Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:55:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13618 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2020, 06:58:58 am »


        Những người tị nạn dồn dập rời khỏi miền Bắc cũng hữu ích trong việc tuyên chiến chống cộng sản. Hỗ trợ Lansdale trong nhiệm vụ này là sĩ quan quân y hải quân Tom Dooley, người được phân công tới một trong những chiếc tàu quân sự của Mỹ chở người tị nạn từ Vịnh Bắc Bộ vào Nam, tới Đà Nẵng. Cuốn sách của Dooley về sự di cư của người Công giáo, Hãy giải thoát chúng tôi khỏi cái ác (1956) rất ăn khách. Viên bác sĩ bảnh bao cùng những kỳ công nhân đạo của ông ta "đặt Việt Nam lên bản đồ thế giới mới cho hàng triệu người Mỹ," theo lời James Fisher, người viết tiểu sử của Dooley. Với sự giúp sức của Lansdale, Dooley tiếp tục viết những cuốn sách ăn khách khác về cuộc sống ở Đông Dương, mở đường cho sự can dự quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á. (Về sau, khi Dooley đang được xem xét để phong thánh, người ta mới phát hiện ra rằng ông ta là một người đồng tính bí mật và là một kẻ bịp bợm văn chương, những cuốn sách của ông ta được CIA biên tập rất nhiều, nếu không nói là viết lại hoàn toàn.)

        Sau thành công trong việc tạo ra dòng người Công giáo di cư, Lansdale chuyển sang củng cố quyền lực của Ngô Đình Diệm, người đàn ông độc thân 53 tuổi lùn tịt béo tròn từng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong cái chính phủ thời hậu chiến của Hoàng đế Bảo Đại. Sinh năm 1901, Jean Baptiste Ngô Đình Diệm là một viên quân theo Công giáo từng trở thành quân đầu tỉnh ở tuổi hai mươi lăm1. Sau một thời gian ngắn làm thượng thư Bộ Lại trong một nội các thân Pháp của Bảo Đại, ông từ chức, với lời buộc tội hoàng đế là một "công cụ" của người Pháp. Ông hợp tác với người Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai và bị ông Hồ Chí Minh tống giam sáu tháng trước khi sống lưu vong. Năm 1950 ông đến Mỹ và sống hai năm trong các trường dòng Maryknoll ở Lakewood, bang New Jersey, và Ossining, bang New York. Khi Diệm đang sống tại một tu viện dòng Benedict (Biển Đức) tại Bỉ, Mỹ gây áp lực buộc Bảo Đại phải cho vời ông ta về Việt Nam.

        Lansdale bảo vệ Diệm khỏi hai âm mưu đảo chính trước khi tổ chức chiến dịch quân sự thành công đầu tiên của ông ta, "trận dẹp các giáo phái", một cuộc tấn công nhằm vào quân đội riêng của Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên. Vì những tên cướp sông Bình Xuyên đang nuôi sống chính quyền thuộc địa Pháp, gồm cả một tờ séc hằng tháng cho Bảo Đại, trận dẹp các giáo phái thực chất là một trận chiến chống lại quân Pháp. Người Pháp đã phải ký kết giao kèo với Bảy Viễn, thủ lĩnh của Bình Xuyên, do hoàn cảnh bắt buộc bởi vì không có y họ sẽ không có cả tiền lẫn người để giành lại quyền kiểm soát Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đối với Bảy Viễn thì việc ủng hộ quân Pháp hay Việt Minh cũng thế, và y từng là một người theo Việt Minh trước khi là một nhà tư bản, nhưng tư bản thì chia cho y phần bánh lớn hơn2.

        Trong khi thu những khoản tiền "bảo kê lên đến 2.600 đô la mỗi ngày từ sòng bạc Đại Thế Giới của Sài Gòn, đến năm 1947 Bình Xuyên đã có đội quân mười nghìn người được biên chế thành bảy trung đoàn đầy đủ. Mặc dù ban đầu Bảy Viễn ủng hộ Việt Minh, đến năm 1948 y đã lại quay sang hàng ngũ quân Pháp. Người Pháp cho phép y mở rộng lĩnh vực làm ăn béo bở của mình trong lĩnh vực buôn ma túy, cũng như các sòng bạc và nhà thổ ở Sài Gòn. Mối liên hệ giữa Bảy Viễn với Phòng Nhì không chỉ là vấn đề tài chính. Bình Xuyên cũng lão luyện trong việc thu thập thông tin tình  báo qua một mạng lưới chỉ điểm truyền tai nhau đến nỗi về sau lực lượng cảnh sát mật của Diệm cũng áp dụng hệ thống này. Để loại bỏ Việt Minh ra khỏi Sài Gòn và bảo vệ thành phố khỏi những cuộc tấn công khủng bố, quân Pháp buộc phải chuyển giao lại ngày càng nhiều lãnh thổ và số lượng các cơ quan chức năng chính phủ vào tay Bình Xuyên.

----------------------
        1. Năm 27-28 tuổi (1928 hoặc 1929) Ngõ Đình Diệm được thăng tuần vũ (tương đương tỉnh trưởng) tỉnh Bình Thuận. Những tư liệu khác nói rằng ông đuợc thăng quản đạo Ninh Thuận năm 1926. Đáy là tính theo năm sinh chính thức (1901). Ngày sinh của ông cũng bị tranh cãi, có nguồn nói ông sinh năm 1897.

        2. Bảy Viễn không phải là đảng viên cộng sản mà chỉ theo Việt Minh một thời gian ngắn, từng lên đến chức Khu bộ phó Chiến khu 7 của Việt Minh.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2020, 08:09:30 am »


        Sài Gòn trở thành lãnh địa riêng của Bảy Viễn. Được Bảo Đại phong hàm tướng, y cho mở nhà thổ lớn nhất tại châu Á, với 1.200 nhân viên. Y điều hành sòng bạc Đại Thế Giới tại Chợ Lớn và sòng bạc Kim Chung béo bở không kém tại Sài Gòn. Y cũng kiểm soát hàng trăm ổ hút thuốc phiện tại Sài Gòn và Chợ Lớn, với một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận được trả hàng năm cho Bảo Đại. Đàn em của Bảy Viễn được bổ nhiệm làm tổng giám đốc nha cảnh sát đô thành, trải rộng đến 60 dặm từ Sài Gòn ra đến khu nghỉ mát ven biển Cap Saint Jacques. Những mối quan hệ làm ăn của Bảy Viễn tại Pháp là chìa khóa cho thành công của y. "Ông trùm ngang nhiên của thế giới ngầm kiểu đảo Corse tại Sài Gòn là nhà buôn khả kính Mathieu Franchini," nhà sử học Alfred McCoy viết. "Là chủ sở hữu của khách sạn Continental Palace sang trọng, Franchini... kiểm soát phần lớn lượng ma túy xuất khẩu tới Marseille." Ông ta cũng quản lý lợi nhuận từ thuốc phiện và sòng bạc của Bình Xuyên với tư cách "cố vấn đầu tư" của lực lượng này.

        Bình Xuyên vẫn nắm giữ quyền lực cho đến khi Lansdale và Diệm thành công trong việc xua đuổi lực lượng này quay trở lại Rừng Sát. Từ ngày 28 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 1955, quân đội Việt Nam Cộng hòa tấn công đẩy lùi lực lượng giang hồ này để giành quyền kiểm soát Sài Gòn. Năm trăm người thiệt mạng, hai nghìn người bị thương, và thêm hai mươi nghìn người nữa mất nhà mất cửa. "Trận đánh này là một cuộc chiến mượn tay người khác: Bình Xuyên và quân đội của Diệm chỉ là những kẻ đóng thế, những con bài, trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Phòng Nhì Pháp và CIA của Mỹ," McCoy viết. Một quân đội thân chủ này giao tranh với một quân đội thân chủ khác, khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất ngả dần sang cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ hai.

        Trong phiên bản chính thức của câu chuyện, một Ngô Đình Diệm quả cảm - người mà Dwight Eisenhower gọi là "George Washington của Việt Nam" - đã phát động một trận đánh áp đảo chống lại các giáo phái và quy phục họ trong chiến đấu. về sau mới lộ ra là chính Lansdale đã mua chuộc các giáo phái với hơn 12 triệu đô la bằng tiền của CIA, khoản tiền này cho phép lãnh đạo của các giáo phái sung sướng nghỉ hưu tại vùng Riviera thuộc Pháp. (Lansdale, khi được hỏi về những khoản tiền này, gọi chúng là "lại quả".) Một trong những phụ tá cũ của Lansdale, đại tá L. Fletcher Prouty, khẳng định rằng khoản tiền đó cũng dựng được rất nhiều màn kịch chính trị, với những trận đánh do Lansdale viết kịch bản để tạo ra những cảnh chiến đấu giả tạo.

        Philippe Franchini, con trai của Mathieu, cựu cố vấn đầu tư của lực lượng Bình Xuyên, còn nhớ lần gặp Bảy Viễn ở Paris vài năm sau cuộc chiến của Ngô Đình Diệm chổng lại các giáo phái. Chàng thanh niên Philippe đi cùng cha mình tới nhà hàng Fouquet trên đại lộ Champs-Élysées để nhâm nhi chút rượu khai vị chiều với Bảy Viễn, thì thấy Bảy Viễn xuất hiện tại nhà hàng này dắt theo một con hổ. "Ông ta kiểu như một anh hề," Philippe nói. "Nhưng trong khi bật cười vì những câu nói đùa của ông ta và thích thú với những câu chuyện phóng đại mà ông ta kể, bạn vẫn biết rằng ông ta hoàn toàn có thể giết bạn nếu ông ta muốn."

        Bước đi tiếp theo của Lansdale là sắp đặt một chiến thắng trong bầu cử cho Ngô Đình Diệm. Được dự kiến là một con rối phục vụ lợi ích của nước Mỹ, nhưng Ngô Đình Diệm không bao giờ cử động theo cách mà người Mỹ mong muốn. Trong bài học chiến tranh tâm lý quan trọng này về cách tổ chức một cuộc bầu cử gian lận, ông ta đã hơi đi quá trớn. Tháng 10 năm 1955, người dân miền Nam Việt Nam phải bầu cho Bảo Đại hoặc Diệm. Lansdale bố trí cho cuộc bầu cử được tiến hành với những lá phiếu màu - màu đỏ, tượng trưng cho vận may ở Việt Nam, dành cho Diệm, và màu xanh, tượng trưng cho vận rủi, dành cho Bảo Đại. Sau khi thêm vào một liều cực mạnh trò gian lận phiếu và hăm dọa, Diệm tuyên bố ông ta đã "thắng" cử với 98,2% số phiếu. Và thế là bắt đầu lịch sử của đất nước Nam Việt Nam dân chủ, yêu chuộng tự do, mà lợi ích của nó sẽ được Hoa Kỳ hết mình bảo vệ trong hai mươi năm tồn tại yểu mệnh sau đó.

        Diệm thiết lập một triều đại độc tài theo hướng làm giàu cho gia đình mình và tưởng thưởng chức tước cho các đồng đạo Công giáo. Em trai ông ta là Ngô Đình Cẩn cai trị miền Trung Việt Nam như một lãnh chúa phong kiến. Ngô Đình Thục, một tổng giám mục Công giáo, điều hành các đồn điền gỗ và cao su của gia đình. Ngô Đình Luyện được bổ nhiệm làm đại sứ tại Anh, trong khi Ngô Đình Nhu, người em trai kế sau Diệm, kiểm soát mật vụ và đảng chính trị riêng của Diệm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2020, 08:09:52 am »


        Trần Lệ Xuân, vợ Nhu, đóng vai trò như đệ nhất phu nhân của Nam Việt Nam, và dưới ánh mắt theo dõi xinh đẹp nhưng khắc nghiệt của bà ta, đất nước này đặt ra ngoài vòng pháp luật chuyện ly dị và phá thai và quy định việc bắt buộc mặc áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam. Hiệp định Geneva năm 1954, tạm thời chia cắt Việt Nam theo vĩ tuyến 17, kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước năm 1956. Với việc Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, Diệm bịa ra lý do để hủy cuộc tổng tuyển cử và tiến hành bắt giữ các đối thủ của mình. Những người cộng sản và những người theo đường lối xã hội chủ nghĩa bị vây bắt cùng với cánh ký giả, lãnh đạo công đoàn, và Phật tử, cho đến khi có đến cả một trăm nghìn người bị tống vào các trại giam.

        "Không có sự hậu thuẫn của Mỹ, Diệm gần như chắc chắn không thể củng cố được quyền lực của mình tại miền Nam trong giai đoạn 1955 và 1956," một nhà phân tích không nêu tên viết trong Tài liệu Lầu Năm Góc. "Không có mối đe dọa về sự can thiệp của Mỹ, thì Nam Việt Nam thậm chí không dám từ chối thảo luận về cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 1956 theo Hiệp định Geneva mà không bị quân đội Việt Minh lật đổ ngay lập tức. Không có viện trợ của Mỹ trong những năm sau đó, chế độ của Ngô Đình Diệm, và gần như cả quốc gia Nam Việt Nam độc lập, không thể nào sống sót... Nói tóm lại, Nam Việt Nam về cơ bản là sản phẩm do nước Mỹ tạo ra."

        "Ban đầu Lansdale rất thành công, nhưng người Mỹ đã mắc sai lầm," Phạm Xuân Ẩn nói. "Họ dựng Ngô Đình Diệm lên cùng một chính phủ tập quyền. Họ giải tán tất cả những quân đội tư nhân từng do người Pháp tạo ra để hỗ trợ mình, như Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên. Lansdale loại bỏ tất cả những lực lượng này trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ 1955 đến 1956. Diệm tự biến mình từ thủ tướng thành tổng thống và tiếp tục xây dựng một chính phủ tượng trưng, một chính phủ được cho là dân chủ, theo kiểu chính phủ Mỹ. Đó là khi người Mỹ cho rằng công việc của Lansdale đã hoàn thành. Không may cho người Mỹ, người ta không cho phép người của Lansdale tiếp tục công việc của mình. Khi Diệm và gia đình ông ta đi theo hướng gia đình trị thì người Mỹ đã phát hiện ra điều này quá muộn."

        Một điều khác mà người Mỹ cũng không nhận ra là cách mà Diệm hành động có lợi cho cộng sản. Đó là lý do tại sao Phạm Xuân Ẩn khuyên các đồng nghiệp của mình không nên lật đổ Diệm hoặc gây bất ổn cho chính phủ của ông ta. Sinh ra và lớn lên trong một nước Việt Nam thuộc địa, Phạm Xuân Ẩn nhận ra sự hiệu quả của chính quyền thực dân Pháp. Nó thối nát, nhưng hiệu quả. Nó rải ra một mạng lưới gián điệp tinh vi khắp Nam Việt Nam. Nó chiều theo những điểm yếu và tính vị kỷ của con người. Nó tha hóa và hoài nghi, nhưng đồng thời nó cũng phù hợp với lề thói xã hội của xã hội

        Việt Nam. Bằng cách phân tán bớt quyền lực từ chính phủ trung ương cho các giáo phái, người Pháp đã tạo ra những lãnh địa mà cộng sản sẽ phải rất khó khăn mới xóa bỏ được.

        Trái ngược với điều này là quan điểm của Mỹ về cách điều hành Nam Việt Nam. Nó tập trung quyền lực vào một tổng thống độc tài. Nó tạo ra một chế độ chuyên chế ngang nhiên không thèm đếm xỉa gì tới những lề thói của xã hội Việt Nam đến nỗi nó trở thành một chương trình tuyển mộ ồ ạt cho cộng sản. Nó tạo ra hàng nghìn những người cách mạng, khi mà những nông dân Việt Nam bị xua ra khỏi làng quê chôn rau cắt rốn của mình và bị tống vào những trại lao động cưỡng bức. Nó xây dựng đường sá và thiết lập một mạng lưới hoành tráng về quản lý nhà nước tập trung, thứ mà những người Bắc Việt Nam sau này, khi có cơ hội, cũng có thể lợi dụng.

        "Những người cộng sản chưa sẵn sàng tiếp quản," Phạm Xuân Ẩn nói. "Chúng tôi cần Ngô Đĩnh Diệm đẩy nhân dân vào cuộc cách mạng."

        Theo quan điểm này, Lansdale là một người bạn vĩ đại, cho dù là vô tình, của những người cộng sản. "Lansdale tới châu Á với tư cách là kẻ chủ mưu cho chiến lược của Mỹ về chiến tranh không thông thường," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ta là người buôn vua. Ông ta là người đưa Diệm lên làm tổng thống của Việt Nam. Ông ta phụ trách không chỉ cuộc chiến chống du kích của Mỹ, mà là mọi thứ ở Việt Nam: các vấn đề quân sự, chính trị, tình báo - tất cả đều chịu sự điều hành của phái bộ Sài Gòn. Ông ta có rất nhiều chuyên gia phụ tá cho mình, như Lou Conein và Rufus Phillips. Ông ta tuyển mộ các cựu chiến binh của Chiến tranh thế giới thứ hai và cả những người trẻ tuổi. Họ rất thành thạo công việc của mình. Lansdale rất xuất sắc, xuất sắc thực sự."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2020, 08:10:14 am »


        Khi được đề nghị đánh giá những điệp viên thành công nhất trên thế giới, Phạm Xuân Ẩn không bao giờ đánh giá cao mình như Lansdale. Phạm Xuân Ẩn phân biệt sự khác nhau giữa các điệp viên "tấn công" và "phòng ngự". Các điệp viên tấn công làm việc trong lãnh địa của kẻ thù. Họ tạo ra những liên minh chiến lược và định hình lại bản đồ thế giới. Điệp viên phòng ngự hoạt động trong phạm vi hẹp hơn. Ngay cả khi vượt sang ranh giới của kẻ thù, mục tiêu của họ cũng rất bảo thủ và hạn chế. Phạm Xuân Ẩn rất ngưỡng mộ sự tài giỏi của Lansdale. Ông cảm thấy như mình đang được học hỏi một bậc thầy, nhưng hai người cũng chia sẻ những lời nói đùa và những câu chuyện, đồng thời nổi tiếng là giao du thân thiết với nhau. "Tôi gặp Lansdale khá thường xuyên," ông Ẩn nói. "Đó là những ngày thật vui vẻ."

        Mỗi khi đi đâu đó quanh Sài Gòn, Lansdale luôn đi cùng một con chó đen lông xù rất bự, nhưng ông ta được biết đến chính là với nòi chó béc giê (chó chăn cừu) Đức. "Lansdale giải thích cho tôi về loài chó," Phạm Xuân Ẩn nói. "Anh phải để ý phản ứng của con chó. Chúng sống bằng bản năng. Anh phải học cách quan sát những gì con chó đang nói với anh. Nó sẽ chỉ cho anh thấy anh có phải cảnh giác với vị khách của mình hay không. Con chó của anh có thể bảo vệ anh. Lansdale đã cho tôi những lời khuyên hữu ích."

        Alden Pyle, điệp viên CIA, nhân vật chính trong Người Mỹ trầm lặng, cũng đi khắp Sài Gòn với một con chó bên mình. Dấu chân con chó của Pyle, in trên mặt xi măng ướt trước căn hộ của tay nhà báo người Anh Thomas Fowler, ám chỉ sự liên can của tay nhà báo này trong cái chết của Pyle. Trong trường hợp này, con chó không cứu được chủ mình nhưng nó đã chỉ ra kẻ giết người.

        "Ngay sau khi Lansdale rời Việt Nam, tôi ra chợ chó," ông Ẩn nói. "Tôi thấy một con béc giê Đức rất đẹp được chào bán. Người bán chó nói: 'Đây là con chó của ông Lansdale, trùm tình báo, ông ây vừa mới về nước. Con chó này khôn lắm.'

        "Tôi đi quành qua góc chợ và thấy một con béc giê Đức khác cũng được bán. 'Đây là chó của Lansdale,' người chủ nói. Ngày hôm đó thì tất cả những con béc giê Đức trong chợ đều là 'chó của Lansdale', và như thế nghĩa là anh phải trả nhiều tiền hơn, vì nó khôn thế cơ mà. Sau cùng, chẳng còn con chó béc giê Đức nào ở Việt Nam mà không từng thuộc về Lansdale cả."

        Từ Lansdale, Phạm Xuân Ẩn hình thành thói quen đi khắp Sài Gòn với một con chó đi cùng. Ông để một con béc giê Đức nằm dưới chân mình trong quán cà phê Givral hoặc lẽo đẽo theo sau trên sân thượng khách sạn Continental. Khi ông Ẩn lái xe khắp thành phố trên chiếc Renault nhỏ màu xanh của mình, con chó ngồi ngay trên ghế bên cạnh nhòm thẳng ra đường phố. Quan trọng hơn cả, con chó canh gác nhà ông vào ban đêm khi Phạm Xuân Ẩn làm việc trong phòng tối sao chép tài liệu và viết báo cáo bằng mực vô hình. "Nó sẽ gầm gừ khe khẽ khi nghe thấy tiếng cảnh sát tuần tra đi qua khu vực quanh đó. Nó rất thính trong việc cảnh báo trước cho tôi mỗi khi có nguy hiểm rình rập."

        Một hôm khi họ tình cờ gặp nhau, Lansdale cho Phạm Xuân Ẩn biết là ông ta sắp về California nghỉ phép và hỏi ông có muốn thứ gì đó từ nước Mỹ không. Phạm Xuân Ẩn nhắc đến một món quà rất đặc biệt nhưng cũng rất khó kiếm. Nó đòi hỏi Lansdale phải bơi cùng lũ hải cẩu ngoài khơi bờ biển California.

        "Ồ, thật sao?" Lansdale hỏi, và bắt đầu mỉm cười.

        "Anh cắt lấy 'bi' của một con hải cẩu đực rồi ngâm nó vào một bình đầy whiskey," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi cần một loại thuốc cường dương. Khoản này tôi yếu xìu hà, trong khi đó lại là loại thuốc rất hiệu nghiêm."

        Phạm Xuân Ẩn cười ha hả khi nhớ lại lần trò chuyện với Lansdale về tinh hoàn hải cẩu. Phạm Xuân Ẩn  rất sành về tử vi và y học dân gian, huấn luyện chó và chọi gà, nuôi chim nuôi cá. Sự am hiểu của ông về các loại thuốc cường dương và nuôi thú cảnh cung cấp chủ để cho những câu chuyện tiếu lâm của mình. Nó giúp ông gần gũi với tất cả mọi người. Đó là những trò tiêu khiển rất thú vị trong cuộc sống của ông, đồng thời cũng là phương pháp luận của ông. Ông đã thành thạo nghệ thuật tạo sự thoải mái cho một người như Lansdale khi nói đùa về những tật xấu của mình.

        Daniel Ellsberg thường nói rằng có "ba Lansdale", những hiện thân khác nhau mà ông ta trưng ra trước các khán giả khác nhau. "Thứ nhất là một Lansdale được cho là có khả năng nhạy cảm kỳ lạ với người nước ngoài... Điều tôi chứng kiến ông ta làm với người Việt Nam - và tôi học hỏi được từ ông ta - là lắng nghe họ thay vì rao giảng hoặc nói với họ một cách kẻ cả, như hầu hết người Mỹ vẫn làm. Ông ta đối xử với họ một cách tôn trọng, như thể họ là những người trưởng thành xứng đáng được ông ta chú tâm đến." Lansdale tập cho các khách hàng châu Á của ông qua những lần họ phải xuất hiện trước công chúng; ông ta viết bài phát biểu và tổ chức lịch làm việc của họ. Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm trao cho Tom Dooley phần thưởng dân sự cao nhất của Việt Nam Cộng hòa, sự kiện này được Lansdale xây dựng kịch bản, trong đó Diệm không phải làm gì ngoài việc đứng vào vị trí để chụp ảnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2020, 08:10:31 am »


        "Một Lansdale thứ hai khi làm việc với các quân chức Mỹ thường tạo cho người ta ấn tượng về một tên ngốc - một kẻ với những ý tưởng điên rồ, khờ khạo và quá đơn giản. Ông ta hoàn toàn không ngại tỏ ra là một kẻ ngớ ngẩn trong mắt bất kỳ ai mà ông ta không muốn thực sự bộc lộ bản thân, mà với một trăm người thì có đến chín mươi chín người ông ta không muốn. Với cánh nhà báo, ngoài một vài người mà ông ta gần gũi như Robert Shaplen của tờ The New Yorker, ông ta rất kín kẽ và thận trọng về những gì ông ta nói với họ. Để thoái thác họ, ông ta nói bằng những thuật ngữ cơ bản nhất về dân chủ và truyền thống của Việt Nam.

        "Ngoài ra còn có một Lansdale thứ ba mà bạn chỉ có thể nhìn thấy nếu bạn ở trong ê kíp của ông ta hoặc làm việc gần gũi với ông ta. Sau lúc thể hiện ra trước một tay nhà báo cung cách cục mịch mọi khi của mình, ông ta lại nhập hội với chúng tôi và tâm trạng của ông ta thay đổi ngay lập tức. Ông ta sẽ đưa ra phân tích về một tình huống với những chi tiết sắc sảo, nhạy bén, thậm chí là cay độc, về việc ai đang làm gì nhắm vào ai."

        Một quan điểm ít đáng tự hào hơn về Lansdale được cung cấp bởi một cựu trợ tá khác, đại tá không quân L. Fletcher Prouty. Là người phụ trách các hoạt động đặc biệt tại Lầu Năm Góc từ năm 1955 đến năm 1964, Prouty là quan chức của Bộ Quốc phòng cung cấp sự yểm trợ quân sự cho các hoạt động bí mật của CIA trên khắp thế giới. Điều này bao gồm cả chiến tranh chống du kích mà Lansdale đang tiến hành tại Việt Nam. Khi Lansdale rời Việt Nam quay trở lại Washington, Prouty phục vụ dưới quyền ông ta. Prouty kết thúc sự nghiệp của mình với một quan điểm u ám về ác tâm của CIA, điều mà ông ta xem là có ảnh hưởng tha hóa tới đời sống Mỹ. (Prouty là cố vấn cho Oliver Stone khi ông thực hiện bộ phim sặc mùi âm mưu JFK của mình, và trong bộ phim này ông ta đóng một vai hư cấu được gọi là Ông X - nội gián bên quân đội biết nơi các xác chết được chôn giấu.)

        Theo Prouty, chiến tranh Việt Nam là một chiến dịch bí mật do CIA tiến hành bằng nguồn ngân sách đen của cơ quan này, cho đến khi nó phình lên quá to và lính thủy đánh bộ Mỹ buộc phải đổ bộ lên bờ biển (Việt Nam) năm 1965. "Từ năm 1945 cho đến suốt những năm quyết định 1954 và 1955 rồi đến tận năm 1964, hầu như tất cả mọi việc diễn ra tại Nam Việt Nam, thậm chí cả vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các tướng lĩnh và đại sứ, cũng đều là hành động của CIA, trong đó Bộ Quốc phòng Mỹ đóng vai trò hỗ trợ còn Bộ Ngoại giao thì hầu như mờ nhạt hoàn toàn." Prouty miêu tả việc Lansdale gặp thủ lĩnh Cao Đài Trịnh Minh Thế như thế nào trong sào huyệt trên núi của ông này. Ông ta tranh thủ được sự ủng hộ của Thế bằng cách phong cho Thế quân hàm thiếu tướng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa và "công đức" cho thánh thất của Thế một khoản kếch xù là 3.600.000 đô la. Prouty kết thúc với việc miêu tả cấp trên cũ của mình là kẻ cầm đầu một "băng siêu khủng bố".

        Lansdale là nguyên mẫu cho đại tá Edwin Barnum Hillandale trong Người Mỹ xấu xí (1958) và cho đại tá Lionel Teryman trong cuốn sốt vàng da (le Mai Jaune) (1965) của Jean Lartéguy. Hầu hết mọi người đều nhầm tưởng Lansdale là nguyên mẫu cho một nhân vật hư cấu khác, Alden Pyle trong Người Mỹ trầm lặng. Graham Greene nhất quyết khẳng định rằng Pyle không được xây dựng dựa trên Lansdale, nhưng Lansdale, với sự nhạy bén của một người làm quảng cáo biết rõ rằng nổi tiếng thì chẳng bao giờ là không hay, đã thành công trong việc khẳng định nhân vật đó chính là mình. Ông ta tự viết phần về mình trong kịch bản phim Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn Hollywood Joseph Mankiewicz, và ông ta giúp sản xuất ra cái mà Greene coi là một hành động lừa bịp điện ảnh.

        Sau khi mua bản quyền để chuyển thành phim cuốn Người Mỹ trầm lặng, Mankiewicz đến Việt Nam năm 1956 để khảo sát thực tế. Ông gặp Lansdale tại Sài Gòn và xin lời khuyên của Lansdale về kịch bản. Bộ Ngoại giao Mỹ không cho phép Mankiewicz làm phim tại Việt Nam với lý do rằng Graham Greene là một phần tử cộng sản đáng ngờ. Chỉ sau khi Lansdale can thiệp và bắt đầu chỉnh lại bộ phim theo ý đồ riêng của mình thì dự án mới được thông qua.

        Trong khi kịch bản dần hoàn thiện, Mankiewicz viết thư cho Lansdale, tìm hiểu về vụ nổ trước cửa khách sạn Continental vào ngày 9 tháng 1 năm 1952. Lansdale cho biết vụ nổ được thực hiện với 20 kilôgam melenite (chất nổ dẻo) của Pháp giấu trong thùng một chiếc Citroen 15CV và được kích nổ bằng thiết bị hẹn giờ. Quả bom giết chết hơn chục người và làm bị thương gấp đôi con số đó. Lẽ ra nó còn giết hơn thế nhiều, nhưng mục tiêu dự kiến của nó, cuộc diễu binh của binh sĩ Pháp đang trên đường luân chuyển về nước, đã bị hủy bỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2020, 08:11:15 am »


        Lansdale khẳng định rằng vụ đánh bom là tác phẩm của tướng Thế, chỉ huy quân đội Cao Đài. Thế nhận melenite từ Quân đoàn viễn chinh Pháp, lực lượng tổ chức và trang bị các quân đội tư nhân của Việt Nam, theo lời Lansdale. (Greene cho rằng Thế nhận thuốc nổ từ người Mỹ, câu chuyên này nghe có vẻ khả dĩ hơn, vì mục tiêu dự kiến của Thế là các binh sĩ Pháp.) Trong một phiên bản khác của câu chuyện, mà Lansdale kể với Mankiewicz trong phần tái bút lá thư của mình, tướng Thế đã nhặt lấy hai quả bom xịt do quân Pháp ném xuống chỗ ông ta rồi nối chúng vào bình xăng của hai chiếc xe ăn cắp.

        Mặc dù tướng Thế nhận trách nhiệm về vụ đánh bom trong một chương trình phát thanh, những người cộng sản lại bị đổ lỗi về chuyện này. "Tôi không nghĩ là có quá một hoặc hai người Việt Nam còn sống biết sự thật về câu chuyên này, và chắc chắn họ sẽ không tiết lộ với bất kỳ ai, kể cả một người Mỹ 'trầm lặng'," Lansdale viết cho Mankiewicz. "Người Pháp và những người khác đã tổng hợp các báo cáo lại với nhau và kết luận rằng chính Thế đã làm chuyện này. Vì tướng Thế có thể được coi là một anh hùng do cuộc chiến của ông ta chống lại Bình Xuyên năm 1955, và để ăn khớp với cách xử lý của ông rằng thực ra đây là một hành động do cộng sản gây ra, tôi để xuất là ông cứ giữ nguyên như vậy và cuối cùng tiết lộ rằng hoàn toàn là do cộng sản gây ra từ đầu đến cuối, thậm chí là làm giả cả chương trình phát thanh (mà điều này thì cũng dễ làm thôi)."

        Với nhân vật chính người Mỹ của mình - do người hùng chiến tranh Audie Murphy thủ vai - được thể hiện như một người tốt chống lại sự xảo trá của cộng sản, bộ phim của Mankiewicz có một người hâm mộ nhiệt thành: Edward Lansdale. Vào cái ngày xem bộ phim, Lansdale đã gửi ngay một bức thư tới Tổng thống Diệm, để nói với ông ta rằng bộ phim mang lại "một sự thay đổi tuyệt vời so với cuốn tiểu thuyết tuyệt vọng của Greene", một sự thay đổi sẽ "giành thêm nhiều bạn bè cho ngài và cho Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới, nơi bộ phim được trình chiếu". Bất chấp những nỗ lực lăng xê của CIA, bộ phim là một thất bại về mặt doanh thu và phê bình. Mặc dù vậy, nó cũng thành công trong việc tạo ra sự liên quan giữa Lansdale với cuốn tiểu thuyết của Greene - một sự nhầm lẫn mà ông ta hăm hở vun đắp thêm, hay tiết lộ, như cách nói của Lansdale.

        Greene gọi bộ phim là một "trò bôi bác toàn diện" và là một "mánh khóe bất lương chính trị thực sự". Sau này ông viết: "Người ta có thể tin rằng bộ phim được làm ra với ý đồ tấn công cuốn sách và tác giả của nó. Nhưng cuốn sách được dựa trên sự am hiểu sâu sắc hơn về chiến tranh Đông Dương so với những gì người Mỹ có và tôi đủ tự tin để nói rằng cuốn sách sẽ sống thọ hơn vài năm so với bộ phim hổ lốn của ông Mankiewicz."

        Greene và Lansdale gặp nhau đúng một lần. Như lời Lansdale kể lại trong một cuộc trò chuyện với người viết tiểu sử của ông ta là Cecil Currey, khi Greene và một nhóm sĩ quan quân đội Pháp đang tụ tập trên sân thượng khách sạn Continental, nhấm nháp những ly cocktail chiều, thì Lansdale tới và đỗ xe ngay trước cửa khách sạn. Khi Lansdale vào trong khách sạn Continental, Greene và nhóm sĩ quan Pháp ngồi quanh - Lansdale áng chừng có khoảng từ 30 đến 50 người -  bắt đầu la ó chế giễu ông ta. Greene nghiêng người qua buông một câu nhận xét với Peg Durdin, phóng viên của tờ New York Times đang ngồi bên cạnh. Theo lời Lansdale, "Peg thè lưỡi ra với ông ta rồi nói: 'Nhưng chúng tôi yêu ông ấy [Lansdale].' Sau đó cô ta quay người lại ôm choàng lấy tôi và hôn. Tôi nói: 'Chà, tôi sắp được ca tụng ở đâu đó như một con chó bẩn thỉu cho mà xem.' Vì thế tôi đoán tôi làm nên cuốn tiểu thuyết của ông ta. Hồi đó tôi có một con chó xù giống Pháp và nó đi cùng tôi, ở trong xe với tôi, và họ bình phẩm về con chó."

        Greene nói con chó mà ông nghĩ đến trong đầu thuộc về René de Berval, chủ bút tờ France-Asie tại Sài Gòn. (Cuốn Người Mỹ trầm lặng được dành tặng cho Berval và Phượng, bạn gái ông ta.) Như Greene viết trong một bức thư gửi tờ British Sunday Telegraph năm 1966: "Nói cho thật chính xác thì phóng viên của các ngài... hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng tôi lấy tướng Lansdale làm nguyên mẫu cho Người Mỹ trầm lặng. Pyle là một điệp viên CIA trẻ hơn, ngây thơ hơn và mơ mộng hơn. Tôi sẽ không đời nào chọn đại tá Lansdale, như cấp bậc của ông ta khi đó, làm hiện thân cho mối nguy hiểm của sự ngây thơ." Phạm Xuân Ẩn làm việc cho Lansdale về các vấn đề liên quan  đến chiến tranh tâm lý và những chiến dịch phao tin cho cuộc di cư Công giáo từ miền Bắc, cuộc chiến của các giáo phái, và cuộc bầu cử tổng thống gian lận của Diệm. Rất nhanh chóng ông bắt đầu học hỏi các ngón nghề của bậc thầy này. Những ông thầy có tài khác tới Sài Gòn khi Lansdale bổ sung cho phái bộ quân sự Sài Gòn của mình bằng những nhân vật có máu mặt nhất trong nghề. Một vài người trong số này trở thành những "người bạn" suốt đời của Phạm Xuân Ẩn, mặc dù một tình bạn mà trong đó anh quên không đề cập đến việc anh là kẻ thù không đội trời chung của bạn mình kể ra cũng là điều thật khó mà hình dung nổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2020, 07:00:46 am »


        "Khi những người Mỹ tới văn phòng của tụi tôi với thứ tiếng Pháp dở ẹc của họ, chỉ có đúng một người mà họ có thể nói chuyện được. Và khi anh ta đi vắng, thì tôi là người mà họ có thể nói chuyện cùng," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi nhanh chóng trở thành sĩ quan liên lạc giữa người Mỹ và những người Việt Nam. Đầu tiên là có Lansdale và sau đó là người của Lansdale, rồi đến các sĩ quan quân sự khác. Tôi đánh bạn với đủ loại người Mỹ và thậm chí cả gia đình hó."

        Năm mươi năm sau, Phạm Xuân Ẩn vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết về những lần gặp gỡ với những người bạn Mỹ của mình và con cái họ, những người mà ông có cảm tình thực sự. "Tôi trở thành bạn của một tay thượng sĩ tên là Frank C. Long và vợ anh ta, Mary, cùng ba đứa nhỏ nhà họ, Kathy sáu tuổi, Peter bốn tuổi, và Amanda mới lên ba. Hồi đó tôi đang làm ở tổng hành dinh quân sự Mỹ. Anh ta là hạ sĩ quan phụ trách việc xây dựng chương trình huấn luyện cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ngày nào tôi cũng gặp anh ta ở văn phòng, và sau đó cứ đến cuối tuần là tụi tôi lại đến bể bơi. Tôi thực hành tiếng Anh với vợ anh ta, cô ấy là một thư ký luật. Cô ấy dạy tôi ghi tốc ký và văn hóa Mỹ, rồi tôi còn chơi với tụi nhỏ. Thật ra chúng là thầy tôi khi tôi đang tìm hiểu về văn hóa Mỹ.

        "Tôi thấy ấn tượng với việc người Mỹ dạy dỗ con cái mình biết cách cư xử rất lễ độ. Chúng biết cách làm thế nào để kết bạn với những trẻ em Việt Nam và học chung với nhau ở trường. Tôi thấy ấn tượng với những đứa nhỏ này đến nỗi tôi đưa chúng về gặp gia đình mình. Tụi nhỏ xinh thật/ ba tôi thừa nhận. 'Nhưng chúng ăn mặc không được chỉnh tề bằng tụi trẻ con Pháp.' Đó là thành kiến của ổng. Bao giờ ổng cũng cho rằng người Pháp mới là những người đẹp nhất. Tôi không đồng ý. 'Chúng đâu có giống tụi trẻ con pháp,' tôi nói. 'Chúng rất lịch sự. Chúng cư xử rất có lễ độ.' Tụi trẻ con Pháp thường đánh tôi khi tôi còn nhỏ. Chúng thường tới và bắt nạt tôi vô cớ. Tôi muốn đánh lại nhưng ba tôi không cho phép."

        Phạm Xuân Ẩn kết bạn với một quân nhân khác, Mills C. Brandes, một trong những sĩ quan tình báo của Lansdale, người cũng có ba đứa con. Người Mỹ không nặng nề chuyên phân biệt chủng tộc và thói kiêu ngạo như petits blancs colons (mấy thằng nhóc thực dân da trắng). Họ hết mình chống cộng, và họ tổ chức thế giới theo một trục xoay chuyển từ trắng sang đen. Nhưng ở giai đoạn đầu này của cuộc chiến, họ hành xử như là những vị khách lẽ độ rất vinh dự được đến thăm quê hương của các vị chủ nhà Việt Nam. "Họ dạy tôi tất cả mọi thứ, và con cái họ cũng dạy tôi," Phạm Xuân Ẩn nói. "Tôi học được từ họ, tự chuẩn bị cho mình trước khi đi Mỹ."

        Ba thành viên trong nhóm của Lansdale thân nhất với Phạm Xuân Ẩn là Lucien "Luigi Đen" Conein, "người không thể thay thế" chỉ đạo các chiến dịch đen của Lansdale; cựu sĩ quan OSS Mills C. Brandes; và Rufus Phillips, người về sau chỉ huy các hoạt động của CIA tại Lào và sau đó chỉ đạo chương trình ấp chiến lược tại Việt Nam.

        Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn liệu có ai trong số này nghi ngờ ông là cộng sản hay không, ông nói: "Không, không một ai biết cả, ngay cả Lou Conein, trong khi cái gì ông ta cũng biết. Ông ta là một người bạn tốt. Khi mới tới đây ông ta là thiếu tá, làm việc cho Lansdale. Ông ta từng là lính Pháp. Ông ta chửi thề thì thôi rồi. Bất kỳ khi nào tụi tôi tụ tập cùng nhau để uống một chầu tại khách sạn Continental, Lou Conein cùng với Bob Shaplen và tôi, thì Conein lại chửi thề bằng tiếng Pháp, Shaplen chửi thề bằng tiếng Anh, còn tôi thì bằng tiếng Việt. Chả khác nào một góc địa ngục1."

        "Lou Conein luôn là người được người Việt Nam tin tưởng," Phạm Xuân Ẩn nói. "Khi họ tiến hành cuộc đảo chính năm 1963, ông ta là người ngoài duy nhất được cánh tướng lĩnh mời theo dõi diễn biến. Họ cho phép ông ta gọi điện về đại sứ quán và cập nhật cho sứ quán biết về diễn biến cuộc đảo chính." Nhờ Giai, anh họ mình, mà Phạm Xuân Ẩn cũng biết rằng Conein đã rơi vào một cái bẫy "mỹ nhân kế" do Phòng Nhì chăng ra đối với ông ta. "Họ sử dụng rất nhiều gái đẹp để thu thập thông tin. Họ đã đánh lừa được rất nhiều người. Họ không bẫy được Lansdale và những người khác, như Rufus Phillips, một người rất đẹp trai, nhưng người Pháp đã thành công trong việc đánh lừa Lou Conein."

---------------------
        1. Câu nói nhắc lại nguyên văn nhan đề cuốn sách của Bernard Fall viết về Điện Biên Phù (Hell in a very small place), được dịch sang tiếng Việt là Điện Biẽn Phủ - một góc địa ngục, NXB Công an Nhân dân, 2004.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2020, 07:01:14 am »


        Mills Brandes, người đang hoạt động tại MAAG dưới vỏ bọc là một "kỹ sư", trở thành một mẫu người cha thế chân của Phạm Xuân Ẩn, vì chính cha đẻ của ông cũng là một kỹ sư. "Ông ta nhanh nhẹn lắm, rất lẹ làng với cái bao cát. Ngày nào ông ta cũng tập luyện," Phạm Xuân Ẩn nói, ông làm giả tiếng động khi một người đang đấm vào bao cát rattattatta. "Ông ta rất lực lưỡng, rất khỏe, và thân thiện lắm. Ông ta giúp tôi học tiếng Anh. Khi nào ông ta bận thì bà vợ dạy tôi tại nhà. Cứ lúc nào rảnh là tôi gọi điện cho ông ta rồi qua nhà. Tôi thường viết những mẩu chuyện, và họ chữa cho tôi những gì tôi viết." Brandes là người đã tặng cho Phạm Xuân Ẩn một cuốn Người Mỹ trầm lặng, có lẽ không nhận ra là người Mỹ được miêu tả tồi tệ như thế nào trong tiểu thuyết của Greene.

        Một người khác trong những điệp viên đầy sôi nổi của Lansdale là Rufus Phillips, một cầu thủ môn bóng đá kiểu Mỹ vạm vỡ, cao hơn mét tám, quê ở vùng nông thôn Virginia, tốt nghiệp Đại học Yale năm 1951 và gia nhập quân đội. Sau khi được điều chuyển từ Triều Tiên tới Việt Nam năm 1954, ông ta làm trong nhóm của Lansdale một năm rồi sau đó chuyển sang Lào. Ông ta quay lại Việt Nam năm 1962 với Cơ quân Phát triển Quốc tế và tiếp tục làm việc tại Việt Nam trên cương vị một cố vấn từ 1965 đến 1968.

        "Chính phủ Nam Việt Nam chỉ tồn tại trên danh nghĩa, một mớ những công chức do Pháp đào tạo hoàn toàn không biết phải làm gì nếu người Pháp không ra lệnh cho họ," Phillips nói trong một cuộc phỏng vấn với Christian Appy. "Chúng tôi không biết liệu Diệm có sống sót được không hay liệu Nam Việt Nam có sống sót được không. Tôi nghĩ hầu hết người Mỹ tại đó về cơ bản đều xóa sổ khả năng này. Họ tỏ ra cực kỳ bi quan.

        "Khi ở Lào, tôi biết chính phủ của Diệm đang bắt đầu đi trệch khỏi đường ray... Thay vì kiên quyết thực hiện dân chủ khi Diệm vẫn còn chịu lắng nghe lời khuyên, nước Mỹ lại hậu thuẫn cho việc tạo ra và phát triển một đảng chính trị bí mật dành cho giới tinh hoa có tên là Đảng Cần Lao. Đảng này nằm dưới sự kiểm soát của em trai Diệm là Ngô Đình Nhu. Ý tưởng là xây dựng một lực lượng sùng bái cá nhân xung quanh Diệm và có một đảng để, thành giấy trắng mực đen, buộc mọi người phải thề trung thành. Khi Lansdale phản bác lại ý tưởng này với Allen và Foster Dulles, ông ta bị cho là ngây thơ. Vậy là chúng ta đã dung dưỡng và là tòng phạm cho phần tồi tệ nhất, không chỉ của Diệm mà còn của tất cả những người Việt Nam hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về chính trị dân chủ."

        Phạm Xuân Ẩn và Phillips trở thành bạn thân. Phillips tôn trọng sự am tường của Phạm Xuân Ẩn về lịch sử Việt Nam và sự nhạy bén chính trị của ông. Phạm Xuân Ẩn thì tôn trọng sự thông minh và chân thành của Phillips. "Phụ nữ Việt Nam mê mẩn ông ta, nhưng ông ta luôn tránh để không bị rơi vào bẫy mỹ nhân kế," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ta luôn tỏ ra nghiêm nghị và giữ kẽ. Ông ta học tiếng Pháp và chơi thể thao rất giỏi."

        Có một điều rất lạ lùng xảy ra khi hai người nói về nhau. Nghe họ nói không có vẻ gì là giống những kẻ thù ở hai phía đối nghịch nhau trong một cuộc chiến. Nghe họ nói giống như những người đồng đội chiến đấu cho cùng một phe. "Lẽ ra người Mỹ nên lắng nghe ông ta," Phạm Xuân Ẩn nói về Phillips. "Ông ta muốn gây áp lực lên Diệm để sửa chữa những sai lầm của ông này [Diệm]." Nhưng Phillips đã không nhận ra rằng Phạm Xuân Ẩn còn nghĩ trước cả mười nước đi trên bàn cờ chính trị Việt Nam. Ông muốn Diệm thành công, nhưng chỉ như một ga xép cho cộng sản lên nắm quyền. Vô hình trung, Diệm trở thành tay trong của họ, tảo thanh những băng cướp và giáo phái tôn giáo điên rồ để thống nhất miền Nam Việt Nam sẵn từ trước cho cái ngày Đảng Cộng sản thay thế Đảng cần Lao bằng mạng lưới cảnh sát riêng của mình. Như vậy đơn giản làm sao!

        Sự nghiệp tình báo của Phạm Xuân Ẩn vô tình trở nên tiến triển khi anh họ của ông, Phạm Xuân Giai, bị buộc phải bỏ trốn ra nước ngoài sau một âm mưu đảo chính bất thành. "Người Pháp chi tiền để ổng thực hiện một vụ đảo chính chống lại Diệm tháng 12 năm 1954, nhưng vụ đảo chính đã bất thành. Người Mỹ phát hiện ra kế hoạch này và phá hỏng nó, nên ổng phải lưu vong sang Lào."

        "Khi ổng ở đó, người của CIA sử dụng ổng để làm việc cho người Mỹ, còn Phòng Nhì sử dụng ổng để làm việc cho người Pháp. Ông tham gia việc chuẩn bị một vụ đảo chính khác tại Indonesia. Tất cả đều vô cùng phức tạp," Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa huơ huơ hai bàn tay trước mặt. "Những cha này có quá nhiều bộ não. Còn tôi là một trong những kẻ đần."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2020, 07:01:42 am »

   
        Từ vai trò một chân loong toong trong cửa hàng của Phạm Xuân Giai chuyên sản xuất các truyền đơn chiến tranh tâm lý và chiến dịch tung tin đồn, Phạm Xuân Ẩn leo lên trở thành người chủ chốt tại TRIM phụ trách việc gửi các sĩ quan quân sự Việt Nam sang Mỹ huấn luyện. Đây là lúc ông bắt đầu tích lũy các mối giao thiệp và ân huệ giúp ông trở thành người có quan hệ rộng rãi nhất tại Việt Nam. "Tôi chọn ra những ứng viên tiềm năng, tập hợp hồ sơ lý lịch của họ, rồi sắp xếp các thủ tục rà soát an ninh với tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ. Các sĩ quan Việt Nam được gửi sang những trường của Mỹ để học về chiến tranh chống du kích, như Nguyễn Văn Thiệu, người về sau trở thành tổng thống của Nam Việt Nam. Ông ta được cử đến Fort Leavenworth ở bang Kansas. Tôi hoàn thành hồ sơ giấy tờ cho ông ta và theo dõi các báo cáo được gửi ngược lại cho MAAG."

        Mặc dù khi đó chưa hề đặt chân tới nước Mỹ, nhưng Phạm Xuân Ẩn đã giảng cho những người Việt Nam về những điều cần chú ý khi họ đến đó. "Người Mỹ bắt tay mỗi khi chào nhau. Họ nhìn vào mắt anh khi họ nói chuyện và thường xuyên mỉm cười." Phạm Xuân Ẩn cũng cho họ biết rằng người Mỹ là những người tuân thủ khắt khe các quy định, thậm chí cả những quy định mà nếu tuân thủ chặt chẽ sẽ ngăn chặn bất kỳ người Việt Nam nào có thể đặt chân vào Mỹ. Ví dụ, các sĩ quan quân đội Việt Nam bao giờ cũng không vượt qua được phần kiểm tra y tế. Nhiều người trong số họ đã bị nhiễm lao hoặc mới hồi phục khỏi những lần nhiễm bệnh trước đó. "Tôi tốn rất nhiều thời gian đôi co với các bác sĩ người Mỹ về những phần kiểm tra này," Phạm Xuân Ẩn nhớ lại. "Tôi phải giải thích với họ sự khác nhau giữa các vết sẹo do những ca nhiễm bệnh từ trước và những ca lao phổi hiện tại." Giun sán cũng là một vấn đề động chạm khác. Ở một đất nước dùng phân người để bón ruộng, hầu như không có mấy người Việt Nam không nhiễm các loại ký sinh trùng. "Có cả giun móc rồi sán xơ mít, thôi thì đủ các loại giun sán," Phạm Xuân Ẩn nói. Lần cuối cùng Phạm Xuân Ẩn nổ súng là khi ông bắn vào một trung đội lính Pháp đang hành quân ở vùng châu thổ sông Mê Công tháng 4 năm 1946, nhưng ông lại được trang bị vũ khí lần nữa khi ra chiến trường cùng hai quân nhân Mỹ tháng 1 năm 1956. Ông mang theo khẩu súng ngắn do ông anh họ đưa cho trước khi ông này trốn ra nước ngoài sống lưu vong. "Đó là một khẩu Walther 7,65 mm, với phần báng màu nâu và nòng súng ánh lên màu xanh biếc, bóng loáng. Đó là loại mà tụi tôi gọi là 'súng ngắn tình ái'. Nó được thiết kế để mang theo trong túi xách hoặc túi áo và rút ra mỗi khi cần bắn vợ mình hay nhân tình của cô ta."

        "Tôi chưa bao giờ sử dụng khẩu súng đó, và tôi thậm chí còn không biết nó hoạt động như thế nào, cho đến một hôm tôi ra chiến trường với tư cách là sĩ quan liên lạc cho đại tá Glenn và đại tá Hicks, hai cố vấn Mỹ. Tụi tôi đang vào vùng châu thổ để theo dõi binh lính của Diệm chiến đấu với những lực lượng cộng sản cuối cùng đã bị rớt lại. Chúng tôi lái xe jeep tới Long Hà rồi đi xuồng từ đó tới Mộc Hóa, ở Đồng Tháp Mười, gần biên giới Campuchia. Khi ra chiến trường cùng với người của Lansdale, tôi buộc khẩu súng vào khuy thắt lưng của mình bằng một sợi dây, để nếu nó có bị rơi ra khỏi túi tôi cũng không mất được."

        Khi họ đòi xem thứ gì bên trong túi của Phạm Xuân Ẩn, đại tá Hicks và đại tá Glenn đã cười nhạo khẩu súng lục nhỏ bé của ông. Như tất cả các cố vấn Mỹ, họ mang theo những khấu Colt to bự. Họ hỏi Phạm Xuân Ẩn đã bắn súng bao giờ chưa và sau đó lắc đầu không thể nào tin nổi.

        "Ẩn, anh là người lính tệ nhất mà cả đời nay chúng tôi mới gặp," họ nói. "Anh thông minh lắm, nhưng anh không có óc sáng kiến. Cái anh cần bây giờ là cấy ghép não. Anh cần một bộ não Mỹ được ghép vào bộ não Việt Nam của anh. Sau đó thì anh có thể đi ra ngoài thế giới và làm nên cơm cháo gì đó."

        Sau một khóa học cấp tốc tại chiến trường, Phạm Xuân Ẩn biết cách tháo súng ra và lau chùi nó. Ông cũng biết cách hút thuốc thế nào cho đúng. Các viên cố vấn nhận ra là Phạm Xuân Ẩn đang rít những điếu Lucky Strike mà không nuốt khói. Ông có thói quen hoang toàng của một thanh tra hải quân chuyên xài thuốc lá và những thứ hàng lậu khác miễn phí. "Họ dạy tôi cách cho khói vào trong phổi rồi thở một phần qua miệng và phần còn lại qua lỗ mũi, và sau đó họ dạy tôi cách hút xì gà. Tuyệt vời hết sảy, phê thực sự," Phạm Xuân Ẩn nói và bật cười thoải mái. "Thế là tôi bị nghiện thôi, cách đây hơn năm chục năm, và đó là lý do tại sao bây giờ phổi tôi trục trặc. Cứ mỗi lần hút thuốc, tôi lại nghĩ đến hai ông cố vấn là đại tá Glenn và đại tá Hicks."

        Phạm Xuân Ẩn cũng thành công trong việc ghép một bộ não Mỹ vào bộ não Việt Nam của mình. Ông học những kỹ năng báo chí phương Tây - các phương pháp phân tích và vốn liếng kỹ thuật điều tra của nó -  rồi áp dụng chúng để trở thành điệp viên vĩ dại nhất của Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn có những bậc thầy tài giỏi. Ông đã khai thác họ một cách triệt để.

        Trong một trong những lần trò chuyên cuối cùng của chúng tôi năm 2006, Phạm Xuân Ẩn lại nói về gia tài văn hóa đầy mâu thuẫn của mình. "Tôi trải qua nhiều năm làm việc với người Mỹ đến nỗi khi thời gian qua đi, bộ não của tôi trở nên khó tiếp thu với bất cứ sự đào tạo nào khác." Một bộ não Mỹ đã được ghép vào bộ não Việt Nam của tôi rồi. Dần dần nó trở thành một loại hợp chất, rất cứng và rất khó phá vỡ. Đến mức này thì chẳng thể làm gì được nữa. Tốt nhất là cứ để nó nguyên như vậy. Đằng nào thì tôi cũng sắp chết rồi, và khi đó thì sẽ không còn ai phải bận tâm đến việc tôi nghĩ gì nữa." Phạm Xuân Ẩn bật cười, một trong những tiếng cười dài và sảng khoái mà ông để dành cho những câu chuyên cười thú vị của cuộc sống.

        Sau đó ông kể cho tôi nghe câu chuyên về một ông vua và quan cố vấn của mình. "Một hôm nhà vua được mời tới ăn tại nhà viên cố vấn. Viên quan này có một tay đầu bếp và những người hầu hạ trong nhà rất tuyệt vời, nhưng họ căm ghét viên quan vì ông ta là một tên ác nghiệt. Nên họ quyết định sẽ trả thù một vố. Trong bữa trưa họ phục vụ chủ mình món hạt mít, được chế biến một cách đặc biệt, để ông ta không nhận ra mình đang ăn món gì. Đến tối, khi hạt mít lên men trong dạ dày của ông ta, viên quan bắt đầu đánh rắm."

        Đến đây Phạm Xuân Ẩn lại giả âm thanh bụp bụp pjftt, pfftt của viên quân đang đánh rắm. "Tới lúc vua ngự đến ăn tối, viên quân đang đánh rắm hết phát này đến phát khác, pfftt, pfftt, pfftt.”

        "Tiếng gì thế?' nhà vua gặng hỏi.

        'Muôn tâu bệ hạ, đó là tiếng một con cóc trong vườn nhà thần ạ, viên quân nói.

        'Nhưng nếu là tiếng cóc kêu thì tại sao mùi lại thối thế?'

        'Bẩm đó là một con cóc chết ạ.'

        'Làm sao một con cóc chết lại kêu được?' nhà vua hỏi.

        'Bẩm có hai con cóc/ viên quân thưa. 'Một con sống. Một con chết. Tiếng kêu là từ con sống mà ra. Mùi thối là từ con chết mà ra.

        Nhà vua rất hài lòng. Ông vua cứ chắc mẩm mình đã biết sự thật về tình hình vì đã có lời giải thích nhất quán về những gì đang xảy ra. Nhưng thực ra thì tất cả những gì ông vua nhận được là một câu chuyện lố bịch."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2020, 07:03:33 am »

 
NHỮNG CHUYẾN ĐI Ở NƯỚC MỸ

        Năm 1956, cấp trên cộng sản của Phạm Xuân Ẩn ra lệnh cho ông rời bỏ quân đội Việt Nam và bắt đầu một sự nghiệp mới. Họ muốn ông tới Mỹ và nghiên cứu về đất nước đang tiến hành chiến tranh đối với họ từ cách nửa vòng trái đất.

        Phạm Xuân Ẩn là điệp viên cộng sản đầu tiên tại tổng hành dinh quân đội Việt Nam, nhưng khi có một sĩ quan khác được chuyển từ bộ tổng tham mưu sang thay, thì đã đến lúc ông có thể chuyển đi.

        "Sau khi giải ngũ lẽ ra tôi quay trở lại sở quân thuế. Nhưng tôi không thích làm một fonctionnaire. Tôi muốn một nghề tự do. Đó là vấn đề của tôi, luôn là vấn đề của tôi. Tôi không muốn quay lại chỗ cũ. Tôi nộp một lá đơn xin thôi việc, lá đơn này phải được bộ trưởng tài chính phê chuẩn, và tôi rút hết sạch tiền ra khỏi lương hưu của mình. Ai cũng ngạc nhiên hết. 'Anh đang có một công việc yên ổn cả đời còn gì. Tại sao anh lại bỏ chỗ này?'"

        Phạm Xuân Ẩn nghĩ đến việc trở thành một bác sĩ hoặc học về kinh tế, một ngành mà ông vẫn quan tâm đến kể từ khi đọc tác phẩm Kinh tế chính trị học, một cuốn sách dựa trên cuốn Tư bản luận của Karl Marx. "Tôi tự nhủ, có lẽ mình sẽ qua Mỹ học kinh tế hoặc chính trị học. Mình sẽ đi từ bốn đến sáu năm và lấy bằng thạc sĩ hoặc, nếu có thể, lấy luôn bằng tiến sĩ trong khi tranh thủ học về văn hóa Mỹ."

        Nhưng Phạm Xuân Ẩn phải rất khó khăn mới sang được Mỹ. "Tay tùy viên quân sự Mỹ đưa tôi tới thăm Quỹ Á châu (Asia Foundation)1’. Họ đề nghị cho tôi một học bổng, nhưng chính quyền Nam Việt Nam không cho phép tôi nhận vì tôi không có bằng tú tài. Chẳng qua là họ lấy cớ để trao học bổng đó cho thành viên gia đình và bà con của họ." Kế hoạch của ông gặp một rào cản khác khi ông được thông báo rằng ông không thể học những chuyên ngành như chính trị hoặc kinh tế là những thứ có được dạy tại Việt Nam, bất kể ai trả tiền cho ông sang Mỹ học đi nữa.

        Chính ông Mai Chí Thọ, người chỉ huy lực lượng tình báo của chính quyền miền Bắc Việt Nam, và Mười Hương, cán bộ chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn, là những người quyết định đưa ông sang Mỹ để được đào tạo thành một nhà báo. Mười Hương lấy ý tưởng đó từ Hồ Chí Minh, người cũng từng là một nhà báo. Đó là vỏ bọc hoàn hảo cho một điệp viên, bảo đảm cho anh ta quyền sục sạo vào những nơi hẻo lánh và gặp gỡ các nhân vật tai to mặt lớn. Kế hoạch này được thông qua ở cấp cao nhất của Bộ Chính trị Việt Nam, nhưng cũng phải mất vài năm mới thực hiện được. Cha của Phạm Xuân Ẩn đang hấp hối. Những nhà đương cục do Pháp đào tạo, vốn không mấy mặn mà với ý tưởng cử một người Việt Nam qua học tại Mỹ, đã chặn visa xuất cảnh  của Phạm Xuân Ẩn. Đảng Cộng sản cũng gặp khó khăn về tài chính. Cuối cùng, ông Mai Chí Thọ cũng gom được tất cả 80.000 đồng, khoản tiền vào thời điểm đó tương đương với khoảng hai nghìn đô la. Ngần ấy là đủ cho Phạm Xuân Ẩn mua vé máy bay qua Mỹ và bốn bộ com lê mới - chỉ cần ông có thể tìm được đường ra khỏi Việt Nam.

        "Ý tưởng trở thành một nhà báo nghe có vẻ cũng được, nhưng tôi không biết nhiều về nghề này," Phạm Xuân Ẩn nói. "'Nghề báo quan trọng nhưng cũng rất nguy hiểm/ ông Mười Hương nói với tôi. 'Ai cũng nghi kỵ nhà báo, chắc mẩm là họ đang thực hiện các hoạt động tình báo.'"

        "Tôi phải yêu cầu những người cách mạng vay tiền cho mình," Ẩn nói. "Đảng trả tiền cho tôi qua Mỹ. Tôi có sáu năm tiền lương hưu, nhưng ngần ấy cũng chẳng thấm vào đâu. Thậm chí cả va li tôi còn không có. Cũng may là Mills C. Brandes cho tôi chiếc va li Samsonite cũ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai của ông ta, làm bằng các tông."

        Trở ngại cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn nằm ở khâu xin visa. Lần này ông được sự trợ giúp từ mật vụ của Diệm. Ông bắt đầu bằng cách liên lạc với anh họ mình, cũng chính là người đã gọi ông vào làm tại phòng chiến tranh tâm lý. Chị gái của Phạm Xuân Giai lấy chồng là Lê Khắc Duyệt, giám đốc cảnh sát Trung phần và phụ trách về an ninh cho Ngô Đình Cẩn, em trai út trong gia đình đang cai trị Nam Việt Nam. Cẩn, theo sự để đạt của Duyệt, gửi thư cho Trần Kim Tuyến, người nhỏ bé nhưng là thần gác cửa phụ trách các chuyện trong nhà của ông Ngô Đình Diệm. "Ông ấy phụ trách các vấn đề xã hội, văn hóa và chính trị tại Dinh Độc Lập," Phạm Xuân Ẩn nói. "Thực ra ông ấy là cầu nối của lực lượng mật vụ. Mọi việc đều nằm trong thẩm quyền của ông ấy."

------------------
        1. Hiện nay gọi là Quỹ châu Á, một tổ chức phi chính phủ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM