Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:40:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sức mạnh làm nên chiến thắng  (Đọc 9817 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2020, 09:46:15 am »


        Anh nuôi tôi tên là Nguyễn Văn Tiến, được bố mẹ tôi nuôi, đến khi anh xây dựng gia đình và đi bộ đội địa phương thì mới ra ở riêng. Tôi nhớ năm 1953, địch bắt được anh, chúng đưa về giữa sân đình làng tra tấn, lúc đó anh vẫn mặc bộ quần áo nâu bình thường. Nghe nói, anh mang theo khẩu súng "mútcơtông" nhưng đã vùi ngoài ruộng, chẳng có chứng cớ gì nhưng chúng vẫn tra tấn anh rất dã man. Chúng đánh để bắt anh khai các cơ sở cách mạng của Việt minh, nhưng anh tôi không khai. Cứ thế chúng đánh đập anh để lung lạc ý chí của nhân dân và gia đình. Nhưng chúng đã nhầm, nhân dân cả thôn Vệ Dương hầu hết đi theo cách mạng, theo Việt minh, đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, đánh đổ bè lũ địa chủ, cường hào, ác bá - tay sai của thực dân Pháp.

        Sau khi tra tấn, đánh đập không lấy được lời khai chúng thả anh ra, anh được chăm sóc ở nhà hơn một tuần sau đó anh tiếp tục về đơn vị. Tháng Tám năm 1953, anh chuyển sang bộ đội chủ lực và được cử đi học lái xe, rồi tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Sau đó, anh cùng đơn vị sang chiến đấu trên chiến trường nước bạn Lào.

        Sau ngày hòa bình năm 1954, anh tiếp tục lái xe cho các đồng chí lãnh đạo vả trực tiếp lái xe cho đồng chí Lê Quang Hòa. Năm 1983, anh nghỉ hưu về sống tại quê cùng vợ, con và các cháu. Những hình ảnh anh bị giặc tra tấn dã man trước mắt tôi và gia đình lúc đó cứ theo tôi mãi trong suốt cuộc đời quân ngũ, nhất là trong những lúc chiến đấu ác liệt phải đối mặt với máy bay, tên lửa, bom đạn của kẻ thù xâm lược tàn phá quê hương, giết hại những người dân lương thiện, vô tội, tiếp thêm lòng dũng cảm và chí căm thù để tôi cùng đồng đội chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

        Tôi lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nô dịch, người dân lương thiện bị áp bức, bóc lột nặng nề, đời sông vô cùng khó khăn, thiếu thốn, khổ cực, cơm không đủ ăn, phải chịu đói rét quanh năm ngày tháng.

        Lúc nhỏ, anh em tôi luôn được bố mẹ yêu chiều. Mỗi lần đi chợ về mẹ đều mua quà, khi thì nắm bỏng gạo trộn đường, khi thì quả ổi, quả thị, hay củ sắn, bắp ngô. Mẹ tôi kể, hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, những năm dân ta phải chạy loạn vì giặc càn, mẹ tôi để tôi vào cái thúng đặt vào một đầu quang gánh, còn đầu kia để đồ đạc rồi gánh đi chạy giặc. Có những lần tôi xin mẹ cho tự đi nhưng mẹ vẫn không đồng ý vì sợ tôi bị lạc giữa dòng người đông đúc không biết đâu mà tìm. Nhiều lần tôi đòi theo cậu Tráng (em họ mẹ tôi) là bộ đội địa phương nên lúc nào bên người cậu cũng đeo vài quả lựu đạn mỏ vịt và con dao găm nhưng mẹ tôi cũng sợ cậu sơ suất để tôi nghịch làm nổ lựu đạn hoặc mải việc lại quên để tôi bị lạc nên không cho. Có một lần tôi trốn mẹ đi theo cậu và lúc mỏi chân bắt cậu cõng trên lưng hàng giờ liền. Không thấy tôi đâu mẹ tôi đã nước mắt ngắn nước mắt dài di tìm khắp nơi. Khi thấy cậu cõng tôi trên lưng, mẹ tôi cứ mắng cậu mãi, cậu chỉ cười và nói: chị sợ con chị chết à, đi với cậu thì chết sao được mà khóc ghê thế.

        Sau này khi tôi đã có vợ rồi mà mẹ vẫn chiều và vẫn phần quà bánh cho tôi. Đến khi tôi nhập ngũ trở thành bộ đội Cụ Hồ và có con rồi mẹ vẫn gọi tôi một cách âu yếm. Khi tôi đi bộ đội rồi chỉ thăm mẹ qua những lá thư gửi về từ trận địa và những lần nghỉ phép ngắn ngủi.

        Vợ tôi kể, giai đoạn đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chúng tôi không được nghỉ phép vì Bộ đội Phòng không phải luôn thay phiên nhau trực sẵn sàng chiến đấu mẹ cứ mong ngóng tôi về từng ngày. Mãi đến hết chiến dịch phòng không chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai (năm 1972) tôi mới được đi tranh thủ nên viết thư báo trước về nhà. Khi biết tin tôi sắp được nghỉ, trong vườn có quả mít chín mẹ tôi không cho hái mà bắt để dành chờ tôi về.

        Có thời kì khó khăn cả nhà luôn phải thái rau má, rau muống mang phơi khô để nấu độn cùng cơm ăn cho no và có độn như thế mới đủ gạo ăn cho cả nhà quanh năm. Nhưng khi tôi về nghỉ phép mẹ tôi bảo vợ tôi nấu cơm trắng chứ không độn rau như mọi ngày. Tôi thưa với mẹ là ở bộ đội cũng phải ăn độn cơm với hạt mỳ và bo bo và bảo vợ cứ nấu cơm độn rau nhưng mẹ tôi nhất định không chịu. Mẹ nói: cả năm, có khi mấy năm con mới được về nghỉ phép với gia đình, bắt con ăn cơm độn rau sao được! Nghe mẹ nói như vậy tôi rất xúc động và cảm ơn mẹ đã lo lắng và thương yêu tôi như ngày nào dù tôi đã lớn, đã trưởng thành rồi.

        Bố mẹ tôi đã chắt chiu, chịu đựng sự vất vả cả đời mình để cho con cháu được học hành, tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình, làm rạng danh dòng họ, quê hương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:35:39 am »


        Sống trong vùng tề bị địch o ép (vùng tề quê tôi khác các vùng tề khác là thực dân Pháp không kiểm soát được hoàn toàn), nên không có trường để chúng tôi đi học. Đến tuổi đi học, mẹ tôi đã lặn lội lên tận thị trấn Yên Mỹ, cách nhà tôi trên 10 km để hỏi chỗ trọ để tôi được đến trường học văn hóa. Yên Mỹ cũng là một vùng địch tạm chiếm (còn gọi là vùng tề) nên thực dân Pháp cho mở trường dạy Pháp ngữ và quốc ngữ. Sau nhiều ngày vất vả tìm kiếm cuối cùng mẹ tôi cũng hỏi nhờ được nhà ông Long ở thôn Trai Trang thuộc thị trấn Yên Mỹ cho tôi trọ học. Hàng tháng mẹ tôi tính ngày lương ăn để định kỳ mang lên tiếp tế cho tôi; đôi khi mẹ còn may và mang lên cho tôi những bộ quần áo mới để tôi yên tâm học hành, không phải lo lắng về cái ăn, cái mặc, chỉ tập trung học hành cho bằng bạn bằng bè.

        Khi tôi bắt đầu học sang lớp nhất thì trường phải đóng cửa vì thầy giáo bị thực dân Pháp bắt nên tôi phải về quê. Thấy tôi không được đi học tiếp bố mẹ tôi cũng sốt ruột nhưng hoàn cảnh chiến tranh, loạn lạc lúc bấy giờ không có nơi nào gần quê tôi mở trường lớp đế dạy học. Hơn 1 năm sau mẹ tôi lại lặn lội lên tận thôn Đá thuộc xã Quang Vinh, cách nhà tôi khoảng 3 km để gặp thầy giáo Kính xin cho tôi học ở nhà thầy. Năm 1952, tôi đã tốt nghiệp lớp nhất, tương đương lớp 4 hệ phổ thông 10 năm.

        Phải đi học ở những trường xa như vậy tôi mới thấy thương bố mẹ rất nhiều. Bố mẹ tôi vất vả làm lụng, một nắng hai sương mà nhà vẫn thiếu đói, ngoài hai mùa vụ mẹ tôi còn phải đi làm hàng xáo (mua thóc (còn gọi là ăn đong) ở nơi giá thấp bán ở nơi giá cao) đế kiếm thêm tiền nuôi cả nhà; có khi bố mẹ tôi phải mang về tự xay, giã thành gạo để đem bán, lãi thêm phần trấu, cám. Mỗi chuyến đi như vậy, bố mẹ tôi phải vất vả mất 2-3 ngày mới kiếm thêm được mấy đồng để thêm vào nuôi sống cả nhà và cho tôi ăn học.

        Được đi học là tất cả tâm nguyện của bố mẹ tôi, sau này được tìm hiểu về họ hàng, tổ tiên, tôi càng thấy kiêu hãnh, tự hào về gia đình, dòng họ và nguyện cố gắng phấn đấu để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ.

        Tôi là con trưởng, nhưng vì nhiệm vụ nên luôn phải đi xa, không được ở gần để giúp đỡ, phụng dưỡng bố mẹ. Cuộc đời bố mẹ tôi lam lũ từ nhỏ, chỉ được mấy năm cuối đời khi tôi được nghỉ công tác mới có điều kiện để chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Tuy nhiên, lúc này tuổi bố mẹ tôi đã gần 90, tôi cũng chẳng phụng dưỡng báo hiếu được bao nhiêu.

        Làng quê tôi những năm kháng chiến chống Pháp rất nghèo, buổi tôi chỉ có đèn dầu. Chúng tôi chỉ mong những đêm trăng sáng để bạn bè rủ nhau đi chơi dưới trăng. Những đêm mùa hè như thế, bọn trẻ chúng tôi thường tụ tập ở một nhà đứa bạn có sân rộng để chơi trò "trốn tìm". Những trò chơi này rất phổ biến với trẻ con ở quê tôi lúc bấy giờ, nó đem lại sức khỏe, trí tuệ cho những đứa trẻ ở nông thôn nghèo. Ngoài việc vui chơi đêm hè, hằng năm chúng tôi chỉ mong đến ngày Tết Trung thu để được các anh, các chị thanh niên tổ chức liên hoan văn nghệ. Những năm tháng vô tư, hồn nhiên của tuổi thơ cứ trôi qua như vậy với biết bao kỷ niệm buồn, vui.

        Trong những ngày hè, ngoài việc vui chơi tôi vẫn phải thường xuyên giúp bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ, làm các công việc trong gia đình như bao đứa trẻ khác. Đến năm 1951, 1952 tôi được các anh chị phụ trách Đội thiếu niên - nhi đồng của xã và thôn đưa vào đội hát. Hàng đêm, vào những ngày hội, chúng tôi lần lượt đến các thôn Tam Đô, Bổ, Mụa, An Đạm, xã Hoàng Hoa Thám để biểu diễn và diễn thuyết những nội dung do các anh chị phụ trách chuẩn bị từ trước; nhiều lần tôi được tập diễn thuyết trước các anh bộ đội của huyện. Người tôi bé và thấp nên phải bắc ghế đẩu để đứng lên diễn thuyết. Tuy đã tập nhiều lần, nhưng khi nói tôi vẫn run nên chưa được trôi chảy, người em họ của tôi tên là Nguyễn Đức Triệu - bộ đội huyện Ân Thi phải đứng sau để nhắc. Sau này tôi mới biết, chính những việc làm của chúng tôi là làm công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng đến với nhân dân.

        Năm 1953, ở vùng châu thổ sông Hồng quê tôi địch ráo riết xây dựng đồn bốt, chà xát các thôn làng để tách Việt minh với nhân dân. Thôn Vệ Dương quê tôi, nằm giáp ranh giữa vùng tự do Hải Dương và vùng địch chiếm đóng gọi là "tề" nên thường xuyên có cán bộ Việt minh về làng để lãnh đạo kháng chiến, việc canh gác phải rất chặt chẽ. Bốt địch đóng cách làng tôi khoảng 2km (gọi là bốt Mới) để khống chế dọc đường quốc lộ 38, án ngữ vùng tự do bên kia Hải Dương cùng với các bốt lớn ở Đọ, Đơm (Bình Trì) lập thành tuyến đầu án ngữ không cho Việt minh đánh trực tiếp các bốt lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:36:10 am »

       
        Hàng ngày, chúng hay tổ chức đi tuần vào các thôn, làng gần đó để lùng sục, bắt bớ nhân dân đi làm phu. Thôn tôi sống trong cảnh o ép, ngày nào cũng vậy cứ 5 đến 10 người, có khi đông hơn bị bắt lên bốt để làm phu (đào đắp công sự, dọn dẹp vệ sinh)... Khác với các làng trong xã, làng tôi là làng "tề" nhưng trong làng lúc nào cũng có cán bộ Việt minh, khi địch đến thì cán bộ xuống hầm bí mật. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, bố mẹ tôi đào hầm trong nhà nuôi giấu cán bộ, chăm sóc thương binh và hoạt động cách mạng. Thời đó ở làng tôi cứ thấy Tây, thấy lính dõng từ xa chuẩn bị càn vào thôn là đánh kẻng và hô to "Việt minh"... Đây chính là những tiếng loan báo để đánh động cho cán bộ Việt minh họp ở đâu đó trong làng biết kịp tìm chỗ ẩn nấp, đảm bảo an toàn. Cũng có lúc bị chúng đánh úp, địch đến đầu làng rồi mới biết để thông báo nên nhiều cán bộ đã không kịp xuống hầm phải nhảy xuống ao bèo ẩn nấp. Những lúc như vậy tôi cũng phải vào hầm bí mật ẩn nấp nhiều lần.

        Chứng kiến nhiều tội ác của giặc Pháp và hàng ngày được tham gia hoạt động cùng các anh chị phụ trách, trong tôi luôn nung nấu suy nghĩ: mình phải làm gì để giúp đỡ cách mạng? Và từ đó, cứ mỗi lúc một việc, tôi đã đi theo các anh Việt minh từ lúc nào không biết. Nhiều lần tôi được các anh tin tưởng, giao nhiệm vụ bằng truyền đạt miệng, chuyển thông tin, tài liệu cho các đồng chí trong xã và các xã bạn lân cận.

        Tôi nhớ, có lần mang tài liệu đến thôn Ngọc Đồng giao cho anh tên là Kiên. Khi xong, ra khỏi làng thì có hai máy bay Hencát bay đến ném bom, bắn phá. Lúc đó người dân đi đường đông lắm, tất cả cùng nhảy xuống con sông chỉ rộng chừng bảy, tám mét toàn bèo và rau muống. Lúc máy bay sà xuống, mọi người cứ lấy bèo phủ kín để nó không nhìn thấy; trông mọi người lúc đó thật buồn cười và ngộ nghĩnh. Thòi kỳ sau hòa bình, năm 1954, khi xây dựng hệ thông sông Bắc - Hưng - Hải (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương), con sông đó được khai rộng ra và gọi là sông Điện Biên.

        Thấy tôi đi theo các anh chị phụ trách hoạt động như vậy bố mẹ tôi không yên tâm vì vẫn muốn tôi tiếp tục học để lập thân, lập nghiệp nên khuyên nhủ tôi nên tập trung để học hành. Năm 1952, tôi học hết lớp nhất và đi tham gia cách mạng một thời gian, sau lại về học tiếp tại Trường cấp II Ân Thi. Lúc đó cả huyện An Thi có một trường cấp II. Tuổi học sinh thời đó không như bây giờ, tôi còn nhớ khi đó tôi đã lớn mà vẫn học với các em còn bé, quàng khăn đỏ. Có lẽ, lúc đó tôi nhiều hơn bạn bè cùng lớp đến bốn, năm tuổi gì đó. Khi học cấp II, hàng năm tôi đều được bầu làm lớp trưởng và học lực luôn xếp thứ nhất lớp nên được các thầy, cô giáo quý mến, bạn bè trong lớp, trường yêu quý. Tôi luôn mơ ước học xong cấp II, sẽ đi học một nghề gì đó để lập nghiệp sau này. Mơ ước của tuổi học trò thật trong sáng và giản dơn. Nhưng khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của thanh niên là thiêng liêng, cao quý nhất, đang được đặt lên hàng đầu. Đáp ứng yêu cầu chi viện chiến trường miền Nam, bạn bè đồng trang lứa với tôi lần lượt nối bước nhau nhập ngũ thì tôi lại mong muốn được nhập ngũ để góp một phần sức nhỏ bé của mình vào cùng quân và dân ta kháng chiến chống Mỹ, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối.

        Năm 1959 là năm tuyển nghĩa vụ đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, tôi cùng bạn bè xung phong tham gia tuyển nghĩa vụ quân sự đợt này. Trong thôn tôi có 5 người đi dự tuyển thì 4 người trúng tuyển, chỉ mình tôi không đạt tiêu chuẩn về sức khỏe. Hội đồng tuyển nghĩa vụ kết luận tôi bị lệch tim, họ nói tim nằm ở bên phải. Khi nghe Hội đồng kết luận như vậy tôi rất buồn, bởi đất nước đang chiến tranh, non sông còn bị chia cắt nên nhập ngũ để làm nghĩa vụ của người thanh niên là vinh dự hàng đầu, là ước nguyện không chỉ của riêng tôi mà là của tất cả lớp thanh niên thời bấy giờ. Bạn bè cùng trang lứa động viên tôi rèn luyện thêm sức khỏe đế lần sau lại tham gia tuyển chắc sẽ trúng tuyển.

        Sau một thòi gian kiên trì rèn luyện, đầu năm 1960, tôi lại xin đi tuyển tiếp và đã trúng tuyến, với kết quả đạt loại Al. Tôi phấn khởi báo tin cho bố mẹ, người thân trong gia đình và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của thanh niên bảo vệ Tổ quốc. Biết tin tôi trúng tuyển nghĩa vụ, bố mẹ tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì tôi được cùng bạn bè thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng là bảo vệ Tổ quốc và lo vì bố mẹ sợ tôi chưa quen chịu đựng gian khổ sẽ không theo kịp được bạn bè, đồng đội. Những ngày chờ nhập ngũ, bố mẹ không chỉ chuẩn bị cho tôi những đồ dùng cần thiết mà còn động viên tinh thần, nhắc nhở tôi cố gắng phấn đấu, rèn luyện cho bằng bạn bằng bè, đừng lo lắng cho bố mẹ ở nhà. Khi nhập ngũ tôi có thêm một nỗi lo ngoài lo lắng cho bố mẹ là lo cho người vợ trẻ và đứa con vợ tôi mới mang bầu được mấy tháng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:36:35 am »


        Vợ chồng tôi cưới nhau vào mùa thu năm 1957, đến nay vẫn được coi là vợ chồng son, biết tôi có nguyện ước muốn thoát ly nên bố mẹ tôi đã cùng ông cậu đi hỏi vợ cho tôi. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ bố mẹ tôi hỏi vợ cho anh Ứng (anh họ tôi) vì anh hơn tôi 3 tuổi. Chả là lúc đó tôi với anh "con chấy cắn đôi" lúc nào cũng có nhau như hình với bóng. Tôi lúc đó đang học cấp II nên không nghĩ gì chuyện vợ con. Khi biết gia đình ép lấy vợ, tôi rất bất ngờ và phản đối kịch liệt. Bố mẹ tôi cứ ép và phân tích mãi làm tôi cũng phải suy nghĩ lại, buộc phải chấp nhận sự sắp xếp của gia đình. Bố mẹ lấy cớ tôi đi bộ đội, ra chiến trường biết thế nào nên muốn có người đỡ đần công việc nhà và nhờ cậy khi tuổi cao.

        Vợ tôi tên Đào Thị Hoa, sinh năm 1940 trong một gia đình bần nông nghèo, lúc nhỏ gia đình khó khăn nên cũng không được học hành gì mà phải ở nhà bế em và phụ giúp bố mẹ việc nhà. Ở quê tôi ngày đó, con gái ít được đến trường, cả xã chỉ có một trường cấp I học nhờ ở đình làng Phúc Tá nên vợ tôi chủ yếu học bình dân học vụ vì không phải đóng tiền. Dù chỉ biết đọc, biết viết nhưng vợ tôi cũng biết lo toan, tính toán việc nhà. Tôi hơn vợ tôi 2 tuổi và biết vợ tôi từ những ngày sinh hoạt trong Đội thiếu niên trước đây. Lúc đó chúng tôi cũng bị bạn bè gán ghép thành đôi chứ đâu được tìm hiểu hay yêu đương gì như thanh niên nam nữ bây giờ. Được hai bên gia đình đồng ý, chúng tôi thành vợ thành chồng, rồi nên tình nên nghĩa. Vợ tôi là người hiền lành, chân chỉ hạt bột nên lúc ban đầu mọi người trong họ hàng còn bảo là "đần". Sống với nhau một thời gian, tôi càng thấy thương và yêu cái "đần" của vợ. Sau này tôi được gia đình kể lại một trong những việc "đần" của vợ tôi là sau khi tôi nhập ngũ, xã gọi vợ tôi đi dân công làm thủy lợi. Lúc này vợ tôi đang mang bầu cháu đầu, nếu báo cáo thì sẽ được miễn nhưng vợ tôi lại giấu vì xấu hổ.

        Biết tôi nhập ngũ vợ tôi rất buồn, nhưng biết đây là mong ước cháy bỏng của tôi,vợ tôi không nói gì mà chỉ lẳng lặng chuẩn bị hành trang cho tôi. Biết vậy nên những ngày còn ở nhà tôi luôn tranh thủ giúp vợ mọi việc trong nhà ngoài họ, động viên vợ an tâm giữ gìn sức khỏe để chăm sóc bố mẹ thay tôi và chuẩn bị tinh thần vượt qua những khó khăn, vất vả trong những ngày vượt cạn và chăm sóc con khi không có tôi bên cạnh.

        Cuộc đời là những chuyến đi. Với tôi, ngày 4 tháng 2 năm 1960 là ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời - ngày tôi khoác lên mình bộ quần áo màu xanh cỏ úa rộng lụng thụng bước lên xe ô tô trong tâm trạng lưu luyến, chia tay gia đình, bạn bè và thầy cô giáo. Gửi lại quê hương, bố mẹ, người thân, bạn bè và cả một thòi thơ ấu đầy ắp kỷ niệm, tôi háo hức lên đường. Đây quả là một chuyến đi lắng đọng, ấn tượng sâu đậm và mãnh liệt nhất.

        Hình ảnh người thân, các bạn bè tiễn chân chúng tôi lên đường nhập ngũ, mừng vui, nhớ nhung khó kể xiết. Khi đã xa quê thì quê hương với tất cả niềm tự hào và tình cảm của người thân, bạn bè là sự níu kéo, là bến đỗ để mỗi khi nhớ nhà tôi hoài niệm, nhớ về.

        Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày xa quê lên đường nhập ngũ, quê hương, cuộc sống biết mấy đổi thay. Nhưng với tôi, Tân Phúc - Ân Thi - nơi chôn nhau cắt rốn, Kim Chân - Quế Võ - nguồn cội tổ tiên, với truyền thông yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm; cần cù lao động,... cộng với truyền thông hiếu học quý báu của gia tộc, dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi... là mảnh đất mỡ màu nuôi dưỡng ý chí, nghị lực và tâm hồn tôi. Truyền thông quê hương, gia đình, dòng tộc, tình cha, nghĩa mẹ, tình cảm vợ chồng, anh em ruột thịt, bạn bè thân thương một thuở luôn là nguồn sức mạnh, là điểm tựa để tôi vững bước trên con đường binh nghiệp của mình.

        Hưng Yên quê hương nhãn lồng mà cha mẹ tôi đã gắn bó, cũng là nơi tôi sinh ra là một vùng quê giàu truyền thông cách mạng, cùng với truyền thống dòng họ hun đúc trong tôi và các anh, chị, em trong gia đình theo tiếng gọi của Đảng, lớp lớp thanh niên lên đường tham gia chiến đấu trong những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để làm gương cho con, cháu sau này noi theo. Hành trang đi theo suốt cuộc đời quân ngũ của tôi sau này là hình ảnh, là tiếng nói của quê hương luôn nhắc nhở tôi vượt lên mọi gian khó làm tròn bổn phận của gia đình, quê hương với Tố quốc, với nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:38:14 am »

         
CHƯƠNG 2

NHỮNG NĂM THÁNG RÈN LUYỆN, THỬ THÁCH BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI LÍNH BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC (1960- 1965)

NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP NGŨ, VINH DỰ ĐƯỢC ĐỨNG VÀO HÀNG NGŨ CỦA ĐẢNG

        Mỗi chúng ta đều có một ngày sinh. Đó là cha mẹ trao cho ta sự sống - ngày chúng ta làm người. Nhưng với thế hệ những người lính suốt một thời trận mạc chúng tôi thường bảo nhau rằng: chúng ta có một ngày sinh thứ hai nữa, đó là ngày nhập ngũ, ngày chúng ta trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Nên ngày sinh thứ hai của tôi là ngày 4 tháng 2 năm 1960.

        Ngày tiễn tôi lên đường nhập ngũ, cả bố mẹ và vợ tôi đều đưa tôi đến tận điểm tập trung quân của toàn huyện. Sau khi làm các thủ tục trao nhận quân, chúng tôi lên xe theo sự sắp xếp của người chỉ huy để về địa điểm đơn vị đóng quân.Rời điểm tập trung xe đưa chúng tôi đến ga Cẩm Giàng để đi tàu hỏa đến ga Gia Lâm, rồi từ ga chúng tôi hành quân bộ về sân bay Gia Lâm. Chúng tôi ở đây chỉ một thời gian ngắn trong vài giờ, có lẽ để làm công tác chuẩn bị, đến gần tối, xe đưa cả đoàn ra ga tàu hỏa ở Gia Lâm. Chúng tôi là những anh em cùng xã, cùng huyện lên tàu theo thứ tự từng tên người, từng tiểu đội. Tàu chạy qua các thị trấn, làng mạc, cảnh vật cứ dần bị đồi núi che khuất tầm nhìn. Lúc này, nỗi nhớ nhà và sự lo lắng bắt đầu hình thành và trào lên lẫn lộn trong tôi. Đi đâu nhỉ? Sao tàu cứ hối hả chạy mãi, chạy mãi?... Tàu chạy suốt một đêm đến sáng thì dừng bánh tại ga, chúng tôi được lệnh xuống tàu. Lúc hỏi ra tôi mới biết đây là ga Vinh của thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Từ ga, chúng tôi tiếp tục hành quân bộ, trên lưng đeo ba lô, xếp thành hàng lối hành quân dưới sự chỉ huy của các tiểu đội trưởng. Chúng tôi đi mải miết khoảng 13-15 km thì đến địa điểm Trung đoàn 290 đóng quân. Gọi là địa điểm đóng quân của đơn vị nhưng thực chất là ở trong nhà dân tại xã Hưng Dũng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vì lúc này Trung đoàn rađa 290 chưa có doanh trại đóng quân cố định.

        Trung đoàn rađa 290 mượn xã bãi cát trông để làm nơi huấn luyện tân binh và gọi là Trung tâm huấn luyện. Việc tổ chức sắp xếp lại biên chế đơn vị một lần nữa đã để lại những suy tư trong mỗi người. Khi rời gia đình lên đường nhập ngũ còn có anh em đồng hương cùng đơn vị, hôm nay chúng tôi phải chia tách ra các tiểu đội, trung đội khác nhau.

        Trong tiểu đội có 12 người thì chỉ có 6 người là của huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên còn 6 người là của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ấn tượng khó quên đối với tôi trong những ngày đầu nhập ngũ là phải làm quen với tiếng nói của những người đồng đội quê Nghệ An và người dân địa phương. Lúc đầu mới tiếp xúc, việc khó nhất đối với chúng tôi là phải thật chú ý lắng nghe mới hiểu được hết ý muốn diễn đạt của mọi người. Tuy lúc đầu có khó khăn, nhưng vừa học tập, vừa làm quen rồi chúng tôi cũng quen dần.

        Trong 4 tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi học chủ yếu là các động tác điều lệnh cơ bản và những bài học chính trị đầu tiên mà người quân nhân phải biết, phải hiểu để chấp hành và thực hiện nhiệm vụ cho đúng. Những ngày đầu luyện tập đội ngũ trên thao trường dã chiến, từ động tác chào, đi đều hết sức mới mẻ, đến giờ giấc ăn cơm, ngủ nghỉ đều theo quy định thống nhất. Những buổi học tập chính trị, nghe chính trị viên đại đội giảng bài tôi đều ghi chép tỉ mỉ; mỗi bài học chính trị đều chứa đựng ý chí, quyết tâm của Đảng, của cả dân tộc, giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho chiến sĩ quân đội, không tiếc xương máu, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tố quốc. Mới qua 4 tháng mà cuốn sổ tay được bạn bè trao tặng trước lúc lên đường nhập ngũ tôi đã ghi chép hết quá nửa là những bài học chính trị, còn lại là những dòng nhật ký ghi lại công việc hàng ngày và những tình cảm nhớ về bố mẹ, vợ và đứa con trai đầu lòng. Sau này có thời gian rảnh để xem lại, tôi mới thấy thật đáng quý và đáng trân trọng, bởi lúc đó học tập chính trị đối với những tân binh như tôi không chỉ là một nhiệm vụ thiêng liêng mà còn là nỗi khát khao của người lính để được hiểu biết đường lối của Đảng, nhận rõ kẻ thù xâm lược.

        Sự bận rộn, cuốn hút của những ngày huấn luyện tân binh giúp chúng tôi quen dần với cuộc sống, nếp sinh hoạt của bộ đội; niềm tự hào được trở thành người chiến sĩ ngày càng tăng lên lấp dần đi nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, vợ con. Mỗi buổi tối sau giờ sinh hoạt, ôn tập các bài học chính trị, bên ngọn đèn dầu tôi lại tranh thủ viết thư về thăm nhà. Tập giấy pơluya mỏng cứ vơi dần theo thời gian. Những bức thư viết gửi về nhà tôi luôn kể về cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe và sự trưởng thành của mình, động viên vợ ở nhà thay tôi nuôi con, chăm sóc bố mẹ. Vợ chồng tôi lấy nhau đã được mấy năm, tình yêu và hương vị ngọt ngào của cuộc sống vợ chồng đang đơm hoa kết trái hạnh phúc thì tôi vào bộ đội. Tôi phải xa nhà lúc vợ tôi mới 20 tuổi. Những lá thư vợ tôi viết trả lời rất mộc mạc, cùng với lời động viên tôi yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đằng sau đó chứa đựng tình cảm nhớ nhung da diết, không thể hiện hết được bằng lời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:39:45 am »

   
        Sau khi học xong khóa huấn luyện tân binh, chúng tôi chưa biết sẽ được phân đi đâu, về đâu và làm gì? Nhưng tôi nghĩ đã là người lính thì dù có đi đâu và cấp trên phân công làm nhiệm vụ gì thì cũng vui vẻ chấp hành dù những điều ấy lúc này vẫn là điều bí mật. Trong tiểu đội có cậu ra vẻ ta biết, nói với tôi rằng: "Mày  sướng nhé, được đi học T2  rồi1". Lúc đầu tôi cũng chẳng hiểu đi học T2 là học gì mà chỉ thấy những người có trình độ văn hóa hơn một chút được biên chế vào một lớp thì được mọi người cho là sướng, thế thôi. Sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh, chúng tôi tiếp tục học chuyên binh chủng, biên chế tổ chức đơn vị lại bị xáo trộn thêm một lần nữa. Tôi được biên chế về lớp học T2, lúc bấy giờ tôi mới rõ lớp T2 là lớp "trắc thủ" rađa. Đây là giai đoạn huấn luyện chuyên môn, chuyên sâu của Bộ đội Rađa nhằm đào tạo những chiến sĩ là trắc thủ rađa biết khai thác, sử dụng các đài rađa làm nhiệm vụ cảnh giới, trinh sát, thu thập tình báo trên không quản lý vùng trời.

        Ở đại đội rađa, vinh dự nhất và là thành phần quan trọng nhất trong chiến đấu, đó là kíp trắc thủ. Tôi được chọn đi học trắc thủ là một điều rất vinh dự, tự hào nhưng tôi cũng tự lường trước những khó khăn, thử thách, vì đây là một nhiệm vụ đòi hỏi người học phải có ý chí quyết tâm rất cao mới hoàn thành nhiệm vụ học tập và bảo đảm thao tác chiến đấu giành thắng lợi. Bởi lẽ, khí tài rađa là những vũ khí, trang bị hiện đại, được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo theo nguyên lý làm việc của các đèn điện tử, các mạch điện tử hiện đại, phức tạp, là trang bị kỹ thuật ở trình độ công nghệ cao tại thời điểm lúc đó. Học trắc thủ rađa phải có kiến thức về cơ sở vô tuyến điện để nắm vững sơ đồ chức năng, hiểu được nguyên lý làm việc của máy vô tuyến thu, phát  liên đài; biết thao tác, hiệu chỉnh màn hiện sóng, phát hiện mục tiêu, thông báo tình báo kịp thời; biết thao tác nhạn dạng sóng phản xạ địa vật, thao tác chống các thủ đoạn tác chiến điện tử của địch, gây nhiễu chế áp cánh sóng của đài rađa...

        Xác định đây là một thử thách quyết liệt, những ngay đầu tôi và các đồng chí trắc thủ khác phải cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn trong học tập lý thuyết và an đó là khó khăn khi thao tác thực hành trên đài. Thực tế đã có những trường hợp chiến sĩ được tuyển chọn học trắc thủ không hoàn thành nhiệm vụ, không theo học được. Nhiều đêm, tôi và các đồng chí trong lớp trắc thủ phải thắp đèn dầu học thêm ngoài giờ. Tôi suy nghĩ, mình vinh dự được tuyển chọn vào binh chủng kỹ thuật hiện đại nhất của Quân đội ta lúc bấy giờ, nếu không cố gắng phấn đấu trở thành một trắc thủ giỏi sẽ không xứng đáng với truyền thống gia đình, truyền thống dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi và nếu mình có quyết tâm cao sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.

        Sau 3 tháng học tập, tôi được công nhận là trắc thủ số 1, đạt loại giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành và được biên chế về Đại đội 12 thuộc Trung đoàn rađa 290, cùng đơn vị hành quân ra sân bay Gia Lâm nhận rađa rồi hành quân về thị trấn Ba Đồn thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để triển khai chiến đấu.

        Trong điều kiện đất nước vẫn đang có chiến tranh, kể từ sau Hiệp định Giơnevơ (1954), nước ta bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đế quốc Mỹ lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tàn sát đẫm máu các cơ sở cách mạng của ta. Trong thời gian huấn luyện trắc thủ, chúng tôi tiếp tục được học tập nâng cao trình độ, kiến thức chính trị, được quán triệt những chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thời gian này, đế quốc Mỹ tăng cường máy bay trinh sát ra miền Bắc, thả biệt kích nhằm cài cắm phá hoại các cơ sở kinh tế, quốc phòng, phát hiện đánh chặn các lực lượng của ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Do đó, nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Rađa đặt ra hết sức nặng nề, phải cảnh giới, trinh sát, phát hiện mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động của không quân, hải quân Mỹ xâm phạm vùng trời, vùng biển của Tố quốc; kiên quyết không để các thông tin tình báo trên không, trên biển sai, sót, lọt, chậm, không đê miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị bất ngờ trước âm mưu, thủ đoạn tập kích đường không của Mỹ.

        Kể từ ngày 1 tháng 3 năm 1959, đơn vị rađa đầu tiên của ta phát sóng làm nhiệm vụ chiến đấu quản lý vùng trời, phát hiện chính xác mục tiêu địch, đến thời điểm đơn vị tôi triển khai chiến đấu các đơn vị rađa của ta không ngừng phát sóng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ đội Rađa trở thành một lực lượng đặc biệt quan trọng của Bộ Tư lệnh Phòng không trong nhiệm vụ chiến đấu, quản lý và bảo vệ vùng trời miền Bắc.

-------------------------
       1. T2 là viết tắt của hai từ "trắc thủ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:43:36 am »

 
        Với vị trí quan trọng của Bộ đội Rađa, đặt lên vai chiến sĩ rađa trách nhiệm rất nặng nề. Đơn vị tôi nhận một bộ rađa P8 có 2 xe (1 xe anten và 1 xe đài) và 2 máy nổ làm nhiệm vụ chiến đấu: cảnh giới, trinh sát phát hiện địch xâm phạm trên không và trên biển. Được học lập chính trị, thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng kiên quyết đấu tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, là chiến sĩ rađa tôi luôn ý thức phải làm tốt nhiệm vụ của người trắc thủ, nên khi triển khai trực ban chiến đấu một thời gian ngắn, tôi đã nhanh chóng nắm được tính năng kỹ thuật, chiến thuật của khí tài hiện đại, loại rađa P8.

        Trong trực ban chiến đấu, tôi luôn nhanh nhạy xử trí các tình huống, thuộc sóng về cố định (sóng phản xạ của địa vật). Do đó, khi mục tiêu xuất hiện là nhanh chóng phát hiện được ngay. Đường bay dọc biên giới Thái Lan, Campuchia khi mục tiêu máy bay địch xuất hiện tôi thường phát hiện rất sớm, thông báo chính xác các tín hiệu tình báo thu được về hoạt động của không quân Mỹ.

        Đóng quân trên đất Quảng Bình, tôi vinh dự được phân công dạy bình dân học vụ cho bà con địa phương. Trong các buổi tối (trừ tối thứ ba phải sinh hoạt ở đơn vị), tôi bố trí thời gian rảnh rỗi để lên lớp hướng dẫn cho bà con học tập. Lúc đầu, tôi rất lúng túng, vì khi các học viên hỏi tôi không nghe được, nhất là một số từ địa phương, sau cũng quen dần. Nhưng thật trớ trêu, khi vừa quen thì tôi được cấp trên cho đi học đào tạo tiểu đội trưởng nên phải chia tay với lớp học.

        Làm mọi công tác chuẩn bị xong, tôi chia tay bạn bè, anh em trong đơn vị và bà con trong thôn xóm nơi đơn vị đóng quân với tâm trạng bịn rịn, nhớ nhung. Dù thời gian gắn bó chưa lâu nhưng tình đồng đội, tình cảm quân dân gắn bó thắm thiết trong những ngày đầu nhập ngũ đã để lại trong tôi những kỷ niệm vui buồn, những ấn tượng khó phai về sự nồng ấm, chân thành của tình đất, tình người trên mảnh đất miền Trung cát trắng, gió lào.

        Đầu tháng 2 năm 1961 tôi có mặt tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để nhập học. Hơn 60 người thuộc các thành phần của các trung đoàn rađa được tập trung về đây để học tập. Toàn bộ học viên khóa học của chúng tôi biên chê thành một đại đội, đóng quân cạnh Đại đội rađa 14, một đơn vị của Trung đoàn rađa 290.

        Đại đội 14 có hai loại rađa P8, P10 đang làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, đây là một thuận lợi cho chúng tôi trong quá trình học tập. Đại đội học viên của chúng tôi được biên chế làm 3 trung đội, mỗi trung đội có 3 tiểu đội để vừa tiện quản lý, vừa học chiến thuật bộ binh được thuận lợi. Thời gian chúng tôi học tập là 9 tháng, vì là binh chủng kỹ thuật nên tiểu đội trưởng cũng là trưởng kíp trắc thủ của đài rađa. Người tiểu đội trưởng của đơn vị rađa sử dụng khí tài, trang bị hiện đại đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật, chiến thuật; đồng thời, phải nắm chắc điều lệnh, điều lệ, cách quản lý vũ khí, khí tài, quản lý con người để vừa phải bao quát công việc như một tiểu đội trưởng bộ binh, lại phải nắm chắc kĩ thuật để quản lý tốt khí tài, trang bị hiện đại, bảo đảm luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
 
        Tuy nói là khóa học tập trung, quân số ở các đơn vị cử về, nhưng thực chất chúng tôi đóng phân tán trong nhà dân, sống trong tình yêu thương, giúp đỡ của nhân dân ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tuy học tập vất vả nhưng chúng tôi thấy rất vui, vì vừa hoc tập chuyên môn, vừa được thực hành công tác dân vận. Mọi sinh hoạt, hoạt động trên các mặt công tác chúng tôi đều thi đua nhau làm tốt. Vệ sinh trong nhà dân, ngoài xóm ngõ vào các buổi chiều thứ sáu, giúp các gia đình neo đơn tăng gia sản xuất, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân. Tôi còn nhớ như in những lần Đại đội chúng tôi tổ chức giao lưu văn nghệ với địa phương. Có lần Đại đội dựng một chương trình văn nghệ (tôi có tham gia) đi biểu diễn ở các xã trong huyện như Nghi Hương, Nghi Hải... được lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao và khen ngợi mãi. Đang thời chiến tranh, giặc giã, là người lính bảo vệ bầu trời Tổ quốc, đối đầu với mũi tôn, hòn đạn của kẻ thù, sống chết khôn lường, nên chúng tôi luôn được đón nhận ở các mẹ, các chị và bà con cô bác... tình thương yêu vô bờ bến. Khi kết thúc lớp học chúng tôi trở về đơn vị công tác, nhân dân rất quyến luyến khi chia tay và còn nhớ mãi đến sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2020, 05:44:21 am »


        Sau buổi bế mạc khóa học, tôi và một số đồng chí không được biên chế về đơn vị cũ, mà được điều động đi học tiếp một loại rađa mới (513K) của Trung Quốc tại Trung tâm huấn luyện ở Tư Đình, Hà Nội. Tôi rất phấn khởi vì được cấp trên tin tưởng cho học thêm loại rađa mới. Về địa điểm học mới tôi có thêm niềm vui vì được gần gia đình hơn dù chưa biết có được nghỉ tranh thủ để thăm gia đình không.

        Con đường binh nghiệp của tôi từ đây như đã được xác định. Khi bước vào học tập tôi đã xác định học cho tốt để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao nên tôi lao vào học tập say sưa. Giáo viên là chuyên gia của bạn, chúng tôi phải học qua phiên dịch nên thời gian học dài gấp đôi. Tôi đã tranh thủ học ngày, học đêm, nắm chắc được tính năng kỹ thuật, chiến thuật của loại vũ khí mới. Sau khi về Trung tâm huấn luyện học được một tháng, tôi viết thư về nhà, mẹ và vợ tôi biết tin lên thăm ở Trung tâm huấn luyện.

        Thời gian học ở Hà Nội, tôi có một kỷ niệm vui là một lần tôi xin nghỉ phép đúng dịp cháu gọi tôi là chú quê ở Quế Võ, Bắc Ninh đi lấy chồng. Do bố cháu mất sớm, tôi là Trưởng họ lại là chú của cháu (chú cũng như cha) nên đại diện thay cho bố cháu. Vì còn trẻ, lại không quen với việc tổ chức lễ nghi theo phong tục cưới xin ở quê, lúc đầu tôi rất lo và lúng túng, nhưng may được mọi người trong gia đình hỗ trợ rồi mọi chuyện cũng diễn ra suôn sẻ. Đến nay cháu tôi đã là mẹ của 6 đứa con, có cháu nội, cháu ngoại đầy đủ.

        Kết thúc lớp học, tôi trở về đơn vị, được biên chế vào Trạm kỹ thuật thuộc Trung đoàn rađa 290. Biên chế là vậy, nhưng tôi được cử đến Trạm kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Phòng không để học tập thêm. Trạm kỹ thuật nằm trong khuôn viên của một gia đình giàu có đã bỏ lại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gần đình làng Khương Thượng (nay là khu tập thể K40B của Quân chủng Phòng không - Không quân). Tôi được biên chế học thợ cơ khí, thợ điện, suốt ngày tiếp xúc với mặt phẳng, mỏ hàn, động cơ biến thế. Lúc đầu tôi rất băn khoăn, tưởng chừng như công việc này không liên quan gì đến nhiệm vụ kỹ thuật của đơn vị rađa. Song, tôi suy nghĩ, mọi khóa học trước tôi đều đạt kết quả cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, việc tổ chức tuyển chọn đi học lần này chắc có sự tính toán do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị nên tôi xác định quyết tâm, bất cứ việc gì cũng sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành tốt. Sau này khi trở về làm đúng chuyên môn tôi mới hiểu rõ việc học thêm thợ cơ khí, thợ điện là bổ sung thêm tay nghề cho tôi, dể vững vàng trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

        Tháng 1 năm 1962, tôi học tập xong. Đúng 8 giờ sáng ngày 20 tháng 1 đồng chí Trạm trưởng Trạm kỹ thuật Trần Văn Đức, được phép của Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho 2 trạm kỹ thuật thuộc Trung đoàn rađa 290 và Trung đoàn rađa 291: mỗi trạm nhận 2 xe công trình (1 xe công trình điện, 1 xe công trình cơ khí). Nhận nhiệm vụ xong, chúng tôi sẵn sàng ở tư thế hành quân. Đúng 9 giờ chúng tôi đội ngũ chỉnh tề nhận nhiệm vụ và lên xe, hành quân theo quốc lộ số 1 về thành phố Vinh. Thời gian này, nói là Trạm kỹ thuật ai cũng tưởng thuộc ngành kỹ thuật riêng, nhưng không phải biên chế như vậy mà chỉ là bộ phận kỹ thuật nằm trong ngành hậu cần, vì biên chế trong mỗi trung đoàn rađa chỉ có 3 cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần.

        Làm công tác kỹ thuật là niềm yêu thích đôi với tôi vì được nghiên cứu khám phá, khai thác khí tài, trang bị kỹ thuật hiện đại, nhưng mỗi khi không giải quyết được công việc tôi cảm thấy rất áy náy, khó chịu. Vì cả trung đoàn chỉ có hai, ba đồng chí kỹ sư mà các đồng chí này chủ yếu đi sâu vào quản lý, còn sửa chữa chủ yếu là thợ và kỹ thuật viên có trình độ trung cấp nhưng cũng rất ít. Hàng năm, đội ngũ thợ chúng tôi đều được thủ trưởng trung đoàn biểu dương, đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Tháng 12 năm 1963, tôi vinh dự được Chi bộ Trạm kỹ thuật Trung đoàn rađa 290 kết nạp vào Đảng. Người giới thiệu tôi là Trạm trưởng Trạm kỹ thuật Phạm Đình Tính và kỹ thuật viên Nguyễn Đình Kỳ. Việc phấn đấu vào Đảng của tôi cũng mất thời gian khá dài. Từ khi nhập ngũ vào bộ đội, ở mọi cương vị công tác tôi luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nhưng vì tôi luôn phải thuyên chuyển nhiều đơn vị, không có đơn vị nào tôi ở được một năm, mà theo Điều lệ Đảng qui định, phải có ít nhất một năm cùng làm việc, sinh hoạt mới được bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp vào Đảng. Tôi suy nghĩ, mình cứ yên tâm phấn đấu, cống hiến phục vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho, đó chính là thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phấn đâu suốt đời, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sớm hay muộn tổ chức Đảng sẽ xem xét kết nạp. Thời gian tôi công tác ở Trạm kỹ thuật Trung đoàn rađa 290 được hơn một năm, đang làm các thủ tục kết nạp vào Đảng thì tôi lại có lệnh thuyên chuyển về Trạm kỹ thuật Trung đoàn rađa 291. Tôi được Chi bộ Trạm kỹ thuật
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 07:59:17 pm »


        Trung đoàn rađa 290 đề nghị Đảng ủy cấp trên cho phép tôi được kết nạp Đảng rồi mới đi nhận nhiệm vụ.

        Buổi lễ kết nạp thật là trang nghiêm, xúc động đối với tôi vì lý tưởng, hoài bão hướng tới của bản thân đã đạt được. Tôi nhớ mãi lời hứa quyết tâm trước Đảng kỳ, lúc bình thường tôi học thuộc, đọc khá trôi chảy, thế mà lúc đó, giờ phút đó tôi xúc động quá nên đọc ngắc ngứ mãi. Trong suy nghĩ của tôi, Đảng là linh hồn, là cuộc sống, Đảng là người đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Tôi nguyện đi theo Đảng là đi theo con đường hạnh phúc, con đường đúng đắn nhất, cho dù phải phấn đấu hy sinh, gian khổ để đạt được. Bản thân tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, niềm tự hào cao nhất để tôi được cống hiến, được phục vụ cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không vì danh lợi của cá nhân. Chỉ có đi theo Đảng thì bản thân tôi, gia đình và quê hương tôi mới thoát khỏi cảnh đói khổ, lầm than mà những năm tháng tuổi thơ của tôi đã chứng kiến.

        Khi về nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn rađa 291 tôi thấy phấn khởi và không bận tâm lo nghĩ gì, vì trước đó tôi đã có thời gian ngắn được sống ở đây để làm công tác chuẩn bị nhận khí tài, hành quân vào tỉnh Quảng Bình nên phần lớn anh em trong đơn vị đã quen biết nhau.

        Thời gian này, Trung đoàn đóng quân tại sân bay Gia Lâm. Tôi tiếp tục được biên chế về Trạm kỹ thuật thuộc Ban Hậu cần của Trung đoàn. Đồng chí Nguyễn Đăng Đệ làm Trạm trưởng. Anh là người Hà Nội, dáng rất thư sinh, trắng trẻo, giọng nói dịu dàng, rất tình cảm và có trình độ kỹ thuật tốt, quản lý khoa học mẫu mực.

        Về trạm, tôi được Trạm trưởng phân công vào tổ cơ điện, chuyên môn sửa chữa động cơ, biến thế, mỏ hàn... Đối với tôi, đây là công việc cũng khá quen thuộc, bất cứ công việc gì, nhiệm vụ gì, dù khó khăn thế nào tôi cũng sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành với mục tiêu đạt kết quả tốt nhất. Lúc này tôi không còn là một quần chúng, mà đã là một đảng viên của Đảng, trách nhiệm trước chi bộ và đơn vị nặng nề hơn, những công việc dù nhỏ nhất cũng phải phấn đấu hoàn thành tốt.

        Tôi nhớ có một việc tuy nhỏ nhưng giải quyết được công việc lớn của đơn vị. Hồi ấy rađa loại 406 của Trung Quốc to kềnh càng nhưng bắt được mục tiêu ở cự ly xa đến 400km. Loại rađa này bạn giúp ta khí tài và một số phụ tùng kèm theo, nhưng khi phụ tùng hết thì không có để thay thế. Đó là trường hợp một cái biến thế để sinh phân vạch cự ly của màn hình trắc thủ số 1, ở xưởng cũng như ở các đơn vị quấn đi, quấn lại nhiều lần mà phân vạch cự ly vẫn cứ tách làm đôi, gây khó khăn cho việc xác định chính xác cự ly mục tiêu của trắc thủ. Tôi suy nghĩ, chắc phải có bí quyết gì? Xem trên sơ đồ mạch không có gì thay đổi mà sao quân theo vẫn không được. Tôi nảy ra ý định đến Trạm rađa 19 cũng có máy 406 (đơn vị đang đóng quân ở Quảng Xương - Thanh Hóa). Tôi đã nghiên cứu tháo đếm các vòng, tìm ra bí quyết quấn khoảng 1/3 (gần 1.000 vòng) thì quấn ngược lại 5 vòng xong lại quấn tiếp. Tôi về trạm làm theo bí quyết đã tìm đem lắp cho Trạm rađa 13 đang đóng quân ở Đồ Sơn - Hải Phòng, ở đó có rađa cùng loại đang làm vice kém chất lượng. Sau khi lắp xong, máy làm việc rất tốt. Tôi báo cáo với đồng chí Trạm trưởng, đồng chí rất vui mừng và động viên tôi làm thêm một số biến thế dự trữ cho máy. Việc mày mò làm công tác kỹ thuật của tôi dược thủ trưởng các cấp chú ý và khen ngợi, tạo điều kiện giúp đỡ tôi. Được cấp trên động viên, khích lệ tôi lại càng hăng say, không chỉ trong công tác kỹ thuật mà cả các cung tác khác tôi được đồng chí, đồng đội quý mến. Từ năm 1962 đến năm 1965 tôi liên tục được bầu là Chiến sĩ thi đua và được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng của Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Tháng 6 năm 1965, tôi đang đi công tác bảo quản định kỳ máy cho Đại đội rađa 18, đóng quân ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa thì có lệnh về Trung đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi từ Thanh Hóa về Hà Nội, tôi luôn suy nghĩ xem mình được cấp trên giao nhiệm vụ gì. Lung mung lắm nhưng tôi chẳng nghĩ được gì. Về đến Trung đoàn, tôi được đồng chí Chính ủy Hoàng Khoát giao nhiệm vụ làm Đài trưởng Đài rađa P12 đi phối thuộc chiến đấu trực tiếp cùng với một đơn vị đặc biệt. Khi giao nhiệm vụ đồng chí Chính ủy nói, đơn vị này rất đặc biệt nên khi đi cùng phải tự xử lý mọi tình huống và thực hiện tốt sự chỉ huy chiến đấu của đơn vị bạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 07:59:40 pm »

   
        Nhận thức đây là nhiệm vụ rất quan trọng, vì ở đơn vị rađa có bao giờ phải hành quân gấp như thế đâu; do vậy tôi đã xin Trung đoàn cho tập luyện thao tác thu hồi, triển khai anten ban ngày, ban đêm cho nhanh chóng, chuẩn xác, bắt mục tiêu thông báo kịp thời. Chúng tôi đã ra sức tập luyện chờ ngày đi làm nhiệm vụ. Đó là một ngày tôi không thể nào quên - ngày 20 tháng 7 năm 1965, chúng tôi được lệnh đi làm nhiệm vụ. Là một chuẩn úy chuyên nghiệp, được cấp trên tin tưởng giao phụ trách một đài rađa, cùng kíp trắc thủ, tôi thấy phấn khởi, tự hào nhưng cũng rất lo vì đây là một nhiệm vụ nặng nề. Nói về chuyên nghiệp quân sự lúc đó, chuẩn úy cũng gọi là sĩ quan nhưng chỉ được đeo quân hàm có một gạch (chúng tôi thường gọi đùa là "một gậy") không có sao, lương hằng tháng nhận không theo quân hàm. Quân nhân chuyên nghiệp được mặc bộ quần áo "ống túm", ống quần may không khác gì ông tay áo; quần áo được "pích kê" đầu gối, mông, khuỷu tay để chống rách, vì vải không có độ bền, đẹp như bây giờ. Khi hành quân chúng tôi đi bằng hai xe (1 xe đài và 1 xe anten), mỗi xe phải kéo theo một máy nổ loại AĐ10. Khi đi có xe kéo hành quân rất nhùng nhằng, khó đi mà đường thì lại hẹp, có lúc vào đường rừng, có đoạn là đường mới làm, lại hành quân ban đêm nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với ý chí quyết tâm sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi đã đến địa điểm đúng thời gian, triển khai chiến đấu nhanh chóng, chính xác, sẵn sàng chờ lệnh bắt mục tiêu thông báo cho các đơn vị hỏa lực súng, pháo phòng không và loại vũ khí phòng không mới.

        Trung đội rađa của chúng tôi phối thuộc với đơn vị X, sau này tìm hiểu mới biết đó là Tiểu đoàn tên lửa 61 thuộc Trung đoàn tên lửa 236. Đây là trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng, chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ, gồm 4 tiểu đoàn hỏa lực: Tiểu đoàn 61, Tiểu đoàn 62, Tiểu đoàn 63, Tiểu đoàn 64 và một tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất lắp ráp đạn tên lửa: Tiểu đoàn 65. Từ đầu tháng 5 năm 1965, Trung đoàn tên lửa 236 đã triển khai huấn luyện chiến đấu dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Sau hơn 2 tháng huấn luyện, giữa tháng 7 năm 1965, các tiểu đoàn tên lửa ra quân chiến đấu; trong đó Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 vinh dự được ra quân đánh trận đầu. Do lực lượng tên lửa phòng không của ta còn rất mỏng, lần đầu tiên xuất hiện tại chiến trường Việt Nam nên triển khai chiến đấu theo chiến thuật đánh phục kích, bí mật, bất ngờ, phải cơ động hành quân di chuyển trận địa liên tục sau mỗi trận đánh. Một tiểu đoàn tên lửa hành quân chiến đấu có mấy chục xe kéo, là những xe bịt bạt, bịt sắt, đi đến đâu đều có những chiến sĩ công an, dân quân canh gác dọc đường. Xe chúng tôi đi trong đội hình của Tiểu đoàn 61, ngồi trên xe hành quân thấy thật kiêu hãnh và tự hào.

        Ngày 24 tháng 7 năm 1965 đã đi vào lịch sử của Bộ đội Tên lửa và Quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng, hai tiểu đoàn tên lửa 63 và 64 ra quân đánh trận đầu đã lập công xuât sắc bắn rơi tại chỗ một máy bay Mỹ trên vùng trời Ba Vì, Hà Tây. Ra quân đánh thắng trận đầu có ý nghĩa rất sâu sắc về tinh thần của bộ đội, vừa tạo niềm tin vào vũ khí, trang bị hiện đại; tin vào khả năng khai thác sử dụng vũ khí hiện đại của bộ đội ta, đồng thời viết tiếp truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội Pháo phòng không ngày 5 tháng 8 năm 1964, của Bộ đội Không quân ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965. Đây là chiến công khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh, có vũ khí hiện đại để vít đầu bọn giặc trời đang làm mưa, làm gió trên bầu trời miền Bắc của chúng ta. Trong suốt quá trình tham gia phối thuộc chiến đấu chúng tôi có nhiều kỷ niệm thú vị. Mỗi khi đánh xong một trận cấp trên hay có lệnh di chuyển các đơn vị nên nhiều khi các đồng chí tên lửa đi lúc nào chúng tôi không hay biết. Khi chúng tôi nhận được lệnh hành quân di chuyển thì các đồng chí đó đã đi hết rồi. Cũng đúng thôi, vì chúng tôi còn phải trinh sát trên không để các đồng chí ấy thu hồi khí tài và hành quân được an toàn. Đến trận địa mới quy định bảo mật cũng nghiêm ngặt lắm, nên chúng tôi chẳng biết đơn vị các đồng chí đó ở đâu, chỉ khi tên lửa bắn lên thì mới biết tên lửa ở gần mình quá mà không hay biết gì, việc ngụy trang của trận địa tên lửa rất kín đáo nhằm tránh sự phát hiện đánh phá của không quân Mỹ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM