Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:43:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13604 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2020, 05:16:49 am »


        Về sau, khi được phép tới Mỹ bằng một visa ngắn hạn, Greene đã dự lẽ chầu Thánh thể với Claire Booth Luce, vợ của Henry Luce, chủ tịch tập đoàn Time Inc., và ông chuyển bài viết mà tạp chí của mình yêu cầu cho các biên tập viên của Luce tại Life, để rồi những người này đã bỏ nớ Như Greene viết trong Những con đường giải thoát: "Tôi ngờ là thái độ lập lờ của tôi về cuộc chiến đã trở nên quá lộ liễu - sự khâm phục của tôi dành cho quân đội Pháp, sự khâm phục của tôi đối với kẻ thù của họ, và mối hoài nghi của tôi về bất kỳ giá trị cuối cùng nào trong cuộc chiến."

        Quay trở lại Việt Nam tháng 12 năm 1953, Greene trải qua một khoảng thời gian "hai mươi tư giờ tang tóc trĩu nặng" tại Điện Biên Phủ, cứ điểm ở vùng núi cao phía Tây Hà Nội. Năm tháng sau chuyến thăm của Greene, Việt Minh đã tràn vào cứ điểm này. Trận đánh này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cục diện thế giới, như Greene nhận định. Greene tin rằng đó là lần đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa thực dân phương Tây, những người lính châu Á đã đánh bại một quân đội châu Âu trong một trận địa chiến. Trong số 15.000 binh sĩ viễn chinh Pháp bảo vệ Điện Biên Phủ, khoảng ba đến bốn nghìn bị giết trên chiến trường, còn mười nghìn người khác bị Việt Minh bắt sống. Một ngày sau chiến thắng của cộng sản, hội nghị quốc tế được triệu tập để chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Geneva.

        "Điện Biên Phủ không chỉ là thảm bại của quân đội Pháp," Greene viết trong Những con đường giải thoát. "Trận đánh này gần như đánh dấu sự cáo chung của bất kỳ hy vọng nào mà các cường quốc phương Tây có thể đã ấp ủ rằng họ có thể thông trị phương Đông. Người Pháp, với sự minh triết kiểu Descartes, đã chấp nhận lời phán quyết. Ở một mức độ kém hơn, cả người Anh cũng vậy: nền độc lập của Malaysia, bất kể những người Malaysia có thích nghĩ đến như vậy hay không, cũng được giành lại cho họ khi lực lượng cộng sản của tướng Võ Nguyên Giáp, một cựu giáo sư sử học trường Thăng Long, đánh bại lực lượng của tướng Navarre, một cựu sĩ quan kỵ binh, cựu trưởng Phòng Nhì, tại Điện Biên Phủ. (Sau này thanh niên Mỹ vẫn tiếp tục phải bỏ mạng tại Việt Nam càng chỉ chứng tỏ thực tế rằng phải mất một thời gian thì tiếng dội của ngay cả một thất bại toàn diện mới lan tỏa khắp thế giới.)" Khi được tờ Sunday Times đề nghị viết về trận đánh có ý nghĩa quyết định nhất trong lịch sử thế giới, Greene đã chọn Điện Biên Phủ.

        Greene đến Việt Nam lần cuối cùng năm 1955. Đã lên lịch gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để phỏng vấn nhưng cảm thấy người không được khỏe, ông lại tìm đến phương thuốc quen thuộc của mình - kéo vài điếu thuốc phiện. "Tẩu thuốc cuốn trôi đi cơn bệnh và mang đến cho tôi năng lượng để gặp Hồ Chí Minh trong bữa trà."

        "Trong số bốn mùa đông mà tôi trải qua tại Đông Dương, thuốc phiện đã để lại những ký ức hạnh phúc nhất, và cũng như nó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của Fowler, nhân vật của tôi trong Người Mỹ trầm lặng, tôi bổ sung vài ký ức từ những ghi chép của mình liên quan đến nó, vì tôi cảm thấy không đành lòng rời Đông Dương vĩnh viễn chỉ với một cuốn tiểu thuyết để nhớ về nó. Những nhận xét của Greene trong Những con đường giải thoát được bổ sung 11 trang tả về thú hút thuốc phiện, thói quen bắt đầu trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông năm 1951. "Sau bữa tối, một quân chức Pháp đưa tôi đến căn hộ nhỏ ở con phố vắng - tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc phiện nồng nồng khi lên cầu thang. Nó cũng giống như lần đầu tiên nhìn thấy một phụ nữ đẹp, người mà ta cảm nhận là có thể sẽ có một mối quan hệ: một người mà ký ức về người đó sẽ không phai mờ sau một đêm ngủ dậy."

        Phạm Xuân Ẩn được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1953 tại một buổi lễ trong rừng U Minh dưới sự chủ tọa của ông Lê Đức Thọ. Là một người "tốt nghiệp" Côn Đảo, ông Lê Đức Thọ phụ trách kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Về sau ông có đến bốn năm đàm phán với Henry Kissinger trong các vòng đàm phán hòa bình Paris. Em trai ông là Mai Chí Thọ, phụ trách công tác an ninh của lực lượng cộng sản ở miền Nam, là cấp trên của Phạm Xuân Ẩn.

        "Họ đề nghị tôi vào Đảng Cộng sản vì tôi làm việc trong một lĩnh vực nhạy cảm," Phạm Xuân Ẩn nói. "Nếu tôi không vào, họ sẽ không tin tưởng tôi nữa. Họ giải thích tất cả những biện pháp mà họ tiến hành vì các lý do an ninh, rồi tôi còn phải nghiên cứu các nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, về danh nghĩa thì Đảng Cộng sản Đông Dương đã giải tán, nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động bí mật. Những người cộng sản lo ngại sẽ mất đi sự ủng hộ rộng rãi nếu họ hoạt động công khai, vì vậy họ tiến hành các hoạt động của họ một cách bí mật."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2020, 07:21:44 am »


        Một năm trước đó Phạm Xuân Ẩn cũng đã được kết nạp dự bị vào Đảng trong một buổi lẽ ở khu rừng gần Củ Chi. "Có một giai đoạn thử thách kéo dài từ ba đến sáu tháng đối với một công nhân muốn vào Đảng," Phạm Xuân Ẩn giải thích. "Đối với một thành viên của tầng lớp trung lưu, một sinh viên, hay một người làm việc cho chính quyền (ngụy), giai đoạn thử thách ít nhất là một năm, trước khi anh được chuyển từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức."

        Trong khi đọc các văn kiện của Đảng và các tác phẩm của Marx cũng như của Engels, Phạm Xuân Ấn rút ra những bài học chính trị thực sự của mình từ Karl von Clausewitz, viên tướng người Phổ thế kỷ 19 đã tham gia đánh bại Napoleon trong trận Waterloo và sau đó, trên cương vị hiệu trưởng trường đại học chiến tranh Phổ, đã viết kiệt tác dang dở của mình, Về chiến tranh. Điều Phạm Xuân Ấn thấy thuyết phục nhất ở Clausewitz là tư tưởng chiến tranh tổng lực, trong đó bao gồm việc tấn công các công dân và tài sản của một quốc gia thù địch bằng mọi cách có thể. Phạm Xuân Ẩn thường xuyên quay trở lại quan điểm này, giải thích đi giải thích lại tầm quan trọng của tư tưởng chiến tranh tổng lực đối với chiến lược của Việt Nam.

        "Để chống lại kẻ thù mạnh đến từ nước ngoài, anh phải tiến hành một cuộc chiến trường kỳ," ông nói. "Anh phải huy động tất cả nhân tài và vật lực của tổ quốc mình vì một mục tiêu duy nhất - đánh bại kẻ thù đó. Phải đương đầu với sự tổng động viên này, cuối cùng đối phương sẽ phải nhận ra rằng việc tiếp tục duy trì cuộc chiến là không có lợi. Nó sẽ tự quyết định rút lui. Đó là cách mà anh giành chiến thắng. Anh không đánh bại kẻ thù. Anh không thể đánh bại họ. Anh quá yếu, nhưng bằng cách tiến hành một cuộc chiến trường kỳ, cuối cùng anh sẽ khiến họ phải rệu rã và tự động rút lui. Người Trung Quốc gọi đó là chiến tranh nhân dân. Việt Minh cũng học nó từ người Trung Quốc. Họ nghĩ rằng đây là tư tưởng do Mao Trạch Đông đưa ra, nhưng thật ra đây là một bài học của Clausewitz."

        Tôi ngạc nhiên khi Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng: "Không, nước Mỹ đâu có thua trận." "Chúng tôi đã thực hiện cái mà Clausewitz gọi là chiến tranh tổng lực, trong đó sức mạnh của toàn dân tộc được huy động chống một kẻ thù ngoại xâm. Theo như Clausewitz, cuộc chiến này chỉ kết thúc khi kẻ xâm lược tính toán rằng những cái lợi của anh ta sẽ không thấm vào đâu so với những mất mát. Trên cơ sở như vậy, anh sẽ phải rút lui. Đó là cách duy nhất để một nước nhược tiểu có thể đánh lại một cường quốc. Người Trung Quốc có cải tiến một chút về tư tưởng này, nhưng Clausewitz mới là người thầy thực sự của chúng tôi."

        "Đây mới chính xác là những gì đã xảy ra," Phạm Xuân Ẩn nói. "Người Mỹ đã rút đi. Tất cả chỉ có thể. Chúng tôi chiến đấu đến khi quân Pháp phải rời đất nước. Chúng tôi chiến đấu đến khi Mỹ cút, và sau đó chúng tôi lật đổ chế độ ngụy quyền bù nhìn. Chúng tôi không hề đánh bại kẻ thù về phương diện quân sự. Ngay cả Điện Biên Phủ cũng chỉ là một trận đánh mà người Pháp đã thua trong một cuộc chiến rộng hơn. Người Mỹ đã rút lui khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam; họ chỉ rút lui. Thậm chí đó cũng không phải là cuộc chiến của họ. Đó là cuộc chiến của những con bù nhìn mà họ dựng lên. Người Mỹ dựng lên đất nước này. Họ là những kẻ buôn vua, nhưng rồi nó đã sụp đổ."

        Sau lẽ kết nạp Đảng của Phạm Xuân Ẩn, ông Lê Đức Thọ mời mọi người uống trà và ăn bánh. "Ông có bài phát biểu ngắn, nói rằng tôi vẫn còn là một thanh niên và chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Ông biết rằng các nước lớn đang nhóm họp để bàn về việc dám xếp một hiệp định ngừng bắn tại Triều Tiên, và ổng nghĩ chiến tranh tại Việt Nam cũng sẽ sớm được giải quyết. Ông biết Mỹ đang nhảy vào thế chân Pháp, nhưng ổng không hề biết là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai sẽ kéo dài đến thế."

        Sau bài phát biểu, ông Lê Đức Thọ yêu cầu các cán bộ, giới thiệu cho Phạm Xuân Ẩn những người phụ nữ có thể kết hôn được ở trong Đảng. "Họ sẽ giới thiệu cho tôi vài cô gái, và tôi sẽ chọn trong số đó."

        "Ông ấy có tự mình giới thiệu ai cho ông không?"

        Phạm Xuân Ẩn bật cười khùng khục khi nghĩ đến việc nhà cách mạng kỳ cựu của Việt Nam lại đóng vai trò một người mai mối. "Không, ổng giao cho người của mình làm việc đó."

        "Họ có giới thiệu tôi với các cô gái, và tôi cũng thích một người trong đó," ông nói. Trước khi tôi kịp hỏi tên người con gái đó, Phạm Xuân Ẩn đã bắt đầu chuyển sang câu chuyện về một mối quan hệ khác. "Người đầu tiên tôi yêu là một bạn học 11 tuổi ở Cần Thơ tên là Pauline Taget. Cổ là một métisse dễ thương có cha làm việc cho cảnh sát. Cổ cũng tham gia cách mạng, cổ bị bắt. Cha cổ can thiệp để trả tự do cho con gái mình. Sau đó, cổ sống với một người đàn ông trong một mối quan hệ  do cách mạng bố trí cho đến khi người này hy sinh năm 1947 hay 1948 gì đó. Tại đám tang, Pauline khăng khăng đòi phủ quân tài bằng lá cờ cách mạng, lá cờ đó có ngôi sao vàng lớn ở giữa."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2020, 07:22:02 am »


        Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn xem ông còn giữ bức ảnh hay tài liệu nào ghi lại thời điểm ông vào Đảng không.

        "Không, không ai ký vào bất kỳ thứ gì hết," ông nói. "Đó chỉ là một buổi lẽ đơn giản. Đây chính là lý do tại sao sau này rất nhiều người không có cách nào để chứng minh rằng họ là đảng viên. Họ lại phải trải qua toàn bộ quá trình đó từ đầu. Người giao thông liên lạc của tôi, bà Nguyễn Thị Ba, phải vào Đảng tới ba lần, mặc dù bà ấy đã làm việc cho những người cộng sản từ khi còn là một thiếu nữ 18 tuổi."

        Khi không mời Phạm Xuân Ẩn uống trà ăn bánh và giới thiệu cho những cô gái có thể cưới làm vợ, những cấp trên cộng sản của ông có thể rất nghiêm khắc. Họ đánh một dấu đen về ông. Ông là một địa chủ thu tô từ người nông dân, một kẻ tiểu tư sản chuyên bóc lột giai cấp công nhân. Khi được miêu tả bởi những tác giả Việt Nam viết tiểu sử về ông, Phạm Xuân Ẩn có hai cái đuôi, cả hai cái đều đã bị ông chặt đứt.

        "Anh là một gã tiểu tư sản, nhưng lại có chất anh hùng kiếm hiệp trong máu, thích học đòi theo phim ảnh, như thế rất dễ làm hỏng việc," cấp trên của Phạm Xuân Ẩn  nói. "Con trai của một người tiểu tư sản có một cái đuôi. Cái đuôi đó là lối sống tư sản, kiểu ăn nói và cư xử kiêu căng hợm mình với mọi người, nhất là với những người nghèo mà họ quen gọi là tầng lớp dưới. Kể cả anh có đủ khôn ngoan để che giấu, không sớm thì muộn cái đuôi đó sẽ lòi ra. Anh phải tìm cách chặt nó đi."

        Sau bài giảng này, hàng ngày Phạm Xuân Ẩn ra cảng để ăn trưa với các công nhân bốc vác. Cố gắng xây dựng tinh thần đoàn kết công nhân này được định hướng bởi phương châm "ba cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng lao động. Phạm Xuân Ẩn cứ đinh ninh mình đang tiến bộ dần, cho đến một ngày ông để lộ ra cái đuôi thứ hai cần phải cắt bở

        Phạm Xuân Ấn đấm vào mũi một người Pháp. Khi tên này đang hạch sách một số công nhân, Phạm Xuân Ẩn  đã túm cổ và vật hắn xuống đất. Thay vì được khen ngợi vì đã để lộ "cái đuôi của một người yêu nước", ông bị những người cộng sản xạc tơi bời. "Một điệp viên không được phép nóng nảy và vị kỷ. Không thể chấp nhận được việc anh hành động như một người chủ bảo vệ công nhân của mình. Đã được phân công thực hiện nhiệm vụ bí mật trong lòng địch, nếu anh không chịu giao du cùng đồng nghiệp, từ chối ăn hối lộ, từ chối nhậu nhẹt hoặc đi tán gái, làm sao anh có thể hoàn thành nhiệm vụ? Chỉ có một người cộng sản mới có thể nghiêm túc và kiên định như vậy. Làm sao anh có thể đấu tranh một khi anh để lòi cái đuôi của mình ra như vậy?" Bất chấp công việc làm thêm tại sở dây thép cho Phòng Nhì Pháp, năm 1954 Phạm Xuân Ẩn vẫn phải đi quân dịch vào Armée Nationale Vietnamienne (Quân đội Quốc gia Việt Nam). Để tránh bị ăn đạn trong những ngày tàn của cuộc chiến thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương, ông lợi dụng những mối quan hệ gia đình vốn là cách giải quyết công việc ở Việt Nam. Ông nhờ anh họ mình, đại úy Phạm Xuân Giai, giúp đỡ. "Ông là trưởng tộc," Phạm Xuân Ẩn nói về ông Phạm Xuân Giai, con trưởng của bác ông. Lớn hơn Phạm Xuân Ẩn tám tuổi, Phạm Xuân Giai sinh ở Huế. Được người Pháp đào tạo thành sĩ quan quân sự, ông ta chiến đấu ở phe của Hồ Chí Minh năm 1945 và rồi ngay năm đó lại đổi phe, quay lại làm việc cho Pháp. Đại úy Giai là một người tham vọng và tháo vát, thăng tiến vùn vụt qua các chức vụ của ngành tình báo Pháp cho đến khi trở thành người đứng đầu G5, phòng Chiến tranh tâm lý thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam.

        Phạm Xuân Giai giúp em họ mình làm thượng sĩ đồng hóa, cấp cao nhất của ngạch hạ sĩ quan, và bố trí ông về làm việc tại Bộ Tư lệnh quân đội trên đường Galliéni, gần Chợ Lớn. Đây chính là nơi đại tá Edward Lansdale tìm thấy Phạm Xuân Ẩn khi ông ta đến để gặp đại úy Giai và đề nghị giúp đỡ công việc và tiền bạc. Lansdale, một người từng làm việc trong ngành quảng cáo và là chuyên gia về chiến tranh tâm lý, được phái tới điều hành các hoạt động bí mật của CIA tại Việt Nam. Chính thức tới Đông Dương ngay sau thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Lansdale nhận thấy cả G5 và phần còn lại của cỗ máy chiến tranh thuộc địa cũ đang rệu rã. Các lực lượng miền Nam hoàn toàn mất phương hướng, không biết phải làm gì, cho đến khi Lansdale cùng cơ quan mang cái tên rất vô hại là Phái bộ Quân sự Sài Gòn của ông ta bắt đầu biến Nam Kỳ thành một quốc gia mang tên gọi Nam Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2020, 07:22:16 am »

 
        Nhận ra một học trò đầy triển vọng ở chàng thanh niên Phạm Xuân Ẩn, Lansdale và các đồng nghiệp của ông ta bắt đầu dạy Phạm Xuân Ẩn những ngón nghề mà về sau ông sẽ dùng đến trong suốt 50 năm sau đó trên cương vị một điệp viên cộng sản. "Tôi là một học trò của Sherman Kent," Phạm Xuân Ẩn nói, nhắc đến người giáo sư ở Đại học Yale đã giúp thành lập ra CIA, gồm cả cái mà ngày nay được gọi là Trường Phân tích Tình báo Sherman Kent. "Tình báo chiến lược," Kent viết trong tác phẩm kinh điển của mình Tình báo chiến lược cho chính sách thế giới của Mỹ (1949), là một "công việc báo cáo" trên cơ sở nghiên cứu tính cách của các nhà lãnh đạo thế giới. "Nó phải nắm được cá tính và tham vọng, quan điểm  của họ, những điểm yếu của họ và những ảnh hưởng họ có thể tạo ra cũng như những ảnh hưởng có thể tác động đến họ. Nó phải biết rõ bạn bè và người thân của họ, cùng môi trường chính trị, kinh tế và xã hội mà họ hoạt động."

        Phạm Xuân Ẩn, điệp viên tình báo tâm lý, đang bắt đầu học hỏi về phương pháp báo cáo mà sau này ông sẽ phát huy một cách vô cùng xuất sắc trên cương vị thông tín viên của Time. "Cuộc sống người ta một nghề, mình hai nghề, một nghề đi theo cách mạng, một nghề bám ở đây, để tự túc lâu dài, nghề báo không bao giờ rảnh," Phạm Xuân Ẩn nói với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. "Hai nghề này nó rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng lấy được tin tức gì phân tích ra, sau đó giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo. Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí!"

        Ngoài những tác phẩm của Sherman Kent, Phạm Xuân Ẩn cũng được đưa cho đọc cuốn sách kinh điển của Paul Linebarger, Chiến tranh tâm lý (1948). "Sức lôi cuốn cộng sản là một sức lôi cuốn mạnh mẽ, tồi tệ," Linebarger viết về những "nhân vật thù địch" tham gia cuộc chiến tranh tâm lý. "Chiến lược tâm lý được xây dựng trên mấp mé miệng vực của cơn ác mộng." Là một điệp viên bốn mang, vừa làm thêm cho Phòng Nhì của Pháp vừa làm việc cho tổ chức tình báo thuần túy Việt Nam của anh họ mình cùng người tài trợ cho nó là CIA, và đồng thời lại báo cáo tình hình cho các cấp trên cộng sản của mình, Phạm Xuân Ẩn cũng bắt đầu sống trên miệng vực cơn ác mộng của riêng mình. "Tôi không lúc nào thảnh thơi được lấy một phút," ông nói. "Đã là điệp viên, không sớm thì muộn anh cũng bị tóm thôi. Tôi phải tự chuẩn bị cho mình khả năng bị tra tấn. Đó rất có thể sẽ là số phận của tôi."

        Điều an ủi nhỏ nhoi là hầu hết các đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn tại G5 cũng đều ở trong tình cảnh tương tự. "Một tay trong phòng làm việc cho CIA đang đấu đá với anh họ tôi, người làm việc cho Phòng Nhì. Lúc nào họ cũng theo dõi hoạt động của nhau, rồi báo cáo lại cho sếp của mình những gì đã xảy ra. Nhưng họ vẫn là bạn bè tốt của nhau. Chúng tôi luôn chơi bời khắp nơi cùng nhau. Đó là cung cách ở Việt Nam, thuần túy Việt Nam. Chúng tôi bị ném vào nhau như một lũ cua từ năm đại dương của thế giới."

        "Khi nào không do thám lẫn nhau, chúng tôi lại hút thuốc phiện và ăn chơi cùng nhau như bạn bè. Đó là cách mà mọi việc diễn ra. Tôi phải chia rạch ròi từng chuyện. Kể cũng khó khăn. Ban đầu anh làm thế như một kiểu phản xạ, và rồi, sau một thời gian dài, anh cũng quen với nó. Lúc nào tôi cũng phải cảnh giác. Anh họ tôi, và cũng là sếp của tôi, là người thân Pháp. Nên tôi phải giả vờ đứng về phía người Pháp, trong khi thực ra tôi là người chống Pháp. Tôi cũng chống lại những kẻ can thiệp, những người Mỹ, trong khi đồng thời tôi lại làm việc cho họ. Nhưng không thể lúc nào cũng giết chóc. Khi chiến tranh qua đi, đây là những người mà tôi sẽ phải chung sống cùng."

        Giữa mớ điệp viên hỗn độn này có hai người sau này trở thành bạn thân của Phạm Xuân Ẩn. Cao Giao là một người đàn ông đeo kính với chòm râu dê lưa thưa và làm việc cho những người cộng sản. Nguyễn Hưng Vượng, người có khuôn mặt bủng beo của dân nghiên hút, làm việc cho CIA. Phạm Xuân Ẩn và những đồng nghiệp của mình dành nhiều thời gian ở cùng nhau, lê la khắp thành phố và nhấm nháp cà phê trên đường Catinat, đến nỗi mà người ta bắt đầu gọi họ là Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Họ mách nhau việc làm cũng như thông tin và vẫn luôn là những người bạn thân thiết trong suốt mấy cuộc chiến ở Việt Nam. Ban đầu, Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò như một cậu em nhỏ so với những đồng nghiệp từng trải hơn của mình, khi họ dạy cho ông những gì họ biết về nghề điệp viên.

        Sinh năm 1917 trong một gia đình quan lại ở phía Nam Hà Nội, nơi cha là một quan chức trong chính quyền Pháp, Cao Giao là một người lúc nào cũng sôi sục và nổi bật. Ông có kiểu hóm hỉnh sắc sảo chẳng kiêng nể gì ai. Đổi lại, mỗi đảng phái chính trị lên nắm quyền tại Việt Nam lại tống ông vào tù và tra tấn ông. Ông không bao giờ nhượng bộ, không bao giờ bóp méo sự thật. Cho đến tận cái ngày qua đời trong cảnh lưu vong tại Bỉ năm 1986, ông vẫn thuộc về tầng lớp quý tộc trí thức, giống như một viên cận thần thời Phục hưng bị buộc phải lẩn trốn từ công quốc này sang công quốc khác nhưng lần nào cũng la cà quá lâu ở quán cà phê, nấn ná với một câu chuyện cuối cùng, câu nói đùa cuối cùng, thế là hết lần này đến lần khác ông ta lọt vào tay những lực lượng ngoại xâm vốn luôn cho rằng ông đã chọn nhầm phe. "Ông ấy là kiểu người suốt ngày phải đi tù, dưới chế độ nào cũng thế, cứ đi tù đã," Phạm Xuân Ẩn nói và bật cười với ý nghĩ ông bạn Cao Giao tội nghiệp làm phật ý tất cả mọi người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2020, 07:23:18 am »


        Những người đầu tiên tống ông vào tù là người Pháp. Cao Giao đã đứng cùng hàng ngũ với người Nhật Bản khi họ xâm lược Việt Nam. Với những khẩu hiệu của họ về Đại Đông Á và Á châu dành cho người Á châu, ông nghĩ họ có thể nắm giữ chìa khóa để giải phóng tổ quốc mình. "Đó là thất bại đầu tiên trong sự nghiệp của tôi," ông cay đắng. Sau đó Cao Giao quay sang thông tin cho những người cộng sản. Trong số những thông tin quan trọng mà ông cung cấp cho họ có việc thông báo trước về vụ Nhật đảo chính Pháp. "Ông ấy là nguồn duy nhất có thông tin đó," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ấy đóng góp rất nhiều cho cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ Nhật và Pháp đô hộ Việt Nam."

        Mặc dù vậy, khi những người cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc, lại đến lượt họ bắt giữ Cao Giao vì tội đã làm việc cho người Nhật. Cuối cùng ông bỏ trốn vào Nam. Tại đây Cao Giao gặp rắc rối với Ngô Đình Diệm, một cộng sự viên khác của người Nhật và về sau trở thành đồng minh của Mỹ chống cộng sản. Sau khi được thả ra khỏi phòng tra tấn của Diệm, Cao Giao vào làm cho tờ Newsweek. Ông là người anh em sinh đôi không bao giờ tách rời khỏi người phóng viên Việt Nam đồng nghiệp của mình làm việc cho tờ Time, nhưng trong khi chàng phóng viên Phạm Xuân Ẩn kín đáo không bao giờ gặp rắc rối với bất kỳ ai, thì Cao Giao lại là cái cột thu lôi hứng chịu tất cả. Đến năm 1978, ông lại bị bắt lần nữa trong nhà tù Chí Hòa ở Sài Gòn, lần này có lẽ là vì bị kết tội làm tay chân cho CIA. Sau bốn năm trong tù, trong đó có mười ba tháng biệt giam, cuối cùng Cao Giao cũng được phép ra nước ngoài sống lưu vong.

        Trong khi Cao Giao là một người kể chuyện bẩm sinh với khuôn mặt tròn trịa, da bánh mật, lúc nào cũng hồ hởi với một nụ cười, thì người đồng nghiệp ốm yếu, lưng còng của ông là Nguyễn Hưng Vượng lại nói chuyện với giọng thều thào nhợt nhạt nghe như thể ông đang cố tìm cách biến mất khỏi khoảng không trước mặt bạn. Ông có mái đầu đầy những sợi tóc thẳng, ngả màu muối tiêu và làn da đùng đục mỏng như giấy của một con nghiện. Sinh năm 1923 tại Côn Minh, miền Nam Trung Quốc, trong một gia đình người Việt Nam làm việc cho chính quyền Pháp, Vượng là một sinh viên xuất sắc tốt nghiệp tú tài tại Hà Nội trước khi theo học tiếp về y khoa. Tháng 8 năm 1945, sau một thời gian ngắn làm nhân viên kiểm duyệt, ông rời Việt Nam sang Hồng Kông. Sau đó ông tới Thái Lan, tại đó ông kết bạn với Phạm Xuân Giai, anh họ của Phạm Xuân Ẩn. Trong khi Giai làm việc cho Phòng Nhì, thì Vượng làm việc cho CIA, đầu tiên là ở Thái Lan, Lào, và Hà Nội, rồi cuối cùng là ở Sài Gòn, nơi Giai tuyển ông vào làm cho G5.

        "Vượng làm việc cho CIA và đang đối đầu với anh họ tôi, người làm việc cho Phòng Nhì," Phạm Xuân Ẩn nói. "Họ luôn theo dõi các hoạt động của nhau, báo cáo lại cho cấp trên của mình về những gì đang xảy ra. Nhưng đồng thời họ cũng là những người bạn thân luôn đi chơi bời cùng nhau. Như thế chẳng có gì là sai cả. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình. Tôi đã học được rất nhiều điều từ những người này. Không một ai từng nghi ngờ rằng tôi làm việc cho những người cộng sản. Tôi tỏ ra vô cùng ngây ngô và cởi mở. Bất kỳ điều gì không biết là tôi hỏi ngay. Vì không ai từng dạy tôi về tình báo, nên tôi phải hỏi những người biết về nghề này dạy lại cho mình." Từ văn phòng làm việc của mình tại G5, Phạm Xuân Ẩn dần làm quen với những kinh nghiệm toàn cầu về chiến tranh tâm lý. "Họ đã vay mượn từ người Anh và người Pháp rất nhiều tư tưởng về chiến tranh chống du kích," ông nói. "Từ người Anh, họ chủ yếu dựa vào những ý tưởng của Robert Thompson và kinh nghiệm của ông ta tại Mã Lai. Từ người Pháp, họ dựa vào những ý tưởng của đại tá Roger Trinquier, một chuyên gia về chiến tranh chống du kích, đầu tiên là ở Việt Nam và sau đó là ở Algeria. Ông ta từng là giáo sư tại một trường trung học ở Pháp, và sau đó trong Chiến tranh thế giới thứ hai ông ta trở thành quân nhân. Trinquier là người đầu tiên vạch ra cả một kế hoạch tiến hành chiến tranh tại Đông Dương. Ông ta là chìa khóa để hiểu được chiến lược của Pháp về chống du kích. Những quan điểm của ông ta về sau cũng được người Mỹ học hỏi. Ông nên đọc Trinquier nếu ông muốn hiểu những gì chúng tôi làm hồi đó." Sinh năm 1908 trong vùng núi Alps thuộc Pháp và được đào tạo làm giáo viên, Trinquier khởi đầu binh nghiệp năm 1934 trên cương vị một sĩ quan trẻ chuyên tiễu phạt những băng cướp biển Việt Nam và dân buôn lậu thuốc phiện trong vùng núi hoang dã được gọi là Thập Vạn Đại Sơn, trải dài ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Ông ta bị người Nhật giam cầm trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, Trinquier dành trọn 15 năm tiếp theo trong binh nghiệp của mình để chống lại những cuộc chiến giành độc lập, đầu tiên là tại Việt Nam và sau đó là ở Algeria. Theo Trinquier, những người cách mạng thắng thế không phải bởi vì họ giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh, mà bởi vì các chính trị gia đã bán đứng quân đội đúng lúc họ đang giành chiến thắng. Nếu như lời phàn nàn này nghe quen quen, thì là vì nó sẽ trở thành chủ để được nhắc đi nhắc lại đối với nhiều nhân vật của quân đội Mỹ, những người nắm lấy quan điểm này sau thất bại của chính họ tại Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2020, 07:23:38 am »


        Cuối những năm 1940, Trinquier được giao cái mà Bernard Fall gọi là "nhiệm vụ khó khăn quét sạch những phần tử Việt Minh ra khỏi vùng đầm lầy và những cánh đồng lúa xung quanh Sài Gòn", về sau Trinquier được phân công phụ trách việc vũ trang cho những người Thượng Việt Nam và các nhóm người thiểu số khác mà để bí mật thả xuống phía sau hậu phương của kẻ thù. Được chu cấp bởi người Mỹ, những người vô cùng khâm phục người lính mẫn cán này và hoạt động bí mật của ông ta, thiếu tá Trinquier có đến 30.000 người dưới quyền chỉ huy của mình khi "vụ việc Điện Biên Phủ đáng tiếc", theo cách gọi của ông ta, đặt dấu châm hết cho cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Người Mỹ cũng chấm dứt luôn sự liên hệ với những lực lượng bí mật của Trinquier và nhiều người trong số 20.000 binh sĩ của ông ta bị cộng sản săn lùng và tiêu diệt.

        Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, Trinquier phát triển phương pháp của mình về chiến tranh hiện đại. Theo ông ta, cuộc xung đột cách mạng tại Việt Nam là cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên trên thế giới bởi vì nó bao hàm cả một trận đánh tranh giành "con tim và khối óc" của người dân Việt Nam. Giành được lòng trung thành của người dân bình thường là một mục tiêu quân sự vĩ đại không kém gì việc chiến thắng những trận đánh riêng rẽ. Một lực lượng cách mạng muốn chiếm lợi thế trong chiến tranh hiện đại sẽ huy động một "hệ thống tổng thể các hành động - chính trị, kinh tế, tâm lý, quân sự - nhằm mục đích lật đổ một chính quyền đã được thiết lập tại một quốc gia và thay thế nó bằng một chế độ khác". Xuất phát từ tính tổng lực của các phương pháp này, một quân đội đang cố đàn áp một lực lượng cách mạng phải xây dựng tập hợp các kỹ thuật chiến tranh hiện đại cho riêng mình. Nó sẽ chiến đấu bằng những nhóm biệt kích nhỏ, cơ động và các lực lượng hoạt động bí mật. Nó sẽ dùng cả đến cách tra tấn. Nó sẽ cưỡng bức dân thường phải vào ở trong những trại vũ trang đồng thời sử dụng đến biện pháp khủng bố cùng các kỹ thuật khác được phát triển trong cái lĩnh vực ngày càng hiệu quả được gọi là chiến tranh tâm lý.

        Khi tới Việt Nam tiếp quản cuộc chiến tranh của người Pháp, người Mỹ, thường là vô tình, phát minh lại tất cả các phương pháp của Trinquier. Đinh ninh mình là những nhà phát kiến vĩ đại trong việc đàn áp lực lượng cách mạng Việt Nam, nhưng thực ra người Mỹ cũng chỉ là những Trinquier thế hệ sau này sao chép lại tất cả những phương pháp của ông ta về cách tiến hành một cuộc chiến hiện đại - với kết quả cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Người Mỹ phát triển lực lượng Mũ nồi Xanh và các lực lượng đặc biệt khác hoạt động cùng những nhóm biệt kích nhỏ, cơ động. Họ sử dụng biện pháp tra tấn và khủng bố, đáng chú ý nhất là Chương trình Phượng hoàng, chuyên về đào tạo lực lượng chỉ điểm và thủ tiêu 50.000 người bị nghi là có cảm tình với cộng sản. Họ áp dụng ồ ạt chính sách dồn cưỡng bức người dân Việt Nam vào những trại vũ trang, đầu tiên gọi là agroville (khu trù mật) và về sau gọi là ấp chiến lược. Cuối cùng, họ thích thú vận dụng các phương pháp chiến tranh tâm lý được để ra để chiếm lấy trái tim và khối óc của dân thường, lòng trung thành của nhóm này sẽ là thứ vũ khí tối thượng trong kiểu chiến tranh nhân dân này.

        Khi được yêu cầu bình luận về thời gian đưa tin chiến tranh của mình tại Việt Nam, David Halberstam nhắc đến nhà báo người Anh Phillip Knightley: "Vấn đề là cố gắng theo dõi một sự kiện nào đó hàng ngày như thể tin tức khi mà trong thực tế chìa khóa thực sự nằm ở chỗ tất cả cũng đều phát sinh từ cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, điều đã trở thành lịch sử. Nên thực sự thì lẽ ra anh phải cho thêm một đoạn văn thứ ba vào mỗi bài viết với nội dung "Tất cả những thứ này đều là rác rưởi và không hề có chút ý nghĩa gì bởi vì chúng ta đang bước theo đúng dấu chân người Pháp và chúng ta là tù nhân của kinh nghiệm mà họ có'."

        Mùa xuân năm 1971, nhà sử học Alfred McCoy phỏng vấn Trinquier cùng cấp trên của ông ta, tướng Maurice Belleux, cựu trùm tình báo Pháp tại Đông Dương. Vào thời điểm đó, McCoy đang đi vòng quanh thế giới để nghiên cứu viết tác phẩm kinh điển của mình Nền chính trị bạch phiến tại Đông Nam Á (xuất bản năm 1972, với một lần tái bản có sửa chữa, Nền chính trị bạch phiến: Sự đồng lõa của C1A trong hoạt động buôn bán ma túy toàn cầu, xuất bản năm 1991). "Đến giai đoạn 1950-1951, các sĩ quan Pháp trẻ tuổi hơn theo trường phái cách tân đã từ bỏ những chiến thuật chiến tranh truyền thống về cơ bản hình dung Đông Dương như một bãi trống thưa thớt dân cư cho các phòng tuyến được gia cố, những trận càn quét quy mô lớn, và những cuộc tấn công thọc sườn," McCoy viết. "Thay vào đó, Đông Dương trở thành một bàn cờ khổng lồ nơi những bộ tộc miền núi, các băng đảng và các nhóm thiểu số tôn giáo có thể được sử dụng như những con tốt nắm giữ các vùng lãnh thổ chiến lược và ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Minh."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2020, 06:56:02 am »


        Trinquier được trao cả một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài để thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ này. Hoạt động dọc theo dãy Trường Sơn, dãy núi trải dài từ miền Trung Việt Nam đến biên giới Trung Quốc, Trinquier tuyển mộ và huân luyện hơn 30.000 lính đánh thuê người thiểu số, những người luôn hăng hái tấn công các tuyến đường tiếp tế của Việt Minh và hỗ trợ nỗ lực quân sự của Pháp. Công việc này gồm cả trồng cây anh túc ở Lào và chế biến thành bạch phiến - mối làm ăn béo bở mà các cơ quan tình báo Pháp sử dụng để tự chu cấp cho mình. Vì không có giá trị chiến lược gì trừ việc là một trạm trung chuyển giữa bờ biển và đế chế sâu trong đất liền của Trinquier, Điện Biên Phủ là một thành tố khác trong chiến lược của Trinquier. Người H'Mông trồng anh túc và thu hoạch được lượng thuốc phiện khá lớn trên những ngọn đồi quanh Điện Biên Phủ, và căn cứ này có nhiệm vụ ngăn không cho Lào rơi vào tay Việt Minh.

        Như Belleux và Trinquier kể lại trong những cuộc phỏng vấn của McCoy với họ, Trinquier chi trả cho hoạt động của mình bằng cách để lính dù Pháp chuyển nhựa anh túc thô từ Lào tới Vũng Tàu (hồi đó được gọi là Cap Saint Jacques), từ đó nó được chuyển tiếp tới Sài Gòn. Tại đây những tên cướp sông Bình Xuyên, lực lượng kiểm soát sở cảnh sát thành phố và các lò hút thuốc phiện, sẽ biến thứ nhựa anh túc thô thành sản phẩm có thể hút được. Lợi nhuận từ hoạt động này được chia đều giữa những tên cướp, Phòng Nhì của Pháp, và các "lực lượng tăng cường" của Trinquier trên miền núi.

        Graham Greene viết rất nhiều về Điện Biên Phủ vì ông coi nó là trận đánh quyết định nhất trong lịch sử hiện đại, nhưng có một điều về trận đánh này mà ông không bao giờ hiểu. "Điều vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay," Greene viết năm 1980, "là tại sao trận đánh lại diễn ra, tại sao 12 tiểu đoàn quân đội Pháp lại nhất quyết bảo vệ một căn cứ vũ trang được đặt trong địa hình vô vọng về mặt địa lý - vô vọng về mặt phòng thủ và vô vọng về mục tiêu thứ hai, vì đồn trại này dự định sẽ là căn cứ cho các chiến dịch tấn công. (Vì mục đích này mà một đại đội mười chiếc xe tăng được lắp ráp tại đây, các bộ phận được thả dù xuống.) Một ủy ban điều tra được thành lập tại Paris sau thất bại, nhưng không bao giờ có kết luận nào được đưa ra."

        Bí ẩn này chỉ được giải đáp khi Trinquier và Belleux tiết lộ tầm quan trọng của hoạt động buôn bạch phiến trong việc chu cấp tài chính cho quân đội Pháp tại Đông Dương, chính thực tế này quyết định vị trí của Điện Biên Phủ và ý nghĩa chiến lược của nó. Sau Việt Nam, Trinquier chỉ huy chiến dịch tra tấn của quân Pháp trong trận đánh Algiers1’. Ông ta tiếp tục tổ chức các đội quân đánh thuê tại Congo và sau đó về hưu để viết những tác phẩm quân sự được tìm đọc rộng rãi về chống chiến tranh du kích, trong đó đề xuất "những hành động phá hoại và khủng bố có tính toán". Nếu như việc Trinquier sử dụng ma túy để kiếm tiền cho các hoạt động quân sự là một chiến lược về sau này được CIA áp dụng, thì cách ông ta sử dụng tra tấn như một công cụ hữu hiệu trong chống du kích cũng là một chính sách khác về sau được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

        Cuối cùng Phạm Xuân Ẩn nhận ra mình can dự vào mọi lĩnh vực trong chương trình của Trinquier. Trong khi làm việc cho anh họ tại G5, ông trở thành một chuyên gia về chống du kích, về sau ông tham gia các hoạt động rửa tiền buôn ma túy cho tình báo Việt Nam Cộng hòa, và suốt đời mình ông phải đối mặt với nỗi lo sợ thường trực bị lột mặt nạ và bị tra tấn. Hoặc là ông thực hiện chương trình của Trinquier hoặc ông sẽ trở thành nạn nhân của nó.

------------------
        1. Algiers là thủ đô của Algeria.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2020, 06:56:52 am »

 
GHÉP NÃO

        Sau thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, nhiệm vụ biến những thực thể thuộc địa cũ gồm Annam, Nam Kỳ thành một quốc gia mới được gọi là Việt Nam Cộng hòa, hay Nam Việt Nam, như cách gọi phổ biến trong hai mươi năm tồn tại ngắn ngủi của nó, rơi vào tay thiên tài sáng tạo của Edward Lansdale. Đây là một sứ mệnh béo bở dành cho người hùng chống du kích của nước Mỹ chất phác và thích thổi kèn harmonica. Lansdale sẽ phải vận dụng tất cả những kỹ năng của một người bán hàng hiện đại mà ông ta học được trong giai đoạn làm công việc chào bán sản phẩm mới tại hãng quảng cáo ở San Francisco của mình.

        Lansdale đã từng quản lý tài khoản cho ngân hàng Wells Fargo, các công ty Union Trust, Nescafe, hãng rượu Italian Swiss Colony Wine, và Levi Strauss (ông ta thiết kế chiến dịch toàn quốc đầu tiên của hãng này nhằm bán quần jeans ra khắp nước Mỹ) khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng ngày 07 tháng 12 năm 1941. Lansdale nhập ngũ, ở tuổi 35, với quân hàm trung úy trong Cơ quan Tình báo quân sự (MIS) của Lục quân tại San Francisco. Làm việc cho Cục Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) của William J. ("Bill Liều") Donovan, tiền thân của CIA, Lansdale bắt đầu nhiệm vụ kép trên cương vị một sĩ quan quân đội và một điệp viên. Một thập kỷ sau khi nhập ngũ, Lansdale đến Philippines giật dây màn "thay đổi chế độ" đầu tiên của mình - đầu tư cho một ứng cử viên gần gũi với CIA, Ramon Magsaysay, và sắp đặt việc ông ta được bầu làm tổng thống. Vai trò điều hành của Lansdale trong chiến dịch này là một thắng lợi về PR. Những người theo chủ nghĩa dân tộc (đại diện cho rất nhiều thành phần chính trị khác nhau) phản đối chiến lược của Mỹ bị biến thành những phần tử nổi loạn "cộng sản" có thể bị săn lùng và trừ khử mà không sợ trừng phạt.

        Ở Việt Nam, nơi Lansdale đã đến thăm có lẽ ngay từ năm 1950, ông ta được phân công tạo ra đúng phép màu mà ông ta đã mang đến Philippines. Dưới vỏ bọc, ông ta thực hiện chuyến đi điều tra khắp Đông Dương kéo dài sáu tuần trong tháng 6 và tháng 7 năm 1953. Một năm sau, ông ta chính thức đến Việt Nam với tư cách "phó tùy viên không quân", về danh nghĩa, đại tá Lansdale làm việc cho Đoàn Cố vấn Viện trợ Quân sự (MAAG) dưới quyền tướng John "Mike Thép" O'Daniel, người đang giúp Pháp xây dựng một quân đội Việt Nam. Không hài lòng với những người Mỹ đang đổ xô vào thành phố, người Pháp đã cấp cho O'Daniel một nhà thổ của quân đội Nhật Bản trước kia tại Chợ Lớn làm trụ sở. Một gian nhà kho ở sân trong với nền nhà bằng đất cùng những chiếc ghế gấp dưới ánh sáng của hai bóng điện trần trụi lủng lẳng trên trần tạo thành văn phòng của Lansdale. Tại đây ông ta bắt đầu tạo dựng phái bộ liên lạc và huấn luyện (TRIM), có nhiệm vụ lùa những binh sĩ trung thành đến các vùng của đất nước do Việt Minh bỏ lại. (Sau khi ký Hiệp định Geneva, Việt Nam tạm thời bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, mỗi bên rút lui về phía Bắc và phía Nam của vĩ tuyến này, cho đến khi những cuộc tổng tuyển cử được tổ chức để thống nhất đất nước. Những cuộc tổng tuyển cử này, dự kiến là vào năm 1956, đã không bao giờ diễn ra).

        "Tại TRIM có quá ít ỏi sự thân thiện dành cho tôi," Lansdale viết trong cuốn tự truyện của mình, Giữa những cuộc chiến tranh: Một phái bộ Mỹ tại Đông Nam Á (1972). Viên chánh văn phòng người Pháp của TRIM, người về danh nghĩa là cấp trên của Lansdale, từ chối nói chuyện với ông ta. Viên sĩ quan này luôn đặt viên trợ lý của mình vào giữa ông ta và Lansdale, và ngay cả khi họ đang nói với nhau bằng tiếng Anh, ông ta cũng nhất định đòi phải "dịch" cuộc trò chuyện của họ. "Họ có một mối nghi ngờ bệnh hoạn đối với tất cả những gì tôi làm," Lansdale nói về các đồng nghiệp người Pháp của mình. Được tập hợp từ "nhiều cơ quan tình báo khác nhau", họ dành nhiều ngày cho việc nghe trộm những cuộc nói chuyện điện thoại của ông ta và viết báo cáo về các hoạt động của ông ta. Không bao giờ sợ đóng vai anh ngốc của làng, Lansdale trả thù bằng cách giở trò trêu chọc tay chánh văn phòng người Pháp. Cứ mỗi lần gặp nhau ở chỗ đông người, Lansdale lại choàng tay qua vai viên sĩ quan kia và lè nhè bằng cái giọng mũi kiểu Mỹ the thé: "Đây là bồ ruột của tôi đấy. Các cậu liệu mà đối xử với ông ấy, các cậu nghe chưa hả?"

        Bị người Pháp cấm "dính mũi" vào công việc quan trọng  của Bộ Tổng tham mưu - Gl, Phòng Điều hành; G2, Phòng Tĩnh báo; G3, Phòng Tác chiến; và G4, Phòng Hậu cần - Lansdale chỉ còn có G5, phụ trách các vấn đề dân sự. Công việc này liên quan đến các hoạt động cả đen lẫn trắng, trải đều từ công tác tuyên truyền đến hoạt động bí mật, bao gồm phá hoại và ám sát. "Tại tổng hành dinh có một đội ngũ tham mưu đông đảo, ba đại đội tuyên truyền vũ trang tại địa bàn, một đội ngũ họa sĩ và nhà văn, một đơn vị phát thanh chuyên phát chương trình hàng ngày tới các binh sĩ từ đài phát thanh của chính phủ tại Sài Gòn, quyền tiếp cận những cơ sở in ấn chủ chốt, và thiết bị chiến tranh tâm lý, ví dụ như những bộ khuếch đại âm thanh cầm tay, có chất lượng vượt trội hẳn so với bất kỳ thứ gì tôi từng biết," Lansdale viết trong cuốn tự truyện. "Về cơ bản, thứ còn thiếu là một mục đích thực sự để tất cả nguồn nhân lực đầy khả năng và trang thiết bị hiện đại này có thể được nhắm tới."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2020, 06:57:11 am »


        G5 "có một khiếm khuyết chính trị nặng nề", Lansdale nói, xuất phát từ thực tế là "những người Việt Nam mặc quân phục đứng cùng hàng ngũ các binh sĩ thuộc lực lượng thuộc địa của Pháp, chiến đấu chống lại một kẻ thù cộng sản giữa một cộng đồng khát khao giành độc lập khỏi nước Pháp". Nói cách khác, các chiến dịch chiến tranh tâm lý của Nam Việt Nam được hướng vào mục đích duy trì quyền lực thực dân của Pháp tại Đông Dương.

        "Tôi bắt đầu một nỗ lực giáo dục với các sĩ quan tham mưu Pháp mà tôi gặp," Lansdale nói. "Họ thấy các ý tưởng của tôi thật xa lạ và cười cợt gợi ý là thay vào đó tôi nên tập hút thuốc phiện đi." Gợi ý này chỉ có một nửa là đùa giỡn. Trong chuyến đi bí mật của mình tới Đông Dương, Lansdale đã phát hiện ra rằng tướng Salan, tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh, đang chi trả cho các chiến dịch quân sự của Pháp bằng cách bán thuốc phiện thu về từ vùng cao nguyên của Lào. "Chúng tôi không muốn anh mở cái thùng giòi này ra làm gì, vì nó sẽ trở thành một nỗi khó xử rất lớn đối với một chính phủ đồng minh. Do vậy hãy từ bỏ cuộc điều tra của anh đi," Lansdale được chỉ thị như vậy, khi ông ta báo tin này về Washington.

        "Kết thúc năm 1954, những kẻ ngoa ngôn nói rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập," Lansdale viết trong cuốn tự truyện của mình. "Tuy nhiên, tại đất nước này vẫn còn sự hiện diên của một lực lượng viễn chinh Pháp hùng hậu, và vẫn còn rất nhiều người Pháp tại khắp các cơ sở quân sự và dân sự của Việt Nam, mặc dù hầu hết trong số họ đang rút lui khỏi các vị trí quản lý để đảm nhiệm vai trò cố vấn. Sự hiện diện của người Pháp vẫn rất rõ ràng và nặng nề. Cùng lắm thì các quân chức Việt Nam cũng mới chỉ được hít hà, chứ không được thở sâu, không khí của tự do và độc lập."

        Lansdale, trong một đoạn văn có phần thi vị, cố gắng miêu tả một nước Việt Nam chân thực đằng sau vẻ ngoài thuộc địa. Tôi không chắc liệu đã có lần nào ông ta đến thăm ngôi nhà của người sĩ quan chiến tranh tâm lý Phạm Xuân Ẩn, nhưng đoạn miêu tả có vẻ đặc biệt giống với khu vực nơi Phạm Xuân Ẩn sống, một ngôi nhà hai phòng nằm giữa khu phố Tàu và chợ trung tâm của Sài Gòn. "Đằng sau mặt tiền của những tòa nhà hàng tỉnh kiểu Pháp và đời sống thuộc địa trên các đường phố chính của khu vực trung tâm Sài Gòn-Chợ Lớn là một thành phố thực sự, một tổ hợp chen chúc của các thôn xóm Việt Nam. Cũng gần giống như một trò ảo thuật. Cuối các con hẻm và ngõ ngách qua các tòa nhà trụ sở, cửa hàng, biệt thự bằng xi măng và trát vữa, là những thôn xóm nằm ẩn mình, sôi sục với một nhịp sống hối hả của riêng mình, với hàng nghìn người chen chúc trong những túp lều gỗ dọc mấy con hẻm lầy lội. Cả thảy có đến cả triệu người sinh sống trong các khu xóm này tại Sài Gòn-Chợ Lớn, nằm ngoài tầm mắt và phạm vi hiểu biết của những người sống trên các con phố được lát cẩn thận. Rất ít người nước ngoài, trừ những nhóm cảnh sát, từng ghé thăm những xóm này. Họ tạo thành một thành phố gần như bí mật với cung cách thuần túy Việt Nam bất biến qua thời gian bên trong một thành phố đã tập nhiễm những lề thói ngoại lai."

        Cái nhìn thoáng qua đầu tiên của nước Mỹ về bản chất thực sự trong các hoạt động của Lansdale tại Việt Nam hiện ra khi viên phó trước kia của ông ta, Daniel Ellsberg, công bố Tài liệu Lầu Năm Góc - tài liệu tuyệt mật Lịch sử quá trình ra quyết định của Mỹ về Việt Nam, hoàn thành năm 1969. Ellsberg sao chép lại 43 trong số 47 tập tài liệu này và tiết lộ chúng cho tờ New York Times cùng những tờ báo khác năm 1971. (Lansdale có hai nhiệm kỳ chính thức tại Việt Nam, một chuyến công tác hai năm bắt đầu năm 1954, và một nhiệm kỳ hai năm khác từ năm 1965 đến 1967. Giữa những khoảng thời gian đó, ông ta là chỉ đạo nỗ lực của CIA trong việc ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ellsberg đảm nhiệm vai trò cấp phó cho Lansdale tại Việt Nam trong một năm rưỡi, bắt đầu từ mùa hè năm 1965. Là một thành phần diều hâu ngổ ngáo liều chết, Ellsberg thích mang khẩu súng máy ra chiến trường và chơi trò chiến binh cuối tuần. Quá trình biến đổi của ông ta thành một nhà hoạt động chống chiến tranh diễn ra về sau này.)

        Trong tập Tài liệu Lầu Năm Góc có một tài liệu nhan để Báo cáo của nhóm Lansdale về Phái bộ bí mật tại Sài Gòn các năm 1954 và 1955. Báo cáo không để tên tác giả về phái bộ quân sự Sài Gòn (SMM) của Lansdale tự giới thiệu nó là "bản miêu tả cô đọng về một năm hoạt động của một nhóm tác chiến 'chiến tranh lạnh'."

        "SMM có nhiệm vụ vào Việt Nam một cách lặng lẽ và hỗ trợ người Việt Nam, thay vì người Pháp, trong chiến tranh không thông thường. Trong quá trình đó, phải giữ người Pháp như những đồng minh gần gũi, hết mức có thể. Nhiệm vụ cơ bản của nhóm là tiến hành các hoạt động bán quân sự chống lại đối phương và phát động chiến tranh tâm lý-chính trị."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2020, 06:57:30 am »


        Báo cáo tiếp tục miêu tả các hoạt động phá hoại và khủng bố bí mật mà Lansdale tiến hành chống miền Bắc Việt Nam trước khi các điệp viên của ông ta được di tản khỏi Hà Nội tháng 4 năm 1954. Phái bộ "dành những ngày cuối cùng ở Hà Nội vào việc làm ô nhiễm nguồn dầu cung cấp cho công ty xe buýt để động cơ xe hỏng dần dần, tiến hành các hoạt động phá hoại từ từ hệ thống đường sắt (công việc đòi hỏi sự hợp tác với một nhóm kỹ thuật đặc biệt của CIA tại Nhật Bản, những người hoàn thành phần việc của mình một cách xuất sắc), và để viết những ghi chép tỉ mỉ các mục tiêu tiềm năng cho các hoạt động bán quân sự tương lai". Tiếc là những kế hoạch làm nổ tung các nhà máy điện, kho xăng dầu, cầu cảng này đã bị cắt bỏ, Lansdale than thở, bởi vì "Mỹ tôn trọng Hiệp định Geneva" kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

        Cố tỏ ra nhạy bén kiểu James Bond, báo cáo Lansdale miêu tả những công trạng của Lucien "Luigi Đen" Conein và các đặc vụ SMM của ông ta tại Hà Nội, những người đã có "một thời khắc tồi tệ khi làm nhiễm bẩn nguồn dầu" được sử dụng để chạy những chiếc xe buýt của thành phố. "Họ phải hành động rất khẩn trương vào ban đêm, trong một căn nhà kho kín như bưng. Mùi nồng nặc bốc lên từ chất gây nhiễm bẩn khiến họ hoa cả mắt. Choáng váng và bủn rủn cả đầu gối, họ lấy khăn tay bịt mặt và hoàn thành công việc."

        Đến năm 1955, Lou Conein đang huấn luyện cho những phần tử phá hoại bán quân sự tại Philippines và thả chúng xuống bờ biển Bắc Việt Nam. CIA cũng tiến hành một nỗ lực tương tự với các gián điệp được huấn luyện trên đảo Saipan. Những kẻ thâm nhập mang theo vũ khí, máy thu phát vô tuyến, và vàng - rất nhiều vàng - với giá trị ước tính suýt soát một triệu đô la. Không kể một vài trường hợp ngoại lệ, gián điệp nào nhảy dù xuống miền Bắc đều bị tóm gọn ngay lập tức khi vừa đặt chân xuống đất. Tệ hơn thế, rất nhiều gián điệp bị bắt giữ, trong khi Lansdale hoặc CIA đều không hề biết là họ đã bị bắt giữ và đang truyền thông tin giả về miền Nam.

        Những gì Lansdale đã bắt đầu như là một phần trong sứ mệnh tiến hành chiến tranh lạnh của ông ta được quân đội Mỹ tiếp quản năm 1964 và tiếp tục mở rộng. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, 500 gián điệp sa lưới bị tống giam trong các nhà tù ở miền Bắc Việt Nam, nơi họ bị giữ thêm một thập kỷ nữa. "Chắc chắn đối phương phải có người làm tay trong để có thể hốt trọn cả mạng lưới như cách họ đã làm, tất cả cùng một mẻ," Conein nói với một người phỏng vấn năm 1995. Ông ta nghi là đã có một con chuột chũi hoặc một điệp viên đã báo cho đối phương, trong đó ứng cử viên khả dĩ nhất chính là người "bạn thân" Phạm Xuân Ẩn của Conein.

        Trong số những công trạng ít anh hùng hơn của Lansdale có việc tổ chức "một lớp học tiếng Anh nhỏ dành cho nhân tình của các vị tai to mặt lớn". Trong số học viên của ông ta có cô "nhân tình cưng" của tham mưu trưởng lục quân. Lansdale cố phá hủy nhà máy in lớn nhất của Việt Nam đã rơi vào tay những người cộng sản miền Bắc, và ông ta tiến hành những "đòn tấn công chiến tranh tâm lý đen", bao gồm việc in các sắc lệnh giả của chính phủ để phát tán ở miền Bắc. Ông ta đặc biệt tự hào về những công việc được thực hiện bởi các thầy tử vi Việt Nam, những người được thuê để tiên đoán thảm họa cho cộng sản và mang điềm lành cho miền Nam.

        Khi công việc của ông ta trên cương vị một chuyên gia phá hoại bị cản trở bởi những hạn chế chính trị, Lansdale xoay xở một chiến dịch bí mật khác trong đó ông ta tung ra khắp miền Bắc luận điệu "Chúa đã vào Nam" và "Đức Mẹ đồng trinh Maria đã bỏ miền Bắc". Một tờ truyền đơn miêu tả Hà Nội ở chính giữa ba đường tròn đồng tâm của một vụ nổ hạt nhân. Chiến dịch Đến với Tự do phát huy tác dụng trong việc thuyết phục những người Công giáo rằng họ đang gặp nguy hiểm nhãn tiền một cách hiệu quả đến nỗi 800.000 người tị nạn từ Bắc ồ ạt đổ vào Nam Việt Nam trên các chuyến tàu và máy bay của Mỹ. Thời điểm đó miền Nam có dân số là 17.000.000 người, chủ yếu là các nông dân trồng lúa và công nhân đồn điền. Dòng người tị nạn Công giáo không lồ tràn vào cung cấp cho chính phủ mới thành lập của Việt Nam Cộng hòa - do một người Công giáo đứng đầu - những viên chức trung thành, họ nhanh chóng tự đặt mình vào vai trò người giám sát và chỉ điểm tại miền Nam, nơi đa số người dân theo đạo Phật. Hơn một nửa số quân chức cấp cao trong chính phủ của Diệm là người Công giáo, trong một đất nước có đến 90% người dân là Phật tử. Trung thành với những người Mỹ đã "cứu" họ khỏi cộng sản, những người tị nạn từ miền Bắc là vật liệu hoàn hảo để nhào nặn thành những công dân mới của một quốc gia mới. Cuối cùng thì Lansdale đã tìm thấy "lực lượng thứ ba" của mình, và đó không phải là đạo Cao Đài mà là Công giáo.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM