Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:49:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2020, 05:33:07 am »


        Đại tướng Mai Chí Thọ, người chỉ huy cũ của Phạm Xuân Ẩn, nổi lên sau chiến tranh như một trong những nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam. Ông từng là bí thư xứ ủy Nam Kỳ, rồi làm bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tại biệt thự của ông Thọ ở trung tâm Sài Gòn - trước kia vốn là Đại sứ quán Thụy Sĩ - tôi được đưa vào một phòng khách sang trọng, đặt đầy những đồ nội thất bằng gỗ gụ và những tác phẩm điêu khắc từ các loại đá được sưu tập tại những di tích cách mạng nổi tiếng của Việt Nam. Được đặt một cách trang trọng ở phía cuối phòng là bàn thờ đầy hoa quả. Phía trên bàn thờ là bốn bức ảnh được tô màu thủ công của cha mẹ ông Thọ, cùng hai người anh trai nổi tiếng của ông: Đinh Đức Thiện, vị thượng tướng đã có công xây dựng nên Đường mòn Hồ Chí Minh, và Lê Đức Thọ, người từng giành giải Nobel Hòa bình và đã xỏ mũi Henry Kissinger tại Hội nghị Paris.

        Đứng bên bàn thờ, ông Mai Chí Thọ cầm một bó hương đã châm trên tay và vái lạy trước ảnh cha mình. Hôm nay là ngày giỗ người cha của ông, theo tập quán thì không phải là lúc thích hợp để tiếp người lạ, nhưng ông Thọ biết quãng thời gian của tôi ở Việt Nam không dài. Ông cắm bó hương lên bàn thờ rồi đến bắt tay tôi. Trong chiếc quần màu xám và áo sơ mi màu đó tía, ông là một người đàn ông tóc bạc trắng, oai vệ với ánh mắt nhìn xoáy thẳng. To lớn hơn hầu hết người Việt Nam, ông Thọ có cả một đường hầm kích thước ngoại cỡ được đào riêng cho mình trong thời gian mười năm ông sống dưới địa đạo Củ Chi.

        Trải qua tất cả những nhà tù ghê gớm nhất ở Việt Nam, gồm cả nơi về sau này được gọi là Hilton Hà Nội, nơi John McCain đã bị giam năm năm, và Côn Đảo, đảo Quỷ, nơi hai phần ba số bạn tù của ông đã chết trước khi ông được thả năm 1945, Đại tướng Mai Chí Thọ là một đối thủ dạn dày trận mạc nhưng bây giờ thì là một vị chủ nhà xởi lởi, mời vị khách Mỹ của mình dùng trà và hoa quả. "Đó thực sự là công việc rất khó khăn, nhưng chúng tôi phải làm bằng được," ông nói về cố gắng của mình trong việc gom đủ tiền đưa Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ năm 1957. "Hồi đó Đảng có rất ít tiền, nhưng chúng tôi nghĩ công sức đó là hoàn toàn xứng đáng - Phạm Xuân Ẩn là người đầu tiên được chúng tôi cử sang Mỹ - để học về văn hóa của những kẻ đang thay thế Pháp trở thành kẻ thù của chúng tôi."

        "Phạm Xuân Ẩn là người hoàn hảo cho nhiệm vụ đó," ông nói. "Đó là một kỳ công thực sự đối với chúng tôi."

        Khi tôi gặng hỏi ông Thọ về cơ hội bị bỏ lỡ trong việc đưa ông Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ lần nữa năm 1975, ông chăm chú nhìn tôi qua cặp kính gọng thép. "Tôi không biết làm thế nào mà câu chuyện này lại bị lộ ra ngoài," ông nói, rõ ràng là lấy làm tiếc vì tôi đã biết đủ để đưa ra câu hỏi đó. "Chắc chắn anh ấy sẽ làm rất tốt nếu chúng tôi cử được anh ấy sang Mỹ," ông Thọ nói, cho thấy rằng việc giữ ông Phạm Xuân Ẩn ở lại không phải là quyết định của ông.

        Tôi biết từ trước khi tôi hỏi là câu hỏi tiếp theo của mình sẽ không được trả lời. "Chính xác thì Phạm Xuân Ẩn đã làm gì cho ông?"

        Bộ trưởng Mai Chí Thọ mỉm cười và rót cho tôi một tách trà nữa. "Ông Ẩn có những nguôn tin tốt nhất và tiếp cận với những thông tin mật. Ông ấy có tai dưới đất không giống với bất kỳ ai khác ở Sài Gòn. Nếu ông muốn biết chuyện gì từng diễn ra, thì ông Ẩn chính là người để hỏi. Sau chiến tranh, chúng tôi phong tướng cho ông ấy cùng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Không cần phải nói rõ cho ông mọi chi tiết, chỉ ngần ấy cũng đã đủ cho ông thấy tầm quan trọng của những gì ông ấy đã làm cho tổ quốc của mình."

        Tại một cuộc gặp khác với Đại tướng Mai Chí Thọ vào năm sau, tôi đề nghị ông liệt kê những điệp viên hàng đầu của Việt Nam. (Đã có lúc, CIA ước tính có đến 15.000 điệp viên như vậy.) Đứng đầu danh sách của ông Mai Chí Thọ là Phạm Xuân Ẩn, tiếp theo là Đặng Trần Đức, cũng còn được biết đến với tên gọi Ba Quốc, người tiếp nối Phạm Xuân Ẩn làm việc cho tình báo Việt Nam Cộng hòa. Hai điệp viên hành động, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Ngọc Thảo, được xếp ở vị trí thứ ba và thứ tư.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:38:50 am »


        Vũ Đình Long, vốn được biết đến nhiều hơn qua bí danh Vũ Ngọc Nhạ, sinh ra trong một gia đình Công giáo địa chủ ở Phát Diệm, ngôi làng ở miền Bắc Việt Nam được đề cập đến rất nổi bật trong Người Mỹ trầm lặng. Chính tại nơi đây, trong một trận đánh đẫm máu giữa Việt Minh và những đối phương Công giáo của họ mà Alden Pyle và Thomas Fowler bắt đầu cuộc quyết đấu sinh tử giữa họ để tranh giành Phượng, "cô gái xinh đẹp nhất Sài Gòn". Và cũng trong trận đánh thực sự này mà Nhạ đã đặt cược số phận của mình về phía những người cộng sản. Theo lời thúc giục của Hồ Chí Minh, ông trở thành một điệp viên bí mật với vỏ bọc là một linh mục Công giáo.

        Nhạ di cư khỏi miền Bắc cùng với một triệu người di cư Công giáo khác bỏ vào Nam năm 1954. Ông đi hái nho ở Pháp và làm cha xứ ở Sài Gòn cho đến khi gây được sự chú ý với gia đình ông Diệm và chuyển vào Dinh Độc Lập với tư cách là giáo sĩ xưng tội và bạn tâm giao riêng của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau khi sống sót trong vụ đảo chính năm 1963 chống lại Diệm, ông Nhạ lại nổi lên như một cố vấn tin cậy của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, viên tướng đã cai trị miền Nam Việt Nam cho đến khi chính quyền này không còn tồn tại năm 1975. Ông Nhạ đã thành công trong việc tuyển mộ được một lô những điệp viên khác vào trong mạng lưới của mình, bao gồm cả những quân chức hàng đầu của Việt Nam Cộng hòa liên quan đến việc lên kế hoạch ấp chiến lược, các chương trình bĩnh định, triển khai binh lính, và những động thái chiến thuật khác trong chiến tranh.

        Năm 1968, trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân - trong khi Tư Cang và các chiến sĩ biệt động của ông đang tấn công vào Dinh Độc Lập từ đường phố - thì Vũ Ngọc Nhạ lại chỉ huy các điệp viên bên trong với nhiệm vụ bắt và giết Nguyễn Văn Thiệu. Rất may cho Thiệu là ông ta đang đi nghỉ Tết về quê thăm gia đình vợ khi Dinh bị tấn công. Với hy vọng làm xao nhãng lực lượng gác Dinh, Nhạ đã mở toang cửa hầm rượu của tổng thống. Chẳng may, đám lính nhút nhát kia lại đâm ra chiến đấu hăng hái hơn khi say rượu. Khi trở về Sài Gòn và nhận thấy hầm rượu của mình là nơi bị hư hại nặng nề nhất trong Dinh, Thiệu khen ngợi vị cố vấn linh mục của mình vì đã sử dụng một mưu mẹo khôn ngoan đến thế nhằm khích lệ tinh thần binh lính.

        Khi vỏ bọc của ông bị lộ năm 1969, Nhạ bị bắt và bị tra tấn trước khi bị tống vào chuồng cọp ở Côn Đảo. Giáo hoàng Paul vì đã can thiệp cho ông, công nhận Nhạ là một "con chiên ngoan của Chúa". Được trả tự do trong lần trao đổi tù binh diễn ra sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973, Nhạ xuất hiện trở lại trên chính trường như một "giám mục giải phóng", vẻ như đang hỗ trợ một lực lượng thứ ba điều hành Việt Nam, nhưng kỳ thực ra thì ông lại hoạt động điệp viên cho cộng sản. Khi Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam, đầu hàng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đứng sau ông ta trên cương vị cố vấn tin cậy là một Vũ Ngọc Nhạ đang mỉm cười.

        Điệp viên cộng sản táo bạo nhất ở Việt Nam là Albert Phạm Ngọc Thảo. Cũng là một thành viên thuộc tầng lớp trên Công giáo, Phạm Ngọc Thảo, dưới sự bảo trợ của bác sĩ Trần Kim Tuyến, thăng tiến rất nhanh qua các chức vụ để trở thành tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa ở châu thổ phía Nam Sài Gòn1. Ông cũng thành công trong việc xây dựng "ấp chiến lược" đến mức ông được giao nhiệm vụ điều hành chương trình này trên cả nước. Việc ông hăng hái ủng hộ ý tưởng của Ngô Đình Diệm xây dựng 16.000 trại lao động cưỡng bức là một đòn đánh lạc hướng bậc thầy. Một vùng nông thôn trơ trụi đầy những nông dân bị cưỡng bức tập trung quá là thuận tiện cho cộng sản tuyển mộ. Trong khi lắp ghép các mảnh cần thiết cho một cuộc nổi dậy của nông dân, Thảo cũng kìm hãm các hoạt động cộng sản tại những khu vực dưới quyền kiểm soát của mình. Kiến Hòa, vốn từ lâu được biết đến là một căn cứ của Việt Minh, trở thành nơi yên bình nhất trong các tỉnh thành của miền Nam Việt Nam.

        "Thảo là một chuyên gia đảo chính," Phạm Xuân Ẩn nói. Ông không ngừng ra sức lật đổ chính phủ và tránh cho Việt Nam thêm một thập kỷ chiến tranh, nhưng vận may của ông đã hết vào năm 1965, khi ông bị bắt sau một cuộc đảo chính thất bại. Phạm Xuân Ẩn hạ thấp giọng khi ông nói về sự tra tấn mà Phạm Ngọc Thảo phải chịu đựng. Ông chìa tay ra và vặn bàn tay nắm chặt theo chiều kim đồng hồ đánh khục một cái. "Chúng bóp nát tinh hoàn của ông ấy. Sau đó chúng siết cổ ông ấy. Công việc này được tướng Loan thực hiện." Phạm Xuân Ẩn kề một ngón tay xương xẩu lên đầu mình, nhắc tôi nhớ rằng Loan chính là viên cảnh sát trưởng Sài Gòn được ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng của Eddie Adams về một tù binh Việt Cộng bị sát hại với họng súng kề sát đầu.

---------------------
        1. Tỉnh Kién Hòa ngày nay là Bến Tre, ở phía Tây Nam Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:39:38 am »


        Phạm Xuân Ẩn không bao giờ khoe khoang về những kỹ năng của mình trong vai trò một điệp viên, ông toàn quy cho may mắn những gì mà người khác hẳn sẽ khắng định là sự cáo già. Phạm Xuân Ẩn coi công việc của mình về bản chất là mang tính phòng ngự hơn tấn công. Ông không phải là một nhà quý tộc giống như Quý ông Anthony Blunt, người đã tư vấn cho nữ hoàng về bộ sưu tập nghệ thuật của bà khi làm gián điệp cho Liên Xô. Ông có nhiều nét tương đồng hơn với Richard Sorge, nhà báo người Đức đã kết bạn với những nhân vật chóp bu của Đức Quốc xã trong khi làm điệp viên cho Stalin. Sorge bị Nhật Bản treo cổ năm 1944. Cơ hội khả thi nhất mà Phạm Xuân Ẩn có để được hoạt động trên phạm vi thế giới là điệp vụ cử ông sang Mỹ bị hủy bỏ. Sau năm 1975, khi Việt Nam sa lầy vào những cuộc chiến tranh biên giới và hủy hoại nền kinh tế của mình, hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ đất nước như những người tị nạn. Phạm Xuân Ẩn tiếc nuối vì đã không thể đóng góp cho một chính phủ mà rõ ràng là rất cần ông. "Có vẻ không ai lắng nghe tôi cả," ông than phiền sau những ý kiến của ông không có lời phúc đáp.

        Một buổi tối trước hôm tôi chuẩn bị đến thăm Ẩn, một cơn bão lớn đang ập đến từ phía Đông, và buổi sáng hôm sau, trời mưa tầm tã suốt ngày. Lúc này khi trời đã mưa, phòng của Phạm Xuân Ẩn đặc sệt một mùi ẩm ướt của lũ chó và mùi phân chim, hai mắt cá chân tôi nổi đầy những vết mẩn đó và bắt đầu sưng lên vì rận cắn. Đến giữa buổi sáng, không khí đặc quánh lại với mùi các loại rau gia vị và sau đó tan đi trong khi Phạm Xuân Ẩn vẫn tiếp tục nói qua cả giờ ăn trưa và sang đến tận buổi chiều. Cũng may là tôi đã tỉnh táo kịp ăn một bữa sáng ra trò trước khi đến gặp ông.

        Những vũng nước lớn đang đọng lại trong vườn và hơi ẩm phả đầy trong không khí. Tôi lo lắng cho những cuốn sách đang úa vàng của Phạm Xuân Ẩn, vốn đã bắt đầu ố vì mốc và đang dần mủn ra thành thứ bột giấy nhão nhoét không thể nào đọc nổi. Thỉnh thoảng Phạm Xuân Ẩn lại ngừng nói để đứng lên và đi tìm một lời trích dẫn hoặc ấn một tài liệu vào tay tôi để khẳng định những phân tích của ông. Rất nhiều cuốn sách của Phạm Xuân Ẩn có chữ ký, hoặc là của tác giả hoặc là của những người tặng chúng cho ông. Trong số hai cuốn A Bright Shining Lie (Sự lừa dối hào nhoáng) của Neil Sheehan mà ông có, một cuốn có chữ ký của Sheehan, cuốn còn lại có chữ ký của phóng viên đài CBS Morley Safer.

        Bộ sưu tập của Phạm Xuân Ẩn gồm cả những tập sách bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng có rất ít những cuốn bằng tiếng Việt. "Người dân ở đây không được viết tự do," ông giải thích. "Đó là một lý do tôi sẽ không viết về cuộc đời mình. Tôi sẽ gặp rắc rối nếu tôi kể về cuộc đời mình hoặc những gì tôi biết."

        Đôi lúc tôi có cảm giác những cuốn sách mà Phạm Xuân Ẩn ấn vào tay tôi là những thông điệp được mã hóa, là những cách nói về các trải nghiệm vẫn còn quá nguy hiểm để có thể đối mặt trực tiếp. Với mỗi chuyến thăm hàng ngày, Phạm Xuân Ẩn dường như đã chọn ra một tài liệu hoặc một đoạn văn để xoay cuộc trò chuyện của chúng tôi quanh đó. Có. hôm là tác phẩm của Dickens, "Đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất, đó là quãng thời gian tồi tệ nhất". Hôm khác, bài học lại được rút ra từ Ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Phạm Xuân Ẩn  thích thú với những câu chuyện về các loài vật cư xử như con người còn con người cư xử như loài vật.

        Tại một trong những cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, Phạm Xuân Ẩn cho tôi xem một cuốn sách của Gérard Tongas, một nhà giáo người Pháp đã đến Hà Nội để giúp cộng sản thành lập một trường trung học sau khi họ giành chiến thắng trước quân Pháp năm 1954. Theo Phạm Xuân Ẩn, Tongas, cũng giống như Edward Lansdale, có một con chó rất khôn có hôm đã cứu ông này thoát chết khỏi bị đầu độc.

        Tôi đọc thấy qua lời ghi trên bìa lót là cuốn sách của Tongas được tặng cho Phạm Xuân Ẩn bởi người đứng đầu Quỹ Á châu, tổ chức bình phong của CIA đã tài trợ cho những chuyến đi của ông Ẩn tại nước Mỹ. Bản thân nhan đề cuốn sách cũng đã mang nặng hàm ý: J'ai Vécu dans l'Enfer Communiste au Nord Viet Nam et J'ai Choisi la Liberté (Tôi đã sống trong địa ngục cộng sản ở miền Bắc Việt Nam, và tôi đã chọn tự do).

        "Đó là một cuốn sách rất quan trọng, một tác phẩm chân thực," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông phải đọc nó trước khi ông viết bất kỳ điều gì."

        Buổi chiều, khi những cơn mưa đã ngớt, Phạm Xuân Ẩn loẹt xoẹt bước qua gian bếp và đi qua cửa sau ra lối dẫn vào nhà, nơi bàn làm việc và những tập hồ sơ của ông đang được cất dưới một tấm vải nhựa. Mở ngăn kéo bàn để tìm mấy bức ảnh cũ, ông chỉ những bức ảnh mới chụp mình trong bộ quân phục cấp tướng đứng cạnh thủ tướng và các nhân vật khác trong Bộ Chính trị Việt Nam. "Họ muốn biết trông tôi như thế nào," ông nói. "Họ trải qua chiến tranh trong rừng và trước đó chưa bao giờ gặp tôi cả."

        Tôi với tay vào trong ngăn kéo và lấy ra một tấm huân chương được gắn trên chiếc cuống màu đỏ. "Cái gì đây?" tôi hỏi.

        "Mấy thứ này toàn người ta tặng cho tôi đấy mà," ông nói. "Tôi cũng không nhớ hết là vì việc gì. Tôi đã hoạt động trong bóng tối. Tôi chết trong bóng tối," ông vừa nói vừa đóng ngăn kéo lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:42:10 am »


MỘT THẾ GIỚI TƯƠI SÁNG HƠN

        Buổi sáng ngày Chủ nhật lẽ Phục Sinh tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng để bắt chuyến bay từ Sài Gòn ra Côn Đảo, gọi theo tên của hòn đảo đá hóa thành đen dưới sâu ở giữa quần đảo. Quần đảo nằm giữa Việt Nam và Malaysia này là luyện ngục đầy nắng được sử dụng làm nhà tù hải đảo khét tiếng nhất Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn đinh ninh rằng đây sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng của mình.

        Chiếc máy bay Antonov 30 chỗ của chúng tôi được điều khiển bởi hai phi công người Nga xa nhà đang nhớ vợ con ở Kamchatka. Chúng tôi hạ cánh êm ru xuống đường băng duy nhất của hòn đảo và lên một chiếc xe minivan về nhà nghỉ Công đoàn, nơi rẻ hơn trong số hai nơi ăn nghỉ tại Côn Đảo. Tôi đi cùng với Kyle Horst, một cựu quân chức Liên hợp quốc làm việc về những vấn đề liên quan đến người tị nạn ở Washington, và Đinh Nguyệt Hà, một người phụ nữ thẳng thắn và dễ mến từng là cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Sau khi nhận phòng khách sạn, Kyle, người được đào tạo về địa chất, rút một tấm bản đồ địa hình từ trong ba lô ra và bắt đầu hỏi những cô gái nhân viên ở quầy lẽ tân. Họ vừa miêu tả những địa điểm của hòn đảo vừa cười rúc rích trước sự kỳ quặc của một ông người Mỹ to lớn nói tiếng Việt ngay cạnh mình.

        Từ ban công phía trước phòng mình chúng tôi nhìn qua một rặng xanh rì những hàng dương sang một con vịnh điểm xuyết những mỏm đá nhô lên cùng những đảo núi lửa nhỏ. Thả neo trong làn nước trong xanh là hàng chục chiếc thuyền đánh cá. Những con thuyền treo cờ đỏ trên mũi thuyền ngóc cao lên của mình và được bố trí những cabin thấp hình vuông ở phía đuôi. Bao quanh bể bơi trống trơn của khách sạn và chạy dọc theo bờ biển là cơ man nào những rặng hoa giấy đủ màu hồng tươi, trắng và đỏ đua nhau mọc, tôi được cho biết rằng chúng được trồng ở đây vì chúng độc hại đối với bướm đêm. Nhiệt độ bắt đầu tăng lên mức trên 32 độ, và không khí ẩm ướt đến nỗi cuốn sổ tay của tôi mềm oặt cả đi vì hơi ẩm. Mồ hôi ròng ròng đổ trên mặt khi chúng tôi bắt đầu bước vào thị trấn. Ngoài lèo tèo mấy quán bar, một quán cà phê Internet, và ba nhà hàng, không kể một nhà hàng phục vụ món thịt chó, trò tiêu khiển duy nhất của Côn Đảo là một bảo tàng riêng về lịch sử của những trại tù và một điểm dịch vụ lặn biển. Bà vợ Phần Lan của người chủ điểm lặn biển này cho biết khu cảng này chật kín tàu thuyền đánh cá mỗi khi có bão. Những thủy thủ say rượu đế nằm vật trên đường phố như những "con cá heo mắc cạn". Khi cơn bão đi qua, họ rũ mình ra khỏi tình trạng chuếnh choáng và lại giong buồm ra khơi.

        Chúng tôi bước dọc theo bờ cảng tạo thành từ những cầu tàu và đê chắn sóng lớn bằng đá do tù khổ sai xây dựng trước khi tới ngôi nhà lớn bằng đá, giờ đổ nát chỉ còn là phế tích, nơi Camille Saint-Saens1 đã hoàn tất những chương cuối vở nhạc kịch Brunehilda2. Một tấm biển trên tường cho chúng tôi biết rằng vở opera của Saint-Saens là "dấu ấn đẹp đẽ duy nhất mà người Pháp để lại trên hòn đảo này".

        Bảo tàng Côn Đảo, được đặt trong dinh thống đốc thời thuộc địa trông ra cảng, trưng bày đầy những hình khắc, ký họa, mẩu báo cắt, và ảnh đen trắng về những nhà tù trên đảo. Một bức ảnh chụp một đống thân người trần trụi nằm xếp chồng lên nhau trên sàn xà lim. Một bức ảnh khác chụp một người đầu bị bịt kín đang đứng với hai cánh tay dang rộng như hình một cây thánh giá. Rất nhiều bức ảnh là của các cố vấn Mỹ thường xuyên tới hòn đảo và giám sát hoạt động của nó sau khi quân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ. Cũng được trưng bày tại đây còn có ảnh của những người đã "tốt nghiệp" Côn Đảo - một bức tường tôn vinh hầu như tất cả những lãnh tụ cách mạng hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20.

        Trên những chiếc xe máy thuê chúng tôi đi khoảng một cây số dọc theo con đường chính trên đảo tới nhà tù đầu tiên của Pháp tại Côn Đảo, được gọi là bagne (banh) hay trại số 1, xây dựng từ năm 1862. Đi qua dưới một tháp canh xây phía trên những bức tường cao bằng đá, chúng tôi bước vào khoảng sân được bài trí bằng một nhà thờ Công giáo nhỏ màu trắng và những lối đi trong bóng râm không hề có chút gì là dấu vết của những nỗi kinh hoàng được gợi lên khi chúng tôi bước vào khu xà lim số 6. Sau khi mắt của chúng tôi đã quen với bóng tối nhập nhoạng trong căn phòng sâu hun hút này, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy 150 hình nhân có kích thước như người thật mô phỏng các tù nhân bị xích trên sàn. Hàng trăm tù nhân đã sống trong một căn phòng này, nơi rất nhiều người trong số họ chết đói hoặc chết vì nhiễm dịch tả hay đủ các loại bệnh khác. Như một cựu tù đã viết về Côn Đảo năm 1934: "Không khí nồng nặc mùi hôi thối của chất thải và mồ hôi của hàng chục cơ thể trần trụi." Đồ ăn "thối rữa, bốc mùi, và đầy giòi". Lính gác là những tên "súc vật hung tợn" có thể đánh chết tù nhân bằng tay không. Nhà tù này chỉ có thể được sánh với những "chuồng khỉ trong sở thú".

-------------------
        1. Nhạc sĩ Pháp (1835-1921).

        2. Brunehilda là vở nhạc kịch do Guirand bắt đầu viết từ 1889, đến 1892 ông lâm bệnh qua đời, nên đã ủy thác cho Camille Saint-Saens.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:44:18 am »


        Quanh khoảng sân là sáu xà lim giống hệt nhau, một số dành cho phụ nữ trong khi những gian khác dành cho tử tù. Trong một xà lim tối tăm và ngột ngạt được dùng làm nơi biệt giam, chúng tôi nhận ra một bàn thờ nhỏ xây trên một băng ghế xi măng. Vì không có hương, nên những người khách viếng thăm đã để lại những điếu thuốc dựng ngược đốt lên để tưởng nhớ những linh hồn đã chết tại đây.

        Đất nước Việt Nam hiện đại được sinh ra trên chính hòn đảo đá đen này. Mọi thế lực thực dân tìm cách thống trị Đông Dương đều bắt đầu bằng cách khẳng định chủ quyền đối với Côn Đảo. Marco Polo đã trôi giạt lên bờ biển này trong hành trình khám phá châu Á của ông trong thế kỷ 13. Người Bồ Đào Nha cũng đặt chân lên đây năm 1560. Người Anh đặt chân lên đây năm 1702. Trong thực tế, chính Công ty Đông Ẩn của người Anh đã xây dựng những nhà tù đầu tiên trên hòn đảo - một thử nghiệm ngắn ngủi đã chấm dứt khi những lính đánh thuê người Sulawesi1 của công ty này nổi loạn và giết hại những ông chủ người Anh của mình. Quan trọng hơn cả, Côn Đảo là điểm tựa đầu tiên cho phép người Pháp bắt đầu xây dựng đế chế của mình ở châu Á.

        Trước khi trở thành hoàng đế của Việt Nam, Gia Long, khi đó còn được gọi là Nguyễn Ánh, từng lánh nạn ở Côn Đảo năm 1783 trong thời kỳ Khởi nghĩa Tây Sơn. Khi người lính truyền đạo Pigneau de Béhaine2 giong thuyền ra tìm thấy ông ta, đây chính là nơi Nguyễn Ánh ký thỏa ước định hình nên lịch sử của Việt Nam trong 200 năm sau đó. Đổi lấy quyền sở hữu Côn Đảo và những nhượng bộ thương mại khác, Pierre Joseph Georges Pigneau, con trai một người thợ thuộc da tự xưng là giám mục xứ Adran, sẽ cung cấp cho hoàng đế súng, tàu chiến, và một đội quân đánh thuê.

        Để bảo đảm làm tin, Nguyễn Ánh giao lại cho viên giám mục người con trai mới lên bảy tuổi của mình, và họ cùng giong buồm tới triều đình của Louis XVI dàn xếp những khoản tài chính cần thiết. Sau một năm trốn tránh ở Côn Đảo, Nguyễn Ánh quay trở lại đất liền và chiếm Sài Gòn. Tại đây ông gặp lại vị giám mục và đoàn tụ cùng con trai mình. Với sự giúp sức từ đoàn quân đánh thuê của Pigneau, Nguyễn Ánh tiến ra Bắc. Ông thu phục những vùng lãnh thổ rải rác của Việt Nam rồi thiết lập đế chế của mình tại kinh thành Huế, trung tâm lịch sử của chế độ chúa Nguyên. Người Pháp đã khai thác điểm bám chân của Pigneau de Béhaine bằng cách tấn công Huế và Đà Nẵng năm 1858 rồi đến Sài Gòn vào năm sau đó. Đến năm 1861 triều Nguyễn chỉ còn cai trị miền Nam Việt Nam trên danh nghĩa.

        Nguyễn Ánh tả thỏa ước của ông với người Pháp là "cắt sói canh cừu". Phi Yến, một bà phi của ông, đã phản đối chiến lược này, và vì sự ương bướng ấy, bà đã bị đày ra một hòn đảo thậm chí còn hẻo lánh hơn trong quần đảo Côn Đảo, nơi này giờ đây cũng trở thành một điểm linh thiêng để khách thập phương đến thắp hương tưởng nhớ.

        Trong ngày thứ hai ở Côn Đảo, sau bữa sáng với cháo mực và tôm, và uống một liều cà phê phin rất đặc, chúng tôi lên đường tới nghĩa trang Hàng Dương, nơi đặt hầu hết trong số hai vạn ngôi mộ trên hòn đảo. Giữa những ngôi mộ trắng là một chiếc quách lớn phủ kín hoa tươi, kẹp tóc, lược, gương, và những thứ đồ cúng khác. Đây là nơi an nghỉ của Võ Thị Sáu. Năm 16 tuổi, chị đã tìm cách trừ khử một số tên thực dân Pháp ác ôn đang ăn mừng ngày phá ngục Bastille3. Năm 19 tuổi, chị bị đưa ra Côn Đảo và bị hành hình. Căn cứ vào tấm ảnh trên bia mộ, chị là một thiếu nữ xinh đẹp, và ngôi mộ của chị đã trở thành một điểm dừng chân của đảo nơi mọi người ghé đến thắp hương và cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.

        Đọc cuốn tiểu sử về Võ Thị Sáu khi chúng tôi đứng trước mộ chị, Kyle cho chúng tôi biết rằng Võ Thị Sáu là một trong năm mươi người Việt Nam bị hành hình để trả thù cho cái chết của con trai tướng de Lattre de Tassigny, một trung úy trong quân đội Pháp. Tháng 1 năm 1952, chị tới Côn Đảo với hai bàn tay bị trói chặt và chân bị xích vào sàn tàu. "Chuông nhà thờ rung lên khi chị đến. Nhưng gương mặt của Chúa đã trống rỗng vào thời khắc của cuộc hành hình," Kyle đọc. Những lính gác người Senegal và lai Á-Âu đã bố trí cho chị ở dãy xà lim tử tù trong bagne số 1. Phụ trách hành hình chị là một người Pháp gốc Đức tên là Petervol, có vợ là một me Tây - chỉ người phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Âu.

---------------------
        1. Một đảo lớn của Indonesia.

        2. Phiên âm Hán Việt là Bá Đa Lộc.

        3. Tức ngày Quốc khánh Pháp.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2020, 06:45:26 am »


        "Đêm trước cuộc hành hình, Võ Thị Sáu tắm gội và chải rất kỹ mái tóc dài đen nhánh của mình. Chị mặc một bộ quần áo bà ba bằng lụa đen, thêu những bông hoa màu tím. Chị được phép ra ngoài xà lim khoảng mười phút, để ngắm nhìn quê hương tươi đẹp của mình lần cuối. Chị bắt đầu hát những bài hát Việt Minh ngày trước về sự nghiệp giải phóng Việt Nam khỏi ách thực dân. Chị hát suốt đêm. Tất cả những tù nhân trên đảo, cất cao giọng từ trại này sang trại khác, bắt đầu hát cùng Võ Thị Sáu.

        "Buổi sáng, cha tuyên úy nhà tù đến xà lim. 'Bây giờ cha sẽ rửa tội và gột sạch mọi lỗi lầm của con.'

        'Tôi chẳng có lỗi lầm gì hết,' chị nói. 'Hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi ấy,'

        'Con còn gì nuối tiếc không?' ông ta hỏi.

        'Tôi chỉ tiếc là mình chưa giết sạch hết lũ thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước. Tôi chỉ yêu cầu một điều thôi. Khi các người bắn tôi, đừng bịt mắt tôi lại. Tôi đủ can đảm để nhìn vào nòng súng của các người. Tôi muốn nhìn thấy tổ quốc yêu dấu của mình trong giây phút từ giã cõi đời.'"

        Vẫn hát vang bài hát giờ đây đã trở thành quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Võ Thị Sáu bị "đưa tới nghĩa trang, nơi vây quanh chị là mười nghìn thi hài, nằm sâu dưới lòng đất của hết lớp mộ này đến lớp mộ khác. Chị nhìn thẳng vào mặt bảy người đàn ông - những kẻ giết người - trong đội xử bắn mình. Chúng đang run rẩy. Chị hô vang: 'Đả đảo thực dân Pháp. Việt Nam tự do muôn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm'.

        "Bảy phát đạn bắn ra từ bảy nòng súng đang run lẩy bẩy không trúng đích. Tiếng khóc vang lên từ phía những tù nhân ở cách xa một trăm mét trên bờ biển phía Nam. Đội hành hình bỏ chạy. Những người vợ me Tây của những tên lính gác đang đứng xem gần đó ngất xỉu. Khi khói từ những nòng súng trường tan đi, Võ Thị Sáu vẫn đang đứng. Hai vết máu cho thấy chị bị thương ở vai và tay."

        Khi người của hắn nhất quyết không chịu bắn thêm loạt nữa, viên chỉ huy rút súng ngắn ra. "Hàng nghìn tù nhân, cất cao giọng từ những bagties xung quanh nghĩa trang, bắt đầu hô vang: 'Đả đảo thực dân. Võ Thị Sáu muôn năm.' Viên giám đốc nhà tù, một người Pháp tên là Passi, và viên giám thị trưởng, một người Pháp khác tên là Jarty, đã nhảy lên một chiếc xe Jeep và lái như điên quay trở về dinh thống đốc vì lo sợ một cuộc nổi dậy." Viên chỉ huy đội hành hình bước lại gần Võ Thị

        Sáu và kề họng súng dưới tai chị. Hắn bóp cò và bắn vào đầu chị.

        Đi ngược chiều kim đồng hồ vòng quanh đảo, chúng tôi đến bagne trois bis1 (còn gọi là trại Bác Ái), xây năm 1940. Ở phía sau của khu này là cái mà người Pháp gọi là "solaria" (các phòng tắm nắng), tức là những xà lim trống hoác trên đầu nơi các tù nhân thường chết vì mất nước. Đằng sau dãy phòng tắm nắng là một gian nhà lớn xây bằng đá, gia cố bằng những cánh cửa thép đen sì. Mở một trong những cánh cửa này, chúng tôi nhìn vào trong một xà lim chật chội, sâu 4,5 mét, rộng 3 mét, trong đó có năm hình nhân phụ nữ bị xích vào một băng ghế bê tông. Những song sắt tạo thành mái nhà và phía trên còn một lớp mái khác bằng ngói. Ba mươi xà lim xếp thành hàng ở mỗi bên của gian nhà chết chóc này. Đây chính là những chuồng cọp khét tiếng, bị phanh phui ra năm 1970 và xuất hiện trên một bức ảnh đăng trên tạp chí Life đánh dấu một bước ngoặt khác trong sự vỡ mộng của nước Mỹ với cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

        Đi lên một cầu thang ở cuối tòa nhà, chúng tôi bước lên khu tường chắn cho phép lính gác nhìn qua lớp song sắt theo dõi những tù nhân bị xích phía dưới. Bố trí dọc tưởng chắn này là phiên bản của những chiếc thùng gỗ trước kia được dùng để đựng vôi bột khô nung từ san hô. Khi được rắc xuông tù nhân phía dưới, vôi bột sẽ khiến họ bị bỏng hoặc bị mù. Những bức tường của chuồng cọp được làm từ đá hộc dày tới nửa mét. Những cánh cửa thép, mỗi cánh nặng khoảng gần một tạ rưỡi, rất có thể đã được tái chế từ cửa ngục Bastille. Rõ ràng Bagne trois bis được xây dựng với mục đích đứng vững qua nhiều năm tháng sử dụng thường xuyên. Những dòng chữ trên các bức tường ghi lại tên của các tù nhân và trừ dần những ngày khi họ sẽ được thả ra ngoài hít khí trời, cứ sáu tháng một lần.

        Phía sau những chuồng cọp là một trại khác, bagne số 5, được xây năm 1928. Trong tòa nhà đồ sộ bằng đá bao gồm một căn phòng lớn với hai ô cửa sổ được khoét cao trên những bức tường sừng sững, chúng tôi tìm thấy cả những câu mới được viết gần đây trong những năm 1980, khi những thuyền nhân tìm cách vượt biển khỏi Việt Nam bị giam giữ ở đây. Kyle dịch một trong những dòng chữ: "Đêm buồn nhớ mẹ thương cha."

---------------------
        1. Banh số 3B (tiếng Pháp).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2020, 11:35:55 am »


        Xây trong khoảnh sân của trại số 5 là một công trình bổ sung về sau này của Côn Đảo, một khu xà lim của Mỹ với những bức tường bê tông và trần làm bằng tôn nóng chảy người dưới cái nóng nhiệt đới. Những phòng giam xám xịt như thế này được dựng lên khắp miền Nam Việt Nam bởi RMK-BRJ, tổ hợp có trụ sở tại Texas gồm bốn công ty xây dựng lớn nhất nước Mỹ: Raymond International, Morrison-Knudsen, Brown ở Root, và J. A. Jones. Sáp nhập thành một thế lực không lồ làm ăn phát đạt nhờ những hợp đồng không đấu thầu, RMK-BRJ xây dựng đường băng sân bay, cầu cảng, đường sá, và nhà tù, tất cả góp phần tạo nên đất nước được gọi là Nam Việt Nam. Công ty kế tục của RMK-BRJ là Halliburton, có CEO (Tổng giám đốc điều hành) là Dick Cheney trước khi ông ta trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ. Halliburton làm ăn phát đạt nhờ những hợp đồng không đấu thầu của riêng mình về xây dựng nhà tù tại căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, Abu Ghraib ở Iraq, vịnh Guântanamo ở Cuba, và những điểm "đen" khác của CIA trên khắp thế giới.

        Đi xa hơn khỏi thị trấn, chúng tôi đến bagne số 7, trại Phú Bình, nơi đặt những chuồng cọp của Mỹ được xây dựng năm 1971, sau khi vụ phanh phui của Life khiến những xà lim tra tấn ban đầu trên hòn đảo phải đóng cửa. Chúng tôi vào một lối đi hẹp cắt dọc theo chính giữa một khu doanh trại xám xịt và bắt đầu mở những cánh cửa sắt nằm ở mỗi bên. Chúng tôi nhòm vào trong những xà lim với song sắt trên trần, giống như chuồng cọp của Pháp, nhưng không có tường chắn trên đầu để canh chừng, chỉ có một khoảng hở hẹp để thông khí. Những xà lim này không có bục bê tông để ngồi, vì vậy tù nhân nằm ngủ ngay trên sàn. Với 384 xà lim, trại giam này từng giam giữ hai nghìn người. Bên trong những chuồng cọp mái kim loại này nóng đến nỗi chỉ trong vòng vài phút chúng tôi buộc phải bỏ ra ngoài, thở hồn hển không ra hơi.

        Đi xa hơn nữa trên hòn đảo, chúng tôi đi tìm các bagne số 8 và số 9, được cho là những công trình bổ sung mới nhất của Mỹ vào chế độ nhà tù Côn Đảo. Chúng tôi đi qua một khu rừng nhỏ và nhận ra những dấu vết còn lại của bagne số 8. Người dân địa phương đang lúi húi trồng rau trong một bãi đất trống. Tất cả những gì còn lại của nhà tù cũ là những tháp canh bằng sắt đã từng đứng ở bốn góc và giờ thì đang han gỉ trong quên lãng.

        Sau khi đi vào một khu rừng khác và bước qua một bức tường đá thấp đánh dấu góc phía Đông Bắc của nghĩa trang Côn Đảo rộng mênh mông, chúng tôi tìm thấy bagne số 9, nhà tù xây dựng dở dang mà RMK-BRJ vẫn đang xây cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc chiến. Những song sắt gia cố bằng thép và cột bê tông vươn cao trong rừng như một ngôi đền kỳ bí, một kiểu Angkor Wat của Mỹ, giờ chỉ toàn dây leo và hoa dại phủ kín. Bay lướt qua khu phế tích là hàng chục con cò ngàng, loài chim lớn màu trắng lặng lẽ lượn lờ qua những rặng cây xanh. Người dân đảo tin rằng những con chim này là linh hồn của người chết. Lũ chim rất bồn chồn, chim thường vẫn thế, và sự bứt rứt của chúng gợi cho tôi nhớ đến lịch sử không thể nào gạt bỏ được của hòn đảo nhiệt đới này.

        Quay trở lại Sài Gòn, tôi đến thăm Phạm Xuân Ẩn. Ông đang tránh cái nóng buổi trưa bằng điều hòa không khí và ôxy. vẫn mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay trắng mọi khi và quần xám lật phật quanh hai mắt cá để trần, ông ra mở cổng và dẫn tôi đi qua vườn vào căn phòng dưới tầng một, nơi ông đặt những bể cá cùng sách vở và một chiếc ghế cứng đặt gần điện thoại, tại đó ông ngồi như một phóng viên tại tòa soạn đang nhận điện.

        "Tôi chưa bao giờ đến Côn Đảo cả," ông nói với tôi. "Nhưng hồi trước tôi vẫn nhận được những báo cáo về điều kiện ở đó. Tôi biết mọi chuyện rất tồi tệ. Cũng giông như bây giờ, chúng ta biết cuộc sống của các tù nhân ở Abu Ghraib kinh khủng như thế nào."

        Ông kể cho tôi nghe về một lần suýt chút nữa thì ông cũng bị tống ra Côn Đảo. Sử dụng thông tin từ những đồng nghiệp của mình trong cơ quan tình báo miền Nam Việt Nam, năm 1965 ông đã viết một bài báo dự báo về vụ lật đổ thủ tướng Việt Nam Cộng hòa khi đó là Phan Huy Quát. "Ông ta là người đứng đầu chính phủ, nhưng tôi biết quyền lực thực sự nằm trong tay Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Những nguồn tin của tôi rất tốt, đó là lý do tại sao cảnh sát lại gọi tôi lên. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể làm nghề báo chí đúng như những gì đã được dạy ở Mỹ. Sau đó, tôi thường gõ những bài báo của mình để rồi lại xé chúng đi."

        Phạm Xuân Ẩn với tay về phía chiếc lọ thuốc xịt vào đường thở của ông. Ông đang hồn hển vì khó thở trong cái nóng cuối buổi chiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2020, 11:36:29 am »


        "Dung tích phổi của tôi chỉ còn bằng 35% mức bình thường," ông nói. "Tôi bị suy phổi sau cái lần phải nhập viện năm 2003. Cuối tuần này chắc tôi lại phải vào viện lần nữa."

        Quay trở lại câu chuyện của chúng tôi về Côn Đảo, Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi sống sót nhờ may mắn và nhờ thiên thần hộ mệnh của mình. Tôi tin vào số mệnh. Tôi được sinh ra vào giờ may mắn". Ông đứng lên và bước tới giá sách, rồi rút ra một quyển Le Zodiaque (Hoàng đạo) của nhà xuất bản Editions du Seuil. Ông chỉ cho tôi thấy là ông được sinh ra dưới cung Xử Nữ, nữ thần đã che chở cho ông suốt cả cuộc đời.

        Rút ra một cuốn sách khác từ trên giá về những câu châm ngôn của Jean de La Bruyère, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Ông phải đọc những câu này khi ông có tâm trạng tồi tệ". Ông đang chuẩn bị trích dẫn một trong những câu châm ngôn ưa thích của mình thì một cơn ho dữ dội buộc ông phải ngồi trở lại ghế.

        "Tôi vẫn chưa sẵn sàng cho cái chết của mình," ông nói với tôi. "Tôi muốn được hỏa táng. Tôi muốn tro của mình được rắc xuống sông Đồng Nai, gần nơi tôi sinh ra."

        Tôi hỏi ông về số phận những cuốn sách và giấy tờ của ông sau khi ông qua đời. "Con trai tôi sẽ quyết định phải làm gì với cái đống ấy," ông nói.

        Cứ như dược gọi tên, Phạm Xuân Hoàng Ẩn, hay Ẩn con, như mọi người vẫn gọi, đi làm về và bước vào phòng khách chào tôi. Anh là một thanh niên hòa nhã, một bản sao tròn trịa có da có thịt hơn, nhưng đồng thời cũng bồn chồn và dễ xúc động hơn cha mình. Ngoài 40 tuổi vẫn độc thân, Hoàng Ẩn sống ở nhà trong gian garage đã cải tạo phía sau nhà. "Cả đời nó lúc nào cũng là sinh viên, đầu tiên ở Nga, rồi sau ở Mỹ," một hôm Phạm Xuân Ẩn kể với tôi về con trai ông. (Ẩn con học mất sáu năm ở Nga và thêm sáu năm nữa ở Mỹ, học về báo chí ở Đại học Bắc Carolina và luật ở Đại học Duke). "Nơi duy nhất nó chưa đến học là Trung Quốc," Phạm Xuân Ẩn nói. "Đó là cuộc đời mà bản thân tôi cũng muốn trải qua."

        Hai con trai thứ của Phạm Xuân Ẩn không được suôn sẻ như Ẩn con. Làm việc làng nhàng như những công chức bậc trung, họ cũng sống ở nhà cùng cha mẹ, nơi người con trai út giờ đây phụ trách việc huấn luyện lũ gà chọi của Phạm Xuân Ẩn. Con gái của Phạm Xuân Ẩn, một bác sĩ không còn hành nghề, đang sống ở California cùng với gia đình mình. "Tôi đã làm việc rất vất vả," Phạm Xuân Ẩn nói. "Thực ra, lúc nào tôi cũng làm việc, chỉ trừ có kỳ trăng mật năm ngày hồi tôi lấy vợ. Từ năm 1959, tôi mới chỉ nghỉ ốm có năm ngày, do ảnh hưởng của bệnh lao."

        Phạm Xuân Ẩn kể với tôi là Ẩn con, vì không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lên đến nấc thang cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Anh kiếm được mức lương là 2.000.000 đồng, khoảng 160 đô la mỗi tháng. Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là tại sao con trai ông không phải là đảng viên, ông gạt câu hỏi qua một bên. "Con trai tôi đã quá lớn tuổi để vào Đảng," ông nói với tôi. "Rất khó để có thể học chủ nghĩa Marx-Lenin. Anh phải bắt đầu từ khi anh còn trẻ cơ.

        Chẳng lẽ học chủ nghĩa Marx lại còn khó hơn cả việc lấy bằng luật ở Đại học Duke? Tôi đang băn khoăn không biết diễn giải suy nghĩ của mình như thế nào thì Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng tôi đang đặt ra quá nhiều câu hỏi mà viết thì quá chậm chạp.

        "Tôi cũng là một người viết chậm," ông thừa nhận, "nhưng Bob Shaplen thì viết rất nhanh. Ông ấy chỉ cần lấy sổ ghi chép của mình và cứ thế viết liền một mạch, không vấn đề gì."

        Khi tôi đề cập đến những nhà văn viết chậm khác, Phạm Xuân Ẩn đồng ý rằng "viết chậm đã tạo ra cuốn sách hay nhất về chiến tranh Việt Nam. Đó là cuốn Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, một cuốn sách phơi bày tính cách Mỹ".

        Vậy tính cách đó là như thế nào? "Khi người Mỹ cho rằng điều gì đó là đúng, họ cứ thế cắm đầu cắm cổ làm thôi," ông nói. "Họ thích vui vẻ. Họ thích giúp đỡ. Họ tử tế và họ chơi công bằng, nhưng anh phải bay dưới ra đa của họ nếu anh muốn sống sót trước sự gây hấn của họ. Trong tất cả những đế chế trên thế giới, đế chế Mỹ là tốt nhất. Tốt hơn Pháp, tốt hơn Anh, nhưng dù gì thì cũng vẫn là một đế chế, và người Việt Nam thì bao giờ cũng muốn - thực tế là họ luôn chiến đấu đến cùng - để có đế chế của riêng mình."

        Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là liệu ông có vẫn ném mình vào cuộc chiến đấu này với tư cách là một người cách mạng không. "Tôi chưa bao giờ là một nhà cách mạng," ông nói. "Tôi là một người lãng mạn, yêu tổ quốc của mình và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nó." Phạm Xuân Ẩn viết vào sổ của tôi hai từ lãng mạn, và cách mạng bằng tiếng Việt. Ai đó về sau giải thích cho tôi rằng ông đã viết một kiểu chơi chữ, một câu nói đùa. Trong khi những người viết tiểu sử của Phạm Xuân Ẩn tranh cãi về di sản của ông, bất đồng về việc ông là một người lãng mạn hay một người cách mạng, một người yêu người Mỹ hay là một người cộng sản quyết tâm tiêu diệt họ, thì ông già này lại bày trò vui và cười chúng ta, đồng thời mang theo bí mật của mình xuống mồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2020, 11:38:14 am »


        "Tôi thích chính trị. Tôi chỉ không ưa những chính trị gia," ông nói thêm. "Nếu anh muốn giết con chó, hãy đổ cho là con chó bị bệnh dại. Tiếng Anh người ta nói như thế nào nhỉ? 'Character assassination'1."

        Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn về một chủ để nhạy cảm khác. Việt Nam sẽ như thế nào giả sử ngày đó Mỹ giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh? Bùi Tín đã bảo tôi đưa ra câu hỏi này. Bùi Tín là nhà báo của Bắc Việt Nam đã có mặt khi chính phủ Nam Việt Nam đầu hàng và thăng tiến cao trong hàng ngũ của Đảng trước khi bỏ trốn ở lại Pháp năm 1990 và trở thành một người cổ súy chống Đảng. Đã nhiều lần trong vài năm qua tôi đi tàu hỏa tới khu ngoại ô dành cho tầng lớp lao động ở phía Bắc thủ đô Paris nơi ông Tín sống trong một căn gác xép với "em gái" của mình, một phụ nữ trẻ cả ngày ngồi trong bếp may viền những chiếc khăn lụa cho Hermès. Ông Tín đã trở thành người bạn đồng chí hướng lạ lẫm với những người xét lại tại Mỹ lập luận rằng giả sử như hồi đó nước Mỹ tung toàn bộ sức mạnh quân sự của mình tại Việt Nam - đánh ra miền Bắc và đẩy đối phương sâu hơn về phía Tây sang Lào, ném bom những con đê quanh Hà Nội, và sử dụng vũ khí hạt nhân - rất có thể Mỹ đã "thắng" cuộc chiến tranh. Trong trường hợp này, ông Tín cho rằng Việt Nam có thể sẽ giống như Triều Tiên. "Một nước Bắc Việt Nam nghèo đói sẽ trông sang bên kia biên giới mà nhìn một nước Nam Việt Nam thịnh vượng, sẽ đi đầu với tư cách là nước phát triển nhất trong số tất cả những con hổ châu Á."

        Phạm Xuân Ẩn nhận xét. "Đã hai lần Mỹ đến gần tới việc giành thắng lợi trong cuộc chiến," ông nói. "Một lần vào cuối những năm 1950, khi tôi còn đang học ở Mỹ. Đó là lúc họ đã phá tới 80% bộ máy an ninh của Đảng ở miền Nam. Lần thứ hai là ngay sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, khi sức mạnh chiến đấu của Việt Cộng đã bị tổn thất nặng nề. Khi đó Mỹ đưa ra Chương trình Phượng hoàng cực kỳ hiệu quả trong việc thủ tiêu hàng nghìn người Việt Nam và vô hiệu hóa lực lượng đối lập ở miền Nam."

        "Vậy Việt Nam sẽ như thế nào nếu giả sử Mỹ thắng trong cuộc chiến tranh?"

        "Việt Nam sẽ không giống như Triều Tiên," Phạm Xuân Ẩn nói. "Bắc Việt Nam có thể sẽ dựa vào Trung Quốc."

        "Vậy còn Nam Việt Nam?"

        "Người Nam Việt Nam không sắt đá như người Triều Tiên. Miền Nam chắc chẳng qua cũng chỉ trở thành một nước nhược tiểu trong quỹ đạo của phương Tây."

        Phạm Xuân Ẩn ngồi gần máy điện thoại trong chiếc ghế làm việc cũ của mình có gắn bánh xe kim loại và mặt ghế nhựa màu xanh. Nhìn như thể ông đang trực, người ngồi thẳng, tay cầm bút, sẵn sàng báo cáo về một trận đánh lớn hoặc một vụ đảo chính sắp xảy ra. Điện thoại đổ chuông. Sau một mẩu trò chuyện ngắn gọn bằng tiếng Việt, ông lò dò đứng lên khỏi ghế và bắt đầu vội vàng rảo bước ra vườn. "Thằng út nhà tôi đi làm về muộn, mà đến giờ cho gà ăn rồi," ông giải thích, trong khi tôi vội vàng đuổi theo ông.

        Buổi tối thật ngọt ngào và êm dịu. Một làn gió mát vừa ùa tới xua đi mùi khói xăng và bụi bặm của Sài Gòn. Mặt trăng đã gần tròn, chỉ hơi khuyết một chút xíu trên gương mặt lẽ ra đã rất rực rỡ, những vì sao đã lặn hết. Những luông hoa của bà Thu Nhạn trồng đầy cây Spathiphyllum2. Những bông hoa trắng và những nhụy hoa nhọn hoắt màu kem của chúng lộng lẫy trong ánh sáng buổi tối trên một thảm lá xanh thẫm. Ở cuối vườn hai con gà chọi chăm chăm nhìn chúng tôi với những con mắt tròn xoe. Hai con được nhốt riêng lồng để ngăn không cho chúng đá nhau đến chết. Phạm Xuân Ẩn bắt đầu nói chuyện với chúng bằng giọng nhẹ nhàng, nựng nịu. Ông đổ đầy ngô vào một cái bát con và đặt nó trong chiếc lồng thứ nhất. Ông cũng làm y như vậy với con gà thứ hai. Những động tác của ông rất nhanh và dứt khoát. Tôi chợt nhớ đến sự so sánh mà ông đưa ra giữa những con chim và các phóng viên. Ông cũng thường bón cho các phóng viên với sự chăm chút và tỉ mỉ như thế, nhưng thức ăn mà ông bón cho họ là thông tin.


        Mười tháng sau chuyến đi của mình tới Côn Đảo, tôi kéo chuông trên cánh cổng màu xanh nhà Phạm Xuân Ẩn cho chuyến thăm cuối cùng của chúng tôi. Tôi đến lúc sáu rưỡi tôi, thời điểm mà ông Ẩn cho biết là ông thấy dễ thở hơn. Bà Thu Nhạn ra mở cửa. Khuôn mặt tròn trịa, mọi khi vẫn bình thản như không của bà giờ đây nặng trĩu âu lo. "Rất vui được gặp bà," tôi chào. "Bà có khỏe không?"

----------------------
        1. Phá hoại thanh danh bằng các thủ đoạn như vu khống, bôi nhọ.

        2. Giống cây cành có tác dụng lọc độc tố, thường gọi là cây huệ hòa bình (dịch từ tên gọi thông thường peace lily) hoặc lan Ý, nhưng thực ra không phải là lan mà thuộc họ Ráy (Araceae).

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2020, 11:38:31 am »


        "Không khỏe lắm," bà nói, trong cái tôi ẩm ướt này ! của tháng !. Bà tất tả đi qua vườn và xin cáo lui sau khi đã dẫn tôi vào phòng khách. Căn phòng đã được kê dọn lại. Ở vị trí từng đặt chiếc bàn làm việc của Phạm Xuân Ẩn trước kia, dưới cửa sổ bên phải cánh cửa, là một chiếc giường bệnh viện và một chiếc xe đẩy. Phạm Xuân Ẩn đang nằm nghiêng người nghỉ ngơi trên giường, một chiếc quạt đang thổi vào ông. Da ông trong suốt đến nỗi tôi có thể nhìn thấy máu đang chảy qua những huyết quản của ông. Tai ông nhô hẳn ra khỏi hai bên hộp sọ. Yết hầu lên xuống khó nhọc khi ông há miệng gắng thở. Bộ pyjama trắng lùng thùng quanh người khi ông ngồi dậy và với tay lấy một tách trà sâm. Phạm Xuân Ẩn cho tôi biết là ông đang dùng sừng tê giác để chữa căn bệnh khí thũng của mình. Giờ ông không còn đùa bỡn về cái chết của mình nữa. Đôi mắt màu nâu của ông trong veo và mở to. Cố gắng lấy hơi thở, ông nhăn mặt lại vì đau đớn. Thu hết ý chí và năng lượng dự trữ vốn đã làm ông trở nên nổi tiếng, ông bắt đầu nói, và hai tiếng đồng hồ sau đó ông vẫn còn nói khi tôi nhất quyết xin phép ra về.

        Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng đây sẽ là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Ông đưa ra rất nhiều lý do, chẳng có lý do nào trong đó thực sự thuyết phục, và tôi cảm thấy quyết định chấm dứt những cuộc trò chuyện của chúng tôi đã được đưa ra ở đâu đó. Chúng tôi nói về bài báo trên tờ The New Yorker của tôi đăng trong tháng 5 năm 2005. Phạm Xuân Ẩn phàn nàn rằng nhiếp ảnh gia đã suýt giết chết ông trong buổi chụp kéo dài cả nửa ngày. Tiếp sau màn hành tội này, con chiền chiên cưng của ông rụng hết sạch cả lông và không hót suốt một tuần liền. Sau đó người kiểm tra dữ kiện của tờ tạp chí quấy rầy ông bằng những cuộc điện thoại, ấy thế mà cô ta vẫn xác định nhầm nơi sinh của cụ nội ông ở miền Bắc Việt Nam.

        "Tôi biết chuyên gì đã xảy ra với anh rồi," sau này một người bạn Việt Nam cho tôi biết. "Anh đã đăng tải những thông tin lẽ ra không được phép để lộ ra. Nó vi phạm quy định bảo vệ những bí mật quốc gia. Sau khi anh để lộ những thông tin đó ra, có người đã quyết định cấm cửa anh." Tôi thấy thật buồn khi nghĩ rằng một ông già đang phải dùng sừng tê giác và hồn hển đứt hơi mà vẫn chưa được tin cậy hoàn toàn. Tôi cũng ngạc nhiên khi nhận ra rằng Phạm Xuân Ẩn vẫn còn nhận lệnh từ cấp trên của mình.

        Phạm Xuân Ẩn quay lại với việc phàn nàn về bài báo trên tờ The New Yorker của tôi. "Rất nhiều người không nói chuyện với tôi nữa, và nhiều người khác đang gieo rắc những lời đồn đại và dối trá." Ông nhắc đến những lời công kích nhằm vào gia đình mình nhưng không chịu đưa ra bất kỳ chi tiết nào.

        Tôi đưa cho ông chồng sách và mấy quyển tạp chí tôi đã mang theo làm quà. Phạm Xuân Ẩn cầm lên số mới nhất của tờ Foreign Affairs, thích thú khi nhìn thấy bài viết trang bìa về "Việt Nam và Iraq" của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird. "Ông ta rất uyên bác," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ta chính là kiến trúc sư của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh."

        "Nhưng Việt Nam hóa chiến tranh là một thất bại," tôi nói.

        "Không phải vì nó là một chính sách tồi," Phạm Xuân Ẩn nói. "Nó thất bại vì sai lầm của những người Việt Nam (Cộng hòa)."

        Trông chẳng khác gì một đống xương được bọc bằng thứ giấy xi măng ông vẫn dùng để viết báo cáo mật trước kia, Phạm Xuân Ẩn cố gượng tất cả số hơi sức còn sót lại trong ông để dành cả buổi tối nói và phà trò về tổ quốc Việt Nam yêu dấu của ông. Ông đúng là một con chiên xưng tội hoàn hảo. Cứ thế tuôn trào ra cả một dòng thác thao thao bất tuyệt, thôi thì lẫn lộn đủ mọi thứ từ chiến lược quân sự cho tới những câu chuyện tiếu lâm tục tĩu. Làm sao Phạm Xuân Ẩn có thể che giấu được điều gì khi mà ông nói chuyện thoải mái như vậy về tất cả mọi thứ? Dường như ông là người thẳng thắn và chân thật nhất Việt Nam vậy. Ông diễn vai một nhà báo nói tiếng Anh, Tây hóa và thân Mỹ đạt đến nỗi không một ai có thể ngờ rằng lòng trung thành của ông lại được đặt ở nơi nào đó khác. Phạm Xuân Ẩn dành cả cuộc đời che giấu bằng ngôn từ nơi bản ngã thực sự của ông đang hoạt động, và đến lúc này thì phương pháp đó đã trở thành một thói quen hằn sâu vào tính cách của ông đến nỗi ông không thể nào kìm nổi việc dành cả buổi chỉ để nói và nói.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM