với mật độ tăng dần khi Tết đến, chuông cổng nhà Phạm Xuân Ẩn thường xuyên rung lên khi họ hàng và bạn bè đến thăm ông. Lũ chó nhà ông sủa nhặng lên khi những vị khách ghé qua suốt cả ngày để biếu những cành hoa mai và những món quà khác vẫn được tặng qua lại trong dịp lễ. Bà Thu Nhạn nhận quà và nói chuyện qua quýt với các vị khách ở một bên của căn phòng khách trong khi Phạm Xuân Ẩn và tôi nói chuyên ở phía bên này. Phạm Xuân Ẩn không bao giờ tự đưa ra lời khẳng định nào về tầm quan trọng trong những tin tình báo của mình. Ông hạ thấp đóng góp của mình trong cuộc chiến xuống mức chẳng qua là "công tác chiến lược dài hơi". Chỉ sau khi gặp gỡ các đồng đội của ông trong ngành tình báo tôi mới bắt đầu nhận ra một bức tranh khác. Phạm Xuân Ẩn cung cấp tin tình báo chiến lược và chiến thuật cho miền Bắc, loại tin tình báo cần thiết để giành chiến thắng trong những trận đánh và tiến tới đánh bại đối phương. Trong bài báo trên tờ The New Yorker, tôi đã viết rằng Phạm Xuân Ẩn được tặng thưởng bốn Huân chương Quân công. Ông cũng không hề sửa lại cho tôi, và chỉ mãi sau khi Phạm Xuân Ẩn qua đời, khi những tấm huân chương của ông được gắn lên một tấm nhung đen phủ kính bên ngoài, tôi mới nhận ra rằng ông đã được tặng thưởng 16 huân huy chương, 14 tấm trong số này gắn với những chiến dịch quân sự cụ thể. Những tấm huân chương ghi nhận công lao của Phạm Xuân Ẩn trong việc chiến thắng hoặc giúp chiến thắng rất nhiều trận đánh.

        Phạm Xuân Ẩn miêu tả cho tôi những chuyến đi mà ông thực hiện để đến địa đạo Củ Chi. "Tôi thường ở lại vài ngày để viết báo cáo và thông báo tình hình cho họ," ông nói. "Khi sử dụng mực vô hình trên giấy, anh không thể viết được nhiều. Một cách khác để làm việc đó là tới Củ Chi và đánh máy những bản báo cáo dài hơn."

        Ông cũng đánh máy những báo cáo tin tại nhà, dùng một chiếc máy chữ Hermes cỡ nhỏ được Đảng Cộng sản mua cho. "Để ngăn địch có thể lần ra tôi từ những báo cáo này, chiếc máy chữ chỉ được dùng riêng vào việc soạn những báo cáo tin tình báo," Phạm Xuân Ẩn nói. "Trong khoảng từ 30 đến 100 trang, căn cứ vào hoàn cảnh, những báo cáo dài hơi này phản ánh triển vọng diễn biến của chiến tranh và tình hình chính trị trong thời gian vài tháng sắp tới. Sau khi chiến tranh kết thúc, tôi ném chiếc máy chữ này xuống sông."

        Những người cộng sản cũng mua cho Phạm Xuân Ẩn một chiếc máy ảnh Canon Reflex mà ông sử dụng dể chụp những báo cáo của mình từng trang một. Ông để nguyên phim không tráng, cẩn thận để đoạn đầu phim thò ra khỏi cuộn bằng cách không tua hết lại cuộn phim. "Bằng cách này, nếu chẳng may người giao liên bị bắt, anh ta có thể rút phim ra và để nó bị lộ sáng. Có thể anh ta sẽ bị giết, nhưng không ai có thể đọc những gì tôi đã viết."

        Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là ông đã bao giờ chụp ảnh những tài liệu mật chưa. "Có chứ, thỉnh thoảng tôi cũng làm như vậy, nhưng như thế rất nguy hiểm," ông nói. "Những tài liệu này thường được đóng dấu mật, chỉ được xem, tuyệt mật. Anh phải hết sức cẩn thận khi xử lý loại tài liệu như thế này. Có thể địch đang giăng bẫy anh. Ai đó chìa cho anh tài liệu, anh mang nó về nhà rồi chụp ảnh lại. Bất thình lình cảnh sát phá cửa xông vào và tóm anh. Đó là lý do tại sao tôi hình thành nên thói quen đọc những tài liệu này rồi trả lại chúng ngay lập tức. Như thế là đủ cho những gì tôi cần. Nhớ là tôi làm việc trong lĩnh vực tình báo chiến lược. Tôi không phải là một gián điệp. Gián điệp lại là một chuyện khác. Anh phải đánh cắp các tài liệu. Anh chụp ảnh tài liệu. Những tài liệu anh gửi về được chuyển đi nguyên văn. Tôi không bị yêu cầu làm những việc loại này, chỉ trừ trường hợp họ buộc tôi phải làm như thế. Điều này chỉ xảy ra khi họ không tin tưởng cách tôi phân tích sự việc. Họ sẽ yêu cầu bằng chứng, và tôi sẽ đưa cho họ một số tài liệu để chứng minh cho phân tích của mình. 'Không có tài liệu, chúng tôi không thể hiểu nổi những gì anh nói,' họ sẽ bảo tôi như vậy."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2020, 03:35:56 pm »


        Khi cuộc chiến tranh tiếp diễn và Phạm Xuân Ẩn ngày càng trở nên quan trọng và tình hình của ông mỗi lúc một nguy hiểm hơn, thì ông trở nên ít tuân lệnh cấp trên của mình hơn. Ông được tiếp cận những tài liệu mật và được tham gia mọi khía cạnh liên quan đến kế hoạch tác chiến cũng như tin tình báo của đối phương. Những cấp trên cộng sản của ông - giống như các chỉ huy tình báo ở bất kỳ đâu - rất khát khao những tài liệu này. Khi họ gây sức ép buộc Phạm Xuân Ẩn phải đánh cắp và chụp ảnh chúng, ông đã từ chối. Ông sẽ không đời nào chịu chết vì lấy cắp những mẩu giấy đóng dấu tuyệt mật này. Thay vào đó, ông sẽ diễn giải lại những gì ông đã đọc và thuật lại các số liệu trong những báo cáo gửi tới cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp. Họ phải tin ông, bởi vì những lời của Phạm Xuân Ẩn là vàng.

        "Nếu họ không tin thì tôi cũng không quan tâm," ông nói. "Đối với tôi điều đó rất đơn giản. Tôi làm việc cho họ. Tôi làm việc vì chính nghĩa, vì nhân dân Việt Nam. Tôi không làm việc cho bất kỳ cá nhân nào. Nếu họ không tin tôi, tôi chỉ việc phủi tay bỏ đi là xong. Thỉnh thoảng họ nói: 'Chúng tôi tin anh, nhưng chúng tôi cần có thêm chi tiết để hiểu những gì anh nói'. Trong trường hợp đó, có thể tôi sẽ gửi cho họ ảnh chụp tài liệu. Nhưng việc đó rất nguy hiểm, chụp ảnh những tài liệu mà theo quy định là không bao giờ được mang ra khỏi phòng của ai đó."

        Theo Phạm Xuân Ẩn, "một điệp viên phải đối mặt với ba thách thức. Thứ nhất là những lời nói dối. Anh ta sẽ gặp nguy hiểm nếu những điều hư cấu và hoang đường mà anh ta tán phát bị phát giác. Thứ hai là những sai lầm. Nếu chẳng may anh bị bắt giữ, không ai có thể cứu anh. Còn một loại sai lầm nữa xuất phát từ việc chứng kiến câu chuyện nhưng lại không báo cáo nó. Ví dụ, tôi đang ăn tối và nói chuyện với một người kể cho tôi biết rằng Norodom Sihanouk sắp bị lật đổ trong một vụ đảo chính. Đây là sự khởi đầu cho sự xâm lược của Mỹ vào Campuchia tháng 4 năm 1970, khi họ tấn công Đường mòn Sihanouk. Đây là thông tin quan trọng, nhưng tôi không báo cáo lại cho những người cộng sản. Lẽ ra tôi phải báo cáo, và giá kể tôi làm như vậy, tôi đã cứu được rất nhiều mạng sống."

        "Tại sao ông không báo cáo tin đó?" tôi hỏi.

        "Vì lúc ấy tôi quá bận,'' ông nói. "Tôi còn cả trăm thứ khác để báo cáo. Những người bạn cho tôi biết chi tiết của vụ đảo chính, nhưng tôi không chuyển chúng đi. Đấy là một sai lầm lớn. Tôi bị trách cũng đáng. Lẽ ra tôi phải báo cáo cho cấp trên của mình. Sau đó tôi nói với họ rằng tôi đã phạm sai lầm." Đây có thể coi như một trong những lời xin lỗi hiếm hoi của Phạm Xuân Ẩn với những cấp trên của mình. Nhìn chung thì với họ ông có thái độ khá phớt lờ. Ông nắm chắc tình hình hơn và cũng khôn ngoan hơn hợ "Thỉnh thoảng họ cật vấn tôi," ông nói. "Họ nghi ngờ thông tin của tôi. Cứ khi nào họ hỏi tôi về tin của những nguồn tin, thì tôi lại nói: Tôi là nguồn tin. Nếu các anh không tin tôi, hãy quên nó đi.'"

        Phạm Xuân Ẩn luôn lảng tránh sang chuyện khác mỗi khi tôi hỏi ông về các chi tiết liên quan đến những tài liệu mật mà ông xử lý, nhưng rõ ràng là chúng được ấn vào tay ông bởi tất cả mọi người ở tất cả các bên. Phạm Xuân Ẩn đã từng là một trong những thành viên sáng lập của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam và là phụ tá tin cẩn của Trần Kim Tuyến, giám đốc đầu tiên của tổ chức này. Ông được cho là làm việc cho CIA, và ông được tùy nghi xem xét những hồ sơ tư liệu của Time. Các sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa coi Phạm Xuân Ẩn như một nhà khí tượng chính trị địa phương. Ông là người dự báo mà bạn muốn hỏi ý kiến trước khi tiến hành một vụ đảo chính hoặc một chiến dịch hay những thay đổi lớn khác trong đời sống chính trị. Phạm Xuân Ẩn có thể giúp chỉ ra cách làm thế nào để vừa lòng những quan thầy Mỹ, trong khi vẫn đồng thời bảo vệ được người bản địa và tranh thủ kiếm thêm chút đỉnh. Phạm Xuân Ẩn không bao giờ tỏ ra phán xét hay chỉ trích. Ông không thả mình vào bất kỳ thứ gì trong vô số những cám dỗ của thành phố, nhưng luôn sẵn lòng đi cùng bạn bè bất kỳ lúc nào họ tạt vào những vũ trường hoặc tiệm thuốc phiện. Người Mỹ đang rót những khoản tiền khổng lồ vào Việt Nam. Các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam đang chóng vánh ăn cắp số tiền đó bằng mọi cách nhưng họ vẫn phải giả đò là đang đại diện cho quyền lợi của Mỹ. Họ muốn chỉ huy binh sĩ của mình đi "tác chiến" nhưng lại tránh chạm trán đối phương. Phạm Xuân Ẩn tạt qua khắp những quán cà phê và nhà hàng của thành phố như một bác sĩ đi khám tại các gia đình. Ông khuyên mọi người làm thế nào để phân biệt những lỗi nhỏ có thể được nhắm mắt làm ngơ với những sai lầm nghiêm trọng có thể khiến anh bị sa thải hoặc mất mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2020, 10:43:39 am »


        "Tôi có hàng trăm người bạn, ở khắp mọi nơi," ông nói. "Chúng tôi thường tụ tập bàn bạc với nhau. Tôi thường giúp họ nghiên cứu những tài liệu đóng dấu tối mật hoặc chỉ được đọc tại chỗ. Họ thường để tôi đọc, rồi sau đó chúng tôi sẽ trao đổi về ý nghĩa của những tài liệu này. Hoặc là họ sẽ đề nghị tôi giúp họ sửa chữa những báo cáo mà họ đang chuẩn bị gửi cho người Mỹ."

        Những tài liệu này ở đâu ra? "Tài liệu đến từ bên quân đội, tình báo, mật vụ, từ đủ các loại nguồn," Phạm Xuân Ẩn nói. "Chỉ huy của các đơn vị quân đội, sĩ quan của những lực lượng đặc biệt, hải quân, không lực - tất cả họ đều giúp tôi, và thỉnh thoảng họ lại cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi phải đáp lại thịnh tình của họ. Họ gặp một vấn đề. Họ phải giải quyết với người Mỹ như thế nào? Ví dụ như khi người Mỹ đổ quân vào Việt Nam năm 1965, các tướng lĩnh Việt Nam (Cộng hòa) biết rằng họ sẽ mất quyền chỉ huy vào tay người Mỹ. Trước kia họ được độc lập, được tự mình đưa ra quyết định, trừ việc phải đối phó với các cố vấn Mỹ, nhưng giờ thì tình hình đã thay đổi." Phạm Xuân Ẩn miêu tả một đất nước đầy rẫy những viên tướng lo lắng, những người được chỉ thị không được để xảy ra thương vong trên chiến trường, những chính trị gia hoang mang trước cung cách lạ lùng của những cuộc bầu cử gian lận và gọi đó là "dân chủ", và những điệp viên lo âu về việc các cơ quan tình báo cạnh tranh đang phá hoại hoạt động buôn ma túy và những mối làm ăn béo bở khác. Là bậc thầy về nghệ thuật quanh co và lòng vòng, người Việt Nam đã học được cách đối phó với sự hiện diện ít ỏi của người Mỹ, nhưng lực lượng chiếm đóng mới lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Trong cơ chế trao đổi giữa những người cần lời khuyên của Phạm Xuân Ẩn và ông thì cần thông tin của họ, tài liệu được trao tay, dù chỉ là trong một thời gian ngắn.

        Tinh hình chính trị tại Việt Nam thay đổi rất nhanh chóng khi đợt đầu tiên của lực lượng về sau lên đến nửa triệu binh lính đặt chân đến đất nước này. "Khi Mỹ đưa quân vào năm 1965, điều này tạo ra những vấn đề  cho những người Việt Nam đang cai trị ở miền Nam," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi khuyên họ nên tập trung lại và thảo luận với nhau về cách đối phó với người Mỹ như thế nào. 'Đến thời điểm này các anh vẫn luôn độc lập. Nhưng hiện tại câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào các anh có thể duy trì được quyền chỉ huy của mình? Nếu không hài lòng với các cố vấn Mỹ, các anh có thể tống cổ họ đi,'" Đây là lời khuyên hữu ích mà một điệp viên cộng sản có thể nói với các tướng lĩnh đang chỉ huy quân đội kẻ thù của anh ta. Khi tôi nghe Phạm Xuân Ẩn kể câu chuyên này, tôi thích thú cảm nhận sự châm biếm của nó. Rất nhiều nhận xét tưởng chừng như ngây thơ của Phạm Xuân Ẩn lại ẩn chứa những điều mang hai ba tầng nghĩa. Chúng giống như những hòn sỏi lăn lông lốc xuống triền núi. Chúng bắn tung tóe qua bãi đá vụn của những giả định hàng ngày và tích tụ lại thành những tảng đá mang đầy ý nghĩa trước khi chạm đến đáy với những hậu quả đủ lớn để san bằng cả một đất nước. Phạm Xuân Ẩn giúp quân đội Việt Nam Cộng hòa hình thành nên phản ứng của mình trước sự có mặt của binh lính Mỹ và đồng thời cung cấp thông tin này cho các đồng đội Bắc Việt Nam của mình. Ông là một cố vấn được tin cậy ở miền Nam và là một nguồn tin giá trị đối với miền Bắc. "Đây đúng là lời khuyên giá trị," người ta có thể hình dung cánh tướng lĩnh miền Nam Việt Nam đang thốt lên. "Hãy tống cổ bọn Mỹ đi và tự mình đương đầu với cộng sản!" Suy nghĩ lại thì có lẽ đây cũng không phải là ý tưởng hay cho lắm, tất nhiên là trừ phi người ta quan tâm đến việc để thua cuộc chiến này.

        Phạm Xuân Ẩn là một nhà môi giới thông tin trung thực hay là bậc thầy của nghi binh, nơi mà chính sự thật là yếu tố gây bất ổn định? Lời cáo buộc rằng Phạm Xuân Ẩn cài cắm thông tin giả trong những trang viết của Time thật là không có giá trị. Đây hẳn sẽ là một sứ mệnh sai lầm dành cho một con người quá xuất sắc trong việc phát tán thông tin chính xác. Phạm Xuân Ẩn không việc gì phải nói dối bất kỳ ai. Lời khuyên của ông là tiêu chuẩn vàng về sự chính xác. Phạm Xuân Ẩn có thể nói cùng một sự thật đó với bất kỳ ai ở bất kỳ đâu vì ông cho rằng sớm muộn sự thật đó cũng tự bộc lộ. Kết thúc hợp lôgic cho cuộc chiến đẫm máu này là một chiến thắng cách mạng cho một nước Việt Nam độc lập. Đó là sự thật mà Phạm Xuân Ẩn tín tưởng một cách mãnh liệt, cho dù đó không phải lúc nào cũng là sự thật mà ông bộc lộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2020, 10:46:51 am »


        Khi Phạm Xuân Ẩn đến làm việc cho Time Inc. năm 1964, cứ năm người Mỹ thì lại có một người đọc ấn phẩm của Luce, là Time, tờ tuần san tin tức đầu tiên của cả nước, hoặc những người chị em của nó là Life và Fortune. Được sáng lập năm 1923 bởi Henry Luce và người bạn cùng lớp ở trường dự bị đại học Hotchkiss của ông là Briton Haddon (người qua đời vì nhiễm liên cầu khuẩn năm 1929), Time là một phần của một thế lực xuất bản không gì cản được. Với tổng doanh số phát hành mỗi tuần lên đến 50.000.000 bản, Luce khi ở đỉnh cao quyền lực của mình là bộ trưởng thông tin không chính thức của nước Mỹ. Ông ta có ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong việc định hướng dư luận Mỹ và hình thành chính sách công, và việc làm tại một trong những tạp chí của Luce chỉ dành cho những phóng viên cùng các nhiếp ảnh gia có tay nghề ở đỉnh cao nhất.

        Với biệt hiệu "Chink1" vì ông được sinh ra ở Trung Quốc năm 1898 trong một gia đình có cha là mục sư Giáo hội Trưởng lão Scotland, Luce phát triển một văn phong đặc trưng dùng để viết tin, thông tuệ, hoạt bát và cực kỳ tự tin. Thế giới được phân chia một cách rạch ròi kiểu giáo lý Mani thành những vùng "tự do" và "không tự do", chủ yếu là vùng theo cộng sản, và sứ mệnh của nước Mỹ là lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại lực lượng vô thần này. Luce trình bày quan điểm của mình một cách vang lừng nhất trong bài xã luận được viết năm 1941 cho tờ Life có nhan đề "Thế kỷ của nước Mỹ". Theo Luce, những quyền lợi chính trị của nước Mỹ và giá trị cũng như niềm tin của nó sẽ định hình nên thế kỷ 20, và bất kỳ ai chống lại nước Mỹ sẽ phải lãnh chịu hậu quả. Có một thái độ hăng máu, một tình yêu thể thao và chiến tranh, trong những tạp chí của Luce và bất kỳ khi nào nước Mỹ tham dự một cuộc chiến tranh, thì bao giờ nó cũng nghiễm nhiên là một cuộc chiến đấu chính nghĩa.

        Cho đến tận khi qua đời năm 1967, Luce thích lượn vòng quanh thế giới, kinh lý qua những vùng biên viễn thuộc đế chế của mình, ăn tối với các vị đại sứ và tổng thống. Khi ghé qua Sài Gòn, đôi lần ông ta bắt tay Phạm Xuân Ẩn và những nhân viên khác của mình. Cao 1,83 mét, hút thuốc như ống khói với đôi mắt xanh nhạt và một vẻ chăm chú dữ dội đến cau mày lại, Luce luôn oang oang nói ra quan điểm của mình với quyền lực tuyệt đối. Như lời Luce nói về chiến tranh Việt Nam trong một chuyến thăm của ông ta đến văn phòng đại diện tại Sài Gòn: "Đó là cuộc chiến đúng đắn ở đúng nơi, đúng lúc. Tất cả những gì chúng ta phải làm là dọn dẹp sạch sẽ tình hình chết tiệt này rồi thiết lập một chế độ nhiếp chính của người Mỹ; sau đó mọi chuyện sẽ chấm dứt."

        McCulloch kể một câu chuyện về Henry Luce, hay "Harry", như ông ta vẫn thích được gọi, đến thăm McCulloch ở "ngay tại trận". Như lời thuật lại trong buổi phỏng vấn với David Felsen, McCulloch bố trí một bữa dạ tiệc tại Sài Gòn cho Luce, đại sứ Australia, trưởng đại diện CIA và các quân chức khác. Đánh giá tiêu cực của họ về triển vọng của cuộc chiến tranh làm Luce bực bội. "Luce càng lúc càng tức giận hơn cho đến khi ông ta đập bàn cái rầm và nói: 'Tôi biết giải pháp là gì. Chúng ta đặt một quan tổng trấn vào đây và dọn dẹp nó đi rồi rút ra'." Sự im lặng bao trùm quanh bàn ăn, cơn tức giận của Luce đã chấm dứt buổi dạ tiệc.

        Thực hiện cái mà ông ta gọi là "làm báo theo nhóm", Luce nhất quyết đòi các ấn phẩm của ông ta phải nói cùng một giọng thống nhất, thông tuệ và tập thể. Để đạt mục tiêu này, ông ta huy động một đội ngũ nhân viên khổng lồ được trả lương hậu hĩnh. Các phóng viên của ông ta tạo thành một trong những tổ chức thu thập tin tức tinh nhuệ nhất thế giới, và trong số các biên tập viên của ông ta có một số nhà văn danh tiếng nhất nước Mỹ. Cùng hợp sức, họ tạo ra một giọng văn xuôi không tên tuổi, thuần nhất, được thể hiện trong những bài báo không để tên người viết cực kỳ không đáng tin cậy. Kiểu sản phẩm tập thể này tạo ra vỏ bọc hoàn hảo cho một điệp viên. Phạm Xuân Ẩn tham gia vào bài viết của tất cả mọi người, đưa ra lời khuyên đối với phần lớn những nội dung điện được đưa ra khỏi Sài Gòn, trong khi hầu như không để lại dấu vết nào về bản thân trong đống tư liệu của tờ tạp chí.

------------------------
        1. Lối nói khinh thường chỉ một người gốc gác Trung Hoa, đại loại như "Ba Tàu" trong tiếng Việt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2020, 10:48:09 am »


        Các phóng viên thường trú của Luce thường chết điếng người khi tờ tạp chí in ra hoàn toàn ngược lại những gì họ đã phản ánh. Cứ như thể làm việc ở New York toàn là những nhà lôgic điên rồ. Các phóng viên thường trú viết những bài báo ngồn ngộn và thu thập cả đống những miêu tả sống động. Họ phỏng vấn tất cả các quan chức hàng đầu và thu thập tất cả những tài liệu tốt nhất. Dữ liệu thô của họ là vàng. Tờ tạp chí xuất bản ra là chì. Phạm Xuân Ẩn hài lòng khi giữ cho mình đứng ngoài được những cuộc chiến về quyền hạn biên tập ở New York và sung sướng vì tên của ông ít khi xuất hiện trên tờ tạp chí, chỉ trừ trên mục danh sách phóng viên và biên tập viên. Không ai có thể lần ra ông từ các bài viết. Không ai có thể bới lục ra ông biết gì và biết lúc nào. Vị trí của ông trong tờ tạp chí càng cao bao nhiêu thì ông càng viết ít bấy nhiêu. Ông là nguồn tin nền, nhà cố vấn, người rò rỉ tin, kẻ mách nước, người săn lùng tin, và phiên dịch - nhưng không phải là tác giả -  của những bài viết của Time chuyển ra khỏi Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn là người tâm phúc trong sự tin tưởng của tất cả mọi người. Ông đang thực hiện các điệp vụ hoàn hảo, hoàn toàn không có dấu vết lúc phá cửa và đột nhập vào trong, không dấu vân tay tại hiện trường. Chỉ có Phạm Xuân Ẩn, mỉm cười và đùa bỡn như mọi khi, trong khi vẫn nhòm ra từ phía sau chồng giấy chất đông trên bàn làm việc của mình.

        Chắc mẩm rằng một nhà báo nổi tiếng thì kiểu gì cũng phải có ít nhất một bài báo đáng giá, nhiều người khẳng định rằng Phạm Xuân Ẩn viết bài báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần năm 1969, nhưng Phạm Xuân Ẩn phủ nhận mình là tác giả. "Với một sự kiện lớn như vậy, các phóng viên thường trú từ khắp nơi trên thế giới đều đóng góp, cùng với các phóng viên tự do và những người khác. Sau đó những người viết lại ở New York sẽ đảm nhiệm phần việc rất lớn trên nguồn tư liệu này. Họ sẽ sàng lọc qua và cho ra một bài báo theo đúng hẹn."

        Những bài báo của Time thường vô danh, không có hàng để tên người viết, và phải mãi đến năm 1970 thì Murray Gart, người phụ trách các phóng viên thường trú, mới đưa tên của Phạm Xuân Ẩn vào danh sách phóng viên, biên tập viên. Trưởng đại diện tại văn phòng Sài Gòn khi đó là Jonathan Larsen, con trai của một trong những biên tập viên sáng lập ra tờ tạp chí. Phạm Xuân Ẩn liệt kê danh sách tám trưởng văn phòng đại diện mà ông phục vụ dưới quyền - Frank McCulloch, Simmons Fentress, William Rademaekers, Marsh Clark, Jonathan Larsen, Stanley Cloud, Gavin Scott, Peter Ross Range - ông đọc tên của họ với vẻ trịnh trọng cứng nhắc như thể đang liệt kê các triều đại Việt Nam.

        Phạm Xuân Ẩn cũng hình thành mối quan hệ thân thiết đùa bỡn với một vài người trong số này kiểu như mối quan hệ giữa ông với Edward Lansdale trước kia.

        Bằng cách biến những tập tục kỳ lạ của phương Đông thành những lời khuyên cá nhân, ông trở thành Abby Thân mến1 về rối loạn chức năng sinh lý, tăng khoái cảm, trường thọ, và các phương thuốc khác của y học cổ truyền phương Đông, cung cấp đủ các loại thuốc tán và thang thuốc cho những người bạn cần dùng. "Tôi cho Jonathan Larsen một số loại thuốc bắc để có con. 'Đây là loại thuốc rất đắt tiền, rất giàu vitamin E,' tôi bảo anh ta. 'Hãy dùng thuốc hằng ngày và, trong thời gian đó, anh chỉ nên quan hệ tình dục với vợ mình thôi. Đừng có đi lăng nhăng vãi giống khắp mọi nơi.' Tôi không biết anh ta có nghe lời tôi không, nhưng anh ta có nhận thuốc tôi đưa."

        Bất chấp những lời buộc tội của các biên tập viên tạp chí Time tại New York rằng đội ngũ báo chí Sài Gòn là một lũ những kẻ than khóc yếu bóng vía đưa tin về chiến tranh từ quán bar trên sân thượng của khách sạn Caravelle (lời buộc tội này, được đăng trên mục "Báo chí" của tờ tạp chí, đã dẫn đến việc Charley Mohr từ chức), công tác tại Đông Nam Á trong thời chiến tranh là một nhiệm vụ nặng nề, nguy hiểm và nhiều khi chết người. Ba phóng viên của Time-Life đã thiệt mạng trong cuộc chiến, và rất nhiều người bị thương. Tổn thất đầu tiên là phóng viên ảnh Robert Capa của Life, người bị giết khi đang thực hiện nhiệm vụ tại Đông Dương năm 1954. Tổn thất cuối cùng cũng lại là một phóng viên ảnh Larry Burrows, người suốt chín năm liền làm công việc phóng viên chiến trường, phóng sự ảnh, và 22 trang bìa cho tạp chí Life trước khi chiếc máy bay trực thăng của miền Nam Việt Nam chở anh ta bị bắn rơi tại Lào năm 1971.

---------------------
        1. Nhân vật phụ trách mục giải đáp tâm tình nổi tiếng trên báo chí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2020, 10:50:04 am »


        Trong một cuộc chiến dai dẳng với những ranh giới luôn dịch chuyển và những lòng trung thành ẩn trong bóng tối, bị bắt là một nguy cơ nghiêm trọng. Phạm Xuân Ẩn nhận được thông báo về những đảng viên cộng sản bị bắt giữ và nơi họ đang bị giam. Trong rất nhiều trường hợp ông đã đứng ra bảo đảm cho những phóng viên đồng nghiệp ngoại quốc của mình và làm việc thông qua những kênh bí mật để họ được trả tự do. Trước mặt mọi người, ông làm ra vẻ hoàn toàn bất lực. Trong khi hỗ trợ đồng nghiệp của mình là phóng viên Robert Sam Anson của tạp chí Time, suýt chút nữa thì Phạm Xuân Ẩn bị lộ. Một cố gắng khác để trả tự do cho phóng viên ảnh Sean Flynn của Time mang lại kết cục là thất bại.

        Flynn, con trai của nữ diễn viên Pháp Lili Damita và diễn viên người Mỹ sinh tại Tasmania1 Errol Flynn, người đóng vai chính trong phim Captain Blood (Thuyền trưởng Blood) và những bộ phim đấu kiếm khác, đã rời bỏ trường đại học và lang bạt khắp thế giới, luân phiên giữa những trường quay cho đến các vùng chiến sự, thế rồi anh ta đến Việt Nam năm 1965. Flynn coi Audie Murphy, người hùng chiến tranh đóng vai người Mỹ trầm lặng trong bộ phim đầu tiên được chuyển thể từ tiểu thuyết của Greene, như thần tượng. Flynn thuê nơi  mà anh ta tưởng là căn hộ của Murphy trên đại lộ Catinat. Đáng tiếc là anh ta đã mắc sai lầm. Nơi anh ta thuê hóa ra lại là căn hộ của Michael Redgrave, người đóng vai nhà báo Anh vốn là thần trừng phạt Audie Murphy. Chính từ ban công của căn hộ này mà Redgrave đã ra hiệu để Murphy bị khử.

        Tháng 4 năm 1970, chàng thanh niên Flynn 29 tuổi và nhiếp ảnh gia đồng nghiệp Dana Stone rời Phnom Penh trên những chiếc xe máy đi thuê để tìm kiếm mặt trận giao tranh tại Campuchia. (Campuchia đã trở thành một điểm nóng khác tại châu Á sau khi ông hoàng Norodom Sihanouk bị phế truất và quân đội Mỹ xâm lược nước này). Bị Khmer Đỏ bắt giữ ở miền Đông Campuchia, Flynn và Stone bị giết vào năm sau. "Họ bị bắt ở Chi Pou, cách Phnom Penh không xa," Phạm Xuân Ẩn kể với tôi. "Họ bị Khmer Đỏ giết, nhưng khi đó chúng tôi không biết chuyện này. Tất cả những gì chúng tôi biết lúc đó chỉ là họ đã bị bắt."

        Ngay khi tin tức về vụ bắt giữ hai phóng viên ảnh về đến Sài Gòn, Time đã phát động một chiến dịch giải cứu. Được sự hỗ trợ của các văn phòng đại diện khác từng có phóng viên bị mất tích, họ phái đi phóng viên tự do Zalin Grant, người đã từng làm việc trong ngành phản gián quân đội trước khi viết cho Time. "Ông ta cần hai người đi cùng với mình để phỏng vấn những người tị nạn vượt biên từ Campuchia sang," Phạm Xuân Ẩn nói. "Vượng và tôi đi cùng ông ta đến Trảng Bàng, nơi rất nhiều người tị nạn đang từ Campuchia ùn ùn đổ sang. Chúng tôi hỏi xem họ có nhìn thấy hai phóng viên ảnh Sean Flynn và Dana Stone không." Nỗ lực giải cứu được tiếp tục thêm vài năm sau đó bởi phóng viên ảnh người Anh Tim Page, người đã bị thương rất nặng trên biên giới Campuchia khi làm việc cho Time. Phạm Xuân Ẩn  còn được cử đi trong một sứ mệnh khác liên quan đến Flynn. Ông được cử đi dọn sạch căn hộ của anh này, nơi chứa đầy cần sa và một bộ sưu tập không lồ các loại súng được nhặt về làm kỷ vật chiến tranh. "Cũng may là chúng tôi đến đó trước cảnh sát," Phạm Xuân Ẩn nói.

        Phạm Xuân Ẩn còn nỗ lực để cứu mạng những tù binh khác, gồm cả một "chủ trang trại nuôi bò sữa", mà thực ra là một đại tá trong không quân Australia. Trong những lần khác ông cố ngăn lực lượng cộng sản tấn công những ấp chiến lược do các nông dân bị bắt làm lính bảo vệ. "Năm 1967, Rufus Phillips và tôi biết tin về một số hoạt động giao tranh bên ngoài Sài Gòn khoang 15 kilômét. Anh ta túm lấy tôi và nói: 'Ẩn này, tại sao chúng ta không đến đó xem thử coi?' Chúng tôi đến đó trên chiếc xe bé tí của tôi. Rufe2 là một người to lớn. Anh ta khó khăn lắm mới ngồi lọt vào trong xe tôi. Bob Shaplen có thể đi cùng xe với tôi, nhưng như thế cũng là giới hạn rồi. Tôi không thể nhét ai to hơn thế vào nữa."

        "Chúng tôi nhận thấy là rất nhiều nông dân nghèo đã bị giết. Họ đã bị cưỡng bức phải làm việc cho phe chính phủ, như là một bộ phận của lực lượng dân vệ. Đây là điều anh phải làm nếu không muốn bị bắt đi quân dịch. Họ bị giết trong cuộc tấn công vào ngôi làng.

        Đây là những nông dân sống trong các túp lều tranh. Con cái họ quần áo rách rưới đang vạ vật quanh làng. Giờ đây những người lính đã chết, gia đình họ thậm chí còn không có đủ tiền mua quân tài cho họ."

----------------------
        1. Hòn đảo ở Nam Australia.

        2. Tức Rufus.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM