Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:20:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ  (Đọc 13619 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2020, 02:49:33 pm »


        - Tên sách : Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ

        - Tác giả : Thomas A. Bass
                        Đỗ Tuấn Kiệt dịch

        - Nhà xuất bản : Nha Nam Hồng Đức

        - Số hóa : Giangtvx

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2020, 04:12:52 pm »

        

Gã cảm thấy mình đang vĩnh viễn quay lưng lại với sự thanh thản. Mắt mở to, ý thức rõ hậu quả, gã đi vào lãnh địa của sự dối trá không mang theo tấm hộ chiếu cho ngày quay trở lại.

GRAHAM GREENE                          
Cốt lõi của vấn đề (The Heart of the Matter)        


Phạm Xuân Ân, phóng viên tạp chí Time, đang thì thầm vào tai Robert Shaplen, phóng viên của tờ The New Yorker.
Ảnh Richard Avedon.
       BÊN TRÁI: Cao Giao, phóng viên tờ Newsweek.
        TỪ RÌA BÊN PHẢI: Nguyễn Hưng Vượng, phóng viên tờ Newsweek, và Nguyễn Đình Tú, báo Chính Luận. Khách sạn Continental, Sài Gòn, ngày 17 tháng 4 năm 1971.


Nguồn: Jeffrey Ward


Côn Đảo (Côn San)
Nguồn: Jeffrey Ward


MỤC LỤC
 
        Bản đồ   
        Lời nói đầu   
        Đôi lời cảnh báo về điệp viên Z.21   
        Cuộc thử lửa đầu tiên   
        Công việc của một điệp viên   
        Ghép não   
        Những chuyến đi ở nước Mỹ   
        Lợi dụng lòng tin   
        Những nguồn tin đáng tin cậy   
        Những điệp vụ   
        Tết   
        Một đất nước do Salvador Dali tạo ra   
        Một thế giới tươi sáng hơn   
        Ghi nhận   
        Chú thích   
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2020, 12:25:18 pm »


LỜI NÓI ĐẦU

        "Nước Mỹ chỉ giỏi tiến hành những cuộc thập tự chinh," tướng David Petraeus viết trong luận án tiến sĩ của mình về đề tài "Quân đội Mỹ và những bài học từ chiến tranh Việt Nam". Được đưa ra bảo vệ tại Đại học Princeton năm 1987, luận án của Petraeus công kích những gì đã trở thành quan niệm được giới nhà binh chấp nhận một cách rộng rãi về những bài học từ Việt Nam. Ông coi đây là một "lối suy nghĩ kiểu được ăn cả ngã về không", mà chung quy là xuất phát từ học thuyết cho rằng nước Mỹ chỉ nên tiến hành những cuộc chiến tranh thông thường với sự ủng hộ áp đảo của một công chúng mang tinh thần thập tự chinh. Petraeus bác bỏ quan điểm "làm ăn như lối suy nghĩ bình thường" này. Thay vào đó, ông lập luận rằng nước Mỹ có nhiều khả năng là thấy mình sa vào những cuộc chiến tranh phi chính quy khác, đôi khi phải chống trả hai, ba, hay nhiều trận chiến kiểu Việt Nam. Sau này Petraeus tiếp tục biên soạn cẩm nang tác chiến cho lục quân về chống nổi dậy được ban hành năm 2006. Năm sau, được trao cơ hội tiến hành công tác thực địa về chuyên ngành học thuật của mình, ông được bổ nhiệm vào vị trí tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq.

        Chiến tranh không chỉ là những cuộc thập tự chinh; chúng còn là những cuộc dan díu của con tim. Chiến tranh được phát động vì tình yêu, điều này thì chúng ta đã biết từ thời nàng Helen của thành Troy1 khiến cho cả nghìn chiến thuyền chở đầy những chàng trai mê mẩn sẵn sàng chết vì nàng xung trận. Nhà văn hài hước người Mỹ P. J. O'Rourke đã nhận ra chân lý này trong một bài tiểu luận ông viết về Việt Nam năm 1992. "Ở Huế, cứ chiều đến, những nữ sinh trung học trở về nhà sau khi tan học, từng đoàn nữ sinh đạp xe trên con phố, tất cả đều tha thướt trong những tà áo dài trắng tinh, một kiểu trang phục gồm áo dài may ôm sát người mặc trùm lên quần rộng. Không phải vô cớ mà những nhà thờ Công giáo còn lại gióng lên hồi chuông cầu kinh Đức Bà vào thời điểm này trong ngày. Tôi không hiểu ở một nơi mà cái đẹp đã trở nên quá đỗi bình dị như thế có thể thay đổi được bản chất của một xã hội hay không."

        Sau khi trầm trồ trước "tỷ lệ khổng lồ những mỹ nhân ngư và giai nhân tuyệt sắc" ở cái đất nước Địa đàng này, O'Rourke viết: "Giờ thì tôi hiểu tại sao chúng ta lại can dự vào Việt Nam. Chúng ta đã phải lòng... [Chúng ta] đã ngây ngất bởi nơi này. Tất cả mọi người, từ những cố vấn đầu tiên mà Ike2 gửi tới đây năm 1955 cho đến Henry Kissinger ở bàn đàm phán hòa bình Paris, thảy đều mê mệt đến phát cuồng vì Việt Nam. Nó làm tan vỡ trái tim họ. Họ cứ tiếp tục đến thăm và gửi hoa mãi không thôi. Họ không thể tin nổi rằng đây là lần chia tay cuối cùng."

        Trước khi bắt đầu câu chuyện của mình về Việt Nam và nước Mỹ (với đôi nét điểm qua về nước Pháp và những khu vực khác trên thế giới), tôi xin phép được nói rằng cuốn sách này nói về chiến tranh và tình yêu, về những bài học Việt Nam, tác chiến chống nổi dậy và những cuộc xung đột khác bị gọi là phi chính quy. Nó cũng nói về những điệp viên và phóng viên cùng sự lẫn lộn giữa hai nghề này. Một số người sẽ cho rằng các phóng viên góp phần làm cuộc chiến (của chúng ta) tại Việt Nam thất bại. Trong trường hợp này, tôi xin khẳng định rằng có một phóng viên đã góp phần mang đến chiến thắng trong cuộc chiến - cho phía người Việt. Cuốn sách phiền muộn này nói về sự thật và dối trá cùng sự mơ hồ không thể tránh khỏi trong việc xác định ranh giới nơi hai yếu tố này hòa nhập vào nhau. Cuốn sách không đưa ra thêm chân lý nào có thể được đúc rút thành những bài học mới về chiến tranh Việt Nam. Nó nói về cuộc sống đơn giản của một con người phức tạp. Sự thật nằm trong các chi tiết. Chúng ta hãy bắt đầu.

-----------------
        1. Trong thần thoại Hy Lạp, Helen là con gái thân Zeus, vợ vua Menelaus. Việc nàng bị Paris bắt cóc đem về thành Troy là nguyên nhân nổ ra cuộc chiến tranh Troy. (chủ thích trong sách đều của người dịch và Ban biên tập tiếng Việt).

        2. Biệt danh cùa Tổng thống Mỹ Dwighl David Eisenhower.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2020, 03:10:47 pm »


ĐÔI LỜI CẢNH BÁO VỀ ĐIỆP VIÊN Z.21

        "Đây, Phạm Xuân Ẩn đây," người phóng viên cuối cùng của tờ Time (Thời đại) tại Việt Nam đánh điện về tòa soạn tạp chí ở New York ngày 30 tháng 4 năm 1975. "Tất cả các phóng viên người Mỹ đều đã di tản do tình hình khẩn cấp. Văn phòng của Time giờ do mình tôi, Phạm Xuân Ẩn điều hành." Phạm Xuân Ẩn gửi đi thêm ba bản báo cáo khác nữa từ Sài Gòn trong khi quân đội Bắc Việt Nam đang tiến sát đến thành phố. Rồi đường dây bị đứt hẳn. Trong một năm sau đó, với Phạm Xuân An đóng vai trò là phóng viên duy nhất của tờ Time tại Việt Nam thời hậu chiến, tạp chí này đăng những bài viết về "Lời vĩnh biệt tàn nhẫn", "Phe thắng: Những người làm nên chiến thắng", và "Một tuần thanh bình dưới chế độ cộng sản". Phạm Xuân Ẩn là một trong sô 39 phóng viên người nước ngoài làm việc cho tờ Time khi văn phòng tại Sài Gòn đóng cửa và tên ông biến mất khỏi măng sét báo này ngày 10 tháng 5 năm 1976.

        Được biết đến như là một nhà phân tích chính trị sắc sảo, khởi đầu làm việc cho hãng Reuters trong những năm 1960 và sau đó là cho tờ New York Herald Tribune (Diễn đàn thông tin New York) và Christian Science Monitor (Người theo dõi khoa học Kitô giáo), rồi, cuối cùng, là một phóng viên của tờ Time trong 11 năm, dường như công việc xuất sắc nhất của Phạm Xuân Ẩn là trao đổi chuyện trò với những đồng nghiệp ở Givral, một tiệm cà phê trên đường Catinat cũ. Chiều nào ông cũng chủ trì tin vỉa hè tại đây như là nguồn tin tốt nhất ở Sài Gòn. Ông được gọi là "trưởng đoàn báo chí Việt Nam" và "tiếng nói của đài Catinat" - lò tin đồn. Với khiếu hài hước tự trào sẵn có, ông thích gọi mình bằng những tên khác, ví dụ như "docteur de sexologie" (tiến sĩ tình dục học), "professeur coup d’etat" (giáo sư đảo chính), "tư lệnh huấn luyện quân khuyển" (ngụ ý đến con chó béc giê Đức lúc nào cũng kè kè bên ông), "tiến sĩ chuyên trị cách mạng", hoặc đơn giản chỉ là ông tướng Givral.

        Giờ đây chúng ta biết đó mới chỉ là một nửa công việc Phạm Xuân Ẩn đã làm trên cương vị một nhà báo, mà lại không phải là nửa chính. Phạm Xuân Ẩn đều đặn gửi cho chính phủ cộng sản ở Hà Nội những tài liệu quân sự mật và những bức điện viết bằng mực vô hình, nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, chính những báo cáo được đánh máy của ông, hiện đang được khóa kỹ trong kho lưu trữ của tình báo Việt Nam tại Hà Nội, mới được coi là chef d'oeuvre (kiệt tác) của ông. Phạm Xuân Ẩn đã viết 498 báo cáo tin tình báo (con số chính thức được chính phủ Việt Nam công bố năm 2007), trung bình mỗi tháng một báo cáo, trong suốt sự nghiệp 55 năm của ông trên cương vị một điệp viên tình báo.

        Sử dụng một chiếc máy đánh chữ Hermes được cơ quân tình báo Bắc Việt Nam mua riêng cho mình, Phạm Xuân Ẩn viết những báo cáo tin tình báo, có bản dài cả trăm trang, vào ban đêm. Được chụp lại và chuyển đi dưới dạng những cuốn phim chưa rửa, thông tin của Phạm Xuân Ẩn được liên lạc viên đưa ra mạng lưới địa đạo Củ Chi, nơi được dùng làm cơ quan đầu não bí mật của những người cộng sản. Cứ vài tuần một lần, bắt đầu từ năm 1952, Phạm Xuân Ẩn lại rời khỏi văn phòng của mình ở Sài Gòn, đi khoảng 20 dặm theo hướng Tây Bắc về phía rừng Hố đô, rồi chui xuống địa đạo để hoạch định chiến lược cộng sản. Từ Củ Chi, những báo cáo của Phạm Xuân Ẩn được khẩn trương chuyển đi dưới sự bảo vệ đặc biệt tới núi Bà Đen, sát tận biên giới Campuchia, rồi được đưa bằng xe hơi đến Phnom Penh, bằng máy bay tới Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc, và rồi được trình ngay cho Bộ Chính trị tại Hà Nội. Tin tức của Phạm Xuân Ấn chân thực và chi tiết đến nỗi người ta kể rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải xoa tay sung sướng khi nhận được những báo cáo này từ Trần Văn Trung - bí danh của Phạm Xuân Ẩn. "Chúng ta đang ở trong phòng tác chiến của Hoa Kỳ!" họ thốt lên, theo lời vài thành viên trong Bộ Chính trị Việt Nam.

        Khi Sài Gòn rơi vào tay những người cộng sản, Phạm Xuân Ẩn hy vọng sẽ được di tản sang Mỹ. Không phải vì ông lo sợ sự trả thù của cộng sản, như mọi người vẫn tưởng, mà bởi vì tình báo Việt Nam có kế hoạch để ông tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Họ biết sẽ có một cuộc chiến hậu chiến, một giai đoạn ác liệt của những thủ đoạn chính trị, trong đó Mỹ có thể sẽ tiến hành những hoạt động quân sự ngấm ngầm và áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Còn ai có thể báo cáo về những ý đồ của Mỹ tốt hơn Phạm Xuân Ấn? Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, vợ ông cùng bốn đứa con của họ được đưa bằng máy bay ra khỏi Việt Nam và bố trí ở tại Washington, D.C. Ông Ấn đang nóng lòng chờ đợi chỉ thị đi theo họ thì nhận được lệnh từ Bộ Chính trị miền Bắc là ông sẽ không được phép rời khỏi đất nước.

        Phạm Xuân Ẩn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được thưởng hơn chục huân huy chương quân sự, và được thăng lên quân hàm thiếu tướng. Ông cũng được cử đến nơi mà thỉnh thoảng ông gọi đùa là một "trại cải tạo" và bị hạn chế tiếp xúc với khách phương Tây. Vợ và các con ông được đưa trở lại Việt Nam một năm sau ngày họ ra đi. Vấn đề đối với Phạm Xuân Ấn, theo quân điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ở chỗ ông yêu nước Mỹ và người Mỹ, những giá trị dân chủ, và tính khách quan trong nghề báo. Ông coi nước Mỹ là một kẻ thù ngẫu nhiên, những người Mỹ sẽ quay trở lại thành bạn bè một khi dân tộc của ông giành được độc lập. Phạm Xuân Ẩn là Người Việt Nam trầm lặng, người đứng giữa, nhân vật đại diện, vừa suốt đời là một chiến sĩ cách mạng vừa là một người nhiệt thành ngưỡng mộ nước Mỹ. Ông khẳng định rằng chưa bao giờ nói dối bất kỳ ai, rằng những phân tích chính trị mà ông gửi cho tờ Time cũng giống hệt những gì ông gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một con người bị phân thân bởi tính chính trực tối cao, một con người sống trong dối trá nhưng luôn nói sự thật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2020, 09:47:09 am »


        "Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn làm tôi nghĩ ngay đến những gì được lấy ra từ Graham Greene," David Halberstam, người từng kết bạn với Phạm Xuân Ấn khi còn làm phóng viên của New York Times (Thời báo New York) ở Việt Nam, nói. "Nó liên hệ đến tất cả những câu hỏi cơ bản nhất. Trung thành là gì? Yêu nước là gì? Sự thật là gì? Anh là ai khi anh nói ra những sự thật đó? Ở Phạm Xuân Ẩn có một sự lưỡng phân tình cảm mà chúng ta không thể hình dung nổi. Khi nhìn lại, tôi nhận ra ông là một con người bị xẻ làm đôi ở chính giữa."

        Trong cuốn sách năm 1965 viết về Việt Nam, The Making of a Quagmire (Sa lầy), tác giả Halberstam, với sự châm biếm hoàn toàn không có chủ ý, miêu tả Phạm Xuân Ẩn là cái đinh chốt của một "mạng lưới tình báo nhỏ nhưng hạng nhất" gồm các nhà báo và nhà văn. Phạm Xuân Ẩn, ông viết, "có những mối quân hệ quân sự tốt nhất nước". Sau khi Halberstam đã biết về câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn, ông có cảm thấy chút thù hận nào không? "Không," ông nói với tôi, khi tôi gọi cho ông để trao đổi về cuộc sông hai mặt của Phạm Xuân Ẩn trong chiến tranh. "Đó là một câu chuyên đầy rẫy những mưu mẹo, khói mờ và những tấm gương, nhưng tôi vẫn nghĩ về Phạm Xuân Ấn một cách thiện cảm. Khi ông nhắc đến tên ông ấy, một nụ cười đã hiện lên trên mặt tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị Phạm Xuân Ẩn phản bội. Ông ấy buộc phải thích ứng với việc là một người Việt Nam ở giai đoạn đau thương đó trong lịch sử của dân tộc mình."

        Năm 2005, tôi cho đăng một bài viết về Phạm Xuân Ẩn trên tờ The New Yorker. Ngay sau khi bài báo được đăng, tôi ký hợp đồng phát triển bài viết này thành một cuốn sách. Cái mà tôi tưởng sẽ là một công việc dễ dàng cuối cùng lại trở nên khó khăn khi tôi bị sa thêm vào nhiều mưu mẹo, khói mờ và những tấm gương. Tôi bắt đầu ngờ rằng chính mình đã rơi vào đúng chiếc bẫy giống như những đồng nghiệp cũ của Phạm Xuân Ẩn trước kia. Họ đã đánh đổi sự mù tịt lấy sự mù tịt có chủ tâm và cuối cùng vẫn bị hút hồn bởi khuôn mặt mỉm cười của Phạm Xuân Ấn. Liệu ông có phải là một "con người bị phân thân" như Halberstam khẳng định, hay ông là một "con người cách mạng", như người Việt Nam thường nói, với tất cả những cái khác chỉ là vỏ bọc? Ông có phải là một người ngẫu nhiên thành cộng sản hay là một người cộng sản "thuần túy", người làm công việc của mình đến tận ngày qua đời?

        Khi đào xới sâu hơn vào công việc này, tôi nhận thấy rằng Phạm Xuân Ẩn, dù tự cho mình là một nhà phân tích chiến lược, người chỉ quan sát cuộc chiến từ bên lề, thực sự là một nhà chiến thuật bậc thầy liên quân đến nhiều trận đánh chủ chốt của cuộc chiến. Ông là một người lính được tặng thưởng nhiều huân chương, nhân vật trung tâm trong một chuỗi dài những diễn biến quân sự làm nên chiến thắng của những người cộng sản và thất bại của nước Mỹ. Phạm Xuân Ẩn không chỉ được tặng thưởng 4 huân huy chương - như tôi đã viết trên tờ The New Yorker - mà là tới 16. Mà đó không phải là những phần thưởng mang tính kỷ niệm. Trừ hai cái, còn lại tất cả đều là huân chương chiến trường, được tặng thưởng vì chiến đấu anh dũng trong hai cuộc chiến tranh của Việt Nam chống Pháp và chống Mỹ.

        Ngay từ cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi năm 1992, Phạm Xuân Ẩn đã đánh lạc hướng tôi khỏi con đường nhằm tìm ra sự thật rằng ông đã làm gì trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai, và những gì ông tiếp tục làm trên cương vị "cố vấn" cho ngành tình báo Việt Nam cho đến khi qua đời ngày 20 tháng 9 năm 2006. Ông che giấu những sự thật này đối với người ngoài, bằng cử chỉ khoa tay khéo léo và khiếu hài hước quyến rũ đã làm ông trở nên nổi tiếng. Khi những câu hỏi của tôi trở nên quá thẳng thừng, ông chuyển từ giúp đỡ công trình viết sách của tôi sang ngăn chặn nó. Cấp trên của ông trong ngành tình báo quốc phòng đã cho phép ông nói chuyện với tôi trong khuôn khổ một bài tạp chí. Ông vốn có cảm tình với tờ The New Yorker kể từ những ngày ông còn là phụ tá cho Robert Shaplen, phóng viên thường trú khu vực Viễn Đông của tạp chí này. Chắc hẳn Phạm Xuân Ẩn đã nói với cấp trên của ông rằng: "Chỉ là một bài tạp chí thôi mà. Tôi sẽ lèo lái câu chuyện, có thể là đi xa hơn một chút so với mọi khi, nhưng sẽ không để lộ bất kỳ điều gì chúng ta không muốn tiết lộ." Họ đã cho phép ông thực hiện nhiệm vụ này, vốn được cho là có quy mô hạn chế, nhưng dứt khoát họ không cho phép ông làm việc với tôi trong khuôn khổ một cuốn sách. Ngay sau khi bài viết được đăng, Phạm Xuân Ẩn chấm dứt những cuộc gặp của chúng tôi và vội vã sắp xếp cho một cuốn tiểu sử "chính thức" khác sẽ được viết, một quyển tiểu sử có mục đích giữ an toàn cho vỏ bọc của ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:48:37 am »


        Phạm Xuân Ẩn là một người có tài nói chuyện đặc biệt cuốn hút. Phương pháp xuyên suốt cuộc đời ông là ngụy trang những hoạt động của mình thông qua nói chuyện. Làm sao một người mồm mép và cởi mở như vậy về cuộc sống của mình lại có thể là điệp viên? Làm sao một người hài hước và chua cay đến thế trong những nhận xét của mình về sự ngu ngốc của con người lại có thể là một người cộng sản? Phương pháp này phát huy hiệu quả đến nỗi nó thấm sâu vào trong tính cách của ông. Không có cách nào để bắt ông ngừng nói. Phạm Xuân Ấn cứ nói mãi nói mãi không thôi, rồi cuối cùng, chỉ cho một bài báo đăng tạp chí, mà chúng tôi đã ghi âm đến 60 giờ băng phỏng vấn. Ngoài ra còn rất nhiều giờ trò chuyện nữa được ghi lại bằng văn bản về những cuộc gặp của chúng tôi. Khi nghe lại những cuốn băng và đọc lại những ghi chép của mình, những biến tấu khác nhau trong câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn bắt đầu khiến tôi thấy tò mò. Ví dụ, chỉ có đúng một lần trong số hơn chục lần kể về "khóa học cấp tốc" mà ông được huấn luyện làm một chiến sĩ Việt Minh, Phạm Xuân Ẩn mới tiết lộ rằng sau này ông có chỉ huy một trung đội, đơn vị này ít nhất có một lần đã nổ súng vào lính Pháp. Đây không phải là công việc của một nhà phân tích chiến lược mà là hành động của một chỉ huy du kích.

        Tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng cuốn sách này cũng được hưởng lợi từ sự qua đời của Phạm Xuân Ẩn. Sự kiểm soát mà ông thực hiện đối với câu chuyên về cuộc đời mình kết thúc vào mùa thu năm 2006. Những nguồn tin tình báo, cả ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, bắt đầu tiết lộ những thông tin được giấu kín trước đó. Những thông tin này gồm cả các chi tiết về sự liên quân của Phạm Xuân Ẩn vào một số trận đánh và chiến dịch then chốt trong cuộc chiến. Ví dụ, chúng ta được biết rằng, ông được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng nhất vì đã cung cấp thông tin cảnh báo sớm về kế hoạch Mỹ xâm lược Campuchia tháng 4 năm 1970. Thông tin sớm này cho phép lực lượng cộng sản, đặc biệt là bộ máy chỉ huy quân sự, rút lui kịp thời về phía Tây. Một Huân chương Chiến công hạng nhất khác được tặng thưởng cho ông vì đã phát hiện kế hoạch xâm lược Nam Lào tháng 2 năm 1971 của quân đội Nam Việt Nam1. Ở đây, chính sự tham gia về mặt chiến thuật của Phạm Xuân Ẩn đã dẫn đến thất bại quân sự thê thảm của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

        Những thông tin được tiết lộ sau khi Phạm Xuân Ấn qua đời khẳng định rằng ông tham gia vào các hoạt động tình báo quân sự với quy mô đáng ngạc nhiên. Một số thông tin mới được công bố một cách ngẫu nhiên, một số là có chủ ý. Dù thế nào đi nữa, tôi bắt đầu nhận được đều đặn cơ man nào là những báo cáo, ghi chép, hình ảnh và các loại tài liệu khác về một con người mà 17 năm sau lần đầu tiên tôi gặp ông, vẫn tiếp tục gây bất ngờ. Vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn sẽ chỉ bộc lộ hoàn toàn khi người ta có cơ hội đọc được toàn bộ oeuvre (tác phẩm) của ông - những báo cáo tin tình báo mà ông gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến họ phải vỗ tay sung sướng và trầm trồ thán phục trước sự sinh động và ngòi bút kể chuyện hấp dẫn của một Tolstoy trong hàng ngũ của mình, mà họ biết đến qua bí số Z.21.

        Trong những cuộc gặp của chúng tôi suốt nhiều năm, Phạm Xuân Ấn biết là ông đang nói chuyên với tôi vượt quá xa những gì cần thiết cho một bài tạp chí, ngay cả với một bài chân dung được viết một cách nhàn nhã từng có lần được dành cho Robert Shaplen. Nhưng Phạm Xuân Ẩn có vỏ bọc của mình, và tôi có vỏ bọc của tôi, ít nhất thì cho đến khi bài báo trên The New Yorker được đăng. Sau đó thì không ai trong chúng tôi có thể giả vờ rằng chúng tôi đang nói chuyện với nhau vì một thứ gì đó khác chứ không phải là một cuốn sách, công việc mà Phạm Xuân Ấn không được phép làm. Khi tôi đến thăm ông lần cuối, vào tháng 1 năm 2006, chúng tôi đang chuẩn bị cho cái mà tôi nghĩ sẽ là một đêm trò chuyện dài, sự phà trộn thông thường giữa những câu chuyện và những lời đùa cợt, thì ông cho tôi biết đây sẽ là lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi. Không thể có chuyện đảo ngược lại quyết định này của ông. Chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.

        Đến thời điểm này thì tôi biết là Phạm Xuân Ẩn đang làm việc với một nhà viết tiểu sử "chính thức" khác. "Có gì khác nhau giữa cuốn sách của tôi với cuốn sách kia?" tôi hỏi. "Cuốn sách của ông đang được viết từ bên trong Việt Nam," ông nói, ám chỉ rằng tôi được phép tiếp cận với những thông tin nhạy cảm lẽ ra không được tiết lộ. Tôi coi đây là một lời khen ngợi đối với những trợ lý nghiên cứu người Việt Nam của mình, công việc đi lại và sự bền bỉ của họ nhiều lúc cũng xuất sắc không kém gì Phạm Xuân Ẩn trong những ngày ông còn là phóng viên làm việc chăm chỉ nhất tại Việt Nam.

-----------------
        1. Xem danh sách các huân chương, huy chương tặng thưởng cho Phạm Xuân Ẩn ở phần 'Chú thích' cuối sách.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 08:05:00 pm »


        Tôi thấy bị tổn thương trước quyết định của Phạm Xuân Ẩn về việc không gặp tôi nữa, và tôi rất tự ái với thông tin này, cho đến khi tôi biết rằng ông đang hành động theo lệnh của cấp trên. Câu chuyện của ông phải được thêu dệt như Halberstam đã kể. Trong phiên bản này về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, được tạo ra cho độc giả phương Tây, ông là một người dân tộc chủ nghĩa, ngẫu nhiên bị kẹt vào lịch sử của đất nước mình, một nhà phân tích chiến lược, người đã nhìn xuống cuộc chiến tranh từ đỉnh cao Olympus của tờ Time. Còn trong cuốn sách này lại là một chân dung hoàn toàn khác, một nhà chiến thuật bậc thầy và là một chiến sĩ trung kiên vì lý tưởng cộng sản. Tôi đã viết cuốn tiểu sử không được phép về một điệp viên. Mặc dù Phạm Xuân Ẩn ngừng hỗ trợ công trình này - cùng với một số người bạn Mỹ, những người cho rằng họ làm như thế là vì lợi ích của ông - tôi vẫn kiên trì nghĩ rằng nếu như cuốn sách này có nói điều gì đó chính xác về Việt Nam và những cuộc chiến tranh dai dẳng của đất nước này hoặc bản chất của chiến tranh nói chung, chắc hẳn Phạm Xuân Ẩn sẽ ngậm cười về điều đó.

        Đã một số lần tôi gần như từ bỏ công trình này, và ngay cả khi cuốn sách được đưa đi xuất bản, những câu hỏi cơ bản vẫn còn nguyên ở đó - những câu hỏi. Nếu như tôi đang nói chuyện với Phạm Xuân Ấn về thế tiến thoái lưỡng nan này, như tôi vẫn thường làm, có thể ông đã bật ra một câu chuyện đùa hoặc lại say sưa nói về một giai thoại trong lịch sử Việt Nam, hoặc gợi ý tôi đọc một cuốn sách, ví dụ như cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khải viết năm 1983 về cuộc đời Phạm Xuân Ấn, Thời gian của người. Ở Việt Nam, những cuộc trò chuyện cứ tiếp diễn như vậy. Lòng vòng và miên man, trước khi chuyển, hầu như không thể nhận ra, thành những câu chuyện ngụ ngôn vừa giải trí vừa giáo huấn.

        Tôi đã kể câu chuyện này theo phong cách Việt Nam, lập lờ về quan điểm và về thời gian tính. Phạm Xuân Ẩn đã qua đời. Ông bị gắn chặt vào một chiếc máy thở suốt nhiều tuần liền trước khi hai lá phổi của ông ngừng hoạt động mãi mãi vào mùa thu năm 2006, kết thúc tất cả ngần ấy năm trò chuyện. David Halberstam cũng đã qua đời. Ông dành cả cuộc đời viết về những cuộc chiến tranh ở châu Phi và châu Á trước khi chết trên ghế hành khách của chiếc xe hơi gặp tai nạn ở một giao lộ tại Menlo Park, bang California, năm 2007. Chừng nào tôi còn nghe thấy họ, tôi vẫn sẽ giữ giọng nói của họ ở thì hiện tại. Mặc dù vậy, cũng cần cảnh báo cho người đọc. Không có câu chuyện đích thực duy nhất về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, vì cuộc đời ông chứa đựng những sự thật đa tầng. Thậm chí cả cái tên của ông cũng là một lời cảnh báo. Ân trong tiếng Việt có nghĩa là "che giấu" hoặc "bí ẩn".

        Trong suốt 20 năm chiến tranh với người Việt Nam, nước Mỹ chưa bao giờ hiểu được con người hay văn hóa của đất nước này. Nam Việt Nam được làm lại theo hình ảnh của nước Mỹ. Terra incognita đi trước terra nova1. Nước Mỹ đã phải trả giá đắt cho sự xem thường đối thủ của mình. Chúng ta đã thua trận, với 58.000 binh sĩ thiệt mạng, và hàng trăm nghìn người bị thương, và mất luôn cả sự ngây thơ về sức mạnh quân sự vô địch của mình.

        Kẻ thù của nước Mỹ không mắc phải những sai lầm như vậy. Người Việt Nam nghiên cứu kỹ đối thủ của mình. Họ xây dựng một điệp viên có thể suy nghĩ như một người Mỹ, người có thể thâm nhập vào lối tư duy kiểu Mỹ để học những giá trị và niềm tin của đất nước này. Người Việt Nam cần một điệp viên trong doanh trại của kẻ thù, nhưng không phải là một điệp viên bình thường, kiểu tên trộm chui cửa sổ tầng thượng ém mình trong nhà. Họ cần một điệp viên chiến lược, một điệp viên thi sĩ, một điệp viên yêu quý người Mỹ và cũng được họ yêu quý đáp lại. Sau khi giành được niềm tin của họ, người điệp viên đó sẽ cạy chiếc khóa quý giá nhất trong chiến lược quân sự -  chiếc khóa dẫn đến giấc mơ và tham vọng của họ, sự ngộ nhận của họ về bản thân, và vai trò của họ trên thế giới.

        Để thực hiện sứ mệnh này, người Việt Nam đặt niềm tin vào một người, người đó sẽ trở thành điệp viên quan trọng nhất và cũng là một trong những vũ khí quân sự hiệu quả nhất của họ. Như một bài học về chiến tranh và như một cách để hiểu người Việt Nam, không có lăng kính nào tốt hơn cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn. Thay vì được gọi là "người điệp viên hiểu nước Mỹ",  ông hoàn toàn có thể được gọi - như một trong những biên tập viên của tôi đã gợi ý - là "người đàn ông nguy hiểm nhất ở Việt Nam". Khi đọc cuốn sách này, tôi khuyên người đọc sử dụng cả hai lăng kính hoặc, tốt hơn cả, gắn mỗi chiếc vào một mắt.

----------------
        1. Tiếng Latin: Terra incognita nghĩa là mảnh đất chưa biết, terra nova: đất mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:42:42 am »


CUỘC THỬ LỬA ĐẦU TIÊN

        Thành phố Hồ Chí Minh - hay Sài Gòn, như cách gọi vẫn còn phổ biến hiện nay - là một nơi người ta chuyên tâm làm ăn buôn bán. Đông chật những xe đẩy và gánh hàng rong bán đủ mọi thứ từ phở hay bún riêu đến đĩa CD, đường phố là những dòng sông sôi sục các loại xe máy hai thì. Khói xả ra đặc quánh đến nỗi những người phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng của Sài Gòn đã bắt đầu phải lấy khăn che mặt. "Giờ thì tất cả chúng tôi là người Hồi giáo hết," Việt, người lái xe ôm nói. Anh là người đưa tôi đi khắp thành phố trên chiếc xe gắn máy của mình.

        Đến nhà Phạm Xuân Ẩn - một căn biệt thự ở quận 3, trong khu dân cư đông đúc gần nhà ga xe lửa - chúng tôi đi qua một ngã tư đầy những cửa hàng sửa chữa xe máy và đến một con phố chuyên bán các loại cá nhiệt đới, gồm cả giống cá chọi Xiêm mà Phạm Xuân Ẩn rất mê. Tôi giật chiếc chuông treo lủng lẳng trên cánh cổng sơn màu xanh nhà ông. Trong khi lũ chó bắt đầu sủa nhặng lên, tôi nhòm qua tấm lưới sắt thấy Phạm Xuân Ẩn  đang loẹt xoẹt bước ra trên lối đi vào cái ngày nắng ấm đó của tháng Giêng năm 2004. Dáng người gầy guộc, ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay cài cây bút bi nơi túi ngực, chiếc quần màu xám bay phần phật quanh hai chân, và đi đôi dép cao su. Ra đến nơi ông thở hồn hển không ra hơi nhưng vẫn mỉm cười và chào tôi với một cái bắt tay bằng những đầu ngón tay của mình. Vừa mới phải nhập viện vì suy phổi, hậu quả của việc cả đời hút thuốc Lucky Strike, vị tướng quân Givral 77 tuổi, với nụ cười khoe trọn cả hàm răng, trông vẫn hóm hỉnh như mọi khi.

        Trước đó tôi đã gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên hồi đầu những năm 1990, khi tôi đến Việt Nam để nghiên cứu viết một cuốn sách về những người Mỹ lai - con của những binh lính Mỹ và người tình Việt Nam của họ. Khi cuốn sách được xuất bản, tôi đã gửi cho ông một bản, và tôi cũng gửi cho ông một số cuốn sách khác mỗi khi những người bạn chung của chúng tôi đến Việt Nam. Phạm Xuân Ấn biết là tôi rất muốn được nghe câu chuyên của ông. Ông là một vị chủ nhà rất hòa nhã với những vị khách được phép tới thăm mình sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, phiên bản perestroika1 riêng của nước này, hồi cuối những năm 1980. Ông thường dành nhiều giờ giải thích về lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhưng lại im lặng như một con nhân sư về một chủ đề: cuộc đời mình với tư cách là một điệp viên. Cuối năm 2003, tôi nhận được một bức thư cho biết cuối cùng thì có thể ông cũng đồng ý nói chuyện, không chính thức mà là những cuộc trò chuyện thân tình. Những cuộc trò chuyện này bắt đầu vào dịp Tết, năm mới theo âm lịch, và được nối lại trong khoảng hai tuần vào đầu mùa mưa tháng 5 năm 2004. Tôi gặp lại Phạm Xuân Ẩn vào tháng 3 năm 2005 và sau đó là cả năm sau trước dịp Tết.

        Phạm Xuân Ẩn dẫn tôi qua khu vườn nhà ông, một khoảnh không gian nhiệt đới sum suê với những cây khế và quất. Khu vườn thoang thoảng mùi hoa sứ, điểm xuyết màu sắc của những chậu mai và lan đang trổ bông. Một con diều hâu và ba con gà chọi chăm chú nhìn chúng tôi từ trong những chiếc lồng đặt dưới gốc cây. Chúng tôi dừng bước giữa vườn chiêm ngưỡng bức tượng bằng sứ của một trong những con chó béc giê Đức, cục cưng của Phạm Xuân Ẩn. Ông coi Edward Lansdale, điệp viên tình báo quân sự và được cho là nguyên mẫu cho nhân vật người Mỹ "trầm lặng" của Graham Greene, là người dạy ông cách sử dụng chó trong công việc của mình. "Tôi huấn luyện chó của mình sao cho nó có thể đánh động cho tôi khi cảnh sát đang lục soát nhà dân, dù cách đó cả cây số," ông nói. "Nó mới là một điệp viên cừ." Phạm Xuân Ẩn, với kiểu hài hước rất tinh quái của minh, cũng cho biết là con chó siêu thông minh của Lansdale trong vườn nhà ông có đến ba tinh hoàn.

        Vợ ông, bà Thu Nhạn, đang quét dọn hiên trước với một cây chổi cán ngắn. Bà là một phụ nữ vui tính, khuôn mặt tròn trịa phúc hậu với mái tóc buộc túm ra sau thành một búi. Kém chồng mười tuổi, bà đang bận dọn dẹp trước khi đón tiếp rất nhiều khách khứa sẽ đến trong dịp Tết, gồm cả người con gái của ông bà đang sống ở California. Treo dưới mái hiên và những chiếc cột dựng trên lối đi là những chiếc lồng ông Ẩn nuôi lũ chim khướu, chim xanh trán vàng, giẻ cùi, hoàng yến và các loại chim biết hót khác. Một con sáo xanh mỏ vàng thông báo bằng tiếng Việt: "Nội ơi, có diện thoại!" Con chim đang nhại tiếng cháu nội ông Ẩn, đứa cháu này đang sống cùng ông và ba người con trai đã trưởng thành của ông.

---------------
        1. cải tổ (tiếng Nga).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 09:20:29 pm »


        Chúng tôi cởi giày bước vào căn phòng rộng rãi đã từng được dùng làm văn phòng và thư viện của Phạm Xuân Ấn, cũng như phòng ăn và phòng tiếp khách của ông. Kê dọc bức tường cuối phòng là những chiếc giá mặt kính nơi chứa sách vở của ông. Một bức tranh thủy mặc Trung Hoa treo phía trên bộ xô phà bọc nỉ xanh. Phía dưới cánh cửa sổ để mở là một cái bể cá lưu giữ thành phần thứ ba trong bầy động vật cảnh của Phạm Xuân Ẩn. "Chó luôn trung thành," ông nói. "Chim thì nhảy hoài trong lồng, lúc nào cũng bận rộn. Cá dạy anh biết ngậm miệng. Tiếc là dạo tôi nằm viện, lũ cá chết gần hết."

        Căn phòng đã thay đổi nhiều so với lần tôi đến thăm trước đó. Trong hốc tường gần cửa chính, thay cho bàn làm việc của ông và những ngăn kéo đựng giấy tờ cùng hàng chồng tạp chí và báo trước kia chất cao đến trần nhà, là cây đàn piano của con trai ông. Sau đó tôi phát hiện ra chuyện gì đã xảy ra với phòng làm việc của ông khi tôi đi qua bàn thờ gia tiên và thông qua phòng bếp đi ra lối đi phía sau nhà. "Vợ tôi vứt hết giấy tờ của tôi ra đây," ông nói, và chỉ vào hai tủ giấy tờ cùng một chiếc bàn chất đầy những tài liệu ngả vàng. Tất cả những gì bảo vệ chúng khỏi nắng gió là một chiếc mái hẹp bằng nhựa.

        Trong khi chúng tôi ngỡ ngàng nhìn chỗ giấy tờ chất đống trên lối đi, Phạm Xuân Ẩn bật cười. "Vợ tôi bảo đã đến lúc nhường chỗ cho thế hệ trẻ, nhưng tôi chưa chết được. Chẳng có chỗ nào cho tôi ra đi cả. Tôi không được lên thiên đường vì tôi nói xạo nhiều quá; địa ngục thì dành riêng cho những kẻ lừa đảo, nhưng cũng chật cả rồi."

        Phạm Xuân Ấn có đôi tai to rủ xuống, vầng trán cao vuông vắn, mái tóc màu đen húi ngắn, và đôi mắt màu nâu sinh động. Mắt trái của ông to hơn mắt phải một chút, như thể ông đang đánh giá những vấn đề của thế giới bằng cả lăng kính xa và lăng kính gần cùng một lúc. Những bức ảnh của ông hồi những năm 1950 cho thấy ông mặc những bộ com lê may sát người, áo sơ mi trắng và quần đen. Dạo đó nhìn Phạm Xuân Ẩn giống như một trong những thanh niên bảnh trai, sáng sủa tham gia vào các hội đoàn và thành thạo những trò bù khú thời thượng. Ông cao hơn tầm vóc trung bình của người Việt, kiểu một võ sĩ quyền Anh hay tay đua bơi lội hạng bét nhưng đã có thời, sau khi trượt hai năm liên tiếp, nghĩ rằng mình có thể sẽ trở thành một tay anh chị Việt Nam.

        "Tôi không muốn nói về mình," Phạm Xuân Ẩn thường nói. "Có quá nhiều điều phải nhớ." Và rồi ông không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhặt nhất từ 50 năm trước. Ông cúi người về phía trước trên chiếc ghế của mình. Ông khoa chân múa tay với những ngón tay dài xương xẩu và gần như trong mờ vì tuổi tác. Ông nhào nặn không gian trước mặt như thể nó là một khối bột nhão, thỉnh thoảng lại giáng cho nó một cú đấm. Ông chia những nhận xét của mình thành các khái niệm tam cương ngũ thường Nho giáo trong khi vẫy những ngón tay thành một hình vòng cung tượng trưng cho một trong những déesses, những nữ thần hộ mệnh mà ông tin là mang đến thành công cho mình trong cuộc sống. Phạm Xuân Ấn cũng có thể nói chuyện hàng giờ liền về các sự kiện trên thế giới, vạch ra những nét tương đồng giữa chiến tranh Việt Nam và chiến tranh tại Iraq ("những phương pháp được phát triển đầu tiên ở châu Á đã được đưa đến sa mạc") hoặc đánh giá các cơ quân tình báo trên thế giới ("Người Mỹ là bậc thầy về thu thập thông tin tình báo, nhưng họ không biết phải làm gì với chúng").

        Theo lịch của người Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn sinh năm Đinh Mão, giờ Sửu, tức ngày 12 tháng 9 năm 1927, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm về phía Đông Bắc, tại nhà thương điên Biên Hòa, nơi vào thời điểm đó là cơ sở y tế duy nhất của người Âu tại Nam Kỳ tiếp nhận người Việt Nam. Là con trai đầu của một cadre supérieur, một viên chức có học của chính quyền thuộc địa, ông được nhận giấy khai sinh của Pháp, một đặc quyền hiếm thấy. "Họ có một bác sĩ chuyên chăm lo cho những người điên bị dính bầu," Phạm Xuân Ẩn nói. "Do tôi được sinh ra trong một nhà thương điên nên nhiều người nói rằng: Ẩn được sinh ra trong một nhà thương điên hả? Thảo nào... Chả bị điên rồi!”

        Phạm Xuân Ấn là một nhà kể chuyện ngụ ngôn đại tài. Ông sử dụng những câu chuyện ngụ ngôn và tục ngữ để chế giễu thói tham sân si của người đời. Sự hóm hỉnh của ông công nhận những điều vô lý của cuộc sống và xoay quanh những mâu thuẫn của nó, nhưng nhiều lúc tôi tự hỏi liệu đó có phải chỉ là một tấm lá chắn, một dạng mai bảo vệ để đánh lạc hướng người đối thoại. Tại sao Phạm Xuân Ẩn lại trở thành một người cộng sản? Lẽ nào ông đùa giỡn về chuyện đó vì vấn đề quá nghiêm túc nên không thể dược giải quyết bằng cách nào khác được?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:54:29 pm »


        Có gốc gác ở Hà Đông, nằm ngay trung tâm của miền Bắc Việt Nam trong vùng châu thổ sông Hồng đất chật người đông, nằm giữa Hà Nội và vùng ven biển, cụ nội của Phạm Xuân Ấn là Phạm Xuân Hùng, một người thợ kim hoàn, được nhà Nguyễn mộ vào chế tác đồ vàng bạc cho triều đình ở Huế, miền Trung Việt Nam. Ông nội Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Dương, thăng tiến qua ngạch quân lại của Việt Nam, trở thành thầy giáo và cuối cùng là hiệu trưởng một trường tiểu học nữ sinh ở Huế. Trong bức ảnh đặt giữa bàn thờ gia tiên nhà Phạm Xuân Ẩn, ông Phạm Xuân Dương đeo một chiếc huân chương bằng vàng trên ngực. Được chính hoàng đế ban tặng, chiếc huân chương lớn bằng cánh hoa tulip, còn được gọi là kim khánh, cho thấy ông nội của Phạm Xuân Ẩn  có phẩm hàm ngang với một vị "thư ký" trong triều. Phạm Xuân Ẩn cho tôi xem bức ảnh của chính ông hồi còn nhỏ với tấm kim khánh đeo quanh cổ. Tôi hỏi xem ông còn giữ tấm kim khánh của ông nội mình hay không. "Nó đã được gửi tới chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Tuần lễ vàng."

        Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Đông Dương ở Hà Nội, Phạm Xuân Viễn, cha của Phạm Xuân Ẩn, làm tham sự công chánh chuyên vẽ địa bạ ranh giới và sổ thuế đất ở vùng biên cương miền Nam Việt Nam. Ông Viễn cũng quy hoạch đường sá ở Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trong rừng U Minh, dọc bên bờ vịnh Xiêm La (vịnh Thái Lan). Trong khi đo đạc ở Campuchia, ông gặp mẹ của Phạm Xuân Ẩn, một phụ nữ người Bắc di cư tần tảo học hết lớp hai biết đọc biết viết. Công việc của một ông tham trắc địa dưới thời thuộc địa ở miền Nam Việt Nam bao gồm cả việc huy động những người nông dân đi kéo xích đo đạc qua những đồng lầy của sông Mê Công và xây chòi trong rừng rậm để làm đường ngắm chuẩn. "Khi đi làm công việc trắc địa, đào kênh hay làm đường, anh sẽ thấy dân Việt Nam nghèo khổ phải đi làm thêm để kiếm sống," Phạm Xuân Ẩn nói. "Anh sẽ thấy hệ thống lao động cưỡng bức, đánh đập và những hình thức bóc lột khác của người Pháp. Cách duy nhất để chống lại những hình thức bóc lột này là đấu tranh giành độc lập. Người Mỹ cũng đã làm như vậy năm 1776. Khi ba tôi nhận ra người Pháp đối xử tàn tệ như thế nào đối với những người nông dân, lẽ tự nhiên là ông sẽ đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ba tôi trở thành một người yêu nước. Gia đình tôi lúc nào cũng có tinh thần yêu nước với khát vọng đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam."

        Là một cadre supérieur, cha của Phạm Xuân Ẩn nắm giữ một trong những vị trí cao dành cho người Việt trong chính quyền thực dân. Hồi đó, ở Đông Dương không có trường kỹ thuật (để theo đuổi ngành học cao cấp này người ta phải sang Pháp học): vì thế Phạm Xuân Viễn được đào tạo như một agent technique, về chức năng cũng tương đương như một kỹ sư công chánh. Sinh tại Huế, miền Trung Việt Nam và được đào tạo ở miền Bắc, Phạm Xuân Viễn đã dành cả sự nghiệp của mình ở miền Nam, xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc địa của nước Pháp. Ở thời điểm đó, miền Nam là miền biên viễn của Việt Nam, phần lớn vùng đất này vẫn còn bị rừng rậm bao phủ. Những khu vực khác chỉ có thể được tiếp cận bằng xuồng. Làm việc qua những cánh đồng ngập nước theo mùa mưa, những rừng đước, và những đồng lúa bị gió mùa vùi dập mỗi năm hai bận, Phạm Xuân Viễn phục vụ trong đoàn quân tiên phong của công cuộc mà người Việt Nam gọi là khai phá vùng đất phương Nam.

        Người Kinh, một trong 54 dân tộc của Việt Nam (hiện là dân tộc chiếm đa số), đã mở rộng về phía Nam từ quê hương của mình ở đồng bằng sông Hồng gần Hà Nội suốt năm nghìn năm qua. Nhưng chỉ sau khi những vùng đất hoang vu thuộc châu thổ sông Mê Công ở miền Nam đã phủ kín những con đường và đồn điền thì người Việt mới hoàn thành cuộc trường chinh của mình. Phạm Xuân Ẩn, giống như cha mình, đã phục vụ công cuộc đấu tranh ở miền Nam. Thực ra, có thể nói rằng chính ông đã góp phần đưa nó đến chỗ kết thúc. Một nước Việt Nam thống nhất trải dài từ biên giới Trung Quốc đến vịnh Thái Lan chỉ có thể tồn tại sau khi tất cả những kẻ xâm lược Việt Nam - đã bị đánh đuổi và Việt Nam đã hoàn thành những cuộc chiến tranh Đông Dương cuối cùng. Chỉ khi đó công cuộc thống nhất đất nước mới thực sự hoàn tất.

        Tổ tiên của Phạm Xuân Ấn có gốc gác từ khu vực miền Nam Trung Hoa. "Đó là nơi chúng tôi sống trước khi bị xua đi," ông nói. "Chúng tôi di cư tới miền Trung Việt Nam, khu vực của người Chăm và người Khmer, trước khi chúng tôi đi xa hơn về phía Nam tới vùng Nam Kỳ. Tổ tiên tôi cũng đi theo lịch sử chung của cả đất nước, dịch chuyển từ đồng bằng châu thổ sông Hồng về phía Nam tới những vùng đất thấp."
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM