Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:11:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13609 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2020, 04:26:09 am »


        Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân trong tháng 1 và đợt hai của nó vào tháng 5, làm dấy lên trong nước Mỹ xu hướng rút lui khỏi cuộc chiến, Time chuyển văn phòng của mình quay trở lại khách sạn Continental, nơi tờ tạp chí này thuê hai phòng trông ra quán cà phê Givral trên đại lộ Catinat cũ đúc bấy giờ được gọi là đường Tự Do). Phạm Xuân Ẩn như cá gặp nước, không bao giờ phải đi bộ quá hai bước từ Givral tới sân thượng của Continental và La Dolce Vita, tên gọi nhà hàng của khách sạn nghe đầy vẻ mỉa mai1. Phạm Xuân Ẩn cầm trịch ở đài phát thanh Catinat, thông tấn xã vỉa hè. Ông tham dự những buổi giao ban quân sự được gọi là Trò rồ dại lúc năm giờ, và khi Bob Shaplen có mặt ở thành phố, ông lại tụ tập uống cocktail trong phòng của Shaplen tại Continental, trong đó có một chiếc bàn đồ sộ bằng gỗ tếch và một tấm bảng bằng gỗ xốp để Shaplen ghim những tấm bản đồ của mình. Khi Phạm Xuân Ẩn và Shaplen muốn nói chuyên riêng với nhau, họ sẽ bước ra ngoài ban công và chăm chú nhìn qua những hàng me được trồng dọc bên phố trước cửa khách sạn. Giờ uống cocktail kéo dài đến khi tất cả mọi người đi ăn tối ở nhà hàng Augustin hoặc Brodard, hay một trong những nhà hàng Pháp dễ chịu khác của Sài Gòn. Buổi tối kết thúc với một chầu cà phê đêm ở Givral hoặc một màn nhậu trên mái khách sạn Caravelle.

        Trong khi sông cuộc sống công khai của một boulevardier (thị dân phong lưu), thì cuộc sống riêng tư của Phạm Xuân Ẩn lại đạm bạc hơn rất nhiều. Tư Cang kể lại rằng ngôi nhà của Phạm Xuân Ẩn rất bé, tất cả chỉ có 200 mét vuông. Sống giản dị hết mức có thể, Phạm Xuân Ẩn cho biết ông đang dành dụm tiền cho cái ngày ông bị phát hiện, để lại người vợ và bốn đứa con của mình tự xoay xở lấy. "Tôi chấp nhận thực tế rằng sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị bắt, giống như một con cá trong ao. Một con cá nhỏ có thể lọt được qua lưới, nhưng một con cá to thì không. Tôi đã chuẩn bị cho việc bị tra tấn và bị giết. Đó là số phận của tôi."

        Chín Chi và Tám Thảo, những điệp viên đồng chí của Phạm Xuân Ẩn, đã vẽ cho tôi sơ đồ nơi ông từng sống giữa một khu dân cư chật cứng những nhà là nhà nằm giữa chợ trung tâm của Sài Gòn và khu Chợ Lớn, khu Hoa kiều của thành phố. Phạm Xuân Ẩn đã thêm vào đó địa chỉ của ông, 121/55 Lê Thị Riêng. Một địa chỉ có dấu gạch chéo ở giữa thế này có nghĩa là ông không sống ở ngay mặt phố chính mà là trong một con hẻm phía sau nó. "Cứ để ý tìm cái tháp nước," Tám Thảo nói. "Khi nào thấy, ông sẽ biết ngay là ông đến gần nhà ông Ẩn rồi."

        Cái ngày lên đường đi tìm ngôi nhà nơi Phạm Xuân Ẩn  sống khi viết báo cáo bằng mực vô hình và chụp ảnh tài liệu mật, tôi bắt đầu với việc tham quân một vòng qua những chốn cũ ông thường lui tới ở trung tâm Sài Gòn. Từ ban công phòng mình tại khách sạn Continental, tôi trông xuống đại lộ Catinat cũ về phía sông Sài Gòn. Đúng theo phong cách tỉnh lẻ của Pháp, những thân cây đã được tỉa tót ngay ngắn với những gốc cây sơn trắng, và nằm phía dưới là một di sản thuộc địa khác, nhà hát thành phố vốn trong suốt hai thập kỷ đã được sử dụng làm tòa nhà Quốc hội của Nam Việt Nam.

        Bên kia quảng trường phía trước nhà hát là khách sạn Caravelle cũ, lép vế bên tòa nhà mới xây thêm đổ bóng cao ngất phía trên. Cánh phóng viên từng có thời tụ tập ở quầy bar trên sân thượng của khách sạn Caravelle để ngắm nhìn những viên đạn vạch đường và rốc két chiếu sáng rực cả bầu trời đêm trên vùng ven đô Sài Gòn.

        Phía bên phải mình, tôi nhìn ngang qua đại lộ Catinat, bây giờ mang tên đường Đồng Khởi, về phía thương xá Eden, một tòa nhà đồ sộ màu nâu xám chiếm trọn cả khu phố nằm giữa khách sạn Continental và khách sạn Rex. Một thời từng là trụ sở văn phòng đại diện của Associated Press và các cơ quan báo chí khác, thương xá Eden bây giờ chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát mốc meo dùng làm nơi sinh sống cho các gia đình trong những căn phòng xiêu vẹo. Những ban công bị băm nát bởi nhà tắm ngoài trời và chuồng gà. Hoa và dây leo mọc um tùm trên mặt tiền đổ nát, và ngay khi những cư dân ở đây có thể bị trục xuất đi nơi khác, chắc chắn thương xá Eden sẽ trở thành một chiếc răng hàm nữa bị nhổ ra khỏi cái miệng vốn đã thưa thớt răng của Sài Gòn.

------------------
        1. La Dolce Vita tiếng Ý nghĩa là 'cuộc sống êm ái'.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2020, 08:34:43 am »


        Ngược lên hai khu phố, về phía tòa thánh đường xây bằng gạch đó của Sài Gòn, tôi để ý đến tòa cư xá ở số 22 đường Gia Long1 từng có thời được dùng làm địa điểm bí mật của CIA. Trên nóc của tòa nhà là gian buồng thang máy mái bằng vốn được sử dụng làm bãi đỗ trực thăng khẩn cấp trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đây chính là nơi hàng đoàn người tị nạn đã bu lấy một chiếc thang gỗ ọp ẹp dẫn lên chiếc trực thăng được điều đến cứu họ - một hình ảnh được Hubert Van Es ghi lại trong tấm ảnh rất ấn tượng của ông về chuyến bay cuối cùng rời khỏi Sài Gòn, cất cánh từ nóc tòa Đại sứ Mỹ. Trong thực tế thì nó không phải chuyến bay cuối cùng mà cũng chẳng phải là nóc tòa Đại sứ Mỹ, nhưng đó là một bức ảnh cực kỳ sống động khi diễn tả được sự nhục nhã trong chuyến rút chạy tán loạn của Mỹ khỏi Việt Nam đến nỗi người ta vẫn gọi nó như vậy.

        Ngay phía dưới khách sạn Continental, ở dưới chân thương xá Eden, là quán cà phê Givral. Được xây với những ô cửa sổ uốn cong trông thẳng ra hai con phố tất bật nhất thành phố, cái nhà hàng trông như bể cá vàng này là vọng gác hoàn hảo để theo dõi Sài Gòn thời chiến. Phía bên kia đường là khoảng sân thượng ngoài trời và quầy bar của khách sạn Continental. Ở mỗi bên của quán cà phê trải dài những cửa hàng chiếm trọn sàn tầng trệt của Eden Building. Người Mỹ thường ngồi trong những ô bàn kê sát cửa sổ của Givral, trong khi người Việt Nam ngồi bên trong gần với phía quầy bar, vừa kín đáo trò chuyện vừa nhấm nháp ly cà phê đá quấy với sữa đặc quánh.

        Khoảng sân bên trong của khách sạn Continental, với khu vườn nổi tiếng của nó, vẫn nguyên vẹn không thay đổi kể từ những ngày Phạm Xuân Ẩn và Tư Cang ngồi đây lên kế hoạch cho Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Trong không gian tách biệt này với dãy bàn được kê dưới những cây sứ đang trổ hoa, tôi ngồi cạnh những loại cây leo giàn trồng trong bình gốm Trung Quốc, một cây cọ có thân được trang trí bằng giấy bóng kính đó, một hồ cá thả đầy cá vàng, và một cột đèn mang phong cách "belle époque"2 có lẽ được chính Gustave Eiffel thiết kế cũng nên. Ngay phía trên bàn tôi là một cây hoa sứ với những cánh tay vẫy gọi thoải mái vươn ra đến gần chục mét lên không trung, trước khi đến một viền là những chiếc lá thon dài hình thìa và những bông hoa trắng với mùi hương nhiệt đới nồng nàn.

        Ngày hôm đó đã bắt đầu trở nên oi bức, ánh nắng mặt trời rọi xuống qua một làn khói diesel và bụi bặm, khi Việt, người lái xe ôm, và tôi hướng về phía chợ Bến Thành. Nhìn thấy tòa tháp nước, cột mốc mà Tám Thảo đã kể làm vật chuẩn, chúng tôi rẽ vào một con hẻm không rộng hơn sải tay tôi, trước khi đường đi đột ngột dừng lại ở một ngôi chùa với những người bán hàng cá và hoa quả ngồi túm tụm phía trước. Khi hỏi thăm đường tới nhà Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi được khuyên gõ cửa nhà một bà già đã sống ở đây nhiều năm nay. Chúng tôi thấy bà lão đang ngồi nhãi trầu, và, vâng, bà có nhớ ra ông nhà báo chuyên đậu chiếc xe của mình ngoài đường lớn và, vì có thẻ báo chí, là người duy nhất trong cả khu này có thể đi về bất kỳ giờ nào cả ngày lẫn đêm.

        Bà lão bảo cháu gái dẫn đường cho chúng tôi qua một mê cung những ngóc ngách phía sau ngôi chùa. Chúng tôi đi theo cô bé vào một ngách nhỏ bên cạnh ngôi chùa mà trước đó tôi không nhận ra. Chúng tôi cuốc bộ bên phải, bên trái, rồi lại bên phải. Con hẻm cứ hẹp dần sau mỗi khúc ngoặt, hai khuỷu tay tôi quệt vào tường nếu tôi khuỳnh tay ra. Một đám đông hiếu kỳ tụ tập lại khi mọi người đổ từ trong nhà ra chăm chú nhìn cả đoàn, và chỉ một lát sau cả khu dân cư đã tham dự vào việc quyết định xem chính xác thì ngôi nhà nào là nhà của Phạm Xuân Ẩn và đâu là nhà của cha mẹ ông. Cuối cùng chúng tôi cũng nhất trí được rằng bản đồ của tôi chính xác. Tôi nhấn chuông trước cửa số nhà 121/55. Một thanh niên ra mở cánh cổng trước tòa nhà mới xây ba tầng và xác nhận rằng đây chính là nơi nhà báo nổi tiếng đã từng sống, mặc dù ngôi nhà cũ của ông đã bị đập bỏ để nhường chỗ cho một công trình hiện đại hơn.

--------------------
        1. Nay là đường Lý Tự Trọng.

        2. "Thời kỳ tươi đẹp: giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất ở Pháp, với sự phát triển văn hóa, kiến trúc rực rỡ.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2020, 08:35:50 am »


MỘT ĐẤT NƯỚC DO SALVADOR DALI TẠO RA

        Phạm Xuân Ẩn lập thêm được nhiều kỳ công nữa trong những năm sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, một số kỳ công là trên cương vị điệp viên, một số khác trên cương vị nhà báo. Thỉnh thoảng, trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi, tôi lại nhận ra đầu óc mình đang quay cuồng khi hình dung ra cảnh ông phải hoán đổi liên tục giữa các vai trò mà ông đảm nhiệm trong cuộc chiến tranh. Khi quân đội miền Nam Việt Nam sang xâm chiếm Lào năm 1971, Phạm Xuân Ẩn đã báo trước cho miền Bắc Việt Nam. Cảnh báo sớm của ông bao gồm cả kế hoạch tác chiến của cái gọi là Chiến dịch Lam Sơn 719, giúp cộng sản gây ra 8.000 thương vong cho đối phương. Bị bỏ lại trong rừng rậm tại Lào ở cuối cuộc xâm lược thảm họa này là 100 máy bay trực thăng, 150 xe tăng, và tất cả những hy vọng rằng quân đội miền Nam Việt Nam có đủ khả năng tự bảo vệ chống lại miền Bắc.

        "Khi chúng tôi thua trận tại Nam Lào năm 1971, chúng tôi đang hy vọng có thể cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh, sau một cuộc tấn công trước đó vào Campuchia để cắt đứt Đường mòn Sihanouk," Phạm Xuân Ẩn nói.

        "Ý ông là sao khi ông nói chúng tôi thua trận?" tôi hỏi.

        "Tôi đang nói đến phe quốc gia. Tôi xin lỗi. Tôi nhầm lẫn," Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa bật cười.

        Đến lượt tôi bối rối khi ông tiếp tục nói về trận đánh từ quan điểm của phía miền Nam, có lẽ là để lảng tránh sự chú ý vào những hậu quả chết người mà vai trò điệp viên của ông gây ra. Cùng với trận Ấp Bắc và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Lam Sơn 719 là một trong những thắng lợi then chốt của cộng sản xuất phát từ, ít nhất là một phần, những tin tức tình báo của Phạm Xuân Ẩn. Lực lượng miền Nam Việt Nam đã chắc mẩm rằng hỏa lực của họ cùng sự yểm trợ bằng không quân của Mỹ có thể giành ưu thế, nhưng những yếu tố được cho là lợi thế này đã trở nên vô ích khi đương đầu với một đối phương vốn đã biết trước mọi hành động của họ. Những tin tình báo chiến thuật của Phạm Xuân Ẩn cho phép Quân đội Nhân dân Việt Nam nhắm trúng binh sĩ Nam Việt Nam bằng những đợt oanh tạc dữ dội gồm cối, những khẩu đội rốc két, và pháo binh, gồm cả những khẩu pháo 130 mm có thể bắn đến 8 phát một phút vào những mục tiêu cách xa 18 dặm1.

        Đến tháng 1 năm 1973, Hiệp định Hòa bình Paris đã được ký kết, dẫn đến quá trình "Việt Nam hóa" chiến tranh, và đến tháng 3 thì hầu hết những lực lượng trên mặt đất của Mỹ đã rời khỏi Việt Nam. Trong suốt những cuộc đàm phán tại Paris, dựa vào những tin tức rò rỉ từ người đứng đầu Phủ Đặc ủy Trung ương Tĩnh báo Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã cập nhật kịp thời cho cả Time và những người cộng sản về những trò nghi binh trong đàm phán của Henry Kissinger và việc Nam Việt Nam phản đối hiệp định này, mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu coi là hành động bán đứng sớm muộn sẽ dẫn đến ngày tàn cho miền Nam. Nhờ những thông tin của Phạm Xuân Ẩn, những người cộng sản đã xỏ mũi Kissinger ở Paris và Time xỏ mũi được Newsweek ở New York. "Chúng tôi hớt tay trên của họ với câu chuyên hấp dẫn hơn. Đó là một ngày tươi đẹp đối với chúng tôi," ông nói.

        Một lần nữa Phạm Xuân Ẩn lại phân tích tình hình chính trị một cách vô cùng nhạy bén khi ông chứng kiến vụ bê bối Watergate và việc Tổng thống Richard Nixon từ chức tháng 8 năm 1974. Ông biết rằng Quốc hội Mỹ sẽ không bao giờ cho phép tổng thống đưa lực lượng mặt đất của Mỹ quay trở lại cuộc chiến. Với sức mạnh quân sự của Mỹ bị kiềm chế, Phạm Xuân Ẩn thúc giục những người cộng sản triển khai đòn tấn công cuối cùng. Họ còn rất e dè về mặt quân sự, cho đến khi Phạm Xuân Ẩn thuyết phục họ rằng cuối cùng thì cũng đã đến lúc chiếm lấy Sài Gòn. Tấm huân chương Quân công cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn là để tặng thưởng cho vai trò ông đảm nhiệm trong Chiến dịch Hồ Chí Minh -  những trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến tranh kết thúc với sự sụp đổ của Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hành động cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn trong cuộc chiến này là một hành động ân tình. Vài giờ trước khi thành phố sụp để, ông dàn xếp vụ tẩu thoát cho người bảo trợ cũ của mình, trùm mật vụ miền Nam Việt Nam Trần Kim Tuyến. Trong bức ảnh nổi tiếng của Hubert Van Es về chuyến bay cuối cùng rời khỏi Sài Gòn, người cuối cùng đang trèo lên chiếc thang ọp ẹp tới chỗ chiếc trực thăng đang chờ đợi chính là Trần Kim Tuyến. Ngoài khung hình, phía dưới đường phố, người đang đứng vẫy tay trong nước mắt, là Phạm Xuân Ẩn.

-----------------------
        1. Khoảng 30 kilômét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2020, 08:36:08 am »


        "Trước đó Tuyến bất ngờ xuất hiện trong phòng làm việc của tôi," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ấy đã chờ đợi quá lâu để thoát ra ngoài, và giờ thì mắc kẹt lại. Có thể Chúa đã quyết định rằng tôi phải giúp người đàn ông này. Tôi nghĩ ông ấy xứng đáng được tôi đáp lại sự giúp đỡ mà ông ấy đã dành cho tôi. Và thế là ông ấy trở thành người cuối cùng bước lên chiếc trực thăng cuối cùng của CIA đi di tản. Tôi đã không lầm," ông kết luận.

        Mùa hè năm 2007, tôi ăn tối với một người Việt Nam di tản là Trần Tử Thanh tại một nhà hàng bên ngoài Washington, D.C. Ông Thanh đã làm việc cho tướng Nguyễn Ngọc Loan ở bộ phận tình báo. Ông ta đã thẩm vấn những tù binh bị bắt giữ, và, với tư cách là một người bạn của Phạm Xuân Ẩn, ông ta đã vô tình cung cấp một số thông tin mà ông Ẩn gửi cho miền Bắc. Là con trai của một giáo sư toán học từng có thời làm phó thủ tướng Cộng hòa Việt Nam, Thanh bị bắt vào thời khắc cuối cùng của cuộc chiến. Ông ta bị giam giữ suốt 15 năm.

        "Tại sao Phạm Xuân Ẩn lại phải dành cả ngày cuối cùng của cuộc chiến để vất vả đưa Trần Kim Tuyến thoát ra nước ngoài?" Thanh hỏi, khi chúng tôi bắt đầu bữa tối của mình. Ông ta phỏng đoán rằng chắc Phạm Xuân Ẩn phải có một lý do thích đáng để đưa Trần Kim

        Tuyến thoát khỏi hoàn cảnh đó. Nếu như Trần Kim Tuyến bị bắt giữ và tra khảo, điều chắc chắn sẽ xảy ra, thì cái tên nào có thể sẽ buột ra khỏi miệng ông ta? Như thế hẳn sẽ vô cùng khó xử cho đồng nghiệp và phụ tá trung thành cũ của ông ta là Phạm Xuân Ẩn. Nêu tất cả những lời đồn đại về việc Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên hai mang là chính xác, thì Trần Kim Tuyến sẽ là nguồn tin tốt nhất để chứng thực những tin đồn này.

        Ngày 12 tháng 5 năm 1975, tờ thông tin nội bộ của công ty Time, F.Y.I., đăng một bức ảnh của Phạm Xuân Ẩn trên trang nhất của mình. Bức ảnh được chụp ngay trước khi lực lượng cộng sản tiến vào Sài Gòn, trong đó Phạm Xuân Ẩn đang ngạo nghễ hút một điếu thuốc ngay trước tòa thị chính Sài Gòn. Mái tóc đen của ông được chải lật ra sau trán và ông nheo mắt nhìn về phía chân trời, như thể đang săm soi những mớ xe tăng. "Phóng viên Phạm Xuân Ẩn cho vợ và bốn người con lên máy bay nhưng quyết định ở lại tổ quốc của mình," bài báo viết. Lý do mà ông đưa ra cho việc ở lại đúng là cực kỳ bí hiểm. "Tôi là một người Việt Nam và là một phóng viên, còn di tản chỉ là một chương của câu chuyện."

        Trong những ngày trước khi chính phủ quốc gia sụp đổ, các biên tập viên của Time đã liên tục xúc tiến những nỗ lực di tản không thành. Đã hai lần họ điều những chiếc máy bay được thuê riêng tới Sài Gòn nhưng đều phải quay đầu tại sân bay. Không một khoản hối lộ nào như mọi khi có thể giúp xoay được visa xuất cảnh, và chính phủ Mỹ vẫn khăng khăng phủ nhận rằng đã đến ngày tàn của cuộc chiến tranh. Murray Gart, người quản lý các phóng viên thường trú của Time, bay tới Hồng Kông và thuê một chiếc tàu có thể chở một trăm hành khách khởi hành tới Việt Nam, nhưng con tàu đã bị hải quân Nam Việt Nam giữ lại để làm phương tiện tẩu thoát cho chính mình. Gart bay tới Washington và cắm trại bên ngoài văn phòng của Henry Kissinger. Đến cuối ngày, vị ngoại trưởng cuối cùng cũng xuất hiện và hứa sẽ điện cho đại sứ tại Sài Gòn yêu cầu giúp đỡ. Trong vòng một tuần, mọi thành viên trong biên chế của Time, chỉ trừ Phạm Xuân Ẩn, đều được bốc ra khỏi Việt Nam.

        "Năm cuộn phim của bà An đã gởi đi chiều nay. Phim sẽ được xử lý tại phòng rửa ảnh ở Clark hay Guam," đó là nội dung bức điện mật gửi về trụ sở của Time, thông báo rằng vợ của Phạm Xuân Ẩn và bốn người con đã được chở tới một căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Sau khi trải qua "phòng rửa ảnh" Guam và trại Pendleton ở California, gia đình của Phạm Xuân Ẩn được bố trí ở Washington, nơi họ ở với déesse của Phạm Xuân Ẩn là Beverly Deepe. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày Sài Gòn sụp đổ vào tay cộng sản, Phạm Xuân Ẩn đánh điện về trụ sở tòa soạn ở New York rằng "văn phòng của Time giờ do mình tôi Phạm Xuân Ẩn, điều hành". Sau khi cung cấp một bài phản ánh những sự kiện của ngày hôm đó ở miền Nam, Phạm Xuân Ẩn gửi thêm ba phóng sự nữa trước khi đường truyền câm lặng hoàn toàn.

        Khi những đồng nghiệp của ông biết được câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn từ những lời đồn đại bắt đầu lan truyền trong những năm 1980, mỗi người mới chợt nhớ ra một điều gì đó đáng ngờ giờ đây bỗng nhiên lại được giải thích bởi cái thông tin kia. Nick Turner, sếp cũ của Phạm Xuân Ẩn tại Reuters, khẳng định những mối nghi ngờ của ông ta về những lần vắng mặt không thông báo của Phạm Xuân Ẩn khỏi văn phòng. H. D. s. Greenway, được bạn bè gọi là David, chợt hiểu tại sao người đồng nghiệp của ông tại Time lại biết nhiều hơn mình về Chiến dịch Lam Sơn 719.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2020, 08:36:37 am »


        "Tôi đã lên đến tận vùng biên giới gần Khe Sanh, chứng kiến những người lính bị nện tơi bời rút lui khỏi Lào," Greenway kể với tôi. "Tôi miêu tả họ là những người sống sót của thê đội đi đầu trong cuộc tấn công. 'Không,' Phạm Xuân Ẩn nói, không có một chút do dự. Thê đội đầu tiên bị quét sạch rồi. Những gì anh thấy là những người sống sót sau nỗ lực giải cứu thê đội thứ nhất, mà nỗ lực này cũng thất bại nốt.' Sau này, khi nghĩ lại tôi mới thấy là dường như anh ta nắm thông tin rất chắc. Đó là kiểu hiểu biết mà anh chỉ có thể có được khi biết rõ cả hai bên trong cuộc chiến đang làm gì."

        Nayan Chanda, người hồi đó làm việc cho Reuters và Far East Economic Review (Tạp chí kinh tế Viễn Đông), nhớ lại lần nhìn thấy Phạm Xuân Ẩn đứng trước cửa Dinh Độc Lập vào ngày cuối cùng của cuộc chiến khi chiếc xe tăng 843 của cộng sản húc đổ tung cánh cổng sắt. "Có một nụ cười rất lạ lùng, bí hiểm trên mặt anh ta. Dường như anh ta rất hài lòng và thoải mái với chính mình. Tôi thấy rất kỳ quặc," Chanda nói. "Vợ và các con anh ta vừa mới được đưa ra khỏi Việt Nam, vậy mà dường như anh ta chẳng thèm bận tâm đến bất kỳ điều gì trên đời." Sau này Chanda mới nhận ra là Phạm Xuân Ẩn  đang tận hưởng niềm vui chiến thắng của cộng sản mà chính ông đã ủng hộ suốt 30 năm.

        Ngoài việc bị Chanda thoáng bắt gặp, Phạm Xuân Ẩn  vẫn giữ vỏ bọc của mình nguyên vẹn sau năm 1975. "Đó là một thời khắc nguy hiểm đối với tôi," ông nói. "Sẽ rất dễ xảy ra chuyên có người cho tôi một viên đạn xuyên qua sọ. Tôi sợ là họ sẽ giết tôi và nướng chả lũ chó của tôi. Tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi ai đó ở trong cứ ra và công nhận tôi."

        Phạm Xuân Ẩn và mẹ ông chuyển vào trong khách sạn Continental, nơi họ ở trong căn phòng cũ của Robert Shaplen. (Shaplen đã ấn chìa khóa vào tay Phạm Xuân Ẩn khi ông rời khỏi đất nước này). Cuối cùng Phạm Xuân Ẩn chuyển sang văn phòng gồm hai phòng của Time. Ông bị công an triệu lên thẩm vấn liên tục cho đến khi các quân chức tình báo can thiệp. Mọi người bắt đầu nghi ngờ ông là "một người cách mạng" khi họ thấy ông đạp xe đạp tới các điểm phân phát hàng quân sự và ra về với những túi gạo và thịt buộc ở ghi đông. Mặc dù vậy họ vẫn đoán ông là một người "cách mạng 30 tháng 4", tức là người nhảy sang phe cộng sản chỉ sau khi Sài Gòn đã sụp đổ.

        Lẽ ra Phạm Xuân Ẩn đã theo gia đình mình sang Washington và tiếp tục hoạt động tình báo, nhưng nhiệm vụ này đã bị dừng lại vào phút chót. Lẩn trong làn sóng những người di tản khỏi đất nước, gia đình của Phạm Xuân Ẩn phải mất cả năm trời cố tìm cách quay trở lại Việt Nam thông qua một tuyến đường lòng vòng đi qua Paris, Mátxcơva, và Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Bình, người bạn thời thơ ấu của Phạm Xuân Ẩn, cuối cùng cũng đưa được họ về nhà. Gia đình của Phạm Xuân Ẩn đã phải trú ngụ suốt bốn tháng liền ở hành lang Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, bị đẩy qua đẩy lại giữa những cơ quan tình báo và an ninh của Việt Nam, cho đến một hôm bà Bình bắt gặp họ đang ngồi ở đó. Tại thời điểm đó Việt Nam có hai đại sứ quán, một của những người cộng sản và một của Đại sứ Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau công việc của mình trên cương vị người đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hiệp định Paris, sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của bà Nguyễn Thị Bình là bố trí đưa gia đình Phạm Xuân Ẩn trở về nước an toàn.

        Với tư cách là người cuối cùng còn ở lại văn phòng của Time tại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn nghiễm nhiên trở thành trưởng đại diện. Tên của ông vẫn xuất hiện trên Time cho đến ngày 3 tháng 5 năm 1976. Ông trả lời các yêu cầu và gửi phản ánh trong suốt một năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, nhưng càng ngày ông càng viết ít hơn.

        Thông báo chính thức đầu tiên về lòng trung thành trong thời chiến tranh của Phạm Xuân Ẩn được đưa ra tháng 12 năm 1976, khi ông bay ra Hà Nội với tư cách đại biểu quân đội tại Đại hội Đảng lần thứ 4. Những bạn bè thấy ông đi khắp Hà Nội trong bộ quân phục màu xanh thẫm mà ông mặc lần đầu tiên trong đời, đều sững sờ trước sự biến đổi của Phạm Xuân Ẩn từ một nhà báo thành một anh hùng ngực đầy huân chương. "Rất nhiều VC1 ở miền Nam ngạc nhiên khi họ thấy tôi," Phạm Xuân Ẩn nói. "Họ tưởng CIA đã bỏ tôi ở lại."

-------------------
        1. Việt Cộng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2020, 08:36:57 am »


        Nguyễn Khải, nhà văn Việt Nam nổi tiếng, người về sau viết một cuốn tiểu thuyết về Phạm Xuân Ẩn, là một trong những người như vậy. "Anh thuộc về cách mạng!" ông thốt lên. "Tôi thuộc về tất cả," Phạm Xuân Ẩn trả lời. "Người Pháp, người Mỹ, và bây giờ là cả cách mạng nữa."

        Khi hàng trăm nghìn người Việt Nam biến vào trong các nhà tù và trại lao động, Phạm Xuân Ẩn được cử tới nơi mà ông vẫn gọi đùa là "trại cải tạo". Tháng 8 năm 1978, ông được cử tham gia khóa bồi dưỡng mười tháng ở Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội. Đây là một khóa bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Marx cho những cán bộ cấp cao. "Tôi đã sống quá lâu trong lòng địch," ông nói. "Họ cử tôi tới đó để tái chế."

        Luôn là một học viên kém, Phạm Xuân Ẩn hoàn thành khóa học ở vị trí gần bét lớp. "Họ không ưa kiểu nói đùa của tôi," ông nói về những người miền Bắc khó đăm đăm đang cố dạy ông thứ tiếng Việt "mới" đầy những từ ngữ chính trị mượn của Trung Quốc. Phạm Xuân Ẩn trải qua những cơn mưa lạnh thấu xương của mùa đông Hà Nội, ngủ trên cái giường gỗ với một tấm chăn bông. "Tôi mặc một cái áo bông Trung Quốc khiến tôi nhìn cứ như xác ướp. Tôi hỏi xin một cái áo khoác Nga nhưng vẫn thấy rét như thường, thế là tôi quay lại và hỏi xin một chiếc áo khoác 111 độ. "Làm gì có cái đó?" ông giám đốc học viện hỏi. "Ba cô gái," tôi nói, "một người ngủ bên phải tồi, một người ngủ bên trái, và một người ngủ bên trên."

        "Họ hoàn toàn không ưa tôi tí nào," Phạm Xuân Ẩn  nói về những giảng viên bồi dưỡng chính trị của mình. "Nhưng tôi chưa phạm sai lầm nào nghiêm trọng đến mức bị kỷ luật cả." Phạm Xuân Ẩn bị đấy vào tình trạng đóng băng về chính trị cả một thập kỷ. Ông bị hạn chế gặp gỡ những đồng nghiệp người Mỹ trước đây đến thăm Việt Nam, và xuất hiện nhiều lời đồn đoán về việc tại sao ông bị an trí một nơi. Ông quá thân thiết với người Mỹ, quá hiểu biết, và quá rành chính trị phương Tây. Ông đã để cho trùm mật thám Trần Kim Tuyến trốn thoát. Ông từ chối vạch mặt những đồng nghiệp Việt Nam từng làm việc cho CIA. Có lẽ, như người ta nghe thấy Phạm Xuân Ẩn phàn nàn, cộng sản coi ông như một rentier (chủ tô), người thu tiền của những nông dân sống trên đất của mình.

        Trong thời gian đó, ông vẫn đang lặng lẽ chờ thời, chờ cho bầu không khí chống Mỹ thay đổi thì Việt Nam lại tiếp tục tham gia vào những cuộc chiến. Ngày 15 tháng 1 năm 1976, ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - danh hiệu quân đội cao quý nhất của Việt Nam. Đến năm 1978 ông là trung tá, đến năm 1981 là thượng tá, và đến năm 1984 thì lên đại tá. Năm 1990, khi vẫn phục vụ trên cương vị một sĩ quan đang công tác, ông đã được thăng quân hàm cấp tướng.

        Khi nhìn ra Sài Gòn qua cánh cổng ngôi biệt thự nơi ông ở, Phạm Xuân Ẩn vẫn chưa thấy dấu hiệu của thiên đường. Thành phố đông chật những đảng viên cốt cán nghiêm nghị và dân đầu cơ hãnh tiến từ miền Bắc tràn vào. Giống như Voltaire, Phạm Xuân Ẩn dành hết tâm trí cho khu vườn của mình. Thực ra, vợ ông, bà Thu Nhạn làm vườn, nhưng một phần của nó luôn được dành riêng cho những chiếc lồng nuôi lũ gà chọi và chim quý của Phạm Xuân Ẩn.

        Vào những dịp khi Phạm Xuân Ẩn rời khỏi nhà và cố đóng góp cho việc xây dựng lại Việt Nam thời hậu chiến, thì chỉ nhận được sự thờ ơ đầy quân liêu. Ồng để xuất đổi tên công viên nhỏ trước nhà thờ Công giáo là Quảng trường Morrison, theo tên của tín đồ dòng Quaker người Mỹ Norman Morrison, người đã tẩm xăng lên mình và tự thiêu đến chết bên ngoài văn phòng của Robert McNamara tại Lầu Năm Góc. McNamara đã đứng ở cửa sổ văn phòng của mình và chứng kiến Morrison bốc cháy, và như sau này ông ta viết trong cuốn hồi ký năm 1995 của mình, Nhìn lại (In Retrospect), "cái chết của Morrison là một bi kịch không chỉ đối với gia đình anh ấy mà đối với cả tôi và đất nước... Tôi phản ứng lại với nỗi kinh hoàng từ hành động của anh ấy bằng cách phong kín những cảm xúc của mình lại và tránh nói về những cảm xúc ấy với bất kỳ ai - ngay cả với gia đình mình. Marg [vợ của McNamara] và ba đứa con của chúng tôi chia sẻ rất nhiều cảm xúc của Morrison về cuộc chiến tranh... và tôi tin rằng tôi hiểu và chia sẻ với một số suy nghĩ của anh ấy." Được biết đến trong thời thuộc địa với tên gọi Place (Quảng trường) Pigneau de Béhaine, theo tên của nhà truyền giáo người Pháp thế kỷ 18, người đã mở cửa Việt Nam ra với ảnh hưởng của châu Âu, và trong thời chiến tranh Việt Nam thì được gọi là Quảng trường John F. Kennedy, cái công viên nhỏ trước cửa nhà thờ hiện được đặt tên là Công xã Paris.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2020, 05:29:14 am »


        Vào năm 1981, cựu phóng viên thường trú của Newsweek Arnaud de Borchgrave, trong phiên điều trần trước tiểu ban của Thượng viện Mỹ về an ninh và khủng bố, đã lên án Phạm Xuân Ẩn là một "điệp viên tung tin lung lạc". Đây là lời buộc tội không có cơ sở mà đối thủ cạnh tranh cũ của Phạm Xuân Ẩn đang trả thù vì đã bị ông hớt tay trên trong thời gian diễn ra vòng đàm phán hòa bình Paris. Cũng trong năm đó, Stanley Karnow, khi viết trên tờ Wall Street Journal (Nhật báo phố Wall), đã miêu tả Phạm Xuân Ẩn - người mà ông ta không được phép gặp trong một chuyến đi tới Sài Gòn - là "một quân chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam". Những báo cáo này càng khẳng định điều những người khác đã biết kể từ lần đầu tiên Phạm Xuân Ẩn mang trên người một bộ quân phục và bắt đầu đạp xe đạp tới các cuộc họp chi bộ hằng tháng năm 1976.

        "Chúng tôi cho đây là một chuyên khôi hài," David Greenway nói khi tôi hỏi ông ta về lời buộc tội rằng Phạm Xuân Ẩn là một "điệp viên ảnh hưởng" có nhiệm vụ thao túng thông tin và gài cắm tin tức trong Time. Green way, người bị thương khi đưa tin về Tổng tấn công Tết Mậu Thân tại Huế, rời khỏi Time năm 1972 và về sau trở thành biên tập viên phụ trách trang xã luận của tờ Boston Globe (Địa cầu Boston). "Những biên tập viên tại Time đâu có chịu nghe chúng tôi. Không một phóng viên nào của Time có thể thao túng thông tin cả. Anh ta cũng không thể nào may mắn hơn những người còn lại trong chúng tôi được."

        Thay vì gài cắm tin thất thiệt, theo lời Richard Pyle, cựu trưởng đại diện văn phòng Sài Gòn của hãng Associated Press: "Phạm Xuân Ẩn đã cứu cho Time khỏi bẽ mặt khi đăng tải những câu chuyện không đúng sự thật. Đây là một thủ thuật rất cao tay của anh ta. Không để lộ ra là làm sao anh ta lại biết và biết những gì, anh ta sẽ để bạn biết là bạn có đang đi đúng hướng hay không."

        Sau khi biết được tin về cựu phóng viên thường trú phụ trách mảng chính trị tại Sài Gòn của mình, Murray Gart, người quản lý các phóng viên thường trú của Time trong chiến tranh, được cho là đã nói: "Ẩn, đồ chó đẻ, tôi phải giết hắn." Peter Arnett cũng chỉ trích Phạm Xuân Ẩn không kém. Hai nhà báo này vẫn thường gặp nhau ở quán Givral để trao đổi tin tức. "Tôi vẫn còn cảm thấy đau lắm," Arnett nói. "Mặc dù tôi hiểu anh ta trên cương vị một người Việt Nam yêu nước, tôi vẫn cảm thấy bị phản bội về phương diện báo chí. Trong suốt cuộc chiến đã có những lời cáo buộc rằng chúng tôi bị cộng sản thâm nhập. Những gì anh ta làm đã cho phép lực lượng cánh tả bước đến và thụi vào mắt chúng tôi. Khoảng một năm trời gì đó, tôi vẫn còn thấy uất hận lắm. Sau đó tôi tự nhủ đó là công việc của anh ta."

        Trừ một số ngoại lệ hiếm hoi - mà ngay cả Arnett cũng ca ngợi Phạm Xuân Ẩn là một "tay gan lì" - những đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn đều thống nhất quan điểm ủng hộ ông. "Tôi có tức giận không khi tôi biết chuyện về Phạm Xuân Ẩn à?" Frank McCulloch nói, ông là người đầu tiên thuê Phạm Xuân Ẩn làm việc cho Time. "Hoàn toàn không. Đó là tổ quốc của anh ấy, tôi nghĩ. Nếu hoàn cảnh đảo ngược lại, tôi cũng sẽ làm hệt như vậy thôi."

        McCulloch, hiện đang sống trong một khu dành cho người hưu trí ở California sau một sự nghiệp thành công trên cương vị biên tập viên điều hành của tờ Los Angeles Times, tờ Sacramento Bee, và những tờ báo khác, nhớ về Phạm Xuân Ẩn như "đồng nghiệp và phóng viên ngôi sao" của mình, "... Phạm Xuân Ẩn có sự am hiểu cực kỳ tinh tường về chính trị Việt Nam, và anh ta luôn vô cùng chính xác." McCulloch cười phá lên. "Tất nhiên là anh ta chính xác rồi, cứ xem những nguồn của anh ta thì biết!"

        Nhớ đến Phạm Xuân Ẩn với cảm tình và lòng tôn trọng, McCulloch nói ông "vô cùng sung sướng" được tổ chức một quỹ quyên góp năm 1990, gây được 32.000 đô la để đưa con trai trưởng của Phạm Xuân Ẩn, Phạm Xuân Hoàng Ẩn, tới trường báo chí ở Đại học Bắc Carolina. Danh sách những người đóng góp cho quỹ đọc lên nghe giống như một danh sách Ai là Ai (nhân vật nổi tiếng) về các phóng viên chiến tranh Việt Nam. (Hoàng Ẩn, vốn được bạn bè và gia đình gọi là "Ẩn con", giành được một bằng luật tại Đại học Duke năm 2002. Làm việc cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, anh đã tháp tùng chủ tịch nước Việt Nam tới Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của chủ tịch đến Washington năm 2007).

        "Cứ giả sử là nước Mỹ năm 1966 đã bị chiếm đóng bởi nửa triệu binh lính Việt Nam, những kẻ đến đây và bảo chúng ta phải điều hành đất nước của mình như thế nào," McCulloch nói với David Felsen. "Giả sử như tôi có cơ hội đánh bại họ và đuổi họ về nước? Tôi sẽ làm chính xác những gì mà Phạm Xuân Ẩn đã làm."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2020, 05:29:52 am »


        "Phạm Xuân Ẩn thể hiện cho ông như thế nào rằng ông ấy yêu đất nước của mình?" Felsen hỏi.

        "Bằng cách không hề cố gắng chứng tỏ cho tôi thấy rằng anh ấy yêu đất nước mình đến nhường nào," McCulloch trả lời. "Phạm Xuân Ẩn không hề thể hiện tình yêu sâu sắc đối với đất nước và nhân dân mình. Anh ấy thực hiện nó. Anh ấy tin tưởng vào nó, và anh ấy thực hiện nó. Tôi vẫn vô cùng tôn trọng anh ấy, như một con người, như một công dân và người yêu nước Việt Nam."

        McCulloch nhớ lại cái ngày mà ông biết được qua bài báo của Stanley Karnow rằng Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên. "Nó khiến lòng tôi nặng trĩu, nó khiến tôi rất buồn, và tất nhiên là tôi ngỡ ngàng. Nhưng vẫn có rất nhiều nhà báo thủ cựu và người làm việc cho chính phủ Mỹ đánh giá rất cao Phạm Xuân Ẩn. Mọi người hỏi tôi là cá nhân tôi có thấy bị phản bội không, thì câu trả lời là không, bởi vì trên cương vị một nhà báo anh ấy đã làm trọn vai trò của mình một cách hoàn toàn trung thực. Anh ấy tuân thủ và thực hiện triệt để những quy tắc của nghề báo. Còn về vai trò khác của anh ấy, anh ấy đã làm những gì anh ấy nghĩ là mình phải làm trên cương vị một công dân Việt Nam yêu nước."

        Người phỏng vấn đã gặng hỏi McCulloch: "Vậy là ông không bị phản bội trên cương vị một nhà báo,' nhưng ông có bị phản bội trên cương vị một người Mỹ không? Chẳng lẽ trước tiên ông là một nhà báo rồi sau đó mới là một người Mỹ?"

        "Không, tôi không cảm thấy như vậy," McCulloch nói. "Tôi cho rằng một số tin tức tình báo mà Phạm Xuân Ẩn thu thập được từ văn phòng đại diện đã dẫn đến kết quả là những thiệt hại của Mỹ và cái chết của người Mỹ, tôi vô cùng lấy làm tiếc vì điều này và cảm thấy một phần trách nhiệm cá nhân trong đó. Nhưng tôi không thể chỉ trích hay lên án vai trò của Phạm Xuân Ẩn trên cương vị một công dân Việt Nam. Đó là quyền của anh ấy."

        Khi chuyên của ông lộ ra, Phạm Xuân Ẩn đau đớn vì lời buộc tội rằng ông đã giết hại những người lính Mỹ và phải chịu trách nhiệm, ngay cả chỉ là vô tình, về cái chết của những nhà báo đồng nghiệp. "Tôi đã cứu mạng họ," ông khẳng định một cách dứt khoát, và đó là sự thật. Ông đã cứu mạng Mills Brandes khi tay điệp viên CIA này và gia đình anh ta đang đi về vùng nông thôn thì rẽ nhầm đường, kết quả là họ bị cộng sản giam giữ trong một thời gian ngắn. Ông đã cứu mạng Doug Ramsey, Bob Anson, và Trần Kim Tuyến. Ông thường can thiệp để những người nông dân không bị binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tra tấn hoặc bắn chết. Ông giúp các quân chức miền Nam Việt Nam thoát ra nước ngoài năm 1975 như những bại binh và, sau này, như những người tị nạn băng qua Biển Đông. Phạm Xuân Ẩn đã chơi trận đấu một cách công bằng, như một người quân tử, nhưng tất cả những điều đó đều không phủ nhận một thực tế đáng tiếc là ông đã sống và làm việc giữa lòng một cuộc chiến tranh đẫm máu làm hàng triệu người thiệt mạng.

        Khi tôi đến gặp ông, Phạm Xuân Ẩn thường nhấn mạnh rằng Việt Nam tham gia ba cuộc chiến tranh Đông Dương, thứ nhất là chống Pháp, thứ hai là chống Mỹ, và thứ ba là chống phong kiến phương Bắc. Tiếp sau một loạt những hành động khiêu khích, với việc lực lượng Campuchia vượt qua biên giới sát hại dân làng Việt Nam ở vùng châu thổ sông Mê Công, Việt Nam đã đưa quân sang Campuchia vào ngày 25 tháng 12 năm 1978. Phnom Penh bị chiếm vài ngày sau đó, và trong một thập kỷ tiếp theo Việt Nam bị sa lầy trong một cuộc chiến tranh du kích của Pol Pot và Khmer Đỏ, lực lượng do Trung Quốc vũ trang. Vốn chỉ biết cách tiến hành những cuộc chiến tranh du kích hơn là chống lại kiểu chiến tranh đó, Việt Nam mất hơn 50.000 binh lính trong cuộc xung đột Đông Dương lần thứ ba này, trước khi những phát súng cuối cùng được bắn vào tháng 3 năm 1990.

        Năm 1990, đại tá Phạm Xuân Ẩn được phong quân hàm thiếu tướng. Vào thời điểm đó, Việt Nam bắt đầu đổi mới, tức áp dụng "chính sách đổi mới" mở cửa đất nước ra với phương Tây. Phạm Xuân Ẩn giải thích việc thăng cấp cho mình bằng một câu chuyên vui. Khi các nhà báo phương Tây bắt đầu quay trở lại Việt Nam, mọi người thường đề nghị được gặp "Tướng Givral", và để tránh thất thố, chính phủ đã quyết định thăng cấp cho ông cho tương xứng với tên gọi.

        Khi tôi gặp ông lần đầu tiên năm 1992, Phạm Xuân Ẩn là một vị chủ nhà hiếu khách với bất kỳ ai nhọc công đến kéo chuông cổng nhà ông. Ông đã quay trở lại vai trò người thông tin văn hóa và chuyên gia bình luận về tất cả những vấn đề Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn là một thiên tài về nghệ thuật đối thoại, một người kể chuyện thông minh và là cây tiếu lâm, cũng như một chuyên gia phân tích sắc sảo. Trong khi nói chuyện rất thoải mái, tôi vẫn không khỏi có cảm giác rằng ông đang theo dõi cuộc đối thoại của chúng tôi, ghi lại nó trong đầu một cách trung thành đến nỗi sau đó ông có thể tua lại từng từ một. Nhiều khi, vào ngày hôm sau, hoặc thậm chí là hai ba ngày sau, ông quay lại điều gì đó mà ông đã nói và giải thích hoặc đính chính lại nó. Thỉnh thoảng ông lại yêu cầu tôi không nhắc lại điều gì đó mà ông đã nói. Như Phạm Xuân Ẩn viết cho người bạn học cùng đại học với ông là Lee Meyer, sau khi bà liên lạc với ông và họ bắt đầu thư từ cho nhau năm 2000: "Tôi không hề viết được bất kỳ cái gì bõ công một chút trong suốt 25 năm vừa qua ngoài việc [dành thời gian của mình] tán hươu tán vượn với những đồng nghiệp nước ngoài cũ đã tình cờ đến đây thăm tôi."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2020, 05:31:05 am »


        Năm 1997, hình như chính phủ Việt Nam đã không cho phép Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ tham dự một hội thảo tại Quỹ Á châu ở New York, mà ông đã được mời với tư cách khách mời đặc biệt, và người ta bảo là phải mãi đến tháng 3 năm 2002 thì vị tướng 74 tuổi ốm yếu vì bệnh khí thũng mới được phép nghỉ hưu. (Ông lại "nghỉ hưu" lần nữa vào tháng 7 năm 2005, nhưng thực ra vẫn làm việc cho đến tận ngày qua đời.)

        Đến năm 2002, năm mà Phạm Xuân Ẩn chính thức nghỉ hưu lần thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam xem như ông đã đủ an toàn để có thể tiếp cận và viết một cuốn tiểu sử. Phạm Xuân Ẩn: Tên người như cuộc đời. Nhan đề của cuốn sách là một cách chơi chữ với từ ẩn, trong tiếng Việt có nghĩa là "ẩn giấu". Phạm Xuân Ẩn lảng tránh hầu hết những câu hỏi được đặt ra đối với ông từ tác giả cuốn sách, Nguyễn Thị Ngọc Hải, về chuyện thực sự thì ông đã làm những gì trong chiến tranh, nhưng Ngọc Hải là một phóng viên đầy nhiệt huyết dã lần ra được những đồng đội cũ của Phạm Xuân Ẩn và thu thập những thông tin mà bản thân Phạm Xuân Ẩn không chịu chia sẻ. Cuốn sách của bà xuất hiện gần như đồng thời với một loạt bài dài 53 kỳ được đăng trên báo Thanh Niên, tờ báo chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Bản dịch tiếng Anh của một số trong những ấn phẩm này được xuất bản năm 2003 với tên gọi Pham Xuân Ẩn: A General of the Secret Service. Một cuốn tiểu sử thứ ba, Người im lặng, được nhà văn Chu Lai viết cho Tổng cục II (TC2), cơ quan  tình báo Việt Nam. Một loạt bài viết khác dài như cả một cuốn sách được đăng trên báo Vietnam News năm 2007, và đến năm 2008 thì báo Thanh Niên bắt đầu tung ra loạt bài thứ hai về Phạm Xuân An1. Trong thời gian đó, hai cuốn tiểu sử đã được xuất bản ở phương Tây: Un Vietnamien Bien Tranquille (Một người Việt Nam thật trầm lặng)2, của cựu phóng viên tờ Le Monde Jean- Claude Pomonti, và Perfect Spy (Điệp viên hoàn hảo), của giáo sư chính trị học Larry Berman.

        Sau khi ông nghỉ hưu, Phạm Xuân Ẩn cũng bắt đầu xuất hiện trên truyền hình và trong các bộ phim. Tiếp sau lần xuất hiện dài một tiếng đồng hồ trên một chương trình talk show của Việt Nam là một bộ phim tài liệu truyền hình dài bốn tiếng đồng hồ được phát sóng tháng 12 năm 2007. Nhà sản xuất truyền hình người Pháp Alain Taieb thực hiện bộ phim tài liệu về một cuộc hội ngộ ở khách sạn Continental giữa Phạm Xuân Ẩn và Philippe Franchini, người chủ cũ của khách sạn. Một trong những vai trò thú vị khác của Phạm Xuân Ẩn là phân mà ông đảm nhiệm trong bộ phim làm lại Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn người Australia Philip Noyce. Thay vì chi tiết nhà báo người Anh Thomas Fowler có hai người làm việc cho mình, một trợ tá người Ẩn Độ và một điệp viên cộng sản, Noyce kết hợp họ thành một người, ông Hĩnh. "Ông ta đã bảo tay diễn viên người Mỹ gốc Hoa sắp đảm nhiệm vai diễn đó đến gặp tôi," Phạm Xuân Ẩn nói. "Ông ta biết tôi từng là du kích tại thời điểm hoạt động trong thành phố. Tôi cho ông ta biết về các hoạt động của cộng sản, về cách chúng tôi hành động như thế nào và chúng tôi đã làm gì."

        Noyce, trong phần thông cáo báo chí được tung ra cùng bộ phim, giải thích việc ông đã quyết định thay đổi tiểu thuyết của Greene như thế nào. "Sự thay đổi đó lấy cảm hứng từ một câu chuyện hấp dẫn mà tôi được nghe về một người Việt Nam yêu nước rất nổi tiếng, tướng Phạm Xuân Ẩn. Với tư cách là một đặc vụ, suốt 35 năm trời ông đã làm kiểm duyệt viên cho người Pháp rồi làm cho người Mỹ trong lĩnh vực tình báo, và cuối cùng là làm việc cho Reuters và tạp chí Time, trong khi đồng thời ông lại làm việc cho nhân dân Việt Nam trên cương vị một điệp viên. Tôi nghĩ đây thực sự là một nhân vật tuyệt vời, một điệp viên ba mang, nên chúng tôi đã phát triển nhân vật ông Hinh xoay quanh tướng Phạm Xuân Ẩn." Đoạn thông cáo báo chí tiếp tục miêu tả Noyce và Tzi Ma, diễn viên đóng vai ông Hinh, đã "dành nhiều ngày với tướng Phạm Xuân Ẩn trong quá trình làm phim để hiểu rõ câu chuyện của ông và phát triển sự phân tích nhân vật". Một trong những hệ quả của việc đưa Phạm Xuân Ẩn vào kịch bản của Người Mỹ trầm lặng - của việc biến ông trở thành trợ tá của Fowler đồng thời là một điệp viên cộng sản - là ở chỗ Phạm Xuân Ẩn trở thành người đã thủ tiêu điệp viên CIA Alden Pyle. Có thể đây là một tai nạn xuất phát từ việc thay đổi cốt truyện. Cũng có thể không phải là một tai nạn.

--------------------
        1. Loạt bài này nhan đề "Giải mã Phạm Xuân Ẩn" của Hoàng Hải Vân.

        2. Cuốn này đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Câu chuyện khác thưởng về một điệp viên đã thách thức nước Mỹ.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2020, 05:32:41 am »


        Bất cứ khi nào ở Paris, tôi lại cố tìm gặp Philippe Franchini để làm một ly buổi chiều tại Bistro des Amis gần căn hộ của ông ở khu tả ngạn sông Seine. Người chủ quán người Việt Nam chào Philippe là patron (ông chủ), và có cái gì đó ở người đàn ông khiêm nhường này, thấp và mập mạp, nhưng gần như uyển chuyển như mèo trong cách mà ông lượn người xuống phố, khiến cho việc gọi ông là "ông chủ" là không thể nào phù hợp hơn. Franchini là một họa sĩ với cặp mắt màu nâu hấp háy và một cái nhìn sắc bén dường như thu trọn cả thế giới xung quanh ông một cách tinh tường lập tức.

        Là một người kể chuyện tuyệt vời, Franchini có thể ngồi thoải mái trong một banquette (ghế băng dài) và mân mê một ly rượu vang trong câu chuyện suốt cả buổi chiều. Phạm Xuân Ẩn cũng có năng khiếu đó, và đâu như cả Hồ Chí Minh cũng vậy. Trương Như Tảng1, một thành viên sáng lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, kể lại một buổi chiều ông ở cùng với Hồ Chí Minh khi còn là một sinh viên ở Paris. "Buổi chiều hôm đó là một khóa học ngắn về lịch sử Việt Nam, được Bác Hồ giảng cho chúng tôi bên tách trà. Bác đã làm điều đó hoàn toàn theo cách Việt Nam truyền thống khiến chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, với vẻ hài hước nhẹ nhàng, những truyền thuyết, giai thoại, và thông điệp đạo đức vừa vui vừa hữu ích."

        Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Phạm Xuân Ẩn  và Philippe Franchini đã trở thành bạn. Họ cùng thích nói đùa và cười giễu những thói xấu của con người, kể cả của chính mình. Những đánh giá của họ rất sắc sảo, những bản năng của họ được mài giũa tinh tế. Người khác tìm đến họ như những nhà thông thái, nhưng hoàn toàn không có chút gì là giả tạo trong sự khôn ngoan của họ. Họ là những nhân vật khiêm nhường, cao quý, những người luôn cầm trịch tại mỗi banquette ở bất kỳ quán cà phê nào họ ngồi lại.

        Alain Taieb trong bộ phim của mình về Franchini và Phạm Xuân Ẩn đã để họ cùng nhau trong khu vườn của khách sạn, có lẽ là để nhìn họ ôn lại những ngày xưa, khi Franchini sở hữu nơi này và Phạm Xuân Ẩn làm ở trên lầu hai trong văn phòng gồm hai buồng của Time trông ra quán cà phê Givral. Phạm Xuân Ẩn và Franchini bỏ qua phần ôn kỷ niệm và đi thẳng vào vấn đề  chính. Phạm Xuân Ẩn muốn cả thế giới biết rằng Franchini là một con người đáng tôn trọng. Ông thừa kế từ cha mình một khách sạn lớn chìm đắm trong những khoản nợ khó đòi, và thay vì trốn tránh những khoản nợ này ông đã trả lần lượt từng khoản một trong suốt một thập kỷ. Franchini mất tất cả mọi thứ vào cuối cuộc chiến tranh khi khách sạn của ông bị cộng sản tịch thu, nhưng danh dự của gia đình ông được bảo toàn. Những lời của Phạm Xuân Ẩn làm Franchini trào nước mắt.

        Franchini là một métis, một người lai Á-Âu giữa một người cha quê ở đảo Corsica và một người mẹ Việt Nam. "Ở Việt Nam, không ai tin metis,'' ông nói. "Họ biết quá nhiều. Họ chẳng khác gì những người châu Âu trong khi lại quan sát thế giới qua đôi mắt của người châu Á. Họ là những điệp viên trong nhà của cha mẹ họ. Họ rất hữu ích nhưng cũng lại rất tráo trở."

        Phạm Xuân Ẩn tương tự như một métis, một dòng lai giữa Việt Nam và Mỹ. Ông cũng là một điệp viên trong nhà của cha mẹ mình, một con cá bơi giữa tất cả những vùng nước của thế giới. Nếu như lịch sử của Việt Nam là một câu chuyên dài về sự tráo trở và nước đôi, thì người métis đã cụ thể hóa lịch sử đó trên da thịt mình, trong đó Franchini và Phạm Xuân Ẩn là những mẫu vật A và B.

        Hiện nay Franchini là một trong những nègres (gã da đen) bận bịu nhất nước Pháp, một nhà văn viết thuê chuyên chấp bút những cuốn sách về các chính trị gia và nhân vật truyền hình nổi tiếng. Khi Franchini kể một câu chuyện, bao giờ nó cũng được tỉa tót và thêm thắt phong phú đến nỗi tôi hình dung ra cảnh ông sẽ làm việc thật khuya tối hôm đó để phát triển nó thành một chương sách hoặc một kịch bản. "Tôi không bao giờ dám viết về Phạm Xuân Ẩn," ông nói với tôi. "Anh ấy sống trong một thế giới chẳng có gì giống như vẻ ngoài của nó cả. Ta không thể chỉ viết về những sự kiện trong cuộc đời của anh ấy. Điều hấp dẫn là vấn đề tâm lý, và với người Việt Nam thì luôn có điều gì đó mập mờ, điều gì đó bí hiểm. Đó là một đất nước có lẽ là do Salvador Dali2 tạo ra. Ông có biết bức tranh siêu thực của ông ấy về les montres molles không, những chiếc đồng hồ mềm oặt ấy? Mọi thứ trong bức tranh này, có tên là La persistencia de la memoria (Sự dai dẳng của ký ức), đều méo mó, vặn vẹo, uốn éo. Thời gian và không gian tan chảy vào nhau, và bao trùm lên tất cả là một vẻ kỳ bí. Đó chính là Việt Nam. Đó là một thế giới mờ ảo, giống hệt như thế giới mà Salvador Dali hình dung ra."

--------------------
        1. Từng làm bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sau năm 1975 trốn ra nước ngoài.

        2. Họa sĩ siêu thực Tây Ban Nha (1904-1989).

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM