Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:51:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sức mạnh làm nên chiến thắng  (Đọc 9672 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:39:10 am »


        Tại đây, Tiểu đoàn 93 đã đánh một trận, không tiêu diệt được máy bay địch mà còn bị chúng đánh vào trận địa làm hỏng khí tài. Trận này Tiểu đoàn tôi đối đầu với lực lượng không quân của hải quân Mỹ từ ngoài biên tập kích vào, chủ yếu bay thấp, đánh vẹt, sử dụng "nhiễu xung trả lời"1 và "nhiễu râu"2. Do chiến thuật bay thấp, tập kích chớp nhoáng của máy bay địch, kinh nghiệm chiến đấu đánh trả của kíp chiến đâu trong điều kiện chúng sử dụng nhiễu xung, nhiễu râu chưa nhiều nên trận đánh không thắng, trận địa bị lộ. Khi bị địch đánh trúng vào trận địa, khí tài của đơn vị bị hỏng không chiến đấu được, để bảo toàn lực lượng Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Lộc đã lệnh cho kíp chiến đấu sơ tán về các khu vực theo phương án đã xác định. Tôi và kíp trắc thủ sơ tán về khu vực Đài thông tin tiếp sức để quan sát khí tài và chờ sẵn sàng nhận lệnh. Ngồi bên ngoài nhìn vào trận địa, hết đợt này 4 chiếc đến đợt khác 8 chiếc máy bay địch thi nhau trút bom vào cánh rừng cà phê, nơi mà bộ khí tài tên lửa của Tiểu đoàn đang bố trí ở đó, chúng tôi sốt ruột và lo lắng vì biết khí tài sẽ bị phá hỏng. Đôi lúc tôi còn nghe được tiếng đồng chí Tiểu đoàn trưởng đang ở trong trận địa báo cáo lên Trung đoàn, đợt 1 địch đánh phá hỏng..., đợt 2 địch đánh phá hỏng... và có rất nhiều mảnh bom đánh thủng anten. Lúc đó, tinh thần và quyết tâm chiến đấu càng nung nấu trong tôi, mình phải đánh thế nào cho tốt để địch không có cách nào đánh lại được mình. Khó thật! Ý nghĩ ấy cứ luôn dằn vặt trong tâm trí tôi mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

        Cả kíp chiến đấu đang sơ tán ngồi gần xe thông tin tiếp sức, xe này thường bố trí cách trận địa khoảng từ 1 đến 2km. Chúng tôi thấy một loạt bom rơi xung quanh xe tiếp sức, có một quả rơi gần chỗ kíp chiến đấu của chúng tôi ngồi. Nghe thấy tiếng rơi "uỵch" mà không thấy có tiếng nổ, thì ra quả bom rơi cách chúng tôi chỉ khoảng một mét nhưng không nổ. Thật may mắn cho cả kíp chiến đấu chúng tôi vì không xảy ra tổn thất, thương vong gì. Bộ đội Tên lửa chúng tôi thường có câu nói động viên nhau để yên tâm chiến đấu "chúng đánh chưa chắc đã trúng, mà trúng chưa chắc đã chết".

        Đầu tháng 4 năm 1968, từ Thanh Hóa chúng tôi được lệnh hành quân vào Nghệ An. Khi hành quân đơn vị đi theo đường 15 "gọi là đưòng bò lăn", con đường chiến lược nhiều ổ trâu, ổ gà rất khó đi. Chúng tôi ngồi trên xe mà cứ thấy đuôi xe hết văng bên đông lại văng bên tây, có lúc xe sa lầy phải huy động đến 2 xe xích (ATC) kéo cũng không lên được nên phải tiếp tục đào, rồi lại kéo. Hành quân đường dài đối với các xe khác đã là khó khăn, nhưng khó nhất là xe PA (xe anten thu phát) có lúc kéo gẫy cả càng, lại phải thay thế, mà khi thay thì cực lắm; còn kéo được thì nó cũng chẳng khác nào con ngựa bất kham, lúc văng trái, lúc văng phải, có lúc nằm ệch bên ta luy, còn đi sau nó thì tim chúng tôi thót lại liên tục. Hành quân như thế đâu chỉ có trời và đất mà kẻ địch suốt đêm rình rập, lộ ra là chúng đánh ngay. Đặc biệt ở những ngã ba, những bến phà đâu chỉ phát hiện chúng mới đánh mà chúng còn đánh theo thời gian, theo tọa độ, nếu phát hiện thấy thì chỉ ít phút sau là máy bay Mỹ thi nhau kéo đến đánh phá liên tục.

        Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng với ý chí quyết tâm của tập thể cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi đã hành quân đến địa điểm tập kết an toàn, bảo đảm thời gian quy định. Vừa hành quân đến nơi chúng tôi bước ngay vào nghiên cứu tình hình địch trên không, mặt đất, địa hình đế bố trí trận địa. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong quá trình tác chiến.

        Địch tuyên bố không ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, âm mưu của chúng thật xảo quyệt, như vậy chúng có thể dồn sức đánh phá ác liệt hơn vào khu vực "cán xoong" Khu 4 trên bản đồ địa lý. Có những người không hiểu lại cho là chúng có thiện chí, nhưng thật ra đó là trò lừa đảo bằng ngoại giao. Nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của chúng.

        Những ngày này, từ những lùm cây, ngã ba đường hay những khu vực nghi ngờ có vết xe đi là máy bay Mỹ lùng sục đánh xăm, đánh dồn dập. Ngã ba Truông Bồn, dọc từ cầu Cấm đến Bến Thủy, trên đường số 1 ban đêm chúng thả pháo sáng liên tục, bầu trời và mặt đất sáng như ban ngày. Giai đoạn này cấp trên có ý định vận chuyển hàng hóa vào chiến trường chủ yếu đi ban đêm. Chúng tôi được lệnh, cứ 18 giờ hàng ngày triển khai chiến đấu, đến 4 giờ sáng thu hồi cất giấu khí tài vào vị trí an toàn, vì lúc này địch đang ở thế thượng phong, ta phải thường xuyên cơ động và phục kích đánh đêm mới phù hợp trong điều kiện lực lượng còn mỏng, cơ động ban ngày dễ bị lộ. Cách tổ chức lực lượng tên lửa phục kích đánh đêm cũng góp phần làm cho địch đánh giãn ra, tạo thuận lợi cho việc vận chuyến hàng từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam ngày càng nhiều hơn.

----------------------
        1. Một dạng nhiễu khi máy thu của rađa, đài điều khiển tên lửa thu về có hình dạng đường bao giống như tín hiệu máy bay địch.

        2. Một dạng nhiễu xung trả lời, nhưng nó luôn biến dạng về phương vị, trắc thủ bám sát, theo dõi rất khó.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:39:38 am »


        Mỗi người cán bộ, chiến sĩ chúng tôi có nhiều trăn trở và suy nghĩ, đất nước mình, nhân dân mình đang sống yên ổn, tự do thế mà đế quốc Mỹ cứ ngang nhiên dùng máy bay, tàu chiến đánh phá thành phố, làng mạc, phá tan những cây cầu, những ngã ba đường, hoành hành trên bầu trời suốt ngày đêm. Ta phải làm gì? Chiến đấu đánh trả không quân Mỹ như thế nào? Bảo vệ mục tiêu thế nào? Kiên quyết không để đế quốc Mỹ huênh hoang tuyên bố "dọn sạch các bệ phóng tên lửa ở Khu 4". Con giun xéo mãi cũng quằn, Quân chủng Phòng không -  Không quân đã quyết định mở "Chiến dịch A2" mang mật danh "CZA2" báo vệ các kho, tuyến đường và hàng vận chuyển cả ngày và đêm vào chiến trường.

        Đầu tháng 5 năm 1968, Tiểu đoàn tôi được lệnh tham gia chiến dịch A2. Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn được sắp xếp lại, lúc đó tôi là Đại đội trưởng Đại đội 1, nhưng Trung đoàn yêu cầu tôi phải chiến đấu ở vị trí sĩ quan điều khiển. Chẳng hiểu quy mô, mức độ, cách đánh chiến dịch sẽ thế nào, vì chúng tôi phải chờ đến ngày 11 tháng 5 họp mới được giao nhiệm vụ cụ thể. Tôi suy nghĩ, sắp đến ngày sinh nhật Bác - 19 tháng 5 năm 1968, đơn vị đang đóng quân và chiến đấu trên quê Bác, thật vinh dự, tự hào nhưng chúng tôi phải chiến đấu thế nào? Phải quyết tâm ra sao?, để giành thắng lợi lập công dâng Bác kính yêu.

        Đêm 9 tháng 5 chúng tôi chiếm lĩnh trận địa thuộc xã Nghi Trưòng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đây là bãi cát chạy dọc theo xã, trận địa nằm cạnh Trường phổ thông cấp I. Ở đây có cả một rừng phi lao chiều dài gần 2km, chiều rộng chỗ lớn nhất từ 600m đến 700m, chỗ nhỏ nhất chỉ từ 300m đến 400m, các cabin chiến đấu được đưa xuống công sự rồi luồn gỗ, tre xong phủ cát lên ngụy trang trông chẳng khác nào bãi cát. Phương án chiến đấu của Tiểu đoàn là giám sát đường bay từ biển vào, bảo vệ thành phố Vinh và các trục giao thông vận chuyển. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch là rất tốt nhưng khi đơn vị triển khai khí tài xong, kiếm tra chức năng thì phát hiện hỏng động cơ quay góc xe PA, còn tham số xe YA, AA chưa thật chuẩn. Động cơ hỏng không có trang bị thay thế ngay mà phải chờ vận chuyển từ kho của Quân chủng. Chờ một ngày, hai ngày... rất sốt ruột mà vẫn không có phụ tùng thay thế, chúng tôi vẫn bám trận địa và chuẩn bị các tham số sẵn sàng nhận lệnh của cấp trên.

        Đúng 10 giờ ngày 12 tháng 5 năm 1968, máy bay trinh sát của địch phát hiện được trận địa của Tiểu đoàn, chúng cho nhiều tốp máy bay đánh phá quyết liệt. Hết máy bay trên trời (không quân chiến thuật của Mỹ) đánh vào trận địa, lại đến pháo kích từ ngoài biển vào. Vì khí tài chưa sẵn sàng chiến đấu nên Tiểu đoàn chưa cho lệnh nạp đạn tên lửa vào bệ phóng. Khi máy bay địch đánh vào trận địa chỉ có khí tài của Đại đội 1 và 5 bệ phóng của Đại đội 2 do đó không có đạn bị cháy. Chúng tôi nhận định máy bay Mỹ chỉ đánh tọa độ, vì những ngày này chúng đánh rộng hết cả huyện Nghi Lộc, bất kỳ chỗ nào nghi vấn chúng đều ném bom, bắn phá. Lực lượng pháo cao xạ các loại đánh trả, bắn phủ kín cả bầu trời nhưng không diệt được máy bay nào của dịch. Chớp thời cơ giãn cách giữa các trận đánh, tối hôm đó chúng tôi đã nhanh chóng cho thu hồi khí tài và đưa về địa điểm trú ẩn, ngụy trang an toàn. Riêng chiếc xe AA đã gắn bó với chúng tôi nay phải chia tay vì trúng 2 quả bom bị hỏng nặng không thể kéo đi được nữa.

        Cứ lần lượt máy bay, rồi pháo từ biển đánh vào trận địa cho đến 10 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 1968. Đây là những ngày buồn, ngày đáng nhớ của Tiểu đoàn 93, ngày khí tài hỏng, không đánh được địch, lại bị máy bay địch ném bom trúng vào trận địa làm hỏng khí tài, thương vong cán bộ, chiến sĩ. Số anh em hy sinh chủ yếu thuộc đại đội pháo cao xạ của Tiểu đoàn bảo vệ tên lửa. Đặc biệt nhà cửa, ruộng đồng, trâu, bò... của nhân dân xã Nghi Trường bị máy bay địch đánh phá cày đi, xới lại rất tang thương. Thật xót xa, đau thương vì đơn vị đóng quân ở đó mà không bảo vệ được dân, không giúp đỡ được nhân dân khi máy bay địch đánh phá. Bối cảnh lúc đó, mỗi người một việc bằng mọi cách dù có hi sinh đến tính mạng cũng phải đưa được khí tài đến nơi an toàn. Chúng tôi nhớ khẩu hiệu "còn người còn khí tài" dù bom, pháo của địch đánh ác liệt đến đâu cũng phải đưa được khí tài, tên lửa ra khỏi vùng địch giội bom. Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng đó tôi vẫn thấy tự hào gấp bội về những người đồng đội, những chiến sĩ tên lửa đối mặt với bom, đạn địch có thể hy sinh, nhưng khí tài đang nằm đó, họ mặc cho bom cứ rơi, có những lúc tưởng như đội bom để mà thu dỡ khí tài. Đồng chí Lưu Xuân Đáo - Đại đội phó kiêm Trưởng xe anten thu, phát PA đứng giữa những làn bom địch chỉ huy anh em xe PA thu hồi anten. Sau khi thu xong, chúng tôi tổ chức đưa đi cất giấu an toàn. Đây thật sự là những tấm gương anh dũng của người cán bộ tên lửa phòng không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2020, 05:40:05 am »


        Tôi là Đại đội trưởng đại đội kỹ thuật (theo cách gọi của bạn), nhưng vẫn chủ yếu chiến đấu ở cương vị sĩ quan điều khiến. Đại đội kỹ thuật là đại đội được biên chế các xe điều khiển YA, xe tính toán AA, xe thu phát PA và các xe cung cấp điện; kíp chiến đấu biên chế chủ yếu ở các xe này; trong đó, sĩ quan điều khiển vị trí chiến đấu lại xe YA. Mọi thao tác của sĩ quan điều khiển là sự khởi đầu và kết thúc toàn bộ quy trình hoạt động chiến đấu của tiểu đoàn tên lửa. Nói như vậy, để thấy sự quan trọng trong chiến đấu của tiểu đoàn tên lửa là người sĩ quan điều khiển. Tiểu đoàn trưởng là nhạc trưởng, còn người chịu trách nhiệm thao tác chiến đâu là sĩ quan điều khiển cùng ba trắc thủ thực hiện từ khâu bắt đầu và khâu cuối cùng đưa quả đạn từ bệ phóng đến gặp và tiêu diệt mục tiêu máy bay địch.

        Hoạt động chiến đấu của tiểu đoàn tên lửa đòi hỏi tiểu đoàn trưởng là người chỉ huy trận đánh, phải dành hết tâm huyết, trí tuệ, những kiến thức, kinh nghiệm chỉ trong thời gian rất ngắn (tính bằng giây) để suy nghĩ hạ quyết tâm tiêu diệt địch đúng thời cơ; còn người sĩ quan điều khiển là người phải nhanh nhạy, bao quát tình hình diễn biến thực tế trên các màn hiện sóng, quản lý chắc những tình huống xảy ra, đón những thời cơ thuận lợi nhất, chấp hành mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng, là người chịu trách nhiệm chính trong việc điều khiển quả đạn tên lửa tiêu diệt máy bay địch. Ba trắc thủ là những người chiến sĩ gan góc, có lòng tin, có đôi mắt sáng, có trình độ thao tác chiến đấu điêu luyện trên khi tài để cùng sĩ quan điều khiển xử trí các tình huống diễn biến của trận đánh. Ta thường gọi "bộ 5". Tôi còn nhớ, Thiếu tướng Đỗ Phúc (thời kỳ chiến đấu anh là Tham mưu phó Sư đoàn phòng không 361) đã viết bài "Kíp săn B-52" đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Phòng không - Không quân rất hay đã nói lên được vị trí quan trọng về "bộ 5" của Bộ đội Tên lửa trong chiến đấu đánh B-52. Tất nhiên, tên lửa đã là quan trọng, vì nó là công nghệ quân sự cao, hiện đại. Cám ơn anh Phúc đã động viên cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Việt Nam.

        Năm 1968, Tiểu đoàn tôi đánh 14 trận, tiêu diệt được 3 máy bay. Khi vào chiến dịch A2, Tiểu đoàn đang triển khai chiến đấu chưa đánh được trận nào thì đã bị địch đánh hỏng bộ khí tài. Nói hỏng bộ khí tài cũng chưa thật là chính xác, mà hỏng hoàn toàn xe AA (thường gọi là xe tính toán) tại trận địa thuộc xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi rất đau xót và ân hận. Trận địa Nghi Trường là trận địa để đơn vị tham gia chiến dịch, lại là quê hương của đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Đức Giám. Anh có khổ người cao, to, tính tình cởi mở; là người xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc nên con người và tiếng nói đậm chất xứ Nghệ không lẫn vào đâu được. Quê anh nghèo lắm, nhưng tinh thần cách mạng không nghèo. Có một chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" chứ không thê nói nhân dân Nghi Lộc quê hương Xô viết Nghệ An thiếu tinh thần cách mạng. Sau khi chọn trận địa theo vị trí cấp trên xác định đã xong, trên thực địa đơn vị cũng đã làm xong hầm cho khí tài, cho người, chỉ còn hành quân đưa khí tài đến là triển khai sẵn sàng chiến đấu. Trước đêm đưa khí tài vào trận địa, thì ngay buổi sáng hôm đó nghe nói có một thầy giáo Trường cấp I đã cho học sinh chặt hết những ngọn phi lao gần vị trí trận địa mà đơn vị chuẩn bị triển khai chiến đấu, làm mất cả hệ thống ngụy trang của trận địa. Những ngày này bầu trời của chúng ta, nhưng đế quốc Mỹ coi như là của chúng, máy bay sục sạo suốt ngày đêm, nên mỗi lùm cây thay đổi là chúng đánh xăm ngay. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải ngụy trang lại như cũ bằng cách chặt những ngọn cây phi lao từ xa về buộc lên những cây đã bị chặt nhưng trời Nghi Lộc nắng và nóng, cây khô rất nhanh. Các "trắc thủ" kíp 3 chưa được tham gia chiến đấu thì làm nhiệm vụ ngụy trang, cứ liên tục khi lá héo phải thay ngay nên rất vất vả mà vẫn không bảo đảm ngụy trang trận địa theo kế hoạch. Nghe nói, ông thầy giáo này suy nghĩ chưa kĩ nên đã làm những việc gây khó khăn cho đơn vị chứ không phải là chỉ điểm, là phản động gì. Vì ông nghĩ đơn giản là chặt đi thì đơn vị không về đó triển khai chiến đấu nữa, kẻo máy bay Mỹ đánh phá trận địa lại đánh cả vào dân thường. Nhưng ông ấy không hiểu được, ở đó dù khó khăn đến mấy đơn vị cũng phải khắc phục, vì trận địa này đã được chiến dịch xác định là trận địa chốt rồi. Hơn nữa, máy bay Mỹ đánh phá cả miền Bắc chứ chúng có loại trừ dân thường đâu. Chúng sẵn sàng bắn, giết cả người già, trẻ em và phụ nữ, đánh phá cả bệnh viện và trường học.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 08:50:01 pm »


        Tham gia chiến đấu trong chiến dịch A2, có nhiều sự kiện làm tôi nhớ mãi về những ngày ác liệt trên trận địa xã Nghi Trường. Ngày mai là ngày N rồi, ngày N-l thủ trưởng Trung đoàn đi họp nhận nhiệm vụ của chiến dịch, thật không may xe đi qua Phương Tích trên đoạn đường đẩy bom, bất ngờ quả bom nổ, các đồng chí trong đoàn bị hy sinh nên mệnh lệnh lúc này cấp trên giao cho các tiểu đoàn chỉ thông qua những bức điện. Chiến dịch mở ra, ý định của cấp trên có 4 tiểu đoàn tên lửa tham gia, thì 2 tiểu đoàn hỏng khí tài chưa khắc phục xong, các tiểu đoàn còn lại thì bị địch khống chế từ đầu, chỉ còn cao xạ các tầm 37, 57, 88, 100mm các loại súng pháo cỡ nhỏ chiến đấu. Các đơn vị pháo cao xạ chiến đấu rất anh dũng, nhưng cũng không có kết quả, máy bay Mỹ vẫn hoành hành trên bầu trời Nghệ An mà đơn vị tôi lúc này khí tài vẫn hỏng. Không đánh được địch, lại bị địch đánh vào trận địa, Bộ đội Tên lửa và Bộ đội Cao xạ của Tiểu đoàn hy sinh 8 đồng chí, một số khác bị thương.

        Khi phát hiện thấy các trận địa tên lửa gần biển, máy bay Mỹ tập trung đánh hủy diệt bằng các đợt tập kích liên tục, 24 giờ đồng hồ trong ngày hầu như không ngớt tiếng bom đạn của địch. Tuy chúng đánh liên tục, nhưng vẫn theo quy luật của nó. Thời gian máy bay, pháo kích đánh phá mục tiêu, điểm đánh ít lặp lại những nơi bom đã rơi; còn pháo ngoài biển bắn vào dày như "nêm cối"1. Nhờ đó chúng tôi đã tổ chức cho thu dỡ anten, khí tài giữa 2 đợt bom đạn địch. Nhưng khi kéo khí tài ra, lại là một vấn đề hết sức khó khăn, buộc chúng tôi phải suy nghĩ, tính toán cẩn thận. Theo kế hoạch chiến đấu, khi khí tài bị hỏng thì chúng tôi phải đưa lên Nông trường Sông Con ở khu rừng phía tây của tỉnh Nghệ An để khắc phục, song lúc này điều kiện đơn vị không thể kéo ngược lên đó được. Nhưng nếu không quyết định sớm, sẽ "ăn bom" của chúng ngay. Đơn vị quyết định: kéo khí tài xuống dãy phi lao sát biển, đào hầm đưa khí tài xuống rồi phủ cát lên, trông như một bãi cát thôi. Đây là vị trí gần địch hơn, nhưng lại rất bất ngờ và an toàn. Ở đây chúng tôi luôn nghe những tiếng máy bay gầm rít từ biển vào, những tiếng gầm, tiếng xé gió chiu chíu của đạn pháo từ Hạm đội 7 của Mỹ bắn vào mà lòng càng đau xót, cắn chặt răng lại, mà lòng đầy căm hận "sao chúng lại lộng hành như vậy?".

        Địch đánh trúng trận địa, khí tài bị hỏng không chiến đấu được. Lệnh của Tiểu đoàn cho đơn vị sơ tán khỏi trận địa đế bảo toàn lực lượng; chúng tôi di chuyển về hướng xã Nghi Hương, cứ đi đến đâu thì máy bay thả bom và pháo kích từ biển lại đánh vào gần đó như đuổi theo chúng tôi. Có đồng chí trắc thủ tên là Nguyễn Văn Vinh, hệ phát lệnh, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An nói đùa trêu tôi: "Anh Phiệt là gián điệp hay sao mà đi đến đâu nó cứ đánh đuổi theo". Tôi cũng trêu đùa lại đồng chí Vinh: "Vì chú phát sóng lệnh điều khiển đạn của ta thì không điều khiển lại đi điều khiển đạn của địch về mình".

        Trận này máy bay Mỹ đánh rộng ra hầu khắp huyện Nghi Lộc. Mấy ngày sau đơn vị đưa số khí tài còn lại về Nông trường Sông Con, Tiếu đoàn được bổ sung thêm xe tính toán AA. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở các cấp đã tập trung, dồn ghép dược bộ khí tài hoàn chỉnh. Mỗi bộ khí tài có đặc tính khác nhau, nay ghép lại phải làm sao cho các tham số nó thuận theo ý muốn của chúng ta. Vì phải có tham số ổn định cao nhất như thế mới có thể chiến đấu được. Khi ghép các khối, cũng có những phân vân thế này, thế nọ của mỗi đồng chí. Nhưng qua kiểm tra chức năng thì thấy rõ bộ khí tài đã hoàn chỉnh, bảo đảm chiến đấu tốt.

        Cuối tháng 10 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã ra lệnh cho không quân ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, kể từ ngày 1 tháng 11. Như vậy bước leo thang phá hoại lần thứ nhất bằng không quân của đế quốc Mỹ đã bị thất bại. Ngày 7 tháng 11 năm 1968, Níchxơn trúng cử Tổng thống, với lời hứa sẽ kết thúc chiến tranh ở Việt Nam nên được cử tri Mỹ ủng hộ. Nhưng với bản chất hiếu chiến, xâm lược của đế quốc Mỹ và Đảng Cộng hòa, cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc sẽ còn diễn ra hết sức quyết liệt.

        Từ đầu năm 1969, tuy không có máy bay của Mỹ đánh phá miền Bắc, nhưng Bộ đội Phòng không - Không quân vẫn phải sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ. Vì thời gian này, mặc dù các máy bay ném bom của không quân và hải quân Mỹ không hoạt động đánh phá miền Bắc, nhưng chúng thường xuyên tăng cường các máy bay trinh sát có người lái và không người lái hoạt động trinh sát, phát hiện các hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây cũng là thời cơ để Bộ đội Tên lửa rèn luyện nâng cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật sẵn sàng cho cuộc chiến đấu tiếp theo. Thực hiện chủ trương chấn chỉnh lại tổ chức, các đơn vị phòng không rút bớt một số đầu mối trung đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 08:51:08 pm »


        Ngày 12 tháng 3 năm 1969, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Văn Tri đã ký Quyết định số 303/TM-QL giao cho Sư đoàn phòng không 365 tiến hành hợp nhất Trung đoàn tên lửa 278 với Trung đoàn tên lửa 261. Quyết định ghi: "Sáp nhập Trung đoàn 278 với Trung đoàn 261 củng cố thành một trung đoàn mạnh, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 261"1.

        Trung đoàn tên lửa 261 có nguồn gốc từ Lữ đoàn pháo binh 368, một đơn vị có truyền thông và thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trung đoàn thành lập ngày 30 tháng 5 năm 1966 theo Quyết định số 42/QĐ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký. Trung đoàn có 4 tiểu đoàn hỏa lực là: Tiểu đoàn 56, Tiểu đoàn 57, Tiểu đoàn 58, Tiểu đoàn 59 và Tiểu đoàn kỹ thuật 60. Trung đoàn 261 đã sang Liên Xô học chuyển loại tên lửa từ tháng 7 năm 1967, về nước cuối tháng 3 năm 1968, biên chế thuộc Sư đoàn phòng không 365. Sau khi về nước, Trung đoàn đã nhanh chóng triển khai sẵn sàng chiến đấu, đánh máy bay trinh sát điện tử của Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc.

        Ngày 2 tháng 1 năm 1969, Tiểu đoàn 56 đánh trận đầu lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ một máy bay trinh sát 147.S của Mỹ trên đất Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.

        Trang bị của các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 261 còn mới, trong khi đó trang bị của các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 278 đều đã cũ, số giờ làm việc tích lũy cao; một số bộ khí tài còn bị hỏng nặng do bị không quân Mỹ đánh phá trận địa trong "Chiến dịch A2" năm 1968, mới được sửa chữa khắc phục.

        Việc sáp nhập được tiến hành cũng rất khẩn trương, Tiểu đoàn 91 thuộc Trung đoàn 278 sáp nhập với Tiểu đoàn 57 thuộc Trung đoàn 261 lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 57; Tiểu đoàn 92 sáp nhập với Tiểu đoàn 59 lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 59; đế nguyên các tiểu đoàn 93, 94, 95. Toàn bộ quân số và khí tài của Tiểu đoàn 56 thuộc Trung đoàn 261 điều sang trực thuộc Trung đoàn tên lửa 263; toàn bộ quân số và khí tài của Tiểu đoàn 58 và Tiểu đoàn 60 thuộc Trung đoàn 261 được điều về Cục Hậu cần để tổ chức thành tiểu đoàn kho. Các cơ quan của hai trung đoàn cũng được sắp xếp, củng cố lại bảo đảm quân số tinh, gọn, hợp lý hơn. Từ đây, Tiểu đoàn 93 thuộc biên chế của Trung đoàn tên lửa mang phiên hiệu 261.

        Tháng 8 năm 1969, tôi được trên cho về Trường Sĩ quan Phòng không (nay là Học viện Phòng không - Không quân) để học tập. Đây là lớp đầu tiên mở cho những đồng chí tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn phó tên lửa. Xác định thời gian học theo chương trình 3 năm, nhà trường đặt tên là "Lớp đào tạo cán bộ trung đoàn" nhưng khi đưa ra xin ý kiến lại vướng một số đồng chí đã là cán bộ trung đoàn. Các đồng chí này thắc mắc: Tôi đã là cán bộ trung đoàn còn đi đào tạo làm gì? Nên sau đó nhà trường lấy tên là "Lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ trung đoàn", ký hiệu là 53. Lớp này mở ra theo ý định của Quân chủng và theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, để rút kinh nghiệm cho việc xác định mục tiêu đào tạo các lớp tiếp theo. Và các lớp tiếp sau đó được xác định với mục tiêu đào tạo là: lớp đào tạo cán bộ trung đoàn. Đối tượng chiêu sinh đều là cán bộ tiểu đoàn. Thời gian chúng tôi được học tập, cũng là thời gian Quân chủng chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng cho các cuộc chiến đấu tiếp theo.

        Lớp học 53 bước vào khai giảng có 53 đồng chí, chiêu sinh từ các trung đoàn tên lửa, đã qua chiến đấu, ít nhiều đều có những kinh nghiệm thực tế, nay tập hợp về đây học tập lý thuyết để củng cố nhận thức, do vậy mọi người đều rất phấn khởi. Lớp được biên chế thành 4 tiểu đội. Cán bộ lớp, cán bộ tiểu đội do học viên tự đảm nhiệm. Để theo dõi, quản lý lớp và thành lập tổ chức đảng trong lớp học, Đảng ủy nhà trường bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Giao đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên, Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Điển - Trung đoàn phó Trung đoàn tên lửa 257 làm Lớp trưởng. Đồng chí Nguyễn Hồng Quảng - Trung đoàn phó Trung đoàn tên lửa 263 làm Lớp phó. Lớp học diễn ra đúng thời gian đế quốc Mỹ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc. Thật là sung sướng với những người lính chiến chúng tôi vì không phải thấp thỏm lo nghĩ đến việc chiến đấu trực tiếp mà chỉ dành thời gian tập trung đèn sách để sẵn sàng cho cuộc chiến đấu cao hơn.

------------------
       1. Theo Hồ sơ lưu trữ tại bảo mật Quân chủng Phòng không, số 566 năm 1969.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 08:52:15 pm »


        Theo chương trình đào tạo, thời gian học tập của chúng tôi là 3 năm, nhưng đến cuối năm 1971 lớp học đã kết thúc. Thời gian học tập lúc đầu chúng tôi còn ở khu nhà lá, thưng nứa trong khu rừng cách sân bay Tông khoảng 3km. Sau một thời gian, lớp chúng tôi chuyến về khu nhà bằng (gọi là nhà bằng vì có cái nhà thời Pháp xây dựng để máy bay, máy móc, đã bị đổ nghiêng) ở sân bay Tông, ngay sát khu vực Hiệu bộ. Đây là sân bay do Pháp xây dựng, các đường băng đều được xây dựng bằng đất và một ít bằng bê tông, tại xã Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây. Để chuyển được toàn đơn vị về vị trí của nhà trường, cán bộ, chiến sĩ toàn trường nói chung, lớp 53 nói riêng vừa học tập, vừa lao động hết sức vất vả, nhưng chỉ thời gian ngắn toàn trường đã có nhà ở khang trang và tập trung hơn. Buổi sáng học, buổi chiều chúng tôi vào rừng chặt tre, nứa, lá rồi đưa lên xe bò kéo, đẩy về để xây dựng nhà ở, xây dựng lớp học. Chúng tôi phải kéo những chiếc xe bò đi xa hàng chục kilômét mới đến nơi. Bình thường thì không sao, nhưng khi bị hỏng dọc đường thì 3 hoặc 4 đồng chí loay hoay và nhịn đói, có hôm đến 11 hay 12 giờ đêm mới được ăn. Gian khổ, khó khăn thật, nhưng nghĩ lại những lúc chiến đấu gặp tình huống khó khăn, địch áp dụng các thủ đoạn chiến thuật mới, hay lúc khí tài bị máy bay Mỹ đánh phá hỏng hóc nặng... trong tôi lại dấy lên quyết tâm học tập. Tôi xác định, đến trường dù việc to, việc nhỏ phải hoàn thành thật tốt. Đây là dịp làm học viên thì đúng rồi, nhưng chúng tôi lại được sống cuộc sống của người chiến sĩ thực thụ nên ai cũng phấn khởi. Hàng đêm chúng tôi thay nhau canh gác trận địa, doanh trại, sáng đi lấy bánh mì, rồi thường vào ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật thì đi lấy rau nuôi lợn. Việc lấy rau lợn tưởng như là việc bình thường nhưng cũng rất vất vả. Khi mùa đông đến, trời rét căm căm chúng tôi vẫn phải xuống sông lấy rau, rồi về băm cho lợn ăn. Tất cả là thi đua, là chỉ tiêu nên chúng tôi đều đạt và vượt theo quy định nhà trường.

        Lớp chúng tôi theo mục tiêu đào tạo, không phải do tuổi cao, già nua mà gọi là lớp 53. Nếu so các lớp khác thì tuổi chúng tôi cũng hơn một chút, như lớp kỹ thuật đầu ngành - lớp 51, lớp đào tạo bổ túc cán bộ đại đội -  lớp 52. Ba lớp này đều thuộc Tiểu đoàn 5 - Tiểu đoàn tên lửa của nhà trường. Trong đó còn có lớp đào tạo cán bộ sơ cấp, thế mà chúng tôi vẫn quyết tâm thi đua cùng họ từ học tập, tăng gia, thể dục thể thao, vệ sinh, an toàn đơn vị... Hàng tuần, tháng, năm lớp chúng tôi đều được nhà trường biểu dương, khen ngợi.

        Tôi nhớ vào đêm 20 rạng ngày 21 tháng 11 năm 1971, đến phiên tôi gác khu vực doanh trại, nghe thấy tiếng máy bay, nhìn phía xa Hà Nội có tên lửa bắn lên. Chúng tôi được nhà trường báo động, đơn vị về vị trí chiến đấu. Nói là chiến đấu cho vui chứ chúng tôi làm gì có vũ khí, khí tài mà chiến đấu. Cả dơn vị chỉ có 2 khẩu súng CKC, không có đạn; tất cả hầu như đều tay không về vị trí chiến đấu mà thôi. Sau đó ít phút, hướng số 4 có một số trực thăng bay vào độ cao khoảng từ 200m đến 300m gần như sát các ngọn tre bay về hướng số 2, nhưng chẳng thấy ai bắn cả. Lúc đầu chúng tôi nghĩ là máy bay của ta tập, một số đêm trước cũng tập như vậy. Sau mới biết là trực thăng của Mỹ đi cứu giặc lái. Mọi việc gần như an bài, chúng tôi được nhà trường cho một xe ô tô đưa một số đồng chí đến vị trí trại giam phi công Mỹ, ở đó có một máy bay trực thăng của Mỹ đổ bộ xuống nhưng không bay lên được. Đó là trại giam phi công Mỹ bị bắn rơi máy bay trong các cuộc không kích đánh phá miền Bắc, ở gần chùa Và, thị xã Sơn Tây. Chiếc trực thăng này đỗ đúng cửa trại giam, mục đích để cứu số giặc lái bị giam ở đây. Nhưng khi đáp xuống, cánh quạt máy bay đã va vào cành cây bàng, nên bị gẫy, bọn biệt kích Mỹ phải bỏ lại và chúng dùng một lượng lớn thuốc nổ để phá hủy. Thật không may cho chúng, số giặc lái ta đã chuyển đi từ những ngày trước đó. Vậy là cuộc tập kích bất ngờ đổ bộ đường không, cứu giặc lái của biệt kích Mỹ đã thất bại. Được biết để thực hiện cuộc đổ bộ đường không này, không quân Mỹ đã chuẩn bị rất công phu, chúng đắp sa bàn luyện tập theo phương án tập kích đổ bộ bất ngờ.

        Nói đến chuyện cứu giặc lái vào cái đêm đó còn nhiều chuyện phải bàn lắm. Song, qua đó tôi thấy sự mất cảnh giác của ta đã để cho địch đưa cả trực thăng đi từ sân bay ở Thái Lan bay qua Lào, qua dãy Trường Sơn vào Sơn Tây, chỉ cách Hà Nội 40km để cứu giặc lái. Còn về phía ta, pháo cao xạ không bắn được viên nào, dân quân địa phương thì nghe nói cách đó mấy ngày đã có lệnh cho thu súng đạn nên cũng chẳng có gì để mà chiến đấu. Những việc này sao lại trùng hợp nhau vậy. Tôi cứ phân vân nghĩ mãi có đúng thế không? Có phải như vậy không? Và tôi không giải đáp được. Thật ân hận quá, chiến sĩ canh trời sao mà như thế! Đồng đội tôi và tôi luôn tự trách mình sao lại để như vậy. Tôi còn tiếc, có chiếc đồng hồ là kỷ vật mua từ Liên Xô hôm đó trong lúc cơ động về vị trí sẵn sàng chiến đấu đã rơi đâu mất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 08:53:55 pm »

        
Chương 4

THAM GIA CHIẾN ĐẤU ĐÁNH THẮNGCHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ HAI CỦA KHÔNG QUÂN MỸ (1972)

        Cuối năm 1971, học xong "Lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ trung đoàn" tôi tiếp tục được điều về Tiểu đoàn 93. Trước khi đi học, tôi đeo quân hàm cấp Trung úy, giữ chức vụ Tiểu đoàn phó; đến nay kết thúc khóa học trở về đơn vị vẫn giữ nguyên quân hàm và chức vụ Tiểu đoàn phó. Vì việc đi học của tôi là để nâng cao trình độ nhận thức, nắm chắc lý luận về công tác chính trị, công tác quân sự, công tác kỹ thuật để chiến đấu tốt hơn, chứ không phải để được thăng cấp, thăng chức. Có thể khẳng định rằng, trong suốt cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, không đồng chí nào trong chúng tôi có ý kiến gì về chức vụ và quân hàm, mặc dầu Nhà nước và Quân đội cũng có những quy định về cấp bậc cho từng chức vụ. Những năm tháng chiến tranh, tôi chỉ có suy nghĩ mình là người đảng viên, là một sĩ quan Quân đội, vinh dự và tự hào lắm. Phục vụ trong Quân đội, tôi chỉ biết chấp hành mệnh lệnh và thực hiện nhiệm vụ theo cương vị được  giao, tuyệt đối chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện "quân lệnh như sơn" không có ý kiến gì khác, luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

        Thòi gian này, Tiểu đoàn 93 đang làm nhiệm vụ bảo vệ đường 1 bắc, đóng tại trận địa Chùa Đổ. Có lẽ nó là một ngôi chùa bị đổ đã từ lâu, còn lại ít gạch ngói nên lấy đó làm tên gọi cho trận địa nằm ở xã cuối của huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Sau đó, đơn vị tôi nhận được lệnh cơ động về trận địa Dỏ. Cũng như tất cả các đơn vị tên lửa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc, nhiệm vụ của Tiểu đoàn 93 thời gian này chủ yếu đánh máy bay không người lái, bay thấp; nhưng đơn vị chưa có lần nào bắn được máy bay không người lái bay thấp, vì máy bay đều hoạt động ngoài vùng hỏa lực của đơn vị.

        Sau Tết Nhâm Tý (1972), tình hình trên chiến trường miền Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Cuối tháng 3 năm 1972, ta bắt đầu mở các chiến dịch lớn ở Trị Thiên - Huế, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Mỹ - ngụy bị quân ta đánh cho thất bại nặng nề trên các chiến trường. Để cứu vãn tình thế chúng tiến hành ném hom trở lại miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân Mỹ đối với miền Bắc, diễn ra bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 năm 1972. Lần này chúng không leo từng nấc thang về không gian, phạm vi đánh phá như trước đây mà nhanh chóng, ồ ạt đánh thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng. Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở Chiến dịch "Lainơbếchcơ I"1 vừa tập kích đường không, vừa phong tỏa thủy lôi đường biển nhằm mục đích: bao vây, cô lập miền Bắc, ngăn chặn sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa vào miền Bắc; ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam; phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng làm cho miền Bắc suy yếu, không đủ sức chi viện cho chiến trường miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đồng thời củng cố tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn; gây sức ép cho ta trên bàn đàm phán ở Pari, buộc ta phải chấp nhận kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho Mỹ.

        Ngày 15 tháng 4 năm 1972, tình hình địch ngày càng khẩn trương. Suốt từ đầu tháng 4 đến nay, ta chiến thắng lớn ở khắp các chiến trường, do vậy kẻ địch đã ngoan cố và liều lĩnh đánh phá lại miền Bắc. Mấy ngày đầu tháng 4 chúng tập trung đánh phá khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Cuộc chiến đấu của chúng ta đang ở vào giai đoạn vô cùng quyết liệt và cũng đang giành được những thắng lợi vô cùng to lớn trên chiến trường.

-------------------------
       1. Tạm dịch là chiến dịch cứu trợ, hay còn gọi là "cứu bóng trước khung thành".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 08:55:10 pm »


        Đế quốc Mỹ đã sử dụng cả máy bay chiến lược B-52 đánh phá Hải Phòng vào đêm 15 rạng ngày 16 tháng 4 năm 1972. Ngày 16 tháng 4, chúng đã sử dụng hơn 60 lần chiếc máy bay chiến thuật ở độ cao 7-8 km gây nhiễu trong đội hình đột nhập vùng trời phía tây Hà Nội. Bộ đội Rađa báo có B-52; các đơn vị tên lửa ở Hà Nội, Hải Phòng phóng hàng chục quả đạn không diệt dược mục tiêu. Cảng Thượng Lý, Hải Phòng và kho xăng Đức Giang, Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá thiệt hại nặng. Những ngày đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, không quân Mỹ leo thang nhanh, còn tên lửa của ta thì bắn không trúng. Nhiều đơn vị phóng tên lửa lên, đạn cứ xuyên qua các tốp máy bay và lao thẳng đến điểm tự hủy. Tâm trạng đánh không thắng đã làm cho cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị có những suy nghĩ khác nhau. Đây đó có ý kiến cho rằng, đánh không thắng nguyên nhân không phải do nhiễu của máy bay địch có gì mới mà là "nhiễu tư tưởng", do chủ quan, xả hơi, nghỉ ngơi sau hơn ba năm không quân Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc. Đã có nhiều buổi sinh hoạt tư lương trong đơn vị theo chỉ thị của trên, để tìm nguyên nhân vì sao đánh không thắng. Gắn bó với nhau nhiều năm, đặc biệt trong các trận chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ, tôi rất tin vào bản lĩnh chiến đấu và ý chí quyết tâm của anh em trong đơn vị, tôi có một suy nghĩ theo hướng khác: Có thể đi tìm điều bí ẩn ở thủ đoạn tác chiến điện tử của không quân Mỹ, xem chúng có gì mới nhằm ngăn chặn các đòn đánh trả của Bộ đội Tên lửa. Câu trả lời về nguyên nhân cụ thể chưa rõ, nhưng riêng tôi khẳng định rằng, lần này không quân của đế quốc Mỹ chắc chắn có những thay đổi về kỹ thuật tác chiến điện tử và chiến thuật tổ chức đội hình tập kích đánh phá, nhằm phát huy tối đa khả năng chế áp điện tử, sử dụng tên lửa chống rađa (không đối đất) loại Shrike AGM-45 và Standard AGM-78, gây khó khăn cho ta rất nhiều. Sau nhiều đêm suy nghĩ về quá trình đối đầu với tác chiến điện tử của không quân Mỹ, tôi càng thấy rõ hơn. Ngay từ những ngày đầu sử dụng không quân đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã coi phương thức tác chiến điện tử là biện pháp hàng đầu để hạn chế tổn thất vê máy bay bị các lực lượng phòng không của ta bắn rơi. Trên tuyến vận tải chiến lược của ta chi viện cho miền Nam, quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi các phương tiện trinh sát điện tử, lập hàng rào điện tử Mác Namara nhằm phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập của ta vào chiến trường phía Nam. Mỹ đưa tác chiến điện tử lên hàng những biện pháp tác chiến chiến lược trong chiến tranh phá hoại miền Bắc. Khi phải đối phó với hoạt động đánh trả của các lực lượng phòng không miền Bắc nước ta, không quân Mỹ đã coi đây là chiến trường trọng điểm để thử thách và phát triển các phương tiện tác chiến điện tử của quân đội Mỹ, từng nấc thang áp dụng kỹ thuật tác chiến điện tử ngày càng nguy hiểm hơn. Nhất định lần này chúng phải có điểm gì mới trong kỹ thuật gây nhiễu chế áp điện tử đài điều khiển tên lửa, hoặc thay đổi đội hình nghi binh tập kích đánh phá.

        Tôi nhớ lại trong thời gian học tập ở trường vừa qua, được các đồng chí giảng viên giới thiệu, phân tích về thủ đoạn tác chiến điện tử của không quân Mỹ mới thấy rõ, thời kỳ đầu năm 1965, không quân Mỹ gây nhiễu cường độ còn nhẹ, đơn giản. Đối tượng bị gây nhiễu chủ yếu là các đài rađa cảnh giới, rađa cung cấp phần tử bắn của pháo cao xạ. Nhiễu được phát ra từ xa, trên các máy bay trinh sát điện tử EB-66, EC-121, EA-3B... hoặc từ các hạm tàu trên biển để yểm hộ từ xa ngoài đội hình máy hay tập kích đánh phá. Thông thường nhiễu phát ra ở độ cao từ 4 đến 6km, che lấp đội hình máy bay cường kích, tiêm kích bom bay ở độ cao trên nền nhiễu vào đánh phá mục tiêu. Đồng thời, các máy bay này còn thả những đám mây nhiễu tiêu cực bằng giấy tráng kim loại để tự bảo vệ.

        Nửa cuối năm 1965, khi tên lửa phòng không của ta xuất hiện, liên tục bắn tiêu diệt máy bay địch ở độ cao trên nền nhiễu, buộc máy bay Mỹ phải bay thấp và tăng cường phát nhiễu, các máy bay gây nhiễu ngoài đội hình hay vào gần hơn, tạo ra cường độ nhiễu nặng hơn để chế áp các đài điều khiển tên lửa. Song, máy bay Mỹ bay thấp vào đánh phá mục tiêu lại bị các lực lượng phòng không tầm thấp, chủ yếu là các loại súng, pháo phòng không trong thế trận chiến tranh nhân dân đánh trả quyết liệt, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ các loại. Trước những thất bại nặng nề, khoảng từ cuối năm 1966 đến giữa năm 1967, không quân Mỹ thay đổi chiến thuật, bay cao trở lại và thực hiện thủ đoạn gây nhiễu trong đội hình, bằng cách trang bị máy phát nhiễu trên các máy bay cường kích và tiêm kích bom. Lúc đầu, một tốp máy bay (thường là 4 chiếc) vào đánh phá, có một hoặc hai máy bay mang máy phát nhiễu, nhưng vẫn bị tên lửa đánh tiêu diệt bằng phương pháp điều khiển 3 điểm và chế độ ngòi nổ trực tiếp khi không xác định rõ cự ly máy bay. Bị thất bại, không quân Mỹ tăng cường gây nhiễu trong đội hình, thậm chí mỗi máy bay mang tới hai máy phát nhiễu để tăng cường độ nhiễu nên rất nặng hòng chế áp hoàn toàn đài điều khiển tên lửa của ta. Cuộc "đấu trí" giữa Bộ đội Tên lửa với các thủ đoạn tác chiến điện tử của không quân Mỹ được nâng lên ở cấp độ cao hơn. Các đơn vị tên lửa vẫn tìm ra cách bắn rơi máy bay Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 09:15:37 pm »

       

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Quân chủng khi đoàn vào báo công với Bác Hồ, ngày 3-2-1999


Đón Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm và làm việc với Quân chủng, năm 2000


Chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhân dịp dự Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VI, năm 1996


Đón Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm và làm việc với Quân chủng, tháng 11-1999
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2020, 09:18:35 pm »

       

Đón nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Quân chủng, tháng 8-1999


Đón Đại tướng Đoàn Khuê - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc với Quân chủng, tháng 10-1996


Cùng đoàn Cựu chiến binh Sư đoàn 361 đến thăm và chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2005


Thượng tướng Phạm Văn Trà - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng cơ quan Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không, Quân chủng Không quân dự Hội nghị triển khai thực hiện hợp nhất Quân chủng Phồng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân, ngày 15-6-1999
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM