Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:58:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sức mạnh làm nên chiến thắng  (Đọc 9666 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2020, 09:47:18 am »


        24 giờ 4 phút Tiểu đoàn đánh trận thứ 3 trong đêm bằng phương pháp "ba điểm" với 3 đạn đúng theo phương án tác chiến Tiểu đoàn đã xây dựng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi lệnh đánh vào một mục tiêu bằng 3 đạn. Tuy nhiên, trận này chúng tôi tiến hành bắn ở cự ly khá xa, nên trong 3 quả đạn chỉ có một quả nổ ở cự ly 30km và cũng không diệt được mục tiêu. Có thể nói đây là một trận đánh rất bài bản, đúng với kế hoạch đã phê chuẩn nhưng kết quả thì vẫn chưa theo ý muốn. Sau khi đánh tốp này xong, lúc 24 giờ 9 phút chúng tôi còn tiếp tục bắn đuối hai quả tốp sau nữa nhưng cả hai đạn đều vượt. Đợt đánh phá lần thứ 2 trong đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972 của máy bay B-52 Mỹ diễn ra trong khoảng 1 giờ. Sau khi về cấp 2 mọi người đều mệt nhoài. Chúng tôi vừa có được mấy phút nghỉ cho lại sức, nhưng vừa chợp mắt thì lại báo động. Máy bay F-111 hoạt động đánh phá xen kẽ giữa hai đợt đánh lớn cua B-52 nhằm tạo cho ta một sự căng thắng tột bậc. Đây là đối tượng chúng tôi không đánh nhưng chúng hoạt động thì vẫn phải chuyển cấp theo dõi. Thời gian đó, kíp chiến đấu của chúng tôi đang tuổi 24, 25 đến 30 -  đó là tuổi ăn, tuổi ngủ như các cụ vẫn nói. Nhưng suốt cả năm 1972, đặc biệt dịp tháng 10 vừa qua chiến tranh đà rèn cho chúng tôi thích nghi với cuộc sống quên ngày, quên đêm để chiến đấu. Đêm nay cũng vậy, báo động F-111 xong về đặt lưng chưa ấm chỗ, giấc ngủ chưa tới chân giường thì lại báo động máy bay B-52 vào đánh phá đợt 3 trong đêm. Khi đó chưa đầy 4 giờ sáng ngày 19 tháng 12 năm 1972. Chúng tôi nhanh chóng về vị trí. Mặc dù mắt cay xè nhưng mọi công tác chuẩn bị chiến đấu vẫn được làm khẩn trương, chu đáo và chính xác. Kiểm tra chức năng xong sĩ quan điều khiển mở máy thu nhiễu, vẫn hướng tây nam và đông nam có nhiều dải nhiễu tạp. Khả năng chúng vẫn sử dụng đường bay cũ vào đánh Hà Nội. Đúng như dự đoán, từ hướng tây - tây bắc các tốp B-52 được máy bay chiến thuật hộ tống lại lừ lừ tiến vào. Mục tiêu chủ yếu của chúng vẫn là hệ thông sân bay, các chân hàng. Đặc biệt sáng 19 tháng 12 chúng đã dùng B-52 đánh vào Đài Tiếng nói Việt Nam. Như vậy quy luật hoạt động của kẻ địch từ đường bay, đội hình, hướng tập kích, thủ đoạn gây nhiễu đã bộc lộ và phù hợp với dự kiến của ta.

        Sáng hôm đó vào lúc 4 giờ 35 phút và 5 giờ, Tiểu đoàn đánh tiếp 2 trận tiêu thụ 4 đạn, nhưng vẫn chưa bắn rơi B-52. Chúng tôi về cấp 2 chuẩn bị rút kinh nghiệm. Suốt đêm qua gần như thức trắng nên mọi người đều mệt.

        Buổi sáng mùa đông trời rét như cắt, tất cả ăn sáng qua loa, rồi tập trung để Tiểu đoàn tổ chức rút kinh nghiệm. Lúc này tin vui chiến thắng của quân và dân Hà Nội bắn rơi 3 máy bay B-52 của Mỹ đã được thông báo. Tất cả chúng tôi đều rất phấn khởi vì như vậy là Bộ đội Tên lửa đã thực hiện được quyết tâm của Quân chủng bắn rơi tại chỗ B-52. Càng vui hơn khi chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ ở Phủ Lỗ lại do Tiểu đoàn 59 của Trung đoàn 261 bắn.

        Vậy là đêm 18 tháng 12 năm 1972, với chúng tôi là một đêm tồi tệ. Tiểu đoàn đánh 6 trận tiêu thụ 11 quả đạn không diệt được chiếc B-52 nào. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, trong khi đó đơn vị bạn đã bắn rơi tại chỗ B-52. Chiến thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ B-52 của đơn vị bạn càng làm cho chúng tôi sốt ruột. Tuy cả đêm qua gần như thức trắng nhưng sáng nay mọi người trong kíp chiến đấu của Tiểu đoàn vẫn có mặt đầy đủ để tham gia rút kinh nghiệm. Trọng tâm buổi họp là tìm nguyên nhân vì sao đêm qua Tiểu đoàn đánh 6 trận tiêu thụ 11 qua đạn mà chưa bắn rơi được B-52. Mọi người tham gia ý kiến rất sôi nổi, thẳng thắn, chân tình vì công việc chung. Ai cũng chỉ quan tâm tới vấn đề nóng bỏng của Tiểu đoàn lúc này là vì sao đánh chưa thắng và làm thế nào để đánh thắng trong trận tới. Không ai đổ lỗi cho ai, nhưng ai cũng đều tự nhận thấy thiếu sót của mình để khắc phục; không nặng nề, chì chiết, nhưng sâu sắc, trách nhiệm, đầy ắp tình người, tình đồng đội, đồng chí. Điều cốt lõi rút ra trong những trận đánh chưa thắng đêm qua là: chọn thời cơ phóng quá xa, lúc đó trắc thủ bám sát dải nhiễu chưa trúng giữa một máy bay mà là giữa ba chiếc nên khả năng tiêu diệt thấp. Việc bám sát dải nhiễu khi mục tiêu tách dải cũng cần phải chủ động và linh hoạt. Việc phối hợp giữa đài K8-60 với đài điều khiển để xác định chính xác cự ly mục tiêu tạo điều kiện xác định cự ly phóng, cự ly mở ngòi nổ 11 giây chưa phù hợp. Công tác bảo đảm đạn, tiết kiệm đạn để chiến đấu liên tục cũng được đặt ra... Tất cả những nội dung trên kíp chiến đấu chúng tôi đã rút ra và bổ sung vào kế hoạch chiến đâu. Chúng tôi họp rút kinh nghiệm vừa xong thì lại có báo động. Một đợt hoạt động của không quân chiến thuật đánh phá bổ sung các mục tiêu phụ cận và các trận địa phòng không để dọn đường cho các đợt. tập kích ban đêm. Chúng tôi chuyển cấp nhưng được lệnh chỉ theo dõi chứ không được đánh. Bộ đội Tên lửa khu vực Hà Nội chỉ đánh máy bay B-52.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:42:35 am »


        Cả ngày 19 tháng 12, chúng tôi còn phải chuyến cấp 2, 3 lần nữa nhưng chỉ theo dõi hoạt động của chúng, không đánh trận nào, mặc dù có lúc chúng đã vào vùng hoả lực của Tiểu đoàn. Những lúc như vậy chúng tôi chỉ muốn phóng cho chúng vài quả đạn nhưng kỷ luật chiến đấu không cho phép. Ngày đầu tiên của chiến dịch 12 ngày đêm chống tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội đối với tôi đã diễn ra như vậy.

        Khoảng 19 giờ 40 phút lại có lệnh chuyển cấp. Đơn vị chúng tôi đã nhanh chóng có mặt trên các vị trí chiến đấu. Trời vẫn rét buốt và tối đen như mực. Sau khi kiểm tra chức năng xong, sĩ quan điều khiển báo cáo tôi tình trạng khí tài, đạn, bệ và mở máy thu kiểm tra tình hình nhiễu trên các hướng. Cũng như đêm qua, hôm nay vẫn xuất hiện nhiều dải nhiễu ở hướng tây nam và đông nam. Như vậy là hướng đường bay địch vẫn chưa thay đổi. Cả kíp chúng tôi bước vào trận đánh hôm nay với tâm trạng vừa háo hức lập công vừa lo lắng, không đánh thắng thì sẽ khó ăn, khó nói với mọi người trong đơn vị và với cấp trên. Sau khi quay một vòng kiểm tra nhiễu, sĩ quan điều khiển đưa anten về hướng chủ yếu của Tiểu đoàn. Tôi thông báo tình hình trên không và nhận định: địch sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập kích đường không bằng B-52 vào Hà Nội, kíp chiến đấu rút kinh nghiệm những trận đánh đêm qua, chuẩn bị khí tài tốt, bình tĩnh xử lý các tình huống trong chiến đấu, chọn đúng máy bay B-52 để tiêu diệt. Chính trị viên tiểu đoàn động viên và kêu gọi toàn đơn vị phát huy thành tích chiến đấu trong thời gian qua, quyết tâm bắn rơi B-52 của đế quốc Mỹ để trả thù cho đồng chí, đồng bào Hà Nội vừa bị bom đạn của chúng sát hại. Nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay là phải chọn đúng B-52 để tiêu diệt. Căn cứ nhiệm vụ Trung đoàn giao, theo chỉ thị của tôi, sĩ quan điều khiển chọn một dải nhiễu sáng ít quét, có tốc độ góc ổn định giao cho trắc thủ bám sát và tiến hành kiểm tra đồng nhất. Theo nội dung rút kinh nghiệm sáng nay, hôm nay chúng tôi sẽ bắn ở cự ly gần hơn, chú ý động tác bám sát khi dải nhiễu tách thành nhiều dải, sẵn sàng phát hiện mục tiêu trên nền nhiễu và chuyển phương pháp điều khiển sang đón nửa góc và tiết kiệm đạn. Vấn đề bảo đảm đạn đã trở thành mối quan tâm của cấp trên. Phương án cũ đánh B-52 là sử dụng 3 đạn, nhưng hôm nay chỉ sử dụng 2 đạn. Tất cả những nội dung đó chúng tôi đã huấn luyện trước đây nhưng bây giờ phải bổ sung và vận dụng cho thành thạo trong chiến đấu. Sau khi đã chọn đúng tốp B-52 được giao, sĩ quan điều khiển làm động tác kiểm tra lần cuối. Mọi công việc chuẩn bị xong xuôi. Lúc 20 giờ 10 phút ngày 19 tháng 12 năm 1972 tôi lệnh phóng 2 đạn ở cự ly 28 và 27 km. cả hai quả đạn điều khiển tốt. Sĩ quan điều khiển nâng cao thế, hy vọng phát hiện mục tiêu trên nền nhiễu nhưng không có. Khi quả đạn thứ nhất cách mục tiêu 2km sĩ quan điều khiển mở ngòi nổ 11 giây. Tên lửa thứ nhất đi đến cự ly 22km thì nổ và trắc thủ cự ly cũng đọc mục tiêu cự ly 22. Trắc thủ quang học hô máy bay bốc cháy. Cả kíp chúng tôi lặng thinh một lúc chờ quả thứ 2 gặp mục liêu xong và cùng oà lên sung sướng vì đã thực hiện được ước mơ bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ. Có thể nói đây là những giờ phút lịch sử đối với cá nhân tôi và cả Tiểu đoàn 57. Chúng tôi đã làm được điều kỳ diệu: bắn rơi "pháo đài bay" của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Bao công sức, mồ hôi và cả xương máu chúng tôi và đồng đội đã đổ xuống cho chiến công này. Tôi vui sướng đến rơi nước mắt. Sau một ngày đêm với 7 trận đánh liên tục đến nay chúng tôi mới hoàn thành được ước nguyện bắn rơi B-52 của Mỹ. Niềm vui là vậy nhưng chúng tôi cũng đành nén xuống. Cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn và ngày càng khó khăn, ác liệt.

        Trận đánh lúc 20 giờ 10 phút đơn vị được công nhận bắn rơi một chiếc B-52, nhưng chưa bắn rơi tại chỗ. Các thành phần kíp chiến đấu đều tin tưởng đã đánh đúng theo phương án luyện tập, thực hành xạ kích chuẩn xác, đánh trúng mục tiêu B-52, nhưng tại sao B-52 chưa rơi tại chỗ. Đó là điều băn khoăn của chúng tôi. Kíp chiến đấu tổ chức rút kinh nghiệm ngay sau trận đánh đã bám sát vào dải nhiễu của một chiếc B-52, nhưng chưa đưa đường vạch dấu phương vị BM thật chính xác vào giữa tín hiệu chiếc B-52. Kíp chiến đấu tiếp tục luyện tập uốn nắn những sai sót, sau đó tạm nghỉ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:43:02 am »


        Chúng tôi vừa chợp mắt lại có lệnh báo động lúc 23 giờ đêm 19 tháng 12. Trên cả tiêu đồ 9x9 và tiêu đồ 5x5 đã xuất hiện có nhiều tốp B-52 bay vào Hà Nội. Đợt tập kích này đơn vị không đánh trận nào. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 20 tháng 12, Tiểu đoàn tôi đánh thêm một trận lúc 5 giờ 5 phút sáng nhưng không tiêu diệt được mục tiêu. Xen kẽ các đợt tập kích bằng B-52, không quân Mỹ vẫn sử dụng máy bay F-111 đánh phá bổ sung các mục tiêu nhằm gây căng thẳng cho các lực lượng phòng không, uy hiếp tinh thần nhân dân ta, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân và dân ta, buộc ta phải ngồi lại bàn đàm phán Pari và ký hiệp định theo những điều khoản có lợi cho chúng. Nhưng chúng đã nhầm. Một dân tộc đã dám dứng lên cùng đồng minh chống phát xít, nay lại dám đứng lên chống Mỹ để giành lấy độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc thì chẳng có sức mạnh tàn bạo nào có thể khuất phục. Kẻ thù càng bạo tàn, ý chí của quân và dân ta càng trở nên kiên cường, bất khuất. Lòng căm thù càng dồn nén càng trở thành sức mạnh để thiêu cháy kẻ thù. Những ngày này chúng tôi chỉ nghĩ tới một điều là làm thế nào bắn hạ thật nhiều B-52 của Mỹ để trả thù cho đồng bào, đồng chí đã bị bom đạn Mỹ giết hại.

        Sau trận đánh rạng sáng 20 tháng 12, Tiểu đoàn tố chức rút kinh nghiệm nghiêm túc. Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao đánh không rơi tại chỗ B-52, có sợ Shrike của địch hay không, bám sát đã chính xác mục tiêu B-52 hay chưa. Trọng tâm rút kinh nghiệm vẫn xoay vào, tại sao không đánh thắng, không bắn rơi tại chỗ B-52 để mổ xẻ làm rõ nguyên nhân và đề ra chống tư tưởng sợ Shrike của địch, chống bằng được nhiễu trong tư tương, sau đó lại luyện tập.

        Ban ngày, tên lửa đã được lệnh không đánh máy hay chiến thuật nhưng mỗi khi chúng hoạt động đánh phá thì chúng tôi vẫn phải vào cấp 1 mở máy trực sẵn sàng. Vì vậy ban ngày chúng tôi cũng phải chuyên cấp 3 - 4 lần. Tình hình đạn tên lửa đến hôm nay bắt đầu có vấn đề. Tiểu đoàn kỹ thuật lắp ráp không cung cấp đủ nhu cầu chiến đấu của các tiểu đoàn hoả lực. Từ  trước tới nay cao nhất chỉ triển khai 2 dây chuyên lắp ráp, nhưng nay đã phải triến khai tới 3 dây chuyền và đích thân một đồng chí Cục phó Cục Kỹ thuật phải xuống chỉ đạo việc sản xuất đạn tại Tiểu đoàn kỹ thuật 95. Đạn tên lửa ở kho chiến lược cũng vận chuyển về khó khăn vì địch đánh phá ác liệt các tuyến giao thông. Phương án cung cấp đạn cho các tiểu đoàn hoả lực đã phải tính đến ưu tiên những đơn vị trọng điểm thì được cung cấp đạn nhiều hơn. Tiểu đoàn 57 khi đó ở trận địa Đại Đồng được xác định là đơn vị ở hướng chủ yếu của Trung đoàn và cũng là một trong những đơn vị ở hướng chủ yếu của Sư đoàn phòng không Hà Nội, do vậy trong phân phối đạn có được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, ngày hôm nay cũng chỉ được bổ sung có 4 quả tên lửa. Như vậy, cơ số đạn của Tiêu đoàn chỉ đạt 1/2 theo quy định. Toàn đơn vị lúc này chỉ còn có 6 quả đạn đã nạp trên bệ. Tuyến 2 không còn quả nào. Xe chở đạn đang nằm chờ ở tiểu đoàn kỹ thuật.

        Chúng ta đang tổ chức một chiến dịch phòng không nhằm đối phó với một kẻ thù có tiềm lực mạnh chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của dân tộc, do vậy những khó khăn đó cũng là đương nhiên. Phương án tiết kiệm đạn được đặt ra một cách nghiêm khắc. Ngoài việc quy định chỉ sử dụng tên lửa để đánh B-52, chúng tôi thông qua kinh nghiệm những ngày chiến đấu vừa qua thấy rằng nếu làm công tác chuẩn bị chiến đấu tốt, trắc thủ thao tác tốt, chọn thời cơ phóng thích hợp, thì có thế giảm số lượng đạn trong loạt bắn xuống từ 1 đến 2 quả mà vẫn tiêu diệt được mục tiêu. Một nội dung mà mọi người cùng quan tâm đó là sự gián đoạn thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy Trung đoàn và Tiểu đoàn khi B-52 vào cách vùng hoả lực ta từ l00 km trở vào. Việc này đến nay đã được trên bổ sung phương pháp thông tin liên lạc bổ trợ thông qua may thu P-311 với mật danh là "FA". Phương pháp liên lạc này là chỉ tiếp nhận thông tin một chiều để nhận mệnh lệnh từ trên xuống, còn tiểu đoàn vẫn chủ động đánh theo phương án là chính. Những ý kiến này được bổ sung vào phương án chiến đấu của Tiểu đoàn.

        Về phía không quân Mỹ đến hôm nay đã bộc lộ quy luật hoạt động của chúng. Mỗi đêm tổ chức 3 đợt đánh phá bằng không quân chiến lược B-52 vào các mục tiêu trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực phụ cận nhằm tiêu hao tiềm lực quân sự, kinh tế của ta. Mặt khác chúng đánh cả vào các khu dân cư để uy hiếp tinh thần của nhân dân nhằm tạo sự mất ổn định về chính trị trong lòng xã hội ta, buộc ta phải ngồi lại bàn đàm phán theo yêu cầu của Mỹ. Xen kẽ các đợt hoạt động của B-52 là các đợt đánh bổ sung của máy bay F-111. Ban ngày chúng sử dụng không quân chiến thuật đánh phá các lực lượng phòng không và các mục tiêu khác nhằm tạo nên một tình trạng căng thẳng liên tục cả ngay lẫn đêm. Về đường bay, ba ngày qua chúng sử đụng các đường bay hướng tây - tây bắc là chủ yếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:50:54 am »

           

Cùng thầy giáo Phong và các bạn học sinh lớp 7A Trường cấp II Ân Thi chụp ánh lưu niệm nhân dịp làm báo tường kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1959) - đồng chí Phiệt đứng thứ tư từ phải sang


Chụp ánh lưu niệm cùng bạn học lớp sửa chữa của Binh chủng Phòng không năm 1961 (đồng chí Phiệt ngồi thứ hai từ phải sang)


Chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội trước khi nhận khí tài hành quân về đơn vị, năm 1962 (đồng chí Phiệt đứng hàng sau thứ ba từ phải sang)


Rút kinh nghiệm chiến đấu cùng kíp trắc thủ trong chiến dịch 12 ngày đêm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của dế quốc Mỹ năm 1972 (đổng chí Phiệt ngồi bên phải)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:54:13 am »

           

Trung đoàn 261 tổ chức đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Văn Phiệt tại trận địa Tó, tháng 9-1973




Chụp ảnh lưu niệm với bạn cùng lớp bổ túc cán bộ cao cấp khóa 4 tại Học viện Quân sự cấp cao, năm 1981


Chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Mạc Ninh và các bạn Cu Ba nhân dịp sang thăm đất nước Cu Ba, tháng 7-1973
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:55:08 am »


        Sau một ngày căng thẳng, đến 16 giờ 30 phút chúng tôi lại tiến hành làm công tác chuẩn bị chiến đấu cho khí tài, đạn bệ. Sĩ quan điều khiển sáng, chiều nào cũng phái trực tiếp cùng kíp chiến đấu làm công tác kiểm tra các tham số của xe điều khiển, kiểm tra chức năng đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của đài điều khiển, bệ đạn, phát hiện kịp thời các hỏng hóc để sửa chữa. Thông qua các kết quả kiểm tra xác định khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn Tiểu đoàn. Đây là một chức trách quan trọng của người sĩ quan điều khiển. Để làm tròn chức trách này yêu cầu người sĩ quan điều khiển phải học hỏi, nắm vững nguyên lý không chỉ của xe điều khiển mà còn phải nắm vững sơ đồ chức năng toàn đài điều khiển, vòng điều khiển kín của bộ khí tài SAM-2. Quan trọng hơn nữa là anh ta phải tạo dựng được lòng tin trong anh em cán bộ, chiến sĩ thông qua những việc làm của mình hàng ngày. Tiểu đoàn tôi lúc đó có rất nhiều cán bộ kỹ thuật được đào tạo cơ bản bậc đại học và trung cấp kỹ thuật ở các trường quân đội và cả các trường ngoài. Họ có trình độ và kiến thức kỹ thuật khá vững. Những lúc chiến đấu căng thẳng như thế này cán hộ, chiến sĩ chúng tôi càng phải gắn bó khăng khít. Hơn một năm nay sử dụng bộ khí tài cũ này, chúng tôi đã làm việc với nhau và đã hiểu rõ về nhau cho nên trong chỉ huy chuẩn bị chiến đấu của Tiểu đoàn thường tiến hành thuận lợi.

        Ngày 20 tháng 12 cũng vậy. Cả ngày đêm lăn lộn chiến đấu, buổi chiều chúng tôi kiểm tra khí tài chu đáo để chuẩn bị cho các trận đánh đêm. Mọi người đều biết tính tôi là rất khắt khe trong các chỉ tiêu kỹ thuật nên đều kiểm tra rất kỹ. Sau khi chuẩn bị chiến đấu buổi chiều xong, khí tài của Tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu tốt, chúng tôi về nghỉ ngơi, ăn cơm chiều sớm để chuẩn bị cho một đêm chiến đấu tiếp theo.

        Khoảng 19 giờ 40 phút ngày 20 tháng 12, Tiểu đoàn lại chuyển vào cấp 1. Quả thật không quân Mỹ đi chiến đấu cũng rất chính quy và đúng giờ. Hướng tấn công, thời gian, đội hình bay của chúng hôm nay cũng chưa có gì thay đổi. Tiểu đoàn đánh một trận lúc 20 giờ 15 phút, đạn có điều khiển nổ ở cự ly 28 km, rađa K8-60 báo mất mục tiêu ở cự ly 26 km, nhưng không được công nhận bắn rơi B-52. Đến đợt chiến đấu thứ 2 trong đêm 20 rạng sáng 21 tháng 12, bắt đầu từ 4 giờ 36 phút ngày 21 tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn được lệnh vào cấp 1 sớm để đón đánh địch. Trong đêm đã báo động 4, 5 lần, ai cùng mệt nhoài vì thiếu ngủ và căng thẳng về tinh thần, nhưng khi vừa nghe tiếng kẻng báo động vang lên la mọi người đã tung chăn, xỏ giày chạy nhanh về vị trí chiến đấu, những ngày này trời vẫn rét buốt. Bình thường nghĩ tới việc chui ra khỏi chăn trong thời tiết như thế cũng đã ngại, nhưng chỉ một phút sau khi có tiếng kẻng là tiếng máy nổ đã rền vang xé tan không gian giá lạnh của buổi sáng mùa đông ở khu ngoại thành Hà Nội. Thông thường 4, 5 phút sau toàn Tiểu đoàn đã sẵn sàng chiến đấu. Để đảm bảo được thời gian trên chúng tôi đi ngủ mặc nguyên cả quần áo dài, áo rét thậm chí có anh mang nguyên cả giày để nằm ngủ. Các đồng chí máy nổ nằm ngay trên xe để khi có kẻng báo động là có thể nổ máy được ngay. Việc ngủ trên máy là không đúng, nhưng vì là thời chiến nên nhiều việc làm cũng trái quy định thông thường, miễn sao đạt kết quả tốt trong chiến đấu là làm. Bước vào trận chiến đấu hôm nay một vấn đề nổi cộm đối với Tiểu đoàn là thiếu đạn. Đêm qua đơn vị không được bổ sung thêm quả đạn nào. Hiện tại toàn đơn vị chỉ còn trên bệ 4 quả đạn, bằng một phần ba cơ số quy định. Chúng tôi đã phải tính đến khả năng tiết kiệm đạn cao nhất là mỗi trận chỉ đánh một quả để có thể bắn được nhiều tốp B-52 khi chúng đánh phá mục tiêu. Đợt này không quân Mỹ huy động khoảng 27-30 chiếc B-52 và hàng chục máy bay chiến thuật hộ tống tham gia đánh phá. Càng về sáng càng trở nên căng thẳng vì cả đêm mất ngủ, trận địa chỉ còn 4 quả đạn. Lệnh trên giao cho Tiểu đoàn diệt tốp 531, chúng tôi bắt được dải nhiễu gọn, nhỏ, nhưng khi phóng đạn lên máy bay đi theo phương vị lớn, nên không phóng quả thứ 2. Tuy quả đạn có điều khiển tốt, nhưng vì "tham số đường bay"1 quá lớn không diệt được mục tiêu. Trong lúc này xe đi nhận đạn chưa về mà Tiểu đoàn chỉ còn 3 quả tên lửa nạp trên bệ phóng tại trận địa. Ba quả đạn chỉ đánh được một trận theo lý thuyết đã học, vì mục tiêu B-52 có mặt phản xạ lớn, phải tiêu diệt bằng 2 đến 3 quả đạn mới bảo đảm xác xuất diệt mục tiêu. Lúc này Trung đoàn thông báo, trên hướng chủ yếu mà Trung đoàn đảm nhiệm, Tiểu đoản 94 đã hết đạn (gọi lóng là hết bút chì), Tiểu đoàn 59 đã hết đạn từ trận đánh trước, Tiểu đoàn 93 chỉ còn 3 quả đạn, máy bay thì cứ lao vào vun vút, 5 tốp, 6 tốp B-52 theo đường chì thoăn thoắt của tiêu đồ viên. Từ sở chỉ huy Trung đoàn, đồng chí Trần Hữu Tạo - Trung đoàn trương thông báo tình hình chiến đấu của Trung đoàn, rồi động viên giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 57: "Các đồng chí Kl bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu, quyết tâm bắn trúng, bắn rơi tại chỗ B-52". Nghe những lời động viên, giao nhiệm vụ của Trung đoàn trưởng, tôi thấy xấu hổ và tự trách mình, trên tin tương như vậy sao không chỉ huy Tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ được B-52.

----------------------
        1. Đường vuông góc kẻ trên mặt đất, từ trận địa đến hình chiếu đường bay của máy bay in xuống mặt đất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:55:26 am »


        Căn cứ diễn biến trên bản tiêu đồ, trên màn hình quang học và tình hình vũ khí, khí tài, đạn, trình độ của kíp chiến đấu, tôi hội ý nhanh với đồng chí Nguyễn Văn Ưởng - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn, rồi hạ quyết tâm báo cáo Trung đoàn: "Kl còn ba bút chì, xin chia cho mỗi người một bút" (nghĩa là xin mỗi trận chỉ đánh bằng một quả đạn) được sơ chỉ huy Trung đoàn đồng ý. Đồng chí Chính ủy Trung đoàn còn động viên chúng tôi bình tĩnh, quyết tâm đánh trúng, bắn rơi lại chỗ B-52. Chính ủy Trung đoàn Dương Đình Thảo, quê Thái Bình, người nhỏ nhắn, nhưng rất nhanh nhẹn, tác phong dứt khoát, kiên quyết, làm việc gì cũng cẩn thận suy nghĩ lợi, hại rồi tìm mọi biện pháp để hoàn thành. Anh là người tính tình phóng khoáng, độ lượng, rất mực thương yêu cấp dưới, gắn bó máu thịt với cán hộ, chiến sĩ, được mọi người trong đơn vị mến phục. Lời động viên của Chính ủy Trung đoàn đã truyền thêm quyết tâm cho tôi và cho kíp chiến đấu của Tiểu đoàn trong những giờ phút chiến đấu đầy căng thẳng, khó khăn và quyết liệt.

        5 giờ 00 phút sáng ngày 21 tháng 12, các tốp máy hay B-52 số 518, 532, 533... lần lượt bay vào, Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn: "Kl diệt tốp 518, phương vị 330, độ cao 10".

        Tiểu đoàn sử dụng đài 1 (đài rađa nhìn vòng P12) và đài rađa bổ trợ (K8-60) dải sóng xăngtimét để sục sạo, phát hiện mục tiêu, đồng thời cho đài điều khiển (PA) mở máy thu nhiễu B-52. Khi bắt được nhiễu B-52, kíp chiến đấu đã tiến hành các biện pháp so sánh phần tử của ba đài chọn thống nhất dải nhiễu B-52. Sĩ quan điều khiển và các trắc thủ theo dõi, bám sát chính xác dải nhiễu, kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, so sánh với các đài nhìn vòng, bổ trợ đều thống nhất tốp và chiếc B-52. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao lần bắt mục tiêu này tôi tin tưởng đến thế. Tôi suy nghĩ, chiếc máy bay B-52 chắc chắn sẽ bị chúng tôi bắn rơi. Tôi lệnh phóng đạn ở cự ly 32 km, trắc thủ góc tà đọc 2-60, 2-70, 2-80... 3-20, phương vị 330. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên ấn nút phóng nhưng đạn không đi, liền báo cáo và nhanh chóng làm các động tác... Tôi lệnh phóng quả thứ 2, trắc thủ góc tà đọc 3-40, đạn có điều khiển. Sĩ quan điều khiển tiến hành thao tác nâng cao thế nhưng không phát hiện thấy mục tiêu. Trắc thủ cự ly đặt độ cao mục tiêu theo phần tử đài rađa bố trợ (K8-60) vào đồng hồ U87 và thông báo liên tục cự ly mục tiêu B-52, sĩ quan điều khiển thông báo cự ly tên lửa bay về phía mục tiêu. Khi khoảng cách giữa tên lửa và mục tiêu cách nhau từ 2 km đến 3 km thì sĩ quan điều khiển bật công tắc ngòi nổ 11,5 giây giữ chậm. Vì không quân địch sử dụng nhiễu tiêu cực là giấy tráng kim loại thả phía trước che hướng bay vào của B-52; khi tên lửa của ta phóng lên, do phản xạ trở về của nhiễu làm ngòi nổ vô tuyến (PB) thu đủ xung sẽ kích nổ đạn tên lửa khi đạn chưa bay đến mục tiêu định tiêu diệt. Do vậy, ta phải sử dụng ngòi nổ giữ chậm 11,5 giây.

        Trận đánh thứ 2 này vẫn trên hướng đường bay cũ là hướng bắc - tây bác. Đạn điều khiển tốt. Trận này chúng tôi vẫn đánh bằng phương pháp "ba điểm" mở ngòi nổ 11 giây chậm và phóng ở cự ly gần là 28km. Khi đạn còn cách máy bay khoảng 4km thì cả hai màn hiện sóng của góc tà và phương vị dải nhiễu đang bám sát đều tách dải. Đây là một tình huống phức tạp, nếu sĩ quan diều khiển xử lý không tốt thì mỗi góc sẽ bám vào một chiếc máy bay khác nhau. Theo kinh nghiệm và những kiến thức sẵn có bằng phản xạ gần như lập tức sĩ quan điều khiển hô khấu lệnh: "Tà bám dải cao, phương vị dải phải". Bằng những động tác khéo léo và điêu luyện, các trắc thủ Lịch và Đài đã nhanh chóng bám sát đúng dải nhiễu. Khi đó tên lửa cách máy bay địch khoảng 2km và sĩ quan điểu khiển mở ngòi nổ 11 giây. Trận đánh đang diễn biến rất căng thắng, sau đó ít giây tên lửa bay đến cự ly 22km thì mất tín hiệu trả lời, tín hiệu đạn tên lửa trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiến mất và ngay lập tức dải nhiễu trên màn hiện sóng của hai góc cũng biến mất. Cả ba trắc thủ Lịch, Thi, Đài đồng thanh hô to: "Mất nhiễu", trắc thủ cự ly Mè Văn Thi hô gặp mục tiêu, cự ly 25km. Cùng lúc đó trắc thủ PA-00 Đoàn Văn Súc, Nguyễn Đình Thanh từ trên nóc về thu phát cũng báo cáo về: "Mục tiêu bốc cháy rất to" lúc 5 giờ 9 phút. Sĩ quan điều khiển xúc động báo cáo tôi: "Đã tiêu diệt tại chỗ một B-52". Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Ưởng thông báo chiến thắng cho toàn Tiểu đoàn và động viên bộ đội chuẩn bị chiến đấu trận tiếp theo. Tiểu đoàn được trên công nhận đã đánh trúng, bắn rơi 1 chiếc máy bay B-52. Sau này, phái đoàn MIA đã công nhận chiếc B-52 này do Tiểu đoàn 57 bắn rơi tại Sầm Nưa của Lào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2020, 04:55:45 am »


        Sau khi Tiểu đoàn đăng ký đầy đủ các phần tử, báo cáo lên sở chỉ huy Trung đoàn kết quả trận đánh, sĩ quan điều khiển quay anten về hướng chính ở phía tây bắc thì vẫn còn các tốp nhiễu B-52 mang số hiệu 532, 533, 541... vẫn tiếp tục bay vào Hà Nội. Tôi lệnh cho kíp chiến đấu sẵn sàng đánh tiếp, lúc này chỉ còn một quả đạn trên bệ phóng. Sĩ quan điều khiển đề nghị tôi cho phép đánh nốt quả cuối cùng. Tôi đồng ý. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên nhanh chóng cùng kíp trắc thủ chọn và thống nhất dải nhiễu của tốp B-52 gần nhất. Mọi thao tác rất khẩn trương, thuần thục và chính xác. Khi mục tiêu bay vào đến vùng hỏa lực, Tiểu đoàn báo cáo sở chỉ huy Trung đoàn xin diệt tốp 532, Trung đoàn trưởng nhất trí. Tốp 532 có 3 chiếc bay vào ở cự ly khoảng 40km - 45km, căn cứ phần tử đài nhìn vòng (P12), đặt các phần tử để bắn, tôi lệnh diệt mục tiêu cự ly 32km, góc tà 3-20, phương vị 355, độ cao 10km, một quả phóng. 5 giờ 19 phút sĩ quan điều khiển ấn nút phóng. Đây là quả đạn cuối cùng của Tiêu đoàn được phóng lên, đạn có điều khiển tốt, quá trình điều khiển đạn, nhiễu trong đội hình và ngoài đội hình mục tiêu đan xen nhau, rất khó khăn cho việc bám sát của trắc thủ. Nhưng với quyết tâm và kinh nghiệm sẵn có của 3 trắc thủ, đã bám sát chính xác vào một chiếc B-52. Đạn bay được từ 10km đến 15km, sĩ quan điều khiến Nguyễn Đình Kiên yêu cầu 3 trắc thủ bám chắc, chính  xác vào một chiếc B-52, chỉ khoảng cách ngắn thôi là đạn hay đến mục tiêu. Tên lửa bay đến cự ly 24km, sĩ quan điều khiến hô mất tín hiệu đạn, các trắc thủ đều đồng thanh hô đạn nổ trùm mục tiêu, mục tiêu bị tiêu diệt, trắc thủ cự ly Mè Văn Thi hô cự ly 25km. Trên màn hiện sóng của 3 trắc thủ và sĩ quan điều khiển đều mất nhiễu, mất tín hiệu mục tiêu. Trắc thủ TZK (PA-00) báo cao máy bay bốc cháy, cháy rất to, lúc đó là 5 giờ 19 phút. Đây là trận đánh cuối cùng của Tiểu đoàn vào rạng •ang ngày 21 tháng 12 năm 1972, chiếc B-52 thứ hai rơi tại chỗ ở chợ Thá, Núi Đôi, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc sau 10 phút.

        Tất cả chúng tôi oà lên sung sướng vì đã làm được một điều kỳ diệu là chỉ trong có 10 phút bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52 - "siêu pháo đài bay" - con át chủ bài của Không quân chiến lược Mỹ, một điều từ trước đến nay chưa ai làm được. Cả Tiểu đoàn vui mừng vì chiến công tuyệt vời đó. Chúng tôi xuống xe giữa sự hân hoan chào   đón của mọi người. Anh em trong đơn vị ai cũng đến bắt lay chúc mừng tôi, sĩ quan điều khiển và kíp trắc thủ. Chiên công là chung của Tiểu đoàn, nhưng kíp chiến đấu luôn là người quyết định chiến công đó.

        Như vậy, chỉ trong 10 phút chiến đấu, từ lúc 5 giờ 9 phút đến 5 giờ 19 phút ngày 21 tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn 57 đã lập công xuất sắc, đánh 2 trận vào 2 tốp B-52, bắn rơi 2 chiếc B-52 bằng 2 quả đạn. Trận thứ nhất máy bay rơi sáng rực lúc trời đang hửng sáng, phóng viên báo Nhân dân Văn Bang và các chiến sĩ ở công sự ẩn nấp trong trận địa đã đứng lên hô vang như ngày hội. Trận thứ 2 sau đó 10 phút, chiếc B-52 lại cháy to, tiếng hô càng to hơn, xóa đi bầu không khí của một đêm đông đầy căng thẳng. Ngay sau trận đánh, nhà báo Văn Bang đến bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ chúc mừng chiến thắng của chúng tôi. Chiến công của Tiểu đoàn đã góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội đập tan âm mưu đánh đòn quyết định của giặc Mỹ. Đêm 20, rạng sáng 21 tháng 12 năm 1972, cũng là một ngày lịch sử, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay các loại của đế quốc Mỹ, có 7 máy bay B-52, trong đó có 5 chiếc B-52 rơi tại chỗ.

        Bằng một quả đạn đánh trúng, bắn rơi B-52, đây là sự quyết tâm, là ý chí và trí tuệ của con người. Chiến tranh là sự đối đầu quyết liệt giữa hai bên tham chiến, vũ khí trang bị là yếu tố rất quan trọng, nhưng không quyết định được thắng lợi; bởi lẽ vũ khí do con người chê tạo ra và con người sử dụng nó. Con người với sức mạnh tinh thần mới là nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh; ý chí và trí tuệ con người Việt Nam là yếu tố quyết định nhất, thực tế nó đã quyết định thắng lợi của trận đánh, của chiến dịch, của cả cuộc chiến tranh. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, bắn rơi tại chỗ B-52, bắt sống giặc lái là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của quân và dân miền Bắc, của lực lượng phòng không ba thứ quân, của Quân chủng Phòng không - Không quân, trong đó Bộ đội Tên lửa chúng tôi vinh dự được lịch sử giao trọng trách là lực lượng nòng cốt nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2020, 08:58:41 am »


        Sáu giờ sáng 21 tháng 12, vì mùa đông nên trời vẫn còn mờ tôi, chúng tôi vừa về nơi ở và mọi người đang sôi nổi bàn tán về trận đánh tuyệt vời của Tiểu đoàn thì có hai đồng chí bộ đội nói là ở Học viện Chính trị, hiện sơ tán ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh mang đến cho chúng tôi một chiếc mũ giặc lái Mỹ, một tấm dù trắng cùng dây đã rách nát. Các anh nói đầy vẻ thán phục: "Đây là chiến lợi phẩm của các anh sáng nay, chúng tôi mang trả lại cho các anh để làm kỷ niệm. Chúc mừng chiến công xuất sắc của các anh". Nói xong các anh bắt tay chúng tôi và lại đạp xe về đơn vị ở cách đó gần l0 km. Sau này chiếc mũ giặc lái được nộp cho Trung đoan để đưa vào nhà truyền thống, còn dù và dây dù chúng tôi chia mỗi người một mẩu làm kỷ niệm. Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12 năm 1972, cả Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 7 chiếc máy bay B-52, riêng Tiểu đoàn tôi bắn rơi hai chiếc. Đây là một trong nhưng trận thắng giòn giã của đợt chiến đấu chống tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội.

        Ngày 21 tháng 12 năm 1972, cả Tiểu đoàn sống trong bầu không khí phấn khởi, tin tưởng và tự hào vì đã lập dược chiến công oanh liệt, bắn rơi tại chỗ B-52. Chiến công đó là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn tiếp tục lập công trong những trận đánh tiếp theo. Với niềm tin đánh thắng, được sự cổ vũ của các đơn vị và hưởng ứng thi đua lập công kỷ niệm ba ngày lễ lớn trong tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn tổ chức sinh hoạt rút kinh nghiệm và luyện tập chiến đấu, uốn nắn những sai sót của các trận đánh thắng và chưa thắng. Trận đánh thắng rạng sáng 21 tháng 12 của Tiểu đoàn chúng tôi sau này đã được coi là một trận đánh điển hình về hiệu suất chiến đấu cao, tiết kiệm đạn, thời gian di chuyển hoả lực nhanh và tinh thần tiến công địch liên tục.

        Cả ngày 21 tháng 12 năm 1972, nhiều đợt không quân chiến thuật của Mỹ lồng lộn đánh phá các mục tiêu ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và tuyến đường 1 nam. Đặc biệt chúng đã nhận thấy mối nguy cơ thực sự của B-52 chính là lực lượng tên lửa chứ không phải là không quân tiêm kích. Do vậy, chúng ra sức lùng sục các trận địa tên lửa phòng không để tiêu diệt. Chúng tôi vẫn triển khai ở trận địa Đại Đồng. Trận địa này cũng được xác định là một trận địa chốt ở phía bắc sông Hồng. Chúng tôi đã triển khai trận địa từ đầu tháng 10 năm 1972 và đã đánh gần 20 trận ở đây giành thắng lợi. Nhưng do được ngụy trang cẩn thận và nằm sâu gần trung tâm Hà Nội nên Tiểu đoàn vẫn an toàn. Sau đêm 20 tháng 12, Tiểu đoàn được bổ sung thêm 6 đạn. Đây là sự ưu tiên rất lớn của cấp trên dành cho đơn vị chúng tôi. Những đơn vị khác chỉ được bổ sung 3-4 quả. Ban ngày mỗi khi có không quân chiến thuật hoạt động chúng tôi vẫn phải chuyển vào cấp 1 nhưng chỉ theo dõi địch chứ không đánh.

        Sau những thất bại nặng nề về số lượng máy bay B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, trong đội ngũ phi công lái B-52 cũng xuất hiện tư tưởng hoang mang, lo sợ. Do vậy, đêm 21 rạng sáng ngày 22 tháng 12, không quân Mỹ tập trung đánh phá vòng ngoài, vừa trinh sát thăm dò hỏa lực phòng không bảo vệ Hà Nội, vừa ngăn chặn các hướng chi viện lực lượng cho Hà Nội. Trong đêm chúng đã sử dụng 18 lần chiếc máy bay F-111 đánh xen kẽ các đợt vào các mục tiêu ở Hà Nội, tập trung đánh phá sân bay Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, ga Văn Điển, ga Gia Lâm, trận địa tên lửa Mẫu Lương. Chúng chỉ tổ chức một đợt dùng B-52 vào đánh phá Hà Nội từ lúc 2 giờ 40 phút đến 4 giờ 20 phút. Đợt đánh phá này chúng sử dụng 24 lần chiếc B-52. Theo dõi trên bản tiêu đồ thấy B-52 bay vào từ hướng tây bắc, chúng rẽ sang hướng đông sớm hơn nhưng vẫn trong phương án mà Tiểu đoàn chúng tôi đã chuẩn bị. Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn diệt tốp 512. Chúng tôi cho kiểm tra, xác định nhiễu, yêu cầu đài rađa bổ trợ (K8-60) xác định tính chất của mục tiêu vì lúc này đài rađa nhìn vòng (P12) nhiễu rất nặng. Tôi cho đài điều khiển (PA) thu nhiễu, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên cùng các trắc thủ so sánh phần tử và thống nhất dải nhiễu của một chiếc B-52. Sau những thao tác nhịp nhàng, chính xác của sĩ quan điều khiển và các trắc thủ, tôi lệnh phóng tên lửa diệt mục tiêu ỏ cự ly 34km bằng 2 đạn, phương pháp điều khiển ba điểm (T/T), chế độ ngòi nổ 11,5 giây chậm. Sĩ quan điểu khiển ấn nút phóng, cả hai quả đạn bay lên vào cánh sóng có điều khiển lốt; trắc thủ góc tà đọc 2-60, 2-70... 3-20... quả 1 nổ, cự ly 25km, quả 2 nổ, góc tà đọc 3-70, mục tiêu bị tiêu diệt. Các trắc thủ báo nhiễu mờ dần, mất dải nhiễu bám sát, trắc thủ TZK (PA-00) báo mục tiêu bốc cháy lúc 3 giờ 12 phút, ngày 22 tháng 12 năm 1972, chiếc B-52 rơi tại chợ Bến, Hòa Bình. Đây là chiếc máy bay B-52 thứ 4 Tiểu đoàn chúng tôi bắn rơi kể từ đầu chiến dịch tập kích đường không chiến lược của Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2020, 08:58:59 am »


        Trước tình hình địch tăng cường đánh phá các trận địa tên lửa, trưa 22 tháng 12 Tiểu đoàn được tăng cường một tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm gồm 3 đại đội để bảo vệ trận địa. Tiểu đoàn cao xạ chiến đấu độc lập và hiệp đồng với chúng tôi để cung cấp các thông tin về máy bay địch trong phạm vi hoả lực của Tiểu đoàn. Mục tiêu bảo vệ trực tiếp của pháo cao xạ là Tiểu đoàn tên lửa 57. Ngày 22 tháng 12 năm 1972 là một ngày vô cùng ý nghĩa đối với chúng tôi. Trước khi bước vào trận chiến đấu, Sư đoàn và Trung đoàn đã phát động phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm những ngày lễ lớn trong tháng 12 năm 1972. Chúng tôi đã hứa quyết tâm phải bắn rơi máy bay B-52, bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái và chiến công ngày hôm nay chúng tôi đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B-52 thứ 2 trên bầu trời Hà Nội đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 28 của Quân đội - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.1972).

        Các ngày 23, 24, 25 Tiểu đoàn không đánh trận nào vì địch hoạt động giãn ra khu vực Hải Phòng, Thái Nguyên và nghỉ lễ Nôen. Trong ngày nghỉ Tiểu đoàn được đón Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và các đồng chí đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng đến thăm và kiểm tra đơn vị. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng biểu dương thành tích chiến đấu của đơn vị những ngày vừa qua, thông báo tình hình địch thời gian tới và nhắc nhở đơn vị phải luôn cảnh giác, không được chủ quan, thoả mãn với thành tích đã có, kiên quyết chuẩn bị tốt về mọi mặt để địch vào là phải đánh thắng giòn giã hơn nữa. Đồng chí hỏi thăm tình hình kíp chiến đấu và động viên mỗi người cố gắng hoàn thành chức trách của minh. Đồng chí xuống thăm đơn vị trong vòng 30 phút.

        Đêm 26 và 27 tháng 12, địch tổ chức đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn. Tiểu đoàn tôi đánh tiếp 5 trận với 10 quá đạn nữa, nhưng không bắn rơi chiếc nào. Sáng 28 tháng 12 năm 1972, 9 giờ 30 phút đơn vị có lệnh báo động vào cấp 1, đơn vị về vị trí sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn yêu cầu tên lửa chỉ theo dõi, không đánh, dành đạn để đánh B-52. Khi thây 5 tốp, 6 tốp máy bay chiến thuật (F) liên tiếp bổ nhào đánh vào trận địa Tiểu đoàn 77 ở Chèm, phía nam sông Hồng, tôi báo cáo Trung đoàn cho đánh chi viện, nhưng Trung đoàn lệnh chỉ theo dõi không được đánh. Dự đoán máy bay chiến thuật của địch sẽ đánh phá trận địa của Tiểu đoàn, vì trận địa Đại Đồng trên xác định là trận địa chốt. Tiểu đoan tôi cơ động về triển khai chiến đấu ở đây từ cuối tháng 9 năm 1972, đã đánh một số trận trước khi vào chiến dịch, mấy đêm nay Tiểu đoàn đánh trả quyết liệt, chắc chắn bị lộ. Tôi cho ngụy trang trận địa, khí tài, chuẩn bị lực lượng pháo cao xạ sẵn sàng chiến đâu đánh trả không quân địch.

        Đúng như nhận định của chúng tôi. Chỉ sau khoảng 7 đến 10 phút nhìn trên màn BMKO và quan sát ngoài Iran địa đã có năm, sáu tốp máy bay chiến thuật (F) bổ nhào ném bom, đánh phá trận địa của chúng tôi, có 4 qua bom bi mẹ, 8 quả bom phá loại 250kg trúng vào trận địa. Tôi lệnh cho bộ phận pháo cao xạ chiến đấu, các đồng chí bắn mãnh liệt, nhưng máy bay chưa rơi. Nhờ có lực lượng pháo phòng không bảo vệ nên số bom phá địch ném xuống đều chệch khỏi trung tâm trận địa, còn toàn bộ bom bi phủ kín đội hình Tiểu đoàn triển khai. Trên nóc xe điều khiển có 4, 5 quả bom bi con nổ nhưng nhờ lớp vỏ cây sặt bọc thêm xung quanh nên hạn chế rất nhiều tác dụng sát thương của bom bi con. Sau những loạt bom làm khí tài hỏng, 3 quả đạn tên lửa bốc khói nghi ngút. Tôi quan sát trận địa và lệnh cho Đại đội trưởng Đại đội bệ phóng Trịnh Văn Lơm cử lực lượng cứu 2 quả đạn ở bệ phóng phía bắc và tây bắc trận địa. Quả đạn ở bệ phóng hướng đông, đông bắc trận địa đã vọt bay khỏi bệ phóng, tôi lo nó bay vào khu dân cư thì gay go, nhưng may mắn nó đã rơi cách phía tây Đại đội pháo cao xạ bảo vệ Tiểu đoàn một khoảng cách an toàn. Đồng chí Lê Trọng Nhậm - Tham mưu phó Trung đoàn pháo cao xạ 260 trực tiếp chỉ huy chiến đấu đã kịp thời báo cáo, có tên lửa rơi cách trận địa khoảng gần 600m, không nổ. Còn việc xử lý bom phá, bom bi chưa nổ tại trận địa, chúng tôi phải cho xe ATC do đồng chí Át lái chạy cho nổ những quả bom bi đê thu dỡ khí tài, còn những quả bom phá chưa nổ nằm trong trận địa, tôi cho đánh dấu, canh gác an toàn và báo cáo lên trên. Sau đó lực lượng công binh đã đến xử lý an toàn số bom này. Vì đã có kinh nghiệm cứu các quả đạn đang cháy, lực lượng cứu chữa đã kịp thời đưa được các quả đạn đến nơi an toàn. Bom lại rơi, cao xạ bắn mãnh liệt nhưng vẫn không tiêu diệt được máy bay. Toàn Tiểu đoàn có một đồng chí pháo thủ của Đại đội 2 là anh Quang hy sinh, bốn đồng chí bị thương. Tôi lệnh cho các đại đội tập trung giải quyết thương binh, liệt sĩ, thu dỡ khí tài kéo về vị trí an toàn gần khu vực chợ Yên cho ngụy trang, canh gác chuẩn bị đưa đi sửa chữa.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM