Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:09:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sức mạnh làm nên chiến thắng  (Đọc 9655 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:49:51 pm »


        Thời kỳ cuối năm 1967 và cả năm 1968, tác chiến điện tử diễn ra quyết liệt nhất, không quân Mỹ áp dụng hầu hết các thủ đoạn gây nhiễu cả nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực, nhiễu trong đội hình và nhiễu ngoài đội hình, kết hợp sử dụng tên lửa tự dẫn phá hủy các đài rađa, đặc biệt là đài rađa điều khiển tên lửa. Đáng chú ý là, cùng với thủ đoạn gây nhiễu tần số đài điều khiển tên lửa bắt mục tiêu, không quân Mỹ còn xảo quyệt gây nhiễu tần số phát lệnh của đài điều khiển tên lửa (gọi là nhiễu rãnh đạn ALQ-71). Nhiễu rãnh đạn làm tên lửa của ta mất điều khiển, tên lửa cứ phóng lên là rơi xuống đất, phải mất một thời gian lực lượng kỹ thuật của ta và chuyên gia Liên Xô mới nghiên cứu tìm ra cách khắc phục cả về kỹ thuật và chiến thuật bảo đảm đánh thắng. Như vậy, lần này không quân Mỹ chắc chắn có những thủ đoạn tinh vi hơn, chúng tôi cần phải nghiêm túc nghiên cứu mới tìm được cách đánh thắng.

        Ngoài ra địch còn được trang bị các loại bom lade để đánh phá mục tiêu và cả các trận địa hỏa lực pháo phòng không, tên lửa. Bằng loại vũ khí này, chỉ trong tháng 5 năm 1972 không quân địch đã phá hỏng các cầu Hàm Rồng, Long Biên, Đuống và nhiều cầu khác một cách dễ dàng. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất muốn làm được điều đó chúng phải mất rất nhiều thời gian, máy bay và giặc lái.

        Về thủ đoạn, không quân Mỹ cũng tăng cường các hoạt động chế áp hỏa lực phòng không và hệ thống rađa bằng cả hỏa lực và biện pháp kỹ thuật.

        Thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1972 là thời kỳ khó khăn của Bộ đội Tên lửa nói chung và bộ đội bảo vệ bầu trời phía Bắc Tổ quốc nói riêng.

        Đầu tháng 5 năm 1972, chúng tôi được lệnh hành quân lên trận địa Na Hoa thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Tôi chỉ huy đơn vị đánh hai trận nhưng không bắn rơi máy bay nào. Tôi suy nghĩ rất nhiều, không hiểu tại sao kíp chiến đấu của Tiểu đoàn đã từng đánh nhiều trận, bắn rơi máy bay Mỹ, có kinh nghiệm chiến đấu, hiện tại các thành phần trong kíp chiến đấu không có thay đổi nhiều mà đánh không thắng? Tại sao những kinh nghiệm đánh mục tiêu trong nhiễu tạp tích cực, nhiễu trong đội hình được vận dụng vào hai trận đánh vừa qua mà máy bay không bị tiêu diệt, máy bay không rơi? Tại sao những ngày này hầu hết các đơn vị tên lửa đánh không thắng? Phải chăng sau hơn ba năm ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, lũ "cướp trời Mỹ" lại nghĩ ra những trò gì ẩn chứa đằng sau kỹ thuật tác chiến điện tử và thủ đoạn tổ chức đội hình tập kích đánh phá mục tiêu? Phải làm gì để đánh thắng chúng? Chẳng lẽ các đơn vị tên lửa lại chịu bó tay.

        Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, toàn quân, toàn dân ta kiên định quyết tâm hao vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam trong bất kỳ tình huống nào. Các đơn vị tên lửa lúc này tăng cường tổ chức sinh hoạt rút kinh nghiệm chiến đấu sau mỗi trận đánh, làm rõ nguyên nhân đánh không thắng, phát huy trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ để tìm ra cách đánh thắng. Đồng thời quán triệt sâu sắc chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về "Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết chiến đấu bảo vệ miền Bắc và làm tốt, nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến trong tình hình mới". Trong những năm tháng chiến tranh, việc sinh hoạt, học tập chính trị để được nghe, được quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng đối với tôi rất thiêng liêng. Tôi ghi chép những quan điểm, tư tưởng từ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng kín cả quyển sổ tay đã theo tôi qua nhiều năm tháng. Những "lời dạy" của Đảng lúc nào cũng như thôi thúc tôi, tiếp cho tôi niềm tin và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Phải nghiên cứu tìm ra cách đánh thắng không quân Mỹ xâm lược, đây vừa là mục tiêu, vừa là mệnh lệnh đối với tất cả các đơn vị tên lửa lúc này. Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa luyện tập theo các phương án chiến đấu đã xác định, đồng thòi nghiên cứu thật kỹ hai trận đánh không thắng để đưa ra những nhận định về âm mưu, thủ đoạn mới của không quân Mỹ.

        Cuối tháng 6 năm 1972, tôi có lệnh điều về làm quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 trong cùng Trung đoàn, thay cho đồng chí Nguyễn Khắc Cần, Tiểu đoàn trưởng đi học chuyển loại tên lửa mới Petropa (thường gọi là SAM 3). Thế là tôi phải rời Tiểu đoàn 93 mà tôi đã gắn bó từ khi còn là sĩ quan điều khiển (như một cán bộ trung đội) nay tôi đã làm Tiểu đoàn phó. Tính ra tôi chiến đấu, công tác ở đó có 6 năm mà tôi đã được giữ 5 chức vụ, tôi thực tâm không có suy nghĩ gì chỉ biết lao vào chiến đấu.

        Ngày rời khỏi Tiểu đoàn 93, tôi được nhận quyết định phong quân hàm Thượng úy và giữ chức vụ quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:51:54 pm »


        Chia tay anh em Tiểu đoàn 93 trong bầu không khí ấm áp tình người, tình đồng chí, tôi rất nhớ lúc chia tay có cán bộ các đơn vị và cán bộ Tiểu đoàn, đặc biệt có anh em các kíp trắc thủ điều khiển đến để tạm biệt tôi. Thật bịn rịn, người ở, người đi. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là một cán bộ đã tham gia kháng chiến chống Pháp, người nhỏ nhắn, trắng trẻo, đẹp trai, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, tính tình điềm đạm ít nói. Lúc chia tay tôi, anh bảo: "Trên phong quân hàm và điều động đồng chí ở cương vị mới, chúng ta thi đua nhau lập công". Anh ôm lấy tôi trong sự ngưỡng mộ, trìu mến của mọi người, xong anh điều chiếc xe kéo đạn, lấy đầu xe và cùng đồng chí lái xe đưa tôi về Tiểu đoàn 57.

        Xe chạy ngay trong đêm đến cầu Bắc Giang thì gặp máy bay Mỹ đánh phá cầu (đây là cây cầu do Bộ đội Công binh bắc). Tôi qua gần đầu cầu bờ nam thì bom rơi bờ bắc làm hỏng cầu, nhưng may mắn là xe của tôi đã vượt khỏi cầu, tôi bảo lái xe cho xe tăng tốc độ vượt lên. Mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ là cầu, lại có những xe và hàng đang cháy sáng rực, tôi bảo lái xe mở đèn cốt mà chạy. Chúng tôi về đến Tiểu đoàn 57 lúc 4 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1972. Sau đó, tôi nghe tin đoàn cán bộ của Tiểu đoàn đi xe trước chúng tôi để nhận nhiệm vụ của Trung đoàn đi học chuyên loại khí tài mới (SAM 3), do phải đón một số đồng chí nên thành đi sau tôi, đã trúng bom. Có đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Trong lòng tôi trào lên sự căm phẫn khi chứng kiến bọn đế quốc Mỹ đã diệt những mầm xanh đang tràn trề sức chiến đấu mới của các đơn vị "Tên lửa phòng không".

        Tôi rời Tiểu đoàn 93 với tâm trạng bịn rịn và suy nghĩ, đến đơn vị mới mình phải làm gì để nhanh chóng bước vào chiến đâu. Với quân hàm Thượng úy, quyền Tiểu đoàn trương một đơn vị mọi thứ đều mới, từ trận địa, mục tiêu bảo vệ đến vũ khí, khí tài, mà khí tài theo tôi được biết là quá cũ. Vừa qua đơn vị đã đánh một số trận với máy bay tiêm kích, cường kích đều không thắng lợi, anh em thiếu lòng tin cho là khí tài không đảm bảo các thông số kỹ thuật đế chiến đấu. Bộ khí tài của Tiểu đoàn 57 đã bị ngập nước trong trận lụt lịch sử năm 1971, ngành kỹ thuật của Trung đoàn và cán bộ kỹ thuật của Tiểu đoàn đã ra sức sửa chữa khôi phục, sau mấy tháng khí tài có tham số ổn định, bảo đảm chiến đấu. Phải cám ơn đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Trung đoàn tên lửa 261 có óc sáng tạo, tài ba và đôi tay khéo léo, đưa bộ khí tài từ chỗ bỏ đi trở về vị trí chiến đấu. Công lao này thuộc về ngành kỹ thuật, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Ngọc Anh, Chủ nhiệm Kỹ thuật đã kiên trì bám công trường, giải quyết dứt điểm từng công đoạn, từng công việc cụ thế. Bộ khí tài tham gia chiến đấu được một thời gian, cấp trên cho đi đại tu và đến tháng 4 năm 1972 điều cho Tiêu đoàn 57 bộ khí tài trong kho. Đây là bộ khí tài của Tiểu đoàn 93 bị máy bay Mỹ đánh hỏng ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An năm 1968. Quân chủng đã sửa chữa, bố sung thêm xe AA, rồi đại tu đưa vào kho làm khí tài dự trữ. Bộ khí tài này đã gắn bó với tôi từ năm 1966, tôi thật may mắn, tình cờ lại được chiến đấu với bộ khí tài đã theo tôi từ Liên Xô về Việt Nam.

        Bộ khí tài Tiểu đoàn 57 nhận lần này đã trải qua quá trình cơ động chiến đấu suốt từ Hà Nội, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An... Nó đã bị địch đánh hỏng nhiều lần và đưa vào nhà máy sửa chữa, giờ tích luỹ đã trên 13.000 giờ. Thời gian sử dụng đã lâu, tuổi thọ các linh kiện điện tử đã "mỏi" nên các tham số rất hay thay đổi. Do vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật cho nó cũng rất vất vả. Theo quy định của Nga mỗi ngày chỉ làm định kỳ 1 lần vào buổi chiều. Nhưng do khí tài cũ các tham số hay bị "trôi" chúng tôi phải kiểm tra tham số ngày 2 lần: sáng và chiều. Ngoài ra có lúc đang báo động, căn cứ vào các đồng hồ đo, màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển nếu thấy hiện tượng gì bất thường, các xe lại phải kiểm tra lại những tham số theo yêu cầu của sĩ quan điều khiển. Nhiều lần khí tài bị hỏng, chúng tôi đã tập trung đội ngũ cán bộ kỹ thuật cùng nhau nghiên cứu và bàn biện pháp khắc phục. Ngày đó Tiểu đoàn chúng tôi có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, ý thức tập thể và tinh thần trách nhiệm rất cao. Do vậy tuy khí tài cũ, hay hỏng hóc nhưng Tiểu đoàn vẫn tự đảm bảo được hệ số sẵn sàng chiến đấu cao. Cả năm không một lần lỡ thời cơ do hỏng hóc khí tài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:52:09 pm »


        Cũng thời gian này Đại đội trưởng Đại đội 1 là đồng chí Lưu Xuân Đáo được thay đổi nhiệm vụ vì bị bệnh dạ dày quá nặng. Mỗi khi thời tiết thay đổi, hoặc làm việc căng thẳng lại ôm bụng đau, mặt mày tái mét. Thay đồng chí Đáo là Nguyễn Văn Hoàng - một kỹ sư vô tuyến điện khoá 9 Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Hoàng là học sinh miền Nam tập kết, con một cán bộ cao cấp trong Quân đội, bố anh đã hy sinh vì bom B-52 trong chiến dịch Gianxơnxiti năm 1967. Đồng chí vừa tập trung để đi chuyển loại tên lửa mới ở Liên Xô về. Trên đường hành quân từ Trung đoàn về Quân chủng, bị máy bay Mỹ đánh ở cầu Bắc Giang. Một số anh em hy sinh, Hoàng và một số đồng chí khác bị thương. Điều trị khỏi vết thương Hoàng được cấp trên bổ nhiệm về làm Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 57 thay đồng chí Đáo. Hoàng hiền lành, nhìn bề ngoài có vẻ ít nói và khó gần, nhưng ai đã ở với anh rồi mới biết đó là một con người rất giàu tình cảm và có khiếu nói chuyện rất cuốn hút người nghe.

        Công việc bàn giao của chỉ huy Tiểu đoàn xong, tôi ngồi tâm sự với kíp chiến đấu, anh em rất tin tưởng và đặt lòng tin vào tôi. Trong kíp chiến đấu có đồng chí Nguyễn Đình Kiên, quân hàm chuẩn úy, Đại đội phó Đại (tội 1. Đồng chí Kiên quê ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An, là sinh viên đại học năm thứ 2 của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nhập ngũ theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước năm 1966. Trước đây, tôi cùng một số đồng chí trong Trung đoàn trực tiếp huấn luyện lớp sĩ quan điều khiển có đồng chí Nguyễn Đình Kiên, nên tôi biết tương đối rõ về đồng chí này và tin vào khả năng của đồng chí rất nhiều. Đồng chí thông minh, chịu khó, là người ham học tập, ham tìm tòi cái mới và biết linh hoạt vận dụng vào thực tiễn nên chỉ trong thời gian ngắn của khóa huấn luyện đồng chí đã nắm tốt chức trách của một sĩ quan điều khiển, thao tác sử dụng thành thạo khí tài, luôn bám sát, uốn nắn kíp trắc thủ. Tôi có ý định sử dụng đồng chí Kiên chiến đấu ở vị trí sĩ quan điều khiển. Ba trắc thủ là: trắc thủ cự ly Mè Văn Thi, trắc thủ góc tà Đỗ Văn Khay, trắc thủ phương vị Nguyễn Xuân Đài đã từng chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ, đều có những kinh nghiệm chiến đấu nhất định.

        Khi tôi về nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 57 Trung đoàn tên lửa 261, đồng chí Kiên đã là Đại đội phó, đồng chí Quản Đức Sắn là sĩ quan điều khiển. Tôi yêu cầu đồng chí Kiên chiến đấu ở cương vị sĩ quan điều khiển, đồng chí rất vui vẻ không từ chối nhiệm vụ. Kiểm tra thực tế khi hiệp đồng chiến đấu, tôi và kíp chiến đấu đã nhanh chóng hòa nhập, những khẩu lệnh to, rõ, gọn, chính xác thôi thúc kíp chiến đấu, đặt lòng tin đánh thắng. Theo dõi bám sát thấy sai số của các trắc thủ rất nhỏ, tôi yên tâm đi vào luyện tập chiến thuật, xử lý các tình huống. Đội ngũ kỹ thuật làm công tác chuẩn bị tham số khí tài sẵn sàng chiến đấu do đồng chí Kiên chủ trì nên tôi rất tin tưởng với trình độ nắm và hiệu chỉnh các tham số của các đồng chí ấy. Từ bộ khí tài ngập lụt năm 1971, đến bộ khí tài đã chiến đấu gần 13.000 giờ được các đồng chí hiệu chỉnh tham số đến nay vẫn ổn định, bảo đảm chiến đấu tốt. Không phải tôi không tin đồng chí Quản Đức Sắn, là sĩ quan điều khiển lúc dó, nhưng vì kinh nghiệm chiến đấu của đồng chí Sắn còn ít, càng không phải tôi rập khuôn là khi tôi làm Đại đội trương vẫn đánh ở cương vị sĩ quan điều khiển ở chiến dịch A2. Tôi chỉ nghĩ rất đơn giản là, Tiểu đoàn 57 đã đánh một số trận chưa thắng, để xây dựng lòng tin cho đơn vị trước hết kíp chiến đấu phải có quyết tâm cao, kiên trì, sáng tạo học tập, rèn luyện, muốn vậy thì phải là đồng chí Kiên - sĩ quan điều khiển thực hiện. Cũng chính vì đồng chí Kiên đã qua chiến đấu, đánh thắng, có kinh nghiệm, nếu chiến đấu ở vị trí sĩ quan điều khiển, tôi tin tưởng đơn vị sẽ đánh thắng.

        Sau những trận đánh phá của máy bay B-52 Mỹ vào Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng hồi tháng 4, được sự chỉ đạo của Quân chủng, Bộ Tham mưu đã giúp Sư đoàn phòng không 361 xây dựng phương án đánh máy bay B-52 bảo vệ bầu trời Hà Nội. Tháng 5 năm 1972, lần đầu tiên phương án trên được xây dựng, đến tháng 7 năm 1972, phương án được bổ sung lần thứ hai. Trước sự phát triển tình hình đánh phá của địch, cùng với nhận thức của các cấp về đối tượng tác chiến là máy bay chiến lược B-52 ngày một rõ hơn, Sư đoàn 361 tiếp tục hoàn thiện phương án đánh B-52 theo sự chỉ đạo của Quân chủng. Phương án được thông qua lần thứ ba vào tháng 9 năm 1972. Các phương án trên đều được phổ biến và quán triệt đến các trung đoàn. Trong phương án xác định tên lửa là lực lượng chủ yếu đánh máy bay B-52, Trung đoàn 261 là một trong hai trung đoàn chủ lực đánh máy bay B-52 bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội năm 1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:52:48 pm »


        Được sự chỉ đạo của Quân chủng và Sư đoàn, Trung đoàn 261 tiếp tục mở những hội nghị dân chủ quân sự cho cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng để hoàn thiện phương án đánh máy bay B-52. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị được thảo luận về cách đánh, cách xử trí, thao tác hiệp đồng cụ thể của từng thành phần trong kíp chiến đấu, từng người trong đơn vị.

        Trên thực tế, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 261 chưa một lần được tiếp xúc với máy bay B-52. Trong những lần máy bay B-52 vào đánh phá Thanh Hóa, Hải Phòng, các kíp chiến đấu đã một đôi lần mở máy thu nghiên cứu nhiễu B-52. Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, phải đối mặt với một cuộc chiến tranh điện tử ngày càng phát triển, Trung đoàn đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách đánh rơi được máy bay cường kích của địch và ngày càng tiến bộ.

        Tuy vậy, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1972, hiệu quả chiến đấu của các đơn vị tên lửa đạt thấp. Tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị còn có những biểu hiện băn khoăn, lo lắng với nhiệm vụ đánh máy bay B-52. Kịp thời nắm bắt tư tưởng này, được sự chỉ đạo của cơ quan  chính trị các cấp, Đảng ủy Trung đoàn 261 đã xác định phải làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đâu cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 361 phát động phong trào thi đua tìm cách đánh thắng máy bay mang nhiễu tạp trong đội hình.

        Đồng chí Trần Sanh, Phó Tư lệnh Sư đoàn đã trực tiếp xuống Tiểu đoàn 57 trao đổi kinh nghiệm tìm ra cách đánh và yêu cầu kíp chiến đấu luyện tập. Dùng phương pháp kết hợp giữa trắc thủ xe điều khiển và trắc thủ ống nhòm TZK đặt trên anten phương vị (13) gọi là trắc thủ PA-00. Loại ống nhòm này ta đề xuất, bạn đã cải tiến cho chúng ta từ năm 1967. Do quá trình phát sóng chiến đấu, các đài điều khiển tên lửa bị nhiễu nặng không bắt được máy bay, phải sử dụng ống nhòm TZK có bội số lớn để bắt, dẫn chính xác mục tiêu cho kíp chiến đấu thao tác bắn tiêu diệt. Đây là biện pháp tích cực nhằm phát huy tối ưu các phương pháp để đánh thắng mọi thủ đoạn kỹ thuật chế áp điện tử và chiến thuật tập kích đánh phá của không quân Mỹ. Không quân Mỹ thay đổi đội hình chiến thuật bay, thì phương pháp đánh của ta vận dụng sao cho phù hợp, nay đã đến lúc phải luyện tập để bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ. Từ ngày 24 tháng 6 năm 1972 trở đi, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn chủ yếu luyện tập thao tác theo cách đánh này và được đồng chí Phó Tư lệnh Sư đoàn đánh giá tốt, hài lòng, tin vào khả năng của kíp chiến đấu, tin tưởng chúng tôi sẽ đánh thắng bằng phương pháp mới này. Đó là cách đánh thắng máy bay địch mang nhiễu trong đội hình đã thay đổi giãn cách cự ly.

        Ngày 26 tháng 6 năm 1972, địch lại đánh phá Hà Nội. Chúng huy động lực lượng khá đông. Thủ đoạn cung rất xảo quyệt. Khu vực chúng đánh phá là khu Bạch Mai. Từ phía nam địch cho một số tốp tiêm kích bay vào để gây nhiễu tiêu cực, chế áp không quân ta. Khoảng 8 giờ sáng ngày 26 tháng 6 năm 1972, đơn vị báo động vào cấp 1, phát hiện nhiều tốp máy bay ở phía nam và tây nam Hà Nội. Hôm nay quyết tâm của chúng tôi là bắt mục tiêu để đánh dứt điểm bằng phương pháp vượt nửa góc. Nhưng do tình hình nhiễu khá phức tạp. Nhiễu tiêu cực chúng thả dày từ cự ly 60 km cho tới 10 km. Mặt khác mục tiêu vẫn gây nhiễu trong đội hình, khu vực đánh phá lại khá xa trận địa chúng tôi (trên 20 km), khí tài lại trục trặc, đang sửa chữa, việc bắt mục tiêu để tiêu diệt không thực hiện được nên đơn vị chưa chiến đấu. Đến 15 giờ ngày 26 tháng 6, khí tài sửa chữa xong, kiểm tra đồng bộ tốt. Không quản mệt nhọc, cả kíp chiến đấu lao vào luyện tập.

        Sáng 27 tháng 6, trong buổi làm công tác chuẩn bị chiến đấu, Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo nhắc nhở: "Nếu máy bay địch vào phải kiên quyết bắn rơi tại chỗ giành lấy chiếc máy bay thứ 3.700". Lời nhắc nhở của đồng chí Trung đoàn trưởng có sức động viên mãnh liệt đối với tôi và cả kíp chiến đấu. Ngày 27 tháng 6 năm 1972 là một ngày đáng ghi nhớ của tôi, của Tiểu đoàn 57 và cũng có thể nói là của cả Hà Nội. Nó chấm dứt những chuỗi ngày lo âu, trăn trở của chúng tôi để tìm cách đánh thắng không quân Mỹ. Nó đã chứng minh được hướng đi của chúng tôi tìm ra cách đánh mới là đúng. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi đã bổ sung vào cách đánh "ba điểm" của Bộ đội Tên lửa phòng không một cụm từ mới. Đó là đánh "ba điểm có chỉ chuẩn".

        Từ sáng sớm hôm ấy đơn vị đã báo động mấy lần. Địch tăng cường trinh sát và đánh phá các khu vực ngoại thành. Triệu chứng một trận tập kích đánh phá lớn vào Hà Nội đã rõ ràng. Mọi công việc chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo. Tất cả đã sẵn sàng thử lửa cùng giặc Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:53:08 pm »


        Khi đơn vị có lệnh báo động vào cấp 1, tôi linh tính mình cùng kíp chiến đấu sẽ được thử phương pháp đánh mới, vì máy bay địch đang bay vào, thời tiết lại nắng đẹp. Theo dõi trên bản đồ tình báo 9x9, thấy có nhiều tốp máy bay địch hoạt động ở phía nam Hà Nội. Chuẩn bị khí tài xong, tôi báo cáo Trung đoàn: khí tài 3 rãnh, 6 bệ, đạn tốt, PA-00 tốt. Cấp trên giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn tiêu diệt tốp mục tiêu bay vào ở phương vị 220.

        Tôi cho phát sóng bắt mục tiêu, tóm luôn được 4 chiếc bay vào ở cự ly 55 km. Phát hiện thấy có sóng rađa chúng tung nhiễu, lúc này trên màn hiện sóng trắc thủ chỉ thu được nhiễu tạp trong và ngoài đội hình, cường độ rất nặng không thấy được tín hiệu mục tiêu. Tôi đã quyết định sử dụng phương pháp kết hợp trắc thủ TZK quan sát, phát hiện, thông báo máy bay cho trắc thủ góc tà, phương vị vê tay quay theo để phát hiện đúng chiếc máy bay đang bay vào theo tình huống đơn vị đã huấn luyện trong thời gian vừa qua. Trước đây, trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, khi phát hiện dải nhiễu chính xác của 4 chiếc (1 tốp máy bay) bay vào, kíp chiến đấu làm các động tác phối hợp kiểm tra về góc, xác định chính xác cự ly, độ cao rồi quay tay quay đưa đường BM vào giữa dải nhiễu là đã bắt trúng một chiếc trong tốp để tiêu diệt. Nhưng đến lần này, cách bắt, bám sát mục tiêu không phải như thế nữa, vì khoảng cách giãn cách giữa các máy bay địch đã rộng hơn trước mà ngòi nổ đầu đạn chỉ có cự ly phát sóng nhất định. Nếu bắt, bám sát mục tiêu như cách đánh trước đây sẽ không tiêu diệt được mục tiêu.

        Cuộc đấu trí của Bộ đội Tên lửa với các thủ đoạn kỹ thuật và chiến thuật của không quân Mỹ lần này diễn ra rất gay go, quyết liệt. Không quân Mỹ lợi dụng sự tối tân của kỹ thuật sóng điện tử để thay đổi đội hình tập kích đánh phá. Quá trình nghiên cứu về các thủ đoạn chiến thuật của không quân Mỹ, Tiểu đoàn 57 đã có cách đánh mới: dùng trắc thủ PA-00 quan sát, phát hiện mục tiêu máy bay địch, chỉ chuẩn cho trắc thủ góc tà và trắc thủ phương vị của xe điều khiển bám sát chính xác vào một máy bay. Sau đó trắc thủ xe điều khiển nhớ vị trí tim giữa đường cự ly và phương vị giao nhau trên màn hiện sóng nằm ở vị trí nào của độ rộng dải nhiễu và giữ nguyên điểm ngắm đó trong suốt quá trình bám sát mà điều khiển đạn tên lửa bay tới mục tiêu Còn việc xác định độ cao thì dựa vào cự ly thông báo của đài rađa nhìn vòng P12, đặt vào đồng hồ y87 để xác định; sĩ quan điều khiển so sánh, xác định cự ly phóng thật chính xác.

        8 giờ 30 phút ngày 27 tháng 6, Tiểu đoàn báo động vào cấp 1. Cả trận địa rộn vang tiếng máy nổ. Kíp chiến đấu nhanh chóng vào vị trí. Cũng như những lần trước, khi kẻ địch đã có dã tâm đánh phá Hà Nội thì chúng tiếp cận rất nhanh. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên vừa kiểm tra chức năng khí tài xong thì những tốp máy bay gây nhiễu tiêu cực đã vào gần. Mở máy thu kiểm tra nhiễu thì trên màn hiện sóng đã trắng xoá các loại nhiễu tạp. Theo lệnh của tôi, sĩ quan điều khiển Kiên thao tác nâng cao thế và phát sóng, nhưng do nhiễu quá nặng không thể nào phát hiện được mục tiêu. Chúng tôi sốt ruột lắm vì cả ngày hôm qua không đánh được và ngày hôm nay cũng không đánh được nữa thì sẽ ra sao đây? Do vậy, sĩ quan điều khiển Kiên quyết tâm xin đánh bằng phương pháp "ba điểm có chỉ chuẩn" như đã luyện tập. Khi Kiên thao tác quay anten về phương vị 210 và thu nhiễu thì phát hiện một tốp máy bay mang nhiễu tạp, nhưng nó khác hắn những tốp khác, chúng tôi nghĩ với dải nhiễu này thì việc tiêu diệt mục tiêu sẽ dễ dàng hơn. Sĩ quan điều khiển quyết định cho trắc thủ bám sát dải nhiễu và báo cáo tôi xin đánh bằng phương pháp "ba điểm". Đề nghị đó được tôi chấp nhận. Lúc này mục tiêu đã vào đến cự ly 35km. Các thao tác chiến đấu diễn ra hết sức khẩn trương. Chỉ trong vòng chục giây đồng hồ mọi công tác chuẩn bị bắn đã hoàn tất. Theo lệnh của tôi, sĩ quan điều khiển Kiên thực hiện phóng 2 quả tên lửa theo phương pháp điều khiển ba điểm (phương pháp T/T), giãn cách thời gian phóng từ quả 1 đến quả 2 là 6 giây. Hai quả đạn tên lửa rời bệ phóng bay lên, có điều khiển tốt. Khi quả một gặp mục tiêu thì một điếm sáng bùng lên ở cự ly 20km. Hai đồng chí Đoàn Văn Súc và Nguyễn Đình Thanh trên nóc cabin đều hô gặp mục tiêu, cự ly 20km, đạn nổ tốt, máy bay bốc cháy. Chiếc máy hay F-4H rơi tại chỗ ở cánh đồng làng Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:53:27 pm »


        Khi đó tôi rất vui nhưng vẫn còn lo quả đạn thứ hai không biết có rơi vào dân không? Mãi sau lúc Tiểu đoàn có lệnh về cấp 2, các trắc thủ quang học cùng như anh em ở ngoài thông báo là đạn nổ trên không tôi mới hết lo. Thế là trong trận này kíp chiến dâu chúng tôi đã thực hiện được quyết tâm của mình cũng như của cả Tiểu đoàn 57 và cũng là quyết tâm cua Bộ Tư lệnh Sư đoàn phòng không 361 là bắn rơi lại chỗ máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

        Một trận đánh đã diễn ra mà kết quả ngoài phạm vi dự kiến của chúng tôi. Là người lính ai mà chẳng phấn khởi khi đánh thắng. Nhưng ở trường hợp chiến thắng của chúng tôi hôm nay có một ý nghĩa rất lớn không phải cho riêng tôi hay cho Tiểu đoàn tôi, mà nó còn có ý nghĩa rất lớn cho cả Hà Nội, nên ngay sau trận đánh, phóng viên báo Nhân dân đã lập tức đến đơn vị và họ mang theo cả những tấm ảnh chụp chiếc máy bay Mỹ đang bốc cháy đùng đùng trên hầu trời Hà Nội. Đó là niềm động viên, cổ vũ rất to lớn đối với đơn vị chúng tôi. Lúc này là lúc chúng tôi đang được đơn vị trao cho trách nhiệm bảo vệ một vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc nên phải quyết xứng đáng với sự tin cậy đó mà ra sức phấn đấu để góp được nhiều công sức của mình vào trong những chiến công chung của đơn vị và cả nước. Chiến công hôm nay là bước mở đầu cho những loạt chiến công sau to lớn hơn nữa. Muốn vậy thì chúng tôi còn phải cố gắng và phấn đấu nhiều hơn nữa thì mới đạt được ước mơ đó.

        Sau trận đánh có một chuyện nhỏ xảy ra làm chúng tôi cũng lo lắng. Đó là việc công nhận máy bay rơi. Tuy là bắn rơi tại chỗ và đã có nhiều người nhìn thấy, nhưng cấp trên chưa công nhận thì vẫn chưa phải là thành tích của mình. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi quyết định của cấp trên. Thời gian này có một chuyện tế nhị, đó là trên Sư đoàn không khuyến khích đánh bằng phương pháp "ba điểm". Trong khi đó Tiểu đoàn chúng tôi lại bắn rơi tại chỗ bằng chính phương pháp đó, nên khi xem xét công nhận máy bay rơi có một số ý kiến không nhất trí. Nhưng rất may cho chúng tôi, tại thời điểm chúng tôi đánh thì không có đơn vị nào cùng đánh. Hơn nữa, lúc đó có đồng chí Phó Chính ủy Sư đoàn phòng không Hà Nội nhìn tận mắt trận đánh và xác nhận chiếc máy bay bị bắn rơi là do tên lửa từ phía bắc sông Đuống bắn sang. Điều đó đã giúp cho Tiểu đoàn 57 được công nhận đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay này. Đó là chiếc máy bay thứ 3.700 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Đồng thời, nó cũng là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội kể từ sau ngày 16 tháng 4 năm 1972 - ngày đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc. Chiếc máy bay này rơi tại Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội. Đó là một chiếc F-4H. Chiến thắng này đã củng cố lòng tin của kíp chiến đấu chúng tôi vào cách đánh mà chúng tôi đã dày công luyện tập trong thời gian qua. Chiến thắng này cũng đã xoá đi những nghi kỵ trong nội bộ đơn vị đối với kíp chiến đấu. Tôi như trút được một gánh nặng trên vai. Không khí đơn vị trở lại những ngày vui vẻ như cuối năm 1971. Sau chiến thắng đó, Thành ủy, ủy han hành chính, các ban ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội đã đến chúc mừng chiến công xuất sắc của đơn vị. Phóng viên báo, đài Trung ương và Hà Nội cũng xuống phỏng vấn viết bài đưa tin liên tục. Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Tiền phong lúc đó đều đăng trang trọng trên trang nhất chiếc máy bay Mỹ đang bốc cháy như một bó đuốc giữa buổi trưa trên bầu trời Hà Nội.

        Niềm vui chiến thắng đã đến với cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn sau nhiều ngày khó khăn, vất vả luyện tập. Tiểu đoàn 57 đã lập công rất xuất sắc, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 3.700 trên miền Bắc. Đây cũng là chiếc máy bay mang nhiễu trong đội hình đã thay đổi chiến thuật bay, mà suốt thời gian qua ở Hà Nội chưa có đơn vị tên lửa nào bắn rơi được chúng. Trận đánh thắng cùa Tiểu đoàn tôi đã mở ra cách đánh máy bay mang nhiễu tạp trong đội hình, với thủ đoạn chiến thuật mới, đó là trong đội hình bay của một tốp giãn cách giữa các máy bay ở cự ly xa nhau hơn trước. Đây cũng là chiến thuật vận dụng tốt sự kết hợp giữa sử dụng kính ngắm quang học PA-00 với đài điều khiển tên lửa, đánh tiêu diệt các tốp máy bay mang nhiễu tạp tích cực trong đội hình, có giãn cách cự ly bay xa nhau. Chiếc máy bay này cũng là chiếc thứ 12 mà tôi đã trực tiếp tham gia chiến đấu bắn rơi, trong suốt cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Niềm tin đánh thắng và tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn 57 lại trỗi dậy, tất cả đều hăng hái thi đua bước vào những trận đánh mới cho dù khó khăn, phức tạp và ác liệt vẫn còn đang ở trước mắt chúng tôi trong những ngày tiếp theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2020, 07:53:44 pm »


        Trận chiến đấu thắng lợi, là trận mở đầu cách đánh thắng bằng sự kết hợp giữa trắc thủ xe điều khiển và trắc thủ PA-00. Mặc dù có phần thuận lợi cho kíp chiến đấu của chúng tôi trong trận đánh, vì lúc này trời tháng 6 nắng rất đẹp, tầm nhìn của trắc thủ sử dụng kính quang học TZK rất rõ, đã hỗ trợ cho những hạn chế về tầm nhìn của các trắc thủ xe điều khiển. Nhưng phải khẳng định dứt khoát rằng, nhờ có ý chí quyết tâm cao, sự cố gắng, mưu trí, sáng tạo, nhanh nhạy của kíp chiến đấu, đặc biệt là trắc thủ PA-00 với các trắc thủ điều khiển và sĩ quan điều khiển thì trận đánh mới giành được thắng lợi một cách hoàn hảo như vậy. Đây là một thành công trong cách đánh, khẳng định Bộ đội Tên lửa Việt Nam lại có cách đánh thắng thủ đoạn kỹ thuật, chiến thuật mới của không quân Mỹ. Đánh theo cách này đòi hỏi sự luyện tập công phu, tỉ mỉ của các trắc thủ, sự theo dõi tinh tế để duy trì sự chính xác của sĩ quan điều khiển, sự quyết tâm cao, mệnh lệnh chuẩn xác của Tiểu đoàn trưởng. Kinh nghiệm của trận đánh được Tiểu đoàn 94 vận dụng triệt để sử dụng kính quang học TZK phối hợp chặt chẽ với kíp trắc thủ điều khiển, bắn rơi tại chỗ một máy bay F-4 ngày 1 tháng 7 năm 1972. Những kinh nghiệm này đã được phổ biến đến các tiểu đoàn tên lửa của Sư đoàn phòng không 361.

        Sau trận đánh thắng, Tiểu đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Riêng đồng chí Đoàn Văn Súc, trắc thủ PA-00 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khen ngợi và tặng đơn vị một bức trướng mang dòng chữ: "Đơn vị lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ máy bay địch đầu tiên". Đại sứ Cu Ba tại Việt Nam gửi thiệp chúc mừng và tặng lẵng hoa cho Tiểu đoàn. Cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn còn vinh dự được đón đoàn đại biểu của Thành ủy, Ủy han hành chính và các cơ quan đoàn thể của Thành phố Hà Nội đến thăm, tặng quà. Đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố Hà Nội trao bức trướng cho đơn vị mang dòng chữ: "Mưu trí, sáng tạo, lập công xuất sắc" và nhiều quà tặng. Đặc biệt, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đến tặng đơn vị một con bò để khao quân. Đây là một thông lệ bất thành văn của Hà Nội khi các đơn vị phòng không bảo vệ Thủ đô lập được chiến công xuất sắc - bắn rơi một máy bay được một con bò để khao quân. Hôm đó, đơn vị vui như ngày hội, vì đã lâu rồi nay mới bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ, bộ đội được khao quân để động viên. Tôi suy nghĩ, đang sẵn sàng chiến đấu cao, nên bàn với đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Ưởng giao cho cơ quan Tiểu đoàn bộ chăm sóc con bò được thưởng, khi có điều kiện thì tổ chức liên hoan sau. Anh Ưởng là người nhiều tuổi, dược cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất kính trọng và yêu mên. Anh đã thận trọng xin ý kiến các đồng chí trong chỉ huy Tiểu đoàn và các đại đội, tất cả đều nhất trí với ý kiến của tôi nêu ra. Nhưng do chuồng trại sơ sài mấy ngày sau bò sổng chuồng, đi mất. Tin lan truyền cả Tiểu đoàn, anh em tiếc một bữa mừng công không có thịt bò của Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tặng. Bộ phận hậu cần của Tiểu đoàn thì lo sốt vó, cho quân toả đi các nơi lân cận trong huyện Đông Anh tìm kiếm. Cũng may là, sau 3, 4 ngày tìm kiếm cuối cùng anh em hậu cần cũng tìm lại được con bò.

        Liên tiếp trong tháng 7 năm 1972, không quân Mỹ tổ chức các đợt đánh phá ác liệt vào Hà Nội. Chúng không chỉ đánh phá các mục tiêu quân sự mà còn điên cuồng đánh vào cả các khu dân cư, bệnh viện, đê điều của ta. Thậm chí chúng còn đánh cả vào đại sứ quán một số nước ở Hà Nội. Ngoài ra, chúng còn sử dụng một lực lượng đáng kể tìm đánh các trận địa cao xạ, tên lửa của ta. Tiểu đoàn tôi được trên xác định là trận địa chốt ở tại Bãi Trám, Đông Anh, Hà Nội. Trong những ngày này cũng đã có 5 quả tên lửa không đối đất của không quân Mỹ bắn vào xung quanh trận địa. Có quả chỉ cách đài rađa nhìn vòng 300m. Trước tình hình đó, cấp trên đã có chủ trương sử dụng Tiểu đoàn 57 "chốt kết hợp cơ động xung quanh trận địa chốt" để nhằm tránh hoả lực địch. Thực hiện chủ trương của trên, trong tháng 7 và tháng 8 chúng tôi đã liên tục cơ động tới các trận địa Mai Hiên, Liên Hà - đó là một bãi phù sa bồi do trận lụt năm 1957 để lại, thuận lợi cho đơn vị làm công sự để chiến đấu. Sau đó chúng tôi lại quay về trận địa Tó. Các trận địa này nằm cách trận địa chốt (trận địa Tó) từ 8 đến 10km. Mỗi trận địa chúng tôi ở khoảng 10 đến 15 ngày. Có trận địa như Lộ Khê, đơn vị mới cơ động về triển khai chiến đấu được mấy ngày thì máy bay địch phát hiện, đánh vào trận địa nhưng may lại lệch ra ngoài, cách trung tâm trận địa khoảng 500, 600m. Ngay đêm hôm đó chúng tôi lại cơ động sang trận địa khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2020, 12:23:52 am »


        Đây là thời kỳ không quân địch đánh phá liên tục vào cả nội thành, ngoại thành Hà Nội và các mục tiêu khác trên đường 1 bắc và đường 5. Nhờ những thay đổi về kỹ thuật và chiến thuật, nên không quân Mỹ tập kích đánh phá các mục tiêu thường nhanh hơn cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Thời kỳ này các lực lượng phòng không nói chung, tên lửa phòng không nói riêng, đang phải chi viện cho chiến trường miền Nam mở các chiến dịch quy mô lớn. Đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ tuyến đường giao thông chiến lược 559 nên lực lượng bảo vệ Hà Nội so với những năm 1967, 1968 có ít hơn. Trực tiếp bảo vệ Hà Nội chỉ có 2 trung đoàn tên lửa phòng không: Trung đoàn 261 ở phía bắc sông Hồng và Trung đoàn 257 ở phía nam sông Hồng. Ngoài ra có một số đơn vị pháo phòng không 37, 57, 100mm, súng máy phòng không 12,7mm, 14,5mm của Sư đoàn phòng không Hà Nội, Quân khu Thủ đô và dân quân, tự vệ. Tuy nhiên, với tinh thần "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" quân và dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, đánh bại mọi thủ đoạn đánh phá của các lực lượng không quân Mỹ.

        Đê quốc Mỹ thực hiện chiến dịch đánh phá Thủ đô Hà Nội ngày càng ác liệt hơn, ngày nào, đêm nào cũng có máy bay ném bom, bắn phá Hà Nội và các địa phương lân cận. Bộ đội Tên lửa phải thường xuyên cơ động đánh phục kích, chuyển hóa thế trận đánh địch ở vòng trong, vòng ngoài bảo vệ Thủ đô.

        Ngày 4 tháng 7 năm 1972, địch tiếp tục đánh phá ác liệt vào Hà Nội. Từ sáng sớm chúng đã tổ chức trinh sát khí tượng và tới 11 giờ ngày 4 tháng 7 thì tổ chức một đợt đánh lớn vào các mục tiêu phía nam Hà Nội. Trận địa chúng tôi chỉ đánh được những tốp máy bay bay thẳng vào gây nhiễu tiêu cực và chặn kích. Ngay từ phút đầu, chúng tôi đã phóng hai quả tên lửa bằng phương pháp "ba điểm" diệt một máy bay địch. Tuy nhiên, hôm nay không quân địch có nhiều thủ đoạn xảo quyệt hơn, chúng tăng cường thả nhiễu tiêu cực trong đội hình. Sau trận đánh, nhìn lên bầu trời Hà Nội lấp lánh đầy dải nhiễu với các kích cỡ khác nhau. Mấy giờ đồng hồ sau nhiễu rơi xuống trắng xoá khắp cả trận địa và vùng quanh Hà Nội. Nhiễu tiêu cực là một khó khăn tạm thời cho cách đánh của Bộ đội Tên lửa chúng tôi. Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để bắt được mục tiêu và đưa đạn tới tiêu diệt mục tiêu, mà đạn không nổ trước vào các đám nhiễu tiêu cực là cả một vấn đề lớn đang đặt ra trước mắt cho Bộ đội Tên lửa chúng tôi. Ngoài những điều đó ra, địch cũng đang tăng cường đánh phá các trận địa tên lửa. Chúng phóng tên lửa Sraike vào trận địa theo tọa độ. Xung quanh trận địa chúng tôi đã có 5 quả tên lửa địch phóng vào. Nhưng cũng may tất cả chúng đều phóng theo tọa độ nên đều rơi ra ngoài. Cuộc chiến đấu là thế đấy. Ta đánh chúng, chúng cũng tìm cách đánh lại ta. Trong muôn vàn khó khăn đó, ta phải tìm ra cách đánh tốt nhất đế đánh thắng địch thì mới xứng đáng với truyền thống đánh giặc của ông cha. Điều đó làm cho tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Nhưng nếu chỉ mình tôi suy nghĩ và làm vẫn chưa đủ mà làm sao phải truyền được những quyết tâm, những suy nghĩ đó của tôi tới mọi người trong kíp chiến đấu cùng làm thì mới có hiệu quả. Đối với Bộ đội Tên lửa, trận trước đánh thắng, trận sau đánh không thắng là chuyện thường, nhưng sau mỗi trận đánh không thắng phải tìm ra được nguyên nhân vì sao chưa đánh thắng. Đó chính là cái quý nhất mà mỗi cán bộ, chiến sĩ tên lửa trăn trở sau từng trận đánh.

        Để tránh sự đánh phá các trận địa tên lửa của không quân địch, ngày 8 tháng 7 năm 1972, đơn vị chúng tôi cơ động về trận địa Lê Xá, cách trận địa cũ khoảng l0 km. Đáng lẽ đi từ hôm trước, nhưng do chuẩn bị trận địa chưa tốt nên hôm sau chúng tôi mới hành quân. Đã lâu đơn vị không cơ động nên việc tổ chức thu hồi, triển khai hành quân từng bộ phận có những lúng túng, vất vả. Song, nhờ có thời gian chuẩn bị tương đối dài, do đó công việc cũng xuôi chèo mát mái. Đúng 18 giờ có lệnh thu hồi khí tài, nhưng nhùng nhằng mãi đến 22 giờ chúng tôi mới hành quân được, cả đơn vị cơ động thức trắng đêm để sáng ngày 9 tháng 7 hoàn thành triển khai xong và làm công tác chuẩn bị chiến đấu.

        Tiểu đoàn chúng tôi cơ động về đây là theo mệnh lệnh của Sư đoàn. Vì theo lời khai của giặc lái Mỹ bị bắt, thời gian tới không quân Mỹ sẽ tập trung đánh phá một số trận địa tên lửa quanh Hà Nội, trong đó có trận địa Tó. Theo ý đồ đánh phá của địch, chúng tôi phải "nhổ chốt" ra đi chiến đấu dã chiến. Thực tế trong những lần đánh phá vừa qua, máy bay địch cũng đã phóng theo tọa độ một số quả tên lửa không đối đất vào quanh trận địa cũ của Tiểu đoàn, về trận địa này, mọi sinh hoạt của đơn vị đều khó khăn, thiếu nước, ở nhà bạt cơ động nên rất nóng. Chúng tôi trực chiến đấu kíp 1 lại càng khó khăn hơn, vì cả ngày lẫn đêm đều phải ở trận địa. Nước tắm và rửa mặt phải chia nhau từng cốc. Song, đó là khó khăn chung của cả đơn vị chứ chẳng riêng ai trong điều kiện chiến đấu ác liệt này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2020, 12:24:11 am »


        Trận địa Lê Xá hay còn gọi là trận địa Mai Hiên thuộc Đông Anh, Hà Nội. Đây là trận địa dã chiến nằm gần đê sông Đuống. Vì là trận địa dã chiến nên không có cây cối gì, chỉ có cát bụi. Tại đây, lần đầu tiên chúng tôi triển khai trận địa chiến đấu. cả trận địa là bãi cát phù sa bồi từ ngoài sông Đuống vào. Theo bà con địa phương kể lại, bãi cát này là kết quả của trận lụt vỡ đê năm 1957 hay năm 1958 gì đó đã bồi đắp nên. Ở đây nắng thì bụi, mưa gió càng khổ hơn, gió to vừa bụi cát vừa dễ đổ nhà bạt. Sau mỗi trận mưa thì bùn lầy nhão nhoét. Những ngày này lại là tháng mưa nhiều của đồng bằng Bắc Bộ, mưa gió thất thường khiến cuộc sống của chúng tôi lại càng vất vả hơn. Thời chiến, trận địa dã chiến nên chúng tôi chỉ triển khai nhà bạt để ở. Mỗi nhà ở được 6, 7 người, nhà bạt vuông thì được hơn chục người. Ở nhà bạt, vào buổi trưa mùa hè nằm nghỉ như nằm trên chảo rang, còn mùa đông thì lạnh như nằm giữa trời. May mà lúc đó chúng tôi còn đang ở tuổi sung sức, ăn ngủ tốt. Hơn nữa, một ngày báo động chiến đấu năm, bảy lần, ban đêm thêm hai, ba lần nữa chúng tôi đều mệt nhoài nên đặt lưng xuống là có thể ngủ ngay được, không cần biết nóng hay rét. Khi chúng tôi về đây triển khai chiến đấu xong, thì ngày hôm sau nhân dân xa Lộc Hà và các xã lân cận đã mang cây chuối ra trồng kín trận địa để ngụy trang. Hàng mấy trăm cây chuối được trồng trong có mấy ngày. Với sự hiện diện của những người chiến sĩ tên lửa phòng không đã làm cho họ mặt hoang sơ của bãi cát trở nên có sức sống hơn. Tuy nhiên, những khó khăn vất vả của chúng tôi ở đây chưa thấm gì với những ngày tôi vào chiến đấu ở khu vực "cán xoong" thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An năm 1968. Và càng chưa thấm gì với các đồng đội tôi đang ngày đêm hành quân chiến đấu trên đường Trường Sơn và ở chiến trường miền Nam ruột thịt.

        Chuyển về trận địa Lê Xá được gần chục ngày, ngày 16 tháng 7 năm 1972, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã lại đến phỏng vấn và ghi âm về trận đánh thắng ngày 27 tháng 6, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.700 trên miền Bắc. Đồng chí phóng viên này đã về đơn vị một lần dạo Tết trước. Họ ghi âm một buổi rút kinh nghiệm chiến đấu của kíp 1 Tiểu đoàn 57 chúng tôi.

        Phát huy chiến công và cách đánh mới đã được thực tế chứng minh, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 3.700 trên miền Bắc; trong tháng 7 năm 1972, Tiểu đoàn đánh 6 trận, bắn rơi 3 máy bay F-4 của Mỹ. Những chiến công đó đã khẳng định cách đánh "ba điểm có chỉ chuẩn" của quang học mà chúng tôi đã dày công nghiên cứu và tập luyện trong suốt thời gian qua là đúng. Mặc dù thời gian này vẫn tồn tại từ cấp trên suy nghĩ cho rằng, đánh bằng phương pháp "ba điểm" là không hiệu quả. Thậm chí có người còn quy kết đánh bằng "ba điểm" là do sợ địch đánh lại bằng tên lửa chống rađa. Nhưng thực tế hiệu quả chiến đấu từ cuối tháng 6 cho đến hết tháng 7 năm 1972 đã chứng minh là chúng tôi đã đi đúng hướng và đã tìm ra được cách đánh trả có hiệu quả đối với những thủ đoạn kỹ thuật, chiến thuật mới của không quân địch. Cuộc sống chiến đấu vất vả, cái sống, cái chết cận kề nhau, lúc đó tất cả chúng tôi đều không ai nghĩ ngợi điều gì. Suy nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là làm sao hoàn thành nhiệm vụ, bắn rơi càng nhiều máy bay Mỹ càng tốt. Với những trận đánh thắng liên tiếp trong tháng 7 này nên cả đơn vị rất phấn khởi, khí thế chiến đấu của mọi người đều rất cao.

        Đúng 9 giờ 51 phút ngày 18 tháng 7 năm 1972, đơn vị đánh một trận theo cách đánh mới, tiêu diệt một máy bay F-4 của địch. Thay đổi vị trí chiến đấu, Tiểu đoàn được lệnh hành quân về trận địa Lỗ Khê, thuộc xã Liên Khê. Gọi là trận địa nhưng được bố trí trên một bãi rộng, hướng tây bắc có mấy lò gạch, hướng tây nam có xóm nhỏ, trận địa này đánh đường bay địch bay từ hướng đông nam vào đánh phá sân bay Đa Phúc. Vào những ngày cuối tháng 7 năm 1972, ngoài việc tập kích đánh phá ban ngày, các lực lượng không quân địch còn tổ chức đánh phá cả ban đêm vào các mục tiêu trong nội thành Hà Nội và dọc các tuyến giao thông chiến lược của ta như tuyến đường 5, đường 1 bắc, đường 1B... Có đêm đơn vị chúng tôi phải báo động chiến đấu vào cấp 1 tới 5, 6 lần. Nhưng phần lớn không quân địch đều hoạt động ngoài vùng hoả lực của Tiểu đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2020, 12:24:26 am »


        Từ giữa tháng 7 năm 1972, đêm nào đơn vị cũng phải báo động chiến đấu 5, 6 lần. Sáng ngày 23 tháng 7 nam 1972, chúng tôi làm công tác chuẩn bị chiến đấu xong, đang tranh thủ luyện tập bám sát cho trắc thủ thì được lệnh vào cấp 1. Mọi công việc chuẩn bị chiến đấu cluing tôi làm một cách khẩn trương. Vừa kiểm tra chức năng xong, sĩ quan điều khiển phát sóng sục sạo và phát hiện được hai máy bay Mỹ ở phương vị 100, cự ly 30 km. Mục tiêu bay với tham số lớn. Khi cách trận địa khoang 10km thì nó bắt đầu bay lên hướng sân bay Nội Bài. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên đề nghị bắn đuổi nhưng tôi không đồng ý. Thế là tốp này chúng tôi không đánh được. Thực chất đây là tốp nghi binh kết hợp chặn kích. Vì mải theo dõi tốp này, chúng tôi đã bỏ nốt một tốp bay thấp vào đánh Hà Nội. Cả cấp trên và chúng tôi đã để lỡ thời cơ. Trong lúc đang theo dõi tình hình trên không, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên phái hiện được mục tiêu ở cự ly 18km, anh lập tức quay anten về phía nam và sục sạo thì bắt được hai tốp mục hen dang bay ra cự ly từ 12 đến 15km. Như vậy, đợt hoạt động đánh phá này là máy bay của hải quân địch, đơn vị tôi không đánh được. Nguyên nhân chủ yếu là do phán đoán địch chưa tốt, bị địch nghi binh đánh lừa. Đài 1 rađa nhìn vòng bắt và dẫn mục tiêu kém. Sau trận đánh bị lỡ thời cơ này, Trung đoàn trưởng đã đến tổ chức rút kinh nghiệm tại Tiểu đoàn. Có người nói đó là lệnh của Sư đoàn, cả Hà Nội hôm nay không có đơn vị tên lửa nào kịp nổ súng, chắc cấp trên cũng đau đầu (sau này chúng tôi được biết sáng đó không quân Mỹ đã đánh vào Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội). Ở Hà Nội chúng tôi làm nhiệm vụ đánh địch là đại diện cho Tổ quốc. Mỗi trận đánh không chỉ nhân dân ta theo dõi mà cả thế giới cũng dõi theo. Do đó, cấp trên cũng rất nghiêm khắc với chúng tôi khi địch vào mà không đánh được. Song, qua rút kinh nghiệm Trung đoàn trưởng cũng thấy được rõ nguyên nhân. Chúng tôi cũng rất khách quan trong việc tìm nguyên nhân không đánh được. Tôi nghĩ, đi đánh giặc ai mà chẳng có những phút thiếu sót dẫn tới lỡ thời cơ. Vấn đề là mình cần nghiêm khắc với mình thì mới có được cách đánh tốt hơn. Chính vì vậy, đối với những thiếu sót của mình, tôi rất nghiêm túc tìm cách sửa chữa, cố gắng để không bao giờ lặp lại. Qua trận này cũng để lại cho tôi một bài học sâu sắc về đánh giá âm mưu, thủ đoạn của không quân địch. Sau khi rút kinh nghiệm xong, đơn vị tổ chức mừng công về chiến thắng bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.700 trên miền Bắc.

        Đêm 23 tháng 7 năm 1972, cũng như những đêm trước địch vẫn tăng cường hoạt động đánh phá đường 1B. Thông thường chúng sử dụng một vài chiếc bay thấp đánh phá cầu phà và các đoàn xe vận tải để ngăn chặn sự vận chuyến của ta cho miền Nam. 23 giờ đêm thì có lệnh báo động vào cấp 1. Địch đã bắt đầu hoạt động ở hướng nam, tây nam. Ở đây có một chiếc đang bay vào, có mang nhiễu râu, có lẽ là máy bay A-6. Theo phần tử đài 1 của Tiếu đoàn thông báo thì nó chỉ bay quanh quẩn ở cự ly 60-70km. Kíp chiến đấu chúng tôi đang theo dõi tốp mục tiêu này thì Trung đoàn thông báo hướng đông bắc có mục tiêu. Đồng thời, lúc đó đài 1 của Tiểu đoàn cũng bắt được mục tiêu ở cự ly 35km. Sĩ quan điều khiến Kiên quay nhanh anten về hướng thông báo và phát sóng thì bắt được mục tiêu ở cự ly 28km, độ cao 400 m. Ba trắc thủ thao tác bám sát, kẹp chặt mục tiêu bằng các tay quay điêu luyện của mình, sĩ quan điều khiển xác định phần tử phóng. Các tham số nằm trong phạm vi cho phép phóng đạn. Theo lệnh của tôi, sĩ quan điều khiển Kiên đã phóng 2 quả đạn ở cự ly 18km và 16km giãn cách 12 giây, phương pháp điều khiển K. Mục tiêu là máy bay A-6 (lực lượng không quân chiến thuật của hải quân Mỹ) nên có nhiễu râu. Hai quả đạn tên lửa phóng lên đều có điều khiển tốt. Sau khi theo dõi quả 1 nổ xong, quay lại quan sát quả 2 thì không thấy tín hiệu tên lửa đâu nữa. Tôi lo quá. Vì chỉ theo dõi được nó ở đoạn đầu nên tôi tưởng đạn đã rơi xuống đất. Nhưng sau đó, kiểm tra lại thì biết quả đạn đó nổ trước mục tiêu khoảng 4-5km. Đây là trận đánh trả đầu tiên của Tiểu đoàn với đối tượng là lực lượng không quân chiến thuật của hải quân Mỹ. Nếu như cả hai quả đạn đều điều khiển tốt cả thì hay biết mấy. Nhưng đáng tiếc, quả 2 nổ sớm cho nên kết quả là không diệt mục tiêu. Trận này Tiểu đoàn đánh trả máy bay chiến thuật của hải quân Mỹ, bay thấp, một đối tượng khó nhưng cả kíp chiến đấu đều thao tác rất chững chạc.

        Ngày 28 tháng 7 năm 1972, chúng tôi chuẩn bị hành quân từ trận địa Lê Xá về trận địa dã chiến ở xã Lỗ Khê, cũng thuộc Đông Anh, chỉ cách trận địa Lê Xá khoảng hơn chục kilômét và cách trận địa "chốt" ở Tó chỉ khoảng 10km. Vùng này nằm trong phạm vi "chốt" của Tiểu đoàn nên dù có cơ động trận địa nào đi nữa thì cũng chỉ là chiến thuật, còn cơ bản vẫn phải đảm bảo đánh được các đường bay địch vào đánh Hà Nội và sân bay Nội Bài.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM