Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:03:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13711 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2020, 05:19:59 am »


        Thay vì nhận xét về sự ngây thơ của cô, Phạm Xuân Ẩn khai thác Deepe làm vỏ bọc hoàn hảo cho hoạt động riêng của mình. Deepe sống trong một căn hộ ở tầng bốn, phía trên một garage giữa trung tâm Sài Gòn. Căn hộ gồm một phòng lớn có bếp và tủ lạnh được làm mát bằng một khối đá, trông ra khách sạn Rex, nơi các quân chức dân sự và quân sự tiến hành những cuộc giao ban báo chí hằng ngày. Phạm Xuân Ẩn giải thích mối quan hệ hai bên cùng có lợi mà ông xây dựng với Deepe: "Tôi thường ghé qua gặp viên đại tá chỉ huy Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam (CIO). Ông ta là bạn của tôi. Hàng ngày tôi lấy các thông tin tình báo rồi chuyển cho Beverly Ann Deepe để viết bài cho tờ New York Herald Tribune. Chúng tôi rất hài lòng. Chúng tôi có tất cả những thông tin mình cần. Chúng tôi chỉ việc 'chế biến' câu chuyên từ tất cả những nguyên liệu chúng tôi được cung cấp. Vô cùng đơn giản."

        Ngày 5 tháng 7 năm 1965, phóng viên đặc biệt Phạm Xuân Ẩn đăng bài báo của chính mình trên tờ New York Herald Tribune, với nhan đề "Chương trình đó cho Nam Việt Nam: mỗi lần một miếng". Khi tôi mang một bản sao của bài báo này đến cho Phạm Xuân Ẩn trong một lần tôi đến thăm ông, ông giải thích cặn kẽ về nguồn gốc bài báo. "Bài báo giải thích chiến lược của cộng sản, tức chương trình đỏ. Trước khi người Mỹ đưa binh sĩ chiến đấu vào, họ nên biết cộng sản sẽ phản ứng như thế nào. Đó là lý do tại sao tôi viết bài báo này."

        Bài báo viết rằng tại thời điểm đó của cuộc chiến, cộng sản có 65.000 quân chủ lực ở miền Nam, được hỗ trợ bởi 100.000 dân quân tự vệ cấp địa phương và của làng xã. "Những con số này là chính xác," Phạm Xuân Ẩn  nói. "Người Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu giữ được rất nhiều tài liệu của đối phương. Họ chuyển chúng cho Cục Điều tra Hình sự (CID) để dịch. Tôi dựa vào Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam và vào tình báo quân đội Nam Việt Nam, an ninh quân đội Nam Việt Nam, và mật vụ Sài Gòn để được xem những tài liệu này, thứ mà tôi đọc rồi phân tích hàng ngày." Phạm Xuân Ẩn che giấu dấu vết của mình bằng cách chỉ cho đăng những thông tin đã được biết từ trước ở miền Nam, chứ không bao giờ là những thông tin ông nhận được từ cấp trên cộng sản của mình. "Đó là con dường một chiều," ông nói. "Như thế là vì lý do an ninh."

        "Tôi không thể nói rằng mình đang sử dụng những tài liệu từ CIO, tôi phải nói rằng tôi đang trích dẫn những 'nguồn đáng tin cậy'. Những tài liệu của cộng sản là quá đủ tin cậy rồi," Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa bật cười, thích thú với ý nghĩ về "sự đáng tin cậy" trong cuộc chiến không có gì là chắc vào hạng nhất này. Những bài xã luận của Phạm Xuân Ẩn cũng có tác dụng cảnh báo cho cộng sản biết rằng đối phương ở miền Nam đã biết những gì về họ. "Họ nên biết rằng bất kỳ điều gì tôi viết về cộng sản cũng dựa vào những tài liệu thu giữ được. Họ cần phải cảnh giác. Ví dụ như tất cả những nghị quyết của cộng sản, tôi đều biết rõ qua tiếng Anh hơn là tiếng Việt. Đây đúng là điều rầy rà đối với tôi," Phạm Xuân Ẩn mỉm cười nói.

        Phạm Xuân Ẩn còn có một nguồn thông tin khác thậm chí quan trọng hơn cả những tài liệu thu giữ được của cộng sản. Ngày nào cũng vậy, ông tận mắt nhìn thấy những dữ liệu tình báo còn thô qua các cuộc thẩm vấn quân sự, gồm cả thẩm vấn những đảng viên cộng sản chiêu hồi. Những dữ liệu này có thể không hữu ích cho công việc báo chí hàng ngày của ông, nhưng lại là vô giá đối với công việc điệp viên. Phạm Xuân Ẩn thông báo kịp thời cho tình báo miền Bắc Việt Nam về bất kỳ sơ hở nào trong các hoạt động của họ Ông là chiếc chuông treo trên cổ con mèo Mỹ khiến nó, hết lần này đến lần khác, khi nhảy vào chiếc tổ của cộng sản thì đã thấy ở đó rỗng không. Ngay sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, một cán bộ của miền Bắc Việt Nam tên là Trần Văn Đắc, hay còn gọi là Tám Hà, đã đào ngũ sang phe đối phương. Đây là một thiệt hại ghê gớm đối với cộng sản. Tay này là một sĩ quan cấp cao và là chính ủy nên biết khá nhiều về chiến lược của họ, đặc biệt là những kế hoạch cho giai đoạn thứ hai của Tổng tấn công Tết Mậu Thân vào tháng 5 năm 1968, cuộc tấn công này sẽ trở thành một thất bại quân sự nếu mất đi yếu tố bất ngờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2020, 06:35:45 pm »


        Tư Cang, người khi đó là một trong những chỉ huy của lực lượng tình báo cộng sản ở miền Nam, khẩn cấp vào Sài Gòn để đánh giá tổn thất. Trên đường vào thành phố, ông dừng lại để mua một tờ báo. Chình ình ngay trang đầu là một dòng tít về sự chiêu hồi của thượng tá Tám Hà và bức ảnh to đùng chụp ông ta đứng giữa một viên tướng Việt Nam Cộng hòa và William Westmoreland, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam. Ngay khi Tư Cang vào đến thành phố, Phạm Xuân Ẩn đưa ông vào trong xe của mình. Họ lái xe đến một căn cứ quân sự ở vùng bao quanh Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Định kế bên. Trong vòng 15 phút, khi Tư Cang đợi trong xe, Phạm Xuân Ẩn đã vào trong sở chỉ huy, mượn tài liệu và đi ra mang theo bản sao nội dung thẩm vấn Tám Hà.

        "Khi đọc lời khai của Tám Hà, tôi vô cùng căm phẫn tên phản bội này," đây là trích lời của Tư Cang nói trong cuốn Pham Хuaп An: A General of the Secret Service (2003)1, một trong ba cuốn tiểu sử được viết bằng tiếng Việt về Phạm Xuân Ẩn. "Hắn khai tất tần tật, kế hoạch tác chiến của chúng tôi, chiến thuật, vũ khí, cách che giấu lực lượng, pháo binh, đạn dược, và thậm chí là vị trí của sở chỉ huy khu vực. Trước tình hình này, cấp trên của chúng tôi đã thay đổi toàn bộ kế hoạch tác chiến trong việc tiến hành giai đoạn hai của cuộc tấn công, giảm thương vong xuống mức thấp nhất. Kết quả của cuộc tấn công này cuối cùng đã buộc đối phương phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán." Câu chuyện này rất phi thường vì một số lý do, trong đó có cả việc Phạm Xuân Ẩn lái xe tới một căn cứ quân sự cùng chỉ huy tình báo cộng sản ngồi trên ghế trước trong xe của mình. "Khi đó chúng tôi đang vội," Phạm Xuân Ẩn giải thích.

        Bên cạnh việc chia sẻ một số nguồn tin của mình, Phạm Xuân Ẩn còn đi cùng Beverly Deepe ra thực địa. Một hôm họ lái xe đến thăm John Paul Vann, người mới giải ngũ nhưng quay trở lại Việt Nam để điều hành chương trình bình định của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại tỉnh Hậu Nghĩa, gần biên giới với Campuchia. Vann là một nhân vật màu mè tạo cho cánh nhà báo một chủ đề hay để viết. Là một người phê phán chiến lược của Mỹ tại Việt Nam, ông ta muốn một cuộc chiến tranh hiệu quả hơn, khôn ngoan hơn với sự can dự chặt chẽ hơn ở dưới mặt đất và giảm phụ thuộc vào trò ném bom từ trên cao hay pháo kích tầm xa. Vann được đánh giá là một chuyên gia tầm cỡ thế giới về chiến lược chống du kích cho đến khi Neil Sheehan làm cho ông ta bị lu mờ. Như Sheehan tiết lộ trong Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và nước Mỹ tại Việt Nam, trong khi Vann khiến mọi người tưởng rằng ông ta bị buộc phải ra khỏi quân đội vì công khai phê phán chính sách của Mỹ, thì thực ra ông ta bị tước quân tịch vì tội giao cấu với trẻ em.

        Một buổi sáng Phạm Xuân Ẩn và Deepe lên đường trong chiếc Renault 4CV nhỏ màu xanh của ông và lái 50 cây số về phía Tây Bắc Sài Gòn tới văn phòng ở tỉnh Hậu Nghĩa của Vann. "Trước đó tôi không hề thông báo với bất kỳ ai," Phạm Xuân Ẩn nói về chuyến đi vào tháng 1 năm 1966 này. "Nếu họ mà biết chúng tôi sắp đến, có lẽ họ sẽ không cho phép chúng tôi. Chúng tôi lái xe hướng Tây Ninh rồi rẽ trái vào tỉnh Hậu Nghĩa. Khi chúng tôi đi vào thị xã, viên tướng người Việt bảo vệ trụ sở của Vann rất bất ngờ khi nhìn thấy chúng tôi. 'Mẹ kiếp, ông ta la rầm lên. 'Tôi không muốn nhà báo các người tới đây.' Ông ta rủa sả tôi thậm tệ. 'Anh là người Việt Nam. Anh mà chết tôi cũng đếch thèm quan tâm . Nhưng có một phụ nữ Mỹ đi cùng anh, mà nếu cô ta bị giết, tôi sẽ gặp cơ man nào là rắc rối. Con đường anh vừa đi qua ngày nào chẳng bị cộng sản tấn công. Lần nào có đoàn xe đi là chúng tôi lại phải rà mìn. Liên tục có người bị phục kích và giết chết."'

        Vì Vann đi vắng, nên Phạm Xuân Ẩn và Deepe gặp Doug Ramsey, viên phó của ông ta. Họ ăn trưa sớm để quay về Sài Gòn trước khi trời tối. Viên tỉnh trưởng cử một trung đội đi rà phá mìn và hộ tống họ ra đường 1. Tuần sau đó, Ramsey bị cộng sản bắt giữ, họ giam giữ anh ta suốt bảy năm liền.

        "Khi họ bắt giữ ai đó, họ sẽ cho tôi biết," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi nói với họ: 'Anh ta là một người tốt. Các anh nên trả tự do cho anh ta.' 'Nhưng anh ta nói tiếng Việt/ họ nói. 'Chúng ta phải cảnh giác với những tên biết nói tiếng Việt. Mãi đến khi ký kết Hiệp định Paris, sau khi đã sống sót qua những đợt không kích B-52, đói ăn, bệnh scobút, tê phù, và 136 cơn sốt rét ác tính, Ramsey mới được trả tự do năm 1973."

---------------------
        1. Cuốn sách tiếng Anh do NXB Thế giới ấn hành, dịch từ loạt bài nhan để Tướng tình báo chiến lược' đăng trên báo Thanh Niên (năm 2001) của Hoàng Hải Vân và Tấn Tú.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2020, 06:36:02 pm »


        Mùa thu năm 2007, tôi biết được phần còn lại của câu chuyện về Ramsey qua một cựu quân chức Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu được giấu tên. Phạm Xuân Ẩn không chỉ cứu mạng Ramsey, ông còn thuyết phục những người cộng sản đồng ý trao đổi Ramsey lấy một sĩ quan cộng sản đang nằm trong tay phương Tây. Không may cho Ramsey, vụ trao đổi bị CIA ngăn trở, vì cơ quan này còn đang bận thẩm vấn người tù binh kia. Lời khai của một sĩ quan cấp cao Việt Cộng có thể mở rộng quan lộ cho nhiều tay CIA. Ramsey cứ việc chờ.

        Phạm Xuân Ẩn còn những lý do hay ho khác để làm việc cho Beverly Deepe. "Những nhà báo nữ người Mỹ có lợi thế so với đàn ông," ông nói. "Những người mà họ phỏng vấn cứ chắc mẩm có thể đánh lừa được phụ nữ. Họ tưởng họ có thể lừa cho các nhà báo nữ nhắc lại như vẹt những ý tưởng và định kiến của mình. Trong các cuộc phỏng vấn, những nhà báo nữ có thể làm ra vẻ đồng tình với anh, nhưng sau đó, khi họ bắt tay vào viết bài thì lại khác hoàn toàn. Họ có suy nghĩ của riêng họ, và cánh đàn ông mà họ phỏng vấn, hết lần này đến lần khác, đều nhầm to. Những nhà báo nữ này nhìn thì rất ngọt ngào, nhưng thực ra họ rất khó xơi."

        "Tôi coi cô ấy như là chị của mình," Phạm Xuân Ẩn nói về Deepe. "Tôi được che chở bởi những nữ thần hộ mệnh của mình. Tôi đã hy vọng rằng một trong số họ chứ không phải một người đàn ông sẽ có dịp viết về tôi. Tiếc là mong ước của tôi không thành hiện thực."

        Phạm Xuân Ẩn và Deepe rơi vào hoàn cảnh bỏ lỡ cả một sự kiện lớn mà cô không đưa tin được chỉ vì cô là một phụ nữ. Tháng 8 năm 1965, họ bay ra Đà Nẵng ở phía Bắc và đăng ký vào trung tâm báo chí, một nhà thổ cũ được chuyển thành khách sạn do thủy quân lục chiến quản lý. Tại đây họ chạm mặt phóng viên Morley Safer của đài CBS cùng người quay phim và phụ trách âm thanh của anh ta, những người cũng đang đến thành phố tìm kiếm chút màu sắc địa phương. "Cả ngày hôm đó tôi cùng với Beverly Ann Deepe ra thực địa cùng một đại đội thủy quân lục chiến," Phạm Xuân Ẩn nói. "Họ là những người lính rất dễ mến. Họ đang thực hiện các công tác quần chúng, quan hệ công chúng, gặp gỡ người dân, phát quà, cung cấp cho người dân những loại thuốc có mùi vị như kẹo. Họ giúp đỡ những trẻ em bụng ông vì giun. Họ cho chúng những miếng băng keo y tế Band- Aid sặc sỡ. Những đứa trẻ nào trông có vẻ đói khát thì được phát thêm những khẩu phần ăn đóng hộp của lính Mỹ. Chúng tôi nghĩ họ là những người tử tế. Họ nói rất nhiều điều tử tế khi họ giúp đỡ người dân.

        "Đến ba hay bốn giờ chiều, chúng tôi rời khỏi nơi dã ngoại và cùng với những người thủy quân lục chiến quay về căn cứ của họ. Họ đã lắp đặt một bể chứa nước bằng thép không gỉ. Họ mời chúng tôi tắm qua và phục vụ chúng tôi bữa ăn nóng sốt. Chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết khi chúng tôi chia tay tối hôm đó để quay lại trung tâm báo chí. Đêm hôm đó, đúng ra là đến rạng sáng hôm sau, những người lính bắt đầu chiến dịch Cẩm Nê. Chúng tôi không đi theo họ. Lúc đó là ban đêm rồi. Beverly khi ấy là một cô gái trẻ. Ban đêm cô ấy không đi ra ngoài.

        "Trước đó không ai nói gì với Deepe về việc những người thủy quân lục chiến sắp thực hiện một chiến dịch quân sự. Morley Safer và ê kíp quay phim của anh ta đã vào thế chỗ của họ. Điều này cho phép họ ghi lại được một trong những thời khắc quyết định nhất của cuộc chiến, khi một ngôi làng với hơn 300 mái tranh bị thiêu rụi bởi những binh lính điên cuồng tay lăm lăm bật lửa Zippo. Cẩm Nê là trường hợp lần đầu tiên thủy quân lục chiến Mỹ thiêu rụi toàn bộ một ngôi làng. Safer đưa được tin sốt dẻo", Phạm Xuân Ẩn nói với vẻ khâm phục. Ông tiếp tục miêu tả việc thủy quân lục chiến Mỹ đã phạm sai lầm như thế nào. "Họ tưởng ngôi làng thuộc về các du kích cộng sản. Thực ra nó thuộc về chính phủ. Viên tỉnh trưởng muốn ngôi làng bị trừng phạt vì không đóng 'thuế', tức là tiền hối lộ. Ba binh sĩ bị thương trong vụ này đều bị đạn của đồng đội bắn phải từ phía sau."

        Sau khi chứng kiến một khoảnh khắc đáng hổ thẹn vô cùng của một dân tộc, Safer có đủ dũng cảm để phản ánh nó (vì điều đó mà Tổng thống Johnson tìm cách khiến anh bị sa thải). Safer đã đưa tin về cuộc chiến tranh chống khủng bố của Pháp tại Algeria, trong đó cũng có chuyện áp bức dân thường, nhưng điều khiến anh phẫn nộ trong sự kiện Cẩm Nê, như David Halberstam viết trong cuốn Quyền lực (The Powers That Be, 1979), "là sự vô nghĩa của toàn bộ chuyên này, vì thậm chí ngay cả khi người Pháp có dùng biện pháp tra tấn đi nữa thì họ cũng thường làm điều đó với một ý đồ cụ thể, họ biết chính xác mình muốn lần ra cái gì. Chưa kể những chuyện khác, chuyện này dường như vừa bừa phứa, lại vừa tùy tiện và cẩu thả, chứ không hề có chủ ý như hành dộng tàn bạo của người Pháp và có lẽ chính vì thế mà lại càng trở nên tồi tệ hơn." Khi đoạn phim quay ở Cẩm Nê xuất hiện trước người dân Mỹ trong bản tin buổi tối, nó đã đánh "dấu chấm hết cho sự ngộ nhận rằng chúng ta khác họ, rằng chúng ta tốt đẹp hơn", theo lời Halberstam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2020, 06:36:18 pm »


        Trong đánh giá của mình về sự kiện Cẩm Nê, đáng ngạc nhiên là Phạm Xuân Ẩn lại tỏ ra bao dung đến ngạc nhiên. "Từ trước đến giờ người Mỹ chưa bao giờ có thuộc địa," ông nói. "Đối với họ, Việt Nam là bộ phận của một chiến lược toàn cầu." Ông miêu tả những người lính thủy quân lục chiến Mỹ đã bối rối như thế nào về Việt Nam ngay từ lúc họ đặt chân đến. "Sau khi được huấn luyện ở Bắc Carolina, một khóa huấn luyện khắc nghiệt đến khó tin trong đó họ phải đứng dưới nước hàng giờ liên tục, họ bước ra khỏi tàu đổ bộ để bước lên bãi biển ở Đà Nẵng. Và họ thấy gì ở đó? Một lô những cô nàng xinh đẹp cổ quàng vòng hoa. Chẳng thấy tăm hơi kẻ thù ở đâu cả. Họ trở nên chưng hửng. Họ không biết phải làm gì. Ban ngày thì những người lính thủy quân lục chiến cũng tử tế, nhưng đêm đến thì họ cư xử hoàn toàn khác. Một ai đó tràn ngập lòng thù hận bất ngờ ra lệnh thiêu rụi một ngôi làng."

        Cẩm Nê là một "sự kiện đau thương" đối với Phạm Xuân Ẩn, một bước ngoặt trong cuộc chiến của cá nhân ông. "Cũng giống như những tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công khủng bố và rất nhiều người vô tội thiệt mạng. Có thể những người lính đó đã ấp ủ nọc độc của sự thù hận. Đó là điều không tránh khỏi trong chiến tranh. Cũng giống như những gì đã xảy ra trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Con người luôn có hai phần, phần con và phần người. Đôi lúc phần bản năng con vật trở nên mạnh đến nỗi con người đánh mất lý trí của mình. Người Việt Nam cũng làm điều đó với người Việt Nam. Họ không còn biết mình là anh em hay kẻ thù. Ngay cả Chúa Trời cũng không thể giải thích được."

        Chúng tôi quay lại với chủ đề này khi tôi đến thăm nhà của Phạm Xuân Ẩn vào buổi sáng ngày 20 tháng 5 năm 2004. Cả hai chúng tôi đều đã thức khuya xem CNN tường thuật trực tiếp phiên điều trần của Quôc hội Mỹ về tình trạng tra tấn những tù nhân Iraq ở Abu Ghraib, một khoảnh khắc bước ngoặt khác trong những cuộc chiến tranh xa xôi của nước Mỹ. Những bức ảnh được chụp bằng điện thoại di động và trôi nổi trên Internet cho thấy các tù nhân trần truồng bị buộc dây dắt đi rồi đến những tù nhân bị trùm kín đầu hai tay dang rộng còn chỗ kín thì nối vào điện cực. "Một trong những viên tướng tại phiên điều trần nói rằng tình hình tại Iraq là những gì mà nước Mỹ chưa hề phải đối mặt trong suốt 50 năm qua," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ta đang muốn nói đến Việt Nam. Ông ta nói nhầm về mốc thời gian. Lẽ ra ông ta phải nói là 30 năm."

        Phạm Xuân Ẩn hỏi tôi có nhớ tướng Nguyễn Ngọc Loan, viên trùm cảnh sát Sài Gòn xuất hiện trong bức ảnh nổi tiếng của Eddie Adams khi đang bắn một tù binh Việt Cộng ở tầm ngay gần, viên đạn bay ra sau gáy của người đàn ông. Được chụp trong đợt Tổng Tấn công Tết Mậu Thân 1968, bức ảnh đoạt giải Pulitzer này trở thành một hình ảnh quan trọng khác về sự tàn bạo khủng khiếp của cuộc chiến.

        "Thực ra tướng Loan vốn là một người tử tế," Phạm Xuân Ẩn nói. "Cha ông ta cũng tham gia Việt Minh trong cuộc Chiến tranh Đông Dương của Pháp. Loan bị bắt đăng lính khi tướng de Lattre de Tassigny xây dựng các lực lượng vũ trang của Việt Nam. Để tránh phải phục vụ trong bộ binh, ông ta tham gia kỳ thi đào tạo thành một phi công Pháp. Con người ta phải mua thời gian. Họ hy vọng là chiến tranh sẽ kết thúc trước khi mình phạm tội ác giết hại chính đồng bào mình. Loan được cử đi đào tạo tại Pháp. Họ biến ông ta trở thành sĩ quan cao cấp nhất trong không quân Việt Nam.

        "Lẽ ra Loan phải ném bom xuống những người cách mạng Việt Minh. Nhưng vì người Pháp không có hệ thống để ghi lại kết quả, nên ông ta thả bom vào rừng và đầm lầy. Ông ta bảo đảm là mình bay đủ thấp để có thể quan sát phía dưới và thấy là không có ai bị giết."

        Nhưng sau khi trở thành giám đốc Nha cảnh sát Sài Gòn, "Loan biến thành một con hổ, đầu tiên là một con hổ nhép rồi trở thành một con hổ thực sự", Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ta trở nên cực kỳ tàn bạo. Một người chỉ huy phải biết cách làm thế nào chế ngự được phần con trong bản chất của con người. Nếu anh không kiểm soát được điều này ở cấp dưới của mình, nếu anh để cho họ tự tung tự tác, thì coi như anh xong rồi. Đó là những gì đã xảy ra ở Cẩm Nê. Những người lính thủy quân lục chiến trẻ măng dễ mến này là những người tốt. Họ yêu mến phụ nữ, họ yêu trẻ con, và rồi bỗng nhiên có người ra lệnh cho họ thiêu rụi một ngôi làng. Lỗi nên thuộc về kẻ đã ra lệnh cho họ. Điều tương tự cũng đúng đối với bất kỳ phe nào."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2020, 06:36:43 pm »


        Nếu Deepe chỉ là một võ sĩ hạng bán trung hăng máu, thì Robert Shaplen lại là một nhà báo tầm cỡ thế giới, liên tục cho ra đời những bài báo và cuốn sách về châu Á trong suốt 50 năm. Shaplen là trưởng đoàn báo chí Mỹ tại Việt Nam, một người đàn ông to lớn, thô ráp, giọng ồm ồm, chuyên hút xì gà, giữ cương vị phóng viên thường trú tại vùng Viễn Đông của tờ The New Yorker. Ông sống trong một căn phòng khách sạn trông ra vịnh Hồng Kông, trừ những khi ở Sài Gòn, nơi ông sống trong phòng 47 tại khách sạn Continental Palace. Shaplen viết bốn bài báo cho tờ The New Yorker mỗi năm, những bài đánh giá dài, chi tiết, và đầy thâm thúy về chính phủ và chính sách quân sự, với thông tin từ những nguồn ở cấp cao nhất. "Ông ấy là một trong những nhà báo con cưng của chúng tôi," cựu sĩ quan CIA Frank Snepp nói. "Chúng tôi có lệnh từ cấp cao nhất cho phép ông ta tiếp cận một cách không thể tin nổi với đại sứ quán và tình báo cấp cao."

        Cựu trưởng đại diện của Newsweek Kevin Buckley, người cũng sống và làm việc tại Continental, kể về việc Shaplen, người chiếm dụng căn phòng trung tâm đối diện với cửa chính của khách sạn, chiều nào cũng mở cửa phòng mình tổ chức tiệc cocktail thu hút những nhà báo có nhiều ảnh hưởng nhất trong thành phố, trong đó có Phạm Xuân Ẩn. "Sau buổi giao ban quân sự hàng ngày lúc 4:45 phút chiều, chúng tôi lại ghé vào quán cà phê Givral hoặc phòng Shaplen hoặc cả hai," Buckley nói. "Lúc nào ông ta cũng có một chai Scotch, và kiểu gì cũng có phục vụ bàn lăng xăng chạy ra chạy vào với xô đá, ly, và soda. Ông ấy là một vị chủ nhà tuyệt vời."

        "Shaplen đồ rằng phòng của ông ấy còn có thiết bị thu âm tốt hơn cả một phòng thu," Buckley nói. "Sống cạnh ông ấy là các nhà ngoại giao Canada, Ba Lan và Ấn Độ thuộc ủy ban Giám sát Quốc tế. Ủy ban này được thành lập để giám sát cuộc tổng tuyển cử năm 1956 với mục đích thống nhất Việt Nam. Khi cuộc tổng tuyển cử bị hủy bỏ, những người này chẳng còn việc gì khác hay ho hơn để làm trong 20 năm tiếp theo ngoài việc nghe lén những cuộc điện thoại của Shaplen gọi cho CIA. Cứ khi nào xuất hiện một câu hỏi cần được trả lời, Shaplen lại nhấc điện thoại và gọi xuống sảnh. "A lô, Bob Shaplen đây, nối cho tôi số 4..." Buckley hạ thấp giọng và bắt đầu gầm gừ kiểu thì thầm rõ mồn một mà Shaplen vẫn dùng khi nói chuyện với bạn bè mình ở đại sứ quán.

        Bất kể ông có làm việc cho CIA hay không, người ta vẫn biết rằng Shaplen đã dành sự phục vụ của mình cho chính phủ Mỹ ít nhất một lần, khi ông làm nhiệm vụ chuyển tải những thông tin liên lạc bí mật giữa Washington và Hà Nội cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Đến giữa năm 1966, chính phủ Mỹ bắt đầu lo sợ về số phận những phi công Mỹ và những tù binh khác bị giam giữ tại Hà Nội. Bị bắt giữ trong một cuộc chiến tranh không tuyên bố chính thức, những người này bị coi là tội phạm chiến tranh - mà như bây giờ được gọi là "binh sĩ thù địch". Lo lắng muốn đảm bảo những người này được các Công ước Geneva bảo vệ và không bị tra tấn với mục đích "nhận tội" hoặc bị đưa ra xét xử và hành hình, đại sứ lưu động của Mỹ Averell Harriman đề nghị Shaplen liên lạc với Bắc Việt Nam.

        Shaplen được phái từ New York đi Phnom Penh, tại đây ông được hướng dẫn tìm gặp người quen cũ của mình là Wilfred Burchett. Là một người có cảm tình với cộng sản đồng thời là một nhà báo với nhiều bài viết từ những "vùng giải phóng" của Việt Nam, Burchett được xem như con đường nhanh nhất để tới Hà Nội. Shaplen viết một bức thư trình bày chi tiết những mối lo ngại của Mỹ và đề nghị một thỏa thuận, hoặc là hàng y tế hoặc trao đổi tù binh, cho việc trả tự do cho các phi công Mỹ. Hai ngày sau khi Burchett chuyển bức thư của Shaplen cho đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở Phnom Penh, ông nhận được thư trả lời. Gọi các tù binh Mỹ là "những kiều dân tội phạm" ("criminal nationals"), bức thư tuyên bố, không đề cập thời gian cụ thể, rằng các "tù binh [sẽ] được trả về với gia đình mình." (Phải bảy năm nữa trôi qua điều này mới xảy ra.) Shaplen xin phép Harriman để viết một bức thư khác cảm ơn những người cộng sản đã "thông cảm với khía cạnh nhân đạo của vấn đề". Ông cũng muốn nói rõ rằng lá thư đầu tiên của mình, mặc dù được gửi đi từ một "cá nhân riêng lẻ", được viết theo sự ủy quyền của chính phủ Mỹ.

        "Chúng tôi cung cấp cho ông ấy những buổi giao ban thông báo chiến lược rất tốt," Frank Snepp nói về mức độ tiếp cận thông tin mà Shaplen có được tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. "Liệu một số thông tin tình báo đó có tìm đường đến với Phạm Xuân Ẩn không? Chắc chắn rồi. Phạm Xuân Ẩn có thể tiếp cận thông tin tình báo chiến lược. Hiển nhiên là thế. Chắc chắn đây là những thông tin sống còn để gửi ra Bắc. Phạm Xuân Ẩn có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người cộng sản trong việc khẳng định lại những thông tin mà họ cũng nhận được từ các nguồn khác. Anh ta cũng thu lượm thông tin từ mạng lưới các điệp viên hoạt động tại những trung tâm thẩm vấn. Anh ta biết những cán bộ cộng sản mà chúng ta bắt được và họ đã khai những gì. Người này có giá trị phải ngang với số vàng đúng bằng trọng lượng của anh ta."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2020, 06:37:31 pm »


        Shaplen và Phạm Xuân Ẩn dành nhiều giờ ngồi rịt cùng nhau trong phòng khách sạn của Shaplen trao đổi về tình hình chính trị Việt Nam và diễn biến cuộc chiến, rồi Shaplen thậm chí còn viết về Phạm Xuân Ẩn trong một bài báo trên tờ The New Yorker với nhan để "Chúng tôi vẫn luôn sống sót", đăng năm 1972. Phạm Xuân Ẩn "có lẽ là nhà báo Việt Nam làm việc chăm chỉ và được kính trọng nhất trong thành phố'", Shaplen viết, ông bắt đầu bài báo của mình với một đoạn dài tả quán cà phê Givral. "Mọi người đều đến Givral không chỉ để trao đổi thông tin mà còn để chơi trò đối thoại khôn ngoan mà người Việt Nam vốn chơi giỏi hơn người Mỹ rất nhiều - thử thách lẫn nhau, nắn gân lẫn nhau, cố gắng trêu đùa người này để gièm phà người khác. Các thành viên nội các thỉnh thoảng lại ghé qua, cũng như những quân chức quân sự và dân sự cao cấp; Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước kia cũng thường đến, hồi ông ta còn là một sĩ quan quân đội." Shaplen miêu tả sự trao đổi thông tin ở Givral dược thực hiện theo một nghi lẽ trang trọng như thế nào. "Tại Givral có ba 'lần phát sóng' hàng ngày - một lần vào khoảng mười giờ sáng, một lần vào giữa trưa, và một lần trong khoảng giữa năm giờ đến bảy giờ, sau những buổi giao ban báo chí hàng ngày diễn ra tại Trung tâm Dân vụ, phía bên kia đường. Chương trình buổi sáng chủ yếu xoay quanh những tin đồn và báo cáo làm ăn, còn hai phiên buổi chiều là về những vấn đề quân sự và chính trị."

        Mặc dù Phạm Xuân Ẩn thường xuyên ghé vào "đài phát thanh Givral", như tên gọi của quán cà phê, suốt ngày, ông cũng khai thác một mạng lưới rộng lớn những mối quan hệ trải rộng khắp những khu vực khác của thành phố. "Nếu đài phát thanh Catinat là nơi trung tâm và công khai nhất cho việc tán phát thông tin, cả đúng lẫn sai, thì có những nơi khác, cách không xa, cũng quan trọng , mỗi nơi một kiểu," Shaplen viết. Đầu tiên Phạm Xuân Ẩn cũng đưa Shaplen tới chợ chim thú Hàm Nghi gần Đại sứ quán Mỹ cũ. "Cái chợ này trải rộng khoảng một nửa khu phố, bán khỉ, cầy, báo gấm, thỏ, chuột lang, đủ các loại chó, mèo, cá và chim - trong các loại chim có cả chim cu cu châu Phi, bồ câu Pháp và Mozambique, cú, yểng, vẹt, chiền chiên, chim trĩ, và hoàng yến. Với những người thích các phương thuốc dân gian cổ xưa, thì sẵn có dơi; một phương thức rất được ưa chuông để chữa lao là cắt cổ một con dơi và uống tiết của nó hòa lẫn với rượu đế."

        Những tin tức tình báo quân sự sẵn có tại chợ chim đến từ việc nghiên cứu nguồn cung cấp dế. Như Phạm Xuân Ẩn giải thích với một phóng viên của tờ Le Monde: "Nếu ở chợ không có con dế nào thì tức là khu vực cung cấp chúng đã bị Việt Cộng chiếm mất, và nếu dế xuất hiện trở lại trong chợ thì là bởi vì quân chính phủ (ngụy) đã chiếm lại được những khu vực này. Điều tương tự cũng đúng với các loại chim hiếm."

        Shaplen tiếp tục đi theo Phạm Xuân Ẩn với những thói quen hằng ngày của ông. "Bên cạnh đường Hàm Nghi là một con đường có tên là Nguyễn Công Trứ, nơi mỗi buổi sáng vào khoảng mười giờ các thương nhân Hoa kiều hoặc đại lý người Việt Nam của họ lại tụ tập trong hai ba quán cà phê để cùng xác định xem tỷ giá hối đoái chợ đen của đồng tiền Nam Việt Nam sẽ là bao nhiêu và cũng để ấn định giá gạo, thịt lợn, và các hàng nhu yếu phẩm khác. Trong nửa giờ sau khi quyết định của họ được đưa ra, tin tức đã đến hai chợ hàng hóa chính tại Sài Gòn và Chợ Lớn và tới thị trường đô la chợ đen. Cung cách làm ăn do Hoa kiều chi phối này có từ thời Pháp thuộc, người Pháp cũng hoạt động ở những chỗ đó thông qua các nhà tư sản mại bản của mình."

        Sau việc ấn định giá cả hằng ngày là một chuyến tham quan thị trường chợ đen của Sài Gòn. Tại đây Phạm Xuân Ẩn ghi chép bất kỳ sự thay đổi nào trong mớ hổ lốn đồ ăn cắp hoặc để ý đến giá cả hàng hóa. "Ở cùng khu phố, và trải dài dọc theo một phần phố Hàm Nghi, là trung tâm của hoạt động giao thương chợ đen vỉa hè các loại hàng hóa Mỹ," Shaplen viết. "Tại đây, dù thỉnh thoảng vẫn bị cảnh sát truy quét, người ta có thể mua bất kỳ thứ gì sẵn có tại trạm bán hàng của quân đội Mỹ và cơ man các sản phẩm khác của nước ngoài, gồm cả máy ảnh và những bộ dàn hi-fi của Nhật Bản. Vì những cuộc bố ráp của cảnh sát đã trở nên thường xuyên hơn trong năm ngoái hoặc áng chừng thế, những mặt hàng đắt tiền hơn đã không còn được trưng ra, nhưng có thể mua được chúng theo kiểu nhận hàng mới trả tiền; tức là, một phụ nữ Việt Nam đứng quầy sẽ hỏi khách xem anh ta có muốn một chiếc máy ảnh như thế này như thế kia không, và nếu quan tâm anh ta sẽ đưa cho bà ta địa chỉ của mình và sáng hôm sau bà ta sẽ đến, tay cầm máy ảnh và ra giá. Hầu như tất cả các hàng hóa đều là hàng xịn hoàn toàn - chỉ trừ có rượu whiskey, thứ thường xuyên bị phà lẫn với rượu đế. Sự tăng giá đối với các hàng hóa thị trường chợ đen dao động trong khoảng từ 40-500%, nhưng một số thứ vẫn rẻ hơn theo tỷ giá đô la thị trường chợ đen (vào khoảng 450 đồng ăn một đô la) hơn là mua tại trạm bán hàng quân đội. Tất cả phụ thuộc vào quy luật cung cầu, và vào khả năng mặc cả của từng người. Một số những thứ được bán đã bị xoáy khỏi nơi bốc hàng trên đường tới trạm bán hàng quân đội, và bình thường thì như thế giá cả sẽ ở mức thấp, nhưng thông thường thì những thứ như một két bia, có giá bán khoảng ba đô la tại trạm bán hàng quân đội, sẽ có giá từ sáu đến tám đô la trên thị trường chợ đen. Một cây thuốc lá Mỹ, có giá 1,7 đô la tại trạm bán hàng quân đội, sẽ có giá là bốn đô la trên thị trường chợ đen."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2020, 05:42:27 am »


        Đến lúc này đã thấy đoi đói, Phạm Xuân Ẩn và Shaplen nghỉ ăn trưa. "Cũng quanh khu này có một số nhà hàng, mỗi nơi phục vụ một đối tượng khách hàng khác nhau, và Phạm Xuân Ẩn đưa tôi tới những nơi này trong hành trình đi tìm kiếm những mẩu thông tin của anh ta. The Victory, một nhà hàng rộng thênh thang trên đường Hàm Nghi chuyên về đồ ăn Trung Hoa, có không khí buổi sáng giống như không khí buổi chiều ở Givral, nhưng không đông đúc bằng. Các chính trị gia, nhà báo, và các thương nhân quan trọng trao đổi thông tin tại đó vào mỗi buổi sáng bên tách trà hoặc bát cháo bát mì Trung Hoa. Nhà hàng Đô Thành gần đó giống một nơi trung lưu hơn, dành cho những quân chức cấp dưới một chút, những sĩ quan cấp tác chiến, và đội ngũ ngoại giao hạng hai. Phạm Xuân Ẩn, vốn là một ký giả làm việc cho Mỹ nhưng cũng được người Việt Nam tin cậy, có thói quen ghé thăm ít nhất là năm chỗ như vậy mỗi buổi sáng trước khi ông đến Givral, rồi sau đó, sau bữa trưa, ông tới các buổi giao ban chính thức của Mỹ và Việt Nam rồi lại quay về Givral. 'Phải mất nhiều thời gian mới xây dựng được các nguồn tin của mình', anh ta nói. 'Anh phải tỏ ra thẳng thắn và chân thành, và anh phải bảo vệ nguồn tin của mình. Anh cũng phải làm giúp việc này việc kia cho họ - cho họ biết những gì họ muốn biết, mời họ ăn trưa ăn tối, biếu họ quà Tết. Sài Gòn vận hành theo cung cách của những giới xã hội này. Nếu anh không đủ tư cách đối với một giới nào đó, anh sẽ không được chấp nhận trong nhà hàng của giới đó. Người ta cứ thế phớt lờ anh. Nhà báo - những người giỏi - là những người thông tin hiệu quả nhất, vì họ ở vị trí có thể nghe thấy nhiều điều từ rất nhiều nguồn khác nhau. Toàn bộ điều đó giống như một trường học. Anh có thể tốt nghiệp từ giới này sang giới kia, cũng như anh chuyển từ lớp này lên lớp khác, một khi anh vượt qua những kỳ thi của mình.'"

        Trong cuốn sách Chiến thắng cay đắng (Bitter Victory) của mình, mà ông viết sau khi đi xuyên Việt Nam và Campuchia năm 1984, Shaplen gọi Phạm Xuân Ẩn "chắc chắn là một trong những người thạo tin nhất trong thành phố... Trong những lần trò chuyện của chúng tôi qua nhiều năm, thường kéo dài đến hàng giờ, tôi phát hiện ra rằng những sự thật và quan điểm mà anh ta ấp ủ liên quan  đến cộng sản, chính phủ, và rất nhiều cá nhân cũng như các nhóm đang tranh giành nhau - gồm cả những tín đồ Phật giáo và Công giáo phản đối cả hai phe trong cuộc chiến - luôn chính xác hơn bất kỳ thứ gì tôi có thể thu thập được từ những nguồn khác, thậm chí cả từ Đại sứ quán Mỹ, nơi biết ít đến ngỡ ngàng những gì đang diễn ra giữa những người Việt Nam vốn không theo một khuôn phép nào cả".

        "Phạm Xuân Ẩn là một trong những điệp viên hai mang vĩ đại của thế kỷ 20, có thể là của mọi thời đại," theo lời của Peter Shaplen, con trai của Robert, người trở thành nhà báo và nhà sản xuất cho ABC News. "Ông được tiếp cận tất cả các nguồn tin cao cấp ở Việt Nam. Đất nước này được cấu thành từ vô số những mối quan hệ  kỳ lạ, mờ mịt, và Phạm Xuân Ẩn ở chính giữa tất cả những điều đó."

        Peter giải thích cho tôi về việc cha của ông, giống như Phạm Xuân Ẩn, có nhiều quan hệ như thế nào. "Khi tới Washington, ông sẽ gặp bạn bè ở CIA. Những bạn bè khác ở Hồng Kông cũng là người của Cục1. Mọi người nói: 'Ồ, thế thì chắc chắn ông ấy làm việc cho họ rồi', nhưng tôi không nghĩ là như vậy. Ông có trao đổi thông tin, ông thở bằng nó, ông sống bằng nó. Chắc chắn Cục sẽ cực kỳ quan tâm đến ông, nhưng liệu ông có phải là một điệp viên không? Tôi không nghĩ vậy. Vì một lý do, ông không bao giờ giàu có cả. Những khoản tiền mà ông có đều từ tờ The New Yorker."

        Peter Shaplen còn một lý do khác để nghi ngờ việc cha mình là một điệp viên. "Bob không giữ nổi một bí mật. "Nói với Western Union.1" thì cũng như nói với Shaplen," một trong những bà vợ cũ của ông nói. Ông sống rất phóng khoáng và rộng rãi. Ông là một người to lớn, cao 1,9 mét, nặng hơn 90 kilôgam. Ông là một người đẹp trai với mái tóc đen, thường ngồi xuống với chiếc máy chữ của mình lúc 7 giờ sáng, và làm việc qua bữa trưa trước khi ra ngoài vào buổi chiều để chơi một séc tennis. Ông có một giọng nam trung oang oang, oai vệ, trở nên khàn khàn vì hút xì gà nhỏ vào ban ngày và xì gà lớn vào buổi tối. Ông thích những ly rượu Scotch, xì gà và những người đàn bà của mình. Ông yêu cuộc sống của một phóng viên thường trú nước ngoài. Ông thích thú được người ta chú ý và thích được là trung tâm của mọi việc. Chúng ta là những kẻ ngồi lê đôi mách," Peter Shaplen nói. "Nhà báo chúng ta là vậy, những kẻ ngồi lê đôi mách."

--------------------
        1. Tức CIA.

        2.  Hãng điện báo trước đây, nay chuyên về giao dịch tài chính điện tử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2020, 05:43:01 am »


        Đầu những năm 1970, khi Peter đang bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình, ông đăng ký phòng ở khách sạn Continental, nơi ông được giới thiệu căn phòng cũ của cha ông. Ngay sau đó ông ngỡ ngàng trước một dòng ùn ùn những người gõ cửa phòng mình - người cầu cạnh, kẻ rửa tiền, nhà báo, những cô nàng bướm đêm, và những kẻ buôn chuyện tầm phào khác mà cha ông thích bán. Tin đã lan ra là "Shap-ah-lain" đã quay lại thành phố, và mọi người cứ đinh ninh Bob đã quay lại. Trước khi Robert Shaplen bị ốm trong một chuyến đến Sài Gòn năm 1988 và được đưa về New York, nơi ông qua đời vì ung thư tuyến giáp, ông đang viết câu chuyện cuối cùng từ Việt Nam: một bài báo về Phạm Xuân Ẩn.

        Theo con trai ông, Shaplen cảm thây "tan nát" và "bị hắt hủi" khi ông đến thăm Việt Nam đầu những năm 1980 và được thông báo là Phạm Xuân Ẩn không muốn gặp mình. (Phạm Xuân Ẩn kể với tôi là ông cũng cảm thấy tan nát khi biết rằng cấp trên, không hề thông báo gì với ông, đã ngăn chặn cuộc gặp giữa hai người. Ông vội vàng sang Phnom Penh để đuổi theo Shaplen trước khi ông này rời Đông Nam Á nhưng đã đến quá muộn). Trong một bức thư gửi Edward Lansdale viết năm 1982, Shaplen có đề cập việc cựu phóng viên tạp chí Time Stanley Karnow khắng định rằng Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên cộng sản. Lansdale trả lời, với lời khuyên rằng bất kể điều gì Kamow phản ánh về Việt Nam cũng nên "được chấm thêm với một hạt muối". Đến tận khi qua đời năm 1987, Lansdale vẫn nhất định cho rằng Phạm Xuân Ẩn có chăng cũng chỉ là một nghệ sĩ nhanh nhạy đã kịp ngả sang hàng ngũ của phe chiến thắng vào phút cuối cùng. Cuối cùng, chỉ đến khi được phép gặp Phạm Xuân Ẩn năm 1988, Shaplen mới được trực tiếp đọc những gì viết về sự nghiệp điệp viên lâu dài của Phạm Xuân Ẩn. Đó không phải là một cuộc đoàn viên hạnh phúc, ít nhất là đối với Shaplen, người cảm thấy đau khổ và bị phản bội. "Cha tôi đã khóc khi ông kể lại với tôi câu chuyên này," Peter nói.

        Bản chất mối quan hệ ban đầu giữa Shaplen và Phạm Xuân Ẩn được ghi lại trong một bức ảnh do Richard Avedon chụp năm 1971 và được in trong cuốn sách Những năm sáu mươi của ông. vốn được biết tới trên cương vị một nhiếp ảnh gia thời trang hơn là một phóng viên chiến tranh, Avedon bay tới Việt Nam bằng tiền túi của mình vào tháng 4 năm 1971. Tháng trước đó, trung úy William Calley đã bị buộc tội giết 22 dân thường ở Mỹ Lai và lĩnh án tù chung thân. (Tổng cộng có hơn 500 dân thường bị giết tại Mỹ Lai. Calley được trả tự do và tha tội sau ba năm giam giữ, chủ yếu là giam giữ tại nhà). Khi tới Sài Gòn, Avedon dựng một studio trong khách sạn Continental và bắt đầu đăng ký đợt chụp ảnh kéo dài mười ngày với các nạn nhân bom napalm, tướng lĩnh Mỹ, gái bar, và binh lính.

        Shaplen đến studio tạm bợ của Avedon cùng với bốn đồng nghiệp người Việt Nam. Trong bức ảnh được Avedon xuất bản, cánh nhà báo diện kiểu trang phục quen thuộc của mình gồm áo trắng và quần đen. Bút và kính được gài trong túi áo. Ở giữa bức ảnh, một Shaplen đang thích thú ghé người sát lại, bàn tay phải của ông khum lại đưa lên tai, một nụ cười phảng phất trên môi, trong khi Phạm Xuân Ẩn vừa cười vừa thì thầm gì đó vào tai ông. Đứng bên cạnh Phạm Xuân Ẩn là Cao Giao, trông rất đạo mạo với một bộ râu chòm kiểu Trung Quốc và kính gọng bạc. Nguyễn Đình Tú, phóng viên tờ Chính Luận của Sài Gòn, cầm tẩu trên tay, và Nguyên Hưng Vượng, trợ lý của Shaplen, mỉm cười nham nhở từ bộ mặt bủng beo của một con nghiện thuốc phiện.

        Trong một trong những chuyến đi đến Việt Nam tôi tặng Phạm Xuân Ẩn một cuốn sách của Avedon. Chúng tôi cùng xem bức ảnh chụp ông và Shaplen, và sau đó Phạm Xuân Ẩn đứng lên tìm kiếm trong một ngăn tủ, rồi lấy ra một bức ảnh đen trắng nhỏ, một bức ảnh khác trong buổi chụp ngày hôm đó, do Avedon tặng cho ông. Khi tôi đề nghị Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi về bức ảnh được xuất bản, ông miêu tả 27 đảng viên Đảng Cộng sản trong gia đình của Cao Giao và chuyện Nguyễn Hưng Vượng làm việc cho CIA, với kết cục là ông ta bị bắt năm 1978 và bị tù đày hơn bốn năm trong nhà tù Chí Hòa của Sài Gòn. "Shaplen lấy tất cả thông tin của ông ấy từ Ba chàng ngự lâm pháo thủ," Phạm Xuân Ẩn nói, đề cập đến chính mình, Cao Giao và Vượng. "Ông ấy sử dụng tất cả ba người chúng tôi vì chúng tôi bao quát mọi khía cạnh sẵn có. Thông tin đổ dồn về đài phát thanh Catinat và sau đó được chuyển tới Bob cho những bài báo của ông ấy trên tờ The New Yorker."

        Sự thật trong lời kể của Phạm Xuân Ẩn hiện ra khi người ta nghiên cứu những cuốn sổ ghi chép của Shaplen. Chúng cho thấy hết trang này đến trang khác những lần trò chuyện với Phạm Xuân Ẩn được Shaplen ghi chép lại tỉ mỉ, biên tập lại rồi đăng trên The New Yorker như là một phần những phân tích của Shaplen về những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Như thế không có gì là bất bình thường cả. Shaplen có một nguồn tin tốt, và ông khai thác nó.

        Sau chiến tranh, Frank Snepp lan truyền một lời cáo buộc rằng những bài báo của Shaplen bị CIA "sắp đặt" hoặc giật dây. Ông ta khẳng định rằng Shaplen là một trong những nhà báo "được ưu ái" của Cục. "Chúng tôi sẽ để lộ tin ra với họ trên cơ sở chọn lọc, giành lấy sự tin tưởng và tín nhiệm của họ, và sau đó chúng tôi sắp đặt những bài báo của họ thông qua những thông tin rò rỉ tiếp theo bởi vì khi đó họ đã tin tưởng chúng tôi rồi."

        Trong một tuyên bố được đưa ra với tờ New York Times tại Hồng Kông, Shaplen gọi lời buộc tội của Snepp là bậy bạ. "Tôi không bao giờ khờ khạo tin ngay vào những gì mà bất kỳ ai trong Cục, kể cả Snepp, kể với tôi. Khi tôi sử dụng những thông tin của Cục - mà tôi lược bỏ hoặc cắt bớt phần lớn - bao giờ tôi cũng kiểm tra lại những gì tôi có được bằng các nguồn trong và ngoài nước khác." Bức ảnh của Avedon chụp Shaplen đang nghiêng tai về nguồn tin tốt nhất trong số những nguồn tin đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2020, 05:43:19 am »

 
NHỮNG ĐIỆP VỤ

        Năm 1963 Henry Luce, người sở hữu và là chủ bút tạp chí Time, gọi điện cho Frank McCulloch, khi đó là biên tập viên điều hành của tờ Los Angeles Times, và đề nghị ông ta tới Việt Nam "giải quyết mớ hỗn độn mà chúng ta đang mắc kẹt bên đó". McCulloch tưởng Luce đang nói về cuộc chiến tranh, nhưng thật ra ông ta đang nói về văn phòng Time-Life, nơi tinh thần làm việc đã rớt xuông thảm hại sau khi trưởng đại diện từ chức để phản đối. McCulloch gặp Phạm Xuân Ẩn, khi đó là một cộng tác viên bán thời gian, trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới văn phòng của Time tại Sài Gòn vào tháng 2 năm 1964. Một năm sau ông thuê Phạm Xuân Ẩn với mức lương 75 đô la một tuần để làm việc chính thức trên cương vị phóng viên thường trú bản địa. "Có hai điều gây ấn tượng đối với tôi về Phạm Xuân Ẩn," McCulloch nói với nhà làm phim tài liệu David Felsen trong một cuộc phỏng vấn năm 2006. "Anh ta hiểu báo chí Mỹ, và anh ta vô cùng thông minh. Vì có rất nhiều mối quan hệ nên anh ta hiểu rất rõ đời sống chính trị Việt Nam, và vào năm 1964 khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam thì không may chính trị lại là chủ để đáng chú ý hơn cả bản thân cuộc chiến tranh. Những vụ đảo chính diễn ra rồi kết thúc nhanh đến nỗi nếu muốn đưa tin về Việt Nam anh phải có hiểu biết về người Việt Nam, và đó là những gì Phạm Xuân Ẩn mang đến."

        Khi McCulloch, một cựu trung sĩ thủy quân lục chiến 43 tuổi, đến Sài Gòn lần đầu tiên, văn phòng đại diện của Time-Life mới có hai nhân viên mất tinh thần vẫn còn bức xúc về việc Charley Mohr, trưởng đại diện, bị buộc phải từ chức trong một vụ bất đồng với các biên tập viên ở New York. Đến khi McCulloch rời Việt Nam bốn năm sau đó, văn phòng Sài Gòn có đến 25 nhân viên, bao gồm một số phóng viên sừng sỏ nhất của cuộc chiến. Họ gửi về 50.000 từ mỗi tháng qua một đường dây telex trực tiếp tới New York, và họ thu thập cơ man nào là những thông tin về mọi khía cạnh của cuộc xung đột. "Phạm Xuân Ẩn dành rất nhiều thời gian trong văn phòng, và tất cả những gì anh ta phải làm là lắng nghe," McCulloch nói. "Anh ta được phép tiếp cận tất cả những gì văn phòng đại diện gửi về làm nguồn tin, và tôi có thể nghĩ ra rất nhiều ví dụ về những thông tin chính xác, cụ thể mà Phạm Xuân Ẩn đã có thể khai thác rồi báo cáo cho cấp trên của mình."

        McCulloch dẫn ra một ví dụ là việc ông là nhà báo đầu tiên biết được rằng nước Mỹ sẽ đưa các lực lượng bộ binh tới Việt Nam, ba tháng trước khi sự việc xảy ra. Một người bạn trong quân đội đã cung cấp cho ông thông tin này và thậm chí còn cả con số cụ thể, tiết lộ rằng nước Mỹ có kế hoạch triển khai 545.000 binh sĩ tại Nam Việt Nam trong vòng một năm rưỡi sau đó. "Tôi tin chắc đây là những con số vô cùng giá trị mà cộng sản có được," McCulloch nói.

        "Tôi sẽ không bao giờ làm như vậy," Tổng thống Lyndon Johnson nói dối với biên tập viên của tạp chí Time, khi được yêu cầu xác nhận thông tin của McCulloch; sau đó tờ tạp chí đã bỏ bài viết này. Đây không phải lần duy nhất Phạm Xuân Ẩn vớ được tin sốt dẻo từ Time rất lâu trước những độc giả của tạp chí này tại Mỹ.

        McCulloch là một phóng viên cứng cỏi, ông tin rằng nhiệm vụ của một nhà báo là "làm cho kẻ sung sướng phải khổ sở và kẻ khổ sở được sung sướng". Là con trai một chủ trang trại gia súc tại bang Nevada, ông từng có vài năm cố trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp trước khi ông bắt đầu phụ trách các tin tức hình sự cho tờ Reno Evening Gazette. Khi ông tung ra những bài viết quan trọng về việc bọn maphia kiểm soát ngành cờ bạc tại Nevada như thế nào, chúng đã đe dọa sẽ giết ông. McCulloch coi đây là lời thúc giục ông đánh máy nhanh hơn. Ông tung ra những bài viết quan trọng khác về tình trạng phân biệt chủng tộc của người da trắng ở miền Nam, tham những trong Teamster's Union (Công đoàn của những người lái xe tải), và chủ nghĩa bè phái của Đảng Cộng hòa ở Los Angeles. Câu chuyện về chủ nghĩa bè phái thực sự là một bài phóng sự vô cùng dũng cảm, nếu biết rằng McCulloch là biên tập viên điều hành của tờ Los Angeles Times. Tờ báo này là cơ quan  ngôn luận của Đảng Cộng hòa, và phóng viên chuyên trách về tòa thị chính của tờ này là một chuyên gia vận động hành lang có tên tuổi của Đảng Cộng hòa. McCulloch tiếp tục biên tập những tờ báo khác, trong đó có tờ Sacramento Bee của gia đình McClatchy. Tại mỗi tờ báo số trang dành cho những phóng sự điều tra đều tăng lên, và bài viết trở nên cứng rắn hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2020, 05:44:08 am »


        McCulloch đầu hói được những người Việt Nam gọi là "ông Phật" khi ông đi về những vùng nông thôn. "Ông ấy là một người rất đáng sợ, phiên bản báo chí của một trung sĩ huấn luyện trong thủy quân lục chiến," Morley Safer nói, trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ American Journalism Review. "Nhiều lúc ông ấy có thể khiến các cộng sự sợ phát khiếp với cái đầu hình viên đạn của mình. Ông ấy đòi hỏi họ phải viết tuyệt đối chính xác, nhưng đồng thời ông ấy lại đặc biệt thông cảm với những vấn đề mà phóng viên của mình phải đối mặt. Bằng cái kiểu cộc cằn của mình, ông ấy là người rất tình cảm. Ông ấy là người rất dễ mềm lòng."

        Một hôm, khi họ đang định đi ra ngoài ăn trưa cùng nhau, McCulloch nhận thấy Phạm Xuân Ẩn đang ngôi bên máy chữ cố gõ cho xong một bài đến hạn nộp. "Về cái gì vậy?" McCulloch hỏi. Phạm Xuân Ẩn nói với ông ta. "Xin lỗi nhé," McCulloch nói và kéo ghế lại bên bàn của Phạm Xuân Ẩn. "Tôi sẽ lo từ chỗ này."

        "Ông ấy bắt đầu đánh máy với tốc độ một dặm một phút," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ấy cứ thế đánh ratatatatatat, như một khẩu súng máy vậy, và rồi ông ấy kéo xoẹt tờ giấy ra khỏi máy chữ và đưa nó cho nhân viên điện tín. 'Xong rồi đây, ông ấy nói và đứng lên khỏi bàn của tôi. 'Giờ thì chúng ta đi ăn trưa.'"

        Trong bốn năm ở Việt Nam, McCulloch biến phòng 6 trong khách sạn Continental thành một văn phòng đại diện chính lúc nào cũng nhộn nhịp phóng viên, nhiếp ảnh gia, các nhân viên hợp đồng, thư ký, nhân viên điện tín, tài xế, phiên dịch, và những biên tập viên đi công tác từ New York sang, những người muốn được thấy tình hình thực tế trước khi ăn nhậu trong những nhà hàng sang trọng nhất Sài Gòn. McCulloch chuyển văn phòng đại diện tới một biệt thự ở số 7 đường Hàn Thuyên, đối diện với công viên phía trước Dinh Độc Lập. Đi bộ một đoạn ngắn xuống cuối phố là Đại sứ quán Mỹ.

        Dưới thời McCulloch, văn phòng đại diện hình thành một nhịp điệu đặc biệt. Cánh phóng viên tụ tập từ sáng sớm thứ Hai để trình bày những ý tưởng định viết và tranh luận về những gì cần được đề cập trong số tạp chí của tuần sau đó. Phân công công việc được chuyển lại từ các biên tập viên ở New York vào thứ Ba, và mọi người tản ra thực địa. Đến cuối ngày thứ Năm hoặc sáng thứ Sáu họ lại tập trung trong văn phòng, trao đổi những ghi chép và hoàn thành bài viết của mình để đánh điện về New York, nơi tờ tạp chí hoàn thành và đưa ra phát hành vào Chủ nhật. "Tất cả chúng tôi đều tập trung viết bài vào thứ Sáu, thứ Bảy và sang cả Chủ nhật," McCulloch nói. Tiếp sau những buổi làm việc vào cuối tuần này là màn uống bia thả phanh và ăn những bữa tối ngon lành kiểu Pháp."

        "Phạm Xuân Ẩn không phải là một phần của cánh bù khú trong văn phòng đại diện," McCulloch nói với David Felsen. "Anh ấy khép mình hơn, hơi tách biệt. Nhưng cả ngày lúc nào anh ấy cũng ở đó. Khi một phóng viên đang viết bài chính trị nào đó, một vụ đảo chính hay đại loại như vậy, điều đầu tiên phóng viên ấy làm là hỏi Phạm Xuân Ẩn bối cảnh của sự kiện là như thế nào, những gì đã xảy ra."

        "Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò như một nguồn tin cho các phóng viên khác hơn là vai trò chính mình là một phóng viên," McCulloch nói. "Nhưng có một quãng thời gian, trong năm 1965 và đầu năm 1966, khi những vụ đảo chính xảy ra - có tất cả 12 vụ đảo chính - thì anh sẽ tìm thấy rất nhiều bài viết của anh ấy trong các hồ sơ lưu trữ của Time Inc." Phạm Xuân Ẩn cố hết sức không để tên mình xuất hiện trong các hồ sơ này. Một lần, khi anh ấy tỏ ra quá chính xác khi dự báo một vụ đảo chính sắp xảy ra, cảnh sát đã gọi anh ấy lên thẩm vấn. Sau lần đó, anh ấy cố tìm cách ẩn ra phía sau. Anh ấy là nhà phân tích chính trị và chuyên gia văn hóa Việt Nam của Time, nhưng hiếm khi anh ấy bộc lộ mình như một người viết và đăng bài viết của chính mình. Anh ấy nói chuyện. Anh ấy tư vấn. Anh ấy đi khắp nơi trên cương vị phóng viên của Time, nhưng anh ấy để cho các đồng nghiệp của mình viết những bức điện có thể khiến anh ấy gặp rắc rối nếu bị rò rỉ vào tay các cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng hòa.

        "Một giá trị khác mà Phạm Xuân Ẩn có trên cương vị phóng viên là sự am hiểu sâu sắc về chính quyền Nam Việt Nam, đặc biệt là tình trạng tham nhũng trong đó," McCulloch nói. "Anh ấy biết những viên tướng nào thích kiểu gì. Vợ của một viên tướng điều hành một mạng lưới mại dâm trải rộng khắp năm sáu tỉnh. Đó chắc chắn là một cách kiếm tiền cực kỳ béo bở." Phạm Xuân Ẩn "am hiểu ngọn ngành" những vụ bê bối này, vốn là nét đặc trưng của những quân chức cầm quyền tại Nam Việt Nam cho đến khi người cuối cùng trong số họ, tướng Nguyễn Văn Thiệu, bỏ trốn khỏi đất nước với nhiều va li chất đầy những thỏi vàng. Time cũng không bao giờ đăng những vấn đề này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM