Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:33:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13603 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2020, 07:04:05 am »


        Với một bằng luật tại Hà Nội và được huấn luyện làm bác sĩ quan y, Tuyến là một trong những người Công giáo di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954. Ông ta gốc Phát Diệm, nơi được miêu tả trong Người Mỹ trầm lặng như là một thị trấn Trung cổ "dưới cái bóng và sự che chở của Đức Giám mục vương quyền (Prince Bishop)", người có hẳn một quân đội riêng. Greene, một người cải sang Công giáo, mô tả Phát Diệm như "thị trấn sống động nhất trong cả nước". Với chữ sống động (living) ông thực sự muốn nói là sùng đạo (faithful) hay ngoan đạo (religious). Phát Diệm, giống những vùng Công giáo khác tại Bắc Việt Nam, bị tàn phá trong một trận đánh tàn khốc giữa Việt Minh và lực lượng thuộc địa Pháp. (Greene đi thăm chiến trường và nghe lỏm thấy các binh sĩ, "phần lớn trong số họ là người Đức", kêu lên Gott sei dank (lạy Chúa) khi họ thấy nhiều người Việt Nam hơn là lính Lê dương Pháp chết nổi lềnh bềnh trên những dòng kênh của thị trấn).

        Như Phạm Xuân Ẩn mô tả vê cách ông lấy được visa thì "đó là theo kiểu Việt Nam, thuần túy Việt Nam". Anh nhờ một người anh họ hỏi người anh rể của anh ta tại miền Trung Việt Nam can thiệp với sếp của mình, đến lượt ông này gửi thư ngược vào Sài Gòn qua anh rể của anh họ anh, người này trực tiếp đến tận nơi, trong thư nói rằng anh nên được cấp visa xuất cảnh, et voilà (đây rồi), dấu thị thực mới hôm qua còn là không thể nào có được bỗng nhiên xuất hiện trên bàn của bác sĩ Tuyến, như cách họ gọi ông ta. Tất nhiên, điều này có nghĩa là anh phải chịu ơn tất cả những thành viên gia đình đã giúp đỡ anh trong kế hoạch này, và đặc biệt là anh nợ bác sĩ Tuyến, người trực tiếp trao thị thực cho anh.

        Vẫn còn một trở ngại cuối cùng trước khi Phạm Xuân Ẩn có thể lên đường. Ông đang túc trực từng giờ bên giường của người cha sắp qua đời. Bệnh lao đã ăn mòn một lá phổi của ông cụ và làm suy yếu trái tim cụ. Ông cụ bắt đầu thở hắt ra và suy sụp trông thấy. "Một hôm tôi phải đèo đứa cháu gái mình sang Chợ Lớn bằng xe scooter" Phạm Xuân Ẩn nhớ lại. "Trong khi chúng tôi đang chờ tạnh mưa, ba tôi nói: 'Nhanh nhanh rồi về nhà. Ba có việc quan trọng muốn nói với con.' Ông kêu má tôi mang nước nóng lại cho ổng rửa mặt. Ông thay đồ rồi nằm xuống nghỉ ngơi. Khi ở Chợ Lớn về tôi tiêm cho ổng một liều thuốc nữa để trợ tim."

        "Ổng bắt đầu thở rất nặng nhọc, một kiểu thở hắt ra vất vả. Ổng thở khó nhọc đến nỗi tôi phải đỡ ổng ngồi thẳng dậy trên tay mình. 'Mang cho ba một tờ giấy trắng, ổng kêu. Tôi mang giấy lại cho ổng. Ông ký tên vô đó. 'Con có thể điền ngày vào sau, ổng nói. Ống ký thêm mười tờ giây nữa như vậy. 'Con có thể dùng đến những cái này khi ba qua đời, ổng nói." Vậy là giờ đây món thừa kế của Phạm Xuân Ẩn bao gồm cả chữ ký của cha ông, nếu cần đến, trên mười tờ tài liệu khống.

        "Ổng đang sắp đi rồi. Tôi biết ổng đang hấp hối. Con bướm đen của thần chết, papillon nocturne (bướm đêm), bay vào khung cửa sổ. Bình thường chúng chỉ bay vào ban đêm. Nó đậu vào cái màn căng trên giường ba tôi. Cơn hấp hối bắt đầu, trạng thái đau đớn trước khi con người ta qua đời. Ba tôi trút hơi thở cuối cùng. Con bướm xòe cánh ra. Tôi biết thế là hết. Trái tim của ba tôi đã ngừng đập." Cha ông qua đời ngày 24 tháng 9 năm 1957, và hai tuần sau Phạm Xuân Ẩn tới Costa Mesa, bang California, để đăng ký vào học năm thứ nhất tại trường cao đẳng cộng đồng ở đó. Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên cộng sản 31 tuổi, một thanh tra quan thuế về hưu sớm và chuyên gia chiến tranh tâm lý khi ông bắt đầu theo học tại Trường cao đẳng Orange Coast (OCC), nơi một cố vấn Mỹ tại Việt Nam đã gợi ý cho ông. Có lẽ ông là người Việt Nam đầu tiên sống tại hạt Orange. (Giờ đây là nơi sinh sống của 150.000 người định cư Việt Nam và con cháu họ). Được các bạn trong lớp gọi là Khổng Tử, Phạm Xuân Ẩn học các môn chính trị, chính thể Mỹ, kinh tế, xã hội học, tâm lý học, tiếng Tây Ban Nha, và báo chí. Ông tháp tùng các nữ sinh viên 18 tuổi ra bãi biển và dành nhiều thời gian làm việc ở tờ Barnacle, tờ báo của trường. Thỉnh thoảng ông lại có bài viết cho tờ này, ví dụ như bài điểm phim Người Mỹ trầm lặng. Nhận thấy bộ phim mập mờ về cách hiểu, Phạm Xuân Ẩn đã để xuất là nó "không nên được chiếu tại Việt Nam".

        Phạm Xuân Ẩn miêu tả hai năm của mình tại Mỹ, gồm cả giai đoạn thực tập tại tờ Sacramento Bee và Liên hợp quốc, là "quãng thời gian duy nhất trong đời tôi không phải lo âu gì". (Những chuyến đi của ông từ đầu này đến đầu kia nước Mỹ được Quỹ Á châu thanh toán, quỹ này về sau mới lộ ra là một bình phong của CIA). Ông phải lòng với nước Mỹ và với một người Mỹ, Lee Meyer, cô gái tóc vàng yểu điệu vein là biên tập và người hướng dẫn viết bài cho ông tại tờ Barnacle. "Cổ biết tôi yêu cổ, nhưng tôi không bao giờ nói với cổ điều đó," Phạm Xuân Ẩn nói. "Người Việt Nam chúng tôi không bao giờ nói ra cảm xúc thực của mình."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2020, 11:55:27 am »


        Phạm Xuân Ẩn tới OCC vào một ngày thứ Bảy, khi ngôi trường toàn người đi đi về về này sạch bóng sinh viên và ký túc xá thì khóa kín. "Đó là giờ ăn trưa, và tôi không biết phải đi đâu," ông nhớ lại. "Đột nhiên một trong số các sinh viên quay lại ký túc xá. Tôi nói với anh ta rằng tôi là sinh viên mới và cũng vừa mới đến Mỹ. Anh ta mời tôi ăn một chút đậu đỏ."

        "Sau đó ông Henry Ledger, người quản lý ký túc xá, xuất hiện. 'Chúng tôi đang chờ cậu, ổng nói. 'Chúng tôi giữ phòng cho cậu suốt tháng rồi, nhưng cuối cùng cũng phải bố trí người khác vào đó.' Ông còn một phòng khác dùng để làm kho trải giường và khăn tắm. Ông dọn những thứ đó ra và xếp tôi vào trong đó. Đó là một căn phòng xinh xắn với cửa nhìn ra rất đẹp, tôi ở đấy một mình, trong khi tất cả các phòng còn lại đều có hai người ở. Ông đi ra và kiếm cho tôi một chiếc ghế, một cái bàn và một giá sách cho tôi cất sách vở. Căn phòng không có tủ quần áo, nhưng đằng nào thì tôi cũng chẳng có nhiều quần áo. Tất cả những gì tôi có là một chiếc va li bằng các tông mượn của Brandes và một chiếc túi mới để mang sách vở đến trường."

        Ban đầu ký túc xá của Phạm Xuân Ẩn là một khu doanh trại cho căn cứ không quân Santa Ana. Căn cứ huấn luyện các tân binh mới tuyển vào lực lượng không quân này cũng từng có thời gian ngắn, vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, được sử dụng làm trại giam tù binh chiến tranh dành cho các binh sĩ bị bắt từ Quân đoàn châu Phi của Thống chế Rommel và cũng là trại giam giữ những người Mỹ gốc Nhật, nơi những ngoại kiều của kẻ thù bị quản thúc trước khi trục xuất về Nhật Bản. Khi căn cứ này được chuyển thành một trường cao đẳng cộng đồng năm 1948, các lớp học về những chuyên ngành bao gồm từ thẩm mỹ học đến công nghê hóa dầu được dạy trong 68 nhà tôn lắp ghép và doanh trại được kế thừa từ quân đội. Nhiều giảng viên của nhà trường cũng được kế thừa từ quân đội. Người chỉ huy ban nhạc của căn cứ không quân trở thành trưởng khoa nghệ thuật tại occ, và một tay cựu đại úy trở thành giáo sư khoa học xã hội.

        "Tối hôm tôi tới California, các sinh viên tổ chức một buổi khiêu vũ kiểu bốn cặp hoành tráng ở căng tin," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ban nhạc của trường chơi đàn. Hai giảng viên, một cô giáo và một thầy giáo, đã được mời đến để hướng dẫn cho các sinh viên cách nhảy bốn cặp hình vuông. Một sinh viên đưa tôi tới buổi khiêu vũ để tôi không cảm thấy nhớ nhà. Tôi ngồi ngoài như một kẻ chầu rìa. Sau đó một cô gái trẻ bước tới và dẫn tôi ra sàn khiêu vũ. Mọi người đều ăn mặc như dân miền núi và những cô gái chăn bò. Họ đang nhảy choi choi như mấy con gà tây. Họ lệnh cho tôi hết tiến lại lùi. Đó là lần đầu tiên trong đời mình tôi ôm một cô gái trong tay như thế. Tôi cảm thấy vừa nóng bừng vừa lạnh toát. Tôi nhận ra rằng mình sắp phạm phải rất, rất nhiều lầm lỗi."

        "Họ thường đưa tôi ra bãi biển, năm hay sáu cô gái một lần. Tôi không có tiền để đi chơi cũng không có người thân để tới thăm. Lúc nào tôi cũng ở trong phòng ký túc xá đọc sách, nhưng ngoài tôi ra chẳng có ai ở lại ký túc xá cả. Mọi người bao giờ cũng ra ngoài làm đủ mọi trò. Và thế là những cô gái thường tới rủ tôi ra bãi biển cùng với họ. Tôi chẳng bao giờ bơi cả. Nước biển quá lạnh, vậy mà những cô gái vẫn bơi. Họ đều rất khỏe mạnh và sung sức. Lúc đó tôi đã 31 tuổi. Họ mới chỉ khoảng 17, 18. Họ đưa tôi đi cùn.g như thể tôi là 'cái phao' của họ vậy."

        Đó là những năm tháng hạnh phúc của Phạm Xuân Ẩn . Ông yêu những con chim én di trú làm tổ dưới mái ký túc xá, các sinh viên California rám nắng với những buổi cuối năm và tiệc tùng trên bãi biển, những giáo sư khó tính nhưng đồng thời cũng rất thân thiện và dễ gần. Như Phạm Xuân Ẩn đã viết trên tờ Barnacle, ông học được cách viết "thứ ngôn ngữ Mỹ của H. L. Mencken, cách thưởng thức âm thanh hi-fi, cách nhảy rock and roll, cách làm bài tập ở nhà trong tiếng radio và âm thanh quen thuộc của lò sưởi, cách hít căng buồng phổi thứ không khí của những câu chuyện đùa hài hước từ các bạn cùng ký túc xá".

        "Tôi làm nhiều cái theo cách thức mà chúng tôi vẫn làm ở Việt Nam, khiến các bạn cùng lớp của tôi coi là ngộ nghĩnh," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ví dụ như một hôm tôi đang đi tiểu trong nhà vệ sinh nam. Tôi nhận thấy là lần nào tôi vào nhà vệ sinh, các sinh viên cũng chạy dọc hành lang xuống nhìn tôi chằm chằm. Khi tôi đi tiểu xong họ lại cười ầm lên và chạy ra ngoài. Cuối cùng, một trong các sinh viên, một người từng là thủy quân lục chiến trong chiến tranh Triều Tiên đang theo học bằng học bổng của quân đội, cho tôi biết là chuyên gì đang xảy ra. 'Ẩn, không ai muốn làm cậu xấu hổ đâu, nhưng tụi tớ nghĩ kiểu đi tè của cậu rất buồn cười. Cậu vén ống quần của mình lên. Ở nước Mỹ này, bọn tớ kéo quần xuống.' Đây là một bài học khác mà tôi phải học, cách kéo zip quần xuống."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2020, 11:57:27 am »


        Bài học quan trọng nhất của Phạm Xuân Ẩn là làm thế nào để che giấu sự thật rằng ông là một điệp viên cộng sản. Ông đã có mấy lần suýt để lộ và có lẽ quãng thời gian ở California cũng không hẳn là vô tư như ông cố tỏ ra. "Lớp học về diễn thuyết của chúng tôi do một cựu đại tá phụ trách, một sĩ quan pháo binh trong lực lượng dự bị của quân đội. Lần nào ông ta cũng cho tôi điểm C trừ1. 'Trong các bài phát biểu của mình anh dùng quá nhiều thuật ngữ cách mạng, ông ta bảo tôi. 'Anh phải thay đổi kiểu đó đi mới được.' Tôi cố giải thích rằng tôi đã học tiếng Anh từ các tạp chí được Đảng Cộng sản Pháp gửi sang Việt Nam. Cũng may, một trong những bạn học của tôi là người Canada, một phụ nữ lớn tuổi quay lại trường để hoàn thành khóa học của mình. Bả trở thành déesse (nữ thần) của tôi, một trong những phụ nữ bảo vệ cho tôi. Bà bắt đầu sửa những bài phát biểu của tôi, và sau đó tôi được điểm C cộng."

        "Tôi cũng gặp rắc rối với cô Fowler, cô giáo dạy tiếng Anh năm thứ nhất của tôi. Bả là cựu sĩ quan tình báo thời Chiến tranh thế giới thứ hai và là một chuyên gia, trong suốt thời McCarthy, về săn lùng các phần tử thân cộng sản2. Một hôm bả hỏi tôi: 'Anh tới đây để học hay làm việc gì khác?'

        'Để học, tôi cam đoan với bà. 'Tôi đã làm việc với các quân nhân Mỹ; đó là lý do tại sao họ cử tôi sang đây.'

        'Tôi ngờ là anh sang đây để làm việc gì đó khác cơ.'

        "Những gì bả nói khiến tôi phải cảnh giác hơn. Tôi tự Mỹ hóa mình. Không còn giọng điệu cách mạng nữa. Cũng không còn tiếng Pháp nữa."

        Việc Phạm Xuân Ẩn trở thành một nhà báo lớn cũng như một nhà tình báo lớn là bằng chứng rõ ràng cho phương pháp đào tạo phóng viên của Mỹ bằng cách để cho họ thường xuyên thực tập với công việc ra báo sinh viên. Khi làm biên tập phụ và viết cho tờ Barnacle, Phạm Xuân Ẩn viết những bài về thức ăn trong trường, cuộc sống ở ký túc xá, và những nhu cầu đặc biệt của các sinh viên nước ngoài, bao gồm cả một đội ngũ đông đảo các sinh viên từ Trung Đông tới California để học về các giếng khoan dầu ngoài khơi của bang này. Có 16 sinh viên trong biên chế tờ Barnacle, tất cả đều theo học Báo chí khóa 101 và 102. Cái năm mà Phạm Xuân Ẩn được cử làm "Biên tập viên trang 2", tờ báo này đứng thứ hai trong số tờ báo của các trường cao đẳng vùng miền Nam nước Mỹ trong một cuộc thi tại Đại học Nam California.

        Những giờ miệt mài mà Phạm Xuân Ẩn trải qua tại tòa báo sinh viên có thể đã xuất phát từ việc ông phải lòng biên tập của mình là Lee Meyer, người kết hợp một nụ cười quyến rũ với cặp kính gọng đen đạo mạo. Rất nhiều người phải lòng Meyer, căn cứ vào những thông điệp đầy si mê được ghi lại trong cuốn kỷ yếu hằng năm của bà. Phạm Xuân Ẩn gọi bà là một "người bạn lý tưởng" trong những dòng lưu bút của mình và viết về hy vọng của ông rằng "tình bạn của chúng ta sẽ ngày càng gắn bó hơn bất chấp hoàn cảnh không thích hợp". Phạm Xuân Ẩn đang nói đến thực tế là vào lúc đó Meyer đã gắn bó với một sinh viên y mà sau này bà đã kết hôn - một cuộc hôn nhân ngắn ngủi và không hạnh phúc. "Cô ấy là kiểu phụ nữ mà tôi sẽ lấy nếu tôi có cơ hội," Phạm Xuân Ẩn nói.

        Có thể nhận thấy là Phạm Xuân Ẩn và Lee có tình cảm với nhau qua những bức thư mà họ trao đổi sau này trong cuộc đời. Lee liên lạc với Phạm Xuân Ẩn sau khi đọc về ông trong một bài báo xuất bản trên tờ Newsweek nhân dịp kỷ niệm 25 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Bà rất vui khi có thể liên lạc trở lại sau ngần ấy năm, và họ duy trì việc thư từ với nhau cho đến tận khi bà qua đời năm 2003. Phạm Xuân Ẩn "rất, rất thân thiết với Lee", theo lời của Janet Simms, cộng sự gần gũi của Lee khi bà còn làm chuyên gia tâm lý hành nghề ở Los Angeles. Phạm Xuân Ẩn đáp lại: "Bạn vẫn luôn ở trong trái tim và suy nghĩ của tôi".

        Sau năm đầu tiên của mình tại OCC, Phạm Xuân Ẩn tham gia khóa học mùa hè để hoàn thành thêm các tín chỉ, sau đó ông dọc theo bờ biển để thăm một người bạn Việt Nam đang dạy tại trường ngôn ngữ quân sự ở Monterey. Song kế hoạch của ông đã thay đổi và ông sẽ phải về nhà càng sớm càng tốt, nếu ông có thể quay về. Quãng thời gian một năm tươi đẹp của Phạm Xuân Ẩn tại California là thời gian đen tối nhất trong lịch sử của lực lượng Việt Minh ở miền Nam Việt Nam, gồm 60.000 người cộng sản đã ở lại dưới vĩ tuyến 17 khi Việt Nam bị chia cắt năm 1954. "Chính quyền Diệm lê máy chém đi khắp vùng nông thôn, chặt đầu những người cộng sản, và đến cuối chiến dịch năm 1958, 85% số đảng viên cộng sản đã bị quét sạch, hoặc bị giết hoặc bị tống giam," Phạm Xuân Ẩn nói. Ông biết được từ một bức thư được mã hóa của em trai ông, Phạm Xuân Đính, rằng Mười Hương, cán bộ chỉ đạo của ông, đã bị bắt. Ông cũng biết rằng ông đang được triệu hồi về nhà vì Việt Minh - một thời gian ngắn sau lại hồi sinh với tên gọi Việt Cộng - cuối cùng cũng bắt đầu tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang dẫn đến Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.

-----------------------
        1. Thang điểm ở Mỹ, gồm 5 bậc, từ A (cao nhất) đến E (hoặc F thay cho E) (thấp nhất), có thể thêm cộng (+) hoặc trừ H-

        2. Trào lưu chống cộng do thượng nghị sĩ Mỹ McCarthy (1908-1957) khỏi xướng, kèm theo các cuộc điều tra lớn trong chính phủ Mỹ và những tổ chức khác vào những năm 1950, sa thải hoặc bắt giữ những người bị tình nghi là cộng sản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2020, 11:57:51 am »


        "Em trai tôi bị bắt khi tôi đang ở Mỹ," Phạm Xuân Ẩn  nói. "Chúng tra hỏi cậu ấy về Mười Hương và hỏi tại sao ông ấy lại đến nhà gặp tôi. Em trai tôi bị cảnh sát Sài Gòn bắt giam cho đến sau Tết năm 1958. Anh họ tôi đưa cậu ấy ra khỏi nhà giam - chính là người làm việc cho Ngô Đình cẩn trên cương vị trùm mật thám và chỉ huy lực lượng cảnh sát tại miền Trung Việt Nam. Ổng tới Sài Gòn gặp trưởng nha cảnh sát. Em trai tôi được trả tự do dưới sự bảo lãnh trực tiếp của ổng.

        "Em trai tôi viết cho tôi một bức thư với ngụ ý rằng hai cấp trên trực tiếp của tôi đã bị bắt. Cậu ấy nói bóng gió đủ cho tôi hiểu." Khi Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe câu chuyện này, một trong những con chim của ông bắt đầu hót inh ỏi từ đâu đó phía sau nghe như một chiếc xe tuần tra của cảnh sát bật còi hụ hết công suất. Nếu như em trai ông là Phạm Xuân Đính thoát tội khá dễ dàng, thì tình cảnh của Mười Hương không được như vậy. Ông bị tra tấn tại nhà tù Chín Hầm khét tiếng ở miền Trung Việt Nam suốt sáu năm trời. Ông không khai ra Phạm Xuân Ẩn, nhưng đó là một thời khắc hiểm nghèo cho tất cả các điệp viên trong mạng lưới của ông.

        Bạn của Phạm Xuân Ẩn là Cao Giao cũng trải qua một thời gian tại nhà tù khét tiếng của Ngô Đình Cẩn. "Ông biết Mười Hương, biết ông này là một cán bộ cao cấp trong Đảng Cộng sản và là người chỉ huy lực lượng tình báo ở miền Nam. Hai người từng làm việc với nhau khi Cao Giao còn chuyển tin tức cho những người cộng sản, cung cấp cho họ cảnh báo sớm về vụ đảo chính của Nhật. Ông có cơ hội được trả tự do bằng cách tố cáo Mười Hương, nhưng Cao Giao không bao giờ bán đứng bất kỳ ai, kể cả khi bị tra tấn. Ông đi qua ông này với bộ mặt lạnh như tiền không để lộ bất kỳ điều gì về sự dính dáng của họ trong quá khứ. Ông là một trong những người can đảm không bao giờ mất tinh thần."

        "Bây giờ làm cách nào để bắt liên lạc với những chỉ huy đã bị bắt giữ của mình đây, tôi tự hỏi. Tôi không được phép đi tìm hay liên lạc với họ. Nhiệm vụ của họ là liên lạc với tôi, nhưng nếu tôi cứ ở Mỹ thì làm sao họ có thể tìm ra tôi được? Nếu không quay trở về Việt Nam, coi như tôi từ bỏ cuộc đấu tranh giành độc lập, nhưng nếu quay trở lại trong khi các cấp trên của mình đang ở trong tù, thì ngay cả tôi cũng có nguy cơ bị bắt và bị tống vào tù. Nếu ông Mười Hương mà khai ra, thì chắc chắn tôi như xong đời rồi. Tôi nhiều phần tin là ổng sẽ khai. Ông cũng là con người mà. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Nhưng ổng không khai. Ai đó có thể khai, chứ nhất định không phải Mười Hương."

        Sau khi Phạm Xuân Ẩn biết rằng mình đang được gọi về Việt Nam, ông bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha. Nếu vỏ bọc bị lộ, biết đâu ông có thể lẻn trốn qua biên giới và trở về nước qua đường Cuba, nơi Fidel Castro đang lên nắm quyền. Trong thời gian ở thăm bạn tại trường ngoại ngữ ở Monterey, Phạm Xuân Ẩn cũng biết được rằng những người cộng sản miền Bắc, sau vài năm kiềm chế, cuối cùng cũng cho phép lực lượng cách mạng ở miền Nam tái phát động chiến tranh du kích. "Đó là lý do tại sao tôi quyết định quay về," Phạm Xuân Ẩn nói.

        Mùa xuân năm 1959 ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Orange Coast với tấm bằng cao đẳng về báo chí. Ông lái xe ven bờ biển tới Monterey và từ đó đi tiếp tới Sacramento, rồi ở lại đó hai tháng, làm việc tại tờ Sacramento Bee trong khóa thực tập được Eleanor McClatchy, một thành viên của gia đình sáng lập ra tờ báo bố trí cho ông. Tiền lương của Phạm Xuân Ẩn được chi trả bởi Quỹ Á châu, tổ chức này cũng sắp xếp để ông bay tới New York vào cuối mùa hè cho một khóa thực tập khác, lần này tại Liên hợp quốc.

        "Bà McClatchy là một phụ nữ rất dễ mến," Phạm Xuân Ẩn nói. Về phần mình bà cũng nghĩ Phạm Xuân Ẩn  là một người rất dễ thương. Với những lời giới thiệu từ CIA và Lansdale cùng những người bạn tốt khác của Phạm Xuân Ẩn trong các cơ quan tình báo Mỹ, bà rất vui lòng được đón tiếp chàng trai Việt Nam nho nhã này tới Sacramento. Có đôi chút trục trặc khi ông bị từ chối cho thuê phòng ở vì tay chủ nhà không chấp nhận "dân da vàng", nhưng Phạm Xuân Ẩn không đế tâm lắm đến sự phân biệt chủng tộc này. "Đó là chuyện bình thường tại Mỹ," ông nói. "Thậm chí cả Henry Kissinger cũng không được phép ở tại một số khách sạn nào đó vì ông ta là người Do Thái."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2020, 11:58:10 am »


        McClatchy đưa ông tới gặp viên thống đốc, Edmund G. Brown, người đang chủ trì đón tiếp thủ tướng Liên Xô khi đó đang có một chuyến thăm tới bang này. "Tôi được phép đi theo sau, để xem người ta đưa tin như thế nào về một nhân vật chóp bu đến thăm thống đốc bang California." Trước đó Phạm Xuân Ẩn đã gặp thống đốc và đã được chụp một tấm ảnh đứng cạnh ông này tại một hội nghị các biên tập viên báo chí sinh viên, nhưng gặp ông ấy lần nữa cũng chẳng hại gì. Phạm Xuân Ẩn đang hình thành nên tác phong chuyên nghiệp rất có ích cho ông trên cương vị một điệp viên. Ông đang thu thập một bản sơ yếu lý lịch gồm những lời tiến cử của CIA và sự nâng đỡ của McClatchy để nói lên rằng có thể ông đang làm việc cho cơ quan tình báo này. Ngay sau khi ông tới Sacramento, tờ Bee cho đăng một bài về tay ký giả thực tập mùa hè của mình với nhan để "Ký giả Việt Nam nhằm đả phá sự tuyên truyền đỏ". Như Phạm Xuân Ẩn tinh quái nhận xét với một người phỏng vấn ông năm 2005: "Tôi sử dụng tất cả những gì Lansdale đã dạy tôi cho bài báo đó. Ông ta là một người thầy tuyệt vời".

        Phạm Xuân Ẩn đến thăm trụ sở của Quỹ Á châu tại San Francisco, với hy vọng thuyết phục họ cho phép ông lái xe xuyên nước Mỹ thay vì đi máy bay. "Tôi mua một chiếc Mercury đã sử dụng được mười năm của một bà già với giá 250 đô la," Phạm Xuân Ẩn nói. "Chiếc xe có động cơ tám xi lanh và ngốn xăng như uống nước. Nó có máy sưởi nhưng không có điều hòa không khí. Viên giám đốc của quỹ khuyên tôi nên ở tại các ký túc xá của Hội thanh niên Cơ Đốc giáo, chỉ với giá năm đô la một đêm, hoặc tại các nhà nghỉ rẻ tiền. 'Đừng có cho ai đi nhờ xe. Họ nguy hiểm lắm. Họ sẽ biết là anh chỉ có một mình và lại là người nước ngoài. Họ có thể cướp tiền và giết anh."'

        Mặc dù ông sở hữu đến hai bằng lái xe của Việt Nam, một bằng quân sự và một bằng dân sự, nhưng thực ra thì Phạm Xuân Ẩn cũng chưa bao giờ lái một chiếc xe nào trước khi ông tới Mỹ. Tờ Sacramento Bee đã tử tế cung cấp cho các thực tập sinh của mình một khóa học lái xe, và, sau khi hứa sẽ không "lái xe như một tay đua", Phạm Xuân Ẩn bắt đầu lên đường vào cuối tháng 8. "Đó là bởi vì ông thầy giáo tiếng Pháp đã dạy tôi về những tên gangster Chicago và các phương pháp hiện đại, nhân đạo của thành phố này dùng để giết mổ súc vật nên tôi mới lái xe đi xuyên ngang nước Mỹ." Phạm Xuân Ẩn nhìn thây một cơn bão mùa hè quét ngang qua sa mạc Nevada như một cơn lốc xoáy không lồ. Ngỡ ngàng khi được chứng kiến những cành to cành nhỏ và toàn bộ thân cây bị bốc thẳng lên trời, ông dừng xe để ghi lại cảnh tượng đó bằng chiếc máy ảnh chụp phim dương bản Ektachrome.

        "Tôi lái xe rất chậm, thường dừng lại uống một lon Coca và nghỉ ngơi. Tôi đi tuyến đường giữa từ California sang bờ biển miền Đông. Cứ khi nào có phong cảnh đẹp, thì tôi lại dừng xe và chiêm ngưỡng. Tôi thường tấp lại bên đường và bước xuống xe. Tôi nằm xuống và nhìn trân trân lên bầu trời cho đến khi tôi sẵn sàng lái xe tiếp. Tôi gặp may. Tôi gặp nhiều người tốt bụng hơn những kẻ đều cáng. Có thể họ đểu cáng khi ở với nhau, nhưng không phải với tôi, như khi tôi ở San Francisco. Một buổi tối, tôi đang thả bộ về phía bến tàu để ăn tôi thì chạm trán một băng những gã tay cầm dao lăm lăm. Họ đang đuổi theo một băng khác, nhưng họ còn mải mê tìm cách giết nhau nên không động gì đến tôi cả."

        Phạm Xuân Ẩn lái xe dọc khu Strip và ghé vào những sòng bạc ở Las Vegas. Bên ngoài thành phố, ông nhìn thấy một dãy dài những toa tàu hàng đang băng qua núi và biến mất vào một đường hầm. "Tôi hỏi một người đàn ông đứng cạnh mình, đang nhìn theo đoàn tàu: 'Nó đang chở người từ Bờ Tây sang Bờ Đông à?' 'Không, ông ta nói. 'Đây là một đoàn tàu đặc biệt. Nó không chở theo hành khách nào cả. Nó đưa các nhà khoa học vào một đường hầm trong núi, ở đó họ tiến hành nghiên cứu nguyên tử.' Sau đó ông ta chỉ dẫn cho tôi trên một tấm bản đồ về nơi nước Mỹ chế tạo những quả bom nguyên tử của mình. 'Đừng có đến đấy, ông ta nói. 'Họ sẽ bắt anh đây."' Phạm Xuân Ẩn cười khùng khục khi nhớ lại tay người Mỹ thân thiện đã cho ông biết những bí mật quân sự đó. Giờ thì nhà tình báo cộng sản Phạm Xuân Ẩn đã biết quân đội Việt Nam nên tấn công vào đâu nếu có lúc nào đó họ xâm lược Hoa Kỳ.

        Phạm Xuân Ẩn cũng đến thăm khu giáo phái Mormon ở Salt Lake City và chiêm ngưỡng cảnh các chàng cao bồi chăn lùa gia súc ở bang Wyoming. Ông chỉ lái xe vào ban ngày, còn khi mặt trời lặn ông dừng xe tại một ký túc xá của Hội Thanh niên Cơ Đốc hay một nhà nghỉ rẻ tiền. Ngày hôm sau khi mặt trời mọc ông lại bắt đầu lái xe đi tiếp. "Nước Mỹ quả là rộng lớn và tươi đẹp, với sự đa dạng muôn màu muôn sắc. Trước đó tôi chưa bao giờ nhận ra nước Mỹ rộng lớn đến nhường nào. Đây không phải là những gì tôi tưởng tượng ra sau khi nghe miêu tả về nó."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2020, 11:58:37 am »


        Sau khi băng qua dãy núi Rocky và vùng Đồng bằng Lớn, Phạm Xuân Ẩn ngỡ ngàng khi nhìn thấy những cánh đồng màu mỡ ở bang Iowa. "Tôi nhìn thấy những cánh đồng ngô trải dài hết dặm này tới dặm khác. Tôi mất gần trọn một ngày lái xe mới ra khỏi cánh đồng ngô. Tôi dừng xe lại để xem lũ gà tây mà người ta nuôi ở đó, những con gà tây to đùng màu sô cô la. Mấy cánh đồng trải ra đến tận chân trời."

        Đến khi tới được Chicago, ông lại gặp rắc rối với bộ chế hòa khí trong xe mình. Ông ngạc nhiên khi một bộ chế hòa khí mới được lắp vào rất nhanh thay vì người ta tháo ra và sửa lại bộ chế hòa khí cũ. Ông bắt đầu lái xe quanh thành phố, tìm kiếm chiếc máy kỳ diệu mà thầy giáo tiếng Pháp đã kể với ông. "Tôi lái xe tới khu lò mổ, nhưng tôi chẳng thấy chiếc máy đó ở đâu cả." Phạm Xuân Ẩn bật cười: "Chắc tôi phải tự mình tạo ra chiếc máy đó nếu tôi muốn nó tồn tại trên đời."

        Trừ việc sửa chữa xe chóng vánh, Phạm Xuân Ẩn thấy that vọng với Chicago. "Tôi cứ đinh ninh sẽ tìm thấy thứ gì đó ở Chicago làm cho nó trở nên hiện đại hơn Việt Nam." Nhưng thậm chí cả những tên gangster cũng kém màu mè so với Bảy Viễn và những tên cướp sông của ông ta. Phạm Xuân Ẩn lái xe đến thác Niagara, nơi ông dành cả tuần tham dự một hội thảo dành cho các sinh viên Công giáo Việt Nam được cha Emmanuel Jacques, một nhà truyền giáo dòng Tên người Bỉ, tổ chức. Phạm Xuân Ẩn không bao giờ tỏ ra là người theo bất kỳ tôn giáo nào khác ngoài đạo Phật. Mặc dù vậy, chắc hẳn ông đã nghĩ đó cũng là một ý tưởng hay khi bổ sung cha Jacques, người từng sống ở Việt Nam và "nói tiếng Việt như một người Việt", vào danh sách những người giới thiệu mình.

        Sau đó Phạm Xuân Ẩn lái xe tới Washington, trên đường tới đó ông ở lại Arlington, bang Virginia, mười ngày với người bạn CIA của mình là Mills Brandes và gia đình ông này. "Sau khi tham quan đồi Capitol, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, họ đưa tôi đi tham quân FBI, nơi tôi được chứng kiến các đặc vụ bắn vào những mục tiêu trên trường bắn bằng đạn thật," Phạm Xuân Ẩn nói. "Họ bấm một chiếc nút và một xạ thủ vụt đứng lên. Mục đích là để chúng tôi phải thán phục bao nhiêu phát súng họ bắn trúng hồng tâm. Hầu như ai cũng bắn trúng hồng tâm."

        "Tôi hỏi họ: 'Như thế này để làm gì?' 'Đó là lời cảnh báo đối với mọi người: đừng phạm tội, nếu không FBI sẽ dễ dàng găm một viên đạn vào người anh.' Tôi tự nhủ: 'Đây đúng là trò chiến tranh tâm lý hiệu quả, với mục đích là giảm số lượng tội phạm'."

        Phạm Xuân Ẩn lái xe về New York vừa kịp để chứng kiến lẽ khai mạc phiên họp của Liên hợp quốc. Quỹ Á châu giới thiệu ông với một phóng viên Liên hợp quốc đến từ Ẩn Độ, người này đưa ông đi lấy thẻ báo chí và hướng dẫn cho ông. "Đó là phiên họp mà Nikita Khrushchev sang thăm Mỹ lần đầu tiên. Đường phố chật cứng những hàng cảnh sát vũ trang, cưỡi những con ngựa lực lưỡng và trông rất oai vệ trong ánh nắng mùa thu. Đám đông đứng chật các vỉa hè để xem Khrushchev đi qua trên một chiếc limousine màu đen, với cờ Liên Xô tung bay trên nắp xe. Tôi đứng nhìn đoàn xe của ông ấy đi qua. Sau đó tôi tới khu vực báo chí để theo dõi Khrushchev phát biểu."

        Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là ông có phấn khích không khi được nhìn thấy Khrushchev trên cương vị một người đồng chí cộng sản, và liệu ông có tin lời Khrushchev khi ông ấy nói với nước Mỹ: "Chúng tôi sẽ chôn vùi các người!"

        Phạm Xuân Ẩn trả lời tôi bằng một tiếng "có" mạnh mẽ, một vẻ đồng tình kéo dài, đi kèm với một cái vẫy tay tán thành, những ngón tay hướng lên trời. "Thời kỳ đó chủ trương của Liên Xô là ủng hộ các cuộc chiến tranh giải phóng. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông cũng đang làm điều tương tự. Để đương đầu với thách thức đó, người Mỹ đang phát triển các học thuyết chống chiến tranh du kích để đàn áp các cuộc chiến tranh giải phóng. Chiến lược ở Việt Nam cũng giống hệt như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Giải phóng các thuộc địa cũ. Làm ra vẻ đưa họ vào con đường tiến tới tự quyết, trong khi tung ra các lực lượng đặc biệt và sử dụng chiến tranh không thông thường để đàn áp lực lượng cách mạng. Thực ra chính sách này có từ hồi những năm 1950, khi nước Mỹ ký thỏa thuận hỗ trợ quân Pháp tại Đông Dương và thành lập phái bộ Sài Gòn của Lansdale."

        "Tôi không hề chống đối người Mỹ. Tôi chống đối chính sách của họ. Tôi không có lựa chọn nào khác. Họ đang tiến hành một cuộc chiến tranh. Chúng tôi phải chống lại nó. Phe cộng sản chúng tôi phải nắm rõ chiến lược này. Chúng tôi phải thu thập tất cả những thông tin có thể và phân tích những thông tin ấy. Đây không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu không có nó, thì tức là đang tiến hành chiến tranh trong mò mẫm. Anh có thể giành chiến thắng nhờ ngẫu nhiên, nhưng nhiều khả năng anh sẽ thua vì thiếu hiểu biết."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2020, 09:23:21 am »


        Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là việc ông phải sống cuộc sống hai mặt của mình với đủ loại mưu kế và giấu giếm có khó khăn không. "Đúng là khó khăn thật," ông nói, lặp lại câu này đến ba lần. Sau đó ông nhắc đến một tay cựu trung tá trong quân đội Mỹ, người đã kết bạn với ông hồi ông còn là sinh viên ở California. Phạm Xuân Ẩn  đang quay về sau chuyến thăm bạn ở Monterey thì ông bỏ lỡ mất điểm dừng xe buýt để xuống trường Orange Coast. Ông xuống xe ở bờ biển dưới mạn Laguna Beach. Đó là đêm giao thừa, và không còn chiếc xe buýt nào nữa. Viên trung tá, đang trên đường đi đón cô con gái về thăm nhà nhân dịp nghỉ lẽ, đã cho ông đi nhờ xe tới trường và sau đó mời ông đến nhà, từ đó Phạm Xuân Ẩn  trở thành một vị khách thường xuyên lui tới.

        Sau khi Phạm Xuân Ẩn quay về Việt Nam và bắt đầu làm phóng viên, viên trung tá vẫn viết thư cho ông, và hỏi liệu ông có thể chăm sóc con trai ông ta, người đang được cử đến Việt Nam trên cương vị một trung úy trong không quân. "Sau khi suy nghĩ về chuyên đó, tôi từ chối liên lạc với con trai ông ấy," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi đang làm việc cho phía bên kia, trong lĩnh vực tình báo. Nếu gặp biết đâu có thể tôi sẽ lợi dụng anh ta một cách không có chủ ý. Vì tôi biết bố anh ta, nên có thể tôi sẽ moi được một số thông tin từ anh ta. Thế nếu như tôi bị tra tấn thì sao? Nhỡ chẳng may tôi không chịu nổi và khai ra người đã cung cấp thông tin cho tôi? Điều đó sẽ rất tồi tệ. Nên để tỏ lòng tôn trọng người đã giúp mình và để khỏi bị sơ suất, khỏi do cố ý, hay tự động lợi dụng con trai ông ta, tôi đã từ chối gặp anh ta."

        "Đó là lý do tại sao tôi không muốn viết hồi ký," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi sẽ phải nêu ra những cái tên, mà như thế thì không ổn. Một số người thì đã qua đời, nhưng những người khác vẫn còn đang sống. Rất nhiều người đã giúp đỡ tôi từ những mối quan hệ cá nhân. Bây giờ chẳng có lý do gì lại đi phản bội họ cả."

        Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là ông cảm thấy như thế nào trước thực tế thông tin tình báo của ông làm những người Mỹ phải thiệt mạng. "Tôi ghét phải chứng kiến điều đó," ông nói. "Khi tôi nhìn thấy những người lính Mỹ được di tản khỏi chiến trường, nằm trên nóc những chiếc xe chở quân, rất nhiều người đã chết hoặc đang hấp hối, nó làm tôi nhớ đến những người bạn của mình ở trường cao đẳng, những thanh niên mười tám đôi mươi có thể đã bị bắt quân dịch và bị đưa sang Việt Nam. Đó là lý do tại sao tôi cầu nguyện cuộc chiến này sẽ không kéo dài."

        Cuộc sống hai mặt của Phạm Xuân Ẩn chứa đầy những mâu thuẫn và bi kịch, nhưng về phía ông không có gì là cảm xúc giả tạo. Ông đã có sự lựa chọn, và ông đã lựa chọn. Tôi cho rằng một phần của điều này xuất phát từ việc ông là một nhà báo. Ông đối mặt với thực tại và giải quyết nó. Có một cuộc chiến tranh đang diễn ra. Ông là một người lính trong cuộc chiến đó. Ông thực hiện bổn phận của mình. "Tất cả là thế," ông thường nói. "Đơn giản lắm," đó là một trong những câu nói ưa thích của ông. Tất nhiên là không hề đơn giản. Nó phức tạp đến thắt tim, và tình trạng khó xử về đạo đức đó thật không thể giải quyết triệt để. Một người khác kém vững vàng hơn về ý chí và tinh thần hẳn đã bị đánh quỵ hoặc tự để lộ thân phận của mình. Phạm Xuân Ẩn làm tôi nhớ đến một tay cờ bạc vĩ đại, một trong những tay đổ bác chuyên nghiệp ở Las Vegas đã học được cách che giấu thứ được gọi là "mánh" - những dấu hiệu không chủ tâm để lộ bài của bạn, dù là tốt hay xấu. Phạm Xuân Ẩn, người kể chuyện tiếu lâm, người chơi khăm, người giao thiệp rộng và thích nuôi chó, đã dồn tất cả những cảm xúc vào những lời giễu cợt và thói quen cá nhân của mình mà nếu không làm thế sẽ khiến để lộ ra trên mặt những gì ông cảm thấy bên trong. Tất cả là thế. Đơn giản lắm.

        "Ở New York, Quỹ Á châu bố trí cho tôi ở với một trong những người của họ sống ở khu Bronx. Anh ta đưa tôi đi đây đó và chỉ cho tôi thây Central Park (Công viên Trung tâm thành phố), nơi tôi chứng kiến rất nhiều người điên diễn thuyết. Tôi đi tham quân một vòng quanh New York. Tôi đi phà ra bến cảng để chiêm ngưỡng Nữ thần Tự do. Tôi tới tham quan các văn phòng của tạp chí Time. Họ nói: 'Có thể trong tương lai anh sẽ làm việc cho Time'. Tôi bảo được thôi, tôi rất sẵn lòng. Nhưng lúc này, tôi chỉ muốn trở về nước và làm việc cho Việt Tấn Xã. Trước đó Quỹ Á châu đã nói với tôi rằng, khi quay về Việt Nam, tôi nên làm việc cho Việt Tấn Xã, để giúp đỡ họ."

        Sự mập mờ trong lời kể của Phạm Xuân Ẩn về sau mới khiến tôi để ý, và tôi không có cơ hội nào để hỏi ông về điều đớ Tại sao Quỹ Á châu lại khuyên ông làm việc cho Việt Tân Xã? Phạm Xuân Ẩn sẽ giúp cho sự nghiệp báo chí của Việt Nam hay cho CIA?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2020, 09:24:03 am »


        "Tôi đã chỉ dẫn cho các sĩ quan Việt Nam trước khi gửi họ qua Mỹ, giới thiệu với họ những bức ảnh về đời sống tại Mỹ, nhưng tôi vẫn sững sờ khi được tận mắt chứng kiến điều đó. Cách duy nhất để Việt Nam có thể tiến hành một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ là đấu tranh buộc họ phải rút đi. Việt Nam là một nước nhỏ, bị cô lập. Chúng tôi hầu như không có quan hệ với bất kỳ ai khác bên ngoài biên giới của mình. Chúng tôi bắt đầu từ con số không. Chúng tôi phải hy sinh cho đến khi chỉ còn là con số không. Bất kể có lâu đến đâu chăng nữa, chúng tôi cũng phải tiếp tục. Chúng tôi đã đấu tranh hàng trăm năm chống lại quân Pháp và hàng nghìn năm chống lại quân phương Bắc. Chẳng có lý do gì để chúng tôi dừng lại lúc này."

        Gần tròn hai năm sau cái ngày ông rời khỏi Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn bán chiếc xe của mình và bay từ New York về San Francisco. Đây là cơ hội cuối cùng của ông để đổi ý. Ông đã được mời giảng dạy ngôn ngữ tại Monterey với mức lương 350 đô la một tháng, một khoản tiền hậu hĩnh thời đó. Lee Meyer đã gửi cho ông một tấm bưu thiếp từ San Francisco, chụp cảnh vịnh và hòn đảo nhà tù Alcatraz nổi tiếng. "Tôi sẽ gặp bạn trước khi bạn về nước," bà viết.

        "Khi máy bay hạ cánh xuống San Francisco, tôi tới cầu Cổng Vàng để nhìn qua vịnh về phía đảo Alcatraz. Nó nằm kia, nổi trên mặt nước, giống hệt như trong bức bưu thiếp Lee Meyer đã gửi cho tôi. Tôi đứng trên cầu nghĩ về cô ấy, và suýt chút nữa thì tôi đã đổi ý. Tôi tự nhủ, đây sẽ là kết cục dành cho mình nếu quay về Việt Nam: ở trong tù, nhưng là một nhà tù không được đẹp đẽ như Alcatraz. Đối với mình, đó sẽ là Côn Đảo và một cái chuồng cọp. Cả hai đều là những hòn đảo, nhưng Côn Đảo còn tồi tệ hơn nhiều so với Alcatraz."

        Đó là tháng 10 năm 1959, với cái se lạnh của mùa thu len lỏi trong không khí. Trong túi áo của Phạm Xuân Ẩn  là một chiếc vé máy bay về Sài Gòn, do Quỹ Á châu mua cho ông. Vươn cao trong bến tàu phía dưới ông là cái ống khói đơn độc và những bức tường bạc phếch của Alcatraz. Ông có thể ở lại Mỹ và theo học tiếp một khóa báo chí để hoàn thành nốt bằng cử nhân của mình tại Berkeley. Ông có thể kết hôn với một cô gái Mỹ và quên đi cuộc chiến tranh dai dẳng mà tổ quốc của mình đang phải trải qua. Cuối cùng, Phạm Xuân Ẩn, người yêu nước, người cả gia tài có bốn bộ com lê thuộc về

        Đảng Cộng sản Việt Nam và danh chính ngôn thuận là nên được trả lại cho nhân dân, đã lên máy bay và bay về Sài Gòn. Thế là kết thúc chuyến đi đầu tiên và cũng là duy nhất của ông tới Mỹ.

        "Tôi có hai tình yêu, giống như Josephine Ваker1," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi yêu tổ quốc mình, và tôi yêu nước Mỹ. Khi chiến tranh kết thúc, tôi muốn hai nước quay lại với nhau."

------------------------
        1. Nữ ca sĩ Pháp gốc Hoa Kỳ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2020, 09:24:41 am »


LỢl DỤNG LÒNG TIN

        Về đến Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn lo sợ về việc bị lộ vai trò điệp viên đến nỗi ông náu mình trong nhà suốt một tháng trước khi đưa ra một kế hoạch hành động: thay vì chờ đợi cảnh sát đến nhà bắt mình, ông sẽ tới chỗ cảnh sát và tìm hiểu xem họ đã biết gì về ông. Sử dụng những môi quân hệ cá nhân, ông liên lạc với Trần Kim Tuyến, tay cựu bác sĩ quan y đang chỉ đạo mạng lưới tình báo tại Nam Việt Nam cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai ông ta là Ngô Đình Nhu. Mạng lưới rộng khắp các gián điệp và lực lượng quân sự bí mật được CIA hậu thuẫn này hoạt động từ Phủ Tổng thống dưới cái tên vô thưởng vô phạt là Sở Nghiên cứu Chính trị, Văn hóa và Xã hội. Nếu ông Tuyến thuê ông, Phạm Xuân Ẩn có thể yên tâm không sợ bị bắt, ít nhất là trước mắt.

        Rất chóng vánh, Phạm Xuân Ẩn trở thành phụ tá của ông Tuyến, trợ thủ đắc lực và bạn tâm giao của ông ta. Nhiều lúc, có cảm giác như thể Phạm Xuân Ẩn là người duy nhất mà Trần Kim Tuyến tin cậy ở Sài Gòn. Phạm Xuân Ẩn giải quyết công việc của Trần Kim Tuyến và thậm chí rửa tiền cho ông ta. "Ông Tuyến kiểm soát việc vận chuyển thuốc phiện từ cao nguyên xuống Sài Gòn," Phạm Xuân Ẩn nói. "Thực ra, chính chủ của nhà hàng Nổi Sài Gòn mới là người làm việc này, nhưng ông ta trả cho ông Tuyến tiền bảo kê để công việc được trôi chảy."

        Một số xưởng cưa tại Chợ Lớn hoạt động như là bình phong cho các cơ sở tinh chế thuốc phiện của Sài Gòn. "Họ đốn gỗ ở vùng núi sát biên giới với Lào rồi khoét rỗng thân cây. Những thân cây khoét rỗng này được nhét đầy thuốc phiện rồi chở xuống các 'xưởng cưa xẻ' ở Chợ Lớn. Ông Tuyến biết chuyện này. Người của ông ấy nhận hối lộ, và bản thân ông ấy cũng có những khoản quỹ được gửi trong các tài khoản ở nước ngoài. Nhưng ông ấy là một người khiêm tốn," Phạm Xuân Ẩn cam đoan với tôi. "Ông ấy không bao giờ ăn tiền một cách trắng trợn, đó là kiểu của lũ biển lận ngày nay."

        Trân Kim Tuyến sử dụng Phạm Xuân Ẩn làm phiên dịch cho các giao dịch tài chính với nước ngoài, và ông ta giao phó cho ông Ẩn những nhiệm vụ nhạy cảm khác, ví dụ như tiếp các vị khách Mỹ đến thăm. Trong một nhiệm vụ như vậy, Phạm Xuân Ẩn đã gặp Gerald Hickey, chuyên gia về văn hóa truyền thống Việt Nam, người làm việc cho chính phủ Mỹ trong các vấn đề nhân loại học (và sau đó bị giới học giả tẩy chay). Phạm Xuân Ẩn kê việc ông đi cùng Hickey như thế nào khi ông ta đi thực tế để kiểm tra các khu trù mật của Việt Nam -  chiến lược đầu tiên của Diệm để chống lại những người cộng sản.

        Nếu như những người cộng sản bơi như cá trong biển đời nông thôn, thì cách để giết họ là làm cho biển cạn. Đầu tiên, anh xua những người nông dân rời khỏi làng và tái định cư họ vào những khu tập trung kiên cố được gọi là khu trù mật. Những người duy nhất còn lại ở vùng nông thôn, theo định nghĩa, sẽ là những người cách mạng, những người có thể bị tiêu diệt bằng bom hoặc khí độc. Trong thực tế, khu trù mật của Diệm là những trại lao động cưỡng bức nhét đầy những nông dân căm phẫn. Ban ngày họ treo cờ Cộng hòa rồi đến đêm lại che chở những người cách mạng. Diệm buộc phải từ bỏ thí nghiệm đầu tiên này trong chiến lược chống chiến tranh du kích sau một năm, nhưng ông ta và các cố vấn người Mỹ của mình lại một lần nữa trục vớt kế hoạch này lên trong những năm 1960, khi khu trù mật được đổi tên thành "ấp chiến lược".

        "Tôi thích Gerald Hickey," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ấy rất thông minh và lúc nào cũng vui vẻ. Ông ấy muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến. Đáng tiếc là người ta không nghe lời ông ấy." Hickey ấp ủ một niềm tin mạnh mẽ rằng các bên tham chiến tại Việt Nam nên đàm phán cho một giải pháp của riêng họ.

        Khi Hickey và những người Mỹ khác tới thăm Phủ Tổng thống, Phạm Xuân Ẩn được giao nhiệm vụ đưa họ đi tham quân khu trù mật. "Tôi đưa họ qua sông Mê Công sang tỉnh Kiến Hòa (nay là Bến Tre). Họ đang bình định khu vực đó. Sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nơi này đầy rẫy Việt Minh. Bắt đầu được một năm thì chương trình thất bại. Bác sĩ Tuyến giao cho tôi một chiếc xe rồi bảo tôi đến thăm các khu trù mật và báo cáo cho ông ấy những gì tôi thấy. Ông ấy biết mọi người, những tay quận trưởng và tỉnh trưởng, đang nói dối mình. Ông ấy cần một người có thể tin cậy, người có thể ra tận thực địa và cung cấp cho ông ấy một bản báo cáo bí mật về những gì đang thực sự xảy ra. Tôi lái xe một mạch xuống Rạch Giá, trên bờ vịnh Thái Lan ở Nam Bộ. Rồi từ đây tôi lái xe qua miền Trung ra tới Huế ở phía Bắc. Tôi quay về và báo cáo với bác sĩ Tuyến: 'Chương trình khu trù mật đi tong rồi. Hãy quên nó đi. Ông phải làm cái gì đó mới thôi. Đó là lý do tại sao ông ấy từ bỏ khu trù mật và chuyển sang xây dựng ấp chiến lược, với sự hậu thuẫn của người Mỹ."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2020, 09:25:22 am »


        Cách Phạm Xuân Ẩn xử lý nhiệm vụ này cho thấy làm thế nào ông trở thành một cố vấn tin cẩn của nhiều quân chức Mỹ và chính quyền miền Nam Việt Nam. Khi được yêu cầu nghiên cứu một vấn đề quân sự nhạy cảm, ông luôn tự mình xem xét vấn đề, như một nhà báo điều tra, và quay về với một báo cáo thẳng thừng: "Chiến lược của các ông không hiệu quả. Hãy tìm một chiến lược mới đi". Thế là cuối cùng ông giống như một người trung thực ở Việt Nam, người cần tham vấn cho những đánh giá tuyệt mật về những gì đang thực sự diễn ra. Ông nói sự thật với bác sĩ Tuyến. Ông nói sự thật với những cấp trên cộng sản của mình, vẫn là cùng một sự thật đó nhưng lại mang những ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào việc người nghe là ai. Ông Tuyến đối mặt với một điểm yếu chiến lược cần khắc phục. Những người cộng sản nắm được một điểm yếu chiến lược cần khai thác.

        Phạm Xuân Ẩn bảo vệ vỏ bọc của mình bằng cách nói với các sếp phương Tây chính sự thật mà ông báo cáo với những người đồng chí cộng sản của mình. Nhưng điều gì xảy ra khi "sự thật" này được biến thành một quân cờ và đem ra triển khai trên bàn cờ, đi trước từ năm đến sáu nước? Điều đó có ý nghĩa gì khi một điệp viên cộng sản lại đi khuyên chính phủ Nam Việt Nam cách làm thế nào để xây dựng thêm những chiến lũy hiệu quả hơn ở vùng nông thôn? Rốt cuộc, chuyển đổi từ khu trù mật sang ấp chiến lược dẫn đến gia tăng sự hiện diện quân sự, tăng cường vũ trang, cũng như có thêm những hành động áp bức tàn bạo nhằm vào người nông dân Việt Nam. Liệu lời khuyên của Phạm Xuân Ẩn có phải là một ví dụ về sự chia ô rạch ròi? Liệu có phải ban ngày ông suy nghĩ như một người phương Tây và đêm đến thì suy nghĩ như một người cộng sản? Hay có gì đó sâu xa hơn đang diễn ra? Chẳng phải nếu anh đày đọa người dân, xua đuổi và đàn áp họ dã man thì họ sẽ càng trở nên hăng hái hơn trong việc ủng hộ những người cộng sản? Phạm Xuân Ẩn đang cung cấp "thông tin" hay "phản thông tin" hay một thứ "sự thật" thuộc nhóm thứ ba? Dù thế nào đi nữa, giờ đây ông đã đặt mình vào một sự nghiệp biến ông vừa trở thành người cố vấn được tin cậy nhất vừa là điệp viên hiệu quả nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.

        Khi chúng tôi ngồi nói chuyện trong phòng khách của ông, Phạm Xuân Ẩn luôn ngồi ngay bên cạnh điện thoại và một tập giấy, và lúc nào cũng có một cây bút cài trên túi áo ngực của ông. Những đồng nghiệp cũ gọi điện rủ ông đi uống cà phê. Khách nước ngoài đề nghị được gặp. Có tin bạn bè cũ vừa qua đời. Phạm Xuân Ẩn kết thúc những cuộc trò chuyên này rất ngắn gọn. Chúng tôi luôn quay lại chỗ vừa dừng lại. Trong trường hợp này, tôi hỏi ông có ý gì khi ông báo cáo về một khu vực đầy rẫy Việt Minh cần được bình định hóa.

        "Tôi sử dụng ngôn ngữ này vì tôi phải suy nghĩ như một người Mỹ," ông nói. "Tôi phải suy nghĩ như một người theo chủ nghĩa quốc gia. Nếu hồi đó tôi suy nghĩ như một người cộng sản, có lẽ tôi đã đi tong rồi, tong hẳn rồi."

        Khi làm việc cho bác sĩ Tuyến, có lần Phạm Xuân Ẩn  được yêu cầu làm phiên dịch cho một giáo sư người Mỹ nổi tiếng. Ông Tuyến từng bị cộng sản bắt giam ở miền Bắc hồi năm 1945 trước khi trốn thoát vào miền Nam, nên ông ta chống cộng rất dữ dội và vô cùng nghi kỵ bất kỳ ai có cảm tình với cộng sản.

        Sau ba giờ phỏng vấn, vị giáo sư người Mỹ mời Phạm Xuân Ẩn đi ăn trưa. Phạm Xuân Ẩn rất ngạc nhiên khi vị giáo sư tuyên bố rằng ông Tuyến không là một người cộng sản Việt Nam thì cũng là một thành viên của KGB1. "Cách ông ta tư duy, giải thích vấn đề và đi đến kết luận - tất cả đều là cộng sản," vị giáo sư nói. "Hôm nay, ông ta kể hết chuyện này đến chuyện khác, tất cả đều được trình bày với kiểu tư duy cộng sản."

        "Tôi không thực sự hiểu cách tư duy của những người cộng sản," Phạm Xuân Ẩn nói, "nhưng người Việt Nam thích cách lập luận lôgic của bác sĩ Tuyến. Họ đánh giá ông ấy là người tài giỏi. Ông ấy xem xét mọi chuyên từ A đến z trước khi đưa ra những kết luận xác đáng. Chúng tôi cho rằng ông ấy là một nhà phân tích xuất sắc, và giờ thì ông nói rằng kiểu lý giải vấn đề như thế là 'cộng sản'. Tôi thấy sốc khi nghĩ rằng những điều ông nói có thể là đúng."

        "Tôi chỉ nói để anh biết là anh phải hết sức cảnh giác với người đàn ông này. Tôi không muốn sau này anh phải hối hận", vị giáo sư nói.

        "Tôi có thể cho ông ta biết quan điểm của ông được không?"

        "Tùy anh thôi. Nếu anh cho ông ta biết tôi nghĩ gì, rằng ông ta làm việc cho cộng sản, thì ông ta sẽ càng thận trọng hơn và anh sẽ càng phải cảnh giác với ông ta hơn."

        Phạm Xuân Ẩn kể câu chuyện này như thể ông đang dẫn dắt dần đến điểm nút của một câu chuyện đùa tuyệt cú mèo. Một nụ cười phảng phất quanh khóe miệng của ông. Ông huơ huơ tay trong không trung và ngồi thẳng dậy trên ghế của mình.

----------------------
        1. Tên gọi tắt của ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM